A good book has no ending.

R.D. Cumming

 
 
 
 
 
Tác giả: Mạc Ngôn
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Trần Đình Hiến
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2019 / 63
Cập nhật: 2015-08-14 10:31:24 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
inh Câu, trinh sát viên ngoại hạng của Viện Kiểm sát tỉnh đáp nhờ chiếc xe tải nhãn hiệu Giải phóng đi mỏ than La Sơn ở ngoại vi thành phố, điều tra một vụ đặc biệt. Dọc đường do suy nghĩ căng thẳng, đầu anh nở ra, chật căng chiếc mũ lưỡi trai số 58 vốn lúc thường đội rất rộng. Khó chịu quá, anh lột mũ xuống, thấy viền mũ đẫm mồ hôi, hơi nóng bốc lên quyện với một mùi lạ xộc lên mũi khiến anh lợm giọng. Anh vội vàng đưa tay chẹn lấy yết hầu.
Gần đến khu mỏ, mặt đường đen nhẻm đầy ổ gà, xe đang lao nhanh phải chạy chậm lại. Nhíp xe phía dưới kêu ken két. Phía trên, đầu anh liên tục chạm ca bin. Nghe tiếng cô lái xe chửi con đường, chửi người. Thật buồn cười khi nghe những lời chửi rủa tục tằn thốt ra từ miệng một thiếu phụ xinh xắn, nên anh bất giác ngoảnh sang. Cô mặc bộ quần áo bò màu xanh, ve áo sơ mi đỏ bên trong dựng lên rất cao, che cho cái cổ trắng nõn, cặp mắt đen láy, tóc ngắn và thô, tay đi găng trắng, điều khiển vô lăng rất điệu nghệ. Mỗi khi tránh ổ gà, cô nhếch mép bên trái khi sang trái, nhếch mép bên phải khi sang phải. Mép cứ nhếch hết trái lại phải, mũi nhíu lại, lấm tấm mồ hôi. Trán ngắn, cằm cương nghị, cặp môi mọng, chứng tỏ cô rất máu chuyện chăn gối. Xe lắc dữ dội, hai người cứ liên tục chạm vào nhau, tuy cách một lần vải, nhưng làn da đói khát của anh vẫn cảm nhận được cơ thể nồng ấm và mềm mại của cô ta. Anh rất muốn gần gũi người thiếu phụ, chân tay ngứa ngáy chỉ muốn sờ cô ta một cái. Ý muốn thật quái đản với một trinh sát viên già đòi như anh, nhưng hình như nó cũng là chuyện thường tình. Anh lắc lắc cái đầu to bự, rời mắt khỏi khuôn mặt cô ta.
Đường ngày càng xấu, hết ổ gà lại đến ổ trâu, xe lắc dữ dội, phì phò như một con thú bị thương nhích dần lên, cuối cùng cũng nốĩ được vào đuôi đoàn xe dài dằng dặc. Cô nhả chân phanh, tắt công tắc điện, tháo găng tay, vỗ bồm bộp vô lăng, nhìn anh không chút thiện cảm, buông một câu:
- Mẹ kiếp, may mà bụng không có thai!
Anh ngớ người, đế một câu:
- Nếu có thì chắc chắn là phọt ra!
- Tôi thì tôi tiếc, không cho phọt - Cô nói giọng nghiêm chỉnh - Hai nghìn đồng một đứa trẻ chứ ít đâu!
Trong khi nói câu ấy, cô ta nhìn anh đăm đăm với ánh mắt khiêu khích, nhưng thái độ thì hình như mong anh có câu trả lời, rất mong là đằng khác. Đinh Câu vừa ngạc nhiên vừa tò mò, sau dăm câu trao đổi, anh cảm. thấy tinh thần anh như củ khoai tây đã nhú mầm xanh, chui tọt vào trong sọt của cô, sự thần bí trang nghiêm về tình dục lập tức tan biến, anh bỗng cảm thấy cô ta rất gần gũi. Qua dăm câu trao đổi, cô vô tình nói ra một tình tiết liên quan đến chuyến đi của anh. Anh nhìn cô với thái độ cảnh giác, bụng ngờ vực và hơi hãi. Cô lại nhếch mép khiến anh rất khó chịu. Lúc đầu anh cho cô là một con người dạn dĩ, không câu nệ thói đời, nhưng cái nhếch mép của cô khiến anh không thích, cảm thấy nó vô duyên, lại nông nổi nữa. Loại người như vậy chẳng hoài hơi mà tinh tế làm gì. Vậy là anh hỏi:
- Cô có thai lần nào chưa?
Không thèm rào trước dón sau, cô nói thẳng tưng với một thái độ trơ trẽn:
- Tôi bị trục trặc. Đất phèn.
"Dù đang mang trọng trách trên vai, một trinh sát viên đích thực không bao giờ đối lập người phụ nữ với công việc của mình", anh chợt nhớ câu danh ngôn của các đồng nghiệp nói về anh: "Đinh Câu dùng chim phá án". Sự buông thả như con mọt gậm nhấm trái tim, anh lôi trong bọc ra ve rượu nhỏ, mở nút nhấp một ngụm rồi chuyển cái ve cho cô lái xe, đùa một câu:
- Tớ là kỹ sư nông nghiệp, rất giỏi cải tạo đất phèn.
Cô lái xe dùng lòng bàn tay đập nhẹ, tiếng còi êm tai vang lên. Tài xế chiếc xe Hoàng Hà phía trước nhảy từ ca bin xuống vệ đường, nổi cáu:
- Còi cái mả mẹ nhà cô!
Cô chụp lấy ve rượu của Đinh Câu đưa lên mũi ngửi rồi ngửa cổ uống một hơi cạn sạch. Đinh Câu định khen tửu lượng của cô, nhưng nghĩ lại, đến đất rượu mà khen người ta uống rượu giỏi thì thật vô duyên, bèn thôi. Anh lau miệng, nhìn không chớp cặp môi mọng màu đỏ tía ươn ướt vì rượu, nói bỗ bã:
- Tớ muốn hôn đằng ấy một cái!
Cô ta vụt đỏ mặt, nói như quát:
- Mẹ kiếp, tôi cũng muốn hôn anh một cái!
Đinh Câu giật bắn người, vội đưa mắt nhìn ra ngoài. Không ai nghe thấy, người lái xe Hoàng Hà đã chui vào ca bin. Anh trông thấy phía trước là một đoàn xe dài dằng dặc, phía sau là một xe lừa kéo và một xe tải kèm rơ moóc. Một bông hoa bằng lụa đỏ gắn trên cái trán phẳng phiu đen bóng của con lừa như một ngọn lửa lấp loá trong đêm. Hai bên đường là những bụi cây lúp xúp thân cành sứt sẹo và một chiếc rãnh sâu mọc đầy hoa dại, lá cây ngọn cỏ đều phủ một lớp bụi màu đen. Hai bên rãnh là cánh đồng khô cằn về cuối thu, những cây lương thực màu vàng hoặc xám đứng nghiêm, chẳng vui cũng chẳng buồn trước làn gió có cũng như không của mùa thu. Lúc này đã là nửa buổi, những hòn đá loại ra khi tuyển than, chất cao như núi giữa khu mỏ, trên đỉnh toả khói màu vàng nhạt. Chiếc máy cẩu đứng bên lò giếng lặng lẽ chuyển động, trông có vẻ thần bí và quái dị. Anh chỉ trông thấy một nửa bánh xe của chiếc máy cẩu, còn nửa kia bị chiếc xe Hoàng Hà che khuất.
Cô luôn miệng nói câu: "Mẹ kiếp, để tôi hôn anh một cái", nhưng người thì bất động như đóng băng.
Đinh Câu lúc đầu sợ chết khiếp, nhưng sau đó anh bật cười. Anh dùng ngón trỏ chọc khẽ ngực cô như kiểu ấn nút khỏi động một cỗ máy. Cô chồm tới, hai bàn tay nhỏ nhắn lạnh ngắt ôm đầu anh, ghé miệng sát miệng anh. Đôi môi cô lạnh ngắt, mềm nhũn, không chút đàn hồi, vô cùng quái đản, như một nắm sợi rối. Anh cảm thấy vô vị, mất hứng, bèn đẩy cô ta ra. Trái lại, cô như một con báo động đực, liên tục chồm tới, miệng lải nhải:
- Đụ anh Hai anh, đ. cụ anh... L.
Đinh Câu luống cuống tay nào chân ấy ra sức chống đỡ mà vẫn không lại, rốt cuộc phải giở thủ đoạn như đối với bọn tội phạm, cô ta mới chịu yên.
Hai người ngồi thở hồng hộc. Đinh Câu khoá chặt cổ tay để khống chế sự phản kháng của cô. Cô vùng vẫy, cơ thể lúc dẻo như lò so, lúc rắn như thép nguội, miệng liên tục thở phì phì như con nghé tơ, khiến Đinh Câu không nhịn được cười.
Đột nhiên cô hỏi:
- Anh cười gì thế?
Đinh Câu thả tay cô ra, anh rút tờ danh thiếp trong túi, nói:
- Này cô, tôi phải đi đây! Muốn tìm tôi thì cứ theo địa chỉ trong danh thiếp này!
Cô ta nhìn anh, cúi xuống tấm danh thiếp, rồi lại ngẩng lên nhìn mặt anh, chẳng khác nhân viên cửa khẩu kiểm tra hộ chiếu của khách quá cảnh.
Đinh Câu lấy ngón tay búng mũi cô một cái, rồi một tay ôm cặp da, tay kia vặn tay nắm cửa xe, anh nói:
- Xin chào tiểu thư, tôi có loại thuốc hảo hạng, chuyên cải tạo đất phèn.
Khi nửa người anh đã lọt ra cửa xe, cô ta vội nhoài theo tóm được gấu áo.
Anh nhận ra vẻ đáng thương trong đôi mắt cô, chợt cảm thấy hình như cô rất trẻ, chưa lấy chồng, cũng chưa có người đàn ông nào đụng vào, rất đáng yêu mà cũng rất đáng thương. Anh chạm tay lên mu bàn tay cô, nói nghiêm chỉnh: "Cô bé, tôi bằng tuổi chú cô".
Cô có vẻ giận, nói:
- Anh nói dối, lúc lên xe, anh bảo anh ở trạm kiểm soát xe cộ.
Anh cười:
- Chẳng phải đại loại như thế là gì?
- Anh là mật thám!
- Cũng có thể coi như thế.
Cô ta nói:
- Nếu biết là mật thám, tôi đã không cho anh đi nhờ xe.
Đinh Câu móc bao thuốc lá trong túi quẳng cho cô:
- Thôi đừng giận nữa!
Cô quẳng ve rượu rỗng xuống rãnh, nói:
- Uống bây nhiêu rượu mà cũng là đàn ông!
Đinh Câu nhảy xuống, sập mạnh cửa, men theo vệ đường đi lên. Anh nghe cô hỏi với theo:
- Này anh mật thám, có biết vì sao con đường của khu mỏ lại tồi tệ đến vậy không?
Đinh Câu ngoảnh nhìn khuôn mặt cô ló ra ngoài cửa xe, mỉm cười không trả lời.
Khuôn mặt như hoa hu-blông của cô lái xe lưu lại trong đầu anh khoảng một phút rồi chậm rãi tan đi như bọt bia trong cốc thuỷ tinh. Con đường vào mỏ vừa bẩn vừa hẹp, như một khúc ruột ngoằn ngoèo. Ô tô, máy kéo, xe ngựa, xe trâu... đủ các loại, như một đàn thú dị dạng đứng cắn đuôi nhau. Có xe đã tắt, có xe vẫn nổ máy, ống xả dựng đứng của máy kéo, ống xả nằm ngang dưới đít xe ô tô, phụt ra những làn khói màu xanh nhạt. Khí thải từ xăng, từ dầu diesel cùng với cái mùi phun ra từ mũi gia súc quyện vào nhau, như làn hơi bốc lên từ phân trâu bò. Để đi vào mỏ, anh có lúc phải ép sát thành xe ô tô, có lúc phải dùng lưng dùng vai rẽ đám cây lúp xúp. Gần như các lái xe ngồi trong ca bin, các xà ích ngồi trên càng xe, đều uống rượu. Có thể thấy luật cấm lái xe sau khi uống rượu chẳng có tác dụng gì. Không rõ đi lên được bao lâu, chợt nhìn thấy hai phần ba ròng rọc của máy cẩu đứng đã ở trước mặt.
