Nguyên tác: 1973年のピンボール – 1973–Nen No Pinbouru
Số lần đọc/download: 0 / 95
Cập nhật: 2025-02-16 13:53:15 +0700
1969-1973
T
rước đây tôi rất khoái được lắng nghe những câu chuyện kể về nơi xa xăm nào đó. Nó gần như là một chứng bệnh.
Từng có thời – giờ cũng chừng mười năm rồi, tôi đi loanh quanh bấu lấy hết người này đến người khác, bảo họ kể cho tôi về những nơi mà họ đã sinh ra và lớn lên. Hồi đó chẳng được mấy ai muốn giơ tai ra cho người khác kể lể, có vẻ như vậy, nên ai ai cũng mở lòng với tôi, ngoan ngoãn và thẳng thắn kể ra tất cả. Những người thậm chí không quen biết cũng bằng cách nào đó nghe phong thanh và tìm đến tôi.
Như ném những viên đá xuống một cái giếng cạn, họ trút về phía tôi đủ những thể loại câu chuyện, và khi kể xong, họ về nhà trong sự phấn khởi vô cùng. Một số kể chuyện rất thoải mái; số khác thì phải tốn kha khá sự bực dọc thì mới thải được nó ra. Có những người nói ra mạch lạc, nhưng cũng thường xuyên có những người sẽ mang theo những câu chuyện mà tôi chẳng thể phân biệt được đầu cua tai nheo từ đầu chí cuối. Rồi đến những câu chuyện nhàm chán, những câu chuyện cảm động dở tệ, mớ bòng bong những điều nhăng cuội. Cho dù thế, tôi vẫn chịu đựng đến lâu nhất có thể và nghiêm túc lắng nghe.
Tất cả đều có những chuyện mà họ khát khao được kể cho người khác, hoặc hét lên với cả thế giới – ai mà biết được tại sao? Tôi luôn luôn có cảm giác rằng mình vừa được giao cho một thùng các tông đầy nhóc những con khỉ. Tôi sẽ lấy ra khỏi hộp mỗi lần một con, cẩn thận chùi sạch bụi bặm, vỗ vào mông chúng một cái và thả chúng chạy ra đồng. Tôi không hề biết từ đó chúng đi đâu. Có thể đến cuối ngày chúng sẽ gặm nhấm hạt dẻ ở một nơi nào đó. Nhưng suy cho cùng, đó là số phận của chúng.
Chuyện là thế. Những nỗ lực tôi bỏ ra mang lại quá ít thành quả. Giờ ngẫm lại, tôi sẽ đánh cược rằng nếu năm đó có một cuộc thi Người Lắng Nghe Nhiệt Thành Nhất Thế Giới, chiến thắng ắt sẽ thuộc về tôi. Và phần thưởng có lẽ sẽ là một hộp diêm.
Trong số những người nói chuyện với tôi có một anh chàng đến từ sao Thổ và một đến từ sao Kim. Câu chuyện của họ làm tôi rất nhớ. Đầu tiên, là câu chuyện của sao Thổ.
“Ngoài đó… lạnh kinh khủng,” anh chàng rền rĩ. “Chỉ nghĩ thôi, đ-đã làm cho tôi sởn da gà.”
Anh chàng thuộc về một hội nhóm chính trị đã thực hiện việc chiếm đóng tòa nhà số 9 của trường đại học. Khẩu hiệu của họ là “Hành động quyết định ý thức – chứ không phải ngược lại!” Không có ai nói cho anh chàng biết cái gì thì quyết định cho hành động. Cũng chẳng quan trọng, tòa số 9 có bình nước lạnh, điện thoại, hệ thống nước nóng; và trên lầu họ có một thính phòng nho nhỏ trang bị loa Altec A-5 và bộ sưu tập hai nghìn đĩa nhạc. Một thiên đường (nếu so với, ví dụ như, nhà số 8, nơi có mùi như nhà vệ sinh của đội điền kinh). Cứ mỗi buổi sáng bọn họ sẽ cạo râu tinh tươm bằng nước nóng bao nhiêu cũng có, vào buổi chiều bọn họ có thể gọi điện đường dài mấy cuộc cũng được, và khi mặt trời đã xuống núi tất cả sẽ tụ tập lại và nghe đĩa. Cho tới cuối thu, mọi thành viên đều đã trở thành tín đồ nhạc cổ điển.
Rồi đến một buổi chiều tháng mười một quang đãng, cảnh sát chống bạo động xông vào tòa số 9 trong lúc bản L’Estro Armonico của Vivaldi đang rú hết cỡ. Tôi không biết tất cả có đúng như vậy không, nhưng đây vẫn là một trong những câu chuyện ấm lòng hơn cả của năm 1969.
