A book is a garden, an orchard, a storehouse, a party, a company by the way, a counsellor, a multitude of counsellors.

Henry Ward Beecher

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bùi Thi Hoàng
Số chương: 8
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2102 / 37
Cập nhật: 2015-07-11 21:00:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
hững cánh cửa sổ của văn phòng mở ra nhìn xuống dòng sông Sàigòn. Trước đây mười năm, khúc sông này đậu chật ních thuyền bè. Những chiếc thuyền chuyên chở cả một gia đình chồng vợ và những lũ con lúc nhúc. Nhưng từ ngày có kế hoạch chỉnh trang thành phố, thuyền ghe bị cấm tới khúc sông này, cảnh vật ở đây trở nên đẹp và sang trọng, sạch sẽ. Một vùng sông nước khá rộng mở ra trước mắt người nhìn từ cửa sổ này. Sáng nay, ánh nắng chan hòa trên dòng sông, trên những ngọn cây bên kia bờ, mặt nước phản chiếu ánh nắng nhiều chỗ lấp lánh như dát bạc.
Vẫn dòng sông ấy, vẫn làn nước ấy, vẫn những ngọn cây ấy, vẫn ánh nắng ấy. Trần Huy đã ngồi trong chiếc ghế này, nhìn qua khung cửa sổ này ra cảnh vật đó cả ngàn lần, nhưng sáng nay, Trần Huy thấy dường như tất cả đã đổi khác.
Chàng có còn là Trần Huy, người luật sư trẻ tuổi nhưng sớm nổi tiếng và được kể là vị luật sư có nhiều tương lai sáng nhất thủ đô này nữa hay không? Vẫn còn chứ. Ai có thể nói được rằng chàng không còn là luật sư Trần Huy? Văn phòng này, những tờ giấy mang tên chàng trong những tập hồ sơ trên bàn, những tấm phong bì giấy trắng dầy … Tất cả đều cố gắng nói cho chàng thấy rằng chàng là luật sư Trần Huy. Nhưng chính chàng, chính luật sư Trần Huy, chàng không tin như thế. Chàng nhận thấy mình đã đổi khác nhiều. Chàng như một người khác hẳn, một tâm hồn khác ở trong một thân thể khác.
Nếu Huy soi kính, chàng thấy một hình ảnh quen thuộc: khuôn mặt hơi dài, đôi mắt sáng nhưng u buồn, mái tóc hoa râm nơi hai thái dương, vài nếp răn rất đẹp và gợi cảm trên vầng trán, những nếp răn của con người trí thức suy nghĩ nhiều. Năm nay Huy 38 tuổi, chàng xứng đáng là người đàn ông “hào hoa, phong nhã” của giới thanh lịch trí thức Sàigòn.
Đó là nhận xét của Bà Cố vấn và cũng là nhận xét của nhiều bà, nhiều cô thanh lịch khác của thủ đô này.
Sàigòn không có nhiều luật sư nổi tiếng. Con số luật sư xuất sắc vượt bực được nhiều người nghe nói đến tên biết ngay là luật sư chỉ có chừng mười vị là cùng. Một nửa số đó là những ông già đã có chừng ba hoặc bốn mươi năm trong nghề. Con số còn lại gồm vài ông trẻ tuổi quá ham tiền, chỉ biết có chuyện làm tiền nên không còn chú ý đến gì khác. Trần Huy, tuy không để lộ ra mặt, vẫn thầm khinh những người bạn đồng nghiệp trẻ tuổi của chàng, nhất là vài người khả ố đến nỗi quanh năm không đánh răng. Răng lợi “bựa” cả đống. Mỗi lần những ông này cười với chàng, chàng cảm thấy buồn nôn. Nếu còn là sinh viên, chàng đã nói đùa về những hàm răng “bựa cả đống, bựa đến cắm tăm” được đó với câu: “Các hãng thuốc đánh răng chúng nó họp nhau lại để kiện mầy …” Trong số những luật sư trẻ tuổi, nổi tiếng, biết ăn diện hào hoa, phong nhã, chỉ có chừng hai người. Trần Huy và một người khác.
Huy thốt ra một tiếng thở dài và quay mặt đi không nhìn ra cửa sổ. Dù không muốn chàng cũng phải mở cuốn tập này. Cuốn tập đang để trên bàn trước mặt chàng. Huy biết rằng chàng phải đọc nó. Bắt buộc phải đọc. Nhưng chàng cố gắng kéo dài thời gian. Lát nữa đây, chàng sẽ mở nó, chàng sẽ đọc. Nhưng ngay bây giờ thì chàng chưa thể. Bây giờ thì quá khó. Việc đọc những gì quá khó khăn với chàng.
Một lần nữa, Huy đọc lại những hàng chữ viết trên trang đầu:
- “Nếu tôi có mệnh hệ nào, nghĩa là nếu có gì nguy hiểm xẩy đến cho tính mạng tôi, xin trao tập viết này tới tận tay bạn tôi là Luật sư Trần Huy.”
Không. Không thể được. Hoàng Tuấn, người bạn thân nhất của chàng, người viết những dòng chữ này, không thể gặp một tai họa nào đến nỗi phải viết những dòng chữ này. Tính mạng của một người như Hoàng Tuấn không thể bị đe dọa vì bất cứ một tai họa nào. Vì Hoàng Tuấn là một hình ảnh đẹp tượng trưng cho tuổi trẻ, niềm yêu đời, niềm vui sống. Đôi mắt sáng trong lúc nào cũng sáng lên niềm vui, tình yêu và lòng tin. Đôi môi Hoàng Tuấn lúc nào cũng cười vui. Nụ cười của Hoàng Tuấn làm cho người bi quan nhất cũng phải thấy rằng ở đời này có tình yêu và niềm tin, có người hài lòng với cuộc sống, có người đang vui sống.
Đột ngột, Huy có một cảm giác đau đớn. Từ trước đến giờ, chưa bao giờ chàng bị đau đớn thể xác vì một ý nghĩ đến như thế này. Chàng không bao giờ có thể ngờ rằng người ta có thể cảm thấy đau đớn vì một ý nghĩ. Nhất là chàng. Chàng không ngờ chàng có thể đau đớn khi nghĩ đến một người đàn ông khác.
Nhưng ngay sau đó chàng tự trấn tĩnh được ngay. Biết đâu nỗi đau đớn này sẽ lại chẳng chóng qua như một giấc mơ. Biết đâu đây lại chẳng là một cơn ác mộng?
Huy bắt đầu mở đọc trang đầu.
– 1 –
Huy − Tôi viết những dòng này gửi tới Huy, bởi vì bây giờ tôi còn có mỗi mình Huy ở đời, bởi vì chỉ có Huy mới có thể hiểu tôi.
Tôi thấy rằng thật là vô lý khi tôi lại kể lại cho Huy nghe một lần nữa câu chuyện này, một chuyện mà Huy cũng biết rõ không kém gì tôi. Tôi “viết” cho Huy đọc là một câu chuyện có vẻ lố bịch, vì tôi vẫn gặp Huy mỗi ngày. Nhưng tôi viết là vì tôi cảm thấy một sự cần thiết phải ghi lại từng sự kiện trên mặt giấy. Viết lại chuyện này tôi sẽ sống lại từng giây phút đầu và sống lại từng giai đoạn của nó như sống lại một cuộc phiêu lưu, vì đây chính là một cuộc phiêu lưu. Tôi cần viết lại nó vì viết là hồi tưởng, và tưởng nhớ lại, tôi hy vọng có thể thấy một vài sự kiện nào đó mà tôi đã không thấy trước đây. Tôi sẽ hiểu. Tôi sẽ biết rõ tất cả những gì đã xẩy đến với tôi. Chắc chắn phải có một lời giải thích cho vụ này và sau cùng, chúng ta sẽ tìm thấy nó.
Khi tôi nhìn thấy Huy, không hiểu tại sao tôi cảm thấy khó nói. Tuy nhiên vào mùa xuân năm nay, khi Huy tới thăm vợ chồng tôi ở Nam Vang, tôi gặp lại Huy và thấy Huy thật gần tôi. Giữa chúng ta có một sự cảm thông tư tưởng và cảm giác huyền diệu. Thời gian, năm tháng, cách xa không thay đổi gì hết tình bạn của chúng ta, mối tình bạn có từ ngày chúng ta cùng học chung ở Chu văn An và đã làm cho chúng ta được các bạn tặng danh hiệu là “đôi tri kỷ”. Trái lại, sự xa cách trong không gian và thời gian lại làm cho chúng ta gần nhau hơn. Và sự có mặt của Ngọc ở giữa chúng ta lại tạo thêm cho chúng ta một sợi giây liên lạc nữa.
Nhưng bây giờ … mỗi lần gặp Huy − thật là kỳ lạ − tôi thấy như tôi nhìn Huy qua một làn kính ngăn cách. Và khi nói chuyện với Huy, tôi có cảm tưởng như tôi với Huy nói chuyện với nhau qua máy điện thoại.
Có lẽ vì tôi lo âu, sợ hãi nên tôi trở thành thay đổi, khép kín, làm cho tôi mất cái khả năng ghi nhận sự có mặt của người khác. Chính vì vậy mà tôi cố gắng kể lại vụ này từ đầu. Đây là hy vọng cuối cùng của tôi để thông cảm với Huy, để nối lại sự thông cảm đã có với Huy, với cuộc sống, với hạnh phúc, nghĩa là với Ngọc.
Ngày đó là ngày Thứ Năm 15, ngày Ngọc nhận được bức điện tín của bà mẹ nàng. Mới chỉ cách đây có ba tuần lễ thôi, nhưng tôi tưởng là có những năm dài đã trôi qua kể từ ngày đó. Như cuộc đời tôi đã chia ra làm hai phần: trước điện tín và sau điện tín.
Trước là hạnh phúc. Và hạnh phúc là một danh từ quá thường, quá nhẹ không đủ để diễn tả tình trạng sung sướng của đời tôi bên Ngọc. Tôi đã muốn tìm một danh từ khác để diễn tả tình trạng đó. Anh biết chúng tôi đủ để hiểu tôi muốn nói gì.
Anh biết vợ chồng tôi, biết Nam Vang, biết tòa nhà của chúng tôi ở Biển Hồ, anh biết rõ tôi, nhất là anh biết rõ Ngọc. Anh biết rằng giữa tôi và Ngọc − tôi không thể nào viết là “đã có” − vẫn có một sự hòa hợp hoàn toàn và huyền diệu đến nỗi hai chúng tôi chỉ là một. Có rất nhiều người lấy làm lạ vì sự hòa hợp đó của chúng tôi. Những người đó từ chối không chịu nhận rằng một người thanh niên Bắc Kỳ lai Miên lại có thể cảm thông hoàn toàn với một thiếu nữ hoàn toàn Nam Kỳ. Trong số những kẻ không tin ấy có nhiều kẻ ghen ghét. Họ ghen vì họ thèm muốn hạnh phúc của chúng tôi. Nhiều kẻ tuy thèm muốn nhưng vẫn không tin rằng 5 năm chung sống vợ chồng, vẫn không làm phai nhạt chút nào tình yêu của tôi và Ngọc.
