Người mà cố gắng rồi thất bại vẫn tốt hơn nhiều so với người không cố gắng gì cả và thành công.

Lloyd James

 
 
 
 
 
Tác giả: Ngọc Giao
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Oanh2
Upload bìa: vân trầm
Số chương: 6
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1147 / 5
Cập nhật: 2015-11-28 21:17:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần I
ột hôm, đi qua cái bến đò Hồ nhốn nháo, Thảo bảo vợ con ngồi nghỉ dưới gốc đề, rồi rón rén đến trước cửa nhà Linh, ghé mắt vào cánh liếp thấy cụ Đầu Xứ - thân phụ Linh - thần thái vẫn ung dung, đang với tay lên vách hạ bức liễu bồi lụa vân đằng do danh sĩ Trung Quốc Phùng Tử Tài thủ bút. Cơ chừng cụ Đầu Xứ chỉ đành lòng rời bỏ bến Hồ nếu còn có thể nhét vào lòng chiếc ô đen bức liễu ngàn vàng ấy. Thảo không dám vào lạy biệt, hoặc là xin đồng hành cùng bá phụ, là vì Thảo vốn kính sợ thân phụ bạn như một kẻ tôi đối với chúa.
Cụ Đầu Xứ tính nghiêm, diện mạo hệt một ông già trong một tấm tranh Tàu cổ. Thảo và Linh đã một dạo ham Hán tự, được cụ Đầu Xứ Bắc Ninh dạy cho ít nhiều. Nhưng rồi hai kẻ đồ đệ chẳng thể học được mãi, đã tự bỏ bến Hồ vào Hà Nội, múa máy trên trường văn trận bút, đến nỗi cụ Đầu Xứ chỉ lắc đầu ngao ngán mà chẳng thèm nói. Từ đấy người con trai cả cuốn mình vào ánh lửa Đô thành.
Thảo cùng Linh cộng sự một tuần báo văn chương. Do thế, cụ Đầu Xứ có ý ghét con mà không bằng lòng cả Thảo.Thảo cứ phải trốn tránh vẻ mặt trang nghiêm, lạnh lẽo của ông già bến Hồ.
Trượng phu thiên lý trí mã cách,
Thái sơn nhất trịch khinh hồng mao.
Linh ngâm khẽ câu thơ cổ, đưa tay với chai rượu sủi tăm, rót vào chiếc bát đàn. Rượu giang hồ nhạt vị, anh nhắm xuông với muối ớt.
Mưa trắng bạt ngàn núi đồi. Nước rỏ theo mái quán xuống rãnh hiên lầy lội. Khói ở một mái nhà sau đồi cước tỏa nhè nhẹ trong làn mưa thu, ngả màu lam biếc. Linh cúi xuống, soi bóng mái tóc bồng vương men rượu, cảm cái say của ưu tư lắng vào cái lặng lẽ của chiều thu.
Mưa mãi mưa hoài,
mộng đời chưa kịp hái.
Mưa mãi mưa hoài,
lòng nhớ thương ai,
cảnh tượng sầu nơi quan tái.
Giọng anh bay thoảng nhẹ vào gió mưa, khiến Thảo mang mang nghĩ đến anh bạn thơ họ Lư, mà thi nghiệp chỉ còn có thể gửi vào "con nai vàng ngơ ngác".
Rượu đã cạn. Linh ném chiếc bát men da lươn rạn chân chim vào góc chõng, anh ngước nhìn một dải mây xám đang chuyển theo làn mưa trên triền núi:
- Bây giờ, cái hàng ngũ văn nghệ chúng mình có rất nhiều loại người. Có những kẻ nửa đời chới với, vụt nổi cơn điên hiệp sĩ rồi bẻ roi, ném bút nhất định từ bỏ hết lũ con tinh thần đã trưởng thành, để rồi tập sống lại, tập viết lại, tập nghĩ theo những lời những ý của giới lao động.
Có người trước đấy chỉ làm thơ xót con chim mộng, tiếc cái oanh vàng, thế mà hôm sau đã trở nên thiên tài bất tử kiểu Aragon, để rồi xây lưng lại tất cả Lý, Đỗ, Thôi, Bạch, đề cao thi ca đại chúng.
Linh ngừng lại, nhìn hòn non bộ trước quán: từ một kẽ đá nứt vỡ, một khóm cỏ may đã len lách mọc lên phất phơ trước gió. Giọng anh trầm lạnh:
- Còn mình, lũ chúng mình, thì nay đây mai đó, tô râu trát phấn, đóng mãi cái vai Lỗ Túc đi đòi Kinh Châu cho Gia Cát Lượng. Hoặc ngồi biên soạn dăm ba vở kịch thơ. Uống rượu với mơ chua, mận chát, điểm vào tí ớt chỉ thiên. Ờ, nói đến ớt chỉ thiên, mình lại nhớ đến câu thơ haikai của Nhật:
Một con chuồn chuồn
bỏ đi đôi cánh
thì là quả ớt.
Và một quả ớt,
thêm vào đôi cánh
lại hóa chuồn chuồn.
Đó là kiểu thơ Nhật quân phiệt. Hiện giờ người ta đang chửi quân phiệt, thế mà vô hình chung các thi sĩ áo vải đã hò nhau làm theo thơ Nhật cho đại chúng thưởng thức…hà…hà…hà…
Linh bỗng phá cười, chếnh choáng đứng lên rồi lại rơi phịch xuống chiếc ghế. Anh giơ tay vẫy hai người bạn đang rảo bước ngoài mưa. Một trai đeo nỏ, một gái dắt đoản đao. Đó là Trần và Hạc, đôi vợ chồng son.
Thảo và Linh còn nhớ đã có lần anh nổi bất bình mắng nhiếc Trần bạc đức. Trần quắc mắt, bạnh quai hàm quát lại:
- Ta đã là con người mới, sống ở một thời đại mới. Mẹ cha, ruột thịt kể làm chi.
Nhớ lại chuyện cũ, bất giác Linh cạn bát rượu đầy.
Thảo với chiếc bát, hắt cặn chè tươi, rót rượu vào bát để mời Trần. Trần gạt nhanh bát rượu, lắc đầu và nghiêm mặt:
- Tối kỵ. Tôi đã làm thơ bài rươu, có lẽ nào phạm giới. Ngày nay ta phải sống vì thiên hạ, lấy chí quật cường của dân tộc làm men, lấy gan tranh đấu của bách tính làm linh dược. Bọn chúng ta đã nửa kiếp chìm mình vào trong đáy chén, sao còn chưa chịu chui thoát cái vỏ trai kia trong khi chính những con sên, con ốc bé nhỏ đã tự đạp phá cái vỏ đớn hèn!
Thảo chỉ ngồi yên ngắm đôi mày mũi mác nhấc lên hạ xuống theo đôi mắt xếch vàng khè vì nước độc khi mờ khi quắc của người bạn.
Linh lặng lẽ nhìn vào mảnh gương vỡ gài trên tấm vách thủng nhà hàng để ngắm bóng cô Hạc đang lùa xùm xụp bát bánh đúc, riêu cua tanh loãng. Ăn xông, cô kéo vạt áo lau làn môi thâm héo, lại với nải chuối hột bóc ba bốn quả liền.
Thấy Thảo, Linh chẳng hưởng ứng lời nói đanh thép mà Trần thấy rất nhiệm màu mỗi khi cần đem ra thuyết giáo những thằng bạn văn nghệ không tin tưởng vào lớp người mới trong đó Trần tự cho mình là kiện tướng, Trần giận lắm nghiến răng ken két.
Thảo, Linh trả tiền hàng đứng dậy. Dáng ngạo nghễ, Linh chân nam đá chân chiêu khoác tay Thảo bước ra ngoài trời mưa đổ. Linh ngửa mặt đón gió mưa lùa mái tóc bồng, ngâm lớn:
Có con mèo trắng ôm thân mốc,
Thảm thiết gào trăng xé gió khuya.
Thảo mỉm cười, giữ cánh tay Linh vì anh vừa trượt chân suýt té nhào. Linh cười nhạt, cảm thấy nóng gáy vì cặp mắt xếch của người bạn đang dõi nhìn theo.
