Tôi không thể cho bạn một công thức thành công, nhưng tôi có thể cho bạn một công thức cho sự thất bại, đó là: cố gắng làm vừa lòng mọi người.

Herbert Bayard Swope

 
 
 
 
 
Tác giả: Du Tử Lê
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 7
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 870 / 12
Cập nhật: 2017-08-04 07:40:52 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
ẤT THẦN, NHỮNG XÓT XA VỀ Thục, dềnh dạt tới, kéo giựt tôi ra khỏi mối âu lo đè nặng của những loạt súng khai hỏa vừa xé ngang đầu. Mưa vẫn rào rào trên những lùm cây nhẫy đen. Bóng đêm chao nghiêng, khi những trái châu bùng sáng, xua tàn cây chạy trên mặt đất cỏ, như một bầy trẻ với nhiều hình thù quái dị, nô đùa trong niềm im lặng thắt bóp của một đêm trăng sáng.
Bên kia sông, từ những cao ốc, hai ngọn đèn pha quét hai vạt sáng dài, liếm ngọt, sâu vào lòng sông, nước mỗi lúc mỗi cạn. Tôi co chân, ngồi xổm trên chiếc ghế gỗ, chông chênh. Chiếc ghế mới hồi nãy, còn ngồi thoải mái, gác chân lên bàn, ngả đầu vào vách phì phèo thuốc lá.
Mưa vẫn rạt rào và gió vẫn thông thống hút qua căn nhà lục giác mái tôn, trống lốc. Tôi loay hoay không biết phải xoay trở sao để mưa khỏi tạt và gió đừng xốc tới, chém buốt da thịt. Ư mà hình như lúc này tôi không còn quan tâm tới chiếc quần sũng ướt, nước chảy dòng xuống theo hai ống xương vào giầy, vào vớ, lép nhép. Hình ảnh Thục, nỗi nhớ nhung chua sót của một chuyện tình chưa kịp chín, một thứ nụ hoa vừa hé cánh, đã bị dập vùi, đã bị vò nát làm tôi nóng người, bừng bừng hơi thở. Tôi hằn học dằn mạnh khẩu súng đã lên đạn xuống mặt bàn suýt nữa, gạt đổ luôn ấm trà mà cô con gái bà chủ quán mới đem ra. Trong ánh sáng nhờ nhờ của chiếc đèn dầu, dấu sau cái phích nước, ở một góc nhà, tôi mơ hồ nhìn thấy những chiếc bóng di động khoan thai. Cái khoan thai ẩn nhẫn một hốt hoảng, một nhớn nhác. Trong những chiếc bóng thầm đó, Thuận như một con chuột ốm o, ngồi thõng chân, tay chống cằm, ngơ ngác nhìn sững vào khoảng đen trước mặt. Tôi không thể đoán biết Thuận nghĩ gì. Nghĩ gì, điều đó không mấy quan trọng bằng cái lỡ dở của chương trình hò hẹn mà Thuận đã rắp tâm với tôi từ trước. Chừng 12 giờ khuya ba má em đã ngủ, anh chờ em ở dưới gốc cây cao bụng, anh cứ đứng đó, gần mé sông em sẽ ra. Ừ nhá. Nhớ ra đấy nhá. Thề đi. Đứa nào không ra không phải là giống người há. Thuận cười hích hích. Chiếc răng bịt vàng của Thuận lóe lên, một vệt sáng yếu ớt. Thứ ánh sáng đồng lõa, lộ liễu, hớ hênh, của một khao khát tình dục. Chẳng đẹp đẽ gì, nhưng của trời cho sức đâu mà bỏ. Bỏ phí là dại, có đồ ngu mới để lỡ. Hiệp bảo tôi như vậy. Tao sẽ cầm súng gác cho tụi mày làm việc. Không được đâu Hiệp. Lỡ Thục hay biết chuyện này, nàng sẽ buồn lắm, Thục sẽ tủi thân và có thể cuộc tình sẽ không còn chút hy vọng nào. Tôi bảo Hiệp thế. Hiệp cười sằng sặc. Mày có trẻ con cũng phần nào thôi chứ. Lý tưởng à. Tiếng nói của Hiệp lại bị ngắt quãng bởi giọng cười sặc sụa, không lẽ tao thay cho mày. Tao muốn thay cho mày lắm.
Nhưng tao biết, nó không chịu đâu. Nó sẽ chửi bố chúng mình lên. Hỏng hết.
Chập tối, Thuận dẹp bàn sớm và đi tắm. Ngồi ngoài với ly cà phê đã nguội, Hiệp hỏi, mày có nghe thấy gì không? Tôi ngần ngừ, tiếng xối nước. Mày cũng còn thông minh lắm. Tốt. Hiệp đăm đăm nhìn vào góc nhà, nơi ánh sáng tỏa ra nhợt nhạt. Tấm màn nhiều mầu được Thuận kéo kín, vây quanh một góc, rung động. Cũng chẳng sung sướng gì, xương xẩu không. Có khi còn không bằng một con đ... nữa.
Giờ này em ngủ chưa Thục? Em có nghĩ rằng ngay khi sự chết đã cận kề anh vẫn còn sửa soạn cho mình một mưu toan thú tính. Anh hèn hạ, anh bẩn thỉu, anh nhơ nhuốc quá phải không em? Làm sao được khi anh yêu em, anh phải sống với tình yêu của em, nhưng đời sống không phải chỉ có thế. Nó còn đòi hỏi, những gì khác hơn, những gì mà trí tưởng ngây thơ, non dại của em không hề nói tới. Chắc em còn nhớ, chuyện anh và Miện. Anh và người con gái có mái tóc dài với đôi mắt đen mở lớn, đôi mắt như hai giọt mưa, hai giọt mưa lúc nào cũng chờ chực rơi xuống một cõi nào thảm thiết. Miện bây giờ đã thành dĩ vãng, thành cái bóng lớn, thật lớn phủ trùm đời sống anh, phủ trùm cả một cuộc tình này, cuộc tình mà chúng ta đang cố gắng vỡ những nhát cuốc đầu tiên, trên một nền đá sỏi. Điều anh muốn nói với em ở đây, không phải là cái dĩ vãng kết khối đó. Không phải thế đâu. Anh muốn nói với em, về một người con gái khác, đúng hơn là một nạn nhân, của cuộc tình thánh thiện ấy. Người con gái tên Hân, người con gái đã đến với anh, bằng đôi mắt mù của thứ tình yêu chỉ bồng bay một phía. Hân. Hân đó em Hân, kẻ đã nhận chịu một thiệt thòi đau đớn nhất, vì vai trò của Hân, chính là vai trò của một thứ trái độn, một cái bao tay lót cho một bàn tay thơm sạch, một cái hố rác, để anh trút vào đó, tất cả những đòi hỏi xác thịt của bản năng, để giữ cho cuộc tình anh và Miện mãi mãi tinh khiết, mãi mãi còn là một khối thủy tinh trong suốt, một tấm khăn không tỳ vết, đắp đậy linh hồn anh, một ngày nào, trước khi nhắm mắt; và như em đã biết, kết quả của hành vi bất nhẫn này, là một đứa con. Một đứa con có từ tình yêu thánh thiện giữa anh và Miện, giữa Miện và Hân, giữa Hân và anh.
Trong trường hợp nào thì hạnh phúc của một người, cũng là con số thành của những đớn đau kẻ khác.
Em hiểu thế chứ Thục? Không hả. Em không nhắc nhở đến chuyện đó. Em không muốn nghe. Anh cũng thế. Không còn nỗi thảm thiết phải nói về mình trong hình thù dơ bẩn, trong vóc dáng gớm ghiếc, xấu xa. Nhưng làm sao hơn được. Tất cả là thế. Là thế đó, phải không em.
... Anh có đủ những cái mà gia đình Thục vốn sẵn thành kiến. Làm sao anh quên được câu nói đó của em trong một buổi trưa đẫm nước mắt. Một buổi trưa anh tưởng mình đã chấm dứt tại đó. Một buổi trưa, lần đầu, anh đặt môi hôn lên mắt em, lên tóc em, lên môi em, đầm đìa tuyệt vọng. Những nụ hôn vội, những nụ hôn trăn trối của một kẻ sắp lìa đời. Vì những nụ hôn chín ngọt trên hạnh phúc hiển hiện.
Tôi thế đó. Tôi là một con cú ngày dơ bẩn trước mắt mọi người. Tôi là kẻ đánh bạc lận trong một canh bạc gồm toàn những người lương thiện. Nhưng cũng chỉ có tôi, biết rằng tôi đang biển lận. Và các người thử hỏi, đã thấy gì hơn, ngoài cái bóng mình lớn to hơn tầm vóc. Đã thấy gì hơn, hỡi các người, ngoài chiếc đĩa, chiếc đĩa sành hút thu trọn vẹn tâm hồn và trí óc các người. Tôi thế đó. Không thể thay đổi gì được, mà thay đổi làm gì, khi thực sự, chẳng có gì để mà thay hình, đổi dạng. Những thành kiến của gia đình em đều có đủ nơi anh. Đều có nơi tôi. Tôi lẩm bẩm trong miệng và bật tiếng cười khan. Khôi hài. Thật khôi hài. Đến ngay cuộc đời, là sự sống, là sự chết còn không thuộc quyền định đoạt của tôi, huống hồ chi những điều ấy, tôi nào có quyền chọn lựa. Nó tất nhiên, nó như là nó đã. Tôi không thể khác hơn cái mệnh số tiên thiên của mình. Tôi được sinh ra ở lưu vực sông Đáy. Những giọt nước đầu tiên, người ta rửa ráy cho tôi lúc vừa lọt lòng mẹ, là những giọt nước được múc lên từ đó. Từ con sông mà trọng lượng nước của nó, đã sẵn có hạnh phúc chứa chan, có khổ ải đơm đầy của giòng dõi tôi. Tôi sinh ở Bắc, nhưng tôi đã trưởng thành ở đây và biết đâu, một ngày nào, tôi chẳng chết ở một chốn nào khác, cũng biết đâu chừng, thịt xương tôi lại chẳng tàn rữa ở thị trấn này. Cái thị trấn được nuôi dưỡng, được dựng thẳng nhờ ống xương sống thành kiến, óc địa phương cùng những quan niệm về một hệ thống giá trị mới. Thứ hệ thống giá trị được xây dựng trên căn bản vật chất.
Có tiếng ba Thuận ho khan sau chiếc tủ đứng. Thuận uể oải đứng lên, bước lại phía phát ra tiếng động. Mấy giờ rồi con? Má Thuận cất tiếng hỏi giọng đục đục như mang theo nhiều hơi đất ẩm xông lên trong khoảng không nát thâm, bầm tím bóng tối. Những trái sáng từ bên kia sông vẫn được bắn cao, nở bung rồi phụt tắt trong màn mưa dầy đặc. Những lùm cây như xích lại gần nhau hơn. Cành lá vật vờ, nghiêng ngả, cho người ta cái cảm tưởng một bầy con gái xõa tóc, dăng tay trong một điệu luân vũ cứng chết. Mưa vẫn xối xả và xẹt lửa của sấm động cắt xé không gian thành từng mảnh lớn. Những giòng nước đẫm tuôn từ mái tôn xuống, xoáy dí những viên sỏi chung quanh căn nhà chòi. Tôi nhắm mắt, ngoẹo đầu cố quên tất cả, mặc cho tâm trí lều bều trôi theo giòng nước.
