To sit alone in the lamplight with a book spread out before you, and hold intimate converse with men of unseen generations - such is a pleasure beyond compare.

Kenko Yoshida

 
 
 
 
 
Tác giả: Franz Kafka
Biên tập: Duy Vo
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2413 / 92
Cập nhật: 2015-07-23 22:55:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Thư Gửi Bố
ranz Kafka sinh ngày 3 tháng 7 năm 1883 trong một gia đình Do Thái nối tiếng Đức tại Praha. Ông mất ngày 3 tháng 6 năm 1924 tại Kierling (thuộc Vienna, thủ đô Áo) vì bệnh lao phổi, thọ bốn mươi mốt tuổi. Đương thời ông chỉ xuất bản một số truyện ngắn và tản văn (tổng cộng chưa tới 300 trang sách in) và không gây được tiếng vang đáng kể. Tuy nhiên di sản ông để lại và được người bạn thân của ông là Max Brod xuất bản sau này - khoảng 3.400 trang gồm bản thảo văn học (trong đó có ba tiểu thuyết, một số truyện ngắn, nhiều tản văn và truyện cực ngắn), nhật kí và trên 1.000 bức thư - đã giúp công chúng dần nhận ra tầm vóc của một thiên tài văn chương. Đặc biệt sau chiến tranh thế giới thứ hai, sau khi châu Âu đã trải qua những thảm họa chính trị - xã hội kinh hoàng, và nhất là khi tác phẩm của Kafka đã được dịch sang tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Séc..., giới trí thức Âu - Mỹ và cả giới trí thức Đông Âu đã dần nhận ra những điểm mới mẻ có tính đột phá về nghệ thuật văn chương cũng như những dự cảm và miêu tả đi trước thời đại, gần như có tính tiên tri, về xã hội và nhân sinh của Kafka. Chậm nhất là từ những năm 1950, ảnh hưởng của Kafka, sau khi đã lan rộng ở Mỹ và Pháp, đã quay trở lại khối Đức ngữ và Tiệp Khắc trong giai đoạn "tan băng tạm thời" của khối Đông Âu sau năm 1961, mà cao điểm là Hội thảo Quốc tế về Franz Kafka tại Lâu đài Liblice ở Praha năm 1963. Kafka có ảnh hưởng tới nhiều nhà văn thuộc hai trường phái văn học lớn sau chiến tranh thế giới thứ hai là trường phái hiện sinh châu Âu và trường phái hiện thực huyền ảo Mỹ-Latinh, trong đó có Albert Camus và Gabriel Garcia-Márques, và là nguồn cảm hứng cho nhiều tác gia lớn như Walter Benjamin, Theodor Adorno, Elias Canetti, Vladimir Nabokov, Gilles Deleuze, Milan Kundera... ông thường được xếp vào danh sách những nhà văn có đóng góp lớn nhất cho sáng tạo văn học đầu thế kỷ hai mươi ở châu Âu, bên cạnh James Joyce (viết tiếng Anh) và Marcel Proust (tiếng Pháp).
Ở Việt Nam, Kafka đã được dịch và xuất bản tương đối dày dặn. Trong Franz Kafka - Tuyển tập tác phẩm do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây ấn hành năm 2002, độc giả có thể tìm thấy những tác phẩm hay nhất của Kafka như hai tiểu thuyết Vụ án vàLâu đài và những truyện ngắn nhưHóa thân, Hang ổ, Trại lao cải...Mặc dù toàn bộ tuyển tập này không được dịch từ nguyên bản tiếng Đức, song tôi cho rằng đây vẫn là một cột mốc lớn trong việc giới thiệu Kafka tới công chúng Việt Nam, tạo tiền đề và là nguồn tham khảo cho việc dịch và xuất bản Kafka trọn vẹn trong tương lai.
Một trong những mảng văn bản quan trọng của Kafka là nhật kí và thư, bởi ở Kafka, nhật kí và thư hé lộ nhiều trải nghiệm và quan điểm sáng tạo văn chương hơn ở bất kì nhà văn nào khác. Nhiều ý tưởng hoặc phác thảo, hoặc đôi khi chỉ là một hình ảnh trong nhật kí hoặc thư, đã được ông phát triển thành những tác phẩm xuất sắc sau này. Từ lâu trong giới nghiên cứu và phê bình văn học, nhật kí và thư của Kafka có một vị trí đặc biệt quan trọng, bởi chúng giúp ta hình dung một cách sắc nét về cuộc sống cũng như công việc sáng tác của nhà văn, đồng thời giúp giải mã nhiều tác phẩm vốn khó hiểu của ông. Đáng tiếc cho đến nay, ở Việt Nam mới chỉ có một phần rất nhỏ nhật kí và thư của Kafka được Đoàn Tử Huyến và Dương Tất Từ dịch và in trong Tuyển tập tác phẩm nói trên.
Trong số thư của Kafka thì bức Thư gửi bố có vị trí quan trọng nhất. Bức thư được Kafka viết trong khoảng hai tuần của tháng 11 năm 1919 tại khu nghỉ dưỡng Stüdl tại vùng Schelesen (thuộc Bohemia, Vương quốc Áo-Hung, nay là Zelezná thuộc Cộng hòa Séc). Lý do Kafka viết bức thư này là thái độ phản đối quyết liệt của cha ông với dự định hôn nhân của ông với Julie Wohryzek (1891-1944), một cô gái bị cha ông chê là không đủ nền nã, không xứng với gia đình. Tuy nhiên khi viết, Kafka nhắm tới một mục đích lớn hơn, đó là: nhìn lại toàn bộ mối quan hệ đau khổ giữa cha và con từ trước tới nay, với hi vọng tìm được sự hòa giải với cha. Rốt cuộc bức thư dài 103 trang viết tay không bao giờ được gửi tới địa chỉ người nhận. Sau này Kafka đã chuyển bức thư cho Milena Jesenská, người tình đồng thời là dịch giả tiếng Séc các tác phẩm của ông. Trong di cảo của Kafka, Max Brod (bạn thân của Kafka) tìm thấy một bản thảo đánh máy chưa hoàn thiện của bức thư với những chỉnh sửa bằng tay của tác giả. Đây là một chỉ dấu quan trọng cho thấy, Kafka đương thời đã có ý coiThư gửi bố là một "tác phẩm văn học" chứ không phải thư riêng nữa.
Mặc dù không có hướng dẫn cụ thể nào của Kafka, nhưng Max Brod trong lần xuất bản tuyển tập Kafka năm1959 cùng như hầu hết các nhà nghiên cứu sau này đều thống nhất xếp Thư gửi bố vào mục "tác phẩm" bởi họ đều dễ dàng nhận ra sự khác biệt căn bản giữa Thư gửi bố với những bức thư khác. Như đã nói ở trên, nhật kí và thư của Kafka có nhiều đoạn có giá trị văn chương rất cao, nhưng dù vậy chúng vẫn không phải tác phẩm văn học mà chỉ là những phác thảo hoặc những ghi chép về ấn tượng hoặc hình ảnh của tác gỉả. Thư gửi bố, ngược lại, có thể coi như một tác phẩm tự truyện của nhà văn, một "thử nghiệm viết tự truyện công phu nhất của tôi", như Kafka viết trong một bức thư gửi Milena Jesenská. Nhiều khả năng ban đầu Kafka chỉ định viết Thư gửi bố để giải quyết vấn đề cá nhân giữa hai bố con, nhưng càng viết ông càng ý thức về tính văn chương của bức thư, bởi vậy ông đã không ngần ngại sử dụng một số thủ pháp văn chương, trong đócó thủ pháp phóng đại mà Max Brod đã dễ dàng nhận thấy khi so sánh một số chi tiết được miêu tả trong thư với những sự kiện có thật trong cuộc sống của Kafka. Đây cũng có thể là lí do khiến bức thư đã không được gửi tới tay người nhận, bởi có lẽ Kafka cũng nhận ra rằng nó đã đi quá xa các vấn đề thực tế, vốn đòi hỏi sự rõ ràng và cụ thể, để nhập vào địa hạt văn chương, vốn có tính ẩn dụ và đa nghĩa.
Thư gửi bố có ý nghĩa như một văn bản chìa khóa, giúp giải mã nhiều tác phẩm quan trọng của Kafka. Chủ đề trung tâm trong Thư gửi bố là quan hệ cha - con, trong đó người cha đóng vai một thứ quyền lực tối cao được biện hộ đơn thuần bằng tính chính danh miễn tranh cãi do vị thế tự nhiên của ngưòi cha là kẻ sinh thành và nuôi dưỡng người con; còn người con, vốn là sản phẩm trực tiếp của ảnh hưởng từ người cha, vừa mò mẫm tìm cách thoát ra khỏi vòng ảnh hưởng này, vừa cố gắng tác động ngược lại người cha, nhưng tất cả đều là những nỗ lực tuyệt vọng. Quan hệ cha - con ở đây được diễn giải theo hướng là một cuộc đấu giữa kẻ cai trị và người bị trị, nhưng điều đáng lưu ý là giữa kẻ cai trị và người bị trị không hề có xung đột về quyền lợi, chủng tộc hay giai cấp, mà họ là cha con: người này vừa là kết quả trực tiếp, vừa là người thừa kế và là niềm hi vọng lớn nhất của người kia.
Trong cuộc đấu dai dẳng này, rốt cuộc cả hai đều trở thành nạn nhân. Dưới sự đè nén bởi quyền lực của người cha - một thứ quyền lực có sức mạnh vô biên và hiện diện ở mọi nơi mọi lúc nhưng lại không rõ hình thù, vì nó được xây dựng dựa trên cảm tính và tín điều chứ không phải dựa trên lí lẽ - tâm lí và tính cách của người con bị biến dạng: anh ta trở thành người yếu đuối, nhu nhược, mất khả năng quyết định - còn người cha trở thành kẻ cáu bẳn và đau khổ vì đứa con mình sinh ra đã không thể trở thành người mạnh mẽ, quyết đoán như kì vọng. (Ta có thể tìm thấy mô-típ về một cuộc đấu với một thứ quyền lực không rõ mặt trong nhiều tác phẩm quan trọng của Kafka, đặc biệt trong hai tiểu thuyết Vụ án và Lâu đài. Trong Vụ án, đó là cuộc đấu củaJoseph K. với hệ thống tòa án đầy quyền lực với các phòng ban nhằng nhịt như mê cung mà không một ai trong số các nhân viên các cấp có thể nói cho Joseph K. biết thực ra anh bị bắt vì tội gì; Còn trong Lâu đài, người đạc điền K. phải đối diện với một hệ thống hành chính thôn xã có quyền lực vô biên, hiện diện ở khắp nơi, với các nhân viên khệnh khạng và lười nhác, nhưng không một ai biết mặt ông chủ Lâu đài cũng như hoạt động thực sự của nó.)
Dịch Thư gửi bố của Franz Kafka, tôi muốn chia sẻ với độc giả tác phẩm tự truyện của một trong những nhà văn được coi là phức tạp và khó hiểu nhất của thế kỉ 20, đồng thời cung cấp thêm một nguồn tài liệu cho giới nghiên cứu Kafka ở Việt Nam. Trong bản dịch này, tôi xin có một số lưu ý:
Kafka gần như sống cả cuộc đời ở Praha. Vào cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20, Praha là thủ phủ của Vương quốc Bohemia, thuộc phần Áo của Vương quốc Áo-Hung (Vương quốc Áo-Hung gồm hai phần: phần Áo gồm các dân tộc Đức, Séc, Slovakia... với tiếng Đức là ngôn ngữ hành chính; và phần Hung gồm các dân tộc: Hung, Serbia, Croatia, Bosnia,... với tiếng Hung là ngôn ngữ hành chính.) Tại Praha cũng như ở phần lớn lãnh thổ Bohemia, người Séc chiếm đa số còn người Đức chỉ chiếm thiểu số. Tuy nhiên riêng ở trung tâm Praha (còn gọi là khu Thành cổ) thì dân nói tiếng Đức lại chiếm đa số, và gần một nửa trong số đó là dân Do Thái. Kafka sinh ra trong một gia đình Do Thái nói tiếng Đức (như hầu hết dân Do Thái ở khu Thành cổ Praha hồi đó). Kafka học phổ thông và đại học đều ở trường Đức ngữ, nên nền văn hóa chính mà ông được thừa hưởng là văn hóa Đức. Kafka cũng có thể nói tiếng Séc trôi chảy do ông lớn lên trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với người Séc (các nhân viên làm việc trong cửa hàng nhà Kafka hầu hết là người Séc), tuy nhiên ông không phải là người có thể viết thạo tiếng Séc (điều này đã được một số nhà nghiên cứu chứng minh trong khoảng 20 bức thư Kafka tự viết bằng tiếng Séc gửi cho người em rể). Đương thời Kafka chủ yếu giao du trong giới bạn bè Do Thái - Đức ở Praha cùng một số đối tác xuất bản và bạn văn chương ở Áo và Đức, do vậy hầu hết những gì ông viết - tác phẩm, nhật kí, thư - đều bằng tiếng Đức. Để nhất quán, đúng ra dịch giả nên giữ tất cả tên địa danh theo tiếng Đức, nhưng vì độc giả Việt Nam từ lâu đã quen với một số địa danh như "Praha", "Bohemia", "Moravia", "Vienna" "Munich"... (thay vì "Prag", "Böhmen", "Mähren", "Wien" "München"... trong tiếng Đức), nên tôi cũng làm ngoại lệ bằng cách giữ lại những cách viết quen thuộc này.
Thư gửi bố là tác phẩm tự thuật của Franz Kafka, nên nó đề cập tới những sự kiện và con người có thật, đặc biệt là những sự kiện liên quan tới các thành viên gia đình và họ hàng của Kafka. Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về tác phẩm, bên cạnh một số chú thích, phần Phụ lục của sách sẽ cung cấp một bài viết dài về Gia đình Kafka. Ngoài ra còn có những phần Gia phả và Hình ảnh để độc giả tham khảo. Riêng phần Tiểu sử Kafka, tôi có soạn thêm một số thông tin về 6 người phụ nữ từng có quan hệ tình cảm với Kafka (gồm Hedwig Weiler, Felice Bauer, Grete Bloch, Julie Wohryzek, Milena Jesenská và Dora Diamant), vì họ đều ít nhiều có liên hệ tới quan điểm của Kafka về hôn nhân và gia đình, vốn là một chủ đề lớn được đề cập trong Thư gửi bố.
Xin cảm ơn một số bạn hữu đã đọc bản dịch và cho nhiều góp ý sửa chữa quí báu.
Sài Gòn, mùa mưa, 2012
Thư Gửi Bố
Bố yêu quí,
Gần đầy bố có hỏi con, tại sao con cả quyết rằng con sợ bố. Như thường lệ, con không biết phải trả lời bố như thế nào, phần cũng chính vì nỗi sợ đó, phần để lí giải nó sẽ cần phải đi vào quá nhiều chi tiết mà con không thể bao quát hết được dù chỉ một phần khi nói. Và ngay cả bây giờ, khi con đang cố gắng trả lời bố qua thư, thì chắc chắn sẽ vẫn còn thiếu sót nhiều lắm, bởi ngay cả khi viết, nỗi sợ bố cùng những hệ quả của nó vẫn ngăn cản con, và cũng còn vì qui mô của vấn đề vượt quá kí ức và trí lực của con.
Với bố thì sựn hết sức đơn giản, chí ít là trong những lần bố nói ra trước mặt con, và, trước mặt nhiều người khác, bất kể đó là ai. Đại loại với bố thì chuyện chỉ thế này: Bố đã làm lụng vất vả cả đời, tất cả là vì các con, mà trước hết là vì con. Nhờ bố con được "ăn sung mặc sướng, con được tự do thoải mái học cái gì con thích, con không phải lo miếng ăn, mà nói chung không phải lo bất cứ chuyện gì. Bố không đòi con phải biết ơn, bố hiểu "ơn nghĩa của con cái" lắm, nhưng ít ra bố cũng cần một thái độ đền đáp, một biểu hiện chia sẻ. Thế mà bấy lâu con luôn xa lánh bố, con ở lì trong phòng, với sách vở, với đám bạn hâm hấp, với những suy nghĩ rồ dại. Con chưa bao giờ cởi mở trò chuyện với bố, ở nhà thờ con chưa bao giờ đến chỗ bố, con chưa bao giờ tới thăm bố ở Franzensbad 1, nói chung con chưa bao giờ nghĩ về gia đình, con chưa bao giờ quan tâm tới việc ở cửa hàng cũng như những việc khác của bố, việc xưởng nhựa 2 con để quàng lên cổ bố rồi con bỏ đi, con ủng hộ thái độ ngang ngược của em Ottla, và trong khi con không động tay động chân làm gì cho bố (thậm chí con chưa bao giờ mang biếu bố cặp vé xem kịch), con lại sẵn sàng làm tất cả vì bạn bè. Nói tóm lại, khi bố qui kết con, thì thực ra bố không qui cho con tội gì xấu xa hay độc ác (ngoại trừ chuyện con muốn lấy vợ lần vừa rồi), nhưng bố qui cho con tội lạnh lùng, xa lánh, vô ơn, và thực ố muốn nói rằng, tất cả là lỗi ở con, cứ như con muốn quay ngoắt mọi chuyện, trong khi bố không có một mảy may lỗi lầm nào hết, ngoại trừ việc bố đã luôn quá tốt với con.
Cách nhìn nhận vấn đề như thường lệ của bố, con chỉ coi là đúng khi chính con cũng tin rằng bố hoàn toàn không có lỗi gì trong chuyện xa lánh giữa hai bố con mình. Nhưng bố ơi, chính con cũng hoàn toàn không có lỗi gì cả. Và nếu con có thể làm cho bố hiểu ra điều đó, thì cho dù hai ta vẫn không thể có một cuộc đời mới - hai ta đều đã quá già để làm điều đó - nhưng có thể chúng ta sẽ đạt được điều gì đó như sự hòa giải; không thể làm dứt hẳn, nhưng cũng làm vơi được phần nào những lời buộc tội không ngừng nghỉ của bố.
Thật kì lạ là cứ mỗi khi con muốn nói điều gì thì hình như bố luôn biết trước. Ví dụ như gần đây bố nói với con: "Tôi lúc nào cũng thương anh, dù tôi không làm ra vẻ như những ông bố khác, cũng vì tôi không biết vờ vĩnh như người ta." Nhưng bố ạ, con chưa bao giờ nghi ngờ lòng tốt của bố đối với con, có điều con nghĩ rằng bố nói thế là không đúng. Bố không biết vờ vĩnh, phải rồi, nhưng chỉ vì thế mà cho rằng những ông bố vờ vĩnh thì đó chẳng qua là một cách biện hộ, không còn gì để nói, hoặc là - và con tin điều này là đúng - đó chẳng qua chỉ là cách nói che đậy sự thật rằng có điều gì đó không ổn giữa bố và con, mà bố cũng góp phần gây ra, nhưng lại không có lỗi gì cả. Có phải bố muốn nói như vậy không? Nếu vậy, hai bố con mình hãy đồng ý với nhau ở điểm này.
Dĩ nhiên con không nói rằng, con trở nên như bây giờ là do tác động của bố. Nói thế e phóng đại quá (dù thực ra con nghiêng về sự phóng đại này). Hoàn toàn có khả năng là, ngay cả khi con lớn lên hoàn toàn không có ảnh hưởng của bố, con vẫn không thể trở thành người như bố hằng kì vọng. Con rất có thể vẫn sẽ trở thành một đứa yếu đuối, sợ sệt, lưỡng lự, bất an, không thể là Robert Kafka 3 hay Karl Hermann 4, nhưng vẫn là một người hoàn toàn khác con bây giờ, và bố con mình đã có thể sống tốt với nhau. Con có thể đã hạnh phúc nếu có bố như một người bạn, một thủ trưởng, một người cậu, một người ông, vâng, thậm chí là bố vợ (dù đã khó khăn hơn). Có điều khi bố là bố của con, thì sức nặng của bố đè lên con quá lớn, nhất là khi các em trai con mất sớm, còn các em gái lại ra đời muộn quá, và con trở thành đứa đầu lòng đơn độc chịu đựng, điều này thật quá sức con 5.
