A mere friend will agree with you but a real friend will argue."

Russian Proverb

 
 
 
 
 
Tác giả: Alan Phan
Thể loại: Giáo Dục
Upload bìa: Thân Mộng Hoàng
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1047 / 145
Cập nhật: 2019-01-28 20:52:29 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1: Tại Sao Nên Niêm Yết Và Tại Sao Là Sàn Mỹ
oanh nhân thường là những người có tham vọng lớn. Vì ai cũng muốn đưa doanh nghiệp đạt đến đỉnh cao, tất cả doanh nhân đều háo hức chờ đón thời điểm công ty phát triển đủ mạnh tới mức có thể niêm yết trên sàn chứng khoán. Nhiều doanh nhân tha thiết với sự kiện này vì họ thấy gần như tất cả mọi công ty lớn nhất trong mọi kỹ nghệ đều là những công ty công cộng. Họ không hiểu rằng, như mọi vấn đề khác luôn luôn có hai mặt tốt xấu, họ phải trực diện khi thực hiện ý định này.
NHỮNG ĐIỂM LỢI CỦA CÔNG TY CÔNG CỘNG
1. Gây thêm vốn từ IPO: Khi niêm yết, hay cả khi làm RTO (reverse take-over), các công ty đều tính đến việc nhận một số tiền vốn khi bán cổ phiếu cho công chúng. Nguồn vốn này có thể được sử dụng để phát triển, để trả nợ cũ, để mua các công ty đối thủ hay để cho vào túi các chủ nhân. Một điều quan trọng là, sử dụng vốn phải phù hợp với mục tiêu hay cam kết đề ra từ báo cáo đăng ký (prospectus) IPO hay RTO.
2. Dùng cổ phiếu trong chiến thuật M&A; Sáp nhập hay mua bán các đối thủ (M&A, merger and acquisition) là một chiến lược quan trọng trong việc phát triển công ty. Khi dùng cổ phiếu của một công ty công cộng, thay vì tiền mặt, khả năng M&A của quý vị sẽ mở rộng trên nhiều địa bàn. Đây là một vũ khí tốt để sử dụng trong chương trình M&A.
3. Gây thêm uy tín và thương hiệu trên thị trường: Một công ty công cộng thường được nhắc nhở và có được sự chú ý của các cơ quan truyền thông. Các khách hàng cũng như các nhà cung cấp, lại có thể trở thành những cổ đông tạo nên một mạng lưới quan hệ rộng lớn. Các nhà phân tích tài chính và các chuyên gia thường dùng dữ liệu và báo cáo của công ty để nghiên cứu và làm ví dụ.
4. Tăng giá trị của công ty: Vì tính chất minh bạch và sự tham gia của công chúng trong việc quản trị, các công ty công cộng thường đạt được một thị giá cao hơn nhiều lần các công ty có tầm cỡ tương đương của tư nhân. Sự gia tăng thị giá này sẽ giúp rất nhiều cho công ty khi đi vay nợ của ngân hàng hay khi tìm tín dụng các nhà cung cấp. Các đối tác nước ngoài cũng thích làm ăn với một công ty công cộng hơn là tư nhân.
5. Thu hút và giữ chân nhân viên: Ngoài lương bổng, các công ty công cộng có thể dùng quyền mua bán cổ phiếu (stock options) để thu hút các tài năng cần thiết. Ngoài ra, phần lớn nhân viên thích làm việc cho một công ty công cộng hơn là một công ty tư nhân mang tính cách gia đình, nơi sự thăng tiến không minh bạch và hay bị nạn bè phái.
6. Chủ nhân tránh việc đảm bảo cá nhân: Khi một công ty tư nhân đi vay nợ của ngân hàng hay lấy tín dụng của các nhà cung cấp hay chủ đất, chủ nhà, các cổ đông đa số thường phải đứng ra bảo đảm cá nhân cho khoản nợ. Đây là một áp lực cá nhân nặng nề cho họ.
7. Trả các nhà tư vấn bằng cổ phiếu: Luật lệ của sàn Mỹ cho phép công ty được dùng cổ phiếu để trả nợ cho các nhà tư vấn (trừ tư vấn về kiểm toán). Điều này giúp cho công ty bớt tốn tiền mặt, rất quan trọng nếu công ty chưa đủ tầm cỡ để có một dòng tiền mạnh.
