Số lần đọc/download: 1507 / 41
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Phần 1 - 1 -
T
in chiến sự được đăng tải trên các báo hằng ngày vốn là những điều hết sức bình thường. Đám thị dân vẫn đọc báo để tìm sự sôi động. Chiến thắng và thất thủ. Lằng nhằng dai dẳng để chết và bị thương. Thú tiêu khiển của cái ác được giật tít trên các trang nhất. Cuộc chiến quen thuộc và nhày nhụa. Đã có cả một thế hệ được sinh ra và chết đi trong chiến tranh. Nhưng ý nghĩa cuộc sống thì dường như vẫn mơ hồ trong các biểu hiện thời thượng. Có những người đã bay lên khỏi mặt đất. Địa ngục vẫn đầy tiếng súng. Và trần gian đùn ra những đấng cứu tinh. Họ tranh giành lẽ phải và cả sự lãng mạn về nước thiên đàng. Lựu đạn cay mù mịt trong trường học. Các thiền sư cũng xuống phố. Và thiên tài mọc lên như nấm sau mưa, đậm đặc hơn cả bách gia chư tử thời Xuân Thu chiến quốc. Những thiên tài trốn lính ẩn mình trong thơ ngạo nghễ để những kẻ trí lực nhỏ mọn khiêng đạn ra chiến trường. Cuộc chiến tranh được tiếp máu từ trời cao và mang nhiều tên gọi khác nhau tùy vào sự khải thị của Thượng đế. Chân lý hỗn độn, cuộc sống thì đa mang, chỉ có bọn lái súng biết chúng muốn gì. Đám người tỉnh táo cũng phải ăn đòn trong khi ca hát, cầu nguyện và khóc. Cả thế giới như bị quỉ ám. Duy lý là một cơn sốt, nó làm nhân loại động kinh.
Cho đến khi tin tức về sự thất thủ của một góc trần gian là Buôn Ma Thuột được các đài BBC, VOA và báo chí Sài Gòn la hoảng lên thì ở một góc khác gần đấy, người dân Kon Tum cũng bắt đầu rúng động. Kinh nghiệm của mùa chiến sự 1972 không rẻ. Có kiêu hùng hay anh dũng mà nát thây thì cũng chẳng tích sự gì. Người Mỹ bỏ miền Nam. Cuộc chiến tranh của năm phút cuối cùng cho kẻ lì lợm đã bộc lộ rõ ở Dinh Độc Lập. Cơn cám dỗ quyền lực lại bùng lên trong những con thú nhồi bông mang dấu hiệu của sự đổ vỡ. Những kẻ trót có lý tưởng chợt thấy cay đắng trong thân phận đánh thuê. Không có ba trăm triệu đô thì không đánh nữa. Hoàng hôn của đấng Cứu thế đã buông xuống. Trần gian ơi, hãy thống hối, giờ của người đã tới. Những thông tin dồn dập cổ xúy cho một cuộc bỏ chạy luồn lách vào phế phủ, nó làm cho người ta xao xuyến. Đấy là thời của những tiên tri giả. Chúng vay mượn lời của Thượng đế, viết sấm ngôn, hứa hẹn nước thiên đàng cho phụ nữ, ban phát bổng lộc cho kẻ cơ hội và đe dọa người công chính.
Mấy đứa con tôi chạy loanh quanh qua đám bạn bè lượm lặt tin tức. Vợ con mấy xếp lớn đã rời khỏi Kon Tum bằng máy bay. Quí ngài đại diện nhân dân cũng đã tìm chỗ an toàn ở phía Nam xa xăm. Phi trường đóng cửa. Kon Tum trong tầm ngắm của đại bác 130 ly. Hai đứa con gái lo lắng bồn chồn. Thằng con trai cắm trại trăm phần trăm trong tiểu khu. Kon Tum đang được tẩm dầu. Tôi cong người để chống lại sự trì trệ của thân xác từ mấy năm nay. Mậu Thân 1968, giữa những tiếng pháo của đêm xuân đã lẫn những tiếng súng của cuộc nổi dậy tổng tiến công. Khi những đứa con tôi còn ngơ ngác và sợ hãi thì trong lòng tôi âm thầm hoan hỉ. Tôi vẫn chờ đợi với một nỗi niềm giấu kín, sự chiến thắng từ bên kia núi sẽ mang chồng con tôi về. Nỗi niềm ấy, những đứa con bé bỏng này chưa bao giờ biết. Chúng vẫn nghĩ người cha và người anh đã bị thú hoang ăn thịt trong rừng sâu như một câu chuyện cổ tích buồn về hai cha con tiều phu nghèo. Nhưng những ngày hi vọng ấy tắt sớm và tệ hại hơn, tai vạ chiến tranh đã đổ xuống ngay căn nhà tôi ở, một cây xà đập ngang lưng và tôi nhận lấy thêm một bất hạnh. Tôi trở thành kẻ bại liệt vĩnh viễn.
Cảm giác mất chồng thực sự dày vò khi tôi biết có quá nhiều bộ đội đã chết trong chiến dịch này. Mùa xuân Mậu Thân với tôi là những ngày đáng nguyền rủa.
Chúng tôi cần phải có ba trăm triệu đô để may áo giáp chống lại nỗi sợ hãi. Những con thú nhồi bông bày tỏ lập trường kiên định ăn thịt chó chấm mắm tôm.
Hãy trao quyền hành lại cho tôi, bởi vì đất nước này là của ông già tôi để lại.
Tôi xứng đáng hơn cả trong những kẻ được Chúa chọn.
Hãy đứng sau lưng tôi hỡi đồng bào. Tôi cam kết không bỏ chạy. Tôi sẽ bắn tới viên đạn cuối cùng...
Đừng tin những gì thằng khùng nói. Hãy nhìn kỹ những việc thằng khùng làm.
Một người lính lái xe Jeep ở trung tâm hành quân của tiểu khu chạy đến nhà tôi, hắn nói:
- Trung úy Châu nhắn bác và mọi người trong nhà phải rời khỏi đây ngay. Đi bằng bất cứ phương tiện nào.
Hắn không kịp cho biết hiện tại thằng Châu nhà tôi ở đâu và có di tản không. Dẫu có bỏ chạy, chắc nó phải đi với đồng đội, tôi nghĩ thế. Gia đình tôi chỉ còn hai đứa con gái và một người đàn bà bại liệt. Tôi thương hai đứa con gái sẽ phải vất vả. Lòng mềm nhũn. Bom đạn không phân biệt chính tà hay vô can. Tôi nói các con chuẩn bị hai giỏ xách.
- Nếu phải chạy bộ, hai đứa bay phải đi. Má ở lại. Má muốn chờ ba con.
Hai đứa khóc:
- Tụi con không đi. Sống cùng sống. Chết cùng chết.
Bi kịch chia ly này cải lương quá. Phải cứng như thép. Lạnh như băng. Phải thực tế.
- Má không muốn hai con có thể bị như má hoặc chết. Hai đứa phải đi. Nếu trời cho má sống thì vui. Nếu trời bắt phải chết thì chạy tới đâu cũng chết. Vả lại, đời má thế cũng đủ rồi.
