Số lần đọc/download: 897 / 40
Cập nhật: 2020-03-12 22:18:07 +0700
Bảo Sanh Đại Đế
Bảo Sanh Đại Đế còn gọi là “Ngô Chân Nhân”, “Ngô Chân Quân”, “Đại Đạo Công”, “Ân Chủ Công”, “Chân Nhân Tiên Sư”, “Hoa Kiều Công”, “Anh Huệ Hầu Ngô Công Chân Tiên” …Việc xưng hô tuy không đồng nhất, là do nhiều đời vua chúa phong tặng tôn hiệu khác nhau, vì tất cả đều thờ phụng Ngài là thần tiên.
Bảo Sanh Đại Đế, họ Ngô, tên Bản, tự Hoa Cơ, hiệu Vân Đông. Ngài sinh ra vào năm thứ tư Thái Bình Hưng Quốc triều nhà Tống, tại làng Bạch Tiêu, huyện Đồng An, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phước Kiến.
*Ngài là hậu duệ của Thái Bá Hoàng Đế triều nhà Châu, đóng đô ở Kim Lăng, huyện NGÔ, nên lấy theo đó làm họ. Truyền được 31 đời đến thời Chiến Quốc thì nước chư hầu Ngô bị diệt vong, hoàng tộc hoặc chết hoặc bị phân ly tứ tán khắp nơi. Trong đó có một chi chạy đến ở tại huyện Lâm Chương, đạo Hà Bắc, tỉnh Hà Nam. Dòng họ nầy nhiều đời ăn chay niệm Phật, làm phước bố thí cho bá tánh. Được chín đời, có người tên Ngô Thông, cưới vợ là Huỳnh Thị, nhân chạy giặc đến làng Bạch Tiêu, huyện Đồng An, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phước Kiến thì định cư ở đó. Đây chính là thân phụ của Đại Đế vậy. Vì thế, sau nầy lấy nơi sanh trưởng của Đại Đế là làng Bạch Tiêu làm quê quán.
*Như đã nói trên, tổ tiên nhiều đời của Đại Đế đã từng tu nhân tích đức, bố thí cứu giúp bá tánh vô số. Riêng Ngài Ngô Thông, sau nầy được truy phong là “Hiệp Thành Nguyên Quân”, cũng là người hiền lành, cần kiệm làm ăn, vui vẻ siêng năng hành thiện cứu đời nhiều năm, tên tuổi và công đức của Ngài vang danh hắp chốn. Còn mấu thân Huỳnh Thị, truyền thuyết là “Ngọc Hoa Đại Tiên” đầu thai giáng thế, tính tình hiền hậu hòa nhã, trinh thục, đã có nhiều công quả ở kiếp trước, đời nầy lại chăm lo tích đức càng nhiều hơn.
Một đêm nọ, bà đang say giấc nồng, nằm mộng thấy sao Tử Vi đầu thai vào mình, tỉnh giấc thì biết là có mang.
Đến năm thứ tư Thái Bình Hưng Quốc nhằm năm Kỷ Mão, bà Huỳnh thị chuyển dạ đau lưng đang nằm nghỉ, hỏang hốt nhìn thấy nào là Thái Bạch Kim Tinh, Nam Lăng Sứ Giả, Bắc Đẩu Tinh Quân… hộ tống một vị Tiên Đồng, đến phòng của bà nói:“Đây là sao Tử Vi ở thượng giới mà trước đây đã giáng thế đầu thai vào bà đó”. Hôm ấy là giờ Thìn ngày rằm tháng ba âm lịch, chính là ngày mà đức Ngô Bản giáng sanh. Lúc bấy giờ, mùi hương lạ bay thơm khắp nhà, háo quang tỏa rực, lại thấy Tiên Ngũ Lão và Tam Thai Khôi Tinh hiện thân bái hạ. Bên ngoài, trên trời có hoa năm sắc rơi xuống vô số phủ che hết căn nhà. Dân chúng ai ai cũng cho là điềm kỳ lạ, có thoại khí lành tốt chắc chắn không phải việc bình thường.
