Số lần đọc/download: 0 / 10
Cập nhật: 2022-04-16 15:31:26 +0700
Mở Đầu
Thật buồn khi công ty bạn hoạt động không ổn định, hay chuyển văn phòng và văn phòng mới lại đầy mùi hôi của dog.
Đó là một câu chuyện buồn.
Tuy nhiên, dưới đây là một câu chuyện hơi vui, hi vọng là bạn sẽ lấy lại cảm hứng trong cuộc sống và công việc, trong giai đoạn work from home này.
“Tôi hy vọng không chỉ các bạn mà cả đất nước sẽ giữ cho đốm lửa đó sáng mãi. Có gì đó thật tuyệt vời khi nói ‘Tôi đến từ xứ sở của một tỉ đốm lửa’. Xin cảm ơn các bạn.” Tôi nói, kết thúc bài phát biểu truyền cảm hứng của mình tại hội trường Tilak, Varanasi.
Tiếng vỗ tay và huýt sáo là dấu hiệu cho biết đã đến lúc tôi phải đi. Đội an ninh tình nguyện lập thành một hàng rào người và chẳng mấy chốc tôi đã dễ dàng thoát ra khỏi hội trường.
“Cảm ơn ông rất nhiều, thưa ông,” tiếng ai đó nói ngay sau lưng tôi.
Tôi quay lại đối diện với người chủ trì buổi lễ. “Anh Mishra,” tôi nói, “tôi đang tìm anh đây.”
“Làm ơn cứ gọi tôi là Gopal,” anh ta nói. “Xe ở đằng kia.”
Tôi bước ra cùng vị giám đốc trẻ tuổi của trường Cao đẳng Kỹ thuật Ganga, Gopal Mishra. Chiếc Mercedes đen của anh ta đưa chúng tôi ra khỏi phố Vidyapath đông nghẹt.
“Vậy là ông đã thăm chùa chiền và các bậc nước* bờ sông rồi chứ!” Gopal hỏi. “Đằng nào thì Varanasi chỉ có ngần ấy thứ thôi.”
“Phải. Tôi đã đến chùa Vishivanath và bậc nước Dashashivamedh lúc năm giờ sáng nay. Tôi thích thành phố này,” tôi nói.
“Thế thì tốt. Ông thích gì nhất ở Varanasi?”
“Aarti,” tôi nói.
“Gì cơ?” Gopal có vẻ ngạc nhiên.
“Nghi lễ aarti sáng trên các bậc nước dẫn xuống sông Hằng. Lần đầu tiên tôi thấy chúng đấy, những ngọn đèn dầu trôi trên sông vào lúc bình minh. Thật kỳ diệu.”
Gopal cau mày.
“Gì vậy?” tôi nói. “Chẳng phải nghi lễ aarti ở Varanasi đẹp lắm sao?”
“Phải. Phải, đúng thế... nhưng không phải chuyện đó,” anh ta đáp, nhưng rồi không nói gì thêm.
“Anh cho tôi xuống khách sạn Ramada được chứ?” tôi đề nghị.
“Mai ông mới bay mà,” Gopal nói. “Sao ông không tới nhà tôi ăn tối nhỉ?”
“Không cần long trọng vậy...” tôi bắt đầu.
“Ông nhất định phải đến. Ta phải uống với nhau. Tôi có loại whisky ngon nhất thế giới,” anh ta nói.
Tôi lắc đầu cười. “Cảm ơn Gopal, nhưng tôi không uống được nhiều.”
“Ông Chetan, chỉ một ly thôi? Để tôi có thể kể với mọi người là tôi từng uống với ‘đích thân’ ngài Chetan Bhagat.”
Tôi cười. “Chuyện đó chẳng có gì để huênh hoang cả. Nhưng dẫu sao thì cứ kể nếu anh muốn. Nhưng anh không cần phải uống với tôi thật đấy.”
“Không phải thế, thưa ông. Tôi thực sự muốn được uống với ông.”
Tôi nhìn đôi mắt căng thẳng của anh ta. Sáu tháng qua anh ta đã gửi cho tôi hai mươi giấy mời, cho tới khi tôi đồng ý tới. Tôi biết anh ta sẽ khăng khăng cho bằng được.
“Thôi được, một ly thôi!” Tôi nói, hy vọng sau vụ này mình sẽ không phải hối tiếc.
“Tuyệt vời,” Gopal nói.
Chúng tôi chạy xe mười cây số ngoài thành phố trên xa lộ Lucknoiv để tới trường Ganga. Nhân viên bảo vệ giơ tay chào khi cổng trường mở. Chiếc xe dừng lại trước một ngôi nhà vườn màu xám. Ngôi nhà này có phần ngoại thất lát đá ăn khớp với tòa nhà chính và ký túc xá của trường.
Chúng tôi ngồi trong phòng khách dưới tầng trệt. Căn phòng nhìn ra một bãi cỏ rộng bằng sân cầu lông.
“Nhà đẹp quá,” tôi nói khi ngồi xuống chiếc ghế xô pha mềm bọc nhung nâu. Tôi nhận thấy trần nhà rất cao.
