Số lần đọc/download: 12684 / 36
Cập nhật: 2015-11-17 06:38:58 +0700
Chương 1
M
ặt trăng như một khối bơ vàng dìu dịu tỏa sáng khắp bầu trời. Nhật Thanh ngắm nhìn cảnh vật với niềm say mê ngập tràn cả tâm hồn phóng khoáng, cuồng nhiệt của mình.
Nhật Thanh nâng niu từng kiệt tác của riêng anh lên ngắm nghía. Anh muốn cúi xuống hôn lên từng sinh vật cảnh như đang hôn người tình yêu dấu riêng mình.
Reng... reng... reng...
Những tiếng chuông reo gấp rút vang lên cắt đi khoảnh khắc tuyệt vời của anh.
Nhật Thanh khẽ nhíu mày bực bội.
Vị khách nào mà bất nhã đến vào lúc này chứ? Cha con anh đã bỏ cái Sài Gòn náo nhiệt ẩn cư ở sơn trang này mà vẫn không được yên hay sao?
Reng... reng... reng...
Một hồi chuông dài nữa lại tiếp tục reo lên. Đôi mày Nhật Thanh càng chau lại nhiều hơn. Anh đưa mắt nhìn vào nhà nghĩ thầm:
Giờ này chắc lão quản gia đã ngủ say rồi. Tội nghiệp ông cũng đã già mà vẫn quần quật với công việc, đã vậy còn phải lo chăm sóc phụ cho mình cái vườn sinh vật cảnh này nữa.
Reng... reng... reng...
Hồi chuông lại tiếp tục vang lên, lần này nó có vẻ gấp rút hơn và kéo dài hơn.
Nhật Thanh lắc đầu:
- Xem ra nếu không mở cửa chắc là không yên được với vị khách không mời này quá.
Nhật Thanh đành đứng dậy đành phải bỏ một đêm trăng tuyệt vời, bỏ những cành lá lung linh run rẩy dưới trăng vàng mà đi làm một việc mình không thích.
Reng... reng... reng...
Quá bực bội, Nhật Thanh quên cả lịch sự, quên cả nghĩ rằng vị khách này là ai. Anh la lớn lên:
- Đến rồi! Đến rồi! Đừng có nhấn chuông nữa. Đinh tai nhức óc lắm rồi.
Nhật Thanh mở cổng ra sững sờ nhìn hai vị khách trước mặt. Không ngờ nhân vật đến viếng sơn trang của mình lại thuộc “trường phái Nga My”.
Đã bực lại bực thêm, Nhật Thanh xẵng giọng:
- Tìm ai?
Chẳng những không giận vì thái độ bất nhã của Nhật Thanh, người đàn bà nỡ một nụ cười đầy quyến rũ:
- Chào cậu!
Thái độ hòa nhã của người bà đẹp, lịch lãm khiến Nhật Thanh phải thay đổi cử chỉ của mình. Anh nhẹ giọng:
- Chào bà! Bà tìm ai?
- Có thế chứ!
Bây giờ, Nhật Thanh mới để ý đến người con gái đi cùng với người thiếu phụ trung niên. Dù là ban đêm, nhưng Nhật Thanh vẫn nhận ra cô gái một sắc đẹp mê hồn.
Người thiếu phụ lay tay cô con gái:
- Thùy Dương! Mình đang làm phiền người ta mà con:
- Nhưng mẹ không thấy thái độ của anh ta hay sao?
Nhật Thanh trợn trừng:
- Thái độ của tôi sao chứ?
- Có cần tôi phải nói, anh mới biết hay không?
- Thùy Dương!
Người thiếu phụ kéo tay con gái.
- Mẹ đừng cản con! Con nghĩ rằng cần phải nói cho anh ta biết cách đối xử với người lớn tuổi.
- Nhưng chúng ta đã mất lịch sự trước. Nửa đêm, mình đến quấy rối sự yên tĩnh của người ta mà.
Nhật Thanh nhếch môi:
- Người ta nói “Biết người biết ta” rất dễ sống. Bà đã nói thế thì tôi cũng phải đối sao cho xứng. Bà cần gì ở chúng tôi?
Người đàn bà lại nở một nụ cười đầy ma lực khiến Nhật Thanh phải cảnh giác. Anh đứng yên chờ đợi câu trả lời của đối phương.
- Cậu làm ơn cho tôi hỏi. Đây có phải là nhà của ông Nhật Quang hay không?
Chưa vội trả lời câu hỏi của người đàn bà lạ, Nhật Thanh hỏi lại:
- Bà là ai? Cần gì ở ông Nhật Quang?
Nụ cười lại nở trên môi của người đàn bà:
- Xem ra đây đúng là nhà của ông Nhật Quang rồi.
- Đúng thì sao? Không đúng thì sao, hả?
Người đàn bà chưa kịp trả lời thì cô con gái Thùy Dương đã cướp lời:
- Bộ anh không thể có một thái độ lịch sự hơn hay sao? Anh ăn nói ngông nghênh như vậy, càng chứng tỏ cái thiếu tế nhị của con người anh.
Dù Thùy Dương nói cũng có phần đúng, nhưng vốn bướng bỉnh, Nhật Thanh vẫn chống đối:
- Tôi nghĩ sự tế nhị cũng phải cần dùng đúng chỗ, đúng người. Tôi không xài phí sự tế nhị của mình đâu.
Thùy Dương hiểu câu nói của Nhật Thanh đang ám chỉ mình. Cô trừng mắt:
- Anh nói sao?
- Có cần tôi phải nhắc lại, cô mới hiểu hay không?
Người thiếu phụ lại đem nụ cười của mình ra giảng hòa:
- Xin lỗi cậu! Chúng tôi đến vào lúc nửa đêm, quả có phần quá đáng. Nhưng cậu thông cảm, chúng tôi từ xa đến. Không biết tìm ai ở cái vùng cao này, đành phải chịu mất lịch sự với gia đình cậu.
Nhật Thanh nhìn người thiếu phụ khá lâu như để kiểm chứng sự thành thật của người đối điện.
- Cậu tin tôi đi. Tôi không có ý xấu đâu.
- Bà là ai?
- Tôi là bạn của Nhật Quang.
- Bà gọi tên ba tôi thân thiết như thế, xem ra bà chắc là quen thân với ba tôi lắm.
- Chúng tôi là bạn cũ. Cậu là con trai của Nhật Quang à? Cậu rất giống anh ấy.
- Bà cứ đi thẳng vào vấn đề đi, không cần phải dài dòng nữa. Bà cần tìm ba tôi có việc gì?
- Chúng tôi là một nhóm Việt kiều định cư ở nước ngoài. Chúng tôi muốn hợp tác kinh doanh mặt hàng trà và cà phê ở bản địa để xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Nhật Thanh lặng thinh nghĩ ngợi:
“Đây cũng là một cơ hội để phát triển cây cà phê và trà ở cái vùng cao này:
Nhưng...”.
- Cậu có thể vào thông báo cho Nhật Quang biết hay không?
Nhật Thanh không trả lời câu hỏi của người thiếu phụ. Anh tiếp tục suy nghĩ của mình:
“Dù có cần đi chăng nữa cũng không thể hạ thấp ba mình như thế. Phải để cho bà ta biết không phải là Việt kiều thì muốn gì cũng được, kể cả gõ cửa nhà người ta vào lúc nửa đêm”.
Nghĩ thế, Nhật Thanh trả lời:
- Bà có thể để lại danh thiếp và số điện thoại. Ba tôi sẽ có cái hẹn cụ thể với bà.
- Cậu có thể...
Nhật Thanh xua tay:
- Xin lỗi bà, bây giờ đã hơn mười giờ đêm. Ba tôi thường hay mắc chứng bệnh khó ngủ. Tôi không muốn quấy rầy ba tôi trong lúc này.
Dù muốn nói nữa, nhưng lời nói của Nhật Thanh rất đúng, người thiếu phụ ấy đành mỉm cười để gây chút thiện cảm với Nhật Thanh:
- Đành vậy thôi! Tôi không có danh thiếp, cậu làm ơn nhắn giùm với Nhật Quang, bảo có Thùy Trâm muốn gặp. Sáng mai tôi sẽ đến.
- Nhất định tôi sẽ chuyển lời. Còn bây giờ thì đã khuya lắm rồi... Xin mời bà!
- Chào cậu! Mẹ con mình về Thùy Dương.
Không thèm chào Nhật Thanh, Thùy Dương nói với mẹ:
- Chúng ta về! Con cũng không muốn ở đây đối diện với một con người vô tình, đáng ghét như thế.
- Mẹ xin lỗi đã bắt con phải chịu cực khổ với mẹ. Nếu chúng ta không bị hư xe thì đã đến sớm hơn. Mẹ tin Nhật Quang sẽ không để mẹ bơ vơ giữa Cao nguyên này.
- Chỉ vì mẹ quá tin người nên chúng ta mới bơ vơ giữa đêm thế này.
- Mẹ nghĩ chắc rằng ngoài trị trấn vẫn còn phòng trọ. Mẹ con mình ra ngoài đó nghỉ đỡ mai sẽ tính. Thôi, mình đi đi con.
Trước khi lên xe, bà Thùy Trâm vẫn lịch sự quay lại chào Nhật Thanh:
- Chào cậu!
Nhật Thanh khi nghe cuộc đối thoại giữa hai mẹ con, lòng anh dấy lên chút băn khoăn:
Mình có quá vô tình với bạn cũ của ba hay không? Nhưng thời buổi này, lẫn lộn “ma ma, phật phật” biết ai tốt xấu mà chứa chấp chứ?
Thùy Dương nguýt dài Nhật Thanh rồi lên xe. Chiếc du lịch êm êm lướt nhẹ trên đường sỏi.
Nhật Thanh quay vào nhà với bao tiếc rẻ:
- Vì một chuyện không đâu mà mình mất đi một buổi tối lãng mạn với trăng.
Đêm Cao nguyên vẫn êm đềm trôi qua. Cả một thảo nguyên bình lặng vẫn say giấc ngủ dưới ánh trăng, nhưng Nhật Thanh không thể có một giấc ngủ bình yên. Có một điều gì đó cứ làm anh day dứt mãi.
- Nhật Thanh!
Ông Nhật Quang vừa rót tách trà bốc khói vừa gọi.
Nhật Thanh bước lại gần cha:
- Có chuyện gì không ba?
- Không có chuyện gì. Nhưng đêm qua ba nghe có tiếng xe ngừng ngoài cổng, rồi tiếng lao xao cãi vã. Bộ tụi bạn con ngoài thị trấn vào đây kiếm con hả? Ba đã bảo là con đừng có giao du...
Không để ông Nhật Quang nói hết câu, Nhật Thanh đã ngắt lời:
- Lần này thì không phải rồi.
- Vậy chứ ai? Đến đây làm gì vào lúc nửa đêm?
- Ai thì con không rõ, chỉ biết họ là hai mẹ con.
- Hai mẹ con?
Ông Nhật Quang nhíu mày:
- Nhân vật nào vậy? Chúng ta đâu có quen ai. Con thấy họ là người thế nào?
- Một người đàn bà có sắc đẹp nghiêng thành, và một cô con gái có nét đẹp cũng nghiêng thùng.
Ông Nhật Quang mỉm cười:
- Xem ra họ là những nhân vật có tầm cỡ rồi.
- Sao ba biết?
- Con mà chịu khen họ thì làm sao họ là hàng tầm thường được.
Nhật Thanh biết cha muốn ám chỉ cái tính khó khăn của anh, không có cô gái nào mà được anh bạn cho một lời khen.
- Không phải là con quá khó khăn, nhưng giữa xã hội này, có lẫn lộn ngoài đời rồi ba mới thấy. Tất cả những cô gái bây giờ đều giống như một bức tranh.
Nghệ thuật thì hoàn mỹ nhưng chỉ là tranh vẽ, không có tâm hồn.
- Ba đồng ý với con, nhưng cái gì cũng có ngoại lệ.
- Con chưa tìm thấy điều ngoại lệ đó.
Ông Nhật Quang khoát tay:
- Ba không tranh cãi với con điều này nữa. Chỉ có thực tế mới có thể thay đổi được quan niệm của con thôi.
- Bao giờ cũng vậy, ba không bao giờ cho con nói hết ý nghĩ của mình.
- Không phải! Nhưng ba không thuộc tầng lớp của con, ba không hiểu được thế hệ trẻ của các con nghĩ gì.
- Bởi vậy, con mới tìm những người bạn trẻ để tâm tình thì ba lại cấm đoán.
- Quậy phá, tập họp từng nhóm phóng xe nhanh, rú ga làm náo loạn cả thị trấn, đó là tâm tình của các bạn hay sao?
Nhật Thanh gãi đầu:
- Đó là những trường hợp ngoại lệ thôi. Đâu phải lúc nào cũng thế.
- Ngoại lệ là sao?
- Thì những lúc nhậu say, bốc đồng rồi lên cơn mới thế. Còn bình thường thì đâu có.
- Con có nghĩ đến hậu quả của những cơn bốc đồng ấy hay không? Con có biết những nạn nhân của tai nạn giao thông đã để lại nhiều di chứng, có những cái chết thương tâm, có những người phải chịu tàn tật suốt đời. Họ sẽ là gánh nặng của gia đình và xã hội.
- Con biết... con biết...
- Con biết nhưng con vẫn hành động sai lầm.
- Nhưng...
- Khi chưa có hậu quả, con nên khắc phục là tốt.
Ông Nhật Quang nói như ra lệnh. Nhật Thanh biết mình không thể tranh cãi nữa, anh nói nhỏ:
- Con biết rồi ba.
Ông Nhật Quang trở lại câu chuyện lúc nãy:
- Chẳng lẽ hai mẹ con người đó đến khuấy động gia đình vào lúc nửa đêm mà chẳng để lại một lời nhắn hay sao?
- Có chứ!
Ông Nhật Quang nhíu mày:
- Sao lúc nãy con bảo là không biết?
- Con có nói thế sao?
- Ba không muốn dài dòng với con nữa. Họ nhắn gì cho ba nào?
- Họ nói là sáng nay sẽ đến gặp ba để bàn về việc hợp tác xuất khẩu trà và cà phê của bản địa.
- Họ có để lại danh thiếp hay số điện thoại gì không?
Nhật Thanh lắc đầu:
- Không!
- Chẳng lẽ họ kinh doanh mà không có thương hiệu.
- Họ là Việt kiều Mỹ về. Họ muốn hợp tác với ba. Có lẽ họ muốn mượn thương hiệu của chúng ta luôn đó ba.
- Việt kiều à?
- Dạ. À! Bà ta có giới thiệu bà ta tên là Thùy Trâm!
- Thùy Trâm?
Ông Nhật Quang thảng thốt kêu lên. Nhật Thanh nói tiếp:
- Bà ta bảo mình là bạn học cũ của ba. Có phải không ba?
Ông Nhật Quang nhìn về xa xăm:
- Phải! Thùy Trâm là bạn học cũ của ba.
- Thời nào hả ba?
- Đại học Kinh tế.
- Chắc ba và bà ta...
Ông Nhật Quang sa sầm nét mặt:
- Con đừng có nghĩ chuyện không đâu. Bộ học chung với nhau là yêu nhau sao?
Đây là lần đầu Nhật Quang thấy cha mình tức giận vì một chuyện nhỏ nhặt.
Đây là thời điểm để anh rút lui, nếu không muốn bị “văng miểng”.
- Con đi làm!
- Ừ. Con đi trước! Ba cần ra đối trà xem ở dưới công việc thế nào rồi.
- Dạ, con đi?
Nhật Thanh ra xe. Không khí buổi sáng mát dịu của vùng cao khiến cho con người ta cảm thấy dễ chịu hơn. Nhật Thanh vừa phóng xe trên đường vừa huýt sáo một bản nhạc vui.
Thùy Trâm! Hai tiếng ấy như một mũi dao đâm xoáy vào vùng sâu của dĩ vãng mà ông cố quên. Mới đó mà đã gần ba mươi năm rồi. Ba mươi năm qua...
Ba mươi năm, thời gian ấy tưởng đã có thể đào mồ chôn vết đau tình cũ. Nào ngờ... Ông thầm trách:
- Cố nhân! Sao còn tìm đến làm gì?
Ông Nhật Quang đến bên cửa sổ nhìn xa xa. Mặt trời lên cao, hất những tia nắng rực rỡ xuống đồi tòa trắng muốt, những hạt sương dần tan loãng vào không gian làm cho không khí lành lạnh. Buổi sáng trong lành của vùng cao thật sảng khoái, nhưng ông không còn tâm trí đâu để tận hưởng. Ông cứ mải mê nhìn xa mà tưởng như quá khứ hiện về trước mắt...
- Thùy Trâm! Đừng chạy nữa. Coi chừng té!
Thùy Trâm cười vang, tiếng cười trong veo như tiếng chim hoàng oanh buổi sáng.
- Anh đừng đuổi theo Trâm nữa.
Nhật Quang cố đuổi theo Thùy Trâm:
- Anh sợ Trâm một mình vào rừng sẽ bị lạc lối. Anh sợ mất Trâm lắm.
Thùy Trâm dừng chân bên bờ suối. Giọng cô Trâm lắng:
- Đừng vậy mà, Nhật Quang.
Nhật Quang cố thu hết can đảm đến gần Thùy Trâm. Giọng anh run run:
- Thùy Trâm! Chẳng lẽ năm năm dưới mái trường đại học, Trâm không hiểu được tình cảm của anh sao?
- Trâm hiểu, nhưng...
- Trâm nghĩ thế nào về anh hả?
- Trâm không biết!
- Trâm nói đi? Bởi vì chúng ta không còn cơ hội nữa. Buổi dã ngoại hôm nay là buổi cuối cùng chúng ta hợp mặt, mai nay mỗi người ra đi một ngã, tự tạo cho tương lai của mình.
- Vì thế nên Trâm không muốn làm cho anh buồn.
- Trâm nói thế có nghĩa là sao hả?
- Trâm không thể đáp lại tình cảm của anh.
Nhật Quang sững sờ:
- Tại sao? Tại sao Trâm từ chối anh?
- Trong thâm tâm của Trâm, Trâm chỉ xem anh là bạn. Xa hơn nữa chỉ là người anh đáng kính mà thôi.
- Trâm chưa có người yêu, anh vẫn còn niềm hy vọng. Bây giờ thì chưa yêu nhưng rồi Trâm sẽ yêu. Trâm nói đi Anh còn có khuyết điểm nào khiến Trâm không hài lòng, anh sẽ sửa chữa ngay mà.
Thùy Trâm lắc đầu:
- Anh không có khuyết điểm nào cả. Trong mắt Trâm, anh là một người đàn ông toàn vẹn, học giỏi, cầu tiến, tốt bụng, luôn giúp đỡ bạn bè trong lúc khó khăn. Nhưng...
- Nhưng sao hả Trâm?
- Trâm đã có chồng rồi.
Nhật Quang tròn mắt:
- Trâm nói sao? Trâm có chồng bao giờ?
- Trâm đã có hôn ước trước rồi.
- Hôn ước? Trâm nghĩ lại em. Chúng ta đang sống ở thế kỷ nào chứ? Chuyện hôn ước chỉ là chuyện vui vẻ trong lúc hứng thú thôi, đâu vì chuyện hôn ước mà em phải chấp nhận một cuộc hôn nhân không có tình yêu chứ?
Thùy Trâm thở dài:
- Trâm không có quyền quyết định. Trâm không dám cãi lời ba mẹ của Trâm.
- Chồng của Trâm là người như thế nào, hả Trâm?
- Trâm không biết!
Nhật Quang có vẻ phẫn nộ:
- Trâm không biết gì về người chồng của mình mà có thể dễ dàng chấp nhận cuộc hôn nhân. Trâm có thể hủy diệt tương lai của mình trong tay một người không quen biết, đành lòng sao Trâm? Trâm đành lòng giết chết một tình yêu nồng nàn mà anh dâng trọn cho Trâm sao?
Giọng Thùy Trâm xót xa:
- Chúng ta không thể làm khác hơn được đâu anh.
- Dũng cảm lên đi Trâm! Hãy chiến đấu vì tình yêu và tương lai của mình.
Bên cạnh Trâm lúc nào cũng có anh, anh sẵn sàng cùng Trâm vượt qua mọi khó khăn:
Thùy Trâm lắc đầu:
- Muộn rồi. Đã quá muộn rồi, Nhật Quang ơi:
- Tại sao?
