I love falling asleep to the sound of rain

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Jorge Luis Borges
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Duy Vo
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1592 / 59
Cập nhật: 2015-07-06 11:40:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Những Con Hổ Xanh
rong những vần thơ nổi tiếng của Blake - con hổ là ngọn lửa hừng hực cháy và là hình tượng vĩnh hằng của cái ác; nhưng tôi tán thành với Chesterton hơn, khi ông nhìn thấy ở con hổ hình tượng của sức mạnh thanh cao. Tuy nhiên không có từ nào định nghĩa được tuyệt đối chính xác về con hổ, về hình tượng từ cổ xưa đã làm xao xuyến trí tưởng tượng của con người. Riêng tôi, con hổ bao giờ cũng có sức lôi cuốn không sao cưỡng nổi. Tôi nhớ, hồi còn bé, tôi có thể đứng hàng giờ liền bên cạnh một cái chuồng duy nhất trong vườn thú: còn những cái chuồng khác đối với tôi không tồn tại... Năm tháng trôi qua nhưng lúc nào tôi cũng vẫn chung thuỷ với tình yêu kỳ lạ này, chứ không giống như những thú đi săn trước đây của tôi, hoặc những ham mê ngược đời và không lâu bền khác. Cho mãi đến gần đây lòng ham mê ấy tưởng đã hoàn toàn ngủ yên trong tôi, thì vào cuối năm 1904, tôi đọc được tin nói rằng tại một trong những vùng của đồng bằng sông Hằng người ta phát hiện ra những con hổ màu xanh. Tin đó được khẳng định bởi những thông báo tiếp theo, mâu thuẫn và không giống nhau, càng nung nấu trí tò mò của tôi. Tình yêu ngày xưa lại trỗi dậy trong tôi. Vài tháng sau, một đồng nghiệp của tôi lại thông báo cho tôi biết trong một ngôi làng ở rất xa sông Hằng, anh ta nghe được những câu chuyện của dân làng về những con hổ xanh. Sự kiện này khiến tôi không thể không ngạc nhiên, vì tôi biết ở vùng này rất hiếm khi có hổ. Tôi lại nằm mơ thấy con hổ xanh, nó đi đi lại lại, hắt cái bóng dài xuống cát. Nhân kỳ nghỉ, tôi làm một chuyến đi đến ngôi làng đó.
Tôi tới nơi khi mùa mưa đã kết thúc. Ngôi làng nằm sát chân một quả đồi có vẻ trải dài theo chiều ngang hơn là chiều cao, bốn phía xung quanh bao bọc bởi những cánh rừng rậm tối sẫm. Dân làng ở đây theo Ấn Độ giáo. Tôi đã biết trước chuyện này và thấy hơi buồn. Lúc nào tôi cũng thấy dễ dàng tìm được tiếng nói chung với những người Hồi giáo hơn, mặc dù tôi cũng hiểu, đạo Hồi là đạo có nguồn gốc nông nhất trong số tất cả các tôn giáo bắt nguồn từ đạo Do Thái.
Tôi biết rằng người ở Ấn Độ rất nhiều, nhưng khi đến ngôi làng này tôi mới hiểu, thực ra rừng còn nhiều hơn nhiều, nó mọc xuyên vào cả những túp lều.
Ban ngày trời hết sức oi bức, ban đêm lại không có tí gió mát nào.
Những người già trong làng đón tôi, và chúng tôi bắt đầu trao đổi với nhau những câu chào hỏi lịch sự mơ hồ đầu tiên. Tôi đã nói về sự nghèo khổ của vùng này. Tôi đã nhận xét tốt về những ưu điểm đáng ngờ của những túp lều và về những ưu điểm cũng không kém phần hoài nghi của những món ăn, rồi nói thêm rằng danh tiếng về cái vùng của họ đã lan truyền đến tận Lahor. Nét mặt những người nói chuyện với tôi tự nhiên thay đổi: ngay lập tức tôi hiểu ra tôi đã phạm sai lầm và phải tìm cách sửa chữa. Ai biết được họ có tôn thờ hổ xanh hay không, và những lời của tôi có là bất kính với tín ngưỡng của họ hay không.