Đôi bạn đi vào mưa gió, Thảo tránh một hố nước đỏ ngầu, ngậm ngùi bảo Linh:
- Thế là mình lại mất thêm một thằng bạn nữa. Ông có nhớ những ngày lũ chúng mình thường tụ nhau ở túp lều của Trần dựng bên ao bèo, ngõ cụt Khâm Thiên để "thơ mày rượu tao", ôm hũ rượu cười nghiêng ngửa. Nó làm thơ, mà lại là thơ nghe được.
Cửa nhỏ trông trời vướng chấn song,
Một khuôn thu hẹp mấy phương lòng,
Bốn tường vôi lở loang mầu máu.
Mộng cũ thêm sầu chuyện núi sông.
Bây giờ thì nghệ thuật theo thời thượng. Lòng con người không còn sống cùng thơ văn nữa. Chỉ là những tiếng nói lồng vào một thứ vỏ, khuôn nhất định. Anh đừng cảm một làn mây, đừng say một dáng đào, đôi mắt. Con trâu kéo cầy, con bò gặm cỏ, chị đĩ đốt nương. Thiết thực như củ khoai, hạt lúa.
Thốt nhiên Linh lớn tiếng cười, phá vẻ trang nghiêm trên mặt Thảo:
- Ấy thế mà mình đã đôi lần trái cựa. Một buổi hội văn nghệ chiến sĩ mình đã ngâm bài thơ Vợ chồng người đốt than của Tản Đà.
Mây vàng lãng đãng bên mình.
Sinh sinh, hóa hóa cái hình phù du…
Thật ra, người ta vẫn chưa nỡ coi những vần thơ khó hiểu và đầy mỹ cảm ấy là nghịch, ngụy. Là vì người ta vẫn thú nghe, như là những nhà lãnh đạo Hồng quân của nước Trung Hoa bây giờ đã thích nghe Tỳ Bà Hành trước khi hạ bệ anh hùng Tôn, Tưởng, để gắn phù hiệu đó vào xương sống gẫy chú dân cầy.
Mưa ngớt hột. Đến bến sông. Dòng nước bắt nguồn tự cao nguyên đổ xuống, ánh một mầu chàm lá độc. Chiếc đò đầy lánh lượn theo chiều sóng xoáy, mệt nhọc ngoi ra giữa dòng sông. Một đò khác tiến sang. Hai chiếc đò gặp nhau giữa triền sông rộng. Thảo trỏ sang chiếc đò kia cho Linh nhìn, rồi nói:
- Một cặp vợ chồng nghệ sĩ! Trước kia họ ở sân khấu cải lương Sài Gòn. Bỗng thấy rằng phải bỏ nghề để làm một cái gì cho cách mạng. Thế là anh ta phất cờ đeo súng, hò reo trên thảo trường dân chủ. Gió mạnh cuốn đi xa, anh ta cầm bằng theo gió. Để ngày nay vẫn cứ là một kép kịch lưu vong. Chồng vợ tiêu hao xương thịt vào nước độc. Chắc là họ đi tìm đoàn để có chỗ làm trò và lấy chỗ mượn chiếu chăn đắp điếm cho nhau - Linh ngao ngán nói tiếp - Lũ chúng mình cũng chỉ là thứ kép làm trò, không hơn kém. Tôi làm thơ. Anh viết báo. Làm thơ viết báo như con trâu ốm theo cầy chứ không phải con trâu kéo cầy. Anh viết chơi, người ta cũng đọc chơi, rồi mai mốt… Ồ, biết làm sao trước được!
Chiếc đò ghé vào bến, Linh ngoảnh lại. Hai vợ chồng nghệ sĩ lưu vong đang leo lên bờ dốc. Chồng nâng vợ ốm, vợ dìu chồng đau, lom khom khuất trong làn mưa thu. Linh khẽ thở dài, cảm thấm tâm tư nỗi đau ngoài thiên hạ.
Trời chiều sẫm đổ. Mưa thu nhuộm xám bầu trời chiều. Dừng chân ở đầu đường lối xuống thung lũng, hai người đang ngơ ngác dò phương hướng, thốt nhiên có tiếng hú vọng trên nương. Hai gã bỗng từ một lùm cây nhẩy xổ ra, như phường lạc thảo đòi mãi lộ, thì ra Bình Uy và Chu Quý.
Uy lôi chai rượu bố giấu kín ở bọc áo ra, giơ lên mà thét:
- Chúng ta biết nhà ngươi đến nên đã xoay tiền đi mua vụng được để đón tiếp các ngươi đây.
Và Quý cũng lôi gói đậu phụ, lạc rang trong hai túi bành tô lính tẩy.
- Yên chí chúng bay chết rấp trong trận oanh tạc Thái Nguyên rồi. Linh hồn các mi lại linh ứng hiện về đây đúng lúc có rượu ngon, đậu béo.
Bốn người rảo bước vào trong bản. Uy lỗ mãng nói vang:
- Oanh Oanh của nhà ngươi khóc nhiều lắm đấy.
Linh thấy se lòng, càng bước vội. Đến cổng nhà một thổ hào mà đoàn kịch lưu động tạm đóng ít lâu, bốn người bước qua một chiếc sân phủ đầy rêu.
Oanh đang ngồi nhìn tăm cá bên ao. Có thể coi cô là đóa hải đường e lệ, là bông phù dung ngại gió, nếu ta đã xem cô diễn kịch trong những vai mềm như liễu, mảnh như tơ. Có thể tả Oanh là con cáo đã khổ công tu luyện hóa thành mỹ nữ làm nghiêng ngửa đàn ông nếu ta đã có giây phút rợn mình vì tiếng cười, sóng mắt của loại hồ tinh ấy. Lại có thể tả Oanh là con rắn cuộn tròn mình chờ đớp ngóe, là con mèo nhai nghiến chuột, nếu ta đã nhìn thấy cô trong một bữa ăn dọn ra vào lúc cô đang chau đôi mày vì đói ngấu. Nhưng cái tật gắt đói, ăn vặt ấy thực không đáng kể khi người đàn bà đã có khối óc thông minh, lại có thiên tài sân khấu, nói hay, ngâm thơ giỏi, giọng trầm mà không chua gắt, nét mặt buồn mà rất đỗi kiêu kỳ. Họa sĩ hóa trang ở hậu trường, trong mỗi vai chỉ cần bảo cho Oanh một lần làm mẫu rồi lần sau họa sĩ cứ việc đứng khoanh tay để xem cô tự xoa phấn, kẻ mày, bới tóc, mặc xiêm y lấy. Mầu sắc của trang phục, mầu phấn son thẫm hơn hay nhạt bớt cho ăn với vẻ mặt, vai diễn, và nhất là với sức sáng của ánh đèn dầu hay đèn đất ngoài sân khấu, đều do cô cân nhắc và quyết định. Cặp Oanh, Linh là linh hồn của đoàn kịch lưu động Bông Lau, bởi thế anh em mới nói: Trời sinh ra Linh để viết kịch cho Oanh đóng. Và cũng chỉ vì Oanh mà Linh trở nên một thi gia - kịch sĩ đầy tài năng, danh vang miền Bắc Việt. Sáng tác ra những vở kịch hay để rồi tự mình và người yêu chọn vai chính, cặp giai nhân tài tử ấy đã sống với nhau qua những tình tiết ly kỳ, qua những nghiệp duyên lắt léo.
Không những là một kịch sĩ có danh ở thời bình tại thủ đô văn học, Linh đã là một tiểu thuyết gia dẫu chưa chiếm được chỗ ngồi ưu tú trên văn đàn nhưng cũng đã được nhiều độc giả mến. Ngoài viết tiểu thuyết, Linh còn dịch thuật thơ văn Pháp vào thời kỳ phong trào văn học lãng mạn đang bồng bột tại xứ sở này. Linh viết truyện cũng như làm thơ dễ dàng. Người sáng dạ, đọc thơ Linh chỉ vài lần đã nhớ. Vì thế, từ bài thơ làm chơi trên chiếu rượu đến những vở kịch thơ dài tới bốn nghìn câu, anh em đã nhập tâm để, khi vắng Linh, họ ngâm lên hay trình diễn mà không cần vở.
Trong làng văn, anh em đùa ví Linh như thi hào Pháp Lamrtine, vì Linh có mái tóc bồng kiểu tóc văn nhân, lại thêm vầng trán sáng, đôi mắt lung linh, mũi dọc dừa, môi đỏ, răng đều, thân hình cân đối, cử chỉ phong lưu trang nhã. Học vấn và hình thức Linh đã đủ chiếm thiện cảm của người đời. Linh lại còn mang dòng máu một thế gia.
