No entertainment is so cheap as reading, nor any pleasure so lasting.

Mary Wortley Montagu

 
 
 
 
 
Tác giả: Hoàng Văn Bổn
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Gió
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4411 / 93
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
hằng Lâm Kỳ trần trùng trục, đóng cái khố tải bằng vỏ cây rừng, tay cầm chiếc ná bằng gỗ trắc đen mun, bóng loáng, trèo leo nhanh như sóc giữa các lèn đá rong rêu, dỏng tai lắng nghe tiếng chim rừng rất lạ khắp cánh rừng đại ngàn. Vừa dứt mùa mưa phương Nam, rừng bắt đầu rụng lá, mầm non nhú khắp thân cây. Chồi non lấp lánh dưới ánh nắng ban mai. Đứng trên mỏm đá chon von, nó đưa mắt nhìn khắp cánh rừng đại ngàn, đâm sợ. Thú rừng chạy loạt soạt đâu đây. Lá vàng rơi lả tả. Nó chui vào giữa bụi măng le thân nhỏ như cành trúc quê nó, mắt sáng lên: măng. Cơ man là măng. Măng le nhỏ như chiếc bánh cúng, đầu nhọn, mọc thẳng lên trời. Nó vội vàng quờ tay một cái, hàng chục mụt măng le gãy lốp bốp, ngã rạp. Lột chiếc gùi bằng mây sau lưng xuống, nó quờ đầy măng le.
Bỗng, gần gốc cây dẻ cao to, nhú hàng chục chiếc nấm đội vàng vàng, anh ánh. Có nhiều chiếc nấm đầu còn đội vài chiếc lá mục, một lớp đất mỏng rừng hoang. Nấm trứng gà. Nó reo to, ào vào bới đất, phủi những chiếc nón trên đầu nấm, lùa tay nhổ được hàng chục chiếc nấm trứng gà. Mấy ngày trước, mẹ nó bảo nấm trứng gà xào rau rừng, kho với tiêu ớt chỉ thiên, ngon hết biết.
Mang gùi măng le và nấm trứng gà men theo lèn đá đầy bướm vàng chớp cánh, nó thủ cánh ná, sửa lại con dao quéo đi rừng, đu mạnh qua các gộp đá, hẻm núi lạnh lẽo.
Bên cạnh bờ con suối hoang, um tùm dương xỉ, dây mây, nó cúi lom khom rửa mặt, hai bàn tay bụm nước uống ngon lành. Chợt nó thấy một cái bóng kỳ quặc hiện dưới lòng suối ngay chỗ nó đứng y như mặt cọp vằn tung hoành khắp cánh rừng vài tháng nay. Nó nhảy lùi rất nhanh, rút con dao rừng bén ngọt. Bỗng một cánh tay cứng như thép chụp cổ tay nó, một giọng cười khà khà, ghê rợn:
- Rửa mặt đi. Rửa cho sạch rồi đi coi lễ “đâm trâu”.
- Ông Bách. Ông làm cháu suýt đứng tim.
Ông già cười, nhe cả hàm răng mài nhọn như răng cưa, đôi mắt tròn quảo như mắt mèo rừng toe toé, khiến nó rợn tóc gáy. Ông già đưa cánh tay dài ngoẵng, gân guốc, đỏ như đồng hun, nghiêng chiếc gùi sau lưng nó: “Măng le. Tốt. Nấm trứng gà. Tốt”.
Nó đưa tay mân mê chiếc ná to lớn, kềng càng, chiều ngang cánh ná lớn hơn hai sải tay của nó, bóng đến có thể soi mặt được.
- Thích hả? Chưa lên dây ná này nổi đâu. Đợi bốn mùa rẫy nữa đã.
Ông già Bách vẫn cho nó lên thử dây ná của ông: “Tao lén thần Rừng cho mày tập. Cấm đấy. Cấm cho người khác xài ná của mình. Thần Rừng cấm”.
