Số lần đọc/download: 1390 / 18
Cập nhật: 2016-06-17 07:56:11 +0700
Chương 1
H
ình như chính cái ấy đã làm tôi thức giấc, nên vừa sực tỉnh, tôi liền chú ý ngay đến nó...
Tôi nằm im thin thít, cố thở rất khẽ để lắng nghe. Có thể nói được rằng tất cả sự sống ở tôi đều dồn vào độc một thính giác. Và cái ấy cái tiếng đàn không nhất định từ một nơi nào trong cùng thẳm bí mật của đêm rừng cứ thoắt gần thoắt xa, nhiều lúc bẵng hẳn để sau chợt lại phảng phất trong hơi gió.
"Tang á ta... ang tình"...
Khúc đàn một giọng mới buồn làm sao!
Đâu đây, chừng có một niềm tâm sự nào tối tăm đơn chiếc quá. Tôi hất tấm chăn bọc bằng thứ vải gai nhuộm chàm, mùi lá còn hăng, đoạn ngồi nhỏm dậy. Tôi đẩy tấm phên nứa che cửa sổ, liếc nhìn ra ngoài với một ý tò mò. Nhưng, trên nền sương trắng mịt mùng, tuyệt nhiên không chút dấu vết nào, dù ngay là của những rừng cây đồi núi.
"Tang a ta... ang tình"...
Ồ mà lạ! Dân mạn ngược trừ cây đàn then của người Thổ, nom hao hao cây trượng phu cầm của ta làm gì có thứ nhạc khí tiếng nghe xa được thế!
Chỉ một câu hỏi ấy là đủ cho tư tưởng tôi vẩn đục ngay lên, chẳng khác một dòng suối đương trong thốt bị đàn trâu xuống quần lội. Một cái rùng mình chạy lướt da tôi; khắp mình tôi bắt đầu sởn gai ốc. Tôi cảm thấy tuy mơ hồ sảng sốt rằng tôi đương sống một sự vô cùng quái dị.
Để bớt sợ, tôi quay vào chụm cho lửa bếp cháy bùng lên. Tôi vẫn chẳng được yên lòng: trong cái ánh sáng vàng úa, lung lay, mọi vật càng có vẻ hoạt động khả nghi. Nhất là con chó già lông xám, nằm thu hình ở một góc khuôn bếp, cứ dán mắt lên nhìn tôi trừng trừng. Có lẽ, từ bao giờ nó vẫn rình từng cử chỉ của tôi. Là bởi hai mắt nó không súc vật chút nào hết và tựa hồ đương nói rất nhiều về cái sự lạ chỉ riêng có mình tôi không thể hiểu.
Tôi quay mặt vào ngọn lửa, không dám giương hai làn nhỡn quang tinh quái kia nữa. Tôi tự thấy tôi như một kẻ lạc vào trong một cõi không phải của mình. Rồi thì, những tiếng kéo nở giãn trong họng cột, tiếng trâu thở mạnh dưới gầm sàn, tiếng gió khẽ lùa kẽ vách, nhất nhất đều trở nên những dấu hiệu bí mật cả.
"Tang á ta... ang tình"
Trời, cái tiếng đàn lửng lơ rời rạc kia sao cứ gieo vào tôi nhiều cảm giác nặng nề thế! Tưởng tượng tôi đâm sảng loạn; tôi giãy giụa lên trong cái lướt vô hình của ngờ sợ. Và, qua trí nhớ tôi, vụt nhỏm dậy cả một mớ bề bộn những chuyện ma cà rồng, hùm tinh, phi thống nó lúc nhúc bên trong cái màu xanh tươi nham biểm của núi rừng. Duy, trước những cái phi thường mà tôi đã hoặc tai nghe hoặc mắt thấy, tôi chưa lần nào cảm thấy lòng hoang mang như lần này.
"Tang a tá... ang tình"...
Là bởi lần này, tôi không được yên chân trên cái địa vị khách quan nữa. Tôi đã bị tấn công: tiếng đàn nó biểu diễn một niềm tâm sự tối tăm kia nhất định tìm một con đường vào hẳn lòng tôi. Tôi bị ép uổng phải chú ý, phải băn khoăn, phải hiểu thấu nữa chưa biết chừng! Để làm gì? Tôi rùng mình nghĩ ngay đến con ma rừng mắt thau răng nhọn, một buổi trưa hè, đã hiện đến chòi canh ngô của ông Hội Cảnh, đến lũ hồ tinh dâm đãng của Liêu Trai thường cứ nhân đêm hôm khuya khoắt lần mò vào thư phòng các chàng thư sinh chưa vợ.