Hãy so sánh hai chúng ta: Con, nói một cách hết sức ngắn gọn, là một Löwy 6 với đôi nét Kafka nhất định, nhưng lại không toát ra khát vọng sống, khát vọng làm ăn và chinh phục của nhà Kafka, mà con sống thu mình, kín đáo và rụt rè, không mấy khi biểu lộ ra ngoài theo kiểu nhà Löwy. Bố, ngược lại, là một Kafka đích thực: mạnh mẽ, khỏe khoắn, ăn thùng uống vại, quyết đoán, giỏi ăn nói, tự tin, từng trải, dẻo dai, thực tế, hòa đồng, với vẻ hào sảng nhất định, và tất nhiên, cùng với những ưu điểm này là những nhược điểm đi cùng trong khí chất và đôi khi trong cơn cuồng giận của bố. Nhưng xét về quan niệm sống nói chung, có lẽ bố lại không hẳn là một Kafka đích thực, nếu con được phép so sánh bố với bác Filip, chú Ludwig hay bác Heinrich 7;. Điều này thật kì quặc, con cũng không hiểu lắm. Hai bác và chú đều vui vẻ hơn, tươi tắn hơn, ít nguyên tắc hơn, thoải mái và ít nghiêm khắc hơn bố. (Điều đáng nói là chính điểm này con lại được di truyền từ bố, mà lại di truyền quá hoàn hảo nữa, song bản thân con lại không có được những điểm đối trọng cần thiết như bố để cân bằng lại.) Mặt khác, ở phương diện này có lẽ bố cũng đã trải qua nhiều đoạn đời, có lẽ bố đã từng là một người vui vẻ hơn bây giờ, trước khi những đứa con của bố, mà nhất là con, làm bố thất vọng và ức chế thường trực (có người lạ đến nhà là bố khác ngay), và có lẽ giờ đây bố đã phần nào thấy vui hơn khi các cháu và con rể mang lại cho bố sự ấm áp mà những đứa con của bố, đến ngay cả Valli 8, đã không thể mang lại. Dù sao hai ta cũng khác nhau hoàn toàn, và trong sự khác biệt này chúng ta trở nên nguy hiểm với nhau, đến nỗi, nếu được tính toán về khả năng con, một đứa trẻ đang lớn, với bố, một người đàn ông hoàn toàn trưởng thành, đi bên nhau sẽ như thế nào, thì có lẽ người ta sẽ cho ra dự đoán là, bố đơn giản sẽ đè con bẹp dí, đến nỗi chẳng còn sót lại một mẩu xương nào của con nữa. Điều đó đã không xảy ra, sự sống vốn chẳng dễ gì đoán định, nhưng có lẽ đã xảy ra vô khối chuyện bực mình. Mà trong đó, con luôn phải nhắc đi nhắc lại với bố rằng, xin bố đừng quên, con chưa bao giờ mảy may nghĩ rằng bố có lỗi. Bố tác động tới con theo cách tự nhiên của bố, như bố không thể làm khác, nhưng xin bố hãy thôi đi, xin bố đừng nghĩ rằng con chủ tâm ác ý với bố chỉ vì con bị đè nén bởi tác động ấy.
Con là một đứa trẻ sợ sệt, nhưng hẳn con cũng hay nghịch ngợm như những đứa trẻ khác, hẳn mẹ cũng thường cưng nựng con, nhưng con không tin mình là đứa trẻ đặc biệt khó bảo, con không tin một câu nói vui vẻ, một cái nắm tay nhẹ nhàng, một cái nhìn âu yếm lại không thể làm con vời. Vâng, về bản chất thực ra bố là người tốt bụng và dễ mềm lòng (điều này sẽ không mâu thuẫn với những điều kể dưới đây, bởi con chỉ nói về cái hình ảnh mà bố gây ra với đứa trẻ), nhưng không phải đứa trẻ nào cũng đủ kiên trì và gan góc để tìm kiếm đến lúc nó hiểu ra lòng tốt ấy. Bố chỉ có thể đối xử với một đứa trẻ theo cách hợp với thể tạng của bố, bằng cơ bắp, bằng quát nạt và cáu giận, và trong trường hợp này bố thậm chí còn coi đó là phương pháp rất tốt nữa, bởi bố muốn giáo dục con trở thành một người mạnh mẽ, can đảm.
Dĩ nhiên bây giờ con không thể trực tiếp miêu tả cách giáo dục của bố đối với con trong những năm đầu đời, nhưng trong một chừng mực nào đó, con có thể hình dung ra bằng cách hồi tưởng lại kinh nghiệm những năm sau này và từ việc quan sát cách bố áp dụng với cháu Felix 9. Trong đó, cần nhấn mạnh rằng, hồi đó bố còn trẻ, vì vậy cũng hăng hái hơn, bạo liệt hơn, bản năng hơn, ít suy xét hơn bây giờ, ngoài ra bố còn dành toàn tâm sức cho việc kinh doanh, thường thì cả ngày con chẳng thấy mặt bố, vì thế ấn tượng bố gây ra với con càng mạnh, đến nỗi con chưa bao giờ thấy nguôi ngoai cho được.
Trực tiếp thì con chỉ nhớ được một chuyện trong những năm đầu đời, mà có thể bố cũng nhớ. Đêm hôm đó con cứ nhằng nhẵng đòi uống nước, hẳn không phải vì khát, mà có lẽ phần vì muốn chọc tức, phần vì muốn bày trò nghịch ngợm. Sau vài lần lớn tiếng quát nạt không xong, bố liền lôi bật con ra khỏi giường, nhấc bổng con ra hành lang và để mặc con phong phanh đứng đó hồi lâu trước cánh cửa đóng sập. Con không muốn nói bố làm thế là không đúng, có lẽ khi đó đã không còn cách nào khác để giữ đêm yên tĩnh, nhưng con chỉ muốn khắc họa phương pháp giáo dục của bố cũng như tác động của nó đối với con. Có lẽ sau lần ấy con đã trở nên dễ bảo hơn, nhưng nội tâm con đã b tổn thương. Xét theo thể tạng của con, con không thể tìm được bất kì mối liên hệ hợp lí nào giữa việc với con là tự nhiên nhất đời như nhằng-nhẵng-đòi-uống-nước với việc khủng khiếp bị ném ra hành lang. Nhiều năm sau con vẫn còn bị ám ảnh bởi cái hình dung đau khổ rằng người đàn ông khổng lồ, bố của con, người có thẩm quyền tối cao đối với con, lại gần như không cần lí do gì, thình lình lôi bật con ra khỏi giường và ném con ra ngoài hành lang, như thể đối với bố con chẳng là gì hết. Đối với bố, con chỉ như một con số không.
Đó chỉ là một khởi đầu nho nhỏ thôi, nhưng cái cảm giác mình như con số không luôn chế ngự con là do ảnh hưởng liên tục của bố (tuy nhiên xét trên phương diện khác thì phải thừa nhận rằng đây lại là một cảm giác cao quí và hữu ích). Ngày đó có lẽ con đã cần một chút động viên, một chút chia sẻ, một chút gợi mở cho con đường của mình, thay vào đó bố lại muốn bẻ con đi đường khác - cũng chỉ vì bố muốn tốt cho con, tất nhiên. Nhưng con đâu có những khả năng đó. Chẳng hạn, bố động viên con đứng chào dõng dạc và đi kiểu duyệt binh, nhưng con đâu phải một chiến sĩ tương lai, hay bố động viên con ăn mạnh, thậm chí còn uống bia nữa, hay bố động viên con hát nhại những câu con không hiểu, hay tập tễnh bắt chước kiểu nói năng phùng mang trợn mắt ưa thích của bố. Nhưng tất cả đều không phải tương lai của con. Và đặc trưng là, ngay cả bây giờ, khi bố động viên con làm việc gì, thì đấy chẳng qua cũng là việc chính bố bị cuốn vào, việc liên quan đến cảm giác tự tôn của bố mà con luôn là đứa làm nó bị tổn hại (như việc con định lấy vợ) hay nó bị tổn hại là vì con (như khi Pepa 10 chửi con). Khi đó con được động viên, được lưu ý về giá trị của mình, về những đám thích hợp mà đáng ra con nên chọn, và Pepa bị trách mắng đến nơi đến chốn. Nhưng, ngoại trừ động viên đã gần như chẳng còn tác động gì được đến con ở tuổi này, nó còn giúp ích gì đây, khi mà trước hết nó không phải dành cho con?
Ngày đó, những ngày đó, con đã luôn cần được động viên đến nhường nào. Thì chỉ riêng sức nặng cơ thể của bố thôi đã đủ khiến con bị đè nén rồi. Chẳng hạn, con nhớ mình thường cùng thay đồ trong một ca-bin. Con gầy gò, yếu ớt, mỏng manh; bố mạnh mẽ, cao to, tráng kiện. Ngay trong ca-bin, con đã thấy mình thật thảm hại, không chỉ thảm hại trước mặt bố, mà trước cả thiên hạ, bởi với con, bố là thước đo của mọi sự trên đời. Rồi chúng ta bước ra khỏi ca-bin, trước tất cả mọi người, con bám tay bố, một cái xương sườn nhỏ nhoi, run rẩy, chân trần dò dẫm trên sàn, sợ nước, bất lực làm theo những động tác bơi của bố, những động tác mà bố, vì muốn tốt cho con, đã liên tục làm mẫu đi làm mẫu lại, nhưng thực tế chỉ khiến con thấy nhục nhã. Con đã tuyệt vọng biết bao, và trong những khoảnh khắc ấy, tất cả kinh nghiệm tồi tệ nhất của con trên mọi lĩnh vực bỗng dưng kết hợp lại một cách huy hoàng. Đối với con, dễ chịu nhất là đôi lần bố thay đồ trước, con được ở một mình trong ca-bin để tránh nỗi nhục bước ra càng lâu càng tốt, cho tới khi bố quay lại kiểm tra và đẩy con ra ngoài. Con đã biết ơn bố lắm, vì hình như bố không hề nhận ra sự khốn khổ của con, và con cũng tự hào về cơ thể của bố mình. Có điều sự khác biệt này giữa hai ta vẫn còn nguyên cho đến hôm nay.
Tương tự là sự thống trị của bố về mặt tinh thần. Bố đã tự mình làm nên từ hai bàn tay trắng, bởi vậy bố có niềm tin vô hạ quan điểm của mình. Hồi bé điều này đã không làm con hoa mắt chóng mặt như khi đã là một thiếu niên sắp trưởng thành. Tựa lưng vào chiếc ghế bành, bố cai trị cả thế giới. Quan điểm của bố là đúng, còn lại tất cả đều là hâm hấp, chập cheng, rác rưởi, không bình thường. Mà sự tự tin của bố lớn đến mức bố không thấy mình cần phải nhất quán, và bố không bao giờ chịu mình sai. Đôi khi bố hoàn toàn không có quan điểm về một việc nào đó, nhưng vì thế bố cho rằng tất cả những quan điểm khác mà người ta có thể có xoay quanh việc ấy đều sai, không có ngoại lệ. Chẳng hạn, bố có thể chửi dân Séc, chửi dân Đức, rồi quay ra chửi dân Do Thái, và, không chửi một việc nào cụ thể, mà chửi tất. Rốt cuộc chẳng còn ai, ngoài bố. Vậy là với con, bố trở thành một bí ẩn, bí ẩn của tất cả những tên bạo chúa, những kẻ xây dựng lí lẽ dựa trên con người của họ chứ không phải dựa trên lí trí. Ít nhất thì con cũng cảm thấy thế.
Quả thực bố đã luôn giữ quan điểm bố đúng với con một cách kỳ lạ, trong lúc trò chuyện đã đành, mà giữa bố và con làm gì có trò chuyện, nhưng trên thực tế cũng vậy. Song điều này cũng chẳng có gì đặc biệt khó hiểu. Con luôn chịu áp lực nặng nề của bố trong mọi suy nghĩ, ngay cả - và đặc biệt là - trong những suy nghĩ không giống bố. Tất cả những suy nghĩ tưởng như độc lập với bố đều bị bóp nghẹt ngay từ đầu bởi sự phán xét miệt thị. Dưới áp lực ấy, để níu giữ và phát triển hết suy nghĩ đó là điều gần như không thể. Ở đây con không muốn nói tới suy nghĩ gì cao xa, mà chỉ là những chuyện nho nhỏ của trẻ con. Chỉ cần ta cảm thấy thích một cái gì đó, ta về nhà, hăm hở nói ra, thì câu trả lời luôn là một tiếng "Hừm!" mỉa mai, một cái lắc đầu, một cái gõ tay lên mặt bàn: "Có cái còn đẹp hơn nhiều!", hoặc "Có thế mà cùng nói! hoặc "Rỗi hơi!", hoặc "Vớ vẩn!", hoặc "Thích thì mua về!". Dĩ nhiên ta không thể đòi bố phải hào hứng với mỗi trò con trẻ, trong khi bố luôn phải tối mặt tối mũi làm lụng lo toan. Nhưng vấn đề không phải thế. Vấn đề đúng ra là, do thể tạng đối nghịch, bố gần như luôn luôn và triệt để phải làm cho đứa trẻ thất vọng, và còn hơn thế, do sự đối nghịch này được gia tăng không ngừng bởi sự lặp đi lặp lại của chất liệu, rốt cuộc đối nghịch trở thành thói quen, ngay cả nhũng khi bố có cùng quan điểm với con; cuối cùng, những nỗi thất vọng của đứa trẻ không còn là những nỗi thất vọng thông thường nữa, mà chúng ăn sâu vào tận tim gan con, bởi chúng liên quan đến bố - thước đo của mọi sự trên đời. Con không thể giữ được lòng cam đảm, sự quyết đoán, sự tự tin và niềm hứng khởi trong việc gì khi bị bố phản đối, hoặc chỉ cần nghĩ rằng bố sẽ phản đối. Mà con nghĩ, có lẽ hầu hết những việc con làm bố đều phản đối.
Không chỉ chuyện quan điểm mà chuyện con người cũng vậy. Chỉ cần con quan tâm tới một ai đó - điều này ít khi xảy ra do bản tính của con - là ngay lập tức, không cần quan tâm đến cảm giác của con, không cần để ý gì tới quan điểm của con, bố liền sấn vào chửi rủa, phỉ báng, hạ nhục. Những người vôi tội, trong sáng như anh diễn viên Do Thái Löwy 11 đã phải chịu trận. Không cần biết gì về anh ta, bố ví anh ta theo một cách khủng khiếp mà con đã quên, ví với sâu bọ. Và cũng vậy, với những người con yêu thích, bố luôn sẵn sàng ném ra những câu chửi họ là chó, là rệp. Con đặc biệt nhớ trường hợp anh diễn viên, bởi sau câu bố nói về anh ấy, con đã ghi trong nhật kí: "Bố mình nói về bạn mình như thế đấy (mà ông ấy có biết gì về anh ấy đâu), chỉ vì anh ấy làn mình. Sau này nếu ông ấy trách mình thiếu tình cảm hay vô ơn, mình sẽ lấy đó ra mà đáp lại". Con luôn không thể nào hiểu nổi, tại sao bố có thể hoàn toàn vô cảm đến thế, vô cảm về việc những lời bố nói làm con đau đớn và nhục nhã thế nào, cứ như bố không biết gì về quyền uy của mình. Vâng, đúng là con cũng hay làm bố đau đớn với những lời nói của mình, nhưng con luôn nhận ra ngay, nó cũng làm con đau, nhưng con không thể làm chủ được, không thể ngăn lời nói lại, con đã luôn ân hận, ân hận ngay khi nói. Nhưng bố thì cứ bắn ra vô tư, chẳng ai làm bố đau đớn. Bố không đau đớn khi đang nói, sau đó cũng không. Đứng trước bố, người ta chỉ có nước giơ tay chịu thua.
Nhưng đấy là tất cả môn giáo dục của bố. Con nghĩ, bố có tài sư phạm. Môn giáo dục ấy hẳn có ích với một đứa trẻ có thể tạng giống bố. Nó sẽ hiểu ra điều hợp lý mà bố dạy, không nghĩ ngợi gì khác, cứ lặng lẽ làm theo. Với con, khi còn bé, những điều bố giảng chẳng khác gì thánh chỉ, con không bao giờ quên, nó luôn là thước đo quan trọng nhất để con đánh giá thế giới, mà trước hết là đánh giá chính bố, và ở điểm này thì bố đã thất bại hoàn toàn. Bởi vì khi bé, con chủ yếu ngồi ăn với bố, nên phần lớn những bài giảng của bố là giảng về tác phong ăn uống. Đồ ăn đã dọn ra thì phải ăn cho hết, không được chê bai. Nhưng chính bố thường chê đồ ăn không ngửi được, là "cám lợn", và "con súc vật" (bà bếp) nấu như cám. Vì bố có cái dạ dày háu đói và bố đặc biệt thích ăn nhanh, ăn nóng và ăn miếng lớn, nên con luôn phải cuống cuồng ăn đuổi. Không khí bàn ăn im phăng phắc, nặng nề, thỉnh thoảng bị ngắt bởi những câu nhắc nhở: "Ăn xong hãy nói!", hoặc "Ăn nhanh lên!", hoặc "Nhìn bố ăn xong từ bao giờ rồi!". Xương không được nhai, bố nhai. Dấm không được húp, bố húp. Điều quan trọng khi cắt bánh là phải cắt thẳng, nhưng bố cưa bánh bằng con dao ăn dính đầy nước sốt thì chẳng sao. Ăn uống thì phải cẩn thận, không để vụn bánh rơi xuống đất, nhưng chỗ bố ngồi luôn có nhiều vụn bánh nhất. Đã ngồi vào bàn là ăn, không là việc khác, nhưng bố thì kì cọ và cắt móng tay, gọt bút chì, dùng tăm xỉa răng ngoáy lỗ tai. Xin bố hiểu cho, những chi tiết nhỏ nhặt ấy tự nó chẳng có gì đáng nói, nó chỉ trở nên nặng nề khi mà bố, người là thước đo ghê gớm với con, lại không làm theo những chuẩn mực do chính mình đặt ra. Vậy là đối với con, thế giới bị chia làm ba phần: một là nơi con sống, con - kẻ nô lệ, trong thế giới của những luật lệ chỉ được đặt ra với mình, những luật lệ mà con không bao giờ có thể đáp ứng được thực sự, và không hiểu tại sao; thế giới thứ hai, cách xa vô tận thế giới của con, là thế giới nơi bố sống, nơi bố cai trị, nơi bố phát ra mệnh lệnh và nổi giận vì không được chấp hành; và thứ ba là thế giới của những người khác, những người sống hạnh phúc, không bị ràng buộc bởi mệnh lệnh hay chấp hành. Con đã luôn sống trong nhục nhã. Hoặc con tuân theo những mệnh lệnh của bố, đó là nhục nhã, bởi những mệnh lệnh đó chỉ áp dụng cho con. Hoặc con dằn dỗi, đó cũng là nhục nhã, bởi sao con lại được phép dằn dỗi bố cơ chứ? Hoặc con không thể tuân theo, vì chẳng hạn như con không có được sức lực của bố, không có được khả năng ăn uống của bố, không có được sự khéo léo của bố, trong khi bố lại đòi hỏi điều đó ở con như một lẽ đương nhiên. Đó là sự nhục nhã lớn nhất. Tất cả những điều nói trên không phải là những suy luận của đứa bé, mà là cảm giác của nó.
Có lẽ bố sẽ hiểu rõ hơn hoàn cảnh của con hồi đó khi so sánh với trường hợp cháu Felix. Bố cũng đối xử với cháu giống như với con, thậm chí bố còn áp dụng một phương pháp giáo dục đặc biệt khủng khiếp với cháu, chẳng hạn, khi ăn cháu có làm gì mà bố nghĩ là vây bẩn thì bố không chỉ nói "Đồ lợn!" với cháu như từng nói với con hồi đó mà còn chua thêm: "Một Hermann thứ thiệt!", hoặc "Giống hệt như bố nó!". Nhưng có lẽ điều đó đã không làm Felix tổn thương thực sự - vâng, chỉ "có lẽ" thôi - bởi vì đối với cháu Felix bây giờ, bố tuy là một người ông quan trọng, nhưng không phải là tất cả như bố đối với con hồi đó, ngoài ra Felix còn là một đứa bé trầm tĩnh, và ngay từ bây giờ đã bộc lộ những cá tính rất đàn ông, tiếng quát của bố có thể làm nó phát hoảng, nhưng không gây ảnh hưởng lâu dài, nhất là khi nó chỉ thỉnh thoảng mới ở cùng bố thôi, dù sao nó cũng còn có những nguồn ảnh hưởng khác, bố thực sự chỉ như một giỏ hàng đáng yêu mà nó có thể lựa ra món đồ nó thích. Nhưng với con, bố không phải là một giỏ hàng, con không được lựa chọn, con phải chấp nhận tất cả.