Sợi dây cáp chuyền động kêu kin kít. Do han rỉ hoặc có thể đó là màu của dầu, khung máy xám xịt bẩn thỉu. Bánh xe ròng rọc màu đen trang nghiêm. Sợi dây cáp tuy không bóng loáng nhưng ánh lên màu nhũ bạc dễ sợ, khiến anh tưởng như đó là những con rắn độc xoắn thành búi. Trong khi mắt nhìn màu sắc và ánh sáng, thì tai nghe tiếng rít kin kít của ròng rọc, tiếng bật phừng phừng của dây cáp và tiếng nổ trầm đục nặng nề dưới lòng đất vọng lên.
Liền kề khu mỏ là một quảng trường hình trứng, xung quanh mọc đầy sa panh - một loại thông hình tháp, ngọn cây bám đầy bụi than. Trên quảng trường cũng xe cộ dầy đặc, một con lừa mình mẩy lấm bùn đang dúi mõm vào đám lá thông nhọn, không hiểu định ăn lá hay gãi ngứa. Bỗng nó hắt hơi một tiếng rõ kêu. Mấy người khăn mặt trùm đầu, áo quần lam lũ, mặt đen nhẻm đang ngồi uống rượu trên thùng xe ngựa, chuyền tay nhau bình rượu màu đỏ ớt, mỗi người một ngụm. Một củ cải trắng gác trên thành xe, luân phiên mỗi người cắn một mẩu, nhai rau ráu. Đinh Câu không uống được nhiều nhưng thích uống rượu, có thể phân biệt rượu ngon rượu dở. Anh ngửi thấy mùi cay gắt biết rượu của họ không ngon. Anh còn ngửi thấy một mùi thối hơn rắm, đó là cái mùi hỗn hợp toát ra từ củ cải sống trộn với rượu. Từ ăn mặc cho đến cung cách ăn uống, anh biết họ là nông dân vùng ven thành phố Rượu. Khi anh vọt qua đầu ngựa, một nông dân cất giọng lè nhè hỏi:
- Đồng chí ơi, đồng hồ trên cổ tay đồng chí mấy giờ rồi?
Anh giơ tay xem đồng hồ, trả lời. Cậu nông dân trẻ tuổi đó hai mắt đỏ ngầu, râu quai nón màu vàng, giọng khê đặc, tướng mạo hung dữ. Tim anh giật thót, vội bước dấn lên.
Anh nghe cậu ta chửi phía sau: "Gọi cổng đi, chúng nó là đồ lợn, lười chảy thây ra!".
Câu chửi tục khiến Đinh Câu hơi khó chịu, nhưng anh phải thừa nhận cậu ta có lý. Đã mười giờ mười lăm mà cánh cổng xếp của mỏ than vẫn đóng im ỉm, chiếc khoá gang to đùng như con ba ba vẫn lủng lẳng trên móc khoá. "An toàn sản xuất chúc mừng 1-5", tám chữ viết bằng sơn đỏ đã phai màu đóng khung trên tám miếng tôn tròn hàn tịt vào hàng rào sắt. Nắng thu rực rỡ nên nhiều vật sáng rực lên. Vùng mỏ đen nhẻm khiến bầu trời càng xanh. Bức tường gạch màu xám cao một với, chạy ngoằn ngoèo theo địa hình, ôm kín khu mỏ. Chiếc cổng xép kề bên cổng lớn khép hờ, một con chó to lớn màu vàng lười nhác nằm yên, con bướm bay lượn trên đầu nó chập chờn như chiếc lá rụng.
Đinh Câu đẩy cánh cửa xép, con chó lao ra, gần như chạm mu bàn tay anh, chính xác mà nói, đã chạm mu bàn tay. Anh đã cảm thấy mũi nó ươn ướt. Mũi chó rất lạnh khiến anh nghĩ tới da của con cá mực hoặc vỏ quả vải thiều. Nhưng con chó lập tức thay đổi thái độ, nó hốt hoảng nép vào đông cỏ đuôi chó bên khe cửa, chỉ ló đầu ra sủa.
Anh rút chốt đẩy cánh cửa xép, dừng lại một thoáng, bước vào, lưng áp sát cánh cửa sắt lạnh toát, dán mắt vào con chó lúc này đang rúm lại vì sợ. Anh cúi nhìn mu bàn tay. Gầy guộc xương xẩu, nổi gân xanh, có những phân tử rượu trong máu đang vận hành, không phóng điện, không có công năng đặc biệt. Vậy thì tại sao mày bỏ chạy khi chạm tay tao, hở chó? Anh rất muốn hỏi con chó câu ấy.
Chậu nước nóng hắt ra sau khi rửa mặt, làn nước uốn cong như một đoạn cầu vồng, lung linh màu sắc.
Những giọt nước lọt vào gáy, một phút sau, anh mới cảm thấy lạnh khi cơn gió thổi tới. Hơn hai phút sau nữa, mắt cay xè, miệng thấm mặn, mũi ngửi thấy mùi hương liệu biến chất, mùi bụi bặm trên mặt, thực thể của những nếp nhăn. Lúc này, anh trinh sát siêu hạng như bị điện giật, anh quên phắt cô gái trong ca bin, quên luôn cặp môi nhũn như bông, quên luôn bầu vú căng mọng. Sau đó, một cô gái cầm danh thiếp của Đinh Câu xuất hiện khiến anh lúng túng thật sự, mắt anh mò đi, chẳng khác nhìn phong cảnh trên núi qua làn mây mỏng. Mẹ kiếp!
- Mẹ kiếp, chán sống rồi phỏng? - Người gác cổng giận dữ quát.
Đinh Câu hiểu ngay anh ta chửi mình. Anh rũ nước trên đầu, rút khăn tay lau cổ, nhổ nước bọt, chớp chớp mắt, rũ bỏ cái dáng vụng về lóng ngóng, trở lại trạng thái bình thường, ánh mắt sắc sảo nhìn thẳng vào mặt anh gác cổng, thấy mắt anh ta một to một bé, đen nhỏ màu than, ngu si đần độn, cùng với cái mũi tròn đỏ như quả sơn tra, hàm răng bàn cuốc sau cặp môi tím ngắt. Một luồng hơi nóng chạy khắp cơ thể, ngoằn ngoèo như rắn, len lỏi như giun, lửa giận bùng lên lúc đầu như que diêm, sau lan khắp, đỏ rực, như than trong lò, như sấm như sét, ý chí tiến công tràn đầy lồng ngực.
Người gác cổng dựng đứng mái tóc lông chó, bộ điệu Đinh Câu khiến anh ta khiếp hãi. Đinh Câu trông thấy lông mũi anh ta thò ra như đuôi én, rung rung. Một con én quái dị làm tổ, đẻ trứng, nỏ con trong hốc mũi anh ta. Đinh Câu nhằm con én lẩy cò, lẩy cò, lẩy cò.
Pàng...pàng...pàng!
Ba tiếng súng nổ đanh, xé toang cảnh tĩnh mịch ngoài cổng lớn khu mỏ, át đi tiếng sủa của con chó vàng to bự, khiến anh em nông dân chú ý. Các lái xe say ngất ngưởng mở ca bin nhẩy xuống. Lá thông nhọn đâm thủng môi lừa. Con trâu kéo ngẩng cái đầu nặng nề, quên cả nhai lại. Mọi người ngớ ra rồi ùa tới như một bầy ong. Mười giờ ba mươi nhăm, người gác cổng khu mỏ La Sơn gục ngã sau ba phát súng, hai tay ôm đầu, người co giật.
Đinh Câu tay cầm khẩu súng lục trắng như bạc, cười mỉm, đứng sững như cây sa panh, khói súng màu xanh nhạt lởn vởn quanh người anh.
Một đám đông bíu chặt lan can sắt, ngây ra nhìn. Hình như rất lâu sau đó mới có tiếng la thất thanh:
- Bắn chết người rồi... Lão Lữ gác cổng bị bắn chết rồi!...
Đinh Câu, sa panh, đen nhẻm, nụ cười có gai.
- Con chó già ấy ác không để đâu cho hết!
- Đem bán cho Khoa Chế biến của Học viện Sát sinh làm món đặc chủng.
- Chó già ninh không dừ.
- Hàng đặc chủng là bé trai trắng trẻo, họ không mua người già.
- Quẳng vào vườn thú cho sói nó ăn.
- Sói cũng không thèm.
- Vậy đưa đến trại thí nghiệm giống cây trồng làm phân bón.
Đinh Câu tung khẩu súng lên, nó phản chiếu ánh sáng lấp lánh như gương. Anh bắt lấy khẩu súng, đặt trong lòng bàn tay để mở, chìa cho mọi người xem. Khẩu súng rất xinh, đường rãnh đẹp, hao hao giống khẩu cối quay. Anh vừa cười vừa nói:
- Các bạn, đừng mắt tròn mắt dẹt như thế, đây là đồ chơi của trẻ con. - Anh đẩy chốt, mỏ bánh xe răng cưa bằng nhựa màu huyết dụ cho mọi người xem, mỗi răng đều gắn một hạt nổ bằng hạt đậu, anh nói, mỗi lần bóp chuyển một răng, nổ một tiếng. Đây là đồ chơi, đương nhiên có thể dùng cho sân khấu, là đạo cụ trong tay diễn viên, cũng có thể là súng lệnh dùng trong thi đấu thể dục thể thao, các cửa hiệu bách hoá lớn đều có bán. Anh vừa nói vừa nhét hạt nổ vào rãnh, gập lại súng rồi bóp cò.
Pàng!
Cứ như thế, anh giải thích như một nhân viên tiếp thị.
- Không tin, xin hãy xem đây! - Anh gí súng vào tay áo.
Pàng!
- Vương Liên Cử! - Một lái xe gọi to. Anh này đã xem vở kịch "Chiếc đèn đỏ".
- Không phải súng thật - Đinh Câu vừa giơ tay lên vừa nói. - Các vị hãy xem, súng thật thì tay tôi đã bị thủng rồi, đúng không nào?
Trên tay áo có một vết sạm đen, mùi thuốc súng thơm thơm tan trong nắng.
Đinh Câu bỏ súng vào túi, dùng chân đá anh chàng gác cổng đang nằm lăn dưới đất, gọi:
- Dậy dậy, người anh em! Đừng giả vờ chết nữa!
Người gác cổng lồm cồm bò dậy, hai tay vẫn ôm đầu, mặt vàng như nghệ.
Đinh Câu nói:
- Tôi không nỡ bắn chết anh. Doạ anh tí thôi! Đừng có người mượn oai chó! Hơn mười giò rồi, lý ra phải mở cửa từ lâu rồi!
Người gác cổng bỏ tay xuống, chìa ra trước mặt ngắm nghía, sờ lên đầu rồi lại xem tay. Quả nhiên không có máu. Thở dài như cất được gánh nặng, anh ta hồn xiêu phách lạc, hỏi:
- Ông làm gì vậy?
Đinh Câu mỉm cười ranh mãnh:
- Thành phố cử tôi về làm giám đốc mới của khu mỏ.
Người gác cổng vội vã trở lại phòng trực cầm ra chiếc chìa khoá vàng chóe. Bằng một động tác khoa trương, lão mở cái khoá to đùng, đẩy rào chắn về một bên. Những người phía ngoài vừa hoan hô vừa chạy như bay về xe của mình. Vài phút sau, động cơ nổ ầm ầm rung chuyển cả mặt đường.