Liền đấy, toàn thân tôi bị một cái gì như cả một tấm chăn vô hình đẫm nước lạnh choàng lấy. Một ý nghĩ thoáng qua óc tôi, nhanh đến nỗi không kịp thành một ý nghĩ nữa: "Giống ma quái đã vào trong nhà". Tôi muốn vùng dậy để chạy trốn, nhưng các khớp xương của tôi tựa hồ đã liền lại. Miệng tôi ráo hoảnh, quai hàm tôi cứng ngắc. Tôi chực kêu, nhưng vì có kêu được, bất quá chỉ phát ra được mấy tiếng ú ớ, kiểu người bị bóng đè là cùng. Ấy thế mà, vụt chốc, tôi giật bắn người tưởng có thể đứng lên được: con chó già, đương lơ mơ, tự nhiên chồm dậy và chổng mõm lên mái nhà rống một thôi dài ông ổng, tiếng nghe như ai bị cắt họng. Gần xa trong cái xóm nhỏ, hàng trăm con chó khác cũng nhất tề rú lên, chẳng khác những khẩu hiệu hưởng ứng nhau qua cõi mịt mù.
Tôi phát run. Cái vẻ hung dữ đến cực điểm của con vật già tưởng không còn đủ hơi sức để nổi giận làm cho cái chân lông nhỏ trên má tôi rờn rợn.
Lại cái gì đấy nữa?
Tiếng chân người!
Phải, đích là có tiếng chân ai bước nhè nhẹ trên mặt sàn...
"Ồ anh Sẩu".
Tôi thở một tiếng mạnh. Trên tâm hồn tôi cất hẳn được cái vác nặng. Bạn tôi và chính là chủ nhân ngôi nhà này vừa ngáp vừa co ro tiến lại gần bếp. Anh bắt đầu quát mắng con chó: "Cái chết tiệt này! Làm gì mà cắn nhắng lên thế?". Con vật khép nép nằm vào chỗ cũ, nhưng nó vẫn hậm hực chưa im hẳn.
Sẩu ngồi xổm xuống và hỏi tôi bằng một giọng bỡn cợt, trong khi hai tay anh lẩy bẩy nhóm lại bếp lửa đã vạc lúc nào mà tôi không biết:
- Không nằm đắp chăn cho ấm lại ngồi co ro làm gì đấy?
Tôi hơi thẹn, chưa biết đáp sao thì Sẩu đã lại tiếp:
- Chưa mùa đông năm nào trời lại lạnh bằng năm nay, rét quá không sao ngủ được!
Ánh lửa đã rực rỡ. Thêm tiếng người nói làm cho mấy gian nhà lại có vẻ sống thực. Tôi vơ ngay lấy câu Sẩu nói để làm cớ cho sự "ngồi co ro" của tôi.
- Chính thế đấy: tôi cũng rét quá nên định ngồi dậy đốt lửa sưởi...
- Ta uống rượu có lẽ tốt. Anh với quả bầu trên gác bếp xuống đây.
Cái sáng kiến của Sẩu được tôi tán thành ngay.
- Rót ra chén đi, tôi vào bịch lấy mấy chiếc ngô đem nướng làm đồ nhắm.
- Thế thì còn phải ngon! Người ta cứ khen tửu lạc, ta tửu ngô còn thú gấp mười.
Tôi vừa nói với theo Sẩu vừa loay hoay mở nút bầu, mà làn da ngoài đã lên nước bóng như màu cánh gián. Hơi men rượu lậu (dân mạn ngược vẫn có rượu lậu như thường, mặc dầu sự trừng phạt ghê ghớm của nha Thương chính) bốc thơm ngào ngạt. Và tôi, nếu chẳng bị ám ảnh bởi cái tiếng đàn lúc ấy nghe xa hút, có lẽ đã rung đùi ngâm váng lên, như nhà thi sĩ:
Gặp vui ta hãy vui tràn.
Có trăng, sao phí chén vàng bỏ suông.
