Số lần đọc/download: 2929 / 66
Cập nhật: 2016-06-17 07:58:28 +0700
Chương 2
N
hững năm cách đây rất xa, xa lắm.
Ở thị trấn Bến Cam, mỗi năm cứ đến ngày gần Tết người ta lại thấy ông lão già ấy. Không ai biết quê quán ông lão ở đâu, họ tên ông lão là gì. Nhưng mỗi năm vào dịp Tết người ta lại thấy ông lão đẩy cái xe bánh gỗ lọc khọc đến, ăn mấy phiên chợ Tết, qua Giêng, ngày rộng tháng dài lại đẩy cái xe bánh gỗ lọc khọc đi...
Cũng chẳng ai để ý hỏi xem ông lão đi đâu? Đến những vùng sơn cùng thủy tận nào? Chỉ biết cuối năm người ta lại thấy ông lão.
... Một buổi sáng đẹp trời nào đó, sương mù và nắng sớm bay rực rỡ ưên mặt sông. Gồng gánh, hàng họ từ trên các ngả đường kĩu kịt gánh về, và thuyền bè dưới bến đổ lên những kiện hàng, những bồ, những sọt, cam, bưởi, nấm hương, mộc nhĩ... Cả cái thị trấn nhỏ bé ấy đang tấp nập mua bán, mọi người bỗng nghe tiếng thanh la từ phía sau mấy lớp đồi núi ngổn ngang trước mặt nổi lên.
"Phe è... èng!... Phè è... èng!... Phèeng!..."
Tiếng thanh la mỗi lúc một gần, rồi ông già hiện ra trên đầu dốc Đỏ. Ông lão đẩy cái xe hăm hở đi xuống. "Phèeng! Phèng! Phèng!..." Cái xe lọc khọc nghiêng ngả lăn giữa hai dãy bàng trụi lá, vào phố.
Trẻ con không biết từ những ngõ ngách nào đã thấy tuốn ra đầy đường, nhông nhông chạy theo ông lão mà reo hò.
- A ha!... Ra mà xem! Múa rối! Múa rối đã về chúng mày ơi!...
- Cụ ơi!... A ha ha! Cụ múa rối ơi! Vẫn có anh chàng hiệp sĩ đấy chứ?...
Ông lão vừa đẩy xe vừa gật gật đầu cười với đám trẻ con chạy theo. Đó là một ông già cao lớn, khỏe mạnh, có nước da đỏ cháy như đồng hun và bộ râu bạc trắng bay lòa xòa trước ngực. Ông lão vận chiếc áo bông cũ, buộc ra ngoài một sợi dây chuối ngang bụng cho gọn. Chiếc nón mất vành thì tụt xuống, lắc lư đằng sau gáy. Ông lão bước từng bước dài, hăm hở, vững chãi trên hai cái bàn chân to sù sì dính đầy đất bụi.
Ông lão ấy làm nghề múa rối rong. Trong con mắt trẻ con ở cái thị trấn nhỏ này, chúng nó cho ông lão là một người kỳ dị. Một tay giang hồ lão luyện, biết nhiều, hiểu nhiều, có nhiều tài lạ.
Và, cái xe ọp ẹp ông lão vẫn đẩy ấy là một thứ thế giới bí mật của những con rối bằng gỗ.
Ông cụ già, cái xe gỗ, và đám trẻ con đã dừng lại dưới một gốc cây thông trước cổng chợ. Tiếng thanh la lại khua ánh ỏi lên một hồi nữa rồi im hẳn.
Bây giờ ông lão mới quay ra, rút cái khăn vải vàng ố vẫn vắt trên vai xuống, lau mặt, lau cổ, toét miệng cười với đám trẻ con.
- E hèm! Xem nhá! Năm nay nhiều tích mới lắm. Đám cưới chuột, cô công chúa ăn vụng phải đòn, thằng Quậy ngồi gốc cây đa, anh chàng đánh hổ, ối chà chà lý thú lắm!
Đám trẻ con đứng xung quanh ngẩn mặt ra nghe toét miệng cười theo.
Cuộc biểu diễn bắt đầu. Ông lão dẫn các tích trò xong chui vào trong cái hòm gỗ ngồi. Tiếng đàn sáo tức thì bay ra réo rắt, một lúc, hai cánh màn nhiễu đỏ ở một bên thùng xe từ từ cuốn lên.
