What holy cities are to nomadic tribes - a symbol of race and a bond of union - great books are to the wandering souls of men: they are the Meccas of the mind.

G.E. Woodberry

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Buusan Nguyen
Upload bìa: Nguyen Chi Hai
Số chương: 12
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2250 / 39
Cập nhật: 2018-02-01 09:48:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
ựu trường.
Dường như trời luôn thật đẹp trong ngày ấy. Nắng vàng hơn, lá xanh hơn, những mái tóc đen nhánh, những gương mặt hồng hào, quần áo mới, cặp vở mới, giày dép mới, tiếng nói cười ríu rít, náo nhiệt… Ngôi trường bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài, ngạc nhiên rồi mỉm cười nhận ra tất cả những thân quen lại trở về với mình. Cũng vẫn là những gương mặt ấy, nhưng hết thảy đều có vẻ “người lớn” hơn, tinh khôi hơn.
Theo thông lệ, nhóm 4H đứng chờ nhau trước cổng trường. Hân đến sớm nhất. Từ ngày đầu tiên biết đi học, ngày tựu trường bao giờ cũng là một sự kiện lớn với Hân. Mọi chuẩn bị đã diễn ra trước đó nhiều ngày, nhưng không hiểu sao vào đêm trước ngày khai trường, Hân luôn trằn trọc, nôn nao. Buổi sáng ấy, bao giờ Hân cũng thức thật sớm, trước cả mẹ. Quần áo là sẵn treo trên các móc, cặp vở đặt ngay trên bàn, giày dép thì dưới chân, vậy mà Hân vẫn lục đục hồi lâu. Và, bao giờ cũng vậy, mẹ sẽ dậy, chuẩn bị bữa sáng cho Hân - dù từ lâu Hân đã biết làm việc này - rồi đưa Hân ra cổng, âu yếm chúc con một năm học mới thật tươi đẹp. Còn ba? Hân đi xe đạp, và hôm trước ngày khai trường, bao giờ ba cũng dành một buổi để tổng kiểm tra chiếc xe sao cho thật ngon lành, an toàn. Dù chỉ là con của một gia đình viên chức bậc trung, bao giờ ngày đầu năm học, Hân cũng đến trường với những trang bị mới. Hân thấy mình hạnh phúc không thua bất cứ một đứa bạn nào trong nhóm, dù Hằng, Hoa và Hạ có giàu hơn, “cao cấp” hơn. Có lẽ, chính tình thương yêu và sự chăm sóc chu đáo của cha mẹ đã là nguồn động viên vô hình thúc đẩy Hân luôn cố gắng học và trở thành một trong những học sinh giỏi nhất lớp suốt những năm qua.
Ngày tựu trường năm nay còn mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt với Hân và bạn bè. Đây là ngày tựu trường cuối cùng trong đời học sinh của họ. Hân và các bạn bước vào lớp 12, năm cuối của cấp trung học phổ thông, để rồi chín tháng tới đây, họ sẽ chia tay mỗi người một ngả. Có thể sẽ còn có những ngày tựu trường khác với kẻ này người nọ nếu được học tiếp lên đại học, nhưng lúc ấy, làm sao tìm được cái không khí háo hức, rộn ràng của ngày tựu trường thời trung học xa xưa? Dường như mọi người đều đã để lại rất nhiều sự hồn nhiên, vô tư của mình đằng sau hai cánh cổng trường cấp ba rồi. Mãi mãi.
Hằng đến sau Hân chừng mấy phút. Mới ba tháng mà trông Hằng lạ hẳn. Mái tóc dài buông ngang vai được làm dáng bằng một cây kẹp hoa màu khá đắt tiền. Chiếc áo sơmi trắng rộng, ngắn tay, cắt đúng mode. Chiếc quần xanh đậm, cũng vậy, may rất đẹp, làm tôn hẳn đôi chân thon dài. Hằng và Hạ không chỉ đẹp nhất trong nhóm 4H mà còn trong cả lớp, và thuộc loại có tầm cỡ của cả trường. Hằng đi bộ, nhưng dáng rất phong lưu, đài các. Đúng ra, Hằng luôn đi theo xe con của ba, nhưng vì cô mắc cỡ với bạn bè, nên ba của Hằng luôn cho tài xế bỏ Hằng xuống từ ngã tư trước. Giám đốc một công ty lớn trong thành phố, ông Quang - ba Hằng, là người luôn tỏ ra mạnh dạn trong việc sử dụng những đặc quyền của mình. Ông lập luận công khai rằng ông là cán bộ có trách nhiệm cao và làm được nhiều việc quan trọng, thì đương nhiên phải được hưởng những đặc quyền tương xứng. Ông đi xe con, làm việc trong phòng riêng với đầy đủ tiện nghi cao cấp, chỉ hút thuốc 555 và uống nước suối Liên Xô…, nhưng nhờ vậy mà công việc của ông trôi chảy tốt đẹp, có hiệu quả và năng suất cao hơn, thì không có lý do gì Đảng và Nhà nước, nhân dân lại từ chối với ông những tiện nghi đó.