Mà bố vốn chẳng thể đưa ra quan điểm nào đáp lại, bởi vì ngay từ đầu bố đã không có khả năng ăn nói nhỏ nhẹ về những việc mà bố không đồng ý (hoặc đơn giản không phải chủ ý của bố). Tính gia trưởng của bố không cho phép. Những năm gần đây, bố giải thích vì bố bị tim mạch, nhưng con không biết có khi nào bố thực sự không như thế không, cùng lắm tim mạch chỉ làm bố gia cố sự cai trị, bởi cứ nghĩ đến bố bị tim mạch là không ai dám cãi lại bố nữa. Dĩ nhiên đây không phải trách móc, chỉ là ghi nhận sự thật. Chẳng hạn với em Ottla 12, bố luôn nói: "Không thể nói gì với nó sất, nó cứ nhảy chồm chồm vào mặt", nhưng thực ra ban đầu nó có nhảy chồm chồm gì đâu; bố luôn đánh tráo sự việc với con người; sự việc đập thẳng vào mặt bố và lập tức bố đưa ra quyết định mà không thèm đếm xỉa gì đến người nói; những gì được nói ra sau đó chỉ làm bố thêm điên tiết chứ không bao giờ làm bố thấy thuyết phục. Rồi chỉ còn thấy bố nói: "Ừ được rồi, cô thích thì cứ làm; cô tự do; cô lớn rồi; tôi không còn gì để dạy cô nữa!" và kèm theo luôn là một tiếng gằn khủng khiếp của cơn giận nén trong cổ họng và sự qui kết hết điều, sự qui kết hôm nay đã không còn làm con run bần bật như hồi bé nữa cái cảm giác tội lỗi trẻ thơ giờ đã bị thay thế phần nào bởi cái viễn cảnh vô phương cứu chữa của hai bố con mình.
Việc không thể nói năng nhẹ nhàng với nhau còn cho một hệ quả thực ra rất tự nhiên nữa: Con đánh mất khả năng nói. Có lẽ bình thường con không thể trở thành một diễn giả lớn, nhưng hẳn con cũng có thể nói năng trôi chảy như người bình thường chứ. Nhưng ngay từ bé bố đã cấm con nói. Tiếng quát "Cấm cãi!" của bố kèm theo nắm đấm giơ lên đã theo con đến tận bây giờ. Bố - luôn là một diễn giả xuất sắc mỗi khi gặp chuyện bố thích - đã biến con thành một đứa lắp bắp, một đứa ngọng nghịu, mà như thế với bố vẫn còn là quá nhiều, đến nỗi rốt cuộc con im luôn, thoạt tiên chỉ vì dằn dỗi, nhưng rồi con im hẳn vì đứng trước bố, con không thể nghĩ hay nói được bất cứ điều gì. Và bởi vì bố là người quan trọng nhất nuôi dạy con, nên ảnh hưởng của bố đã theo con toàn diện suốt cuộc đời. Bố đã hoàn toàn sai, sai kì lạ khi nghĩ rằng con chưa bao giờ nghe lời bố. Thực ra, "chống đối tất" chưa bao giờ là nguyên tắc sống của con đối với bố, như bố luôn nghĩ và qui tội cho con. Ngược lại, giá như con ít nghe lời bố hơn, có lẽ bố đã hài lòng hơn. Thực tế, tất cả những phương pháp giáo dục của bố đều trúng đích, không chệch một li. Con trở thành người như bây giờ, đó là kết quả giáo dục của bố và của sự vâng phục nơi con (còn do tư chất cá nhân và do những tác động khác trong cuộc sống thì không nói). Mặc dù thế, kết quả đó vẫn làm bố xấu hổ, vâng, bố khước từ nó một cách vô thức, bố không chấp nhận nó là kết quả giáo dục của mình - nguyên nhân có lẽ là do bàn tay nhào nặn của bố và chất bột là con khác biệt nhau quá xa. Bố nói "Cấm cãi!" và muốn chặn đứng sự phản kháng khiến bố khó chịu, nhưng lệnh cấm đó lại tác động lên con mạnh quá, con quá vâng phục, đến độ con chỉ dám cựa quậy khi đã đứng xa hẳn bố, nơi mà quyền lực của bố, ít nhất là quyền lực trực tiếp, không còn vươn tới nữa. Nhưng bố lại cho rằng, đó cũng là một biểu hiện "chống đối", trong khi đó thực ra chỉ là hệ quả tự nhiên của sức mạnh nơi bố và sự yếu đuối nơi con mà thôi. Phương pháp giáo dục bằng lời vô cùng hiệu quả của bố, ít nhất nó chưa bao giờ thất bại khi áp dụng với con, là: chửi rủa, dọa nạt, nói mỉa, cười gằn, và than thân (lạ thật). Con không nhớ đã có lần nào bố chửi thẳng con bằng những câu chửi trực tiếp chưa. Mà bố cũng đâu cần làm thế, bởi bố có quá nhiều cách khác, ở nhà, và đặc biệt ở cửa hàng, những tràng chửi rủa như thác trút lên đầu người khác xung quanh làm cho con khi bé nhiều lúc thấy tối tăm mặt mũi và không có lí do gì để không tin rằng, chúng cũng dành cho con, bởi những người bị bố chửi chắc chắn không tồi tệ hơn con, và họ thì không thể làm bố khó chịu hơn con làm bố khó chịu. Và đây lại là sự vô tội và sự không thể làm tổn thương đến khó hiểu của bố. Bố chửi mà không hề lăn tăn gì vẻ hậu quả mình gây ra, vâng, bố trách móc người khác khi họ chửi, và bố cấm người khác chửi.
Chửi rủa gia tăng cùng với dọa nạt, và hồi đó nó cũng đã được áp dụng với con. Chẳng hạn, thật khủng khiếp, như: "Tao xé xác mày ra bây giờ!", mặc dù con biết sẽ không có gì ghê gớm xảy ra (khi bé con không hiểu được thế), nhưng nó lại gần như đúng với hình dung của con về sức mạnh của bố, rằng bố hoàn toàn có thể làm như thế lắm chứ. Thật khủng khiếp nữa là khi bố vừa la hét vừa chạy quanh bàn để bắt con, mà thực ra không phải bắt thật, nhưng bố làm thế để rốt cuộc mẹ có thể đứng ra giả vờ giải cứu. Thế là con được cứu mạng nhờ ơn huệ của bố và phải mang mãi cái ơn nà một thứ của bố thí không đáng. Ít nhất thì khi bé con cũng cảm thấy thế. Và cả những lần dọa nạt vì con không nghe lời. Hễ con bắt tay vào việc gì mà bố không thích là y như rằng bố dọa con thất bại, thế là sự khiếp hãi vì ý kiến của bố lớn đến nỗi, rốt cuộc thất bại là không thể tránh khỏi, dù nó xảy ra mãi sau đó. Con trở nên mất tự tin vào việc mình làm. Con trở nên nao núng, hoang mang. Cứ như thế, con càng lớn thì bố càng có nhiều chất liệu để chứng minh sự vô dụng của con, và dần dà, bố hóa ra lại có lí ở những phương diện nhất định. Một lần nữa, con không nói rằng, con trở thành người như bây giờ là tất cả do bố. Không, bố chỉ thúc đẩy cái đã có sẵn trong con, nhưng bố thúc đẩy mạnh quá, bởi bố là một quyền uy quá lớn đối với con, và bố đã sử dụng tất cả quyền uy ấy.
Bố đặc biệt thích giáo dục bằng cách nói mỉa, mà đó cũng là phương pháp hợp với ưu thế vượt trội của bố đối với con hơn cả. Một câu cảnh cáo của bố thường có dạng thế này: "Cậu không thể làm thế này được à? Thế này đã là quá sức cậu rồi à? Tất nhiên cậu thì làm gì có thời gian cho việc đó?", hay đại loại thế. Mà mỗi câu hỏi luôn đi kèm với cái cười gằn và vẻ mặt nặng trịch. Người ta bị kết tội, trước khi người ta kịp hiểu mình đã làm gì xấu xa. Điều ngán ngẩm nữa là trong những lời trách móc, con bị nói đến ở ngôi thứ ba, nghĩa là con còn không xứng đáng được trách thẳng nữa, khi đó bố làm như đang nói với mẹ, nhưng thực ra là nói với con, ví dụ: "Chuyện đó thì mong gì ông con trai cơ chứ!", hay đại loại thế. (Điều này gây ra phản ứng trái ngược là, chẳng hạn, con không dám, và sau này, vì thói quen, không còn nghĩ đến việc hỏi bố trực tiếp nếu có mẹ cũng ở đấy. Sẽ ít nguy hiểm hơn với đứa trẻ khi nó hỏi mẹ ngồi cạnh về bố. Nó nói với mẹ: "Bố khỏe không ạ?", và thế là nó tránh được những bất ngờ.) Tất nhiên, cũng có những trường hợp con cảm thấy thỏa thuê với sự mỉa mai cay độc nhất, đặc biệt khi nó dành cho kẻ khác, ví dụ em Elli - con với nó vốn đã giận nhau cả năm tri. Thật là một lễ hội của sự xấu tính và sự khoái trá trên nỗi đau của kẻ khác, khi mà bữa cơm nào con bé cũng bị nói: "Cái con hâm này, nó cứ phải ngồi xa bàn mười mét mới được!", trong khi bố ngồi giận giữ trên ghế bành, không một dấu hiệu thư giãn, mặt nặng như đâm lê, bắt chước một cách phóng đại những động tác của Elli, tỏ ra bố kinh tởm kiểu ăn uống của nó như thế nào. Những chuyện như thế đã lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần, nhưng thực tế bố có đạt được gì đâu. Con nghĩ, sự cáu giận này tự nó hoàn toàn không tương xứng với bản chất sự việc. Cáu giận không phải vì cái chuyện vặt ngồi-xa-bàn-mười-mét, mà cáu giận đã luôn có đó với tất cả sức mạnh của nó, mà ngồi-xa-bàn-mười-mét chỉ ngẫu nhiên thành cái cớ để cáu giận bùng phát thôi. Bởi vì ta biết chắc rằng trước sau cũng có một cái cớ gì đó, nên cơn giận chẳng làm ta ngạc nhiên, ta cứ lì ra trong lúc bị dọa. Dần dà ta cũng gần như chắc chắn rằng mình sẽ không bị đánh. Ta trở thành một đứa trẻ rầu rĩ, lơ đễnh, không vâng lời, chỉ nghĩ cách chạy trốn, mà thường là chạy trốn vào nội tâm. Vậy là bố đau khổ, chúng con cũng đau khổ. Từ quan điểm của mình, bố hoàn toàn có lí khi vừa nghiến răng cười gằn - điều khiến đứa trẻ có hình dung đầu tiên về địa ngục - vừa cay đắng nói (như khi nhận được bức thư từ Constantinople mới đây): "Xã hội này là thế đấy!".
Hoàn toàn trái ngược với vị thế của bố với chúng con -mà điều này lại xảy ra khá thường xuyên - là việc bố hay than vãn ra mặt. Con thừa nhận rằng, khi bé con đã hoàn toàn không cảm nhận được điều đó (sau này thì có thể) và không hiểu tại sao bố có thể chờ đợi sẽ nhận được sự chia sẻ. Bố thống trị mọi phương diện, vậy thì làm sao bố có thể chờ đợi lòng thương xót hay thậm chí sự giúp đỡ từ chúng con? Thực ra bố ải coi khinh điều đó mới đúng, cũng như bố hẳn vẫn coi thường chúng con. Bởi vậy con đã không tin những lời than vãn, mà con tìm một ẩn ý nào đó phía sau chúng. Phải mãi sau này con mới hiểu rằng, bố đã thực sự đau khổ vì con cái. Nhưng hồi đó, những lời than vãn của bố, dưới những hoàn cảnh khác bây giờ, đã được con tiếp nhận theo cách của một đứa trẻ ngây thơ, bộc trực, vô tư lự và luôn sẵn lòng giúp người. Vì vậy chúng lại chỉ được con hiểu như một liệu pháp giáo dục, một liệu pháp hạ nhục nâng cao - tự nó không phải là một liệu pháp mạnh, nhưng lại có tác dụng phụ tai hại, khiến đứa trẻ trở nên nhờn, không nghiêm túc trong những việc mà đáng ra nó phải nghiêm túc.
May mắn là vẫn còn những ngoại lệ, nhất là những khi bố âm thầm chịu khổ, kiên cường đối mặt và gắng sức vượt qua mọi thử thách bằng tình thương và lòng nhân từ. Đó chỉ là những ngoại lệ hi hữu thôi, nhưng nó thật tuyệt vời. Như những trưa hè nóng nực năm xưa, sau bữa ăn, bố đặt lưng nằm nghỉ, đầu tựa lên tay, và con đứng nhìn bố ngủ. Hay như những chủ nhật bố mệt nhoài đến với chúng con trong tươi rói nắng hè. Hay lần mẹ ốm nặng, bố run run vịn chặt vào giá sách để khỏi bật khóc. Hay như lần con bị ốm vừa rồi, bố lặng lẽ đến với con trong phòng em Ottla và dừng lại ngoài chiếu nghỉ, chỉ ghé đầu nhìn vào và khẽ giơ tay làm hiệu vì muốn giữ yên tĩnh cho con. Những lần ấy, ta đã gục đầu xuống giường mà khóc vì hạnh phúc, và giờ đây khi viết, hai mắt ta lại nhòe lệ.
Bố còn có một nụ cười thật đẹp, thật hiếm gặp, một nụ cười thầm lặng, mãn nguyện, hiền từ, khiến cho bất kì ai được trao tặng đều cảm thấy hạnh phúc. Con không nhớ ngày bé đã khi nào mình được trực tiếp trao tặng nụ cười ấy chưa, nhưng chắc là phải có, bởi chẳng có lí do gì bố lại từ chối trao nụ cười ấy cho con, nhất là ngày đó trong mắt bố con còn là đứa bé ngây thơ và là niềm hi vọng lớn của bố. Nhưng có điều, theo thời gian, những ấn tượng vui vẻ ấy đã chẳng giúp ích gì ngoài việc làm nặng thêm cảm giác tội lỗi trong con và khiến con thấy thế giới càng thêm khó hiểu.
Thôi, con cứ nói những chuyện cụ thể, những chuyện cứ lặp đi lặp lại thì hơn. Để có thể khẳng định mình một chút trước bố, một phần có lẽ cũng là cách để trả thù, chẳng bao lâu con đã tìm cách săm soi, nhặt nhạnh và phóng đại những chuyện nực cười vặt vãnh của bố. Ví dụ, bố rất dễ bị choáng ngợp trước những người tưởng chừng có địa vị cao hơn bố và không ngừng kể về họ, như về một ông ủy viên hội đồng hoàng gia nào đó, hay đại loại thế. (Mặt khác, những chuyện này cũng làm con thấy đau khổ, vì tại sao bố của con lại nghĩ rằng mình cần những ghi nhận giá trị vớ vẩn ấy, mà còn làm ra vẻ quan trọng hóa nữa.) Hay con quan sát sở thích nói những câu pha trò khiếm nhã của bố, mà phải nói to hết mức, rồi bố cười khoái chí như thể mình vừa nói ra điều gì đó đặc biệt sắc sảo, trong khi đó thực ra chỉ là những chuyện khiếm nhã tầm phào, vặt vãnh. (Đồng thời trong con lại xuất hiện cảm giác về sự tràn trề sinh lực đáng xấu hổ của bố.) Dĩ nhiên đã có vô khối những quan sát kiểu đó; chúng làm con sung sướng, chúng khiến con âm ỉ khoái trá. Đôi khi bố cũng nhận ra điều đó, bố giận giữ, cho rằng đó là biểu hiện của sự ác ý và bất kính. Nhưng bố hãy tin con, đối với con, đó chẳng qua chỉ là một cách tự vệ vô dụng, giống như khi ta kể những chuyện phiếm về thánh thần và vua chúa vậy, những chuyện phiếm không chỉ biểu hiện lòng kính cẩn sâu đậm nhất nơi ta, mà thậm chí chúng còn thuộc về lòng kính cẩn ấy.
Có điều bố, vì cùng ở hoàn cảnh tương ự như con, cũng tìm một cách gì đó để tự vệ. Bố thường ám chỉ rằng, con đã được sung sướng quá đáng như thế nào và được chăm sóc tốt ra sao. Điều đó thì đúng, nhưng con không nghĩ rằng nó thực sự giúp ích gì cho con ở hoàn cảnh ấy.
Đúng là mẹ đã luôn tốt hết mực với con. Nhưng đối với con thì tất cả điều đó đều nằm trong mối quan hệ với bố, một quan hệ không tốt đẹp. Trong cuộc săn đuổi này, mẹ đã vô tình đóng vai trò chất xúc tác. Nếu phương pháp giáo dục của bố, trong trường hợp thật khó tin nào đó, khiến con vì dằn dỗi, chống đối hay thậm chí căm ghét bố đến mức dám tách ra sống độc lập, thì mẹ lại đứng ra để cân bằng lại, bằng lòng tốt, bằng trò chuyện phải trái, bằng cầu xin... (trong sự hỗn mang của tuổi thơ con, mẹ là hình mẫu của lí trí), và thế là con lại quay về trong vòng ảnh hưởng của bố, cái vòng mà - sẽ là điều tốt đẹp hơn cho cả bố và con - lẽ ra con đã thoát ra được. Hoặc là thế này: không có sự làm lành thực sự nào cả, mà mẹ chỉ ngấm ngầm bảo vệ con trước bố, ngấm ngầm đưa cho con cái này, ngấm ngầm cho phép con được làm cái kia, và thế là mỗi khi đứng trước bố, con lại hiện nguyên hình là đứa dị ứng ánh sáng, đứa dối trá, đứa mặc cảm tội lỗi, đứa luôn thấy mình là con số không, đến nỗi ngay cả khi nó muốn có thứ mà nó cho rằng mình đương nhiên có quyền được hưởng cũng phải tìm cách lén lút. Tất nhiên, dần dà con cũng quen, rồi con sẽ tìm cách lén lút để có được những thứ mà mình biết rằng mình không có quyền được hưởng. Thế là cảm giác tội lỗi lại càng lớn thêm.
Cũng đúng là bố chưa một lần thực sự đánh con. Nhưng tiếng bố thét, mặt bố đỏ tía lên, bố hối hả tháo thắt lưng da, rồi bố luôn bày sẵn nó trên thành ghế, khiến con gần như hết chịu nổi. Như thể ta bị sửa soạn để treo cổ. Thà là ta bị treo cổ thật đi, ta sẽ chết và mọi chuyện sẽ chấm dứt. Đằng này ta phải chứng kiến tất cả các bước chuẩn bị cho việc treo cổ ta, và chỉ đến hiếc thòng lọng rơi xuống trước mặt, ta mới biết rằng mình được ân xá, thế là ta có thể sẽ phải đau đớn cả đời vì kinh nghiệm ấy. Tất cả những lần mà theo ý bố, con xứng đáng bị đánh đòn, nhưng rốt cuộc lại thoát được trong phút chót nhờ lòng khoan dung của bố, chỉ làm tích tụ ngày càng dày hơn cảm giác tội lỗi trong con. Đâu đâu con cũng thấy mình có tội trước bố.