Nhưng sự thật là như vậy. Năm năm đã qua. Chúng tôi yêu nhau và sống với nhau như vợ chồng đã năm năm, chúng tôi vẫn yêu nhau như ngày đầu. Chúng tôi chưa có con. Chúng tôi chưa có con chính là vì chúng tôi không thể nào chịu nổi một người nào khác chen vào giữa chúng tôi, dù kẻ xen vào đó có là con của chính chúng tôi. Có thể nào định mệnh đã trừng phạt chúng tôi chính vì thế?
Như vậy là ngày Thứ Năm 15 tháng Chín Ngọc nhận được bức điện tín. Khi tôi từ Ngân Hàng về nhà, vào lúc 6 giờ chiều, nàng đứng trong phòng khách. Bây giờ tôi còn nhìn thấy nàng đứng in hình trên nền cửa kính mờ, với làn nắng chiều vàng sau lưng. Ánh nắng làm vàng mái tóc của nàng. Nhìn nàng tôi biết ngay là có gì lạ xẩy đến. Chưa bao giờ tôi thấy nàng đứng im như thế. Mọi ngày, theo như lệ thường, mỗi khi tôi về tới nhà, nàng chạy ra ôm chầm lấy tôi, và tôi cảm thấy nàng ở trong tay tôi ngay cả trước khi tôi kịp nhìn thấy rõ nàng.
Nàng là người nói trước:
- Má em đau nặng, sắp chết. Em phải về ngay.
Tự nhiên là tin đó làm cho tôi phải xúc động.
Tôi có cảm tình nhiều với Bà Ngà, bà mẹ vợ tôi. Tôi cũng gọi bà là Má. Và tôi biết rằng Ngọc, vợ tôi, mặc dầu hồi sau này có nhiều chuyện không đồng ý với má nàng, cũng mến thương má nàng nhiều lắm. Hai nữa tôi xúc động là vì tôi không chờ đợi tin Bà Ngà đau nặng. Bà má vợ tôi chưa quá 55 tuổi, bà rất khỏe mạnh và trẻ hơn tuổi. Từ 5 năm qua tôi không thấy bà có chứng bệnh nào cả. Bà cũng không hay đau yếu. Năm trước đây bà ta có tới nhà chúng tôi ở chơi một tháng. Hồi đó tôi vẫn thấy bà vui vẻ, mạnh khỏe, yêu đời và nhanh nhẹn hơn bao giờ hết.
Tôi ấp úng nói vài câu gì đó. Ngọc đọc cho tôi nghe bức điện tín nàng vừa nhận được trước đó một tiếng đồng hồ. Điện tín do một cô y tá tên là Nhàn gửi đi và ký tên. Bây giờ nói ra thì tôi thấy tôi thật là ngớ ngẩn và gần như là ngây ngô nhưng thật sự là tôi không nhớ rõ lúc đó tôi có nhìn vào điện tín đó hay không.
Tôi chỉ nhớ rõ có một điều là Ngọc đọc cho tôi nghe những lời ghi trong điện tín: Bà Ngà bị cơn đau tim nặng bộc phát. Bác sĩ xét thấy tình trạng bà nguy kịch nên khuyên thân nhân tới ngay. Thân nhân gần nhất của Bà Ngà là Ngọc, con gái Bà.
- Em đã gọi dây nói ra Hàng Không. Họ cho biết 12 giờ đêm nay có phi cơ về Sàigòn. Em đã giữ chỗ rồi. Đêm nay em đi.
Tự nhiên là tôi không nói gì để ngăn cản nàng hết.
Lẽ tự nhiên là Ngọc phải có mặt bên mẹ nàng trong những giờ phút cuối cùng của đời bà. Hai nữa, một người trong chúng tôi đã quyết định điều gì, quyết định ấy mặc nhiên trở thành quyết định chung của cả hai.
Tôi chỉ ghì chặt Ngọc trong vòng tay tôi và tôi hôn nàng với tất cả tình yêu và trìu mến của tôi.
Nhưng tôi không còn thấy nàng gần tôi như ngày thường, như trước đó. Tuy nàng cố gắng làm ra thản nhiên, nàng cố trấn tĩnh, tôi cũng thấy rõ là nàng đang xúc động nhiều. Nàng đang sợ hãi. Một nỗi sợ hãi lớn bóp chẹt trái tim nàng. Nỗi sợ hãi đó làm cho nàng trở thành cứng rắn.
Sau giây phút đó, chúng tôi lo đến những việc cần thiết thực tế hơn: soạn hành lý, tiền, giấy thông hành và căn cước của Ngọc, những việc tôi sẽ phải làm trong khi vắng nàng.
Những giờ sửa soạn ấy trôi qua mau. Tôi lái xe đưa nàng ra phi trường. Lần nào tôi đi xa vì công việc, Ngọc cũng lái xe đưa tôi tới phi trường và ngược lại. Chưa bao giờ chúng tôi để nhau đi xe của Hãng Máy Bay.
Tôi mắt kém nên không thích lái xe ban đêm. Nhất là đêm hôm đó tôi cảm thấy khó chịu nhất vì tôi cảm thấy sự có mặt của Ngọc bên tôi. Nàng “căng thẳng” không thoải mái, dịu dàng như những ngày thường. Nàng lo âu và nỗi lo âu của nàng làm cho tôi cũng như bị nghẹn thở. Cổ họng tôi như bị nghẹn vì nỗi lo âu đó của nàng. Ngọc hút thuốc lá liên miên. Tôi thấy rõ là nàng bối rối qua hành động hút thuốc lá của nàng. Ngày thường, nàng cũng hút thuốc nhưng rất ít, mỗi ngày nàng hút chừng ba điếu sau những bữa ăn. Đêm đó nàng hút liên miên nhưng mỗi điếu nàng đốt lên chỉ hút có vài hơi là lại vứt đi qua cửa xe và lại châm điếu khác.
Từ nhà tôi tới phi trường Pochentong đêm đó, Ngọc hút tới 20 điếu thuốc.
Chúng tôi tới phi trường vào lúc 11 giờ đêm. Chúng tôi còn thì giờ để vào tiệm ăn ở ngay phi trường ăn với nhau hai tô mì vịt. Ngọc thích ăn ở đây. Nàng thích khung cảnh của phòng ăn này ở phi trường. Nàng nói nàng thích không khí tiễn đưa, chia ly. Mỗi lần tới đây, hoặc là đưa tôi đi, hoặc nàng đi, nàng thường cùng tôi vào quán ăn này ăn mì. Nhưng đêm đó tôi thấy rõ là khung cảnh phi trường cùng tô mì vịt mà nàng vẫn thích không làm cho nàng ghi nhận mảy may.
Tôi nói nhiều với nàng, tôi định dùng lời nói để trấn tĩnh nàng, để làm cho nàng bớt sợ, nhưng tôi thấy rõ là vô ích. Nàng nghe tôi nhưng không biết là tôi nói gì. Một vài thủ tục về giấy tờ cuối cùng làm xong là phóng thanh mời hành khách lên phi cơ. Chúng tôi nắm chặt tay nhau và hôn nhau lần cuối. Lần này, giây phút này, tôi cảm thấy nàng gần tôi, như nàng vẫn gần tôi tự bao giờ. Tin tưởng, trao gởi, như nàng vẫn là một phần thân thể của tôi.
Giây phút cảm thông đó thoáng qua như một ánh chớp. Nàng rời xa tôi ngay. Nàng đi vào cổng ra của phi cảng. Trên đường đi xa tôi, nàng dừng lại một lần và tôi trông thấy nàng lần cuối cùng dưới ánh đèn nê-ông, hình dáng đẹp, thanh của ẻo lả như chờ đợi tôi bảo vệ. Nàng bận bộ áo xám ngọc, mầu tôi thích nhất, làn môi dầy quyến rũ, đôi mắt trong như nước hồ thu và mái tóc nhung óng ánh. Lúc đó tôi không thể nào quan niệm được rằng một phần thân thể của tôi lại có thể đi xa tôi, lại có thể trôi đi như một chiếc thuyền không bến. Nàng làm một cử chỉ nhỏ chào tôi bằng tay, rồi nàng đi theo vào dòng người xa lạ.
Đó là lần cuối cùng tôi trông thấy nàng.
– 2 –
Tôi sợ tôi không ngủ được nhưng trái lại, trước sự ngạc nhiên của tôi, đêm đó tôi chìm ngay vào một giấc ngủ dài và ngon lành, không mộng mị. Tôi không thấy qua một triệu chứng nào báo trước có chuyện không hay sắp xẩy đến.
Sáng hôm sau, trời đã muộn khi tôi tỉnh giấc. Tôi phải vội vàng ra khỏi nhà để tới sở làm. Sáng đó tôi có hẹn với Văn Phúc – ông đại diện Ngân Hàng của tôi – Huy đã được tôi giới thiệu với Văn Phúc và Huy cũng đã biết ông ta đối với tôi ra sao. Khi tôi nhớ tới Ngọc, tôi vẫn thấy trái tim tôi có một cảm giác đau nhói nhưng tôi không thể nói được đó là lo âu hoặc là sợ hãi. Chúng tôi đã nhiều lần xa nhau, Ngọc và tôi, trong khoảng thời gian 5 năm chung sống.
Tôi không lấy làm vui mỗi lần Ngọc và tôi xa nhau trước đây, song tôi thấy những lần xa nhau trước đó, tôi thấy sung sướng vì sắp được gặp lại Ngọc nhiều hơn là buồn vì sự vắng mặt của nàng.
Tuy nhiên, lần xa nhau này của chúng tôi có khác. Lần này Ngọc xa tôi vì bắt buộc. Có một cái tang đang chờ đợi nàng. Chắc vì vậy mà lần này cuộc chia ly tạm thời của chúng tôi có một cái gì nặng nề, nhưng chia ly rồi, bây giờ tôi chỉ còn phải chờ ngày tái ngộ. Tôi bắt đầu sống với hy vọng. Và hy vọng sắp được gặp lại nàng làm cho tôi trở thành vui sống, yêu đời.
Cuộc gặp gỡ giữa tôi và Văn Phúc đem lại cho tôi thêm nhiều lạc quan. Lúc nào Phúc cũng có ảnh hưởng tốt với tôi như vậy. Tôi thấy ở đời này có nhiều người đem ảnh hưởng tốt đến cho đời chúng ta cũng như có nhiều kẻ chỉ gây cho ta toàn những gì không may, tai hại. Với tôi ngoài việc là một người trên cấp rất đàng hoàng, Văn Phúc còn là một người bạn tốt.