- Má đừng nói nữa. Tụi con không đi dâu.
Tôi thở dài, mình làm khổ các con.
Một chiếc xe tải bất ngờ đậu ngay trước cửa nhà tôi. Thằng Minh, bạn con Thư chạy vào, nói nhanh:
- Bác đi với gia đình cháu.
Chúng tôi nhìn Minh lưỡng lự. Cỏ ở đâu cũng mọc. Bầu trời ở đâu cũng xanh.
- Thôi, đi các con.
Minh bế xốc tôi ra xe. Ông Phát, cha của Minh đón tôi ở sau chiếc xe tải. Đây là chiếc xe ông Phát vẫn dùng để chở củi. Ông có một xưởng cưa lớn và thuộc loại giàu có trong tỉnh. Tôi nghe người ta khen ông giỏi. Và tôi hiểu lời khen ấy có giá trị thế nào. Ông đóng thuế cho cả quân giải phóng lẫn chính quyền địa phương. Ông là một huyền thoại không ghi trong sử sách. Bọn an ninh quân đội mò đến ông, cảnh sát cũng đến thăm ông, và ông thì đến thăm bộ đội giải phóng. Trong mối tương quan ấy, ông không để ai thiệt, lại càng không để bản thân ông thiệt. Ông biết cách bảo vệ mình bằng cách biết bảo vệ người khác. Báo chí ở Sài Gòn từng nói đến việc các tướng tá quân đội Sài Gòn bán gạo, thuốc men và cả súng đạn cho Việt cộng. Ông Phát là người biết những việc như thế hơn ai hết. Chiến tranh là cơ hội cho những ai biết tận dụng nó, bởi chính chiến tranh được tạo ra như một cơ hội.
Khốn nạn thay cho những kẻ nào tạo ra cớ cho người khác vấp phạm, bởi đấy chính là nguồn của mọi tội lỗi. Trái đất lăn trên sợi dây treo của lòng tham vọng. Hãy bắn đi, bắn đi. Đừng lo thiếu đạn vì đạn giải quyết việc làm cho hàng triệu công nhân, vì đạn mang lại sức mạnh cho một dân tộc vĩ đại và niềm tự hào cho nền văn minh nhân loại.
Tôi nói với ông Phát bằng tất cả lòng cảm kích:
- Cám ơn ông cho đi nhờ xe.
- Dạ có chi đâu.
Tâm và Thư mỗi đứa lên xe với một túi xách nặng. Tâm ngồi với tôi. Thư hầm hè bên cạnh thằng Minh. Nó xù lông như con nhím. Một thứ phản ứng giả tạo đáng ghét.
Tôi nhìn lại căn nhà như nhìn lại tất cả đời mình.
Từ trong tiểu khu, những tiếng đại bác bắn vào hư không nghe như những tiếng gõ điểm giờ báo tử, vang vọng nỗi sợ hãi.
Ta bảo mi là ngụy vì mi chưa bao giờ là chính mình. Mi mượn áo kẻ khác và nói giọng chiêm bao, mi đi với ma và mi mặc áo giấy. Mi sẽ phải thống khổ và ăn năn cải tạo. Mi không có tổ quốc và số phận mi là lưu đày. Mi sẽ phải khóc trên những giòng sông mờ mịt.
Tôi đã nhiều lần rời Kon Tum, nhưng chưa có lần nào buồn như bây giờ. Lòng tôi rối bời. Tôi sẽ mất nó mãi mãi chăng? Nếu khi chồng tôi về, con tôi về, chúng tôi sẽ tìm nhau làm sao? Cái cảnh tượng não lòng của ngày chia ly năm xưa bên giòng Dakbla vẫn đầy nước mắt. Lúc ấy thằng Lâm mới mười hai tuổi, tôi nghĩ nó đủ lớn để chịu đựng cuộc chia ly này. Tôi muốn nó nhìn thấy cha mình như một người anh hùng, trước khi nó đóng vai một người đàn ông trong nhà. Với bốn đứa con nheo nhóc, tôi không thể cùng tập kết ra Bắc với chồng. Tôi đành lòng chờ đợi như bao nhiêu người đàn bà khác đã chờ đợi chồng trong chiến tranh và trong hy vọng hòa bình thống nhất. Chẳng ai nghĩ cuộc chờ đợi ấy lại quá lâu như thế. Cả ba chúng tôi ôm lấy nhau. Nước mắt nói thay cho những lời nói. Nhưng khi thấy chồng mình quá quyến luyến con, tôi buột miệng nói: “Hay là để con đi với anh”. Dẫu sao tôi vẫn còn ba đứa để an ủi. Anh ấy cúi xuống, ôm mặt con, hỏi: “Con đi với cha không?”. Thằng Lâm gật đầu. Tôi không hiểu nó nghĩ gì. Một bản chất anh hùng, hay sự ham vui có tính kích thích của cuộc phiêu lưu? Thế là tôi mất thêm đứa con. Đêm ấy, tôi gom cả ba đứa còn lại vào chung một giường, ủ trong cánh tay mình và khóc lặng lẽ.
Chúng tôi đi về phía Peiku. Đoạn Chư Pao gập ghềnh, chiếc xe lắc qua lắc lại. Tôi nhìn ra phía sau, không biết từ lúc nào đã có rất nhiều xe nối đuôi theo, trong đó có cả những xe nhà binh và xe hai bánh. Đây là đoạn đường nhiều bất trắc. Bao năm qua, đất Chư Pao thấm đẫm máu người, binh lính hai phía và cả những thường dân vô tội phải đi qua con đường này. Nhiều trận đánh dai dẳng đã diễn ra ở đây giành nhau từng tấc đất. Cắt đường và giải tỏa, pháo kích và mìn. Người dân Kon Tum đón nhận những tin ấy từ Chư Pao kèm theo danh sách những người bị thương hoặc chết. Trong thâm tâm, tôi không bao giờ nghĩ chồng con mình sẽ về theo cách ấy. Bởi thế, chưa bao giờ tôi tự hỏi trong số những người đã ngã xuống ở Chư Pao này có chồng con mình hay không. Chư Pao là một số phận. Người ta đến Chư Pao để chết. Giống như một cô gái tôi biết, người nào đến với cô rồi cũng chết. Người thứ nhất đến với cô năm cô 16, chỉ sau nụ hôn duy nhất khi anh ta từ biệt cô bước vào cuộc chiến, anh ta không bao giờ có thể trở lại. Cái chết của anh ta không còn một dấu vết. Người ta đưa cho cô cái thẻ bài. Người thứ hai đến với cô sau đó một năm, anh ta cũng chết không lành lặn sau khi biết chắc chắn cô sẽ thuộc về anh. Người thứ ba chỉ vừa sau ngày lễ hứa hôn năm cô hai mươi tuổi, anh ta không những chỉ chết một mình mà còn mang theo ba bốn đồng đội. Tất cả những chàng trai ấy đều chết ở Chư Pao như thể Chư Pao đòi báo oán. Bom đạn cày xới thân xác họ hàng ngàn lần. Đến hơn hai mươi năm sau, cây cối ở Chư Pao vẫn chưa mọc lên được. Người con gái sợ hãi chính mình, cô cạo trọc đầu, đem tóc mình rải lên đồi Chư Pao như chút tình với những người đã chết rồi sau đó vào chùa sống với niềm u tịch mãi mãi.
