Điều tôi quan tâm không phải là bạn đã thắng hay thua, mà là bạn có sẵn sàng đón nhận thất bại hay không.

Abraham Lincohn

 
 
 
 
 
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 5
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1478 / 15
Cập nhật: 2015-12-12 10:51:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1 - Qua Cầu Gió Bay
a lớp kẽm gai tạo thành một màng sương mờ làm nhạt nhòa cảnh vật phía bên ngoài. Tuy vậy, hướng tầm mắt chênh chếch lên trời người ta vẫn thấy chân núi nước chảy xoi lở đây đó, giống như vết loét trên một thân thể xanh xao. Những tảng đá xám tiếp nối, chồng chất chen nhau trèo lên đỉnh núi. Cây lá đã ngã sang màu xanh thẫm và càng về phía trên, màu xanh càng lấp đầy những khoảng đã xám và vệt suối cong veo đỏ sẫm. Gần đến chót vót, những tảng mây từng đụn giăng ngang, lướt nhanh theo cơn gió thổi. Còn đỉnh núi cứ vươn mãi lên, ngóng ra xa. Cả bầu trời bàng bạc mầu mây nặng trĩu một nỗi u uất vì tất cả chỉ là hoài vọng hão, tiếc thương hờ: đá không trèo lên được một bước, cây cối dính chặt vào sườn non, mây không bám vào được một chỗ định, còn đỉnh cao cứ với mãi không tới được đỉnh trời.
Phía nam là bãi tập trực thăng vận của Trung tâm huấn luyện bộ binh, cách một khoảng sình lầy cỏ mọc từng khóm. Mặt nước phản chiếu sắc trời, trông giống như một tấm gương cũ nước thủy đã lở lấm tấm vài chỗ. Mây vẫn bay đều dưới ấy, đôi lúc lấp đầy cả khoảng sâu hun hút, thăm thẳm. Bên kia vực sáng, mấy chiếc trực thăng cũ, làm học cụ đổ bộ cho tân binh nằm trơ trọi giữa khoảng đất đầy cỏ bị dày nát đến héo úa.
Thân trực thăng lỗ chỗ dấu đạn, gương buồn lái vỡ, còn cánh thì cong queo hay bị vặn dứt tận chuôi.
Con đường cái quan chạy dài về phương nam tấp nập xe cộ. Từng cặp binh sĩ đèo nhau trên xe Honda rú ga phóng nhanh. Xe chở đất loại khổng lồ của hãng RMK nghênh ngang giữa lộ, ép sát mấy người hái củi vào bờ cỏ. Cơn gió cuộn bụi đỏ sau xe phần phật, dán bộ áo đen lên trên những thân thể còm cõi, giật ngược chiếc nón lá trật ra phía những vòng thép gai rỉ sét.
Trong trại, không khí thực vắng vẻ. Dường như không có lấy một tiếng động. Tiếng sấm gâm gầm gừ đâu tự phương trời xa, vọng qua thung lũng phía nam, rì rầm thoang thoảng đến đây Có lẽ trời sắp mưa, khi mỗi lúc các đụn mây xám mỗ tụ hội, đen cả một góc trời. Đỉnh trời hạ thấp, gần như muốn đụng mười mấy mái tôn của nhà tiền chế.
Trừ vài ba người lính đi lại, suốt ba khu A - B và C đều lặng lẽ đến độ ngột ngạt Trên các vọng canh, bây giờ nổi hẳn trên nền trời, mấy người lính cầm súng chỉa xuống dưới, bất động như các pho tượng đen. Lúc trời đã chuyển tốí, mấy choá đèn rải rác đây đó bật sáng lên, người ta mới thấy rõ quang cảnh bên trong. Trên những sân hẹp bao quanh bằng dây thép gai, cạnh từng ngôi nhà tiền chế, là những hình chữ nhật nâu bằng nhau. Những hình chữ nhật này yên lặng lúc mới thoạt nhìn, nhưng đồng thời, người ta có cảm tưởng bề mặt đang lăn tăn, lượn lờ uốn khúc như mặt nước gợn.
Trên đài canh trung ương, tiếng loa phóng thanh nói lớn:
- Thiếu tá chỉ huy trưởng trại giam khuyến cáo lần chót: Tất cả tù binh phải vào trong trại của mình. Thiêù tả chi huy trưởng nhắc lại lần chót: Tất cả tù binh phải về ngồi trong các nhà tiền chế. Trời sắp mưa, nhân viên và y sĩ bệnh xá không chịu trách nhiệm vế tính mệnh những người bệnh nặng cần tĩnh dưỡng nơi khô ráo, kín gió. Tôi nhắc lại. Thiếu tá chỉ huy trưởng khuyến cáo lần chót Tất cả tù binh phải về trại ngay.
Dừng một lúc, tiếng loa nhắc lại lời| khuyến cáo, rồi thêm:
- Thiếu tá chỉ huy trưởng sẵn sàng gặp đại diện các trại A, B và C để tìm hiểu nguyện vọng tù binh cả ba trai. Thiếu tá chỉ huy trưởng mời tù binh số 61.4257, thuộc trại C lên văn phòng có việc gấp.
