Số lần đọc/download: 3686 / 83
Cập nhật: 2015-03-16 08:50:06 +0700
N.v.gôgôn Với Những Linh Hồn Chết
T
hiên tài của Gôgôn là một thiên tài nhiều mặt, ít thấy ở một nhà văn. Mới hai mươi sáu tuổi, Gôgôn đã có những tác phẩm mẫu mực của năm loại văn rất khác nhau, tựa hồ của nhiều nhà văn khác nhau: truyện dân gian quái dị với Những đêm trong thôn gần Đikanka, tiểu thuyết sử thi hùng tráng với Tarax Bunba, truyện châm biếm hài hước với Câu chuyện về sự bất hòa giữa Ivan Ivanovits và Ivan Nikiforovits, tiểu thuyết hiện thực phê phán với Một đôi vợ chồng trang chủ kiểu xưa và Cái áo khoác, hài kịch đả kích xã hội với Quan thanh tra. Với cái thiên tài nhiều mặt, mà mặt nào cũng lớn và đang độ phát triển, dồi dào sinh lực ấy, Gôgôn bắt tay vào viết tác phẩm chủ yếu của đời mình, lớn hơn tất cả các tác phẩm kia: Những linh hồn chết.
Từ lúc ấy, cuộc đời của Gôgôn còn mười sáu năm nữa, nhưng chỉ còn có một mục đích, một công việc, một sứ mạng: hoàn thành Những linh hồn chết, phấn đấu gian lao, đau khổ khủng hoảng tinh thần, lịch sử mười sáu năm cuối của đời Gôgôn chính là lịch sử của Những linh hồn chết.
Ý định viết tác phẩm lớn ấy đến với Gôgôn, như trong Sám hối của một tác giả, văn hào viết: “Chính Puskin làm cho tôi quan niệm vấn đề một cách nghiêm túc. Từ lâu Puskin khuyến khích tôi bắt tay viết một tác phẩm lớn; Puskin bảo tôi: “-Tại sao có cái tài đoán ra chân tướng con người để chỉ phác vài nét là lẽ ra như nó sống thật, mà anh lại không bắt tay vào viết một tác phẩm lớn? Như thế thật quả là một tội lỗi!”. Để kết luận, Puskin cho tôi đề tài mà chính anh dự định viết thành một trường ca và, theo lời anh, thì không bao giờ nhường lại cho bất kỳ một ai. Đó là đề tài của Những linh hồn chết”.
Puskin từng khuyên Gôgôn sáng tác Những linh hồn chết thành một thiên “trường ca” – poema – Chữ “poema” đây không phải có nghĩa là một tập thơ, mà là một tiểu thuyết trường thiên có tính chất sử thi rộng lớn. Đến khi xuất bản tác phẩm, Gôgôn cho in lên bìa chữ “poema” to hơn tên sách.
Càng viết và càng nghĩ, Gôgôn càng thấy cái tầm rộng lớn của tác phẩm; vì vậy mà những cuộc phiêu lưu buồn cười của nhân vật chính Tsitsikôp họp thành tình tiết của thiên trường ca đã được khoác một ý nghĩa biểu tượng: Tsitsikôp không phải chỉ là một tên bịp bợm đi mua nông phu chết, mà còn là Gôgôn đi tìm những “linh hồn sống”, nhưng chỉ gặp toàn những “linh hồn chết” – trong tiếng Nga cái từ “đusi” có cả hai nghĩa “những linh hồn” và “những nông phu”. Năm 1843, trong một bức thư Gôgôn viết rõ ràng: – “Quả thật có thể tin được điều người ta nói là: tất cả đều chết hết rồi, rằng ở nước Nga, những linh hồn sống đã nhường chỗ cho những linh hồn chết”. Bởi vậy mà nhan đề của thiên trường ca trước dự định là Những cuộc phiêu lưu của Tsitsikôp (Pôkhôjdênia Tsitsikôva) với phụ đề là Những linh hồn chết (miôrtvưe đusi) phải đổi lại là Những linh hồn chết với tiêu đề Những cuộc phiêu lưu của Tsitsikôp.
Mùa hè 1841 phần thứ nhất Những linh hồn chết được hoàn thành. Tháng chín Gôgôn mang về nước để xuất bản. Ngày 12 tháng 11 bản thảo nộp cho Ủy ban kiểm duyệt Mạc tư khoa và dĩ nhiên là gặp ngay phải vô số khó khăn. Nhờ phu nhân Xmirnôva và mấy bạn vương công thần thế bảo trợ văn học, Những linh hồn chết mới được phép in, chỉ phải chữa lại đoạn nói về đại úy Kôpêikin.
Ngày 23 tháng 5 năm 1842, Những linh hồn chết xuất bản lần thứ nhất. Tờ Người đương thời, trong bài phê bình, đã suy tôn tác giả cuốn sách là đệ nhất văn hào Nga; quả là một danh hiệu chính đáng; từ trước Biêlinxki vẫn nói rằng Puskin sớm chết thì Gôgôn đã thay vào chỗ mà Puskin để lại trong văn học Nga.
Với những điều hiểu biết của một nghệ sĩ thiên tài, Gôgôn đã “vẽ lại cuộc đời với bộ mặt thật của nó”, và cái bộ mặt của xã hội Nga với các tầng lớp thống trị của nó thời ấy là ghê tởm; thì Gôgôn đã bắt các đại diện của chúng ta, “giật bộ trang phục mỹ lệ và cái mặt nạ anh hùng” của chúng, bắt chúng “đem thân cho thiên hạ mua cười”.
Chỉ với Những linh hồn chết, sự nghiệp của Gôgôn cũng đã xứng đáng đặt ngang hàng với sự nghiệp của một nhà văn lớn khác của thế giới: Xervantex với bộ Đông Kisôt. Thuộc thể tiểu thuyết phê phán và châm biếm phong tục, – thể tiểu thuyết Picaret theo thuật ngữ văn học, do cái từ Tây Ban Nha picarô, chỉ tên bịp bợm, mà ra, – thì Những linh hồn chết của Gôgôn, Đông Kisôt của Xervantex và Những di văn của câu lạc bộ Pickuych của Dickenx là ba kiệt tác đứng hàng đầu trong văn học thế giới, và so với các tác phẩm cùng thể tài châm biếm ấy thì Những linh hồn chết đậm tính chất chân thực, gần với cuộc đời hơn cả.
NGƯỜI DỊCH
° Về thân thế, sự nghiệp và các tác phẩm khác của N.V.Gôgôn, xin xem lời giới thiệu trong hai cuốn: Tarax Bunba – Văn hóa 1959 và Quan thanh tra – Văn học 1963.