Chúng tôi đang đi trên Chư Pao. Có thể mìn dưới chân bất chợt nổ tung. Có thể pháo trên đầu bất ngờ ập xuống. Nhưng tôi tin rằng mình sẽ bình an. Tôi phải đi đến tận cùng số phận.
Không ai nói với nhau lời nào cho đến khi chiếc xe vượt qua khỏi đoạn đường nguy hiểm. Từ lúc lên xe, con Tâm lặng thinh. Tôi không nghĩ chỉ vì nó biết thân phận người đi nhờ. Thỉnh thoảng nó lén nhìn thằng Minh và Thư. Tuy đến tuổi quân dịch nhưng thằng Minh không phải đi lính. Nó nói được hoãn dịch vì lý do sức khỏe, nhưng trông nó khỏe mạnh, thậm chí hùng tráng. Điều ấy cũng chẳng có chi lạ. Việc lo cho thằng con khỏi phải ra chiến trường đối với ông Phát chỉ là chuyện nhỏ. Nó là người trực tiếp trông coi xưởng cưa và cũng có thể nó can dự vào cả những việc làm ăn khác của ông Phát. Bên cạnh sự dày dạn của nó, con Thư chỉ là đứa bé lấc xấc. Bọn con trai thích Thư vì sự linh hoạt, tự nhiên và đôi chút hấp dẫn của một thân thể mới lớn.
Khác với vẻ náo nhiệt bình thường, thị xã Pleiku cũng đã nhốn nháo và hoảng hốt. Thành phố ăn chơi thời chiến này đã mất đi cái sinh khí cuồng nhiệt tạm bợ, một không khí hoang mang tan rã lan tràn mọi nẻo đường. Những chiếc xe dường như chỉ còn đi về một hướng. Người ta trốn chạy sự chết chóc, nhưng sự chết chóc đã nằm trong mắt mọi người. Chúng tôi biết không thể dừng chân ở đây. Năm 1975 đã khác năm 1972 rất nhiều. Nó có cái gì đó không thật nhưng dường như tiềm ẩn một sự thay đổi lớn lao. Năm 1972, người dân Kon Tum cũng đã một lần chạy trốn bom đạn, nhưng ngày ấy Kon Tum không có một “đại lộ kinh hoàng” tràn ngập xác người như đoạn đường từ Quảng Trị vào Huế; Kon Tum cũng không khói lửa tan nát như Bình Long- An Lộc với những trận đánh ngay trong lòng thành phố. Nhưng Kon Tum ngày ấy đã chôn vùi thân xác của Quân, chôn vùi mối tình đầu của Tâm. Chàng trai tốt bụng đã đưa cả gia đình tôi lên máy bay vào Sài Gòn, trước khi trận đánh trở nên khốc liệt. Tôi vẫn nhớ mãi cái cảnh chộn rộn hốt hoảng trên bãi đáp trực thăng. Con Tâm còn mặc nguyên chiếc áo dài trắng ở trường học về, trông nó bé bỏng giữa cái mênh mông của đất trời, mỏng manh giữa sự hỗn loạn, và quá thơ ngây giữa nỗi sợ hãi. Nó đến trước mặt một viên sĩ quan, nói: “Anh cho gia đình em đi với”. Không hiểu trên khuôn mặt và trong đôi mắt Tâm lúc ấy đã biểu hiện những gì mà viên sĩ quan đã vỗ vai Tâm nói: “Em yên tâm”. Tôi nghĩ sự tin cậy mà Tâm đặt nơi anh ta quá lớn để anh ta không thể làm cho sự tin cậy ấy bị thất vọng. Tôi vẫn biết Tâm có cách biểu đạt không chỉ bằng sự thông tuệ mà còn tiềm ẩn cả sự tín cẩn hồn nhiên. Viên sĩ quan cùng với Tâm trở lại chỗ chúng tôi đứng. Anh ta chia đám dân chúng và cả những gia đình binh sĩ ra từng nhóm. Chiếc máy bay trực thăng ập xuống. Chúng tôi được đẩy lên sàn máy bay. Trong phút chốc, tôi định thần lại, chiếc máy bay đã rời khỏi mặt đất. Tất cả gia đình tôi có mặt đầy đủ, kể cả Châu. Viên sĩ quan vẫn còn ở dưới đất. Sau này, tôi biết đó là chuyến máy bay cuối cùng rời khỏi Kon Tum trong trận chiến mùa hè đỏ lửa năm 1972. Còn viên sĩ quan ấy, anh ta đã nằm xuống như những người lính khác đã nằm xuống trong cuộc chiến người ta cãi nhau vì chính nghĩa để chết vô nghĩa. Viên sĩ quan, thực ra, không phải hoàn toàn xa lạ với Tâm. Tâm đã nhiều lần nhìn thấy anh ta trên đường phố. Những anh sĩ quan đều ít nhiều có vẻ hào hùng trong mắt các em bé nữ sinh. Tâm biết tên anh ta và còn biết anh ta là một người chơi đàn guitare khá hay ở cái thành phố quá nhỏ này. Cái chết của anh ta sau cái nghĩa cử tình cờ của chiếc máy bay trực thăng đáp xuống ngay chỗ chúng tôi, vớt chúng tôi khỏi sự chết đã biến đổi Tâm thành một cô gái cứng cỏi, dẫu rằng đã ít nhất một lần Tâm trở lại cái bãi đáp chết chóc ấy đặt xuống đất một khăn tang trắng. Cơn mơ vừa mới chớm lên đã bị dập tắt. Nó mang theo nỗi đau đớn được thêu dệt bằng cả sự nhân hậu và lãng mạn.
Mặt đất đang rung chuyển bởi những tiếng gầm gừ của xe tăng. Và xe tăng sẽ nghiền nát mọi nỗi buồn. Cả thế giới toàn niềm vui. Tất cả mọi tiếng thở dài sẽ lẫn vào trong gió. Kẻ đói và người no đều được ăn. Người khát và không khát đều được uống. Muối iod sẽ được rải đều từ rừng xuống biển. Phụ nữ không còn bệnh bướu cổ. Trẻ em hết đần độn. Một trời mới, đất mới sẽ mở ra bát ngát mà mật độ anh hùng sẽ trở thành lá cờ đầu của phong trào giải phóng nhân loại khỏi sự ù lì và hôn ám của chủ nghĩa an phận.
Tôi nói Tâm xuống tìm mua thêm lương thực và nước. Minh nhảy xuống xe cùng đi với nó. Hơn nửa tiếng sau bọn chúng mới quay trở lại. Minh mua được ít thuốc và đồ cứu thương.
Tâm nói:
- Vẫn còn nhiều người ở lại. Hình như họ không sợ chết.
Minh có vẻ như phân bua:
- Tôi cũng không sợ chết. Nhưng tôi cho rằng cần phải đi khỏi chỗ này.
