Số lần đọc/download: 403 / 17
Cập nhật: 2019-11-13 14:29:08 +0700
Mở Đầu
D
ối với loài người, cười chẳng những là biểu hiệu riêng biệt, mà còn là thang thuốc đại bổ:
Hỏi ai sướng nhất trên đời
Bằng người ít khóc nhiều cười hơn ai?
Sướng trên đời nhất hỏi ai
Bằng người ít khóc hơn ai nhiều cười?
Cười là vậy. Tuy nhiên, không phải chỉ nhe răng là đủ. Cười có nhiều thứ khác nhau lắm.
Có thứ cười híp mắt lại (rire à gonfler les yeux) như thứ cười của những ông băm lăm khi trông thấy gái đẹp.
Có thứ cười khì (rire niais) như những tiếng cười của những con người kiểu thằng bờm khi được nắm xôi của phú ông.
Có thứ cười khỉ (rire bêtement d’une chose) như thứ cười của đàn bà được chiếc áo ni-lông hay cái đầu tóc mới về khoe, khiến chồng phải giấu mặt đi cười.
Có thứ cười khúc-khích (rire sous cope) như thứ cười của các nhà văn, nhà báo khi viết được một bài hóm hỉnh.
V.v… Kể hàng trăm vạn thứ cười không kể xiết.
Nếu tính cả những thứ cười « thuốc độc » như thứ cười « một hai nghiêng nước nghiêng thành » hay « trong nham hiểm giết người không dao » thì có lẽ nhân loại phải dành một pho tự điển để chép riêng về cười.
Bởi cười là cả một vấn đề sống động, nên trước đây, một nhà văn đã viết: « Bất kỳ ở kinh-độ, ở vĩ tuyến nào, nếu cái thú cười bị tiêu diệt, thì đó là sự thiệt-hại lớn cho sinh-thứ loài người. Vẫn biết rằng lịch sử nhân loại, lịch sử dân-tộc có những ngày đau đớn, công cuộc sinh nhai có những ngày vất vả làm ta không thể nghĩ đến những sự vui cười mà không ngượng nghịu được. Nhưng tài liệu của lịch sử là một trạng thái nhất thời mà vui vẻ là một nhu yếu thường xuyên của nhân thế. Người ta ai là người không cười. Huống hồ người ta vẫn có thể cười một cách đứng đắn. Huống hồ cười có thể là một động lực trong công tác hàng ngày của ta. Cần chống chỏi với những nỗi khó khăn trong vũ trụ, trong xã-hội, chúng ta cũng cần tìm trong cái cười một ít thú vị sống để cho có sức mà bước tới, thì ta cũng nên ước ao cho loài người, sau những bi kịch lịch sử hiện thời, sẽ mau mau được sống lại những ngày vui vầy với những trận cười dài đã, chính đáng thật tình… Tức những cái cười để sửa lại phong tục và tranh-đấu cho mức tiến của xã-hội loài người… »
Có kẻ bảo dân-tộc Việt-Nam không biết cười, nhưng có lẽ họ chỉ nhìn vào cái cười của những kẻ đắc chí nhất thời « cáo đội oai hùm, ruồi nương đuôi ký », còn cả khối dân-tộc thì khác.
Dân-tộc Việt-Nam trong quá trình sinh-hoạt chẳng những đã có hằng hà sa số chuyện cười, mà còn biết cười một cách hóm hỉnh không thẹn với nước ngoài là khác, nhất là những cái cười tỉ như ở trong tập Tiếu-lâm này, vì: Về hình-thức, hành-văn rất đại chúng, và thực-tế không phải xếp đặt hoặc vay mượn bằng những sáo ngữ hay những giáo điều nô-lệ trong sách vở xưa nay.
Còn về nội-dung, những miếng võ văn-nghệ của quảng đại nhân-dân, quai thẳng vào mặt những kẻ mà xã-hội bất cứ ở thời đại nào cũng thấy cần phải lôi chúng ra trước những tòa án dư luận.
Những kẻ ấy là ai?
Tức những hạng hôn quân ám chúa, hạng tham quan ô lại, hạng cường-hào ác-bá, hạng gian phu dâm phụ, hạng lưu linh đãng tử, hạng trí thức tầm xàm, hạng chánh khách xôi thịt, hạng học giả lăng nhăng, hạng giả nhân giả nghĩa, hạng dị đoan mê-tín, hạng tu hành bậy bạ, hạng ỷ quyền ỷ thế, hạng cậy của cậy tiền, hạng làm phách làm tàng, hạng đi lừa đi bịp và các hạng ba que, xỏ lá, trộm chợ, điếm đàng, v.v…
Chả thế mà có người quan-niệm là xem chuyện Tiếu-lâm cũng đủ tìm lại những tia hồi quang của lịch-sử dân-tộc nói riêng và loài người nói chung.
Có kẻ thường lớn tiếng cho những chuyện cười ấy là những chuyện thấp kém. Nhưng thật ra chỉ là lý luận của những chuyện thấp kém. Nhưng thật ra chỉ là lý luận của những kẻ sợ cười, sợ thực tế, và sợ bị lột mặt nạ.
Nếu những kẻ ấy mà là nhà văn nhà thơ, thì ta đố họ thay vì viết cả một pho tiểu-thuyết tràng giang, hay một tập thơ dày cộm, hãy nghĩ cho một chuyện cười, ngắn thôi… Họ sẽ phản ứng như thế nào?