Cái lần một tờ báo đăng ảnh một chiếc xe công đến đón con một giám đốc trước cổng trường rồi bình luận phê phán, ông Quang đọc xong bảo tài xế đến đón Hằng ngay trước cổng trường, xem thử đứa nào sẽ đăng ảnh ông cho biết. Ông tức giận nói tại sao người ta cứ ép mình theo những khổ hạnh hình thức, trong khi làm việc thì hiệu quả chẳng ra gì, còn lãng phí gấp bội phần. Việc gì lại đi phê bình hạ nhục một giám đốc trên mặt báo khi ông ta kết hợp trên đường đến sở cho phép con mình được theo xe đến trường?
Lần ấy, Hằng cũng đọc báo, đồng thời cũng nghe lũ bạn trong lớp xầm xì. Lựa lúc ba vui, Hằng ngỏ lời xin phép được đến trường bằng xe đạp, như bạn bè. Ông Quang nghiêm ngay nét mặt:
- Ba đã nhiều lần nói với con, đường phố bây giờ chạy xe chẳng có luật lệ gì cả, mỗi lần ra đường là một lần mạo hiểm. Con là đứa con duy nhất của ba mẹ, ba không dám cho con mạo hiểm hằng ngày như vậy, khi còn có thể lo cho con. Nhiệm vụ của con là phải cố gắng học, đừng để thua sút bạn bè. Còn trong cuộc sống, con có được gì hơn bạn bè thì cứ yên tâm hưởng. Đừng mong có, và cũng đừng nên phấn đấu cho một xã hội bình đẳng tuyệt đối. Chuyện đó chỉ có trong lý thuyết và cũng chẳng kích thích gì cho sự tiến bộ của xã hội. Sự cào bằng về phân phối, đó là cái hại lớn nhất đã cào bằng luôn mọi trí tuệ và nỗ lực cá nhân.
Ba là thần tượng của Hằng nhưng đồng thời cũng là người bạn lớn của cô, người mà cô có thể tranh luận rất dân chủ về nhiều vấn đề. Nên Hằng đã rất tự nhiên đặt câu hỏi với ba:
- Nhưng ba là người cộng sản mà?
Ông Quang nhìn con chăm chú:
- Thì sao? Người cộng sản phải là người làm việc có năng suất và hiệu quả cao nhất. Xã hội của người cộng sản phải là xã hội phồn vinh nhất và được tổ chức cao nhất, trong đó mọi người đều có đầy đủ cơ hội để thi thố năng lực của mình, và được đối xử thích đáng tùy theo sức đóng góp. Một sự cào bằng máy móc sẽ đưa đến hậu quả trái ngược với những lập luận trên. Và thực tế cho thấy đất nước ta đã đói nghèo đến mức tàn mạt chỉ vì quan niệm cào bằng ấu trĩ đó.
Hằng vẫn chưa chịu thua:
- Nhưng như vậy tức là “ông cộng sản ba” vẫn chấp nhận có người giàu kẻ nghèo, có những giai cấp khác nhau cùng tồn tại trong xã hội?
Ông Quang nhún vai:
- Có người giàu kẻ nghèo còn hơn là tất cả cùng đi ăn mày. Phải có cái trước mắt rồi mới có cái lâu dài. Chưa biết ngồi đã đòi biết chạy, thì té lộn cổ là phải rồi, đúng không cô “cộng sản con”?
Từ ngày Hằng được kết nạp vào Đoàn thanh niên cộng sản, ông Quang và cô vẫn thường gọi đùa nhau như vậy mỗi khi họ tranh luận về những vấn đề chính trị. Hằng không bao giờ tranh cãi thắng được ba. Những dẫn chứng của ông bao giờ cũng rõ ràng, đanh thép. Tất nhiên, bởi vì cô “cộng sản con” chưa có một chút xíu nào của cái gọi là “thực tế cuộc sống”. Thường phải ấm ức chịu thua, nhưng tự thâm tâm Hằng vẫn cảm thấy ở ba mình có một cái gì đó không ổn lắm. Nếu mọi điểm đều quy về năng suất và hiệu quả, thì cho tới nay, chủ nghĩa xã hội có gì là ưu việt và cần thiết đến mức không thể có con đường khác? Và một người được nhìn nhận là rất có năng lực như ba của Hằng, thì sẽ có thể sống bất chấp rất nhiều quy định không?
