Những ai dám làm, sẽ thắng.

Winston Churchill

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Dinh Dung Nguyen
Số chương: 8
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3125 / 50
Cập nhật: 2017-08-30 02:57:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1 -
Ở sát một bên kinh thành Sài gòn, lại nhờ mấy năm lúa gạo cao giá làm cho cuộc kinh tế đâu đâu cũng thạnh phát, nên miệt Phú Nhuận mở-mang mau lẹ, ngày nay dân cư đông-đảo buôn-bán xôn xao xe hơi, xe điển rần rần, nhà gach phố lầu chớn chở.
Mà cách mười mấy năm trở về trrước thì Phú-nhuận bất quá là môt làng trộng trộng của tỉnh Gia-Ðịnh vậy thôi. Tưy trong làng có một cái chợ kêu là chợ Xã Tài, ở dựa bên đường xuống Cầu Kiệu, song cái chợ ấy leo-heo mỗi buổi sớm mai bạn hàng nhóm thưa-thớt một lát mà bán cá, tôm, rau, thịt sơ sịa cho bình-dân ở chung-quanh dùng hàng ngày, chớ không có món chi ngon, không có đồ chi quí. Dọc theo đường xuống Cầu Kiệu thì có năm ba tòa nhà ngói nền đúc, rào sắt coi sạch-sẽ mỗi chặn xa xa có môt tiệm chệt bán đồ tạp-hoá giống như các tiệm ở theo mấy chợ nhà quê còn bao nhiêu thì là nhà lá, hoặc phố lầu hay phố ngói mà vách ván cũ mèm cất chen lộn với nhau coi dơ-dáy mà lại không thứ-tự.
Hạng dân ở trong mấy nhà lá và phố cũ đây thường thường là:
1) Những người chủ xe kiếng hoặc xe song mã, sắm xe ấy để mỗi ngày đem xuống chọ Bến Thành mà đưa hành-khách;
2) Những thợ hồ, thợ mộc, thợ nguội, thợ sơn, cùng tiểu-công, làm ăn tiền ngày hoặc tiền tuần trong các sở, hãng dưới Sài-gờn;
3) Những người mua bán hàng bông mỗi bữa lên vườn mua trái cây, bầu, bí, rau cải, gánh xuống chợ Bến Thành mà bán ;
4) Những bồi bếp ở dọn phường hoặc đi chợ nấu ăn cho Tây.
Lại còn có một hạng người nữa - hạng nầy đông hơn hết - ấy là lạng người không nghề-nghiệp nhứt định, đàn-ông có, đàn-bà có, làm ngày nào ăn ngày nấy, gặp việc gì thì làm việc ấy, việc phải cũng làm mà việc quấy cũng làm.
Ðám bình-dân lao-khổ nầy thường thường ban ngày rảo đi mỗi người một nơi, đi theo nghề nấy mà làm ăn, đến chiều tối mới trở về mà phần nhiều thì ghé quán chị Năm Tiền mà ăn uống.
Cái quán cơm của chị Năm Tiền đây dọn trong hai căn phố ngói cũ, vách ván, cửa day qua hông chợ Xã Tài. Bởi bề ăn ở của dân trong chợ như vầy, nên quán buổi sớm mai thường thưa khách còn buổi chiều lại đông đầy, làm cho Năm Tiền là một người goá chồng phải quay mòng-mòng với hai đứa con, một đứa gái chừng 20 tuổi với một đứa trai 15 tuổi, có bữa mẹ con bán tới 9 giờ tối mới rảnh đưọc.
Một bữa chúa-nhựt, thợ cùng tiểu-công các sở, các hãng đều được nghỉ nên giờ ăn cơm trưa, tựu mhau lại quán của chị Năm Tiền gần vài mươi người mà ăn uống. Có người vì không có vợ con, nên không đi nấu cơm, có ngưới tuy có vợ song vợ mắc buôn gánh bán bưng, nên lại quán mua cơm ăn cho tiện mà có người trong nhà có vợ sẵn, vợ đã lo cơm nước cho mà cũng lại quán mua rượu uống rồi làng-nhằng đển một hai giờ đồng-hồ cũng chưa dứt.