Loạn lạc nổi lên, Linh đã cùng dăm bạn dạt thẳng lên miền Bắc. Anh nhắn về bến Hồ, xin cụ Đầu Xứ tự ý đưa gia quyến đến làng họ ngoại. Từ đó, Linh hoặc nhắn gửi lời thăm hoặc tiện theo đoàn kịch qua làng mới rẽ ngang vào xoa đầu mấy đứa con thơ ngơ ngác nhìn cha như nhìn khách lạ, và ăn bữa cơm nhạt nhẽo, cầm bàn tay lạnh của người vợ xanh xao, rồi lại lách mình qua tấm liếp ra đi.
Oanh, từ nãy, vẫn lặng ngồi xem tăm cá mặt ao. Linh nhẹ gót, bịt mắt người tình. Oanh cảm nhận được hơi ấm quen thuộc thấm qua da thịt, khẽ thầm thì:
- Anh Linh, em đợi mãi.
Linh bỏ tay ra. Anh nắm vai Oanh, xoay đầu cô lại. Cô cắn môi nén tiếng nấc, gượng cười qua màng lệ:
- Em đã tưởng đây là đất Đồng Đăng, để cho em hóa đá.
Linh ghé tai cô:
- Em hóa đá, anh chỉ ngâm một câu thơ là chẩy ra thành nước!
Rồi Linh cúi hôn đôi mắt lệ.
Bình Uy đứng trong vườn chuối, thét gọi Linh vào. Thấy Linh, cả bọn văn nghệ kịch sĩ giang hồ tứ chiếng đang quây tròn quanh hai chai rượu bố và mâm bún, đậu phụ, bánh đa, đồng thanh la lớn:
- Thằng Linh đã trở về, ngồi ngay xuống chịu tội ba chén tống phạt đây.
- Rồi bắt nó tấu "Hồ trường".
- Không! "Dâng tình" trước đã.
Chu Quý, một thư sinh lúc nào cũng đầu bù, mặt tái, say dài cả tháng ngày, đã gục xuống đùi bạn còn lè nhè nói:
- Thằng Linh ngâm "củ" khác đi. Kẻo thần kinh ta đứt đến nơi rồi.
Ngọ vốn là một kịch sĩ mặt dài như mặt ngựa chỉ chuyên vai Lý Toét, hếch mũi lên mà quát:
- Ngâm "Kinh Kha" vậy. Ta đang nóng máu thèm làm hiệp sĩ đây. Nhất định phen này bơi qua sông để ám sát thằng chồng con bé hàng rượu đẹp.
Hoạt, có biệt tài đóng vai thi sĩ dở hơi trong vở kịch Khai bút, từ nãy ôm ghì chai rượu như đười ươi giữ ống, bèn cất cái giọng một tửu đồ tự trọng:
Có nàng tiên nữ má hồng
Giúp đôi cánh biếc dâng sầu lên khơi.
Ấy thế, ta chỉ cần nghe có hai câu ấy. Nghe rồi ta sẽ tạm biệt các người, đi tìm một chút khói phù dung. Ta tự nén hồn vùi xác đã lâu rồi. Ta chết mất vì đời đếch là đời nữa, nếu cứ bị làm một thứ anh hùng bất đắc dĩ, diệt cả tình, không cả khói, cả men. Ta chết mất, chúng bay ôi!
Hoạt rống lên như con lợn giẫy đau ộc tiết, làm cho Tích, trùm ban kịch lưu động, phải nhẩy đến bịt chặt mồm Hoạt lại. Hoạt càng kêu, vì say quá. Tích buộc lòng dùng võ lực, nghĩa là dùng "giải tửu thang": tống hai quả như trời giáng vào mặt Hoạt. Ặc lên mấy tiếng, Hoạt nằm phục vị, úp mặt xuống cạnh mâm lênh láng rượu, mắm tôm chanh, vỏ lạc.
Một loạt hô lên:
- Thế là một hung tinh tạm tắt rồi. Bây giờ thì Linh ôi, ngươi khai khẩu ngay đi, kẻo chúng ta chết mất vì đợi mong ngươi điên lên vì nước mắt cái Oanh cứ ngày đêm khóc ti tỉ, kể từ hôm ngươi bỏ bầu đoàn đi biệt tích.
Từ nãy, Linh đã chịu hình phạt ba chén tống đầy, nhưng tửu lượng của anh thách hàng vò đại và anh vẫn hận rằng chưa có dịp say đến cái độ quên trời đất.
Bị lũ tửu quỷ đòi hỏi dữ, anh tự rót tràn đầy chén nữa, cất lên toan uống. Mắt anh chợt thấy Oanh mới gội đầu, đang đứng hong mái tóc dài óng mượt ngoài vườn chuối, Linh tưởng như ngửi thấy mùi hương nhu tiết ra từ mái tóc người tình, bèn cảm xúc:
Ta say hay vẫn tỉnh
Ai đứng ngoài thềm sương?
Ai đi quanh bốn chân tường?
Tóc ai rũ rượi, tình thương não nùng?
Ở ngoài vườn, tiếng ai nấc lên khe khẽ.
Được có Linh trở về, đoàn kịch lại lên đường, ngược chiều sông máng lớn. Họ chia ra từng tốp ba người đi cách quãng nhau, và khẽ dặn nhau phải nhìn trời nghe động. Nhưng thực thì chẳng ai nghe ngóng cả. Họ đi trong nắng sớm hoe vàng điệp. Hoạt có sống lưng còng càng còng thêm vì chiếc ba lô nặng chĩu, lúc nào cũng hắp háy cặp mắt toét nhìn đường. Đi sau cùng là bộ ba Oanh, Linh, Thảo.
Ba người từ lúc ra khỏi bản Mường, chưa ai nói năng gì. Linh không buồn cũng chẳng vui, sự chuyển dịch thường xuyên này anh chỉ thấy là một sự cần cho cảm giác. Linh chỉ cần cảm giác ở trong bất cứ cuộc đổi thay nào. Bởi vì bộ đôi Oanh - Linh đã truyền cảm sang khán giả sân khấu một cách vô dụng mầu nhiệm. Họ đem đời vào kịch và đem kịch gửi vào đời. Vẻ yêu kiều, lời thổn thức của Oanh, dáng thư sinh hay vũ dũng, giọng ngâm như sương bay thác đổ của Linh, tất cả cái kỹ thuật, cái tài tình ấy đã khiến khán giả mê say.
Ba người chậm bước, bị tốp trên bỏ cách một thôi dài. Đường trường bụi gió, mỗi quán nước là một trạm dừng chân. Oanh luôn luôn đòi nghỉ, ném nón quẳng ba lô, gieo mình xuống chõng, bóp chân tay, vặn mình nhăn nhó.
- Cô nàng của tôi càng nhăn càng thêm đẹp. Thì hãy xơi bát bún riêu nữa đi, nhá thêm vài quả chuối, vài tấm mía nữa đi cho lại sức.
Oanh ăn một chặp, nhưng vẫn thở dài kêu thiếu sinh tố. Đó là thịt gà tẩm dầu vừng, trứng gà pha với đường tây mà Oanh yêu thích ngang với ái tình, trăng gió. Cũng đã có lúc, trạnh thương cái tính tầm thường nhi nữ, Linh đã phải bận lòng xoay bằng được mấy thứ đó cho Oanh mặc dầu ở vào một hoàn cảnh mà miếng ăn ngon, manh áo ấm cũng có thể là tài liệu làm dầy thêm hồ sơ tiểu tư sản.
Thảo ít nói và nghĩ nhiều như bạn nên dọc đường anh không làm vui được cho Oanh. Đã tự nửa kiếp rồi, Thảo là một người chồng tự trọng không nỡ làm đau nghĩa vợ chồng cũng chẳng hề lỏng buông tình cha con. Ngót hai mươi năm rồi còn gì nữa, người đàn bà sầu mang tủi nhịn kia đã bao nhiêu lần khâu chăn vá gối, chưa được biết ngửa tay nhận một đồng bạc của chồng. Lại một đàn con lẽo đẽo.
Dọc đường, Thảo cũng không thể quên lũ trẻ anh vừa gửi tạm ít ngày nay ở một xóm quạnh chân đồi, bên sông máng. Ba đứa trẻ còm nhom đen trùi trũi, quần áo rách rưới tả tơi. Người mẹ thương các con rét, đã phá áo cưới của mình may thành ba chiếc áo trấn thủ cho chúng mặc. Ba chiếc áo thêu kim tuyến nổi gắt mầu huyết dụ giữa đồi cây. Chúng bị lũ trẻ quê xúm lại, thẹn không dám mặc nữa.