Đây đó bắt đầu nổi lên những tiếng lao xao. Các hình chữ nhật nâu xô lệch. Mặt sóng càng gập ghềnh. Đầu tiên,vài tù nhân phụ nữ dìu hai bên nách để đưa các con bệnh nặng vào dưới mái tôn, Mưa bắt đầu nhỏ giọt, mùi hơi đất đã xông ngào ngạt không gian, số người sợ mưa nhân dịp bước theo. Hàng ngũ rã dần. Tiếng nói chuyện lao xao càng to hơn, chen lấn tiếng cãi vả, la hét. Loa trên chòi cao vọng xuống:
- Thiếu tá chỉ huy trưởng ghi nhận tinh thần thông cảm, hiểu biết của anh chị em (đã tự ý vào trại để chờ giải quyết ổn thỏa vấn đề). Tất cả mọi người im lặng. Thiếu tá chỉ huy trưởng sẵn sàng tiếp đại diện các trại A, B và C ngay bây giờ.
Khi cơn mưa trút xuống, nặng nề, đám người áo nâu ểu oải mệt nhọc trước sân trại C mới vào trong nhà hết.
Đây là trại dành riêng cho tù binh tàn phế. Bốn dãy nhà tôn cất song song dọc theo chân núi, hai dãy dành cho nam tù binh, hai dãy dành cho phái nữ. Vài người bị cụt một chân, ống quần dài nâu bỏ thõng đưa qua đưa lại theo nhịp tiến của đôi nạng gỗ. Những người bị mù vịn vai bạn, sờ soạng, dọ dẫm từng bước. Chỉ có những tù binh cụt tay hay bị bệnh tâm trí nhẹ là còn đủ nhanh nhẹn bình thường. Sau lưng, trước ngực hoặc dưới hai đầu gối quần nâu, hai chữ T. B. to nét kẽ bằng sơn trắng khiến lúc đám đông di chuyển, có tiếng quần áo sột soạt đều đặn.
Tránh được cơn mưa vừa đổ xuống mọi người quên chốc lát không khí oi bức căng thẳng ban đầu, trò chuyện vu vơ về con thác đổ từ triền núi xuống vũng lầy bên này bãi tập trực thăng vận. Nước mưa gõ nhịp trên mái tôn, làm át tiếng lao xao. Một người gắt:
- Sao lại phủi bụi lên đầu người ta?
Người nữ tù binh vô ý trả lời:
- Xin lỗi. Ai bảo chị ngồi ngay giữa lối đi. Sao không vào giường?
- Đã xong đâu! Chưa chi các chị đã sợ mưa ướt.
- Thấy người ta vào trước tôi mới đi theo. Không vào, chẳng lẽ để mấy chị bị thương hàn, ho lao dầm nước mưa sao?
Người đối thoại yên lặng, nhìn bâng quơ về phía con đường cái quan. Đầu cuối nhà, có tiếng gọi lớn:
- Chị Vi đâu? Chị Vi? Sao không lên gặp cha Thiếu tá trưởng trại? Vừa lúc đó máy phóng thanh cũng gọi:
- Tù binh số 61.4257, lên phòng hành chánh gặp Thiếu tá gấp. Tiểu đội 2 liên lạc với các trại, hướng dẫn đại diện lên phòng hành chánh gấp.
Nhiều người ngay sau khi nghe tiếng loa nhao nhao hỏi:
- Chị Vi đâu? Ai thấy chị Vi đâu không?
Người nữ tù mặc áo nâu và quần đen ngồi nhìn mưa phía chái trên từ từ quay mặt về phía ánh sáng, rồi Vi bước hẳn vào trong. Mọi người nhận ra sự hiện diện của chị đại diện, không còn lao xao nữa. Vài đám ngồi khuất phía xa định tiếp tục câu chuyện bỏ dở, nhưng kịp dừng lại khi nghe cả phòng suỵt phản đối. Vi hỏi lớn:
- Bây giờ chị em định bảo tôi làm gì?
Có người nói lớn trả lời:
- Chính chị hiểu rõ câu chuyện từ đầu. Chị phải biết nên làm gì chớ.
- Y sĩ Trung úy chỉ nhờ tôi giải thích cho toàn thể chị em. Tôi không dám quả quyết họ nói thực hay dối. Còn những điều Y sĩ trưởng nói ra, xúc phạm danh dự toàn trại, thì chị em đã biết cả rồi. Đấy, tôi có hiểu gì hơn các chị đâu!
- Chị cứ lên xem lão Thiếu tá muốn gì.
- Nhưng các chị phải cho ý kiến, tôi mới trình bày ý muốn trại C được chớ!
Một người nói, rụt rè:
- Tôi thấy chuyện cũng chẳng có gì: Mình như con cá trên thớt của họ mà.
Nhiều tiếng nhao nhao phản đối:
- Sao không có gì? Chị có phải là kẻ hèn nhát không? Ông ta là cái gì mà quát tháo, hằn học với tất cả mọi người.
Vừa lúc đó hai người lính tiến về phía cửa dây thép gai. Một người bấm đèn pin soi đường, một người lăm lăm khẩu súng. Vi nói vội với đám đông:
- Thôi, bây giờ tôi lên trên đó đã. Nếu đại diện hai trại A - B đồng ý điều gì, mình phải phục tùng đa số. Gặp trường hợp trái ngược ý kiến chị em trại C, tôi sẽ về trình bày lại.
Lúc người nữ tù ra tới cửa, trong nhà vẫn còn nhiều tiếng lao xao bất đồng ý kiến. Người quân cảnh chiếu đèn pin vào mặt Vi nhận diện khá lâu, rồi một người bấm đèn dẫn đường; người cầm súng đi sau áp giải.
