Số lần đọc/download: 9981 / 102
Cập nhật: 2014-11-20 13:49:29 +0700
Tập 1 - Hồi 1 - Nguyên Tác: Mãn Thanh Thập Tam Hoàng Triều
N
ăm trước, Thư Nhĩ Cáp Tề theo anh là Nỗ Nhĩ Cáp Tề vào Trung Quốc tiến cống nhà Minh, thấy cung điện lâu đài của vua Minh tráng lệ nguy nga, lấy làm khâm phục và thích thú.
Hắn còn được Thần Tông hàng đế thưởng tứ nên lại càng cảm thấy vinh dự. Bởi vậy, khi về nhà hắn chẳng coi anh hắn ra gì. Ít lâu sau, Nỗ Nhĩ Cáp Tề khởi công xây cất cung điện bắt chước nếp sống đế vương hoa lệ của vua Minh thì Thư Nhĩ Cáp Tề càng ham hố cái khoái lạc của một vương gia.
Thư Nhĩ nghĩ rằng hai anh em hắn đều là con trai của Tháp Khắc Thế thì không có lý do gì mà chỉ mình anh hắn được hưởng phúc còn hắn phải chịu mãi cái kiếp tôi mọi cho anh hắn. Nỗ Nhĩ Cáp Tề thường đem Thư Nhĩ đi đánh trận nên hắn cũng lập được chiến công, bởi vậy hắn càng ngày càng làm tàng, thậm chí nhiêu khi ở trước mặt anh, hắn cũng bất chấp cả luật lệ. Nỗ Nhĩ Cáp Tề biết vậy nhưng vì tình nghĩa anh em, lại cùng nhau chịu hoạn nạn từ nhỏ, nên bỏ qua, chẳng trách cứ gì. Không ngờ Thư Nhĩ lại cho rằng ông anh sợ, nên hắn ngầm điều binh khiền tướng, chuẩn bị một cuộc đảo chính… Hắn có hai đứa con trai, thằng cá gọi là A Mân; thằng thứ gọi là Tế Nhĩ Cáp Lãng. Hắn lại có đến cả vài ngàn binh sĩ thủ hạ dưới quyền. Trong nhóm âm mưu này, còn có cả đứa con thứ sáu của Nỗ Nhĩ Cáp Tề, tên gọi là Chữ Anh.
Chữ Anh thấy cha mình quý hai đứa con khác mẹ là Đại Thiện và Hoàng Thái Cực nên đem lòng oán hận, ngầm nuôi quân lính, cấu kết với ba cha con Thư Nhĩ thành một bè cánh khá mạnh.
Ba cha con Thư Nhĩ vốn cũng ở trong thành Hưng Kinh với Nỗ Nhĩ, sợ việc mưu phản có chỗ bất tiện và khó bề bảo mật nên ngầm sai gia nhân đến vùng Hắc Chỉ Mộc xây cất cung điện lâu đài, giống hệt của Nỗ Nhĩ. Chúng định ước với Chữ Anh sau khi chuyển qua Hắc Mộc Chỉ rồi, sẽ mang quân về đánh Hưng Kinh. Chữ Anh mai phục quân sĩ ở trong thành, khi nghe hiệu pháo nổ tức thì khởi binh, nội ứng ngoại hợp, ắt thế nào cũng thành công. Chẳng ngờ A Ba Thái lượm được tin này vội về nói với mẹ là Y Nhĩ Căn Giác La Thi.
Bà này vốn là vợ của Nỗ Nhĩ Cáp Tề nhưng từ khi Nỗ Nhĩ lấy thêm một nàng hầu tên O Lạp Thị thì bị thất sủng. Nay được tin này, bà muốn lấy lòng chồng, nên bảo con tới tố cáo ngay cho Nỗ Nhĩ biết.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề nghe A Ba Thái nói xong, đột nhiên cả giận, tức khắc sai Hỗ Nhĩ Cổ điểm binh mã chờ lệnh. Nỗ Nhĩ bảo Hỗ Nhĩ Cổ:
- Ngươi đem bốn ngàn quân vào thành, đóng chặt cổng lại, rồi đi bắt ba cha con Nhị bối lặc cùng cả công tử Chữ Anh điệu về đây cho ta tức khắc!
Hỗ Nhĩ Cổ thấy sắc mặt Nỗ Nhĩ đầy sát khí, chẳng dám nhiều lời, vội lĩnh mệnh đi ra. Hỗ Nhĩ Cổ vừa quay gót thì Nỗ Nhĩ kêu lại bảo thêm:
- Nếu bọn chúng kháng mệnh, ngươi hãy chém ngay, mang thủ cấp về cho ta!