Bất giác Thảo bùi ngùi khẽ đọc câu thơ bạn:
Tuy vậy nguồn sinh vẫn sớm chiều,
Sáng bừng trong khóe mắt thương yêu.
Chồng xây hình tượng trên lưng sách,
Sách dựng lưng tường dáng núi kiêu.
Thảo có cái giọng ngâm thơ sầu chất chứa hắt hiu như gió lùa bãi sậy, đồng lau. Oanh liền ngâm tiếp:
Nghĩa đời lẩn khói bếp không lên,
Vợ ngược con xuôi, túi hết tiền.
Chồng gục cả lòng bên bể mực,
Bôi ngòm mặt giấy tối như đêm.
Nắng dịu mầu thu muộn đọng trong cặp mắt Oanh, ánh một vẻ chán chường, ma quái.
Nhưng vợ chồng kia chẳng thở than,
Vẫn cười coi nhẹ nỗi tân toan.
Cần cù thiếp vẫn chăm son mực,
Để bút chàng khơi mạch thế gian.
Oanh đi sát bên Linh, níu cánh tay Linh, khẽ nói:
- Người chăm son mực ấy là chị Linh hay chị Thảo chứ con bé đoảng vị, lăng băng, lãng mạn này không dám nhận phần đâu nhé. Phải nói ngay, kẻo các anh lại bẻ bai rằng em chỉ được cái bộ nũng nịu vòi quà bánh.
Oanh cất tiếng cười ròn tan. Tiếng cười bỗng tắt, tiếp tiếng Linh xuýt xoa đau. Cô vừa véo cánh tay anh, mặt cô tái nhợt đi vì ghen tức.
Anh đã chịu đựng nhiều rồi những cử chỉ hờn dỗi ấy. Thoạt đầu người ta đã ngấm ngầm, kín đáo giận nhau vì những lời nói giọng cười khiêu khích và cắn dứt như trẻ nít. Đến nỗi, anh luôn phải kiếm dịp gửi cô cho đoàn kịch để bứt tạm dăm bẩy ngày liền, lấy đó làm cách trừng phạt cái nết chua cay, mát mẻ của cô. Chuyến vừa rồi anh cũng đã phạt cô nửa tháng để tìm đến gia đình Thảo. Trong hai tuần chịu hình phạt đó, cô chỉ ngày ngày ra ao ngồi xem tăm cá, âm thầm khóc. Cũng đã có lần Linh dồn cả nỗi bực bội vào lời thơ trên sân khấu, trong vai một nguyên soái trẻ tuổi đa tình đang bị lung lạc bởi nhan sắc một quận chúa bạo nghịch của nước Tần. Anh uất hận trỏ kiếm vào giữa mặt Oanh:
Có ngờ đâu ta đau đớn vô ngần,
Vì quận chúa, trời ơi, loài nghịch tặc!
Ngươi lui ra, ngờ đâu ngày gặp mặt
Lại là ngày ân nghĩa đổi ra thù.
Huyền Cơ ơi, nhục nhã nghìn thu!
Ngươi tránh đi, ngươi ra ngay khỏi cửa
Huyền Cơ! Còn nhìn nhau làm chi nữa?
Linh trừng mắt, đập mạnh thanh kiếm rỉ cùn xuống mặt bàn, làm nẩy rơi bầu rượu gỗ và Linh dận mạnh gót ủng cao su rách xuống sàn gỗ mọt của cái sân khấu dựng cấp tốc chiều nay ở chợ, làm cho bụi cát bốc cả lên mặt quận chúa Oanh lúc đó đang quỳ khóc, gợi tình thương của người yêu cũ. Nước mắt Oanh theo thường lệ của vai đào thảm rơi lã chã, giọng Oanh tuy não ruột nhưng đã thốt ra tự hàm răng nhai nuốt nỗi căm hờn. Oanh nghiêng mặt vào phía trong cho khán giả không trông rõ, để quắc mắt nhìn Linh mà trả miếng:
Không, Huyền Cơ đã trở lại nước Tần,
Thiếp cúi xin công tử hãy bình tâm.
Nghe thiếp kể…
Đến đây Oanh gục đầu nức nở trong khi Linh phải làm điệu ngao ngán, xây lựng lại nhìn cành dương liễu phía trong sân khấu, tỏ ra lòng đang bối rối giữa tình, thù. Nhân giây phút ấy quận chúa Oanh, trong vẻ thảm thương, ủ rũ đã lại nghiến răng khẽ rít:
- À, anh Linh, anh thực tình làm phách với tôi, thực tình chửi rủa, mắc nhiếc tôi phải không? Quân Sở, Mã! Rồi anh sẽ biết.
Linh nguyên soái quay mình lại, tiến thẳng đến Oanh quận chúa, mắt như nẩy lửa, run tay dơ kiếm rỉ ướm vào cổ người yêu. Oanh quận chúa ngước lên chan hòa châu lệ, đưa bàn tay ngà ngọc đỡ gươm mà khóc.
Không không chàng ơi, hãy nghe thiếp kể…
Linh nguyên soái quát:
Không nghe lời giả dối,
Ta bắt ngươi hôm nay về chịu tội.
Máu nhà ngươi đem rửa nhục nước Tần.
Ta không ngờ ngày tháng ái ân,
Ta nhắm mắt trong tình thương nỗi nhớ,
Mà không biết đây chính là tặc nữ..
Vũng bùn nhơ trong Vân các huy hoàng.
Một con trùng, mầm loạn của giang san,
Con rắn độc nằm bên ngôi cửu ngũ!
Rồi đó, bao nhiêu nỗi thảm tình thương của cặp anh hùng hiệp nữ ngàn thu cũ đã được diễn xuất bởi cặp giai nhân tài tử mà yêu đương đã đến độ cắt lòng nhau, xé thịt nhau, giết được nhau chỉ vì họ xót thương nhau quá, mê say nhau quá. Họ đã sống quá sức sống của vai trò, họ đã giận hờn như hai kẻ thù mất nước phải thù nhau đến tuốt gươm rửa máu. Và nguyên soái Linh lại thét:
Mối tình xưa ta quên rồi quên hết,
A, Huyền Cơ, phường úy tử cầu sinh
Hãy trông ta cắt đứt ân tình…
Cánh tay anh hạ thẳng mũi kiếm cùn xuống cái cổ thuôn cuống huệ mà bấy nay anh đã làm nhiều thơ khen cái cổ mỹ miều, ngà ngọc ấy như là bất cứ một văn nhân thi sĩ nào cũng phải cố khen một điểm nào đẹp nhất của người yêu.
Quận chúa Oanh chết rồi, thế là hết kịch. Tấm màn xanh rách vá như mảnh buồm thuyền nát vừa buông xuống, tức thì cô vùng đứng dậy, hầm hầm gạt mọi người chạy đến chỗ hóa trang, túm chặt ngực anh, tát liền hai chiếc.
Linh chỉ cười nhạt, trút vội giáp gươm, rửa vội mặt phấn rồi lại xuất hiện nguyên hình trong chiếc sơ mi cộc nhuộm củ cang vá víu, tấm quần soóc vải vàng thủng đũng. Anh bước chân ra khỏi sàn giữa chợ, để mặc Oanh thay áo và các bạn đang sửa soạn diễn tiếp hài kịch Lý Toét bắt đầu học chữ, mà Ngọ, Hoạt sắp làm cho khán giả chết cười.
Đôi tình nhân lại giận nhau. Linh lầm lỳ đi tìm chỗ thoát sầu ở gia đình các bạn, dầu cách xa hàng chục dặm sông đò, đồi núi. Oanh lại nằm trùm chăn khóc hay ra bờ ao ngồi cả ngày xem tăm cá để âm thầm hối hận đã làm anh đau khổ, chỉ vì quá yêu anh. Đi cho đến ngày nào sầu đã đánh tan vào hũ rượu, Linh lại quay về, hôn mắt lệ người yêu, để rồi lại nhập đoàn kịch lưu động, đeo giáo cùn gươm rỉ, râu ria, mũ mãng, một bầy nghệ sĩ lang thang lếch thếch, xuôi đông chán lại ngược đoài. Hàng tháng, Linh được món tiền trợ cấp của cấp trên, họ chia sẻ nhau chút ít để mua diêm thuốc, mua rượu lậu mà uống kín. Phải uống kín. Họ mỗi ngày một thêm gầy yếu, nhưng vẫn cứ đi. Một đoàn xuống đồng, lên núi, mắt vàng da sạm, giầy há không lấy gì vá víu, áo rách chỉ nhất manh, họ đi suốt năm suốt tháng như một đoàn tu sĩ.