2
Trong phòng hành chánh, các sĩ quan trên dưới hầu như đủ mặt: Thiếu tá trại trưởng, Đại úy phó trại trưởng, Trung úy Y sĩ trưởng bệnh xá, Trung úy đặc trách an ninh, Trung úy phụ tá Y sĩ trưởng, Thiếu úy trưởng phòng hành chánh...
Tù binh 61.4257 vào phòng khi hai đại diện của trại A và B đã tới trước đó vài phút. Trong phòng, chỉ có tiếng quạt vo vo trên trần. Mưa đã tạnh, nên thoảng từ xa, tận bên kia con đường cái, tiếng ếch nhái côn trùng rên rỉ đưa về, theo cơn gió mát.
Thiếu tá trưởng trại nói trước:
- Tôi đang bận trên Bộ Chỉ Huy, nghe báo có việc gấp vội phóng xe về. Để cho nhanh, yêu cầu tuần tự các vị liên hệ đến vấn đề trình bày rõ ràng cho tôi, hầu tìm một lối giải quyết. Ai cũng biết là chúng ta cần duy trì trật tự tuyệt đối trong trại. Mọi âm mưu phá hoại hay phản loạn sẽ bị nghiêm phạt. Dù không phải là phạm nhân, dù là tù binh chiến tranh và được hưởng qui chế Genève 1949, không ai cho phép tù binh vượt ra ngoài kỷ luật hợp pháp, hợp lý. Tuy vậy ngoài pháp, ngoài lý, còn có tình người. Cho nên tôi không muốn áp dụng kỷ luật độc đoán, một chiều. Tôi muốn biết diễn tiến của biến cố. Vì sao có ba trại đòi tuyệt thực phản kháng? Xin Trung úy Y sĩ trưởng cho biết.
Viên Y sĩ trạc 30, khuôn mặt xương, tóc lòa xòa đến quá nửa tráng, định đứng dậy nhưng Thiếu tá ngăn lại:
- Trung úy ngồi nói được rồi.
- Cảm ơn Thiếu tá! Sự việc chỉ có thế này: Lúc ba giờ chiều, đích thân Y sĩ trưởng bệnh viện dã chiến 67 Hoa kỳ lái xe đến đây, cho biết trong cuộc hành quân tảo thanh của quân đội đồng minh sáng nay có tám binh sĩ Việt Cộng trọng thương bị bắt. Medevac chở họ về bệnh viện dã chiến. Máu ra nhiều quá. Bệnh viện dưới đó lại không còn bịch dự trữ nào trong kho huyết. Thấy càng để lâu tính mệnh đám tù binh càng nguy, Thiếu tá Y sĩ Corson vội lái xe lên đây mượn huyết, tưởng chúng ta có đầy đủ dụng cụ và dược liệu trong trường hợp cấp cứu. Khi nghe tôi trả lời, Thiếu tá có vẻ nóng nảy, và tuyệt vọng.
Tôi chợt nhớ là 8 thương binh Việt Cộng cùng hàng ngũ với anh chị em trong trại chúng ta, nên đề nghị Thiếu tá Corson xin huyết tù binh trong trại.
Thiếu tá Hoa kỳ mừng rỡ, bảo sẵn sàng gọi trực thăng dưới 67 lên chở gấp những người tình nguyện hiến máu xuống bệnh viện dã chiến.
Tôi sợ nếu cùng đi với Thiếu tá Corson xuống gặp tù binh, các người trong trại sẽ nghi ngờ chúng tôi dối trá, nên có gọi cô Vi(nguyên Y sĩ của tiểu đoàn 503 thuộc sư đoàn Sao Vàng) lên bệnh xá, để cho cô trình bày lại với các bạn đồng đội. Cô Vi là một Y sĩ giỏi và tận tụy, vẫn thường giúp đỡ chúng tôi trong việc chẩn bệnh cho trên 200 tù binh hằng ngày. Cô còn tự nguyện săn sóc các người tàn phế trong trại C, nên rất được tù binh cảm phục và tin tưởng...
Sau khi nghe qua ý muốn của chúng tôi, Cô Vi đồng ý cùng đi với chúng tôi đến ba trại nêu vấn đề với anh chị em.
Nhưng Cô Vi không chịu đi cùng với Thiếu tá Corson. Thiếu tá Hoa kỳ ban đầu ngạc nhiên có vẻ giận, nhưng cũng đồng ý ngồi chờ ở Câu lạc bộ. Chỉ còn có tôi và Cô Vi, Trung úy phụ tá, đến từng trại tập họp tù binh vận động. Cô Vi dẫn chúng tôi đến trại C của cô trước.
Thiếu tá ngăn lại hỏi:
- Sao không xin máu những người mạnh khỏe? Trại tàn phế đây có đủ khả năng hiến máu không?
Y sĩ trung úy trả lời:
- Chúng tôi cũng thắc mắc như Thiếu tá. Bấy giờ Cô Vi bảo... Xin Thiếu tá cho phép Cô Vi trình bày thẳng điều này.
- Vâng, vâng, Cô Vi là đại diện của trại tàn phế?
Người nữ tù bây giờ lên tiếng:
- Vâng. Tôi thuộc loại "tâm trí".
- Cô bị bắt ở đâu?