Thằng Lâm Kỳ lấy thế đứng, chân trước chân sau, lấy hơi phình bụng, cho chuôi ná ngay giữa bụng, hai tay lên gân, nín hơi kéo từ từ dây ná nhích dần vào gần chiếc lẫy nỏ. Ông già Bách cười khà khà an ủi: “ Thôi, rán nữa, lủng bụng đó. Thần Rừng chưa cho mày chơi cây ná kềnh càng, cánh tay phải co lại, cùi chỏ ấn vào dây, bàn tay phải với rút mũi tên tẩm thuốc độc sau lưng, ấn cùi chỏ và dây ná vào đúng lẫy nỏ đặt nhanh mũi tên vào khe ná. Hết sức nhanh và hết sức gọn.
- Tối nay có tới rẫy của tao coi lễ cúng đâm trâu không? Mừng mùa rẫy trúng. Cúng Giàng, Thần Rừng, Thần Núi. Đông lắm. Vui lắm. Mày phải tập đánh cồng, chiêng hoà cùng tiếng gió rừng, tiếng suối chảy rì rầm, tiếng hát í ới, ngân nga của các chàng trai cô gái.
Chia tay ông già Bách, nó chạy nhảy nhanh về lều bên bờ con suối rất trong và mát.
- Chị Lâm Hoàng ơi….- Nó réo gọi vang rừng.
Bà mẹ độ sáu mươi, lưng hơi còng, tóc rối tung theo gió rừng đang bóc vỏ măng tre, măng lồ ô, lột vỏ bắp rừng bên gốc cây cầy độc chiếc, cao trật ót, hai người ôm không xuể, quát mắng nó:
- Suỵt, sao kêu là Lâm Hoàng? Huỳnh chớ. Nhớ, cấm kỵ đó. Ở ngoài quê là Lâm Hoàng, vô tới xứ Đồng Nai thượng này, phải kêu chị là Lâm Huỳnh nghe con, cấm kỵ đó.
Nó đổ gùi măng le, nấm trứng gà trước mặt mẹ, hỏi:
- Con quên. Mà sao kỳ cục vậy mẹ?
- Ừ nhập gia tuỳ tục, đáo giang tuỳ khúc. Đường gọi là đàng. Kính gọi là kiếng. Ân gọi là ơn…Nhớ chưa?
- Dạ con nhớ. Nhưng mẹ nhắc chừng con. Vô đây, cái gì cũng lạ hoắc, lạ huơ. Chị Lâm Huỳnh đâu rồi mẹ?
Cô gái Lâm Huỳnh đầu đội nia nấm khô, tay xách chiếc chày bằng gỗ trắc, từ dưới suối đi lên, dáng đi mãnh mẽ, những vẫn yểu điệu, duyên dáng, một thời là gái đồng bằng sông Hồng tận xứ Bắc xa xôi, má hây hây hay, tóc mai lất phất trên vầng trán sáng hửng: “Kêu gì mà kêu dữ vậy, nhỏ? Có thịt rừng hả?” – “Nấm trừng gà vàng hườm béo ngậy, măng le đang sức lớn, mọc đầy rừng”.