Chợt một mùi hương quen quen đâu đó, thoảng đưa làm các giác quan tôi bật dậy, trông ngóng. Tôi nghe, nằng nặng ở một bên vai. Mùi hương thoảng bay từ đó? Hình như có mái đầu ai tựa vào, có làn tóc ai bay lòa xòa trước mắt, có bàn tay ai quờ quạng tìm nắm bàn tay tôi, có hơi thở ngào ngạt. Hơi thở ai đó, làm tức nghẹn ngực tôi. Mùi hương của thịt da - đúng rồi - cái mùi hương đặc biệt đã bao lần tôi mơ hồ cảm thấy mình có thể cắn được, có thể nhai, có thể nuốt có thể sờ mó, đụng chạm bằng tay chân... mùi hương, trong một thoáng, chạy dọc thân thể tôi, tẽ ra, len theo từng mạch máu, xô lấn đến từng tế bào, làm hồi sinh những miền thân thể đã chết. Nhưng khốn khổ thay, làm sao có thể kéo dài được giây phút thần kỳ đó. Hương thơm đó, đối với tôi, những giọt nước cuối cùng, còn lại trong bình da của một kẻ lữ hành lạc giữa sa mạc. Tôi nằn nì, tôi quỳ lạy, tôi cúi xin. Không được. Tôi rút dao đâm chết hắn, và cướp lấy những giọt nước quý báu còn dính trong bình. Tôi dè sẻn, tôi nhín nhịn từng chút, từng chút với hy vọng hão huyền nhờ thế tôi sống được lâu hơn, hạnh phúc ở bên tôi lâu hơn. Bằng cố gắng vượt mức, tôi nhận chìm mình trong yên lặng, tôi kìm hãm cả tiếng đập của trái tim để có thể tận hưởng đến mức cùng của hương vị thịt da trộn lẫn mùi nồng ngái của những sợi tóc Thục, như cỏ ấu mọc lan trong niềm kiêu hãnh chất ngất. Tôi bóp chặt tay mình, tim thắt lại, những chiếc răng nghiến cọ lên nhau vỡ bung thành tiếng. Tâm thần tôi thẳng căng như một sợi thung dãn hết.
Không thể mất Thục. Không đời nào. Không đời...
Hình như lời thảng thốy kêu rên của tôi bị một sức mạnh nào cản chắn, thắt nghẹt. Tôi vùng vẫy, và bàng hoàng nhận ra Thuận đang đứng trước mặt. Hai tay Thuận đặt bên vai tôi, mặt nghiêng, hơi cúi. Tôi không nhìn ra Thuận, trừ hai con mắt dài, long lanh như đôi mắt rắn.
- Anh sao vậy?
- Không. Tôi trả xong lời và lấy chân khều một chiếc ghế, bảo Thuận ngồi xuống, xong quay vào phía trong. Ngọn đèn dầu ai đã tắt tự bao giờ. Chiếc màn gió ngăn một góc nhà phía trong, làm chỗ ngủ của gia đình Thuận đã được kéo kín.
- Ngủ hết rồi anh.
Tôi vươn vai, ngáp. Thuận cà đầu gối vào chân tôi. Những thèm khát đã tan nguội, trong tôi chỉ còn chán chường mệt mỏi. Nỗi mệt mỏi, chán chường của một kẻ hết sinh khí, hết ham muốn. Tôi tự ví mình như một con ngựa sớm ế độ, già nua, vì sức lực đã bị những thằng nài ranh mãnh rút hết; ngay khi chưa đủ tuổi trưởng thành. Tôi thấy rõ, thật rõ, những sợi gân ở cánh tay đã trùng ở bắp chân tôi đã dão, ở mí mắt tôi đã mất sức đàn hồi. Nó xụp xuống, xụp xuống không cách nào chống đỡ. Xụp xuống, cùng thân thể tôi nặng nề băng xuôi trên một triền dốc thẳng. Tôi cố gắng phấn đấu với chút sức lực tàn, dơ tay quờ quạng. Hình như bàn tay tôi chạm một vật gì nham nháp, giữa lúc có tiếng hít thở mạnh. Rồi tay tôi lần ngược lên, lần ngược lên. Mặt rồi trán, rồi tóc.
Tôi đã nhận ra, Thuận như chỉ chờ có thế, Thuận ôm lấy tôi. Chiếc ghế lung lay. Tôi giật mình cảm thấy chới với sắp xuống một vực thẳm hút hút. Hơi thở phì phò phà sát vào mặt tôi. Rồi cái làn da nhám nhám, sần sần. Tôi tỉnh dần theo những ngón tay Thuận len lách vào cổ vào ngực, rồi sức mạnh nào trì thấp tôi xuống.
Tôi bàng hoàng mắt mở lớn, ngơ ngác, thấy môi mình đã chạm vào môi Thuận. Cái vị nhạt, oi oi, lạnh lẽo, bốc từ khuôn mặt Thuận, từ thân thể từ đôi môi rúm khô cho tôi cảm tưởng vừa chạm phải một vật gì, một con sâu, một miếng bánh quá lửa bị nhúng nước. Tôi khó chịu, ngã người về phía sau. Nhưng Thuận nào có chịu. Lúc ấy, hình như Thuận không còn là Thuận nữa. Bản năng đã gạt rơi tất cả lớp phấn son giả tạo trên người con gái còn nhỏ tuổi, nhưng đã sớm biết thế nào là đàn ông thế nào ân ái. Mặt Thuận đỏ bừng trong ánh sáng nhờ nhờ của bóng tối. Hai hàm răng Thuận nghiến lại, cánh tay cứng cong bất thần, như hai cái càng của chiếc cần móc, bấu sâu vào cạnh sườn tôi, giựt lên. Đôi mắt Thuận, như cũng phà tỏa hơi thở nồng nồng, gấp gấp. Thuận kéo tôi sát hơn, sát hơn nữa, cho đến lúc hai đứa chúng tôi chỉ còn là một. Tôi nhắm mắt, thở ra. Đành.
Anh đang phụ tình em đây, em biết không, biết không, Thục, Thục của anh.
Mưa vẫn dạt dào trên mái thấp. Hiệp trở mình trên chiếc võng vải mắc chắn ngang lối vào. Nó chưa ngủ, làm sao mà ngủ được. Tôi buông Thuận ra cùng cơn rã rượi đè ngửa tôi nằm thở trên nền xi măng ẩm, chiếc poncho loạt soạt. Tôi nghiêng mình hé mắt nhìn ra khoảng trời mù mịt. Tiếng súng đã dứt hẳn. Những trái sáng vẫn tiếp tục đong đưa trên những tàn cây lớn. Hiệp tung tấm chăn đơn phủ mặt, ngồi dậy, ngơ ngác quay mặt ra sông, Thuận dướn người xích sát tôi. Đôi tay Thuận xương xẩu lần mò trên cổ, trên má, trên trán tôi, buồn buồn, chầm chậm với những tiếng ư... ư..., trong miệng, như con mèo đang cà thân vào cây cột gỗ.
Cuối cùng, những ngón tay ấy, lùa sâu trong óc tôi và dừng lại ở đấy. Trong một thoáng lay động, tôi chợt thấy xót xa cho cuộc tình Thục, tủi hổ với tấm gương chói lọi rực rỡ của Miện, nhục nhã và tội nghiệp cho chính mình. Chưa bao giờ tôi cảm thấy tôi dơ dáy bẩn thỉu và khốn nạn đến thế. Có lẽ cũng lần đầu tiên tôi cảm thấy mình không xứng đáng với lòng chung thủy tuyệt đối của Miện, với tình yêu đầy độ lượng của Thục, và chua xót hơn, thấy mình không xứng đáng với chính những ước ao thầm kín, những tham vọng, những khát khao lớn trùm đời sống, hằng khua rộn trong tâm hồn tôi những lúc cô đơn, những lúc nghĩ về mình, về một ngày mai sẽ tới. Tôi đưa tay quàng qua vai Thuận, vuốt dọc xuống sống lưng, hành động này của tôi, không mang một ý nghĩa nào, ngoài phản ứng tự nhiên của thói quen. Cái thói quen được lặp lại sau nhiều lần đã lì nhẵn, trơn tuột và nhãy bóng. Thuận không thể đoán biết được rằng tôi làm cử chỉ đó vì muốn xóa tan, muốn cắt rời cái im lặng sượng sần trơ trẽn đang vây quanh tôi. Cái im lặng rợn người, cái im lặng nổi gai ốc vì chợt nghe rõ tiếng đập của trái tim mình, hơi thở nặng nhọc thoát khỏi mũi mình và nhất là cái bóng dáng đích thực của con người thú vật hiển hiện lung linh trước mắt tôi. Tôi nhìn thấy nó. Thấy nó. Suốt từ đầu đến chân. Tôi nhìn thấy nó và nó cũng cố gắng mở lớn đôi mắt chỉ có lòng trắng (màu trắng lạnh buốt) với những sợi chỉ máu chạy dọc ngang, đan lẫn nhau. Nó nhìn tôi như thế và cười. Cái nụ cười không răng, không lợi. Cái nụ cười chỉ có hai vành môi mở ra với một hố thẳm hút xoáy. Tôi rùng mình, oằn người đứng dậy. Thuận vội đưa tay nắm lấy vạt áo sau, nhưng cánh tay mới dơ lên nửa chừng lại rơi thõng xuống vì tiếng đằng hắng đột ngột từ một góc nhà trong, cạnh bếp vẳng ra. Tiếng đằng hắng thật tỉnh táo và trong veo khiến tôi bàng hoàng nghĩ rằng từ lúc nãy, những việc làm của tôi, đều diễn ra trong tầm mắt soi mói, bám riết của Ba Thuận. Không biết rồi mình sẽ phải nói sao với ông ta, ngày mai, lúc trời sáng. Lúc mà chúng tôi không thể không nhìn rõ mặt nhau, không thể không nhận ra nhau trong cái quen biết đã lâu với đầy đủ nét riêng, những cái riêng tạo nên mỗi kẻ. Hiệp quay lại, đưa tẩu thuốc về hướng tôi. Tôi lần túi, dúi bao diêm vào tay nó. Lúc chạm vào tay Hiệp, tôi mới nhận ra những ngón tay mình run rẩy. Run rẩy trong nỗi lo âu co quắp. Tôi đứng chắn ngang mặt Hiệp, chờ cho nó mồi xong cối thuốc. Ánh lửa xòe loe trong hai bàn tay Hiệp khum khum, ôm lấy nồi thuốc, lông mày cau lại, những nếp nhăn trên trán, như mấy sợi thung trùng, cau có, vẻ giận dữ bí ẩn. Tôi nhíu mắt, nhìn đi nơi khác. Mùi thuốc 79 loãng tan, biến cả một khoảng không gian nức thơm mùi phấn son phụ nữ. Tôi hít đầy một ngực, cầm lấy bao diêm và xách súng ra khỏi chòi. Những giọt mưa tới tấp táp vào mặt gió lạnh luồn chạy khắp thân thể, rồi rảo cẳng băng qua con đường đất, chui qua mấy vòm cây, cành lá xòe rợp, tiến đến vệ sông. Cỏ ướt rạp xuống, đưa những bước chân tôi trượt trơn về phía trước, mấy lần suýt ngã nếu tôi không kịp lấy lại thăng bằng, trời quang với những đám mây trắng dồn về, báo hiệu sắp dứt cơn mưa. Tôi khom mình chui vào một chiếc thuyền lớn đã mục, được chủ nhân kéo dựa vào bờ cát nổi. Tám Dậu soi đèn vào mặt tôi, cười:
- Thiếu úy há thiếu úy. - Ừ, có chi lạ không. - Dạ, không. Điều trời mưa nên quan sát khó quá. Hồi hôm tưởng đụng rồi - Tụi tui thiệt tình cũng mong đụng một trận cho vui. Làm dăm “con” đem về chơi... Tôi vỗ vai hắn. Có một mình anh thôi sao? - Dạ không, có thằng Sáu nữa, nó ngồi đầu đó Thiếu úy. Tôi lần tay tìm chiếc đà ngang bắc trong lòng thuyền, phủi phủi sơ qua, ngồi xuống. Điếu thuốc mới hơi đầu mà đắng chát. Cho em xin điếu thiếu úy. Tôi xé toạc miệng bao, còn điếu cuối cùng đưa cho Dậu, xong vo tròn bao thuốc, ném vào lòng sông. Nước đã cạn khá nhưng còn chảy xiết bởi những mạch từ hai bờ đất vẫn ào ào chảy xuống. Đời sống chúng ta lúc này không hơn gì bao thuốc đó; rỗng ruột và tùy thuộc. Những vật thừa, những rác bẩn trên một giòng sông, ít nhất chúng còn biết rằng dẫu thế nào thì sau rốt cũng nhìn thấy hoặc phỏng đoán, về ngày mai của đời mình. Cái ngày mai mà chúng ta có, không khởi đi từ một dĩ vãng, một quá khứ, cái ngày mai bất thần, cái ngày mai tê điếng, cái ngày mai thắt họng, cái ngày mai sẽ đến với anh, sẽ đến với em, sẽ đến với tất cả mọi người, chắc chắn rồi, nhưng là cái ngày cho phép chúng ta kịp mở mắt trừng trừng, mở mắt hết kẽ, mở đầy lòng trắng với chiếc miệng há, há ra với không một lời.
