Số lần đọc/download: 1195 / 7
Cập nhật: 2017-08-27 08:11:17 +0700
Chương 1 -
D
IV class=noidung id=fontchu style=\"LINE-HEIGHT: 150%\" align=justify>
Tiếng súng đã im lặng khắp xạ trường. Buổi thực tập tác xạ chấm dứt, cùng lúc với buổi sáng qua đi. Mọi người được hướng dẫn vào nghỉ ngơi và ăn trưa trong khu vườn cao su nhỏ.
Tôi nằm dài dưới gốc cây, gối đầu lên Boncho cuộn tròn. Trên cao ánh nắng chói chang xuyên qua khe lá nhấp nháy trên nền đất làm tôi chói mắt. Tôi xoay mình nằm nghiêng. Mồ hôi trộn lẫn với đất cát thành 1 mùi quen thuộc trên quần áo, thân thể tôi. Tôi mỉm cười nghĩ đến Trang mà tựa vào ngực tôi lúc này, hẳn là nàng sẽ … chết ngạt mất.
Tâm từ đằng xa xách khẩu M.16 uể oải tiến lại cạnh tôi. Nhà giáo uể oải ngồi xuống cạnh tôi, uể oải từng lời nói:
- Thật là mệt, như ….chưa bao giờ mệt đến thế. Còn buổi học địa hình buổi chiều này nữa. Nói thật, nhiều lúc tao thấy tao thật đáng tức cười, quên cả mình từng đi dạy học và là bố trẻ con. Mình đi dạy người ta cả chục năm, bây giờ tới lượt mình vào lính, và …học trò mình nó dạy lại mình.
Tôi nhìn Tâm thân mật:
- Mày buồn à ?
- Không phải vậy. Đó là chuyện rất thường. Cái gì mình chưa biết thì phải học. Nhưng tao già rồi, phải kiên trì đeo đuổi 1 chuỗi ngày vất vả và triền miên …tao sợ tao đuối sức.
Tôi cười thông cảm với Tâm. Tâm có vợ và 4 con, đi dạy học gần 10 năm naỵ Làm sao Tâm còn cái say mê, bầu nhiệt huyết và sức chịu đựng dẻo dai như chúng tôi, những thằng chưa lập gia đình.
Tâm châm 1 điếu Bastos, gật gù:
- Cứ mỗi lần nghe huấn luyện viên giảng tao lại tưởng mình còn đi học. Tưởng như mình đang tuổi lớn lên và đang mài đũng quần trên ghế nhà trường.
Câu nói của Tâm làm tôi ngẩn ngơ đôi phút, rồi 1 niềm xúc động bừng bừng trong lòng khiến tôi cũng cảm thấy như mình còn trẻ lắm, nhỏ lắm. Như chú học trò mặc quần “soọc”, cắp cặp chạy tung tăng từ nhà ra bến xe buýt đến trường mỗi buổi trưa nắng cháy. Như anh học sinh đã biết tán gái, đạp xe đuổi theo những tà áo trắng bay bay qua các nẻo đường dẫn đến ngôi trường con gái thân yêu. Bỗng nhiên tôi thèm sống lại 1 đôi giây của kỷ niệm, tìm lại nét dễ thương tươi trẻ của những ngày xưa thân ái, ngày tôi còn đi học. Ngày tuổi trẻ nô đùa bên nhau. Những phút ngắn trở về với kỷ niệm và kỷ niệm trở lại đẹp đẽ chói chang làm tôi xúc động, buồn muốn khóc. Tuổi học trò của tôi đã đi qua.
Ngày xưa …những câu văn nào, những mẩu chuyện nào được kể mà bắt đầu bằng 2 tiếng “Ngày Xưa”, đều êm đềm, đẹp đẽ và nhiều nuối tiếc. Ngày xưa. Thời gian mà tôi còn mặc áo sơ mi và quần ống ngắn đẹp làm sao ?