Thấy chị có vẻ hờ hững, nó nổi khùng, nói luôn: “Tối nay chị có muôn đi coi lễ đâm trâu không? Giời tiếng cồng “trầm trầm”, tiếng chiêng “ôi ôi”, tiếng hát giao duyên í a í ơi…”
Đôi mắt sáng của chị nó hửng lên, đôi môi đỏ thắm của chị nó tủm tỉm, đầu chiếc lưỡi nhỏ như ngọn lá liếm nhanh đôi môi: “Ở đâu? Xa không?” – Cách một tiếng hú, một quăng rựa”. Cốc lên mái tóc rễ tre thằng em, cô chị cười lanh lảnh “Vô đây nửa năm trời, ăn hết một mùa lúa rẫy rồi mà con chưa hiểu. Một quăng rựa là đi cả ngày, mỏi tay quẳng chiếc rựa trên tay xuống mới tới. Một tiếng hú là đi mệt nghỉ. Tiếng hú trong rừng đại ngàn, lại càng vang vọng, càng xa..Em thử hú một tiếng đi? Dãy núi trước mặt sẽ hú lại, rồi hú tiếp sang cánh rừng khác”
Thằng Lâm Kỳ và cả mẹ nó nữa, bỗng ngạc nhiên nhìn Lâm Huỳnh. Mãi đầu tắt mặt tối với cuộc sống gần như du canh du cư hơn năm qua hết cánh rừng này đến cánh rừng khác, cô gái Lâm Huỳnh lớn xổng lúc nào không biết, ăn nói rành mạch, đầu ngọn, lại có vốn hiểu biết về đường rừng xứng Đồng Nai thượng này nữa chứ. Bà mẹ sông Hồng bỗng vừa mừng vừa lo: con cái mạnh khoẻ như là do Trời Phật phù hộ, núi rừng xứ Nam chăm nuôi. Nhưng ngày mai, ra sao đây? Bốn chung quanh, toàn núi rừng, sơn lâm chướng khí. Rồi chồng con của con gái, làm sao đây? Học hành thì ba nó, hai chị em nó dạy dỗ lẫn nhau, cũng tạm có cái chữ, tuy không sao bằng cái chữ Thánh hiền của cha nó, các bác nó năm xưa ở tận sông Hồng.
Đôi mắt bà rưng rưng, nghe cái lạnh lẽo chốn thâm sơn càng lạnh, nghe tiếng gió rừng càng nao nao, nghe tiếng chim núi rừng phương Nam càng chạnh nhớ tiếng sóng sông Hồng rì rầm, tiếng chim sẻ ríu rít các mái đình xứ Bắc…
Lâm Huỳnh biết nỗi lòng nhớ quê của mẹ, lật đật kể chuyện núi rừng, chuyện đi săn gà rừng, chuyện bắn sóc, cầy của ông già Bách và thằng nhóc Lâm Kỳ, chuyện cái rẫy kế cận trúng mùa lúa năm nay ra sao. Nhưng những thứ ấy không sao lấp trống nỗi nhớ quê trong lòng bà mẹ. Cầu cho bố mau về, nỗi nhớ của mẹ sẽ vơi đi.
Mẹ không muốn cho con gái đi dự lễ hội đâm trâu ở sóc Po gần đây. Bí hiểm của núi rừng phương Nam. Sự dữ dội của trai trẻ. Và, con gái bà nay đã mười bảy, mười tám rồi. Đôi mắt nó lung liếng với cả cái nắng le lói ban mai qua kẽ lá rừng, với chú sóc, chú nhen có sọc lưng bé xíu, với đàn khỉ quẩn quanh khu lều, ngọn đồi. Điều ấy bà biết lắm chứ. Nhưng rồi, nghĩ thương con thui thủi quanh năm, đầu tắt mặt tối với cây nọc trỉa lúa trẫy, hai bàn tay chai cứng với chiếc chày giã gạo bên bờ suối, bà lại im lăng. Thằng Lâm Kỳ thay cái khố bằng miếng vải lành lặn, vẫn trần trùng trục – nó bảo ở trần quen rồi, mặc vải khó chịu lắm. Nó giắt con dao rừng, cầm chiếc ná gỗ trắc quen thuộc, dẫn chị nó biến vào bóng đêm của rừng đại ngàn, sau khi dặn mẹ:” Lửa un muỗi con đốt rồi. Bắp luộc với măng le kho, mẹ thích ăn lúc nào cũng được, mẹ nhé”
Đêm đó, quanh đống lửa trại ở đầu sóc Po, ông già Bách rất vui đón tiếp hai chị em Lâm Huỳnh, Lâm Kỳ. Độ vài chục gái, trai và ông già sóc Po đang nhảy múa quanh đống lửa, hát nhiều bài hát Lâm Huỳnh, Lâm Kỳ chưa quen lắm, nhưng vẫn thấy hay hay, vui tai. Tiếng hàng chục chiếc cồng to bằng chiếc nia sàng gạo hoà trong tiếng chiêng thanh thanh, khiến Lâm Huỳnh đâm hoảng, nép sát vào Lâm Kỳ, đưa tay chạm cán con dao rừng của Lâm Kỳ. Lâm Kỳ cất tiếng cười ha hả, ngất ngưởng, đu đưa theo nhịp cồng, nhịp chiêng dồn dập, cuống quýt.
