We have to walk in a way that we only print peace and serenity on the Earth. Walk as if you are kissing the Earth with your feet.

Thich Nhat Hanh

 
 
 
 
 
Tác giả: Lan Khai
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1217 / 25
Cập nhật: 2016-06-21 08:45:52 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
êm nào cũng như đêm nào, những tiếng ầm ì đặc biệt của cái phố Hàng Bún thực tình chỉ có đâu một lúc về mãi gần sáng, khoảng từ ba giờ là bắt đầu xe điện chạy. Là bởi, một đằng thì bọn gái trăng hoa nối vào cuộc mưu sống ban ngày của các hạng người trở dậy làm việc cho cơm áo, một đằng thì các người say, dửng mỡ, hát như bò rống; các phu xe bị xử ức, kêu vỡ lở; các hàng "dày dò", các hàng "cà phê bánh tây" đua rao ời ợi, nhất là tụi "ma cô", những quân ngay lưng sống bám vào nghề mãi dâm chẳng khác đàn ruồi xúm quanh mụn sâu quảng, chúng quần tam tụ ngũ bên các cột đèn để vừa săn khách chơi vừa bóc lột lẫn nhau bằng cây bài nước bạc, vừa chửi nhau, vừa văng đểu, hoặc đang yên đang lành bỗng gân cổ kêu "Trời đất ơ... ơi!" bằng một thứ giọng Sài Gòn giả hiệu.
Ấy, một đêm giữa tháng Chạp kia, dân cái phố xép nọ vừa được chút yên lặng thì Nguyễn Khải bị một cơn ho dựng dậy. Nhà văn trẻ tuổi này đeo đẳng cái chứng suyễn đã hơn mười năm trời, chỉ vì không bao giờ chàng lợi ra được lấy một số tiền mà thuốc thang cho đến nơi đến chốn. Và, cứ mỗi mùa đông lại, hoặc phải khi mưa nắng thình lình, chàng thường bị những cơn đau sống dở, chết dở.
Khải nằm lần này ròng rã hơn hai tháng; về công việc viết lách, chàng không làm nẩy ra một đồng một chữ gọi là cho có. Kim, vợ chàng đành xoay xỏa giật mượn các chỗ quen biết để chi tiêu hàng ngày. Những sự phiền lụy lặt vặt rất dễ khiến người ta bị ghét bỏ và mất thể diện này đủ sao được cho những thiếu thốn của một gia đình gồm bốn đứa trẻ, một người ốm, một người đàn bà không nghề, không vốn, và một thằng nhỏ. Rốt cuộc, nợ cũ chỉ chồng chất thêm nợ mới; những câu cục cằn, những lời bỉ thử váng lên như ong. Đời sống gia đình Khải thành ra một chuỗi dài hoảng hốt và lo sợ. Hơi có tiếng chân người lên thang hoặc bất kỳ ở đâu ai nói lớn, Khải đã giật mình, vội sắp xếp câu van khất. Chàng luôn luôn tự hỏi: "Làm cách nào cho ra tiền?" để càng thấy quẫn bách hơn lên. Cả những lúc mệt quá ngủ chợp đi, Khải cũng vẫn thường bị các mộng ảnh ghê gớm, các hoảng hốt bất thần, ấy là chưa kể các cơn ho nó dựng phắt dậy.
Khải vớ tấm chăn ấp lên ngực, chàng cố nhịn song toàn thân chàng cứ bị giật bắn lên từng trận. Từ đây, một bên phổi chàng phát ra những tiếng khò khè bực tức, nó làm Kim đương ngủ say cạnh chồng, cũng phải thức giấc. Nàng chép miệng: "Cứ thế này mãi thì làm ăn ra làm sao, hở trời". Khải giơ tay ý bảo vợ cứ nằm yên mà nghỉ. Kim đã thức nhiều quá, nàng cũng ốm nốt thì rầy to! Đoạn, chàng ngửa mặt, há miệng, cố thở như người gần chết đuối.