- Tuần sau là đám cưới của Trâm, Trâm sẽ theo chồng về Mỹ.
Nhật Quang nghe một sự đổ vỡ trong lòng:
- Thì ra vì một chút ảo vọng mà Thùy Trâm đành lòng rời bỏ quê hương đất nước ra đi để sống một kiếp lưu vong. Nếu đã thế thì anh không còn gì để nói.
Trâm đi đi! Đi theo tiếng gọi của lợi danh mà đến với thiên đường đi.
- Không... Không phải thế đâu anh.
- Nếu không phải thế thì Trâm có dám từ bỏ cuộc hôn nhân ấy, ở lại với quê hương mình không?
Thùy Trâm ngập ngừng:
- Trâm... Trâm...
- Trâm không thể phải không? Trâm không thể từ chối vật chất xa hoa để sống khổ nhọc trên quê hương mình chứ gì? Trâm đi đi! Trâm không xứng đáng với tình yêu của tôi, Trâm đi đi!
Thùy Trâm nói trong nghẹn ngào:
- Trâm biết dù mình có nói gì đi nữa cũng không thể thay đổi sự suy nghĩ trong lòng anh. Trâm sẽ đi. Lời cuối cùng Trâm chúc anh hạnh phúc.
Thùy Trâm đi, đi thật xa rồi mà Nhật Quang vẫn còn đứng đó chết lặng trong hồn. Thế là hết! Hết rồi những ước mơ mà anh thêu dệt. Hết rồi một tương lai cùng nắm tay Thùy Trâm đi cho hết một quãng đời...
Thùy Trâm! Hai tiếng đó cứ vang vọng mãi trong đầu ông Nhật Quang. Ông cứ phân vân mãi trong lòng:
- Có nên gặp Thùy Trâm hay không?
Rồi ông cũng tự quyết định:
- Gặp để làm gì? Đã dứt áo ra đi rồi thì còn trở lại để làm gì? Thôi thì cứ ngoảnh mặt quay lưng để lòng không đau xót.
Nghĩ thế ông gọi quản gia dặn dò một số công việc rồi dặn kỹ.
- Nhớ bất cứ ai tìm tôi, cũng đều bảo là tôi không có ở nhà nhé.
Lão quản gia khẽ gật:
- Tôi biết rồi!
Ông Nhật Quang bước lên lầu về phòng mình. Ông đứng lặng trước di ảnh của vợ xót xa:
- Xuân Mai! Tha thứ cho anh đã không trọn vẹn tình yêu với em.
Bà Xuân Mai nhìn ông mỉm cười. Ánh mắt bà, nụ cười bà sao mà khoan dung, độ lượng đến thế? Ông cảm thấy mình thật nhỏ bé trước sự cao cả của bà.
Ông nhìn bà nhìn thật lâu, lương tâm ông bật lên những lời sám hối với, người vợ quá cố của mình.
- Cừu nhân!
Nhật Thanh chưa kịp tận hưởng hương vị ngọt ngào vừa đắng, vừa thơm của ly cà phê thì anh nghe tiếng rít sau lưng. Nhật Thanh quay lại, mắt anh tối sầm khi nhận ra Thùy Dương:
- Oan gia ngõ hẹp?
Thùy Dương cong môi:
- Anh nói sao? Anh cho tôi là người thế nào, hả?
- Cô có đáng cho tôi quan tâm để đánh giá hay không nhỉ?
- Anh có quá đề cao mình hay không đó?
- Có hay không, đâu có liên quan gì đến cô hả? Cô nên nhớ, cô là người gây sự trước nghe. Tôi không có mời gọi cô ngồi cùng bàn nghe.
Thùy Dương nghênh mặt:
- Xưa nay, tôi không thích làm theo ý người khác. Tôi thích độc lập, muốn làm gì thì làm. Tôi thích ngồi đây nói chuyện sòng phẳng với anh.
- Tôi có ân oán gì với cô mà cần phải giải quyết sòng phẳng với cô chứ?
- Anh vội quên thế?
- Có gì đáng nhớ mà quên chứ?
- Anh đừng nghĩ chỉ không nhớ là có thể xóa sạch ân oán với tôi nghe.
- Cô có mắc bệnh tâm thần không?
- Thần kinh tốt! Đầu óc tôi hoàn toàn sáng suốt.
- Vậy thì cô đang bị bệnh hoang tưởng.
- Hoang tưởng!
- Phải, tôi tin chắc là thế. Vì nếu không, cô đâu có nghĩ ra một câu chuyện hoang đường như thế.
- Tại sao là hoang đường?
- Tôi với cô không hề quen biết, làm sao mà có chuyện oán thù với nhau chứ? Nếu cô không bị bệnh hoang tưởng, cô đâu có nghĩ ra được chuyện ân oán này.
Thùy Dương trề môi:
- Anh mắc bệnh đãng trí rồi.
Nhật Thanh tròn mắt:
- Tôi bị bệnh đãng trí?
- Phải!
- Tôi nghĩ là mình rất minh mẫn, trí nhớ hoàn toàn tốt.
- Nếu anh có trí nhớ tốt thì ắt hẳn là anh không quên có một buổi tối tôi đến nhà anh chứ?
- Tôi không quên vị khách không mời mà đến quấy rầy giữa lúc tôi cần yên tĩnh.
- Tôi không quan tâm đến việc anh nghĩ sao về tôi, nhưng tôi muốn hỏi anh một điều.
Nhật Thanh hất mặt:
- Cứ hỏi?
- Tại sao anh dám làm cho mẹ tôi buồn?
Nhật Thanh trợn mắt:
- Tôi làm cho mẹ cô buồn?
- Phải!
- Tôi với mẹ con cô không quen biết, tôi làm sao mà gây phiền não cho mẹ cô được. Có điều gì cô cứ nói thẳng đi, đừng dài dòng nữa.
- Được. Tôi hỏi anh!
- Cứ hỏi!
- Tại sao mẹ tôi nhờ anh thông báo cho ba anh biết là mẹ tôi sẽ đến mà anh không nói, hả? Anh có thể ích kỷ với một người đáng tuổi mẹ anh như thế sao?
Nhật Thanh nghe nóng cả mặt:
- Nè! Cô đừng có hồ đồ nghe. Việc đó, tôi không hề có lỗi. Tôi đã báo cho ba tôi biết là sáng hôm đó có bà Thùy Trâm cần gặp.
- Thế tại sao mẹ tôi đến lại không gặp ba anh?
Nhật Thanh nhếch môi:
- Thế thì cô phải tự hỏi xem tư cách của mẹ cô thế nào trước đã.
- Nè! Anh không được xúc phạm đến mẹ tôi nghe.
- Muốn người khác tôn trọng mình, thì trước hết mình phải tôn trọng người khác trước.
Thùy Dương bỗng nhẹ giọng:
- Tôi chỉ vì không muốn thấy mẹ tôi buồn thôi.
- Nếu ba tôi không muốn gặp lại mẹ cô thì có lẽ trước kia hai người quan hệ với nhau không được tốt lắm.
- Tôi tin tưởng ở nhân phẩm của mẹ mình.
- Và tôi cũng tin là ba tôi không hề sai lầm khi quyết định tuyệt giao với mẹ cô.
- Nhưng mẹ tôi đến với ba anh là có ý tốt. Người chỉ muốn giúp ba anh phát triển kinh doanh trà và cà phê thôi mà.
- Nếu thế thì bà ấy không cần gặp ba tôi. Bà có thể trực tiếp trao đổi với tôi.
- Anh?
Thùy Dương nhìn sững Nhật Thanh:
- Anh thì có thể giải quyết được gì?
- Tôi đang trực tiếp điều hành cửa hàng trà và cà phê ngoài thị trấn. Đối với tôi phương châm “khách hàng là thượng đế”, cô cần gì, có yêu cầu gì, tôi đều sẵn sàng đáp ứng.
- Nhưng người mẹ tôi cần gặp là ba anh.
- Xem ra mẹ cô không có ý tốt rồi. Đã quan hệ kinh doanh thì chỉ cần đối tác tốt là hợp tác tốt, đâu cần phải nhất định là ba tôi.
Thùy Dương gật đầu:
- Như vậy cũng phải. Nhưng nguyện vọng của mẹ tôi là được gặp ba anh, nếu không, người đâu có lặn lội từ bên Mỹ về Việt Nam rồi ra tận Cao nguyên heo bút này để tìm. Anh thiết nghĩ, ba anh có quá vô tình hay không?
Nhật Thanh cũng đổi giọng, anh có vẻ thông cảm với bà Thùy Trâm:
- Dù sao cũng là một tấm chân tình.
Thùy Dương có dịp trút hết uất ức trong lòng mình:
- Tôi không biết vì sao ba anh có thể chai đá trước tình cảm của một người bạn cũ như thế?
- Chuyện ân oán của đời trước, tôi không hiểu được. Nếu cô trách ba tôi thì cô nên về hỏi mẹ cô cho rõ ngọn nguồn. Còn giữa tôi với cô có hợp tác kinh doanh hay không, thì cô cứ quyết định. Tôi lúc nào cũng luôn phục vụ tốt cho khách hàng.
- Tôi cần phải thông qua ý kiến của mẹ tôi. Có thể là mẹ con tôi sẽ quay về Mỹ, bỏ chương trình hợp tác kinh doanh này.
- Tùy cô thôi! Tôi nghĩ là không có cô, tôi vẫn có thể tìm đối tác khác. Cây trà và cà phê ở đây phải được phát triển theo hướng kinh doanh mới. Tôi không để đặc sản của đất nước mình bị mai một đâu.
- Anh cũng có một chí hướng tốt, tôi tin là anh sẽ làm được những điều mơ ước của mình.
Không ngờ cả hai lại có thể thông cảm nhau một cách bất ngờ như thế. Từ xung đột bất đồng, họ lại có thể hòa nhã, hài hòa được với nhau.
Mãi lo tranh cãi với nhau, ly cà phê đã nguội, Nhật Thanh cũng không còn hứng thú nữa. Anh đứng dậy chào Thùy Dương:
- Chào cô! Hy vọng chúng ta còn cơ hội hợp tác với nhau.
- Tôi cũng nghĩ thế.
Cả hai cùng chia tay nhau, mỗi người đi một hướng. Nhật Thanh không muốn bỏ lỡ một cơ hội tốt để phát triển kinh doanh. Anh không muốn dừng lại ở một điểm cứ buôn bán lẻ với những mối lái trong thành phố. Cần phải vượt qua những khó khăn để đưa mặt hàng nội địa xuất khẩu, gia nhập với thị trường quốc tế. Đây là một cơ hội tốt không thể bỏ qua được.
Nhật Thanh thầm nghĩ:
“Phải thuyết phục ba mình mới được. Chuyện ân oán của ngày xưa không thể làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân vùng cao này. Cây trà và cà phê không thể ở mãi với vùng đất này, nó phải được giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng ngoài nước. Thương hiệu của mình phải có một tiếng vang trong thị trường quốc tế”.
Nghĩ thế, Nhật Thanh vội vã về nhà. Anh hy vọng ba anh vẫn còn chưa ngủ.
- Anh ơi? Nghe điện thoại. Anh ơi! Nghe điện thoại...”.
Nhật Thanh vừa đưa tay định bấm chuông gọi cửa thì tín hiệu nhạc từ chiếc điện thoại vang lên. Anh nhìn vào màn hình trên máy. Nhận ra số điện thoại của Diễm Quyên, anh chau mày:
- Đúng là gọi không đúng lúc.
Dù cằn nhằn, nhưng Nhật Thanh vẫn trả lời:
- Alô.
Giọng Diễm Quyên nhão nhoẹt vang lên trong máy:
- Em muốn gặp anh?
- Có chuyện gì không, Diễm Quyên?
- Bộ có chuyện gì mới gặp anh được hay sao? Em nhớ anh. Mình cùng đi hóng mát nghe?
- Nhưng bây giờ...
- Anh đừng nói là quá khuya nghe. Chỉ mới chín giờ thôi đó.
- Không phải! Nhưng anh có chuyện cần thương lượng với ba anh.
- Việc gì mà gấp vậy?
- Công chuyện làm ăn thôi.
- Anh không để đến ngày mai được hay sao?
- Anh đã về nhà rồi.
- Và em cũng đã đến đây rồi.
Diễm Quyên rồ máy phóng xe lại đậu trước mặt Nhật Thanh. Chợt hiểu, Nhật Thanh nổi nóng:
- Em theo dõi anh phải không?
- Thế thì có sao đâu. Tôn trọng hiệp ước của hai đứa, em không chạm mặt anh với cô gái ấy ở quán cà phê là em đã nhẫn nhịn lắm rồi.
- Biết thế, em còn theo anh để làm gì?
Diễm Quyên chợt buồn:
- Lòng người khó đoán lắm. Em cũng muốn, nhưng không dằn được lòng mình.
- Diễm Quyên! Em nên nhớ là giữa chúng ta...
- Em biết... Nhưng Nhật Thanh! Mình có thể yêu nhau một cách thành thật được hay không?
- Diễm Quyên! Em cũng hiểu cuộc sống của chúng ta rồi. Mình sống phóng túng, vui vẻ bằng những cuộc vui thôi, sau đó chia tay nhau không vướng bận.
- Em không muốn sống như thế nữa. Em muốn được công khai, đàng hoàng yêu nhau. Nhật Thanh! Chẳng lẽ anh không có chút tình cảm với em sao?
- Tình cảm thì đương nhiên phải có, nhưng còn tình yêu thì...
- Thì sao hả anh?
- Anh chưa cảm nhận được, Diễm Quyên à.
- Chưa cảm nhận thì rồi anh sẽ cảm nhận được mà.
- Chuyện ngày mai thì hôm nay không thể nói trước được, Diễm Quyên à.
Diễm Quyên nhìn Nhật Thanh, giọng cô sũng nước mắt:
- Nhật Thanh! Chẳng lẽ anh đã yêu cô gái ấy rồi sao?
- Cô gái nào?
- Anh đừng giả vờ để làm đau lòng em nữa. Cô gái đã đi cùng anh đêm nay đó.
- Cô gái ấy không phải là người yêu của anh.
- Cô ấy là ai?
- Là đối tác đang bàn bạc với anh chuyện làm ăn.
Mắt Diễm Quyên sáng lên:
- Anh nói thật hả?
- Dối em làm gì.
- Vậy là em có cơ hội rồi.
- Đừng quá hy vọng ở anh, Diễm Quyên. Anh không đem đến cho em niềm vui đâu.
- Nhưng em sẽ mang lại niềm vui cho anh.
- Mình cứ sống như từ trước đến nay đi. Cần thì đến với nhau, sau đó chia tay không vướng bận.
- Em không còn hứng thú với các cuộc vui chung đó nữa. Em muốn được yêu anh. Và em sẽ yêu anh theo đúng nghĩa của một người tình.
- Chưa hẳn như thế là tốt đẹp đâu, Diễm Quyên:
- Dù sao nó cũng tốt hơn cuộc sống hiện tại này.
Nhật Thanh Trầm ngâm:
- Em cho anh có thời gian suy nghĩ lại những điều em đề nghị đi.
Diễm Quyên mừng rỡ:
- Như vậy là em có hy vọng rồi.
- Bây giờ em về đi.
- Sao thế? Anh không đi chơi với em hả?
- Anh đã bảo là anh đang bận.
- Em có thể chờ anh mà.
Nhật Thanh chau mày:
- Em cũng biết là ba anh không thích em. Vả lại, anh không muốn có áp lực khi bàn bạc công việc với ba anh. Em đừng gây khó cho anh được hay không Diễm Quyên?
Diễm Quyên biết mình phải nhẫn nhịn, không thể ép buộc được cái ông trời con này. Cô cúi đầu nói nhỏ:
- Thôi được. Em về!
- Em về đi!
- Anh không cho em một cái hẹn hay sao?
- Muốn gặp nhau đâu phải là một chuyện khó đâu mà phải hẹn.
- Anh nói thế thì cũng như huề. Em không biết chừng nào mới gặp được anh.
Nhật Thanh nghĩ:
- Không hẹn thì khó mà thoát được Diễm Quyên. Anh biết tính cô, cô đã nhượng bộ rồi, nếu ép thêm cô mà nổi khùng lên thì sẽ không yên đâu.
- Thôi được. Em về đi! Tối mai hẹn gặp nhau ở điểm cũ.
Diễm Quyên cười mãn nguyện:
- Có thế chứ! Bye!
Diễm Quyên đưa tay lên môi hôn gió Nhật Thanh rồi đề máy xe phóng thẳng. Nhật Thanh nhìn theo lắc đầu ngao ngán:
- Con gái sao mà phiền phức quá? Có lẽ từ nay, mình phải điều chỉnh cách sống lại mới được.
Nhật Thanh bấm chuông thật nhanh để gọi lão quản gia:
- Có ngay! Có ngay!
Lão quản gia cười hề hà:
- Ông chủ đợi cậu nãy giờ.
- Con biết rồi!
Nhật Thanh vội vàng cho xe vào nhà. Hiếm có khi dịp trùng hợp thế này.
Chắc là ba anh cũng có chuyện quan trọng muốn nói với anh. Chắc hẳn không việc gì ngoài việc kinh doanh thôi.
- Dịp may đến cho mình rồi!
Nhật Thanh hí hửng chạy vào nhà với niềm vui lớn tràn ngập lòng.
- Có chuyện gì mà ba phải thức chờ con vậy ba?
Nhật Thanh rón rén đến gần ông Nhật Quang hỏi. Ông Nhật Quang không vội trả lời câu hỏi của con trai ông bảo:
- Con ngồi xuống đi!
Nhật Thanh hồi hộp:
- Có chuyện gì vậy ba?
- Ba vừa xuống cửa hàng kiểm tra.
- Có sự cố hả ba?
- Không. Nhưng qua sổ sách và thực tế, hàng tồn kho của chúng ta còn một số cũng khá lớn. Trong kinh doanh, điều tối kỵ là có đầu vào mà không có đầu ra. Con phải có hướng giải quyết nó.
Nhật Thanh mừng thầm, bởi vì đây chính là điều mà anh vội vã chạy về bàn bạc với ông.
Nhật Thanh vào đề ngay:
- Con cũng đang băn khoăn về điều đó. Con muốn tìm một giải pháp khả thi hơn để kinh doanh thật tốt.
- Con đã có biện pháp gì nào chưa?
- Có! Nhưng con sợ ba không bằng lòng.
- Con chưa nói sao biết ba không bằng lòng?
- Con đã có nói, chỉ tại ba quên thôi.
- Ba quên?
- Dạ.
Ông Nhật Quang vỗ trán:
- Chẳng lẽ lúc này đầu óc của ba lú lẫn đến thế sao? Thôi thì con nhắc lại đi!
- Dạ. Mấy hôm trước, con có thưa chuyện với ba chuyện của bà. Thùy Trâm đó.
- Thùy Trâm?
Ông Nhật Quang sa sầm nét mặt:
- Ba không muốn gặp bà ấy.
Nhật Thanh cố thuyết phục cha:
- Ba! Con không hiểu được chuyện ân oán ngày xưa giữa ba và bà ấy, nhưng bà ta tìm đến chúng ta với một ý tốt. Chúng ta đang sống với thời hội nhập vào WTO, mình phải đưa sản phẩm trà và cà phê của nước mình vào thị trường quốc tế. Mình phải làm sao đưa thương hiệu của mình lên, gây tiếng vang ở thị trường quốc tế.
- Ba hiểu, nhưng đâu nhất thiết chúng ta phải hợp tác với bà ấy. Còn có rất nhiều thương nhân ở thị trường trong và ngoài nước.
- Nhưng cơ hội không đến với chúng ta nữa khi mình từ chối sự hợp tác này.
Ông Nhật Quang ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
- Thôi được! Tùy con!
Nhật Thanh nói như reo lên:
- Vậy ba đồng ý rồi hả ba?
- Mọi việc, ba giao cho con toàn quyền quyết định. Con muốn ký hợp đồng với bà ta lúc nào thì tùy con.
Nhật Thanh ỉu xìu:
- Như vậy thì không được.
Ông Nhật Quang ngạc nhiên:
- Tại sao vậy? Việc gì khó khăn hả?
- Bà Thùy Trâm nhất định đòi gặp ba rồi mới nói đến chuyện hợp tác.
- Chuyện làm ăn và chuyện gặp ba đâu có dính dáng gì với nhau đâu.