Cho đến hôm nay, họ xuôi nẻo Cầu Xim để về đất Thắng. Đất Thắng còn xa lắm, phải cách bốn lần đò và mười lăm dặm đường đồi trụi đá sắc nữa mới tới. Từ hạ sang thu, miền này ngút cháy dưới ánh mặt trời.
Tốp trên phải dừng chân ở quán nước bên hàng thông cổ thụ, đợi liên lạc cùng tốp hậu. Bình Uy, Chu Quý bao giờ cũng dẫn đầu, dụng ý bỏ xa các tốp sau để đánh chén vụng với nhau, không bị trùm Tích cảnh cáo và báo cáo.
Bọn Linh, Oanh, Thảo đến nơi, thấy anh em đang hò bún riêu, đậu phụ. Hoạt ngắm Oanh, nheo cặp mắt toét:
- Có chuyện gì mà mặt bà Oanh lại chảy ra thế. Quanh đây toàn rừng thông, mà gỗ thông hay bén lửa, coi chừng kẻo hỏa diệm sơn trong bà bốc lửa ra đốt cháy rừng thì anh em chúng tôi chết oan.
Mọi người cười rộ. Oanh đưa mắt lườm, Hoạt duỗi thẳng chân ra bóp.
Đoàn kịch lưu động Bông Lau còn một bạn già chưa nhập ngũ. Đó là kép Trương. Ở cái thời phong trào yếu ớt của tân kịch đang cố lấn át tuồng cổ, chèo và cải lương, kép Trương đã là một kiện tướng bơi theo làn sóng mới, nghĩa là đã đội mũ lệch, múa ba toong, sắm vai cậu Tú Tân đi du học về, đào mỏ vợ… Múa may trên sân khấu mới, làm nổi vai trò canh tân kịch Việt; phù họa một cách cụ thể với Nguyễn Văn Vĩnh tiên sinh giữa lúc tiên sinh dịch những vở kịch Người biển lận, Bệnh tưởng… của Molie ra quốc ngữ với mục đích truyền bá văn hóa Âu Tây, kép Trương quả đã đứng vào hàng tiền tuyến.
Sân khấu Nhà Hát Lớn đã là một chỗ tốt cho Trương thí nghiệm, tung hoành và nổi tiếng. Do thế Trương càng say mê kịch, say mê đến quên cả ngưỡng cửa học đường và giáo lý hà khắc của một gia đình tồn cổ, trong đó những người anh em huyết mạch đang chúi kính ngày đêm vào núi sách. Bà mẹ già rất giận đứa con trác táng, nhưng hễ thấy đứa con hư dẫn bộ mặt xanh xao hốc hác lẻn cửa sau về nằm đắp chăn ngủ bù những đêm trắng khói men, bà cụ rưng rưng nước mắt và lại run tay bưng bát thuốc bổ lên kề vào miệng con bệnh thoi thóp thở: "Uống đi cho lại sức khỏe mà học hành kịp anh mày, kịp em mày; chúng nó sắp đỗ đốc tờ, phán sự đến nơi rồi đấy. Thua anh, thua em nhục lắm, thằng Trương ạ!".
Lòng mẹ như bát thuốc đắng cay. Trương đã ngóc đầu lên, run tay đỡ bát, không uống sâm nhung quế phụ, mà uống vào tâm can nung nấu những giọt lệ mẹ già.
Trương cố lưu thân trên căn gác tối tòa nhà cổ phố Hàng Đường chừng một tháng. Căn gác tối ấy là cái kho chứa hàng tích trữ. Trương nằm co ro giữa những bao tải miến, măng, đường, mật, bột, xà phòng… để nghe tiếng chuột đuổi nhau với gián sạo sục khắp sàn gỗ mọt. Trương có cảm tưởng chúng đuổi nhau, cắn nghiến nhau ở chính trong tủy xương mình đang bị hành hạ vì nha phiến. Trương đã bị phù dung đánh gục mất rồi! Nghiến răng, gài chặt cửa, người con hư cố hoàn lương, ôm bụng chịu cho cơn ma túy vật từ giường xuống mặt sàn, từ mặt sàn đánh thốc lên núi cao đường, miến, có hôm những bao tải ấy ném tung con bệnh xuống dưới sàn. Mặt gã thanh niên sưng tím, toát dương lạnh rợi rồi lại nóng như than đỏ, thân thể rã rời tê liệt. Dưới nhà, mùi thuốc bắc thơm ngon vẫn ngày đêm ngào ngạt cả mấy gian nhà tối như hũ nút, trong đó, ở góc tường này, ở góc tường kia, le lói cặp kính của mấy anh em Trương đang soi từng câu chữ trong sách mà học sa sả. Và tiếng chầy nện ruột cối đá xanh mòn thình thịch như nện vào những khớp xương rức buốt của bệnh nhân trên gác. Bà cụ giã ruốc gà, ruốc lợn cho con ăn cơm Tám, rồi tráng miệng bằng miếng cao nhà nấu lấy.
Trương vẫn nghiến răng chịu nhục hình. Đã hơn một tháng rồi, hơn một tháng con bệnh nửa sống nửa chết kia tưởng chừng mặt trời đã nổ, mặt trăng đã rụng.
Một tài tử kịch bạn Trương, thiên hạ quen gọi là Bửu Chới. Tối ấy Bửu Chới đến, huýt năm tiếng sáo hiệu riêng của "đảng", rồi chĩa súng cao su bắn lên lá huyết thư: "Đang sửa soạn tập vở kịch vĩ đại của Tương Huyền, nhan đề "Kim Sinh". Đã dành vai chính cho ngươi. Mau vượt ngục mà đến ngay hội quán nhận vở liền, kẻo nhỡ - B.C.".
Ấy thế rồi, giữa Thăng Long thành năm 1929, một đêm mưa gió rét đã xảy ra một vụ đào ngục phi thường. Kép kịch Trương đã thu dồn tàn lực tụt ống máng xuống dưới hè, quàng chân lên cổ chạy đi tìm các bạn sân khấu.
Sớm sau theo thường lệ, bà cụ dậy cuối canh gà hâm thuốc, lập cập bưng lên đánh thức con. Nhưng chỉ còn một đống chăn lạnh lẽo, bà cụ âm thầm khóc, bưng thuốc xuống đổ vào siêu, hy vọng chờ tối con về hâm lại. Người con không về nữa, thuốc bốc men chua, bếp tàn than lạnh.
Trương lại tắm khói men vào bộ hài cốt đang bị dão lỏng trong hơn một tháng trời bị hành hình. Trương lại hóa thiêu thân, bay lên lửa đèn kịch thuật. Tên Trương, và tên vở kịch được kết thành ánh sáng đèn ngũ sắc chăng suốt dọc cầu Hoàn Kiếm, suốt chiều cao Nhà hát Lớn, chân dung Trương được phơi trên những tấm hoạt họa to như tấm phản ngự trên vai lũ trẻ vác đi các phố, dán kín khắp các mặt tường từ đại lộ đến phố buôn, đến hang cùng ngõ cụt. Và người ta còn dán ngay trước cửa hàng măng miến của người mẹ già mắt đang ứa lệ xót xa con.
Cứ thế con thiêu thân nghệ thuật ấy đã hỏa táng tuổi trẻ vào vạc dầu men khói. Rồi thì tiệc vui có ai say được mãi, đứa con hoang lại mệt mỏi thu tàn lực ôm ống máng leo lên căn gác tối, gục mái tóc bù vào tay mẹ, tự giam mình. Bà mẹ lại lập cập bưng thuốc lên con uống, rồi một hôm bà cầm tay con khẽ bàn về chuyện gia thất. Trương ngoan ngoãn vâng lời, và lạ thay, ngay sau đấy Trương vụt trở nên một người chồng, một người cha tốt.
Cuộc chạy loạn thúc đẩy gia đình Trương dạt lên miền Bắc, hết đông lại đến tây, tiêu hao dần tiền bạc, Trương xoay xở mãi vẫn chưa định xong một phương kế sinh nhai.