“Cảm ơn. Tôi tự thiết kế lấy đấy. Bên nhà thầu xây, nhưng tôi giám sát tất cả,” Gopal nói. Anh ta tiến ra quầy rượu ở phía đầu kia căn phòng. “Đây là nhà của một giám đốc cao đẳng kỹ thuật. Ông và bạn bè đã từng đột kích một chỗ như thế, phải không?”
“Sao anh biết?” tôi hỏi.
“Ai cũng biết cả. Chúng tôi đã đọc cuốn sách. Và xem phim nữa.”
Chúng tôi cười vang. Anh ta đưa cho tôi cái ly pha lê với một lượng whisky kha khá.
“Cảm ơn.”
“Single malt*, mười hai năm” anh ta nói.
“Đây là nhà vườn của một giám đốc cao đẳng, nhưng anh không có con gái. Anh còn chưa lấy vợ nữa chứ. Anh là vị giám đốc trẻ nhất mà tôi từng gặp.”
Anh ta cười.
"Anh bao nhiêu tuổi?” tôi tò mò.
“Hai sáu.” Gopal trả lời, một thoáng tự hào trong giọng nói. “Không chỉ là giám đốc trẻ nhất mà còn là giám đốc ít học nhất mà ông từng gặp.”
“Ít học?”
“Tôi chưa từng qua đại học.”
“Gì cơ?” tôi hỏi, lắc lắc những viên đá trong cốc và băn khoăn không hiểu thứ đồ uống này mạnh đến mức nào.
“À, tôi cũng từng đùa cợt chút với đào tạo từ xa.”
“Trời!” Tôi thốt lên. “Mở một trường lớn thế này không phải chuyện đùa đâu.”
“Tới giờ đã có một ngàn sáu trăm sinh viên, ông Chetan, ở tất cả các ngành nghề. Mỗi sinh viên nộp một trăm ngàn rupi một năm. Doanh thu của chúng tôi đã đạt một trăm sáu mươi triệu. Hôm nay ông vừa dự lễ khai giảng lớp MBA. Đấy là một ngạch kinh doanh khác nữa.”
Tôi uống một ngụm. Rượu whisky êm dịu đốt cháy họng tôi. “Anh có bia không? Hay vang?” tôi ho.
Gopal xị mặt. Tôi không chỉ đã bỏ qua những số liệu thống kê kinh doanh ấn tượng mà còn từ chối cả whisky của anh ta.
“Không ngon sao?” Gopal hỏi. “Đấy là Glenfiddich, bốn ngàn một chai. Tôi mở Blue Label nhé? Mười ngàn một chai đấy."
Vấn đề không phải là giá tiền, tôi muốn nói thế với anh ta nhưng lại thôi. Thay vào đó tôi nói: “Tôi không uống whisky, quá nặng đối với tôi.”
Gopal cười vang. “Sống đi chứ. Hãy thử whisky ngon. Dần rồi ông sẽ thích.”
Tôi thử một ngụm nữa và nhăn mặt. Anh ta cười và rót thêm nước để pha loãng rượu cho tôi. Nước làm hỏng rượu nhưng cứu vãn sự tỉnh táo của tôi.
“Cuộc đời là để hưởng thụ. Hãy nhìn tôi đây, năm nay tôi sẽ kiếm được bốn mươi triệu. Nếu tôi không hưởng thụ thì kiếm tiền để làm gì?”
Ở nhiều nơi trên thế giới, nói về thu nhập của mình là điều cấm kỵ. Còn ở Ấn Độ, ta công bố những con số đó như thể đó là cung hoàng đạo của mình. Nhất là khi ta có thật nhiều.
Có vẻ anh ta tự hỏi mình hơn là hỏi tôi. Cặp mắt đen của anh ta tiếp tục soi mói tôi. Chúng đòi sự chú ý. Phần còn lại của anh ta - làn da nâu nhạt, chiều cao mét bảy trung bình, tóc rẽ ngôi bên - thì hoàn toàn bình thường.
“Đúng vậy, tất nhiên rồi. Phải hưởng thụ chứ...” tôi nói nhưng anh ta ngắt lời.
“Sang năm tôi sẽ kiếm năm mươi triệu.”
Tôi nhận ra anh ta định tiếp tục dự báo thu nhập của mình cho tới khi tôi thể hiện sự cảm thán thích hợp.
“Năm mươi triệu!” Giọng tôi vống lên đầy giả tạo.
Gopal cười tươi. “Em yêu, ăn đi vì anh nấu đấy” có lẽ là câu mà anh ta sẽ chọn để in lên áo phông.
“Không thể tin được,” tôi ậm ừ, tìm cách chuyển chủ đề. Tôi nhìn thấy những bậc cầu thang dẫn lên tầng trên. “Trên đó có gì vậy?” tôi hỏi.
“Phòng ngủ và hiên. Đi nào, tôi sẽ cho ông xem.”
Chúng tôi lên cầu thang và đi qua một căn phòng có chiếc giường xa hoa cỡ lớn.
Từ hàng hiên tôi ngắm nhìn toàn cảnh.
“Đây từng là đất hoang, tất cả chỗ này. Đất canh tác cũ của ông tôi.” Gopal nói.
“Khoảng mười mẫu Anh?” tôi đoán.
“Mười lăm. Chúng tôi còn mười lăm mẫu nữa,” Gopal nói, “nhưng chúng tôi bán để lấy tiền xây dựng.”