Chị Năm Tiền ngồi tại bếp mà kho nấu. Ðứa con gáí, tên là con Cưởng, thì lo bới cơm múc cá không hở tay. Còn đứa con trai, tên là Cu, thì lăng-xãng lo bưng dọn.
Bàn nầy hai ba người ngồi ăn cơm, tuy gạo không được trắng, đồ ăn không có gì, song ăn coi ngon quá.
Bàn kia năm ba người ăn rồi, nên ngồi chơi người hút thuốc, kẻ xỉa răng, nói chuyện om-sòm, chưởi thề vang rân, coi tự-do mà lại tự-đắc lắm, Phía trong có một tốp chừng mười mấy người, dụm nhau lại trên một bộ ván nhỏ mà đánh bài cào, đàn-ông có, đàn-bà có, con trai có, con gái có, lời qua tiếng lại cãi-cọ inh-ỏi. Chị Năm Tiền đang xới nồi cơm, chị nghe rầy lộn(#1) thì day vô, tay cầm đũa bếp và chỉ và nói rằng: „Nè tôi lập quán đặng buôn-bán, chớ không phải lập ra cho mấy người tựu bài bạc rồi rầy lộn đa. Cha chả! Bộ đánh bài có mua thuế hay sao mà lên chữ dữ vậy hử! Dẹp đi, nếu cãi tôi, đố khỏi tôi kêu lính bắt hết cả đám cho mà coi“.
Hai Cao, làm cu-ly trong nhà thuốc đường Catinat, nghe chị Năm Tiền rầy, thì bỏ sòng bàỉ, xốc-xốc đi ra mà nói rằng: „Con Lãnh ngang quá mà không rầy sao đặng. Chị Năm nghĩ coi: nó làm cái, mình đặt trên một cắc dưới năng xu. Nó hô tám rồi đùa hết hai tụ. Tôi xét bài, té ra nó bảy, chớ không phải tám; mà biểu nó trả tụ dưới lại, nó không chịu trả. Chơi xấu như vậy thì chơi với chó, chớ ai thèm chơi nữa“.
Con Lãnh xốc lại xỉa ngay mặt Hai Cao mà nói làng: „Tao chơi với mầy! Sao mầy đàm nói tao chơi với chó? Ớ thứ đồ ngu, khéo nói bậy! Muốn xét bài thì hồi ta để xuống đó sao không xét đợi nhập bài rồi xét cái gì !“.
Hai Cao giận đỏ mặt, hất tay con Lãnh mà nói rằng: „Mầy muốn làm phách với tao hả? Tao chẻ đầu mầy cho mầy coi. Thứ đồ đĩ thúi! ...
Con Lãnh nhảy dựng mắng rằng: „Mẹ mầy con đĩ, bà nội mầy con đĩ, chớ ai đĩ. Ðây, mầy giỏi chẻ đâu tao thì chẻ thử coi. Mầy chẻ không được thì tao chẻ đâu mầy lại“.
Ba Cam, là chồng con Lãnh, làm thợ nguội ở sở Ba-Son nóng lòng nên bước lại xô Hai Cao mà hỏi rằng: „Cao, sao mầy dám kêu vợ tao là con đĩ. Nó làm đĩ hồi nào mầy phảỉ chỉ ra. Mầy ăn thua với đàn-bà có giỏi gì đâu. Như mầy là anh-hùng, thì bước ra cho khỏi quán chị Năm, rồi nói chuyện với tao“.
Hai Cao nói: „Mầy muốn binh vợ hả? Ðược mà. Mầy muốn chơi với tao thì tao sẵn lòng“.