Huống hồ lại còn những chuyện rất sâu sắc, nếu không phải là sự sáng-tạo chung của cả một khối đông quần chúng thì khó mà kết-cấu một cách thần-tình được. Thí-dụ như các chuyện: Sợ ma, Trời sinh thế, Hết hách, Ái tình cao thượng, Đồ phản chủ, Cả đời người… là những bằng chứng rất cụ thể.
Vả lại, bảo là thấp kém thì thử hỏi như đọc chuyện « Phê đơn » trong tập này, đã mấy ai biết cái giá trị của nó, không phải chỉ để cười thôi, mà còn cho ta thấy ở một cái xã-hội lố lăng, kẻ càng học cao chừng nào càng ngu dốt chừng ấy, chức vụ càng cao chừng nào càng láo khoét, càng tệ hại chừng ấy. (Ban đầu, cái lầm của người đàn bà có thể tha-thứ, vì con sam nó cũng có mu như con cua, cho đến anh chồng thì khó tha, vì mu cua đâu có chút nào giống mu rùa. Tệ hơn nữa là anh xã-trưởng, với chức vụ cầm đầu một làng mà không thấy rõ con sam không giống con cá đuối, làm gì mà có chân có mu? Cả ba đấu láo, nhưng ít nhất mỗi người cũng có căn cứ vào một điểm tương tự nào của sự vật. Chứ như quan Huyện, xuất thân, dĩ nhiên là tay học giỏi, lại là thứ « dân chi phụ-mẫu » mà dám lên mặt « phê minh chỉ-thượng », dựng đứng ngay lên là: con bò cạp nước, một con vật hoàn toàn chẳng giống với con sam tị nào, thì thật vô cùng láo, cái láo tai hại vậy).
Chỉ bấy nhiêu ta cũng đủ thấy rõ giá-trị của Tiếu-Lâm như thế nào. Theo tục truyền, thì tác-giả Tiếu-Lâm người đời nhà Lê. Chuyện rằng:
Thời ấy ở đất Bắc có ông đồ họ Tiếu tên Lâm, đã bực mình vì thi mãi không đỗ, lại buồn vì sự đời tráo trở, nên bày ra cả trăm thứ chuyện để bêu riếu thiên-hạ, vớ chuyện ở đâu cũng đem vào, bất kể tục hay thanh, miễn cười được thì thôi.
Khi làm xong sách, cha con ông đồ làm thịt chó để ăn tiệc hoàn thành và kiểm điểm lại. Cha con ông vừa đọc, vừa cười, rồi vì cười quá thành vỡ bụng lăn kềnh ra mà chết…
Con cháu ông về sau lưu lạc bốn phương, rồi đến thời thuộc Pháp thì có ba ông chắt chút chụt chịt gì đó phải gánh lấy quả báo.
Cả ba đều được bầu cử làm nghị viên, nhưng đều mắc tật ít nói và đặc biệt chẳng biết cười là gì. Thuốc thang chữa mãi không hết, nên lâu ngày biến thành chứng bệnh ngủ gục, cộng thêm với những nết quái lạ.
Ông thứ nhất thì cộc cằn, hay thượng cánh tay hạ cánh chân với vợ.
Ông thứ hai có bộ râu chổi cứng như rễ tre, nhưng rất mực sợ vợ.
Ông thứ ba hay đau lưng, đau thận, nên bà vợ cứ hàng ngày phải cho uống rượu cắc kè, bìm bịp và ăn trứng vịt lộn để bổ.
Ba ông làm nghị viên mãi, khi Pháp « ra đi » rồi, cũng vẫn thành những cụ nghị, lại kiêm cả « cách mạng gia » và « chánh trị gia » nữa, mặc dù trước sau vẫn tật nào nết ấy.
Trong một phiên họp, ba ông đều lên cơn ngủ, nên cùng tìm vào góc phòng, nép sau cây cột, ngồi sát bên nhau, để tránh các con mắt tò mò.
Lần lượt, ba ông ngáy kho kho cả, báo hại chú tùy-phái sau cơn họp, phải lại đánh thức dậy… Đang ngủ bị lay, ông thứ nhất tưởng ngủ ở nhà, bị vợ quấy rầy, liền cáu sườn, dương thẳng cánh tay tát cái bốp làm trúng ngay mặt ông thứ hai. Ông thứ hai tưởng bị vợ đánh, và mỗi khi bị vậy chỉ ôm hôn là hòa, nên choàng ngay ông thứ ba mà hôn lấy hôn để. Ông này lại nghĩ bị vợ trách cứ về tội bất lực, ép ăn trứng vịt lộn và uống rượu bìm bịp, nên càu nhàu gắt gỏng: « Ê, rượu sao nhểu cùng, trứng vịt gì già thế, sắp nở rồi, lông cứng đâm tua tủa vào miệng người ta vậy, làm sao mà ngủ cà… »
Song đây chỉ là một câu chuyện truyền ngôn có tính chất « chọc cười » và « châm biếm », không có gì bảo đảm về phần lịch sử hết, làm gì có họ Tiếu tên Lâm?…
Theo thiển ý thì Tiếu-Lâm chỉ có nghĩa là « Rừng cười » mà sách Tiếu-Lâm chỉ là một tập góp lại những chuyện cười của nhân-dân, những chuyện cười có tác-dụng như trên kia đã nói.
Kể ra có hàng ngàn, hàng vạn, nhưng ở đây với sức một người chỉ gom góm và chọn lọc được ít chuyện mà thôi.
Mong các bạn đọc thông cảm và cầu chúc dân-tộc ta, một dân-tộc biết cười, giỏi cười, đã sáng tác ra vô số những cái cười sâu sắc, giá-trị, hãy sáng tác thêm nữa và cho nhiều hơn nữa…
CỬ-TẠ