Và nó cất tiếng thét dữ dội, nhảy xổ vào giữa đám múa, vặn vẹo hai đầu gối thúc mạnh vào chiếc cồng to tướng mà ông già Bách trao cho nó. Cồng…Cồng….Bili…Bili…Ôi…Ôôi… Các chàng trai khoái chí, càng gào thét, càng nhún nhảy, múa những chiếc xà búp nhọn hoắt như lính trận thời xưa, phóng vút vào không khí, lại rút rất gọn. Giữa vòng tròn người đang lên cơn như rừng động ấy, con trâu ba tuổi bị trói, đầu dán mảnh giấy đỏ đang lùi dần, vừa ngạc nhiên, vừa thích thú, kích thích như ngày mới giã từ vú mẹ đi kiếm ăn một mình giữa núi rừng heo hút này. Lâm Huỳnh run bắn khi nhìn đôi mắt đầm đìa của con trâu cầu cứu cô. Và, cô ngã quỵ sau tiếng thét hãi hùng. Ông già Bách chỉ một nhảy đã tới bên cô. Nhưng vẫn cứ muộn. Chàng trai Suman đã đưa cánh tay cầm xà búp hứng trọn tấm thân run bắn của Lâm Huỳnh. Lâm Kỳ chợt tỉnh, quẳng chiếc cồng mẹ, nhảy đến giằng chị trong tay chàng trai sóc Po: “Để tôi. Cám ơn. Không sao đâu”. Nó dìu chị đến gốc cây trắc cổ thụ, xát mạnh ngón tay hai bên thái dương Lâm Huỳnh. Lát lâu sau, chị nó tỉnh lại, ngơ ngác. Chợt trông thấy chàng trai cô từng gặp nhiều lần giữa rừng, khi đi rẫy, đi hái rau, bẻ măng, cô lúng túng nhìn em trai như muốn hỏi vì sao có chuyện này, vì sao có chàng trai kia đứng cạnh cô?
Chàng trai hú một tiếng, nhảy ba bước đã lao vào khe suối, và trong chớp mắt đã trở lại, đưa Lâm Huỳnh một nắm lá cây rừng, cười rất lành: “Nhai, nuối đi? Thuốc làm tim đỡ đau đó.” Cô gái nhìn Lâm Kỳ dò hỏi. Lâm Kỳ nhìn ông già Bách. Ông già Bách gật đầu: “Đúng. Lá thuốc dịu cơn đau của tim, chỗ này nè” – Ông già đưa bàn tay phải đặt lên trên ngực trái của mình. Ông tu một hớp rượu cần rồi phun vào lòng bàn tay, chà mạnh bên thái dương Lâm Huỳnh, bảo Lâm Kỳ: “Chà mạnh nữa, cháu. Rượu này hay lắm.”
Chàng trai Suman loay hoay bên gốc cây cổ thụ, chẳng biết phải làm gì. Ông già Bách bảo: “Tiếp tục lễ hội đi, Suman? Mùa rẫy tới, mày thay già làng được rồi. Làm cho quen”. Chàng trai đưa đôi mắt sáng quắc nhìn ông già, xoay tấm lưng cảnh phản đỏ au, vụt chiếc xà búp từ tay trái sang tay phải vẻ bực tức, hầm hầm bước đi. Ông già cười cười cùng hai chị em Lâm Huỳnh: “Thây kệ nó. Quen bay nhảy như con thú, con chim, con hổ, con báo xứ này rồi. Chưa muốn bị cột dây vô cổ, ha ha..