- Con không biết, nhưng có một điều con biết chắc chắn là bà ta muốn gây áp lực với chúng ta.
- Gây áp lực với chúng ta?
Nhật Thanh nằn nì:
- Ba à! Chỉ là chuyện gặp mặt thôi, đâu có gì to lớn đâu hả ba. Ba ơi! Vì tiền đồ của con, ba hạ mình một chút đi ba.
Ông Nhật Thanh im lặng. Thật ra trong thâm tâm ông rất xốn xang. Xa cách mấy mươi năm, ông cũng muốn gặp lại Thùy Trâm. Sau bao năm con người phải gánh chịu sự tàn phá của thời gian.
Không biết bà có còn giữ được nét đẹp tinh anh như ngày nào. Trong sự tưởng tượng của ông, bà sẽ là một người đàn bà rất đẹp.
Nhưng ông lại rất sợ. Ông sợ chính bản thân mình, không biết ông có thể bình thản trước sự trở về của bà hay không? Liệu ông có thể đè nén được nỗi đau mà ông đã chôn kín nó vào lòng suốt bao năm.
- Ba nghĩ thế nào hả ba? - Nhật Thanh sốt ruột hỏi.
- Ba chưa quyết định được.
- Bà Thùy Trâm đang chờ chúng ta. Con nghĩ là ba đừng tránh né nữa. Chỉ là gặp lại bạn cũ thôi mà, đâu có gì nghiêm trọng lắm đâu ba.
- Thôi được, sáng mai ba sẽ trả lời con.
- Sao là sáng mai mà không phải là bây giờ hả ba?
- Ba muốn suy nghĩ thêm một chút nữa.
- Ba ơi! Ba lại lẩm cẩm nữa rồi. Đâu phải là chuyện hệ trọng, quyết định cho tương lai của một đời đầu mà phải đắn đo suy nghĩ kỹ quá vậy?
- Cũng gần đúng như vậy đó con.
Nhật Thanh không nén được tò mò, anh hỏi cha:
- Bộ bà Thùy Trâm là người yêu cũ của ba hả?
Ông Nhật Quang trợn trừng:
- Con đừng có suy đoán bậy bạ nghe.
- Nhìn ba, giống y như là bị tình phụ vậy?
- Con nói gì vậy hả, Nhật Thanh?
Ông Nhật Quang hét lớn với nét mặt giận dữ. Nhật Thanh vô tình không biết mình đã vô tình gợi lại nỗi đau của ba. Nhật Thanh nói nhỏ:
- Con xin lỗi ba!
Ông Nhật Quang xua tay:
- Con đi ngủ đi! Hãy để ba yên! Sáng mai ba sẽ có câu trả lời với con.
- Dạ.
Nhật Thanh biết mình nên rút lui. Ít khi anh thấy ba giận dữ như lúc này.
Chắc có lẽ vết thương lòng quá đau đã làm ông mất đi sự điềm đạm vốn có hằng ngày. Tôn trọng tâm sự của cha, Nhật Thanh một mình về phòng riêng của mình.
Ông Nhật Quang ngồi đó với tách trà đắng trên tay. Ông đang nghĩ, nghĩ đến một người. Một người đã cho anh bao hy vọng của tình yêu đầu đời, để rồi khi tình yêu ấy chín muồi, người ta đã phũ phàng dứt bỏ tình ông để chạy theo xa hoa danh lợi.
- Thùy Trâm! Thùy Trâm ơi! Đã ra đi còn tìm lại làm gì? Sao không để dĩ vãng lụi tàn theo năm tháng. Còn gặp nhau làm chi cho cay đắng ngập tràn?
Ông Nhật Quang nghĩ đến Nhật Thanh với lời đề nghị của con trai. Ông cần phải gặp Thùy Trâm để bàn bạc tìm một giải pháp cho cây trà và cà phê một đầu ra. Ông không thể vì cá nhân mình mà làm ảnh hưởng đến kinh tế của người dân Cao nguyên. Họ rất cần phát triển loại cây đặc sản của vùng núi này.
Nghĩ thế, ông quyết định:
- Cứ gặp Thùy Trâm đi rồi mọi việc sẽ tính sau.
Ông Nhật Quang đến bên cửa sổ nhìn ra bầu trời. Sương đêm vẫn còn phủ kín. Mây trên trời đã giăng xám trên đầu núi. Ông lẩm bẩm một mình:
- Trời đã sắp sáng rồi?
Ông Nhật Quang thở dài. Tiếng thở dài não lòng trong đêm sương lạnh.
Một không gian trầm lắng, một gian phòng ấm áp, những ngọn đèn xanh nhạt, một lọ hoa cẩm chướng mượt mà trên bàn. Tiếng máy lạnh chạy rê rê, tẻ nhạt.
Cả hai vẫn im lặng ngồi bên nhau. Bà Thùy Trâm cố giấu sự xúc động đang trỗi dậy trong tâm hồn bà.
Ông Nhật Quang cũng cảm thấy buồn rười rượi. Không lẽ ông cứ mãi lặng thinh với người bạn cũ. Ông lên tiếng:
- Thùy Trâm! Em vẫn khỏe chứ?
Giọng Thùy Trâm nghe xót xa làm sao:
- Em vẫn khỏe. Nhưng tâm hồn em vẫn bệnh hoạn, đớn đau.
- Thiên đường đó, không làm em vui sao?
- Cay đắng với em làm chi hả, Nhật Quang? Năm xưa không phải là em phụ bỏ tình anh, nhưng vì tất cả đã an bài rồi. Em không thể cưỡng lại định mệnh được.
- Định mệnh?
Nhật Quang cười mỉa:
- Người ta thường lấy hai từ “định mệnh” để biện minh cho mình. Ngày xưa, chẳng phải vì tôi quá nghèo nên em sợ khổ, không dám cùng tôi vượt qua định mệnh hay sao?
- Nhật Quang! Em không biện minh gì cho em cả. Lần này em về là em muốn tìm anh. Gặp lại anh, được nhìn thấy anh, như vậy là em đã mãn nguyện lắm rồi.
Ông Nhật Quang nghe trong giọng nói của bà có một cái gì đó, chứa đầy uất nghẹn đau thương. Bao nhiêu giận hờn trong lòng chất chứa suốt mấy mươi năm bỗng dưng tan biến. Ông chân thành hỏi bà:
- Thùy Trâm? Em không có hạnh phúc thật sao?
- Hạnh phúc?
Những giọt nước mắt rơi dài trên má bà Thùy Trâm:
- Theo chồng về Mỹ, chưa kịp thoát khỏi ngỡ ngàng thì em phát hiện ra một điều:
Chồng em không hề yêu em, anh ấy cũng như em... cũng đã có người yêu.
Chúng em đều chung một hoàn cảnh, đến với hôn nhân mà không có tình yêu.
- Rồi em sống như thế nào nơi đất khách quê người hả, Thùy Trâm?
- Gắng gượng sống với nhau được ba năm, chúng em làm thủ tục ly dị. Lúc đó Thùy Dương vừa tròn một tuổi.
- Tội nghiệp em quá, Thùy Trâm. Vậy mà bao năm nay, anh cứ ngỡ em đang sống rất hạnh phúc.
Bà Thùy Trâm gạt nước mắt:
- Bỏ qua chuyện của em đi, Nhật Quang. Anh nối về anh đi! Bao năm qua anh sống thế nào? Tại sao lại “bỏ phố lên lừng”? Tại sao anh lại chấp nhận cuộc sống cô đơn nơi núi đồi heo hút này?
- Chuyện của anh cũng khá dài đó.
Bà Thùy Trâm nhìn ông cười ý nhị:
- Dài bao nhiêu, em cũng chấp nhận.
- Anh nghĩ mình có tội rất nhiều với cô ấy.
- Xuân Mai?
- Phải! Sau khi em đi, Xuân Mai đã đến với anh, an ủi, chăm sóc cho anh.
Dần dần, tình cảm cũng nảy nở. Anh bước đến hôn nhân với Xuân Mai bởi vì đến với ai cũng thế. Anh không thể quên được, Thùy Trâm à. Anh có lỗi rất nhiều với cô ấy.
- Em cũng không ngờ là tình yêu của anh dành cho em quá sâu nặng như thế.
Ông Nhật Quang thở dài:
- Bao năm trong đời sống vợ chồng, cô ấy đã hy sinh cho anh rất nhiều. Anh sống với cô ấy như một con người có xác không hồn. Tâm hồn anh đã gởi trọn cho em ở bên kia bờ đại dương mịt mù xa thẳm. Cô ấy đã vì anh, lặng lẽ ôm nỗi đau mà sống cho đến khi Nhật Thanh ra đời. Anh vẫn tưởng có Nhật Thanh rồi thì hạnh phúc sẽ được nhân lên. Nào ngờ, anh vẫn thế, vẫn đắm chìm trong dĩ vãng. Anh bắt đầu uống rượu thâu đêm:
- Tại sao anh lại làm như thế? Tại sao lại hủy hoại cuộc đời mình trong men rượu chứ?
- Anh cũng không biết nữa. Nhưng chỉ có say rượu, anh mới thấy mình dễ chịu hơn khi tỉnh, chỉ có men rượu mới giúp cho anh dịu đi cơn sầu trong lòng mình. Một đêm nọ, anh về nhà trong cơn say...
...
Xuân Mai nhẹ nhàng trách:
- Nhật Quang! Anh lại say nữa rồi!
Nhật Quang lè nhè:
- Có phải em cho anh là đồ vô tích sự, đúng không?
- Em đâu có nói thế, Nhật Quang!
Nhật Quang la hét:
- Không nói thế! Không nói thế nhưng mà em nghĩ thế. Bộ em tưởng tôi không biết trong đầu em nghĩ thế nào về tôi hay sao? Xuân Mai! Em đừng có nhẫn nhục chịu đựng nữa. Tôi van em hãy nguyền rủa, mắng nhiếc tôi thậm tệ đi. Có như thế, tôi càng thấy dễ chịu hơn.
- Nhật Quang! Anh say quá rồi. Hãy ngủ đi. Em đưa anh vào phòng nghe.
Nhật Quang vùng vẫy:
- Không! Tôi không say! Tôi tỉnh táo hơn bao giờ hết. Xuân Mai! Em nói thật đi? Có phải là em đang chịu đựng kho đau để sống với tôi, phải không?
Xuân Mai vụt ôm chặt lấy chồng òa khóc:
- Không... Nhật Quang! Em rất hạnh phúc khi được sống với anh.
- Hạnh phúc? Em có biết danh từ ấy thật là mai mỉa cho chúng ta lắm không?
- Nhật Quang! Em biết phải làm sao bây giờ?
- Em không cần làm gì cho tôi cả? Em đi đi, cứ bỏ mặc tôi.
- Anh đuổi em sao, Nhật Quang?
- Em đi đi! Đi tìm hạnh phúc khác, đừng vì tôi mà sống đau khổ ở đây nữa.
- Thôi được, nếu anh muốn thế thì em sẽ đi, em đi cho anh được vui. Nhưng còn Nhật Thanh con của chúng ta?
- Tùy em định liệu.
Xuân Mai không còn gì để mà lưu luyến. Nhật Quang đã kiên quyết dứt bỏ mẹ con cô, dẫu có nán lại đây chỉ gây phiền lụy cho anh thôi.
Xuân Mai tay bế con, tay xách mớ đồ cần dùng cho Nhật Thanh. Nước mắt cô chảy dài trên mỗi bước chân. Tội nghiệp cho Nhật Thanh, mới có ba tuổi đầu đã phải sống trong cảnh xa cha, lìa tổ ấm.
Xuân Mai thất thểu bước trên đường phố. Cô không còn ý thức được không gian và thời gian nữa. Bước chân cô băng vội qua đường.
Két... Rầm...
Xuân Mai nghe đau điếng cả người. Trong giây phút kinh hoàng cô vẫn còn kịp lấy thân mình che chắn cho đứa con trai:
- Có tai nạn... Có tai nạn...
Trên đường phố khuya có vài người chạy đến bên hiện trường.
Nhật Thanh kinh hoàng khóc thét lên:
- Mẹ.... Mẹ ơi...
Một người hét lên:
- Kéo đứa nhỏ ra, xem nó có bị thương không?
Một người khác vội kéo Nhật Thanh dậy xem xét:
- Không sao! Chỉ xây xát thôi. Xem nạn nhân thế nào?
Người khách trên đường cúi xuống quan sát. Anh ta đưa tay sờ mũi nạn nhân rồi kinh hoàng hét lên:
- Chết rồi!
- Chết rồi?
Người tài xế bàng hoàng lặp lại câu nói ấy. Anh ta ngồi phịch xuống đường:
- Chết rồi! Tôi đã cán chết người rồi.
- Gọi cảnh sát giao thông đi!
Mọi việc diễn biến theo thứ tự. Xác nạn nhân được đưa về bệnh viện, còn Nhất Thanh thì được công an đưa về đồn. Đài truyền thanh và truyền hình loan tin thật nhanh việc truy tìm tông tích nạn nhân.
Nhật Thanh cứ khóc thét lên đòi mẹ. Cho đến khi cậu mòn mỏi ngủ thiếp trên tay một anh cảnh sát giao thông còn trẻ măng.
Nhật Quang cố nén đau thương để làm thủ tục nhận xác vợ và đến đồn công an nhận lại con. Sau cơn say, Nhật Quang vô cùng hối hận. Anh chạy vội đi tìm thì nhận được tin dữ.
Ôm thi thể lạnh giá của người vợ hiền, Nhật Quang gào lên:
- Xuân Mai! Tha thứ cho anh... Anh là một thằng đàn ông khốn nạn, một người chồng tội lỗi.
Những ánh mắt bất mãn nhìn anh:
- Một người trí thức mà có thể hành động như thế với vợ mình sao?
Những cái trề môi khinh bỉ dành cho anh:
- Thời buổi này vàng thau lẫn lộn, khó mà phân biệt được.
Ba mẹ Xuân Mai chết lặng bên xác con. Tiếng kêu gào của bà Xuân Ái như những mũi dao đâm xoáy vào tim anh:
- Con ơi! Nếu không ở được với chồng thì về với cha mẹ. Đi đâu lang thang ngoài đường giữa đêm khuya mà chết thầm như thế con ơi.
Nhật Quang không thể nói gì hơn, anh quỳ xuống bên thi hài của vợ mà nghe sự phán xét của mọi người...
...
Giọng ông Nhật Quang sũng đầy nước mắt:
- Đau thương tột cùng đau thương. Sau khi mai táng Xuân Mai, anh không thể nào ở lại vùng đất đầy kỷ niệm tang thương. Anh bán hết những gì mình có, đưa Nhật Thanh lên đầy lập nghiệp. Ban đầu anh chỉ có vài mẫu để trồng trà và cà phê. Sau đó thì em biết mà... Dân kinh tế đâu có chịu ngồi yên. Anh đã đem sự khổ đau, hối hận của mình biến thành niềm tin và sức mạnh để sống và làm việc. Anh phải lo cho Nhật Thanh một tương lai tốt đẹp để một phần nào chuộc lại lỗi lầm với Xuân Mai.
Bà Thùy Trâm lặng thinh ngồi nghe ông nói. Bà muốn để cho ông trút hết nỗi lòng của mình đã chất chứa mấy chục năm nay.
- Anh quả thật là một thằng đàn ông tồi tệ. Chỉ sám hối ăn năn thôi thì làm sao mà xóa hết lỗi lầm.
Bà an ủi ông:
- Trong cuộc sống, ai cũng có một lần lầm lỡ. Em tin rằng ở một phương trời nào đó, Xuân Mai sẽ hiểu và tha thứ cho anh. Cô ấy vốn là người độ lượng mà.
Bà Thùy Trâm chuyển sang vấn đề chính:
- Mục đích của em về đây tìm gặp anh, ngoài việc muốn thăm bạn cũ, em còn có một việc khác rất quan trọng.
- Việc hợp tác liên doanh xuất khẩu trà và cà phê?
Bà Thùy Trâm gật đầu:
- Phải!
- Sao em biết việc anh lên Tây Nguyên mà tìm?
- Tình cờ em gặp Hoàng Kỳ đi du lịch ở Mỹ. Anh ấy đã cho em biết tất cả những thông tin về anh. Đất nước ta đang ở trong xu thế hội nhập. Việc Việt Nam gia nhập vào WTO là một điều lớn để các doanh nghiệp mình có thế mạnh trong thị trường quốc tế.
- Anh sẽ tạo cho cây trà và cà phê một tầm cao bởi chất lượng của sản phẩm.
Bà Thùy Trâm mừng rỡ:
- Anh nói thế, nghĩa là anh chấp nhận hợp tác với em?
- Anh đã suy nghĩ rất nhiều. Anh phải tạo được chỗ đứng quan trọng của cây trà và cà phê. Nếu mình bức phá được, đưa trà và cà phê xuất khẩu thì mức tiêu thụ sẽ tăng cao. Vừa đem lợi ích cho người trồng mà còn gây thanh thế, uy tín cho cả một quốc gia nữa.
- Đại diện cho công ty đang kinh doanh tại Hoa Kỳ, em chính thức ký hợp đồng với anh.
Ông Nhật Quang mỉm cười:
- Chuyện đó chúng ta cứ để từ từ cái đã.
Bà Thùy Trâm sốt ruột:
- Từ từ là bao giờ hả anh?
- Thì sáng mai! Em cứ đến cửa hàng của anh ngoài thị trấn, ở đó chúng ta sẽ chánh thức bàn bạc những điều khoản để đi đến thỏa hiệp.
- Còn bây giờ?
- Hai đứa con của chúng ta đang chờ mình ở ngoài. Thôi thì bốn chúng ta cùng nhau tẩy trần một bữa cho bọn trẻ làm quen nhau.
- Con gái em, tính khí nó rất bướng bỉnh.
- Còn con trai anh thì ngang tàng chẳng hạ mình với ai, dù là con gái đẹp.
- Hãy cho chúng có dịp tranh đấu với nhau. Xem ai sẽ chào thua ai.
- Anh không muốn con trai anh phải theo vết xe đổ của anh. Anh sợ khi nó có tình cảm rồi thì con em lại bỏ con anh mà đi. Cũng như ngày xưa em...
- Đừng nhắc chuyện cũ nữa, Nhật Quang. Chúng ta hãy sống, hãy đấu tranh vì cuộc sống mới.
Ông Nhật Quang chìa tay ra:
- Nhất định thế!
Bà Thùy Trâm cũng đưa tay ra. Cả hai cùng siết chặt tay nhau với niềm tin sâu sắc.
Trong lúc cả hai hài hòa với nhau, cởi mở những oán hận tình sầu thì bên ngoài, Nhật Thanh và Thùy Dương đang cau có:
- Không biết họ bàn bạc với nhau thế nào mà lâu quá không thấy nhúc nhích.
Nhật Thanh quạu quọ:
- Cô đừng có đi qua đi lại như chong chóng như thế có được không?
Thùy Dương nghênh chiến:
- Tôi đi hay đứng đó là quyền của tôi, đâu có liên quan gì đến anh hả?
- Tại sao không liên quan? Cô làm cho tôi hoa cả mắt.
- Anh đang nhìn lén tôi đó hả?
Nhật Thanh trề môi:
- Ai thèm nhìn cô.
- Không nhìn tôi, sao anh biết là tôi đi qua đi lại hả?
- Ở đây chỉ có tôi với cô cùng chờ đợi. Tôi không biết chuyện đi đứng của cô mới là chuyện lạ đó.
- Tôi không biết tại sao mẹ tôi cứ khăng khăng đòi phải hợp tác cho bằng được với ba anh? Nếu cần phải liên doanh hợp tác thì ở cái vùng cao này thì thiếu gì người chứ.
- Thật tình là cô không hiểu hay sao?
- Anh biết à?
Nhật Thanh khinh khỉnh:
- Biết chứ!
- Anh nói đi?
- Vì mẹ cô đang mắc nợ ba tôi.
- Mắc nợ?
Nhật Thanh gật đầu:
- Phải!
- Nợ gì?
- Nợ tình!
- Nợ tình?
- Phải!
Thùy Dương cười to khiến Nhật Thanh bực mình:
- Cô cười gì?
- Tôi cười anh khéo vẽ chuyện hoang đường. Ba anh ở Việt Nam, mẹ tôi ở tận bên Mỹ, làm sao mà có chuyện nợ nần như chứ?