Sáng nay, khi xe vừa dừng, ông Quang rút trong túi ra một xấp giấy hai nghìn đồng đưa cho Hằng, nháy mắt:
- Đầu năm học thường phải tiêu nhiều. Con cầm mấy đồng này xài đỡ.
Hằng từ chối:
- Mẹ đã cho con rồi.
- Thôi mà, cầm giùm ba đi mà. Mẹ con hà tiện thấy mồ! Làm sao con đủ xài? Ba muốn gì, con biết rồi mà…
Điều này thì Hằng biết rất rõ. Ba không bao giờ muốn Hằng phải thua kém ai. Ngay từ những ngày Hằng còn nhỏ xíu, ông Quang chưa làm giám đốc, gia đình chưa khá như bây giờ, ông vẫn luôn cố gắng thực hiện điều mong muốn đó, trong khả năng cao nhất. Ông thường nói với mẹ Hằng, thua kém người khác là một mặc cảm rất nặng nề mà ông đã phải chịu suốt thời thơ ấu. Ông đã nỗ lực hết mình để con ông không còn phải mang mặc cảm ấy.
Trước kia, đôi khi Hằng cũng thắc mắc khi thấy cuộc sống của nhà mình quá thuận tiện, dễ dàng. Khi cô bắt đầu lớn lên, ông Quang lên phó giám đốc rồi giám đốc, gia đình cô hầu như không còn thiếu một thứ gì gọi là phương tiện sống hiện đại. Đến nhà bạn bè chơi, cô ý thức rất rõ sự giàu có của nhà mình. Chỉ riêng bản thân cô đã đủ: cô có phòng học riêng trang bị đầy đủ, có đàn piano dù cô chỉ học cho biết với cô giáo dạy tư… Với phương châm không để cô phải thua kém ai, hầu như cô cần gì là có nấy.
Có lần Hằng đánh bạo hỏi ba xem lương của ông một tháng là bao nhiêu. Ông Quang cười cười:
- Chà, hôm nay lại truy đến lương của ba kia à? Bao nhiêu hả? Tất nhiên là cao nhất trong toàn công ty. Nhưng con nên nhớ, thời buổi này không có người nào sống nổi bằng đồng lương đâu, phải đi làm lậu, làm thêm, hay đi buôn lậu, đi bán chui, mánh mung, thu vén. Còn ba, thuộc diện ngoài lương, phải có bổng lộc. Đó là những thu nhập từ chức vụ đưa lại.
Hằng không buông tha cho ba:
- Như vậy là không công bằng, là lạm quyền, là…
Ông Quang nhìn thẳng vào mắt con:
- Con định nói là tham ô chứ gì? Không, không có chuyện đó với ba đâu. Tất cả những gì ba được hưởng, đều đúng những quy định, chính thức hoặc không chính thức. Thậm chí, nếu có ngoài những quy định, thì ba cũng có một nguyên tắc: nó không hại gì đến công việc chung, đến quyền lợi của đơn vị. Không có gì là không công bằng, là lạm quyền cả. Người có những chức vụ quan trọng phải được đảm bảo đầy đủ về cuộc sống thì mới an tâm làm việc và không tiêu cực. Chính bổng lộc đã làm nhiệm vụ đảm bảo ấy, bởi chế độ lương ở nước ra quá sức kì cục, không giống ai. Ba chỉ mong sau này, khi con ra đời, chuyện ấy chỉ còn là chuyện đời xưa…
Rồi ông Quang thở dài, xoa đầu con:
- Con nên nhớ, ba có đủ hai mươi mốt năm chống Mỹ ở sau lưng. Có thể ba có nhiều quan niệm sống và làm việc hơi khác người, nhưng ba không để cho mình có lúc phải tự xấu hổ với quá khứ của mình đâu…
Ba của Hằng là vậy đó.
Hằng do dự chưa cầm tiền thì chú Đăng ngồi băng trước tài xế đã quay lại, cười:
- Hằng được bố cưng quá! Cứ lấy đi cháu, không nên từ chối lòng tốt của người khác, nhất là khi đó lại là bố mình.