Tôi búng mẩu thuốc vào khoảng không trước mặt. Đốm sáng vút bay rồi rơi xèo xuống nước. Dậu ngoái người nhổ toẹt một bãi nước miếng:
- Rầu ghê thiếu úy ơi.
- Chi dậy.
- Còn chi nữa. Đánh nhau hoài thế này có nước chết đói. Vợ tôi mọi bữa bán rau ngoài chợ đó, còn kiếm chát được dăm ba chục một trăm. Từ ngày lộn xộn tới giờ bữa đực bữa cái. Hai con nhỏ lớn đi bán phụ với nó cũng nghỉ nhà luôn. Lương tôi đâu đủ cho sáu bảy miệng ăn, lại thêm ba cái hụi ngày, hụi tuần nữa. Chắc có nước trốn luôn.
- Ừa thì ai không dậy. Đâu riêng gì cậu, nhưng không lẽ cứ thế này mãi sao, rồi cũng có lúc yên chứ.
- Liệu yên không Thiếu úy... Dậu ghé gần. Tôi đọc được lời khẩn khoản trong giọng nói và điệu bộ của hắn lời đáp “yên chứ”. Yên chứ. Chắc không. Tôi chặc lưỡi, chắc mà. Chắc mà, nhưng tôi không đủ can đảm ngồi nán thêm. Lấy gì, căn cứ vào đâu, tôi dám bảo rằng chắc, chắc chắn là sắp rồi, trong khi chính tôi, tôi còn không biết số phận mình, một giờ sau đấy. Tôi chui ra khỏi khoang thuyền cùng tiếng nói của Dậu đuổi bám sau lưng” Nếu dậy tui khỏi cho vợ con tui đi làm sở Mỹ, làm sở Mỹ là tiêu vợ tiêu con, tui biết mà; nhiều người cũng biết vậy nữa, không lẽ nhịn đói nhìn nhau.
Mưa tạnh. Chỉ còn những giọt nước từ cây rụng xuống trong mỗi cơn gió thoảng. Trời mát và mở lớn, bát ngát. Bầu trời cao thêm với những dợn mây trắng trên nền xanh tím. Tôi ngửa mặt, ưỡn ngực, vươn vai, những khớp xương rãn ra, kêu từng tiếng nhỏ. Tôi trở vào ngôi chòi, tìm về chỗ ngủ của mình. Vừa bỏ súng và tháo dây đạn đặt xuống bàn; tôi bỗng giật mình, thấy Ba Thuận ngồi thõng tay chân trên chiếc ghế đẩu, gần kế đầu chỗ nằm. Má Thuận đứng sau lưng, đặt hai tay lên vai ông ta. Đẫu giựt mình, sửng sốt, tôi cũng không thể không có ý nghĩ khôi hài về cái hình ảnh này. Tôi nghĩ ổng bả đang sắp sửa chờ chụp một “pô” hình kỷ niệm nhiều hơn là chờ đợi rình rập. Ai? Tôi có cảm tưởng như ổng bả chờ tôi. Chờ hay rình rập tôi. Làm gì mới được chứ. Tất cả đã qua và đã xong. Xong đi, như một lầm lẫn sắp có, và không thể khác. Tôi đảo mắt tìm Thuận trong mắt nhìn chăm chăm của má nàng. Tôi không thấy rõ, đúng hơn là tôi cố tình lẩn tránh những con mắt lặng lờ, chết cứng đó, nhưng tôi biết, họ đang nhìn tôi bằng tất cả căm thù, uất hận. Thì đã làm gì nhau? Tôi nghĩ thế. Tại sao ông bà không nghĩ rằng con gái của ông bà đã quyến rũ tôi, hay ngược lại tôi đã làm một việc nhân đạo, một ban phát hạnh phúc thừa thải, một yêu thương giả dối, đắp điếm cho một thiếu hụt lõm sâu của tâm hồn Thuận cạn khô, nẻ nứt. Tôi nghĩ rằng người ta sống, chỉ bằng những không thực nhiều hơn thực. Giả ví thử người ta có thể sống bằng cái thực, nhiều hơn, có lẽ, lúc đó đời sống biết đâu, chẳng còn gì đáng để sống nữa.
Tôi làm lơ, đặt lưng xuống nền nhà, chợt nhớ lại hình ảnh như Thuận không có trong chòi. Thuận đi đâu? Những gì đã xảy ra cho Thuận khi tôi rời khỏi nơi này? Ba má Thuận đã phát giác ra hành động của chúng tôi? Thuận đã nhục nhã bỏ đi, đã tủi hổ tránh mặt? Tôi trở người, hé mắt nhìn ra khoảng vườn cây. Trăng tỏa ánh sáng xanh mướt trên nền cỏ nước sũng. Những thân cây sao vạch một đường thẳng đâm đâm lên đỉnh mây cao. Hiệp ơi, ngủ rồi hả. Tôi gọi khẽ. Cái ống vố còn bị kẹp chặt trong hai hàm răng nó nhe ra, trắng ởn. Dưới ánh trăng, Hiệp ngay đơ tay chân, như một khúc thịt với những nét gẫy thành cạnh, cái đầu ngoẹo, ngả hết vào lòng với những lọn tóc dựng ngược để trơ một vuông trán dô nhăn với đôi lông mày rậm. Trong dáng ngủ của nó, còn phảng phất nổi âu lo dằn vặt. Tôi chua xót nghĩ đến gia đình tôi, đến Thục, đến Miện ở những khu kém an ninh. Đêm đêm họ cũng đến với giấc ngủ trong bộ dạng như thế. Nổi hoảng hốt phập phồng về một bất trắc của đời sống, sự chết đã co rút đời chúng ta, chúng ta xâm chiếm đến cả ngủ, giấc ngủ cũng không còn là của riêng của con người, dù ở chốn nào, sự bình yên thản nhiên bây giờ hầu như là một báu vật hiếm hoi. Trăng sáng hơn nữa. Có tiếng sì sào đay nghiến của má Thuận:
- Tại ông hết đó.
- Sao lại tại tui. Tại bà đó. Bà chiều nó quá nên nó mới hư chứ bộ.
- Ủa, lãng chưa kìa ai biểu ông đập nó? Tui đã nói có chuyện chi thì rầy la nó sơ thôi. Rầy la cho nó biết lỗi, sau này đừng dậy nữa. Chứ tui sinh ra nó, bộ tui không rành tính nết nó sao. Nó khó biểu, nó cứng đầu quá mà. Ngay từ hồi nhỏ. Ông không thấy đã có lần nó nhịn ăn cả mấy ngày vì ông đập nó quá tay sao. Bây giờ biết tìm nó ở đâu đây? Đồ ngựa. Bà Ba buông thỏng một tiếng, không biết nhắm vào ai, với chiếc mặt đầy bự thịt nghếch cao, hướng ra ngoài chòi.
Có tiếng trẻ khóc ré ở trong bếp, bà Ba lật đật chạy vào. Ông Ba như thoát nợ, đứng dậy vươn vai ngáp lớn rồi đi vòng ngang trên đầu tôi. Những bước chân ông ta như được hướng dẫn bởi men rượu, loạng choạng, ngật ngưỡng. Chiếc bóng nhỏ bé gầy gộc đổ xuống nền xi măng một hình thù quái dị. Khi ngang qua đầu tôi, ông có ý chậm lại, ngần ngừ muốn làm một hành động gì đó rồi lại thôi. Tôi hé mắt theo dõi ông, không phải để đề phòng một quá trớn mà ông ta có thể dành cho, nhưng phòng ông có té ngã, ngay lập tức tôi có thể đỡ ông dậy và dìu vào bếp... Thực tình, lúc ấy tôi thấy xót xa, tội nghiệp cho ông nhiều hơn là khó chịu.
Cũng chẳng hiểu bởi đâu, tôi có cái tình cảm đó. Chỉ biết rằng tôi không thể thản nhiên khi thấy cái bóng rúm co của ông nhấp nhô, siêu ngả, giựt giựt như người đi nạng. Hình ảnh ông làm tôi liên tưởng tới hình ảnh của một con khỉ cọc còi. Một con khỉ già được nuôi trong chuồng sắt, ngày xưa còn bé, tôi vẫn thường đến ngắm nó, trong sở thú. Sáng hay chiều thì nó cũng chỉ có một chỗ ngồi, chạc cây giả đắp bằng xi măng, chĩa ra gần cái hồ nước rêu xanh. Nó ngồi đó, đôi mắt nhỏ lờ đờ gần chết trên những chuyển động chung quanh, với tất cả vẻ hờ hững, chán chường của một kẻ thất chí, một kẻ sống gần hết đời, nay tới lúc trí đã cùn, lực đã cạn, ngồi gậm nhấm nỗi ê chề thảm thiết của phận mình. Mỗi khi nhìn nó trong ánh mắt vàng ruột nhãn, bằng trí óc non nớt, tôi thầm nghĩ, nó muốn nói với tôi, một điều gì đó. Một điều gì mà tôi không thể đoán nổi, cũng như nó, không thể bộc lộ được. Những lúc nó đăm đăm nhìn tôi, rồi chớp mắt, tôi thấy như tròng mắt nó được tráng bởi một lớp nước mỏng, lớp nước đã đùn những cục ghèn đen sùi về hai khóe. Những lần bị xúc động thái quá tôi đã lấy hết can đảm nhắm mắt bỏ một đồng bạc quá anh Quỳ phát cho mỗi sáng, mua cho nó một gói lạc rang. Tôi để ý có đến cả chục lần, con khỉ già đều từ chối gói lạc hảo tâm của tôi. Khi tôi luồn gói lạc vào song sắt, nó kêu khẹc khẹc và đấm ngực bộp bộp. Hồi đầu tưởng nó không thích lạc, tôi đổi món chuối, nó cũng vẫn một thái độ giận dữ như vậy, và cuối cùng thì món quà của tôi lọt vào tay những con khỉ con. Những con khỉ này thường bám song sắt gần đấy bất thần leo tụt xuống chộp lấy món đồ ăn rồi leo tuốt lên cao vừa ăn vừa hí hửng, nhìn tôi mai mỉa.
Hình ảnh con khỉ đập ngực gợi tôi nhớ lại hình ảnh ông Ba những đêm quá chén cũng tự đấm ngực mình thùm thụp như vậy. Khác chăng là ông, vừa đấm ngực mình vừa không ngớt rủa xả vợ con đã khi dể ông. Lúc say tất nhiên phần lý trí coi như chết. Nhưng tôi có cảm tưởng rằng trong cái hành động tự đày đọa, tự dày vò thân xác mình, của ông Ba, nó vẫn mang một ý nghĩa hành hạ lòng trắc ẩn, tình xót thương máu mủ, ân nghĩa của vợ con. Đã bao lần Thuận than với tôi về cha nàng, Thuận bảo; lúc còn trẻ ông đã hành hạ vợ con với những bỏ bê, vô trách nhiệm đối với gia đình với con cái, chưa đủ sao mà lúc về già còn bêu xấu vợ con thêm nữa.