- Trước khi sang Mỹ, mẹ cô đã từng ở Việt Nam?
- Phải!
- Thì cái thời thanh mai trúc mã đó, hai người đã từng có những ân oán tình thù với nhau.
- Thế thì có lẽ là tại ba anh.
Nhật Thanh nổi nóng:
- Tại ba tôi thì đâu có lý do gì mà mẹ cô phải lặn lội đến đây tìm? Cô xem ở cái thị trấn này, nếu không có mẹ cô thì vẫn nhộn nhịp, tưng bừng nhịp sống và cô nhìn xem.
Thùy Dương tò mò nhìn theo bàn tay của Nhật Thanh. Anh cao giọng:
- Dù có vô tình đến đâu thì ai cũng phải công nhận rằng giữa núi đồi sừng sững, Cao nguyên vẫn xanh mượt với những bông trà trắng mượt.
- Ý anh là...
Nhật Quang nhún vai:
- Nếu thông minh, ắt là cô phải hiểu.
Thùy Dương bỗng thấy ghét cay ghét đắng cái người đối diện. Nếu không vì mẹ, cô đã bỏ về từ lâu, cô không thèm ngồi đây để mà nghe hắn chỉ trích đâu.
- Sao? Tôi nói ngay nhược điểm của mẹ con cô rồi phải không?
Tưởng lặng thinh là có thể thoát khỏi tay Nhật Thanh, nào ngờ anh ta lại quá nhỏ mọn đến thế. Anh quyết tấn công cô đến đường cùng thì cô sẽ không dễ dàng chịu thua anh.
- Anh nên tỏ thái độ đứng đắn để chứng tỏ mình là người có giáo dục.
Nhật Thanh trợn mắt nhìn cô:
- Cô nói sao? Cô vin vào lý do nào mà cho tôi là hạng người vô giáo dục hả.
- Anh tự hỏi mình thì khắc biết.
- Tôi đã làm gì cô? Sàm sỡ cô sao?
- Anh dám hả?
- Nếu không thì tại sao cô dám bảo tôi là hạng ấy?
- Nếu anh cần biết, tôi sẽ nói cho anh biết. Mẹ tôi dù thế nào cũng đáng tuổi cha mẹ anh. Anh có thể gọi bằng dì, bằng bác. Anh cứ một tiếng “mẹ con cô”, hai tiếng “mẹ con cô” có phải là trịch thượng lắm không?
Nhật Thanh nghe những lời của Thùy Dương, anh cũng cảm thấy mình thật quấy. Dù có ghét cay ghét đắng Thùy Dương, anh phải công nhận là những lời của cô rất chí lý:
- Xin lỗi cô.
- Tôi không cần những lời xin lỗi của anh. Đã không tôn trọng nhau thì sự hợp tác của chúng ta xem như không hể thực hiện:
- Ai nói với cô như thế?
- Thái độ của anh.
- Tôi lúc nào cũng công tư phân minh. Tôi có lỗi thì tôi nhận lỗi, còn việc hợp tác liên doanh là quyền và trách nhiệm của bề trên. Chúng ta chỉ là người thừa hành nhiệm vụ thôi.
- Nhật Thanh nói đúng đó, Thùy Dương à.
Bà Thùy Trâm và ông Nhật Quang cùng bước tới. Bà giải thích với con gái:
- Việc hợp tác liên doanh là chuyện lớn, không thể vì chuyện cãi vã nhỏ nhặt của trẻ con mà ảnh hưởng được.
Thùy Dương nũng nịu:
- Mẹ? Trước mặt người lạ, sao mẹ lại cho con là trẻ con hả?
Ông Nhật Quang xen vào:
- Bác và Nhật Thanh không phải là người lạ đâu cháu. Nhưng có sao đâu, càng trẻ con thì càng dễ thương, vô tư con à.
- Vậy nếu con là trẻ con thì phải lặng thinh, chấp nhận mọi sự an bài của người lớn sao?
Ông Nhật Quang lắc đầu:
- Không phải thế, vì đâu phải lúc nào người lớn cũng đúng cả. Có khi họ phải lắng nghe những ý kiến, những phát minh độc đáo của lớp trẻ.
- Bác nói thế là để an ủi cháu đó hả? Nếu thế thì không cần lắm đâu.
- Cháu đừng hiểu lầm ý bác. Bác rất chân tình. Cháu không hiểu hết người già đâu. Tuy họ sống thâm Trầm, nhưng họ rất thích sự vui vẻ, cởi mở của lớp trẻ.
Rồi ông quay sang Nhật Thanh:
- Nhật Thanh! Con là đàn ông con trai, phải tỏ ra mình là một đại trượng phu. Đừng có nhỏ nhoi tranh chấp từng lời với con gái như thế.
- Con không thích tán dương, nịnh hót phụ nữ.
- Ba không bắt buộc con làm thế. Nhưng con phải tỏ thái độ lịch sự với phụ nữ, nhất là đối tác của mình. Đừng có hở một câu là móc ruột móc gan người ta vậy.
- Ba chỉ nhìn một phía mà đánh giá thôi. Cô ta không phải là tay vừa đâu ba.
Bà Thùy Trâm xen vào:
- Chúng ta đừng tranh luận chuyện đó nữa. Mình hãy cùng nhau ăn một bữa ăn thật vui đi “Vạn sự khởi đầu nan”, chúng ta hãy tạo niềm vui mà hợp tác tốt.
Trước lời lẽ chân tình cùng sự dịu dàng của bà Thùy Trâm đã thay đổi được cái không khí căng thẳng. Tất cả đều gật đầu đồng ý. Họ cùng bước vào bàn ăn đã được dọn sẵn ở một phòng riêng.
Suốt bữa ăn, Thùy Dương cứ líu lo với mẹ, trong khi Nhật Thanh cứ im lặng không nói gì.
Ông Nhật Quang ý nhị:
- Nhật Thanh! Thức ăn không hợp khẩu vị con à?
- Không phải...
- Thế sao con vẻ như là không thích? Con không đá động đến món nào cả.
Nhật Thanh chống chế:
- Có lẽ con không khỏe.
Ông Nhật Quang cuống quít:
- Con thấy trong người thế nào hả? Không khỏe sao không nói cho ba biết?
Nhật Thanh chưa kịp trả lời thì Thùy Dương đã trề môi:
- Làm bộ giống trẻ con vòi vĩnh thôi. Lúc nãy tranh cãi rất hăng thì bây giờ làm sao mà bệnh cho được.
Nhật Thanh lườm mắt:
- Không liên quan đến cô.
- Tôi chỉ cảm thấy thương cho bác đây thôi. Người lớn không được người trẻ chăm sóc mà ngược lại người già phải chăm sóc cho người trẻ sức mạnh như voi rừng vậy.
- Tại sao cô dám ví tôi như động vật hả?
Nhật Thanh sừng sộ lên. Thùy Dương vẫn tỉnh bơ:
- Không dám! Anh nói quá lời rồi. Tôi đâu có dám thế.
- Không dám mà cô bảo tôi là voi rừng à?
Thùy Dương cười nhạt:
- Chỉ có anh là không thích mình có sức mạnh thôi, chứ còn ai cũng thích mình mang một sức mạnh như voi, như hổ báo trong rừng.
- Tôi biết là cô không phải nghĩ thế đâu. Cô đang mai mỉa tôi đó thôi.
- Anh thật là giỏi tài suy đoán, thôi thì anh chuyển nghề luôn đi. Đừng kinh doanh nữa mà làm thầy bói đi.
- Tôi đâu có đui mà phải mò chỉ tay người ta để kiếm ăn, hả?
Bà Thùy Trâm giảng hòa:
- Thôi, cho dì xin đi Nhật Thanh. Rồi đây hai đứa sẽ hợp tác kinh doanh, còn có rất nhiều vấn đề để bàn bạc. Nếu có gây gổ với nhau hoài, mất hòa khí mãi, làm sao mà thống nhất được ý kiến.
Ông Nhật Quang cũng gật đầu:
- Phải! Dì Thùy Trâm nói phải đó con. Đừng vì một chút bất đồng mà hỏng cả việc lớn.
Nhật Thanh còn biết nói sao hơn là cúi đầu lặng thinh với bao ý nghĩ:
- Dù sao mình cũng là đàn ông con trai. Đi tranh cãi với con gái mãi thành ra đàn bà mất.
Thùy Dương cũng suy tư:
- Mẹ đang vui. Mình không thể vì chuyện nhỏ nhặt mà làm cho mẹ buồn được.
Thấy cả hai cùng im lặng, bà Thùy Trâm và ông Nhật Quang cùng nâng ly phá tan không khí nặng nề:
- Nào! Bốn chúng ta cùng nâng ly, chúc mừng mọi sự tốt đẹp.
Nhật Thanh và Thùy Dương tuy miễn cưỡng nhưng cũng vẫn nâng ly. Ly rượu vàng óng ánh vừa cay vừa mang vị ngọt thơm thơm. Họ tạm quên đi những hiềm khích, nhỏ nhoi để hướng về những mục tiêu lớn.
Trước khi ký hợp đồng, Nhật Thanh đưa ra đề nghị:
- Thưa dì, con thấy là trước khi ký hợp đồng, chúng ta cần thống nhất với nhau một điều.
- Điều gì cháu cứ nói. Chúng ta còn trong thời gian bàn bạc mà.
- Về phía bên con sẽ đảm bảo về chất lượng của sản phẩm và số lượng. Còn bên dì, dì phải ký kết đảm bảo tuyệt đối về giá cả và thu nhận. Nếu bên nào sai nguyên tắc thì bên ấy sẽ chịu mọi thiệt hại phí tổn và đền bù.
- Điều đó là một điều khoản tất nhiên phải có trong hợp đồng kinh tế.
Ông Nhật Quang phấn chấn:
- Nếu không có gì để bàn thêm, chúng ta cùng ký hợp đồng đi.
Một không khí im lặng trang nghiêm cần có trong khoảng thời gian ký thỏa hiệp. Tiếng cây bút lướt nhẹ trên giấy, tiếng sột soạt của từng trang hợp đồng được lật qua.
Bà Thùy Trâm và ông Nhật Quang trịnh trọng trao hợp đồng cho nhau.
Trong giây phút này, họ không nghĩ rằng họ là những người bạn thân thiết mà là những đối tác đang thực hiện những điều luật của ngành kinh tế.
- Mẹ! Con muốn đi thực tế xuống đồi trà và cà phê.
Bà Thùy Trâm nhìn ông Nhật Quang. Không hiểu vô tình hay cố ý, ông Nhật Quang bảo Nhật Thanh:
- Nhật Thanh! Con đưa Thùy Dương đi tham quan đồi trà đi con.
Nhật Thanh trố mắt nhìn cha:
- Con? Con đưa cô ta đi hả?
- Nhật Thanh! Đây là phép lịch sự và là bổn phận của chúng ta.
Cha đã nói thế thì Nhật Thanh đâu có lý do gì mà từ chối chứ. Anh ỉu xìu:
- Thôi được, con sẽ đi!
Anh quay sang Thùy Dương:
- Cô định bao giờ đi hả?
- Ngay bây giờ!
- Ngay bây giờ hả?
- Phải! Ngạn ngữ có câu “thời gian là vàng bạc” mà. Ai mà không biết tiết kiệm thời gian, thì kẻ ấy đang sống hoài sống phí vậy.
- Ở đây, ngay đến một đứa con nít, nó cũng hiểu câu nói ấy. Cô không cần phí thời gian triết lý. Điều tôi cần nhắc với cô là bây giờ trời đang đổ lửa, cô không ngại bị nắng thiêu thành thỏ dân châu Phi thì cứ đi. Tôi đâu có ngại.
Thùy Dương trề môi:
- Bộ anh tưởng con gái thì ai cũng sợ nắng hết hay sao? Ở Mỹ, bọn tui còn phải ra bãi biển phơi da cho sạm lại, nhưng rất tiếc là không được như ý. Nếu bây giờ tôi về Tây Nguyên mà bị nắng gió ở đây làm cho sạm da lại đúng mốt hơn, thì tôi nghĩ, Tây Nguyên sẽ là một điểm hẹn lý tưởng cho khách nước ngoài và Việt kiều đó.
- Ý cô là...
- Anh không đủ thông minh để hiểu lời nói của tôi hay sao?
- Tôi hiểu lắm chứ.
- Đã hiểu sao còn phải hỏi lại?
- Bởi vì lời nói của cô đã tạo cho tôi một ý tưởng.
- Ý tưởng gì?
- Thành lập một khu du lịch sinh thái ở Tây Nguyên. Tôi sẽ lợi dụng nó để giới thiệu với khách hương vị cà phê đậm đà của vùng Cao nguyên này.
- Anh nói nghe sao mà hấp dẫn quá. Nhưng không biết anh có làm được hay không?
Nhật Thanh giơ nắm tay mình lên:
- Cô đừng quên tôi là chuyên viên kinh tế nghe. Đừng xem thường khả năng của tôi chớ.
- Tôi chưa bao giờ dám xem thường ai cả. Nếu xem thường anh, tôi làm sao dám phó thác sinh mạng của tôi cho anh mà nhờ anh đưa tôi đi khám phá Tây Nguyên chứ.
Ông Nhật Quang và bà Thùy Trâm, thúc hối:
- Hai đứa cứ ở đây mà đấu khẩu mãi thì trời sẽ chiều mất thôi.
Nhật Thanh phấn chấn hẳn lên:
- Con sẽ làm tốt nhiệm vụ hướng dẫn viên của mình.
- Còn con, sau khi thám hiểm một vòng núi rừng Tây Nguyên, con sẽ có nhiều bức tranh tuyệt đẹp.
- Mẹ chờ ở con đó. Mẹ tin là con sẽ gây nhiều ấn tượng cho giới mỹ thuật trong kỳ triển lãm này.
Ông Nhật Quang và Nhật Thanh hiếu kỳ hỏi:
- Thùy Dương thuộc ngành hội họa sao?
Bà Thùy Trâm có vẻ tự hào về con gái mình:
- Phải! Thùy Dương đã tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hoa Kỳ. Tranh của nó rất được nhiều người thích và giới chuyên gia đánh giá cao. Lần này theo tôi về Việt Nam là nó muốn được tận mắt nhìn thấy núi rừng hùng vĩ quê hương. Mong rằng nó sẽ tìm thấy sự hứng thú cho mình.
- Thế thì dù phải làm một hướng dẫn viên bất đắc dĩ, con cũng không buồn.
Vì dù sao mình cũng có những đóng góp tích cực cho ngành mỹ thuật.
- Vậy thì anh đưa tôi đi ngay đi.
Nhật Thanh chìa tay:
- Xin mời!
Thùy Dương chào mẹ và ông Nhật Quang:
- Xin phép bác và mẹ con đi.
- Đi đi con!
Hai người bạn cũ cùng nhìn nhau mỉm cười:
- Mọi việc đâu cũng vào đấy thôi. Bọn trẻ cự cãi với nhau mãi rồi cũng chán.
Rồi chúng sẽ nhanh chóng hiểu nhau thôi.
Nắng lung linh tỏa xuống ngàn cây như muôn vạn tinh quang lấp lánh.
Bông trà trắng mướt phủ kín một vùng đồi. Thiên nhiên quyến rũ gợi bao tình.
Nét đẹp nghìn đời của núi rừng bao giờ cũng đầy ắp những ý thơ.
- Đẹp! Đẹp thật! Giá như bây giờ có giá vẽ và mực, nhất định tôi sẽ có một bức tranh tuyệt mỹ.
- Tiếc thật! Tôi cũng muốn chứng kiến tài hội họa của cô.
Thùy Dương cười thật tươi. Nụ cười của cô bỗng nhiên đẹp làm sao:
- Tôi có có niềm đam mê thôi chớ tài năng thì có bao nhiêu.
- Dù sao tôi cũng ngưỡng mộ cô.
- Anh nói thật hả?
- Thật! Dân kinh tế chúng tôi, ai cũng bảo là cứng ngắt, nhưng riêng tôi, tôi cũng có niềm say mê của mình. Tôi rất yêu nghệ thuật.
- Về lĩnh vực nào?
- Tất cả!
- Anh tham lam quá!
- Đâu có quá đáng đâu. Tình yêu mà, đâu có hạn chế phải không, Thùy Dương?
Thùy Dương gật đầu đồng tình.
- Phải! Tình yêu rất bao la rộng lớn. Không có giới hạn nào có thể ngăn chặn được tình yêu thật sự.
- Tôi không hiểu nhiều về tình yêu, nên đề tài này tôi khó mà tranh luận với cô được.
Thùy Dương nhìn anh:
- Từng trải như anh mà không hiểu về tình yêu, ai mà tin cho được.
- Tôi chỉ sống sôi nổi với tuổi trẻ thôi. Thật sự, tôi chưa nghe trái tim mình rung động đúng nghĩa.
- Tôi có thể tin anh không?
- Tùy cô! Tôi không ép buộc.
- Anh lung tung quá! Lúc gọi là Thùy Dương thân thiện, lúc này “cô cô”, nghe lạnh lùng quá.
- Tôi xin lỗi.
- Anh thấy mình có lỗi sao?
- Tôi không biết.
- Bỗng dưng anh hiền như nai, không hung hãn như...
- Như thú rừng phải không?
- Tôi đâu dám nói thế.
Nhật Thanh bỗng dưng thấy mình dịu lại cơn hằn học. Anh không muốn cãi vã với Thùy Dương nữa.
- Tôi muốn đưa Thùy Dương đến một nơi.
- Nơi nào?
- Đến rồi sẽ biết mà.
Nhật Thanh kéo tay Thùy Dương chạy băng băng qua đồi trà, vượt qua rừng cà phê đến nơi công nhân đang làm việc.
- Thùy Dương! Cô có thấy công nhân họ đang làm việc rất vất vả hay không?
- Tôi lại thấy đây là một bức tranh thật đẹp, thật hoàn mỹ. Nhịp sống khẩn trương của một vụ mùa bội thu. Đây mới là chất riêng là nét đẹp thuần túy của người dân bản xứ.
- Cậu chủ! Cậu chủ xuống kìa...
- Chào cậu chủ!
Nhiều công nhân bước lại chào Nhật Thanh với sự kính nể:
- Bạn gái của cậu chủ đẹp quá.
Những tiếng nói lơ lớ của những cô gái bản Thượng vang lên. Thùy Dương ngượng ngùng nhưng không tiện đính chính:
- Thùy Dương đừng ngại. Ở đây, mọi người sống chân thật lắm.
- Nhưng họ lại hiểu lầm tôi là bạn gái của anh.
Nhật Thanh chưa biết phải trả lời sao với Thùy Dương thì Hơ Mí chạy đến:
- Cậu chủ! Cậu chủ!
- Chuyện gì vậy, Hơ Mí?
- Em muốn xin phép cậu chủ cho em được nghỉ một ngày.
- Hơ Mí về trên bản hả?
- Dạ.
- Gia đình Hơ Mí có việc à?
- Dạ không.
- Vậy Hơ Mí nghỉ để làm gì?
- Em muốn về bản để dự lễ hội được mùa của bản thôn.
Thùy Dương reo lên.
- Hay quá! Tôi đã được nghe kể rất nhiều về những lễ hội của những đồng bào thiểu số. Nó mang đậm tính chất văn hóa, giàu bản sắc dân tộc.
Hơ Mí nhìn Thùy Dương trân trối khiến cô e ngại:
- Sao? Tôi nói sai à?
Hơ Mí lắc đầu:
- Không, chị không nói sai.
- Sao chị nhìn tôi dữ vậy?
- Vì chị đẹp quá!
- Tôi đẹp hả?
- Phải. Chị đẹp lắm!
- Chị cũng đẹp lắm!
- Không. Em đâu có đẹp.
- Sao chị biết mình không đẹp?
- Vì em đen đúa, xấu xí chớ không trắng da mịn tóc như chị.
Thùy Dương cảm thấy thích cái nét chân thật, hồn nhiên của Hơ Mí. Cô gái vùng cao với đôi chân trần, chiếc váy hoa xòe rộng đang tung tăng giữa núi đồi sơn cước. Trong đầu Thùy Dương lại hình thành một bức tranh sống động. Cô nghĩ nếu được theo Hơ Mí lên bản Thượng, ắt hẳn là sẽ có nhiều điều thích thú hơn.
- Tôi muốn được theo chị lên bản dự lễ hội. Chị nghĩ thế nào? Có được không?