Chú Đăng là bạn thân của ba mẹ Hằng từ lúc họ còn ở Hà Nội. Chú vừa xin chuyển được vào thành phố công tác, và trong khi chờ được cấp nhà, chú đến ở tạm nhà Hằng đã được ba tháng nay, trong căn phòng nhỏ trên sân thượng, hằng ngày vẫn thường quá giang xe của ông Quang đi làm. Chú nhỏ tuổi hơn ba Hằng, khỏe mạnh, đẹp trai hơn, và có phong cách sống lịch lãm của người đi học ở nước ngoài nhiều năm. Mỗi sáng, lên sân thượng tưới hoa, Hằng vẫn thấy chú ở trần tập thể dục rất đều đặn, đúng giờ. Chú còn độc thân, đối xử với Hằng rất thân tình, tự nhiên. Gần đây, Hằng thấy có một điều lạ ở chú: qua những lần vô tình chứng kiến chú tập thể dục, dọc hai bên hông, thường có những vết xước nhỏ như có ai có móng tay rất sắc bấu vào. Đôi ba ngày lành lặn rồi lại nổi lên, có hôm đỏ tươi như vừa mới bị. Thắc mắc ấy, Hằng không dám hỏi ai, chỉ tự giải đáp là chắc chú có một cô bồ rất hay ghen. Và mỗi lần nghĩ đến đó, Hằng đã thấy nóng bừng mặt.
Hằng vừa đưa tay cầm tiền của bố thì chú Đăng đã rút trong cặp ra một cây bút máy Parker:
- Chú cũng có món này gọi là quà cho năm học mới của Hằng đây. Bảo đảm bút xịn, tốt cực kì đấy! Không cần học bài, làm vẫn được như thường!
Chú Đăng nháy mắt đưa cây bút cho Hằng. Cả bốn người trong xe cùng cười. Hằng nhận bút, cảm ơn chú, và mở cửa xe, bước ra ngoài.
*
* *
Gặp Hằng, Hân mừng rỡ:
- Hằng! Hằng!
Hai đứa cùng chạy lại, ôm chầm lấy nhau. Trong nhóm 4H, mùa hè Hằng ít được gặp bạn bè nhất. Cô có bà con ở Đà Lạt, Nha Trang và thường đi nghỉ dài ngày ở những nơi ấy. Về việc nghỉ hè, ông Quang cũng lập luận khá khác người. Đã gọi là nghỉ hè, theo ông, tức là phải nghỉ. Không có học tập, sinh hoạt gì cả. Mùa hè vừa qua, Hằng vẫn giữ đúng thói quen mà ba đã tập cho mình, tha hồ đi nghỉ ngơi, giải trí. Nước da cô rám nắng, toàn thân toát lên một sức sống trẻ trung, khỏe mạnh. Trong nhóm 4H, cô lại hơn các bạn một tuổi, nên trông người càng lớn hơn.
Hân buông bạn ra, trầm trồ:
- Con quỷ! Mày lớn quá trời! Mập nữa! Sao hay vậy?
Hằng cười:
- Dễ ợt! Ăn, chơi, nghỉ, ngủ. Mày cũng vậy thôi chứ gì?
Hân chỉ cười, không nói. Là con gái lớn trong một gia đình chỉ sống đủ ăn, dưới Hân còn có ba đứa em, ngày thường Hân phụ giúp mẹ làm việc nhà đã không xuể, chỉ mong có được những ngày hè rỗi rảnh để đỡ đần cho mẹ, có đâu thời giờ và tiền bạc để ăn, chơi, nghỉ, ngủ như Hằng? Thật ra, mẹ Hân không bao giờ bắt Hân làm việc nhà, nhưng tự Hân, Hân thấy không nỡ để mẹ vất vả một mình. Và cũng nhờ luôn cố gắng dành thời gian cho những công việc không tên của mẹ, Hân đã tập được thói quen làm việc giờ giấc rất chặt chẽ, chu đáo, nhanh chóng, ngăn nắp. Nghề nấu ăn của mẹ, Hân cũng được truyền đủ. Trong nhóm 4H, Hân được xem như là người đảm đang nhất. Mẹ của Hằng, Hạ, Hoa đều lấy cô làm gương để nhắc nhở con gái mình.
Hoa thường cười Hân nhất. Mày biết nhiều chuyện, chỉ thêm cực thân. Như tao, khỏi phải lo bị ai nhờ làm chuyện gì. Chưa chắc tao không biết gì, nhưng tốt nhất là hãy cho mọi người nghĩ như vậy. Hân cũng chỉ cười khi nghe bạn nói. Cực với sướng, khôn với dại trong những chuyện như vậy, Hân không quan tâm lắm. Hạ thì nói con nhỏ này số nó rồi sẽ sướng. Nó chẳng thèm tính toán gì, chẳng muốn hơn thua với ai, nhờ vậy khỏi lo toan mệt óc, không chừng lại được trời thương.