Kim với hộp thuốc cuốn "Abyssinie" để trên góc cái bàn kê ngay trước giường - bàn viết của Khải. Đó là thứ thuốc rẻ tiền nhất, và nó chỉ đỡ được tạm thời. Nhưng Khải đã dùng đi dùng lại nhiều lần nên thuốc chẳng có công hiệu như lúc mới. Chàng nể lòng vợ, cầm lấy điếu thuốc nàng vừa châm sẵn đưa cho, rít mấy hơi rồi vứt bỏ.
Ở giường bên, thằng con út của hai người cất tiếng khóc, Khải hất hàm bảo vợ:
- Xem... kẻo nó... ngã...
Kim đứng xuống sàn; một tay vắt nước mũi.
Đồng hồ nhà ai văng vẳng gõ bốn tiếng...
- Khàn đâu? - Khàn là tên thằng bé ở - Mợ gọi nó dậy đun nước... uống và... sắp sửa cho... trẻ... thì vừa!
Kim ngừng si con đái.
- Đương thở thì nói làm gì cho mệt. Mới bốn giờ, bảy rưỡi xe mới chạy, còn sớm chán...
Những câu hai vợ chồng vừa nói đều ám chỉ ông cụ lang Xuân Hòa - thân phụ Khải - nhất định sớm hôm sau, sẽ bắt cả bốn thằng con Khải về quê ăn Tết. Vì chỗ Khải thuê chật chội quá, cụ lang phải ngủ trọ ở nhà một người quen, nhưng thể nào cụ chẳng sắp lại để ông cháu kịp ra chuyến xe chạy Tuyên Quang, nơi quê hương năm đời của họ Nguyễn. Cụ xuôi về một hôm cốt đón lũ cháu, rồi lại ngược ngay, tỏ ra cụ giận Khải lắm, tuy không thèm nói. Chàng hiểu như vậy, và còn biết thêm rằng cái cảnh khốn đốn của chàng lúc này đã được cụ lang coi như một thứ báo ứng. Hai thế hệ đã cách biệt nhau, đến nỗi cha có thể oán ghét con trong khi con yên trí mình vô tội. Chẳng hạn, dưới mắt cụ lang, Khải hoàn toàn là một thằng con ích kỷ và bội bạc. Ấy là cụ ngờ Khải làm hái ra tiền nhưng chỉ biết sung sướng với vợ con, chứ không đoái hoài chi đến bố. Chẳng vậy thì sao, luôn hai cái tết, Khải đã không về quê, trước là để dự một phần vào việc viếng thăm phần mộ tổ tiên, hương khói bàn thờ ông vải, sau là họp mặt cùng cha, cho vui cửa vui nhà? Sự vắng mặt kéo dài của đứa con một và lũ cháu trong cái gia đình ông nhà nho kiêm thủ chỉ một làng ấy, đã như gãi vào thói quen tò mò của xóm mạc, và đã cho những mồm ong miệng rắn một dịp bàn tán xôn xao. Khải vắng mặt, biết đấy là đâu! Chung quy, chỉ mình cụ lang là ức; đã buồn vì nỗi ba ngày Tết đến trơ trọi một thân trong mấy gian nhà trống rỗng, cụ lang còn cứ phải gượng làm ra mặt tự nhiên mỗi khi không thể tránh trả lời những câu vờ săn đón để bới móc của những quân độc bụng, nhất là của mấy thằng nhãi ranh trong hàng cháu nội ngoại, chúng lợi dụng sự đến mừng tuổi để khoe khoang về cái giàu sang tôi đòi và ăn cắp của chúng, sau khi đã tỏ cho ông cụ thấy bằng đủ mọi mánh khóe, rằng con cụ chỉ là đồ vô tích sự. Ấy, mỗi lần đành chịu khoanh tay trước sự hỗn xược và hiểm ác của người đời như thế, cụ lang càng giận Khải đến thâm gan tím ruột. Khải làm gì không thấu rõ cả. Và chàng đã cực khổ vô cùng, bởi luôn