Chúng tôi có nhiều việc phải bàn luận với nhau. Sau hai tiếng đồng hồ nói về công việc của Ngân Hàng, Phúc đưa tôi đi ăn trưa. Khi tôi báo tin rằng đêm qua, Ngọc đã phải cấp tốc về Sàigòn vì mẹ nàng đau nặng, Phúc tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Chưa bao giờ anh nói cho tôi hay rằng bà nhạc anh bị yếu tim.
- Chính tôi cũng không biết là bà ấy yếu tim nữa. Tôi vẫn yên trí là bà ấy mạnh lắm.
- Bà nhạc anh bao nhiêu tuổi rồi nhỉ?
- Tôi cũng không biết rõ. Năm mươi tư hay năm mươi nhăm gì đó.
Người đàn bà thường bị bệnh tim quật ngã vào khoảng tuổi bốn mươi. Đó là tôi nói những người bị bệnh tim kìa. Còn khi các bà ấy đã quá năm mươi tuổi, các bà ấy sống lâu lắm. Tôi chắc bà ấy chẳng có gì nguy kịch lắm đâu. Vài ngày nữa anh sẽ thấy chị ấy bình an và vui vẻ trở về.
Văn Phúc dặn tôi nếu có tin gì mới về bà nhạc tôi, tôi phải báo cho ông biết ngay. Ăn xong, chúng tôi chia tay nhau. Ngân Hàng của chúng tôi là một chi nhánh của một Ngân Hàng ngoại quốc nên làm việc liền một buổi. Tôi trở ngay về văn phòng để làm việc. Tôi để hết tâm trí vào việc làm, yên tâm rằng đến chiều khi về đến nhà, tôi sẽ nhận được một điện tín của Ngọc. Ngọc có hứa là nàng sẽ đánh giây thép cho tôi ngay sau khi nàng gặp mẹ nàng.
Nhưng chiều đó khi về tới nhà, tôi không tìm thấy một tờ điện tín nào bỏ trong thùng thư trước cửa nhà hay trong nhà hết. Tôi thất vọng nhưng lại mừng vì tôi nghĩ rằng như vậy là bệnh trạng Bà Ngà không có gì đáng ngại lắm. Nếu có gì nguy hiểm chắc chắn Ngọc đã báo ngay tin cho tôi biết.
Sáng hôm sau, cũng vẫn không có tin tức gì của Ngọc. Tới văn phòng, tôi gọi dây nói ra nhà Bưu điện dặn nhân viên phòng điện tín rằng nếu họ nhận được điện tín nào từ Sàigòn gửi tới cho tôi, họ cho người mang thẳng tới văn phòng cho tôi chớ đừng đưa tới nhà tôi.
Sau đó suốt buổi sáng, tôi bận việc liên miên. Tôi quên hẳn chuyện nhà Bưu Điện không gọi lại cho tôi. Tôi phải chọn lựa nhiều quyết định trong buổi sáng ấy. Chuyện lôi thôi nhất là tôi phải mở cuộc điều tra về trường hợp một kế toán viên bị nghi ngờ là gian lận sổ sách. Ông Giám đốc người Anh của Ngân Hàng yêu cầu sa thải người nhân viên đó nhưng tôi phản đối. Do đó tôi phải tìm cho được bằng chứng là người nhân viên đó không có lỗi.
Buổi trưa, tôi không có thì giờ đi ăn cơm trưa nữa, tôi nhờ người mua sandwich về văn phòng cho tôi ăn.
Đến ba giờ chiều, tôi chợt nhớ đến Ngọc. Tôi ngạc nhiên tự hỏi tại sao tôi lại có thể quên được nàng lâu đến thế. Tôi vội vàng gọi điện thoại ra nhà Bưu Điện hỏi lại và tôi lại càng ngạc nhiên khi nghe người ta trả lời là tôi không có qua một điện tín nào hết.
Suốt buổi sáng hôm sau, rồi cả ngày sau đó không có gì gửi tới. Không điện tín, không có điện thoại, không có thư từ … Im lìm hoàn toàn.
Trong 48 tiếng đồng hồ đầu tiên, tôi thật sự không thấy lo ngại gì lắm. Tôi vẫn yên trí là không thể có chuyện gì nguy hiểm xẩy đến với Ngọc. Nghĩ đến chuyện Ngọc gặp nguy hiểm là vô lý và lố bịch. Tôi thú nhận rằng nếu tôi có nghĩ gì đến Ngọc là nghĩ một cách ghen tuông rằng nàng đã mải lo cho mẹ nàng mà quên tôi. Tôi hiểu rằng Ngọc có thể không có thì giờ viết thư cho tôi, nhưng nàng có thể gửi điện tín cho tôi chứ. Nếu cần có mặt ngày đêm bên cạnh Bà Ngà, nàng cũng vẫn có thể nhờ người thân trong nhà mang vài chữ ra nhà Bưu Điện gửi về cho tôi, không có lý nàng lại không có thể nhờ được ai. Nàng biết là tôi mong tin nàng chứ. Điều làm tôi buồn nhất là nàng đã làm sai lời hứa. Nàng đã hứa với tôi trước khi đi là nàng sẽ gửi điện tín về cho tôi ngay khi nàng về tới Sàigòn. Và nếu tôi không nhớ lầm thì đây là lần đầu tiên Ngọc sai lời hứa với tôi.
Ngày chủ nhật tới, tôi bắt đầu thấy lo.
Chúng tôi không thích ngồi không. Những chủ nhật trước đây, tôi và Ngọc vẫn đi chơi cuối tuần. Chúng tôi bầy chuyện đi chơi, đi săn, đi câu. Mỗi ngày chủ nhật ở nhà, chúng tôi có nhiều chuyện để làm, nào là rửa xe, làm vườn, sửa mái nhà, xếp lại tủ sách. Và nhất là chúng tôi bận yêu nhau, yêu nhau như chúng tôi là một việc làm không bao giờ nhàm. Chúng tôi có tình yêu, chúng tôi không bao giờ sống nhàm chán, không bao giờ chúng tôi buồn.
Nhưng sáng chủ nhật này, tôi sống một mình, tôi không có việc gì làm. Và tôi cũng không muốn làm gì hết. Tôi có thể nói rằng đó là buổi sáng chủ nhật đầu tiên trong đời mà tôi bắt đầu đau khổ. Tôi đau khổ rất âm thầm. Tức là tôi khởi đầu đau khổ một cách âm thầm, lặng lẽ, từng hồi, không rõ rệt. Có một điều tôi biết chắc đó là điều tôi đã mất thăng bằng của cuộc sống. Tôi không còn vui sống nữa, tôi đã mất cái hăng hái lăn xả vào cuộc sống để sống và hưởng thụ như trước đây. Chúng tôi đã sống hăng hái, hăm hở như hai đứa trẻ cắn vào một trái chín.
Từ buổi sáng chủ nhật ấy tới giây phút này, tôi không bao giờ còn được có cái cảm giác yêu đời, hăm hở sống đó nữa.
Đến tối một ý nghĩ sáng lên trong óc tôi. Ý nghĩ đó làm cho tôi nhức nhối khó chịu như một mụn ong châm.
Tôi nghĩ: nếu phi cơ Ngọc đi bị tai nạn? Từ ngày Ngọc đi tôi không đọc báo. Nếu có đọc tôi chỉ đọc sơ qua mấy hàng tít lớn trong bữa ăn. Đọc với một sự lơ đãng. Nếu báo có đăng tai nạn phi cơ có thể tôi đã bỏ sót tin đó. Tôi lại không nghe radio, cũng chẳng nói chuyện phiếm với ai. Nhất là trong thời gian gần đây những công ty Hàng Không thường có thói quen giữ kín các tai nạn không cho báo chí biết. Tôi lại nghĩ nếu có tai nạn, người ta phải báo ngay cho thân nhân hành khách biết dù rằng người ta giữ kín tin đó với báo chí, và tôi, tôi có vợ đi trên phi cơ, người ta bắt buộc phải báo tin cho tôi trước hơn ai hết. Xong tôi lại nghĩ biết đâu đấy, rất có thể vì một lý do gì đó căn cước của Ngọc bị thất lạc, ai biết có những chuyện gì bê bối, rắc rối xẩy ra trong và sau một tai nạn phi cơ.
Tôi định tới ngay trụ sở Công Ty Hàng Không, nhưng sáng chủ nhật, nơi đó đóng cửa nghỉ. Tôi tới văn phòng và gọi dây nói ra phi trường. Ở đây có một văn phòng thường trực của Công ty. Nhân viên ở đây cam đoan với tôi là không có một tai nạn phi cơ nào xẩy ra trên đường bay Nam Vang – Sàigòn trong ngày thứ năm vừa qua hết.
Nhưng khi tôi hỏi về một hành khách trên phi cơ đi từ Nam Vang về Sàigòn hôm ấy, nhân viên trực ở phi trường trả lời rằng Y không có đủ thẩm quyền để trả lời. Y yêu cầu tôi chờ tới sáng thứ hai hỏi trụ sở chính. Chỉ trụ sở chính mới có thể cho tôi biết rằng người hành khách mà tôi hỏi đó có thật sự xuống phi cơ ở Sàigòn hay không.
Không cần phải nói chắc anh cũng biết rằng đêm đó tôi không chợp mắt được. Suốt đêm tôi tranh đấu với chính tôi. Tôi đặt ra những trường hợp bi thảm mà Ngọc có thể gặp và chính tôi lại tự thuyết phục là những trường hợp đó không thể nào xẩy ra được. Tôi tự trấn tĩnh mà không được.
Mờ sáng thứ hai tôi đã trở dậy. Tôi tắm nước lạnh cho tỉnh rồi vào xe đi ngay xuống tỉnh. Lẽ tự nhiên là tôi tới quá sớm. Tôi phải ngồi ở tiệm cà phê Royal chờ suốt một tiếng đồng hồ trước khi trụ sở Hàng Không mở cửa.
Lại phải chờ thêm nửa giờ nữa nhân viên có thẩm quyền, tức là một ông chủ sự phòng mới tới. Người ta kiểm soát lại và nửa giờ sau, tôi đã được trả lời dứt khoát. Phi cơ về Sàigòn ngày thứ năm đã đi tới nơi về đến chốn. Bà Hoàng Tuấn, nhũ danh Đỗ thị Như Ngọc có tên trong bảng danh sách hành khách xuống phi cơ tại phi trường Tân sơn Nhứt.
Tôi vui mừng đến nỗi thiếu chút nữa thì tôi la lên và ôm hôn cô thư ký. Ôm hôn cả ông chủ sự già và anh tùy phái. Ra tới đường phố, tôi muốn hát vang lên vì đời quá đẹp. Tôi vẫn chưa được tin gì về Ngọc, nhưng ít nhất nàng bình yên, nàng đang ở Sàigòn. Đó là điều quan trọng. Rồi trước hay sau, sớm hay muộn, tôi cũng sẽ được tin nàng. Thế nào rồi nàng cũng trở lại với tôi. Rồi chúng tôi lại yêu nhau …
Tôi từ Trụ sở Hàng Không ra đi thẳng tới Bưu điện. Tại đây tôi gặp ông chủ sự phòng Điện tín, người tôi đã nói chuyện bằng điện thoại mấy lần trong ngày hôm qua. Tôi trình bày với ông này câu chuyện của tôi một lần nữa.