Đoàn xe đông nghẹt chậm chạp nhưng đầy khí thế ùa vào cổng, thùng xe chạm nhau lịch kịch. Đinh Câu tránh sang một bên, nhìn những con thú xấu xí lắp ráp bởi bao nhiêu là chi tiết, không hiểu sao anh bỗng nổi cáu. Cùng với cơn giận, anh thấy đau thắt ở hậu môn, những mạch máu ở đó co giật từng cơn, anh hiểu bệnh trĩ lại hành anh. Cũng như những lần trước, lần điều tra này lại những cơn đau quặn cùng với đi ngoài ra máu. Hình dung như vậy anh lại thấy đỡ đau, thôi thì chuyện đành có nhẽ, tránh không thoát. Rồi rắm không thể tránh, bệnh trĩ không thể tránh, chỉ có sự thật thiêng liêng là vĩnh viễn tồn tại. Lần này sự thật là gì nhỉ?
Người gác cổng gượng cười lấy lòng anh. Xin mời lãnh đạo vào đây. Theo thói quen trong nghề, anh cứ để cho sự việc diễn tiến một cách tự nhiên, cùng anh ta bước vào phòng trực.
Một căn phòng rộng. Một chiếc giường. Một chiếc chăn màu đen. Hai chiếc phích vỏ sắt tây. Một chiếc lò sưởi to đùng. Một đống than củ to bằng đầu chó ánh lên những tia lấp lánh. Bức tranh niên hoạ trên tường: Một bé trai cởi truồng, da dẻ hồng hào, tay ôm quả đào, miệng cười toe toét, cái chim xinh xinh, bé tí như con nhộng, sống động như sắp cựa quậy. Đinh Câu lại thấy hậu môn đau thắt.
Trong phòng nóng đến mức khó chịu. Lửa réo ù ù trong lò. Thân lò và nửa ống khói bị ngọn, lửa quái ác nung đỏ, hơi nóng cuồn cuộn bay lên, mạng nhện trên tường khẽ rung rinh. Anh cảm thấy ngứa ran khắp người, mũi rát kinh khủng.
Người gác cổng nhìn mặt anh, hỏi:
- Đồng chí có lạnh không?
- Rất lạnh - Anh trả lời, vẻ cáu kỉnh.
- Ổn thôi ổn thôi, tôi thêm than ngay đây!...
Người gác cổng nói như liên thanh, cúi xuống lôi từ gầm giường ra một cái búa nhỏ cán bằng gỗ táo đỏ. Theo phản xạ, anh lính trinh sát đặt tay vào thắt lưng, nơi giắt khẩu súng thật bên trong. Người gác cổng lom khom đi tới bên lò, ngồi xổm lựa một tảng than to bằng chiếc gối đầu, một tay giữ tảng than, tay kia vung búa chặt. "Chát", tảng than bị chặt làm đôi, vết chặt gọn, nhẵn thín, trắng lên như mạ thuỷ ngân. Chát... chát... chát!.. Tảng than bị chặt nhỏ dần, chất đông. Anh ta mỏ nắp lò, ngọn lửa sáng trắng, vươn cao gần nửa mét cùng với tiếng réo ù ù. Anh trinh sát mồ hôi ướt đẫm, người gác cổng thêm than vào lò, tỏ vẻ áy náy:
- Chỉ một lát là nóng ran, than ở đây xốp, chóng tàn, phải liên tục thêm than vào lò.
Đinh Câu mở khuy cổ, lột mũ xuống lau trán, hỏi:
- Sao mới tháng Chín mà đã đốt lò?
- Lạnh mà, đồng chí. Lạnh... - Người gác cổng lải nhải - Lạnh, mà than thì nhiều, kề ngay bên mỏ...
Người gác cổng nét mặt vô cảm, khô như chiếc màn thầu nướng. Đinh Câu không định tiếp tục doạ dẫm anh ta, nên nói lại, rằng anh không phải Giám đốc, anh ta cứ mạnh dạn mà sưởi. Anh đến có công việc. Em bé trên tường cười ha hả như bằng xương bằng thịt. Anh nheo mắt ngắm thằng nhỏ đáng yêu. Người gác cổng lập tức trở mặt, xách búa bảo, anh mạo xưng Giám đốc, nổ súng bắn người bị thương, đi, anh phải cùng tôi đến phòng bảo vệ. Đinh Câu vừa mỉm cười vừa hỏi, nếu như tôi đúng là giám đốc mới được điều về thì sao? Người gác cổng ngó ra một thoáng, cười gượng, nhét cái búa trở lại gầm giường, thuận tay lôi ra một bình rượu, mở nút bằng hàm răng khấp khểnh chín sáu ba không, tợp một ngụm lớn, rồi nịnh bợ ra mặt, anh ta chuyển bình rượu cho Đinh Câu. Rượu trong bình ngâm một củ sâm đã nhạt màu và mấy con rết nhe nanh múa vuốt. "Mời lãnh đạo xơi rượu - Người gác cổng xum xoe - rượu này bổ lắm đấy ạ". Đinh Câu cầm lấy bình rượu lắc lắc, những con rết đung đưa, một mùi rất lạ xộc lên mũi. Anh dùng môi thấm rượu trên cổ bình rồi đưa trả người gác cổng.
Lão nhìn anh bằng ánh mắt nghi ngà:
- Đồng chí không uống sao?
Đinh Câu nói:
- Không biết uống.
Người gác cổng hỏi:
- Đồng chí không phải người vùng này?
Đinh Câu trỏ bức tranh trên tường, nói:
- Già ơi, thằng bé này vừa trắng vừa mềm!
Anh nhìn kỹ người gác cổng. Nét mặt tiều tuỵ, ông ta uống từng ngụm lớn, ca cẩm:
- Đốt ít than có nghĩa gì! Nửa tấn mới được dăm đồng bọ!
Nóng quá, Đinh Câu thực tình không chịu nổi.
Anh lưu luyến nhìn bé trai trên tường rồi bước ra ngoài. Nắng dịu, rất dễ chịu.
Đinh Câu sinh năm một nghìn chín trăm bốn mươi mốt. Một nghìn chín trăm sáu mươi lăm lấy vợ. Cuộc sống vợ chồng bình thường, không tốt cũng chẳng xấu, có một con trai dễ thương. Anh có một cô bồ. Cô này nhiều khi rất đáng yêu nhưng có lúc rất đáng sợ, khi ấm áp như tia nắng, lúc lạnh lẽo như ánh trăng, khi dịu dàng như con miu, lúc hung dữ như chó dại. Khi như rượu nồng, lúc như thuốc độc. Anh định li dị vợ nhưng lại không muốn li dị. Anh muốn tiếp tục quan hệ với cô bồ nhưng lại không muốn tiếp tục. Mỗi khi ốm đau, anh muốn mình bị ung thư nhưng lại sợ ung thư. Đương nhiên, đã vậy thì anh vừa yêu vừa ghét cuộc sống. Anh luôn dao động, không quyết được bề nào. Anh thường chĩa súng vào huyệt thái dương rồi lại bỏ súng xuống. Rồi thì ngực, rồi tim thường phải chịu cái trò nguy hiểm đó. Chỉ mỗi chuyện trinh sát phá án là anh không bao giờ chán. Anh thuộc loại siêu trong số trinh sát của Viện Kiểm sát tỉnh, các thủ trưởng bự đều biết anh. Cao một mét bảy nhăm, gầy, da đen nhẻm, mắt hơi sâu. Nghiện thuốc lá. Thích rượu nhưng tửu lượng không khá. Răng khấp khểnh. Biết đôi chút võ thuật. Xạ kích không ổn định: lúc tâm trạng tốt thì không phát nào trượt, lúc không tốt, trăm phát trượt cả trăm. Anh hơi mê tín, tin vào may rủi. Anh thường gặp may.
Một buổi trưa cách đây không lâu, Viện trưởng Viện Kiểm sát thảy cho anh một điếu Trung Hoa bài, ông cũng lấy ra một điếu. Đinh Câu bật lửa châm thuốc cho ông, châm luôn cả cho anh. Khói thuốc vào miệng tan ra như đường phèn, vừa thơm vừa ngọt. Anh thấy động tác cầm thuốc của ông Viện trưởng có vẻ vụng về, bụng nghĩ, ông này không biết hút thuốc, nhưng trong ngăn kéo lúc nào cũng đầy thuốc ngon. Viện trưởng mở ngăn kéo lấy ra một phong thư, nhìn qua một thoáng rồi trao cho Đinh Câu.
Đinh Câu vội vã đọc bức thư tố giác với những nét chữ kỳ quặc, rõ ràng là viết bằng tay trái, ký tên Tiếng Dân, hiển nhiên là tên giả. Nội dung bức thư, lúc đầu khiến anh kinh hoảng, sau khiến anh nghi ngờ. Anh đọc lại một lần nữa, nhất là những nét bút như rồng bay phượng múa của thủ trưởng ghi bên lề trắng.
Anh nhìn vào mắt Viện trưởng. Viện trưởng nhìn những bông hoa nhài trên bậu cửa sổ, những bông hoa màu trắng bé tí, toả mùi thơm thoang thoảng. Anh nghĩ thầm: có chuyện như vậy sao? Họ dám cả gan quay trẻ con như quay lợn để ăn?
Viện trưởng cười tít, nói:
- Bí thư Uông chỉ đích danh cậu đi điều tra.
Trong bụng phấn khởi, nhưng ngoài miệng anh nói:
- Chuyện này có cần đến Viện Kiểm sát nhúng tay vào không? Bên Công an ngủ cả rồi sao?
Viện trưởng nói:
- Ai bảo Viện ta có một Đinh Câu lừng danh làm gì?
Đinh Câu hơi khó xử, hỏi:
- Thưa, khi nào thì lên đường?
- Tuỳ cậu. Li dị vợ chưa? Chưa li dị thì vẫn đòi hỏi phải mạnh dạn. Tất nhiên bọn tôi rất muốn đây chỉ là chuyện phịa để vu cáo người khác. Phải giữ bí mật tuyệt đối. Cậu có thể làm bất cứ chuyện gì mà pháp luật cho phép.
- Tôi đi được chưa? - Đinh Câu đứng lên hỏi. Viện trưởng cũng đứng dậy, đẩy bao Trung Hoa bài chưa bóc tem về phía Đinh Câu.
Đinh Câu cầm bao thuốc bước ra khỏi Văn phòng Viện Kiểm sát, xuống thang máy, ra khỏi ngôi nhà cao tầng. Anh định đến trường tiểu học thăm con. Đại lộ Thắng Lợi nổi tiếng chắn ngang trước mặt, xe du lịch chạy như mắc cửi, không cho anh có một khe hở. Anh đợi. Một đoàn các cháu nhà trẻ đi qua đường, phía bên trái, những gương mặt ánh lên dưới nắng như những bông hoa quì. Anh men theo lề đường tiến sát hàng ngũ các cháu. Những chiếc xe đạp lướt qua bên cạnh. Mặt mũi những người ngồi trên xe hơi loang loáng như những bóng trắng. Các cháu quần áo đủ màu, những gương mặt bụ bẫm trắng trẻo, những cặp mắt tươi cười. Chúng đi thành chuỗi như được buộc vào một sợi thừng to, như một đàn cá nối đuôi nhau, như một cành cây sai quả. Khói xe ô tô phả lên các cháu, khí thải dính đầy muội than, các cháu như một xâu gà quay, từng lớp gia vị tẩm lên người, thơm phức. Trẻ em là tương lai của Tổ quốc, là hoa, là thứ quí báu nhất, ai dám chẹt chết chúng? Những xe ô tô buộc phải dừng lại, thở phì phò, nhường đương cho đám trẻ. Dẫn đầu và đi đoạn hậu đám trẻ là hai phụ nữ mặc áo choàng trắng, mặt tròn như trăng rằm, môi đỏ như son, răng trắng muốt, hình như đó là chị em sinh đôi, mỗi người cầm một đầu dây, quát tháo, chẳng lịch sự chút nào:
- Bám chặt dây, không được rời tay!