Năm ấy (năm đầu khi tôi di cư vào Nam) tôi khép nép, bỡ ngỡ bước chân vào cửa trường Trung Học. Tôi từ bỏ hình ảnh 1 cậu học trò để khoác vào mình chiếc áo mới của anh chàng học sinh Trung Học. Nghe có vẻ lớn, có vẻ quan trọng, thực ra thì vẫn thế: tóc hớt thật cao, áo trắng và quần xanh ngắn ống. Sau này, mỗi lần nhìn lại mình trong những hình lưu niệm hay trong thẻ học sinh, tôi không thể nào nín cười trước vẻ ngây ngô của cậu bé con trong ảnh. Mặt thộn ra, mắt cau cau nhìn xuống, môi mím lại. Bây giờ nhiều lúc tôi lẩm cẩm tự hỏi, Trang, người con gái tôi đang yêu và yêu tôi – dù là ngày xưa – không biết nàng có la lên “mặt mũi gã như “dzầy” sao mình thương được nhỉ ?”.
Tôi trở thành học sinh trường Trung Học Trần Lục từ năm đó. Với niềm hãnh diện chưa tan của kẻ thắng cuộc trong kỳ thi Tiểu học được gia đình thưởng chiếc cặp da đắt tiền và chiếc bút Paker “gồ ghề” trong kỳ thi Đệ Thất.
Những ngày đầu trong lớp học đầu tiên ban Trung học tôi đã nhiều mơ mộng. Tôi như cảm thấy tiếng chim hót đâu đó trong không gian của bài tôi đang học, của Thanh Tịnh: … “Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi …” Tôi như cảm thấy những vị ngọt và mát của kem Cẩm Bình, của lạc rang nóng ròn trong rét mướt bên bờ hồ Hoàn Kiếm, của bánh tôm béo ngậy Hồ Tây ở Hà Nội hãy còn vương vấn đâu đó, chưa xa vời vì ngày di cư còn mới đây. Nhưng mà tôi vẫn học thật chăm, thật ngoan. Thật chăm, thật ngoan cả những năm sau. Tôi đứng hạng cao, được phần thưởng cuối năm đều đặn. Tôi không còn nhớ nỗi hết tên thầy và cô dạy tôi. Và những vị đó theo tháng ngày cũng quên, có gặp mặt trên đường đi cũng không hề ngờ gã thanh niên trước mắt đã có thời gian mình giáo huấn. Cách đây không lâu, tôi đang trên đường đi phép về nhà bỗng gặp 1 cụ già băng ngang đường nét mặt thản nhiên cam chịu. Tôi giật mình nhìn cụ đi ngang đầu xe và chợt nhớ lại 1 thời gian xa xưa đã tan trong dĩ vãng. Cụ là giáo sư Việt Văn tôi học 2 năm đầu Trung Học. Tôi tìm tên vị thầy cũ trong khối óc chứa đầy những bận rộn vì con số, tiền bạc và lo âu. Tôi reo lên nho nhỏ vui mừng: tên thầy là Trạch. Cùng 1 lúc tôi nghẹn ngào xúc động: “Thầy đã già quá rồi thầy ơi !”
Hình ảnh vị giáo sư năm xưa nhắc tôi nhớ những thầy cô khác. Ông Tuyến dạy Pháp Văn nổi tiếng dữ vẫn còn dạy ở Trần Lục – nhưng nhờ vậy học trò chăm học. Cứ giờ thầy thì học trò xanh mặt với những bài học thuộc lòng trong cuốn Pháp Văn của Cao Văn Thái (La famille se réunit autour de la cheminée. Une buche flamme dans le foyer …) Anh nào không thuộc là bò lê, bò càng. Bây giờ thầy Tuyến đã già lắm, thầy vốn đã gầy lại gầy hơn. Cô giáo C. là cô giáo tôi thương nhất. Ngày đó chắc cô mới ra trường. Cô thật trẻ và đẹp. Đẹp và lại hiền hậu nữa. Tôi đã “thương” hình ảnh này với giọng nói dễ thương và sự trong sáng khó quên. Thuở học trò, con trai hay con gái đều thích mê những thầy, những cô mà mình chọn lựa làm thần tượng. Đến bây giờ vẫn không phân tách nổi – không muốn thì đúng hơn – tình thương ấy. Cô dạy tôi Việt Văn năm Đệ Ngũ, và năm sau cô đổi đi Đà Lạt dạy ở Bùi Thị Xuân. Cô C. thương tôi nhất. Cô nhận tôi làm em nuôi và năm sau, ở Đà Lạt nghe tin tôi học giỏi, cô gởi quà về nhờ thầy Tuyến trao tôi chung vào phần thưởng cuối năm. Bây giờ cô đã lập gia đình, hạnh phúc bên “thầy” và các cháu. 1 lần, nghe con trai ông Chu Tử nói quen cô và khi nhắc đến tôi, cô có hỏi thăm, tôi cảm động đến rưng rưng nước mắt.
