Số lần đọc/download: 3727 / 59
Cập nhật: 2016-06-14 12:09:27 +0700
Chương 1
L
ẠI VẪN BÓT CẢNH SÁT CŨ. NGUYỄN ĐẠM ngồi co ro như con chó ốm chờ tới lượt hạch hỏi mình. Nó rút thuốc lá châm hút. Que diêm xòe lửa. Điếu thuốc vừa cháy, Đạm chưa kịp hút hơi đầu thì hai ngón tay chuối mắn đã kẹp giữa điếu thuốc của nó rút khỏi môi nó.
Đạm ngạc nhiên ngước mắt nhìn lên. Người cảnh sát nhe hàm răng vàng. Đạm giật mình đánh thót một cái. Không nói không rằng, người cảnh sát dụi đầu điếu thuốc có lửa lên vai áo Đạm. Áo vải mỏng, tuy không cháy nhưng có đốm vàng đủ làm Đạm đau điếng. Người cảnh sát lim dim đôi mắt gật gù rồi bóp nát điếu thuốc ném mạnh vào mặt Đạm.
Nó ngồi im chịu nhục, không dám tỏ vẻ gì chống đối. Người cảnh sát vươn tay chộp lấy tay Đạm, xoắn thật mạnh:
- Cấm hút thuốc!
Đạm nuốt nước bọt. Nước mắt nó ứa ra, chảy xuống má. Người cảnh sát xoắn tay nó thêm cái nữa:
- Có tai không?
- Dạ có.
- Có miệng không?
- Dạ có.
- Sao không trả lời?
Đạm đưa cánh tay quẹt nước mắt:
- Dạ, cháu không dám hút thuốc nữa ạ!
Người cảnh sát xoắn gỡ tay Đạm cái thứ ba:
- Mày giả đò khéo quá ta!
Rồi ông ta lững thững bước ra ngoài. Đạm lấm lét nhìn theo mới biết người cảnh sát vừa “át giọng” mình là một anh Chà và lai Việt. Nó mím chặt môi. Đạm suy nghĩ liên miên. Nó chợt nổi da gà. Người nó lạnh và mồ hôi bắt đầu toát ra. Đạm mường tượng bộ mặt lạnh lùng của bố nó đợi nó về ăn cơm trưa.
Đã một lần nó bị cảnh sát “tạm giữ hai đêm”. Chuyện giải dị như thế này: Đạm mặc chiếc áo ca rô sặc sỡ, quần cao bồi ống túm hệt một tài tử đợt sống mới trong phim hiện thực. Nó đang nện gót giày trên hè phố, miệng phì phèo thuốc lá thì gặp một cuộc thanh toán giữa hai phe du đãng. Nó ngu dại đứng xem. Tưởng mình là người ngoài cuộc.
Khi cảnh sát rú xe tới “hốt”, bọn du đãng bỏ chạy hết. Cảnh sát đã đeo kính đen thành kiến, hễ thấy đứa nào ăn mặc lố lăng, tóc để rậm um tùm, giầy không vớ, quần không dây lưng là liệt ngay vào hàng ngũ du đãng. Đạm bị “xúc” về bót.
Nó đã làm hề cho cảnh sát cười ngây ngất. Đạm vẫn nhớ như in cảnh tượng chiều hôm đó. Một người cảnh sát đã lấy kéo cắt một mớ tóc trên đầu nó. Người khác dùng lưỡi dao cạo cạo nhẵn một bên tóc mai. Người khác nữa xé cái túi áo ca rô bảo đem về làm kỷ niệm. Những thâm hiểm nhất là người cảnh sát Chà và lai Việt.
Anh này bảo Đạm vén ống quần lên đi tiểu. Ống quần hẹp bó lấy đùi, vén sao nổi. Đạm nhăn nhó cầu xin sự thương hại. Người cảnh sát Chà và lai Việt nhe răng cười. Anh ta nói: “Để tao vén cho”. Rồi cúi xuống nắm lấy gấu quần Đạm, giật mạnh một cái. Đạm ngã ngửa, đầu đụng vô tường. Chơi thế vẫn chưa đủ, anh ta lấy kéo cắt ngược từ gấu quần lên tới lưng rồi chửi thề: “Đ.m., thế này thì đái mới được”!
Cảnh sát cười hô hố. Họ thích thú công việc “vờn” du đãng lắm. Du đãng khốn nạn, du đãng cướp giật, đâm chém nhau, đánh lén cả cảnh sát cướp súng. Vậy bắt được du đãng cảnh sát phải “vờn” chúng thật xứng đáng rồi giáo dục chúng đã có trại tế bần.