Hằng mở cặp lấy ra một tút kẹo cao su, rút một thanh mời Hân. Hân cầm nhưng không ăn, trong khi Hằng đã cho ngay một miếng vào miệng. Từ lâu, nhai kẹo cao su đã là một thói quen của Hằng, nhiều khi coi thật dễ thương mà cũng không ít lần thấy khó ưa, nhất là với con mắt của những người lạ. Mặc kệ, ai nói gì cứ nói, Hằng vẫn nhai đều đều. Buồn buồn, con nhỏ con cong lưỡi thổi cho miếng kẹo trong miệng phồng ra một quả bóng nhỏ, nổ bóc bóc. Có lần, giữa giờ học của cô giáo môn Sinh năm lớp 11, người vẫn được lũ học trò nghịch ngợm gọi là “bà phù thủy áo trắng”, Hằng lơ đễnh cho nổ một quả bóng cao su trên môi. Cô giáo sững người, còn cả lớp thì cố nhịn cười, trong khi Hằng ngồi sượng trân. Bản tự kiểm của Hằng lần đó có ghi rõ: “Cam kết không bao giờ ăn kẹo cao su trong giờ học nữa!”.
Ánh mắt Hằng chợt sáng lên:
- Ê Hân, hai con “bợm” tới kìa!
Hoa chở Hạ chạy tới, trên một chiếc Babetta xám mới toanh. Chiếc xe dừng ngay trước mặt Hằng và Hân. Cả bốn cùng cười toe toét. Nhóm 4H như vậy là đã tề tựu đủ. Diễm Hằng, Thúy Hạ, Ngọc Hoa và Cẩm Hân. Hằng giả bộ trầm trồ:
- Chà, đầu năm học chơi xe mới, ngon há. Tính chơi nổi hả?
Hoa thật tình:
- Chơi nổi cái gì? Xe này bây giờ đâu ai thèm đi!
Hằng dài giọng:
- Ờ, thì chỉ có cửa hàng trưởng mới đi thôi. Rồi mai mốt tha hồ mà dắt đi sửa.
Hoa được bạn bè gọi là “cửa hàng trưởng”, vì mẹ cô có một sạp bán vải ở chợ Tân Định, mà những lúc rảnh cô vẫn thường ra ngồi bán phụ mẹ. Trong nhóm, Hoa mập mạnh, nói năng ồn ào, cười giỡn bạo nhất. Hoa được nhóm 4H phân công làm “trưởng ban đời sống” kiêm “tổ trưởng tổ bảo vệ”. Bọn con trai trong lớp phải nói là ngán mặt Hoa nhất.
Hoa cong môi:
- Tội gì dắt? Có hư thì tao đạp…
- Ờ, ráng mà đạp cho ốm bớt nghe cưng!
Hạ vội vàng can thiệp:
- Nhỏ Hằng này vô duyên! Đầu năm người ta có xe mới mà không biết khen một câu.
- Thì mày được nó chở, mày khen đi!
Hân vội vàng tìm cách xoa dịu tình hình:
- Bố cho tiền mua hả? Bao nhiêu vậy Hoa?
- Tao cũng không rõ. - Hoa nói.- Ông anh đi mua. Hình như ba chỉ rưỡi.
Hân đứng nhìn chiếc xe. Từ lâu, cô vẫn thích có được chiếc xe này. Trông nó gọn gàng, thanh lịch. Và lại rẻ. Hân không thích có những ước mơ quá cao vời. Nhưng ngay cả chiếc xe rất tầm thường với nhiều người này, Hân cũng biết còn lâu mình mới được có. Hân chưa hề dám mở miệng nói cho ba má biết về điều mong muốn này. Vả lại, Hân cũng nghĩ đó chưa phải là nhu cầu bức thiết đối với mình, ngay cả trong những năm đại học sắp đến.
Hằng ném miếng kẹo cao su, kéo tay cả bọn:
- Thôi, tụi mình vào trường đi. Sắp tới giờ rồi!
*
* *
Gần như cả lớp 11A2 của Hân đều lại có mặt đông đủ trong lớp 12A2 mới năm nay. Mới ba tháng mà trông ai cũng lớn hẳn lên, nhất là các chàng trai. Năm mười bốn, mười lăm tuổi, họ chịu thua các cô gái về tốc độ phát triển cơ thể, nhưng bắt kịp và vượt qua ở những năm sau. Hầu như tất cả đều quần áo mới tinh tươm, không chỉ vì cần một chút diện đẹp đầu năm học, mà còn vì cần phải mặc những quần áo vừa vặn hơn. Tiếng cười nói ồn ào vang lên khắp sân trường. Học sinh đã đứng tụ lại theo chỗ quy định của từng lớp, chờ đợi tiếng trống mở đầu năm học mới.