Hai đàng thách-đố với nhau, quyết đánh lộn. Trong quán ai nấy tựu đứng vây chung-quanh mà coi làm cho có vẻ náo- nhiệt lắm. Trong lúc lộn-xộn ấy, thình-lình có một người vỏc cao lớn mặt trắng-trẻo tuổi chưa quá 50, mà râu tóc đã bạc hoa râm, râu hàm dưới để dài hàm trên chuốt ngạnh trê, tóc hớt điệu ma-ninh(#2) đầu đội nón xám, mình mặc áo bành-tô(#3) bố xám, quần vải đen mới chơn mang guốc, tướng-mạo phương-phi, bộ đi nghiêm-chỉnh bước vô quán hỏi lớn rằng: „Làm cái gì chộn-rộn đó? Muổn đánh lộn hay sao? Ai rầy với ai đó vậy hử?“
Ai nấy ngó lại đồng nói: „Ông Cử, ông Cử“ rồi dang ra hết, để có Hai Cao với vợ chồng Ba Cam đứng đó mà thôi.
Chị Năm Tiền nói rằng: „Hai Cao với vợ Ba Cam đánh bài, rầy lộn, rồi muốn làm dữ với nhau đố. Ông xử giùm chút ông Cử“.
Người mà ai nấy kêu là „Ông Cử“ đó đứng ngó Hai Cao với vợ chồng Ba Cam rồi chau mày nói chẫm-rãi rằng: „Bây có cái tài làm bậy vậy hoài! Qua thường nói với em út, mình ở một chỗ như con một nhà, nếu có việc gì xích-mích thì lấy lời hòa-nhã mà phân-trần cùng nhau, rầy lộn với nhau, rồi bị còng bị bắt, ở tù ở rạc, hay-ho gì mà tranh đấu“.
Ông Cử nóỉ dứt lời rồi kéo ghế ngồi dựa một cái bàn. Hai Cao với vợ chồng Ba Cam áp lại, ai cũng muốn giành nói trước.
Ống Cử lắc đầu, khoát tay nói rằng: „Không đưoc. Giành nói lộn-xộn, ai cũng muốn được phần phải tôi biết đâu mà nghe. Thôi, để tôi hói thằng Cu mới công-bình. Cu a, chuyện sao mà sanh gây gổ, đâu cháu nói lại rõ-ràng cho bác nghe thử coi.
Thằng Cu là con chủ quán, bước lại nói rằng: „Anh Hai Cao đánh bài-cào vợ mấy người kia. Chị Ba Lãnh cũng xen vô đánh nữa. Tơi quận chỉ làm cái, anh Hai Cao đặt trên một cắc dưới năm xu. Chỉ coi bài rồi hô tám, nên dùa(#4) hết hai tụ. Anh Hai Cao xét bài thì có 7 nút, chớ hổng phải 8; ảnh đòi 5 xu tụ dưới lại. Chị Ba Lãnh không chịu trả, hai đàng cãi-cọ rồi gây lộn. Anh Hai Cao mắng chị Ba Lãnh là đồ đĩ-thúi. Chỉ không nhịn, chỉ chửi lại. Anh Ba Cam binh vợ vô gây nữa, hai đàng thách-đố muốn đách nhau. Chuyện như vậy đó không có chi nữa hết“.