Sẩu lục đục ở gian bên này buồng ngủ, đoạn trở ra với một túm bắp ngô còn tươi vỏ (hình như thằng Noọng vừa mới hái lúc chiều ở nương về).
Hào than đương đượm nên ngô chín rất nhanh. Chúng tôi bắt đầu nhấm nháp.
"Sống trong chỗ đèo heo hút gió, tất cả cái vui may ra chỉ còn có chén rượu là khả dĩ hấp nóng được cõi lòng".
Nghe câu nói của người chồng vừa đoạn tang vợ được mấy ngày, tôi cảm động đến nỗi đương máy môi hỏi nhiều câu lại thôi.
Sẩu tuy gốc gác miền này mà vốn là bạn đồng học ở trường Bưởi của tôi. Anh lại đã từng làm giáo học vùng Phố Cát. Sau, nhân không chịu được sự ràng buộc nó chẳng thích hợp với cái bản tính người sơn lâm của anh, Sẩu đã từ chức đem vợ về làng cày ruộng. Tôi quý mến Sẩu ở chỗ thực thà giản dị và từ khi xa anh, tôi vẫn nhớ anh lắm. Lần này, nhân trải xem phong tục và tính tình các dân Thượng du, tôi tình cờ đến nơi anh ở.
Bạn cũ gặp nhau, anh và tôi cùng mừng. Anh vạm vỡ hơn trước và nước da xanh thẫm hẳn đi. Anh lại đổi mặc quần áo nhuộm chàm nên thoạt nhìn anh, tôi phải bỡ ngỡ mất vài phút. Tôi không thể không phàn nàn cho anh, khi nghe anh kể lể về gia sự. Tuy vậy, giữa lúc này, hứng rượu đương nồng nàn, tôi chẳng muốn bạn tôi lại có những ý buồn.
- Thế hãy cứ sẵn rượu mà uống; rượu với ngô non nướng, thơm, dẻo, bùi, ngọt, anh còn muốn gì hơn nữa! Những người sống ở thành thị, làm đầu tắt mặt tối suốt ngày mà cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc thì họ còn thèm thuồng cái cảnh ngộ của anh đến đâu!
- Nghĩa là anh cho cuộc sống của tôi ở xó rừng này hơn.
- Hạnh phúc là một cái gì rất tương đối.
Theo tôi thì tôi thấy rằng, từ lúc rũ bụi giày ở chân thang nhà anh, tôi như người đương đau được tiêm một ống morphine vậy. Quanh mình tôi, người, vật, rừng, núi, cả đến cái rỗng không của những thửa ruộng tuy phơi mình dưới gió sương mà vẫn ủ ngầm những ý tốt về mùa màng sắp tới, hết thảy đều có một cái gì nó gợi lòng tin cậy, cái tình cảm không thể thiếu cho sự sống.
- Anh tài quảng cáo quá! Tôi tưởng những rơn ngồi bó gối nghe chó sủa nhức óc vừa rồi thì chán chết!
Sẩu vừa nói vừa xoay xỏa chiếc bắp ngô trên than đỏ.
Tôi liếc trộm anh thì anh vẫn điềm nhiên một cách đáng ngờ, đến nỗi tôi không rõ lời anh vừa nói là ngay thẳng hay ngụ ý ranh mãnh. Dù sao, tôi cũng nhân dịp thử hỏi anh về cái sự lạ.
- À này, vừa rồi tại sao chó sủa dữ thế, anh Sẩu nhỉ?
- Chắc hẳn con nai, con lợn nào lảng vảng quanh đây chứ gì!
- Không, con chó do của nhà ta nó lồng lộn lên một cách khác thường lắm kia!
Sẩu nhìn thẳng vào mắt tôi:
- Có lẽ anh ngờ nó cắn ma?
Tôi cúi nhìn con chó đang lim rim ngủ!
- Tôi cũng không biết nữa...
Cùng lúc ấy, tiếng đàn lẫn trong một hơi gió từ xa thoảng tới, lại lướt qua hồn tôi như một cảm giác nhanh và lạnh.
Bỗng, gương mặt Sẩu lòe sáng một nụ cười. Anh trỏ vu vơ trong không gian và hỏi:
- Anh có để ý đến cái tình tang vừa rồi không?