*Ngô Bản từ nhỏ đã tỏ ra thông minh mẫn tuệ, biểu hiện tính cách có tâm đạo là không chịu ăn thịt. cá. Rồi khi lớn lên, không chịu cưới vợ, luôn tỏ ra phẩm hạnh khác với người đời. Đến tuổi trưởng thành, Ngài đã thông suốt các sách, xem qua liền nhớ. Ngài đọc hàng ngàn quyển sách đủ loại, kể cả Địa Lý, Lễ Nhạc và Hành Chính. Nhưng chú ý nhất là sách vở về Y thuật của Huỳnh Đế và các y gia khác. Ngài ra sức nghiên cứu và đã đính chính nhiều chỗ sai sót của các sách y học đời trước. Về phương diện bào chế thuốc, Ngài đã ra công chế tạo được nhiều dược phẩm kỳ diệu, có giá trị chữa bệnh rất hiệu quả.Ngô Bản thường bày tỏ ý chí của Ngài là “cứu thế giúp người”.
Năm 17 tuổi, Ngài đi vân du các danh sơn. Ngày nọ, Ngài bổng gặp một dị nhân dẫn đường và nói rằng đưa đến yết kiến Tây Vương Mẫu. Vương Mẫu bảo: “Kiếp trước ta và ngươi có duyên với nhau nên kiếp nầy mới gặp lại. nay ta cho người dạy ngươi những “Thần phương diệu dược” và các pháp thuật “tróc quỉ trừ tà” để sau nầy cứu nhân độ thế”. Ngô Bản ở lại núi Côn Lôn bảy ngày để học tập các thần phương và pháp thuật. Ngài học rất nhanh, thông thạo hết những bí thuật ấy và nóng lòng muốn trở về nhà để cứu giúp đời, nên vào trình xin Vương Mẫu cho xuống núi. Mẫu bảo:“Được, ngươi có thể xuống núi rồi đó. Nhưng hãy ghi tâm khắc cốt một điều là, bất cứ hoàn cảnh nào cũng không quên đem những thần phương và pháp thuật đã học mà cứu giúp cho sanh linh nhé!”. Nói xong, Vương Mẫu bảo dị nhân giao các sách thuốc và thư phù trảm yêu trừ ma cho Ngô Bản.
*về sau, vào năm nọ, ở vùng Chương Châu rộng lớn, phát sanh bệnh ôn dịch, lây lan khắp huyện, người thi nhau chết hàng loạt.Ngô Bản tức tốc đi đế`n Chương Châu đem sở học giúp cho bá tánh bình yên khỏe mạnh trở lại.
*Từ đó, Ngô bản càng chăm chỉ “tu thân dưỡng tính” theo Tiên Pháp, chế luyện tiên đan, vân du bốn biển, đem tài y thuật cứu giúp cho nhiều người thoát qua bệnh hiểm. Y thuật của Ngài đã đến mức “siêu thần nhập quỉ”, cho nên các Y Quan và Y gia kéo nhau đến xin Ngài chỉ dạy rất đông. Nhiều giai thoại kỳ diệu về y học đã ghi chép trong các y thư nước ta, đều có xuất xứ từ Ngài. Dân gian tôn xưng Ngài là “Hoạt Thần Tiên” (thần tiên sống) vì tài năng chữa bệnh cao siêu của Ngài.
*Tương truyền, có lần Mẫu hậu của vua Tống Nhân Tông bị bệnh lạ, các quan Thái Ngự Y ra sức chữa trị mà không khỏi, đành bó tay. Lúc ấy, vua cho đón rước Ngô Bản vào triều, Ngài chẩn mạch cho thuốc, uống vào bệnh lành ngay. Vua Nhân Tông vô cùng mừng rỡ, ý muốn giữ Ngài lại làm Ngự Y, nhưng Ngài khẩn thiết tâu rằng:
“Chí hướng của thần là ở chỗ “tu chân”, từ bi cứu thế, chữa người bệnh nặng, cứu kẻ sắp chết. Còn chuyện vinh hoa phú quí chẳng phải là sở nguyện, xin bệ hạ tha tội cho”.
*Ngô Bản trở về, đi khắp nơi trong nước, cứu giúp chữa bệnh cho không biết là bao bệnh nhân thập tử nhất sinh. Vì thế, các quan địa phương đều có dâng sớ tâu vua những thành quả tốt đẹp ấy, cho nên vua đặc cách sắc phong cho Ngài tôn danh “TỪ TẾ” (từ bi tế độ chúng sinh).
*Lúc sinh thời, Bảo Sanh Đại Đế rất hiếu thảo với cha mẹ, đối xử hết sức hòa nục với người xung quanh, nhất là luôn luôn giữ chữ “Tín” với mọi người. Suốt đời Ngài không coi trọng tiền bạc, giữ hạnh thanh liêm và đề cao nghĩa khí. Ngài lại còn chay lạt không sát sinh và không lập gia đình.