- Tiểu đoàn chúng tôi đặt là "bệnh xá Nguyễn văn Trổi". Tôi bị bắt tại bệnh xá tiểu đoàn.
Trung úy an ninh giải thích:
- Tù binh 61.4257 bị bắt trong cuộc hành quân Lý Thường Kiệt 3, tháng 8 năm 1968, tại đồn chiến lược 178, cùng với một số thuốc men. Đương sự không có vũ khí. Hội đồng y khoa xếp vào loại tâm trí, vì lâu lâu đương sự bị dao động thần kinh, cử chỉ thất thường, chân tay...
Thiếu tá đưa tay làm dấu không cho nói tiếp, rồi quay sang phía Vi:
- Cô tiếp lời Trung úy Y sĩ trưởng, giải thích sự việc đi!
Người nữ tù bắt đầu nói:
- Tôi dẫn Trung úy Y sĩ đến trại C trước, vì tôi là một Y sĩ phẩu khoa. Tôi hiểu mạng sống của 8 thương binh như sợi chỉ mành, tùy thuộc vào thời gian rất nhiều. Khi hành quân theo sư đoàn, tôi đã giải phẩu cho hàng trăm đồng đội bị bom đạn, tuy dụng cụ và thuốc men thiếu thốn. Nhiều thương binh chết trước khi lên bàn mổ chỉ vì hết máu. Nhiều người chỉ bị thương xoàng ở tay hay ở chân mà không cứu nổi cũng vì lý do đó. Gia đình tôi chỉ có hai chị em, cùng tập kết ra Bắc sau hiệp định Genève. Khi em tôi thi hành nghĩa vụ quân sự cứu nước tôi lo không ai săn sóc nó, tình nguyện làm Y sĩ tác đề hai chị em luôn luôn có nhau. Tôi tìm mọi cách làm việc ngay bên tiểu đoàn của nó, vậy mà cuối cùng, chỉ vì một trắc trở không ngờ, nó cũng chết vì mất máu. Chỉ có ngững người "cùng qua cầu" mới thông cảm về cảnh ngộ của nhau. Những người trại C đã một lần bị thương, một lần cảm thấy nguồn sống chảy khỏi thân thể, một lần hãi hùng trước cái chết chập chờn, rồi mừng rỡ vì được tiếp huyết để bám lấy cõi đời. Chỉ có họ mới hiểu sâu xa tâm tình của Y sĩ, vui mừng lo sợ trước nỗi vui mừng lo sợ của Y sĩ, chỉ có họ mới tin tưởng vào Y sĩ như đứa con tin lời mẹ. Chắc Trung úy Y sĩ trưởng, hoặc cả quí vị nữa, đã qua những kinh nghiệm ấy... Tôi dẫn đến trại C trước, để mau chóng tìm đủ ngay mấy người tình nguyện, đở tốn thì giờ. Không biết tôi nói có khó nghe rắc rối không?
Thiếu tá nói:
- Chúng tôi hiểu. Chúng tôi hiểu vì sao cô đến vận động ở trại C trước. Là lính chiến, ai cũng trải qua những giây phút đau lòng ấy. Chúng tôi hiểu. Nhưng xin cô cho biết vì sao cả ba trại lại phản đối chúng tôi.
Vi như chợt ra khỏi cơn bàng hoàng.
- Có Trung úy Y sĩ trưởng và Trung úy phụ tá làm chứng, tôi đã cố hết sức trình bày rõ ràng những điều viên Thiếu tá Mỹ yêu cầu. Thành thực mà nói, giữa Y sĩ với nhau, tôi tin Thiếu tá Mỹ không giả dối. Sự tin tưởng làm lời tôi nói với anh chị em trại C mạch lạc hơn. Cuối cùng, tôi nhắc đi nhắc lại là mạng sống của 8 đồng đội ở cả trong tay của mọi người trại C. Tôi nhấn mạnh: Hoặc chúng ta mất họ, hoặc chúng ta sẽ được cùng chung sống với họ, chia cơm xẻ khổ với họ.
Thiếu tá nóng nảy hỏi:
- Họ phản ứng ra sao?
Trung úy phụ tá trả lời thay cho người nữ tù:
- Họ im lặng. Cái im lặng nặng nề. Cả ba chúng tôi đều lúng túng, không biết phải làm gì. Thay cô Vi, Trung úy Y sĩ trưởng hỏi lại lần nữa vẫn không ai tình nguyện hiến máu. Cuối cùng Trung úy đành nói: "Tuy 8 đồng đội các bạn đang chết dần chết mòn, cần cấp cứu nhưng chúng tôi không muốn ép buộc ai. Thôi, chúng tôi để mọi người suy nghĩ một chút. Sau đó, trong trại C, có ai tình nguyện, xin lên ngay bệnh xá gặp tôi." Nói vậy nhưng ai cũng biết là trại C sẽ không có người nào hiến máu.
Trung úy Y sĩ trưởng vội tiếp lời:
- Chúng tôi nóng ruột quá, cùng với cô Vi qua ngay trại B và trại A. Ở đâu, họ cũng đều im lặng. Không ai hỏi cho một câu. Tôi tưởng như đang đứng trong sa mạc hay đang nói với một đám tượng gỗ. Tám cái xác hấp hối cứ chờn vờn trong óc tôi. Máu tôi sôi lên. Lúc ấy toiu6 giận quá, giằng cái micro trên vọng canh hét lớn:
"Hèn nhát. Bạn các người đang chết, chỉ cần một vài giọt máu là hồi sinh. Các người không thèm cho. Các người chỉ là một bọn ích kỷ, hèn nhát. Ngay bây giờ tôi và các binh sĩ đi hiến máu cứu đồng đội các người đây."
