Số lần đọc/download: 2828 / 40
Cập nhật: 2016-03-17 13:46:11 +0700
Cây Đước Cà Mau
Đ
ó là một làng mênh mông xanh biếc trên sông Cửa Lớn, Năm Căn, cách thị trấn Cà Mau độ năm mươi cây số theo đường chim bay, nằm giữa những vùng quanh năm nước ngập, vẹt, đước ken dày trùng điệp. Dọc dài khúc sông Năm Căn từ Tam Giang qua Trại Lưới, đổ ra cửa ông Trang, đước mọc từ mặt nước theo lứa trái rụng, nổi ngọn từ bậc thấp lên cao ngất, như những nấc thang khổng lồ. Thuyền đi giữa dòng rộng hơn ngàn thước, nước băng băng chảy xiết, trông lên bờ như hai bức trường thành vô tận, đắp từng nấc màu xanh đọt chuối, xanh lá mạ, tím thẫm, mờ mờ trong hơi nước biển. Tỉnh Bạc Liêu ngoài lúa, cá, muối, trứng chim, trứng vịt, thơm (dứa), mật ong còn sản xuất than củi, cung cấp cho toàn Nam Bộ. ấy là than và củi đước vùng Năm Căn. Giữa rừng đước bao la, rừng mênh mông trùng điệp đó, đường Cà Mau như một con rắn hổ mây dài uốn khúc, phóng tới đầu ngã ba sông Năm Căn. Cuối năm 1945, giặc Pháp tái chiếm Nam Bộ, chiếm đóng Năm Căn, đốt đình, phá chợ, dỡ nhà gạch xây công sự, dựng lên đồn bót. Súng liên thanh, đại bác ngày đêm bắn ầm ầm vào rừng, trên sông đe dọa cả một vùng mũi Cà Mau. Những người thợ rừng, thợ biển vác búa rìu, cuốn lưới bỏ làng cuốn sâu vô "dớn" theo hàng ngàn con rạch ngang dọc chi chít như mông nhện. Họ nghiến răng chặt nát con đường giao thông độc nhất về Cà Mau, như chặt con rắn hiểm ác ra từng khúc để bảo vệ rừng, bảo vệ tôm cá. Bị du kích vây chặt, khắp nơi đánh mạnh, giặc rút chạy, bỏ Năm Căn cuối năm 1947 sau khi đã thiêu hủy tất cả.
Chúng chặt đầu, bắn chết năm sáu mươi dân chúng, ném xác xuống sông cho cá mập, cá sấu ăn. Năm Căn âm ỉ cháy trong mưa bấc, khói phủ trắng rừng như một giải khăn tang. Chợ Năm Căn mấy lần dựng lại, mấy lần giặc đều cho phi cơ đến ném bom đốt trụi. Tàu giặc ngày đêm vây các cửa sông, canh tuần hai mặt biển, bắn chìm mọi thứ thuyền bè chài lưới, trại đáy, xuồng câu. Phi cơ oanh tạc xục xạo đốt tất cả các lò than trong vùng, ngày nào cũng ù ù lượn trên sông bắn phá. Tôi đến Năm Căn làm mắm, mùa cá dứa năm 1952. Những cơ quan dân chính, bộ phận tự túc của bộ đội địa phương, các tiểu đoàn lưu động trong khu căn cứ, mùa nào cũng có người về đây "tự túc" cá khô, tôm khô, làm mắm tép, bắt ba khía, nấu nước mắm, hấp cá đối, chở hàng đoàn thuyền ăm ắp về ăn luôn năm, sáu tháng. Cán bộ nào về đó mà chẳng biết má Năm Căn. ít ai rõ bà tên gì. Trong xã cũng có nhiều bà mẹ chiến sĩ, muốn dễ phân biệt người ta gọi bà là bà má Năm Căn. Có lẽ bởi má thuộc về lớp người cố cựu nhất ở đây, và có uá tín nhất trong hội mẹ địa phương. Trời chưa tối hẳn. Từ các ngọn rạch, thuyền chài, xuồng câu tua tủa đổ ra sông lớn. Đèn đỏ chấp chới qua lại, quăng lưới dày đặc trên sông. Từng đoàn Ba khía: thuyền than, củi nối đuôi theo nước lớn, xuôi hướng Thới Bình, giọng nói thơ Bạc Liêu trong vắt, lan dài trên sông. Bao giờ hết đước Năm Căn ông Trang hết cá, Viên An hết rừng Khai Long hết xác cá đường Mũi Cà Mau đó, tao nhường cho bây! Tặng tăng tắng tẳng tăng tằng...