Tôi gác lại câu chuyện đến sáng hôm sau. Sau khi ăn cơm và uống trà, tôi lại trở lại đề tài. Trái với sự chờ đợi, tôi đã không hiểu, không thể hiểu chuyện gì đã xảy ra. Tôi đã gây ra sự ngạc nhiên và gần như sợ hãi. Song, khi tôi bảo mục đích của tôi đến đây là để bắt con thú hiếm, thì họ thở phào nhẹ nhõm. Có người nói là nhìn thấy nó từ trong rừng đi ra.
Nửa đêm người ta đánh thức tôi dậy. Một cậu bé thông báo với tôi rằng khi ở bãi chăn dê bị mất một con dê, cậu ta đã đi tìm nó và nhìn thấy con hổ xanh ở bờ sông bên kia. Tôi cho rằng dưới ánh trăng mờ việc xác định màu sắc thực tế là không thể, song mọi người có mặt đều khẳng định câu chuyện, một người trong số họ, từ nãy vẫn im lặng, nói rằng anh ta cũng nhìn thấy nó. Chúng tôi xách súng đi ra ngoài, và tôi nhìn thấy, hoặc giả cho rằng mình đã nhìn thấy, một cái bóng như bóng con mèo thấp thoáng trong khu rừng mờ tối. Không tìm thấy con dê, hơn nữa cũng khó tin con thú đã cuỗm mất con dê là con hổ xanh của tôi. Người ta chỉ cho tôi với vẻ đầy ngụ ý những dấu chân nào đó hoàn toàn không nói lên điều gì cả.
Vào một đêm sáng trăng, chúng tôi ngồi thức đến sáng để canh bên cạnh một con dê mang theo làm mồi nhử. Lúc đầu tôi ngờ rằng đằng sau những câu chuyện huyền bí này là ý đồ muốn kéo dài thời gian của tôi ở làng để có lợi cho dân làng, những người chu cấp thức ăn và làm việc nhà cho tôi. Để kiểm tra điều phỏng đoán của mình, tôi thông báo với họ ý định của tôi sẽ bỏ đi nơi khác, xuôi theo dòng sông. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy mọi người đều ủng hộ quyết định của tôi. Tuy vậy tôi vẫn không sao dứt bỏ được ý nghĩ rằng họ đang giấu tôi điều gì đó và tôi đang khiến họ e ngại điều gì đó.
Tôi đã nói rằng quả núi có rừng mà ngôi làng nằm bám chặt xung quanh chân nó là một quả núi thấp. Sườn phía tây và sườn phía đông quả núi phủ đầy rừng rậm. Bởi cái sườn của nó không dốc lắm nên tôi quyết định leo lên đó. Cái ý muốn đơn giản đó của tôi khiến họ bối rối. Một người trong số họ tuyên bố rằng những sườn núi này dốc đứng. Người già nhất trong làng đã nói một câu có tính quyết định, để nhấn mạnh rằng ý đồ của tôi là không thể thực hiện được. Đỉnh quả núi này rất linh thiêng, và do những nguyên nhân thần bí, nó bị cấm đối với dân chúng ở đây. Kẻ nào dám cả gan bước chân lên đỉnh núi để ngó vào những bí mật của thần thánh, kẻ đó sẽ bị mù hoặc phát điên. Tôi không tranh cãi với họ nữa, nhưng vào một đêm, khi mọi người đã ngủ hết, tôi lặng lẽ chui ra khỏi túp lều rồi bắt đầu leo lên đỉnh núi không cao lắm ấy. Tôi leo một cách chậm chạp, không có đường đi, cứ len lỏi qua các bụi rậm và cỏ dại. Mặt trăng đang ở đường chân trời. Tôi vừa đi vừa hết sức chăm chú ngó nhìn xung quanh, tựa như dự cảm trước rằng cái ngày này sẽ phải là một ngày hết sức quan trọng, nếu không muốn nói là ngày quan trọng nhất trong đời tôi. Tôi ghi nhớ cái màu sẫm tối, gần như là màu đen của lá cây. Rừng ngập trong ánh trăng, chim chóc đều im lặng.
