Số lần đọc/download: 1699 / 86
Cập nhật: 2017-03-28 19:39:22 +0700
Lời Nói Đầu
T
ruyện Treo Cao Đèn Lồng là một tác phẩm nổi tiếng hiện đại của Trung hoa của Tô Đồng, một tác giả chuyên viết về tình dục, thuộc nhóm Các Nhà Văn Đợt Sóng Mới Tô Đồng sinh năm 1963, là người tỉnh Giang Tô. Ông học Văn Chương Trung Hoa tại Đại học Sư Phạm Bắc Kinh Ông hiện là một nhà văn chuyên nghiệp và chủ trương một tạp chí văn học tại Nam Kinh.
Tác phẩm của Tô Đồng được xuất hiện với cái tên Thê Thiếp Thành Quần, có nghĩa là Năm Thê Bảy Thiếp. Nhưng khi Trương Nghệ Mưu đưa cuốn tiểu thuyết lên màn ảnh với cô đào Củng Lợi đóng vai chính, thì câu chuyện thay đổi đôi chút và bị đổi tên là Treo Cao Đèn Lồng Đỏ. Khi nghe cái tên mới này, Tô Đồng rất đỗi kinh ngạc, vì trong truyện của ông không có việc treo đèn lồng mỗi đêm như trong cuốn phim. Tuy nhiên cuốn phim Treo Cao Đèn Lồng Đỏ đã đem danh tiếng quốc tế cho Tô Đồng, và ngày nay người ta quen với cái tên Treo Cao Đèn Lồng Đỏ hơn là Thê Thiếp Thành Quần. Bản dịch dưới đây được viết theo cuốn Thê Thiếp Thành Quần của Tô Đồng, cuốn phim Treo Cao Đèn Lồng Đỏ của Trương Nghệ Mưu và tập phim bộ Giương Cao Đèn Lồng Đỏ của Hồng Kông. Treo Cao Đèn Lồng bộc lộ cái thân phận đen tối của đàn bà và cái quyền uy tuyệt đối của người đàn ông đối với đàn bà trong nước Trung Hoa cổ. Chủ nhân nhà họ Trần có bốn người vợ. Mỗi tối ông ta chọn ngủ tại phòng của một trong bốn người vợ, và đấy là một ân sủng của người chồng ban cho các bà vợ.
Đây là một câu chuyện của bốn người hầu thiếp lúc nào cũng lo lắng tranh nhau lôi cuốn sự chú ý về tình dục của người chồng giầu có vào thời phong kiến tại Trung Hoa. Tác giả đã trình bày cái thế giới trong đó những người đàn ông thiển cận và ích kỷ về tình cảm, có thể hủy hoại đàn bà một cách không suy nghĩ. Những người đàn bà ở đây tìm mọi cách vươn lên khỏi cuộc đời của họ và có thể bị chính hoàn cảnh đè bẹp. Trong cái bối cảnh như thế, bệnh mất trí có thể vừa là một vũ khí vừa là một nơi trú ẩn. Truyện Treo Cao Đèn Lồng hấp dẫn ngoạn mục với cái đẹp lạnh lẽo, tình dục thô bạo, sự thoái hoá u mê, và sự tàn nhẫn truyền từ đời này đến đời kia trong xã hội Trung Hoa cổ.
Nhân vật chính là Tùng Liên, một sinh viên đại học mười chín tuổi, phải bước vào nhà họ Trần làm người hầu thiếp thứ tư cho chủ nhân Trần Tả Thiên, một ông già nhiều tuổi, nhưng nhiều tiền. Nàng nghĩ rằng nàng là một thiếu nữ xinh đẹp và trí thức, sẽ thành công tìm được hạnh phúc. Nhưng một người tân thời có học dường như không thích hợp với cái nếp sống cổ truyền của một gia đình giàu có Trung Hoa, trong đó những người hầu thiếp tìm mọi cách hãm hại nhau với mục đích tranh được sự sủng ái của người chồng. Tùng Liên bước vào nhà họ Trần khi tuổi thanh xuân chớm bắt đầu, và tưởng nắm được vận mạng trong tay. Nhưng chỉ một năm sau, Tùng Liên trở thành một con người khác hẳn, ngơ ngẩn trước những sự việc kinh hoàng mà chưa bao giờ nàng có thể ngờ được. Tùng Liên sẽ ở lại mãi trong nhà họ Trần, chẳng khác gì một hình nhân bị những sợi dây vô hình trói buộc trong bốn bức tường của hoa viên, như một chiếc lá khô bị gió bỏ quên bên bờ một cái giếng hoang, tại cuối hoa viên.
Truyện mở cánh cửa cho chúng ta nhìn vào bên trong một gia đình phong kiến Trung Hoa của thập niên 1930, và mô tả cái thân phận của người đàn bà trở thành một món đồ chơi của đàn ông, một món đồ chơi mà một người đàn ông có tiền có thể mua được một cách dễ dàng. Hạnh phúc của họ tùy thuộc vào sự rộng lượng của người đàn ông, vốn là những người rất ích kỷ. Người đàn ông có thể lấy rất nhiều vợ. Nhưng nếu một người vợ bị chồng hờ hững hoặc bỏ quên mà tìm cách giải quyết nhu cầu tình cảm hoặc sinh lý rất bình thường của con người, thì sẽ bị tục lệ nhà chồng trừng phạt một cách dã man, thường là phải chết bằng một cách nào đó; và cái chết của những hầu thiếp ngoại tình được chấp nhận như là một sự tất nhiên và thường tình.