*Ngài lúc 20 tuổi đi học, 24 tuổi đậu cử nhân, về sau triều đình phong lần đế chức Ngự Sử, đóng góp rất nhiều công lao cho đất nước, sau cùng từ quan trở về quê cũ. Ngài tâu vua xin cho đặc ân về ở ẩn tại Đại Nhạn Đông Sơn, làng Bạch Tiêu, huyện Tuyền Châu. Chỗ ấy, ngày nay còn lưu dấu Đông cung, mà ở bên trái cung, còn vết tích của “lò luyện đan” và “giếng thần” Ngài dùng thưở xưa.
*Đại Đế từ quan, trở về ẩn dật tại Đại Nhạn Đông Sơn, một lòng chuyên tâm tu thân truyền đạo, chuyên tâm học tập “Thái Thượng Huyền Cơ” đạt được pháp “Tam ngũ phi bộ” (phép bay lên trời). về phương diện y học, Ngài nghiên cứu sâu về cách điều chế những loại thuốc thần diệu, trị bách bệnh. Ngài luyện được “linh đan” cứu tử, dùng “linh phù” cứu giúp vô số người. Linh khí của Đại Đế có thể nói là, bao trùm khắp thượng, trung và hạ của tam giới. Linh uy của Ngài nhiếp phục hết thảy quần ma.
*Năm thứ ba Cảnh Hữu đời Nhân Tông (1036), tức là năm Bính Tí, ngày mùng hai tháng năm, Đại Đế đã tu luyện công thành quả mãn. Vào lúc chính ngọ, Ngài cùng toàn thể gia đình, nào là thánh phụ, thánh mẫu, thánh muội (tên Ngô Minh, sau nầy dân gian xưng là Ngô Minh Má), chồng em gái (muội phu), toàn bộ người trong nhà và cả những đệ tử, thậm chí cả gà chó trong nhà … tất cả đều cỡi “hạc trắng”, từ quê hương Bạch Tiêu, phi thăng không trung, có lẽ là đến nơi động tiên nào đó. Năm ấy, Đại Đế thọ thế 58 năm. Dân trong làng và các làng bên, lập bàn hương án, ngẫn đầu lên không nhìn theo, thành tâm bái lạy đưa tiễn.
*
Tuy Đại Đế cỡi hạc bay về thượng giới, nhưng vẫn còn nặng lòng với quê hương xứ sở. Có một hôm, lũ giặc cướp đông đảo hung hãn, sát khí đằng đằng kéo đến bao vây làng Bạch Tiêu. Dân làng vô cùng hoảng hốt lo sợ. Lúc cấp bách, tất cả đều bày hương án ra sân,, ngẫng mặt lên trời tha thiết cầu khẩn vái lạy Ngài. Trong chốc lát, bổng có đội quan binh kéo đến đánh đuổi lũ giặc cướp. Nhờ Đại Đế ám trợ bên trong, tên đầu đảng Lý Tam bị quan binh dễ dàng bắn chết. Bọn giặc cướp như rắn mất đầu, hoảng sợ bỏ chạy tứ tán, chấm dứt cuộc loạn. Hương dân vô cùng mừng rỡ, làm lễ bái tạ Đại Đế đã phù hộ độ trì dẹp tan lũ giặc hung ác, mang lại yên bình cho làng xóm.
*Có một lần, quê hương của Đại Đế bị nạn lụt lớn, cả làng biến thành một biển nước, tình trạng vô cùng khẩn cấp, nhà cửa gia súc …sắp sửa bị dòng nước cuốn trôi. Ngay lúc đó, bổng thấy Đại Đế hiện ra trên mây, thi triển pháp thuật, biển nước từ từ chảy thành một dòng ra sông chứ không còn tràn lan khắp nơi. Dân chúng thoát nạn, mừng rỡ khôn xiết, lập đàn cúng tế tạ ơn Đại Đế. Rồi bàn đến việc tạo lập Miếu Thờ, đắp tượng để lễ bái, hương khói thờ phụng quanh năm.
*Sau khi Đại Đế thăng thiên, dân làng Bạch Tiêu có xây dựng am Thu Long để thờ, đến đời Tống Cao Tông, vua ban lệnh cho trùng tu lại, thành ra “Cung Từ Tế” ở thôn Bạch Tiêu.