Ổng Cử lóng tai nghe rõ đầu-đuôi, rồi cười và nói với ba người gây lộn đó rằng: „Dữ hồn! Cỏ 5 đồng xu mà đến nỗi mắng chửi với nhau, may hôn đã lỗ đầu, hoặc đổ ruột không bỉết chừng, rồi có kẻ ở tù hoặc bị đày nữa. Em út hổng nghe lời qua, thiệt qua buồn quá! Mình là bọn nghèo-khổ, nhiều khi đói không có cơm mà ăn, đau không có thuốc mà uống. Làm có dư một, hai đồng thì để dành, phòng khi không có công việc làm, hoặc khi đau ốm, có sẵn tiền nuôi thân. Sao có đồng tiền lại bài bạc chi vậy. Ngồi vô sòng thì mong ăn người ta, còn quên tính cái thua. Nếu thua rồi thì lấy gì mà nuôi vợ con, lấy gì ăn cơm mà làm việc. Mà dầu mình ăn đi nữa, lại vui-sưóng gì. Nội đây em-út đều nghèo hết thảy. Ví như có một đứa ăn, còn 5 đứa thua, đứa ăn đó đành hớn-hở lấy tiền mà để cho năm đứa thua kia nhịn đói hay sao? Qua nói lần nầy là lần chót, qua không muốn cho em út đánh hàì bạc với nhau nữa. Còn cái việc vợ chồng Ba Cam rầy lộn với Hai Cao lại còn quấy nhiều hơn. Sá gì 5 đồng xu mà gây-gổ gần móc họng với nhau hử? Ví như con Ba nầy có hụng xấu ăn gian 5 xu, thì thằng Hai mầy cười mà bỏ cho nó mắc cỡ, hoặc đi mét với chồng nó cũng đựơc, chớ cần gì phải gây. Còn thằng Ba nầy có vợ mà không biết xử. Khi hai đàng mới gây nhau, mấy phải nghĩ một đàng là vợ một đàng là anh em mà phân-giải một chút cho rồi chớ sao lại để cho tới mắng chửi nhau, rồi mầy xen vô mà cự với thằng Hai nữa. Quấy hết thảy, cả ba đứa rầy lộn đều quấy cả, mà hết thảy em út ở trong quán nầy cũng đều quấy cả, bởi vì ba đứa nó có nóng-nảy sanh ra rầy, sao anh em muốn cho ba đứa nó giập đầu chảy máu, rồi bị còng bị bắt, đặng anh em coi chơi cho vui chăng?
Ai nấy đều gục mặt nín khe, không biết lấy lời chi mà đối-đáp.
Ông Cử móc túi lấy ra 5 đồng xu để trên bàn mà nói: „Thằng Hai Cao nói con Ba Lãnh ăn gian 5 xu, thôi qua thường cho đó, đừng có rầy rà với nhau nữa.“
Con Ba Lãnh động lòng liền móc túi lấy 5 xu ra mà nói rằng: „Ông là cô bác, ông phân xử như vậy cháu phục lắm. Thiệt không phải cháu ăn gian; mà thôi, để cháu trả tiền lại cho anh Hai Cao, chớ ông có ăn thua gì đâu mà ông phải thường“. Ba Lãnh lại day qua đưa 5 xu cho Hai Cao và nói: „Tôi trả tiền lại cho anh đó. Phải hồi nãy anh nói tử tế tôi trả liền. Tại anh ào-ào rồi lại mắng tôi là đồ đĩ thúi nên tôi mới nổi nóng chớ“.
Hai Cao lấy 5 xu và cười và nói: „Ông Cử nói, mình biết tụi mình bậy hết thảy. Thôi, đừng giận hờn chi nhau, mà từ rày sắp lên cũng đừng đứa nào bày đánh bài nữa“.
Ba Cam bắt tay Hai Cao rồi dắt nhau lại ngồi nơi bàn để dựa vách.
Người mà nãy giờ bọn ở trong quán kêu là „Ông Cử“, phân-xử cuộc rầy lộn một cách rất êm-ái, làm cho kẻ nóng phải nguội, kẻ dữ phải hiền, kẻ giận phải cười, kẻ quấy biết lỗi đó, chẳng phải là „ông“ gì hết. Ấy là một người thợ sơn, làm việc tại hãng Tao-Trúc, chuyên nghề sơn nhà, sơn cửa, sơn vách, sơn rào vậy thôi và ăn tiền một ngày được 1 đồng.
Ông ấy mướn một căn phố lá ở phía trên, cách chợ chừng 50 thước. Ông không có vợ, không có con, nhưng có một người ở đậu tên là Ba Sang, làm nghề ăn bán dạo, mỗi ngày mang một giỏ mây, xuống tiệm nào ở ngang chợ Bến Thành đó không biết, lãnh xà-bông thơm, dầu thơm, phấn đánh răng, phấn giồi mặt, bàn chảỉ, vớ, dây nịt, mu-soa, mang đi các nẻo đường đến từ nhà mà bán. Ở nhà không ải nấu cơm, ông đi làm, trưa ăn cơm ở dưới Bến Thành, nhưng mỗi buổi chiều và ngày chúa nhựt thì ồng ăn tại quán chị Năm Tiền.