Ông ta nói với tôi một câu làm cho gánh nặng của tôi nhẹ hẳn đi, tôi ngạc nhiên về chuyện tại sao tôi lại không nghĩ đến trường hợp đó. Có lẽ vì quá lo, tôi trở thành kém thông minh. Người ta thường nói kẻ ở trong cuộc thường lấp lú là như vậy:
- Rất có thể là điện tín của bà nhà gửi cho ông từ Sàigòn lên đã bị thất lạc. Việc ấy vẫn thường xẩy ra. Ngay cả đến chúng tôi cũng không hiểu rõ nguyên do những vụ thất lạc điện tín ấy. Nhiều khi có những điện tín mất đến 8 ngày mới tới nơi. Nếu ông muốn biết gấp, chúng tôi có thể gửi điện về Sàigòn hỏi. Còn nếu như muốn có tin sớm hơn nữa, sao ông không gửi điện tín hỏi ngay bà nhà? Ông có địa chỉ của bà ở Sàigòn chứ?
Chuyện giản dị chỉ có thế … Tại sao tôi lại lú lấp không nghĩ ra nhỉ? Dễ quá. Tôi chỉ cần gửi ngay một điện tín về Sàigòn. Không có nói một lời cám ơn Ông chủ sự “thông minh” ấy tôi vớ vội lấy một mẫu gửi điện tín, viết ngay về Sàigòn cho Ngọc.
Đến lúc đó tôi mới chợt nhớ là hiện nay tôi không biết rõ Ngọc ở đâu. Nàng ở nhà Bà Ngà hay nàng ở khách sạn. Trong những lần về Sàigòn thăm bà Ngà trước đây có lần Ngọc ở với Bà Ngà, có lần nàng ở khách sạn. Ngọc thường thích tự do. Nàng không muốn làm phiền ai, dù người đó có là mẹ đẻ của nàng. Hai nữa, tôi đã nói rằng Ngọc và bà mẹ nàng trong thời gian sau này không hòa thuận với nhau mấy.
Tôi nghĩ rằng trong trường hợp Bà Ngà đau nặng như hiện nay, chắc chắn Ngọc phải ở gần bà đêm ngày. Nhưng tôi không rõ là Bà Ngà nằm ở nhà hay ở bệnh viện. Tôi chắc là bà nằm ở bệnh viện vì bức điện tín gửi tới chúng tôi do một nữ y tá – Cô Nhàn – ký tên. Nếu Bà Ngà nằm ở bệnh viện, Ngọc chắc là ở nhà bà.
Những lần trước về Sàigòn, nếu ở khách sạn, Ngọc vẫn quen ngụ tại khách sạn Continental. Muốn chắc chắn tôi gửi liền hai điện tín giống nhau, một về Bà Má vợ tôi, một về khách sạn Continental. Tôi viết như sau: “Rất lo không nhận được tin Ngọc từ ngày thứ năm. Stop. Cho biết tin ngay bằng điện tín hay điện thoại. Stop. Rất mong. Yêu em nhiều”.
Ngày thứ hai đầu tuần ấy êm ả trôi qua, tôi đã tìm lại được niềm vui và tự tin. Tôi lại làm việc hăng hái suốt ngày. Cho tới chiều khi về nhà, tôi mới lại cảm thấy buồn rầu và thất vọng khi không thấy có một điện tín nào chờ đợi tôi ở nhà.
Sáng hôm sau tôi nhận được điện tín trả lời của khách sạn. Người ta đã nhận được điện tín của tôi và cho tôi biết là khách sạn hiện không có bà khách nào là bà Hoàng Tuấn hết.
Tôi lại gọi dây nói tới nhà Bưu điện cho ông chủ sự:
- Ông không thấy có điện tín nào của nhà tôi gửi tôi ư?
Câu hỏi thật thừa nhưng tôi vẫn cứ phải hỏi.
- Không thấy ông ạ. Nếu có tôi gửi đến cho ông ngay mà.
Thật là lạ, nếu Ngọc ngụ ở một khách sạn nào khác, hay ở nhà ai, chắc chắn nàng cũng phải nhận được điện tín tôi gửi về nhà mẹ nàng và phải trả lời tôi rồi. Khách sạn không có nàng còn trả lời nữa là nàng, thật là khó hiểu. Nỗi lo sợ của tôi lại có dưới một hình thức khác. Tôi lo sợ như người đứng trước một cái gì khó hiểu của định mệnh, một tình trạng mà người không thể giải thích được.
Đến thứ tư, vào buổi chiều, tôi như người nổi cơn điên. Điện tín gửi đi gửi lại đều đặn và dễ dàng giữa Nam Vang và Saigon. Điện tín trả lời của khách sạn Continental chứng minh điều đó. Mặt khác tôi biết chắc Ngọc hiện có mặt ở Saigon. Bản danh sách của Công ty Hàng Không chứng minh điều đó. Vậy thì sao lại có sự yên lặng này?
Đột nhiên óc tôi lóe lên một tia sáng: Ngọc về Saigon sáng thứ sáu tuần trước, nhưng nàng có thể đã đi nơi khác. Nàng có thể đi vì một lý do nào đó mà tôi chưa được biết. Nàng có thể … thật ra nàng có thể làm được những gì? Nếu nàng không thông tin được cho tôi, chồng nàng, biết đâu lại chẳng phải vì nàng không thể thông tin cho tôi được? Biết đâu nàng lại chẳng “bị cầm giữ” ở một nơi nào đó??
Ngọc có thể bị bắt cóc … Nàng có thể bị giữ vì bị tình nghi buôn lậu?? Có thể lắm chứ … Nghĩ thế không còn do dự nữa tôi nhấc ngay máy nói lên gọi tới Thanh Tra Sam. Sam thường được gọi là ông Cò Sam. Vì công việc của Ngân Hàng tôi phải giao thiệp với hành chánh địa phương và giao du khá thân với Cò Sam. Anh là người Miên lai người Việt Nam. Anh đã đi học ở Trường Chasseloup Laubat trước đây cũng như Thái Tử Shihanouk nước anh vậy. Anh thường làm đại diện Nha Cảnh sát tới dự các cuộc tiếp tân của Ngân Hàng nên anh có vài lần gặp Ngọc.
Tôi nói tôi có chuyện cần đến anh, Sam trả lời anh sẵn sàng giúp tôi tất cả những gì anh có thể làm được. Mười phút sau tôi đã có mặt trong văn phòng của Sam.
Sam yên lặng và chăm chú nghe chuyện tôi. Đợi tôi kể xong, anh mới hỏi:
- Bây giờ anh muốn tôi làm gì?
- Tôi muốn nhờ anh tìm dùm vợ tôi.
- Tôi có thể liên lạc với Cảnh sát Saigon về việc này nhưng trước hết muốn tìm một người chúng tôi phải có bằng chứng là người ấy mất tích đã.
Lần đầu tiên tôi nghe nói tới hai tiếng “mất tích”, hai tiếng mà tiềm thức tôi đã nghĩ tới mà tôi vẫn chưa dám nói với chính tôi.
Tôi rùng mình như khi nghe nói đến một cái gì mà tôi kinh sợ, tôi hỏi lại:
- Như thế này chưa đủ để anh mở cuộc điều tra hay sao?
- Muốn tôi tìm chị ấy hoặc là bất cứ người đàn bà nào, điều cần là chị ấy, hoặc người đàn bà ấy, phải mất tích trước đã.
- Như thế này chưa phải là vợ tôi mất tích sao?
- Tôi muốn giúp anh lắm. Anh nên nhớ như vậy. Công việc của tôi là luôn luôn làm dùm những việc của người khác. Lẽ tự nhiên là tôi hết lòng muốn giúp anh rồi. Anh đồng ý với tôi điều đó chứ?
Tôi gật đầu, Sam nói tiếp:
- Nhưng trong vụ này anh chưa có qua một bằng chứng nào chứng tỏ chị ấy bị mất tích hết. Tôi không thể nào mở một cuộc điều tra, phái nhân viên đi công tác đây đó chỉ vì bà Hoàng Tuấn, nhũ danh …
Tôi nhắc anh:
- Đỗ thị Như Ngọc … Aline Như Ngọc …
- Chỉ vì Bà Như Ngọc đi vắng không gửi tin về cho ông chồng từ … Hoặc nói cho đúng ra là vì ông Hoàng Tuấn không nhận được tin tức gì của bà vợ kể từ … từ một tuần lễ nay. Anh nên biết rằng có rất nhiều bà vợ hiền, yêu thương chồng, còn để thời gian cách xa không cho chồng biết tin mình hơn thế nhiều …
Lúc đó, nếu tôi đừng rối trí quá, nếu tôi tỉnh táo một chút, chỉ cần một chút thôi, tôi đã nhớ ra rằng Cò Sam, người đang nói chuyện với tôi lúc đó, đã bị bà vợ bỏ cách đây ba năm.
Nhưng lúc đó tôi không còn có thể nghĩ đến, tưởng đến cái gì khác, ai khác ngoài Ngọc.
- Việc của tôi khác chứ …
Tôi nói lớn gần như là la lên:
- … Tôi không cần biết về những bà vợ khác. Vợ chồng tôi khác. Chúng tôi yêu thương nhau. Chưa bao giờ nàng đi xa tôi đến ba ngày mà không viết thư cho tôi. Như là … như là …
Lúc đó chắc tôi có cái vẻ đặc biệt của một người điên. Bởi vì từ lúc đầu Sam vẫn nói chuyện với tôi với vẻ nghiêm trọng của kẻ đối thoại với một người bạn đang có chuyện buồn, nay anh bỗng đổi thái độ. Anh nói với cái vẻ hiền từ, chịu đựng của người lớn nói với đứa trẻ không biết điều, vòi vĩnh những chuyện không thể được. Sam còn mỉm cười như để tha thứ cho cơn la hét vô lý của tôi nữa:
- Tôi biết như vậy. Trường hợp của anh và chị Như Ngọc khác nhiều lắm. Khổ nỗi cảnh sát bao giờ cũng cần có những bằng chứng cụ thể để mở bất cứ một cuộc điều tra nào. Anh nói rằng Hàng Không Việt Nam cho anh biết rằng chị Ngọc có đáp phi cơ của họ bình an xuống phi trường Tân sơn Nhất … Vậy thì làm sao chúng tôi quyết định rằng chị ấy mất tích ở đâu đó cho được. Ít nhất chúng tôi cũng cần có một cái gì, một lá thư, một điện tín của thân nhân của anh ở Sàigòn chẳng hạn, báo cho anh biết rằng không thấy chị ấy tới nơi.