Đạm bị “vờn” chán chê, bị nhốt một đêm. Sáng sau, bố nó phải đến bót cảnh sát lãnh nó về. Bố nó không đánh đập nó song im lặng không thèm hỏi han, nhòm ngó. Sự im lặng ấy, đối với Đạm còn đau đớn hơn cả vị cảnh sát “vờn”. Nó sợ bố, thương bố, đã xé hết những chiếc áo ca rô sặc sỡ, những chiếc quần ống túm nó đã may vì ngỡ ngàng mặc thế hợp với tuổi trẻ. Đạm chí thú tu tỉnh. Cuối năm, nó đậu tú tài. Bố nó thấy nó hối cải, dù nó chẳng có gì hối cải, nhìn ngó nó.
Nhưng lại có hôm nay. Vẫn bót cảnh sát cũ. Nó ngồi co ro như con chó ốm. Nó đã từng nếm đòn “vờn” của cảnh sát. Nó đã sợ hãi, cố tránh cảnh sát. Thế mà nó vẫn đụng cảnh sát. Chuyện giản dị như thế này: Đạm tới chợ Cầu Muối thăm một người bạn. Khát nước quá, nó đứng bên đường uống nước dừa. Nó đang uống thì cảnh sát công lộ đến đuổi xe nước dừa đi, lấy cớ chỗ này cấm đậu bất cứ một loại xe nào.
Người bán nước dừa là một thanh niên ngoài 20 tuổi. Anh ta năn nỉ người cảnh sát cho anh ta dẹp xong đống vỏ dừa sẽ đi. Người cảnh sát la lối um xùm rằng: Đã đuổi mấy lần mà không chừa. Anh bán nước dừa lầm bầm: “Thì cũng cho kiếm ăn tí chứ’! Người cảnh sát ngỡ anh bán nước dừa chửi thầm mình, nổi giận, đá tung cái xọt đựng vỏ dừa:
- A lê, về bót!
Anh bán nước dừa cãi:
- Tôi làm gì mà phải về bót?
- Mày chửi cảnh sát!
- Tôi chửi đâu?
- A lê, về bót hãy hay!
Người cảnh sát vươn tay khóa cổ, anh bán nước dừa kêu cứu ầm ĩ:
- Bớ người ta, làm chứng dùm tôi...
Chị vợ anh khóc bù lu bù loa. Anh bán nước dừa giãy giụa, cố gỡ cổ khỏi tay người cảnh sát.
Người cảnh sát xiết tay chặt hơn và kéo anh bán nước dừa đi. Chị vợ càng khóc thảm thiết. Đám đông đổ xô lại. Nhưng không ai dám nói gì, chỉ xanh mặt nhìn và biểu lộ sự thương hại anh bán nước dừa và lòng căm ghét người cảnh sát bằng những đôi mắt.
Nguyễn Đạm đặt vội cái ly xuống mặt bàn xe ba bánh. Nó móc túi lấy 5 đồng nhét vào ly. Rồi toan bỏ đi. Nhưng tiếng khóc của chị vợ anh bán nước dừa làm nó quên chuyện vào bót hôm nào. Máu tuổi trẻ bốc mạnh. Tinh thần hào hiệp thôi thúc nó. Đạm bước xuống đường, chạy nhanh tới gỡ người cảnh sát ra:
- Tôi làm chứng giùm anh này, anh ấy đâu có chửi cảnh sát.
Đám đông xì xầm bàn tán. Hình ảnh Đạm thu vào mắt họ như hình ảnh một hiệp sĩ. Người cảnh sát buông anh bán nước dừa, cà khịa Đạm:
- Anh muốn gì?
Đạm lễ phép:
- Ông bắt oan ông này.
Người cảnh sát sửng cồ:
- Ai khiến mày?
Đạm nổi giận:
- Thời buổi dân chủ, ông không có quyền chạm đến nhân vị của người khác, nghe chưa? Ông lấy quyền gì xiết cổ dân giữa đường?
Người cảnh sát vung tay tát Đạm để giảng giải ý nghĩa dân chủ trên xứ sở này. Đạm hưởng trọn cái tát trả thù ấy. Nó nói lớn:
- Ông không có quyền.
Người cảnh sát nói lớn hơn:
- Tao có quyền.
Cậy mình là học sinh có bằng Tú Tài I, đã từng được các ông giáo sư Công dân nhồi vào óc nhiều thứ quyền của công dân dưới chế độ dân chủ. Đạm đem “sách vở” ra đấu lý:
- Ai cho ông quyền đó?