Má Năm Căn nãy giờ chăm chú lắng nghe. Lửa than đước cháy riu riu nổ lách tách trong lò. Bỗng má ngước lên nhìn ảnh Hồ chủ tịch trên bàn thờ, hỏi tôi:
- Má nghe mấy đứa ở ngoài vô năm ngoái, nói ngoài Việt Bắc mùa này lạnh lắm. Nếu có than này mà sưởi thì ấm biết chừng nào. Tao chỉ nghĩ mà thương ông Cụ Hồ.
Tôi nói:
- Cụ tuy bây giờ cao tuổi vậy, chớ còn khỏe lắm. Sức thanh niên không bì đâu. Anh Diệp Minh Châu gởi thơ về, nói trong chiến dịch nào đó, anh đi công tác theo cụ muốn đuối. Anh là thanh niên mà còn thở hồng hộc, lết bết đằng sau.
Má cười, hỏi đồng chí giao liên ngồi trên đống lưới đang tước dây choại, xâu khô cá chẽm:
- Tụi bây tháng nào cũng về đây bắt ba khía, chài tôm. Nghe nói ở ngoài Bắc có nước mắm cáy ngon lắm. Không biết có ngon bằng mắm tép, mắm tôm ở đây không? Chớ tao nghĩ mắm ở đây ngon hông nhất. Có đứa nào ra ngoải... phải chi gởi được cho ông Cụ, với một ít bong bóng cá đường. Có lần tao định gửi mắm tép ra biếu Cụ, thằng Tám chủ tịch xã nó cười tao.
Đồng chí giao liên hỏi:
- Cá đường ra sao má?
Má nhai trầu bỏm bẻm, cười móm xọm:
- Thằng khờ quá! Cá đường lớn bằng bắp vế, dài cỡ một sải tay mày đó.
Biển Cà Mau mới có bong bóng của nó ngon, quý lắm. Mình chỉ mổ lấy bong bóng để làm khô, bán cho các tiệm cao lâu. Xác quăng xuống biển. Thuyền bè nào mà chở cho hết! Cũng có người tiếc lấy về xẻ khô. Thịt nó ngọt chắc lắm. Bữa nào biển lặng không có tàu tuần, ra xa lưới thì vô số. Có khi phải rọc lưới cho nó ra bớt, không thì nó tung nát lưới. Trúng luồng cá đi, lơ mơ nó dám kéo chìm thuyền. Xác cá đường ném bỏ, tấp vô bãi Khai Long, vô cửa Rạch Gốc trắng nước. Hồi nãy, mày không nghe đứa nào nói thơ dưới sông đó sao? Đêm ấy, không nhằm con nước bắt ba khía, chúng tôi nằm nhà sửa soạn giỏ, bao tay, nghe má kể chuyện Năm Căn. Má nói:
- Hồi tao tới đây, mới có lưa thưa vài cái chòi đốn củi. Tây chưa phóng con đường này. Rừng hươu nai, lọ nồi nhiều lắm. Cá tôm đặc nước. Làm một ngày ở không ăn cả nửa tháng. Chỉ khổ cái đất trồng trọt. Phải có bông lúa ngọn rau mà sống chớ. Không lẽ chỉ ăn tôm cá, thịt rừng không. Đất này, chỗ nào cao ráo phải để dành trồng trọt. Mình ở toàn nhà sàn cũng như bây giờ, cất theo bãi. Tôm cá thì đủ thứ, thiếu gì! Tôm càng xanh bằng cườm tay, tép xà búi bằng ngón chân cái, tép bạc lưới về, đổ đống như đống lúa cả trăm giạ. Cá dứa thì có mùa, thuộc loại ngon nhất ở đây. Thịt mềm ngọt xớt. Nấu canh chua ngon lắm. Mỗi tháng có hai ngày ba khía hội. Nước rong, ba khía leo bám đầy lên rễ, lên thân cây đước, cây vẹt. Ba khía làm mắm, chở lên tới Mỹ Tho, Sài Gòn. Cua biển cũng nhiều lắm. Các trại đáy kéo lên, chỉ lấy cá tép. Cua cho ai bắt thì bắt. Thường thường thì đổ xuống sông lúc không có người mua. Cua lột tháng tám mới ngon, và thịt chắc nhất. Bụng đầy gạch son. Lớp luộc, lớp chiên lăn bột. Lớp làm mắm nhận trong muối hột. Chừng nào ăn, lấy ra rửa sạch tán nHuyễn, trộn với đường, mỡ, tỏi ớt, chấm với tôm nướng, thịt luộc, ăn rau sống bánh tráng không gì bằng. Tao nhắc còn nhểu nước miếng, vọp, nghêu cứ nước kém, chèo thuyền ra cồn, lấy bồ cào, cào đổ lên chớ nơi nào mà bắt. Tội nghiệp chị em con Tần ở Rạch Chiếc, năm ngoái đi bắt sò bị máy bay bắn chết ngoài cồn. Một đứa mười hai tuổi, một đứa tám tuổi, nước cuốn xác mất tiêu...