Hắn chỉ nói có thế, nhưng tôi hiểu ý nó không muốn chết vì việc của kẻ khác. Cả ông Phát và hắn đã không bao giờ coi cuộc chiến này là của mình của dân tộc mình. Và họ cũng không bao giờ muốn trở thành những nạn nhân. Không ai nói gì thêm. Dẫu sao chúng tôi cũng đang bỏ chạy. Tôi nghĩ về những người ở lại. Không phải tất cả họ đều có sự chờ mong như tôi. Nhưng họ đã ở lại như cỏ mọc trên đất. Người đàn ông tôi nhìn thấy bên đường lặng lẽ hút thuốc như cột cây số trên quốc lộ, ông ta đứng cắm xuống đất như một dấu ấn đất quê hương. Ông ta đã ở lại có phải vì chính ông ta hay một nỗi niềm nào khác? Điều gì khiến ông ta không sợ bom đạn?
Tôi có thể tự cứu vớt mình chăng? Chiếc xe lắc lư đưa chúng tôi đến Phú Bổn vào buổi chiều. Không khí ở Phú Bổn trầm hơn Pleiku rất nhiều. Tỉnh lỵ nhỏ bé này vốn hiu hắt như muốn chìm vào trong đất cũng đang trở nên chộn rộn bởi những hàng xe và những người lính mang sắc phục khác nhau không còn hàng ngũ đi lại thất thần. Cơn thịnh nộ của đấng toàn hảo đang giáng xuống. Trong bóng tối, cả người tỉnh thức và ngủ mê đều bị co giật. Mọi cơn mơ sẽ trở nên trống rỗng vì linh hồn bị tách lìa khỏi thân xác đã không tìm được lối quay về.
Chúng tôi phân vân không biết nên đi tiếp hay tạm dừng nghỉ qua đêm tại đây. Ông Phát nói:
- Mọi người cứ ở trên xe chờ tôi.
Ông đi về phía trước. Chúng tôi thấy ông nói chuyện với những người lính. Có một đại đội biệt kích từ Dakto xuống, họ cũng đang nằm chờ.
Tôi băn khoăn không biết Châu còn ở Kon Tum không. Nó là một đứa con trai có hiếu. Trong số các đứa con của mình, nó là người gần gũi với tôi nhất. Tất cả mọi việc nó đều có thể chia sẻ với tôi, duy có việc nó đi lính là tôi không hài lòng. Nó nói: “Con không muốn là thằng hèn”. Tôi nói: “Má không muốn con chết và má cũng không muốn con bắn người khác chết”. “Nhưng chẳng có sự chọn lựa nào khác. Con không thể sống trốn chui trốn nhủi. Đấy không phải là cách của con”. Tôi hỏi: “Thế về phía bên kia thì sao?”. “Theo Việt Cộng à? Có khác gì đâu. Thì cũng sẽ chết hoặc bắn người khác chết”. “Nếu con muốn sống như một người đàn ông thì không phải chỉ có khí phách mà còn cần có lẽ phải nữa”. “Thôi, má đừng bắt con phải tranh luận. Phải hay trái, người ta đã cãi nhau mấy chục năm rồi”. Tuy nói thế, nhưng tôi biết nó có chính kiến và việc đi lính của nó không chỉ đơn thuần như một sự chấp hành pháp luật của công dân ở nơi nó sống như một hoàn cảnh đương nhiên. Đến nước này tôi buộc phải nói sự thật với nó: “Ba và anh con ở phía bên kia. Có thể họ đang ở Bắc làm một công việc nào đó. Cũng có thể họ đang có mặt đâu đây. Má không muốn con đi lính vì má không muốn con cầm súng bắn vào cha và anh mình, hiểu không?”. Châu hơi ngỡ ngàng. “Sao hồi đó má nói ba chết?”. “Má sợ các con liên lụy”. Nó yên lặng. Sau đó, nó vào Sài Gòn. Mấy tháng sau, nó viết thư từ quân trường Thủ Đức xin lỗi tôi. Tôi cảm thấy mình mất người thứ ba ruột thịt.
Bọn lông bông gào lên đòi quyền sống như thể hồi nào tới giờ chúng đang chết. Mặt trời tháng tư vẫn chói lọi trong khi cơn bão nhiệt đới nhóm lên từ phương Đông đe dọa sẽ nhận chìm muôn loài trong mưa giông và hồng thủy, nhưng các nhà tiên tri lên truyền hình dự báo thời tiết vẫn nói rằng sẽ không có gì thay đổi cho đến hết thế kỷ 21. Thế là bọn choai choai xin tiền bố mẹ tiếp tục rong chơi qua đêm bất kể giờ giới nghiêm từ lúc 24 giờ. Bọn chích choác rúc vào các quán café trầm ngâm như hiền giả. Phản kháng là một xu thế văn minh. Mặt đất tự xoay trên một trục nghiêng và quay quanh mặt trời lập lại một trật tự vĩnh cửu. Thời gian thuộc về kẻ sáng tạo và kẻ phung phí.
Ông Phát quay trở lại, nói:
- Không thể đi được nữa, phía trước kẹt cứng....
Đêm ấy, cả Phú Bổn sống trong sự náo loạn. Từ khắp mọi ngả, người ta đổ ra đường. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra. Mỗi người một túi xách, người ta chen nhau tìm cách leo lên những chiếc xe hy vọng tìm một chỗ ngồi. Những chiếc xe gắn máy cũng chồng ba, chồng bốn. Không ai muốn bị bỏ quên lại trong những căn nhà. Một gia đình tràn lên xe chúng tôi bất kể có được cho phép hay không. Người ta bị dồn đẩy giống như một rừng cây đang trốc gốc. Những con người nghiêng ngả nằm lê lết ngoài đường, họ cần sự nương tựa vào đám đông. Nhưng đám đông lại hỗn mang vô định. Cảm giác về sự chung cuộc, nỗi diệt vong tràn ngập trong lòng tôi, nó buồn bã hơn cả sự úa tàn.
Tiếng trẻ con gọi mẹ vang lên trong đêm tối từ đâu đó vọng tới. Tiếng gọi ấy lớn dần lên và mỗi lúc một khẩn thiết hơn cho đến lúc chính tôi và cả đám đông chung quanh cùng khản cổ gọi mẹ... Cơn mê sảng dấy lên từ lòng đất hâm hấp nóng tạo nên những cơn sóng nhấp nhô từ những dòng người đang rời bỏ làng mạc. Họ lơ lửng trong một cảm thức không còn chỗ bám víu xô dạt trong nỗi sợ hãi mù lòa. Đó là đêm trước của ngày tận thế, mù mịt và lao đao, con người không còn là mình mà chỉ thấy những bóng ma phía trước.