Khi tôi lẻn qua lớp “rào chắn” làm bằng những thanh ghế xếp chồng lên nhau của họ, bản xô-nát dương cầm cung Son thứ của Haydn đang khẽ khàng phát ra. Không khí ấm cúng và mời gọi như một con đường đứng cạnh vách núi ngập tràn những bụi hoa trà mai dẫn tới nhà người yêu. Anh chàng từ sao Thổ mời tôi ngồi xuống chỗ đẹp nhất, đổ bia ấm vào mấy cái cốc bê-se chôm bên khu khoa học.
“Trên hết, trọng lượng ở đó mới ghê gớm,” anh chàng kể tiếp về Thổ Tinh. “Có những thằng cha đã gãy cả mu bàn chân chỉ vì nhổ ra một cái bã kẹo cao su. Th-thật là chốn địa ngục!”
“Chà, tôi cũng đoán vậy,” là lời gợi mở của tôi sau hai giây. Đến lúc này, tôi đã thành thạo gần chừng ba trăm những câu thoại lặt vặt khác nhau để chêm vào giữa những khoảng trống khó xử.
“Mặt trời cũng bé tí. M-mà vậy cũng chỉ là thêm một điều khác thôi. Ối chao – ngay khi ra khỏi trường tui sẽ quay về Sao Thổ. Và tui sẽ lập nên một đất nước vĩ đại. Một cuộc c-cá-cách mạng!”
Cho dù thế nào thì, có thể nói là tôi thích được nghe kể về những nơi xa xăm. Tôi đã thu nạp được cả một cửa hàng về những nơi đó, như một con gấu chuẩn bị cho giấc ngủ đông. Mỗi khi nhắm mắt lại, những con đường sẽ hiện ra, những dãy nhà sẽ thành hình. Tôi có thể nghe tiếng người nói, cảm được nhịp điệu bình dị, đều đặn của cuộc đời họ, những con người quá xa lạ, những người mà tôi có lẽ sẽ chẳng bao giờ biết.
* * *
Naoko thường kể với tôi về những chuyện như thế. Và tôi nhớ từng lời của nàng.
“Mình không biết cách diễn tả như thế nào.” Naoko cố gượng một nụ cười, ngồi trong sảnh chờ đầy nắng rọi của trường đại học, khuỷu tay chống lên bàn và bờ má đặt trong lòng bàn tay. Tôi kiên nhẫn chờ đợi nàng nói tiếp. Như mọi khi, nàng từ tốn, tìm kiếm những ngôn từ đích xác.
Chúng tôi ngồi, ở giữa là mặt bàn nhựa màu đỏ trên có một cốc nước giấy đã đổ kềnh cùng với vài mẩu thuốc lá. Khung cửa sổ cao cho phép một tia nắng chiếu thẳng xuống từ bức tranh của Rubens, xẻ một đường giữa bàn thành hai vùng sáng tối. Tay phải của tôi đặt trong vùng sáng, tay trái đặt trong bóng tối.
Mùa xuân năm 1969, bạn phải hiểu, chúng tôi còn đang chập chững ở ngưỡng tuổi đôi mươi. Và rồi thì với tất cả lũ sinh viên năm nhất đeo những đôi giày bóng lộn, mang theo những tờ mô tả khóa học mới toanh, trong đầu là những bộ óc còn tươm, chẳng còn chỗ nào để mà đi lại trong sảnh chờ. Ở hai bên chúng tôi, tân sinh viên đang va vào nhau không ngừng, trao đổi qua lại những câu chửi hoặc lời chào.
“Mình nói thật với cậu, cái thị trấn ấy chẳng có gì đáng để nhắc đến cả,” nàng tiếp tục. “Có một dải đường thẳng tưng, và một cái nhà ga. Một cái nhà ga bé thảm hại mà người lái tàu có thể dễ dàng bỏ sót vào một ngày mưa.”
Tôi gật đầu. Rồi trong cả ba mươi giây sau hai chúng tôi chỉ bâng quơ dõi theo làn khói thuốc cuộn qua tia nắng.
“Sẽ có một con chó đi từ đầu này đến đầu kia thềm ga. Cậu biết kiểu nhà ga đó mà.”
Tôi gật đầu.
“Ngay trước ga có một trạm xe buýt và một vòng xuyến để xe có thể đón và thả khách. Xong thì có mấy cửa hàng… mấy cửa hàng nhỏ xíu và ảm đạm vô cùng. Đi thẳng là cậu sẽ tới một công viên. Có cầu trượt và ba cái xích đu.”
