Số lần đọc/download: 1474 / 33
Cập nhật: 2015-01-25 20:30:42 +0700
Giới Thiệu -
T
rong thời gian sáng tạo ngắn ngủi – quãng mười năm của cuộc đời không dài (1850-1893), Guy de Maupassant dành nhiều quan tâm cho truyện ngắn, và cũng nổi tiếng nhờ truyện ngắn. Có lẽ vì thế, sáu cuốn tiểu thuyết của ông ít được người đọc cũng như giới phê bình chú ý (tất nhiên vẫn có ngoại lệ, Lev Tolstoi, đại văn hào Nga cùng thời, coi cuốn "Một cuộc đời", cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Maupassant là "cuốn tiểu thuyết Pháp hay nhất, từ sau Những người khốn khổ của Hugo").
Khoảng vài chục năm cuối thế kỷ XX tình hình có khác và trong sự tiếp cận "đổi mới" tiểu thuyết Maupassant, các nhà nghiên cứu dành một vị trí khá đặc biệt cho Pierre và Jean, cuốn tiểu thuyết thứ tư, xuất bản năm 1888.
Với dung lượng không lớn, chỉ như một truyện ngắn, Pierre và Jean có cấu trúc giản dị, văn chương trong sáng. Song, khảo sát sâu hơn, sẽ thấy bên dưới vẻ tự nhiên, đơn sơ, là công phu, là sự lão luyện về phương diện ngôn ngữ và thủ pháp thuật truyện.
Về mặt sự kiện, chất liệu của cuốn tiểu thuyết khá ít ỏi: trong một gia đình có hai con trai, người em bất ngờ được thừa kế một tài sản lớn. Biến cố không ở bản thân sự kiện, không do sự kiện tạo nên, mà ở những gì chúng tiết lộ. Và câu chuyện là diễn tiến của một phát hiện – người con lớn phát hiện quá khứ của mẹ mình, phát hiện quan hệ thực sự giữa các thành viên trong gia đình mình. Dần dắt truyện vẫn là một người kể biết hết mọi điều, nhưng ở đây sự "biết hết" rằng có chừng mực, bởi người này hay lẩn mình đi tại những khoảnh khắc chủ chốt, hoặc cứ để lửng lơ một số điều không được nói ra (như ý nghĩ của bà mẹ, của nàng thiếu phụ Rosémilly), hoặc cho sự vật được soi rọi từ điểm nhìn của Pierre, người con cả. Phương thức kể chuyện như thế khiến Pierre và Jean chuỷên thành cuốn tiểu thuyết viết về quá trình của một tư duy, thế giới chính của truyện là thế giới tinh thần, tâm trạng. Đó cũng là chất liệu ưa thích của tiểu thuyết thế kỷ XX, khi các tác giả ngày càng có xu hướng đưa người đọc vào thế giới riêng của một tâm tư, một trí óc, với những dằn vặt, ám ảnh, độc thoại nội tâm. Điều này lý giải vì sao hiện nay nhiều nhà nghiên cứu lại đánh giá Pierre và Jean là một bước chuyển từ truyền thống tiểu thuyết thế kỷ XiX sang tính hiện đại đang manh nha.
Một yếu tố khác cũng khiến Pierre và Jean được coi như có tinh bán lề giữa tiểu thuyết hai thế kỷ, giữa truyền thống và cái mới, đó là bài Tựa quan trọng, một tiểu luận được Maupassant đặt cho tiêu đề "Tiểu thuyết". Như một tuyên ngôn, bài Tựa phát biểu những suy nghĩ của Maupassant về phê bình, về thể loại tiểu thuyết, về công việc sáng tác, và về chủ nghĩa hiện thực.
Maupassant chống lại thiên kiến hẹp hòi trong phê bình và nhận xét rất chính xác về tính chất mở của tiểu thuyết, một thể loại động, tự do, cho đến bấy giờ vẫn theo quy phạm hoá chặt chẽ. Ông cũng nêu lên ý kiến của mình về chủ nghĩa hiện thực, những ý kiến được nhiều nhà nghiên cứu hiện nay tán thưởng, bởi theo họ, chúng lý giải nghịch lý cũng như tính biện chứng nội tại của khái niệm: sự thật và tính văn chương, phản ánh và hư cấu. Theo Maupassant, bằng việc lựa chọn sự kiện, bằng cách kết hợp, cấu tạo lại các sự kiện, nhà tiểu thuyết truyền đạt cho người đọc cái nhìn riêng của cá nhân anh ta đối với thế giới "tả thực là tạo ra ảo tưởng trọn vẹn về cái thực" do đó "các nhà hiện thực tài ba lẽ ra phải gọi là các nhà gây ảo tưởng thì đúng hơn".
Suy nghĩ về công việc của nghệ sĩ, về những gì nghệ sĩ cần và có thể làm, Maupassant đã đặt chân vào con đường trên đó văn học thế kỷ XX sẽ quyết liệt dấn bước, đặt câu hỏi về bản thân, đặt câu hỏi về hành vi viết, hành vi đọc.
Có thể đọc Pierre và Jean một cách thoải mái, như một câu chuyện nhẹ nhàng, pha chút ý vị trinh thám. Cũng có thể thưởng thức tác phẩm như một cuốn tiểu thuyết đậm sắc thái hội hoạ ấn tượng chủ nghĩa với hình ảnh trở đi trở lại và vai trò của nước, mô típ ưa thích trong hội hoạ ấn tượng, với tầm quan trọng dành cho sự cải tạo của cái nhìn, với thủ pháp cho nhân vật tự hình thành dần trong mắt độc giả, tương tự cách sử dụng những quệt màu liên tiếp để gợi bức tranh toàn cảnh. Lại cũng có thể, như một vài nhà phê bình phân tâm học Pháp, tìm thấy ở tác phẩm mặc cảm Oedips ngầm ẩn bên dưới cấu trúc gia đình, và sự thấp thoáng của cái vô thức.
Đó là cách tiếp cận riêng, là sở thích, là hứng thú cá nhân, tùy thuộc, nói như Maupassant, vào cái tạng của mỗi người
NGƯỜI DỊCH