Từ hồi nảo hồi nào bố đã luôn trách móc con, rằng nhờ công lao làm lụng của bố mà con được sống an nhàn, ấm áp, no đủ, không thiếu thốn bất kì thứ gì (mà bố có thể tùy thích nói trước mặt con hay trước mặt người khác; bố không hề có cảm giác rằng bố nói ra trước người khác khiến con thấy nhục nhã thế nào; với bố thì chuyện của chúng con luôn là chuyện công khai cho mọi người biết). Ở đây con đang nghĩ tới những câu nói đã hằn trong não con như: "Mới lên bảy tôi đã phải đẩy xe đi khắp làng trên ngõ dưới.", "Cả nhà tôi hồi đó phải ngủ chung trong một gian bé tí.", "Có đủ khoai mà ăn đã là sướng lắm rồi.", "Bao năm trời đầu gối tôi bị sưng tấy vì thiếu quần áo rét.", "Mới bé tí tôi đã phải đi bán hàng ở Pisek 13 rồi", "Nhà chả bao giờ gửi cho tôi đồng nào, ngay cả lúc tôi đi lính cũng thế, thậm chí tôi còn gửi tiền về nhà.", "Nhưng tôi vẫn luôn nói với ông cụ nhà tôi rằng, dù thế nào thì bố vẫn luôn là bố của con. Ôi dào, nhưng thời nay thì ai mà biết được! Con cái thì chúng biết đấy là đâu! Chúng có biết khổ là gì đâu! Thời nay có đứa con nào hiểu được điều đó đâu?". Những câu chuyện như thế, ở hoàn cảnh khác, lẽ ra đã có thể là một cách giáo dục xuất sắc, giúp động viên, khuyến khích con cái vượt qua những khó khăn gian khổ như bố chúng đã từng vượt qua. Nhưng bố đâu có muốn vậy, những nỗ lực của bố đã đẩy s đến một tình thế khác, không cho một cơ hội tốt nào có thể hình thành. Hoàn cảnh sống của chúng ta, nhờ nỗ lực của bố, đã trở nên khác hẳn, nên cơ hội để ta làm được điều xuất sắc như bố đã từng làm là hoàn toàn không có. Ta chỉ có thể có được một cơ hội như thế bằng bạo lực và lật đổ, nghĩa là ta phải bỏ nhà ra đi (với giả định rằng ta đủ quyết tâm và sức lực để làm thế, và mẹ ta không tìm cách ngăn cản ta bằng những phương pháp khác của bà.) Nhưng bố đâu có muốn thế. Bố gọi thế là vô ơn, là lập dị, là bất tuân, là phản hội, là hâm hấp. Trong khi một mặt, bố mời gọi, bố cấm chúng con làm vậy qua các ví dụ, các câu chuyện và sự hạ nhục của bố! Mặt khác bố lại luôn giữ thái độ cứng rắn nhất. Nếu không, chẳng hạn, bỏ qua mấy chuyện vặt vãnh, hẳn bố phải thích chuyến phiêu lưu bỏ nhà tới Zürau 14 của em Ottla lắm chứ. Lần đó em Ottla đã muốn về quê bố, nó muốn được lao động và chịu cực khổ như bố, nó không muốn ngồi mát ăn bát vàng trên thành quả lao động của bố, cũng như bố đã từng độc lập kinh tế với ông. Liệu đấy có phải là những ý định đáng sợ hay không? Xét theo tấm gương và giáo lý của bố? Phải, ý định của Ottla rốt cuộc cũng thất bại, có thể đó là chuyện nực cười, đao to búa lớn, nó đã không thực sự quan tâm đến bố mẹ. Nhưng đó chỉ là lỗi của nó thôi sao? Còn hoàn cảnh, nhất là khi bố đối xử với nó như người dưng nước lã, lại không có lỗi gì sao? Chẳng phải khi tới Zürau nó mới trở nên xa lánh bố hơn hồi ở cửa hàng (như sau này bố tự nhủ) hay sao? Và chẳng phải bố đã có đầy đủ quyền hạn (với giả định là bố dám vượt qua bản thân) để động viên, khuyên nhủ, nâng đỡ, thậm chí là chiếu cố nó, để nó làm nên điều gì đó hết sức tốt đẹp từ cuộc phiêu lưu đó hay sao?
Sau những kinh nghiệm như thế, bố thường cay đắng mỉa mai rằng, chúng con sống quá sướng. Nhưng theo một nghĩa nào đó thì đấy lại chẳng phải chuyện đùa. Những gì mà bố phải gian khổ giành giật mới có được thì chúng con được nhận không từ tay bố. Nhưng cuộc chiến giành giật ngoài đời, cuộc chiến mà bố được trải nghiệm ngay từ bé - cuộc chiến mà dĩ nhiên chúng con cũng sẽ không thể tránh được - thì mãi sau này chúng con mới phải đối mặt. Đối mặt bằng sức lực trẻ con khi đã ở tuổi trưởng thành. Con không nói rằng, vì thế mà hoàn cảnh của chúng con nhất định phải tệ hơn hoàn cảnh của bố. Có lẽ cả hai hoàn cảnh đều khó khăn như nhau (dĩ nhiên ta không so sánh những điều kiện cơ bản). Chỉ là, chúng con bất lợi hơn bố ở điểm: Chúng con chẳng thể tự hào hay sỉ nhục ai bằng những khó khăn của mình như bố. Con cũng không phủ nhận rằng, hoàn toàn có khả năng con sẽ biết cách thụ hưởng và đánh giá đúng thành quả lao động to lớn của bố, biết làm vui lòng bố bằng cách phát triển thành quả ấy. Nhưng chính ở đây, sự xa lánh giữa hai bố con lại xen vào cản trở. Con có thể hưởng thụ những thứ mà bố cho con, nhưng chỉ hưởng thụ trong cảm giác xấu hổ, mệt mỏi, yếu đuối và tội lỗi. Bởi vậy, con chỉ có thể khốn khổ cảm ơn bố vì tất cả, nhưng con không thể cảm ơn bố bằng hành động.
Một hệ quả bên ngoài 15 tiếp theo của toàn bộ phương pháp giáo dục này là: Con xa lánh tất cả những gì có liên hệ đến bố, dù chỉ liên hệ một chút thôi. Đầu tiên là cửa hàng. Bản thân việc bán hàng, nhất là khi nó còn là một cửa hàng tạp hóa trong ngõ nhỏ, hẳn phải là một việc đặc biệt thích thú với trẻ con. Không khí thật nhộn nhịp, buổi tối đèn bật sáng, ta có thể nhìn thấy, nghe thấy bao thứ, ta có thể giúp chỗ này, chỗ kia, ta tự làm mình nổi bật lên giữa chốn ấy mà hơn hết, ta tha hồ được chiêm ngưỡng tài buôn bán của bố, ngưỡng mộ cách bố bán hàng, cách bố tiếp đãi người khác, cách bố pha trò, cách bố bền bỉ làm việc không mệt mỏi, cách bố có thể lập tức đưa ra quyết định trước những trường hợp phức tạp v.v... cũng như cách bố gói hàng hay mở thùng, thật là những hoạt cảnh ngoạn mục. Tất cả, tất cả những điều đó chắc chắn không phải là những buổi học tồi cho trẻ em. Nhưng rồi dần dà bố làm con sợ hãi từ mọi phía, và vì cửa hàng và bố choán hết con, nên con cũng không thấy thích cửa hàng nữa. Những chuyện trước đây là đương nhiên với con ở cửa hàng thì giờ đây lại làm con đau khổ, xấu hổ, đặc biệt là cách bố đối xử với người làm. Con cũng không biết nữa, có lẽ ở hầu hết những nơi làm khác người ta đều đối xử với nhân viên như vậy chăng? (Như ở hãng bảo hiểm Assecurrazioni Generali 16 hồi con vào làm thì mọi chuyện đúng là như vậy. Con đã giải thích - không hoàn toàn trung thực nhưng cũng không hẳn là nói dối - với ông giám đốc ở đó lí do con xin thôi việc là con không thể chịu nổi tiếng chửi, dù nó không phải trực tiếp dành cho con. Con đã quá nhạy cảm, nhạy cảm đến mức đau đớn với tiếng chửi từ lúc ở nhà rồi.) Có điều hồi bé con đâu có quan tâm tới những nơi làm khác. Nhưng con nghe thấy, nhìn thấy bố hét trong cửa hàng. Bố chửi rủa, bố giận dữ, như thể chẳng ở đâu trên đời lại như thế. Đấy là theo suy nghĩ của con hồi ấy. Mà không chỉ chửi rủa. Còn những kiểu hành hạ khác nữa. Ví dụ, có món hàng nào đó mà bố không muốn nhầm với hàng khác, bố liền ném thẳng xuống đất - chỉ sự mất trí của cơn giận mới tha thứ được cho bố phần nào - và anh cửa hng trưởng phải cúi xuống nhặt nó lên. Hay cách bố liên tục càu nhề một nhân viên bị bệnh phổi: "Sao không chết mẹ nó đi, đồ dặt dẹo!". Bố gọi nhân viên của mình là "những kẻ thù được trả lương". Mà họ cũng đúng là thế thật. Nhưng trước khi họ trở nên như vậy, bố đã là "kẻ thù phát lương" cho họ rồi. Ở đó con còn học được bài học lớn rằng bố có thể trở nên bất công thế nào. Chỉ tự mình thì con đã không thể nhận ra sớm thế đâu, bởi cảm giác tội lỗi tích tụ trong con luôn luôn cho bố đúng. Nhưng những người ở đó chỉ là những người ngoài. Hồi bé con nghĩ thế, dĩ nhiên sau này con có nghĩ khác đi đôi chút, nhưng cũng không nhiều lắm. Những người đó làm việc cho chúng ta, nhưng họ lại phải thường xuyên sống trong sợ hãi trước bố. Tất nhiên ở đây con cũng hơi phóng đại, mà chủ yếu là vì con cho rằng, bố cũng gây ra cảm giác khủng khiếp với người khác y hệt như với con. Nếu quả thật như vậy, hẳn là họ đã không thể sống nổi. Nhưng bởi họ đều đã là những người trưởng thành với thần kinh lão luyện, họ có thể dễ dàng rũ sạch những câu chửi, và rốt cuộc người chịu thiệt nhiều hơn lại chính là bố. Nhưng với con, cửa hàng là nơi không thể chịu nổi, bởi nó gợi liên tưởng quá mạnh tới mối quan hệ với bố. Không xét tới quyền lợi ông chủ hay máu cai trị, chỉ xét riêng trong tư cách là một người buôn bán, bố đã luôn vượt trội hơn tất cả những người khác từng học việc nơi bố, khiến không ai có thể làm bố hài lòng trong công việc, tương tự, hẳn bố cũng đã không bao giờ hài lòng với con. Bởi vậy, con đã tất yếu thuộc về phe những người làm, phần cũng vì con sợ hãi đến nỗi không hiểu tại sao bố có thể chửi một người ngoài như thế. Và cũng vì sợ hãi, và vì sự an toàn của chính bản thân, nên con đã muốn đứng ra hòa giải giữa những người làm (những người mà con nghĩ rằng đã bị đối xử tồi tệ) với bố, với gia đình mình. Để làm điều đó thì giữ một thái độ lịch sự nhã nhặn thông thườ chưa đủ, khiêm tốn cũng chưa, mà còn hơn thế, con phải nhún mình trước những người làm. Không chỉ lên tiếng chào trước, mà còn phải luôn sẵn sàng chào lại. Và ngay cả khi con, kẻ nhỏ nhoi, có liếm chân cho họ từ bên dưới đi chăng nữa thì cũng không thể bù lại những gì mà bố, ông chủ, bổ xuống đầu họ từ bên trên, ở đây, mối quan hệ của con với những người xung quanh đã vượt ra khỏi phạm vi cửa hàng và tiếp tục ảnh hưởng mạnh tới tương lai. (Những biểu hiện tương nhưng không nguy hiểm và hằn sâu như ở con, ví dụ: sở thích giao du của Ottla với những người nghèo, việc nó thích ngồi cùng chị giúp việc khiến bố tức giận, v.v...). Rốt cuộc, con gần như sợ hãi cửa hàng. Dù gì thì từ lâu đó cũng chẳng phải nghề của con, trước khi con bước vào trung học cơ sở và còn tách xa cửa hàng hơn nữa. Mặt khác, nó cũng không hợp với khả năng của con, bởi, như bố nói, cửa hàng cần người có những khả năng như bố. Sự chán ghét cửa hàng của con khiến bố đau đớn. Bố tìm cách gỡ gạc chút mật ngọt bằng cách cả quyết rằng, con không có khiếu kinh doanh, con có những ý tưởng cao xa hơn trong đầu, và v.v... (Hôm nay con thấy điều đó thật cảm động và khiến con xấu hổ.) Còn mẹ dĩ nhiên là mừng vì lời giải thích này, lời giải thích mà bố đã tự ép cho mình, và do tính kiêu ngạo cũng như do hoàn cảnh, con đã để cho mình chịu ảnh hưởng theo. Nhưng nếu quả thực - hoặc chủ yếu - là những "ý tưởng cao xa hơn" đã khiến con từ bỏ cửa hàng (phải, lúc này, nhưng phải tới tận lúc này, con mới chân thành và thực sự ghét cửa hàng), thì những ý tưởng đó đã phải phát lộ ra theo cách khác hẳn chứ, đâu thể như cách chúng đã đưa con bập bềnh, lầm lũi và sợ sệt qua trường trung học, rồi đại học luật, cho tới khi con yên vị hẳn sau chiếc bàn công chức.
Con muốn chạy trốn khỏi bố ư? Nếu vậy con cũng phải chạy trốn khỏi gia đình, ngay cả mẹ nữa. Con luôn có thể được mẹ che chở, nhưng chỉ chở trong mối quan hệ với bố. Mẹ quá yêu bố và quá trung thành với bố, vì vậy về lâu dài, mẹ không thể đóng vai nhà bảo trợ tinh thần trong cuộc đấu tranh của chúng con. Dù sao bản năng của đứa trẻ đã đúng. Bởi vì theo năm tháng, mẹ càng ngày càng gắn bó chặt hơn với bố. Nhẹ nhàng và tinh tế, mẹ luôn giữ được sự độc lập trong mọi quyết định nhỏ nhất mà không bao giờ thực sự khiến bố khó xử. Nhưng mẹ cũng chỉ độc lập được trong những việc liên quan đến mẹ mà thôi. Còn trong quan hệ với chúng con, theo thời gian, mẹ càng ngày càng ngả theo quan điểm và định kiến của bố, ngả theo toàn diện, mù quáng, theo cảm giác hơn là lí trí, nhất là trong trường hợp nghiêm trọng của em Ottla. Tất nhiên con luôn biết rằng, mẹ đã phải giữ một vai trò khổ sở và căng thẳng cùng cực như thế nào trong gia đình. Mệt mỏi vì việc ở cửa hàng và việc nội trợ, chịu cực gấp đôi mỗi khi có người nhà ốm đau, vậy mà phần thưởng dành cho mẹ chỉ là sự đau khổ ở vị trí trung gian giữa bố và chúng con. Đúng là bố đã luôn yêu thương mẹ và ý tứ với mẹ, nhưng ở phương diện này, bố cũng không hề nương nhẹ mẹ, hệt như chúng con. Vậy là chúng ta cùng bổ thẳng lên đầu mẹ, bố từ phía bố, chúng con từ phía chúng con. Đó là một cách đánh lạc hướng. Ta không nghĩ đó là việc xấu, ta chỉ nghĩ tới cuộc chiến. Cuộc chiến giữa bố và chúng con. Giữa chúng con và bố. Và chúng ta cùng giáng xuống đầu mẹ. Đó không phải là bài học tốt cho con trẻ, như bố vẫn thường than vãn về chúng con - mà bố thì chẳng có lỗi gì, tất nhiên. Nó thậm chí còn biện hộ cho thái độ không thể biện hộ của chúng ta với mẹ. Mẹ đau khổ vì chúng con cự bố, vì bố cự chúng con. Khó tin nhất là trong những trường hợp bố có lí, mẹ đã đứng ra tha thứ cho chúng con, cho dù đôi sự "tha thứ" này cũng chỉ là một thái độ thầm lặng, vô thức chống lại hệ thống cai trị của bố. Tất nhiên mẹ đã không thể chịu đựng được tất cả, nếu không phải vì tình yêu của mẹ với chúng ta và phước hạnh mà tình yêu ấy mang lại đã cho mẹ sức mạnh để chịu đựng.
Các em gái chỉ ủng hộ con phần nào. Đứa hợp bố nhất là Valli. Là người thứ hai bên cạnh mẹ, nó đóng vai trò tương tự mẹ trong quan hệ với bố mà không mấy khó nhọc. Bố cũng đối xử với nó vui vẻ hơn, có lẽ cũng vì nghĩ tới mẹ, cho dù ở nó có ít tính cách của nhà Kafka hơn cả. Nhưng với bố có lẽ thế lại hay. Ở đâu không có tính Kafka thì bố cũng chẳng thể đòi hỏi ở đó phải có cái gì tương tự. Khác với trường hợp chúng con, ở Valli, bố không có cảm giác mất mát mà bố phải cứu lại bằng bạo lực. Có điều bố chưa bao giờ thích tính Kafka khi nó được biểu lộ ra ở phụ nữ. Quan hệ của bố với Valli hẳn còn vui vẻ hơn nếu những đứa con khác không quấy rối ít nhiều.
Elli là ví dụ duy nhất đã gần như giải thoát thành công khỏi vòng ảnh hưởng của bố. Vậy mà con lại ít chờ đợi điều đó ở nó nhất khi nó còn bé. Elli từng là đứa bé rầu rĩ, mệt mỏi, sợ sệt, quạu cọ, mặc cảm, tự ti, xấu tính, lười nhác, sưng sỉa, tham lam. Con từng không thể lại gần nó, không thể nói chuyện với nó. Nó làm con nghĩ ngay tới chính mình. Nó cũng chịu cảnh bị dạy dỗ giống hệt như con. Đặc biệt tính tham của nó làm con kinh tởm, vì có lẽ đâu đó, con còn tham hơn cả nó. Tính tham là biểu hiện rõ rệt nhất cho nỗi bất hạnh sâu đậm nhất. Con luôn thiếu tự tin mọi nơi mọi lúc, nên con chỉ có thể chắc chắn mình sở hữu một cái gì đó khi đã thực sự giữ được nó trên tay hay ngậm được nó trong miệng, hoặc ít nhất là những thứ đang trên đường đến đó, những thứ mà Elli - vì cùng ở hoàn cảnh như con - lại thích giật lấy của con nhất. Nhưng tất cả đã thay đổi khi nó rời nhà khi còn trẻ - điều này rất quan trọng. Elli cưới chồng, sinh con, trở nên người vui vẻ, không lo lắng, can đảm hào phóng, không ích kỉ và phơi phới hi vọng. Thật khó tin là bố gần như không nhận ra sự thay đổi này và tất nhiên đã không ghi nhận. Bố bị che mắt bởi cơn giận với Elli từ ngày nào và không hề thay đổi, chỉ khác là cơn giận đó giờ đây không còn tính thời sự nữa, bởi Elli đã không còn sống trong gia đình. Ngoài ra thì tình yêu của bố với Felix và cảm tình của bố với Karl cũng khiến nó trở nên không còn quan trọng. Chỉ Gerti 17 là đôi khi vẫn phải chịu trận.