Mọi người im lặng. Gió ngoài sông bỗng thổi lên hù hù. Ngọn đèn dầu cá trên bàn thờ lung lay, muốn tắt. Tôi dòm lên chợt hỏi:
- Ba "khoản" bao lâu rồi, má?
Má không đáp, cúi xuống cài lại đống un. Khói tỏa trắng nhà. Không biết có phải bị khói cay mắt không, mà má đưa tay dụi hoài. Một lát, má ngồi lên têm trầu, vừa nhai, mắt ngó xa xuôi ra cửa sổ, phía rừng mịt mù. ánh lửa rung rinh soi hai gò má rung rung. Má đốt một cây nhang cắm lên bàn thờ, nói:
- Ba mầy hử? ổng mất lâu rồi! Lúc tao mới sinh chị Tư mày đó. Miếng đất khỏi chợ, chỗ Tây đóng đồn cũ, là miếng rẫy của ổng hồi trước. ổng phá rừng, lên liếp từ sáng tới xế, trông hoài không thấy về ăn cơm. Tao lôi ra chỉ thấy còn mấy lóng tay. Máu đọng vũng đỏ đất. Con dao rựa chém lát một miếng da cọp, ngập trong cây đước. Hồi năm 1947 Tây rút, tao muốn trở về đó cất nhà, sớm hôm gần gũi. Có trăm tuổi già, nằm xuống đó cho gần chồng gần con. Thằng anh Hai mầy đi Cộng hòa vệ binh đánh Tây trận Gia Rai hồi năm 1945, chết cũng đem về đó... Lúc mình cướp chính quyền độc lập năm 1945, dân tứ xứ đổ về đây, thuyền buôn ngày đêm chèo mát nước. Nhà cửa san sát. Nhờ ơn chính phủ, dân làng mới có cái áo cái quần lành lặn, mới có mùng có mền đầy đủ. Ngày còn Pháp thuộc, đước mênh mông đó mà đốn một cây về cất nhà, lính thủy lâm cũng bắt. Chài tôm, bắt cá chỉ đủ để đóng thuế cho nó. Xứ này, muỗi, bù mắt như trấu, nhiều người không mùng mà ngủ, phải chằm khíu bao bố tời, đệm cho cả nhà nằm. Giải phóng từ năm 1947 tới giờ, dân làm củi, dân hạ bạc mới dư ăn, dư để. Tuy vậy mức sản xuất cũng bị nhiều khó khăn. Lò than bị bom giặc đốt hoài. Than của chính phủ làm cho các công xưởng quốc phòng có khi còn thiếu hụt. Tổ chức Bình dân học vụ cho trẻ con cũng chật vật lắm. Dân làng ra khơi, đẩy xịp ban ngày dưới làn đạn máy bay xối xả để tiếp tế khô, mắm ruốc cho miền Đông...
Rồi má tằng hắng nói thêm:
- Cũng còn gian khổ lắm, con à!
o O o
Tôi có dịp trở lại Năm Căn, sau ngày đình chiến mười mấy hôm. Năm Căn thật là tưng bừng rộn rịp. Chợ mọc lên. Lò than mọc lên. Cờ đỏ lô nhô trên nóc phố, theo ven rừng, lên chóp cột buồm phấp phới. Thuyền bè san sát, buồm trắng, buồm nâu chật nước. Thuyền lưới lũ lượt ra khơi. Thuyền than, thuyền củi chở cột kèo, đòn tay, thuyền trái cây xuôi ngược dập dìu. Xuồng vàm rao lảnh lót vang sông.
Những mái nhà sàn nép theo bóng đước, cầu chạy tránh máy bay dài hàng một hai cây số thăm thẳm vô rừng đã dỡ ra, dựng lên bờ sông trảng nắng. Gió biển lồng lộng, thơm phức mùi tôm khô, tép lụi. Má Năm Căn đã về cất lại nhà trên nền đất cũ. Cây đước ngập dấu dao ngày xưa, lá xanh óng ánh dưới mặt trời, che bóng mát rượi trên hai nấm mồ vừa giẫy cỏ. Má luộc cho chúng tôi một thùng tôm, ăn với bánh tráng Rạch Giá vừa chở xuống bán. Câu chuyện đang vui, bỗng chị Tư con má, hỏi:
- Chừng nào mấy anh tập kết? Các anh định đi hết sao?