8. Tạo uy tín cá nhân trong cộng đồng: Một vị CEO hay Chủ tịch một công ty công cộng thường là một nhân vật tiếng tăm và được vị nể trong cộng đồng địa phương, hay cả quốc gia. Tiếng nói của họ được coi như là biểu hiện của ngành nghề công ty đang hoạt động. Uy tín này sẽ giúp họ rất nhiều trên mọi lĩnh vực, kể cả những hoạt động ngoài kinh doanh. Không ít các doanh gia nổi tiếng của Mỹ trở thành những nhà chính trị trong Chính phủ và Quốc hội Hoa Kỳ.
NHỮNG YẾU ĐIỂM CỦA CÔNG TY CÔNG CỘNG
1. Minh bạch/Trách nhiệm báo cáo đầy đủ: Như đã trình bày nhiều lần, minh bạch (transparency) là một nhiệm vụ quan trọng nhất của Ban quản trị theo luật lệ Mỹ. Báo cáo thông tin đầy đủ (full disclosure) là yếu tố đầu tiên của minh bạch. Mọi giấu giếm hay báo cáo nửa vời đều bị coi như là tội bội thệ, nói dối trước pháp luật và đây là tội hình sự. Với nhiều nhà quản trị quen điều hành một công ty tư nhân và thích giữ kín những quyết định của mình, nhất là khi đối đầu với địch thủ, thì luật lệ này rất khó thực hiện. Nhưng với một công ty công cộng, khi đang xử lý một số tiền đầu tư của công chúng, quý vị sẽ không có lựa chọn nào khác. Cơ quan SEC, các nhà đầu tư chuyên nghiệp, các nhà phân tích cổ phiếu, các cổ đông khác sẽ đọc các báo cáo quý và thường niên của quý vị rất kỹ. Mọi tin tức sai lệch hay không đầy đủ sẽ bị phanh phui nhanh chóng.
2. Quyền kiểm soát: Một khi trở thành công ty công cộng, những quyết định trọng đại như số lượng cổ phiếu phát hành, tăng vốn, thay đổi điều lệ công ty, bầu ban quản trị… đều phải được đa số cổ đông trong các Đại hội cổ đông chấp thuận. Những quyết định trong việc điều hành công ty hàng ngày cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng để tránh thiệt hại quyền lợi cổ đông. Mọi quyết định liên quan đến những vấn đề của Ban quản trị phải được một bộ phận thứ ba (third party) thường là các kiểm toán gia độc lập, phân tích và định lượng để tránh mọi mâu thuẫn về quyền lợi (conflict of interest).
3. Các phí tổn lớn: Việc làm các báo cáo theo đòi hỏi của luật lệ sẽ tốn kém của công ty một khoản tiền khá lớn. Phí tư vấn ban đầu khi IPO hay RTO sẽ tốn hơn 500.000USD (tuỳ tầm cỡ công ty) và khoảng 5% đến 10% số tiền định gây vốn. Sau đó, mỗi năm công ty sẽ phải chi khoảng 200.000USD đến 700.000USD cho các phí tổn về kiểm toán độc lập, tư vấn luật pháp, liên hệ cổ đông (investor relation, IR), phí đăng ký sàn, báo cáo uỷ nhiệm thường niên (proxy statements), giấy chứng nhận cổ phần và công ty lưu giữ giao dịch (transfer agent), các buổi họp thường niên…
4. Áp lực: Giá trị của cổ phiếu và lượng giao dịch là thước đo của các cổ đông với khả năng của Ban quản trị. Sự tăng trưởng thường xuyên của thị giá tạo một áp lực nặng nề hàng ngày cho quý vị. Sự đòi hỏi tin tức và kế hoạch đối phó với những suy thoái về bất cứ vấn đề nào từ các nhà phân tích và các cổ đông sẽ chiếm một khoảng thời gian lớn trong công việc hàng ngày của quý vị.
5. Việc tố tụng của các cổ đông: Nếu cổ phiếu của quý vị bị rớt giá nhanh chóng trên thị trường vì một vài tin bất lợi, các cổ đông và một nhóm luật sư sống bằng nghề này (class-action trial lawyers) thường bới móc mọi sai trái trong hoạt động công ty, để tìm bằng chứng kiện công ty và Ban quản trị. Khi có một vụ tố tụng, công ty lại hứng chịu thêm những chao đảo bất lợi trên thị trường. Những vụ tố tụng thường đặt quanh các vấn đề “báo cáo sai hay có ý gian lận hoặc mâu thuẫn quyền lợi” (false statements, fraud, conflict of interest).
TẠI SAO LÀ SÀN MỸ?