Nhưng lại tốt bụng, gan dạ lắm đó, lại giỏi võ nữa. Xứ này, con cọp, con báo cũng sợ nó. Năm rồi cái buôn này còn ẩn dưới cánh rừng Chan, gần con sông Đạ Đồng, có một tốp người lạ hoắc truy tìm gì đó, một người từ xứ Bắc mới vô suýt bị chúng bắt trói. Nó một mình phóng xà búp, chọi đá cục, bắn ná thần, thế mà cứu được người đó”.
Lâm Huỳnh giật mình nhìn ông già Bách. Chính anh ta cứu bố mình ư? Trời, vậy mà nhà mình đâu có biết để đền ơn anh ta?
Lâm Kỳ không biết chuyện ấy. Ngày đó, gia đình cô vừa chân ướt chân ráo từ thượng nguồn sông Đạ Đồng trôi dạt xuống một cánh rừng già heo hút. Bố cô mệt mỏi, mẹ cô hầu như không lê nổi bước chân trên các lèn đá, nhóc Lâm Kỳ phải vừa bước vừa khóc thê thảm. Quần áo rách bươm, không còn hạt gạo, củ khoai. Nhìn cánh rừng, dòng sông trong veo, màu đất đỏ quánh, bố cô gục gặc: “Ở được. Đất này, trời này, ta dung thân được rồi. Sáu tháng trời kéo lê từ Bắc vô tới đây, còn sống đầy đủ gia đình là phúc đức rồi. Nghĩ mà thương gia đình bác cả, gia đình ông cụ Nghè, gia đình bác Lang, có còn ai đâu…”. Thế mà, mới dựng lều, đang phát rẫy chuẩn bị mùa trỉa lúa, đồng khoai củ, bỗng cái quân ấy sục vào, gươm giáo đầy rừng. ”Có một thằng Bắc nổi loạn, chạy từ ngoài đó vô đây. Nó đâu? Dân bản phải nộp nó, mới sống sót làm ăn”. Ông già Bách lúc ấy chỉ đóng khố, đang mài dao chuẩn bị lên rẫy, nháy mắt cho ba mẹ con Lâm Huỳnh rúc vào hang núi sâu, hiểm trở. Ông vừa cất tiếng hú báo động cho bản làng, thì bố của Lâm Kỳ đã bị chúng trói nghiến. Không mảy may suy nghĩ giữa tính mạng ông, tính mạng mấy chục con người thân thuộc của mình, ông lao vào chúng. Chiếc ná, con dao rừng trong tay ông tung hoành. Và, ông cũng sa cơ, bị trói..
Tiếng hú báo động của ông đã dẫn đường cho chàng trai Suman và hơn chục trai tráng lực lưỡng, bất ngờ từ hẻm núi lao xuống đoàn quân đang áp giải ông già Bách và bố Lâm Huỳnh. Đá đầu ông sư từ núi cao ầm ầm lăn xuống như trời sập. Dòng suối bất thần dâng cao. Chớp mắt, chàng trai Suman đã bế xốc bố Lâm Huỳnh và ông già Bách lao vào rừng sau nhiều tiếng gầm như tiếng cọp ùm vang rừng…
Đêm hôm đó, trước khi dời sóc, dời gia đình Lâm Huỳnh đến nơi này, ông già Bách và bố Lâm Huỳnh ngồi bên hũ rượu cần trong hang núi lạnh lẽo. Bên ngoài, trên các sườn núi, trên ngọn cây cao, các chàng trai của ông già Bách tay ná, tay lao sẵn sàng.
o O o
- Xứ này ở được mà. – Ông già Bách bảo bố Lâm Huỳnh. – Họ tộc tôi ở vùng từng này nhiều trăm năm rồi. Mấy cái thằng lính, quan quân ấy, nhằm nhè gì. Ta sẽ dời buôn làng theo dòng sông Đạ Đồng, xuôi xuống độ một quăng rựa, có chỗ tốt.