- Thì tôi đã đưa anh coi điện tín của Khách sạn Continental đó?
- Trước khi đi chị ấy có gửi điện dặn giữ phòng ở Khách sạn đó không?
Tôi phải thú nhận với Sam là không. Thật ra tôi cũng không được biết rõ lần này Ngọc có định về ngụ ở Khách sạn Continental hay không nữa.
Sam lại nói:
- Nếu anh muốn tôi có thể nhờ cảnh sát Sàigòn tìm dùm chị ấy ở địa chỉ của bà nhạc anh. Nhưng tôi nói trước với anh là nếu họ có làm dùm mình, lâu lắm mới có kết quả. Vì đây không phải là một việc công. Nếu là việc chính trị thì lại khác. Cảnh sát lúc nào cũng có nhiều việc phải làm, ấy là nếu yêu cầu không khéo, có khi chúng tôi còn bị họ cự nữa.
- Sao anh không liệt lời yêu cầu này vào loại “khẩn” hoặc chính trị?
- Tôi không có quyền làm vậy. Muốn yêu cầu như vậy phải là ông Tổng giám đốc của tôi mới làm được. Anh dư biết quyền hạn của tôi chỉ thâu hẹp ở một quận này. Nhưng theo tôi anh cần gì phải nhờ đến Cảnh sát? Việc này dễ mà. Anh chỉ cần nhờ một người bạn nào của anh ở Sàigòn làm dùm việc anh cũng được mà. Còn mau hơn là nhờ cảnh sát nữa. Như ông bạn thân nào của anh làm luật sư ở Sàigòn đó …
Huy ơi, Huy hãy tha lỗi cho tôi khi Huy đọc những dòng này: trong cơn bối rối tôi không nghĩ tới Huy. Chưa một giây phút nào tôi nghĩ đến Huy cả. Chuyện thật dễ giải quyết. Nhờ cảnh sát làm chi cho mất công, mất thì giờ. Lời Cò Sam nói cất cho tôi cả một gánh nặng. Cái chuyện mà tôi cho là khó giải quyết quá đó thực sự chỉ là một việc dễ như bỡn.
Tuy nhiên tôi vẫn nói:
- Một mặt tôi nhờ bạn tôi, nhưng tôi nghĩ cảnh sát có nhiều thẩm quyền hơn chứ …?
- Nếu cần truy tầm bắt một kẻ tình nghi phạm phát hay chính trị phạm nào tôi đồng ý với anh là cảnh sát làm việc hữu hiệu hơn, nhưng nếu tìm tin một người nào không trốn tránh, cảnh sát đôi khi không làm nhanh bằng một người thường. Anh cứ nhờ anh bạn của anh đi. Nếu có gì khó khăn cần đến cảnh sát, tôi sẵn sàng giúp anh.
Tôi cám ơn Cò Sam. Nhưng tôi chỉ nhã nhặn với Y vì phép lịch sự tối thiểu bắt buộc tôi như vậy mà thôi. Thật sự, tôi bực tức giận dữ vì Y. Tôi thấy Y đã không tỏ ra sốt sắng trong việc giúp tôi. Tôi thì nóng như lửa đốt mà Y thì vẫn thản nhiên. Điều đó tôi, lẽ ra không thể trách Cò Sam được vì đây là chuyện của tôi chứ đâu có phải chuyện của Y. Ngày vợ Y đi mất, nếu Y có nhờ gì đến tôi, chắc chắn tôi đã tỏ ra thản nhiên hơn Y bây giờ. Nhưng sau đó tôi cũng nhận rằng Cò Sam nói đúng. Việc tìm vợ của tôi nên nhờ bạn hơn là nhờ cảnh sát. Cảnh sát Nam Vang gửi điện xuống Cảnh sát Sàigòn, rồi nếu Cảnh sát Sàigòn có giúp, ông Cò lớn sẽ truyền lệnh cho ông Cò con, ông Cò con sẽ truyền lệnh cho ông Cò cháu, khi xuống đến anh lính đi tìm ít nhất thời gian cũng trôi qua cả nửa tháng.
Tôi cũng chẳng còn cách nào hay hơn là làm theo lời khuyên của Sam.
Nhưng cơn giận và bực bội làm cho tay tôi run và trí óc tôi bấn loạn đến nỗi tôi không thể nào viết nổi mấy dòng điện tín gửi cho anh được gẫy gọn và để cho anh có thể hiểu được khi đọc nó. Suốt nửa tiếng đồng hồ sau khi từ giã Cò Sam, tôi không thể làm gì được. Tôi muốn viết thật nhiều cho anh, nhưng một điện tín làm sao có thể nhiều lời như một lá thư …? Sau đó tôi quyết định gọi dây nói cho anh. Nhưng cô giữ điện thoại ở nhà Bưu điện cho tôi biết rằng muốn gọi về điện thoại tư gia ở Sàigòn tôi phải hẹn giờ trước và sớm lắm là tới sáng mai tôi mới có thể liên lạc được với anh. Đó là chưa kể trường hợp trục trặc, Nhà Bưu điện có khi không bảo đảm là có thể liên lạc được bằng điện thoại giữa Nam Vang và Sàigòn.
Ý nghĩ phải chờ đợi nửa giờ thôi cũng đã đủ làm cho tôi điên người đừng nói gì chuyện chờ đợi một ngày.
Tôi chợt nhớ đến Phúc. Anh Phúc có dặn tôi là hôm sau nhớ gọi dây nói cho anh biết về tình trạng sức khỏe của Bà Ngà. Dường như có lần tôi đã nói cho Huy biết rằng Anh Phúc là người có khả năng làm cho tôi dịu lại mỗi bối rối, làm cho tôi bình tĩnh lại mỗi khi tôi gặp chuyện gì lôi thôi. Anh là người có ảnh hưởng thật tốt với tôi. Huy có nhận thấy vậy không? Ở đời, chúng ta có những người chuyên làm tốt, có ảnh hưởng tốt đến cuộc đời của chúng ta, và ở đời, chúng ta cũng có những người chuyên có ảnh hưởng xấu đến đời chúng ta. Có những kẻ đang yên lành mà ta gặp họ là y như rằng đời ta có chuyện xấu xa, rắc rối. Tôi có ít người bạn có ảnh hưởng xấu, nhưng chắc chắn là tôi có hai người bạn có ảnh hưởng tốt cho đời tôi. Hai người đó là Huy và anh Phúc.
Phúc đã nhiều lần gỡ rối cho tôi, cũng như Huy đã nhiều lần đem lại cho tôi niềm tin tưởng và tình yêu đời. Không ngần ngại, tôi gọi ngay dây nói tới Phúc.
Một lần nữa tôi kể lại cho Phúc nghe câu chuyện của tôi từ đầu đến cuối. Tôi kể luôn cho Phúc nghe chuyện tôi mới gặp Cò Sam và lời Cò Sam khuyên tôi. Phúc nghe. Anh không hỏi tôi thêm một câu, anh nói ngay:
- Còn chờ gì nữa … anh phải về Sàigòn ngay.
Tôi hỏi lại một cách ngớ ngẩn:
- Tôi về Sàigòn?
- Phải. Anh phải về dưới ngay. Nếu chị ấy mất tích … tôi nghĩ rằng anh lo sợ là đúng … chỉ có mình anh mới có thẩm quyền làm mọi chuyện cần thiết để tìm ra chị ấy … Và để giúp chị ấy. Bạn anh, Luật sư Trần Huy, sẽ giúp anh được rất nhiều, nhưng việc này có thể còn có nhiều rắc rối và mất thì giờ, khó khăn nữa. Phải là anh tìm chị ấy mới được.
Phúc nói thật đúng.
Nhưng vì một lý do thật khó nhìn nhận, tôi vốn hèn nhát, chắc Huy biết là tôi vốn hèn nhát hơn ai hết, tôi vốn sợ sự thật, sợ trách nhiệm, tôi ngần ngại:
- Tôi về dưới thì … ai lo công việc của sở trên này?
- Anh có thể nghỉ một tuần, nửa tháng … Chúng ta nghỉ phép hàng năm là chuyện thường. Nếu anh đau ốm hay gặp tai nạn, thì ta cũng phải nghỉ vậy. Ngân hàng vẫn có thể hoạt động đều, dù cho chúng ta có vắng mặt cả tháng. Hai nữa, trong tình trạng bối rối tinh thần của anh lúc này, anh có đi làm cũng chẳng có lợi gì cho sở.
Phúc nói thêm bằng một giọng thật hiền và tràn đầy tình thương mến:
- Anh cứ yên tâm về Sàigòn đi. Nếu các ông ở bên anh có phiền hà gì, đã có tôi. Nói thế thôi, tôi tin là không có gì đâu. Anh có thể hoàn toàn tin ở tôi.
Nếu lúc đó anh Phúc đứng ngay trước mặt tôi, tôi đã nhẩy tới ôm chầm lấy anh, hôn anh như tôi là một đứa trẻ ôm hôn người thân yêu nhất đời của mình. Nghe anh nói thế, tôi cảm động đến nỗi tôi chỉ ấp úng không nói rõ được lời nào để cám ơn anh.
24 tiếng đồng hồ sau đó trôi qua trong đời tôi với nhiều chuyện làm cho tôi bận rộn đến nỗi tôi tạm quên được gần hết nỗi lo âu của tôi.
Tôi phải ở lì văn phòng Sở gần 8 tiếng đồng hồ để đọc cho cô thư ký ghi bằng tốc ký chừng 50 bức thư trả lời những vụ cần thiết nhất, nói qua cho Lê Tâm, người phụ tá của tôi biết qua những việc đang cần giải quyết để anh thay mặt tôi lo việc. Tôi phải gọi dây nói tới Hàng Không Việt Nam để giữ chỗ trên chuyến phi cơ về Sàigòn ngày hôm sau và gửi Sổ Thông Hành của tôi đi xin chiếu khán về nước. Tôi nhờ người gửi điện về cho Huy hay là tôi sắp về tới và giữ phòng ở khách sạn. Đêm tới tôi về nhà lo sửa soạn hành lý …
Tâm giúp tôi nhiều trong 24 tiếng đồng hồ ấy. Phúc và Tâm làm cho tôi hoàn toàn yên tâm về công việc. Tâm lái xe đến nhà tôi vào lúc sáng sớm đưa tôi đi ăn sáng rồi đưa tôi ra phi trường. Tâm ở lại với tôi cho tới lúc tôi xách cập theo cô tiếp viên áo xanh ra phi cơ. Nhờ Tâm và sự có mặt liên tục của anh bên tôi, cuộc sửa soạn để ra đi của tôi trôi đều và tôi không phải chịu nỗi khổ tâm là nhớ lại từng giây, từng phút chuyến tôi đưa tiễn Ngọc đi hôm nào.