Hơ Mí nhìn thật nhanh như hỏi ý. Nhật Thanh nhăn nhó:
- Cô đừng có lấy cái đầu óc phong phú của mình ra mà nghĩ ngợi lung tung nghe.
- Cái gì mà lung tung hả?
- Nếu cô không sợ phiền thì tôi rất là sợ.
- Liên quan gì đến anh?
- Sao lại không liên quan hả? Nếu cô nhất định theo Hơ Mí lên bản Thượng, thì chắc chắn một điều là tôi phải đi theo.
- Anh có thể không đi.
- Tôi không muốn đi cũng không được. Vì thế nào ba tôi cũng bắt buộc tôi theo cô để làm bảo vệ cho cô.
- Anh có thể từ chối.
- Tôi vừa là con vừa là thuộc cấp của ba tôi cô nghĩ tôi có thể không đồng ý hay sao?
- Nhưng không lẽ vì thế mà tôi phải từ bỏ sự hứng thú của mình hay sao?
- Cô có thể chuyển hướng sang sự hứng thú với đề tài khác mà.
Thùy Dương nhìn Nhật Thanh, hỏi:
- Nếu bây giờ có ai đó bảo anh từ bỏ chính mình, anh có đồng ý hay không?
Không cần suy nghĩ, Nhật Thanh lắc đầu:
- Đương nhiên là không.
- Thế tại sao anh lại bảo tôi từ bỏ sự đam mê của mình hả?
- Cô...
Nhật Thanh đuối lý hẳn trước sự kiên quyết của Thùy Dương:
- Thôi, tùy cô! Tôi không tranh cãi nữa.
Thấy Nhật Thanh ỉu xìu, Thùy Dương bật cười:
- Trông anh kìa! Làm gì mà tiu nghỉu thế? Bộ đi chơi với tôi, anh không thích sao?
- Tôi... tôi...
- Thế nào hả?
- Tôi đâu có nói vậy.
- Như thế là anh đồng ý cùng đi với tôi lên bản Thượng phải không?
- Không đồng ý, liệu có yên thân với cô hay không?
- Bộ tôi dữ dằn lắm hả?
- Tôi không thích đánh giá về ai cả. Xin miễn trả lời!
- Đi với tôi, anh không hối hận đâu.
- Tại sao cô có thể khẳng định như thế?
- Tôi tuy sống ở nước ngoài, nhưng tôi đã nghiên cứu nhiều về nền văn hóa của Việt Nam. Trong đó có nét độc đáo của dân tộc thiểu số.
- Cô biết gì về họ, hả?
- Anh đừng xem thường tôi nhé. Tôi biết là Việt Nam ngoài người Kinh ra, còn có một số dân tộc khác cùng sinh sống như:
Mán, Mường, Mèo, Tày vân vân và vân vân. Họ sống như một cộng đồng dân cư tập trung nhiều ở vùng núi.
Họ sống ở những chiếc nhà rông xinh xắn. Họ làm rẫy, làm nương, săn thú rừng để mưu sinh...
Thùy Dương ngưng lời nói của mình lại, khiến Nhật Thanh sốt ruột:
- Còn gì nữa? Sao không nói luôn hả?
- Nói thì nói chứ. Đặc biệt là trong tập tục của họ, có rất nhiều lễ hội. Đại khái là lễ hội “Được mùa” như Hơ Mí vừa nói.
Thấy Nhật Thanh say mê lắng nghe, Thùy Dương càng hứng thú:
- Những đêm lễ hội càng vui hơn. Dân bản tập trung ở nhà cộng đồng, những cô gái chàng trai ăn mặc thật đẹp, các cô gái được dịp xòe những chiếc váy hoa rực rỡ, xòe cong những bàn tay mang những chiếc vòng xinh xắn, múa những điệu mang tính chất bản sắc của dân tộc.
Nhật Thanh cũng hào hứng. Anh quên là mình đang chống đối Thùy Dương:
- Tôi còn được biết là ở Tây Nguyên này còn có một nghệ thuật rất độc đáo là trai gái dùng những chiếc lá rừng thổi lên những điệu nhạc giao duyên. Họ sẽ tìm nhau qua tiếng nhạc giao tình.
- Lãng mạn thật!
- Từng đôi trai gái sẽ cùng nhau nhảy những vũ điệu của bản địa, ăn cốm dẹp, uống rượu cần, nghe hương thơm của núi rừng lan tỏa trong lòng người.
- Thật hấp dẫn!
- Phải, rất hấp dẫn!
- Thế tại sao anh không đi cùng tôi, hả?
- Ai nói là tôi không đi chứ?
- Nhưng anh đi bằng sự miễn cưỡng thì tôi đâu có gì vui.
- Tôi giống như là miễn cưỡng hay sao?
- Vậy là anh hoàn toàn hết tâm ý đi với tôi? - Thùy Dương nói như reo.
Nhật Thanh nhìn cô lắc đầu:
- Cô gái này quả là có sức thu hút kỳ lạ. Mình đã bị lôi cuốn theo tính hiếu kỳ, thích khám phá của cô ta mất rồi.
Diễm Quyên tức tối, sừng sộ với Nhật Thanh:
- Anh làm gì với cô ta suốt ngày nay trong đồi trà, hả?
Nhật Thanh nhíu mày nhìn Diễm Quyên:
- Diễm Quyên! Em làm sao vậy?
- Làm sao là làm sao? Anh có biết là em đau khổ lắm không?
- Đau khổ?
Nhật Thanh nhìn Diễm Quyên:
- Từ này hình như rất lạ đối với em à, Diễm Quyên.
- Nhật Thanh! Anh có thể vô tình đối với em như thế sao?
- Anh không nghĩ là mình có sức ảnh hưởng đến em như thế, Diễm Quyên.
Giữa chúng ta chỉ là những cuộc vui rồi sau đó...
- Sau đó thì không ai biết đến cuộc sống của ai, phải không? Nhật Thanh!
Chúng ta không thể sống mãi như thế. Chúng ta cần có tình yêu.
- Nhưng tình yêu không thể có giữa chúng ta.
- Vậy tình yêu có thể có giữa anh và cô ta sao?
Nhật Thanh lắc đầu:
- Anh cũng không biết. Nhưng hiện tại anh và Thùy Dương chỉ là quan hệ giao dịch giữa chủ đầu tư và khách hàng.
- Em có thể tin ở những điều anh vừa nói, bởi em biết rằng anh không dễ dàng đánh mất tình cảm giữa chúng ta.
- Đừng ngộ nhận nữa, Diễm Quyên. Một lần nữa anh muốn nhắc lại với em rằng, giữa chúng ta không hề có tình yêu.
Diễm Quyên hét lên:
- Có! Em tin là có. Chỉ cần chúng ta thật sự đến với nhau thì sẽ có tình yêu thôi mà.
- Mấu chốt là ở vấn đề đó. Chúng ta từ trước đến nay chưa hề thật sự đến với nhau, tất cả chỉ là một cuộc chơi thôi mà.
- Nếu thật sự là thế thì em đâu cần phải van vỉ với anh Nhật Thanh. Em đã thật sự yêu anh mất rồi, Nhật Thanh ơi.
- Anh nghĩ là em lại càng ngộ nhận hơn khi nghĩ rằng em yêu anh. Không, em không hề yêu anh. Em chỉ muốn chiếm hữu anh, em không can tâm khi thấy mình thất bại thôi.
Diễm Quyên ràn rụa nước mắt:
- Nhật Thanh! Chẳng lẽ bao năm qua rồi mà anh vẫn không thể hiểu được tình cảm của em sao? Không lẽ anh vô tình với em đến như thế sao?
- Không phải là anh vô tình, nhưng thật sự là không có tình. Từ trước đến nay, chúng ta chỉ hợp tác với nhau trong những cuộc vui thôi. Ai cũng nghĩ chúng ta là một đôi, nhưng thật sự chúng ta chưa hề yêu nhau.
Diễm Quyên thở dài:
- Có thể là anh không yêu em, nhưng em đã yêu anh mất rồi, Nhật Thanh ơi.
- Anh xin lỗi, Diễm Quyên. Nhưng anh mong em hãy hiểu cho anh, tình yêu phải đến từ sự rung động của trái tim. Không thể có bằng sự gượng ép hay thương hại được.
- Em hiểu.
- Nếu em hiểu thì anh mong em đừng gây khó dễ gì cho anh. Hãy giữ lại những tình cảm tốt đẹp giữa chúng ta.
- Em muốn hỏi anh một câu, anh hãy thật lòng mà trả lời với em nghe.
- Anh hứa!
- Nếu không có cô ta, anh có yêu em không?
- Anh không biết!
- Tại sao?
- Tại vì cho đến bây giờ, anh và Thùy Dương vẫn chưa có gì cả. Cô ta đến đây giao dịch, xong cô ta lại đi về Mỹ. Tất cả chỉ là vậy thôi.
- Nếu chỉ là quan hệ giữa chủ doanh nghiệp và khách hàng thì anh và cô ta đâu có cần thân thiết như vậy.
Nhật Thanh nhíu mày:
- Diễm Quyên! Em lại xen vào chuyện riêng của anh nữa rồi.
- Em xin lỗi.
Diễm Quyên! Em đừng có quan trọng hóa vấn đề như thế. Hãy xem như không có chuyện gì xảy ra. Chúng ta vẫn là bạn. Mình cứ sống như những ngày trước kia.
- Như thế là sao hả anh?
- Thì chúng ta vẫn là bạn, vẫn vui vẻ trong những cuộc vui như từ trước đến nay.
Diễm Quyên mừng rỡ:
- Thật hả anh?
- Việc này thì anh không nói dối, nhưng có điều anh cần nhắc lại cho em hiểu mà tôn trọng nguyên tắc của chúng ta.
- Anh cứ nói đi. Em hiểu mà!
- Đừng bao giờ bắt buộc anh phải yêu em.
Diễm Quyên tuy thất vọng nhưng vẫn cố gượng vui:
- Em hiểu.
Không hiểu rõ những ý nghĩ trong lòng của Diễm Quyên, Nhật Thanh hồ hởi:
- Diễm Quyên! Cám ơn em đã thông cảm cho anh.
- Nhật Thanh! Em được cùng anh vui vẻ như từ trước đến nay là em đã mãn nguyện lắm rồi. Em đâu dám mơ ước gì hơn.
- Diễm Quyên! Không có gì làm chúng ta không vui vẻ cả.
Diễm Quyên nắm chặt tay Nhật Thanh:
- Nhất định như thế nghe anh.
Tuy không nắm chắc được trái tim của Nhật Thanh, nhưng Diễm Quyên vẫn hy vọng:
- Chỉ cần Nhật Thanh chưa yêu ai thì cơ hội vẫn còn có thể đến với mình mà.
Mình sẽ tận dụng tất cả những gì mình có để Nhật Thanh tự nguyện đến với tình yêu của mình. Mình tin Nhật Thanh không phải là một con người có trái tim sắt đá.
Diễm Quyên yên lòng với ý nghĩ của riêng mình.
Từng nhà trong thôn đã thu hoạch xong. Lúa, ngô, khoai đã chất đầy trong nhà. Mọi người náo nức mừng ngày hội được tổ chức theo tập tục của buôn làng. Các cô gái trong buôn được dịp khoe những chiếc váy hoa rực rỡ nhiều màu sắc như những chú bướm mùa xuân.
Đêm nay, trên sân nhà cộng đồng, nơi tập trung dân bản đã hội họp hay lễ hội thật đông vui, một đống củi to chất giữa sân để đốt lửa. Trai gái trong bản sẽ có dịp trổ tài xòe những bàn tay cong vút trong điệu nhảy dân tộc.
Nhật Thanh cùng Thùy Dương đến bên một người con trai đang mang cái chiêng trên mình.
- Anh có thể cho tôi đánh cái chiêng này, được không?
- Được chứ!
Anh thanh niên nhoẻn miệng cười để lộ hàm răng trắng tinh.
- Nhưng khó lắm đấy. - Giọng anh lơ lớ nhưng thật dễ thương.
Thùy Dương lắc tay:
- Đâu có khó. Tôi thấy anh đánh rất dễ mà.
- Tuy rằng dễ, nhưng nếu không am hiểu nghệ thuật của nó thì tiếng chiêng sẽ không thánh thót và không đồng điệu với những nhạc cụ khác.
- Không phải chiêng chỉ để đánh trong lễ hội hay sao? Nó còn hòa được với âm nhạc nữa hả?
- Phải! Chiêng có thể đánh mãnh liệt thúc giục lòng người, và chiêng có thể dịu êm thiết tha cùng tiếng nhạc ru lòng người.
- Thích quá! Anh dạy tôi nghe!
- Được thôi.
Thùy Dương thích thú reo vang. Nhật Thanh kéo tay cô:
- Thùy Dương! Lễ hội sắp bắt đầu rồi. Đừng làm phiền người ta nữa.
Tuy tò mò muốn tìm hiểu nhiều về các loại nhạc cụ dân tộc, nhưng cô cũng không thể không theo lời của Nhật Thanh.
Già làng bước ra trịnh trọng tuyên bố lễ hội. Không khí im lặng trang nghiêm chứng tỏ sự kính trọng, tôn nghiêm với già làng.
Già làng kết thúc:
- Chúng ta phải giữ lấy cái nương, cái rẫy, bảo vệ thôn bản được bình yên.
Trai gái trong buôn phải lấy sức trẻ ra xây dựng bản làng, gìn giữ những tập tục của bản địa. Mọi người có đồng ý với tôi không?
- Đồng ý! Đồng ý!
Những cánh tay giơ cao lên cùng quyết tâm chung lòng chung ý. Những hũ rượu cần được mang ra. Tiếng nhạc, tiếng khèn trổi lên... Những cô gái bận những chiếc váy hoa thật đẹp, trên cổ mang những chiếc vòng bạc lấp lánh, những bàn tay xòe ra, những ngón tay cong mềm mại... Những chiếc lá trên môi vang lên những điệu nhạc du dương. Những chàng trai mạnh mẽ cũng đang khoe tất cả sức mạnh của núi rừng hùng vĩ...
Đêm hội tưng bừng khúc nhạc giao duyên. Các chàng trai, cô gái say sưa nhảy theo một vũ điệu dân tộc.
Hơ Mí chạy đến kéo Nhật Thanh và Thùy Dương:
- Cậu chủ và chị Thùy Dương vào nhảy với bọn em đi.
Nhật Thanh nhìn Thùy Dương. Thùy Dương khiêu khích anh:
- Anh có dám không?
- Chỉ sợ cô không dám thôi.
- Đừng xem thường tôi nhé!
- Thể hiện xem!
- Mời anh vào!
Nhật Thanh và Thùy Dương cùng bước vào hòa chung vũ điệu miền sơn cước.
Nhật Thanh thì không nói, bởi vì anh từng sống ở Tây Nguyên, cùng sinh hoạt trong đời sống cộng đồng người dân tộc. Anh hiểu họ, biết họ là điều hẳn nhiên. Còn Thùy Dương, cô là một công dân sinh và sống trên một đất nước có nền văn minh hiện đại. Nhưng sao cô lại có thể nhảy sành điệu, điệu nhảy của một bộ tộc không cô dấu ấn trên thế giới.
- Thùy Dương! Cô nhảy rất đẹp, không thua kém gì các cô gái miền sơn cước.
- Bộ anh nói tôi phải là người Việt Nam hay sao?
- Không phải thế, nhưng...
- Tuy rằng tôi được sinh la trên đất Mỹ, nhưng dòng máu trong tôi vẫn là máu đỏ da vàng. Tôi về đây, một là không nỡ để mẹ một mình lặn lội chốn núi rừng này. Hai là tôi muốn được tận mắt nhìn thấy lá xanh rừng thẳm của đất nước mình. Tôi muốn nghiên cứu lịch sử và vãn hóa của từng dân tộc.
- Ngoài những điều đó, cô còn có điều gì khác hay không?
- Tất nhiên là hội họa. Tôi tin rằng mình sẽ có những bức tranh thật tuyệt vời.
Nhật Thanh thích chí:
- Tôi có thể giúp gì được cho cô hay không?
- Được chứ!
- Nếu cô cần, tôi rất sẵn lòng.
- Anh có thể dựng giá vẽ và pha màu cho tôi.
- Hả!
- Anh tự nguyện mà. Mới đây đã quên rồi sao?
Nhật Thanh tiu nghỉu:
- Nam nhi đại trượng phu, một lời nói ra bốn ngựa khó theo. Đã lỡ tuyên bố thì phải theo làm hầu cận thôi.
- Anh hối hận hả?
- Không...
- Nếu không thì sao than thở quá vậy?
- Đâu có.
- Nếu không có thì sáng mai, chúng ta bắt đầu nhé. Tôi muốn vẽ cảnh bình minh trên non cao.
- Tôi chỉ biết làm theo ý của cô thôi.
- Nhưng tôi cũng rất cần có sự hỗ trợ của anh.
- Về lĩnh vực hội họa thì tôi đâu hàng. Tôi đâu có biết gì mà hỗ trợ.
- Anh có thể góp ý về màu sắc giúp tôi.
- Để tôi thử tài mình xem.
- Thế sáng mai mình đi nhé?
- Đồng ý!
Tưởng như thế là xong, nào ngờ Thùy Dương lại kéo tay anh ra khỏi sàn nhảy. Nhật Thanh cằn nhằn:
- Gì nữa đây?
- Nhật Thanh! Tôi muốn uống rượu cần.
- Rượu cần hả?
- Đúng? Tôi muốn nếm thử cái hương vị của rượu cần. Một loại rượu độc đáo chỉ có ở vùng Tây Nguyên này.
Nhật Thanh chỉ tay vào mấy ché rượu cần:
- Đó! Cô uống đi!
- Anh thật vô tình!
- Tôi có làm gì mả cô trách tôi chứ?
- Tôi chỉ có mình anh là bạn, anh không uống với tôi thì tôi uống với ai?
Uống rượu mà uống một mình, có phải vô vị lắm không?
- Cô nói thế có nghĩa là ép tôi phải uống rồi.
Thùy Dương giận dỗi:
- Anh có thể từ chối.
Nhật Thanh mỉm cười:
- Đã trót phóng lao thì phải lao. Nào, ta cùng uống đi!
Nhật Thanh kéo tay Thùy Dương đến bên ché rượu cần. Hơ Mí cùng một số trai gái cũng đến để uống rượu giao duyên:
- Nhật Thanh! Tôi lại phát hiện ra một điều thật thú vị.
- Điều gì nữa? Có phải là cô đang tìm tòi ra nhiều cái mới nữa để hành hạ mà trả thù tôi hay không?
Thùy Dương lừ mắt:
- Trong ánh mắt anh, tôi là người nhỏ mọn như thế sao?
- Vậy trong cái đầu óc phong phú của cô, cô đang nghĩ cái gì vậy? Cô cứ nói đi, tôi sẵn sàng nghe đây.
- Anh nghe tôi nói nè.
- Không nói thì làm sao tôi nghe.
- Thì anh im lặng để mà nghe tôi nói.
Nhật Thanh nghiêng người:
- Tôi nghe đây! Cô cứ từ từ mà nói.
- Trong lúc uống rượu cần, men rượu từ từ đi vào cơ thể, tôi nghe có một cái gì đó nóng hừng hực lên trong từng tế bào.
Nhìn Thùy Dương nói trong mơ màng, Nhật Thanh cười to:
- Cô ơi! Đó là chuyện bình thường thôi. Ai uống rượu mà chẳng thế.
- Anh không biết gì hết. Ai uống rượu thì cũng phải say, nhưng mỗi người say một chất.
- Tại cô quá tưởng tượng nên sự việc thêm rắc rối. Chớ còn riêng tôi, tôi nghĩ, uống rượu thì say men rượu chứ còn men gì khác nữa hả?
- Anh quả là đầu óc bã đậu. Khi ta say, ta cảm thấy như trời đất cũng say, tình cảm con người càng thêm rộng mở. Tôi bỗng cảm thấy yêu làm sao con người và vùng đất Tây Nguyên thơ mộng này.
- Cô yêu ai cũng được, miễn là trong lúc cao hứng, cô đừng bảo yêu tôi, và đừng bắt tôi phải làm người yêu của cô là được.
Thùy Dương trề môi:
- Tôi đang cao hứng nên cũng không chấp nhất lời nói của anh. Anh yên tâm.