Trương vừa bỏ một làng vùng núi, dắt díu nhau đến ở nhờ ngôi nhà nát giáp mặt đường to và nối kề bãi chợ. Bàn bạc với vợ ba ngày, nghĩ ngợi ba ngày, Trương dựng quán. Cũng chè đỗ đen, chè bà cốt, bún riêu. Thế còn xoàng lắm, Trương nhất quyết di cư cả cái hương vị quà đô thị chưa ai làm nổi, đó là bún dấm ốc cay chua. Cửa hàng Trương đã khánh thành nhằm vào ngày phiên chợ chính. Trương xoa tay xoa chân tâm niệm sẽ bán hết bay, làm thêm không kịp cung cấp cho khách ăn sành sỏi. Lũ trẻ bị bố mẹ xua cả ra ngoài bãi, nhân tiện tránh phi cơ. Và trịnh trọng Trương ngồi chờ ngóng khách đến mở hàng.
Mặt trời đã chiếu đỉnh đầu, quán Trương chưa thấy một ai ghé. Trương vẫn điềm tĩnh nhìn ra ngã ba đường, thầm nghĩ: "Mở hàng vào giờ hoàng đạo, địa điểm tốt thế này, lại có món bún ốc, bún thang đặc sản thủ đô, sạch sẽ như hàng cơm tây Hà Nội, có lý nào không đông khách?".
Trương ngồi tính toán kỹ càng, tay cầm cái phất trần như đuôi ngựa bằng giấy phe phẩy lũ ruồi nhặng cứ nhất định bám đầy liễn chè đường, rá bún tuy vợ Trương đã cẩn thận phủ kín bằng mảnh vải trắng nõn.
Chợ đã vãn người, hành khách có cái mẽ dân thành thị chẳng thấy ngược xuôi chi hết. Dân quê họp chợ chỉ ào ạt vào buổi sớm, lại về ngay vì họ sợ tàu bay.
Trương bắt đầu nóng ruột.
Người vợ từ sớm vẫn lúi húi ở bếp sau giữ lửa cho nồi nước dùng được nóng, và chờ lệnh làm bát thang đặc biệt bưng ra cho khách xơi, tin rằng họ sẽ khen tấm tắc món quà trưởng giả có một không hai ở cái đất núi rừng loạn lạc này. Chờ đợi mãi, lửa tắt dần và than cũng vạc theo, người đàn bà thò đầu ra hàng chấn song nứa tép, ngơ ngác nói: "Thế nào, ba nó?".
Người chồng lặng im một lúc lâu mới tặc lưỡi mà rằng: "Hàng mới, bao giờ chả thế. Cứ yên tâm. Lát nữa, biết đâu sẽ chẳng có một bọn ngược lên, xuôi xuống vào quét cho một chặp là nhẵn. Món ăn đặc biệt của nhà mình, đã nếm qua rồi là phải bả!".
Trương gật gù nói cứng để an ủi vợ. Song thực tình, Trương đã tự thấy lòng nao núng lắm. Lũ trẻ bị dồn ra chợ, ra bãi, đã thấy bụng kiến bò, rủ nhau về. Đứa lớn lấm lét nhìn bố, rồi rón rén mở tấm vải che, nhòm rổ bún còn nguyên. Đứa nhỏ lủi vào bếp, nhăn nhó bấm chí vào tay mẹ. Thương con, người vợ lừ mắt rồi khẽ múc cho mỗi đứa một bát chè bà cốt còn đầy ắp nồi đất lớn. Chúng ăn xong, vội chùi sạch mép lại ra ngoài quán, chia làm hai tốp, đứng rình đón khách ở ngã ba. Nắng chiều đã diu. Đồi xa tím ngắt, che khuất bóng thôn trang đây đó. Thốt nhiên hai đứa trẻ cuống quýt chạy về, ríu cả lưỡi: "Có một bọn nhiều người lắm. Họ sắp đến nơi bố ạ".
Người bố mừng thầm, phẩy mạnh ruồi. Người đàn bàn sau bếp vội đâm đầu vào đống tro tàn, phồng má thổi cho lên lửa.
Bọn khách đường xa lũ lượt gồng gánh tới nơi. Trương hắng giọng: "Xin mời các ông các bà vào xơi nước, xơi thang nóng, bún ốc chua cay đặc biệt Thủ đô!". Bọn lữ hành lẳng lặng đỗ gánh, đặt con xuống ghế, nhìn quanh quán, nhìn chủ quán, ngắm bó đũa mun đen bịt bạc, những bát chiết yêu vẽ cô tiên, những bát mẫu vẽ bát tiên quá hải:
- Ông hàng bán cho chúng tôi mỗi người một bát bánh đúc, riêu nào! Chợ chiều rồi, bán hạ giá cho đồng bào nghèo nhờ đấy!
Trương cố ngọt ngào:
- Không bán riêu, bánh đúc. Chỉ có thang thôi ạ.
Khách vùng đứng dậy, lại gánh gồng, cõng bế nhau đi. Vợ Trương chán ngán: "Thế nào ba nó?". Trương gục cằm vào đầu gối thờ ơ đáp: "Ế là thường, cứ yên tâm. Đã lâu rồi, con nó ăn kham khổ, thôi hôm nay tháo khoán, cho chúng nó ăn sướng miệng".
Người vợ buồn rầu: "Nhưng chờ tối hãy ăn. May ra có khách vào chăng. Thế là tiền đầu bất lợi, không có số buôn, chán gớm!".
Trương thấy quặn đau lòng. Anh nhức mắt nhìn bóng núi, rồi thờ thẫn rít mồi thuốc lào sòng sọc, gật gù ngâm:
Bây giờ nhà cửa ta đâu?
Xanh xanh khói biếc, ngàn dâu mịt mù…
Lời thơ vừa tắt thì lũ trẻ lại hớt hải chạy về khẩn báo:
- Có một tốp đông, sắp đến nơi rồi, bố ạ.
Vợ Trương vội bước ra khỏi quán, nheo mắt nhìn về phía con đường đồi trụi lượn quanh co. Trong bụi đường vẩn bốc, quả nhiên có một đoàn người đang hăm hở đi tới.
- Thầy nó ra coi, đám này có lẽ là khách tỉnh. Đàn ông áo tây, quần soóc. Có đàn bà nữa, áo dài xanh.
Vợ Trương ré nhanh chân vào bếp, lại phồng mồm thổi lửa. Lũ trẻ xun xoe. Đứa lớn kê lại chiếc ghế dài cho vững chãi. Đứa bé xách điếu cầy ra. Đứa nhỡ thì phụng phịu, lo khách sộp vào ăn hết, anh em sẽ hết phần. Thấy vợ con tíu tít Trương không thể nén lòng mừng, cũng xỏ guốc bước ra hiên, giơ một tay lên ngang trán, nheo con mắt kèm nhèm ngó nẻo đường vương bụi đỏ. Bỗng mặt Trương biến sắc. Anh vừa cố phóng nhỡn tiền nhận diện kẻ đầu đàn sắp tới thì thốt kêu một tiếng:
- Chết tôi rồi!
Người vợ kinh hoảng bỏ bếp chạy ngay ra, nhìn vẻ mặt hốt hoảng của chồng:
- Sao? Hả cậu?
Không kịp đáp, Trương luống cuống nhẩy bổ vào nhà, lập cập văng cả guốc. Vợ Trương kinh ngạc, vào theo:
- Cái gì hả cậu? Làm sao mà cứ như cướp ngày vào khảo của thế kia?
Người chồng lủi vào căn buồng xép liền sau bếp, kéo nhanh mảnh phên che khuôn cửa sổ, thu hình trong bóng tối, nói chõ ra:
- Lũ ông mãnh kệch cỡm lại kéo đại đội qua đây. Chúng mà biết cửa hàng mình thì chúng vào phá cho kỳ hết. Mợ ngồi ngoài ấy, các quan ôn có qua thì cũng cứ gật qua loa, chớ mời mọc mà khổ đấy. Có hỏi tôi thì bảo tôi lên Đình Nẻo chơi với bác Thảo đã ba bốn hôm rồi.
Vợ Trương "sào" một tiếng:
- Tưởng gì, có thế mà cũng cuống quít lên, làm như gặp cướp.
Trương cáu kỉnh, quát vọng ra, nhưng rất khẽ:
- Chứ không à. Lũ ông mãnh còn hơn cướp, hơn thần dịch. Chúng nó mà tóm được mặt tôi là cứ hết làm ăn.