Anh ta chỉ vào một khoảnh nhỏ phía Đông của khuôn viên trường sáng choang. “Kia kìa, ông thấy không. Sẽ có một khu mua bán ở đấy.”
“Giờ thì thành phố nào của Ấn Độ cũng có khu mua bán cả,” tôi nói.
“Ấn Độ đang tỏa sáng, ông Chetan ạ,” anh ta nói và chạm cốc với tôi.
Gopal uống nhanh gấp bốn lần tôi. Tôi chưa uống hết cốc đầu thì anh ta đã rót cốc thứ năm cho mình. “Ông đúng kiểu người ở thành phố lớn. Uống làm dáng,” anh ta trêu khi tôi từ chối rót thêm.
“Tôi không uống được nhiều. Thực sự đấy,” tôi nói. Tôi xem giờ, đã mười giờ tối.
“Ông thường ăn tối khi nào?” anh ta hỏi.
“Tùy anh thôi,” tôi nói, dù tôi muốn anh ta quyết định ăn ngay bây giờ.
“Sao lại vội vàng thế? Hai người, một có học, một ít học. Đang thư giãn.” Gopal nói và nâng cốc.
Tôi gật đầu vì lịch sự. Dạ dày tôi sôi lên đòi ăn. Chúng tôi lại xuống phòng khách ngồi.
“Có thực là ông đã đến nhà con gái giáo sư không?” Gopal hỏi.
Tôi cười. “Tình yêu khiến ta làm những điều ngu ngốc.”
Gopal cười phá lên. Anh ta nốc cạn cốc rồi với lấy cái chai đã cạn một nửa để rót cho mình ly thứ sáu.
“Tình yêu! Quên những thứ vớ vẩn ấy đi. Tình yêu làm ta khốn khổ thôi,” Gopal nói.
“Nặng lời rồi,” tôi nói. “Có phải vì thế mà vẫn chưa có bà giám đốc chăng?”
Tay Gopal run run khi anh ta rót cho mình. Tôi băn khoăn không biết có nên ngăn anh ta uống tiếp hay không.
“Bà giám đốc!” Gopal cười khinh bỉ. Anh ta nắm chặt chai whisky.
“Từ từ thôi Gopal, anh uống nhanh quá. Nhỡ lại làm sao.”
Gopal đập cái chai xuống bàn. “Làm sao thì sao? Ai mà thèm khóc lóc cho tôi cơ chứ? Nếu tôi sống, tôi muốn hưởng thụ. Nếu tôi chết, ai thèm quan tâm?”
“Cha mẹ anh?”
Gopal lắc đầu.
“Bạn bè?”
“Những người thành đạt không có bạn,” Gopal tuyên bố. “Phải thế không?”
Ngôi nhà xa xỉ của anh ta có cảm giác lạnh lẽo và cách biệt. Tôi cầm chai whisky và đặt trả nó lên quầy rượu.
“Bi quan nhỉ?” tôi nói. “Hơi ngạc nhiên đấy, nhất là khi anh đang làm tốt thế.”
“Cái gì tốt thế ông Chetan?” Gopal nói, giờ đã say mềm và có lẽ, hoàn toàn thật lòng.
Anh ta nhanh chóng chỉ khắp lượt cái tivi khổng lồ, dàn âm thanh và tấm thảm lụa dưới chân chúng tôi. “Tất cả những thứ này có nghĩa lý gì? Tôi đã sống mà chẳng có gì...”
Cuộc trò chuyện của chúng tôi trở nên nghiêm túc. Tôi vỗ vai động viên anh ta. “Vậy anh đã đọc về chuyện cô bạn gái của tôi trong sách. Còn anh thì sao? Đã từng có bạn gái chưa?”
Gopal không trả lời, nhưng trông quẫn trí. Anh ta đặt cốc của mình lên bàn.
Một chủ đề nhạy cảm, tôi nhận ra quá muộn.
Anh ta ọe.
“Anh ổn chứ?” tôi hỏi.
Anh ta chạy vào phòng vệ sinh. Tôi nghe tiếng anh ta nôn. Tôi ngắm nghía giá trưng bày để giết thời gian. Tôi thấy những câu chuyện được đóng khung về trường Ganga, những chiếc cúp, những bức hình Gopal chụp với khách tới thăm trường. Tôi tự hỏi không hiểu ảnh mình có sắp được treo ở đây hay không?
Hai mươi phút sau khi chưa thấy anh ta quay lại, tôi gọi người giúp việc. Bà ta dẫn tôi tới nhà vệ sinh. Tôi gõ cửa. Không thấy trả lời. Tôi đấm cửa. Vẫn không có gì.
“Có vẻ như ta sẽ phải phá cửa,” người giúp việc nói.
Tôi tự hỏi, làm thế nào mà tôi, một khách mời quan trọng của một chương trình định hướng cho sinh viên, lại đi phá cửa một cái nhà vệ sinh ở Varanasi.
Tiếng sột soạt của tấm vải trải giường bệnh viện đánh thức tôi. Đồng hồ cạnh giường chỉ ba giờ sáng. Tôi đã đưa Gopal bất tỉnh nhân sự đến Bệnh viện Heritage thuộc quận Lanka của Varanasi.