Người cảnh sát vỗ bàn tay vào khẩu súng lục đeo ngang hông:
- Cái này!
Máu của tuổi trẻ dồn hết về hai bàn tay. Đạm mím môi:
- Ông dám cởi quần áo cảnh sát ra không?
Người cảnh sát nghiến răng:
- Mày thách tao, hả?
- Ừ, tôi thách ông đấy! Có ngon bỏ bộ đồ nhà nước ra. Bỏ bộ đồ cảnh sát ra tôi đấm bỏ mẹ ông!
Người cảnh sát lại vung tay. Nhưng lần này Đạm thộp được cánh tay của ông ta. Là môn đệ của giáo sư nhu đạo nổi tiếng, Nguyễn Đạm toan dùng một thế nhu đạo quật ngã người cảnh sát cho bõ ghét. Khốn nỗi, nó đã học “công dân giáo dục” nên phân vân trước bộ đồng phục cảnh sát. Nguyễn Đạm nắm chặt cánh tay người cảnh sát. Nó vừa định mở miệng “giáo dục” nhân viên của chánh phủ thì chiếc xe Jeep màu xanh của cảnh sát áp tới.
Đám đông tự động giải tán. Hai người mặc thường phục từ trên xe nhảy xuống. Hai người này đều đeo kính đen, đội mũ phớt. Họ giắt súng lục ở sau lưng và cố tình để vạt áo máng vào súng lục cho mọi người biết họ có súng lục. Một người hỏi nhân viên cảnh sát:
- Gì thế?
Người cảnh sát đáp:
- Thưa xếp, du đãng Cầu Muối hành hung cảnh sát.
Người đội mũ phớt “chặt” cạnh bàn tay vào cánh tay Đạm:
- Du đãng Cầu Muối à?
Đạm đau điếng phân trần.
- Thưa ông, tôi là học sinh, có thẻ học sinh...
Người đội mũ phớt thứ hai bợp gáy Đạm một cái:
- Thiếu gì thằng du đãng có thẻ học sinh. Về bót!
- Thưa...
- Về bót nói chuyện nhiều!
Người cảnh sát tiếp dầu vô lửa:
- Nó thách cảnh sát đánh nhau với nó.
Người đội mũ phớt lên gối vào mông Đạm:
- Thế hả?
Người cảnh sát gọi anh bán nước dừa:
- Cả thằng kia nữa, lại đây!
Và trình báo:
- Thưa xếp đồng bọn của nó.
Anh bán nước dừa méo xệch miệng, run rẩy bước tới:
- Thưa... oan... con... bán... nước... dừa...
Người đội mũ phớt thứ hai búng mẩu thuốc trúng cổ anh bán nước dừa.
- Mày tưởng du đãng làm tổng thống nước Mỹ, hả?
Anh bán nước dừa xờ tay lên cổ xít xoa. Trong khi vợ anh ta khóc nức nở. Người đội mũ lôi ra hai cái còng tay. Đã quen nghề, anh ta cột Nguyễn Đạm và anh bán nước dừa không đầy hai phút. Rồi lôi hai tên “du đãng Cầu Muối” lên xe Jeep. Trước khi bánh xe nhúc nhích, người đội mũ phớt mỉm cười, giơ tay chào hứa hẹn người cảnh sát:
- Tôi sẽ trình cấp trên, anh đã vì dân thộp cổ bọn du đãng. Yên chí, sẽ chóng lên chức!
Người cảnh sát rạng rỡ khuôn mặt. Chiếc xe Jeep rú ga mạnh rồi vọt nhanh. Một trận đấm bụng rất hào hứng xảy ra trên đường về bót. Hai tên “du đãng Cầu Muối” ngồi yên chịu đòn. Trận đòn này làm mất nhuệ khí của Nguyễn Đạm.
Nên khi người cảnh sát Chà và lai Việt dí đầu thuốc lá cháy vào vai nó, nó nghiến răng chịu nhục, xưng “cháu” một cách thật tình. Nó không ngán cảnh sát phạt nó nhưng nó ngán bộ mặt lầm lì của bố nó khi hay tin.
Nguyễn Đạm hy vọng nó sẽ gặp viên thẩm vấn cũ. Và nó có thể trình thẻ học sinh để chứng minh rằng nó không phải là du đãng Cầu Muối. Người Chà và lại vô. Ông ta đứng trước mặt Nguyễn Đạm một lúc rồi đẩy cửa vào phòng trong. Rồi ra. Và vươn tay xoắn tay Đạm cú thứ tư:
- Đến lượt mày, ôn con ạ!