Người đàn bà chỉ bật cười, cho là chồng bực bội sinh nghĩ quẩn, chứ lấy nhau đã ba bốn đầu con, còn lạ gì chồng có nết hiếu hữu, sẻ áo nhường cơm cho bạn, đang ủ rũ mà hồ thấy bạn là lại khệ nệ bưng hết hũ lớn hũ bé, hò con quạt nước, dặn vợ giết gà, tưởng như không có bạn thì… chết mất.
Đoàn lữ khách đã hăm hở tới. Tiếng lè nhè của Bình Uy:
- Tửu quán đây rồi. Quán dựng trên bãi cước, nhìn ra khắp ngả đường, đẹp quá. Chủ quán hẳn là tay địa lý danh sư, nếu không là nghệ sĩ. Vào đây nghỉ đã, bớ ba quân!
Chu Quý đứng lại, quay về phía hậu tập giơ hai tay lên làm hiệu, như mỗi khi tiền đạo cần ra lệnh nghỉ. Bình Uy bỗng thét lên:
- Ủa, tưởng quán ai, té ra quán Trương trưởng huynh và Trương hiền tẩu.
Rồi khom lưng, vòng tay xá:
- Lũ chúng em xin bái kiến. Chẳng hay huynh trưởng chúng em đâu?
Người đàn bà đon đả theo thói quen tiếp bạn chồng:
- Xin rước các bác vào xơi nước. Cậu cháu… cậu cháu…
Lũ trẻ toan tiếp lời mẹ, nhưng sực nhớ lời cha dặn, lại ú ớ và ngơ ngác nhìn các bác.
Mấy tốp sau vừa tới, đều mừng rỡ.
- Bác Trương ở đây à? Hai bác dọn hàng đã lâu chưa? Bác trai đâu ạ?
Họ hỏi dồn dập, vui vẻ như anh em một nhà gặp nhau ở nơi đất lạ khiến người đàn bà cảm động, suýt quên lời chồng dặn, đáp ngượng ngùng:
- Thưa các bác, cậu cháu... nghe đâu... lên gần Nhã Nam thăm bác Thảo, chưa về.
Hoạt vỗ đùi la:
- Trời hại chúng ta! Ông anh cả mà ở nhà thì cứ là đại yến. Trời hại Hoạt này rồi!
Bình Uy, Chu Quý và cả bọn cùng kêu, duy có Linh, Thảo chỉ mỉm cười, trong khi Oanh đang vừa bóp chân vừa ngửi mùi thơm là lạ ở bếp bay ra gió. Bình Uy cười như một con gà trống lên cơn suyễn:
- Ông anh đi vắng thì bà chị cứ cho chúng đệ đánh chén, lúc này bà chị là chủ quán, chúng đệ xin giữ bổn phận khách ăn hàng, nghĩa là sẽ xin chu tất.
Vợ Trương khẽ đáp:
- Được trông thấy các bác ở nơi phương xa đất lạ này là quý, chứ cái ăn cái uống kể gì đâu.
Kép Tích bỗng đứng lên, ranh mãnh nháy anh em, đi quanh nhà một lượt như con mèo đánh hơi, nghe ngóng, rồi trở về ngồi xuống ghế, ghé tai Linh bảo nhỏ:
- Ngờ lắm nhé! Tôi tin rằng lão Trương lẩn tránh lũ chúng mình đấy thôi. Có lẽ lão trốn ở trong buồng.
Linh điềm đạm:
- Bạn già chúng ta nghe chừng mệt mỏi lắm rồi. Khi xưa sung sướng, giờ đây lều tranh vách đất tả tơi, vợ con nặng gánh nên buộc lòng tạm bỏ cuộc đời lãng tử, tôi biết rằng anh ấy rất đau lòng.
Hoạt đoán được câu chuyện của hai người về Trương, cũng nói xen vào sau làn khói thuốc lào:
- Tuy vậy, tôi có một diệu kế "điệu hổ ly sơn". Xưa, Trương Tử Phòng dùng tiếng địch làm tan rã lòng quân Sở. Bây giờ, anh Linh cứ hò "Phú Yên" lên, đó là một bài Trương vẫn hò và vẫn khóc vì xúc cảm, ắt là anh bạn già dù gan bằng sắt cũng phải mềm và sẽ bò ra như con dế bị trẻ con đổ đầy nước vào hang đất.
Tích mỉm cười, vỗ đùi Hoạt:
- Diệu kế chi diệu kế! Nhưng mà ác quá, sao chẳng để bạn già tạm nghỉ với gia đình trong cơn lốc mịt mù này.
Hoạt cười ha hả và thấp giọng:
- Nào đã đến lúc làm Trương Lương, Phạm Lãi, xa cát bụi được đâu. Đời còn có ta, còn phải dùng ta. Nào, thi hành độc kế mau đi, rồi ta sẽ khao quân bằng chầu rượu lớn suốt đêm nay cho hả lòng thèm khát. Hoạt cần nói trước rằng, nếu quả Trương ẩn náu đâu đây, sẽ phải chui ra tức khắc. Hoạt xin cược cả cái đầu này đó.
Linh không phản đối trò chơi thú vị kia, bèn hãm giọng ngụm chè tươi, rồi gõ đũa vào thành chõng mà hát. Hát rằng:
Mẹ già ở tấm lều tranh,
Đói no con chẳng biết, rách lành con không hay...
Mẹ ơi, ra đi công vụ nẹng nề,
Nửa thương thê tử, nửa sầu từ thân…
Giọng Linh trầm trầm, lê thê, quyện vào bóng đổ nương chiều, não nuột như tiếng vượn khóc trăng, rừng phong lá rụng, sông mưa sóng vỗ… Các bạn đều cúi đầu im lặng. Lũ trẻ ngây ngô nhìn những mớ tóc bù, kinh sợ. Vợ Trương, đã thấm sầu muộn nhiều vì thơ phú của chồng, cũng lặng lẽ nhìn xuống đất.
Trong khi đó, kẻ nghệ sĩ già quả đã trúng kế Hoạt, đang gục đầu vào chồng gối chăn rách nát sau tấm vách mà lệ chan hòa. Giọng Linh càng vi vút như ngàn thông lộng gió, rót nguồn thương nỗi thảm vào tâm can uất nghẹn của người bạn già lúc nào cũng âm thầm đau xót mẹ già hiện giờ đang mắc trong khói lửa đô thành xa ngút.
Bởi vậy cho nên con vợ tui nó mới biểu tui rằng:
Yêng ơi, yêng ở làm chi đó,
Cho vua quan sưu thuế nặng nề?
Gánh vác sơn lại giang sơn, đầu a… con, đầu con, đầu vợ, đầu nặng đầu nhẹ, đứa thơ đứa bé, đứa bế đứa bồng, đứa lên một đứa lên ba, đứa lên năm đứa lên bảy, teo biểu mày quảy, mày không quảy, để phần tao quảy, quảy… quảy… về đất Phú Sơn nẹng nề…
Có tiếng nấc ở đâu đây, Hoạt lại ranh mãnh nháy anh em, nhưng vẫn giữ bộ mặt đăm chiêu của một thứ quân sư đang hành kế dụ địch ra khỏi ải.
Gió chiều ớn lạnh từ đồi cao đổ xuống, cuốn vào mênh mông cái giọng hát muôn thu hờn oán của người dân đất Chàm:
Kìa dẫy núi bốn bề,
Nhành mai chớm trở.
Ta về xứ ta, biết bao là về tới… tới quê nhà…
Hết hòn Trả, ta qua hòn Vảy,
Hết hòn Vảy lại tới hòn Hành.
Tấc dạ cam đành, dắt con cùng vợ,
Biết khi nao hết cái nợ dương trần!
Cái nợ lần lần, tay bồng tay bế, tay vịn chân trèo, ta về xứ ta…
Biết bao mới về tới… tới quê nhà!
Lời hò vừa dứt, mọi người đều ngẩng cả lên. Chao ôi, anh bạn nghệ sĩ nén sầu nén khổ, trốn đời trốn bạn kia đã xuất hiện lù lù, đứng trơ trơ chết đứng, mắt còn hoen ướt.
Hoạt, Ngọ, Binh Uy, Chu Quý nhảy chồm lên, bá lấy cổ Trương mà thét:
- Quả nhiên tướng Sở chết nhủn vì tiếng địch của chúng ta. Mau, mau, cho uống rượu!