Giờ thì Gopal đã ngồi dậy được trên giường, tay xoa thái dương.
Cơn say của anh ta làm tôi nhớ lại những ngày sinh viên của mình. Tuy nhiên đây lại là một ông giám đốc say rượu, không phải một chàng sinh viên.
“Ông ở đây cả đêm à?” anh ta trông có vẻ ngạc nhiên.
“Tôi không thể để chủ nhà chết trước mắt mình được,” tôi nói.
“Tôi xin lỗi. Tôi uống hơi nhiều.” Gopal nở nụ cười ngượng nghịu.
“Anh ổn chứ?”
“Vâng, tôi ổn.”
“Lúc này thì không đâu. Mà nhìn chung anh có ổn không?”
Anh ta quay đầu nhìn bức tường đối diện.
“Cuộc sống của anh thế nào, Gopal?” tôi nhẹ nhàng hỏi.
Anh ta không trả lời.
Sau một phút tôi đứng dậy. “Tôi phải đi đây, cần ngủ một chút trước khi bay.” Tôi đi ra cửa.
“Ông có nghĩ tôi là người tốt không, ông Chetan?” anh ta hỏi.
Tôi quay lại.
“Tôi có phải người tốt không?” anh ta hỏi lại.
Tôi nhún vai. “Tôi không biết anh, Gopal ạ. Anh đã tổ chức tốt buổi nói chuyện. Cư xử lịch thiệp với tôi. Anh có vẻ tốt,” tôi nói.
“Ông nghĩ vậy à?”
“Anh đã đạt được rất nhiều. Cứ từ từ thôi. Ngay cả whisky đắt tiền đôi khi cũng có hại đấy.”
Anh ta cười và khẽ gật đầu. “Tôi sẽ bớt uống đi,” anh ta nói. “Còn gì nữa không ạ?”
“Anh còn trẻ. Đừng vội chối bỏ tình yêu,” tôi nói và xem đồng hồ. “Thực sự là tôi phải đi. Gần đến giờ lễ aarti sáng rồi.”
“Đấy là tên cô ấy,” anh ta nói.
Tôi không muốn ở lại thêm nữa, nhưng đã cắn câu. “Tên nào? Tên của ai?” tôi hỏi cho dù đã tự nhắc mình rằng đấy không phải việc của tôi và tôi cần phải đi ngay.
“Aarti,” anh ta nói.
“Aarti là ai? Là người anh thích à?” tôi đoán.
“‘Thích’ không phải là từ phù hợp, ông Chetan à.”
“Anh yêu cô ấy?” tôi cười.
“Ông hãy hình dung mọi tu sĩ và khất sĩ* ở Varanasi. Tất cả sự thành kính của họ cộng lại cũng chưa bằng tình yêu tôi dành cho cô ấy.”
Tôi cảm nhận được phép so sánh. Sự tò mò đã chiến thắng cơn buồn ngủ. Tôi cho phép mình hỏi thêm câu nữa. “Cô ấy cũng yêu anh chứ?”
Anh ta ngẫm nghĩ một lúc trước khi trả lời. “Cô ấy không chỉ yêu tôi, cô ấy sở hữu tôi.”
Tôi đổi chân trụ. Tôi còn một ngày dài đang chờ. Một đêm mất ngủ có thể là một ý tưởng tồi. Nhưng tôi lại nghe thấy mình hỏi anh ta: “Đã có chuyện gì xảy ra? Giữa anh và Aarti.”
Gopal cười. “Đây không phải một cuộc phỏng vấn, ông Chetan ạ. Hoặc là ông ngồi xuống và lắng nghe toàn bộ câu chuyện của kẻ ngu ngốc này hoặc là ông ra về. Tùy ông thôi.”
Đôi mắt đen thăm thẳm của anh ta nhìn tôi. Có gì đó ở anh chàng giám đốc trẻ tuổi này làm tôi tò mò. Thành công khác thường của anh ta, sự kiêu ngạo của anh ta, giọng nói khổ sở của anh ta hay có thể là cái thành phố thần thánh lạ thường này làm cho tôi muốn biết nhiều hơn về anh ta.
Tôi thở dài thật mạnh. Anh ta chỉ cái ghế cạnh mình.
“Được rồi, kể tôi nghe câu chuyện của anh.” Tôi nói và ngồi xuống.
“Ông muốn uống gì không?” Gopal hỏi.
Tôi lườm anh ta. Anh ta cười. “Ý tôi là uống trà.”
Chúng tôi gọi một ấm trà masala cực nóng và bánh quy đường hoa quả; không có gì giúp trò chuyện tốt hơn những thứ đó.
“Tôi bắt đầu từ đâu bây giờ nhỉ?” Gopal nói.
“Hãy bắt đầu từ Aarti. Cô gái đã làm anh ra thế này.”
“Aarti? Cô ấy đưa tôi vào rắc rối ngay từ ngày đầu chúng tôi gặp nhau,” Gopal nói.
Tôi nhúng bánh quy vào trà và lắng nghe.
1
“Lại bánh mì bơ, bố mẹ gì mà lười,” tôi càu nhàu, đóng sập cái hộp nhựa xanh dương đựng bữa trưa ở dãy bàn hai. Raghav và tôi chuyển sang bàn kế tiếp.