Khi Đinh Câu dừng lại dưới một gốc cây lá vàng úa, đám trẻ nhỏ đã qua đường yên ổn. Xe ô tô lại nối đuôi nhau vun vút. Đám trẻ phía trước gọi nhau í ới, hàng ngũ xiên xẹo, nháo nhác như một bầy chim sẻ. Cổ tay chúng buộc vào sợi thừng bằng một khăn đỏ. Tuy hàng ngũ rối loạn, nhưng chúng vẫn không rời sợi dây. Chỉ cần hai cô bảo mẫu kéo căng sợi dây, là hàng ngũ lại tề chỉnh. Anh nhớ lại mệnh lệnh của hai cô bảo mẫu: "Bám chặt dây, không được rời tay!" mà giận điên lên. Bậy bạ hết sức, đã buộc vào thừng mà còn hô không được rời tay!
Anh vịn thân cây, hỏi cô bảo mẫu đi đầu:
- Sao lại phải buộc cổ tay chúng vào dây thừng?
Cô ta lườm anh, hỏi lại:
- Ông làm gì thế, đừng có chõ vào công việc của tôi!
Anh nói:
- Xin trả lời câu hỏi của tôi: Vì sao lại buộc tay trẻ vào dây thừng?"
Cô ta tỏ vẻ khinh bỉ:
- Đồ tâm thần!
Lũ trẻ nhìn anh, đồng thanh hô:
- Đồ...tâm...thần!
Chúng dài giọng ra mà hô, không hiểu tự nhiên nó thế hay kết quả của tập luyện. Tiếng trẻ thánh thót nghe sướng tai, là âm thanh êm ái nhất trên đời, tràn ra mặt đường rồi lan xa như một bầy chim nhỏ. Đám trẻ đã đi qua trước mặt, anh mỉm cười ngó ngẩn với cô bảo mẫu đi đoạn hậu. Cô ta vênh mặt, không thèm nhìn anh. Anh nhìn theo bọn trẻ cho đến khi chúng mất hút trong hẻm, hai bên là tường cao sơn màu đỏ sẫm.
Anh vất vả lắm mới sang được phía bên kia đường. Ông già Tân Cương bán thịt cừu nướng, chào anh bằng cái giọng quái dị. Anh không ăn. Anh trông thấy một cô gái bước tới mua mười xâu. Môi cô đỏ như ớt. Cô đựng những xâu thịt trong hộp đựng ớt. Khi ăn, miệng cô có hình thù quái gở vì cô muốn bảo vệ lớp son môi. Anh cảm thấy cổ họng cay cay, bèn bỏ đi.
Sau đó, anh đứng đợi con bên cổng trường tiểu học Dục Hồng. Thằng nhỏ đeo cặp sau lưng chạy ra cổng không trông thấy anh. Mặt nó dây đầy mực, dấu vết không trộn lẫn của học sinh tiểu học. Anh gọi tên con, nó miễn cưỡng đi theo anh. Anh bảo anh sắp đi thành phố Rượu có việc, nó thản nhiên như không, bảo là chuyện không đáng kể.. Anh hỏi vì sao lại bảo là không đáng kể? Nó bảo không đáng kể là không đáng kể, có gì là đáng kể đâu?
Đúng, không đáng kể, anh nhắc lại lời con.
Đinh Câu bước vào phòng làm việc của Ban Bảo vệ khu mỏ, một thanh niên đầu húi cua tiếp anh. Cậu ta mở cánh cửa của chiếc tủ cao tới trần nhà, rót một chén rượu đưa cho anh. Gian phòng rộng này cũng dốt một lò to đùng, lửa tuy không to bằng phòng trực, nhưng cũng rất ấm. Đinh Câu muốn uống nước lạnh, nhưng cậu ta khuyên anh nên uống rượu:
- Uống một ngụm cho ấm người.
Nhìn nét mặt chân thành của cậu ta, Đinh Câu không nỡ từ chối, bèn đón lấy chén rượu, chậm rãi uống từng ngụm nhỏ.
Cửa sổ đóng kín không một kẽ hở. Đinh Câu ngứa ran khắp người, mồ hôi bò trên mặt. Anh nghe cậu đầu húi cua thật lòng khuyên:
- Anh đừng sốt ruột, tâm mà tĩnh thì mới cảm thấy mát.
Trong tai Đinh Câu có tiếng ong ong, anh nghĩ tới những con ong mật. Mật ong. Trẻ con tẩm mật rán. Nhiệm vụ vô cùng nặng nề, không được phép sơ sẩy. Cửa kính hình như rung chuyển nhẹ. Mấy cỗ máy đồ sộ lắp đặt ngóài trời, bên ngoài cửa sổ, vận hành chậm chạp không một tiếng động. Anh cảm thấy mình như một con cá trong bể nước. Những cỗ máy ở mỏ đều màu vàng. Màu vàng khiến người ta lử khử như say rượu. Anh lắng nghe tiếng máy của mỏ, nhưng mọi cố gắng đều vô ích.
Đinh Câu nghe thấy anh đang nói:
- Tôi muốn gặp Giám đốc và Bí thư khu mỏ.
Đầu húi cua nói:
- Uống rượu, uống rượu đã!
Đinh Câu cảm động vì nhiệt tình của Đầu húi cua, anh nâng chén uống cạn một hơi.
Anh vừa đặt chén xuống, Đầu húi cua lập tức rót đầy.
- Không uống nữa, dẫn tôi đi gặp Giám đốc và Bí thư.
- Thủ trưởng đừng vội, uống hẵng, mới một chén mà đã đi, coi như bọn tôi không hoàn thành nhiệm vụ. Muốn đẹp thì phải có đôi, nào xin mời uổng thêm một chén!
Đinh Câu nhìn cái chén to bằng nắm tay thì hơi hoảng, nhưng vì công việc, anh đành uống cạn.
Anh vừa đặt chén xuống, Đầu húi cua lại lập tức rót đầy.
Đầu húi cua nói:
- Thủ trưởng, em không có ý ép Thủ trưởng, mà đây là qui định của mỏ: rượu chưa đủ ba tuần thì vẫn còn áy náy!
Đinh Câu nói:
- Mình uống tồi, một giọt cũng không nổi nữa!
Đầu húi cua hai tay nâng chén rượu kề sát miệng Đinh Câu, nước mắt chạy quanh:
- Xin Thủ trưởng uống cho, đừng để đàn em thấp thỏm băn khoăn!
Đinh Câu thấy Đầu húi cua chân thành quả đâm ra mềm lòng, đõ chén ngửa cổ uống cạn.
Đầu húi cua cảm động nói:
- Cảm ơn Thủ trưởng, uống tiếp ba chén nữa!
Đinh Câu lấy tay bịt miệng chén, nói:
- Không uống được nữa! Cậu dẫn tôi đi gặp lãnh đạo!
Đầu húi cua giơ tay xem đồng hồ, nói:
- Giờ gặp thì hơi sớm.
Đinh Câu giơ chứng minh thư ra, nghiêm giọng nói:
- Tôi có việc gấp, cậu đừng ngăn trở!
Đầu húi cua chần chừ một thoáng, nói:
- Thì đi!
Anh đi theo Đầu húi cua ra khỏi phòng làm việc của Ban bảo vệ, men theo một hành lang sâu hun hút, hai bèn có rất nhiều phòng, mỗi phòng đều có tên trên biển gỗ. Anh hỏi, Giám đốc và Bí thư không làm việc ở ngôi nhà tầng này? Đầu húi cua bảo cứ đi tiếp, Thủ trưởng đã uống của em ba chén rượu, em quyết không để Thủ trưởng mất công toi, nễu không vì ba chén rượu, em chỉ cần bàn giao Thủ trưởng cho thư ký của Bí thư là rảnh chuyện.
Lúc sắp ra khỏi ngôi nhà tầng, anh soi trên cửa kính mờ, thấy mình lạ hoắc, sắc mặt sạm màu đất vì mệt mỏi. Đẩy cửa chính, lò so kêu đánh kít, cánh cửa bật trỏ lại đập vào mông khiến anh chúi về phía trước, may mà Đầu húi cua kịp nắm tay anh kéo lại. Ánh nắng chói chang khiến anh choáng váng, chân tay bủn rủn, tai ong ong. Anh hỏi Đầu húi cua:
- Hình như tôi hơi say thì phải?
Đầu húi cua nói:
- Thủ trưởng chưa say. Con người xuất sắc như Thủ trưởng thì say thế nào được? Ở đây mà say rượu đều thuộc loại dặt dẹo, không có trình độ, không được ăn học. Loại phong lưu công tử không bao giờ say, thủ trưởng thuộc loại này, nên không thể say.
Thằng cha nói đâu ra đấy, lập luận chặt chẽ, Đinh Câu bị thuyết phục. Anh theo Đầu húi cua tạt qua bãi vật liệu chất đầy những cây gỗ tròn to nhỏ đủ các cỡ, to đường kính tới hai mét, nhỏ chỉ khoảng hai tấc, có gỗ thông, gỗ giáng hương, gỗ chò chỉ, gỗ du và nhiều loại gỗ nữa mà anh không biết tên. Kiến thức về gỗ của anh không giỏi, gọi ra được bấy nhiêu là khá lắm rồi. Những cây gỗ tròn vỏ nứt toác, thân đã bị mục, bốc lên mùi rượu nồng nặc, cỏ mọc đầy kẽ nứt, héo quắt. Một con bướm trắng uể oải vỗ cánh, mấy con yến đen bay lừ đừ giữa những đống gỗ, rõ ràng là trong trạng thái say. Anh dang tay ôm không xuể cây gỗ sồi, đấm nhẹ vậo những vành tuổi màu đỏ sậm của cây gỗ, thở dài:
- Cây gỗ mới to làm sao!
Đầu húi cua nói:
- Năm ngoái có một hộ cá thể sản xuất rượu vang trả ba nghìn đồng mua cây gỗ này, bọn em không bán.
- Anh ta mua làm gì?
- Làm thùng đựng rượu - Đầu húi cua nói - Rượu nho mà không đựng trong thùng gỗ sồi thì không bao giờ trở thành rượu nho chính hiệu.
- Các cậu nên bán cho anh ta mới phải, làm gì đến ba nghìn đồng!
- Bọn em chúa ghét cái anh kinh tế cá thể - Đầu húi cua nói - Thà rằng để cho gỗ mục đi, còn hơn là ủng hộ kinh tế cá thể.
Đinh Câu trong bụng khâm phục ý thức công hữu của mỏ than La Sơn. Hai con chó đang vờn nhau phía sau đống gỗ, điệu bộ như mê như say trông mà buồn cười. Con đực to lớn thì hình như là chó của phòng trực, nhìn kỹ hình như không phải. Anh len lỏi giữa các bãi khai thác gỗ và ngày càng đi sâu vào khu rừng nguyên sinh. Những cây nấm sặc sỡ dưới bóng râm của cây tượng thụ khổng lồ, lá và quả cây phủ dày mặt đất, bốc lên mùi men rượu. Một cây cổ thụ lá đốm có đến mấy trăm quả hình dáng như đứa trẻ, da dẻ mịn màng màu phấn hồng, mắt mũi phân minh, tất nhiên toàn là con trai, cái chim xinh xinh như những hạt lạc. Đinh Câu lắc lắc đầu cố trấn tĩnh, vụ án động trời đầy bí ẩn đã lởn vởn trước mặt, đã thấp thoáng trong đầu. Anh tự trách mình phung phí quá nhiều thì giờ vào chuyện không đâu, để đến nỗi lãng phí bao nhiêu thời gian, nhưng nghĩ lại, từ lúc nhận nhiệm vụ đến giờ mới có hơn hai mươi tiếng đồng hồ mà đã lần ra con đường tiếp cận mê cung của vụ án, hiệu quả như vậy là cao, có thể khẳng định như thế. Nghĩ vậy, anh kiên nhẫn bám Đầu húi cua, xem hắn dẫn anh đi đâu?
Lại vòng qua một đống gỗ mật, phía trước là một rừng hướng dương, những bông hoa vàng rực đều quay về phía mặt trời, đài hoa màu xanh sẫm. Anh hít thở mùi thơm ngây ngất đặc trưng của gỗ mật, trong lòng gợi nhớ cảnh sắc mùa thu nơi lăng mộ. vỏ cây mật vẫn chưa khô hẳn, bề mặt mịn, nhẵn bóng, các kẽ nứt lộ ra những thó gỗ mịn màng, y như cây vẫn đang tiếp tục phát triển. Một con dế màu cánh gián nép dưới vỏ cây mật, béo núc như dụ người đến bắt. Đầu húi cua phấn khởi nói:
- Bí thư và Giám đốc hiện đang ở trong dãy nhà gạch giữa rừng hướng dương đó.