Thưa Thiếu tá, đại loại câu tôi hét trên micro như vậy. Chúng tôi đi cho máu thực. Khi medevac trả chúng tôi về bãi đáp bên trung tâm huấn luyện sư đoàn, đã thấy cả trại ngồi phơi ngoài sân phản đối, không chịu đi lấy phần cơm. Tôi chịu thua thưa Thiếu tá. Tôi chịu thua; không hiểu họ muốn gì!
3
Người nữ tù ngồi bàng hoàng, không còn nghe lời đối đáp của giữa Thiếu tá và Trung úy đặc trách an ninh, giữa Trung úy an ninh và các đại diện trại A, trại B. Vi coi như phận sự mình đã xong. Tiến quạt trần vi vu, tiến bàn cãi oang oang đôi lúc có vẻ sôi động, gây cấn. Vi chỉ nghe có mỗi một câu hỏi, mình đặt cho mình: vì sao các bạn tù lại từ chối hiến máu?
Lúc học trường thuốc, Vi đã không ngần ngại chọn phẩu khoa, vì tò mò về con người. Con người, kẻ xa lạ ấy! nàng thật sự cảm thấy chờm ngợp trước những cuộc vận động lịch sử hùng tráng lẫn bi thảm vượt qua mọi biên giới chịu đựng của cái thân thể yếu đuối.
Cũng bàn tay nhỏ bé đen điu này dựng nhà, giành đất và trời của vũ trụ. Rồi cũng bàn tay nhỏ bé đen điu này đốt nhà hòa máu vào suối nhỏ sông dài của vũ trụ. Những kẻ hiền từ yếu hèn đi bặt một chặng, để bất chợt trở về: đanh đá, đầy hào khí kiêu căng. Đứa con trai vừa năm nào ngoan ngoãn trong tay mẹ, rồi vụt lớn lên, thành người hùng, chạy theo mây bay "Ly khách! Ly khách, con đường nhỏ. Chí lớn không về bàn tay không. Thì không bao giờ nói trở lại. Ba năm mẹ già cũng đừng mong".
Vi không hiểu sâu bên trong làn da, những thớ thịt đường gân nào khiến mọi sự thay đổi đột ngột, rực rỡ như ánh lửa rồi đìu hiu như tro tàn như vậy!
Nàng chẳng tìm thấy được gì trong phẩu khoa. Những tim, phổi, ruột non, ruột già, thịt xương, maú mủ tạo lập một bộ máy tinh vi mà mỏng manh làm sao. Vi chỉ thấy được có sự yếu đuối, và nàng càng thương cho người chung quanh. Nàng hiểu rõ tâm trạng của Trung úy Y sĩ, nhưng bây giờ nàng cũng cảm thấy hiểu rõ tâm trạng những bạn bè; hiểu cả sự hằn học của người đứng nhìn từ bên ngoài vòng kẽm gai và sự câm nín ù lì của những người áo nâu bên trong.
Vi tin vậy, vì phẩu khoa dạy nàng biết quả tim, dòng máu, thớ thịt bên dưới các lớp vải khác màu, đều giống nhau. Vi ý thức điều đó rõ hơn, nhờ các buổi lên bệnh xá chẩn bệnh chung với Y sĩ trưởng. Những hôm không bị dao động thần kinh, Vi lãnh nhận một nửa bệnh nhân để khám bớt cho Trung úy. Các bạn tù cũng e sợ, cuống quít, lo lắng trước mặt nàng như họ đã e sợ cuống quít lo lắng trước mặt Y sĩ trưởng. Nhiều hôm hai người khám xong gần hai trăm người ghi tên khai bệnh thì đã quá trưa. Vi dùng cơm ngay tại bệnh xá. Y sĩ hỏi nàng về tổ chức y khoa "ngoài nớ", về các cuộc giải phẩu gấp rút trong rừng già, dưới các cây cao lá rậm và bên các hố bom B 52. Lúc đó kiểng tập hộp, Vi ra phía cổng trại, còn y sĩ thì về phòng điều hành đối diện phòng hành chánh. Hai người chào nhau qua lớp kẽm gai, và Vi rùng mình nhận ra hai màu áo khác nhau: màu nâu của lưỡi cá và màu xanh già của rừng. Mấy cái gai sắc như chiếc gai thần tẩm độc của mụ phù thủy!
Y sĩ trưởng tức giận vì thành thực không hiểu nổi sự im lặng của tù binh. Nhưng là người đứng bênb trong vòng kẽm gai, mặc áo nâu có sơn hai chữ T. B. và mang sáu con số trên ngực Vi hiểu. Dù ở trại C, A hay B, bạn bè của nàng chỉ là những kẻ thất thế. Không biết gì về ngày mai của đời mình, họ lo sợ hết thảy.