Nếu chọn người yêu, tôi không ngu ngốc mà chọn anh đâu.
- Cám ơn cô!
- Anh không cần cám ơn tôi. Anh chỉ cần lặng im nghe tôi nói là được.
Thùy Dương nhướng mày hỏi Nhật Thanh:
- Được chứ?
Nhật Thanh gật đầu, Thùy Dương say sưa bày tỏ cảm giác của mình:
- Tôi đã tìm thấy những giá trị tri thức trong sinh hoạt đời thường của những người dân bản địa. Tôi muốn giúp họ có điều kiện hòa nhập với nền văn minh, tiếp cận với đời sống đương đại hiện nay, anh không phản đối chứ?
Nhật Thanh lắc đầu:
- Bên cạnh đó, tôi cũng không quên cùng họ giữ gìn vả bảo lưu những tập tục có giá trị nhân văn rất lớn, những làn điệu dân tộc, những bản trường ca bất hủ...
- Đương nhiên là ngàn đời vẫn còn truyền giữ.
Nhật Thanh vẫn lặng thinh.
Thùy Dương hỏi:
- Anh có ý kiến gì không?
Nhật Thanh lắc đầu khiến Thùy Dương bực bội:
- Sao anh không nói gì hết vậy?
Nhật Thanh lắc đầu. Thùy Dương nói như hét lên:
- Bộ anh bị ngộ độc đến á khẩu rồi hả?
Nhật Thanh không còn chịu đựng nổi nữa trước lời lẽ cay độc của Thùy Dương. Anh cũng hét lên:
- Cô đừng quá đáng nghe. Đàn bà con gái gì mà độc mồm độc miệng thế.
- Anh nói gì mà ác thế? Tôi có nói gì đâu mà anh kết tội tôi dữ vậy?
- Tại sao cô dám bảo tôi bị ngộ độc đến á khẩu hả?
Thùy Dương mỉm cười:
- Thì ra thế! Nếu không bị á khẩu, sao anh cứ lặng thinh gật đầu, lắc đầu như bị á khẩu vậy?
- Cô đã bảo là tôi cứ lặng im nghe cô nói thôi, vì tôi không muốn phiền phức nên phải làm theo lời, nào ngờ lại bị cô nguyền rủa ác độc như vậy.
Thùy Dương biết lỗi cười mơn:
- Tôi xin lỗi. Tôi vô ý quá! Anh đừng có giận cái tính trẻ con của tôi nghe.
Thái độ hài hỏa của Thùy Dương khiến Nhật Thanh quên cả giận hờn. Anh cũng cười:
- Giận cô thì làm gì được cô chứ?
- Không ngờ con người anh cũng rộng lượng quá.
- Ba tôi dặn là không nên hẹp hòi, ích kỷ, nhất là với phụ nữ.
- Như thế chắc là anh rất ga-lăng với người yêu?
Nhật Thanh lắc đầu:
- Tôi chưa có người yêu.
Thùy Dương tròn mắt ngạc nhiên:
- Anh chưa có người yêu thật hả?
- Bộ gương mặt tôi giống nói dối lắm hay sao?
Nhìn Nhật Thanh giận dỗi, Thùy Dương cảm nhận được sự quyến rũ trên đôi môi đang dẩu ra của anh. Một thoáng xao động hiện ra trong cô.
Thùy Dương lắc đầu nói với chính mình:
- Không, không bao giờ có thể như thế!
Thùy Dương nói xong vội vàng bỏ đi. Nhật Thanh không hiểu được sự xáo trộn trong tầm hồn Thùy Dương. Anh nhìn theo cô khẽ lắc đầu:
- Con gái thật là phiền phức. Đang vui đó lại buồn đó; đang hào hứng, sôi nổi lại tiu nghỉu buồn hiu. Thảo nào có một nhạc sĩ đã viết:
“Con gái nói không là có Con gái nói có là không...”.
Nhật Thanh giơ hai tay lên trời:
- Tôi xin đầu hàng, chào thua con gái!
Nhiều chàng trai thôn bảo không hiểu gì cũng đưa tay lên cùng anh:
- Xin chào thua con gái!
Men theo dốc núi đến bên bờ con suối là một chiếc cầu dây bắc ngang qua bờ bên kia. Một khu rừng trúc vàng óng với những chiếc lá ngả nghiêng trong gió sớm. Thùy Dương khoan khoái vươn vai hít nhẹ không khí trong lành của buổi sáng núi rừng. Cô muốn được thả hồn mình trong niềm cảm xúc lâng lâng được sống với thiên nhiên và tình yêu con người.
Bên cạnh cô, Nhật Thanh đang nhó:
- Dừng chân lại được chưa? Thật ra cô đang muốn vẽ cái gì hả? Tôi không vác nổi cái giá vẽ này đi nữa đâu.
Thùy Dương trề môi:
- Thanh niên gì mà dở hơi quá. Chỉ có cái giá vẽ, mấy lọ màu mà vác đi không nổi. Thế thì anh còn mong gì làm nên đại sự chứ.
- Đại sự thì tôi đưa thân trai ra gánh vác không nói gì, đằng này phải theo cô tò tò một bên y như là tiểu đồng vậy, hỏi sao tôi không nản mới là chuyện lạ đó.
- Vậy mà anh nói sẽ hết mình cống hiến cho nghệ thuật. Một chuyện nhỏ nhặt vậy anh cũng câu nệ.
- Nếu câu nệ thì tôi đã không theo cô lên đây, rồi còn vào rừng nữa. Ý tôi chỉ muốn hỏi là cô muốn vẽ cái gì thôi.
Thùy Dương lại nhìn khung cảnh xung quanh một lần nữa rồi quyết định:
- Đây là điểm lý tưởng để chúng ta tạo nên một bức tranh sống động.
Nhật Thanh đặt giá vẽ xuống. Anh sững sờ trước cảnh đẹp của thiên nhiên.
- Một bờ đá cong cong, một chiếc cầu dây nối liền với khu rừng trúc vàng óng, một dòng suối trong chảy uốn lượn như dãy lụa phất phới. Hai bên bờ, nhiều loài hoa dại xanh, đỏ, trắng, tím, vàng... nở rộ như tấm thảm ngũ sắc.
Rừng trúc là đà in bông xuống dòng suối lãng mạn, lả lơi... Thật là sống động!
Nhật Thanh xoa hai tay vào nhau, xuýt xoa nói với Thùy Dương:
- Phong cảnh thật hữu tình. Đây mới là điểm lý tưởng nhất đó, Thùy Dương:
Thùy Dương nhìn anh, lắc đầu không hiểu. Lúc thì “cô cô, tôi tôi” thật lạnh lùng, lúc thì sôi nổi, nhiệt tình gọi Thùy Dương thật êm tai.
- Sao nhìn tôi dữ vậy? Bộ cô không định đặt giá vẽ ở đây sao?
- Tôi sẽ vẽ phong cảnh này. Tôi đang quan sát xem phải đặt giá vẽ này ở đâu cho thích hợp. Tôi muốn vẽ toàn cảnh vừa có núi, có rừng, có suối reo, có cầu treo thơ mộng.
- Nhiệm vụ kế tiếp của tôi là làm gì?
- Anh đặt giá vẽ cho tôi rồi pha màu cho tôi vẽ:
- Cô có thể vẽ bức tranh này trong bao lâu?
- Có thể nửa ngày, có thể một ngày. Cũng có thể ở lại đêm nay đợi sáng mai vẽ tiếp.
- Cô nói sao dễ nghe quá.
- Thật là vậy mà. Người họa sĩ cũng như một nhà thơ, cần phải có cảm hứng mà cảm hứng thì bất chợt đến và bất chợt đi, không lường trước được.
- Tôi cũng báo cho cô biết là lương thực tôi đem theo rất ít, không lường trước được chuyện nhịn đói chết trong rừng nhé.
- Anh cũng đừng vì chuyện thù oán cá nhân một mình ăn hết để tôi nhịn đói nhé.
- Tôi đâu nhỏ mọn như vậy. Cô cứ bắt đầu vẽ đi, tôi đã pha màu rồi nè.
- Cám ơn anh!
- Không cần! Tôi chỉ cần cô nhanh chóng hoàn thành bức tranh để đi về cho sớm. Tôi không sợ chết đói nhưng cũng rất sợ thú rừng hoang dã. Nó không chê món thịt người đâu.
Thùy Dương lè lưỡi:
- Anh đừng hù dọa tôi. Ở bên Mỹ...
Nhật Thanh cắt ngang câu nói của Thùy Dương:
- Cô nên nhớ ở đây là Việt Nam, cô đừng có hở câu nào cũng huênh hoang “ở bên Mỹ, ở bên Mỹ”, có được hay không?
- Xin lỗi anh, tôi không cố ý.
- Đã bảo không cần cám ơn, không cần xin lỗi. Cô chỉ cần gấp rút hoàn thành bức tranh để tôi hộ tống cô về thị trấn giao lại cho dì Thùy Trâm, coi như hoàn thiện nhiệm vụ.
- Vô tình đến thế vậy sao?
- Vô tình hay hữu tình gì cũng được. Cô làm việc của mình đi. Tôi không quấy rầy cô nữa.
Nhật Thanh nói xong, anh đi đến gốc cây bên sườn núi ngồi dựa vào ngắm cảnh vật. Nắng mai lung linh trước mặt. Gió sớm lành lạnh mát dịu. Nhật Thanh nằm nghe tiếng gió ru bên sườn núi vi vu...
Mắt anh từ từ nặng trĩu... Nhật Thanh chìm vào giấc ngủ vô tư.
Thùy Dương chìm sâu trong niềm đam mê với thiên nhiên. Cô phác họa từng nét, từng nét trên giá vẽ một cách điêu luyện. Trời mây trong xanh, rừng trúc bạt ngàn hiện lên. Con đường cong cong chạy dọc quanh sườn núi...
Thùy Dương cứ ngắm đi, ngắm lại bức tranh. Cô vẫn còn thấy thiếu một cái gì đó chưa hoàn hảo. Thùy Dương cứ ngắm đi ngắm lại cố tìm ra cái thiếu của nó.
Cô chợt reo lên:
- Con người! Đúng rồi!
Giữa trời mây nước mênh mang vẫn còn thiếu một sinh vật sống. Đó là con người. Nhưng ở đây tìm đâu ra một thiếu nữ, dù là thiếu nữ sơn cước duyên dáng đứng bên chiếc cầu.
Xoay qua xoay lại Thùy Dương phát hiện ra Nhật Thanh đang nằm ngủ dưới gốc cây bên sườn núi. Thùy Dương mỉm cười:
- Có lẽ đây là một bức tranh độc đáo nhất từ trước đến nay của mình. Giữa rừng núi bao la thiên nhiên hữu tình, một con người đang thanh thản bình yên trong giấc ngủ vô tư.
Thùy Dương quyết định đi một bước đột phá trong nghệ thuật. Cô đưa cọ lên vẽ Nhật Thanh say sưa trong giấc ngủ. Thùy Dương đang chăm chú vẽ, chợt Nhật Thanh đưa tay lên dụi mắt.
Thùy Dương la to:
- Đừng! Đừng động đậy!
Nhật Thanh ngơ ngác:
- Cô đang giở trò gì vậy?
- Giở trò gì hả? Anh đã làm mất cảm hứng của tôi.
- Nè! Cô đừng có thấy tôi nhượng bộ rồi làm tới à nghe. Nãy giờ tôi nằm im, đâu có làm phiền gì cô mà mất hứng hả?
- Nếu anh mà chịu nằm im như thế mãi thì tôi đâu có nói.
- Việc tôi ngủ hay thức, có liên quan gì đến cô chứ?
Nhật Thanh vừa dụi mắt vừa đến bên Thùy Dương. Thùy Dương kéo anh chỉ vào bức tranh của mình:
- Anh nhìn nè!
Nhật Thanh nhìn vào bức tranh toàn cảnh núi rừng lung linh với những tia nắng ban mai, hiền hòa ấm áp hiện ra, những bông hoa ngủ sắc nở đầy hai bên bờ suối; cầy cầu treo nối liền hai bờ như một nhịp cầu giao cảm. Và bên sườn núi dưới gốc cây già một người đang nằm ngủ ngây ngất. Nhật Thanh nhận ra không ai khác hơn là chính mình.
Anh ngượng ngùng đâm ra bực bội:
- Tại sao cô lại vẽ tôi vào bức tranh này hả?
- Anh không thích sao?
- Tôi không thích ai tùy tiện vẽ tôi như vậy.
- Xin lỗi, tại vì anh đang ngủ nên tôi không xin phép được.
- Cô biết như thế là vi phạm pháp luật hay không?
- Tôi không nghĩ xấu xa như thế. Tôi nghĩ là chuyện thật đơn giản. Tôi đem hình tượng của anh và bức tranh này, anh phải vui mới đúng chứ.
- Vui cái gì mà vui? Cô đã làm cái chuyện vô bổ rồi.
- Xin lỗi, tôi không biết anh không thích, nên...
- Nên cái gì? Cô hãy hủy bỏ bức tranh này đi.
Thùy Dương trợn mắt:
- Hủy bỏ hả?
- Phải!
- Không!
Giọng Thùy Dương cương quyết:
- Tôi không vì một bất cứ lý do nào mà hủy bỏ cả công trình của mình.
Nhật Thanh giận dữ:
- Nếu không thì cô cứ ở đó đi. Tôi về.
Nhật Thanh quay đi một mạch. Thùy Dương cuống quít gọi:
- Nhật Thanh! Nhật Thanh! Anh định bỏ tôi một mình ở đây sao?
Nhật Thanh không thèm quay lại. Anh chạy một mạch xuống sườn núi quay về thôn bản.
Thùy Dương tự ái:
- Được, anh cứ về đi. Xem một mình tôi, tôi có thể về được hay không?
Thùy Dương yên lòng với ý nghĩ của mình. Cô tin ở chính mình. Cô tin ở trí nhớ và bản lĩnh của mình, cô tin là mình sẽ về thôn bản một cách an toàn thôi.
Chờ cho bức tranh khô màu, Thùy Dương cuốn bức tranh lại. Cô nhìn cái giá vẽ tiếc nuối:
- Đành phải bỏ mi ở lại trong rừng này thôi. Uổng công Nhật Thanh lui cui đóng rồi vác vào đây.
Thùy Dương bỗng thấy giận anh vô cùng:
- Người gì mà ích kỷ, chuyện nhỏ nhặt mà làm ra chuyện lớn. Cứ về đi, xem Thùy Dương này có tự về được hay không?
Thùy Dương cầm bức tranh trên tay. Cô vừa đi vừa hát nghêu ngao mấy câu tình ca.
Gió chiều thổi nhẹ mát dịu cả lòng người. Thùy Dương như quên hẳn cả lo sợ khi phải một mình đi giữa núi rừng. Được sống trong không gian yên tĩnh, không khí thoáng mát, Thùy Dương bỗng cảm thấy ngao ngán khi phải trở về một đất nước mà lúc nào cũng nhộn nhịp một nhịp sống công nghiệp. Không ai quan tâm đến ai, sức mạnh của đồng đô la đã biến con người ta trở thành một cổ máy vô tình.
Thùy Dương thở dài tiếp tục bước đi. Trời đã về chiều, cô cũng muốn nhanh chóng trở về bản Thượng.
Nhật Thanh nôn nóng nhìn về phía cánh rừng chờ đợi. Giọt nắng cuối ngày đã tắt trên nương mà Thuỳ Dương vẫn chưa về. Anh tự giày vò với chính mình:
- Sao lại hồ đồ bỏ Thùy Dương ở lại một mình trong rừng? Mình có còn là đàn ông con trai hay không? Sao lại ti tiện, nhỏ nhoi, ích kỷ như thế?
Lòng Nhật Thanh như có một ngọn lửa đang nung nấu trái tim mình. Anh muốn vào rừng để tìm Thùy Dương.
Hơ Mí chạy đến bên anh:
- Cậu chủ! Cậu định đi đâu đó?
- Tôi muốn vào rừng.
- Vào rừng để làm gì? Trời đã sắp tối rồi.
- Thùy Dương còn ở trong đó.
Hơ Mí hoảng hốt:
- Tại sao chị ấy lại ở trong rừng hả?
Nhật Thanh kể tóm tắt câu chuyện xảy ra giữa anh và Thùy Dương khiến anh giận dỗi bỏ về. Hơ Mí kêu lên:
- Nguy to rồi? Chị ấy sẽ bị lạc đường mất.
Nhật Thanh quýnh quáng:
- Bây giờ phải làm sao bây giờ?
- Vào rừng tìm chị ấy.
- Chúng ta đi đi?
- Không được!
- Vậy thì tôi sẽ đi một mình.
- Không phải là em không đi cùng cậu chủ, ý em là em muốn gọi thêm một số thanh niên trong bản cùng đi. Họ có nhiều kinh nghiệm đi rừng, nhất là tìm người lạc.
Nhật Thanh thúc giục:
- Vậy thì cô đi nhanh lên đi:
- Thoáng một chốc có ba, bốn trai làng cùng Hơ Mí chạy đến. Họ nhanh chóng mang đuốc lẫn cả đèn vào rừng tìm Thùy Dương.
Nhật Thanh trong lòng băn khoăn lo lắng:
- Nếu không tìm được Thùy Dương đêm nay, cô ấy sẽ bị lạc trong rừng. Một mình thân gái, Thùy Dương sẽ làm sao? Nếu như cô có mệnh hệ nào, suốt đời anh sẽ không tha thứ cho mình.
Trái tim anh lần đầu tiên thổn thức. Lần đầu tiên anh không làm chủ được mình trước tình huống này. Mọi tự ái và nghi kỵ điều tan biến. Anh chỉ còn biết duy nhất một điều là sự an nguy của Thùy Dương.
Một thanh niên đi cùng nhắc nhở Nhật Thanh:
- Anh nhớ đi sát chúng tôi. Ban đêm trong rừng dễ bị lạc lắm đó.
- Tôi biết rồi? Anh cứ khẩn trương tìm người. Đừng lo lắng cho tôi.
Hơ Mí an ủi Nhật Thanh:
- Cậu chủ đừng lo. Các anh ở đây rất rành, họ thuộc từng lối ngang nẻo tắt trong rừng. Chúng ta sẽ nhanh chóng tìm được chị Thùy Dương thôi.
Nhật Thanh chỉ còn biết tin là thế. Anh cùng mọi người van rừng lòng giày vò hối hận:
- Không biết Thùy Dương ra sao khi không tìm được lối về? Người bản xứ mà khi lạc đường còn lo sợ, huống gì là Thùy Dương. Cô mới về Việt Nam lần đầu, chưa thích nghi với môi trường sống ở đây, làm sao cô có thể chống chọi với những cơn đói khát khi bị lạc trong rừng.
Hình ảnh nhang người bị ngộ độc vì ăn lá rừng, uống nước suối hiện lên trong đầu Nhật Thanh. Anh mất cả bình tĩnh:
- Hơ Mí! Liệu Thùy Dương có sao không hả?
Tuy trong lòng Hơ Mí cũng lo lắng không kém Nhật Thanh, nhưng cô cũng nói cứng cho anh yên lòng:
- Không sao đâu? Chị ấy mới bị lạc thôi. Chưa đến nỗi nào đâu. Có người bị lạc đến mấy ngày mà vẫn tìm được.
- Mấy ngày hả? Làm sao Thùy Dương chịu nổi.
- Không sao đâu. Chúng ta sẽ tìm được chị ấy ngay trong đêm nay thôi.
Hơ Mí cố nói cho Nhật Thanh yên lòng. Trời càng về khuya, Nhật Thanh càng thêm nôn nóng. Anh bước như nhanh hơn. Anh cố gọi thật to:
- Thùy Dương! Thùy Dương! Em ở đâu? Thùy Dương!
Nhật Thanh không còn e dè, tự ti hiềm khích gì nữa. Anh gọi Thùy Dương thiết tha như tiếng tình yêu bùng cháy trong lòng mình.
Thùy Dương nghe như lá rừng cũng hát theo mình. Khúc hát lao xao run rẩy của lá. Cô đã đi hết con đường từ sườn núi băng qua cánh rừng, đáng lẽ ra thôn bản đã phải hiện ra trước mặt, nào ngờ trước mặt cô cũng vẫn là rừng.
Rừng bạt ngàn với biết bao loại cây lẫn dây leo chằng chịt.