Cùng lúc tôi nghe thấy tiếng xe mình nổ máy, tôi cũng nghe thấy mọi thứ xe đều nổ ròn rã, tiếng còi bấm inh ỏi. Trời hừng sáng. Đoàn người lên đường. Bỗng nhiên có ba người lính Biệt động quân nhảy lên xe chúng tôi xin đi nhờ. Họ lạc đơn vị. Họ cho biết Kon Tum không còn nữa. Tôi có cảm giác như những tổ tiên lưu dân ngày xưa, ra đi như một cuộc lưu đày. Phía trước chúng tôi chắc chắn sẽ không chỉ là Tuy Hòa, Nha Trang mà là Sài Gòn. Tôi không tưởng tượng nổi cuộc ra đi này đã bắt đầu cho một cuộc ra đi khác, lớn lao hơn và cũng khủng khiếp hơn, làm đổi thay vận mệnh hàng triệu người và viết vào lịch sử những lưu dân Việt Nam một biên giới mới.
Cả ba chàng Biệt động quân đều rất trẻ, họ không đeo lon nhưng tôi có thể đoán họ là sĩ quan. Chẳng có vẻ gì hốt hoảng, như thể họ chưa từng biết tới sự truy đuổi của cái chết.
Đại đội biệt kích đưa đoàn người đi theo đường số 7. Đây là con đường từ lâu hoang phế. Có nhiều con đường đã hoang phế như thế vì bom đạn và chết chóc. Và đây là sự lựa chọn để đi tìm sự sống. Tôi nghĩ những người dẫn đường có lý.
Một trong ba người lính đi nhờ xe tự giới thiệu là Luận đến làm quen với Tâm bằng cách hỏi han về tôi. Tôi biết vẻ đằm đằm của Tâm là một thế giới bí ẩn và hấp dẫn đối với đàn ông, nhất là đối với những kẻ có nam tính mạnh mẽ.
Tôi hỏi Luận:
- Ở Kon Tum có đánh nhau lớn không cháu?
- Có đánh đấm gì đâu bác. Chúng cháu được lịnh rút khi chưa biết địch ở chỗ nào.
- Thế sao lại thất lạc đồng đội?
- Tụi cháu đi đường rừng. Cứ nghe cắc, bùm là chạy.
Luận lắc đầu và cười thay sự hổ thẹn:
- Đi lính bao nhiêu năm, chưa bao giờ lạ thế. Hắn tiếp. Mấy thằng tướng phải xử bắn.
- Cháu có biết lính trong tiểu khu ra sao không? Tôi muốn hỏi về Châu.
- Họ cũng đi hết rồi.
Không biết Châu ra sao. Tôi cầu mong sẽ gặp Châu trên đường.
Khoảng cách từ Phú Bổn đến Tuy Hòa chỉ khoảng hơn một trăm cây số, nhưng tôi có cảm giác sẽ không bao giờ đến được tới đó.
Tôi không biết những gì đang diễn ra ở phía trước đối với những người lính mở đường. Nhưng tôi đã thấy bên đường những kẻ ngồi lại, những kẻ không thể đi được nữa vì vết thương họ mang trên người. Hầu hết họ là những thường dân. Tôi không biết họ chờ chết hay chờ một phép lạ. Họ mang những dáng vẻ khác nhau, nỗi sợ hãi hay chịu đựng khác nhau. Đoàn người đi qua chỉ kịp ngoái lại mà lòng xót thương không đủ mang đến một sự cứu giúp nào. Vả lại, có muốn dừng lại cũng không được. Con đường hẹp, gần như một chiều, đoàn xe nối nhau như rồng rắn. Chiếc nào hư hỏng liền bị đẩy văng xuống vực. Trong một khoảnh khắc để giải tỏa chướng ngại trên đường, xe chúng tôi dừng lại. Người đàn bị thương ở chân, quần bê bết máu, trên tay bà một đứa con nhỏ, chung quanh ba bốn đứa khác vừa đen vừa trắng bấu víu vào nhau như một đàn khỉ, họ lê đến sát đầu xe, cúi lạy.
Ông Phát nói:
- Cho họ lên.
Minh và ba người lính giúp đưa bà mẹ và năm đứa con lên xe. Chiếc xe trở nên quá chật chội và hôi thối vì mùi từ vết thương của người đàn bà tỏa ra. Minh lấy bông băng lau chùi tạm cho bà ta. Ba người lính khui đồ hộp cho những đứa trẻ ăn uống. Những khuôn mặt trẻ con nhếch nhác hồi tỉnh.
Ok. Salem. Fuck you. Tiếng Mỹ văng tứ tung trên đường phố cùng với bao cao su. Người ta nói về một loại bệnh lạ mang tên Okinawa, xuất phát từ đám lính Củ sâm. Nó làm teo đồ gieo giống của đàn ông. Bọn lính Mỹ đi giải trí ở BangKok và HongKong cùng với Bob Hope và gái da vàng. Việt Nam hóa chiến tranh được thực hiện triệt để tới tử cung chị em phụ nữ.
Tôi cảm thấy mỏi mệt, đầu óc trở nên lơ mơ. Tôi ngủ gà ngủ gật. Dường như sự âu lo cũng bị bão hòa. Trong cảm thức của tôi về thời gian đã bị lẫn lộn. Tôi không thực sự ý thức được cảnh ngộ mình đang sống thuộc về hiện tại, quá khứ hay tương lai. Có lẽ vì điều này mà tôi dự cảm được không gian phía trước. Tôi thấy trước cái chỗ mình sẽ tới. Trong sự vật vờ kỳ ảo ấy, tôi cũng thấy những người bị bỏ lại đã chết và cả những người còn sống thoi thóp. Tôi thấy những giọt nước mắt và nghe những lời kêu gào xé ruột. Một người mẹ vất con lại bên đường với lời cầu xin tha thứ. Đàn kiến bò lên thân xác đứa bé rúc rỉa. Bản năng giành giật sự sống giữa muôn loài, sự tàn nhẫn và đớn đau, những cung bậc khác nhau của nỗi lòng con người dội vào tim tôi nhói lên từng âm vực. Tôi co giật. Ngươi sẽ phải than khóc cho đến ngày tận thế.
Minh nhận ra sự khác thường nơi tôi, nó bước tới:
- Bác làm sao vậy?
Tôi nói không sao. Và người tôi lại co giật. Tôi thấy ở không xa lắm một người lính đang lả xuống vì kiệt sức. Anh ta chạy một mình. Bỗng nhiên bên cạnh anh ta xuất hiện hai cái bóng mờ. Có lẽ đó là mẹ và em gái của anh ta. Hai cái bóng mờ ấy cố nâng đỡ và dìu anh đi tới. Nhưng anh ta vẫn đổ xuống vì anh ta là một thực thể kiệt quệ. Cho đến khi hai cái bóng mờ tan đi cùng với hư ảo của tình yêu thì thân xác anh ta cũng thối rữa và thấm dần vào trong đất.
Tâm và Thư cùng xúm lại lay người tôi:
- Má. Má.
Tôi biết tôi đang mạnh khỏe.
- Má không sao. Cứ để má yên.
Tôi cảm thấy cần phải ngủ. Tôi nhắm mắt lại nhưng không tìm được sự an bình. Ngươi mang nặng đẻ đau, máu huyết ngươi tràn ra đất và luân lạc. Một nỗi xao xuyến từ từ dấy lên trong lòng tôi. Nỗi xao xuyến của hư vô và dường như tôi nghe thấy một loạt âm thanh kỳ lạ xé rách không gian trước khi những âm thanh ấy hiện rõ là những tiếng súng. Có tiếng hô của nhiều người: dừng lại, dừng lại.