Hỗ Nhĩ Cổ điểm đủ bốn ngàn quân đóng ập cổng thành rồi chia làm ba cánh; cánh hai ngàn chia nhau giữ chặt bốn cửa, cánh một ngàn bảo vệ đô đốc phủ, còn cánh một ngàn do chính y chỉ huy tới bao vây phủ đệ của Thư Nhĩ như một bức thành đồng, con kiến cũng khó lọt qua. Hỗ Nhĩ Cổ đem ba trăm thần binh xông qua cửa trước mà vào. Trong nhà, ai nấy hoảng hồn bạt vía, người nào chân cũng như đinh đóng xuống đất, không nhúc nhích được nửa bước.
Hỗ Nhĩ Cổ quát lên một tiếng "Trói lại!" tức thì ba trăm thần binh hùng hố tiến lên, bắt toàn gia già trẻ, lớn bé, trói ké lại, nhốt vào một căn phòng. Tiếng kêu khóc rầm lên. Thư Nhĩ Cáp Tề cậy mình có công, nhất định không tuân mệnh. Hắn cầm đại đao, thấy người là chém. Bọn binh sĩ bị chém chết khá nhiều. Hỗ Nhĩ Cổ thấy thế giận lắm, vội rút trong bọc ra một cây cờ lệnh, quát lên một tiếng lớn: "Giết chết hắn đi!". Tức thì bọn xông binh ước đến bốn năm chục, nhất loạt tiến lên quật ngã Thư Nhĩ xuống đất, rồi một trận loạn đao chém xuống. Thư Nhĩ chỉ còn lại một đống thịt bầy nhầy lẫn máu đỏ ròng ròng. Hỗ Nhĩ Cổ nhảy tới cắt vội đầu Thư Nhĩ, một mặt cho binh sĩ lôi toàn gia Thư Nhĩ đi theo, tới bắt trói nốt Chữ Anh rồi mới điệu đến trước phủ Nỗ Nhĩ Cáp Tề.
Chữ Anh cậy mình là con trai của Nỗ Nhĩ, nghĩ vẫn còn tình nghĩa phụ tử, nên chạy đến trước mặt cha quỳ xuống, khóc rống lên một cách thảm thiết, mong được tha tội. Nào ngờ vừa thấy mặt Chữ Anh, máu hoả càng ngùn ngụt nối lên Nỗ Nhĩ không ngờ kẻ phản mình chẳng ai xa lạ mà chính là con trai mình, bởi vậy chẳng còn phân vân gì nữa, lập tức tuốt đao chém luôn một nhát. A Mẫn cùng Tế Nhĩ Cáp Lãng thấy vậy, kinh hồn bạt vía, vội chạy tói trước quỳ mọp xuống đất. Nỗ Nhĩ Cáp Tề nổi hung, đôi mắt như bắn lửa ra ngoài, tay vung lưỡi đao định chém nốt, song bỗng nhớ tới Thư Nhĩ Cáp Tề, vội dừng tay hỏi.
Hỗ Nhĩ Cổ dâng thủ cấp lên. Nỗ Nhĩ thấy hai mắt của người em ruột đã từng gian lao vất vả với mình buổi thiếu thời giờ đã nhắm nghiền, bỗng xúc động can tràng. Ông nhớ lại khi anh em ông bị cha đuổi ra khỏi nhà, trải biết bao cực khổ, đói lạnh có nhau, mà đến nay chẳng ngờ xảy ra chuyện đau lòng như vậy. Ông lại nghĩ đến chuyện chỉ vì tức giận nhất thời mà giết chết chính đứa con thân yêu của mình. Ông đau khổ nhớ tới Chữ Anh rồi lại nhớ tới mối tình ân ái xưa kia với người vợ đã quá cố, bất giác đôi dòng lệ trào ra. Ông quăng cây đao đi, rồi bước lên hai bước, nâng hai người cháu dậy, tha tội cho đồng thời khuyên phải cải tà quy chính. Hai anh em được bá phụ tha tội, vội gục đầu lạy tạ, khóc lóc một hồi rồi ra về.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề giết mất em và con liền một lúc, trong lòng buồn bã chẳng vui, nên cũng chẳng còn muốn kéo binh đi đánh Minh triều nữa. Ông ở lì trong phủ, ngày ngày cùng với mấy viên võ tướng, đại thần bàn việc cải biến binh chế. Cuộc bàn soạn kéo dài tới mấy ngày, lúc đó mới quy định được binh chế gọi là "Chế độ Bát Kỳ".
Theo binh chế này thì quân đội của Nỗ Nhĩ được phân biệt qua các sắc cờ. Binh chế Mãn Châu vốn đã có bốn loại cờ: Cờ vàng, cờ trắng, cờ xanh, cờ đỏ. Nay lại lấy thêm một màu khác để viền vào các lá cờ màu kia, gọi là: Cờ viền vàng, cờ viền trắng, cờ viền xanh, cờ viền đỏ. Cộng cả thảy có tám loại cờ.