hai Tết trước, chàng đã bị bắt buộc phải vắng nhà. Sự bất đắc dĩ ấy chính là do sự thiếu đồng tiền, cũng như mọi cái lùi sùi khác ở đời. Khải không đủ can đảm bồng bế vợ con trở về quê hương, với một tình trạng không hơn gì trước, để làm cái đích cho những lời xỏ xiên đàm tiếu. Chàng cũng tự biết mình hèn nhát. Nhưng làm thế nào được, một khi những cái kia đều mạnh hơn chàng! Khải sẽ chẳng bao giờ lưu tâm đến đồng tiền, nếu người ta đừng săn sóc đến cái nghèo của chàng một cách quá ư khó chịu. Chàng có thể nào trở nên một phú ông tiền kho thóc đụn, hay một viên chức sang cả, khi mà chàng đã bỏ cái thanh xuân của chàng vào sự đọc sách và sự luyện tập cái nghệ thuật rất khó của nhà văn. Làm thế, Khải đã bị tất cả chê là dại, nhưng chàng đã tìm được lẽ để tự cao ngay chính sự chê bai ấy. Chàng cho rằng, người Việt Nam sở dĩ chưa biết trọng văn nhân thi sĩ, ấy chỉ vì từ trước đến nay, người Việt Nam chưa hiểu văn chương là gì, ngoài cái mớ huấn điều trong Tứ thư, Ngũ kinh, mà họ cần phải học thuộc để đi thi. Sống ở đời, người Việt Nam chỉ biết có hai con đường, làm quan để hưởng tất cả quyền lợi và vinh quang, hoặc cam làm kẻ bạch đinh để suốt đời chịu thiệt. Nguyễn Du, khi xưa, nếu đã được thời nhân ca tụng, ấy chẳng qua tại ông ấy là một vị Tham tri bộ Lễ và đã từng vâng mạng Vua sang sứ bên Tàu, thế thôi! Còn đến cái ông Nguyễn Du, tác giả Truyện Thúy Kiều thì nào mấy ai đã thèm đếm xỉa đến. Và, chính do lẽ ấy, văn chương Việt Nam mới không bao giờ được cả thế giới tôn trọng, coi ngang với văn chương Pháp, Anh hay Đức, và cái tinh thần của giống nòi Hồng Lạc mới luôn luôn bị các tinh thần khác làm cho mờ ám đi. Bây giờ, điều cần kíp là làm thế nào cho người Việt Nam nhận rõ được cái sứ mệnh của văn chương và hiểu rằng văn nhân thi sĩ là không thể thiếu được cho một dân tộc cũng như cho cả nhân loại, bởi họ là những tay đạo sĩ tuyệt luân đã gắn tai, gắn mắt và đã cho người đời có một tấm lòng. Thực vậy, con người sống trong hoàn cảnh thiên nhiên của nó, hằng bị sai khiến bởi những cần dùng của bản năng đến nỗi không còn trông nghe và cảm xúc gì hết. Cái cứu cánh sinh hoạt duy lợi đã khiến cho đời sống tình cảm của nó hạn hẹp và nghèo nàn thảm hại. Nó chờ mãi cái ngày văn nhân thi sĩ đến trong trần thế để mới biết rằng một ngọn núi không chỉ là một đống đất thó tốt cho việc nung gạch, hay chỉ là một đống đá khả dĩ nung vôi, và bên trên có nhiều cây to có thể ngã xuống làm than củi. Rồi, từ đấy, nó mới biết ngẩn ngơ trước một cảnh như:
Vì mây cho núi lên trời
Vì chưng gió thổi hoa cười với trăng.
Lại mới biết gửi đến non xanh đôi lời tha thiết, mỗi khi lòng nung nấu vì nỗi sinh ly:
Núi cao chi mấy, núi ơi!
Che khuất mặt trời, chẳng thấy người yêu!