*Theo truyền thuyết,lúc Tống Cao Tông còn là Thái Tử, phải sang nước Kim để làm “con tin”. Ngày nọ, Thái Tử thừa cơ trốn thoát, chạy bán sống bán chết nhắm hướng biên giới mà đến. Tới trước Miếu Thôi Tử thì đã đuối sức không chạy nổi nữa, lòng mong mỏi có được con ngựa để cỡi thì mới mong trốn thoát. Đột nhiên nghe có tiếng ngựa hí, quay đầu nhìn lại thì thấy một có một con ngựa đứng gần đó. Thái Tử liền phóng lên lưng ngựa, nhắm phương Nam mà đào thoát. Quân Kim vẫn tiếp tục đuổi theo vây bắt. Thái Tử chạy đến bờ sông, quay nhìn lại thấy có vô số thiên binh thiên tướng đang chận đánh buộc quân Kim dừng bước truy đuổi. Nhờ đó, Thái Tử tìm được thuyền để qua sông cả người lẫn ngựa. Nhưng thật lạ lùng, vừa lên bờ thì nhìn kỹ lại, đó chỉ là “con ngựa bằng đất”, do Đại Đế ám trợ biến thành ngựa thiệt cho Thái Tử cỡi mà thoát nạn. Cố sự ấy chính là đề tài hấp dẫn cho câu chuyện cổ tích “Nê mã độ khang vương” (ngựa đất đưa vua an).
*Năm Thiệu Hưng thứ 27, Tống Cao Tông hạ chiếu lệnh cho quan địa phương sở tại quê hương Đại Đế, xây dựng Miếu Thờ Ngài Ngô bản, hằng năm có tổ chức cúng tế trọng thể. Đến thời vua Hiếu Tông, năm Càn Đạo thứ bảy, nhà vua ngự tứ ban cho tấm biển thờ đề “Từ Tế Linh Cung”, lại ban thụy hiệu “Đại Đạo Chân Nhân”. Ngày nay có số người tôn xưng Bảo Sanh Đại Đế là “Đại Đạo Công” (ông Đạo lớn) là do sự kiện trên.
*Sau vua Hiếu Tông, có nhiều đời vua khác cũng phong thưởng cho Ngài, như vào Khánh Nguyên năm đầu, vua Ninh Tông phong làm “Trung Hiển Hầu”, đến năm Gia Định lại gia phong “Mạc Huệ Hầu”. Năm Bảo Khánh thứ ba, Lý Tông phong làm “Khang Hữu hầu”, năm Bảo Khánh thứ tư lại gia phong “Trùng Khánh Chân Nhân” rồi năm thứ năm lại phong “Diệu Đạo Chân Quân”.
*Cũng theo truyền thuyết, Minh Thái Tổ là Chu Nguyên Chương lúc đánh nhau với Trần Hữu Lượng ở Hồ Bá Dương, bổng nhiên nổi lên trận gió lớn, trước mắt là thấy Thái Tổ và sĩ tướng sắp bị sóng gió nhận chìm thuyền. Chợt thấy Ngài Ngô Bản xuất hiện trên không trung, sai thiên binh bố trí cắm cờ xí trấn yểm ngũ hành. Lát sau, sóng gió dừng bặt, Thái Tổ thoát nạn. Đại Đế lại cho thiên binh phù trợ giúp cho Thái Tổ đánh thắng trận. Về sau, Minh Thái Tổ lên ngôi ở Nam Kinh, nhớ đến công ơn cứu mạng của Đại Đế nên vào năm Hồng Vũ thứ năm, hạ lệnh sắc phong Ngô Bản là “Ngô Thiên Ngự Sử Y Linh Chân Quân”.
*Đến triều nhà Minh, vua Nhân Tông hạ chiếu trùng tu Miếu thờ Ngô Chân Nhân ở Bạch Tiêu, ban thụy hiệu là “Vạn Thọ Vô Cương Bảo Sanh Đại Đế”, lại ban cho một áo long bào, ra lệnh quan địa phương phải cử hành cúng tế trọng thể hai kỳ Xuân Thu hàng năm. Từ đó, dân gian khi tạo tượng Đại Đế đã cải biến là một vị Đế Quân râu dài, mình mặc long bào.