Ông đến chợ Xã Tài đã hơn 8 năm rồi, mà không ai biết ông tên họ gì, gốc gác ở đâu. Nhơn ông ấy biết nghề võ, già rồi mà sức hãy còn mạnh, ông biết chữ An-nam biết chữ quốc-ngữ và lạỉ biết nói tiếng Tây chút đỉnh, ông biết thương xót và bênh vực kẻ nghèo, ông hay giúp-đỡ người bị tai-nạn, ông thường hay dạy-dỗ kẻ khờ dại, ông ưa can dứt đứa hung-hăng, trong chợ ai cậy ông viết thơ ông cũng viết, ai cậy ông làm đơn ông cũng làm, trong đám dân nghèo ở chung-quanh chợ Xă Tài, duy có một mình ông thông-minh, hay chữ, đứng đắn, lại hòa-nhã, nên hồi trước người nào đó, có tánh giễu cợt, mới kêu đùa ông là „Ông Cử“ rồi truyền tụng lâu ngày hai tiếng ấy thành tên của ông, mà ông cũng vui lòng nhận lãnh cái tên ấy, không phiền không giận chi hết.
Bữa nay ông xử êm được đám rầy lộn đó, ngồi vuốt râu mà cười, bộ đắc chí. Con Cưởng, là con gái của chủ quán, bước ra hỏi ông rằng: „ Ông đói bụng hay chưa, đặng tôi dọn cơm cho ông ăn?“ Ông lắc đầu và đáp: „Chưa đói! Chờ một lát nữa thằug Ba Sang về rồi cháu sẽ dọn ăn luôn một hiệp cho khỏi thất công“.
Trong lúc ấy có một người đàn bà bước vô quán đứng ngó giáo-giác, thấy ông Cử, bèn xốc-xốc đi lại gần, móc túi lấy ra một phong thơ, miệng cười ngỏn ngoẻn và nói „Tôi được cái thơ nầy, ai gởi không biết xin ông làm ơn đọc gìùm tôi coi thơ nói giống gì vậy“.
Ông Cử cầm phong thơ coi ngoài bao và con cò nói thơ ở Tân-an gởi, rồi xé bao lấy ra một bức thơ mà đọc như vầy:
“Gởi lời cho con hay. Má con đau nhiều lắm, chuyến nầy sợ qua không khỏi. Ðau đã hơn 10 ngày rày, ăn cơm ăn cháo gì cũng không được. Tía có rước thầy Tý coi mạch, ngặt không tiền hốt thuốc, nên không biết làm sao. Dưới nầy bà con ai cũng nghèo quá, nên khôug biết cậy mượn ai, Nếu con có tiền, đem về tía mượn vài đồng bạc đặng tía chạy thuốc cho má con, tới đâu hay tới đó chớ biết sao. Chừng lúa chín tía gặt, có lúa rồi sẽ trả lại cho con xài“.
Người đàn-bà nầy, tên Ta Thời, bán rau cải ngoài chợ. Chị ta nghe đọc thơ rồi thì hai hàng nước mắt chảy ròng-ròng, lấy thơ xếp bỏ vô túi, mà đứng trân-trân không đi được.
Ông Cử thấy người bi-ai bối-rối, ông động lòng, nên hỏi:
- Bà già em năm nay được mấy mươi ?
- Thưa, sáu mươi lăm.
- Ở đâu vậy ?
- Thưa, ở gần Kỳ-sơn.
- Em đi xe lửa xuống Tân-an rồi mướn xe ngựa về được. Em đi chuyến xe trưa đây thì bốn năm giờ chiều em sẽ về tới nhà. Thôi, em về sửa-soạn mà đi cho sớm đi.
Tư Thời đứng lặng thinh một hồi rồi nói:
- Có một đồng bạc đi xe tiêu hết thì còn gì chạy thuốc?