Cô ôm đầu kêu lên:
- Chết rồi! Đáng lý ra khi hết con đường ở sườn núi, mình phải rẽ trái thì lại rẽ phải nên lạc đường rồi.
Giọt nắng cuối ngày tắt lịm trong cánh rừng già. Thùy Dương hoảng hốt chạy bên này rồi chạy bên kia mà vẫn không ra khỏi rừng. Cô hoảng hốt kêu lên:
- Có ai không? Có ai chỉ đường giùm tôi không?
Không có tiếng trả lời, chỉ cô tiếng núi rừng vang vọng. Cô thầm trách mình đã quá chủ quan, nên không bám theo sát gót Nhật Thanh. Giọt nước mắt uất hờn chảy dài trên má. Nghĩ đến Nhật Thanh, Thùy Dương càng khóc to hơn:
- Người gì mà sao quá tàn nhẫn lạnh lùng? Ai lại nỡ bỏ một người con gái trong rừng một mình chứ? Dù cô có lỗi lầm gì, Nhật Thanh cũng không nên làm thế.
Bóng tối ngập tràn cả cánh rừng già. Thùy Dương ôm chặt bức tranh trên tay mà khóc:
- Không lẽ hôm nay, ta cùng mi phải chết gục trong cánh rừng này sao?
Không! Ta không thể nào chết được. Còn có bao nhiêu ước mơ, bao hoài vọng chưa thành, còn mẹ nữa, mẹ sẽ đau khổ biết bao khi không còn ta bên cạnh.
Thùy Dương tựa đầu vào gốc cây nức nở gọi:
- Mẹ.... Mẹ ơi...
Tiếng thú rừng gầm vang làm cho Thùy Dương càng sợ hãi. Cũng vì tính thích phiêu lưu thích khám phá những điều chưa hiểu, chưa biết mà cô mới lên rừng. Thùy Dương thầm trách mình đã không nghe lời mẹ cản, nhất định cô đòi lên bản Thượng dự lễ hội cho bằng được, để rồi bây giờ phải bị lạc trong rừng.
Một đốm lửa xanh lóe sáng trên cành cây. Thùy Dương hoảng sợ nghĩ đến những oan hồn chết tức tưởi trong rừng. Đợi về đêm những oan hồn đó sẽ hội tụ lại cùng khóc lóc, oán than vì chết oan, chết tức.
Thùy Dương ôm mặt khóc to hơn:
- Đừng! Đừng nhát tôi. Tôi sợ lắm!
Đốm lửa trên cây càng sáng hơn. Đốm lửa cứ nhấp nháy những tia sáng màu xanh lóng lánh. Thùy Dương chợt cười cho sự ấu trĩ của mình:
- Chính là đom đóm. Một sinh vật thường tập họp với nhau thành từng tổ phát những tia sáng thật đẹp.
Yên tâm vì đốm lửa ấy không phải là oan hồn của ma, Thùy Dương yên lòng ngồi tựa gốc cây. Dù đầu óc cô rất phong phú, cô đã từng nghĩ và thực hiện biết bao cuộc phiêu lưu mạo hiểm, nhưng cô không thể nào nghĩ ra tình huống này.
Cô không thể nào nghĩ một ngày nào đó cô sẽ bị lạc trong rừng như đêm nay.
Trăng sáng vằng vặc trên cao xuyên lá cành rớt xuống đất những tia sáng như muôn hoa vàng rực. Rừng đêm nay thật đẹp, nhưng Thùy Dương không còn tâm trí đâu mà thưởng thức. Tâm hồn cô đang chìm ngập trong nỗi lo lắng, bàng hoàng. Cô sợ mình không thể thoát ra khỏi cánh rừng này. Rừng tuy bao la nhiều tài nguyên che chỡ cho con người tránh những cơn mưa bão, lũ lụt, nhưng rừng đã từng vùi dập bao con người vì mưu sinh mà làm mồi cho thú dữ.
Thùy Dương kinh hoàng hơn khi nghĩ chính mình phải chết. Phải bỏ xác trong cánh rừng này. Bản năng sinh tồn khiến cô bật dậy thét lên:
- Cứu tôi với... Cứu tôi với...
- Thùy Dương? Thùy Dương! Em ở đâu Thùy Dương?
Lần này tiếng thét của cô đã có lời đáp lại Thùy Dương nghe được tiếng của Nhật Thanh vang vọng giữa núi rừng. Thùy Dương mừng rỡ quên cả giận hờn.
Cô đưa làm loa kêu lớn:
- Nhật Thanh! Tôi ở đây nè...
- Thùy Dương... Thùy Dương...
Thùy Dương nhìn xa xa có nhiều ánh đèn và nhiều ngọn đuốc tiến về phía mình. Cô biết họ đang định hướng tiếng kêu của cô mà đến cứu.
Thùy Dương biết thế nên cô càng cố sức gọi to:
- Nhật Thanh? Nhật Thanh! Tôi ở đây nè...
Nhật Thanh đã nghe được tiếng gọi của Thùy Dương. Anh hét lên:
- Thuỳ Dương! Yên tâm đi! Anh sẽ đến ngay đây.
Nhật Thanh chạy như bay về hướng có tiếng kêu của Thùy Dương. Cỏ gai xước van chân anh rướm máu nhưng Nhật Thanh vẫn không hề thấy đau. Anh muốn được nhìn thấy một Thùy Dương bình yên. Có như thế anh mới được thanh thản, không bị giày vô vì lỗi lầm của mình.
Nhật Thanh phát hiện ra Thùy Dương đang tựa mình ôm chặt gốc cây. Anh ào đến ôm chặt Thùy Dương rối rít:
- Thùy Dương! Em có sao không?
Thùy Dương trong một phút mừng rỡ quên cả giận hờn cũng ôm chặt Nhật Thanh. Cô khóc tức tưởi:
- Nhật Thanh! Sao đành lòng để cho tôi bị lạc trong rừng vậy hả?
Nhật Thanh ôm chặt Thùy Dương vỗ về:
- Xin lỗi... Anh không bao giờ bỏ em thế này nữa đâu.
Thùy Dương bỗng dịu oặt cả người trong tay anh. Nhật Thanh hốt hoảng gọi:
- Thùy Dương! Thùy Dương! Em làm sao vậy?
Mọi người cùng ào đến bên Thùy Dương. Hơ Mí bình tĩnh hơn:
- Chắc Thùy Dương bị đói và khát làm lả người. Chúng ta mau đem chị ấy về bản đi.
Nhật Thanh bế Thùy Dương trên tay lòng ngập tràn bao thương cảm. Suốt từ sáng đến giờ anh chỉ lo tranh cãi với cô mà không lo cho cô ăn uống. Đã vậy, anh còn giận dỗi bỏ cô đi về một mình. Chính anh đã làm cho Thùy Dương thê thảm thế này.
- Thùy Dương! Thùy Dương! Cố lên nghe em!
Trong mơ màng, Thùy Dương nghe tiếng Nhật Thanh gọi. Cô muốn nói với anh một lời nhưng cô không còn hơi sức nữa. Trong tay anh, Thùy Dương chợt nghe có một luồn hơi ấm chạy dài khắp cơ thể. Sương lạnh của núi rừng không còn làm run rẩy thể xác mình nữa. Vòng tay anh êm như thảm nhung, Thùy Dương cứ nằm im trên ấy, mặc cho Nhật Thanh đưa mình chạy như bay trong cánh rừng.
Bà Thùy Trâm phát hiện sự thay đổi của con gái khi lên bản dự lễ hội về.
Thùy Dương không nói gì và từ chối gặp Nhật Thanh.
Bà Thùy Trâm dò la:
- Có chuyện gì xảy ra vậy con?
- Đâu có chuyện gì đâu mẹ.
- Con không nói dối được mẹ đâu. Chúng ta chỉ có hai người, không tâm sự, giãi bày với nhau thì đâu phải là tình thâm chứ.
- Mẹ!
- Có việc gì con nói đi.
- Con muốn về Mỹ sớm hơn.
Bà Thùy Trâm ngạc nhiên:
- Sao thế con?
- Con không muốn ở đây nữa. Con muốn về Mỹ thế thôi?
- Nhưng còn bản hợp đồng ở đây?
- Chúng ta về bên ấy, họ vẫn phải thực hiện hợp đồng thôi. Hay là mẹ....
Bà Thuỳ Trâm lắc đầu:
- Đừng hiểu lầm mẹ, Thùy Dương. Những năm tháng thanh xuân đã đi qua, mẹ đâu còn nghĩ gì hơn là hạnh phúc của con.
- Thế thì tại sao mẹ lại không chịu về Mỹ với con? Hạnh phúc và tương lai của con là ở đó mà.
Bà Thùy Trâm thở dài:
- Có lẽ đây là thiếu sót của mẹ trong cách dạy con.
- Mẹ! Con sai điều gì hả mẹ?
- Con không sai nhưng mẹ sai. Mẹ đã lầm lẫn khi không giáo dục con tình yêu quê hương đất nước.
- Ý mẹ là...
- Dù có sống nơi đâu, chúng ta vẫn là người Việt Nam mang trong tim dòng máu đỏ, da vàng. Dù đi bất cứ nơi đâu, sống ở một đất nước nào, chúng ta cũng không thể quên nguồn cội của mình.
- Mẹ đừng buồn nữa. Con hứa sẽ khắc ghi những lời mẹ dạy.
- Chính vì nhớ quê hương mình, nên mẹ muốn kinh doanh bán hàng Việt Nam trên nước người.
- Con biết!
- Sau này khi thay mẹ kinh doanh, con cũng đừng quên lời mẹ dạy.
- Dạ. Con hứa với mẹ, con sẽ không làm mẹ thất vọng đâu.
- Mẹ đặt hết niềm tin vào con.
- Nhưng bây giờ, con muốn xin mẹ một điều.
- Điều gì hả con?
- Con muốn về Mỹ ngay bây giờ.
- Cũng được. Nhưng con phải cho mẹ biết lý do?
- Đơn giản thôi, con nhớ bạn bè bên ấy. Lý do ấy có chính đáng không hả mẹ?
- Cũng được? Vậy sáng mai chúng ta về Sài Gòn đăng ký vé máy bay về Mỹ ngay. Con đồng ý chứ?
Thùy Dương bá cổ mẹ:
- Con biết mẹ thương con nhất mà.
- Nhưng không vì thế mà con ỷ lại, bắt mẹ phải làm những điều quá đáng nghe.
- Mẹ! Con gái mẹ có bao giờ thế đâu.
- Mẹ tin con! Thôi, chúng ta hãy lo sửa soạn hành lý rồi trả khách sạn lại nữa.
- Mẹ có định báo tin cho bác Nhật Quang không?
- Ý con đã không muốn thì báo làm gì. Nhưng khi đến sân bay, chúng ta sẽ báo. Dù sao cũng là bạn bè và là đối tác kinh doanh.
- Dạ, thế cũng tốt:
Thùy Dương cắt ngay câu chuyện của với mẹ để chuẩn bị cho chuyến trở về của mình. Trong lòng cô dấy lên bao giận dỗi:
- Con người vô tình kia, mãi mãi sẽ không bao giờ còn thấy mặt nhau. Anh đã bỏ tôi lại trong rừng thì xem như anh đã dứt bỏ một chút tình cảm vừa nhem nhúm trong tôi rồi. Lần đầu về thăm đất nước cũng là lần trái tim tôi rướm máu.
Những giọt máu ân tình lần đầu chảy trong tôi.
Thùy Dương mở cửa sổ ra nhìn xa xa về phía núi rừng. Cô thở dài:
- Không biết rồi mình có còn trở lại nơi này không? Không biết khi mình đi rồi, có còn ai nhớ đến mình không?
Thùy Dương cố thu vào lòng hình ảnh núi rừng và cái thị trấn Ban Mê nhỏ bé này.
Thùy Dương đã ra đi mà không một lời từ giã. Nhật Thanh mang một nỗi buồn man mác trong lòng. Anh biết Thùy Dương sẽ không bao giờ tha thứ cho mình và ngay chính anh, anh cũng không thể tha thứ cho mình.
Nhớ Thùy Dương, anh quyết tâm thực hiện tâm huyết của mình. Thành lập một khu du lịch để giới thiệu được với mọi người hương vị cà phê Ban Mê, một loại cây kỳ diệu làm say lòng người.
Anh bàn bạc cùng Chí Bảo, một kỹ sư xây dựng để thiết kế cho mình khu du lịch.
- Tôi muốn đem khu vườn sinh vật cảnh của tôi để trang trí cho khu du lịch.
- Thế thì tuyệt quá rồi!
- Anh nghĩ thế nào về ý tưởng kinh doanh của tôi?
- Tôi không phải là dân kinh tế, nhưng tôi nghĩ là anh sẽ thành công.
Nhật Thanh siết tay Chí Bảo:
- Cám ơn anh đã động viên, cổ vũ cho tôi.
- Khách nước ngoài rất thích cái thú tao nhã của người Việt Nam chúng ta.
Bên ly cà phê đắng, ta có thể nhìn từng giọt, từng giọt cà phê chảy xuống mà nghiền ngẫm thế thái nhân tình.
Nhật Thanh cũng ra vẻ am hiểu cái nghệ thuật này:
- Uống cà phê là một nghệ thuật, nhưng pha cà phê còn là một nghệ thuật cao siêu hơn.
- Về điểm này, tôi phải học hỏi anh nhiều, ông chủ cà phê ạ.
- Tôi không dám nhận chức ông chủ đâu. Ở vùng Cao nguyên này, còn có biết bao nhiêu đồn điền cà phê và trà.
- Nhưng cả cái thị trấn này, ai lại không biết danh tiếng của gia đình anh. Hai đời là dân kinh tế.
- Tôi muốn khu du lịch của mình sẽ trở thành một điểm hẹn tuyệt vời của mọi người. Ở đây sẽ tập họp được những con người với nhiều ý tưởng cao siêu, đầy sáng tạo.
- Tôi tin là anh sẽ thành công.
- Tất cả các khu du lịch sinh thái trên mọi miền đất nước, đều thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Tôi tin rằng chúng ta sẽ đạt được ý nguyện đưa Tây Nguyên lên điểm hẹn. Cà phê và trà sẽ được tiêu thụ cao bởi khâu tiếp thị, quảng cáo.
- Tôi tán đồng việc hợp tác xuất khẩu sản phẩm, và bây giờ tôi càng hoan nghênh, ủng hộ anh trong việc sáng lập khu du lịch sinh thái này.
- Tôi không phải là một nhà văn, nhưng ý tưởng và tâm hồn tôi thật lãng mạn.
- Anh có thể chia sẻ cùng tôi những tư tưởng lãng mạn đó hay không?
Nhật Thanh mơ màn:
- Tuyệt diệu làm sao khi ngồi bên một người bạn nhấm nháp ly cà phê trong một đêm sương lạnh. Ly cà phê sẽ giúp cho cõi lòng mình ấm áp hơn. Những lời tâm sự sẽ theo từng giọt cà phê chảy đầy như dòng suối tâm sự trôi đến muôn lòng người.
Chí Bảo vỗ tay:
- Tuyệt quá! Từ nay, không còn ai dám bảo là dân kinh tế cứng ngắt, vô cảm chỉ biết có...
Chí Bảo ngập ngừng. Nhật Thanh cười tươi tiếp lời:
- Tiền phải không?
Chí Bảo cũng cười không đáp. Nhật Thanh tiếp tục nói:
- Ai làm kinh tế cũng đều nghĩ đến lợi nhuận, nhưng không chỉ vì lợi nhuận mà dùng đến thủ đoạn. Mình không vì lợi ích của cá nhân mà làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác.
- Nếu ai cũng nghĩ như anh thì sẽ không có người phải tan nhà nát cửa vì tin lầm bạn. Có những hợp đồng kinh tế được ký kết khi say trong men rượu, đến khi tỉnh lại thì sự nghiệp tan hoang.
- Ác lai thì ác báo. Mình gây cho người, thì người sẽ gây cho mình.
- Thuyết luân hồi nhân quả thì mình không thấu đáo hết được. Chúng ta hãy sống bằng thực tế, vì mình vì người. Cuộc sống của chúng ta sẽ tốt đẹp hơn.
- Phải! Đó mới là cuộc sống thực tế. Chúng ta phải đấu tranh từng giờ, từng phút cho tương lai, cho những gì tốt đẹp nhất của còn người.
- Anh dự định bao giờ sẽ khởi công cho khu du lịch của mình?
- Anh cứ thiết kế nhanh rồi đưa sơ đồ cho tôi tham khảo để góp ý trước khi lên bản vẽ chánh thức. Tôi muốn tiến hành ngay.
- Được, tôi sẽ không để cho anh thất vọng đâu.
Nhật Thanh vỗ vai người bạn thân của mình:
- Anh nổi tiếng là một người nhanh nhẹn, nắm bắt thật nhanh cơ hội làm ăn.
Những công trình được anh thiết kế kiêm xây dựng thì không chê vào đâu được.
Thật tuyệt mỹ!
- Anh quá khen tôi rồi!
- Nếu không tin tưởng vào tài năng của anh, tôi đã không tìm anh mà giao phó cả tâm huyết của mình.
- Cám ơn anh đã tin tưởng!
- Khách sáo thế! Đã là bạn bè với nhau thì thật lòng với nhau là tốt nhất...
- Bao năm làm bạn với nhau, anh hiểu tôi mà.
- Tôi không sao hiểu được anh cả. Nếu hiểu anh, tôi không thắc mắc về anh.
- Anh có điểm nào chưa hiểu về tôi, anh cứ nói đi?
- Tại sao cho đến bây giờ mà anh vẫn cô đơn nhỉ?
Chí Bảo bật cười:
- Anh hỏi tôi thì ai hỏi lại anh câu đó chứ?
- Tôi thì khác anh.
- Khác thế nào? Anh vẫn còn tôn thờ chủ nghĩa độc thân mà.
- Tuy còn độc thân, nhưng tôi lăng nhăng lắm.
Nhật Thanh gãi tai mình như thẹn thùng với chính mình. Chí Bảo nhìn anh mỉm cười:
- Anh tự cho mình thế hả?
- Tôi thì khác anh ở chỗ không thể kiềm chế được mình. Tôi sống phóng túng, buông thả mình vào những cuộc vui vô bổ.
- Anh biết thế là được rồi. Mình có thể tự thay đổi được mà.
Nhật Thanh cười buồn:
- Có những thói quen không thể nào thay đổi được.
- Chỉ vì mình không kiên quyết thôi, chớ một khi đã quyết tâm dứt bỏ những điều không tốt thì cũng sẽ được thôi.
- Tôi sẽ nghe theo lời anh. Tôi sẽ hoàn thiện mình.
Chí Bảo nhìn Nhật Thanh ngạc nhiên:
- Bộ anh đang yêu hả?
- Sao anh biết?
- Câu hỏi của anh đã tố cáo anh rồi đó.
- Tôi thế nào?
- Đang yêu:
Nhật Thanh cười buồn:
- Đâu có.
- Bạn bè với nhau, giấu giếm tôi làm gì? Tôi rất vui vì anh đã yêu và được yêu. Còn tôi thì... - Chí Bảo chợt buồn.
Nhật Thanh lo lắng:
- Anh sao thế? Có vấn đề gì trong tình cảm hả?
- Tôi không biết.
- Anh tự mâu thuẫn với anh rồi. Chuyện tình cảm của anh thì anh phải biết chứ?
- Tôi lại không biết mới lạ chứ.
- Anh hãy nói cụ thể hơn đi. Tôi không đủ thông minh để hiểu hết chuyện đời đâu.
Chí Bảo thở dài, tiếng thở dài thườn thượt:
- Tôi yêu người, nhưng người nào đâu có biết.
Nhật Thanh bật cười:
- Thì ra là một chuyện tình yêu đơn phương.
- Anh cười nhạo tôi đó hả?
- Tôi cười cho anh cũng là cười cho tôi thôi.
- Anh cũng vậy sao? Anh cũng yêu đơn phương hả?
- Gần đúng như vậy.
- Tôi nghĩ là Diễm Quyên rất yêu anh, anh làm sao mà yêu đơn phương như tôi được.
- Ai bảo với anh, tôi và Diễm Quyên là một đôi hả?
- Diễm Quyên.
- Cô ấy nói thế à?
Chí Bảo gật đầu thay cho câu trả lời. Nhật Thanh lại cũng thở dài:
- Cô ấy lầm và bao nhiêu người khác cũng lầm như cô ấy.