Tôi nói với Tâm, Thư:
- Nhảy xuống xe đi.
Tất cả mọi người đều nhảy xuống xe và nằm bệt xuống hai bên đường. Đại đội biệt kích phía trước cũng tản ra và họ không có phản ứng gì. Lại một loạt đạn nữa được bắn ra từ phía trong rừng.
Tôi nhìn người đàn bà còn lại trên xe vì què chân. Bà ấy cũng như tôi hình như quá bình thản. Đấy không phải là can đảm mà là sự tê liệt. Tôi muốn chia sẻ với bà ta về sự đau đớn và khổ cực nhưng không cảm thấy có từ ngữ nào thích hợp. Tôi chỉ hỏi:
- Bà có muốn uống nước không?
Không biết đấy có phải là một kinh nghiệm cạn kiệt trước cái chết không. Ngày xưa, trên thập tự, trước lúc chết chẳng phải chúa Jesu cũng đã kêu khát nước sao.
Bà ta nói:
- Cho tôi xin.
Tôi đưa chai nước cho bà. Cách bà ta uống làm tôi sợ hãi, nó mang hình tượng của tất cả mọi khổ lụy của con người trước sự đói khát, nhọc nhằn và phẩm cách. Có lẽ thế, tôi chưa thấy người quân tử nào ca tụng cái ăn.
Một ai đó văng tiếng chửi thề. Dọa thôi. Mọi người lục tục đứng lên và dòm chừng về phía rừng.
Tin tức được truyền đi rất nhanh, rằng đã có một nhóm người đi ở phía trước bị bắn. Một số người bị thương. Một chiếc xe bị phá hủy nằm chắn ngang giữa đường. Như thế chúng tôi sẽ phải nằm lại cho đến khi biết chắc phía trước không bị cản đường.
Luận không biết đi đâu về nói:
- Hạ trại thôi.
Tâm cười:
- Cứ làm như dân du mục vậy.
- Không phải thế. Đây là trạm dừng trên đường xuống địa ngục.
- Anh nói gì khủng khiếp vậy.
- Đùa thôi.
Nhưng tôi biết Luận nói thật. Nội trong ngày hôm nay, nếu không đi tiếp được, mọi thứ nước uống trên xe sẽ hết sạch. Tôi nghĩ mình phải cầu nguyện. Ngày xưa dân Do Thái đi 40 năm trong hoang mạc tìm về đất hứa hẳn là đã phải chết vì đói khát nếu không có phép lạ. Chúng tôi có phải đang đi trên quê hương mình không, sao lại phải đói khát và sợ hãi. Tôi phải biết cầu nguyện với ai. Có Thượng đế thật không? Cuộc sống đã phủ nhận cả những nguyên lý nhân quả. Tuy thế, tôi vẫn cầu mong sự may rủi. Đấy là những số phận được an bài một cách bí ẩn.
Ông Phát vẫn luôn luôn tỏ ra là một người dày dạn trước khi nỗi lo trở thành bi kịch. Ông nói với nhóm của Luận:
- Các cậu đi với tôi được không?
- Tuân lệnh bố.
Họ đi với ông và tìm được một hố bom không xa lắm. Ở đấy có nước. Ba người lính cũng đào được mấy gốc mì. Họ vui vẻ trở về. Buổi chiều hôm ấy chúng tôi ăn mì luộc. Từng nhóm người tụ tập nấu nướng trải dài hai bên đường. Tôi cảm thấy con người đi qua trần gian như một giấc mơ vừa hư ảo vừa phù phiếm, thế mà người ta vẫn phải đổ máu và rơi lệ. Tôi nhìn mọi người qua lại. Họ đang nằm trong tầm ngắm của một họng súng. Cuộc sống đang diễn ra như một giả định, nó trôi dạt nhưng luôn tiến về phía trước, nó thuộc về thời gian và chỉ thời gian mới có ý nghĩa.
Mấy đứa trẻ con của người đàn bà bị thương tỏ ra vui vẻ. Chúng đang nhìn thấy cả thế giới.
Buổi chiều chậm xuống. Và trước khi trời đổ tối, người ta đã ở trong trạng thái an nghỉ. Những người đàn ông ngồi hút thuốc nhìn mông lung về phía xa. Những người đàn bà chuẩn bị chỗ ngủ qua đêm.
Một bài thánh ca vang lên từ phía những người lính giữa khoảng trời vắng lặng. Âm âm xao xuyến. Bài ca trên đường về của một người tàn tạ. Tâm hồn con người đang hướng về một thế giới khác, nó cầu xin được an ủi, xót thương. Tôi nằm nhắm mắt.
Luận khều Tâm xuống xe. Minh và Thư cũng xuống xe. Họ đi về phía có ánh lửa và tiếng hát. Người lính biệt kích ngồi một mình với cây guitare. Có vẻ như anh ta đã đi ra ngoài cuộc chiến. Những bài thánh ca mùa phục sinh vừa buồn bã vừa hy vọng.
Bất thần đại úy Tính hiện ra, tuy không to con, nhưng dáng dấp ngang tàng. Tâm reo lên:
- Anh Tính.
Tính là bạn của Châu, dù không cùng đơn vị, mỗi lần từ Dakto xuống vẫn ghé nhà chơi và coi Tâm, Thư như em út.
Tâm giới thiệu Luận:
- Anh Luận đi cùng xe với nhà em.
So với Luận, Tính già dặn hơn và cũng bông phèng, phóng túng hơn.
- Xe em đâu? Tính hỏi.
Họ quay về xe. Tính chào và trấn an tôi. Tôi biết Tính tháo vát. Có Tính thì an tâm hơn, tuy nhiên trong chiến tranh, sống chết nhờ may rủi, biết thế nào được. Tính biếu tôi ít đồ hộp. Tôi nói:
- Sao con không giữ lại, ngộ lỡ...?
- Ôi, lo gì bác. Tính đùa: Có chắc gì giữ được mạng để ăn không.
Trước khi đi Tính còn dặn:
- Mọi người nên ngủ sớm đi.
Thêm một tối chúng tôi ngủ trên xe. Thư nằm cạnh Minh. Luận cũng tìm cách nằm sát Tâm. Sự cọ xát, mùi da thịt và hơi thở người khác không phải lúc nào cũng dễ chịu.
Tôi không biết mọi người nghĩ gì về cuộc ra đi, cũng như nghĩ về những mối liên hệ của sự giao thoa các hơi thở trên chiếc xe chật chội hôi hám này. Tôi nghĩ đến chồng và con trai mình. Họ có mặt trong đoàn quân đang đến không? Mỉa mai thay, tôi không đủ niềm tin để chờ đón họ. Biết làm thế nào được, tôi cần phải sống cũng như các con tôi cần phải sống. Sự im lặng của cái chết có thể giãi bày được điều này điều nọ, nhưng hẳn nhiên nó không thể đền bù được cho tình yêu và sự sống. Tôi muốn ra đi để được trở về. Cũng như ngày xưa, tôi đã để chồng con ra đi và chờ ngày về.