Ngôi nhà có khoảng hơn chục gian, nổi bật trên rừng hướng dương xanh tốt vì đất đai màu mỡ, độ ẩm đầy đủ. Dưới ánh nắng chan hoà, màu vàng càng sặc sỡ. Đinh Câu ngắm cảnh mà trong lòng như mê như say. Khi anh sực tỉnh thì Đầu húi cua đã mất tăm. Trèo lên đống gỗ giáng hương để tìm Đầu húi cua, anh cảm thấy mình như đang trên một con thuyền bồng bềnh giữa dòng sông chảy xiết. Xa xa, đỉnh ngọn đá thải vẫn bốc khói, có điều, không nhiều hơi nước như lúc sáng. Trên đống than ngoài trời có một số người đen nhẻm đang hoạt động, bên dưới là xe cộ chen chúc. Tiếng người, tiếng kêu của gia súc cực kỳ yếu ớt, khiến anh tưởng tai anh có chuyện, một bức tường trong suốt ngăn cách anh với cuộc đời thực. Những cỗ máy chuyên dụng của mỏ màu vàng, vươn cánh tay khổng lồ bên lò giếng, động tác chậm rãi nhưng vô cùng chuẩn xác. Anh hoa mắt, người nhũn ra, phủ phục trên súc gỗ tròn. Súc gỗ đang dập dềnh trên sóng. Không thấy bóng dáng Đầu húi cua. Anh tụt xuống đất, đi về phía rừng hướng dương.
Anh bất giác nhớ lại hành động của mình vừa rồi. Một trinh sát viên được lãnh đạo trọng thị rất mực mà lại trèo lên đống gỗ giáng hương như một con cún sợ nước, để xem phong cảnh. Mà hành động này lại cấu thành một bộ phận hữu cơ trong quá trình trinh sát vụ trọng án mà nếu đúng như vậy chắc chắn rung chuyển cả thế giới. Nếu quay thành phim, hẳn hoi sẽ bị chế giễu. Anh đồ chừng mình đã ngà ngà say. Nghĩ sao thì nghĩ, Đầu húi cua có vẻ mắt la mày lét, không bình thường. Sức tưởng tượng của lính trinh sát lập tức dang rộng đôi cánh đón gió bay lên. Rất có thể Đầu húi cua là đồng phạm với tên ăn thịt trẻ con. Trong khi len lỏi giữa các đống gỗ, hắn đã nghĩ xong kế hoạch chạy trốn. Con đường hắn chỉ cho anh đầy rẫy trở ngại. Hắn đánh giá thấp cái đầu của Đinh Câu này.
Đinh Câu kẹp chặt sắc cốt ở nách, bên trong nổi cộm khẩu súng ngắn "69" bắn nhiều phát. Súng trong tay, con người ta trở nên mạnh dạn. Anh nhìn một lượt các đồng chí giáng hương, tượng thụ và các đồng chí gỗ khác với vẻ lưu luyến. Những hoa văn trên mặt cắt của những cây gỗ tròn chẳng khác bức tranh liên hoàn. Anh nghĩ anh có thể bắn trúng tâm của những vòng tròn, nhưng hai chân lại lái anh đến bìa rừng hướng dương.
Không ngờ khu mỏ than ồn ào mà lại có một nơi yên tĩnh như thế này. Đúng là tất cả do con người. Anh bước về phía vạt hướng dương, những bông hoa hướng dương lướt tới trước mặt anh như những khuôn mặt tươi cười, nhưng màu xanh thẫm hoặc vàng nhạt của chúng đều có vẻ giả tạo và thâm hiểm. Anh nghe thấy những tiếng cười nhạt. Những phiến lá to bự phe phẩy trước gió, cọ vào nhau soàn soạt. Anh sờ khẩu súng trong sắc cốt rồi rảo bước đi tới dãy nhà gạch. Mắt nhìn ngôi nhà, mà thân thể thì cảm nhận sự uy hiếp của những cây hướng dương đang bao vây anh. Sự uy hiếp của hoa hướng dương lạnh ngắt và có gai màu trắng.
Đinh Câu đẩy cửa bước vào trong nhà. Cuối cùng đã gặp được Giám đốc và Bí thư khu mỏ sau một quá trình phức tạp đầy rẫy nghi ngờ. Hai vị cán bộ này đều trên dưới năm mươi, mặt tròn xoay như chiếc bánh bao, da đỏ hồng như tằm tía, cả hai đều bụng đại tướng. Cả hai mặc bộ đồ Tôn Trung Sơn màu xám, nếp là thẳng tắp, cả hai đều có nụ cười hiền hậu, khoan dung của bậc đàn anh. Rất có thể là anh em sinh đôi. Mỗi người nắm một tay Đinh Câu mà lắc, rất thân mật, cả hai đều rất biết bắt tay, không lỏng không chặt, không cứng không mềm. Đinh Câu cảm thấy hai luồng hơi nóng luồn khắp cơ thể, hai tay như nắm hai củ khoai nướng mối ra lò. Cái sắc cốt của anh rớt xuống đất, một tiếng nổ vang.
Pằng!
Sắc cốt phụt khói, gạch trên tường vỡ tung. Đinh Câu giật mình, chân tay run bắn. Anh trông thấy viên đạn bắn trúng bức tranh lồng khung kính treo trên tường, vẽ cảnh Na Tra náo Long cung. Hoạ sĩ vẽ Na Tra như một bé trai bụ bẫm, viên đạn của Đinh Câu bắn nát cái chim của chú bé.
- Quả là thiện xạ!
- Đạn trúng ngay đầu chim!
Đinh Câu ngượng quá, nhặt vội sắc cốt lấy súng ra, khoá chốt an toàn lại. Anh nói với hai cán bộ:
- Tôi đã chốt lại rồi.
- Tuấn mã cũng có lúc vấp ngã nữa là!
- Cướp cò là chuyện thường!
Những lời an ủi của Giám đốc và Bí thư khiến anh càng ngượng, mất hẳn cái ngô ngáo khi đẩy cửa xông vào, lại còn lễ phép gật đầu, định lấy ra chứng minh thư, giấy giới thiệu, nhưng Bí thư và Giám đốc giơ tay ngăn lại.
- Hoan nghênh đồng chí Đinh Câu!
- Bọn tôi hoan nghênh đồng chí về đây chỉ đạo công tác.
Đinh Câu xoa xoa chóp mũi, ngượng ngùng hỏi thăm Bí thư và Giám đốc từ đâu biết tin anh xuống mỏ.
- Thưa đồng chí Giám đốc, thưa đồng chí Bí thư, tôi được đồng chí X cử về điều tra vụ ăn thịt trẻ con, đây là một vụ nghiêm trọng, phải tuyệt đối giữ bí mật!
Bí thu và Giám đốc nhìn nhau trong mười giây rồi bật cười ha hả.
Đinh Câu nghiêm nét mặt:
- Đề nghị các đồng chí có thái độ nghiêm túc! Phó bộ trưởng Tuyên truyền thành phố Rượu: Khoan Kim Cương là đối tượng tình nghi số một, ông ta vốn là người của mỏ ta.
Có thể là Bí thư, cũng có thể là Giám đốc nói:
- Đúng vậy, Phó bộ trưởng Khoan vốn là giáo viên trường tiểu học con em khu mỏ, là một đồng chí có năng lực, rất nguyên tắc, trăm người chưa chọn được một người như thế.
- Đề nghị các đồng chí giới thiệu về ông ta.
- Ta vừa ăn vừa bàn.
Đinh Câu chưa kịp thoái thác đã bị lôi vào bàn tiệc.
2
Thầy Mạc Ngôn kính mến,
Chào thầy!
Xin phép được tự giới thiệu, trò là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ khoa ủ men, Học viện Chưng cất, thành phố Rượu, họ Lý, tên Một Gáo. Trò xin lỗi về chuyện không xưng tên thật. Thầy là nhà văn nổi tiếng (không bốc thơm thầy đâu), chắc chắn thầy hiểu vì sao trò lấy bút danh như trên. Trò sống trong thành phố Rượu, nhưng cái tâm thì dành cho văn học, toàn bộ con người trò chìm đắm, vật vã trong biển văn. Do vậy, giáo sư Viên Song Ngư - thầy dạy, cũng là bố đẻ của vợ trò, chồng của mẹ vợ trò, bố vợ trò, còn gọi là nhạc phụ, là Thái Sơn mà người ta quen gọi là Lão trượng, thường phê bình trò sao không yêu nghề chính của trò là ủ men, thậm chí còn xui vợ trò đưa trò ra toà, xin li dị. Trò không sợ, vì văn học, trò không ngán xông pha rừng dao biển lửa, "Vì văn chương mà dung nhan tiều tuỵ, hối tiếc chi thân thể gầy mòn". Trò cãi: Như thế nào mới gọi là yêu nghề chính của mình? Tolstoy là quản nhân, Gorky làm chân rửa bát trong xưởng bánh mì, Quách Mạt Nhược là sinh viên y khoa, Vương Mông là Phó bí thư thành Đoàn Thanh niên Dân chủ mới Bắc Kinh. Chẳng phải họ đều đổi nghề, chuyển sang văn học đấy thôi? Bố vợ trò không thích cùng trò tranh luận, cái mác học viện của trò đã khiến ông ngán, có điều, trò chưa đủ bản lĩnh trộ ông bằng cặp mắt ngạo cười. Lỗ Tấn cũng chưa làm được như thế, đúng không? Trò bô lô ba la với thầy những gì thế này? Thầy là người biết tuốt, trò đúng là kẻ múa rìu qua mắt thợ, đọc "Tam tự kinh" trước mặt Khổng tử, múa long đao trước mặt Quan Văn Trường, bàn chuyện rượu trước mặt Khoan Kim Cương...
Trò xin trở về chuyện chính.
Thầy Mạc Ngôn kính mến! Trò đã đọc toàn bộ sách của thầy, phục sát đất! Có ba hồn thì một hồn xuất thế, hai hồn lên cõi niết bàn! "Phượng hoàng niết bàn" của Quách Mạt Nhược. "Những trường đại học của tôi" của Gorky. Trò đặc biệt kính phục tửu lượng nghìn chén không say của thầy. Trò có đọc một đoạn văn của thầy, nói rằng "Rượu là văn học", "Người không uống được rượu thì không thể bàn văn học" Lời của thầy khiến trò tỉnh ngộ, thoát khỏi bến mê. Đúng như mở hộp xương sọ, trút cả thùng rượu Mao Đài vào trong đầu! Trên đời này, hiểu biết về rượu hơn trò chưa quá một trăm người, tất nhiên thầy là ngoại lệ. Trò thuộc lòng lịch sử rượu, cách chưng cất rượu, phân loại rượu, công thức hoá học rượu. Do vậy, trò mê văn học, tự cho mình có thể theo đòi văn học. Ý kiến của thầy như chén rượu an thần đối với trò, chẳng khác Lý Ngọc Hoà uống chén rượu của mẹ trước khi bị tên phát xít Nhật giải đi. Vì vậy, thưa thầy Mạc Ngôn, giờ thì thầy đã hiểu vì sao trò viết thư này cho thầy. Xin thầy hãy nhận một lạy của trò này.
Gần đây, trò có xem phim "Cao lương đỏ" do thầy cải biên và viết kịch bản từ tiểu thuyết cùng tên của thầy, xem rồi suốt đêm trằn trọc, hết chén này đến chén khác, trò uống mừng cho thầy, tự hào vì thầy. Thầy là niềm kiêu hãnh của thành phố Rượu! Trò đang chuẩn bị kêu gọi các giới kiến nghị với thị uỷ, chuyển thầy từ làng Đông Bắc Cao Mật về đây, về an cư lạc nghiệp ở thành phố Rượu này. Thầy hãy đợi tin của trò.