Tuổi già trong trường hợp nào thì cũng là một cái nợ của con cái, một bêu xấu hay một mặc cảm, cộng thêm cho những mặc cảm vốn sẵn có ở trong mỗi người được sinh ra. Tôi dám chắc, không một đứa con nào không thấy cha mẹ già của mình là một cái gì đáng buồn tủi cho họ. Chỉ có ít hay nhiều mà thôi. Thoáng chốc hoặc như một ám ảnh thường xuyên. Trường hợp của Thuận. Để bù lại những sự chịu đựng vượt mức đó, bà Ba quay lại nhiếc móc, rủa xả con cái. Đứa em trai Thuận thằng bé mới mười bảy tuổi đầu, vì không chịu được cái không khí gia đình lúc nào cũng nồng nặc men rượu, âm ỉ, chứa chất những lời cay nghiệt, đay nghiến của người mẹ già (chưa chịu khuất phục sự khắc nghiệt của định luật tàn phá thời gian) nó đã đầu quân đi lính BĐQ. Tiền đầu quân của bốn năm khi ký giấy tình nguyện, cũng là món tiền lớn lao nhất đời nó. Một món tiền mà nó hằng mơ ước - mơ ước thèm khát như mục đích đến cao quá tầm tay, và cũng là món tiền lớn lao duy nhất trong đời nó - vì nó chết ngay sau khi rời nơi thụ huấn trở về đơn vị, số lương binh nhì hai ngàn bảy mấy chục một tháng nó chưa được sờ tới một xu mặc dù nó đã có cả một chương trình tiêu xài tỉ mỉ số tiền lớn lao... Trong lá thư chữ trật chữ đúng viết về cho Thuận, nó kể nó sẽ chia số tiền đó vào những công việc sau: Cho má ba trăm may cái quần lãnh đen vì má thích quần lãnh đen mà chiếc quần cũ của bà đã sờn và rách. Cho ba một trăm, muốn nhậu gì thì nhậu. Riêng Thuận, nó sẽ cho Thuận bốn trăm, may cái quần cao bồi “mặc với người ta cho có” (khi đọc đến đây Thuận đã mỉm cười, nghĩ nếu có khoản tiền đó, Thuận sẽ không may quần cao bồi. Đi đâu mà may quần cao bồi, hơn nữa may cho ai mặc, nhưng Thuận sẽ trích ra hai trăm làm lại cái tóc đã ruỗi hết, đỏ cạch như gạch, và còn hai trăm kia dùng để mua lại cái cà rá có nhận đá ngọc thạch bằng vàng giả của con Tý bên xóm chợ). Nó cũng kể luôn với Thuận rằng số còn lại, sau khi trừ tiền cơm sẽ để dành hôm nào về phép, đi coi cải lương với con Hậu con bà Chín Đởm bán xôi, đi dạo phố và ăn tiệm nữa. Nó sẽ mặc nguyên bộ đồ rằn ri đi riểu riểu ngoài phố cho nó có vẻ ta đây, ủa quên, nó còn định mua một bản nhạc gì đó, có câu “lính là lính đa tình..., tình anh là tình lính” cho con Hậu hát chơi những lúc nó vắng nhà. Nhưng chiếc quần lãnh đen mà nó muốn đem đến cho má nó, chiếc quần cao bồi cho Thuận, bữa nhậu thiệt đả cho ba, hai cái vé cải lương và một bản nhạc lính đa tình, tất cả đã biến thành những giải khăn sô, những vuông vải thâm trên ngực, trên ve áo, những người thân yêu của nó. Có một điều Thuận băn khoăn, không biết lúc chết, nó có biết rằng nó sắp chết không và nếu không thì ước mơ kia của nó sẽ còn rực rỡ còn nguyên vẹn như một hạnh phúc tuyệt vời, đem theo làm quà về cõi khác.
Khi tin thằng em trai Thuận chết về đến gia đình không biết ông Ba, thâm tâm có buồn khổ lắm không, nhưng hiển nhiên, ông là người được hưởng nhiều lợi lộc nhất, nhờ cái chết của con ông, vì ông được dịp, có cớ chính đáng để be bét suốt ngày mà không ai dám phiền trách. Ông cũng là người nhớ những ngày giỗ 49, 100 ngày của con ông hơn bất cứ ai trong gia đình. Ông nhắc nhở, nhẩm tính, trừ, cộng từng ngày. Khi người ta đem xác em Thuận về, bà Ba khóc bù loa bù loa, lăn lộn, kể lể, con ơi, con ơi con bỏ má đi rồi, còn ai may quần lãnh cho má con ơi.
Khi già, sự thực người ta không sống bằng dĩ vãng mà bằng nơi những hên xui, may, rủi của con cái, vai trò của họ chỉ giản lược vào việc giỗ chạp, cúng cáp mà thôi, vì thế, người chết, có lẽ chính là ân nhân, là chiếc phao cứu vớt, là chiếc cầu nối liền những người già cả trong ngày cuối cùng của đời họ với đám trẻ đang lớn, đang sống với đầy rẫy mặc cảm. Bởi nếu không có người chết, không có tổ tiên, để có cúng giỗ, thì người già chỉ còn là cái bóng quẩn, đôi khi làm bận chân con cái, bận bịu chiếm giựt số thì giờ quý báu mà nó phải dành hết cho những mưu toan kiếm sống.
Chúng ta sống không phải để sống mà để lo cho có và còn sống, mãi trong một cảnh tượng đời sống không phải của mình. Đến bây giờ tôi mới thấm thía câu nói của Nụ. Nụ đã nói như vậy với tôi trước khi tôi rời nàng, rời cái miền muôn năm biển động, nghìn năm bóng núi cô đơn vây bủa, che đùm quấn bưng cả cảnh đời hỗn loạn, rửa nát - một đời sống không có dấu tích nào, khả dĩ để người ta có thể biện biệt, có thể nhận ra đó là một cảnh đời Việt Nam, trong một thị trấn Việt Nam lúc nhúc đói bẩn. Bây giờ cũng bây giờ, tôi mới hiểu tại sao Nụ muốn chết, tại sao trong mắt nhìn mọi người Nụ là một người điên, một cô giáo khùng, một hồn lẻ loi, một bóng chim lạc.
Ông Ba lẩm bẩm khoa tay, chỉ về phía trước rồi săm săm tiến về phía cây cao bụng.
Trong khu vườn gần như bỏ hoang này, có một gốc cây thật lạ. Thoạt trông tưởng cây sung vì thân to, vỏ trắng, cành xòe rộng. Nhưng nhìn kỹ thì lá rất nhỏ và có những khía răng cưa như lá dâm bụt. Vào giữa mùa hè, lúc những trận mưa đã bắt đầu đậm hạt, từ mỗi chạc của cành cây, đâm ra một bông hoa lớn cánh đỏ thắm, dầy và mịn như những bông hoa gạo, mở hết cánh, bè bè, với một nhụy hoa to có lấm tấm nhiều phấn bụi vàng, chính giữa có một cái vòi cong và thắt dần ở cuối, trước khi tẽ ra thành nhiều một tay sợi nhỏ mong manh, chỉ nhích hơn sợi chỉ một chút, cũng mầu đỏ. Những sợi này khi dài quá sẽ uốn lại và quấn quanh ngang cái vòi chính. Dân bản quán cũng không biết tên đích thực của nó là gì. Họ gọi ngay nó là cây cao bụng vì ở khoảng giữa thân cây, tự dưng nó sùi lớn, chương lên với một cái lỗ sâu hoắm. Ở lỗ này, thỉnh thoảng có những con chim đem nhau đến làm tổ. Nhưng không đôi chim nào không được toàn vẹn thân xác sau khi đã ấp nở lứa trứng đầu tiên ở trong cái hốc đó. Người ta đồn rằng thân cây này rỗng ruột và đó là tổ của một cặp rắn hoa lâu ngày đã thành tinh. Cặp rắn này hồi đầu đến làm tổ ở đây, rất hiền, không làm hại ai hết. Thực phẩm hàng ngày của nó là cóc nhái, là những con thằn lằn, những con tắc kè hay những chú chim khờ dại, tính chúng không bao giờ rớ tới gà vịt của đồng bào. Chúng có thói quen chỉ rời tổ lúc trời đã tối, sương đã bắt đầu thấm lạnh từng bụng lá. Vào những đêm trăng chúng thường không đi kiếm mồi mà quấn cuộn lẫn nhau hoặc nối đuôi làm thành nhiều vòng quanh thân cây. Có nhiều người đã quả quyết rằng vào những đêm trăng như vậy, chính mắt họ đã thấy cặp rắn ân ái với nhau. Con đực có một chấm đỏ lớn ở đỉnh đầu và con cái có chấm xanh dương. Nhưng từ khi trong vùng xuất hiện thợ săn, không rõ từ đâu tới, vì nghe đồn cặp rắn có bộ da tuyệt đẹp và lạ nên rắp tâm hạ sát bằng được đôi rắn này, hy vọng không những có được bộ da rắn đáng tiền mà có thể còn lấy được ngọc trong miệng chúng. Vì thế, một đêm trăng thượng tuần: tay thợ săn rành nghề kia đã rình rập đôi rắn từ lúc trời còn chạng vạng. Mãi khuya đôi rắn mới xuất hiện. Vì là một đêm trăng nên đôi rắn không đi săn mồi. Chúng bò lên, bò xuống nhiều lần trên thân cây, quấn thành vòng kế tiếp nhau trông như một cuộn thừng lớn, nhiều màu. Tay thợ săn hồi hộp theo dõi mãi cho tới lúc chúng say vùi ân ái mới rời khỏi chỗ núp ra tay chém xã một đường dao đã đo lường tính toán trước. Kết quả là con rắn đực chết ngay tại chỗ, bị chém đứt khúc đầu. Riêng con rắn cái may mắn thoát được, tháo chạy. Người thợ săn chừng không mấy hài lòng với kết quả của mình, ông ta đã ra công đợi chờ con rắn cái trở về để hạ thủ nốt cho trọn cặp. Gã rình rập đợi chờ có tới hơn một con trăng mà con rắn cái vẫn không trở về, gã chán nản bỏ đi nơi khác. Khi gã thợ săn đi khỏi con rắn cái không biết từ đâu lại xuất hiện ở chỗ cũ. Cũng từ đó chòm xóm xảy ra nạn mất gà vịt luôn. Lúc đầu người ta nghi ngờ lẫn nhau, sau họ điều tra ra thủ phạm không ai khác hơn là con rắn cái ngày trước hiền lành vô hại. Nó luôn luôn xuất hiện bất thần tại những cành cây thấp mỗi khi gặp ai đi qua, sơ ý, nó lao tới mổ một phát chớp nhoáng. Mà trớ trêu thay, một khi bị nó mổ trúng, bất cứ đâu, trên thân thể thì chỉ nội trong ngày đó, nạn nhân tắt thở, không phương cách nào cứu được. Đồng bào đã có ít nhất trên ba người thác oan vì nó. Do đó hễ xẩm tối là là không còn ai dám bén mảng tới khu cây cao bụng nữa. Thoạt đồng bào cho rằng: Sở dĩ nó đổi tánh trở nên hung bạo ác độc vì muốn trả thù cho cái chết của chồng, chắc chỉ một thời gian ngắn thôi nó sẽ trở lại bình thường. Không ngờ càng ngày, nó càng lộng hành. Không những nó ăn thịt gà vịt trong xóm mà còn mổ chết cả lợn, chó, trâu, bò.
Đêm nào, khi trời vừa xẩm tối, nhất là vào những đêm trăng hay mưa gió lớn, người ta nơm nớp lo sợ nó xuất hiện. Đi đến đâu nó đều đem theo một mùi hôi và tiếng rít ngắn như những đoạn sáo lạc giọng. Biết vậy, nhưng cả xóm không ai đủ can đảm, đứng ra lãnh trách nhiệm diệt trừ con ác xà, nhất là sau cái chết rùng rợn của Chín Chiếc. Chín Chiếc là một thanh niên vạm vỡ, có tiếng là ngạo ngược nhất xóm, khi thấy đồng bào bị khổ sở vì sự tác quái của con rắn cái này trong một phút bốc đồng y đã đứng ra hứa giết nó, mặc dù nghề của y là nghề đơm cá. Trước tinh thần tự nguyện hào hùng của Chín Chiếc bà con đôi ba người góp tiền một bữa nhậu thấy cả chín mười ông trời xanh.
Là một thanh niên lớn bên con sông một năm hai mùa nước lớn, bố mẹ chết sớm, Chín Chiếc vốn quá quen với những bất trắc những hiểm nghèo của cuộc sống, nên y lấy làm khoái trá và hãnh diện vô cùng khi thấy mình quan trọng, to lớn trong mắt nhìn của chòm xóm. Y thề sẽ bắt sống con rắn để lấy máu uống với rượu. Uống rượu máu rắn thì quả không còn gì bổ hơn, nhất là đối với tỳ phế.