Còn Ottla? Con gần như không dám viết về nó. Con hiểu rằng mình có thể đánh vuột mất hi vọng vào tác dụng của bức thư. Ở hoàn cảnh bình thường, nghĩa là nếu nó không gặp khó khăn hay nguy hiểm gì đặc biệt, bố chỉ dành cho nó sự căm ghét. Chính bố từng thừa nhận với con rằng bố nghĩ nó đã luôn cố ý làm bố khốn khổ và tức giận, và trong khi bố đau khổ vì nó thì nó lại thấy thỏa mãn và sung sướng. Nó là quỉ chứ không phải người. Hẳn là đâu đó đã phải dựng lên một khối xa lạ khổng lồ giữa hai người, còn lớn hơn khối xa lạ giữa bố và con, đến nỗi nó có thể dẫn đến một sự hiểu lầm khổng lồ như thế. Ottla ở xa bố, đến nỗi bố hầu như không gặp nó, và bổ tưởng tượng nó như ma quỉ. Con thừa nhận bố đặc biệt thấy khó khăn với nó. C cũng không nhìn thấu trường hợp quá đỗi phức tạp này, nhưng đây chắc chắn là một dạng Löwy, được trang bị bằng vũ khí sắc nhọn nhất của nhà Kafka. Giữa bố và con thật ra đã không có cuộc chiến nào thực sự. Con luôn sớm bị hạ gục. Sau đó chỉ là trốn chạy, cay đắng, buồn khổ, đấu tranh nội tâm. Nhưng hai người thì luôn sẵn sàng ở vị trí chiến đấu, luôn hào hứng, tràn trề sức lực. Một cảnh trí hoành tráng và bi thảm. Truớc hết, hai người thực ra quá giống nhau, bởi đến nay trong bốn đứa con, Ottla có lẽ là biểu tượng thuần khiết nhất cho cuộc hôn nhân giữa bố và mẹ, cho sự kết hợp của hai nguồn sức mạnh. Con không biết điều gì đã chen vào hạnh phúc cha con giữa hai người, con chỉ phỏng đoán rằng, có lẽ sự việc cũng đã phát triển theo cách giống như với con. Phía bố là sự thống trị bản năng, phía nó là sự dằn dỗi kiểu nhà Löwy, sự nhạy cảm, ý thức công bằng, sự bất an, và tất cả được trợ lực bởi ý thức về sức mạnh của nhà Kafka. Có lẽ con cũng có ảnh hưởng tới nó phần nào, nhưng không phải do chủ ý, mà chỉ thuần túy do sự hiện diện của mình. Có điều, Ottla là đứa con út, đứa sau cùng nhảy vào các quan hệ quyền lực đã được xác lập, nên nó có thể tự đánh giá tình hình trận địa dựa trên vô số chất liệu sẵn có. Thậm chí con có thể nghĩ rằng, bản thể nó đã dao động rất lâu giữa lựa chọn hoặc là gục đầu vào ngực bố, hoặc là đứng về phía bên kia. Chắc chắn hồi đó bố đã bỏ lỡ cơ hội, đã đẩy nó ra, nếu không biết đâu, nhiều khả năng hai người đã làm thành một liên minh hoàn hảo. Nếu vậy, tuy rằng con sẽ mất đi một đồng minh, nhưng được nhìn cảnh hai người hòa hợp cũng là sự đền bù thỏa đáng, và bố, tràn ngập trong hạnh phúc vì rốt cuộc cũng tìm được sự mãn nguyện, ít nhất là ở một đứa con, sẽ thay đổi thái độ theo cách có lợi cho con. Có điều, tất cả những thứ đó hôm nay chỉ là một giấc mơ. Ottla không còn liên hệ với bố. Nó phải tự mình tìm đường đi, cũng như con. Và bởi vì nó lạc quan hơn con, tự tin hơn, khỏe khoắn hơn, ít lo âu hơn, nó cũng trở nên xấu xa hơn và bất trung hơn trong mắt bố. Con hiểu, theo quan điểm của bố thì nó chẳng thể nào khác được. Phải, bản thân nó có khả năng nhìn thấu bố bằng con mắt của chính bố. Nó đồng cảm được với nỗi khổ của bố, và buồn thấm thía - buồn chứ không tuyệt vọng, bởi tuyệt vọng là việc của con - về điều đó. Dường như trái ngược với những điều vừa kể trên, bố thường gặp chúng con tụ tập với nhau, thì thầm bàn tán, thì thầm cười cợt, và đây đó bố lại nghe thấy chúng con nhắc đến bố. Bố có cảm giác về một bọn mưu mô mờ ám hỗn láo. Những kẻ mưu mô đầy khả nghi. Tất nhiên bố luôn là chủ đề chính trong các câu chuyện cũng như trong suy nghĩ của chúng con từ hồi nảo hồi nào, nhưng sự thật là, chúng con ngồi với nhau không phải để nghĩ ra cách chống lại bố, mà là, bằng tất cả nỗ lực, bằng cảm hứng, bằng sự nghiêm túc, bằng tình yêu, bằng dằn dỗi, bằng tức giận, bằng khó chịu, bằng hạ mình, bằng ý thức tội lỗi, bằng tất cả sức lực của lí trí và con tim, để cùng nhau thảo luận thấu đáo về sự vụ khủng khiếp này, sự vụ mà bố luôn cho mình có vai trò thẩm phán, trong khi bố cũng thuộc về bên yếu và mù quáng y hệt chúng con. Ít nhất là như thế. Chủ yếu là như thế. (Ở đây con để ngỏ khả năng rằng mình hoàn toàn có thể sai lầm.)
Truờng hợp em Irma 18 là một bài học về ảnh hưởng giáo dục của bố trong mối quan hệ tổng thể này. Một mặt, em ấy vẫn là người ngoài, em ấy đến cửa hàng khi đã ở tuổi trưởng thành, chủ yếu chỉ quan hệ với bố ở tư cách là sếp, chỉ phải chịu ảnh hưởng của bố phần nào, và dù sao em ấy cũng đã ở độ tuổi đủ sức chống đỡ. Mặt khác, em ấy vẫn là một người họ hàng ruột thịt, kính trọng bố với tư cách bác ruột, và bố c quyền với em ấy lớn hơn rất nhiều quyền của một người sếp đơn thuần. Trong thân thể yếu ớt, em ấy là một người tháo vát, thông minh, chăm chỉ, khiêm nhường, đáng tin cậy, không vụ lợi và trung thành. Em ấy yêu quí bố với tư cách là bác ruột và kính trọng bố với tư cách là sếp. Em ấy luôn hoàn thành công việc được giao. Mặc dù vậy, trong mắt bố, em ấy vẫn không phải là một nhân viên đủ tốt. Em ấy coi bố như cha và đặt mình ở vị trí con cháu - dĩ nhiên cũng do ảnh hưởng của chúng con - và vì vậy, quyền uy khổng lồ ghê gớm của bố cũng trùm lên em ấy. Dưới ảnh hưởng của bố (tuy nhiên chỉ là ảnh hưởng ở một người trưởng thành khi đối diện với bố, chứ không phải đến mức bị chấn thương nội tâm sâu sắc như ở chúng con, hi vọng thế), dần dà em ấy trở nên người đãng trí, chểnh mảng, chì chiết, đôi khi dằn dỗi - nếu em ấy còn có khả năng ấy. Đấy là con còn chưa nói em ấy có thể đã bị tổn thương, mà bình thường em ấy đã chẳng hạnh phúc lắm rồi, nhất là lúc nào cũng có cả đống việc nhà nhàm chán đổ lên đầu em ấy. Điều còn đọng lại trong con từ mối quan hệ giữa bố với em Irma là một câu nói của bố, một câu tổng kết đã trở nên kinh điển với chúng con, một câu nói gần như báng bổ Thượng đế, nhưng chính thế, nó lại là minh chứng cho sự hồn nhiên của bố trong mối quan hệ ứng xử với người khác: "Thượng đế lòng lành đã ban cho tôi toàn thứ khốn nạn."
Con có thể miêu tả thêm những vòng ảnh hưởng khác của bố và cuộc đấu tranh của họ chống lại nó, nhưng ở đây con bắt đầu thấy thiếu chắc chắn và phải sắp xếp lại. Ngoài ra, cứ mỗi khi đi càng xa cửa hàng và gia đình, bố lại càng trở nên vui vẻ hơn, mềm mỏng, lịch sự hơn, ý tứ và hòa đồng hơn (ý con là: cả vẻ ngoài cũng thế), cũng giống như một nhà cai trị khi đã ra khỏi lãnh địa của mình sẽ không còn lí do gì để hành xử như một bạo chúa nữa. Ông ta cố thể trở nên tốt bụng ngay cả với những kẻ nhỏ bé nhất. Thực tế, chẳng hạn trong những bức ảnh tập thể chụp ở Franzensbad, bố luôn thích thú và lịch sự đứng giữa những người nhỏ bé rầu rĩ, như một hoàng đế trong những chuyến đi dã ngoại vậy. Dĩ nhiên là chúng con cũng đã có thể được hưởng lợi từ sự hào phóng này, với điều kiện chúng con có đủ khả năng nhận ra điều đó khi còn bé; và con, lẽ ra con đã không được phép sống trong vòng tròn tận cùng nhất, vòng tròn thắt chặt nhất, nghiêm khắc nhất của ảnh hưởng của bố, như con đã thực sự làm thế.
Thế là con không chỉ đánh mất ý thức gia đình như bố nói, ngược lại, đúng ra là con vẫn còn ý thức với gia đình. Có điều, đó chủ yếu là ý thức tiêu cực, ý thức trốn chạy bố vào nội tâm (cuộc trốn chạy chưa bao giờ có hồi kết, tất nhiên). Và đây đó, dưới ảnh hưởng của bố, các mối quan hệ với người ngoài của con thậm chí còn bị tổn thương lớn hơn. Bố đã hoàn toàn nhầm lẫn khi cho rằng, con làm tất cả cho người ngoài vì tình yêu và lòng trung thành, trong khi, vì lạnh nhạt và phản bội, con đã không làm gì cho gia đình. Con xin nhắc lại lần thứ mười: Ngay cả khi không chịu ảnh hưởng gì của bố, có thể con vẫn sẽ trở thành người nhút nhát sợ sệt, nhưng từ con người đó tới con người mà con thực sự trở thành bây giờ là cả một quãng đường dài tăm tối [Từ đầu đến giờ, trong bức thư này, chỉ có ít chuyện mà con cố tình im không nói ra thôi, nhưng bây giờ và về sau, con sẽ phải im không nói ra nhiều chuyện, vì con thấy quá khó nói ra (trướcố và con). Con phải nói vậy để, nếu bố có thấy chỗ này chỗ kia không rõ nét trong bức tranh tổng thể, bố cũng đừng cho rằng con thiếu dẫn chứng. Ngược lại, có quá nhiều dẫn chứng đến mức, nếu đưa vào sẽ làm cho bức tranh xấu xí không chịu nổi. Thật khó để có thể tìm ra điểm cân bằng.] Có điều ở đây chỉ cần dẫn ra vài chuyện cũ cũng đủ: Vì bố mà con đã đánh mất tự tin, thay vào đó là cảm giác tội lỗi vô biên. (Nhớ lại sự vô biên này, có lần con đã viết chính xác về một người: "Y sợ rằng đến chết vẫn còn chưa hết nhục." 19) Con không thể đột nhiên hóa thân thành người khác, bởi vì mỗi khi gặp một ai đó, con lại rơi vào cảm giác tội lỗi lớn hơn, bởi vì, như con đã nói, con phải sửa lại những gì mà bố gây ra, bố nợ người ta ở cửa hàng, nơi mà con cùng có phần trách nhiệm. Ngoài ra bố đã luôn chống lại bất kì người nào mà con giao thiệp, luôn công khai hay ngấm ngầm phản đối, và con thường phải xin người ta tha thứ về điều đó. Nghi ngờ hầu hết mọi người, đấy là điều bố đã luôn tìm cách bày cho con, ở cửa hàng cũng như trong gia đình (bố hãy kể cho con một người có chút quan trọng với con hồi bé mà không bị bố ít nhất một lần chê ỏng chê eo), và lạ là điều đó không hề làm bố khó chịu (vì bố đã đủ mạnh mẽ để chịu đựng, đó thực ra cũng chỉ là một dấu hiệu của nhà cai trị?). Trong mắt con hồi bé, con không tìm được ở đâu bất kì điều gì chứng minh cho sự nghi ngờ này, bởi đâu đâu con cũng nhìn thấy những người tuyệt vời, những người mà con không bao giờ với tới được. Rốt cuộc, con trở nên nghi ngờ chính mình và sợi hãi tất cả những người khác. Nói chung ở điểm này chắc chắn con không thể cứu mình trước bố. Bố hiểu nhầm con có thể do bố hoàn toàn không hay biết gì về giao thiệp của con ở bên ngoài. Bố nghi ngờ và ghen tị cho rằng (con không nói bố không yêu con), nếu con đã xa lánh gia đình, hẳn con phải tìm được đền bù ờ đâu đó, bởi không thể nào con cũng sống ở ngoài như thế. Có điều về phương diện này, con cũng tìm được chút an ủi nhất định, ấy là từ khi bé con đã luôn nghi ngờ chính sự phán xét của mình. Con tự nhủ: "Hẳn là mi lại phóng đại rồi, như tuổi trẻ nói chung là thế, hay thổi phồng những chuyện nhỏ nhặt, rồi nghĩ là ghê gớm lắm". Có điều sau này, khi đã nhìn thế giới rộng hơn, con cũng gần như đánh mất luôn chút an ủi đó.
Cả trong Do Thái giáo cũng vậy, con không thể cứu mình trước bố. Đáng ra đây là một lĩnh vực tự nó có thể mang lại sự cứu rỗi, hay còn hơn thế, đáng ra hai bố con có thể tìm thấy nhau trong Do Thái giáo, hay thậm chí cùng dắt tay nhau hòa hợp đi ra từ đó. Nhưng mà, con đã nhận được từ bố thứ Do Thái giáo gì đây! Theo thời gian, con có ba loại thái độ với Do Thái giáo.
Khi bé con đồng quan điểm với bố. Con thường trách mình không siêng đến nhà thờ, không ăn chay v.v... Con không nghĩ mình đã làm điều có lỗi với mình, mà là có lỗi với bố, và con bị cảm giác tội lỗi vốn luôn có sẵn trong con chế ngự.
Sau này, ở tuổi thanh niên, con không hiểu tại sao bố, với một con số không về Do Thái giáo, lại trách con tại sao không cố gắng (vì chữ Hiếu, như bố nói) để đạt được một con số không tương tự. Theo như những gì con thấy, đó thực sự là con số không, một thú tiêu khiển, thậm chí còn không đáng là thú tiêu khiển nữa. Mỗi năm bố đến nhà thờ bốn ngày, ở đó bố thân mật với những kẻ thờ ơ hơn hẳn những người nghiêm túc, bố thực hiện những lễ tụng theo thủ tục, và đôi khi bố làm con kinh ngạc vì lẫn lộn đoạn kinh trong sách với đoạn kinh đang được tụng. Có điều khi đến nhà thờ con được phép trốn vào xó xỉnh nào con thích (đó là điều quan trọng nhất). Ở đó con ngáp dài ngáp ngắn nhiều giờ liền (sau này con nghĩ chỉ có giờ học nhảy là làm con chán tương tự). Con tìm cách khuây khỏa bằng vài sự thay đổi nho nhỏ trong đó, chẳng hạn như khi người ta mở nắp chiếc hòm giao ước, nó luôn làm con nghĩ đến trò chơi bắn súng giả, mỗi khi ta bắn trúng ô đen thì ngăn kéo mở ra, có điều ở trò chơi bắn súng giả, ta luôn nhận được cái gì đó hấp dẫn, trong khi ở đây lần nào ta cũng chỉ thấy những con búp bê cũ cụt đầu. Có điều con cũng thường xuyên bị sợ, không chỉ sợ rất nhiều người con gặp ở đó như thường lệ, mà còn vì, như có lần bố nói loáng thoáng, rằng con cũng có thể bị gọi lên đọc kinh Torah. Con đã run rẩy nhiều năm trời khi nghĩ đến điều đó. Ngoài ra thì con không thực sự bị làm phiền gì trong sự nhàm chán của mình, có chăng là những bài tụng kinh, vốn chỉ đòi hỏi người ta học thuộc lòng một cách nực cười, một bài kiểm tra lố bịch, và vài sự kiện nhỏ nhặt, ít quan trọng liên quan đến bố, chẳng hạn khi bố được gọi lên đọc kinh Torah và theo cảm nhận của con thì đấy cũng chỉ là một màn kịch xã hội mà bố đã diễn tốt, hoặc là trong lễ thánh thể bố được giữ lại nhà thờ còn con thì bị đuổi đi, đến nỗi một thời gian dài sau đó, có lẽ phần vì bị đuổi, phần vì thiếu ý thức tham gia tích cực, trong con luôn dâng lên cảm giác vô thức rằng, đây hẳn phải là một việc gì đó thiếu tử tế. Ở nhà thờ thì như vậy, ở nhà đôi khi còn thảm hại hơn. Lễ nghi chủ yếu giới hạn trong ngày đầu tiên của lễ ăn chay, và
càng ngày càng trở thành một màn hài kịch với những trận cười ra nước mắt, nhưng điều này cũng còn do ảnh hưởng của đám con cái ngày một lớn nữa. (Tại sao bố phải chịu đựng ảnh hưởng này? Vì chính bố đã gây ra nó.) Đó là tất cả chất liệu của đức tin mà con được bố trao truyền, có thêm chăng là chuyện cổ tích Bàn tay xòe, ám chỉ "những người con của nhà triệu phú Fuchs", những người con hiếu thảo, luôn ngoan ngoãn đến nhà thờ cùng cha trong những ngày lễ. Con không hiểu người ta có thể làm gì với chất liệu này, ngoại trừ việc vứt bỏ nó càng nhanh càng tốt. Chính hành động vứt bỏ này theo con mới là hành động có hiếu nhất.
Sau này thì con cũng nhìn nhận vấn đề khác đi và hiểu được tại sao bố nghĩ con đã phản bội bố một cách đầy ác ý ở phương diện này. Bố đã thực sự mang theo một chút Do Thái giáo từ cái làng quê nhỏ bé, biệt lập. Chút Do Thái giáo đó là không nhiều, và cũng rơi vãi đi phần nào ở thành phố cũng như trong quân ngũ, mặc dù vậy, những ấn tượng và kí ức thời trẻ cũng đủ cho bố một lối sống kiểu Do Thái, nhất là để duy trì lối sống ấy, bố không cần nhiều đến sự giúp đỡ từ bên ngoài, vì bố vốn xuất thân từ một dòng họ mạnh. Lối sống ấy không thể bị lung lay với người có quan niệm tôn giáo như bố, nhất là khi quan niệm ấy lại trộn lẫn rất nhiều với quan niệm ứng xử xã hội. Về cơ bản, đức tin tôn giáo dẫn dắt đời sống của bố là: Bố tin vào quan điểm nhất thiết đúng đắn của một tầng lớp Do Thái nhất định, và vì quan điểm đó cũng thuộc về bản thể của bố, nên thực ra điều đó có nghĩa là, bố có đức tin vào chính bố. Ngay cả ở đây cũngó đủ chất Do Thái giáo, nhưng để truyền-đạt-cho-người-khác thì nó lại là quá ít với đứa trẻ, và nó bị vón cục cả lại khi bố truyền tải. Một phần vì những kinh nghiệm thời trẻ của bố vốn không thể truyền tải, phần khác vì sự hiện diện gây khiếp sợ của bố. Mà cũng hoàn toàn không thể làm cho một đứa trẻ hiểu rằng, mấy chuyện vớ vẩn mà bố thực hành với thái độ vô thưởng vô phạt lại mang một ý nghĩa gì cao siêu, nhất là khi đứa trẻ đang sợ phát khiếp vì bị hau háu săm soi. Những chuyện đó có ý nghĩa với bố như là những hoài niệm nho nhỏ về thời xưa, vì thế bố muốn truyền đạt lại cho con, nhưng vì tự chúng cũng không còn giá trị gì với bố, nên bố chỉ có thể truyền cho con bằng dụ dỗ và dọa dẫm. Một mặt, cách đó không thể mang lại kết quả, mặt khác, vì hoàn toàn không nhận ra thế yếu của mình, bố đã luôn phải làm ra vẻ rất tức giận vì thái độ cứng đơ của con.
Tất cả không phải là một hiện tượng đơn lẻ. Điều tương tự cũng xảy ra ở phần lớn thế hệ Do Thái chuyển đổi này, thế hệ những người di cư từ những vùng nông thôn còn tương đối sùng đạo ra thành phố. Điều này cũng tự nhiên thôi, chỉ có điều, nó lại bồi thêm một vết thương đủ đau vào mối quan hệ vốn đã không thiếu phần sắc cạnh giữa hai chúng ta. Ở đây, cũng như con, bố nên tin vào sự vô tội của mình, nhưng phải giải thích sự vô tội đó là do bản thể của bố cũng như do sự khác biệt về thế hệ, chứ không phải nói rằng, đại loại, bố luôn có cả đống việc phải làm, phải lo, không còn hơi sức đâu mà bận tâm tới những chuyện vớ vẩn đó. Bằng cách này, bằng vào sự vô tội miễn tranh cãi của bố, bố quay ra kết tội những người khác. Ở tất cả mọi trường hợp, cũng như ở đây, phản bác bố rất dễ. Vấn đề không phải là bố phải cho con bài học gì đó, mà là, bố hãy cho con một đời sống mẫu mực. Chỉ cần bố có đức tin Do Thái mạnh hơn, thì điều bố dạy tự nhiên sẽ thuyết phục hơn. Điều này là đương nhiên, và ở đây không phải con đang trách bố, mà là con chỉ tự vệ trước sự kết tội của bố. Gần đây, bố đã đọc cuốn hồi kí tuổi trẻ của Franklin. Thực sự con đã cố ý đưa cho bố đọc cuốn sách đó, nhưng không phải vì một đoạn ngắn nói về việc ăn chay như bố nhận định một cách mia mai, mà vì mối quan hệ giữa tác giả với cha được miêu tả trong sách, cũng như quan hệ giữa tác giả với con trai, người được tác giả đề tặng cuốn hồi kí. Ở đây con không muốn đi vào chỉ tiết.