Nguyễn Đạm đứng lên. Nó bước được vài bước, người Chà và gọi giật lại:
- Ôn con!
- Dạ!
- Đứng im đừng có quay mặt lại.
Người Chà và đạp mạnh vào khuỷu chân Đạm. Nó ngã xấp mặt.
- Đứng dậy!
Nguyễn Đạm ngoan ngoãn như con chó đang được chủ huấn luyện.
Người Chà và nói:
- Bận sau nhớ cám ơn nghe, du đãng!
- Dạ.
- Thôi cút vô đi!
Đạm bước gần trước cửa. Nó đứng lại nghe tim đập thình thịch. Rồi nó đẩy cửa vào. Viên thẩm sát là một người đã đứng tuổi. Ông ta làm cảnh sát từ hồi Tây. Qua những giai đoạn ông cò, phú lít, đội xếp. Thời đại gột rửa danh vị của ông tặng ông một danh vị mới: Cảnh sát. Mặc dù đất nước đã có cuộc cách mạng nhân vị nhưng ông ta vẫn chưa hiểu nhân vị là gì. Có lẽ, ông ta chưa được cử đi học tại Vĩnh Long, nơi đào tạo các cán bộ trung kiên của cách mạng nhân vị.
Viên thẩm vấn hút thuốc lá, dường như không để ý tới Đạm. Nó cũng không dám nhìn ông ta. Đạm đứng chôn chân, nhìn xuống mũi giày. Viên thẩm vấn hút hết điếu thuốc lá, rút điếu khác. Ông ta cầm hộp quẹt, bất chợt, ông ta xoay đầu, chiếu đôi mắt vào Nguyễn Đạm. Nó vừa len lén ngó ông ta. Bốn con mắt gặp nhau. Nguyễn Đạm muốn té xỉu. Mắt nó hoa lên như mắt nó đã hoa lên từ năm ngoái khi ông này tát nó năm sáu cái và đuổi nó xuống phòng tạm giữ.
Viên thẩm vấn ngắm nghía Đạm không chớp mắt. Ông ta rút điếu thuốc khỏi môi, đặt lên thành cái gạt tàn rồi nhếch mép cười. Ông ta vẫy tay:
- Đ.m., lại gần đây coi, dân Cầu Muối!
Nguyễn Đạm cơ hồ bị thôi miên. Nó nghĩ một đàng mà cứ bước. Viên thẩm vấn đứng dậy:
- Dân Cầu Muối ngon hé mày?
Đạm ấp úng:
- Thưa ông, cháu là học sinh trường Chu văn An.
Viên thẩm vấn đập bàn:
- Đ.m., không có cãi nghe mày.
- Dạ.
- Mày toan “hạ” cảnh sát có “chó lửa” hả?
- Cháu đâu dám.
Viên thẩm vấn hét:
- Thằng bán dừa khai rõ quá mà, nó biểu mày là trùm du đãng Cầu Muối.
Nguyễn Đạm chết lặng người. Viên thẩm vấn đã rời khỏi bàn giấy. Ông ta nện gót giày, từ từ bước đến gần Đạm. Tiếng gót giày nện muốn vỡ tan đầu Đạm. Viên thẩm vấn đưa tay nâng cầm Đạm. Ông ta gật gù:
- Phải không?
Đạm lắc đầu:
- Thưa không phải ạ!
Viên thẩm vấn nhíu lông mày:
- Tụi bay, thằng nào đóng cải lương cũng giỏi cả. Đ.m. tao xem mày giỏi tới mức nào, thằng chó đẻ!
Ông ta vung tay tát Đạm liên tiếp. Tới khi máu ứa ra hai mép nó, viên thẩm vấn mới dụ nó ngồi xuống ghế và đưa cho nó tờ giấy đánh máy sẵn bảo nó ký vào.
Đạm bị đánh đau, song nó còn trí khôn để đọc qua hai tờ giấy đánh máy. Và nó từ chối không ký. Viên thẩm vấn ném cái gạt tàn thuốc trúng ngực nó:
- Ký vô, đừng làm mất thì giờ của tao. Thì giờ là vàng bạc nghe, mày!
Nguyễn Đạm quệt nước mắt:
- Thưa ông cháu là học sinh, cháu đâu phải là du đãng Cầu Muối.
Nó móc túi đưa cho ông thẩm vấn viên cái thẻ học sinh. Ông ta cầm lấy, vò nát, vất vào sọt rác:
- Tao làm nghề này lâu đời rồi, tao nhớ hết mọi chuyện xảy ra từ hai mươi năm nay. Mày qua mặt tao sao nỗi, thằng chó đẻ? Mày không nhớ tao nhưng tao nhớ mày. Ký vô!