Sau chừng hai, ba mươi phút tôi đã ở trên đỉnh núi.
Không khó gì để cảm nhận rằng không khí ở đây trong lành hơn và không ngột ngạt như ở ngôi làng dưới chân núi. Tôi chắc rằng đây không phải đỉnh núi, mà chỉ là một thềm đá nào đó, không rộng lắm, và rừng rậm còn trải lên cao hơn nữa, theo sườn núi. Tôi chăm chú quan sát những dấu vết.
Đất ở đây là đất cát và đầy những khe nứt, không sâu, nhưng chằng chịt với nhau. Màu sắc của một trong những khe nứt này khiến tôi chú ý. Không nghi ngờ gì nữa, đó chính là cái màu xanh của con hổ trong những giấc mơ của tôi. Tôi nhìn kỹ hơn. Khe nứt ấy đầy những viên đá nhỏ, tròn và nhẵn, và viên nào cũng giống hệt viên nào. Sự giống nhau của chúng, nếu như đây là những quân cờ, khiến ta có cảm tưởng chúng là do bàn tay con người đẽo gọt.
Tôi cúi xuống, lấy từ trong khe đất ra mấy viên. Tôi cảm thấy chúng hơi rung rung. Tôi nhét nắm đá vào túi quần bên phải, nơi đã có một chiếc kéo nhỏ và bức thư từ Allakhabad. Những đồ vật ngẫu nhiên này sẽ có vai trò của chúng trong câu chuyện của tôi.
Trở về túp lều, tôi cởi áo khoác, nằm dài trên giường và chìm vào giấc mơ với những con hổ. Trong mơ tôi đã nhìn thấy rất rõ màu sắc: màu của những con hổ trong giấc mơ và màu của những viên đá là một. Một tia nắng mặt trời rọi vào mặt làm tôi tỉnh giấc. Tôi đứng dậy, thò tay vào túi quần để lấy những viên đá. Vướng cái kéo và bức thư, mãi tôi mới lôi ra được một nắm đá đầu tiên. Tôi cảm thấy hãy còn hai, ba viên nữa. Một cảm giác rung rung rất nhẹ truyền qua cánh tay tôi, và tôi cảm thấy có hơi ấm. Mở nắm tay ra tôi thấy nắm đá có chừng ba mươi hay bốn mươi viên. Tôi thề rằng lúc trước chúng chỉ có không hơn mười viên. Đặt chúng lên bàn, tôi moi nốt những viên còn lại. Không cần phải đếm kỹ cũng có thể tin chắc chúng đã ngày càng nhiều hơn. Tôi vun chúng lại thành một đống và bắt đầu đếm lại từng viên một. Song, tôi đã không tài nào làm nổi cái phép tính hết sức đơn giản ấy.
Tôi nhìn chằm chằm không chớp mắt vào một trong những viên đá, giữ chặt nó giữa ngón tay cái và ngón trỏ, nhưng khi vừa lấy lên một viên nữa thì lập tức chúng lại biến thành mấy viên. Tôi kiểm tra xem có phải mình bị sốt không, và cứ làm đi làm lại mãi cái thí nghiệm ấy. Và lần nào cái sự mầu nhiệm hết sức phi lý ấy cũng lặp lại. Hai bàn chân tôi lạnh toát và đầu gối thì đang run. Tôi mất cách tính thời gian.
Không cần nhìn, tôi vun hết những viên đá thành một nắm rồi quăng chúng ra ngoài cửa sổ. Tôi cảm nhận được bằng cách nào đó không giải thích nổi và sung sướng vì số lượng của chúng đã ít đi.Tôi đóng cửa lại rồi nằm vật ra giường.