Những năm qua, con còn nhận được một bằng chứng nữa bổ sung cho quan điểm của bố về Do Thái giáo, khi bố nhận ra con đang quan tâm hơn tới những vấn đề Do Thái. Bởi vì ngay từ đầu bố đã luôn chống lại mọi việc con làm, nhất là chống lại thái độ của con, nên ở đây cũng vậy. Có điều, ngoài chuyện đó ra, lẽ ra người ta có thể chờ đợi, ở đây bố sẽ làm một ngoại lệ nho nhỏ chứ? Đó chẳng phải là Do Thái giáo, vâng, Do Thái giáo của bố hay sao? Và hẳn nó sẽ mở ra cơ hội cho quan hệ mới giữa hai bố con. Con không phủ nhận rằng, những điều mà bố quan tâm đều làm con nghi ngờ, đơn giản là bởi vì bố quan tâm. Con hoàn toàn không có ý muốn chứng tỏ rằng, con giỏi hơn bố về phuơng diện này. Nhưng con cũng chẳng có cơ hội đâu mà chứng tỏ. Qua sự giới thiệu của con, Do Thái giáo trở nên kinh tởm với bố; kinh sách Do Thái là thứ không đọc nổi, chúng làm bố "buồn nôn". Điều đó có thể được hiểu rằng, theo bố, oái ảm thay, chỉ có cái thứ Do Thái giáo mà bố dạy con hồi bé là Do Thái giáo duy nhất đúng, ngoài ra không còn gì nữa. Nhưng thật khó tưởng tượng là bố lại có thể nghĩ như thế. Vậy thì, sự "buồn nôn" (ngoại trừ việc nó trước hết không phải hướng vào Do Thái giáo, mà là hướng vào con người con) chỉ có nghĩa là trong vô thức, bố đã thừa nhận sự yếu kém về Do Thái giáo của mình cũng như nền giáo dục Do Thái mà con được nhận, và bố tuyệt đối không muốn bị ai nhắc tới điều đó. Bố đáp lại mọi nhắc nhở bằng sự căm ghét ra mặt. Có điều bố đã quá trầm trọng hóa cái Do Thái giáo mới của con, vì thứ nhất, nó mang theo cuộc trốn chạy của bố, và thứ hai, sự phát triển của nó có ảnh hưởng quyết định tới quan hệ của con với người khác nói chung. Trong trường hợp của con, đó là sự ảnh hưởng chết chóc.
Bố đã có lí hơn khi chống lại việc viết của con và những gì liên quan tới nó (những điều mà bố không biết), ở đây quả thật con đã tách ra độc lập được với bố một đoạn, cho dù sự độc lập này cũng chỉ gợi liên tưởng đến một con giun, con giun bị một bàn chân dậm chặt một đầu, còn đầu kia cố gắng kéo lê thân mình đi, và nó đổ oặt sang một bên. Ở đây con được yên ổn phần nào. Con được hít thở một chút. Tất nhiên bố đã lập tức chống lại việc viết của con, nhưng trong trường hợp ngoại lệ này, con lại sẵn sàng đón nhận. Đúng là sự kiêu căng của con, tham vọng của con đã bị tổn thương trước câu nói của bố, câu nói đã trở nên nổi tiếng với chúng con mỗi khi con mang về những cuốn sách mới của mình: "Để lên bàn đi!" (thường thì bố luôn chơi bài mỗi khi có sách đến), nhưng nhìn chung con vẫn thấy dễ chịu, không chỉ vì sự ác ý hoang dại, không chỉ vì sự khoái trá bởi quan điểm của con về mối quan hệ giữa chúng ta được xác nhận thêm một lần nữa, mà, vì một điều hết sức căn cốt là, mỗi câu nói hình thức của bố đều sẽ gây cho con cảm giác: "Giờ thì anh tự do!". Tất nhiên, đó chỉ là ảo giác. Con không tự do. Ngay cả trong trường hợp thuận lợi nhất, con cũng vẫn chưa tự do. Con viết là con viết về bố. Con than vãn ở đó, chỉ vì con không thể than vãn trên ngực bố. Viết là một cuộc chia ly với bố, cuộc chia ly mà con cứ cố ý kéo dài ra mãi, và tuy rằng đó là cuộc chia ly do bố ép buộc, nhưng nó đi theo hướng nào lại do con quyết định. Nhưng tất cả thật ít ỏi biết bao! Sở dĩ con nói đến việc viết, là bởi vì việc viết đã làm tổ trong người con, ở đâu đó nó sẽ chẳng có ý nghĩa gì hết, và còn bởi vì, nó đã chế ngự đời sống của con, như một dự cảm khi bé, như một hi vọng khi lớn, và rồi sau đó, như một niềm tuyệt vọng. Và - nói thế nào nhỉ, có lẽ cũng như bố - nó ra lệnh cho con trong một số quyết định nhỏ bé của mình.
Ví dụ như việc lựa chọn nghề nghiệp. Đúng là bố đã hào phóng cho con toàn quyền tự do, và theo nghĩa này, thậm chí có thể nói bố đã rất kiên nhẫn nữa. Tuy nhiên ở đây bố cũng bám theo các nguyên tắc chung mà giới trung lưu Do Thái áp dụng với con trai, hoặc ít nhất là những chuẩn mực giá trị của giới này. Và cuối cùng, việc này còn chịu tác động của một sự hiểu lầm của bố về con người con nữa. Vì lòng tự hào của người cha, vì thiếu hiểu biết về bản chất thực sự của con, vì tổng kết những biểu hiện yếu đuối của con, bố đã cho rằng con là đứa đặc biệt chăm chỉ. Theo bố thì khi bé, con đã luôn học và học, còn sau này thì viết và viết. Điều này không hề đúng. Ngược lại, không hề phóng đại, có thể nói rằng con là đứa học ít và đã chẳng học được gì hết. Nhiều năm trời chẳng có gì động đậy trong một bộ óc thuộc loại trung bình, trong một trí lực không phải loại tệ nhất, điều đó cũng không có gì quá đặc biệt, nhưng điều chắc chắn là, kết quả chung về kiến thức, đặc biệt là về sự chắc chắn của kiến thức, thuộc loại vô cùng thảm hại, nếu so với lượng thời gian và tiền bạc bỏ ra cho một đời sống bề ngoài tưởng chừng như yên ả, vô lo, đặc biệt là khi con so sánh mình với những người khác mà con biết. Điều đó thật thảm hại, nhưng lại dễ hiểu với con. Từ khi biết nghĩ, con đã luôn lo lắng ghê gớm về việc xác tín sự tồn tại tinh thần của mình, đến nỗi con dửng dưng với mọi thứ khác. Ở trường, học sinh Do Thái thường rất dễ nhận ra, vì họ thuộc loại ít giống người khác nhất, nhưng không thể tìm đâu ra một đứa trẻ tự hài lòng nhưng lãnh đạm như con, với vẻ dửng dưng lạnh lùng, dửng dưng không che đậy, dửng dưng không thể phá hủy, dửng dưng ngây thơ tuyệt vọng, dửng dưng đến nực cười, dửng dưng yên phận như thú vật. Có điều đấy là cách tự vệ duy nhất của con để không bị đứt dây thần kinh vì sợ hãi và cảm giác tội lỗi. Con chỉ quan tâm tới nỗi lo của mình, những nỗi lo đủ loại khác nhau. Chẳng hạn, lo về sức khỏe. Điều này rất dễ xảy ra, khi thì lo về tiêu hóa, khi thì lo rụng tóc, khi thì lo vẹo cột sống v.v... những nỗi lo cứ tăng dần theo vô số cấp độ, rốt cuộc nó kết thúc bằng việc ốm thật. Mà đó thực ra là gì? Không hẳn là ốm về cơ thể. Nhưng bởi vì con không được về điều gì, nên từng lúc từng lúc, con lại cần được xác nhận mới về sự tồn tại của mình; bởi vì con không thực sự sở hữu cái gì - sở hữu một cách không nghi ngờ, sở hữu duy nhất, sở hữu được quyết định bởi chính con; bởi vì sự thật, con là một đứa con bị tước bỏ quyền thừa kế - nên dĩ nhiên con cũng không chắc chắn được về cái gì bên cạnh, không chắc chắn được về chính cơ thể mình. Người con cứ dài đuỗn ra, nhưng con không biết phải làm gì với nó, gánh nặng quá lớn, lưng còng xuống. Con gần như không dám hoạt động, gần như không dám chạy, con mãi là đứa yếu ớt. Con kinh ngạc về tất cả những gì mình còn sở hữu, chẳng hạn như khả năng tiêu hóa tốt, như một phép lạ. Chỉ cần đánh mất nó là các loại hypochondria (bệnh tưởng) nổi lên, cho tới lúc máu trào ra phổi vì sự nỗ lực quá sức trong dự-định-đám-cưới (con sẽ còn nói về việc này), mà trong đó sự cố thuê căn hộ ở Schönbornpalais 20 cũng góp phần gây ra (con cần căn hộ này, chỉ vì con nghĩ rằng con cần nó cho việc viết, vì vậy nó cũng đáng được đưa vào bức thư này). Tất cả những việc đó không đòi hỏi lao động gì quá ghê gớm, như bố thường tưởng tượng. Có những năm dài, khi hoàn toàn khỏe mạnh con chẳng làm gì khác ngoài việc nằm lười trên đi-văng mà đếm bệnh. Thời gian nằm lười này còn lớn hơn thời gian bố dành cho nghỉ ngơi trong cả cuộc đời. Những khi con làm ra vẻ bận rộn để rời khỏi bố, thì thực ra chủ yếu là để con về phòng nằm dài lên đi-văng. Năng suất lao động chung của con ở văn phòng (nơi mà sự lười nhác không dễ bị phát hiện lắm, và vì sợ hãi, nên con cũng cố chỉ lười nhác có mức độ thôi) cũng như ở nhà là vô cùng thấp. Nếu bố nhận ra, hẳn bố sẽ phải phát hoảng. Có lẽ về bản chất, con không phải là đứa lười nhác, nhưng chẳng có gì để con làm cả. Ở nhà, nơi con sống, con bị tước giá trị, bị kết tội, bị đè nén bẹp dí; còn ở những nơi mà con chạy đến, tuy con đã nỗ lực hết mình, nhưng đó chẳng phải công việc, đó là cái không thể chấp nhận, không thể đạt được với sức lực của con - trừ một số ngoại lệ nho nhỏ.
Ở trạng thái này, con được quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp. Nhưng liệu con còn có khả năng để sử dụng tự do ấy không? Liệu con còn dám tin rằng, mình sẽ đạt được một nghề nghiệp không? Việc tự định giá bản thân của con phụ thuộc vào bố hơn mọi thứ khác, như thành công bên ngoài chẳng hạn. Thành công bên ngoài chỉ động viên con chốc lát, ngoài ra nó chẳng là gì cả, trong khi ở phía kia, sức nặng của bố kéo xuống mạnh hơn nhiều. Con nghĩ mình sẽ không bao giờ vượt qua được lớp Một, nhưng rồi con vẫn vượt qua, thậm chí còn được khen thưởng nữa. Nhưng chắc con sẽ không thể đỗ kì thi tuyển vào trung học cơ sở, nhưng rồi con vẫn đỗ. Nhưng giờ thì chắc chắn con sẽ trượt lớp học đầu tiên ở trung học cơ sở, nhưng không, con không trượt, mà cứ tiếp tục thành công. Và cứ như thế. Nhưng điều này không hề mang lại sự tự tin, ngược lại, con luôn tin chắc rằng, mình càng thành công thì rốt cuộc mọi sự sẽ càng tồi tệ - và con nhìn thấy bằng chứng xác nhận cho niềm tin này trong ánh mắt miệt thị của bố. Con thường nhìn thấy trong tưởng tượng những cuộc họp khủng khiếp của các thầy cô giáo (trường trung học phổ thông chỉ là một ví dụ rõ ràng nhất thôi, còn khắp nơi quanh con đều vậy cả). Con thấy họ cùng nhau kéo đến khi con đỗ kì thi Prima, họ kéo đến khi con đỗ Sekunda, họ kéo đến khi con đỗ Tertia... Họ kéo đến để điều tra trường hợp bất công có một không hai này. Họ điều tra xem tại sao con, kẻ bất lực nhất, và chắc chắn là dốt nát nhất, lại có thể trườn tới được lớp học này, và, bởi vì tất cả ánh mắtđều dồn vào con, nên tất nhiên họ sẽ lập tức tóm được thủ phạm, và tất cả hò reo vì sự công bằng đã được giải thoát khỏi cơn ác mộng này. Phải sống với những hình dung như thế đối với một đứa trẻ thật không dễ. Trong hoàn cảnh đó, liệu con còn có thể quan tâm gì tới việc học nữa đây? Ai có khả năng gợi ra trong con một chút hứng thú đây? Sự quan tâm đến việc học hành của con - không chỉ việc học hành mà còn mọi việc khác ở độ tuổi quyết định ấy - đã chẳng hơn gì sự quan tâm đến công việc vụn vặt hàng ngày ở ngân hàng của một gã nhân viên biển thủ công quỹ, gã vừa tiếp tục làm việc như một nhân viên quèn ở đó vừa nơm nớp lo sợ bị phát hiện.
Tất cả đều quá vụn vặt, quá xa với việc chính. Mọi sự cứ tiếp tục diễn ra như vậy cho đến hết trung học phổ thông, mà thực tế nhiều lúc con chỉ trườn qua được bằng bệnh chóng mặt. Rồi tất cả khựng lại. Giờ con được giải phóng. Thực ra mặc những áp lực học hành ở trường phổ thông, con vẫn chỉ luôn quan tâm tới chính bản thân mình thôi, tương tự như bây giờ, khi con được giải phóng. Nghĩa là con không hề có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp thực sự, vì con biết: Con dửng dưng với tất cả những gì không phải việc chính, cũng như con dửng dưng với tất cả những gì được học ở trường, bởi vì rốt cuộc mục đích của việc học chẳng qua chỉ là làm sao tìm được một nghề cho con nhiều cơ hội nhất để tiếp tục sự dửng dưng này mà không làm tổn thương lắm đến lòng kiêu ngạo của mình. Vì vậy môn Luật là lựa chọn khả dĩ hơn cả. Vài nỗ lực ngược lại của lòng kiêu ngạo và niềm hi vọng vô nghĩa, như mười bốn ngày học Hóa hay nửa năm học Đức học, chỉ củng cố thêm sự xác tín sẵn có. Vậy là con học Luật 21. Có nghĩa là cứ vài tháng trước kì thi, đầu óc con lại bị dần mủn ra như mùn cưa vì căng thẳng thần kinh quá độ, như thể con bị nhai nát bởi hàng nghìn cái miệng. Nhưng theo một nghĩa nào đó, nó lại làm con thấy ngon miệng, cũng như trong trường học phổ thông trước đây và trong nghề công chức sau này, bởi vì nó cực kì thích đáng với tâm thế của con. Điều chắc chắn là ở đây con đã luôn có khả năng kì lạ nhìn trước mọi việc; ngay từ bé con đã có đủ những dự cảm rõ ràng về việc học đại học và việc chọn nghề nghiệp sau này. Từ đây con đã không còn chờ đợi được cứu rỗi nữa, con đã bỏ qua sự cứu rỗi từ lâu.
Nhưng con đã gần như không có dự cảm gì về ý nghĩa và cơ hội của một cuộc hôn nhân có thể có đối với mình. Cú khiếp hãi lớn nhất trong cuộc đời con từ trước đến nay đã ập đến một cách hoàn toàn không chờ đợi. Đứa trẻ dần dần phát triển, những chuyện như thế không hẳn quá khó thấy, đây đó luôn có cớ để phải nghĩ về nó. Nhưng nó lại không nhận ra rằng, điều đó đòi hỏi một sự thử thách dai dẳng, quyết định, và thậm chí là khốc liệt nhất. Trên thực tế, những nỗ lực kết hôn là nỗ lực vĩ đại nhất và đầy kì vọng nhất để con thoát ra khỏi bố, nhưng rồi, tất nhiên, cũng vĩ đại tương đương là sự thất bại của nó.
Bởi vì trong việc này con đã thất bại toàn phần, nên con sợ rằng mình sẽ không thể giải thích cho bố hiểu được những nỗ lực kết hôn của con. Có điều, thành công của bức thư này lại hoàn toàn phụ thuộc vào điều đó, bởi vì, một mặt, tất cả những nguồn lực tích cực của con đã dồn lại trong những nỗ lực kết hôn này, mặt khác, những nguồn lực tiêu cực cũng tụ lại trong giận giữ: sự yếu đuối, sự thiếu tự tin, cảm giác tội lỗi - những tính cách mà con đã miêu tả như là một phần kết quả giáo dục của bố, và chúng làm thành rào chắn vô hình ngăn con với hôn nhân. Việc giải thích còn khó khăn hơn nữa bởi vì con đã nghĩ đi nghĩ lại hết ngày này đến đêm nọ, nghĩ nát óc rồi lại chôn vùi tất cả, đến nỗi giờ đây cứ nghĩ đến con lại thấy rối mù cả lên. Có điều con cũng được an ủi phần nào, vì con nghĩ bố đã hiểu lầm toàn bộ sự việc, nên muốn sửa đổi đôi chút, có lẽ sẽ không quá khó.
Đầu tiên bố nhìn thất bại trong những nỗ lực kết hôn của con như là tiếp nối của một chuỗi thất bại xưa nay. Xét về bản chất sự việc, con không có gì để phản đối bố, với giả định rằng, bố chấp nhận những lời giải thích nguyên nhân của sự thất bại mà con đã trình bày. Quả thật, nó là sự tiếp nối của chuỗi thất bại đã nói, chỉ có điều bố đã đánh giá quá thấp ý nghĩa của việc này, và đánh giá thấp theo cách, mỗi khi ta nói với nhau về việc này thì như thể ta đang nói về hai việc hoàn toàn khác nhau. Con dám cả quyết rằng, trong suốt cuộc đời mình, bố chưa bao giờ trải qua một việc gì hệ trọng như việc kết hôn của con. Như thế không phải con muốn nói rằng, bố đã không trải qua việc gì hệ trọng, mà ngược lại, cuộc đời bố giàu trải nghiệm hơn, nhiều lo lắng hơn, và căng thẳng hơn hẳn cuộc đời con. Nhưng chính vì thế mà ở bố đã không thể xảy ra điều gì tương tự. Cũng giống như người này phải leo lên năm bậc thang thấp, còn người kia chỉ phải leo lên một bậc thang thôi, nhưng lại cao như cả năm bậc thang kia cộng lại. Người thứ nhất sẽ không chỉ vượt qua năm bậc thang, mà sẽ còn vượt qua tiếp một trăm bậc, một nghậc, và y sẽ có một cuộc đời thành tựu, một cuộc đời đầy nỗ lực vượt khó, nhưng không có một bậc thang nào trong số các bậc thang mà y vượt qua lại có được ý nghĩa như bậc thang duy nhất với người thứ hai, bậc thang đầu tiên, bậc thang dựng đứng, bậc thang không thể bước lên được với tất cả sức lực của y. Và y cũng không thể bước lên, và tất nhiên, càng không thể vượt qua.
