Số lần đọc/download: 2042 / 10
Cập nhật: 2015-07-15 09:42:24 +0700
Chương 1
H
ôm ấy, sau bữa cơm chiều, mọi người đều quây quần ngoài hàng hiên hóng mát. Ba của Bạch Liên, ngồi cạnh ông Diệp – cha nuôi của Tuấn, nhấp từng ngụm cà phê thơm ngát, trong lúc đề đốc Cương, cậu của Bạch Liên và cũng là chủ nhân ngôi biệt thự trên bờ biển Nha Trang im lặng hút thuốc mơ màng nhìn ánh hoàng hôn nhuốm màu trên mặt trùng dương.
Bạch Liên và Tuấn đứng dựa lan can thả hồn theo tiếng sóng dạt dào trên bãi biển. Cả hai đang muốn xin phép xuống bãi dạo chơi một vòng, thì ông Diệp ba của Tuấn (Xem Bóng Người Dưới Trăng. Cùng một tác giả.) bỗng cất tiếng:
- Lát nữa tôi sẽ sửa soạn hành trang để mai sáng lên đường.
Ba Bạch Liên như đã biết trước dự tính của bạn, hỏi:
- Mai khởi hành rồi à? Sao không nghỉ chơi thêm vài ngày ở đây đã?
- Thì đây cũng chỉ là một cuộc du hành ngắn ngủi, nhân dịp các cháu còn nghỉ hè. Chừng độ tuần lễ sau tôi sẽ trở lại với các bác rồi cùng về Sài gòn luôn thể.
Tuấn không ngăn được tò mò hỏi:
- Đi chơi đâu vậy, ba?
Ba Tuấn mỉm cười:
- Lên miền Thượng!
Bạch Liên và Tuấn tròn mắt nhìn nhau. Trong khung cảnh yên tĩnh của một ngôi biệt thự tiện nghi, lời nói của ba Tuấn gợi lên một địa danh xa lạ và… không kém kỳ bí!
Bạch Liên thắc mắc:
- Bác đi một mình thôi, hay là?...
Ông Diệp cười:
- Cả Tuấn và… cháu nữa, nếu ba cháu cho phép!
Bạch Liên quay lại nhìn cha và cậu. Đề đốc Cương thản nhiên nói:
- Cậu chưa biết rõ lộ trình của bác Diệp, nhưng có điều chắc chắn là ngoài đường xe hơi, còn phải băng rừng lội suối, gian nan lắm mới tới chỗ bác Diệp định đến đấy nhé.
Ông Diệp gật đầu:
- Phải, địa điểm bác sẽ đến là một nơi “khỉ ho cò gáy” nằm hẻo lánh trên miền đồi núi cao nguyên. Ở đó có một thung lũng mà thổ dân gọi là Thung lũng Rắn. Lòng thung lũng này dài chừng hai chục cây số, có một “buôn” Thượng, một con suối, một cái hồ, và cách đấy không xa có một mỏ thiếc đang được một công ty nghiên cứu khai thác. Quanh vùng có rải rác ít nhiều di tích cổ của người Hời và một nông trại của ông Quách Tiến, bạn của bác. Ông Quách Tiến là người Minh Hương, một nhạc sĩ và có máu ham mê khảo cổ như bác. Đã lâu ông Tiến vẫn viết thư mời bác ra chơi. Trong một thư gửi cho bác, ông Tiến có phàn nàn rằng đứa con trai ông bị mồ côi mẹ từ nhỏ vẫn phải sống đơn độc ở nơi hoang dã và chỉ mong có bạn. Ông khẩn khoản mời bác đến chơi, còn chủ tâm khoe vài món đồ cổ mà bác ấy tìm kiếm được.
Ông Diệp ngưng lời, như muốn dò xem phản ứng trên gương mặt bọn trẻ: Nhưng cả Tuấn lẫn Bạch Liên đều “nghệt” ra về dự định bất ngờ của cuộc du hành nên chẳng biết nói gì hơn.
- Cháu có thể đi với bác, nếu cháu không ngại những vất vả ở dọc đường, vì đúng như lời cậu cháu đã nói: ngoài đường xe hơi theo quốc lộ 21 từ Nha Trang Ninh hoà thẳng tới, còn phải băng rừng lội suối, qua nhiều con đường mòn mới tới Thung lũng Rắn.
° ° °
Như chương trình đã định, ông Diệp, Tuấn và Bạch Liên khởi hành ngay sáng hôm sau bằng chuyến xe hàng Nha Trang – Ban Mê Thuột. Nửa đường quốc lộ 21, ba người xuống xe vào một địa điểm dinh điền, thuê ngựa, rồi nhờ người chỉ dẫn, cả ba tiến sâu vào khoảng đồi núi chập chùng.
Trời hôm ấy cao và xanh. Ánh sáng chan hòa làm cho vòm trời thêm rộng.
Tuấn và Bạch Liên lần đầu được cỡi ngựa nên rất thích thú. Phong cảnh trải rộng trước mắt bát ngát một màu xanh. Con đường xuyên sơn khi uốn kkhúc qua những đồi cỏ, lúc hun hút giữa rừng cây im bóng rất ít người qua lại. Vó câu thả lỏng, băm nước kiệu, gõ lóc cóc trên mặt đường đất đỏ. Càng rời xa quốc lộ, phong cảnh càng trở nên kỳ mỹ. Vẻ hoang dã tăng thêm với tiếng chim kêu vượn hót.