Phúc cũng thân tới phi trường đưa tiễn tôi.
Không một giây phút nào tôi nhìn Phúc và Tâm mà lại nghĩ rằng đây là lần cuối cùng tôi nhìn thấy họ, cũng như tôi vẫn tin rằng qua bao nhiêu rắc rối tôi cũng sẽ trở về cùng với Ngọc.
Trong phòng ăn của phi cảng, Phúc còn nói với tôi và cả ba chúng tôi cùng cười:
- Chúng ta đang sống trong những giây phút mà người ta gọi là … “suýt-păng” của đạo diễn Hít-cốc đây. Nhưng tôi tin rằng sau cùng sẽ chẳng có chuyện gì bi thảm xẩy ra với chúng ta hết. Chị Ngọc chắc sẽ ngạc nhiên nhiều và sẽ rất sung sướng khi chị ấy biết chúng mình cuống quýt đi tìm chị ấy như thế này. Anh chị sẽ có dịp mừng mừng, tủi tủi đoàn tụ với nhau và anh sẽ có dịp hưởng lại một tuần trăng mật mới. Anh chị lấy nhau đã năm năm rồi, đây đúng là lúc để hưởng tuần trăng mật thứ hai đây. Người ta nói “Tân thú bất như viên quy” … Anh Tâm có hiểu là gì không? Các cụ Ta và Tầu ngày xưa “suya” thật. Các cụ nói theo kinh nghiệm nên đúng lắm. Câu xổ Nho tôi vừa nói đó có nghĩa là: “Vợ mới không thú bằng vợ chồng xa nhau gặp lại nhau” … Vợ mới cưới không thú bằng … vợ cũ khi mình đi xa lâu mới về … Hơi hướng, thèm muốn, nhớ nhung nhau … Hai anh chị sẽ yêu nhau hơn trước. Tôi không có vợ nên vợ mới tôi không được hưởng mà cái thú đi xa về tôi cũng không có nốt. Đừng nói lấy vợ là khổ … Người ta chỉ khổ khi nào vợ chồng không yêu nhau mà phải gần nhau, hoặc là khi đã hết còn yêu thương nhau kia …
Chúng tôi bắt tay nhau lần cuối đúng chỗ hôm nào cách đấy chưa lâu tôi đã hôn Ngọc. Đúng bẩy ngày sau ngày Ngọc đi, tôi đi theo nàng, cùng giờ, cùng chỗ, mà có thể là cùng cả chiếc máy bay nữa.
– 3 –
Sau cảm giác căng thẳng thần kinh kéo dài từ cả một tuần lễ vừa qua, đột nhiên, tôi cảm thấy một sự mệt mỏi lớn lao. Mệt đến như chưa bao giờ mệt thế. Lúc đang mệt mỏi đó, nếu có ai báo cho tôi biết rằng khi xuống phi trường Tân sơn Nhất tôi sẽ thấy Ngọc đứng chờ đón tôi, có lẽ tôi cũng không đủ cả sức để mà mừng rỡ.
Khi lên phi cơ và khi phi cơ đã bay đi, tôi không thể nào ngủ được mặc dầu tôi rất mệt. Tôi cố gắng bắt tâm trí phải nghĩ tới những chuyện gì khác, tôi cố nhìn những hành khách quanh tôi để quên Ngọc, nhưng nhìn họ tôi lại chỉ thêm tưởng tượng ra Ngọc.
Tôi tưởng tượng ra Ngọc ngồi trong phòng phi cơ này trước đây một tuần. Phi cơ chật ních hành khách nhưng không có một khuôn mặt nào, đàn ông cũng như đàn bà, làm cho tôi phải chú ý. Trừ một người.
Người đó là một thiếu phụ trạc tuổi Ngọc, nàng hao hao giống Ngọc. Nàng đi một mình, và tôi thấy nàng dường như có một điểm giống tôi, hình như nàng cũng có chuyện gì lo âu. Nét lo sợ, khắc khoải, suy tư hiện rõ trên nét mặt nàng. Nhìn nàng tôi có cảm giác như nhìn một cô gái nhỏ bị bỏ rơi.
Và nhìn người thiếu phụ xa lạ ấy, tôi tưởng nhớ lại Ngọc, người đàn bà tôi yêu dấu nhất đời, người mà tôi quen thuộc như chính bản thân tôi vậy. Tôi thắc mắc tự hỏi không biết trong năm năm trời chung sống vừa qua, có bao giờ tôi nhìn thấy nét ưu tư hay chán chường trên mặt Ngọc hay không. Ngọc có bao giờ tỏ ra chán đời không? Không. Chắc chắn là không.
Ngọc là người yêu đời, nàng kiêu hãnh và tự tin. Tôi nghiệm thấy những người nào kiêu hãnh và tự tin không bao giờ chán đời, ít khi bi quan. Người kiêu hãnh không mấy khi than thở về đời sống của mình hoặc của người. Chưa bao giờ tôi nghe tiếng Ngọc than thở về những nỗi khổ đau của nàng. Đến bây giờ hồi tưởng lại tôi mới thấy rằng dường như Ngọc không bao giờ đau khổ.
Vậy mà … trong cơn buồn lo, bối rối của tôi, tôi không tìm thấy cái gì khác giữa người thiếu phụ xa lạ đang lo âu kia và Ngọc.
Tôi tưởng tượng ra vợ tôi dưới nét mặt âu lo của người đàn bà xa lạ kia.
Rất có thể là trong chuyến đi cách đây một tuần của nàng từ Nam Vang về Sàigòn, Ngọc cũng ngồi âu lo như vậy, và rất có thể là một gã đàn ông nào đó đã gợi chuyện làm quen với vợ tôi cũng như tôi đang nghĩ đến chuyện gợi ý làm quen với người thiếu phụ này. May sao chỗ tôi và chỗ người thiếu phụ kia ngồi cách xa nhau, tôi trông thấy nàng nhưng dường như nàng không biết là có tôi đang nhìn nàng. Và biết đâu Ngọc, vợ tôi, lại chẳng mất tích chỉ vì trên phi cơ về nước thăm mẹ, nàng đã nói vài lời với một gã đàn ông lạ …?
Tôi chợt rùng mình tỉnh lại.
Chỉ cần tôi nghĩ bậy như vậy về Ngọc cũng đủ cho tôi thấy rằng thần kinh tôi bị rung động và mất quân bình đến là chừng nào.
Vợ tôi nhất định không phải là một người đàn bà lẳng lơ đến cái độ có thể đi vào một cuộc phiêu lưu ái tình bậy bạ. Người chồng biết tự trọng nào cũng tin ở tình yêu và lòng chung thủy của vợ mình, nhưng riêng tôi, tôi có lý do để tin vợ tôi hơn ai hết.
Tôi vội nghĩ sang chuyện khác. Có lẽ anh Phúc nói đúng. Chắc Ngọc, giờ này, đang ở bên giường bệnh của Bà Ngà, và nàng sẽ ngạc nhiên nhiều, ngạc nhiên lắm, khi thấy tôi xách va ly tìm đến nhà. Nàng sẽ cảm động, nàng sẽ giải thích trong vài lời cái lý do làm cho tôi không có tin tức của nàng và tất cả những lo âu này sẽ tan biến đi như một cơn ác mộng.
Tôi cố nghĩ tới viễn ảnh tươi sáng đó.
Và tôi kinh hoàng nhận thấy là ngay lúc này, mới cách xa nhau mới mấy ngày, tôi đã thấy khuôn mặt và nét mặt của Ngọc như mờ, như xa, như lạ lắm. Tôi thấy tôi không còn quen thuộc mấy với nét mặt của Ngọc như tôi tưởng.
Tôi nằm ngả hẳn đầu lên thành ghế, mắt nhắm lại để tưởng tượng ra nét mặt Ngọc. Và những nét mắt, mũi, miệng … của Ngọc mờ mịt, lẫn lộn vào nhau. Đáng sợ và kỳ lạ nhất là những nét mặt riêng của Ngọc lại mờ lẫn với nét mặt của người thiếu phụ xa lạ ngồi kia. Tôi cố gắng nhớ đến mặt Ngọc, nhưng càng cố gắng, tôi càng thấy tâm trí mờ mịt. Sau cùng tôi ngủ thiếp đi.
Tôi ngủ một giấc nặng nề, say sưa, ngủ như người chết rồi.
Tôi tỉnh lại khi phi cơ sắp hạ cánh xuống phi trường Tân sơn Nhất. Trong vài giây đồng hồ đầu tiên tôi hoang mang không còn nhớ rõ tôi đang ngồi ở đâu, đang làm gì? Tôi nhìn quanh và thấy đông người, ai nấy đều ngồi im trên ghế và đèn sáng chung quanh, tôi tưởng rằng tôi đang ngồi trong một rạp hát bóng và tôi đã ngủ chợp đi trong rạp và bây giờ phim đã hết, đèn đã bật sáng, tôi nên ra về.
Quên hẳn là mình đang ở trên phi cơ, tôi loạng choạng đứng dậy định bước ra khỏi hàng ghế, cho đến khi cô tiếp viên hàng không áo xanh tới ra hiệu cho tôi ngồi xuống và thắt dây lưng, tôi mới nhớ.
Trời bình minh bắt đầu có nắng vàng chiếu chan hòa phi trường khi phi cơ hạ cánh và ngừng bánh trước cửa phi cảng. Tôi nhanh nhẹn xách cặp bước xuống sân nhựa. Giấc ngủ vừa qua làm cho tôi tỉnh táo hẳn lại.
Từ ngày lên Nam Vang lập nghiệp: “Nam Vang đi dễ khó về. Trai đi có vợ gái về có con …” tôi đã nhiều lần về Sàigòn vì công việc. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy phi cảng Tân sơn Nhất đẹp bằng trong buổi sáng sớm có nắng vàng hôm nay.
Anh chàng Hoàng Tuấn nhanh nhẹn, tháo vát của Đội Báo − Đội Hướng đạo sinh mà Huy làm đội trưởng ngày xưa − đã chiến thắng anh chàng Hoàng Tuấn “cù lần” lo sợ vẩn vơ. Trông tôi xuống phi trường lúc đó không ai có thể ngờ được rằng tôi là một kẻ yêu thương vợ nhất đời và vừa mới mất tin vợ, đang lo âu đến phát điên vì vợ, đang nhớ vợ. Tôi quên bẵng mất người thiếu phụ cùng đi trên phi cơ mà tôi thấy có vài điểm hao hao giống vợ tôi. Vừa vào tới phi cảng, nàng đã biến mất. Có lẽ nàng có người nhà ra đó đón và người nhà nàng quen với những nhân viên kiểm soát ở phi cảng cho nên nàng đi qua phòng kiểm soát mau hơn tất cả mọi người.