Lễ khai trường diễn ra theo đúng nghi thức thường lệ. Hân bất chợt đưa mắt lướt nhìn toàn cảnh ngôi trường. Thời gian đi qua quá nhanh. Mới đây mà đã hai năm. Dường như hôm nay với hôm khai trường vào lớp 10 chỉ có một khác biệt duy nhất: lúc đó hầu hết những gương mặt này đều chưa quen nhau. Họ được chuyển lên từ nhiều trường cấp hai trong quận. Giờ thì tất cả đều thân nhau, thậm chí có những người nghĩ rằng sẽ chơi với nhau đến suốt cả đời. Nhóm 4H chẳng hạn. Có ai ngờ họ đã… uống máu ăn thề, đứa nào phản bạn cho sau này bị “ống chề”. Tất nhiên, chẳng cô nàng nào dám cắt tay lấy máu. Họ quyết định thay máu bằng xirô dâu, bốn người uống chung một ly rồi áp các lòng bàn tay vào nhau, hứa sẽ kết môđen cho đến ngày đám cưới cháu ngoại còn mời nhau đi.
Thời gian đi qua quá nhanh. Mới ngày nào vào học lớp 10, lớp nhỏ nhất, bọn Hân còn đứng trên cùng, gần khu vực quan khách và thầy cô nhất. Còn bỡ ngỡ trước khung cảnh rộng rãi và vẻ đẹp cổ kính của ngôi trường. Vậy mà giờ đây, họ đã đứng ở khu vực dưới cùng, bình thản và tự tin. Hân chớp mắt. Mẹ vẫn thường cười Hân là con nhỏ mít ướt, vì cái tật hay xúc động của cô. Cảm nhận rất rõ sự đi qua chớp nhoáng của thời gian, Hân chợt nghĩ chỉ chín tháng nữa thôi là mỗi người sẽ mỗi ngả.
Trong khi cô hiệu trưởng đang đọc bài diễn văn thường lệ, Hạ huých tay Hân:
- Ê, lớp mình hôm nay có cu cậu lính mới nào kìa!
Nhìn theo ánh mắt Hạ, Hân thấy một anh chàng lạ mặt, khá cao ráo, đang đứng ở hàng cuối, dáng điệu có vẻ lúng túng thường thấy ở một người bị lọt vào một tập thể xa lạ. Mặt mũi “con ma mới” coi bộ cũng sáng sủa, dễ coi. Tướng tá thì cao ráo, khỏe mạnh. Y ăn mặc khá tươm tất nhưng không được à la mode lắm. Đặc biệt mái tóc y cắt ngắn và dựng đứng y như một cái bàn chải. Thấy mấy cô gái quay lại nhìn, anh chàng càng lúng túng tợn, len lét nhìn đi nơi khác. Hạ cười khúc khích nhưng bụm miệng ngay kịp. Dù sao thì phát biểu đầu năm của cô hiệu trưởng bao giờ cũng mang một ý nghĩa “thiêng liêng” nào đó, dù năm nào cô cũng lặp lại có từng ấy chuyện. Thậm chí, Hạ nghĩ, nếu cô hiệu trưởng này có về hưu hay chuyển đi nơi khác, thì cô hiệu trưởng mới có lẽ cũng sẽ không nói khác hơn. Những học sinh lắng nghe cô một cách nghiêm túc nhất bao giờ cũng là các “em” ở các lớp mới nhất. Thời gian thường khiến người ta làm biếng nghe, nhất là nghe lại những điệp khúc cũ.
Tiếng cười làm một ánh mắt đi tìm ánh mắt Hạ, và đậu lại. Ánh mắt tươi cười làm thay một lời chào, và ve vuốt gương mặt Hạ làm cô cảm thấy da mặt mình ấm lên. Đừng, Hạ không thích giữa đám đông Long nhìn mình như vậy. Long không hiểu rằng Hạ sợ nhất là những lời trêu chọc, cáp đôi của bạn bè hay sao? Có vẻ như Long đã hiểu, và anh lại quay sang trò chuyện với Triệu. Họ là hai người bạn thân, chẳng khác gì Hân với Hạ. Sau lưng Long, Hạ nhìn thấy đủ cả nhóm “ngũ quỷ”: Ngôn, Đức, Hiển, Hùng, Thắng. Như thường lệ, băng quậy này đứng dưới cùng. Lần này, có thêm “con ma mới” đứng với họ.
Ngôn hỏi anh chàng lạ mặt:
- Bạn tên gì?
- Thiện. Còn bạn?
- Ngôn. Ở đâu chuyển về vậy?
- Tôi ở dưới tỉnh. Ba tôi chuyển công tác lên đây.
- Tỉnh nào?
- Hậu Giang.
- Ông già làm lớn hả?
- Cũng thường.
- Thôi mà, dân trong nghề với nhau hết rồi. Ở tỉnh mà chuyển về thành phố thì không phải cỡ thường. Đúng không? Ông già làm gì?
- Công an.
- Chà, ngon há. Cấp tá hả?
- Ừ.
- Trung tá?
- Không, đại tá.
- Về Sở à?