Chị ta bệu-bạo, lấy vạt áo lau nước mắt, rồi thủng-thẳng bước ra cửa. Ông Cử kêu lại mà nói rằng: “Em không có tiền thôi để qua cho em mượn hai đồng bạc”. Ông nói xong liền móc bóp lấy ra 2 đồng bạc mà đưa cho Tư Thời. Tư Thời ngồi bẹp xuống đất lạy ông mà tạ ơn, ông cản hết sức cũng không được.
Tư Thời lấy hai đồng bạc ra đi; những người trong quán bàn bàn luận luận, người nói chắc chị ta về kịp, kẻ sợ bà chịu không nổi tới bữa nay, kế Ba Sang xợt-xợt bước vô, hỏì ông Cử chờ lâu hay mau và hối con Cưởng dọn cơm ăn kẻo đói bụng.
Trong bếp lửa cháy đỏ lòm; chị Năm Tiền đổ giá vô chảo mà chiên tiếng nghe xèo-xèo. Con Cưởng lau chén dọn cơm miêng cười chúm-chiếm. Khách trong quán kẻ đứng người ngồi, đầu nầy cười, đầu kia nói, tiếng nghe không dứt.
Ba Sang, là người mới vô đó trạc chừng 25, 26 tuổi mặc một bộ đô An-nam bằng vải trắng, chơn mang guốc, đầu đội nón tây trắng mà cũ đến đỗi rách, nước da tuy đen, song gương mặt vui-vẻ. Ba Sang ngồi chung một bàn với ông Cử, ngó vòng trong quán, chào người nầy kêu người nọ, miệng cười hoài. Anh ta ngó quanh-quất rồi kêu một người ngồi gần cửa mà hỏi rằng: “Anh Sáu Hi, anh kiếm chỗ làm được chưa ?” Sáu Hi bước lại gần nói; „Hổm nay đi cùng hết mà kiếm cũng chưa được chỗ nào. Tôi tức quá Cặp rằng kiếm chuyện đuổi tôi, đặng đem thằng kia vô mà ăn tiền chớ có gì đâu. Tôi muốn cậy ông Cử làm giùm cho tôi một lá đơn đặng tôi thưa nó. Nó đem người ta vô để nó ăn một tháng lương đầu, rồi nó kiếm chuyện đuổi mình, có dễ tức không?“.
Ông Cử cười và hỏi:
- Cặp rằng đó tên gì ?
- Cặp-rằng Lương.
- Em nói nó đuổi em đặng đem người khác vô ăn tiền, vậy mà em có bằng-cớ chi chăng?
- Trong sở ai cũng biết hết. Hồi đó tôi cũng vây. Mới vô lãnh tháng lương đầu tôi phải đưa hết cho nó.
- Phải có chứng-cớ, mới tố-cáo người ta được.
- Có chứng-cớ. Thằng vô thế cho tôi đó có nói với thằng Sô rằng, cặp-rằng Lương đem nó vô, nó phải chịu hết một tháng lương. Thằng Sô chịu làm chứng giùm cho tôi luôn.
- Nếu thằng Sô chịu làm chứng thì được. Thôi, để tối em lại nhà, rồi qua viết đơn giùm cho.
Có một người ở trần, nghe ông Cử hứa làm đơn giùm cho sáu Hi cũng bước lại nói: “Ðể tối tôi mua giấy đem lại rồi ông làm ơn viết giùm cho tôi một bức thơ đặng tôi gởi về thăm vợ tôi và hỏi coi nó nằm chỗ hay chưa nghe”. Ông Cử gặc đầu đáp: “Ðược, tối em lại qua viết cho”.
Con Cưởng bưng mâm cơm ra, ông Cử với Ba Sang ngồi ăn nói chuyện vui-vẻ lắm. Ba Sang nói với ông Cử rằng:
- Bữa nay nghỉ mà trời tốt, chú có đi chơi đâu hay không?
- Không.
- Thôi ăn cơm rồi, hai chú cháu mình thả xưống chợ Bến Thành chơi.
- Ði chơi thì chú ưa đi lên vườn, lên rẫy chớ chú ít xuống chợ lắm.
- Lên trên rẫy mà chơi giống gì ?
- Coi họ trồng-tỉa ngộ chớ!