HUY… Tôi vui mừng được gặp lại Huy. Phải nói rằng ý nghĩ sắp gặp lại Huy, sắp được sống gần Huy nhiều ngày không có công việc gì làm chia cách – tôi vẫn tin rằng tôi sẽ dễ dàng tìm được Ngọc và chúng ta sẽ có dịp cùng sống vui với nhau ít ngày, có thể chúng ta sẽ cùng đi Đàlạt – đã làm cho tôi hứng khởi suốt chuyến đi. Tôi vẫn muốn chúng ta gặp nhau trong những dịp khác vui hơn, nhưng con người ta vẫn vậy, chỉ khi nào buồn phiền, chúng ta mới thấy những lúc vô sự, không âu lo là vui sướng. Khi tôi trông thấy Huy đứng chờ tôi trong phi cảng, tôi cảm thấy trái tim tôi chan hòa một niềm vui ngọt như mật.
Trông thấy Huy, tôi mừng vui và sung sướng như tôi được thấy một phần Ngọc.
Nhưng nỗi vui mừng ấy, tôi nói thật, Huy đừng nên giận tôi, Huy không giữ nổi cho nó sống được lâu trong lòng tôi. Chỉ mười phút sau, khi chúng ta đã bắt chặt tay nhau, khi tôi ngồi trong chiếc xe hơi của Huy chạy trên đường từ phi trường về thành phố, tôi lại cảm thấy buồn và cô đơn. Ngồi bên Huy, tôi vẫn thấy buồn và cô đơn hơn bao giờ hết. Như vậy tôi có bất công không? Có phải là lỗi ở tôi hay không? Tuy có Huy ở bên tôi vẫn nghĩ và thấy rằng tôi đang có một cuộc chiến đấu tuyệt vọng và tôi phải một mình chiến đấu, đơn độc và vô vọng, không một người nào, kể cả Huy nữa, có thể giúp được tôi trong cuộc chiến đấu này.
Như tất cả các bạn thân của tôi đều đã mất tích, như tôi không còn ai thân nữa.
Tôi đã mất tất cả, như tôi đã mất Ngọc.
Huy có còn nhớ những lời chúng ta nói với nhau buổi sáng đó không?
Tôi kể cho Huy nghe những chuyện vừa xẩy ra trong đời tôi và Huy tỏ ra ngạc nhiên nhiều. Nếu người kể chuyện đó không phải là tôi, chắc chắn Huy đã không tin. Huy ngạc nhiên nhất là việc Ngọc đã đi vắng cả tuần lễ mà không cho tôi biết là nàng đi đâu, ở đâu, làm gì? Sự ngạc nhiên này của Huy càng làm cho nỗi lo âu về tình trạng của Ngọc trong lòng tôi tăng thêm. Huy cho tôi biết là từ ngày đó, ngày Ngọc về tới Saigon bằng phi cơ Hàng Không Việt Nam, nàng không tới thăm Huy và cũng không hề cho Huy biết tin.
Huy khuyên tôi nên tới ngay nhà bà mẹ vợ tôi. Huy bận vụ kiện đang xử ở Tòa nên không thể cùng đi với tôi được, nhưng chúng ta hẹn nhau đến tối gặp nhau và cùng đi ăn bữa tối.
Huy lái xe đưa tôi về khách sạn Continental. Tôi chỉ lên phòng thay bộ đồ khác, rửa mặt qua loa, xuống nhà hàng uống một ly cà phê đậm, tôi không ăn gì được rồi nhẩy vào một chiếc xe tắc xi đi luôn.
Vào khoảng nửa năm nay, tôi không về Saigon. Sàigòn, hôm nay, với sự có mặt của binh sĩ Đồng Minh, đang kiến thiết nhiều và thay đổi quá rõ trước mắt một người Sàigòn đi xa lâu ngày mới về.
Nhiều bin-đinh lừng lững mọc lên ở những nơi mà lần trước về, tôi thấy còn là bãi hoang hoặc có những xóm nhà lụp xụp, tồi tàn. Và nhất là Sàigòn có nhiều Snack-bar. Xe tắc xi dường như trở nên hiếm. Tôi phải chờ khá lâu ở đầu đường Tự Do mới tìm được một chiếc tắc xi không có khách.
Từ ba năm nay, nghĩa là từ sau ngày tôi và Ngọc kết hôn, Bà Ngà sống trong một tòa nhà ở Trường Đua Phú Thọ. Trước ngày Ngọc thành vợ tôi, Bà Ngà cư ngụ trong một vi la ở gần trung tâm Sàigòn, nhưng về sau, vi la đó trở thành quá đắt đối với một bà góa sống một mình nên Bà đổi lên sống ở chỗ mới. Tôi chưa tới nhà mới của Bà lần nào song qua những lời nói chuyện của Ngọc, tôi biết qua đó là một loại nhà nhiều tầng, chia ra làm nhiều phòng cho mướn. Bà nhạc tôi ở đó một mình, đi khóa, về mở, tiện hơn.
Khi chiếc tắc xi lăn bánh trên đường Lý Thái Tổ tiến gần về phía Trường Đua, tôi lại cảm thấy bồn chồn, hồi hộp. Những cảm giác trước là lo âu, sợ hãi, hoang mang, đến lúc này tôi mới cảm thấy hồi hộp. Vì tôi sắp đi gần tới đích.
Tôi sắp được “biết” – chưa biết là tôi sắp được “biết” chuyện gì, tin gì ở đầu con đường này, nhưng chắc chắn là tôi sắp được biết một điều gì đó quan trọng, hoặc ít nhất cũng có liên hệ nhiều đến vợ tôi và sự vắng mặt đầy nghi vấn của nàng.
Tôi sắp gặp Bà Ngà, hoặc ít nhất tôi cũng sẽ gặp một người nhà nào đó nếu Bà Ngà đau nặng và phải đi nằm nhà thương, và người đó sẽ nói cho tôi biết vợ tôi hiện ở đâu, nàng có về đây hay không. Mà chắc chắn là vợ tôi phải về đây trước nhất. Nàng về đây rồi có đi đâu nàng mới đi. Người ta sẽ chỉ cho tôi nơi để tôi tới kiếm nàng. Sàigòn này tuy là thành phố lớn nhất Đông dương, cũng chỉ là một thành phố mà người ta có thể đi bằng xe tắc xi từ đầu nọ đến đầu kia trong vòng hai tiếng đồng hồ. Trưa nay, tôi sẽ được gặp Ngọc.
Và trưa nay, chậm lắm là trưa nay, bây giờ là 10 giờ sáng, giờ Sàigòn trên mặt chiếc đồng hồ Eternamatic của tôi, tôi sẽ gặp Ngọc. Và chính miệng Ngọc, bằng những lời ngọt ngào, êm dịu của nàng, sẽ nói cho tôi biết lý do tại sao tôi lại không nhận được tin tức gì của nàng từ một tuần nay.
Người Sàigòn đi lại thật đông. Trời nắng đang đẹp. Nắng xuyên qua những tàn cây đùa trong tà áo của những nàng thiếu nữ đi học về trên những chiếc xe Solex. Nhìn những cô nữ sinh đó, tôi lại nhớ đến những ngày nào xa xưa chúng ta đạp xe máy đi theo những nàng nữ sinh áo trắng của những Trường Trưng Vương, Sainte Mary Hà nội, những buổi sáng mùa thu nắng vàng thật đẹp đạp xe đi theo các nàng quanh Hồ Gươm … Rồi hình ảnh của Ngọc lại hiện ra, tôi nhìn những nữ sinh đó và tôi như trông thấy Ngọc ngày nào năm xưa cũng đạp xe đến trường như vậy. Ngọc đã từng đi học ở Sàigòn. Nàng là nữ sinh Gia Long. Rất có thể là trước đây mười năm, chính nàng đã nhiều lần đạp xe đi với các cô bạn đồng tuổi trên con đường nắng đẹp này.
Xe chạy tới trước cửa Trường Đua. Tôi nhớ mang máng địa chỉ nhà Bà Ngà ở đâu quanh đây. Tôi nghĩ đi bộ tìm nhà tốt hơn nên bảo xe ngừng lại.
- Ông cho năm mươi đồng.
Nghe ông tài xế tắc xi nói thế, tôi ngạc nhiên vì tôi nhớ lần trước về Sàigòn, tôi đi tắc xi và không thấy giá xe đắt quá đến như thế. Tuy ở Nam Vang và tuy cuộc bang giao giữa hai chánh phủ Sàigòn và Nam Vang có không được tốt đẹp mấy song nhờ làm việc trong cơ sở tư ngoại quốc được cả hai chánh phủ vị nể, nên tôi vẫn có nhật báo ở Sàigòn gửi lên đọc đều đều. Do đó tôi đọc thấy trên các báo những lời than phiền là hồi mới đây, kể từ ngày Sàigòn có bóng dáng binh sĩ ngoại quốc đông đảo, những binh sĩ này nhiều tiền, chịu chi, nên anh em tắc xi chỉ thích chạy xe chở họ. Và vì tình trạng cung cầu chênh lệch, người đi xe nhiều mà xe có ít nên sanh ra chuyện các ông tắc xi không chạy theo đồng hồ tính tiền nữa mà là chạy theo cuốc. Tiền xe tùy các ông tài định đoạt.
Tôi quên bẵng chuyện đó đi, nhưng tôi cũng móc tiền ra trả. Khi chiếc tắc xi đã chạy đi bỏ tôi lại đầu đường, tôi mới nhớ đến chuyện tôi đã được đọc trong các nhật báo về việc các xe tắc xi tại Sàigòn không chạy xe theo đồng hồ tính tiền trong xe nữa.
Tôi đứng một mình trước cửa Trường Đua, những cánh cổng đóng im ỉm. Bãi cỏ cao có nhiều chỗ cháy xém. Tôi đón hỏi một chú có vẻ là sinh viên đi ngang con đường mà tôi nhớ là có tòa nhà của bà Ngà.
Chú chỉ cho tôi con đường ngay trước mặt.
Đó là một con đường cụt, dài chừng hai trăm thước. Trong đó tôi chỉ thấy có mỗi một tòa nhà lớn. Nhưng trông tòa nhà ấy có nhiều vẻ tiêu điều. Những cánh cửa sổ trên mặt tiền tòa nhà cao bốn tầng ấy đóng kín. Vẻ tiêu điều, vắng lặng của tòa nhà cho tôi cái cảm nghĩ đó là một tòa nhà không có người ở. Cảm nghĩ đó làm cho nỗi lo âu trong tôi chợt tăng thêm.
Tôi nhìn lên tấm bảng tên đường gắn trên thân cột đèn đầu ngõ và thấy khác với cái tên phố tôi muốn tìm. Tôi hỏi cậu sinh viên:
- Đây không phải là phố đó? Tên phố trên bảng khác mà …?
- Tên phố mới đổi. Đúng đó mà. Tôi ở đây tôi biết.
Tôi chỉ tòa nhà:
- Có phải bin-đinh kia có phòng cho mướn không cậu?