Họ thấy rõ Thiếu tá Corson đi chiếc xe mang sao trắng (biết bao lần hồi hộp nằm phục kích ngay bên vệ đường khai quang, họ đã đưa họng súng vào cái sao trắng ấy, gắng cho đường nhắm từ lỗ chiếu môn đến đỉnh đầu ruồi cắm sâu vào đúng trung tâm) lên vồn vã nói tiếng Mỹ với Y sĩ trưởng. Rồi Trung úy cho gọi nữ Y sĩ Vi. Họ còn nhớ rành rẽ những lời giảng giải hiền hòa êm đềm của toán Tâm lý chiến, những bức tâm thư của các đồng đội (về với gia đình qua lời chiêu hồi) in trên giấy trắng lờ mờ hình con chim ó. Họ còn nhớ các lời hứa hẹn lẫn các lời đe dọa đanh thép của Thiếu tá trại trưởng.
Đột nhiên, một câu hỏi đặt ra cho họ, khó giải như một bài toán chia có số lẻ: Ai sẵn sàng hiến máu cứu sống 8 tên Việt Cộng?
Đối với đám đông tù binh, vấn đề đơn giản lắm: người chế súng đạn, vượt ngàn trùng đem vào xứ sở nghèo đói cằn cỗi này, chiêu mộ binh sĩ, huấn luyện kỹ càng cho thành tay thiện xạ, phát đạn cho bắn, chỉ vì mục đích gửi viên đạn đồng vào đúng tử huyệt của đối phương. Bắn một lần chưa trúng hãy bắn lại lần thứ nhì. Bắn lần thứ nhì vẫn chưa trúng hãy bấm cò liên thanh. Vì vậy, người ta mới tìm tòi cải tiến thế nào cho băng đạn dài, viên đạn nhỏ mà sức công phá lớn, một giây một phút bắn được nhiều phát hơn... Để làm gì? Để chỉ cần bắn một lần. Để kẻ thù không còn có cơ hội nghe được tiếng nổ. Muốn cho chắc chắn, bom trên trời dội xuống, pháo từ xa rót về, cày nát địa đạo và đốt cháy cỏ cây, giết chết đa số đối phương. Những người cầm súng, núp sau xe bọc thép tiến lên, chỉ có nhiệm vụ ban những phát đạn ân huệ, nòng cách lỗ tai địch không đầy hai tấc. Bắn một lần chưa trúng thì bắn lần nữa. Giết một người chưa được, thì giết lần nữa. Các bạn bè chất phác của Vi không thể hiểu nổi, không thể tưởng tượng rằng có một thứ luật quốc tế qui định cách đối xử với địch quân trong cuộc giao tranh khác hẳn sau khi giao tranh.
Cho nên họ mường tượng cảm thấy: hình như người ta đang giăng một cái bẫy, trắc nghiệm trình độ giác ngộ chính trị của họ, khai quật những nguồn phẩn nộ, phản loạn giấu kín đáo trong đám hơn 1.200 người áo nâu.
Suốt ba trại. mọi người đều im lặng. Không có lấy một câu hỏi, không có ai dám đặt thẳng sự nghi ngờ. Điều đó xác nhận sự khám phá cay đắng của Vi trong năm đầu chuyên biệt phẩu khoa: con người yếu đuối làm sao, và tội nghiệp làm sao, càng yếu đuối nó càng muốn theo mây bay, mơ chí lớn không về bàn tay không. Liệu cái thân thể mong manh này chịu đựng nổi cảnh huống của trò đời như lớp lớp ông bà tổ tiên đã bậm môi chịu đựng?
4
Mọi người trong phòng hành chánh vẫn tiếp tục bàn cãi. Thiếu tá hỏi câu gì đó. Trung úy an ninh trình một tờ giấy ghi mấy hàng số. Cả phòng, không ai nói gì nữa. Sự im lặng đột ngột làm Vi nhận thức thực tại rõ ràng trở lại, nghe rõ từng tiếng vi vu của quạt trần, tiếng gõ pipe lên cạnh bàn của Đại úy phó trại trưởng. Thiếu tá nói:
- Bây giờ tôi hiểu vấn đề rồi. Y sĩ trưởng hằn học giận dữ là đúng. Tôi hiểu Trung núy thành thực, vì bỏ ngoài cái lon, cái áo, cả cái lý tưởng, chủ nghĩa nữa, ông là một người thầy thuốc. Ai cũng thấy xót xa khi thấy mình bất lực trước cái chết. Vì một lý do riêng mà tôi đã lờ mờ nhận ra, cả trại không hợp tác với Trung úy. Một vài tù binh chủ chốt, mà tôi đã có danh sách, nhân cơ hội sách động cả trại tuyệt thực khi các sĩ quan bận xuống hiến máu dưới bệnh viện dã chiến 67.
Tội ấy không thể tha thứ được. Ai ở vào địa vị tôi, chịu trách nhiệm an nguy cho hơn nghìn tù binh, cũng cần phải duy trì tuyệt đối an ninh bên trong và bên ngoài vòng rào kẽm gai. Cái gì cũng đổ lên đầu tôi cả. Tù binh bị đau yếu nhiều, bệnh xá lo chữa nhưng tôi chịu trách nhiệm. Trại không được sạch sẽ, đồ ăn không đủ sinh tố, hồng thập tự liền gay gắt cảnh cáo. Xin lỗi, một nữ tù binh có mang trong thời gian lưu trại, cũng chính tôi bị khiển trách trước tiên. Trăm dâu đổ đầu tằm.
Cho nên tôi không thể dung thứ những âm mưu phá rối trật tự.