Hôm đó, buổi tối đến thật nhanh. Chín Chiếc nai nịt gọn gàng, bôi khắp mình một thứ thuốc nhờn nhờn trừ rắn, mua trên chợ của một ông thầy Tầu, xong giắt vào cạp quần một con rựa nhọn, loại rựa của những người đi rừng, mũi quắm. Chín Chiếc cũng không quên đem theo cây xiên cá và chiếc đèn pin nhỏ. Thâm tâm y tự nhủ chỉ dùng đến cây xiên hoặc con dựa trong trường hợp vạn bất đắc dĩ mà thôi, thượng sách là phải bắt sống. Dân xóm chài ở ven sông gần nhà Chín Chiếc nhớ rõ rằng Chín Chiếc ra đi lúc con trăng thượng tuần vừa mới lên khỏi mí nước sông ở cuối dòng, chỗ eo rộng trước khi đổ vào biển. Y nói lớn với bà con trễ lắm sẽ về vào quảng nửa đêm hay canh gà gáy sáng đầu tiên. Một số ông già, bà lão, cầm chân hắn, nắm tay, sờ vai hắn ngỏ lời chúc lành. Hắn cười luôn miệng: yên trí mà, tôi sẽ đãi bà con một bữa thịt rắn thiệt ngọt. Chịu chơi mà. Chưa dứt tiếng, Chín Chiếc đã gạt mọi người, săm săm bước vào xóm, trên con đường đến cây cao bụng.
Gã thanh niên, trong một phút bốc đồng, ngỏ lời đứng ra cứu hàng xóm bỗng dưng thấy mình như một anh hùng kiệt liệt. Một thứ người hùng cô đơn với mấy ly rượu chảy tan trong mạch máu. Mấy hôm, trước đêm quyết định động thủ gã thanh niên đã dò xét đường đi nước bước của con rắn quỉ quái kia. Y nhận thấy trước con rắn có thói quen rời tổ đến mé sông bằng con đường đất nhỏ. Con đường này, xưa được xẻ ra để một số đồng bào ở xóm trên đi lấy nước cho gần, sau, không hiểu sao đó bị bỏ hoang, cỏ hai bên lề lan lấn vào lòng đường, lâu dần con đường chỉ được nhận ra nhờ khoảng đất nhờ nhờ dưới lớp cỏ non. Vì đã định trước, nên gã thanh niên chọn lấy cho mình một địa điểm thật thuận lợi, đó là gò đất cao ở bên hông con đường chính dọn về xóm dưới. Tại gò đất cao này, y có thể ngồi rình hoặc nằm dài trên đó mà vẫn quan sát được chung quanh. Trong trường hợp nguy hiểm, y có thể chạy rút vô xóm, chỉ cách chừng ba chục bước.
Nhằm dịp đầu tháng, nên trăng thượng tuần mọc sớm, sau một ngày nắng nỏ, trời xanh trong và cao vút. Gió ru mất rặng tre già, đều đều như nhịp võng khuya, trong tiếng hò xa xôi đồng vọng. Thời gian chầm chậm trôi qua, từng khắc, từng khắc uể oải, lừ đừ như không muốn đi.
Bao thuốc lá thơm của ông già đầu xóm tặng y đã gần hết. Trăng mỗi lúc một rực rỡ. Ánh sáng trong suốt đến ớn lạnh. Những háo hức, hào hứng của phút giây ra đi tan nguội dần trong lòng gã thanh niên, lúc trăng đã muốn xế mà vẫn chưa chút động tĩnh nào. Hay nó đoán biết được rắp tâm của mình nên không rời tổ? Hay nó đã đi sớm hơn thường lệ? Hay nó đổi hướng kiếm mồi? Hay... Hay... Bao nhiêu ý nghĩ quay cuồng trong đầu óc, con rựa trong tay y đã mỗi phút một thêm trĩu nặng. Đôi lúc ý tưởng tìm đến tận tổ của con rắn, chờn vờn trong tâm trí, nhưng y vội vàng gạt phắt ngay. Chưa ai dám làm việc liều lĩnh ấy. Y chặc lưỡi, tự nhủ phải mất nhiều đêm, mới hy vọng thanh toán được. Ý tưởng này làm gã thanh niên hài lòng. Y bò dài người trên gò đất, thả mặc cho trí tưởng tượng mộng mơ của hắn bay về nơi người con gái bên kia sông. Người con gái hắn chỉ mới thấy loáng thoáng trong khoang thuyền, một sớm, trời còn mù sương, hắn thả về ở giữa dòng. Người con gái có khuôn mặt, tròn, bầu bĩnh, có mái tóc búi một núi to, để lộ chiếc gáy nõn nà, như gióng tre non, như một khúc măng nứa sau khi đã lột nhiều lớp vỏ. Y tơ tưởng sau việc làm hào hiệp này tất cả chòm xóm ai ai cũng biết tên y. Nhân đó, sẽ nhờ một cụ già trọng tuổi và có uy tín nhất, đánh tiếng hỏi cô gái trong khoang thuyền, một sáng đầy sương giữa dòng cho y. Y sẽ sửa sang lại chiếc thuyền của mình, để cũng có một khoang riêng làm buồng, như người khác. Chiều chiều y sẽ ngồi vắt vẻo trên mũi thuyền, miệng ngậm điếu thuốc vấn thật to, một tay giữ cần lái, một tay xoa xoa cái bụng đen sắt lại thành từng múi, mắt mơ màng nhìn sông nước, tai lắng nghe từng tiếng động ở cuối thuyền, và chốc chốc y lại có dịp phập phồng hít hà mùi thơm phưng phức của lát hành cháy veo trên chảo. Người con gái (lúc đó đã là vợ y) sẽ nói vọng từ cuối thuyền: mời anh vô ăn cơm. Gớm, câu nói ấy mới ngọt ngào và dễ thương làm sao. Một câu nói mà từ thuở lớn lên y hằng ao ước được nghe, dù chỉ một lần trong đời.
Rồi, chỉ trong thoáng sau, y lại có cảm tưởng y là một thứ Trương Chi và người con gái kia là Mỵ Nương. Y bỗng thèm cất tiếng hò khoan. Y há miệng ra. Chợt nhớ, mình không biết hát hò. Y ngượng ngùng với chính mình và tự bào chữa, dầu vậy, biết đâu, nàng chẳng biết hò. Ừ, biết đâu chừng. Con gái mà. Nàng hò thay cho mình, thì cũng vậy. Có khác chi. Và gã thanh niên thiếp ngủ trong tiếng hò mơ hồ của người con gái có khuôn mặt bầu bĩnh, có mái tóc búi thành một núi, để lộ gáy trắng nõn nà, như một gióng tre non.
Sáng sớm hôm sau, người ta thấy gã thanh niên nằm chết co quắp cách mô đất chừng hai thước. Toàn thân y tím bầm, chiếc rựa với vết máu đã khô, tênh hên trên cổ, sát kề ngay mặt y. Cách xác chết non mười thước, người ta còn thấy nhiều vết máu khác. Những vết máu này nhạt dần rồi mất hẳn khi đến gần mé sông. Không ai biết đích xác chuyện gì đã xảy ra, chỉ duy một điều được ghi nhận là từ đó, không còn ai thấy con rắn cái kia xuất hiện. Nó đã chết hay bỏ đi nơi khác, không ai dám cả quyết; nhưng thẩy đều lộ vẻ vui mừng và thầm tiếc thương cùng ghi ơn gã thanh niên nọ.
Tuy nhiên, nỗi mừng rỡ của đồng bào trong xóm chưa trọn được một tuần trăng đã liên tiếp xảy ra những chuyện khủng khiếp huyền hoặc khác như cái chết bất ngờ của gã thợ săn. Mới đêm trước gã tạt về xóm thăm bà con và ngồi nhậu nhẹt với một số kỳ mục trong xóm. Gã huênh hoang tán tụng chiến công của mình thế mà, sáng ra, người ta đã thấy gã treo cổ chết ngay dưới tàn cây cao bụng. Tiếp đó, súc vật trong xóm lần lượt mắc phải một chứng bệnh kỳ lạ: chương bụng, và chỉ trong vòng năm ba ngày là lăn bổ ra chết. Không một ai tìm được nguyên nhân, trong khi bệnh lan truyền thật nhanh. Sau không biết ai đưa ý kiến lập cái miễu nhỏ, thờ cặp rắn và gã thanh niên kia. Họ nghi rằng đôi rắn và gã thanh niên đã chết nhằm giờ linh thiêng sao đó. Ý kiến đưa ra được mọi người tán đồng ngay. Nên ngôi miễu được thành ngay sau đó. Chẳng biết do một sự trùng hợp tự nhiên hay quả đúng có sự báo oán, mà sau khi miễu thờ được dựng lên, bệnh dịch từ từ thuyên giảm trước khi tuyệt hẳn. Một số người còn cả quyết rằng miễu thờ linh lắm, ai muốn cầu xin điều gì cũng được, nhất là cầu xin về chuyện tình duyên ngang trái...
Nghe Thuận kể, tôi đã cười, bán tín bán nghi hỏi đùa Thuận, đồng ý là ngôi miễu thiêng thiệt. Nhưng riêng Thuận, Thuận có tin không và đã cầu thử điều gì chưa? Thuận trợn mắt, lập nghiêm, bậy nào, tin chứ. Tin lắm, Thuận chưa cầu chi hết. Tuy nhiên, chắc chắn một ngày gần đây, Thuận sẽ cầu xin cho Thuận một việc (Thuận ngập ngừng, quay đi nơi khác). Việc mà Thuận sẽ cầu quan trọng lắm, Thuận nghĩ là sẽ được. Tôi gặng hỏi, Thuận có thể nói mí thử anh nghe không? Thuận xí, đâu được. Hai má Thuận lúc đó chợt ửng đỏ, đôi mắt chớp nhanh hàng mi rung động và mái tóc đong đưa theo nhịp đầu lúc lắc. Tôi nghĩ tôi đoán được niềm mơ ước thầm kín mà Thuận đang ấp ủ. Điều này khiến tôi bật cười khan, trơ trẽn. Tôi nói không kịp đắn đo. Nếu chưa có một người nào thất vọng trong việc cầu xin thần miễu thì có lẽ Thuận là người đầu tiên đấy, Thuận à. Thuận vùng vằng bỏ đi.
Tôi thiếp ngủ trong hình ảnh lãng đãng của người con gái có khuôn mặt bầu bĩnh, chiếc gáy nõn nà, mớ tóc búi cao thành núi, cùng tiếng ru à ơi xa lạ, như dạt trôi từ cõi nào tới. Một cõi nào? Chốn đó, biết có không em. Thục. Thục với những quả xíu muội giữa hai hàm răng nhỏ, nhọn, cắm ngập sâu đời anh.
Cơn mưa lại bắt đầu với những trái châu không kịp nở sáng.
Tôi tỉnh dậy khi những đợt nắng đầu tiên của ngày xuyên qua vòng rào chòi lá, kẻ những vệt sáng trên nền xi măng thâm ẩm. Bãi cỏ mướt một màu xanh đẫm nước. Gió gục gặc cành cây me dại thấp ngang tầm mắt.
Hiệp đã dậy, nhưng vẫn còn ườn thân trong chiếc võng ny lông đong đưa nhẹ nhẹ. Chị Ba, người em họ của Thuận chạy giặc từ dưới xứ lên tá túc trong chiếc chòi này, đang cặm cụi lau chùi những tấm vải nhựa mầu bọc kín mặt mấy chiếc bàn vuông vức. Ông Ba vừa rít từng hơi thuốc dài vừa lăng xăng pha ấm cà phê và rót nước sôi vào mấy cái bình tích để thành hàng trên tấm phản gỗ gẫy một miếng ở góc ngoài. Trông ông như không có một liên lạc nào với người say và những cơn đấm ngực đêm qua. Chiếc quần xa lỏn trễ nải để lộ tấm thân nửa trên xám ngoét như một thớt thịt trâu ôi. Dấu cạo gió bầm đỏ xướt xát khắp người, chung quanh chiếc cổ ngẳng khô, những vết cạo gió chạy dọc xuống, như những con đỉa lớn căng bụng máu. Tôi gấp vội tấm poncho, thu dọn mấy đồ lặt vặt, xốc lại quần áo rồi đứng thẳng người, vươn vai ngáp lớn. Tiếng ngáp của tôi in là thiếu hẳn cái tự nhiên của một người còn ngái ngủ. Quả thực tôi không hề ngái ngủ, không một chút nào. Tinh thần của tôi rất minh mẫn, dù chỉ chợp mắt được vài tiếng. Hiệp xây mặt ngó, cười hích hích. Chị Ba ngừng tay nhìn tôi, rồi day qua Hiệp cười bâng quơ, xong lại cúi mặt tiếp tục công việc còn dở.