Có lẽ tưởng tôi là người đi mướn phòng, cậu ta đáp:
- Phải đấy. Nhưng hồi mới đây hình như người ta đuổi khách Việt Nam đi để sửa nhà lại cho Mỹ mướn thì phải. Tôi thấy hồi này ít còn người Việt ở trong đó lắm. Chắc họ không cho người Việt mướn nữa đâu. Ông cứ vô hỏi coi, mất gì …
Khi nghe nói câu đó trong lòng tôi đã lờ mờ nghĩ đến chuyện Bà Ngà đã dọn nhà đi nơi khác. Tôi không dám nghĩ đến chuyện đó lâu, vì tôi sợ. Tôi sắp đi tới đích nhưng cái đích đó lại đe dọa lùi xa.
Nếu Bà Ngà đi nơi khác, chắc rồi tôi cũng tìm ra, nhưng tôi lại phải mất thêm một thời gian đợi chờ, tìm kiếm nữa.
Với tâm trạng âu lo đó tôi bước những bước nặng nề trên con đường chưa trải nhựa đi tới cửa vào tòa nhà. Đúng như cảm nghĩ đầu tiên của tôi khi tôi để mắt trông thấy tòa nhà đó, nó không có người ở, hoặc chỉ còn rất ít người ở. Từng đống vật liệu, gạch đá đã được sắp sẵn quanh nhà chờ sửa lại nhà. Cửa chính ra vào bin-đinh đóng kín. Nhìn qua khung cửa sắt vào nhà, tôi thấy cầu thang và lối đi đầy rác bẩn có cả nước trôi lõng bõng trên những bậc cầu thang. Dường như người ta đã cúp điện và cúp cả nước máy vào tòa nhà này.
Tôi nghĩ đến chuyện chủ nhà đuổi nhà. Biện pháp cúp điện nước là một biện pháp hữu hiệu nhất dùng để tống khứ ra khỏi những bin-đinh những thân chủ không còn được coi là tốt tiền nữa. Người thanh niên tôi vừa hỏi thăm nói đúng. Những người Việt Nam cư ngụ trong tòa bin-đinh này đang bị chủ nhà đuổi. Những người còn ở lại là những người gan lì nhất hoặc không có phương tiện đi mướn nhà khác.
Tôi đứng xớ rớ mãi ở đó.
Tôi đi vòng ra sau bin-đinh. Ở đây tôi thấy mấy đứa nhỏ chơi nghịch trên một đống cát cao như núi. Tôi hỏi đứa lớn nhất. Đó là một đứa con gái:
- Tôi muốn hỏi ông gác dan. Ông gác dan ở đâu em?
Như một lũ trẻ con vừa câm vừa điếc, hoặc như những đứa nhỏ nghe nói tiếng ngoại quốc, bọn trẻ trố mắt nhìn tôi.
Tôi nhắc lại câu hỏi đến hai ba lượt chúng cũng vẫn không trả lời.
Chợt tôi nghe tiếng người:
- Cái chi?
Tôi quay lại. Người đàn ông là một anh Chà lai. Chắc là lai Miên. Mặt anh ta đầy vẻ tàn nhẫn và đôi mắt anh tràn đầy nghi ngờ. Anh Chà này cho tôi có một linh tính xấu về cuộc đi tìm người của tôi. Xuất hành mà gặp anh Chà này thì nguy rồi.
Tôi bước tới. Anh Chà nói ngay, giọng nói trơ trớ, ngọng ngọng của anh ta nghe thật trối tai:
- Không có cho mướn đâu. Đừng hỏi mất công.
Tôi nén bực bội để hỏi:
- Không. Tôi không tới mướn nhà. Tôi hỏi thăm một người trước ở đây, chú làm ơn chỉ dùm bà ấy còn ở đây không …
Anh ngắt lời:
- Đi hết trơn rồi.
- Chú gác dan ở đây phải không?
Anh gật đầu.
- Chú có biết một bà trước kia ở đây. Bà ấy tên là Bà Ngà, bà ấy đã khá nhiều tuổi rồi … Bả ở một mình thì phải. Bả người thấp một chút …
- Biết số phòng bao nhiêu không?
- Không.
- Bao nhiêu là người ở đây. Hỏi vậy làm sao nói …
Anh xua xua tay đuổi tôi đi:
- Mà cũng đi hết rồi, không còn ai ở đây nữa …
Tôi cố bám lấy tia hy vọng nhỏ nhoi:
- Chú có biết bà ấy dọn đi đâu không?
- Làm sao biết được?
Anh ta thốt ra một câu chửi thề ngon lành.
Như sợ tôi lén vào tòa nhà quí báu của anh, anh gác dan thô bỉ cứ đứng đó mặc dầu anh cố trình bầy một bộ mặt để tống khứ tôi đi. Tôi cố nén giận để đứng lại, để hỏi thêm. Vì thực ra, tôi quen biết rất ít về bên họ hàng của Ngọc. Có thể nói là trừ Bà Ngà là mẹ vợ tôi ra, tôi không còn quen biết ai là thân nhân của nàng hết.
- Chú nhớ dùm tôi coi … Bà Ngà, bà ấy thâm thấp … người trắng …
- Đã bảo là không có biết …
Chợt một giọng nói vang lên sau lưng tôi:
- Ông hỏi ai thế?
Tôi quay lại, người hỏi tôi là một chàng thanh niên trạc hai mươi nhăm hai mươi sáu tuổi, có vẻ dễ thương và khinh bỉ, ác cảm với tên gác dan ra mặt.
- Tôi muốn hỏi thăm một người, một bà … ở trong nhà này …
Chàng hất hàm ra hiệu cho tôi đi theo:
- Ông hỏi mấy thằng khốn nạn gác cổng này làm gì …
Chàng nói lớn, dường như cố ý cho tên Chà lai Miên nghe tiếng.
- Bọn chủ nhà khốn nạn đang đuổi chúng tôi để lấy nhà lại cho các bố Mẽo chúng nó ở. Chúng nó cúp hết cả điện lẫn nước … Bọn khốn nạn … Nước mình có mất không phải là vì bọn Việt cộng hay hớm gì mà là vì những bọn con buôn này …
Tôi thấy cần phải dẹp cơn nóng nẩy của tôi lại để chia sẻ nỗi bực giận của chàng:
- Tôi mới ở trên Nam Vang về. Tôi có nghe nói hồi này ở Sàigòn nhà cho mướn hiếm lắm, nhưng tôi không ngờ người ta lại đuổi nhà quá thế này.
- Bọn chúng nó khốn nạn lắm … Ông mới ở Nam Vang về đấy à …?
Tôi theo chàng lạ mặt đi về phía đường. Chúng tôi đứng bên vệ đường, dưới hàng cây. Không hiểu sao tôi nghĩ rằng người thanh niên lạ này chính là người tôi cần gặp, và chàng có thể giúp tôi được nhiều trong việc tôi đi tìm Ngọc. Mà thực vậy, tôi chỉ còn trông cậy vào cái hy vọng thật mỏng manh này.
Tôi chờ chàng ta cất tiếng:
- Ông nói ông tới đây tìm ai?
Tôi vội vã:
- Bà mẹ vợ tôi … Bà ấy tên là Bà Ngà … đã có tuổi rồi … nhưng vẫn sống một mình …
Chàng gật đầu:
- Tôi không quen nhưng có biết bà ấy … Tôi là Thổ công trong nhà này, tôi biết tất cả mọi người đã sống ở đây. Tôi tới ở đây đầu tiên mà … Đến bây giờ tôi cũng là người cuối cùng đi ra khỏi đây …
- Bao giờ ông định đi?
- Chủ nó đuổi chúng tôi đi lâu rồi, nhưng tôi và mấy thằng bạn tôi ở cù nhầy, thêm được ngày nào hay ngày ấy … Ông không thấy nó phong tỏa chúng tôi bằng cách cắt nước cắt điện cho tối om đó sao?
Anh chàng đột ngột:
- Bà mẹ vợ ông dọn đi từ lâu rồi …
Tôi choáng váng:
- Lâu … là từ bao giờ?
- Cách đây khoảng nửa năm. Mới có chuyện đuổi nhà là bà ấy đi ngay. Bà ấy là một trong những người đầu tiên rời khỏi bin-đinh này … Bà ấy có tiền mà … Chỉ có bọn nghèo mạt như chúng tôi là cố chịu đấm ở lại thôi …
Chàng nhún vai:
- Ông bảo nhà cửa ở Sàigòn này bây giờ … Mỹ, Đại hàn, Phi luật Tân đến đông quá … Chúng nó ham tiền, đuổi hết đồng bào đi, lấy nhà lại, cho ngoại kiều mướn, lấy tiền nhiều hơn gấp cả chục lần … Bọn nhà văn, nhà báo chúng tôi lấy tiền đâu mà sang? Có Tây cũng không đấu tiền được với mấy anh Mẽo.
- Ông là nhà báo?
Anh chàng gật đầu:
- Nhà báo nghèo …
- Ông có biết Bà Ngà … bà mẹ vợ tôi dọn nhà đi đâu không ông?
Chàng lắc đầu:
- Tôi không biết, nhưng hình như có thằng bạn tôi nó biết. Ông có cần gặp bà ấy gấp lắm không? Tôi chỉ cho ông đến hỏi thằng bạn tôi, nó cũng làm báo … Ông có thể gọi điện thoại đến cho nó …
Chàng kéo tay tôi đi về sạp bán báo ở ngã tư đường:
- Ông ra đây mua tờ báo, lấy số điện thoại của nó. Tôi chúa hay quên … Ông có hỏi số điện thoại của chính tòa báo tôi, tôi cũng không nhớ …
Lại một tia hy vọng nữa lóe sáng trong bóng tối mù mịt của cuộc đi tìm. Tôi đi từ hy vọng đến thất vọng và ngược lại. Nhưng không sao, miễn là tôi còn hy vọng. Con người ta chỉ đau khổ, chỉ có thể chết nếu con người không còn hy vọng. Nhưng ngay khi đã tuyệt vọng rồi, con người vẫn còn tự bầy cho mình hy vọng để đánh lừa chính mình. Lúc đó có lẽ tôi chính là một kẻ tự cho mình hy vọng, những hy vọng mà thật ra tôi không thể có.
Tôi cầm tờ báo và cái tên của một phóng viên nhà báo mà tôi chưa bao giờ quen biết trở lại trung tâm của Sàigòn. Tôi về Nhà Bưu điện để gọi điện thoại về tòa báo và chừng nửa giờ sau, tôi đã tìm được địa chỉ mới của Bà mẹ vợ tôi.
Bà Ngà, sau thời gian ngụ tại bin-đinh gần Trường Đua, dời về số nhà 118 đường Hoàng Tử Cảnh.
Người Vợ Mất Tích Người Vợ Mất Tích - Hoàng Hải Thủy Người Vợ Mất Tích