- Ừ.
- Làm gì?
- Không biết?
- Đại tá thì phó giám đốc là giá chót. Bạn sướng há. Đi chơi tha hồ quậy.
- Ba tôi khó tánh lắm. Tôi mặt đồ mode còn không được nữa à.
- Nói vậy thôi! Con đại tá công an đi chơi, ai dám đụng? Này, vô băng tụi này nghe.
- Băng gì?
Ngôn chỉ đám bạn chung quanh:
- Bọn mình có năm thằng, thân nhau lắm. Trong lớp tụi nó chọc, kêu bọn mình là băng “ngũ quỷ”, nhưng thật ra bọn mình là băng Bốn Mùa.
- Nghĩa là sao?
- Nghĩa là suốt bốn mùa, bọn mình… thoải mái.
- Í, vậy không được đâu. Ba tôi muốn tôi phải tốt nghiệp phổ thông và sau đó phải đậu vào đại học Y.
- Thì lúc đó ông già chỉ cần phôn một cái là thôi chớ gì!
- Ba tôi ghét nhất là chuyện gởi gắm.
- Nói vậy thôi!
Trong khi Ngôn nói chuyện với Thiện thì Hoa lại thì thầm với Hằng:
- Năm nay thầy chủ nhiệm của mình trẻ mà đẹp trai quá. Nghe nói ổng còn là một nhà thơ nữa. Vậy là môn Văn năm nay chắc học đã lắm!
Hằng bắt chước nhân vật Tí Quạu trong truyện Xì-trum:
- Tao không thích các nhà thơ!
- Ổng cũng đâu cần mày thích. Ổng có vợ con rồi mà!
- Con quỷ, sao chưa gì mày đã nắm hết lý lịch của ổng rồi vậy?
- Chứ sao! Từ cuối năm ngoái tao đã nghiên cứu hết danh sách các thầy cô năm nay rồi, biết người biết ta trăm trận trăm thắng mà.
Minh, thầy chủ nhiệm, đứng một bên phía trước, khẽ đưa một ngón tay lên môi, ra dấu bảo Hoa và Hằng hãy yên lặng, làm hai cô bé đỏ bừng mặt. Năm nay Minh mới ba mươi hai tuổi, nhưng đi dạy đã được chín năm. Như nhiều sinh viên khoa Văn của trường Sư phạm, anh rất yêu thích văn học và đã tập tễnh làm thơ từ những năm còn ngồi ở ghế nhà trường. Một vài bài thơ của anh đã được đăng báo ngay từ thời ấy, và đã tạo được tiếng vang. Theo thời gian, thơ anh ngày càng nhuyễn hơn, được nhiều người biết hơn, nhưng tiếc thay, cũng theo thời gian, nó ít để lại trong lòng người đọc những rung động sâu sắc như trước. Với Minh, ngay từ lúc nghe nhiều người gọi mình là “nhà thơ” – tất nhiên trong đó có cả những lời tâng bốc phỉnh phờ – anh đã cảm thấy tự hài lòng, mà không hề nhớ cái hào quang của sự nổi tiếng đã từng giết chết bao nhiêu người đi trước.
Dù sao, với một vẻ ngoài dễ coi, cao ráo, trắng trẻo, đầy nét thư sinh, trí thức, cùng với một kiến thức rộng về văn học trong và ngoài nước, một khả năng ăn nói lôi cuốn, hấp dẫn, Minh rất dễ thu hút được sự chú ý của người khác. Là một sinh viên gốc miền Trung được tuyển vào thành phố học Đại học sư phạm, ngay từ năm thứ hai, trước sức quyến rũ của thành phố, Minh đã quyết định sau khi ra trường phải ở lại nơi này bằng mọi cách. Qua kinh nghiệm của nhiều người đi trước, Minh hiểu mình chỉ có thể chọn một con đường: lập gia đình với một cô gái ở thành phố, và nhất thiết cô gái ấy phải là một người có gốc gác, thế lực.
Những bài thơ tình ngọt ngào, đầy chất lãng mạn của Minh đã thu hút được sự ái mộ của không ít cô gái. Rồi những đêm thơ trong khuôn viên trường đại học, giúp Minh trở thành một gương mặt nổi bật trong trường, tạo điều kiện cho anh được quen khá nhiều cô gái. Và anh chọn được Cúc, cũng khoa Văn, kém anh một lớp. Cúc không đẹp so với những cô bạn gái khác, nhưng có một ưu thế không ai bằng: cô là con của một cán bộ Thành ủy có cỡ. Sự tính toán của Minh hoàn toàn chính xác: ra trường, anh được giữ lại ở thành phố, được phân công về một ngôi trường giữa trung tâm. Một năm sau, Cúc ra trường, và đám cưới của họ đã diễn ra, khá linh đình, trọng thể.