Tôi liếc vào bếp, Ba Thuận vẫn nguyên vị trí cũ và chừng đang say mê với mấy siêu nước sôi bốc khói. Tôi phân vân nghĩ tới lúc phải nhìn mặt ông ta. Liệu có đủ can đảm chăng? Mặc cảm phạm tội làm tôi lúng túng nghĩ kế lẫn trốn. Cho tôi hai cái sữa nhỏ nghe. Tôi nói nhỏ với chị Ba. Hiệp đứng dậy. Tấm thân dềnh dàng, lênh khênh của hắn choán đầy khung cửa, khi không, cho tôi cảm giác yên ổn, một nương tựa, một lá chắn, một che đậy, phần nào tin tưởng được. Hiệp tháo hai đầu dây vo tròn chiếc võng, ném lên chiếc bàn sát cạnh cửa, buông một câu vu vơ:
- Lại một ngày, chán thấy mẹ. Sống hoài thế này, chết sướng hơn.
- Chi mà mới sớm đã rầu dữ dậy thầy hai? Chị Ba nói kèm theo ánh mắt bốc đầy lửa lẳng lơ. Chiếc lưng uốn cong, làm sợi dây nịt ngực cấn sâu thành lằn bó quanh ngực chị. Tấm áo bà ba, xẻ hông, để lộ một khoảng thịt dồn ứ, Hiệp nhìn chăm chăm vào chỗ đó, lắc đầu quay đi, ngượng ngập.
Tôi đem đồ đạc đặt lên chiếc bàn cạnh cửa, ngồi xuống chiếc ghế ướt lạnh, tỳ tay ngó xéo vào lòng con sông nước đã dâng cao sát mí cỏ.
- Cho điếu thuốc mày.
Tôi tìm thuốc, chợt nhớ đã hết từ đêm qua, lắc đầu bảo Hiệp, hết rồi. Hiệp cúi xuống cột dây giầy, nhặt túi thuốc pipe, đưa cho tôi rồi khật khưởng vào bếp.
Những sợi thuốc ẩm rít rịt ngón tay nhận xuống, khó khăn lắm tôi mới mồi được cho mình một cối thuốc. Đã cố hết sức để đừng nghĩ gì về những chuyện xảy ra đêm qua, nhưng chốc chốc, hình ảnh Thuận với đôi tay vươn như rắn, hai con mắt đẹp dài và tấm thân mỏng dính nhô xương lại chờn vờn trước mắt tôi, xen kẽ là hình ảnh ông bà Ba. Chính họ là đầu mối của nỗi âu lo mỗi giây một thiết chặt, một ấn đè chĩu nặng tâm trí. Tôi nghĩ tới phút nào trong ngày hôm nay, một trong hai người, hay cả hai sẽ vào trại. Họ sẽ xin gặp ông đơn vị trưởng. Họ sẽ trình bày, sẽ kể lễ, sẽ khóc lóc. Rồi ông ta sẽ gọi tôi lên. Tôi không ngại lắm, chuyện phải đổi đi một đơn vị khác. Ở đâu thì tôi cũng vẫn không thể không là lính. Ở đâu thì cũng thế mà thôi. Cũng một cảnh tượng đời sống nhạt nhẽo, lờ đờ mà nhiều lúc tôi tưởng đã hóa điên, phát khùng vì không thể chịu nổi. Ở đâu chăng nữa thì cũng là một mảnh đất cằn cỗi, như mảnh đất này, hai ba con phố đi không đầy mười phút đã hết. Mấy quán cà phê lệp xệp của những gã ba tàu hôi hám. Mấy tiệm chạp phô với những con cá khô mốc đến không thể khô hơn, treo lủng lẳng bên mấy cái thau nhựa xanh đỏ, mấy cái bàn chải giặt quần áo, dăm cuộn thép, một hai bó bút nguyên tử gạch đến rách giấy, mực vẫn chưa ra. Đi đâu cũng thế mà thôi. Thực đó. Cũng vẫn là một mảnh đất cằn cỗi, chỉ vang động những tiếng O.K. O.K của đám lính ngoại nhân, ngã nghiêng say bên những cô gái bán dâm già đáng tuổi mẹ tôi ở Sàigòn, dù mặt họ là cả tấm da nhăn nheo bụi phấn. Đi đâu cũng thế mà thôi. Nhưng tôi vẫn sợ. Tôi vẫn sợ Thục hay biết nguyên nhân nàng sẽ buồn, sẽ tủi. Tủi cho cả một cuộc tình trong trắng đầu đời của mình. Niềm ao ước của anh là mong luôn thấy nụ cười nở ngát trên môi em, nếu không làm được việc đó, thì ít nhất, những giọt lệ lăn đi từ mắt em, nguyên nhân cũng không phải tự anh hay do anh đem đến. Tôi nhớ tôi đã nói với Thục như vậy. Khi nói điều đó, tự thâm tâm, tôi đã thành thực với chính tôi như chưa một lần thành thực đến thế. Ờ, mà tại sao Thục không được hưởng điều đó, trong tình yêu, hơn nữa, Thục lại xứng đáng. Tôi cho là Thục sẽ sung sướng, sẽ đầy đủ, sẽ hoàn toàn hơn, nếu Thục yêu một người nào khác tôi. Điều này, với tôi là một chua xót khôn cùng. Phải rồi. Làm sao không chua xót cho được khi nhìn lại mình, nhìn lại đời sống, nhìn lại tuổi thơ. Tất cả những gì tạo nên tôi ngày nay, đều có từ dang dở, đều có từ đổ nát. Tôi không thể không nói với nàng về những ngày thơ ấu đã qua. Về một thằng bé mới ba tuổi đầu đã mất bố - Về một thằng con trai mới mười ba mười bốn tuổi đầu đã lặng lẽ bước chân ra khỏi ngưỡng cửa gia đình để bước vào một tương lai vẽ nên bởi trí tưởng non nớt, để lẩn trốn những lời hằn hộc, nhiếc móc của một người anh, sớm phải đóng vai quyền huynh thế phụ. Để quên đi, quên tiệt như quên những gì trong cơn say, những bữa cơm đầm đìa nước mắt tủi thân - những đêm bó gối ngồi nhìn mãi một góc sân mưa xoi gạch cát. Tôi cũng không thể không bảo với Thục rằng, tôi không hy vọng gì một tương lai nào đó; một tương lai có chắc chắn, dễ ợt, ngon ơ, hiển nhiên, tất thế đối với người khác. Tương lai, đối với tôi, hình như còn mãi là một cái gì xa lạ, một cái gì khôi hài, một cái gì khó hiểu, một cái gì viễn vông, lãng mạn hơn chính cả tình yêu trai gái. Tôi không thể đem lại cho Thục được gì khác hơn tình tôi yêu Thục đắm đuối. Chính tôi, nhiều lúc cũng tự hỏi, tại sao? Tại sao mình lại có thể yêu Thục, không những đã đưa đến sự dứt khoát hẳn với Thi, mà còn giúp tôi quên được những ẩn ức, nhưng đau xót của mối tình đã qua từ 6 năm nay với Miện. Có lẽ tôi đã tìm thấy mình được an ủi phần nào với cuộc tình này. Tôi như con ngựa già được vỗ về, được chăm sóc bằng những bàn tay thật tình yêu thương, thật tình âu yếm. Nói một cách nào khác thì sự có mặt của Thục trong đời sống của tôi, như sự trở về của một đời sống đã mất. Không. Cũng không hẳn thế nữa. Bởi đời sống tôi, chắc đã có chưa mà bảo rằng tìm thấy. Chắc đã có chưa? Tôi muốn hét to câu hỏi ấy cho chính tôi, cũng như cho mọi người. Có lẽ chúng ta sống vì không thể chết hay chưa được chết chứ cho đến lúc nhắm mắt ai đã dám chắc đời sống đem đến cho ta những gì ta ao ước. Đời sống không đem đến cho ta những gì ta ao ước. Đời sống không đem đến cho ta một vốn liếng nào hết, ngoài sự nhục nhã, ngoài đớn hèn, ngoài nước mắt. Ngay cả tình yêu cũng vậy. Tôi nghĩ tình yêu không có mắt. Không bao giờ có mắt nhìn. Tình yêu chỉ có tay để cầm nắm, để ve vuốt, chỉ có chân để chạy đi tìm nhau trong những cơn hốt hoảng của nỗi nhớ nhung và niềm âu lo mất dấu. Tình yêu không có mắt. Không bao giờ có mắt. Nếu người ta thấy được ở tình yêu, một đôi mắt thì đó chỉ là đôi mắt bằng thủy tinh, đôi mắt giả. Giả đó. Thục đã cười ngặt nghẽo khi nghe tôi nói vậy. Chớ bộ không đúng sao? Người ta không thể yêu nhau trong con mắt mở trừng trừng, trợn ngược của lý trí. Tình yêu không thể sống được trên phần đất tỉnh thức so đo ấy. Tình yêu là con chim, con chim mù với đôi cánh lớn, vỗ ngang mỗi cảnh đời, trên đôi cánh đó, trái tim ta treo lủng lẳng và tùy thuộc nơi tình cờ, nơi đường bay không thể định trước.
- Uống cà phê đi mày. Uống đi rồi về trại.
Hiệp ngửa mặt chải giằng những sợi tóc rối cứng về phía sau. Vuông trán nhô cao bướng bỉnh một cách liều lĩnh. Tôi mỉm cười nghĩ, thân xác quả có ích lợi trong một vài trường hợp, nhưng thường xuyên thì nó là một bất xứng trong những gì còn lại. Không ai có thể ngờ rằng ở con người dềnh dàng của Hiệp, ở cái tấm thân lênh khênh, ngã về phía trước chưa một lần được thắp sáng, được gội rửa bằng ánh sáng, bằng nước mắt của tình yêu. Cái thiệt thòi và niềm ân hận lớn lao nhất của đời Hiệp là Hiệp chưa yêu ai. Chưa một lần yêu ai. Chưa một lần Hiệp ghé sát mặt tình yêu. Nó vẫn ao ước, nó vẫn mong mỏi, một ngày nào đó, nó sẽ rung động được trước một nhan sắc không cần đẹp, nhưng phải có tâm hồn. Một thứ tâm hồn phụ nữ Việt Nam xưa. Một tâm hồn chưa bị nhuộm bẩn bởi văn minh mới. Thứ văn minh mà Hiệp vẫn gọi đùa là văn minh “đồ hộp”. Một tâm hồn còn biết nhục nhã trước những thảm cảnh của xã hội, của chiến tranh mà đàn bà Việt Nam đang bị đô-la cởi lột trần truồng, thả dong trong những mắt nhìn thú vật trên khắp lề đường, nhan nhản khắp một nửa giải đất, kể cả những nơi chỉ có những hàng rào kẽm gai, chỉ có đoàn người như chuột, từ đất lên (những người sống cầm cự từng phút, từng giây trong tuyệt vọng với tử thần, với sự chết vô nghĩa và lãng xẹt. Vô nghĩa và lãng nhách vì nó được định giá).
Nhưng đã gần hết đời người, đã trên ba mươi, Hiệp vẫn chưa chạm mặt niềm mơ ước ngậm tăm bao năm đó. Hiệp vẫn không có được gì hơn, ngoài hai bữa ăn no, xách súng đi rồi xách súng về. Rồi lại ăn, lại cầm súng ra đi.