- Cháu là học sinh.
- Ký vô rồi bố mày mới đến lãnh mày về được.
- Cháu đâu phải du đãng. Cháu làm chứng cho anh bán...
- Im miệng!
- Thưa ông, ông thương cháu, tội nghiệp cháu...
- Mầy không chịu ký, hả?
- Cháu có tội gì đâu...
Viên thẩm vấn vớ cái thước quất vào gáy Đạm:
- Mầy có tội, tội dám nói “thời buổi dân chủ” với cảnh sát. Ai dạy mầy thế? Mầy còn thêm tội “làm chứng”. Ai dạy mầy thế? Đ.m., dân chủ cái non c. Mầy muốn dân chủ hả?
Viên thẩm vấn dằn giọng:
- Dân chủ với dân chủ, đ.m., lộn xộn vừa chứ. Mầy tưởng ông cũng được hưởng dân chủ, hả?
Như nhớ một điều căm phẫn không biết trút vào ai, viên thẩm vấn đập bốp tay xuống mặt bàn:
- Dân chủ con c. Đ.m., mấy thằng con ông lớn làm du đãng bắt nhầm nó, bợp tai sơ sơ vài cái, bố nó gọi xếp mình lên xài xể. Sếp mình gọi mình xài xể trả thù. Mình lo nồi cơm nhà mình, nghiến răng chịu nhục đâu dám dở dân chủ.
Viên thẩm vấn tặng Đạm một cú tát “rờ ve”:
- Thế mà mày dám dở dân chủ à? Tội cho mày đó, thằng chó đẻ! Không nện được du đãng con ông cháu cha, thì tụi tao nện du đãng Cầu Muối, mầy biết chưa?
Đạm nín thinh. Viên thẩm vấn quát:
- Mày câm hả?
- Dạ không.
- Ký vô đi ôn con!
- Thưa ông...
- Tao không thương mày đâu.
- Cháu ký thì cháu chết mất, cháu...
Viên thẩm vấn tặng Đạm cú tát “rờ ve” thứ hai:
- Rồi sẽ phải ký, chó đẻ!
Viên thẩm vấn đạp Nguyễn Đạm té nhào. Ông ta bước khỏi phòng. Một lát, tên Chà và đẩy cửa bước vào. Nó đã trút bỏ bộ đồ cảnh sát. Nó cởi trần. Ngực đầy lông lá. Người ta hay mướn bọn lai căng làm thợ đánh đấm.
Dân lai căng không có ấn tượng gì về tổ quốc và nòi giống. Phần đông, nếu có học là những thằng lưu manh, buôn lậu, lừa gạt, phản bội quê hương cha hoặc mẹ chúng; nếu vô học thì là những thằng ma cô; những chuyên viên đấm đá rất tàn nhẫn, chúng nó không cần tình thương mà chỉ cần tiền. Quê hương cha hoặc mẹ chúng càng tỏ vẻ hất hủi chúng, chúng càng tàn nhẫn. Và càng tàn nhẫn, đôi tay của chúng càng có hiệu quả trong công việc đấm đá.
Tên Chà và lại “vờn” Nguyễn Đạm một hồi. Con mồi của nó sau năm phút bị đòn mềm nhũn như con giun quằn quại dưới đất. Thợ đánh người Chà và không tốn một giọt mồ hôi. Nó nhếch mép cười, bỏ con mồi đi ra.
Nguyễn Đạm ngất xỉu. Khi nó mở mắt, nó thấy nó được bế lên ghế. Viên thẩm vấn có vẻ hiền lành, xoa tóc nó:
- Ký đi con, tao thương mầy lắm, con ạ! Ký đi kẻo thằng lai nó nổi nóng.
Nguyễn Đạm gật đầu liền. Viên thẩm vấn đưa bút cho nó. Tay nó run rẩy làm rơi bút. Viên thẩm vấn tử tế nhặt bút giùm nó. Mắt nó hoa lên, chẳng biết ký vào đâu. Viên thẩm vấn cầm tay nó, giúp nó ký. Nguyễn Đạm ngoằn nghòe vài nét. Vài nét chữ khốn nạn đó đã biến nó từ một thanh niên có tâm hồn hào hiệp trở thành tên trùm du đãng khét tiếng ở Cầu Muối.
Ký xong cái tên mình, máu trong miệng Nguyễn Đạm đổ xuống nền nhà, kéo chiếc ghế đổ theo.