Tôi nói:
- Chưa biết. Nhưng chỉ bộ đội và chính quyền đi thôi chớ. Đoàn thể ở lại. Đoàn thể từ mấy chục năm nay, đâu có bao giờ xa đồng bào. Nhất là trong giai đoạn đấu tranh chính trị này.
Mắt má sáng lên:
- Tao chưa học hội. Nhưng tao cũng chắc như vậy. Bây đi về Bắc kiến thiết rồi bây cũng về. Nói vậy, chớ dẫu sao cũng buồn. Đi, ở gì cũng có nhiệm vụ đấu tranh. Tao đâu có cản mà bây giấu!
Tôi an ủi má:
- Thật tình con chưa biết sẽ đi ngày nào, má à! Đâu phải...
Má ngắt lời:
- Tao hỏi vậy là biết chừng nào bây đi, tao gửi than và mắm cho Cụ, cho mấy con ngoài đó!
Má ngẫm nghĩ một lúc, giọng trầm hẳn xuống:
- Tao tính hổm rày, không biết được không? Anh em xúm quanh má:
- Tính gì má? Đâu má nói nghe coi.
- Tao nghe mấy đứa ngoài Bắc vô năm ngoái, nói ở Hà Nội có hồ Hoàn Kiếm. Giữa hồ có một cái hòn, có miếu kỷ niệm ngày xưa vua Lê chài cá được gươm lập quốc. Tao muốn gửi bây một cây đước ra trồng chỗ hồ đó. Là để tỏ tấm lòng bà con mũi Cà Mau luôn luôn nằm trong lòng Tổ quốc, gần gũi Cụ Hồ.
o O o
Tôi trở về cơ quan. Kế được lệnh tập kết. Thời hạn gấp rút, không kịp trở lại Năm Căn. Hôm nay, đi giữa miền Bắc tràn ngập sóng cờ, trong sự chào đón và tình thương ruột thịt của đồng bào, trong nắng ấm của một ngày thu trong sáng. Hòa bình đã lập lại trên đất nước. Nhưng ngày ngày báo chí, đài phát thanh vẫn liên tiếp báo tin những vi phạm hiệp định trắng trợn của đối phương ở miền Nam. Đồng bào ở miền Nam đã bình tĩnh, ngó tới mà đấu tranh, nghiêm chỉnh chấp hành đúng đắn hiệp định, chỉ thị của Đảng Lao động và chính phủ, đã giữ vững niềm tin sắt đá nơi Hồ chủ tịch. Tôi nghĩ đến bà mẹ hiền lành trên giải đất chót cùng của nước Việt Nam, mấy chục năm trời giữ sông, bám đất, thủ tiết thờ chồng, nuôi con, nuôi bộ đội. Đoàn thể có phê bình mà chủ quan, không nghiêm túc thường gọi ông chủ tịch xã bằng thằng. Người mẹ chiến sĩ Nam Bộ cần cù, ham thích chăn nuôi trồng trọt, chung thủy, thẳng thắn, có chủ quan, nhưng rất thương anh bộ đội, thương cán bộ luôn luôn bền gan đấu tranh cho thống nhất nước nhà.
Tôi nghĩ đến Năm Căn, vùng đất dung thân của những gia đình bần cố nông bị bóc lột tận cùng xương tủy, bỏ cày bừa về chen chúc theo đầu sông ngọn rạch, biến thành thợ rừng, thợ biển. Năm Căn, nơi đã nuôi dưỡng che chở cho phong trào khởi nghĩa Bốn mươi của huyện Cà Mau, những giờ phút bắt đầu mãnh liệt và thoái trào đen tối nhất. Năm Căn giờ đây đang ngẩng đầu lên, trùng điệp một màu xanh lá đước. Những cây đước cao vút rễ chi chít từ giữa thân trở xuống, như những cánh tay thò ra bám đất. Như người dân Nam Bộ luôn luôn bám đất chiến đấu không ngừng trước kia và trong chín năm kháng chiến để thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập dân chủ cho Tổ quốc. Và, tôi nghĩ đến bức chân dung Hồ chủ tịch, lồng khung, kính cẩn giữa bàn thờ đỏ chói hai chữ "Tổ đường", trong một gian nhà chài lưới ở Năm Căn. Tôi nghĩ tới ngày mai thống nhất, tôi sẽ về rước má ra đây. Để má biếu mắm tép cho Cụ Hồ, để má thăm các con bộ đội của má và đồng bào miền Bắc... để tự tay má trồng cây đước Năm Căn bên hồ Hoàn Kiếm.
Tháng 11-54