Tôi không hiểu tại sao tôi là con trai mà mau nước mắt. Xem 1 phim vui quá hay buồn quá, tôi cũng thấy nóng ở mị Gặp 1 người đau ốm nặng, 1 người hoàn cảnh nghèo túng quá tôi cũng mủi lòng hơn người khác. Và chính bản thân tôi, khi gặp chuyện không như ý về tình cảm và cuộc sống, tôi cũng buồn, cũng tủi thân.
Cuối năm Đệ Tứ đời học sinh của tôi bước sang ngã rẽ. Tôi “trót dại” gia nhập “xóm nhà lá” ở cuối lớp. Chúng nó lười kinh khủng, nhưng lắm chuyện vui và chuyện ….tơ lòng. Tôi bỏ bàn đầu dãy giữa - trước mặt giáo sư – mà đã quen chọn ngồi từ những năm tiểu học, để xuống ngồi bàn cuối với chúng nó. Những mẩu chuyện khôi hài, những trò chơi vui đã làm tôi xao lãng việc học hành và bắt đầu suy nghĩ. Tôi học đòi viết văn làm thơ cho báo nhà trường và gửi cho các nhật báo. Đôi khi họ đăng. Tên tuổi tôi được bạn bè nhắc tới và tôi lấy làm hãnh diện. Tôi bắt đầu nghiệp văn …gừng từ đó.
Năm Đệ Tam tôi không còn được phần thưởng. Vài môn học sa sút 1 cách thảm hại: Toán, Lý, Hóa …nhưng tôi không buồn để ý tới điều đó. Tôi theo bọn “xóm nhà lá” trước giờ học đi tán các “em” học Gia Long. Ngày đó có 1 “em” được cả bọn mệ Tuyết trắng, đẹp sắc sảo kiêu kỳ. Em chẳng chịu làm quen với ai nhưng vì em mà tụi tôi - Trần Lục - choảng nhau dữ dội với Võ Trường Toản và P. Ký. Tôi không dự, nhát cũng có mà ghét đánh nhau vì bị “mái súy” cũng có. Ngày nay hẳn Tuyết đã lấy chồng và con đàn con đùm. Chẳng rõ em còn đẹp như xưa ?
Xóm nhà lá tan rã vào năm Đệ Tam. Chúng nó lớn hơn tôi 3-4 tuổi nên đi lính hết. Tôi ở lại, lạc lõng giữa những bạn bè quá chăm chỉ và học giỏi, quá ngốc lại khù khờ. Chúng nó không ghét tôi và tôi cũng thương chúng nó. Vì thương chúng nó nên tôi dại dột thêm lần nữa. Cuối năm Đệ Tam chia ra 3 ban A, B, C. Tôi đã dại dột chọn ban B, vì ngại phải đổi sang Chu Văn An học ban C, chỉ có mấy đứa đi. Bọn kia chọn B hết và tôi chọn B chỉ vì không muốn xa chúng nó. Hết năm Đệ Tam, cả lớp Đệ Nhị chúng tôi phải đưa qua Võ Trường Toản. Lớp Đệ Nhị cấp duy nhất học buổi chiều. Chúng tôi lúc đó đã lớn, tình thầy trò không phai nhạt nhưng sự kính trọng thầy tự nhiên giảm sút. Học trò không còn run sợ khi không thuộc bài, vắng mặt thầy gọi bằng tên, bằng “lão”, bằng “lúy” …, nói chuyện gái và chửi tục nhiều hơn nghe giảng. Sáng chế nhiều trò chơi tai quái đến độ Giáo sư, Giám Thị cũng phải than trời, và …cả lớp đua nhau đi tìm người đẹp Trưng Vương. Học sinh Trưng Vương buổi chiều đa số là nhỏ, vì thuộc Đệ Nhất Cấp. Nhưng cũng có 1 số cô bé thật xinh, trong đó có “em” Liên. Em Liên xinh và lém lỉnh, cũng là đầu mối của nhiều vụ đập lộn u đầu sứt tai. Em là hoa khôi của những năm cuối cùng Đệ Nhị, Đệ Nhất sau này. Tôi không làm quen em, và cũng không đi theo, vì lúc đó tôi say mê làm báo, làm văn nghệ hơn là đi theo gái. Vả lại lúc đó Liên còn nhỏ, mà tôi thì thích quen với những cô lớn hơn.