Kết hôn, xây dựng một gia đình, đón nhận những đứa con được sinh ra, nuôi dưỡng chúng lớn lên trong cái thế giới đầy bất trắc này, hoặc thậm chí chỉ bảo dăm câu ba điều cho chúng, theo con là thành tựu lớn nhất 22 mà một người có thể đạt được trong cuộc đời. Việc nhiều người có vẻ đạt được nó một cách dễ dàng không phải là một bằng chứng chống lại, bởi vì, thứ nhất, không có nhiều người đạt được nó thực sự, và, thứ hai, họ không "hành động" để đạt được điều không thực sự đó, mà đơn giản là nó "xảy ra" với họ. Mặc dù vậy, mặc dù nó không phải là thành tựu lớn nhất theo nghĩa đã nói, nhưng nó vẫn rất lớn, rất đáng tự hào (nhất là con không hề có ý tách bạch giữa "hành động" và "xảy ra"). Mà rốt cuộc, vấn đề hoàn toàn không phải là cái thành tựu lớn nhất này, mà chỉ là một chút xích lại gần nhau giữa người với người, thật xa xôi mà cũng thật tử tế. Người ta không nhất thiết phải đi vào tâm mặt trời, nhưng người ta muốn có một chỗ nhỏ bé sạch sẽ trên mặt đất, nơi mà ánh mặt trời thỉnh thoảng rọi xuống để họ có thể được sưởi ấm phần nào.
Con đã chuẩn bị cho việc này như thế nào? Tệ nhất đến mức có thể. Và điều này cũng có nguyên nhân từ trước. Bề ngoài bố không can thiệp gì nhiều vào những việc chuẩn bị cụ thể hay sắp đặt các điều kiện cơ bản cho hôn nhân của con. Mà có muốn làm khác cũng không được, bởi việc này phụ thuộc vào tập quán chung của tầng lớp, dân tộc và thời đại. Mặc dù vậy, ở đây bố cũng có can thiệp, tuy không nhiều, bởi nếu muốn làm vậy thì giữa hai bố con phải có sự tin tưởng đủ lớn, mà điều này thì lại luôn thiếu ở những thời điểm quyết định. Ngoài ra bố cũng không thích điều đó, bởi nhu cầu của chúng ta quá khác nhau. Cái con thích thì bố lại không có cảm giác gì, và nguợc lại. Cái với bố là tự nhiên thì với con lại gây cắn rứt. Cái với bố là vô hại thì lại có thể là nắp quan tài với con.
Con còn nhớ, có lần con đi dạo tối cùng bố và mẹ, ở đoạn quảng trường Josef, gần ngân hàng Länderbank bây giờ, và con bắt đầu nói về những chuyện hay ho 23. Con nói lớn giọng một cách ngu xuẩn, nói với thái độ tự phụ, kiêu căng, trầm tĩnh (điều này không đúng), lạnh lùng (điều này là thật) và lắp bắp, như mỗi khi con nói chuyện với bố. Con trách bố mẹ đã không chỉ dạy con về chuyện đó, đến nỗi để đám bạn học của con nghĩ rằng, con sắp gặp họa lớn đến nơi (ở đây con đã nói dối không biết ngượng, nói theo cách của con, để tự lên gân mình, bởi vì do bản tính sợ hãi, con đâu có hình dung gì rõ rệt về "họa lớn", mà cùng lắm cũng chỉ đến mức như những tội lỗi trên giường ngủ 24 thường thấy ở đám thiếu niên thành thị). Cuối cùng con bóng gió rằng, cũng may là bây giờ con đã biết tất cả, con không cần lời khuyên nào nữa, tất cả đã ổn. Chắc chắn con đã nói chuyện đó chủ yếu là vì con thấy có hứng thú, ít nhất là mình cũng dám nói một chút về nó, sau nữa là vì tò mò, và rốt cuộc cũng còn vì con muốn trả thù bố mẹ theo một cách nào đấy, vì một chuyện gì đấy. Bố đã nhìn nhận vấn đề hết sức đơn giản, đúng với bản thể của bố. Bố chỉ nói đại khái, bố có thể cho con một lời khuyên, để con biết cách làm chuyện đó mà không gặp nguy hiểm. Có thể chính con đã muốn gợi ra một câu trả lời như vậy, vì nó hợp với sự rậm rật của một đứa trẻ được ních đầy thịt cá và đủ loại thức ăn ngon, cả ngày không vận động, lúc nào cũng chỉ nghĩ về bản thân mình. Mặc dù vậy con đã tỏ ra cực kì xấu hổ, hay là con nghĩ rằng, mình cần tỏ ra xấu hổ như thế để không phải nói với bố về chuyện đó nữa. Như vậy là con đã cưỡng lại ý muốn của mình. Con đã chấm dứt cuộc trò chuyện với thái độ láo lếu cao ngạo.
Thật không dễ để đánh giá câu trả lời ngày đó của bố. Một mặt nó có chút gì đó rất bộc trực, bộc trực đến độ khinh thị, gần giống như ở thời cổ sơ, nhưng mặt khác, xét về bản chất của lời giáo huấn này, nó lại mang tính phủi trách nhiệm trong hoàn cảnh hiện đại. Con không nhớ hồi đó con bao nhiêu tuổi, nhưng chắc là không quá mười sáu. Đối với một thiếu niên như vậy, đó hẳn là một câu trả lời quá đỗi lạ lùng. Và vì đây thực ra là bài học trực tiếp đầu tiên, bài học tổng quát về ứng xử trong cuộc đời mà bố dạy cho con, nên nó cũng nói lên khoảng cách giữa hai người. Nhưng ý nghĩa thực sự của bài học đó là gì? Hồi đó con cũng đã có cảm nhận về nó, nhưng phải rất lâu sau con mới dần ý thức được. Nó là thế này: Điều mà bố khuyên con chính là điều bẩn thỉu nhất có thể có, nhưng không phải theo quan điểm của con hồi đó, mà chính xác là theo quan điểm của bố. Việc bố muốn con không mang những thứ bẩn thỉu thân thể về nhà chỉ là phụ. Cái chính còn nhiều hơn thế. Đó là bố nằm ngoài lời khuyên của mình, bố, người đàn ông của hôn nhân, bố trong sạch, đức hạnh, bố đứng trên những thứ đó. Điều này càng trở nên nhức nhối hơn với con hồiẽ vì nó làm con thấy hôn nhân thật trơ trẽn, và con không thể nghĩ hôn nhân của bố mẹ mình lại cũng có thể trơ trẽn như vậy, nhất là khi tất cả hiểu biết về hôn nhân của con hồi đó đều chỉ giới hạn trong kinh nghiệm về hôn nhân của bố mẹ. Bằng cách đó, bố càng trở nên trong sạch hơn, siêu vượt hơn. Việc bố có thể áp dụng lời khuyên ấy cho chính cuộc hôn nhân của mình là điều con không thể tưởng tượng được. Nghĩa là bố không còn lấm chút bụi bẩn nào. Và bằng mấy lời thẳng thắn, bố đẩy con xuống đống ô uế đó, như thể con được sinh ra để làm vậy. Nếu thế giới chỉ có bố và con, một hình dung rất gần với tình cảnh của con, thì sự trong sạch của thế giới ấy sẽ kết thúc với bố, và với con, dưới sức nặng lời khuyên của bố, là khởi đầu của sự ô uế. Xét về bản chất sự việc thì không thể hiểu được tại sao bố lại kết án con như vậy. Có lẽ chỉ những lỗi lầm cũ của bố và sự khinh miệt con sâu xa trong bố mới giải thích được. Và thế là con lại quay về cố thủ trong nội tâm sâu nhất của mình, và cố thủ thật chắc.
Ở đây có thể nhận ra rõ nhất sự vô tội của hai ta. A cho B một lời khuyên thẳng thắn, một lời khuyên dựa trên quan điểm sống của A, tuy không phải là một lời khuyên đẹp đẽ lắm, nhưng vẫn là một lời khuyên có ích cho việc giữ gìn sức khỏe vốn còn phổ biến ngay trong cuộc sống ở thành phố hôm nay. Lời khuyên này không thuyết phục B lắm về phương diện đạo đức, nhưng theo thời gian, tại sao y không thể vượt qua được những tổn hại do lời khuyên ấy gây ra? Mặt khác, y cùng không bắt buộc phải nghe theo, và dù thế nào thì một lời khuyên cũng không thể là cái cớ khiến tương lai của y sụp đổ. Mặc dù vậy, vẫn có gì đó đã xảy ra theo hướng này. Đơn giản chỉ vì A là bố, còn B là con.
Con có thể đặc biệt nhìn rõ sự vô tội từ hai phía này, bởi vì sau hai mươi năm và dưới những hoàn cảnh khác hẳn, giữa hai ta lại có một va chạm tương tự. Việc này thật ghê rợn, nhưng xét trên phưong diện tự nó và cho nó, thì nó lại ít gây hại hơn, bởi vì với một người đã ở tuổi ba mư sáu như con, nó còn có thể gây hại ở chỗ nào được nữa? Con muốn nói tới cuộc trao đổi ngắn vào một trong những ngày gay cấn sau khi con thông báo ý định kết hôn lần cuối cùng. Bố nói với con, đại khái: "Có lẽ con bé ấy đã diện một cái áo hàng chợ nào đó, mà việc này thì đám con gái Do Thái ở Praha rất thạo, thế là tất nhiên anh quyết định cưới nó. Mà phải cưới thật nhanh, nội trong một tuần, ngay ngày mai, ngay hôm nay. Tôi không thể hiểu được anh. Anh đã là người trưởng thành, anh sống ở thành phố, vậy mà anh không nghĩ ra được đám nào hay ho hơn là đi cưới bất kì một con bé nào đó hay sao? Không còn cách gì khác hơn hay sao? Nếu anh thấy sợ thì để đó tôi, chính tôi sẽ trực tiếp đi cùng anh." Bố còn nói cụ thể hơn và rõ ràng hơn, nhưng con không còn nhớ được những chi tiết cụ thể nữa, có lẽ con đã bị hoa mắt phần nào, và con gần như chỉ còn để ý nhiều hơn đến mẹ, để ý đến cách mẹ - dĩ nhiên là hoàn toàn đồng ý với bố - đi lui đi tới, lấy cái gì đó trên bàn và đi ra khỏi phòng.
Chưa bao giờ bố lại sỉ nhục con bằng lời nói nặng nề đến thế, và chưa bao giờ bố miệt thị con thẳng thừng hơn thế. Trước đây hai mươi năm, khi bố nói điều tương tự với con, c vẫn còn có thể nhận thấy trong mắt bố chút tôn trọng với một cậu bé thành thị trưởng thành sớm, nhờ lời khuyên của bố có thể đi thẳng vào đời mà không phải đi đường vòng. Nhưng hôm nay, sự quan tâm đó chỉ làm tăng thêm sự miệt thị, bởi vì cậu bé bắt đầu khởi động ngày đó đã dậm chân tại chỗ, và nay nó vẫn không học thêm được chút kinh nghiệm gì trong mắt bố, mà chỉ thêm hai mươi năm thảm hại. Quyết định chọn một cô gái của con không có nghĩa lý gì với bố hết. Bố đã luôn kìm giữ (một cách vô thức) năng lực quyết định của con và giờ đây bố nghĩ (một cách vô thức) rằng, bố biết đánh giá nó. Bố không biết gì về những nỗ lực giải thoát của con theo hướng khác, vì vậy bố cũng không hề biết những suy nghĩ nào đã dẫn con tới dự định hôn nhân này, bố buộc phải tìm cách phỏng đoán nó, và, dựa trên toàn bộ định kiến của bố với con, bố đã đưa ra một lời khuyên thuộc loại kinh tởm nhất, thô bỉ nhất, ngớ ngẩn nhất. Và, cũng theo cách như vậy, bố đã không hề ngần ngừ một giây khi ném thẳng lời khuyên ấy vào mặt con. Thế nhưng nỗi nhục bố gây ra cho con theo cách đó lại vẫn chẳng thấm vào đâu so với nỗi nhục mà theo bố là cuộc hôn nhân của con sẽ gây ra cho thanh danh của bố.
Tất nhiên bây giờ bố có thể đáp trả con dựa trên kinh nghiệm từ những dự định hôn nhân trước đây của con. Và bố cũng làm đúng như vậy: Bố không thể coi trọng quyết định của con khi mà con đã hai lần hủy hôn rồi lại đính hôn với Felice 25, khi mà con đã lôi bố mẹ tới Berlin một cách vô ích v.v... Tất cả đều đúng, nhưng tại sao lại thế?
Ý tưởng cơ bản của hai dự định hôn nhân đều rất rõ ràng: Tạo lập một gia đình mới, trở nên độc lập. Ý tưởng đó cũng làm bố vừa ý, chỉ có điều khi triển khai trên thực tế, nó lại diễn ra như một trò trẻ con, khi mà người này vừa giữ, thậm chí ghì chặt tay người kia, vừa nói: "Nào đi đi, đi đi, sao cậu còn chưa chịu đi?". Và trong trường hợp của chúng ta, nó lại càng trở nên phức tạp, bởi vì từ lâu bố luôn thực sự muốn con "đi đi", trong khi cũng từ hồi nào, bố đã luôn giữ con, mà nói đúng hơn là kìm giữ con bằng sức nặng bản thể của bố. Nhưng bố không hề biết điều đó.
Tuy rằng cả hai cô gái đều là gặp gỡ tình cờ, nhưng đều được lựa chọn vô cùng kĩ càng. Và đây lại là một dấu hiệu nữa của sự hiểu lầm toàn diện của bố, đến nỗi bố có thể nghĩ rằng, con, kẻ sợ hãi, lưỡng lự, lấm lét đã hộc tốc đưa ra quyết định kết hôn, chỉ vì đắm đuối một cái áo hàng chợ nào đó chẳng hạn. Đúng ra cả hai cuộc hôn nhân đều đã có thể trở thành hai cuộc hôn nhân chín chắn, hiểu theo nghĩa rằng, con đã dùng toàn bộ sức lực để lập kế hoạch cho chúng, ngày cũng như đêm, nhiều năm ròng cho cuộc hôn nhân thứ nhất, và nhiều tháng ròng cho cuộc hôn nhân thứ hai.
Không cô gái nào trong hai người làm con thất vọng, chỉ có con làm cả hai thất vọng. Hôm nay con vẫn đánh giá họ y như ngày nào, khi con muốn cưới họ.
Cũng không phải trong dự định hôn nhân lần sau, con đã coi nhẹ kinh nghiệm của thất bại lần đầu. Nghĩa là con không hề nhẹ dạ. Hai trường hợp vốn khác hẳn nhau, chính những kinh nghiệm lần trước đã cho con hi vọng vào lần sau, bởi lần này có nhiều hứa hẹn hơn hẳn. Thôi, con không muốn nói tới những chi tiết cụ thể ở đây.
Vậy t không kết hôn? Đã đành trong việc này cũng như trong mọi việc khác luôn có những trở ngại, nhưng chẳng phải sống là luôn sẵn sàng đón nhận những trở ngại đó sao? Nhưng đáng tiếc là trở ngại căn bản nhất, không phụ thuộc vào các trường hợp cụ thể, là có lẽ về phương diện tinh thần, con không có khả năng kết hôn. Điều này được thể hiện ra ở điểm, kể từ lúc quyết định kết hôn, con đã không thể ngủ được, đầu nóng hầm hập suốt ngày đêm, đó không phải là cuộc sống nữa, con chao đảo trong tuyệt vọng. Nguyên nhân thật sự không phải do lo lắng, thực ra đã có vô số lo lắng do bản chất cù lần và chấp nhặt của con, nhưng chúng không đóng vai trò quyết định, chúng chỉ như những con giun hoàn tất nốt việc ăn xác chết, nhưng ra đòn quyết định với con lại là cái khác. Đó là áp lực chung của sự sợ hãi, của sự yếu đuối, của sự tự ti.
Con xin cố gắng giải thích rõ hơn: Xét trong mối quan hệ của con với bố, có hai thứ dường như đối nghịch nhau đã va chạm mạnh trong nỗ lực hôn nhân này, mạnh hơn ở bất kì nơi nào khác. Hôn nhân chắc chắn là tiền đề cho sự tự giải thoát và sự độc lập rõ ràng nhất. Con sẽ có một gia đình, cái theo con là cái cao nhất mà người ta có thể đạt được, con sẽ bình đẳng với bố, tất cả những nỗi nhục nhã và đè nén cũ (mà luôn mới) sẽ chỉ còn là dĩ vãng. Đó hẳn sẽ là một chuyện cổ tích, nhưng chính thế nó đã ẩn chứa điều đáng ngờ trong đó. Muốn thế là muốn nhiều quá, nhiều đến mức không thể đạt được. Ví như một kẻ bị cầm tù, y không chỉ muốn vượt ngục (điều mà y có thể đạt được), mà y còn muốn, phải, muốn cùng lúc sửa sang nhà tù thành một lâu đài khoái lạc cho riêng mình. Nếu y vượt ngục, y không thể sửa sang; còn nếu y sửa sang, y không thể vượt ngục. Nếu con muốn độc lập khỏi mối quan hệ đặc biệt khó khăn với bố, con phải làm sao để không còn quan hệ với bố nữa; hôn nhân tuy là cái lớn nhất, khả dĩ mang tới sự độc lập danh giá nhất, nhưng đồng thời nó lại đứng trong quan hệ gần gũi nhất với bố. Bởi vậy, muốn thoát khỏi đây thì chỉ có là điên rồ, và mỗi thử nghiệm đều sẽ bị trừng phạt.
Nhưng chính mối quan hệ gắn bó này lại phần nào thúc giục con kết hôn. Con tưởng tượng, giữa hai ta sẽ hình thành sự bình đẳng danh giá, mà bố sẽ là người biết đánh giá nó hơn ai hết, và điều này sẽ thật đẹp đẽ, bởi vì con sẽ trở thành đứa con tự chủ, hiếu thảo, vô tội, kiêu hãnh; còn bố sẽ là một người cha không bị ức chế, không còn tính bạo chúa, đầy cảm thông và hài lòng. Nhưng để đạt được mục đích đó thì ta phải trở lại từ đầu, phải làm tất cả những gì đã diễn ra không được diễn ra nữa. Nghĩa là, phải làm cho hai ta bị xóa sạch.
Bao lâu mà hai ta vẫn còn như hai ta bây giờ, thì hôn nhân sẽ là cái bị khóa kín trước con, bởi nó thuộc lãnh địa riêng của bố. Đôi khi con hình dung ra một tấm bản đồ địa cầu và bố nằm dang rộng trên đó. Và con có cảm giác rằng, cuộc đời con chỉ được dành cho những vùng đất không bị bố che lấp, hoặc nằm ngoài tầm với của bố. Và, tương xứng với hình dung của con về tầm vóc khổng lồ của bố, những vùng đất như vậy không có nhiều; đó là những vùng cằn cỗi, chẳng mấy hứa hẹn, và nhất là hôn nhân thì không có chỗ ở đó.
Chính sự so sánh này đã chứng minh con không hề muốn nói rằng, bố đã đuổi con ra khỏi hôn nhân như bố đã từng đuổi con ra khỏi cửa hàng bằng tấm gương của mình. Ngược lại thì mới đúng, dù giữa hai trường hợp có những điểm tương đồng nhất định. Con luôn thấy nhiều điểm mẫu mực trong hôn nhân của bố mẹ, mẫu mực về chung thủy, về giúp đỡ lẫn nhau, về số con, ngay cả khi các con đã trưởng thành và ngày một quấy rối nhiều hơn, thì hôn nhân của bố mẹ, xét về phương diện mẫu mực, vẫn không hề bị tác động. Có lẽ con đã xây dựng một khái niệmao về hôn nhân dựa trên tấm gương hôn nhân của bố mẹ. Nhưng việc con khao khát hôn nhân đến phát cuồng lại có lí do khác. Nó nằm trong mối quan hệ giữa bố với các con, vốn là nội dung của toàn bộ bức thư này.
Có một quan niệm đôi khi có thể khiến người ta sợ hôn nhân, đó là người ta sợ rằng, sau này con cái sẽ đối xử tệ bạc với mình như mình đã đối xử tệ bạc với cha mẹ. Con nghĩ quan niệm đó không có ảnh hưởng gì lắm tới mình, bởi vì ý thức tội lỗi của con có nguyên do từ bố, và nó cũng thuộc loại đặc biệt, có một không hai. Vâng, cảm giác về điều có một không hai này làm nên bản chất đau khổ của sự việc, khó hình dung là điều đó lại có thể lặp lại. Mặc dù vậy con vẫn phải nói rằng, có lẽ con cũng sẽ không thể chịu đựng được một đứa con lầm lì, tối tăm, khô héo, ủ dột như thế; nếu không còn cách nào khác, có lẽ con cũng sẽ chạy trốn khỏi nó, như bố đã từng muốn bỏ nhà đi vì đám cưới của con. Và có lẽ điều này cũng ảnh hưởng phần nào tới sự bất lực với hôn nhân của con.