“Và có hộp cát chứ?
“Hộp cát à?” Nàng nghĩ một lúc, rồi gật đầu xác nhận. “Có một cái.”
Một lần nữa chúng tôi lại chìm vào im lặng. Tôi cẩn thận dụi mẩu thuốc của mình vào trong cái cốc giấy.
“Một cái thị trấn buồn tẻ phát ngán. Mình không thể tưởng tượng nổi cái mục đích khi xây nên một nơi chán ngắt ấy là gì.”
“Thượng đế làm việc ly kỳ lắm,” tôi trích dẫn.
Naoko lắc đầu và tự cười với chính nàng. Đó là kiểu cười của một nữ sinh được điểm A tuyệt đối, song đọng lại ở tâm trí tôi trong một thời gian dài đến kỳ lạ. Rất lâu sau khi nàng đã đi mất, nụ cười nàng vẫn còn ở đó, như cái nhe răng của con mèo Cheshire trong Alice ở xứ sở thần tiên vậy. Và tôi chợt nhận ra mình muốn được thấy con chó nhịp chân dọc thềm ga ấy đến thế nào.
* * *
Bốn năm sau, tháng năm năm 1973, tôi đến thăm nhà ga trên một mình. Chỉ để nhìn thấy con chó ấy. Tôi cạo râu cho dịp này, đeo cà vạt lần đầu trong sáu tháng và lôi ra đôi giày Cordovan của mình.
* * *
Khi bước xuống từ chuyến tàu địa phương có hai toa xập xệ trông như thể đã sẵn sàng rỉ toét ra bất cứ phút nào, thứ đầu tiên chạm vào tôi là thứ mùi quen thuộc của những đồng cỏ bát ngát. Mùi của những cuộc píc-níc từ bao đời. Những thứ hoài niệm, tất thảy đều được ngọn gió tháng năm đưa tới. Tôi ngẩng đầu, dỏng tai lên nghe ngóng, và có thể nhận ra được tiếng líu lo của lũ vẹt.
Ngáp một hơi dài, tôi ngồi xuống một băng ghế ở ga và ngán ngẩm hút một điếu thuốc. Cái cảm giác tươi mới mà tôi mang theo khi rời khỏi căn hộ lúc sáng đã biệt tích. Chẳng có gì hơn ngoài những thứ cũ rích, hết lần này đến lần khác. Hoặc hình như là thế. Một cảm giác dejà vu bất tận, càng lúc càng tệ hơn.
Đã từng có thời khi lũ bạn và tôi nằm ngủ thẳng cẳng đủ mọi tư thế trên sàn nhà cùng nhau. Đến sáng, ai đó kiểu gì cũng sẽ dẫm lên đầu tôi. Rồi đến câu “Úi, xin lỗi,” kéo theo là tiếng của người đó giải quyết nỗi buồn. Cứ thế lặp lại, hết lần này đến lần khác.
Tôi nới lỏng cà vạt, điếu thuốc vẫn đang đung đưa trên khóe miệng, ngồi cà đầu giây của đôi giày vẫn-chưa-mềm-đế lên nền nhà ga. Để làm nhẹ đi cơn nhức ở lòng bàn chân. Đâu có nhức kinh khủng đến vậy, nhưng nó khiến cho tôi có một cảm giác khó chịu giống như cơ thể đã vỡ ra thành từng mảnh bé xíu con con mà không biết tại sao.
Chẳng thấy con chó nào.
* * *
Có một cảm giác bất an…
Nỗi bất an này thi thoảng lại dấy lên, và tôi có cảm giác như hai miếng ghép lạc loài bị xếp bừa vào với nhau. Dù có là gì, những lúc như thế tôi sẽ nốc một cốc whiskey và trèo lên giường. Rồi khi thức dậy vào buổi sáng, mọi thứ thậm chí còn tệ hơn. Mọi chuyện vẫn cứ thế, một vòng quay mới.
Một lần khi thức giấc, tôi thấy mình đang bị kẹp giữa hai cô song sinh. Thế này, tình trạng như vậy đã xảy ra với tôi nhiều lần trước đây, nhưng tôi phải thú nhận rằng mỗi bên có một cô song sinh thì là lần đầu. Cả hai người họ đang say ngủ, mũi rúc vào vai tôi. Đó là một buổi sáng chủ nhật sáng sủa và trong lành.