Cấp bậc võ quan chỉ huy thì chia làm bốn: Ngưu lộc ngạch chân, Giáp thích ngạch chân, Cố sơn ngạch chân và Mai lặc ngạch chân. Mỗi một Ngưu lộc chỉ huy ba trăm quân. Mỗi một Giáp thích chỉ huy năm Ngưu lộc. Mỗi một Cố sơn chỉ huy năm Giáp thích, lại còn điều khiển cả hai Mai lặc nữa. Mỗi khi xuất quân, nếu thế đất rộng rãi thì quân Bát Kỳ bày thành hàng ngang nhưng nếu thế đất chật hẹp thì bày thành hàng dọc không được chạy hoặc rối loạn. Đến lúc đối chiến thì những đội quân mặc kiên giáp, cầm giáo dài, hoặc khoái đao sẽ xông lên trước làm tiền phong, còn những đội quân mặc khinh giáp, sử dụng cung tên thì tiếp ứng ở phía sau. Ngoài ra còn có một đội ky binh thường tới lui khi ở mặt trước lúc ở mặt sau để chiếu hộ và cứu ứng.
Kiên giáp tức là áo giáp bằng thép. Người ta lấy dây tơ và những mảnh gỗ kết lại thành quần áo, mặt trong lót một tấm thép dày hai tấc hoặc một tấc bốn phân (tấc, phân của Trung Quốc cổ).
Khinh giáp tức là áo giáp nhẹ, chỉ dùng có dây tơ và các mảnh gỗ kết thành chứ không có thép lót bên trong.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề biên định xong binh chế, chia cấp bậc đại tướng xong, ngày ngày thao luyện diễn tập. Ông lại bảo Ngạch Nhĩ Đức Ni, Ba Khắc Chẩm và Cát Cái Nhĩ Khắc Tề phỏng theo chữ Mông Cổ mà chế ra chữ Mãn.
Hồi đó Kiến Châu chiếm địa thế khá lớn ở Mãn Châu. Trừ những vùng như vùng phụ cận mặt nam Khai Nguyên, vùng nội địa rộng Liêu Hà, suốt hai dọc từ Liên Sơn quan tới Phượng Hoàng thành, còn tất cả những vùng bình nguyên phì nhiêu ở Nam cũng như Bắc Mãn Châu rộng rãi bao la đều do một tay Nỗ Nhĩ Cáp Tề nắm hết. Ngay cả miệt bắc đất Triều Tiên lúc đó cũng bị Kiến Châu chiếm cứ.
Nói đến binh lực của Kiến Châu thì riêng mình giải Tô Tử Hà Cốc đã có tới tám vạn tinh binh rồi. Thời đó, người Minh thường có câu tục ngữ "Nữ Chân không đủ vạn, đu vạn ắt khó địch" là để tả cái đức dũng cảm và cái công tập luyện tinh nhuệ của người Mãn Kiến Châu. Và nhờ những hành động đặc biệt về tổ chức này, ai cũng cho rằng Nỗ Nhĩ Cáp Tề phải là một người có chí lớn lắm.
Những tin tức về sự biên định quân đội của Nỗ Nhĩ Cáp Tề chẳng mấy chốc đã lọt tới tai tể tướng triều Minh. Diệp Hướng Cao giật mình, miệng lắp bắp:
- Nguy tai! Bọn ta phải liệu đề phòng ngay chứ không thì nguy!
Nói đoạn Cao cầm bút, viết sớ dâng lên. Sớ rằng:
"Thần trộm nghĩ: Về việc biên phòng ngày nay duy chỉ có bọn rợ Kiến Châu là đáng ngại. Sự thế có thể đi tới phản loạn. Thế mà nay, cửu biên (việc đề phòng chín mặt biên ải) không tốt, nhất là miền Liêu Tả thì lại càng tệ! Tên tù trưởng Lý Hoá Long mà động thì ắt là khó chống. Cả một trấn Liêu Dương, đành khoanh tay chịu cướp. Ví thử có phát binh cứu viện cũng chẳng thế kịp. Hơn nữa lương thực trong trấn thảy đều khánh kiệt, quân binh cứu viện một khi kéo tới, biết lấy gì mà ăn? Lúc đó, nếu không quay giáo trở về thì ắt phải làm điều cướp bóc. Như thế thì đại sự trong thiên hạ chỉ có tàn hoại chứ không thể cứu vãn. Thần nghe lời tới đó, ngủ không yên giấc, ăn không xuống cổ. Xin thánh thượng tìm phương phòng bị, đó là điều cần yếu trước mắt".