Thầy Mạc Ngôn kính mến! Lần đầu viết thư cho thầy, trò không dám nhiều lời. Xin gởi kèm theo một thiên tiểu thuyết trò viết sau khi xem phim "Cao lương đỏ", trằn trọc thâu đêm, vừa uống rượu vừa viết một mạch. Thầy đọc xong thấy được, rất mong thầy giới thiệu cho, học trò rất cảm ơn thầy. Kính chúc thầy tứ văn dào dạt!
Học sinh của thầy: Lý Một Gáo
Viết thêm: Nếu thầy cần rượu cứ nhắn một tiếng, trò lập tức có ngay.
3
Kính gửi Tiến sĩ rượu,
Đã nhận được thư và tác phẩm lớn "Rượu cồn", xin đừng lo.
Tôi vốn học hành lèm nhèm nên phục sát đất sinh viên các trường đại học, huống hồ huynh lại là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ về Rượu.
Thời buổi này mà theo đòi văn học là không thông minh. Các bạn viết văn của tôi thường than thở, vì bất tài không biết nghề ngỗng gì khác nên mới viết văn. Có một vị tên Lý Thất có truyện dài tựa đề "Xin đừng bắt tôi làm chó", kể rằng, mấy anh chàng dặt dẹo không làm nên trò trống gì, bèn bảo nhau: "Hay là chúng mình làm nhà văn". Tôi cũng chẳng cần nhiều lời làm gì, nếu không có gì trở ngại, huynh coi cho biết.
Huynh là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ về Rượu, tôi phục quá thể, nếu tôi là Tiến sĩ Rượu, thỉ không bao giờ tôi chuyển nghề, viết cái loại tiểu thuyết chó ỉa làm gì! Ở một đất nước hơi men ngất trời như Trung Quốc, không có gì oai hơn, tiền đồ xán lạn hơn, bổng lộc nhiều hơn công việc nghiên cứu rượu! Xưa có câu: "Trong sách có ngôi nhà vàng, có nghìn thưng gạo lật, có người đẹp như ngọc!". Nay thì câu này không thiêng nữa, nên đổi "sách" thành "rượu". Cứ nhìn ông Phó bộ trưởng Khoan Kim Cương đủ rõ, nhờ cái tài uống rượu như hũ chìm mà trở thành ngôi sao chói lọi, ai cũng hâm mộ! Huynh nói tôi nghe, có nhà văn nào được trọng vọng như ông ta không? Vậy nên, huynh hãy nghe lời bố vợ, trang bị cực kỳ nghiêm chỉnh tri thức về rượu, đừng rẽ sang hướng khác kẻo phí hoài tuổi xuân.
Trong thư huynh nói rằng, sau khi đọc bài văn của tôi, huynh quyết định đổi nghề. Sai to rồi! "Rượu là vần học" ư, "Không biết uống rượu thì đừng có bần văn học!" ư, đừng có tin! Đấy là lời của thằng say, đấy là rượu nói chứ không phải tôi nói, tin thì chẳng thà giết tôi đi cho xong!
Tôi đã đọc tác phẩm vĩ đại của huynh. Tôi lí luận kém, trình độ thẩm định thấp, không dám lên mặt dạy đời. Đã chuyển cho Toà soạn "Quốc dân văn học", nơi ấy tập trung những biên tập viên ưu tú nhất của Trung quốc đương đại, nếu huynh là Thiên lý mã thì đừng lo không có Bá Nhạc phát hiện huynh!
Tôi ở đây rượu cũng không thiếu, rất cảm ơn thịnh tình của huynh!
Chúc huynh mạnh giỏi!
Mạc Ngôn
4
Rượu cồn
Thưa bằng hữu thân mến, các bạn sinh viên thân mến! Khi được mời thỉnh giảng tại trường đại học Chưng cất Rượu, niềm vinh dự như ngọn gió xuân ào ạt thổi qua trái tim hồng, thổi qua ruột xanh phổi đỏ, thổi qua lá gan màu tím - mà vì có nó tôi đã làm việc hết mình, không sợ thiên hạ đàm tiếu - của tôi. Nhờ tài năng đặc biệt của lá gan, tôi mới có dịp đứng trên bục giảng này, cái bục được viền bằng lá thông và hoa nhựa. Các bạn đều biết, qua sự phân giải của gan, đại hộ phận cồn thâm nhập cơ thể con người...
Khoan Kim Cương trịnh trọng thực hiện chức phận của ông ta trên giảng đường lớn của trường đại học Chưng cất Rượu. Bài giảng đầu tiên, ông ta nêu ra một vấn đề có tầm khái quát rộng: Rượu và xã hội. Y như các vị lãnh đạo cao cấp thông thái khi nói không bao giờ đi thẳng vào sự việc cụ thể, mà phán như thánh sống, viện dẫn cổ kim, trên trời dưới đất, trích dẫn gần xa, ông ta cũng vậy, không chịu khoanh lại trong đề tài định diễn giảng, mặc dù ông ta là một giáo sư thỉnh giảng ưu tú. Mặc dù rong ruổi trên mây, nhưng khi cần, đôi lúc ông ta cũng đáp xuống mặt đất, thao thao bất tuyệt nhưng không có câu nào, trực tiếp hay gián tiếp, xa rời đề tài đang diễn giảng.
Chín trăm con người của trường đại học Rượu, gồm các sinh viên gái và trai, cùng với các giáo sư, phó giáo sư, trợ giáo, lãnh đạo nhà trường... ngồi kín giảng đường như một bầy sao nhấp nháy chầu về ngôi sao lớn, đầu nở to, nghe như uống từng lời. Đó là một buổi sáng mùa xuân ngập nắng, Khoan Kim Cương lấp lánh như viên kim cương trên bục giảng. Trong đám thính giả, giáo sư Viên Song Ngư tuổi quá lục tuần ngẩng cao mái đầu bướng bỉnh, phong độ phi phàm, mái tóc bạc phơ, từng sợi trắng như cước, nét mặt hồng hào, siêu thoát như một đạo sĩ đắc đạo thành tiên, cưỡi hạc nhàn du. Mái đầu bạc của ông đầy khí thế, nổi bật giữa đoàn người như con lạc đà giữa đàn dê. Ông già là thầy dạy của tôi, tôi không chỉ quen biết ông mà còn quen biết vợ ông, rồi sau đó tôi yêu con gái ông bà, tiến tới lấy cô ta làm vợ, ông và bà vợ của ông trở thành bố vợ mẹ vợ tôi. Hôm ấy tôi cũng nghe giảng ở giảng đường lớn này, tôi là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ bộ môn ủ men trường đại học Chưng cất, giáo sư hướng dẫn cũng là nhạc phụ tôi. Rượu cồn là tinh thần là linh hồn tôi và cũng là đầu đề tiểu thuyết này của tôi. Viết tiểu thuyết là cái thú của tôi ngoài giò làm việc, vì vậy, tôi chẳng chịu sức ép nào cả, tôi có thể vừa uống rượu vừa viết. Rượu ngon! Có đúng là rượu ngon không? Rượu ngon là do tôi làm ra. Uống rượu tôi, khí huyết lưu thông, không ho không sặc; uống rượu tôi, lợn nái làm mồi, sơi hết cả con! Tôi giằn mạnh li rượu pha lê lên mâm son, trước mắt lại hiện ra cảnh tượng lớp học chung, rượu vang lên men trong phòng thí nghiệm, những cốc pha lê đựng đầy chất rượu màu hồng đậm nhạt nhiều cấp độ, ánh sáng reo vui trong bóng dèn, rượu chảy rần rần trong huyết quản, tư tưởng bơi ngược dòng thời gian, khuôn mặt choắt, luôn biến dạng của Khoan Kim Cương như có ma lực khiến người mê mẩn. Ông ta là niềm tự hào của thành phố Rượu chúng tôi, là đối tượng cho đám sinh viên ngưỡng mộ. Đẻ con thì phải như Khoan Kim Cương, lấy chồng thì lấy Khoan Kim Cương! Không rượu thì còn gì yến tiệc, không có Khoan Kim Cương thì còn đâu thành phố Rượu! Ông ta uống cạn một cốc vại, rút khăn lụa chấm chấm cặp môi bóng loáng như tơ tằm, điệu bộ vô cùng trang nhã. Hoa khôi của Khoa - Vạn Quốc Hương mặc váy dài hoa đẹp nhất thế giới, tiếp rượu vào cốc ông ta bằng một động tác mẫu mực. Ông ta thân mật nhìn cô. Cô thẹn đỏ mặt, cũng có thể đó là sự sung sướng bò dần lên đôi gò má. Tôi biết dưới kia có người phát ghen, có người ganh tị, có người nghiến răng nghiến lợi vì căm tức. Giọng sang sảng, thanh quản không hề vướng víu, ông ta không cần dọn giọng. Cái ho của ông ta chắng qua như một khiếm khuyết nhỏ của con người kiệt xuất, một thói quen vô hại, không ảnh hưởng mảy may đến vẻ tao nhã của ông. Ông nói:
- Các đồng chí và các bạn sinh viên thân mến! Chúng ta không nên tin tưởng mù quáng vào thiên tài. Thiên tài do phấn đấu hết mình mà có. Tất nhiên người duy vật chủ nghĩa không phủ nhận tính ưu việt của một bộ phận cá biệt nào đó trên cơ thể con người, nhưng đó không phải là nhân tố có tính quyết định. Tôi thừa nhận rằng, năng lực bẩm sinh phân giải rượu của tôi khá mạnh, nhưng nếu như không có sự rèn luyện sau đó thì chưa hẳn đã đạt tới trình độ nghìn chén không say như bây giờ!
Ông ta rất khiêm nhường, những người thực sự có tài thường khiêm nhường. Những kẻ khoác lác thường là không có tài hoặc tài không đáng kể. Ông ta lại cạn cốc với vẻ duyên dáng, và cũng rất duyên dáng, cô tiếp tân lại rót đầy cốc cho ông ta. Tôi giơ cánh tay mỏi dừ rót đầy chén cho mình. Mọi người, mỉm cười thông cảm, hỏi thăm sức khỏe của nhau. Lý Bạch đấu rượu ngàn bài thơ! Lý Bạch không bằng tôi. Ông phải bỏ tiền túi ra uống rượu, tôi thì không, tôi uống cồn thí nghiệm. Lý Bạch là đại văn hào, còn tôi là anh viết văn nghiệp dư.
Ông Phó chủ tịch Hội Nhà văn thành phố khuyên tôi nên viết những gì mà mình quen thuộc, tôi thường lấy trộm cồn thí nghiệm đem đến nhà ông. Ông không đánh lừa tôi. Ông ta giảng đến đâu rồi nhỉ? Hãy dỏng tai lên, tập trung tư tưởng vào, chín trăm sinh viên như chín trăm con lừa choai, bị phấn kích, nhôn nháo cả lên!
Tinh thần, tư thế của ông Phó bộ trưởng Khoan Kim Cương cũng chẳng khác gì những con lừa choai. Ông ta gật đầu vẩy đuôi, tỏ ra vô cùng khả ái. Ông nói: Nói về lịch sử rượu của tôi thì phải truy ngược bốn mươi năm về trước, cái năm vui mừng của hàng triệu người ấy, tôi nảy mầm trong bụng mẹ. Qua điều tra, bố mẹ tôi khi ấy cũng vui sướng điên cuồng như mọi người rồi rơi vào tình trạng cuồng mê đất trời chao đảo, vì vậy, tôi là sản phẩm của sự cuồng hoan, là loại sản phẩm phụ. Các bạn sinh viên thân mến, chúng ta đều biết mối quan hệ giữa cuồng hoan với tửu thần, điều quan trọng ở đây là con tinh trùng cuồng hoan của bố tôi kết hợp với cái trứng cuồng hoan của mẹ tôi mà sinh ra tôi, quyết định duyên phận của tôi với rượu. - Ông ta mở mảnh giấy, xem rồi phát biểu với vẻ độ lượng: - Tôi là cán bộ, làm sao có thể tuyên truyền thuyết duy tâm? Tôi là người duy vật trăm phần trăm, "vật chất có trước, tinh thần có sau" là ngọn cờ thêu tám chữ vàng của tôi. Tinh trùng dù điên cuồng đến mấy cũng chỉ là vật chất, cũng vậy, cái trứng dù điên cuồng đến mấy chẳng lẽ không phải là vật chất? Lại nữa, mọi ngươi dù điên cuồng đến mấy cũng không thể vứt bỏ xương cốt da thịt, biến thành tinh thần thuần tuý bay lượn khắp xó xỉnh? Vậy nhé, các bạn sinh viên thân mến, thì giờ quí lắm, thời gian là tiền bạc, thời gian là sinh mạng của con ngươi, ta không nên lẩn quẩn xung quanh vấn đề đơn giản này nữa, trưa nay tôi phải chiêu đãi các bạn tài trợ cho Lễ hội "Rượu Bú Dù" lần thứ nhất, trong đó có người Mỹ gốc Hoa, có đồng bào ở Hồng Công, không dám để xảy ra sơ suất".