Cuối cùng, cả hai đều tỉnh dậy – gần như đồng thời – và bắt đầu chui vào những chiếc áo thun quần bò mà họ đã quăng xuống dưới giường. Không có lấy một lời, họ đi vào bếp, làm bánh mì nướng và cà phê, lấy bơ ra từ tủ lạnh và bày hết lên bàn. Họ biết mình đang làm gì. Bên ngoài cửa sổ, chim chóc – loài nào tôi chẳng phân biệt được – đậu lên hàng rào mắt cáo của sân gôn và bắn tiếng hót liên thanh.
“Tên hai em là gì?” tôi hỏi họ, say quắc cần câu.
“Tên bọn em chẳng có gì đâu,” người ngồi bên phải nói.
“Đúng thế, chẳng có gì đặc biệt,” lần này là người bên trái. “Như nào chắc anh cũng biết.”
“Ờ, anh biết,” tôi nói.
Thế là chúng tôi ngồi đối diện nhau quanh chiếc bàn, gặm bánh mì và uống cà phê. Cà phê ngon đấy.
“Việc bọn em không có tên có làm anh thấy phiền không?” một người hỏi.
“Hừm… thế hai em nghĩ sao?”
Hai bọn họ cân nhắc một lúc.
“Thôi thì, nếu anh đơn giản phải gán cho bọn em một cái tên, hãy chọn tên gì đó phù hợp,” người còn lại đề nghị.
“Gọi bọn em là gì cũng được.”
Hai người luôn luôn nói theo lượt. Như thể một cái đài FM đang thử sóng, khiến cho đầu óc tôi càng tệ hơn.
“Ví dụ như?” tôi hỏi.
“Trái và Phải,” người này nói.
“Ngang và Dọc,” người kia nói.
“Trên và Dưới.”
“Trước và Sau.”
“Đông và Tây.”
“Lối Vào và Lối Ra,” tôi tìm được cách chen vào, để khỏi thua kém. Hai người họ nhìn nhau và bật cười thích thú.
* * *
Nơi nào có lối vào, nơi đó ắt phải có lối ra. Hầu hết mọi thứ đều hoạt động như vậy. Hòm thư công cộng, máy hút bụi, sở thú, những chai bóp nhựa đựng gia vị. Dĩ nhiên, có những thứ không như vậy. Chẳng hạn, bẫy chuột.
* * *
Tôi từng để một cái bẫy chuột ở dưới bồn rửa trong căn hộ. Mồi là kẹo cao su bạc hà. Sau khi lục lọi khắp nơi, đó là thứ duy nhất gần giống thức ăn mà tôi tìm ra. Tôi mò được nó trong túi áo khoác mùa đông, cùng với một cuống vé xem phim.
Đến buổi sáng thứ ba, một con chuột nhắt đã trêu đùa với số phận. Vẫn còn quá bé, con chuột có màu của những cái áo len cashmere mà bạn thấy chất hàng đống trong những cửa hàng miễn thuế ở Luân Đôn. Có lẽ chỉ mười lăm hay mười sáu nếu xét theo tuổi người. Độ tuổi non dại. Một miếng kẹo cao su cắn dở nằm dưới bàn chân của nó.
Khi đã bắt được rồi thì tôi lại chẳng biết phải làm gì với thứ này. Đôi chân sau vẫn bị kẹp dưới thanh lò xo, đến buổi sáng thứ tư thì con chuột chết. Nhìn nó nằm đó khiến tôi ngộ ra một bài học. Mọi thứ trên đời cần phải có lối vào và lối ra. Chính thế.
* * *
Men qua những ngọn đồi, đường ray xe lửa chạy thẳng tắp như được kẻ bằng thước. Xa phía trước bạn có thể thấy rừng cây, trông giống mấy cục giấy vo viên xanh lá. Những thanh ray lóe sáng dưới ánh mặt trời, hòa mình vào màu xanh đằng xa. Cho dù có đi đến nơi đâu, những phong cảnh tương tự cũng sẽ theo tới đó. Nếu có một ý nghĩ nào thật rầu rĩ thì là thế đấy. Tôi chẳng thà đi tàu điện ngầm còn hơn.
Tôi hút xong điếu thuốc, rồi vươn vai một chút, nhìn lên bầu trời. Đã lâu rồi tôi mới thực sự nhìn lên trời. Hoặc phải là, đã lâu rồi tôi mới thực sự nhìn kỹ một thứ gì đó.