Tất nhiên, Minh biết trước cái giá mà mình phải trả. Chưa bao giờ anh yêu Cúc. Nhưng anh cho rằng con người có thể sống mà không cần tình yêu, nhất là khi đã có những mục tiêu quan trọng hơn. Cần thì tình yêu cũng phải phục vụ cho mục tiêu ấy. Minh không hề nghĩ mình sẽ dừng lại vị trí của một thầy giáo cấp ba. Anh đã nghĩ tới công việc biên tập ở một tờ báo hay một nhà xuất bản. Nhưng tiếc thay, chỉ một năm sau đám cưới, lúc Cúc đang mang thai con Bi, bất ngờ ba Cúc bị tai nạn giao thông và qua đời. Hóa ra, ông đúng là một cán bộ chân chính. Những nhà cửa, xe cộ… chỉ là chế độ của Nhà nước. Ông mất đi, hầu như chẳng để lại được gì. Những quan hệ quyền thế cũng đột ngột đứt rời như hơi thở của ông. Nhà cửa, tài sản thì vợ ông và hai đứa con đầu chia nhau. Vợ chồng Minh chẳng còn được gì đáng kể, và sau đó là một sự tự lực cánh sinh đầy bi kịch…
Khi biết mình được phân làm giáo viên chủ nhiệm lớp 12A2 này, Minh đã đi hỏi thăm cô Anh, giáo viên chủ nhiệm năm trước của lớp. Một lớp học khó nắm. Khá nhiều em ngoan, chịu khó học, nhưng cũng không ít học sinh cá biệt quậy hết biết. Như thường lệ, số cá biệt này hầu hết rơi vào thành phần con ông cháu cha. Chưa đến ngày tựu trường, Minh đã có danh sách ấy trong tay. Thậm chí anh đã nhờ cô Anh tham mưu để sắp xếp trước một bản sơ đồ lớp. Các nhân vật quậy bị xé lẻ tứ tán, trong đó cô Anh đặc biệt lưu ý Minh về năm chàng trai của nhóm Bốn Mùa. Nhóm 4H cũng được anh biết đến. Bốn cô gái cùng mang tên vần H đó chơi với nhau rất thân, nhưng lại thuộc loại ngoan, chịu học, có uy tín trong lớp. Hãy biết khai thác, đưa vào những vị trí chủ chốt.
Tự nãy giờ, đứng bên cạnh các học sinh mới của mình, lóng nghe những câu chuyện, Minh đã đoán được hai cô bé mình vừa lưu ý đừng nói chuyện riêng đó chính là hai trong số bốn cô của nhóm 4H. Cô bé cao ráo, da dẻ hồng hào, rất đẹp. Có thể là đẹp nhất lớp. Ăn mặc đẹp và sang. Chắc là tên Hằng. Con của một giám đốc có tên tuổi trong thành phố. Không hiểu sao Minh lại nghĩ đến chuyện anh chàng nào sau này làm chồng cô bé chắc phải tốt phước lắm. Một ông thầy không nên nghĩ đến những điều nhảm nhí như vậy. Lại càng không nên ngầm chấm điểm cô học trò nào là hoa hậu của lớp. Nhưng một nhà thơ thì có quyền rung cảm trước cái đẹp chứ? Bộ óc thi sĩ của Minh lập tức chuyển động, cho những tứ thơ chuẩn bị chào đời. Chín năm đi dạy, việc cảm thấy rung động trước một cô học sinh đẹp không phải là chuyện lạ với Minh. Nhưng anh luôn biết giữ những rung động ấy trong lòng để có dịp thì biến thành thơ. Tuy vậy, dưới mái trường, Minh vẫn là một nhà giáo nghiêm túc. Anh vẫn nhớ đến những mục tiêu quan trọng đã tự đề ra, dù bây giờ con đường để đến với chúng đã trở nên quá nhiêu khê, dịu vợi.
Bài phát biểu dài lê thê, rồi những thủ tục thông lệ, cũng tới lúc chấm dứt. Học sinh từng lớp tỏa ra khỏi sân, đi về lớp của mình. Như thói quen của ngày đầu năm học, khi lần đầu tiên bước qua cửa lớp, Hân ngước mặt nhìn lên tấm bảng nhỏ kẻ tên lớp gắn trên khung cửa. 12A2. Một năm học mới đã bắt đầu. Năm học cuối cùng của đời học sinh tươi đẹp. Sẽ có nhiều khó khăn và cũng đầy ắp kỉ niệm…
Vĩnh Biệt Mùa Hè Vĩnh Biệt Mùa Hè - Nguyễn Đông Thức Vĩnh Biệt Mùa Hè