Tôi như sẩm vớ được gậy:
- Có. Đàn ai gảy thế...
- Ồ, anh chắc cũng thừa biết...
- Rằng ở trên ta, không làm gì có thứ đàn tiếng nghe xa như vậy.
- Đúng!
- Thế sao?
- Cứ ý anh thì sao?
- Chính tôi đương chịu không đoán được.
Sẩu gật gù:
- Anh chịu không đoán được rồi anh ngờ ngay là tiếng đàn ma chứ gì?
- Võ đoán!
- Không! Chứng cớ là anh cho cái tiếng chó sủa vừa rồi nó khác thường lắm...
Tôi nóng mặt.
Nhưng, chính sự sáng suốt tôi không hề chờ đợi ở Sẩu lại phát sinh trong óc tôi một ý ngờ. Các ông già bà cả chẳng vẫn thường kể lại rằng loài yêu quái vẫn trá hình để lừa khách bộ hành đấy ư? Biết đâu Sẩu, con chó già, cả mấy nếp nhà gỗ này nữa đều chỉ là những cái huyền ảnh có lúc sẽ tan mất và tôi, tôi sẽ thấy mình nằm trơ trên một nấm mả hoang, giữa tràn lau rậm!
Sẩu tựa hồ đoán được ý tôi:
- Ở đời, làm gì có những sự khác thường như anh tưởng!
- Thế thế...
- Ví dụ cái tiếng tình tang kia...
- Sao?
- Nó chỉ là tiếng nước một con suối đổ chầm chậm xuống lòng khe. Tôi quên chưa nói để anh biết chính con suối ấy đã cho cái xóm nhỏ này một tên gọi kể cũng thú: Thôn Suối Đàn...
- Thôn Suối Đàn? Ồ, cái tên gọi nghe nên thơ quá!
Tôi nhẹ hẳn người.
Một cái gì như một ý tự cao khẽ nhú trong cách hỏi vồ vập của Sẩu:
- Phải không anh? Cái tên thú đấy chứ?
- Tuyệt!
- Do con suối ấy, thôn này còn có một tục kể cũng ngộ...
- Tục gì?
- Hễ cô con gái nào đẹp nhất xóm là phải làm cô then rồi sau mới được lấy chồng.
- Tại sao lại thế?
- Còn ai giải được tại sao? Các tục lạ trong dân gian bao giờ cũng có gốc rễ mờ mịt. Theo tôi đoán thì có lẽ người ấy tin rằng Thủy Tổ nghề then đã hiển linh trong tiếng suối nó giống hệt tiếng đàn then, nên phàm cô gái nào đẹp nhất xóm là phải làm then đã...
- Anh đoán cũng có lý.
- Giá anh được nghe con Ẻn nó vừa đàn vừa hát thì anh chắc phải chịu rằng người ta quả đã thu được tất cả những cái gì là xa xôi, lơ lửng, lạnh lẽo và bí mật mà ta nhận thấy ở trong tiếng tình tang như thực như hư nọ.
- Cái Ẻn là ai?
- Là cô Then hiện thời của thôn Suối Đàn đấy.
- Đẹp?
- Cố nhiên. Anh hãy nghe câu hát sau này của bọn trai quanh vùng ca tụng cô then thì rõ (Sẩu sửa giọng và đọc):
Mèng hai đắc đuổi hoa phống bỏng.
Pi a là điếp nặm phòng sinh.
Bướm kia chết mệt vì hoa,
Cá kia đợi nước thẫn thờ lòng khe
Điếp noọng lai, thương noọng lai,
Điếp noọng bố kin ngài kin chầu.
Chầu ngài kin tỷ tón,
Điếp noọng khao ón điếp noọng lai!
Yêu thương xiết kể bao nhiêu,
Yêu thương đến nỗi sớm chiều quên ăn.
Sớm chiều mấy bữa quên ăn,
Ngồi mơ cái vẻ trắng xinh hơn đời.
Dần dà, bao nhiêu ý tưởng của tôi như nhòa tan trong một lớp sương mờ. Men rượu pha vào mạch máu tôi một mơn trớn vô cùng êm dịu. Sau cùng, một ảnh tượng, theo sức khêu gợi của câu hát, hiện từ từ trước mắt tôi, một ảnh tượng giai nhân, đẹp lắm tuy mơ hồ có lẽ càng đẹp bởi chỉ mơ hồ...