“Thôi quên đi, Gopal. Sắp vào học rồi đấy.” Raghav nói.
“Suỵt...”
“Tớ có đem theo puri-aloo* đây, bọn mình có thể chia nhau mà. Ăn trộm của người khác là sai đấy.”
Tôi đánh vật với một cái hộp đựng bữa trưa tròn, nhỏ bằng thép. “Làm thế nào mà mở cái này ra được nhỉ?”
Cả hai chúng tôi đều không có móng tay nhọn để mở cái nắp thép mỏng của chiếc hộp cứng đầu. Raghav và tôi đã trốn buổi tập trung sáng để tiến hành vụ đột kích bữa trưa hằng tuần của mình. Chúng tôi còn mười phút trước khi bài quốc ca bắt đầu ngoài sân. Sau đó lớp 5C sẽ quay lại. Chúng tôi phải tìm, ăn và trả những hộp đựng bữa trưa về chỗ cũ trong vòng đúng mười phút đó.
“Là dưa muối và bánh paratha*,” Raghav nói sau khi tìm cách mở được cái hộp. “Cậu ăn không?”
“Quên đi,” tôi vừa nói vừa trả cái hộp sắt vào cặp sách của chủ nhân nó. Mắt tôi đảo từ cặp này sang cặp khác. “Cái này,” tôi nói, chỉ tay vào một cái ba lô nhập ngoại màu hồng ở dãy bàn đầu. “Cái túi đó có vẻ đắt. Con bé chắc phải có đồ ăn ngon. Đi nào.”
Chúng tôi lao tới mục tiêu. Tôi vồ lấy cái túi Barbie, mở nắp và tìm thấy hộp đựng bữa trưa hình vuông, đỏ và bóng loáng. Nắp hộp có ngăn đựng thìa. “Hộp đẹp đấy!” tôi nói, bấm mở nắp hộp.
Cơm nắm, một hộp nước xốt chutney* nhỏ và một miếng bánh kem sô cô la to. Trúng độc đắc rồi.
“Tớ chỉ thích cái bánh thôi,” tôi nhấc miếng bánh khổng lồ lên và nói.
“Đừng lấy tất. Thế là không công bằng.” Raghav bảo tôi.
“Nếu tớ chỉ cắn một miếng thì con bé cũng sẽ biết thôi.” tôi cau có.
“Cắt làm hai đi. Lấy một để lại một.” Raghav nói.
“Cắt bằng gì bây giờ?”
“Lấy thước kẻ,” cậu ta gợi ý.
Tôi chạy về bàn mình. Tôi đem thước kẻ tới và cắt một nhát thật ngọt. “Được chưa,” tôi nói. “Cậu hài lòng rồi chứ?”
“Là bánh của con bé mà.” Raghav nhún vai.
“Nhưng cậu là bạn tớ,” tôi nói.
Tôi mời cậu ta cắn một miếng. Cậu ta từ chối. Tôi chưa ăn sáng ở nhà. Tôi nhồm nhoàm nhai cái bánh, những ngón tay dính đầy kem.
“Sao cậu lại không có hộp cơm thế?” Raghav hỏi.
Tôi nói, miệng vẫn nhồm nhoàm. “Thế có nghĩa là bố tớ sẽ phải mất công nấu thêm. Đằng nào thì bố tớ cũng nấu cả bữa trưa và bữa tối rồi.”
“Thì sao?”
“Tớ nói với bố là tớ không đói.” Bố tôi dạy ở một trường công. Ông ra khỏi nhà lúc sáu giờ, còn sớm hơn cả tôi. Tôi liếm sạch kem sô cô la trên những ngón tay. Chúng tôi đã nghe thấy tiếng hát quốc ca.
“Tớ có thể đem bữa trưa đi cho cậu,” Raghav nói và bắt tôi đứng lên với cậu ta khi nghe thấy quốc ca.
“Thôi khỏi, mẹ cậu nấu toàn món chán lắm. Ngày nào cũng puri,” tôi nói.
Chúng tôi nghe tiếng bọn học sinh rôm rả tán chuyện trên đường quay trở lại lớp. Tôi nhét chỗ bánh còn lại vào miệng.
“Nhanh lên, nhanh lên,” Raghav nói.
Tôi đóng cái hộp đỏ đựng bữa trưa lại và trả nó vào trong túi Barbie.
“Mà ai ngồi đây thế nhỉ?” Raghav hỏi.
Tôi vụng về lục cái ba lô hồng và tìm thấy một cuốn sổ tay bìa giấy nâu. Tôi đọc to nhãn vở, “Aarti Pratap Pradhan, Môn: Toán, Lớp 5C, Tuổi: 10, Số thứ tự: 1, Trường Sunbeam.”
“Mặc kệ đi. Xong chưa?” Raghav nói.
Tôi treo trả cái túi lên ghế của Aarti, chỗ cũ của nó.
“Đi thôi,” tôi nói.
Chúng tôi chạy về chỗ ngồi của mình ở dãy cuối, ngồi xuống và gục đầu xuống bàn. Chúng tôi nhắm mắt và giả vờ bị ốm, lý do mà chúng tôi đưa ra để bỏ buổi tập trung sáng.
Cả lớp 5C vào phòng, lấp tràn lớp học bằng những âm thanh hỗn loạn đồng thời phát ra từ gần năm mươi đứa trẻ con mười tuổi.