Cứ như thế, một ngày nào, Hiệp sẽ không thể về không thể về, được nữa. Nói theo giọng Phạm Duy trong bài ngợi ca tình yêu của Trương Chi thì “Đêm năm xưa ai đã trả nợ ai, ai chết đêm nguyệt rầm, đem xuống nơi tuyền đài, hận tình còn đó mong đền xong”. Khác nhau chăng là ở Hiệp, Hiệp không mắc nợ ai để mà trả hết. Hiệp cũng không có gì để mang xuống tuyền đài. Hiệp chỉ có mỗi niềm ân hận. Mối ân hận chung của tất cả mọi người trong chúng ta là chẳng may làm người. Làm người đã là một bất hạnh, và càng bất hạnh hơn nữa khi làm người trong xã hội ung thối này. Tao không biết rồi lúc tao chết, mẹ tao sẽ dùng tiền tử tuất của tao vào việc gì. Buôn bán. Ăn tiêu? Cả hai đã qua ở mẹ tao. Bà già quá rồi, không còn chút ham thích tiền của nữa. Số tiền mà gia đình tao có hiện nay, nếu cứ ngồi ăn không phải hết đời tao, may ra mới cạn. Bi đát cho bà là bà chỉ ao ước được tự tay chăm sóc ngày hai bữa cho tao. Bà chỉ ao ước mỗi ngày hai hay một cũng được, được ngồi nhìn tao ăn, những hạt cơm chín săn do chính tay bà thổi, những cọng rau muống thơm ngát mùi tỏi do chính tay bà xào. Bà chỉ ao ước thế thôi, ngồi nhìn tao ăn và không ngừng luôn tay phe phẩy chiếc quạt giấy mặc dù đã mở quạt máy. Nhưng điều ao ước cỏn con đó, có lẽ chưa bao giờ bà được toại nguyện. Ngày lớn lên, bà đã bị những náo nức của tuổi trẻ những đam mê của bồng bột trong tao, cướp mất, nguồn hạnh phúc ấy. Bà đã mất, và từ ngày tao đi lính thì bà càng thấy rõ, là bà phải cam đành tuyệt vọng. Không còn cách nào khác hơn. Đời sống đã cướp bao đứa con ra khỏi mắt nhìn chan chứa yêu thương của mẹ. Chiến tranh đã đem đi bao đứa con nguồn hy vọng tiếp nối đời sống lỡ dở, thất trí, của bao người cha. Và từ đó, bao nhiêu miếng đất đã được đào vội, vùi nông. Bao nhiêu chiếc bàn thờ đã được thành hình trong vội vàng, dấm dúi? Bao nhiêu cặp mắt úa héo chưa kịp khô dòng lệ này, đã đưa tay quệt ngang dòng lệ khác. Tao có một thằng anh chết trận. Một thằng què giò, bây giờ trở về sống bám vào đồng lương thư ký chết rét của vợ. Thảm nhất là thằng anh đã chết, lại là thằng có chung cùng tao một tình yêu mà hắn cũng như tao không bao giờ hé miệng. Phải nói rằng tao trong cuộc tình đó, hoàn toàn là một kẻ vô tình, vô tình không hay biết. Người rắp tâm, hữu ý là thằng anh tao. Nhưng ngày đó, như tao đã nói với mày, tao vô tình nên đâu hay biết gì. Ngay tới lúc người con gái bỏ nhà trốn đi mất dạng tao cũng còn chưa vỡ nhẽ. Mãi sau khi thằng anh chết, lục trong đống sách cũ của hắn, tao tìm thấy cuốn nhật ký ghi những ngày trước khi đi lính, tao mới bổ chửng. Nhưng lúc tao biết thì đã quá muộn. Quá muộn đối với cả thằng anh của tao nữa. Bởi trong cuốn nhật ký ấy, hắn có viết một câu mà đến nay, tao không thể nào quên được “Xin Chúa hãy tha tội cho con nếu quả thực vì tình yêu mù quáng, con mà Thạnh (tên người con gái) đã bỏ đi - Nếu vì con mà em con mất nguồn hạnh phúc lẽ ra nó được hưởng. Mối tiếc hận này của con, chỉ có cái chết mới xóa nhòa được. Xin Chúa chứng dám lòng con ngay thật?”
Tiếng động cơ của trực thăng tải thương bay thấp trên hàng cây sao cưa đứt tư tưởng tôi. Hiệp đưa ly cà phê lên miệng. Vẻ mệt mỏi còn vướng trên da mặt Hiệp nhăn nhúm, nhàu nát. Hiệp dằn mạnh ly cà phê xuống chiếc dĩa sành, chửi đổng một câu, ngó dáo dác bên hàng cây sao, chép miệng, chắc đêm qua lại đụng lớn rồi đó. Đánh nhau cù nhằng cù nhầy, điệu này mai mốt đến đàn bà trẻ nít cũng không còn chứ đừng nói thanh niên như bọn mình. Tôi lơ đễnh nhìn vào phía trong. Ba Thuận tỳ tay nơi thành bàn, nhướng đôi mắt vàng ệch ngó lung mấy đọt nắng sớm đã lấn tới chân thềm. Những giọt nước muộn của đêm mưa dầm còn nhỏ chậm chạp, tạo thành một đường viền quanh chòi. Tôi nghĩ đến một ngày nào không xa, chiếc trực thăng kia hay một chiếc nào cùng loại, sẽ đáp vội xuống một khoảng rừng thưa, trên một vuông đất đã được phát quang, để đón những người khi ấy, không còn biết gì. Hay nếu có nơi họ, chỉ là những lời rên la vô nghĩa, những câu chửi rủa tục tằn. Những lời nguyền cay độc, những réo gọi tuyệt vọng, trong số ấy, biết đâu chừng có tôi, không biết tôi trong trường hợp đó, có thoát khỏi những hành động như mọi người? Nhưng hiển nhiên là tôi sẽ đau đớn, sẽ chua xót vô cùng lúc nghĩ đến Thục. Thục sẽ phải đối xử với tôi ra làm sao trong trường hợp ấy. Tôi sẽ nói với Thục thế nào? Liệu tôi có đủ can đảm dứt bỏ tình yêu với Thục để Thục yên lòng đi lấy chồng, lấy một người còn lành lặn tay chân, lấy một người còn đủ mắt, mũi, tay chân, lấy một người dù không ra gì, nhưng ít nhất cũng hơn hẳn tôi, chưa đến độ tàn phế. Liệu trước, tình cảnh ấy. Thục có còn đủ can đảm đến với tôi, trong một thời gian cầm cự với tử thần, trong suốt thời gian tôi chỉ còn là một khúc thịt bầy nhầy biết co quậy, biết đói khát với những mảnh bom những miếng đạn còn nằm yên hàn trong các lớp thịt xương bầm dập? Hay Thục sẽ thản nhiên, sẽ lắc đầu, sẽ trợn mắt, ra chiều ngơ ngác, đưa tay bóp trán vỗ đầu, như cố gắng lục lọi trí nhớ mình xem trong thời gian qua có quen ai tên đó không lúc người nhà tôi đến báo tin cho nàng biết tôi đã bị thương và lời van vỉ của tôi xin được gặp nàng. Nàng sẽ làm vẻ tiếc rẻ, nhã nhặn bảo, thưa, rất tiếc tôi, không được quen biết với người nào tên như vậy. Chắc có sự lầm lẫn địa chỉ hay tên rồi đấy. Tất nhiên là tôi không bao giờ tin hành vi ấy, có thể có nơi Thục. Không đời nào. Không bao giờ phải không Bé của anh. Bé sẽ đến với anh. Chắc chắn vậy. Bé sẽ đến bằng những bước chân hốt hoảng, bằng những giọt nước mắt tủi sợ, đau thương lận đận lăn đi từ đôi mắt lớn. (Đôi mắt mở lớn như hút trọn đời anh, tâm hồn anh). Bé sẽ chạy lại. Bé sẽ nắm lấy tay anh. Bé sẽ sờ soạng lên mặt anh. Bé sẽ khóc vùi, khóc không thành tiếng. Nói không ra lời và anh sẽ đưa cánh tay (nếu lúc đó, còn một) quờ quạng tìm khuôn mặt Bé. Bằng tất cả chút hơi tàn anh sẽ lần từng chút, từng chút để tưởng tượng ra, này là chiếc mũi là đôi má (ôi đôi má đã bao lần điên dại, anh hôn em như cắn như nuốt). Này là vầng trán nhỏ với những sợi tóc tơ lẻ loi nằm lạc - này là chiếc núm tai nhỏ xíu, chiếc núm tai có một lỗ để đeo khoen tai (mà có lần nào đã xa, anh tò mò hỏi em và có ý giận ai đó, đã nhẫn tâm xuyên thủng để đến muôn đời còn vết thương đó, ngay lúc mới lọt lòng) - Này là mái tóc Bé, bồng rối như cỏ tiên (mái tóc mà dễ cả ngàn lần anh đã ấp mặt mình vào đấy, tham lam thở đầy vuông ngực mình hương vị em ngát ngát lạ lạ mà cũng như quen quen quyến rũ). Ơ mà này, sao giờ anh mới cảm thấy đôi môi cánh mỏng (đôi môi khép hờ như hai lát cà chua vô tình ai đặt lên nhau). Đôi môi mà em vẫn thường dẫu ra đến thấy ghét và cứ mỗi lần trề ra như vậy là một lần anh phải nghiến răng oằn mình cố giữ để đừng cắn đứt - Đôi môi - ừ đôi môi đã thay mẹ mướm truyền hơi thở và nguồn sống cho anh. Đôi môi. Đôi môi. Không lời nào diễn tả được, những lúc anh ghé môi mình ở đó. Những lúc anh xiết ghì lấy em. Cơ hồ toàn thân loãng tan, thịt xương nhiễu chảy. Và biết đâu chừng lúc ấy, đôi mắt đã mù của anh sẽ chẳng thả buông những giọt nước mắt đớn đau tuyệt vọng.
Không đời nào. Không bao giờ em bỏ anh. Phải thế không Thục. Phải thế không? Kìa sao em không xác nhận. Kìa em. Em chỉ có thể hứa nguyện với anh điều đó. Khi thân thể anh còn nguyên vẹn. Khi mắt anh còn mở được để trông thấy em bé bỏng rút nép vào ngực anh, mỗi lần anh nói với em về một tương lai với bầy con giống mẹ - với bầy con yêu cha. Em chỉ có thể hứa với anh điều đó, khi tay anh còn đủ đôi bàn để lùa sâu những ngón tay xác xơ vào mái tóc em bời rối - để xiết ghì lấy em, mỗi lúc em mắng yêu anh. Hư lắm. Lăng nhăng vừa vừa chứ, ăn hiếp người ta hoài - thế mà bảo thương người ta nhất đời. Em chỉ hứa với anh, điều đó, khi anh còn đủ đôi chân, để dìu anh đi những bước nhẹ dưới tàng me xanh, dưới những hạt mưa tinh quái làm ướt mái tóc em, cho những lọn tóc dính sát vào da mặt, để anh, thấy em xinh hơn bao giờ hết. Để giữa đường, để giữa quán mà anh cũng cầm lòng không đậu, chỉ chực hôn em, chỉ chực xiết lấy em mà bảo rằng - Ôi con chim nhỏ của anh - Ôi con chó nhỏ hư quá của tôi. Em chỉ... có thể... thế thực ư em. Thực vậy sao Thục. Không phải vậy chứ, không, anh điên rồi. Anh mê sảng rồi. Ừa, em nói vậy đi. Em bảo anh điên rồi đi. Em hét to lên, anh mê sảng rồi đi. Để anh sung sướng để anh hạnh phúc, hạnh phúc trước phút có thể anh sẽ nhắm mắt vĩnh viễn lìa đời rằng em vẫn yêu anh, rằng cho đến phút chót của đời anh khổ ải, đời anh tội đồ. Nói đi Thục. Nói đi anh sắp nhắm mắt xa em rồi. Nói đi. Anh chết đây. Anh chết ngay tức thì. Chết ngay phúc này để ngày mai em có thể sửa lại nụ cười cho tươi, luyện lại mắt nhìn cho tha thiết để đi lấy chồng, để tìm hạnh phúc để hưởng tương lai. Một tương lai ai cũng phải có, ai cũng được quyền chỉ riêng anh, chỉ trừ anh ra mà thôi. Kìa sao em không hé miệng. Sao em khóc nức. Sao em lại ôm mặt. Không hả. Không phải vậy hả. Em không thể nói được vì nghẹn ngào quá, vì đau đớn quá. Vì bi phẫn quá. Em chỉ có thể lắc đầu thôi sao (lắc đầu hoài - Lắc đầu cả lúc anh sắp chết nữa sao?) Không. Không? Em nói gì vậy Thục. Anh không thể chết ư. Ồ điều ấy lạ quá. Đời sống này, sân khấu này, xã hội này, là nơi có thể xảy ra bất cứ những gì không thể xảy ra được ở một nơi nào khác. Em cũng biết vậy mà. Huống hồ chi sự chết. Ân sủng đầu tiên và cuối cùng của đời sống dành cho mỗi chúng ta đó em. Cũng không phải thế nữa sao. Em muốn nói chi. Anh không hiểu được. Em nói lớn hơn một chút đi. Em ghé sát tai anh này, Em nói gì vậy? Ồ. Có thể thế sao. Anh có điên không? Anh có mê sảng chăng. Lúc này. Trời ơi. Thực vậy đó sao em. Thực vậy đó sao Thục. Em vẫn yêu anh. Em vẫn muốn sống đời với anh - dù anh đã trở thành tàn phế. Em vẫn thề chỉ biết mình anh - dù anh không còn nữa. Anh không chết thực à. Anh vẫn còn sống sao?