Tuy nhiên thái độ hiểu biết của mọi người lúc chiều đã khiến tôi sẵn sàng bỏ qua. May mắn là còn rất nhiều người biết điều, nhận thức được lẽ phải trái. Ba đại diện trại A, B, C chuyển giùm những lời khen ngợi gthanh2 thực này đến mọi người.
Ngày mai, sinh hoạt lại bình thường. Chỉ có công tác cấp thiết nhất là săn sóc ngay các bệnh nhân nặng, yếu sức vì tuyệt thực và thiếu thuốc. Ngay bây giờ tôi yêu cầu Trung úy Y sĩ trưởng... xin lỗi, tôi cho phép Trung úy miễn trực tối nay. Ngay bây giờ Trung úy phụ tá điều động tất cả y tá, nữ trợ tá đến khám sức khỏe các bệnh nhân nặng, theo phiếu bệnh tiêm thuốc cho họ. Đáng chú ý nhất là trại C. Tôi nhờ cô Vi phụ cho một tay.
Ngừng lại một lúc nhìn bao quát khắp phòng, Thiếu tá hỏi:
- Còn ai muốn nói gì nữa không?
Im lặng. Thiếu tá tiếp:
- Cuộc họp chấm dứt. Các đại diện và nhân viên bệnh xá bắt đầu làm việc. Cảm ơn quí vị.
5
Vi thuật xong những lời nhắn nhủ của Thiếu tá trưởng trại từ lâu, mà không ai nói gì. Trong nhịp sống bình thường, có những lúc bất chợt, người ta khựng lại, ngơ ngác nhìn quanh rồi nhìn lại mình, tự hỏi: Ta đang ở đâu đây? Cả trại như đang ở vào trạng thái ấy, bàng hoàng, nửa tin nửa ngờ cả mình lẫn người. Tiếng ếch nhái trên khoảng sình lầy phía nam kêu rõ hơn. Gió lạnh mùa thu làm lay động mái tôn. Mọi người ai về giường nấy, thao láo nhìn về khoảng lờ mờ trước mặt, hay gục đầu xuống hai gối. Bên phòng tâm trí, đột nhiên có tiếng la hét và tiếng chân chạy rầm rập. "Giữ chặt tay chị ta lại. Đừng cho xé rách quần áo". Một vài tiếng rên nho nhỏ ở góc tối chái tây. Đã quen thuộc quá với các tiếng động bất thường, không ai tỏ vẻ lo lắng đặc biệt nào.
Vài vệt đèn pin quất qua quất lại ngoài khoảng trời đêm, rồi chiếu vào cổng trại. Nhiều người tò mò quay nhìn ra. Đôi tiếng lao xao lo âu. Sau tiếng chìa khóa lách tách mở cổng, toán người bên ngoài mới hiện rõ dưới ánh đèn vàng. Một toán quân cảnh, súng cầm ở thế sẵn sàng tác xạ, đứng dàn ngay trước hiên. Viên Trung úy phụ tá dẫn bốn, năm nữ trợ tá ngập ngừng đứng trước cửa nhà tiền chế, lấy tau che bớt ánh sáng, nhìn vào. "Hình như ông ta muốn tìm cô Vi. Chị Vi đâu rồi?" Thấy người nữ tù binh Y sĩ ra cửa, Trung úy có vẻ mừng rỡ:
- Cô giúp tôi chút. Đáng lý đây là công việc của Y sĩ trưởng, nhưng ông ấy được phép nghỉ tối nay. Cô Loan có mang hồ sơ bệnh nhân nặng của trại C theo đây. Nhờ cô Vi hướng dẫn cho.
Người nữ trợ tá tên Loan lật xấp tài liệu bệnh trạng dày cộm, lấy pin soi đọc lớn:
- Số 61.8726: Nguyễn thị Hà nằm đâu?
Vi hỏi:
- Trong trại này có tới hai Nguyễn thị Hà. Nhờ cô xem thử Nguyễn thịb Hà "tâm trí" hay Nguyễn thị Hà bị thương hàn?
- Để tôi xem.
Người nữ trợ tá soi pin xuống cuối trang lẩm nhẩm đọc: Fièvre typhoide.
- Đúng là thương hàn rồi. Có hai ống thuốc chích đây.
Người y sĩ nữ tù dẫn toán nhân viên bệnh xá tới cái giường góc bắc.
Một bệnh nhân đàn bà khoảng 40 tuổi hay già hơn nữa đắp chăn rên hừ hừ. Mọi người trại C im lặng theo dõi toán nữ trợ tá làm việc. Một cô lay bệnh nhân dậy, bảo hả miệng đo nhiệt độ.
- Ba mươi chín độ rưỡi. Nóng hơn hồi hôm qua, Trung úy.
- Cô lấy thuốc ra đi.
Người trợ tá đặt khay thuốc và ống tiêm lên nền xi măng chuẩn bị làm việc. Lúc hai cô lật sấp người bệnh xuống, người nữ tù phản đối.
- Để tôi nhịn đói cho chết luôn. Cần gì thuốc men nữa.
Hai người không trả lời, một người bẻ quặt hai tay bệnh nhân ra sau lưng rồi tiện tay dấn xuống, một người kéo quần trễ dưới mông rồi ấn mạnh hai bắp chân. Bệnh nhân vẫn vùng vằng phản đối.
Trung úy phụ tá cầm ống tiêm soi lên ánh sáng, ấn mạnh ngón tay cái cho hơin đầu mũi kim thoát ra, rồi bình thản đến gần giường. Ông quát:
- Nằm yên nào. Gãy kim chết bây giờ!