- Chú đi trên rẫy hoài, bữa nay đi với cháu xuống chợ chơi một bữa mà. Nếu chú không đi, cháu buồn lắm .
- Nếu cháu muổn thì chú đi với, song chú nói trước, đi coi vườn thú thì được, chớ chú không chịu xuống Bến Thành.
- Ðược. Thôi đi xuống vườn thú chơi.
Ăn cơm rồi hai người dắt nhau đi, Tuy đã nhứt định đi coi Vườn thú rồi về, xong xuống tới đó coi cùng vườn rồi, Ba Sang theo nài-nỉ hoài, ông Cử phải đi luôn ra đường Catinat. Ðến trước rạp hát Tây thấy có một cái băng trống hai người mới ngồi lại mà nghỉ chơn.
Lối 2 giờ rưỡi chiều, lại nhằm mùa mưa, nên mặt trời ui-ui, khí trời mát-mẻ. Hai người ngồi coi đoàn xe hơi qua lại, cái thì chở khách mặt-mày hớn-hở, cái thì chở khách bộ-tịch buồn hiu, nghe bọn kéo xe luận-đàm, đứa thì có tiền no đủ, nói nói cười cười, đứa thì kiếm chưa đủ tiền xe nên than phiền số-phận.
Cách một lát có một đứa nhỏ ở phía dưới mé sông đi lên, tay lắc chuông kêu leng-keng, vai vác một tấm bảng đỏ lói, đi tới cái băng chỗ ông Cử và Ba Sang ngồi, đứa nhỏ ấy dựng tấm bản một bên, rồi ngồi gần Ba Sang mà nghỉ chơn. Ba Sang không biết chữ, không hiểu tờ giấy đỏ dán trên tấm bảng ấy nói chuyện gì, nên vỗ vai thằng nhỏ mà hỏi: „Em rao bán giống gì vậy em ?”
Thằng nhỏ cười đáp „Trời ơi, anh nầy quê quá” Bảng rao hát cải lương chớ bán giống gì.” Anh không thấy hình đó sao? Hình đó là hình cô đào nhứt trong gánh, tối nay thủ vai Bàng Quí-Phi cụp lắm .”
Ba Sang vói lấy tẩm bản, cầm coi cái hình, khen cô đào xinh-đẹp, rồi kêu ông Cử mượn đọc, coi những hàng chữ in ở trên cái hình đó nói giống gì vậy.
Ông Cử không nỡ tiếc công lại cũng muốn biết cái bảng rao hát tuồng gì, nên ông liền cầm tấm bảng mà đọc như vầy.
“Hát tại nhà hát thành-phố Saigon
Tối chúa-nhựt l6 Aout 19. . .
Ban hát cải-lương Sắc-Thinh đi Lục tỉnh mới về
Sẽ diễn tuồng „Xử tội Bàng Quí-Phi“
Cô Sáu Hảo thủ vai Bàng Quí-Phi xuất-sắc
Hay lắm! Hay lắm!
Ông Cử đọc tới câu: “Cô Sáu Hảo thủ vai Bàng Quí-Phi xuất-sắc”, thì bộ ông ngần-ngại, ông đọc nho-nhỏ, mặt chăm chỉ ngó phía dưới.
Ba Sang hỏi: „Cô đào thiệt là lịch-sự, chú hả?”. Ông Cử không trả lời, ông cứ nhìn cái hình hồi lâu, rồi ông trả tấm bảng cho thằng nhỏ và ngồi thở ra.
Thằng nhỏ vác tấm bảng mà đi tay lắc chuông leng-keng. Ba Sang ngó theo, vừa cười vừa nói: „Cô đào đó thật là đep, chớ chi cho tôi được gần cô một đêm, rồi ở đợ tới già tôi cũng chịu nữa.