Xã hội này, đời sống này, vẫn còn được một người như em sao? Em có thương hại anh chăng - Ừ, em nghĩ lại đi. Nghĩ lại đi kẻo rồi mai mốt em ân hận - mai mốt em sẽ tự xỉ vả, tự mắng nhiếc em, rằng em đã hấp tấp đã vội vàng, đã quyết định một việc hệ trọng trong cơn xáo động. Ừa xúc động thái quá nên quyết định liều lĩnh. Quyết định thiếu suy tính, thiếu thực tế. Thục ơi. Em vẫn có thể rút lại lời nguyện ấy. Bất cứ lúc nào. Em nghe rõ anh nói chứ Thục. Đừng. Sao Thục lại bảo anh khinh em, anh coi thường em, không phải thế đâu. Thục nhớ lại coi, có phải anh đã chẳng từng nói với Thục rằng: Yêu bé, không mang lại hạnh phúc cho bé thì cũng chẳng bao giờ mang đau khổ bất hạnh đến. Anh nói vậy vì anh yêu em. Vì anh quý trọng tình em, vì anh không ngờ đời anh lại có diễm phúc được gặp em, được yêu em. Anh thú nhận với em như vậy - lời thú nhận ấy, với anh là một xót xa ghê gớm, bởi nó tố giác với em, với mọi người rằng anh chưa hề có được một tình yêu trọn vẹn. Anh chưa hề được thụ hưởng ở đời sống này, một hạnh phúc dư thừa nào của xã hội của đám đông. Đời sống anh từ ngày mon men bước chân vào nhập đám, anh luôn là trâu chậm uống nước đục. Anh luôn là kẻ cuối cùng dành lấy cho mình những gì nhục nhã nhất, những gì bị mọi người nguyền rủa, ghê tởm, khinh ghét. Đến đổi anh đã đinh ninh mình là kẻ được sinh ra để làm cái thùng chứa của mọi dơ bẩn, dư thừa. Không phải thế sao - Anh đã nói với em rồi mà - gặp được em ngoài sức tưởng tượng của anh - được em yêu, bằng tình yêu đầu tiên thánh thiện, đã nhiều lần anh hoảng hốt nghi ngờ chính anh. Anh không dám tin nơi những gì tình yêu em đem đến. Anh đã bao lần cảnh giác mình “coi chừng con lầm đó con. Coi chừng con lầm đó con. Coi chừng con bị ảo tưởng - con đang sống bằng trí mê sảng của con đó” - Nhưng mà... (em cứ nói đi. Nói đi Thục). Nhưng mà anh không mê sảng chút nào hết. Sự thực, hơn cả sự thực đó anh. Em yêu anh - Yêu cả cái dĩ vãng tạo nên anh ngày nay. Em yêu anh - và vì yêu anh, em đã làm buồn phiền những người thân yêu quanh em. Những người mà mới ngày nào em còn tưởng như em sẽ sẵn sàng hy sinh đời mình, cá tính và những ham thích riêng để làm vừa lòng họ. Em hằng tự nguyện những lúc không được là nụ cười trên môi họ thì em sẽ là chiếc bóng, chiếc bóng nhỏ, theo sau chân họ để lúc buồn họ có thể ngoái nhìn, họ sẽ bớt cô đơn, họ sẽ tin tưởng trong trường hợp nào thì cuối cùng cũng còn có em bên cạnh. Nhưng từ ngày em yêu anh, vì yêu anh, không rõ tự bao giờ, em đã trở thành bóng tối trước mặt họ, làm đám mây ẩm nặng hơi nước đè chĩu trên đôi vai họ. Em là cái gì mà họ cũng như chính em không thể nào ngờ tới. Biết làm sao hơn phải không anh. Đời người, đến một giai đoạn nào đó, thì tình yêu mới là lẽ sống chính yếu. Nó cần thiết hơn cơm ăn áo mặc, dù không có cơm ăn áo mặc người ta có thể chết đói, chết rét. Nhưng tình yêu vẫn là cái gì ở trên những nhu cầu sinh lý đó. Nó chính là cội nguồn, là gốc phát sinh của tất cả những nhu cầu khác. Nó cho người ta thấy, người ta khác hơn con vật. Nó cho người ta thấy dù quẫn cùng người ta cũng vẫn có thể sống được nếu có nó. Tình yêu cũng dạy cho chúng ta những gì mà ta không thể học, không thể biết, không thể mua chuộc được nó... Thôi. Thục. Em đừng nói nữa. Thế đã đủ quá đối với anh rồi. Ít nhất em cũng cho anh thấy người ta vẫn có thể hy vọng, trông mong ở một phép lạ trong những trường hợp tuyệt vọng nhất. Em là phép nhiệm mầu bật sáng hồn anh đó Thục. Hiệp đá vào chân tôi dưới gầm bàn. Tôi ngơ ngác nhìn, Hiệp hất hàm. Tôi hướng theo, đúng lúc ông Ba đang khật khưỡng đi về phía bàn chúng tôi.
Hiệp sửa lại thế ngồi trong bộ dáng sẵn sàng, chờ đợi một biến đột. Tôi dằn tay xuống mặt bàn để kìm giữ nỗi hoang mang áy náy vừa bừng cháy. Những bước chân lại gần của ông Ba như cũng bị sự im lặng cứng chết chém xuống làm ngập ngừng, không vững. Vẻ mặt ông biến nhanh từ thản nhiên sang đỏ, từ đỏ sang xanh và cuối cùng ngã mầu xám chết. Tôi không dám nhìn lâu khuôn mặt ông, nhưng rõ ràng là tôi cảm thấy từng giây cái thân thể quắt khô kia, mỗi phút một sát gần tôi hơn. Những bước chân nẻ nứt căng dãn thần kinh tôi trong một độ rung buốt lạnh. Ông ta dừng lại khi chỉ còn cách bàn khoảng chừng hai bước.
- Mấy giờ rồi thầy.
- Bảy giờ 20. Hiệp đáp thõng, thoáng chút khó chịu, nạt nộ và thách thức. Ông Ba lùi lại như gặp một cơn gió lớn tạt tới. Ông lúng túng nói “dậy hả”.
Thuận cũng vừa từ trong nhà bước ra. Trên tay đứa em út của Thuận, chừng 8, 9 tháng choắt cheo như một con khỉ nhỏ, trơ những lóng xương bọc ngoài bởi một lớp da bầm tím. Tôi bảo Thuận sao không mặc áo ấm cho nó, sớm ra còn lạnh lắm mà. Thuận cười, mặt tỉnh táo, như đêm qua chưa hề có chuyện gì ghê gớm xảy ra giữa tôi và Thuận. Kệ, cho nó quen. Ông Ba chừng thấy không thể thi hành ý định của mình, ngó dáo dác xung quanh rồi quay gót. Khổ người vốn nhỏ thó của ông, như được rút lại nhỏ hơn nữa. Tôi đọc được sức chịu đựng, nín nhịn cùng cực của ông, trong đôi tay buông thõng, đong đưa gượng gạo và chiếc xương sống nổi cong nhẫn nhục.
Người ta không chỉ mất nhân cách trong khi say mà sau đó, khi men rượu đã tan, ý thức tỉnh táo còn tạo đọng trong tâm trí họ một lớp men rượu khác. Đó là men rượu của mặc cảm xấu xa hèn yếu.
Thuận xà lại bàn, cầm cái tẩu lên ngắm nghía. Con bé trên tay Thuận nhoài người đòi, Thuận ghì nó lại. Con nhỏ khóc ré lên như bị cấu. Hiệp lấy lại cái tẩu, gõ mạnh vào đế giầy. Những tàn thuốc trong cối đổ ra lả tả. Tôi vẫn không thể nhơn nhởn như Thuận được. Thâm tâm tôi một thoáng ghê tởm, khinh bỉ gợn lên. Có thể như vậy sao. Thuận cho tôi cái cảm tưởng liên hệ thể xác giữa tôi và Thuận trong đêm qua, đã dứt, dứt hoàn toàn ngay sau khi việc đó dứt. Ánh sáng của một ngày bắt đầu đã đẩy chúng tôi trở về vị trí hằng cửu của mỗi đứa. Không một liên hệ nào có giữa chúng tôi sao? Thuận đã nghĩ gì? Nghĩ gì về hành vi trong đêm của nàng. Một chuyện tầm thường. Một nhu cầu?
Tôi có nghĩ rằng, sự thực, không giản dị vậy. Sự thực phải có một cái gì khác hơn thế chứ... Không đâu Tự ơi. Sự thực, đời sống này nó giản dị thế đó. Giản dị hơn mày tưởng nhiều Tự à.
Đời sống không bao giờ như trí tưởng của chúng ta. Chính trí tưởng đã đánh lừa chúng ta trong đời sống. Tất cả mọi sự kiện đều không mang một ý nghĩa nào khác hơn thói quen, nếu nó không được khởi thành từ một tình cảm nuôi ấp dài lâu.
Hiệp lập bập mấy hơi thuốc liền rồi quắc mắt bảo Thuận tính tiền.
Chúng tôi đứng dậy bước ra khỏi chòi lúc nắng đã vàng đều trên cỏ. Nước ròng đã ứa đầy lòng sông. Khẩu súng sau lưng tôi trì xuống, kéo chiếc dây đeo cọ mạnh vào khớp xương vai. Tôi xốt sống cho sợi dây nhích vào trong và đưa tay nắn nắn, chỗ đầu xương nhỏ đó. Cảm giác buồn bã, xót xa chạy dọc theo mấy đầu ngón tay tôi. Dẫn xuống óc. Những khớp xương này, phỏng ích gì cho em không Thục? Giá trị của anh trong hiện tại này, chỉ là giá trị của một con số, một số lẫn trong số thành quá lớn. Một con số bù không thấm tháp gì cho những con số hụt. Rồi lần lượt, từng đợt, theo nhau, bù cho cái vô nghĩa bi đát của số kiếp. Anh nghĩ rằng Ba đã có lý, Mẹ cũng có lý khi không muốn thấy em yêu anh. Yêu anh có khác chi chọn lấy cho mình một bấp bênh, một đời sống đã được treo cột trên một sợi chỉ mục. Yêu anh, chính là con đường dẫn đến sự chết. Sự thể bất cứ ai lúc nào trong chúng ta. Sự chết thơm như viên kẹo hạnh phúc, mà anh chưa một lần ngậm nếm. Em hãy bỏ anh, hãy xa anh, hãy quên anh đi, một khi em muốn. Nhưng anh chỉ xin em, hãy bỏ mặc anh, sống vùi với ảo tưởng duy nhất của đời anh, ảo tưởng mà từ ngày làm người bây giờ anh mới tìm được ảo tưởng được hâm nóng trong tình yêu em gian dối đầm đìa.
Người ta có thể sống bằng hạnh phúc giả tưởng, nhưng không thể sống bằng sự thực ruồng rẫy hắt hủi.
- Mầy có biết gì về Nhự không? Hiệp hỏi bất chợt.
Tôi trả lời vu vơ.
- Ơ, không mày. Tao nhớ Thục quá.
Hiệp bật cười. Tiếng cười bỗng vỡ âm thanh tan ra như những mảnh vụn thủy tinh rắc đều trong một khoảng không hẫng cao. Gió dội ngược tiếng cười Hiệp, đập vào tai tôi, như một mỉa mai chín nẫu. Con đường gẩy khúc ở chỗ xe nước đá. Chiếc xe Jeep mang số ấn tế vụt hiện ra cùng với dáng ngặt ngoẽo của một đứa con gái mặc đồ lính. Hiệp ngậm miệng, mặt đanh lại, như có một cái gì vừa tắt vội.
- Sao khi không mày lại nhắc tới Nhự vậy Hiệp?
Ngửa Mặt Ngửa Mặt - Du Tử Lê Ngửa Mặt