- Nhưng mà, khổ cho đồng bào buôn rẫy của ông quá. Lang thang mãi, làm sao làm ăn được. Còn gia đình tôi, chạy loạn quen rồi. Ngoài đó, bị chúng hà hiếp, thuế, phu, phạt vạ, vu cho làm giặc, đủ thứ. Làm được mười, chúng ăn chín. Chúng tôi chúng lại. Cũng là noi gương các cụ xưa..Mở lớp dạy học trò kiếm sống, cũng bị chúng vu là dạy dân làm loạn…
- Ông Kỳ, tôi biết mà. Ở đây, trước kia cũng thế thôi. Người xứ Nam dưới thành thị, lập làng ấp dọc con song Đạ Đồng trù phú là vậy, cũng bị chúng cướp, đốt, bắt bỏ tù khắp nơi: Chứa Chan, Bà Đen, Bà Rá, Ông Yệm, Tà Lài…vậy đó. Họ đã nói cho tôi biết nhiều chuyện lắm. Nhiều người tốt lắm, đã bị chúng giết mất rồi..Ông Kỳ, cứ ở với chúng tôi. Dân sóc tôi sống sao, gia đình ông sống vậy. Có điều, chúng tôi cực khổ, lang thang, trần trụi quen rồi. Chúng tôi không ưng cuộc sống thành thị đâu. Họ nhiều mưu mô, dối gạt. Họ không thích chúng tôi. Họ kêu chúng tôi là Mọi…
Ông Kỳ buồn buồn, cầm que củi cời khoai nướng, phủi tro:
- Cũng tại cái quân săn đuổi chúng ta đấy. Hàng trăm năm trời chúng gieo cái thói khinh người đồng bào các ông, gọi đồng bào các ông là Mọi, Mọi rợ. Độc lắm.
Nửa đêm hôm ấy, họ lẳng lặng dời chỗ ở, xuôi theo dòng sông Đạ Đồng hửng sáng, soi bóng mây trời đêm và những vì sao lung linh, giã từ tiếng gà rừng quen thuộc vùng rừng từng nuôi họ mấy mùa rẫy qua, giã từ cả những cây rừng cổ thụ trầm mặc, đàn khỉ khoọc khẹc chạy nhảy chuyền trên cành đưa tiễn họ. Chàng trai Suman đi đầu soi đường, coi chừng thú dữ, hầm hố, cạm bẫy do chính họ và những bản lân bang đặt gài. Lại gần cuối mùa mưa rừng, mưa lê thê, thúi đất đai. Đàn mối càng khua rào rào, há hoác đôi càng bén ngọt quặp vào chân, chỉ rứt lìa thân khỏi chân, chẳng cách nào gỡ ra được. Đàn kiến bù nhọt đít đen thành hàng dào theo lối mòn, xông vào chân người đi, phóng nọc độc nhứt buốt. Qua những quãng suối sâu, chàng trai Suman phải đưa lưng cõng trẻ nhỏ, cả nhỏ Lâm Kỳ ngủ say, ú ớ gì đó, lại cười khơ khớ.
Mười ngày sau, họ tới nơi có thể hạ trại, bên bờ con suối rộng, sâu, lặng lờ đổ ra sông cái Đạ Đồng.
Đêm ấy có trăng rất đẹp. Cánh rừng in mờ mờ trong ánh trăng vàng như sáp, bãi cỏ tranh cuối mùa mưa đâm tược non, trắng muốt.