Tâm hồn mỗi cá nhân ví như ít nước đựng trong lòng cái chén. Tâm hồn cả vũ trụ là nước của non sông dài. Văn nhân thi sĩ là những bậc tài năng đã hòa chén nước xuống lòng sông. Những ý tưởng này, Khải bắt đầu có ngay từ khi chàng thoạt được rung động êm đềm bởi những văn thơ kỳ diệu mà thi sĩ Tản Đà đương tung ra trong muôn làn gió. Chàng cảm thấy cùng với cái xúc động sâu xa nọ, rằng văn chương sẽ là cái việc chính của đời chàng. Bởi đứng trước những cảnh: "Trắng phau ngựa trắng, xanh rì rừng xanh" hoặc "lá thu rơi rụng đầu gành, sông thu đưa lá bao ngành biệt ly" quen thuộc nơi quê hương, mà ông cụ lang đã dạy chàng hiểu cái vẻ đẹp rất sớm, chàng chẳng cũng thấy trái tim mười bảy của chàng bâng khuâng man mác, và chàng cũng muốn nói một cái gì đấy ư? Khải đã viết, và lẽ tất nhiên, những cảnh núi rừng, đời sống đầy bí mật của dân Thổ Mán, những chuyện tình say sưa vẫn được nhắc đi nhắc lại quanh mình chàng, nó hợp với các nhu yếu khẩn thiết tuy mơ hồ của hồn chàng, đã chiếm địa vị chính trong mấy tác phẩm, chàng cho ra đời trước nhất. Tên Khải đã được nhiều người nói tới, nhưng bởi tham vọng to cao, chàng luôn luôn đưa cặp mắt hằn học về phía các vầng hào quang chói lọi đằng chân trời xa thẳm. Chàng mê văn chương như người ta mê gái hay mê đánh bạc. Chàng lại đã biết rằng, sự độc lập của ngòi bút là một cái gì cần được tôn trọng nên đã quyết định sẽ không bao giờ lấy ngòi bút làm cái vật mưu sinh. Chàng đã chịu khó làm bất cứ nghề nào có thể làm phụ được, tuy những công việc này có thể choán hết tám phần mười cái thời giờ dùng để đọc sách của chàng. Khải đã đóng vai thầy giáo tư thục, với bộ đồ vẽ truyền thần, chàng đã lặn lội khắp vùng Hà Giang, Bắc Quang, Hoàng Su Phì, nhưng số tiền kiếm ra đã chẳng đủ để vừa chu cấp cho gia đình vừa chi vào cái bệnh ngã nước mà chàng đã mắc phải, chàng đã làm thư ký cho một hiệu sơn phố Hàng Nón, và đã bị mời ra cửa vì cái tội dám cãi lại khi bà chủ - một ả lầu xanh cũ mở miệng chửi chùm lớp cả tụi làm công, chàng đã vác đơn vào các sở, nhưng ở đâu cũng chỉ thải bớt chứ không lấy thêm người làm. Trong khi ấy, các tai nạn cứ nối đuôi nhau dồn dập đến gia đình chàng, làm cho tài sản khánh kiệt; bốn thằng con chàng ra đời, vấn đề cơm áo càng nguy cấp. Ông bố chàng ngày đêm chỉ những phiền muộn về nỗi có độc một thằng con để nương cậy lúc tuổi già thì chính thằng con ấy lại chẳng làm nên nghề ngỗng gì, trong khi con người ta, kể cả con những nhà bố cu mẹ đĩ đều nên danh nên giá, khiến cha mẹ được nở mày nở mặt, họ hàng làng xóm được dịp bợ đỡ phỉnh phờ. Sau hết, mẹ chàng đã chết vì thiếu thốn và tuyệt vọng. Để có tiền ma chay cho mẹ, Khải đã nhắm mắt ký với Nhà xuất bản Văn Nghệ một tờ giao kèo hạn ba năm. Chàng đã bị bắt buộc làm cái việc mà chàng đã cố tránh: đánh đĩ ngòi bút. Theo giao kèo nói trên, Khải mỗi tháng phải có cho nhà xuất bản một quyển tiểu thuyết dày một trăm hai nhăm trang, mỗi trang ba mươi ba dòng, mỗi dòng mười hai chữ (như thế lúc in thành sách bán độ ba bốn hào dễ chạy) - một quyển tiểu thuyết "không cần..." 1 ra một bi kịch tối tăm và kéo dài không biết đến bao giờ, thêm vào cái bi kịch những nhu cầu vật chất.