Cô Simran Gill, cô giáo lớp tôi, bước vào sau một phút và tiếng ồn ào lắng xuống. Phép nhân, cô viết lên bảng khi bọn trẻ vẫn còn đang ổn định chỗ ngồi.
Tôi ngồi thẳng lên, vươn cổ để nhìn Aarti Pratap Pradhan, số thứ tự 1. Con bé mặc váy trắng, sơ mi trắng, áo khoác len đỏ, bím tóc buộc nơ, và con bé nhìn cô giáo rất nghiêm túc trong lúc ngồi xuống.
“Eo ơi...” Aarti hét lớn và nhảy dựng lên. Con bé nhặt chiếc thước kẻ dính sô cô la từ ghế ngồi lên. Lưng áo sơ mi của con bé đã có vết sô cô la. “Ôi trời ơi...” giọng nói the thé của Aarti làm cả lớp chú ý.
“Aarti, ngồi xuống!” Cô Gill la lớn tới mức làm cả những dãy bàn sau run rẩy. Cô Gill không thích ồn ào, kể cả khi tiếng ồn đó xuất phát từ những cô bé có đôi bím tóc thật dễ thương.
Raghav và tôi lo lắng nhìn nhau. Chúng tôi đã để lại bằng chứng.
“Thưa cô, có ai đó bỏ thước kẻ bẩn trên ghế của con. Bộ đồng phục mới của con hỏng hết rồi,” Aarti rền rĩ.
Cả lớp cười ầm lên, Aarti bật khóc.
“Cái gì?” cô giáo hỏi. Cô đặt viên phấn xuống, phủi bụi trên tay và lấy cái thước kẻ từ Aarti.
Aarti tiếp tục sụt sịt. Cô giáo đi dọc lối đi. Lũ học trò rúm lại trên ghế khi cô đi qua. “Ai đem bánh sô cô la đến lớp hôm nay?” cô giáo bắt đầu cuộc điều tra.
“Con ạ.” Aarti nói. Con bé mở hộp đựng bữa trưa và nhận ra rằng chính cái bánh của mình đã được sử dụng để làm bẩn bộ váy. Tiếng hét của con bé vươn lên ngưỡng cường độ mới. “Có người đã ăn bánh của con,” Aarti khóc to đến mức lớp 5B bên cạnh cũng có thể nghe được.
Một nửa miếng bánh của mày thôi, tôi muốn nói với nó thế.
Raghav nhìn tôi chằm chằm. “Đầu thú chứ?” cậu ta thì thầm.
“Cậu điên à?” tôi thì thầm đáp lại.
Khi cô Gill đi qua, tôi cắm đầu nhìn sàn nhà. Cô đi đôi dép màu vàng đính những viên pha lê giả trên quai. Tôi siết chặt nắm đấm. Những ngón tay của tôi nhớp nháp.
Cô giáo lại đi lên trước lớp. Cô lấy trong ví ra tờ giấy ăn lau sạch cái thước. “Hãy thú nhận đi, nếu không hình phạt sẽ nặng hơn đấy,” cô cảnh cáo.
Tôi vờ như không nghe thấy và mở vở toán.
“GM là ai?” cô giáo hỏi. Cô đã đọc được tên viết tắt của tôi. Tôi đã khắc nó lên thước kẻ bằng cái com pa. Chết tiệt!
Trong lớp chúng tôi có hai GM. Một là Girish Mathur, ngồi dãy bàn đầu. Cậu ta đứng lên ngay không cần gọi.
“Không phải con, thưa cô,” cậu ta nói và véo véo cổ mình. “Thề có trời, thưa cô.”
Cô giáo nheo mắt nhìn cậu ta, vẫn nghi ngờ.
“Con thề có sông Hằng, thưa cô,” Girish khóc nói.
Lấy sông Hằng ra là có tác dụng ngay. Tất cả đều tin cậu ta.
“Còn ai là GM nữa? Gopal Mishra!” cô giáo quát gọi tên tôi.
Mọi con mắt quay lại nhìn tôi. Cô giáo đi xuống bàn tôi. Tôi đứng dậy.
Tôi không nói một lời. Cô giáo cũng không.
Chát! Chát! Hai má tôi đau buốt.
“Trộm đồ ăn? Con là thằng ăn cắp à?” cô giáo nói. Cô nhìn tôi như thể tôi vừa lấy trộm viên kim cương Kohinoor từ bảo tàng của nữ hoàng Anh, tin thầy giáo môn xã hội vừa kể chúng tôi nghe hai ngày trước.
Tôi cúi thấp đầu. Cô đập vào gáy tôi. “Ra khỏi lớp của tôi!
Tôi lê chân ra khỏi lớp, cho dù cả lớp 5C đang nhìn tôi. “Aarti, vào nhà vệ sinh rửa ráy đi,” cô Gill ra lệnh.
Tôi đứng dựa vào bức tường ngoài lớp học. Aarti lau mắt và bước ngang qua tôi vào nhà vệ sinh.
“Đồ kịch sĩ! Có mỗi nửa miếng bánh thôi mà!” Tôi nghĩ.