Không có lấy một đám mây. Hơn nữa, toàn bộ đều đang được che dưới cái tấm mạng mờ đục uể oải đặc trưng của mùa xuân. Từ trên cao, sắc xanh đang cố gắng bất thành trong việc đâm thủng qua tấm mạng vô hình ấy, còn ánh nắng thì đang lặng lẽ được rắc xuống như một dải bột mịn từ tầng không, chẳng được ai chú ý tới, dường như tạo thành lớp trên mặt đất.
Ánh sáng lắc lư trong cơn gió ấm. Không khí trôi nhẹ tênh như một đàn chim đang ve vãn trên các ngọn cây, tụ thành từng nhóm để bay lượn. Nó liệng xuống lườn dốc xanh thoải bên cạnh đường ray, chạy ngang qua, lẩn vào cánh rừng, gần như không làm lay động một chiếc lá. Một tiếng chim cúc cu kêu lên văng vẳng khắp khung cảnh đang phát quang nhè nhẹ, tiếng vọng biến mất sau dãy núi. Một dải đồi nhấp nha nhấp nhô, trông như những con mèo khổng lồ đang nằm cuộn tròn cùng nhau dưới những bể nắng của thời gian.
* * *
Cơn nhức chân càng lúc càng tệ.
* * *
Để tôi kể bạn nghe vài điều về một chiếc giếng nọ.
Naoko đã chuyển tới khu vực ấy khi nàng mười hai tuổi. Năm 1961. Cái năm Ricky Nelson hát bài “Hello Mary Lou”. Vào thời đó đây là một thung lũng xanh tươi yên bình, không có nổi một thứ gì làm bạn phải chú ý. Có mấy nông trại đếm trên đầu ngón tay và một vài cánh đồng, một khe suối đầy tôm hùm đất, một rải đường ray nội tỉnh duy nhất, một mẩu tí hon của cái gọi là nhà ga, thế là hết. Hầu hết nông trại đều có trồng những cây hồng trong sân, cùng những nhà kho cũ dầu sương dãi nắng đứng xếp một bên – hay nói đúng hơn là, đứng chông chênh ở đó và sẵn sàng đổ sập. Còn cả những tấm bảng thiếc quảng cáo giấy ăn hay bánh xà phòng đóng đinh trên những nhà kho nhìn ra đường ray nữa. Nơi đây thật sự là như thế. Không có nổi một con chó ở bất cứ đâu, Naoko có bảo vậy.
Ngôi nhà mà nàng chuyển đến là một căn biệt thự hai tầng kiến trúc Tây phương được xây vào những năm diễn ra chiến tranh Triều Tiên. Cũng không rộng rãi lắm, phải nói thế, nhưng những cây cọc gỗ chắc chắn và chất lượng của loại gỗ dùng cho từng phần đã khiến cho ngôi nhà có được cái vẻ khá vững chãi. Phần bên ngoài, được sơn bằng ba gam màu lục, đã phai đi đầy tinh tế trong nắng, mưa và gió để hòa lẫn một cách hoàn hảo vào cảnh trí thôn quê xung quanh. Có một khoảng sân lớn, trong đó là vài tán cây và một cái ao be bé. Lẫn trong đám cây là một chiếc chòi tám cạnh nhỏ kiểu cổ đã từng được dùng làm nơi chụp hình, những bệ cửa sổ nhô ra ngoài được treo những tấm rèm đăng ten đã mờ đi thành màu gì không rõ. Dưới ao, thủy tiên vàng bung sắc huyên náo, và tất cả lũ chim buổi sáng đang kéo đến tắm.
Người chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà, cũng là kiến trúc sư của nó, vốn là một họa sĩ sơn dầu đã già, nhưng phổi của ông đã chịu hết nổi và đến mùa đông thì qua đời trước khi Naoko chuyển tới. Đó là năm 1960, cái năm Bobby Vee hát bài “Rubber Ball.” Mùa đông năm đó mưa rất nhiều. Quanh vùng này tuyết hiếm khi nào rơi, thay vào đó là cơn mưa rét thấu xương. Mưa ngấm vào đất, chích lên lớp đất mặt cái lạnh ẩm ướt. Nhưng sâu bên dưới, nó đóng góp vào một dòng nước ngầm ngọt lịm.
Năm phút đi bộ theo lối đường ray từ nhà ga dẫn tới nhà của một lão đào giếng. Ở đó, trong vùng đất thấp nhớp nháp cạnh con suối, mùa hè mang đến những đoàn muỗi và ếch quanh khắp căn nhà. Lão đào giếng là một người đàn ông khó tính khó nết ở tầm tuổi năm mươi, nhưng khi liên quan đến giếng thì lão lại là một thiên tài thiện nghệ. Khi được thuê đào một cái giếng, đầu tiên lão sẽ dành ra hai ngày chỉ để bước quanh khu vực cần đào, lẩm nhẩm với chính mình trong lúc hửi những mẩu đất được lão dùng tay vốc lên ở đây ở đó. Thế rồi, khi đã tìm được một nơi hợp với lão, lão sẽ gọi thêm vài người đồng nghiệp, và họ sẽ đào thẳng xuống.