Thần Tông hoàng đế xem xong tờ sớ, cũng giật mình lo lắng, ăn ngủ không yên.
Ngài tuyên triệu ngay binh bộ thượng thư vào cung, dặn bảo phải gấp tăng quân đóng giữ quan ải. Quan thượng thư binh bộ trở ra liền phái ngay Phả Đình Tướng tới nhận chức phó tướng Liêu Dương, Bồ Thế Phương đương chức tham tướng Hải Châu và Liêu Dương. Hồi đó Quảng Ninh tổng binh Trương Thừa âm và Quảng Ninh tuần phủ Lý Duy Hãn cùng tiếp được văn thư cáo cấp bảo bọn họ tuỳ thời gian giám sát tình hình Kiến Châu, đồng thời báo cáo tin tức về triều.
Không ngờ chính giữa lúc triều Minh đang rối loạn cuống cuồng thì Nỗ Nhĩ Cáp Tề lên ngôi Đại Hãn, xưng nước Kim Quốc. Đúng vào năm 44 niên hiệu Vạn Lịch đời Minh thì đại điện hoàn thành ở Hưng Kinh.
Hôm đó Nỗ Nhĩ Cáp Tề, toàn thân nai nịt ngồi trong đại điện, có đại bối lặc Đại Thiện, nhị bối lặc A Mẫn, tam bối lặc Mãng Cổ Nhĩ Thái, tứ bối lặc Hoàng Thái Cực cùng rất đông bối lặc chỉ huy quân Bát Kỳ đem theo các vị đại thần, đứng chờ trước điện, chia làm hai bên, y theo vị trí trước sau của tổ chức Bát kỳ.
Lễ quan xướng to hai tiếng "Hành lễ", tức thì bốn bối lặc đại thần cùng văn võ bá quan, nhất tề quỳ xuống, chật kín cả sân điện. Họ lặng lẽ quỳ xuống đứng lên làm lễ "Tam quy cửu khấu" (ba quỳ chín lạy) một cách vô cùng trọng thể, khắp điện chỉ nghe có tiếng sột soạt của tấm bào mới, hoặc tiếng giầy nện nhẹ xuống mặt đất mà thôi. Giữa lúc bá quan đập nhẹ những cái đầu có đủ loại mũ giát ngọc thêu hoa rực rỡ loè loẹt thì Nỗ Nhĩ Cáp Tề ngồi trên bảo toạ trông xuống. Ông chỉ thấy khắp mặt điện những chiếc lông vũ, cái nào cái nấy dựng ngược lên tua tủa y như trong một vườn rau lá dày đặc. Lòng ông tự nhiên cảm thấy sung sướng vô cùng.
Cuộc hành lễ vừa xong, tám vị đại thần Bát Kỳ xuất ban quỳ xuống đất, hai tay bưng cao tờ biểu. Liền đó, hai viên thị vệ tử trên điện xuống, A Đôn Ba Khắc Chẩm và Ngạch Nhĩ Đức Ni, giơ tay tiếp lấy, rồi lại quay lên điện, quỳ xuống, lớn tiếng đọc tờ biểu tôn Nỗ Nhĩ Cáp Tề lên làm Phúc dục biệt quốc Anh Minh hoàng đế.
Anh Minh hoàng đế nghe xong biểu văn, liền bước xuống bửu toạ đất ba cây nhang, nước mắt lên tế cáo trời đất. Ông hạ lệnh cho triều thần làm lễ Tam quy cửu khấu. Lễ xong, ông trở lên điện, ngồi vào bảo toạ. Đám đông bối lặc, đại thần chia từng ban một, tuần tự tiến lên chúc mừng tân hoàng đế.
Thánh chỉ từ trên điện ban xuống: đổi niên hiệu làm Thiện Mệnh nguyên niên. Rồi ông thưởng cho bá quan uống rượu mừng Kim Quốc thịnh trị lâu dài.
Anh Minh hoàng đế bãi tráo, vào hậu cung, đã có các bà Kế Đại Phi, Trắc Phi, cùng thứ phi dắt theo bọn công chúa, phúc tấn chúc mừng. Sau khi làm xong gia lễ, cả bọn mời hoàng đế vào dự yến.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề lúc đó mềm môi uống đẫy, chẳng ngờ say bí tỷ lúc nào không hay. Đám cung nữ tiến tới nâng hoàng đế lên, đưa về cung của bà O Lạp Nạp Thích an nghỉ. Đêm đó chẳng cần phải nói, ai cũng có thể biết được cái cảnh điên loan đảo phụng, trăm sự tự nhiên tốt đẹp không bút nào tả nổi…