Dù sao thì đó là cách tôi, Gopal Mishra, gặp Aarti Pratap Pradhan vĩ đại. Tôi phải nói với ông rằng, mặc dù đây là câu chuyện của tôi nhưng ông cũng sẽ không thích tôi lắm đâu. Dẫu sao thì một tên trộm mười tuổi cũng không phải một nhân vật dễ ưa để bắt đầu câu chuyện.
Tôi tới từ Varanasi, thầy giáo dạy môn xã hội nói nó là một trong những thành phố cổ xưa nhất trên thế giới. Người ta đến đây sống từ năm 1200 trước Công nguyên. Thành phố lấy tên từ hai con sông, Varuna và Asi, hai con sông chảy qua thành phố và chảy vào sông Hằng. Người ta gọi thành phố của tôi bằng nhiều tên - Kashi, Benares hoặc Banaras - tùy thuộc vào xuất xứ của họ. Vài người gọi Varanasi là Thành Phố Chùa Chiền, vì chúng tôi có hàng ngàn ngôi chùa, vài người khác lại gọi là Thành Phố Học Tập, vì nó có những nơi rất tuyệt vời để nghiên cứu. Tôi thì đơn giản gọi Varanasi là nhà mình. Tôi ở gần Gadholia, một nơi ồn ào đến mức ông cần nhét bông vào tai nếu muốn đi ngủ. Gadholia gần những bậc nước dọc sông Hằng. Thế nên, khi không thể chịu đựng được những đám đông của Gadholia, người ta luôn có thể chạy ra chỗ các bậc nước đó, ngồi bên sông Hằng và nhìn ngắm những ngôi chùa. Có người cho thành phố của tôi là đẹp, thần thánh và tâm linh - nhất là khi chúng tôi phải giới thiệu nó với khách du lịch nước ngoài. Có người lại chê nó bẩn thỉu và chẳng khác gì một cái hố rác. Tôi không nghĩ thành phố của tôi bẩn. Chính con người làm cho nó bẩn.
Dẫu sao thì họ vẫn nói bạn cần đến Varanasi một lần trong đời. Ờ, một số trong chúng tôi thì sống cả đời ở đây.
Trong túi tôi có một cái bút chì. Tôi dùng nó vẽ chữ 5C lên tường. Nó giúp tôi giết thời gian và cũng giúp lớp chúng tôi dễ tìm hơn.
Con bé đi từ nhà vệ sinh ra - mặt ướt, vẫn giữ nguyên vẻ mặt kịch sĩ, nhìn tôi chằm chằm - rồi quay trở lại lớp.
Con bé vẫn nhìn tôi chằm chằm khi tiến tới gần tôi. “Bạn đang vẽ bậy lên tường kìa!” nó nói.
“Đi mà hớt lẻo đi,” tôi nói. “Đi đi.”
“Sao bạn trộm bữa trưa của tớ?” nó hỏi.
“Tôi không trộm bữa trưa của cậu.” tôi nói. “Tôi chỉ cắn có ba miếng bánh sô cô la của cậu thôi. Cậu có khi còn chẳng nhận ra ấy chứ.”
“Cậu đúng là một thằng nhóc hư,” Aarti nói.
2
Bác Dubey, luật sư của nhà tôi, đẩy một hộp bốn cái laddu về phía chúng tôi.
“Bánh ngọt? Để làm gì vậy?” bố tôi hỏi.
Bác Dubey đến nhà chơi. Tôi và bố ngồi đối diện bác qua chiếc bàn ăn cũ kỹ.
“Tòa đã đưa ra ngày xử,” bác Dubey nói. “Mỗi chuyện này mà đã lâu quá rồi, tôi nghĩ ta nên ăn mừng.”
Tôi băn khoăn không biết liệu mình có thể cho kịch sĩ Aarti vài cái bánh laddu để đền miếng bánh hay không. Tôi muốn mua một cái bánh sô cô la và đập nó xuống bàn con bé. Tuy nhiên tôi không có đủ tiền làm chuyện đó. Bố không cho tôi tiền tiêu vặt, mà trong túi ông cũng chẳng có nhiều tiền lắm.
Bệnh của mẹ đã ngốn sạch số tiền tiết kiệm của ông. Bà mất hai tuần sau khi tôi lên bốn tuổi. Tôi không nhớ nhiều về mẹ và cái chết của bà. Bố nói bố đã phải mặc áo của mẹ và ngủ cạnh tôi cả một tháng. Sau cái chết của mẹ, việc tranh chấp đất đai bắt đầu. Vì lý do này mà bác Dubey trở thành vị khách thường xuyên của nhà tôi.
“Anh mua bánh chỉ vì ta đã có ngày xử?” bố ho. Vụ kiện này không trả lại đất cho ông, nhưng nó làm căn bệnh đường hô hấp của ông xấu đi.
“À, Ghanshyam muốn xử lý vụ này ngoài tòa,” bác Dubey nói.
Bác Ghanshyam, người anh đáng kính của bố, đã chơi chúng tôi. Ông tôi để lại cho hai người con trai ba mươi mẫu đất canh tác trên đường cao tốc Lucknow, chia đều. Ngay sau cái chết của ông, bác Ghanshyam vay tiền ngân hàng và thế chấp bằng miếng đất của bố, làm giả giấy tờ với mã số khu đất sai và hối lộ nhân viên ngân hàng.