Đó là lý do mà người dân quanh đây có thể thoải mái uống thứ nước giếng trong lành. Nước mát và trong veo đến nỗi bạn gần như có thể thề là mình không hề cầm một cái cốc trên tay. Một vài người địa phương khẳng định rằng nước có nguồn gốc từ tuyết tan trên đỉnh Phú Sĩ, nhưng vô lý. Đời nào nó có thể chảy xa đến thế.
Mùa thu năm Naoko mười bảy, lão đào giếng chết bởi một chuyến xe lửa. Người ta quy cho cơn mưa dông, sa-kê lạnh và thính giác có vấn đề. Vài nghìn mảnh thân thể của lão vương vãi khắp cánh đồng. Người ta đã thu thập được đủ năm chiếc xô trong lúc bảy viên cảnh sát với những chiếc que nhọn xua đi một bầy chó háu đói. Kể cả thế chăng nữa, cả một cái xô đựng đống ấy đã bị vãi xuống ao. Thành mồi cho cá.
Lão đào giếng có hai người con trai, cả hai đều bỏ ra khỏi vùng mà không nối gót sự nghiệp của lão. Không ai tới gần nhà lão sau vụ đó, nó bị bỏ hoang, cứ thế mà mục nát dần. Và kể từ đó, những giếng nước ngọt trong vùng khó mà có thể tìm thấy được nữa.
Song, tôi thích giếng. Mỗi lần thấy một cái, tôi không thể đừng được việc ném một viên sỏi xuống dưới. Không có gì dễ chịu hơn âm thanh một viên sỏi chạm xuống mặt nước của một cái giếng sâu.
* * *
Gia đình Naoko chuyển tới vùng đó vào năm 1961 hoàn toàn là vì cha của Naoko. Ông đã từng là bạn thân của người cố họa sĩ, chưa kể đến việc, dĩ nhiên rồi, cha nàng cũng thích nơi ấy.
Ông hóa ra lại là một học giả văn học Pháp được mến mộ, nhưng rồi đùng một cái, khi Naoko vẫn còn đang học tiểu học, ông bỏ giảng đường và sau đó dành thời gian thong dong phiên dịch những đoạn cổ văn thú vị và những thứ gần giống thế. Thiên thần sa ngã, tu sĩ trụy lạc, tà thuật sư, ma cà rồng, tiểu luận về những chủ đề ô uế và tạp nham. Tôi thật sự không rõ chi tiết ra sao. Chỉ đúng một lần tôi trông thấy ảnh của ông, trong một cuốn tạp chí. Theo Naoko cho biết, ông đã sống một tuổi trẻ có phần rực rỡ và lạc quan. Lối sống ấy không hiện lên ở một nét nào của tấm ảnh. Trong ảnh ông đội một chiếc mũ săn cùng cặp kính viền đen, ánh mắt viên đạn của ông tập trung vào một vài thước phía trên ống kính. Hẳn ông đã thấy thứ gì đó.
* * *
Trở lại thời điểm Naoko và gia đình nàng chuyển về đó, một thứ gì giống như quần thể của những người lập dị có học thức như vậy đã tụ hợp lại trong vùng. Theo những gì được kể lại, nó giống như một trại biệt lập vùng Siberia dành cho tội phạm chính trị bị đi đày của Đế Quốc Nga.
Tôi có đọc một chút về những trại biệt lập ấy trong hồi ký của Trotsky, nhưng vì lý do nào đó, những đoạn mà tôi nhớ rõ lại có liên quan tới lũ gián và tuần lộc. Vậy nên đây là đoạn kể về tuần lộc.
Chuyện rằng Trotsky trốn thoát khỏi một trại biệt lập dưới sự che khuất của màn đêm bằng cách trộm một xe tuần lộc kéo. Bốn con tuần lộc chạy thẳng đầu ngang qua dải đất ánh bạc của vùng lãnh nguyên băng giá, hơi thở của chúng biến thành sương trắng trong tiết trời lạnh lẽo, vó của chúng xới tung lên lớp tuyết trinh bạch. Hai ngày sau chúng tới được một ga tàu, lũ tuần lộc khuỵu xuống vì kiệt sức, không bao giờ đứng dậy được nữa. Trotsky ôm lấy xác tuần lộc chết và nói ra một lời thề, nước mắt chảy ròng ròng từ mắt ông. Bằng bất cứ giá nào, ông nói, ta cũng sẽ mang công bằng, lý tưởng, và trên tất cả, là cách mạng về cho tổ quốc.