Nhưng ông cụ lang thấu đâu nông nỗi ấy!
Cụ chỉ biết buồn và giận, bởi con cụ quanh năm cứ biền biệt phương xa. Sự buồn giận, lúc đầu còn ngấm ngầm, giờ đã trở nên vỡ lở. Cụ quyết cho Khải biết cái uy quyền của cụ bằng cách bắt cả bốn đứa cháu nhỏ về quê. Còn chàng, chàng đã không kể chi đến tình cha con thì thôi, cụ cũng chẳng cần. Cụ đã bảo rõ chàng: "Về phần anh, tôi tùy anh muốn sao cũng được. Duy các cháu tôi, tôi phải đem chúng nó lên nhà để ông cháu sớm hôm gần gũi nhau mới được!" Khải chỉ mỉm cười đến ứa nước mắt khi chàng nhìn sự hờn giận trên gương mặt cha, đã bị tàn phá rất nhiều bởi tháng năm và nhất là bởi đau khổ...
Kim, dỗ con xong, lại quay sang với chồng:
- Mình đã bớt thở rồi đấy, nằm xuống may ra ngủ thêm được càng hay. Khải làm theo lời vợ. Kim đắp kín chăn cho chồng, rồi nàng cũng ngả mình vào chỗ. Dần dần, sự lặng lẽ của gian gác trở nên sâu thẳm trong cái tiếng rù rì tối tăm của một con trùng thuộc loài dế nó kêu trong một kẽ tường nào, và sau cùng, trong cái tiếng thở nhọc đều đều của Kim, Khải không ngủ được. Một tay vắt ngang trán, chàng rim mắt nhìn vẩn vơ cái hình tròn sáng do lỗ thông phòng, chiếc đèn Hoa Kỳ in lên mặt trần vôi, và những lớp bóng đậm nhạt trên tường có một vẻ đẹp kỳ ảo mà tiếng nói không sao diễn nổi. Đồng thời ý nghĩ của chàng cứ lan man từ chuyện này qua chuyện khác. Một khi ông cụ lang đã về đón các cháu cụ về quê thì Khải thể nào cũng phải lên nhà ăn tết, và sẽ bị giữ lại ở quê hương một thời hạn khá lâu. Chàng nghĩ đến cái quy kỳ không tránh được, đến những ngày tẻ ngắt chàng sắp lại phải sống trong cái xó tỉnh lị nhỏ miền thượng du kia bao nhiêu, lòng chàng càng băn khoăn khó chịu bấy nhiêu. Chàng nhận ra rằng: Hà Nội là một cái gì chàng không thể thiếu được, rằng nơi đô thành ấy có rất nhiều liên lạc với lòng chàng, những liên lạc sâu xa hơn cả những cái rễ vô hình nó ràng buộc chàng với nơi chôn nhau cắt rốn. Khải đã thường nói: "Chỉ khi nào trông thấy dải cầu sông Cái, tôi mới thực sống một cách đầy đủ". Đành rằng, bao nhiêu khoái lạc mê hồn, bao vẻ hoa lệ say mắt, Hà Nội nhất thiết không cho chàng được mảy may hưởng thụ, và chỉ hắt hủi chàng, nhưng, không hiểu sao, chàng vẫn thiết tha nó, vẫn đợi chờ tất cả ở nó. Chỉ ở Hà Nội, chàng mới có được cái nao nức cần cho lòng yêu đời và cho cái ham xây sự nghiệp. Hà Nội đã hủy hoại của chàng bao nhiêu hy vọng và mộng đẹp thực đấy, song chính nó lại đã cho chàng không biết bao nhiêu hy vọng và mộng đẹp. Vậy mà nay, chàng nhất định sẽ phải xa nó, để về ru rú trong cảnh núi rừng và để hàng ngày