Bác Ghanshyam đã có những quyết định kinh doanh tệ hại và làm ăn thất bát. Ngân hàng gửi thông báo tịch biên cho chúng tôi. Bố chống lại và ngân hàng kiện cả bố lẫn bác. Rồi hai anh em lại kiện nhau. Tất cả những vụ kiện này lê lết trong hệ thống tư pháp của chúng tôi còn chậm hơn cả xe bò kéo đi trên xa lộ quốc gia.
“Xử lý?” bố ngả người về phía trước.
Tôi nhặt một cái bánh laddu cho vào túi.
“Ghanshyam sẽ đưa anh tiền mặt. Anh ta sẽ lấy phần đất của anh, làm việc với ngân hàng và xử lý nốt các vụ kiện.”
“Bao nhiêu?” bố hỏi.
“Một triệu.” Bác Dubey trả lời.
Bố tôi im lặng. Tôi nhón thêm một viên laddu nữa. Hai cái là đủ cho con bé vui rồi, tôi nghĩ.
“Tôi công nhận là với mười lăm mẫu đất thì đề nghị này thật nực cười,” bác Dubey tiếp tục. “Nhưng đất của anh còn đang chịu khoản vay mười triệu nữa.”
“Không phải tiền tôi vay!” Bố nói to khác thường.
“Anh ta đã nộp giấy tờ của anh cho ngân hàng. Sao anh lại đưa anh ta giấy đất của anh cơ chứ?”
“Anh ta là anh trai tôi,” Bố nói, cố kìm nước mắt. Mất người anh trai làm ông đau hơn mất đất.
“Nếu anh muốn thêm tiền, tôi có thể bảo anh ta. Sao cứ phải lằng nhằng mãi?” bác Dubey nói.
“Tôi là con nhà nông. Tôi sẽ không để mất mảnh đất của mình,” bố nói, mắt đỏ lên. “Cho tới lúc tôi chết. Nói với anh ta nếu muốn lấy đất thì hãy cứ giết tôi trước đã.”
Rồi bố lườm tôi khi tay tôi thò ra lấy cái laddu thứ ba.
“Không sao đâu, cháu lấy cả đi.” Bác Dubey nói.
Tôi nhìn cả hai người, nhặt cái hộp và chạy ra khỏi phòng.
Tôi đặt phịch cái hộp lên bàn con bé.
“Cái gì thế?” con bé nhìn tôi nghiêm nghị.
“Tôi đã ăn bánh của cậu. Tôi xin lỗi.” Tôi nói, giọng nhỏ dần.
“Tớ không thích laddu,” con bé tuyên bố.
“Tại sao? Cậu là dân da trắng à?” tôi hỏi nó.
“Không, laddu làm tớ béo. Tớ không muốn bị béo,” con bé nói.
“Bánh sô cô la thì không làm cậu béo chắc?”
“Tớ không muốn nó,” con bé nói. Nó nhẹ nhàng đẩy chiếc hộp về phía tôi.
“Được thôi,” tôi nói và lấy lại cái hộp.
“Cậu vừa nói xin lỗi đấy à?” Aarti hỏi.
“Phải, tôi nói đấy.” Tôi để ý thấy hai cái đuôi tóc kỳ dị, buộc nơ đỏ của con bé. Trông nó cứ như một nhân vật hoạt hình.
“Lời xin lỗi được chấp nhận.” Con bé nói.
“Cảm ơn,” tôi nói. “Cậu chắc chắn là không muốn ăn laddu đấy chứ?”
“Không. Con gái mà béo thì không làm tiếp viên hàng không được,” con bé nói.
“Cậu muốn trở thành tiếp viên hàng không à?” tôi hỏi.
“Ừ.”
“Tại sao?
“Họ bay khắp nơi. Tớ muốn được đi nhiều nơi.”
“Rồi.”
“Còn cậu sau này muốn làm gì?” Aarti lại hỏi.
Tôi nhún vai. “Một đại gia,” tôi đáp.
Con bé gật đầu, như thể lựa chọn của tôi có lý. “Giờ cậu đang nghèo à?”
“Ừ,” tôi nói.
Con bé nói tiếp, “Tớ giàu. Nhà tớ có ô tô.”
“Nhà tôi không có ô tô. Được rồi, tạm biệt.”
Tôi quay người định bỏ đi thì Aarti lại hỏi thêm. “Sao mẹ cậu không làm bữa trưa cho cậu?”
“Tôi không có mẹ,” tôi trả lời.
“Mẹ cậu mất rồi à?”
“Ừ,”
“Được rồi, tạm biệt.”
Tôi về chỗ mình. Tôi mở hộp laddu lấy ra một cái.
Aarti đi đến chỗ tôi.
“Gì thế?” tôi hỏi.
“Thỉnh thoảng cậu có thể ăn bữa trưa của tớ. Nhưng mà đừng có ăn nhiều quá. Và không được lấy bánh hay món ngon nào.”
“Cảm ơn.”
“Và đừng bày bừa. Nếu cậu muốn, bọn mình có thể cùng ăn lúc nghỉ trưa.”
“Cậu sẽ không còn đủ mà ăn đâu.”
“Không sao. Tớ đang ăn kiêng. Tớ không muốn béo,” Aarti nói.