Nhưng quan trọng hơn nhiều vẫn là nỗi sợ cho bản thân mình. Có thể hiểu thế này: Như con đã nói trước đó, trong việc viết cũng như tất cả những việc khác liên quan, con đã có một số thử nghiêm tự lập, thử nghiệm chạy trốn với một số thành công nhỏ xíu nhất định, mà hôn nhân sẽ khiến con không thể tiếp tục viết, có nhiều bằng chứng xác nhận điều đó. Mặc dù vậy, viết là bổn phận, hay còn hơn thế, toàn bộ cuộc sống của con nằm ở việc canh giữ nó, không để cho mối nguy nào mà con không thể chống đỡ tiếp cận nó, phải, không cho phép mối nguy ấy có cơ hội xuất hiện. Hôn nhân chính là cơ hội cho một mối nguy như vậy, tuy nhiên, hôn nhân cũng có thể là cơ hội cho sự thúc đẩy lớn nhất. Có điều, chỉ cần nghĩ tới nó có thể là một mối nguy thôi, với con thế là đã đủ. Con sẽ phải bắt đầu như thế nào đâu đó thực sự là một mối nguy! Con biết phải sống tiếp trong hôn nhân như thế nào đây, nếu con có cảm giác về một mối nguy như thế, cảm giác không thể chứng minh nhưng lại không thể bác bỏ! Dĩ nhiên cảm giác đó có thể lung lay, nhưng rốt cuộc con vẫn phải thoát ra, con phải chấp nhận sống không có hôn nhân. Ví dụ so sánh giữa con chim sẻ trên tay và con bồ câu trên mái khó có thể áp dụng ở đây. Trên tay con không có gì hết, còn trên mái thì có tất cả, nhưng con vẫn phải chọn cái không có gì hết - dựa trên tương quan của cuộc đấu và sự nguy khốn của cuộc sống. Điều này cũng tương tự như khi con lựa chọn nghề nghiệp vậy.
Nhưng cản trở lớn nhất cho hôn nhân chính là niềm xác tín sắt đá rằng, để giữ một gia đình, chưa nói đến việc là trụ cột, người ta nhất thiết phải có những tính cách tương tự như con đã nhận thấy ở bố, nghĩa là tất cả, tính tốt lẫn tính xấu, như chúng hòa quyện với nhau về mặt sinh học trong bố, bao gồm: sức mạnh và khả năng đè nén người khác, sức khỏe và một chút bạo lực nhất định, giỏi ăn nói và phét lác, tự tin và không hài lòng với bất kì ai, có tầm nhìn xa và lối ứng xử bạo chúa, hiểu người khác và nghi ngờ hầu hết mọi người; ngoài ra còn cần cả những phẩm chất tuyệt đối khác như chăm chỉ, dẻo dai, thực tế, không sợ hãi. Nhìn chung con không có gì, hoặc chỉ có rất ít từ những tính cách đó, vậy mà con dám kết hôn sao? Trong khi chẳng phải con đã thấy, chính bố cũng phải vật lộn khó nhọc thế nào và thậm chí vẫn thất bại với con cái đó sao? Tất nhiên, con không đặt thẳng câu hỏi này ra với chính mình và cũng không trả lời thẳng vào nó, nếu không tư duy lành mạnh sẽ tác động vào sự việc và chỉ ra cho con những người đàn ông khác khác hẳn với bố (ở đây chỉ xin nêu ra một người trong họ hàng khác hẳn bố: chú Richard), nhưng họ vẫn lấy vợ và dù thế nào thì họ cũng không bị sụp đổ vì hôn nhân. Điều này rất đáng kể, và hẳn là sẽ làm con thấy thỏa mãn. Nhưng chề đặt câu hỏi này, mà đã trải nghiệm nó từ bé. Con luôn tự vấn mình, không phải đến lúc muốn kết hôn mới tự vấn, mà đã luôn tự vấn trước mỗi chuyện nhỏ nhặt. Đối với mỗi chuyện nhỏ nhặt, bố luôn chứng minh cho con - bằng tấm gương của bố và bằng sự giáo dục của bố, như con đã miêu tả - rằng con là đứa bất lực thế nào. Mà điều này lại luôn đúng, bố đã luôn có lí. Đối với những chuyện nhỏ nó đã luôn đúng thế rồi, vậy hẳn nó cũng phải vô cùng đúng đối với chuyện lớn nhất: hôn nhân. Tới lúc muốn kết hôn, con đã lớn lên đại loại như một nhà buôn có đủ những tính lo âu lẫn dự cảm tăm tối, nhưng lại không biết gì về kế toán. Nhà buôn ấy có vài lần lãi nhỏ, và vì những lần như thế chỉ hiếm khi xảy ra, y cứ ve vuốt và phóng đại chúng mãi trong tưởng tượng, còn thường thì ngày nào y cũng lỗ. Tất cả đều được ghi chép lại, nhưng không bao giờ quyết toán. Giờ là lúc buộc phải quyết toán, nghĩa là dự định kết hôn. Và bây giờ, trên tổng số lớn này, việc tính toán chỉ cho ra một số lỗ khổng lồ duy nhất, như thể y chưa từng bao giờ có một lần lãi dù là nhỏ nhất. Vậy mà y muốn kết hôn ư? Không sợ bị phát điên hay sao?
Cuộc sống của con với bố từ trước đến nay là thế đó, và nó sẽ mang theo những viễn cảnh như vậy tới tương lai.
Nếu bố đã thấy rõ toàn bộ những lý giải của con về việc tại sao con sợ bố, có thể bố sẽ trả lời con như sau: "Anh cho rằng tôi đã coi nhẹ việc này, bằng cách đơn giản đổ lỗi cho anh trong quan hệ bố con hay sao? Nhưng tôi tin rằng, mặc dù bề ngoài anh có làm ra vẻ cố gắng, nhưng thực ra anh cũng không hề coi trọng nó hơn tôi, mà chỉ tìm cách nói sao có lợi cho mình. Đầu tiên, anh phủ nhận tất cả lỗi và trách nhiệm của anh, về phương pháp thì hai ta đều giống nhau. Nhưng trong khi tôi nói thẳng, nói đúng như tôi nghĩ, rằng tất cả là lỗi của anh, của riêng anh, thì anh lại muốn tỏ ra "cao đạo" và "tình cảm" bằng cách gỡ bỏ mọi tội lỗi cho tôi. Tất nhiên, về điểm này anh có vẻ đã thành công cũng đâu có muốn nhiều hơn), và mặc dù bóng gió đủ kiểu, nào là "bản thể", nào là "tự nhiên", nào là "đối nghịch", nào là "vô phương cứu chữa" v.v..., thực ra rốt cuộc, tôi vẫn là kẻ tấn công, trong khi tất cả những gì anh làm đều chỉ là tự vệ. Giờ thì bằng sự trí trá, anh đã đạt được đủ rồi, bởi vì anh đã chứng minh được ba điều: Thứ nhất là anh vô tội, thứ hai là tôi có lỗi, và thứ ba - bằng sự vĩ đại của anh - anh không chỉ sẵn sàng tha thứ cho tôi, mà ít nhiều anh còn muốn chứng minh, hay thậm chí muốn tin rằng tôi cũng vô tội - cho dù sự thật không phải như vậy. Lẽ ra đến đây anh đã phải thấy thỏa mãn rồi, nhưng chưa. Anh tự nhét vào đầu anh ý tưởng rằng, anh hoàn toàn không hề muốn sống dựa vào tôi. Tôi thừa nhận là chúng ta đấu với nhau, nhưng có hai kiểu đấu. Kiểu đấu quí tộc, là kiểu đấu mà trong đó các đối thủ độc lập đọ sức với nhau, ai ở phe người đó, thua hay thắng đều tự chịu. Và kiểu đấu của bọ, không chỉ chích, mà còn hút máu đối thủ để sinh tồn. Đó là kiểu của bọn lính nhà nghề, và anh thuộc loại đó. Anh là kẻ bất lực trong cuộc sống. Nhưng để được sống thoải mái, vô lo mà không phải tự dằn vặt, anh bèn chứng minh rằng tôi đã lấy đi tất cả năng lực của anh và bỏ vào túi tôi. Nhưng anh bận tâm gì chuyện anh bất lực cơ chứ? Tôi mới là người gánh vác trách nhiệm, còn anh thì cứ việc nằm dài lưng ra và để tôi tha đi trong cuộc đời, cả về thể xác lẫn tinh thần. Ví dụ: Khi anh muốn lấy vợ, đấy là do anh muốn, chính anh cũng thừa nhận như vậy trong bức thư này, nhưng đồng thời anh lại không muốn lấy vợ, nhưng chỉ vì anh không muốn nhọc thân, nên anh muốn tôi giúp anh để anh không-lấy vợ, bằng cách tôi cấm anh cưới, vì đám cưới sẽ gây "ô nhục" cho thanh danh của tôi. Có điều tôi đã không hề nhận ra mục đích của anh. Thứ nhất, trong chuyện này, cũng như trong mọi chuyện khác, tôi chưa bao giờ muốn "ngăn cản hạnh phúc" của anh, và thứ hai, tôi không bao giờ muốn nghe một lời trách móc như vậy từ đứa con của mình. Liệu khi tôi "biết vượt lên chính mình", tôi cho anh tự do cưới vợ, thì điều đó có giúp í cho anh không? Chẳng giúp ích gì hết. Việc tôi phản đối đám cưới đã không hề ngăn cản anh, ngược lại, việc này tự nó còn có thể kích thích anh, khiến anh quyết tâm cưới bằng được con bé đó, bởi vì khi đó, cái gọi là "thử nghiệm trốn chạy" của anh, như cách anh nói, sẽ còn trở nên hoàn hảo hơn nữa. Và nếu tôi cho phép anh cưới vợ, thì nó cũng chẳng thay đổi được những điều anh trách tôi, bởi vì anh đã chẳng chứng minh rằng, đằng nào tôi cũng có lỗi trong việc anh không-lấy vợ đó sao? Có điều ở đây, cũng như ở mọi trường hợp khác, anh đã chẳng chứng minh được gì hết, ngoại trừ việc chứng minh rằng, tất cả những điều tôi trách cứ anh đều xác đáng, và trong đó còn thiếu một điều đặc biệt xác đáng nữa, đó là: Anh là một thằng trí trá, một thằng xun xoe, một thằng hút máu người. Mà nếu tôi không lầm, anh còn đang muốn hút máu tôi bằng chính bức thư này nữa."
Con xin trả lời rằng, toàn bộ phác thảo này, trong đó có phần đề cập đến bố, không phải là phác thảo của bố, mà trước hết là phác thảo của con. Ngoài ra, sự nghi-ngờ-người-khác của bố chưa bao giờ lớn hơn sự nghi-ngờ-chính-mình của con, vốn là kết quả giáo dục của bố. Con không phủ nhận rằng, trong phác thảo này có những điểm xác đáng nhất định, tự nó góp phần mang lại điều mới mẻ trong việc nhận diện bản chất mối quan hệ giữa hai chúng ta. Tất nhiên, những điều xảy ra trên thực tế không thể trùng khớp hoàn toàn với những bằng chứng đưa ra trong phác thảo, cuộc đời vốn rộng hơn trò chơi ghép hình. Nhưng theo con, việc đối chiếu bản phác thảo với thực tế, một việc mà con không thể và cũng không muốn thực hiện chi tiết, vẫn có thể đưa chúng ta đến rất gần sự thật, giúp bố và con có thể được an ủi phần nào, để chúng ta có thể sống và chết nhẹ nhàng hơn.
CON FRANZ
--------------------------------
1 Franzensbad (tiếng Séc: Frantiskovy Lázne): một thành phố nghỉ dưỡng nổi tiếng thuộc Áo-Hung, nay thuộc Cộng hòa Séc, cách Praha 180 km về phía Tây - ND.
2 Cửa hàng (das Geschäft): Cửa hàng tạp hóa-quần áo của gia đình Kafka. Ở thời điểm ăn nên làm ra, cửa hàng có khoảng 15 nhân viên. Xưởng nhựa (die Asbestfabrik): xưởng sản xuất a-mi-ăng (vật liệu để làm các tấm lợp a-mi-ăng trong xây dựng) do Karl Hermann, em rể của Kafka, làm chủ. Xưởng do Kafka Bố đầu tư cho con rể (từ tiền hồi môn cho con gái Elli) và con trai (tức Franz Kafka), mỗi bên góp một nửa vốn và đứng tên chung. Tuy nhiên Kafka không hề hứng thú với công việc quản lí xưởng, ông thường xuyên bỏ bê công việc. Do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1919), việc kinh doanh xưởng bị thua lỗ, dẫn tới phá sản. Đây là một đòn đánh nặng vào kinh tế gia đình Kafka - ND.
3 Robert Kafka (1881-1922): anh họ của Franz Kafka. Robert Kafka là con trai thứ hai của Filip Kafka (tức "bác Filip"), anh trai của Kafka Bố. Robert Kafka là người gợi cho Kafka xây dựng nhân vật Karl Rossmann trong tiểu thuyết "Kẻ mất tích" (sau này được Max Brod xuất bản dưới tên "Nước Mỹ"), trong đó "Karl Rossmann" là tên đảo ngược từ những chữ cái trong "Robert Kafka" - ND.
4 Karl Hermann: em rể của Franz Kafka. Karl Hermann kết hôn với Gabriele Kafka (tức "Elli"), em gái Kafka. Cả Robert Kafka lẫn Karl Hermann đều là những chàng trai trạc tuổi Kafka và là những người có cá tính mạnh mẽ, quyết đoán - ND.
5 Hai em trai của Kafka đều mất vài năm sau khi sinh. Em gái kế tiếp là Elli sinh năm 1889, ít hơn Kafka 6 tuổi.
6 Löwy: dòng họ mẹ Kafka - ND.
7 Ông nội của Franz Kafka là Jakob Kafka sinh được 6 người con, 4 trai 2 gái: Filip Kafka, Anna Kafka, Heinrich Kafka, Hermann Kafka, Julie Kafka và Ludwig Kafka - ND.
8 Valli Kafka, tức Valerie Kafka, sinh ngày 25.9.1890, là em gái thứ hai của Franz Kafka. Trong số 4 người con, bà đuợc coi là người hợp với bố hơn cả -ND.
9 Felix Hermann (1911-1940): cháu ruột của Franz Kafka. Felix là con trai đầu của Karl Hermann và Elli, em gái Kafka. Vào thời điểm Kafka viết bức thư này (1919), Felix mớ được 8 tuổi - ND.
10 Pepa: tức Josef Pollak (1882-1942), em rể của Franz Kafka. Pollak kết hôn với Valli, em gi thứ hai của Kafka-ND.
11 Jizchak Löwy (1887 - 1942): diễn viên kịch người Ba Lan gốc Do Thái, ông là một trong những người bạn thân có ảnh hưởng tới Franz Kafka. Các vở kịch do Jizchak Löwy thực hiện chủ yếu có chủ đề Do Thái, diễn bằng tiếng Jiddisch (tiếng Do Thái-Đức) - ND.
12 Ottla: tức Ottilie Kafka (1892-1943), em gái út của Franz Kafka. Trong số ba em gái, Ottla là người có quan hệ thân thiết nhất với Kafka - ND.
13 Pisek (tiếng Séc: Písek): một thành phố nhỏ gấn làng Wossek, nơi Hermann Kafka chào đời. Năm 13 tuổi, Hermann Kafka được gia đình gửi tới Pisek để phụ việc trong một cửa hàng bán đồ may mặc. Từ đây ông bắt đầu sống độc lập về tài chính - ND.
14 Zurau (tiếng Séc: Siřem): một vùng nông thôn thuộc Bohemia, ở Tây Bắc Cộng hòa Séc ngày nay - ND.
15 Kafka phân biệt "hệ quả bên trong" (das innere Ergebnis), tức chấn thương nội tâm, và "hệ quả bên ngoài" (das äußere Ergebnis), tức những lệch lạc về hành dộng bên ngoài. Toàn bộ bức thư này miêu tả hai hệ quả đó trong mối quan hệ tương tác nhân quả. Chấn thương nội tâm dẫn tới lệch về hành động bên ngoài, và ngược lại, lệch lạc về hành động bên ngoài, dưới tác động của sự phán xét nơi người cha, lại tạo ra chấn thương nội tâm mới trong đứa trẻ. Và cứ như vậy - ND.
16 Assicurazioni Generali: hãng bảo hiểm hàng đầu của Ý hiện nay. Hãng được thành lập năm 1831 ở Triest (thuộc Áo hồi đó). Kafka có thời làm việc gần một năm (từ tháng 10 năm 1907 đến tháng 7 năm1908) tại văn phòng Assicuimioni Generali ở Praha với tư cách luật sư - ND.
17 Gerti tức Gerti Kaufmann (1912-1972), nhũ danh Hermann, cháu ruột của Franz Kafka. Gerti là em gái Felix. Vào thời điểm Kafka viết bức thư này, Gerti mới được 7 tuổi. Mùa hè năm 1923, gia đình Gerti đã có thời gian nghỉ hè 5 tuần cùng "cậu Franz" (tức Franz Kafka) ở Ostseebad Müritz. Nhiều năm sau, Gerti Kaufmann đã kể lại sự kiện này trong bài viết "Những kỉ niệm với cậu Franz" ("Erinnerungen an Onkel Franz") in cuốn Nhóm Praha (Der Prager Kreis) do Max Brod chủ biên, Stuttgart, 1966 - ND.
18 Irma: tức Irma Kafka, em họ của Franz Kafka. Irma là con gái thứ hai của Ludwig Kafka, chú ruột của Franz Kafka. Trong số các anh chị em của Hermann Kafka thì "chú Ludwig" là người ít thành đạt hơn cả. Năm 1911, sau khi cha chết, Irma đến sống ở nhà bác ruột, phụ việc bán hàng và nội trợ cho nhà bác. - ND.
19 Chính là câu cuối trong tiểu thuyết Vụ án (Der Prozess), tác phẩm văn học nổi tiếng nhất của Franz Kafka. - ND.
20 Schönbompalais (tiếng Séc: Schönbomský palác - Lâu đài Schönbom): tòa nhà được xây dựng trong khoảng thời gian 1656 - 1715 theo phong cách barock ở Praha. Tòa nhà có tổng cộng trên 100 phòng. Năm 1794, tòa nhà được gia đình quí tộc Schönbom mua lại (vì vậy nó có tên "Schönbompalais"). Đầu năm 1917, Kafka thuê một căn hộ hai phòng ẩm thấp, không có lò sưởi ở đây để làm nơi viết văn. Hiện nay tòa nhà này thuộc sở hữu của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và là trụ sở Đại sứ quán Mỹ tại Cộng hòa Séc - ND.
21 Franz Kafka theo học ngành Luật từ 1901 đến 1906 tại Đại học Đức (Karls-Universität), Praha. - ND.
22 Nguyên văn: Das Äußerste: thành tựu bên ngoài lớn nhất. Như đã lưu ý trong một chú thích ở trên, Kafka phân biệt giữa "cái bên ngoài" (das Äußere) và "cái bên trong" (das Innere). Ví dụ, những thành tựu bên ngoài bao gồm: nghề nghiệp, công danh, hôn nhân... Kafka cho rằng, hôn nhân là thành tựu bên ngoài lớn nhất của đời người. -ND.
23 Kafka đã lưu ý ở đoạn trước rằng trong bức thư này, sẽ có những chi tiết trong mối quan hệ cha con mà ông phải "im không nói ra". Có lẽ đó là những chi tiết thuộc loại nhạy cảm, khó nói ra trước mặt cả hai người. Đoạn văn dưới đây đề cập đến một sự việc thuộc loại khó nói như Kafka đã dùng nhiều từ bóng gió để miêu tả. Vì vậy tôi in nghiêng một số chữ để độc giả tiện theo dõi. - ND.
24 Nguyên văn: die Bettsünden, chỉ những giấc mộng huê tình ở tuổi dậy thì. - ND.
25 Felice Bauer: vị hôn thê đầu tiên của Kafka. Trong nguyên bản, Kafka viết tắt tên của Felice là "F." - ND.
Truyện Ngắn Và Nhật Ký Truyện Ngắn Và Nhật Ký - Franz Kafka Truyện Ngắn Và Nhật Ký