Trường Võ Trường Toản cho tôi nhiều kỷ niệm. Càng nghịch phá, càng học giỏi hay lười biếng thì càng có nhiều chuyện để nhớ. Lên trình diện văn phòng đều đều. Các giờ thí nghiệm Lý Hóa trong phòng thí nghiệm, các màn đấu Triết của mấy anh học giỏi mới lớn lên học đòi, các cuộc làm báo Xuân …tất cả là kỷ niệm của tôi, của chúng tôi.
Chúng tôi thường ra ngồi dưới gốc cây trước cửa trường sau giờ học, đấu láo và ngắm trêu học trò Trưng Vương đi học về. Giáo sư thấy mặt là lắc đầu “các cậu quá lắm”.
Tôi còn nhớ tên nhiều giáo sư trường này. Ông Thái Văn Khôi dạy Việt Văn thích pha trò, đọc lấy tên mình và còn tự đặc biệt hiệu là Thái Văn Zames Dean. Ông Trần Tuấn Nhậm dạy Công Dân lúc nào cũng ống vố và cù không cười. Ông An “ép phơ” dạy Lý Hóa. Gọi là ông An “ép phơ” vì ông nói đến chữ f là đọc ép “phơ .. Ơ” to tướng. Ông từng đuổi Trần Duy Nghĩa 2 ngày (khi dạy ở Trần Lục) vì trong giờ học, Nghĩa đã cởi áo, lót đầu nằm ngủ tỉnh bơ ở bàn cuối.
Nhưng tôi nhớ nhất là cụ Hiệu Trưởng Đinh Căng Nguyên, ông Tổng Giám Thị và ông Giám Học. Cụ Hiệu Trưởng dáng cao ngất ngưởng, lúc nào cũng nghiêm trang đạo mạo. Cụ rất thương tôi nhưng ít khi nói chuyện. Bây giờ cụ đã về hưu. Ông Giám Học Nguyễn Ngọc Văn sau này lên làm Hiệu Trưởng, ít nói cười nhưng thật hiền. Ông Tổng Giám Thị Nguyễn Mạnh Tuân trái lại lúc nào cũng cười. Ông cũng là nhà báo, từ lâu.
Ngày ra trường, tôi trở lại thăm trường vào dịp hè. Theo tôi, hình ảnh đáng ghi nhận nhất cho đời học trò, nhất là học trò đã ra trường, là trở lại thăm trường vào dịp đã khai giảng và dịp hè. Đến thăm trường lúc mọi người đang học sẽ được gặp thầy giáo cũ, nhìn học trò đàn em cúi đầu trên vở sẽ thấy cảm động như chuyện ông Tướng Pháp (ông Các Nô thì phải) trở lại trường xưa trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư học thời còn nhỏ.