chỉ trông thấy rặt những cái ngu xuẩn, hợm hĩnh, rởm đời! Khải buông mạnh một tiếng thở dài, chưa bao giờ cái buồn chia phôi lại nung nấu lòng chàng đến thế. Nhưng làm cách nào khác được? Khải đành tự an ủi: "Chẳng nhẽ còn cha già đấy mà ta cứ biền biệt không về. Thêm nữa ta sống chật vật mãi đã kiệt sức quá; ta cần nghỉ ngơi ít lâu rồi làm gì mới làm được. Những phút hoàn toàn yên tĩnh kia thiết tưởng rất tốt cho ta, kể cả về tinh thần lẫn vật chất. Và, biết đâu đấy, giữa lúc ta ung dung tự tại, cái tác phẩm mơ ước của ta đột ngột thành hình cũng chưa biết chừng?". Các lẽ Khải viện ra để cố tô điểm cho sự phải về quê, dù sao, vẫn chẳng làm mờ được các bộ mặt giễu cợt, và lóa lấp được cái lời cạnh khóe chắc hẳn đương chờ đợi chàng. Khải bị những cái ấy nó ám ảnh dữ quá. Chàng chép miệng một cách hằn học: "Quái thật! Sao ở đời lại có cái thứ người chỉ lấy sự giòm giỏ, sự bới thối đồng loại làm cái lẽ sống độc nhất của chúng như vậy được. Chưa thấy ai hay, chúng đã vội tâng bốc người ấy lên tận mây xanh, mà chẳng phải là để ăn mật, ăn mỡ gì cả! Người ta chưa dở, chúng đã húm lại, toan những sự dè rí kẻ không may xuống tận đất đen, tỏ ra một tâm địa bất nhân vô ích. Chúng chỉ những bận rộn về sự khoe mình, sự dèm pha người, về những mánh khóe lặt vặt, những hiểm độc nhỏ nhen, đến nỗi đời chúng hết lúc nào chúng cũng không kịp biết. Chúng thực là một lũ sâu đất đáng thương mà lại vô cùng đáng giận!". Khải trở mình, chân tay chàng bực dọc như muốn đập phá một cái gì. Sau cùng, chàng kết luận: "Không, ta phải biết ngồi xổm lên cái dư luận của những quân khốn nạn kia mới được! Ta sẽ mặc xác chúng cùng những lời sống trộm của chúng". Khải thấy mình cao siêu và can đảm hơn bao giờ hết. Và, để tỏ ra chàng không bận lòng về cái nhân loại kia chút nào nữa. Khải bắt đầu soạn trước cho mình một cái thời khắc biểu phù hợp với cuộc sống nay mai của chàng...
Nhưng, vừa lúc ấy, chợt vẳng tới tai chàng một vài tiếng guốc lẹp xẹp trên mặt đường, những tiếng ho khúng khắng, những tiếng rì rầm như bao lời than thở, những tiếng người mua kẻ bán chửi rủa nhau. Xa xa, một hồi còi xe lửa hét vang. Thằng con nhỏ của chàng, theo lệ, khóc đòi quá sớm. Cuộc sống hàng ngày lại bắt đầu với những mồ hôi nước mắt, những khổ cực âm thầm, những sự tàn ác, những nỗi cơ hàn của nó...
--------------------------------
1 Bản in Mực mài nước mắt trong Thư viện Quốc gia (Hà Nội) (ký hiệu P22963 bị mất 2 trang 15 và 16. Chúng tôi xin tạm thời để trống và có dịp bổ sung sau.
Mực Mài Nước Mắt Mực Mài Nước Mắt - Lan Khai Mực Mài Nước Mắt