Buồn bực vì tính rõ ràng trước đây đã bị mất, tôi cố tự thuyết phục mình rằng tất cả những chuyện đó chỉ là do tôi nằm mơ. Để khỏi nghĩ đến những viên đá, và để làm việc gì đó giết thời gian, tôi nhắc đi nhắc lại thành tiếng, chậm rãi và rõ ràng, tám định nghĩa và bảy định lý của đạo đức học. Tôi không biết nó có giúp ích được gì không. Bỗng tiếng gõ cửa lôi tôi ra khỏi những lời lẩm nhẩm đó. Tôi ra mở cửa.
Trên ngưỡng cửa là ông Bakhvan Das, người già nhất trong làng.
Sự xuất hiện của ông đã trả lại cho tôi cảm giác thực tại. Chúng tôi bước ra ngoài. Tôi hy vọng những viên đá đã biến mất, nhưng chúng vẫn còn đó.
Ông già nhìn những viên đá, sau đó nhìn tôi.
Những viên đá này không phải ở đây. Chúng ở trên núi - Ông nói bằng giọng không thuộc về ông.
Đúng! - tôi đáp. Sau đó không phải không có ý thách thức, tôi nói thêm rằng tôi đã tìm thấy chúng trên đỉnh núi, nhưng lập tức thấy xấu hổ vì sự ba hoa của mình.
Bakhvan Das, không chú ý đến tôi, say sưa ngắm những viên đá. Tôi ra lệnh cho ông ta nhặt những viên đá ấy lên. Ông vẫn không nhúc nhích.
Tôi cay đắng nhớ lại, tôi đã rút súng lục ra, rồi cao giọng nhắc lại mệnh lệnh.
Bakhvan Das lẩm bẩm:
Thà bị một viên đạn vào ngực còn hơn cầm lên tay những viên đá xanh.
Ông là đồ hèn nhát - tôi bảo ông ta.
Thú thật, tôi cũng cảm thấy sợ hãi, nhưng tôi vẫn nhắm mắt, dùng tay trái bốc lên một nắm. Sau khi cất súng, tôi trút nắm đá từ tay này sang tay kia. Chúng đã nhiều hơn nhiều. Dần dần tôi đã quen với những sự biến đổi này. Tiếng kêu thất thanh của Bakhvan Das đột ngột vang lên khiến tôi rất bất ngờ.
Đó là những viên đá tự sinh! - Ông hét lên - Chúng vừa đang rất nhiều, bỗng nhiên ít đi. Chúng giống như cái đĩa mặt trăng, còn màu xanh của chúng chỉ có thể nhìn thấy trong mơ. Bố mẹ của bố mẹ tôi đã không nói dối khi kể cho tôi nghe về sức mạnh của chúng.
Cả làng đã tụ tập đông xung quanh chúng tôi.
Tôi cảm thấy tự hào được là chủ nhân của những viên đá kỳ dị này. Trước sự kinh ngạc của mọi người, tôi cứ vun lại, nhấc lên, ném đi, tải ra, quan sát số lượng của chúng lúc thì nhiều lên, lúc thì ít đi một cách thần kỳ.
Mọi người hết sức kinh ngạc và sợ hãi, đứng sát vào nhau. Các ông chồng bắt vợ phải nhìn điều mầu nhiệm này. Một trong các bà lấy tay che mặt, người khác thì nheo nheo mắt. Không ai dám động đến viên đá, trừ một chú bé rất say sưa chơi với chúng. Lúc này tôi sợ quang cảnh nhốn nháo này có thể làm mất đi điều huyền diệu. Tôi bèn cố nhặt thật nhiều những viên đá lên rồi bỏ về nhà, lòng vẫn vô cùng bối rối.