Ông Cử ngó xuống đất, bộ buồn lắm. Chừng ông nghe Ba Sang mơ ước như vậy, ông ngước mặt lên mà nói rằng: „Cháu còn nhỏ, chưa từng trải việc đời nên cháu mơ ước việc kỳ quá. Ở đời việc gì cững vậy hễ có tốt thì tự nhiên có xấu. Cháu nghĩ đó mà coi, loài người hễ có sanh thì có tử. Cái bông hễ nó đẹp thì ở trong hay có sâu. Cái bánh hễ muốn làm coi cho tốt thì lại ăn không được. Còn việc đời cũng vậy, hễ mình vui quá đi rồi thì sao cũng có khi buồn. Ấy vây, mọi việc gì mình cũng nên đề phòng. Cháu thấy hình đào hát cải-lương đó cháu khen đẹp. Cô đẹp thiệt, mà cách mười năm trước cô còn đẹp hơn nhiều nữa đa cháu ; một trận cười của cô phải tốn một hai ngàn đồng, người ta cũng không tiếc. Ngặc vì cái đẹp đó có giấu một cái hại ở trong, cái hại lớn vô cùng, cái hại khốn-nạn là tại nó trà-trộn với cái đẹp làm cho mình không thấy nó được, đến chừng ngó thấy thì đã trễ rồi, không thể trốn-tránh cho khỏi. Chú nói đây là do chỗ chú đã kinh-nghiệm rồi mà chú nói, chớ không phải chú ăn cắp những câu luân-!ý trong sách đặng đem ra mà khuyên-răn hay hăm dọa cháu đâu. Chú có gần cô đào Sáu Hảo đó hết mấy tháng. Tại chú thấy cô, chú mơ ước như cháu, nên chú gần cô, mà ngày nay thân chú mới ra nỗi nầy … ”.
Ông Cử luôn trớn, nói lỡ việc riêng của ông ra rồi coi bộ ông ăn-năn, nên ông ngừng lại không nói nữa, mà cặp mắt ông ướt rượt.
Ba Sang không rõ tâm-sự của ông, bởi vậy nghe ông nói câu sau thì anh ta chưng hửng, ngồi ngó sững ông rồi nói rằng : “Té ra chú biết cô đào nầy à ?”.
Ông Cử ngồi lặng thinh một hồi rồi ngước mặt lên nói rằng : “Cháu tưởng chú là một tên thợ sơn từ hồi mới lớn lên cho tới bây giờ hay sao? Việc nhà của chú không vui, nên mấy năm nay chú giấu-giếm không chịu nói ra làm chi, chớ ngày trước thân chú sung-sướng lắm, có phải như vầy đâu. Hồi trước chú có vợ, có con, có vườn, có ruộng, có ghe hầu ca-nô, có nhà ngói nhà nghê, chú là một tay giàu sang không thua ai hết. Chú có một chút lỗi nhỏ, là gần với cô Sáu Hảo, mà việc nhà chú hư hết rồi thân chú mới hoá ra một anh thợ sơn như vầy đây. Nói cho công-bình, chú gần cô Sáu Hảo mấy tháng, chú tốn hao với cô chừng mấy ngàn đồng bạc là nhiều, bởi vậy không nên nói cô làm tán gia bại sản của chú. Chú phiền là phiền người khác, không thương chú, nên thừa cái dịp đó mà xô gia-đình chú rời rã, phá sự-nghiệp chú tan-tành, làm cho cha con chú phân-ly, làm cho thân-danh chú hèn-hạ …” Ông Cử nói tới đó rồi nước mắt dầm dề.
Ba Sang thấy ông đau-đớn về việc nhà cũ quá, anh ta không dám khêu-gợi thêm ra nữa, nên đứng dậy rủ ông về. Ông Cử lau nước mắt đi theo Ba Sang, thủng-thẳng trở về nhà, không nói tiếng chi nữa hết.
Chú thích:
(1-) Nói qua nói lại, cãi lộn
(2-) lối hớt tóc ngắn nhưng mái tóc phía trước vẫn để dài, ngày nay có lối hớt tóc của giới thanh niên ăn chơi cũng tương tự
(3-) (paletot), áo ngắn như áo veste ngày nay, thích hợp cho đàn ông lẫn đàn bà.
(4-) gom lại
Ông Cử Ông Cử - Hồ Biểu Chánh Ông Cử