Mặt đất xoay nửa vòng quanh chính nó. Tôi nằm im và xoay trái tim mình qua hai phía. Tiếng chim gõ vào không gian một vài tiếng lạc lõng như người ta gõ vào cánh cửa một căn nhà trống. Sự sống đang bị khước từ. Chúng tôi thức dậy từng người một, lặng lẽ rời khỏi xe. Việc vệ sinh đối với tôi là một cực hình. Tâm và Thư cùng lo cho tôi.
Có một người lính mang đến cho tôi một bình café còn ấm nóng. Anh ta nói:
- Đại úy Tính mời bác.
Thư san qua cái bình khác và mời những người đàn ông trên xe. Minh nói:
- Có lẽ đây là miếng café đáng nhớ nhất.
Tôi có cảm giác cuộc sống chung này sẽ còn kéo dài nhiều ngày.
Tâm đi tìm Tính.
- Anh có thể dẫn em đi tắm được không?
Tính hơi ngạc nhiên.
- Em muốn được gột rửa. Tâm giải thích.
- Có chuyện gì nghiêm trọng sao?
- Em cũng không biết nữa.
- Nói cho anh biết đi.
- Khi thức dậy, em thấy Luận nằm trong chăn chung với em.
- Chắc hắn lạnh thôi.
- Nhưng em thấy khó chịu.
- Thôi được, đi theo anh.
Tính dẫn Tâm đến hố bom. Để nguyên quần áo, Tâm lội xuống nước.
Tính nhặt những viên sỏi ném lung tung.
- Em xong rồi đấy. Anh coi chừng cho em thay đồ. Tính bước ra xa. Anh nhìn những đám mây buổi sáng êm ả trôi đi.
- Mình về.
Suốt đoạn đường, Tính không nói câu nào.
Trong tiếng nhạc xập xình giữa bầu trời đầy hỏa châu, vũ nữ thoát y uốn éo đun đẩy thân người cởi cúc áo. Vú và mông phơi phới niềm tin tất thắng. Bọn quân thù phủ phục xuất tinh ẩm ướt cả núi đồi.
Đến buổi trưa xe chúng tôi bắt đầu nhích bánh. Những chiếc xe bị bắn nằm chết trên đường được đẩy qua một bên.
Chúng tôi đang đi trên mái nhà tổ quốc. Cao nguyên khô hanh. Chập chùng những đồi và núi, lô xô trên mặt đất hiu quạnh. Cái cảm giác bị phơi trên dây bám lấy tôi. Chới với và mong manh. Hao mòn và oằn oại. Các ngươi bị nguyền rủa, bị rút móng tay. Sẽ trở nên tàn tật và độc ác, các ngươi bị trừng phạt bởi sự đố kỵ. Ở đâu có mưu toan ở đấy có ngục tù. Các người sẽ phải tranh giành cả đến không khí để thở vì sự nghi ngờ của các ngươi đối với thần thánh.
Tôi bỗng cảm thấy muốn quay về, dầu để chết. Tại sao tôi không ở lại chờ chồng? Các con không ở lại chờ cha?
Trên mái nhà tổ quốc, tôi đang trượt xuống. Tôi nhìn thấy những vực thẳm. Chóng mặt và lao đao trong khi bọn trẻ, giữa những ngổn ngang khổ cực của chuyến xe luôn ẩn chứa tai họa, chúng vẫn tìm cách bày tỏ mối quan tâm với nhau, một đôi lúc tôi không cảm thấy đã có sự mất mát nơi chúng.
Tôi vẫn nhìn thấy vực thẳm ngay trước mũi xe.
Sông Ba nước cạn và không có một cây cầu nào bắc qua. Xe cộ nằm ngổn ngang dày đặc bên sông. Xe chúng tôi không thể nào đến sát bờ sông được. Tôi có cảm giác như cùng đường. Sự lo sợ dâng đầy lên khuôn mặt mọi người. Chỉ cần có một quả đạn rơi xuống đây, cả khu vực này sẽ bốc cháy.
Tính đến gặp tôi, nói:
- Phải đi bộ qua sông thôi, bác ạ.
Tôi chần chừ. Như thế thì quá khổ. Khi người tài xế và gia đình ông Phát rời khỏi xe thì tôi biết không còn cách nào khác.
Tôi nhìn người đàn bà què chân, ái ngại:
- Xin trời phù hộ cho bà. Bà có muốn xuống xe không?
Bà ta gật đầu.
Tôi nói Luận giúp cho bà ta xuống và cho bà ngồi bên một gốc cây. Người đàn bà và năm đứa con nhỏ ở lại. Bà ta rớm nước mắt khóc và những đứa trẻ thì ngơ ngác nhìn chúng tôi ra đi. Chúng chưa đủ lớn khôn để biết sợ hãi tương lai và cũng quá nhỏ để đối phó với hiện tại. Cũng như bao đứa nhỏ khác trong chiến tranh đã được đem về từ những vùng quê bốc lửa trên những chiếc trực thăng quẳng xuống các bệnh viện sau những cuộc càn quét, sẽ không ai biết gì về số phận của họ.
Trước khi đi, tôi nói với Tâm:
- Con chia cho họ ít đồ ăn.
Tính và Luận giúp tôi qua sông. Tôi lại liên tưởng đến cuộc ra đi tìm về đất hứa của dân Israel khi đi qua Biển Đỏ. Nước dựng lên và đoàn người đi qua dưới lòng biển. Thượng đế luôn ở gần con người khi người ta khốn khó. Tôi có thể tin vào Thượng đế không?
Tôi cám ơn Tính và Luận, nói:
- Để bác ở đây. Các cháu đi trước đi.
Tâm và Thư cũng lõm bõm qua sông. Tháng ba, mùa nước cạn. Qua sông chỉ lội ngang đầu gối.
Đơn vị của Tính thực sự tan hàng ở chỗ này. Tuy nhiên, vì có một số gia đình binh sĩ, Tính bám theo đám này để bảo vệ họ. Luận cũng buộc phải đi chung với hai người bạn.
Có một số xe qua được sông. Người ta đeo bám quanh chiếc xe như một chùm trái cây lủng lẳng. Đi được tới đâu hay tới đó. Tâm và Thư đẩy chiếc xe lăn, vừa đi vừa thở vừa lau mồ hôi vừa lau nước mắt. Tôi cảm thấy mình quá nặng, nói với hai con:
- Lẽ ra má không nên đi.
- Thôi má đừng nói nữa. Làm sao tụi con bỏ má được.
Có nhiều người vượt qua chúng tôi. Ai cũng vội vã. Tôi lại nghĩ, trên mái nhà tổ quốc chúng tôi đang trượt xuống. Làm sao tránh được có những người bị gãy cổ què chân. Ý nghĩ làm tôi bị say, như say nắng. Đây là trần gian chúng tôi đi qua, bánh xe lăn ì ạch theo bước chân của Tâm và Thư. Trời đất mênh mông quá và chúng tôi thì quá nhỏ bé. Như những con sâu đo, chúng tôi đếm cuộc sống mình qua từng bước chân đến hết số phận. Và tôi cảm thấy số phận sao quá dài. Những bước chân đã rời rã. Chỉ còn ý chí gay đỏ trên khuôn mặt. Phía trước không hẳn bao giờ cũng là điều tốt đẹp, nhưng phía trước là niềm hy vọng, là cái khả thể về sự thay đổi. Chúng tôi đi như hôn mê bởi một sức mạnh tiềm tàng trong bản năng. Chúng tôi đi qua những bóng cây, đi qua những khoảng nắng, đi qua cơn khát, đi qua nỗi sợ hãi, đi qua tất cả mọi khổ lụy và chỉ cần biết đi tới...