Giá như người ta thông báo với tôi rằng trên mặt trăng có loài tê giác, tôi có thể đồng ý ngay với khẳng định này, hoặc bác bỏ nó, hoặc cố không đưa ra bình luận gì, song tôi vẫn có thể hình dung ra chúng. Ngược lại, nếu người ta bảo tôi, trên mặt trăng sáu hay bảy con tê giác có thể biến thành ba, thì không cần suy nghĩ, tôi sẽ cãi ngay là không thể nào. Ai đã học được cách tính ba cộng một là bốn, sẽ không cần phải kiểm tra điều đó bằng các đồng xu, các con xúc xắc, các quân cờ hay các bút chì. Anh ta biết điều đó, chỉ đơn giản vậy thôi. Anh ta không thể hình dung con số khác được. Một số nhà toán học khẳng định rằng, ba cộng một - đó là sự trùng lặp của bốn, vẫn là bốn, chỉ có điều được biểu hiện bằng cách khác. Tôi, Aleksandr Kreig, là người duy nhất có vận may phát hiện ra những vật mâu thuẫn với quy luật gốc của trí tuệ con người này.
Thoạt tiên tôi hoảng sợ nghĩ mình bị điên. Sau đó một thời gian chính tôi lại muốn thà bị điên, vì việc lý trí tôi bị mờ đi ít có ý nghĩa hơn nhiều so với việc phải chứng kiến sự hỗn loạn lại có thể xảy ra trong vũ trụ này. Nếu ba cộng một có thể vừa bằng hai, lại cũng vừa bằng bốn, thì lý trí sẽ trở thành mất trí.
Dần dần việc nhìn thấy những viên đá trong giấc mơ đối với tôi đã trở thành thói quen. Song, một nỗi sợ hãi bắt đầu ám ảnh tôi.
Bất cứ lúc nào, đêm hay ngày, những đấng thần linh có thể trừng phạt tôi. Tôi không còn gặp chú bé đã nghịch với những viên đá nữa. Rồi đến lượt tôi cũng có thể bị đầu độc hoặc bị đâm nhát dao vào lưng. Một sáng sớm kia tôi bỏ chạy khỏi làng. Tôi hiểu, mọi người trong làng đều theo dõi tôi và việc bỏ đi của tôi sẽ làm họ thở phào nhẹ nhõm.
Tôi trở lại Lakhor. Trong túi tôi có một nắm đá.
Môi trường sách quen thuộc mang lại cho tôi sự yên bình mong ước. Tôi bắt đầu xa lánh bạn bè. Tôi sợ không kìm nổi ước muốn đem khoe với họ cái vật kỳ diệu làm đảo lộn mọi kiến thức khoa học này. Tôi làm vài thí nghiệm. Trên một viên đá, tôi đánh dấu một chữ thập. Sau đó, tôi trộn nó với những viên đá khác, sau hai lần trộn như thế tôi không tài nào tìm ra viên đá ấy nữa. Tôi lại làm thí nghiệm như thế với viên đá khác. Lần này, tôi lấy dao khắc lên viên đá hình cái cung. Sau đó tôi cũng không sao tìm lại được nó. Tôi lại khoan một lỗ nhỏ trên một viên đá khác và lặp lại thí nghiệm. Kết quả vẫn như cũ. Bỗng nhiên tôi thấy viên đá có hình chữ thập ở đâu bỗng hiện ra. Cái khoảng không thần bí nào đã nuốt chúng đi, để rồi sau một thời gian lại trả lại chúng? Nhu cầu không cưỡng được về một trật tự sản sinh ra toán học bắt tôi phải tìm ra bản chất của những sai lệch với quy tắc toán học trong những viên đá tự sinh phi lý này. Tôi hy vọng hiểu ra được quy luật của những kết hợp không tiên liệu được của chúng. Nhiều ngày đêm liền tôi làm bảng thống kê các biến hoá của chúng. Từ đó tôi có cả một lô các quyển vở ghi đầy các con số vô tận. Phương pháp của tôi như sau: lúc đầu tôi đếm bằng mắt và ghi lại kết quả. Sau đó, dùng cả hai tay bốc những viên đá lên, tôi lại đổ thành hai dúm trên bàn. Bây giờ tôi đã đếm riêng từng dúm một, lại ghi vào sổ và lặp lại thao tác. Tìm ra một quy tắc nào đó, một sơ đồ kín nào đó của những hoán chuyển này là vô ích. Con số lớn nhất tôi nhận được là bốn trăm mười chín, số nhỏ nhất là ba.