Khi Khoan Kim Cương đề cập đến chuyện Lễ hội "Rượu Bú Dù", tôi ngồi phía sau trông rõ búi cơ hình thang trên cổ bố vợ tôi nổi hẳn lên, đỏ lựng. Ông bị một thứ còn hơn cả quỳnh tương ngọc dịch ám ảnh, cả đời không lúc nào yên. Sản xuất thành công "Rượu Bú Dù", đựng được cái dịch thể chỉ có trong truyền thuyết đó vào chai, là chuyện kỳ diệu của hai triệu con dân thành phố Rượu, có nằm mơ cũng không dám tơ tưởng, là hạng mục trọng điểm phải công phá, thành phố đã chi một khoản tiền lớn, ông là Tổ trưởng tổ xung kích, ông không đỏ cơ hình thang thì ai đỏ? Tôi không nhìn thấy mặt ông, nhưng về cơ bản tôi hiểu ông.
"Các bạn sinh viên thân mến, hãy để cho một cảnh tượng thần kỳ bày ra trước mắt chúng ta, một đàn tinh trùng vui sướng điên cuồng vẫy đuôi xông vào lô cốt như những chàng dũng sĩ, ồ không, chúng điên cuồng nhưng động tác thì cực kỳ mềm mại, linh hoạt. Năm xưa, tên đầu sỏ phát xít Hitle từng mong muốn thanh niên Đức "Nhanh nhẹn như người Do Thái, bền chắc như sợi dây da, dẻo dai như thép lò so". Dù mong muốn của Hitle có phần giông giống đàn tinh trùng đang bơi trước mắt chúng ta, trong đó một con là tế bào hạt nhân của tôi, nhưng chúng dù giỏi đến mấy cũng không thể dùng lần thứ hai, huống hồ đề xướng chuyện này lại là một tên hỗn thế ma vương, ngươi người căm giận! Chúng ta vui lòng dùng loại nội hoá tầm tầm, không thèm dùng hàng nhập ngoại, dù chúng có đẹp đến mấy. Đây là vấn đề nguyên tắc, không được bỏ qua! Lãnh đạo các cấp phải hết sức chú ý, quyết không được buông lỏng vấn đề này. Trong sách miêu tả tinh trùng như con nòng nọc. Ta hãy quan sát chúng: hàng đàn tinh trùng - trong đó có cái tôi bé nhỏ - bơi trong dòng suối ấm áp mẹ tôi.
Chúng đua nhau vượt lên, con nào thắng, thưởng cho một trứng - một quả nho trắng đầy tương trấp. Tất nhiên cũng có trường hợp hai con tinh trùng cùng đến đích, khi ấy, hoặc là có hai trứng thưởng cho chúng, nhưng nếu chỉ có một trứng thì hai con cùng hưởng. Nhưng nếu cùng lúc có ba, bốn, thậm chí nhiều vận động viên cùng tới đích thì sao? Đây là trường hợp hi hữu, ta chỉ bàn trường hợp thông thường, đặc biệt quá thì phải bàn riêng, thành một chuyên đề. Hay dở gì thì lần đua này, tôi là người đầu tiên về đích, quả nho trắng nuốt chửng tôi, tôi trở thành một bộ phận của nó. Đúng vậy, mọi so sánh đều khập khiễng, Lênin nói thế. Chúng ta ví rượu như người đẹp, người khác ví người đẹp như rượu, vậy là rượu và người đẹp đã đồng nhất đến một mức độ nào đấy. Tính đặc thù trong đồng nhất tách người đẹp ra khỏi rượu, còn tính đồng nhất trong đặc thù gộp rượu với người đẹp làm một. Nhưng rất ít người cảm nhận được nét dịu dàng của người đẹp trong khi uống rượu, những người như vậy chỉ đếm được trên đầu ngón tay".
Hôm ấy, bài thuyết giảng của ông ta rung chuyển tất cả chúng tôi, những sinh viên và nghiên cứu sinh kiến thức còn nông cạn, lượng nước mà chúng tôi đã uống không bằng lượng rượu ông ta đã dùng. Các bạn sinh viên thân mến, thực tiễn cho ta sự hiểu biết đích thực. Nhà thiện xạ qua từng phát đạn mà thành danh, kẻ bợm rượu qua từng giọt cồn mà nổi tiếng. Sự thành đạt không thể đi đường tắt, chỉ có những người không sợ gian truân, dấn bước trên con đường khúc khuỷu gập ghềnh, mới mong đạt tối đỉnh vinh quang!
Ánh sáng chân lý soi rọi đường đi cho chúng tôi, giảng đường vang lên tiếng vỗ tay như sấm.
Các bạn thân mến, tuổi thơ của tôi rất cơ cực. Những nhân vật vĩ đại đều vật lộn trong bể khổ, ông ta cũng không ngoại lệ. Tôi rất thèm mà không có rượu uống, ông Phó bộ trưởng kể cho chúng tôi nghe trong những năm tháng gian khổ. Ông đã dùng cồn công nghiệp thay thế rượu cồn như thế nào. Tôi rất muốn dùng ngôn ngữ thuần tuý văn học miêu tả lịch trình khác đời mà ông đã trải qua. Tôi tợp một ngụm, giằn mạnh chiếc ly trên mâm son. Màn đêm buông xuống, Khoan Kim Cương đứng giữa chức Phó bộ trưởng và con tinh trùng vui vẻ. Ông ta giơ tay chào. Khoác chiếc áo bông rách, ông ta dẫn tôi về thăm quê hương của ông ta.
Đêm đông lạnh buốt, vầng trăng khuyết và trời đầy sao soi sáng con đường và những ngôi nhà trong thôn, soi sáng những cành liễu khô và những đoá hoa mai. Cách đây không lâu có một trận tuyết lớn, sau đó có hai lần nắng, tuyết tan, chảy thành bức rèm dưới mái hiên, toả sáng yếu ớt dưới ánh trăng. Tuyết phủ trên mái nhà và kẹt trên cành cây cũng lấp lánh. Theo lời ông Phó bộ trưởng thì đó là một đêm động lặng gió, băng trên sông nứt vỡ trước cái lạnh khủng khiếp, vê đêm nghe càng rõ. Đêm càng khuya càng im ắng, thôn xóm ngủ mê mệt. Đây là một thôn ở vùng ven thành phố Rượu. Có thể một ngày nào đó chúng tôi trèo lên chiếc xe du lịch nhãn hiệu Mitsubisi của ông Phó bộ trưởng đi thăm thánh địa, tham quan thánh tích, mà ở đó, mỗi gốc cây ngọn cỏ đều khơi gợi chúng tôi sinh lòng ngưỡng mộ ông, một tình cảm thân thiết đối với ông. Thử nghĩ coi, từ cái nơi nghèo rớt mồng tơi này mà bay vụt lên trời một Sao Rượu chói lọi, khiến chúng tôi sung sướng ứa nước mắt, còn trái tim thì ào ạt như triều dâng. Cái nôi dù cũ kỹ thì vẫn là cái nôi, không gì có thể thay thế. Căn cứ vào tình hình trước mắt, có thể đoan chắc ông ta còn tiến xa. Khoan Kim Cương sau khi trở thành nhà lãnh đạo cao cấp, khi dẫn chúng tôi đi dạo trên đường ngang lối tắt lầy lội của cái thôn Kim Cương nhà ông, khi dầm chân trong con suối róc rách chảy, khi tản bộ trên con đê cao cao, phóng tầm mắt trên màu xanh mênh mông, khi bồi hồi đi lại trước những chuồng dê chuồng ngựa của ông... thời niên thiếu với bao niềm vui và nỗi đau, tình yêu và ước vọng... xô đẩy nhau tràn vào trong đầu thì trạng thái tinh thần của ông sẽ ra sao nhỉ? Bước chân của ông sẽ như thế nào? Thái độ của ông sẽ như thế nào? Khi đi, ông cất chân trái trước hay cất chân phải trước? Khi cất chân phải, tay trái ông để ở đâu? Khi cất chân trái, tay phải ông để ở đâu? Miệng ông có mùi vị gì? Huyết áp bao nhiêu? Nhịp tim nhanh chậm? Hở răng hay không hở răng khi cười? Mũi nhăn hay không nhăn khi khóc? Những cái cần miêu tả quá nhiều, chữ nghĩa trong bụng thì lại quá ít. Cực chẳng đã, tôi lại cầm li rượu lên. Cành khô đầy tuyết trong sân gãy răng rắc, băng dày ba thước trong đầm phía xa. Trong đám lau sậy héo khô, vịt trời ngủ cùng vịt nhà, mơ ngủ giật mình kêu quang quác. Tiếng vịt kêu lảnh lói luồn trong không khí hanh khô, chui vào gian chái ọp ẹp phía đông của chú Bảy. Ông ta nói ngày nào ông ta cũng đến nhà chú Bảy, ở đó đến tận khuya. Bốn bức tường đen kịt, một cây đèn dầu đặt trên chiếc bàn ba ngăn kéo cũ kỹ kê sát tường đông. Thím Bảy ngồi trên giường. Quanh mép giường là chú thợ đắp lò, Chín Phương, Trương Bảo Quản. Họ như tôi, ở đây cho qua đêm đông dài dằng dặc. Đêm nào cũng đến, gió tuyết cũng không ngăn nổi. Họ kể lại những gì đã trải qua trong ngày của bản thân, thông báo những tin tức thú vị lượm lặt từ bảy thôn tám xóm, đủ các chuyện trên trời dưới đất, một bức tranh nông thôn với thói lề quê tục trải ra trước mặt, một cuộc sống đậm màu sắc văn học kỳ thú. Cái rét như mèo hoang luồn qua khe cửa gặm chân đau nhói. Hồi đó ông ta còn bé, nghèo lắm, giầy tất không có, hai bàn chân chai sạn luồn trong đôi dép đan bằng cỏ bồng, những cục băng lạnh toát ken đầy chỗ lõm bàn chân. Gian chái tối mò nên cây đèn tỏ ra rất sáng, giấy dán cửa sổ màu trắng, hơi lạnh từ những lỗ thủng chui vào, khói đèn bốc lên cao, luôn thay hình đổi dáng. Hai đứa con của chú thím Bảy nằm ngủ ở một góc giường, đứa gái lớn ngáy đều đều, đứa nhỏ thở đứt quãng, nói mê lảm nhảm, hình như nó đang mơ đánh nhau với lũ trẻ lang thang. Thím Bảy là một phụ nữ có văn hoá, mắt rất sáng. Thím bị chứng thừa chất toan ở dạ dày, ợ liên tục. Chú Bảy là con ngươi ngờ nghệch, nét mặt luôn thay đổi, không góc cạnh, bèn bẹt như chiếc bánh dày, cặp mắt lò đò nhìn ngọn đèn không chóp. Thực ra, chú Bảy cũng ranh ra phết, năm xưa bịp bợm thế nào mà lấy được thím Bảy có văn hoá, kém chú đến mười tuổi. Cả một quá trình gay go phức tạp, một câu không thể kể hết được. Chú Bảy hành nghề thú y nghiệp dư, biết cả hoạn lợn, thiến chó, thiến lừa. Cũng như mọi người trong thôn, chú mê rượu nhưng không có mà uống. Bao nhiêu nguyên liệu có thể nấu rượu đều dùng để ăn, quan trọng nhất vẫn là ăn. Ông Khoan kể: Chúng tôi ôm cái bụng rỗng trằn trọc thâu đêm, khi ấy, không ai nghĩ rằng tôi lại có ngày hôm nay. Tôi không phủ nhận cái mũi của tôi mẫn cảm đặc biệt với mùi rượu, nhất là ở nông thôn không khí chưa bị ô nhiễm, đêm lạnh, mùi nào ra mùi ấy, cách hàng trăm mét vẫn có thể ngửi thấy nhà nào đang uống rượu.