Bệnh nhân nhìn về phía đám đông đang theo dõi mình, có vẻ muốn phân trần một cách tuyệt vọng, rồi chịu để cho Trung úy làm việc. Lúc mũi kim thứ hai đâm mạnh vào thịt, bà mới khẽ rùng mình xuýt xoa. Cô nữ trợ tá kéo giunm2 quần bệnh nhân lên, dặn sáng mai nhớ ghi vào sổ khai bệnh để Y sĩ trưởng bệnh xá khám lại. Người nữ tù binh lí nhí cảm ơn, định hỏi gì nữa, nhưng bối rối nhìn về phía đám đông, lại thôi.
Nửa giờ sau toán nhân viên bệnh xá mới tiêm xong thuốc cho trại C phía nữ. Ngọn đèn lớn đã tắt, chỉ còn hai cái bóng điện nhỏ chiếu hắt ánh sáng lờ mờ vào căn nhà tối.
Không biết phần lớn tù binh đã ngủ hay còn thức, nhưng trong trại yên lặng hoàn toàn.
Vi nhận thấy đó là một dấu hiệu bất thường. Mấy tháng trước, vào các dịp này trong trại tàn phế suốt đêm người ta lầm rầm bàn tán xôn xao. Sáng nay, tin từ phòng hành chánh cho biết từ 9 giờ mai, hội đồng y khoa sẽ giám định cấp độ tàn phế cho tù binh trại C, để quyết định xếp loại phóng thích.
Các lần trước, vào những đêm như đêm nay dường như không có ai chợp mắt nổi. Họ nói với nhau chuyện mưa nắng, kể lể tình cảnh gia đình, làm ra vẻ ơ hờ nhưng thực ra ai cũng muốn thổ lộ tâm tư về chuyện ở hay về. Thông thường tù binh tàn phế được gọi từng người vào phòng hội đồng, và được hỏi riêng có muốn về nhà không. Vì vậy, đêm nay ai cũng băn khoăn tự hỏi và tự trả lời cho mình, giấu hết ý nghĩ riêng. Tầm mắt không còn ngăn bởi sườn núi xanh thoai thoải về phía trời cao, vũng sình bên này bãi tập trực thăng và con đường cái quan hun hút chạy về phía thung lũng. Có một thứ ánh sáng tâm linh soi rõ cho họ thấy trong đêm nay, những kỷ niệm thiếu thời, nét thanh bình êm ả của gia hương, dôi mắt tiếng cười, mầu áo của một người mẹ, một người chị, một người con...
Quê hương, quê hương! Sức mạnh quyến rũ của nó như sức hút của quả đất, lá rơi về cội xác thân phiêu lưu lang bạt rồi vẫn rán mục rữa trong lòng mộ sâu cạnh nắm xương ông cha thân thích. Trở về căn nhà xưa, khóc trong vòng tay thân yêu: con đã về đây, mẹ đã về đây, chị đã về đây, em đã về đây... Có thể nếp cỗi làm già thêm mặt héo hon của mẹ, nhưng khu vườn rau, đồng lúa vẫn xanh. Có thể gia đình đã trôi nổi bềnh bồng, xóm làng ngày cũ không chịu đựng nổi sức phá của bom, trọng pháo. Đôi mắt em thơ sáng thêm, nhưng tâm hồn xa lạ. Cuộc đời nhọc nhằn làm chai lì cảm giác cả kẻ ra đi lẫn người ở lại. Nhưng vẫn còn là của nhau. "Ruộng ta ta sặm xương đi ta cày. Nhà ta giặc đốt rồi ta làm lên ta ở"...
Một cái gật đầu hay một cái lắc đầu đủ xoay hướng một cuộc đời. Đêm nay, một mình rình rập thái độ, tư tưởng của bè bạn và của mình, Vi vẫn thấy thấp thoáng nỗi ngờ về thực sự ban chiều. Phải chăng là cái bẫy để cân nhắc lợi hại về chính trị trước khi quyết định phóng thích những tù binh tàn phế? Cuộc tuyệt thực có làm cho hội đồng giám định y lkhoa thay đổi thái độ?
Ngày mai mình sẽ xin ở lại như lần trước hay sẽ xin về? Gió lạnh lọt vào phòng. Tiếng mảnh tôn va vào nhau thức giấc đôi kẻ vô tâm. Sự lạnh lẽo làm đậm đà nỗi xao xuyến, còn tiếng động trên mái có vẻ giống như hồi trống giục giã. Vi nhớ đến hình ảnh "cởi áo trao nhau, về nhà dối mẹ qua cầu gió bay". Vi đã cho, cho hết, từ tâm hồn và thể xác, chịu lạnh căm căm để thấm thía cảm thấy nỗi yếu đuối mỏng manh của phận người. Còn lại gì, tim, gan, thịt, xương trong lớp da vàng! Còn lại gì, sự lạnh lẽo bơ vơ không biết về đâu. Vi cũng là "kẻ qua cầu" như lời nàng nói với viên Thiếu tá, và khi gió lạnh đêm đêm thổi về, chiếc áo mong manh tưởng đã tìm thấy là niềm tin yêu ở cuộc đời, bay xa, bay xa...
Qua Cầu Gió Bay Qua Cầu Gió Bay - Nguyễn Mộng Giác Qua Cầu Gió Bay