Có lần tôi tưởng tượng với hy vọng, mà cũng có thể là với sự hoảng sợ, rằng chúng sắp biến mất đây này. Tôi phát hiện ra được một điều là chỉ cần tách một viên ra khỏi các viên khác, thì viên này không sinh ra được các viên khác, cũng như không thể biến mất được. Các phép cộng, trừ, nhân, chia, thì đương nhiên là không được rồi. Sau khi chia bốn mươi viên đá ra, tôi được chín viên, sau đó đem chia chín viên ra, lại được ba trăm. Tôi không biết chúng cân nặng bao nhiêu. Tôi không cân chúng, nhưng tôi tin trọng lượng của chúng là không lớn và không đổi. Màu của chúng luôn luôn là màu xanh.
Sau một tháng, tôi hiểu sự lộn xộn này không có lối thoát.
Đêm mồng mười tháng mười hai tôi không sao chợp mắt được. Sáng ra, tôi đi đến nhà thờ Vazir- Khan vào lúc trời hãy còn mờ tối. Trong sân nhà thờ không một bóng người. Chính bản thân cũng không biết để làm gì, tôi nhúng tay vào đài phun nước. Vào trong nhà thờ, tôi lầm rầm khấn Thượng đế và thánh Ala trút bỏ hộ tôi cái gánh nặng tôi đang phải mang. Bỗng tôi nghe có tiếng người nói ngay bên tai, mặc dù không hề nghe thấy tiếng chân:
Tôi đây.
Tôi nhìn thấy bên cạnh mình một người ăn xin. Trong bóng tối nhá nhem, tôi vẫn nhận ra cái áo choàng rách tả tơi và ánh mắt mờ đục, nước da vàng bệch, cùng bộ râu quai nón đã bạc. Dáng người ông ta thấp bé.
Ông ta chìa tay và nói rất khẽ:
Vì Đấng tạo hoá, xin hãy bố thí.
Tôi thò tay vào túi, bảo ông lão:
Tôi không còn đồng xu nào cả.
Ông có nhiều lắm - Ông ta đáp.
Trong túi bên phải của tôi có những viên đá. Tôi lấy ra một viên và thả vào lòng bàn tay của ông ta. Tôi ngạc nhiên khi thấy viên đá rơi xuống không một tiếng động.
Ông phải cho hết - Ông ta nói - Không cho hết, nghĩa là không cho gì cả.
Tôi hiểu ông ta và bảo:
Ông phải biết rằng của bố thí của tôi có thể sẽ rất khủng khiếp.
Ông ta đáp:
Có thể, đó là của bố thí duy nhất mà tôi đáng phải nhận. Tôi đã có tội.
Tôi moi hết những viên đá thả vào lòng bàn tay cong queo của ông ta. Chúng rơi cứ như rơi xuống đáy đại dương, không một tiếng động nào.
Ông ta chậm rãi bảo:
Tôi không biết của bố thí của ông, nhưng của bố thí của tôi sẽ khủng khiếp. Ông sẽ ở lại với những ngày và đêm, với lý trí tỉnh táo, với những tập quán và thói quen, với thế giới xung quanh.
Tôi không nghe thấy tiếng chân của người ăn xin mù và không nhìn thấy ông ta đã biến mất vào bóng đêm như thế nào.
Người dịch: Thái Hà
Truyện Ngắn Và Tiểu Luận Borges Truyện Ngắn Và Tiểu Luận Borges - Jorge Luis Borges Truyện Ngắn Và Tiểu Luận Borges