Và cho tới tận ngày nay, ở Quảng Trường Đỏ vẫn còn dựng tượng bốn con tuần lộc bằng đồng, chia ra bốn hướng, đông, tây, nam, bắc. Ngay cả Stalin cũng không đành lòng dỡ những con tuần lộc ấy xuống. Những du khách đi tới Mát-xcơ-va nên dành sáng sớm thứ bảy để tới Quảng Trường Đỏ. Đó là lúc lũ trẻ trung học má đỏ phây phây đi tới, hơi thở trắng xóa dưới cái lạnh, lau chùi cho lũ tuần lộc.
Nhưng để nói tiếp về quần thể trong vùng: nhóm người đó cố tình né tránh những vùng đất bằng phẳng dễ đi lại gần nhà ga, thay vào đó lại chọn những nơi sát chân đồi để xây dựng ngôi nhà mơ ước của họ. Mỗi một ngôi nhà trong số đó đều có một khoảng sân rộng khổng lồ, với ao, gò đất và cả đống lùm cây vẫn còn nguyên trong khuôn viên của họ. Một mảnh đất thậm chí còn sở hữu cho riêng mình một con suối đầy nhóc những con cá hương đang còn sống.
Những người yêu cây này sẽ thức giấc vào sáng sớm trong tiếng gù gù của lũ chim cu gáy, đạp lên đám hạt dẻ gai trong lúc dạo chơi trong vườn, dừng lại một chút để cảm nhận ánh sáng ban mai chảy từng dòng qua các kẽ lá.
Song thời thế đổi thay, và sự đô thị hóa lan tỏa theo cấp số nhân cũng từng chút từng chút lấn tới đây. Đúng vào thời điểm diễn ra Thế Vận Hội Tokyo. Những mẫu dâu tằm bát ngát xưa kia trải ra bên dưới những quả đồi như một vùng biển phì nhiêu đã bị ủi thành một bãi đất hoang tối đen, lởm chởm, nơi qua từng năm tháng biến thành một thị trấn phân lô thông thường, tỏa ra từ nhà ga.
Những cư dân mới hầu hết là dân lao động trung lưu. Họ bật dậy sau năm giờ hơn một chút đều như vắt chanh, chỉ đủ suýt soát thời gian để rửa mặt trước khi bước lên chuyến tàu của họ, và trở về vào tối khuya trông như sắp chết.
Chiều chủ nhật là khoảng thời gian duy nhất họ có đủ sự thư giãn để thưởng ngoạn ngôi nhà và thị trấn mới của họ. Còn nữa, như thể có một thỏa thuận ngầm, phần lớn đều nuôi chó. Chúng lai giống với nhau, và chó hoang thì ở khắp mọi nơi. Đó là điều Naoko muốn nói khi nàng bảo đã từng có thời chẳng có lấy một con chó nào cả dặm quanh đây.
* * *
Cả một tiếng tôi chờ, không có lấy con chó nào xuất hiện. Mười điếu thuốc đã được tôi châm lên và dập đi. Tôi bước ra giữa nhà ga, uống ngụm nước mát lạnh từ vòi đặt ở đó. Vẫn không thấy chó.
Bên cạnh nhà ga là cái ao lớn. Ao nước dài, ngoằn nghoèo, như thể họ đã kè lại một dòng suối. Lau sậy mọc kín hai bờ, và thi thoảng lại có một con cá đớp lên mặt nước. Ngồi thơ thẩn sát bờ là vài người đàn ông, miệng mím chặt, dây câu thả xuống mặt nước vẩn đục. Sợi dây chẳng bao giờ thấy giật được một cái; có khi chúng lại là những cây kim bạc đang được đính lên mặt nước. Ấy thế mà dưới ánh nắng lười biếng của vầng dương mùa xuân, một con chó lớn màu trắng mà một người trong số họ có lẽ đã dắt theo đang hào hứng hít hửi chung quanh bụi cỏ ba lá.
Khi con chó tới gần độ khoảng mười thước Anh, tôi vươn qua bờ rào nhà ga và gọi nó. Con chó ngước lên và nhìn về phía tôi với cặp mắt màu nâu sáng sầu muộn vô cùng tận, rồi vẫy cái đuôi của nó đôi lần. Tôi búng ngón tay, thế là nó chạy đến, chúi mũi qua bờ rào và liếm lên tay tôi bằng cái lưỡi dài của nó.