Ông Diệp cho ngựa phóng vượt lên trước dò đường. Khi quay lại, ông quệt mồ hôi trán, hỏi Tuấn và Bạch Liên:
- Thế nào, có mệt lắm không các con?
Tuấn đáp:
- Thưa ba, cũng hơi mệt, nhưng phong cảnh thật là đẹp.
Bạch Liên tiếp:
- Cháu thấy mỏi ê ẩm cả người. Chắc vì ngồi ngựa chưa quen.
Ông Diệp cười, ngước mắt nhìn ánh nắng:
- Mình bỏ quốc lộ cũng khá xa rồi, đến ngót 30 cây số, nên mệt là phải. Các con ráng chịu đựng và tập cho quen. Giống ngựa trên miền sơn cước này tuy nhỏ thó nhưng rất nhanh nhẹn. Chúng lại giỏi leo đèo, lội suối, nên kkhông sợ gì cả.
Tuấn hỏi:
- Đường còn xa không ba? Chừng bao lâu nữa mới tới?
- Mới được nửa đường. Nhưng cách đây chừng 8 cây số có một địa điểm dinh diền - một buôn Thượng. Chúng ta sẽ nghỉ lại tối nay ở đó, chờ sáng mai sẽ xuống Thung lũng Rắn.
Bạch Liên nói:
- Sao lại gọi là Thung lũng Rắn, hả bác? Chắc ở đây phải có nhiều rắn lắm bác nhỉ?
- Dĩ nhiên rồi. Loại trăn, rắn ở đây rất nhiều cũng như các loài muôn thú khác. Nhưng theo hiểu biết của bác thì sở dĩ có tên Thung Lũng Rắn là do xưa kia có một đền đài của người Chiêm tạc tượng thờ thần Rắn.
Tuấn vùng nói:
- Tượng rắn! Con có thấy một mẫu tượng đó tạc bằng đá xanh bày trong viện bảo tàng.
- Người Chiêm Thành rất có khiếu về khoa điêu khắc. Những đền đài, lăng tháp của họ thường được chạm trổ nhiều hình thù rất sống động và mỹ thuật. Trên suốt dải trung nguyên từ Quảng Nam, Bình Định tới Nha Trang ta còn thấy nhiều di tích của họ.
Ông Diệp đưa tay chỉ về phía trước mặt:
- Kìa, các con nhìn xem, trên ngọn đồi trọc kia, đứng cạnh cây si cổ thụ còn dấu vết một ngọn tháp. Phong cảnh thật u trầm, thanh nhã. Nếu leo lên đó, ta chắc có thể nhìn bao quát được quanh vùng. Biết đâu xưa kia, nơi đây đã là một đồn ải của người xưa, và từng xảy ra những trận chiến oanh liệt…
Giọng nói của ông Diệp đầy cảm khái, cặp mắt mơ màng như đang thả hồn theo giòng lịch sử.
Ông giật dây cương tế ngựa vượt lên ngọn đồi, khum bàn tay che nắng đưa mắt nhìn quanh. Tuấn và Bạch Liên duổi ngựa theo sau.
Chợt một đám bụi đỏ bốc lên trên một lối mòn từ cửa rừng bên phải chạy vòng sang phía chân đồi. Ông Diệp nheo cặp mắt cố nhìn cho rõ, lẩm bẩm:
- Một đoàn người ngựa đang phóng nước đại. Không biết họ là ai và đi đâu!
Đoàn kỵ mã gồm ba người, có vẻ rất vội. Nhưng khi tới sườn đồi, người đi đầu bỗng ghì chặt dây cương khiến con ngựa của hắn chồm cao vó trước đứng lại. Kỵ mã là một người đàn ông dong dõng cao, dáng dấp khác hẳn hai người gốc Thượng theo sau.
Hình như sự hiện diện của ông Diệp với Tuấn và Bạch Liên làm hắn khó chịu. Vừa ghìm ngựa, hắn vừa chiếu cặp mắt sắc lạnh nhìn ba người. Ánh mắt dữ dội của người lạ làm Bạch Liên và Tuấn cảm thấy bối rối. Gương mặt xương xẩu, sạm nắng kia, với cặp mắt long lanh ẩn sâu trên gò má toát ra một uy lực đáng khiếp sợ.
Người lạ chợt quay lại hỏi một người theo sau. Người này trả lời những câu hỏi của hắn một cách cung kính. Chừng như đã thoả mãn những gì muốn biết, người lạ vùng giơ tay lên khỏi đầu theo lối chào từ biệt rồi phóng ngựa chạy thẳng.
Ông Diệp dướn người trên lưng ngựa nhìn theo:
- Lạ thật! Một mẫu người đặc biệt, phảng phất hào khí của núi rừng! Hay là “hắn” đó chăng?
Bạch Liên không hiểu ông Diệp muốn nói gì, quay sang Tuấn:
- Tuấn có thấy bọn họ đều đeo vũ khí không? Họ đeo súng lục, súng trường, như những tay hảo hán trong phim ảnh vậy!
Tuấn nói:
- Nhưng mặt người đi đầu nom có vẻ “cô hồn” quá!
Ông Diệp trầm giọng xen vào:
- Nếu ba đoán không lầm thì người đó là một tên thảo khấu lừng danh ở vùng này.
- Tên hắn là gì bác?
- Một tên khó đọc đối với âm hưởng Việt Nam. Nhưng có biệt hiệu là Hắc-xà.
Tuấn lẩm bẩm:
- Hắc-xà!... Tướng cướp Rắn đen! Nghe có vẻ tiểu thuyết kiếm hiệp quá Liên nhỉ!