*Đến đời Thanh, huyện Đài Bắc xảy ra ôn dịch, tất cả thầy thuốc đều chịu bó tay. Những người dân quê ở Phước Kiến đề nghị chính quyền sở tại vượt biển sang tỉnh Phước Kiến, cung nghênh thánh tượng của Ngài Bảo Sanh Đại Đế ở Bạch Tiêu Cung về Đài Bắc trấn yểm. Chẳng lâu sau thì ôn dịch chấm dứt hoàn toàn. Bá tánh hết sức tôn sùng Đại Đế, xây dựng Miếu Thờ, bốn mùa hương khói đến nay không ngớt.
* Do vì nhiều thế hệ trước đã có lòng sùng kính và nương tựa uy linh Đại Đế rất to tát, vô hình trung đã tạo ra một niềm tin mạnh mẽ cho mọi người. tác dụng trị liệu về tâm lý đã góp phần hiệu quả cho việc trị bệnh có kết quả tốt. Cho nên mỗi đời củng cố thêm niềm tin mà thành ra lòng sùng bái Đại Đế càng ngày càng tăng là có cơ sở, chứ không phải là tưởng tượng mà thành.
* Bảo Sanh Đại Đế có trước tác sách thuốc nội, ngoại y khoa được 13 quyển để lại cho đời. Người đời sau cảm niệm công đức mà xây Miếu thờ phụng, lòng tin vào Ngài hết sức to lớn. Hiện nay, khi người có bệnh đã chạy chữa nhiều nơi không khỏi, đều sắm sửa lễ vật đến Miếu Thờ cầu bái Ngài, đa số đều lành bệnh.
*Trong giới Y Gia và bào chế, kinh doanh thuốc đề thờ Ngài làm “Thủ Hộ Thần” hiện nay rất sùng kính, cũng bắt nguồn từ những sử tích có liên quan đến Ngài như đã kể. Các sách báo như “Phước Kiến thông chí”, “Mân Thư-Quận Ấp Chí” đều có đăng tải.
*Như trong “Chương Châu phủ chí” viết:
“Đời nhà Tống có ông Ngô Bản, người ở Hải Trừng, bà mẹ mộng thấy nuốt ruà trắng mà có thai. Ngài vân du học đạo, đắc pháp “tam ngũ phi bộ”. Sinh tiền, Ngài luôn giũ lòng cứu tế sanh linh, khi mất, dân làng xây Miếu thờ. Cạnh Miếu có dòng suối thiêng, nước suối chữa lành nhiều bệnh”.
*Trong “Đồng An huyện chí” viết:
“Ngô Chân Nhân tên là bản, người ở Đồng An, thi đậu làm quan lần đến Ngự Sử, đã từng chữa lành bệnh cho mẹ vua Tống Nhân Tông. Ngài luyện linh đan cứu đời. Năm cảnh Hữu thì thoát hóa ở Bạch Tiêu Tuyền Châu, cỡi hạc bay lên trời, sau có lập Miếu tượng để thờ”.
* Sách “Đạo giáo nguyên lưu Ngô Chân Quân ký” nói rằng:
“ Ngô Chân Quân, tên là Bản, tự Hoa Cơ, hiệu Vân Trung, tổ tiên là người Hán Dương…Năm bốn mươi tuổi học được thần phương về thuốc, sau theo thầy là Nam Hải Thái Thú, lại học được bí pháp (về phù thuật). Đời nhà Ngô, Ngài cỡi rồng vàng hiện trong vầng mây trắng, đem pháp thuật cứu giúp sanh linh hai đời Ngô Tấn, nên thời Tấn Vũ Đế phong làm “Hứa Chân Quân”.
*Trong “Đài Loan huyện chí” có ghi:
“ Bảo Sanh Đại Đế khi lớn lên học được nghề thuốc, có lòng cứu giúp người bệnh, theo bệnh cho thuốc, gần xa đều nức tiếng thần y”.
*”Đài Loan thông sử” và “Phương Chí” thì nói:
“Ngài là Ngô Bản, người ở Đồng An tỉnh Phước Kiến. Sinh vào đời Tống năm Thái Bình Hưng Quốc thứ tư, phong cách xuất chúng, tinh thông y thuật, làm thuốc cứu đời không hề nãn lòng. Mất vào năm thứ hai Cảnh Hữu, dân làng lập Miếu thờ, ai cầu đảo việc chi cũng đều toại ý. Hiện còn hai văn bia, một của Tiến sĩ Hạ Dương và một của Thông Phán Huỳnh Gia y theo sự tích do Quận thú Tống Trang kể mà ghi lại. Sau có thêm Lý Quang viết “Ngô Chân Nhân bi ký”, Huỳnh Hóa Cơ viết “Phả hệ kỷ lược”, Dương Tuấn viết “bạch Tiêu Chí” v.v..có nêu rõ phần khảo chứng, tận tường nguồn gốc.