Một mớ ồn ào, vụt cái, nổi lên trong lòng tôi, một mớ ồn ào tưng bừng không chờ đợi những ý tưởng, những tình cảm trẻ trung và những hy vọng trái ngược hẳn với hiện trạng đời tôi đến nỗi tôi không thể tự cắt nghĩa được.
Tôi tuy mới ngoài ba chục tuổi mà sự đời đã tắt lửa lòng. Tôi đã nếm trải hết những khổ cực gây nên bởi cách sống bấp bênh của một nghệ sĩ nghèo. Và bên cạnh những thiếu thốn vật chất ấy, lại còn bao nhiêu hiểm sâu, ghen ghét, bạc bẽo, vu cáo nó kế tiếp nhau hành hạ, làm điêu đứng không bút nào tả xiết. Tóm lại, về xác thịt cũng như về tâm hồn, tôi đã bị đời biến thành cái xơ mướp. Tôi chán ngán đến cực điểm. Tôi không còn tin tưởng, không còn hy vọng chút nào nữa, và chỉ muốn rong chơi trong chỗ non nước, gửi tâm hồn đau vào lòng sự tịch mịch.
Ấy thế mà, một đêm đầy sương ở giữa rừng, tôi chỉ nghe một câu hát, tự nhiên nảy ra cái cần thiết nao nức được yêu, được sống. Có lẽ sự ngờ sợ ban nãy đã mở đường cho cái cảm tình mãnh liệt lúc này.
Sẩu đã hát dứt câu và đương tợp nốt ngụm rượu cuối cùng.
Ngoài vườn, chim thảo mộc bắt đầu kêu.
Sẩu ngẩng mặt:
- Sắp sáng rồi nhỉ! - Sẩu lại giơ bàn tay phải lên sau tai và tiếp - Phải, trời gần sáng rồi thật: chim khảm khắc gọi nhau đã gần lắm.
Chừng cái cao hứng ngâm nga còn đương dào dạt, Sẩu hát luôn:
Chang khin nòn bố đắc,
Đẩy nhìn tiếng khảm khắc loọng sói.
Khảm khắc bố đo đôi mìn loọng,
Y như lầu xét toọng đuổi căn.
Đêm khuya, ngủ chẳng được say,
Nghe chim khảm khắc nó bay gọi đàn.
Tiếng chim tha thiết gọi đàn,
Phòng không bóng lẻ can tràng nấu nung.
Một xúc động đặc biệt làm tôi xôn xao, khi nghe bài ca về đôi chim có cái sự tích tình ái não nùng. Tôi thở dài một tiếng mạnh; Sẩu ngước mắt và, hồi lâu, anh và tôi im lặng nhìn nhau.
Sau cùng, Sẩu nói:
- Thôi, ta đi ngủ. Mai, tôi còn vô số là việc.
Vừa nói, anh vừa chống gối đứng dậy.
- Vâng, anh cứ đi nghỉ đi.
- Cả anh nữa; ngủ đi rồi tối mai tôi đưa sang nhà Ẻn xem làm then.
- Tối mai, có cúng à?
- Ừ.
- Thích nhỉ.
- Cũng là may cho anh đấy.
Sẩu kèm câu nói bằng cái nhìn nó biến mỗi lời anh thành năm bảy ý. Anh chàng tâm ngẩm thế mà đáo để thực! Nhưng, gì cũng được. Cứ tối mai, tôi được nghe Ẻn đờn và hát là đủ. Vậy, hãy nằm xuống đắp chăn cho Sẩu bằng lòng.
Tôi ngả lưng xuống chiếu. Bao nhiêu ý tưởng bề bộn trong đầu tôi dịu dần; gân cốt tôi nở giãn; tôi buông mình vào mộng...
"Tang á la... ang tình"
Tiếng đàn vẫn lửng lơ ngoài đêm sương.
Nó nổi bềnh lên trên muôn nghìn tiếng khác của cuộc sinh hoạt sôi nổi nhưng thầm kín của rừng đêm.
Có điều, nó đã thôi là một cái gì gở lạ. Nó đã trở nên cái tiếng gọi thiết tha của yêu đương và của hy vọng. Nó ru êm êm tâm hồn tôi trong một cảm giác mông lung kỳ diệu...