Đêm càng khuya, tôi ngửi thấy mùi rượu ở phía đông bắc, tuy bị bao nhiêu bức tường ngàn cách, nhưng cái mùi thân thương hấp dẫn đó vẫn vượt lên các mái nhà, xuyên qua rừng cây phủ đầy tuyết...Trên đường đi của nó, gà vịt ngan ngỗng chó lợn đều bị say. Chó say, tiếng sủa tròn như be rượu, chếnh choáng hơi men. Say cả sao trên trời. Khi say, sao chớp mắt lia lịa, lắc lư vui vẻ như trẻ nhỏ chơi đu. Cá trong hồ cũng say, chúng nằm ườn trên đám cỏ nước nhả bong bóng. Đương nhiên loài vật ăn đêm đều hít phải mùi rượu, trong đó có hai con cú mèo lông dày và đẹp và những con chuột đồng đang ăn rễ cây trong hang. Trên dải đất mênh mông lạnh buốt nhưng đầy sức sống này, biết bao sinh linh được thụ hưởng món quà ấy của nhân loại, cảm giác thiêng liêng từ đó nảy sinh, "Cái thú uống rượu, khởi đầu từ vua, hoặc gọi Nghi Địch, hoặc kêu Đỗ Khang", rượu có thể tiếp cận với thần thánh. Vì sao ta đem rượu cúng tổ tiên, dùng rượu để siêu độ linh hồn? Đêm nay tôi đã hiểu. Đây là cái ngày tôi được khai tâm. Chính trong đêm ấy, linh hồn bé nhỏ ẩn trong thể xác tôi bừng tỉnh, tôi cảm nhận được sự kỳ bí của vũ trụ, sự kỳ bí không thể diễn đạt bằng câu chữ, nó đẹp mà dịu dàng, đa tình mà hiền hậu, vương vấn mà bi luỵ, mềm mại mà thơm tho... Các bạn có hiểu không? Ông ta giơ hai tay về phía chúng tôi - những thính giả đang rướn cổ lên, mắt mở to, miệng há hốc, làm như định đớp lấy viên linh đan trong tay ông ta. Nhưng trong tay ông ta không có gì hết!
Ánh mắt của bạn như xoáy vào lòng người. Người nào đối thoại được với Thượng đế thì mới có ánh mắt ấy. Bạn nhìn thấy những cảnh sắc mà chúng tôi không nhìn thấy, bạn nghe thấy những âm thanh mà chúng tôi không nghe thấy, bạn ngửi thấy những mùi vị mà chúng tôi không ngửi thấy, thật tội nghiệp cho chúng tôi! Tiếng nói tuôn ra từ một cơ quan mà người ta gọi là miệng, giống như một đoạn nhạc, một dòng sông dẹt, một sọi tơ bay bay nhả ra từ trốn con nhện đã thành tinh, to sấp sỉ quả trứng gà, trơn tuột, chất lượng thì tuyệt hảo. Chúng tôi mê đắm trong tiếng nhạc, lênh đênh trên dòng sông, nhảy múa trên tơ nhện, chúng tôi đã nhìn thấy Thượng đế. Trước khi nhìn thấy Thượng đế, chúng tôi nhìn thây xác mình trôi theo dòng nước...
Vì sao tiếng kêu của con cú mèo đêm nay lại dịu dàng như tiếng thì thầm của người yêu? Vì rằng, trong không khí có rượu. Vì sao ngỗng trời và ngỗng nhà lại giao phối không đúng mùa giao phối? Cũng vì trong không khí có rượu. Tôi ra sức khịt mũi, Chín Phương hỏi tôi, giọng vịt đực:
- Khịt dữ thế? Đánh hơi cái gì thế?
Tôi nói:
- Có mùi rượu.
Họ cũng ra sức đánh hơi. Mũi chú Bảy rúm lại. Chú hỏi:
- Mùi rượu ở đâu thế? Ở đâu có rượu thế?
Tôi như mê đi:
- Các vị ngửi đi, các vị ngửi đi!
Họ ngó ngang ngó dọc, xó nhà cũng không bỏ qua. Chú Bảy lật cả chiếu lên, thím Bảy nổi cáu:
- Sao lại lật lên? Chẳng lẽ rượu giấu dưới giường? Thật không hiểu nổi?
Tôi đã nói rồi, thím Bảy là một trí thức, vậy mới nói "Không hiểu nổi". Hồi thím mới về làm dâu, thấy mẹ tôi vo gạo kỹ quá, thím phê bình mất hết "vitamin". Mẹ tôi đứng đực ra khi nghe thím nói cái từ "vitamin".
Trong mùi rượu có albumin, prôtit, axit, phenol. Còn có canxi, phôtpho, manhê, kali, natri, clo, silic, sắt, đồng, mănggan, thiếc, iôt, côban, lại còn có vitamin A, B, c, E, F và các vật chất khác. Tôi đúng là đánh trống qua cửa nhà sấm, trong rượu có những gì, giáo sư Viên Song Ngư biết rõ hơn ai hết - cơ hình thang trên gáy bố vợ tôi đỏ lựng vì những câu tán dương của Khoan Kim Cương, tôi không nhìn thấy mặt ông, nhưng cơ bản tôi hiểu ông: Nhưng trong mùi rượu có một loại siêu vật chất đang vận hành, nó là một thứ tinh thần, một loại tín ngưỡng, rất thành kính, chỉ có thể hiểu ý mà không thể nói thành lời. Ngôn ngữ thì vụng về, so sánh thì khập khiễng, nó chảy vào tim khiến ta run rẩy toàn thân. Thưa các đồng chí, thưa các bạn! Chẳng lẽ còn phải biện giải rượu có lợi hay có hại? Khỏi cần, khỏi cần! Rượu là chim én, là ếch nhái, là ong mắt đỏ, là con bọ dừa, là linh dược trừ hại vô cùng hiệu nghiệm. Ông ta hăng lên, hoa chân múa tay, rơi vào trạng thái xuất thần, thuyết trình đến đoạn tâm đắc nhất, điệu bộ y hệt Hitle. Ông nói:
- Chú Bảy, các chú thấy đấy, mùi rượu từ cửa sổ, từ nóc nhà, luồn qua những khe hở mà vào...
- Cái thằng... điên rồi! - Chín Phương hứ một tiếng bằng giọng mũi - mùi vị mà có màu sắc nhìn thấy được? Đúng là điên!...
Họ nhìn tôi bằng cặp mắt nghi ngại, làm như tôi đúng là một thằng tâm thần. Kệ họ! Tôi chạy như bay lên chiếc cầu vồng năm sắc hình thành từ hơi rượu, chạy như bay...Và thế là kỳ tích đã xuất hiện, các bạn ơi, kỳ tích đã xuất hiện! Sức nặng của tình cảm đè đầu ông ta xuống. Đứng trên bục của giảng đường lớn, ông ta nói, chất giọng rè cực kỳ hấp dẫn.
Một cảnh tiệc tùng trong đêm tuyết hiện ra trùớc con mắt bộ não của tôi: một cây đèn khí sáng trắng. Một chiếc bàn bát tiên, trên bàn bày một chậu thức ăn bốc hơi nghi ngút. Bốn người ngồi vây quanh, mỗi ngươi bê một bát mây hồng, nét mặt khi mò khi tỏ... ơ kìa, tôi nhận ra họ rồi... Bí thư Chi bộ này, Kế toán Đội này, Đại đội trưởng dân quân này, Chủ nhiệm phụ nữ này... Mỗi người tay cầm chiếc đùi cừu đã ninh dừ chấm vào bát nước xốt... Tôi làm như chăm chú vào công việc thuyết giảng, nói cho cánh chú Bảy biết họ là những ai, mắt tôi mò đi, chỉ sợ cảnh tượng trước mắt biến mất... Chú Bảy lắc tay tôi:
- Ngư ơi Ngư! Mày ốm hả?
Tay trái chú cầm tay tôi mà lắc, tay phải chú vỗ sau gáy tôi. Y hệt viên gạch ném xuống mặt hồ yên tĩnh, trong đầu tôi vang lên đủ thứ âm thanh hỗn tạp, nước bắn tung tóe, sóng dồn đuổi nhau, hình ảnh. biến mất, đầu trống rỗng. Tôi buồn rầu kêu lên:
- Các chú làm gì thế?
Họ lo lắng nhìn tôi. Chú Bảy nói:
- Cháu mơ ngủ đấy à?
- Cháu không ngủ mê. Cháu trông thấy Bí thư, Kế toán, Chủ nhiệm phụ nữ đang uống rượu. Mỗi người cầm một đùi cừu chấm nước xốt. Thắp đèn khí, ngồi quanh chiếc bàn bát tiên.
Thím Bảy ngáp sái cả quai hàm, nói:
- Ảo giác!
- Cháu trông rõ lắm mà!
Lưu Gộc nói:
- Chiều nay lúc tôi ra sông gánh nước, đúng là tôi trông thấy Chủ nhiệm phụ nữ dẫn hai bà vợ ra sông rửa thịt cừu.
- Anh cũng ảo giác nốt! - Thím Bảy nói.
- Đúng như thế mà!
- Đúng cái chết tiệt! Theo tôi thì các anh thèm rượu đến phát điên rồi! - Thím Bảy nói.
Chú thợ đắp lò uể oải nói:
- Đừng cãi nhau nữa, để cháu đi trinh sát xem sao!
- Có mà điên! - Thím Bảy nói - Các người tin vào ảo giác thật sao?
Chú thợ đắp lò nói:
- Mọi ngươi hãy đợi đấy, cháu đi một lát rồi về ngay.
- Cẩn thận, chúng tóm được là ăn đòn đấy! - Thím Bảy tỏ vẻ lo lắng.
Chú bé đã ra khỏi cửa. Một trận gió lạnh ùa vào, suýt thổi tắt ngọn đèn.
Chú bé chạy về, thở hổn hển, kéo theo một cơn gió lạnh, ngọn đèn suýt tắt lần nữa. Chú đờ đẫn ngó tôi như bị ma ám. Thím Bảy cười nhạt, hỏi:
- Thấy những gì nào?
Chú thợ đắp lò ngoảnh lại nói:
- Thánh thật, thánh thật! Thằng Ngư là tiên hay sao mà nhìn xa nghìn dặm?
Chú bảo những gì trông thấy đúng như tôi mô tả. An uống ở nhà Bí thư. Tường thấp, chú thợ đắp lò trèo qua tường mà vào.
Thím Bảy nói:
- Tôi không tin!
Chú thợ chạy ra ngoài, đem vào chiếc đầu cừu cứng ngắc, giơ cho thím Bảy xem. Thím trợn tròn mắt, quên cả ợ hơi.
Đêm ấy, chúng tôi tíu tít cạo rửa sạch sẽ cái đầu cừu rồi đem hầm. Trong khi chò đợi, chúng tôi thèm rượu. Cuối cùng thì thím Bảy nảy ra sáng kiến: uống cồn.
Chú Bảy là thú y, luôn có một chai cồn sát trùng. Tất nhiên, chúng tôi pha loãng bằng nước lã.
Bắt đầu một quá trình rèn luyện gian khổ.
Những người đã lớn lên bằng cồn thú y thì rượu nào cũng không sợ!
Tiếc là chú thợ đắp lò và chú Bảy bị mù.
Ông ta giơ tay xem đồng hồ, nói: "Các bạn sinh viên thân mến, bài giảng hôm nay dừng ở đây!"
Tửu Quốc Tửu Quốc - Mạc Ngôn Tửu Quốc