“Ê, vào đây nào,” tôi gọi khi thấy nó lùi ra. Con chó lưỡng lự quay đi, rồi lại vẫy vẫy đuôi như thể vẫn chưa hiểu được thông điệp.
“Vào đây nào. Tao chờ phát mệt rồi.”
Tôi móc ra một mẩu kẹo cao su từ trong túi, giơ cái vỏ lên để con chó trông thấy. Nó nhìn chằm chằm cái kẹo trong một lúc trước khi quyết định trườn qua bờ rào. Tôi vỗ vào đầu nó mấy cái, vo mẩu kẹo lại thành một viên bi trong lòng bàn tay, rồi quăng nó tới đầu kia của nhà ga. Con chó phi thẳng tới trước như một mũi tên.
Tôi về nhà trong sự hài lòng.
* * *
Trên chuyến tàu quay trở lại, tôi tự nhủ với mình hết lần này đến lần khác, bây giờ mọi chuyện đã xong rồi, mày đã tống nó ra khỏi người, quên nó đi. Mày đã đạt được mục đích khi đến rồi còn gì? Ấy thế mà tôi không thể đưa được nó ra khỏi đầu, cái chốn ấy. Hay cái việc tôi yêu Naoko. Hay việc nàng đã mất. Sau tất cả mọi sự, tôi vẫn chưa thể khép lại chuyện gì cả.
* * *
Sao Kim là một hành tinh nóng hầm hập bị mây mù bao phủ. Một nửa cư dân chết trẻ vì cái nóng và cái ẩm. Sống đến hơn ba mươi tuổi đã là một thành tựu. Nhưng cũng vì lẽ đó lại khiến cho tất cả bọn họ giàu lòng yêu thương hơn. Người sao Kim yêu hết thảy những người sao Kim khác. Họ không ghét bỏ, phân biệt đối xử hay thù hằn bất kỳ ai. Họ thậm chí còn không chửi bậy. Không có giết chóc hay gây gổ, chỉ có tình yêu và sự quan tâm.
“Kể cả trong trường hợp, giả dụ như, có người nào chết, chúng tôi cũng không thấy buồn,” anh chàng đến từ sao Kim cho biết, một kiểu người siêu kiệm lời. “Chúng tôi thà dành tình yêu thật nhiều khi người đó còn sống. Bằng cách đó, đến sau này cũng sẽ không hối hận.”
“Kiểu như yêu xong trước hạn ấy hả?”
“Hừm… từ ngữ mà dân các anh dùng nghe lạ quá,” anh chàng vừa nói vừa lắc đầu.
“Và tất cả mọi thứ đều yên ả không có trúc trắc gì sao?” tôi hỏi.
“Nếu không yên ả,” anh ta đáp, “Sao Kim sẽ ngập trong khổ đau.”
* * *
Tôi quay về căn hộ và thấy cặp song sinh trên giường, rúc xuống dưới tấm vỏ chăn như hai con cá mòi lèn trong hộp, cười khúc khích với nhau.
“Anh đã về,” một người nói.
“Anh đi đâu thế?”
“Ga tàu,” tôi đáp, nới cà vạt và chui vào giữa hai người họ. Tôi đã mệt lử.
“Ga tàu nào, ở đâu?”
“Anh đi làm gì?”
“Một ga tàu xa lắc lơ chỗ này. Đi ngắm chó.”
“Chó gì thế?”
“Anh thích chó à?”
“Một con chó to màu trắng. Và không, anh thực sự không mê chó cho lắm.”
Tôi thắp một điếu thuốc, cho tới khi tôi hút xong, không cô nào nói một lời.
“Anh buồn chuyện gì à?” một người hỏi.
Tôi im lặng gật đầu.
“Sao anh không ngủ một chút?” người kia nói.
Và thế là tôi ngủ.
* * *
Từ đầu đến giờ, tôi vẫn đang kể lại như chuyện của mình tôi, nhưng đây cũng là chuyện của một tay khác, người mà chúng ta sẽ gọi là Chuột. Mùa thu đó, hai chúng tôi – hắn và tôi – đang sống cách nhau gần năm trăm dặm.
Tháng 9 năm 1973, đây là thời điểm cuốn tiểu thuyết này bắt đầu. Một lối vào. Chúng ta đành hy vọng là có tồn tại một lối ra. Nếu không, sẽ chẳng có ý nghĩa trong việc viết ra bất cứ thứ gì.