Ông Kỳ và ông già Bách ngồi bên gốc cây già, bỗng nghe tiếng nai tác, tiếng gà rừng vỗ cánh lao xao, gáy canh năm lảnh lót nơi nơi. Trên đỉnh núi cao, tiếng con vượn cất tiếng hú buồn buồn.
Trên cánh đồng cỏ tranh trước mặt, một đàn nai nhảy cỡn, ngửa cổ chào đón ánh bình minh màu hồng hình nan quạt. Đàn nai có hàng chục con, cả nai con, nai đốm, nai có gạc như cành cây rừng. Chúng ngơ ngác nhìn ánh lửa từ các lều trại, thản nhiên cúi gặm cỏ non ven rừng, chốc chốc lại cất tiếng tác âm âm trong ánh trăng cuối đêm. Đẹp quá. Đàn nai này đẹp quá. Như trong tranh thuỷ mặc. Ông già Kỳ lẩm bẩm, ngẩn ngơ nhìn cánh đồng nai…
- Tôi cần đi tìm gia đình ông bạn thân, bị thất lạc từ ngày hai gia đình gồng gánh lìa quê hương xứ Bắc vào đây.
Khi đi thuyền tránh bọn truy lung ở đường bộ, chúng tôi phải chia tay. May ra, vẫn còn một gia đình cho mai sau. Nếu còn sống phải bằng mọi cách tìm nhau. Chúng tôi đã thề hứa như thế. Còn một gia đình nữa chúng tôi kết thân ở Quảng Ngãi, cũng thề hứa như thế.
Ông già Bách ngậm chiếc tẩu thuốc lá, nghi ngút khói, trầm ngâm giây lát mới cất tiếng lơ lớ:
- Cũng được. Nhưng ông đi một mình rừng núi, có được không?
- Đi một mình tiện hơn. Tôi gởi ba mẹ con nhỏ Lâm Kỳ lại nhỏ ông và dân bản trông nom, nuôi nấng giúp. Thật ra, tôi không thể không đi tìm họ. Người xứ Bắc và xứ Trung, nhất là Ngũ Quảng tha hương vô xứ Nam này nhiều lắm. Phải tìm gặp nhau, ngoài cái sống, còn phải lo cho nghĩa tình, quê hương, gìn giữ cho nhau. Nếu không, chúng sẽ tiêu diệt chúng tôi thôi. Sẽ liên luỵ đến dân bản các ông.
- Nói chi chuyện liên luỵ? Được. Tôi muốn cho Suman theo giúp ông. Ở nhà, tôi và các gái trai khác lo
- Cũng được. Ông và dân bản đã coi gia đình tôi như người của bản, tôi thành thật cám ơn.
- Lại cám ơn. Sao người Bắc các ông hay nói hai tiếng cám ơn vậy? Cần gì phải nói thành tiếng?
Hai ông già cười sảng khoái khi một con hổ hay con thú dữ nào đấy rượt con thú nhỏ chạy ào ngang qua trảng tranh non. Đàn nai hoảng hót nhảy cẫng lên, tao tác và biến mất trong cánh rừng già. Chỉ còn trông thấy những bụi cậy cò ke rung rinh.
- Đồng Nai. Cánh Đồng Nai- Ông già Kỳ thì thầm, gật gù.
- Đạ Đồng…- Ông già Bách giật giật chiếc tẩu thuốc lá, trao tay ông già Kỳ mấy trái bắp nướng, một xâu măng khô.
- Cái nhỏ Lâm Huỳnh nhà tôi coi bộ lớn rồi. Ông trông nom giúp tôi – Giọng ông già Kỳ ngậm ngụi
- Được mà. Người buôn sóc rừng núi phương Nam tôi coi vậy mà không phải vậy. Ông đừng lo. Cứ lo tròn chuyến đi, lại về đây, cùng uống rượu cần, coi trai gái nhảy muá, nghe tiếng chiêng, tiếng cồng…
Thuở Hồng Hoang Thuở Hồng Hoang - Hoàng Văn Bổn