Trong cái hòm gỗ ọp ẹp ấy bỗng hiện ra những cảnh hoa cỏ, núi sông rực rỡ. Có những cụ già chống gậy lụ khụ đi lại. Có những em bé nhảy múa tung tăng. Có người đi cày, có người dạy học. Có rắn biết nói, có yêu ma hiện thành người đánh lừa những kẻ qua đường.
Ở trong cái hòm gỗ, ông già lúc bấy giờ bỗng như người bị ốp đồng, ông lão không còn biết gì đến xung quanh nữa. Giữa cái đám chợ đương lúc ồn ào mua bán, giành giật nhau miếng sống với tất cả những mánh khóe lọc lừa gian dối của con buôn, ông lão không nghe thấy gì hết. Tất cả tâm lực của ông dồn vào những con rối. Mặt ông co vào, giãn ra, răn rúm một cách khổ sở đau đớn, như người đang bị kìm cặp, và hai con mắt thì long lên, sáng quắc.
Ông lão hát, ông lão đánh đàn thổi sáo. Ông lão làm tiếng gió thổi, suối reo. Ông lão cười. Ông lão khóc.
Một mình ông lão nói đủ các loại tiếng người. Tiếng kẻ gian tham, tiếng người trung hậu, tiếng ông già, tiếng em nhỏ. Tiếng rên xiết của người nghèo khổ, cũng như tiếng nanh ác của những kẻ giết người... Ông lão lúc bấy giờ như một vị chúa tể của loài rối, có nhiều phép lạ sai khiến chúng nó hoạt động, đi đứng, nói cười, vui buồn, yêu ghét... theo ý muốn của mình bằng mười đầu ngón tay ảo thuật có buộc những sợi dây chỉ nhỏ. Ông lão biến những hình người bằng gỗ ấy thành những con người có linh hồn như những con người sống thực.
Đám trẻ con ngồi xem cứ mê tít đi. Các em không còn thấy là diễn trò nữa. Trước mặt các em đó là những cảnh đời đang biến đổi dồn dập làm các em hồi hộp, lo lắng, mong đợi... Mỗi tích các em thấy mỗi lạ, mỗi con rối có một tính cách đặc biệt riêng làm các em phải ghi nhớ!
Nhưng trong tất cả các con rối của ông lão, có một con được trẻ con thị trấn Bến Cam yêu thích, mến phục nhất. Các em đã biết nó từ mấy năm trước và luôn luôn nhắc đến. Ấy là con rối chuyên đóng vai hiệp sĩ cứu đời.
Con rối ấy rất đẹp. Hình dáng giống như hình dáng những trang anh hùng, nghĩa sĩ trong các truyện cổ của Trung Quốc. Mặt trắng, môi đỏ, cằm vuông, mắt xếch. Đầu đội mũ võ sinh màu nguyệt bạch, sau gáy đeo đại vòng kim tuyến phủ, mình bận chiến bào lụa màu lục anh vũ, lưng thắt dây văn võ màu xanh, chân dận ủng tía. Trên vai lúc nào cũng dắt một thanh bảo kiếm, có thắt dải lụa hồng ở chuôi. Nó đi đứng oai nghiêm, nói năng dõng dạc, rõ ra là một trang thiếu niên anh tuấn.
Mỗi lần anh chàng hiệp sĩ ấy hiện ra trên sân khấu, vung cái thanh gươm báu ấy lên thì bao nhiêu sự bất công, ngang trái ở trên đời đều được san bằng hết. Người ngay lành được cứu giúp, đứa hung ác phải trừng trị.
Sau buổi diễn trò hôm ấy, trẻ con thị trấn Bến Cam nhớ mãi tích Anh chàng hiệp sĩ đánh hổ cứu một em bé lên rừng hái thuốc cho mẹ. Các em đặt cho anh ta đủ các thứ tên mà các em mến phục. Có em gọi anh là Võ Tòng đả hổ, có em gọi là Báo tử đầu Lâm Xung, là Phương Thế Ngọc, Tiêu Đại Bàng, Nhất Chi Mai... Lại có những em về nhà lấy củi hì hụi đẽo một thanh kiếm gỗ mơ ước trở thành một trang anh hùng hiệp sĩ kiểu như Anh chàng hiệp sĩ bằng gỗ của ông lão làm nghề múa rối rong ấy...