Đây là câu hỏi thường được quý vị đặt ra. Nếu là sàn ngoại, thì tại sao không là sàn Singapore hay HongKong hoặc Bangkok cho gần? Còn London, Frankfurt hay Paris thì sao? Như tôi đã trình bày, sàn Mỹ là một lựa chọn theo kinh nghiệm cá nhân của tôi. Nếu một sàn chứng khoán nào đáp ứng được nhu cầu của quý vị với một phí tổn nhỏ nhất thì đây là sàn phù hợp cho công ty quý vị. Tôi thường khuyên các công ty lên sàn Mỹ vì những lý do chủ quan sau đây:
1. Sàn chứng khoán Mỹ lớn nhất thế giới và đủ mọi tầm cỡ: Không kể đến những sàn nhỏ, chỉ 2 sàn NewYork (NYSE) và NASDAQ đã có hơn 7.000 công ty niêm yết với một thị giá tổng cộng là 24 ngàn tỷ USD và số lượng giao dịch hàng năm là 60 ngàn tỷ USD. Sàn lớn thứ nhất ở Âu Châu, London (LSE) chỉ có khoảng 3.000 công ty niêm yết với thị giá tổng cộng là 4 ngàn tỷ USD và số lượng giao dịch hàng năm là 16 ngàn tỷ USD. Ở Á Châu, sàn lớn nhất là Tokyo với những chỉ số tương tự như London. Trong khi đó, sàn Singapore có được 722 công ty niêm yết với thị giá tổng cộng là 495 tỷ USD và số lượng giao dịch hàng năm là 780 tỷ USD (Con số tính vào cuối năm 2007).
Một nhà buôn nói với tôi một ví dụ về vấn đề này, “Nếu món hàng của tôi được bày bán ở Chợ Bến Thành Sài Gòn thì có lẽ sẽ được nhiều người giao dịch hơn là nếu tôi giao bán ở Chợ Bà Rịa gần nhà tôi”. Đây cũng là suy nghĩ của cá nhân tôi.
2. Niêm yết ở sàn Mỹ nâng cao tầm nhìn và tiêu chuẩn hoạt động. Khi phải tranh đấu với những địch thủ giỏi, các vận động viên thể thao thường cố gắng tập luyện nhiều hơn, nâng cao trình độ đạt mục tiêu cho kết quả ở tầm mức quốc tế. Đây là một thách thức đáng kể, nhưng cũng sẽ đem lại cho công ty quý vị những sức mạnh tương lai bền vững và nhanh chóng.
3. Tìm được những đối tác quốc tế quan trọng: Khi niêm yết sàn Mỹ và khi phải sống và hoạt động trong một môi trường đầy những cao thủ tài chính quốc tế, quý vị sẽ dần dần học hỏi nhiều kinh nghiệm quý báu để liên hệ hữu hiệu với các đối tác hết sức quan trọng cho sự phát triển nhanh chóng của công ty.
4. Tạo uy tín cho công ty và thương hiệu: Nếu công ty quý vị có tầm nhìn rộng lớn bao khắp toàn cầu, việc niêm yết trên sàn Mỹ sẽ tạo nên một uy tín đáng kể khi đi giao thiệp hay mở rộng thị trường tại các quốc gia khác. Công ty Hartcourt của tôi được đón nhận rất tốt tại Trung Quốc khi tôi đi vào thị trường này là cũng nhờ việc niêm yết sàn Mỹ.
5. Dự phóng tài chính chính xác và dễ dàng hơn: Mặc cho những dao động gần đây trên thị trường tài chính Mỹ, sàn Mỹ vẫn tương đối ổn định hơn các sàn chứng khoán khác trên thế giới. Nhờ sự ổn định này, mọi dự phòng về tài chính của công ty quý vị sẽ có mức độ chính xác và dễ dàng thực hiện. Với khả năng gây vốn lớn của thị trường, quý vị có thể chuyển từ sàn OTC qua sàn Nasdaq dễ dàng và nhanh chóng hơn (khi đủ điều kiện) vì quý vị đã nằm sẵn trong hệ thống làm việc của Mỹ.
Dĩ nhiên, tất cả ý kiến trên rất chủ quan. Quý vị có thể chọn bất cứ sàn chứng khoán nào trên thế giới, miễn là nó phù hợp với mục tiêu do công ty đề ra.
Niêm Yết Sàn Mỹ Niêm Yết Sàn Mỹ - Alan Phan Niêm Yết Sàn Mỹ