Khi tôi mở mắt ra, Luận đã đứng ngay trước mặt, một mình. Hắn cầm ngang khẩu súng chặn một chiếc xe Honda chỉ có hai người. Luận bế đặt tôi lên xe và nói Thư ngồi ôm phía sau. Chiếc xe Honda chở bốn tiếp tục chạy. Tâm ở lại cùng với chiếc xe lăn và Luận.
Đến một đoạn dốc cao, người lái xe bảo Thư xuống đi bộ. Ba mẹ con chúng tôi bị cắt thành ba khúc. Tôi cảm thấy lo vì người lái xe có thể sẽ bỏ rơi Thư và sau đó bỏ tôi. Nhưng khi xe lên tới đầu dốc, người lái xe đã dừng lại chờ. Tôi thầm cám ơn anh ta.
Qua một cánh rừng đến những ngọn đồi quang đãng, chúng tôi nhìn thấy một ngôi làng. Sự sống vẫn còn tồn tại. Bỏ đường lớn, chúng tôi đi vào làng, hy vọng tìm được sự che chở. Thư cõng tôi. Cây thập tự của Chúa èo uột mà nặng trĩu.
Các ngươi phải gồng gánh lẫn nhau. Không ai có thể giải thoát một mình, dẫu các ngươi có từ bỏ cả thế gian. Đấng cứu độ đã đến và các ngươi phải cứu độ lẫn nhau trước khi được cứu độ.
Đang có rất nhiều người ở đây. Phần lớn là thân nhân gia đình của binh lính, họ đang chờ để được bốc đi bằng máy bay trực thăng. Tôi không cảm thấy có hy vọng gì trong chuyện này. Chúng tôi gặp lại Tính.
Tính đưa tôi vào một căn nhà mà chủ đã bỏ đi. Trong căn nhà vách đất mái tranh tồi tàn này chỉ còn một cái lu nước đã cạn và chiếc chõng tre lỏng khỏng.
Thư nói:
- Làm sao đón được chị Tâm, anh Tính?
- Em yên tâm, thế nào Luận cũng đưa được Tâm đến đây. Phía trước kẹt rồi.
Tuy nói thế, Tính cũng lội ra đường chờ Tâm. Đôi chân rời rã, một cảm giác tan rữa từ sâu thẳm làm cho Tính lo lắng. Anh hoàn toàn không mường tượng nổi tương lai sẽ ra sao.
Sụp đổ là một hiện tượng lạ lùng. Và vẻ bi tráng của nó giống như một trận động đất. Hốt nhiên tung tóe rồi dập vùi dưới lớp bụi của thời gian. Tính đang cảm thấy mình bị tung lên. Rồi sẽ đến lúc cái xác ấy đập xuống đất. Hạng Vũ ơi, ông đã biệt Ngu Cơ bằng mấy câu thơ ngậm ngùi cả thế gian. Lịch sử chỉ dành cho ông có thế. Dẫu sao thì ông cũng đã anh hùng cho đến lúc chết. Ngu Cơ yêu ông. Hậu thế cũng không ít kẻ muốn chia sẻ với ông những giây phút cuối của cuộc đời. Vi diệu ba la mật, đất và trời đã đổi chỗ. Vĩnh biệt ông. Vĩnh biệt Trần Khải Ca tiên sinh. Vĩnh biệt Le Ly Hayslip. Vĩnh biệt Oliver Stones.
Chưa kịp nhận ra Tâm, Tính đã nghe tiếng gọi:
- Anh Tính. Anh Tính.
Tính bước tới cầm tay Tâm đỡ xuống xe.
- Luận đâu? Tính hỏi.
- Anh ấy đi sau.
Tâm ôm cánh tay Tính và ép sát vào người anh ta. Tâm cần sự nương dựa. Tôi có dự cảm buồn về mối quan hệ này.
Tính tìm cho chúng tôi những bịch gạo sấy và ít đồ hộp. Từng ngày qua chậm. Gần một tuần lễ vẫn không thấy một chiếc trực thăng nào đáp xuống. Đám dân chúng bắt đầu nhốn nháo và điên cuồng. Tính nói:
- Chúng ta bị bỏ rơi rồi. Có lẽ nên đi trước. Và không chờ cho ai có ý kiến, Tính nói tiếp:
- Mọi người chuẩn bị đi.
Thư nói:
- Còn gì nữa đâu mà chuẩn bị.
Tâm thắc thỏm:
- Sao không thấy anh Luận đâu nhỉ?
- Có thể cậu ấy về tới Sài Gòn rồi cũng nên. Tính nói.
Từ lúc vượt sông Ba, chúng tôi cũng không gặp lại gia đình ông Phát.
Tính vác ba lô lương thực và đeo súng. Tâm và Thư thay nhau cõng tôi, chúng tôi đi trên một hành tinh xa lạ, mồ hôi đổ xuống thành suối. Mỗi lúc chúng tôi nghỉ là mỗi lúc chúng tôi chết. Không ai nói điều gì. Chỉ có tôi nghĩ ngợi, ở đâu là đất hứa? Chúng tôi cần sống và không biết sống để làm gì. Tâm ngã. Thư cũng ngã. Tính cõng tôi, giao ba lô và súng cho hai đứa con gái. Chúng tôi đi như thất thần. Cây thập tự của Chúa chúng con đã quẳng đi rồi mà sao thân xác vẫn quá nặng. Tôi không đoán được đoạn đường khổ ải này dài tới đâu. Tôi chỉ thầm cầu trời khấn Phật thương xót và trả ơn bội hậu cho kẻ đang cõng tôi. Các ngươi là thập tự của nhau và các ngươi phải vác cho tới lúc chết. Chẳng ích gì nếu các ngươi muốn trốn tránh nó. Hãy biết cách đứng dậy. Bởi vì ta đã đứng dậy.
Chúng tôi bừng tỉnh khi nghe thấy âm thanh của tiếng máy nổ. Tính vội vàng đặt tôi xuống đất.
- Thư, đưa súng cho anh.
Tính đứng ra giữa đường, đợi chiếc xe tới gần, bắn hai phát. Chiếc xe dừng lại. Một người nhường chỗ cho tôi.
Dẫu chưa cảm thấy thật sự an toàn, tôi cũng bớt áy náy với Tính và hai con. Ngã người vào lưng ghế, tôi nhắm mắt nhưng vẫn thấy chiếc xe lăn gập ghềnh qua những chiếc ba lô, nón sắt, quần áo lính và nghe tiếng vỡ bẹp của xác người. Dường như có ai đó dí súng vào thái dương người tài xế.