- Sao anh nói sao? Bên trong còn có vấn đề à?
- Đúng thế! Tôi và cô ấy không hề yêu nhau, nếu có thì chỉ có một phía ở cô ấy. Còn tôi thì chưa hề...
- Thế tại sao...
- Ý anh muốn hỏi tại sao tôi và cô ấy thường cùng nhau công khai đi chơi nổi đình nổi đám với nhau à?
Chí Bảo nhìn Nhật Thanh như chờ đợi ở anh câu trả lời. Nhật Thanh nhún vai:
- Tuổi trẻ phóng túng, chúng tôi lăn xả vào cuộc chơi nhưng vẫn có lời giao hẹn.
- Giao hẹ n thế nào?
- Sau cuộc chơi, mỗi người đi một ngã, không ai làm phiền đến ai.
- Nhưng Diễm Quyên yêu anh.
- Đó là quyền của cô ấy. Còn tôi, tôi không thể yêu Diễm Quyên như cô ấy muốn.
- Anh có thể cho tôi biết người yêu của anh là ai?
- Tôi muốn giữ bí mật cho mình. Anh có thể thông cảm cho tôi không?
- Đó là quyền của mỗi người, tôi đâu có lý do gì mà buộc anh phải nói điều anh không muốn nói.
Nhật Thanh vỗ vai Chí Bảo:
- Bao giờ anh cũng là người bạn tốt của tôi.
- Anh đối với tôi cũng vậy.
Giọt cà phê cuối cùng đã cạn. Hai người bạn cùng nhìn về xa xa. Họ gởi tâm sự của mình theo ngọn gió núi đìu hiu. Nhật Thanh nghe lòng mình trỗi lên bao ngổn ngang nỗi nhớ:
Thùy Dương! Đã về với biển xanh bỏ lại chỗ núi rừng này một con người cũng một tình yêu nồng thắm. Biết đến bao giờ biển lại về với núi, với rừng?
Thùy Dương! Thùy Dương! Tên của cô là niềm đau là hạnh phúc mà anh đang chờ đợi.
Đêm Cao nguyên lành lạnh hơi sương. Nhật Thanh đứng trong đêm bên đồi trà thơm ngát mà dõi mắt nhìn về chân núi xa xa. Thùy Dương đã đi, đi thật xa cái vùng trời Việt Nam để đi về nơi cô ấy đến. Thùy Dương về bên ấy sống với lý tưởng của mình.
- Không biết Thùy Dương có nhớ gì đến mình không? Cô ấy có còn giận hờn gì mình không khi chuyện cũ đáng tiếc đã xảy ra.
Nhật Thanh nhớ làm sao cái hơi ấm của đêm nào. Anh ôm trọn thân thể Thùy Dương từ trong rừng về bản. Giây phút đó sao mà cứ đọng mãi trong tâm tư anh. Những tưởng trái tim anh mãi mãi không rung động trước tình yêu, nào ngờ sau những va chạm, xung đột lại nảy sinh tình yêu. Đau thương hơn nó lại chính là một tình yêu đơn phương.
- Mình không thể trách Thùy Dương được. Hai người vốn đã không cùng một hướng thì không đi chung đường là lẽ tự nhiên thôi.
Sương đêm càng lúc càng xuống nhiều hơn, Nhật Thanh rùng vai vì lạnh.
Bỗng có một chiếc áo choàng lên vai anh.
Nhật Thanh giật mình quay lại:
- Ba!
Ông Nhật Quang đặt lên vai con trai:
- Khuya lắm rồi, sao con chưa ngủ? Đứng đây làm gì hả? Trời đêm sương nhiều lạnh lắm.
- Con cảm thấy hơi khó ngủ vì buổi tối uống nhiều cà phê với Chí Bảo.
- Con và Chí Bảo uống cà phê thật sao? Ba hơi ngạc nhiên đó.
- Con cần bàn luận với anh ấy về việc xây dựng khu du lịch sinh thái, nên không thể uống rượu được.
- Con định thực hiện kế hoạch táo bạo ấy thật à?
- Con nghĩ là không mạo hiểm thì không đột phá được. Làm kinh tế mà không táo bạo thì cứ đứng yên một chỗ mãi, làm sao mà đạt được hiệu quả kinh tế cao được.
- Ba đồng ý với con về quan điểm đó. Nhưng ta cần phải tính toán thật kỹ, nắm bắt thị trường cho sát, bởi có câu “Thương trường như chiến trường”.
- Con đã nghiên cứu rất kỹ rồi. Ở vùng Đồng bằng sông cửu long có nhiều khu du lịch sinh thái miền sông nước, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Con nghĩ ở vùng Cao nguyên, thành lập khu du lịch sinh thái vùng cao là hợp thời. Mình sẽ giúp du khách hiểu và biết về núi rừng hùng vĩ của chúng ta.
Ông Nhật Quang gật đầu trước bài thuyết trình của Nhật Thanh:
- Con nói tiếp đi:
- Một mặt chúng ta thành lập một đoàn hướng dẫn viên, một mặt tổ chức khâu tiếp thị thật tốt. Chúng ta là một quảng bá thương hiệu của mình. Hai là đẩy mạnh hơn việc kinh doanh trà và cà phê, đặc sản của vùng cao.
Ông Nhật Quang tỏ vẻ hài lòng:
- Con định bao giờ tiến hành đề án này?
- Sau khi hoàn chỉnh việc thiết kế, con sẽ tiến hành xây dựng trên khu đất gần thị trấn Ban Mê. Và khu đất này mặt sau gần núi, mặt trái gần đồi trà, con thấy khu đất này là thuận lợi nhất. Ba thấy thế nào?
- Ba hoàn toàn nhất trí với con!
- Còn việc này nữa, con muốn xin ý kiến của ba.
- Việc gì nữa hả con?
- Con muốn đem vườn sinh vật cảnh của chúng ta ra trang trí cho khu du lịch của mình.
- Ý tưởng cũng rất hay. Ba đồng ý với con.
- Con cám ơn ba!
Ông Nhật Quang nhìn con dò xét:
- Nhật Thanh! Mọi việc tuy chưa tiến hành, nhưng có thể tiến triển thuận lợi, tại sao con buồn quá vậy Nhật Thanh?
Nhật Thanh quay quắt:
- Con đâu có buồn gì đâu ba.
- Con đừng giấu ba.
Ông Nhật Quang vỗ về con:
- Cha con mình sống với nhau đã mấy chục năm, không lẽ ba không hiểu được con hay sao? Có chuyện gì dã xảy ra giữa con và Thùy Dương sau khi lên bản về, phải không?
- Con... con...
- Nam nhi đại trượng phu dám làm thì dám chịu. Con hãy nhìn thẳng vào sự thật đi.
- Ba! Con là kẻ có lỗi, suýt chút nữa là con gây ra tội ác rồi.
Ông Nhật Quang sững sờ:
- Nhật Thanh! Bộ con đã...
Biết cha hiểu lầm mình, Nhật Thanh thanh minh:
- Ba! Ba cho con là hạng người vô liêm sỉ ấy sao?
- Con đã làm gì hả, Nhật Thanh? Con đã làm gì tổn hại cho Thùy Dương đến mức nó phải bỏ về Mỹ hả?
- Ba! Con chỉ vì một phút hồ đồ nông nổi mà bỏ mặc Thùy Dương một mình trong rừng.
- Hả! Con nói sao? Con bỏ Thùy Dương một mình ở trong rừng hả?
- Dạ.
- Tại sao con lại làm như thế với Thùy Dương, hả? Con đưa nó lên bản, dẫn nó vào rừng, bỏ nó một mình ở đó rồi đi về, con có nghĩ đến sự nguy hiểm có thể xảy ra cho Thùy Dương không?
- Lúc đó tại vì con giận Thùy Dương nên mờ cả lý trí.
- Tại sao con lại giận Thùy Dương hả?
Nhật Thanh kể lại sự việc xảy ra giữa mình và Thùy Dương cho cha nghe.
Nghe xong, ông Nhật Quang bật cười:
- Nhật Thanh ơi! Con thật là quá trẻ con. Sự việc có gì nghiêm trọng đâu mà nỡ bỏ Thùy Dương một mình trong rừng. Nó giận con là đúng rồi.
- Con biết lỗi của mình rồi.
- Biết lỗi, sao con không xin lỗi Thùy Dương hả?
- Cô ấy có cho con cơ hội đâu. Sau khi về bản, cô ấy ngoe nguẩy về thị trấn rồi ở miết trong khách sạn. Con có đến nhưng cô ấy không gặp mặt, rồi bỏ đi về Mỹ luôn.
- Bây giờ con có muốn gặp Thùy Dương không?
Nhật Thanh ỉu xìu:
- Thùy Dương đã về Mỹ rồi, con làm sao mà gặp được chứ?
- Dì Thùy Trâm vừa điện thoại cho ba.
- Hai người ấy đã về đến Mỹ rồi hả ba?
- Không. Dì Trâm điện từ Sài Gòn cho ba.
Nhật Thanh sững sờ:
- Sao? Ba nói họ chưa rời khỏi Việt Nam sao?
- Phải! Họ vẫn còn ở Sài Gòn. Chuyến bay hai ngày trước vì một lý do đột xuất nên hoãn lại, tám giờ sáng hôm nay, họ mới đi chuyến bay này.
- Như thế thì có ích gì?
- Có chứ! Con có thể về Sài Gòn nay để còn kịp gặp mặt Thùy Dương.
- Nhưng gặp để làm gì?
- Một lời xin lỗi.
- Một lời xin lỗi?
- Phải?
- Ba! Có cần phải làm thế không ba?
- Cần lắm chứ con. Khi mình gây ra lỗi lầm, chân thành nhận lỗi là cách tốt nhất. Như thế mới tỏ ra được mình là một chính nhân quân tử chứ.
- Như vậy là...
- Nếu con khởi hành ngay thì sẽ thực hiện được điều ba vừa nói.
- Ba! Con...
Ông Nhật Quang vừa động viên vừa thúc giục Nhật Thanh:
- Đi đi con! Đừng đánh mất cơ hội, nếu không, con sẽ hối tiếc suốt một đời đó.
Nhật Thanh ngẫm nghĩ lời ba mình nói thật chí lý. Anh quyết làm theo lời của ba mình:
- Con sẽ đi ngay bây giờ, thưa ba.
- Ừ, đi đi con. Trên đường vạn sự bình an và nhớ là phải thành công nghe.
- Dạ.
- Cẩn thận nghe con!
- Dạ. Con đi nghe ba:
Tuy thúc giục Nhật Thanh nhưng ông Nhật Quang vẫn có nhiều điều lo lắng cho con trai nhưng ông nghĩ:
- Đường đi đến hạnh phúc phải qua nhiều gian lao, thử thách. Phải để nó đi tìm hạnh phúc của mình thôi.
Ông Nhật Quang nhìn theo Nhật Thanh đang lao nhanh trên đường với ngổn ngang ý nghĩ. Lòng người cha vì hạnh phúc tương lai của con, ông sẵn sàng làm tất cả để tạo hạnh phúc cho đứa con trai duy nhất của mình.
Nhật Thanh cho xe chạy băng băng để rời nội ô thị trấn. Anh nôn nóng muốn vượt đường xa vào Sài Gòn cho kịp giờ gặ lại Thùy Dương:
- Nhật Thanh! Nhật Thanh!
Nhật Thanh nghe tiếng xe và tiếng gọi gấp rút đuổi theo phía sau mình. Anh bớt ga chậm lại chờ đợi, bởi vì anh biết Diễm Quyên sẽ đuổi theo anh bất cứ kể nguy hiểm. Trong những cuộc đua, Diễm Quyên cũng là một tay đua có tầm cỡ.
- Nhật Thanh! Anh đi đâu mà khuya quá vậy?
- Anh vào Sài Gòn.
- Vào Sài Gòn?
- Phải!
- Để làm gì?
- Anh có chút việc riêng.
- Anh có thể cho em đi cùng có được không?
- Diễm Quyên! Anh đang có việc gấp cần đến Sài Gòn cho kịp sáng nay.
Diễm Quyên tỉnh rụi:
- Có gì đâu! Em có thể ngồi phía sau lưng anh, và anh có thể vững tay lái bằng một tốc độ một trăm hoặc hơn thế nữa được mà.
- Diễm Quyên! Em đừng nhắc lại chuyện đã qua nữa. Cảm thấy rùng mình quá.
- Đừng nhắc lại chuyện đã qua?
Giọng Diễm Quyên nghe chua xót:
- Kể cả những chuyện chúng ta đã từng yêu nhau nữa phải không?
- Diễm Quyên! Sao em cứ nhắc mãi một chuyện buồn như thế? Anh đã bảo là chúng ta chưa từng yêu nhau mà.
- Anh vì ai mà phủ nhận chuyện chúng ta, hả?
- Anh không vì ai cả, anh chỉ vì bản thân mình thôi. Đã không yêu nhau thì gượng gạo làm gì?
- Tại sao trước kia anh không nói như thế? Cho đến khi Thùy Dương xuất hiện anh lại...
- Không liên quan gì đến Thùy Dương cả. Không yêu là không yêu. Thời gian nào cũng vậy cả.
- Anh đừng có bênh vực cô ta. Diễm Quyên này không dễ gì bị người ta ăn hiếp đâu. Cô ta không thể yên khi đã cướp đoạt anh trên tay em đâu.
- Em sẽ làm gì được Thùy Dương?
- Anh đừng xem thường em chớ, Nhật Thanh.
- Không phải là xem thường, nhưng em có thể vượt qua bờ Đại tây dương để trả thù hay không?
- Anh nói thế là sao?
- Thùy Dương đã về bên ấy rồi.
Diễm Quyên mừng rỡ:
- Anh nói thật hả?
- Chuyện như thế có thể nói dối được sao?
- Như vậy là em có hy vọng rồi.
Nhật Thanh chau mày:
- Anh đã bảo rồi. “Dù không có Thùy Dương, anh vẫn không thể yêu em được”.
- Anh nói đi! Em có nhược điểm gì anh không hài lòng? Anh nói đi! Em sẽ khắc phục, em khắc phục được mà.
- Diễm Quyên! Em đừng cố chấp nữa. Anh đã khẳng định với em rồi, dù không có Thùy Dương anh vẫn không thể yêu em được.
Diễm Quyên gào lên:
- Tại sao lại đối xử với em như thế? Em có tội tình gì mà anh lại bạc đãi em như vậy?
- Xưa nay, anh có ưu đãi em sao?
- Nhưng anh không hắt hủi em như bây giờ.
- Anh không hắt hủi em.
- Thế tại sao anh không gần gũi em như lúc xưa?
- Anh bận.
- Anh bận việc gì? Em có thể chia sẻ cùng anh mà.
- Chia sẻ cùng anh?
- Phải! Em cũng biết kinh doanh, em cũng có thể giúp anh quản lý cửa hàng mà.
- Không phải là anh không tin em, nhưng anh không có quyền. Vả lại, bây giờ anh cần có thời gian và sức lực để đầu tư vào công trình mới.
- Công trình gì hả anh?
- Anh muốn thành lập khu du lịch sinh thái vùng cao. Anh muốn kinh doanh phát triển theo hướng du lịch. Trong khu du lịch sẽ có một đội ngũ tiếp thị cà phê và trà đặc sản của Tây Nguyên.
Diễm Quyên vỗ tay:
- Hay quá! Em có thể đến đó phụ giúp anh rồi.
- Chuyện đó tính sau đi. Bây giờ anh cần đi gấp, trời đã sắp sáng rồi.
- Anh vào Sài Gòn để làm gì?
- Anh đã bảo là có việc riêng.
- Việc gì mà anh không thể nói cho em biết chứ?
- Có cần như thế không hả Diễm Quyên? Em nên tôn trọng anh một chút.
Anh có quyền giữ kín những chuyện riêng tư của mình mà.
- Nhưng...
Nhật Thanh nghiêm sắc mặt:
- Nếu em còn muốn giữ một chút tình cảm của chúng ta, em hãy tôn trọng anh một chút đi.
- Em bao giờ cũng trân trọng tình cảm của chúng ta. Em chỉ lo lắng cho anh thôi. Có chuyện gì anh hãy đợi đến sáng hãy đi.
- Cám ơn em, Diễm Quyên. Nhưng em phải biết rằng anh không thể chờ đến sáng mai được.
- Tại sao?
- Em chỉ cần biết rằng không thể được thôi. Đừng tìm hiểu nhiều quá! Không có gì tốt đẹp cho nhau đâu.
- Dù thế nào em cũng muốn biết.
- Diễm Quyên! Chẳng lẽ giữa hai chúng ta không thể nói với nhau bằng lý lẽ được hay sao? Em đừng ép buộc anh.
Vốn bản tính ngang ngược, Diễm Quyên chẳng những không lùi bước mà còn nghênh chiến với Nhật Thanh.
- Anh dám làm gì em sao?
- Em đừng thách thức anh, Diễm Quyên.
- Nếu em cứ thách thì anh sẽ hành động thế nào? Đánh em sao?
- Em đừng tưởng là anh không dám nhé.
- Nếu thế thì anh cứ ra tay đi.
Giữa lúc Nhật Thanh đang rối trí không biết xử xự thế nào thì có một tiếng nói nhừa nhựa vang lên:
- Hai người làm gì mà cãi vã nhau om sòm ngoài đường giữa lúc khuya khoắt thế này hả?
- Chí Bảo!
Diễm Quyên và Nhật Thanh cùng kêu lên. Thấy Chí Bảo, Nhật Thanh mừng quýnh quáng vì anh đã có vị cứu tinh:
- Chí Bảo! Anh hãy giải quyết chuyện này thay tôi nhé?
Chí Bảo huênh hoang.
- Việc gì, anh cứ nói. Giữa đường, nam nhi đại trượng phu gặp chuyện bất bình còn ra tay cứu giúp, huống chi chúng ta là bạn thân với nhau. Nào! Có việc gì anh cứ nói đi, tôi sẵn sàng...
- Anh xem Diễm Quyên thích gì thì chiều cô ấy giùm tôi.
- Còn anh?
- Tôi có dịp phải vào Sài Gòn gấp vào sáng nay, nếu không đi ngay thì sẽ không kịp.
- Anh vào Sài Gòn để làm gì?
- Tôi sẽ giải thích với anh sau. Còn bây giờ, anh giúp tôi giữ Diễm Quyên lại để cho tôi đi ngay.
- Được anh đi đi!
Chí Bảo sấn tới tới giành lấy tay lái của Diễm Quyên. Diễm Quyên không thể kháng cự được. Cô la lên:
- Anh định làm gì tôi hả?
Chí Bảo cười hề hề:
- Đưa em đi dạo suốt đêm nay ở thị trấn này.
- Tôi không cần:
- Nhưng anh thích.
Giữa lúc hai người giằng co cãi vã nhau, Nhật Thanh nhân cơ hội ấy đề máy xe vọt thẳng. Diễm Quyên tức tối quay sang trút cơn giận vào Chí Bảo:
- Anh xuống xe tôi ngay. Đồ vô duyên nhiều chuyện!
Tưởng Chí Bảo sẽ phản kháng mạnh mẽ, nhưng Diễm Quyên không ngờ anh lại ỉu xìu:
- Xin lỗi Diễm Quyên.
Diễm Quyên nhìn anh sững sờ:
- Anh không say rượu sao?
Chí Bảo lắc đầu. Diễm Quyên bực bội:
- Nhưng sao anh lại...
- Tôi chỉ muốn giúp Nhật Thanh thôi.
Diễm Quyên nóng bừng:
- Anh là một kẻ...
- Diễm Quyên cứ dùng hết những lời ti tiện nhất dành cho tôi đi, tôi sẵn sàng nghe mà.
- Anh...
Diễm Quyên lắp bắp. Dù rất tức giận, nhưng cô cũng không thể dùng lời lẽ gì để hả cơn giận trong lòng mình:
- Anh xuống xe tôi ngay:
Chí Bảo làm theo lời Diễm Quyên như một cái máy. Cô rú ga lao đi cho vơi nỗi bực bội trong lòng. Chí Bảo nhìn theo với trái tim đau oặn thắt:
- Diễm Quyên! Anh không trách em đâu. Bởi tình yêu là thế, yêu người là vun vén cho hạnh phúc của người mình yêu. Định luật tự nhiên đã như thế rồi, còn biết nói gì hơn.