Nhưng vẫn không xúc động bằng trở lại dịp hè. Ngôi trường có vẻ như bỏ hoang, buổi chiều hôm đó tôi đã nghĩ vậy. Cánh cửa nửa mở nửa khép. Tôi lách vào, bước chân lạo xạo trên sỏi gạch. Ngôi trường vắng lạnh, hoang liêu. Lá vàng từ các ngọn cây theo gió đuổi nhau trong không trung, lăng quăng chạy lên mặt sân. Ngọn cỏ mọc dại ngả nghiêng …thật buồn. Tôi bước vào phòng học cũ. Lớp học tối, bụi phấn phủ trắng mờ nền gạch, 3 dãy bàn nằm câm nín. Ôi, thương màu phấn bảng làm sao. Tôi ngồi vào chỗ từng người ngồi hằng ngày và trước mắt như hiện ra từng bóng dáng thầy trò, từng giọng nói, tiếng cười, từng cử chỉ nô đùa năm trước. Kỷ niệm trở về đầy ắp lòng tôi, tôi gục xuống cánh tay, buồn muốn khóc. Tôi ngồi như vậy không biết bao lâu, cho đến khi ngôi trường nhòa ánh nắng chiều tàn tạ.
Tôi ra về, tưởng như đang cùng bạn bè tung tăng cắp sách bước khỏi cổng sau giờ tan học. Nhưng chỉ còn mình tôi ở đây. Các Thầy cũ có người còn dạy, có người đã đổi đi. Bạn bè cũ ngày nay mỗi thằng 1 ngã. Mỗi đứa chọn 1 ngành, 1 cuộc sống mới.
Tôi trở lại thăm trường nhiều lần như thế cho đến bây giờ. Tôi lao đầu vào nghề viết báo đã nhiều năm, tính lại thấy chả đạt được 1 ích lợi gì thiết thực cho đời sống, ngoại trừ vài thỏa mãn nhỏ nhoi. Mỗi đứa 1 số mệnh. Người ta thường nói thế. Như bạn bè tôi, đứa đi lính, làm quan hay lính quèn, bị chết trận. Đứa học lên làm Quận Trưởng. Đứa ra Giáo sư dạy học ở trường xưa. Đứa là Chính Trị và bây giờ là Dân Biểu. Đứa đi tu đạo Tin Lành, cưới vợ và bỏ bạn bè. Đứa lấy vợ đẻ con, đi làm thư ký. Cuộc sống đứa nào cũng bơ vơ dù sung túc hay không. Bạn bè tôi, tôi thương chúng nó. Nên tôi tìm về những ngày xưa thân ái, tuổi vô tư và đời sống cũng vô tự Tôi thích trở về trường cũ, gặp lại thầy xưa, để ngồi kể lể. Thưa thầy, thằng Nghĩa đi Sư Đoàn 7, giết Việt Cộng như ngóe, thằng Cường đi Pilot ở Nha Trang, thằng Minh đi ngoại quốc về dạy Khoa Học …
Tôi cũng muốn mình mãi mãi giữ được thói quen: hằng năm trở về thăm, về góp tìm kỷ niệm trên vùng đất cũ !
Nhưng hẳn tôi không còn cơ hội. Khoác bộ quân phục lên mình, mặc nhiên tôi sẽ phải chịu theo những quyết định của tập thể to lớn đó.
Như ngày hôm nay, như những ngày tháng còn lại của khóa học, như những tháng năm chưa tới. Tôi tin mình có thể cam chịu 1 cách bền bỉ, và sẽ không bao giờ lùi bước. Bạn bè tôi, mỗi đứa 1 số mệnh. Chúng nó còn sống hay chết, chưa đứa nào lùi bước. Tôi lại chẳng làm được như chúng nó hay sao ??
Khi tiếng còi tập họp vang lên, tôi chồm dậy, nhanh nhẹn như chưa hề mệt mỏi. Tâm cười:
- Tao nhìn mày, tao cứ tưởng khi còn ngoài … “dân sự” mày chưa hề biết ngủ muộn, chưa hề biết đau ốm là gì.
Tôi cười, trả lời Tâm trong lúc đầu óc vẫn còn loáng thoáng bóng hình những đứa bạn năm xưa và thời học trò vàng son tươi đẹp của thủa nào:
- Quân Đội “nắn” tao đấy !