*Trong dân gian cũng lưu truyền một chuyện như sau:
“Có lần, một con rồng lớn bị bệnh mắt rất nặng, hóa thành người đến xin Đại Đế chữa bệnh. Ngài sớm biết đây không phải là người nhưng vẫn trị lành bệnh khó trị cho con rồng. lại có lần, Ngài vào trong núi, thấy một con cọp đang oằn oại rên la, nguyên vì nó tham lam ăn sống một bà già, chẳng may bị một mảnh xương đầu của bà già vướng vào cổ họng, đau đớn vô cùng. Cọp bèn năn nỉ Ngài chữa giùm với điều kiện là từ đây về sau không còn làm hại người nữa, Ngài đã trổ tài dùng linh đan để chữa lành cho cọp. Câu chuyện Bảo Sanh Đại Đế đã “điểm long nhãn, y hổ hầu” (chữa mắt rồng, trị họng cọp) được lưu truyền phổ biến trong dân gian. Do cố sự ấy, hổ đã thành ra con vật cho Ngài Ngô Bản cỡi đi trị bệnh cho dân chúng ở ngoài, khi ở nhà thì nó coi giữ cung điện cho Ngài. Nó luôn quấn quít không rời xa Ngài. Khi Ngài đã đắc đạo, nó cũng nương theo mà thành ra “Thần Hổ”. Ngày nay, trong các Miếu Thờ Bảo Sanh Đại Đế, dù hình vẽ hay tượng đắp, bên dưới chân cũng đều có con cọp. Để tránh cho dân gian phân biệt khỏi lầm với con cọp của Thổ Địa cỡi với con cọp nầy, người ta tạo ra cọp đen, gọi là “hắc hổ tướng quân ” dành cho Bảo Sanh Đại Đế cỡi. Ngoài ra, tại các đình miếu đều có tạc tượng thờ thần hổ, nhưng thường là “bạch hổ” để tránh sự trùng lắp với “hắc hổ” của Ngài Bảo Sanh Đại Đế.
*Xin nói thêm một chút, truyền thuyết trong dân gian tin rằng hổ là thuộc hạ của Thổ Địa, theo mệnh lệnh của Thổ Địa mà hành động, nên tại các miếu thờ Thổ Địa đều có làm thêm phía dưới bệ thờ làm nơi thờ thần hổ. Dân gian cũng tin rằng, nếu đồng tiền được hổ thần ngậm vào miệng thì sẽ sanh sôi nẫy nở nhanh chóng. Do đó, những người cờ bạc và phường hát kịch thờ phụng thần hổ và đưa tiền qua miệng cọp trước khi đi đánh bạc hay bán vé xem hát, cầu mong cho “nhất bản vạn lợi”. Thêm một sự về hổ nữa là, hổ thần có khả năng xua đuổi bệnh ôn dịch và ác ma, trấn giữ an ninh cho địa phương, nên tất cả các miếu thờ lớn nhỏ đều có vẽ hay tạc tượng hổ thần phía trước để làm nhiệm vụ trấn yểm nầy. Ngoài ra, còn có niềm tin trong dân gian nông thôn là, khi trẻ con bị bệnh quai bị hay sưng hàm( dân gian gọi là bệnh “Sanh trư đầu bì = da sanh đầu heo” ) cha mẹ đem giấy tiền vàng bạc đến áp phủ vào cổ hàm của hổ thần rồi đem về nhà đắp vào chỗ đau của trẻ, sẽ nhanh chóng hết sưng.
*Trong Miếu Thờ Bảo Sanh Đại Đế còn có thờ 36 vị thiên tướng mà theo truyền thuyết đó là những bộ hạ của Huyền Thiên Thượng Đế, trong một lần đi mượn bảo vật mà không trả được, phải đến nương tựa vào Bảo Sanh Đại Đế. (Xem truyện về Huyền Thiên Thượng Đế sẽ rõ).
*Thánh đản của Ngài Bảo Sanh Đại Đế là ngày rằm tháng ba âm lịch. Thọ đản của Ngài là ngày mùng hai tháng năm âm lịch.