Trương bắt tay các bạn, thở dài:
- Trăm đường không tránh khỏi... ma! Ta cũng không biết trận ác phong nào lại cuốn lũ quỷ âm chúng mày đến ám ảnh báo chướng, không cho người ta an phận nữa.
Vợ Trương mừng thầm vì thấy chồng được vui với bạn. Đã lâu rồi, Trương buồn bã, chẳng cười chẳng nói năng chi, chỉ chép miệng lắc đầu nhìn lũ trẻ gầy còm, yếu đuối. Trương thôi cả rượu, sợ cả cái sâu men, một mình mình uống, một mình mình say. Người vợ hiền nhìn mái tóc chồng bạc sớm, kề bên những mái đầu xanh thơ dại, chỉ còn biết ngoảnh vội đi nén lòng thương mà thôi. Mỗi khi ở chợ về, người vợ lại vui vẻ đưa chồng một túm cà phê bọc hình củ ấu như túm mắm tôm. Trương cảm động, trịnh trọng mở va li lấy cốc, phin và đường ra bầy trước mặt, rồi loay hoay làm cái công việc của con người đã quen chơi với cái chất "độc dược" kích thích thần kinh tạng phủ này để trắng đêm trằn trọc hay mộng mị. "Sông hồ lần lữa thôn dâu. Giọt rồng xuân điểm ngày thâu chìm chìm". Trương bó gối đăm chiêu nhìn giọt nước đen nhờ nhờ rỏ xuống lòng cốc rạn, não nùng ngâm câu thơ đó, nhưng đến lúc nhắp môi nếm thử, thì cảm hứng và cảm giác bị ngay cái chất nước nhờ nhờ như nước gạo rang kia đánh mất luôn. Trương căn dặn vợ đừng chiều mình mà mua cà phê nữa, để lại đành lòng uống nước chè tươi đặc. Thế mà người vợ vẫn cố xoay xỏa mua bằng được một món quà quý hiếm khác, giúi vào tay chồng, âu yếm bảo: "Thứ này tất là cậu bằng lòng nhé". Trương dụi mắt, mừng như bắt được vàng: hai điếu "Phi líp" nằm trắng nõn trên trang sách nát. Thế là Trương lại trịnh trọng vào phòng kín gài cửa, trịnh trọng đánh diêm châm thuốc hút, đuổi hết bọn trẻ ra đường chơi. Khói vào hết tâm can tỳ phế, không lọt được một tý ra ngoài. Nhưng rồi Trương bảo vợ không nên chiều mình như thế nữa, bởi vì hai điếu thuốc lá quý hiếm kia trị giá bằng bữa gạo, hay lạng thịt phần con. Người đàn bà càng não ruột thương chồng. Song Trương chỉ gượng cười, an ủi vợ: "Quá nửa đời, mình hưởng thụ chán rồi. Bây giờ tại trời,vận nước, phải chia cái khổ cùng thiên hạ".
Từ nãy vợ Trương đã thu hàng, đóng liếp. Và hai mâm rượu, thịt, bún, được bầy ra. Oanh giúp chủ nhân một tay, nếm thức ăn từ dưới bếp nên vành son tô giờ đã nhợt. Họ theo tuổi tác chia nhau mâm trên, mâm dưới. Rượu được ba tuần, Hoạt, Ngọ, Binh Uy thấy hồi sức, bắt đầu lên tiếng, bàn về nghệ thuật, cãi lý nhân sinh. Chu Quý thì cứ lừ lừ, tuồng như đang nghiền ngẫm một chuyện gì quan trọng về sân khấu. Thốt nhiên, Quý vỗ đùi Hoạt nói thầm:
- Ta sực nhớ ra rồi. Đây là Ngã tư Ngô Xá, vậy ở mé thôn kia, ta quen lão Chánh. Chốc nữa vào bắt liên lạc với lão, thể nào lão cũng đãi ta như thượng khách, nghĩa là sẽ thết ta cái chất "vân du du...".
Mắt Hoạt vụt sáng lên khi nghĩ đến ngọn lửa đèn dị ảo.
Linh và Thảo ngồi cạnh Trương, từ nãy chưa hé miệng. Ngắm nhìn mái nát tường xiêu, con trẻ một đàn ríu rít, Linh động lòng thương bạn và bùi ngùi nghĩ tới cảnh nhà nheo nhóc ở bên kia bến sông Hồ. Bất giác, men nồng đắng đót, Linh đặt chén rượu xuống thành mâm. Trương nắm bàn tay Linh, Thảo, nỗi nghẹn ngào xúc cảm thốt gửi vào lời thơ tâm sự u sầu:
Quê người lạnh thấu buồng gan,
Đăm đăm đôi mắt một phương trời sầu,
Bây giờ nhà cũ ta đâu,
Mẹ già phơ phất mái đầu như sương.
Trương cúi xuống. Một lát, anh nâng cốc rượu đầy Linh vừa rót tiếp, cầm trên tay, nhìn các bạn rồi uống một hơi. Linh, Thảo biết rằng Trương đã uống cả nước mắt mình vừa rơi hòa với rượu.
Đêm ấy, những kẻ lưu đãng thức thâu canh gối đầu lên bụng nhau, gác đùi lên ngực nhau ngủ vùi trong men bốc.
Mờ sáng, Trương đã dậy, khoác tấm chăn dạ lên vai, ôm điếu cầy và nhìn hoa đèn nở trên đầu bấc cạn khô dầu. Chung quanh, bọn kịch sĩ nằm ngổn ngang như quang cảnh một trạm tản cư, chỗ này ngáy, chỗ kia nói sảng. Trương ngao ngán ngẫm nghĩ đến cuộc phiêu lưu không hạn định của những con người trai tráng, có kẻ đành ném sách bỏ học đường, có kẻ trút vội vỏ ngoài một công chức phong lưu, một công tử đồn điền, một thương gia cự phách để gửi mình vào hoàn cảnh mới, dắt díu nhau đi lang thang lếch thếch, vui với miếng cơm manh áo ngoài thiên hạ.
Trương lặng lẽ nhìn đàn con đang rúc vào đùi, cánh tay "các bác" mà ngủ ly bì, và nhìn xuống bếp, vợ Trương đang đun bếp làm hàng, lửa phần phật run theo gió lùa từ ngoài bãi cỏ qua chân vách thủng. Trương khẽ vọng xuống, bảo vợ làm ít hàng đi, kẻo lại ế nhiều thì hết vốn, hôm qua ngày phiên còn chẳng ma nào vào quán nữa là hôm nay không có phiên chợ nào họp ở quanh miền.
Sương giá tan vào nắng ấm. Mọi người trong đoàn kịch đều đã tỉnh giấc. Họ rửa mặt, uống nước, điểm lại người để lên đường. Còn thiếu Binh Uy, Chu Quý và Hoạt.
Ngọ thừa biết ba con quỷ ấy đêm qua ngủ trong làng, say khói tại nhà một cường hào thất thế hay một ông chủ tịch theo thời nào đó. Không sao, họ cứ khởi hành. Sự thiếu mặt một vài kẻ bứt bỏ đoàn đã trở nên một việc rất thường rồi. Cái phường kịch chuyên đi lưu diễn tuy có nghiêm, nhưng người ta vẫn dễ tha thứ cho nhau sau một canh rượu chè tháo khoán. Tích, trưởng phường, vỗ nhẹ vai Trương bảo:
- Đại ca nghĩ thế nào? Cùng trẩy cho vui chứ! Hay là vướng bận thê nhi?
Trương cúi đầu, một lát rồi mới đáp:
- Các ngươi cứ lên đường. Chuyến này thì nhất định là ta xin nghỉ. Đi mãi rồi rách cả giầy, tơi cả áo. Dừng lại một tý với đàn con, cho chúng có người cha mà gọi khi có máy bay nhào tới. Các ngươi khá quên ta đi nhá, đứng có hú hồn gọi vía kẻ tìm an ổn trong gia đình. Thôi, đi đi cho rảnh, để ta thử ngồi nhập định trên nệm cỏ xem sao.
Tích không nài. Phường kịch bái biệt vợ chồng Trương, bước ra ngoài nắng sớm. Ngọ liếc mắt qua khoang cửa sổ, thấy Trương vẫn ngồi xếp bằng trên ổ rơm, đầu gục xuống. Ngọ ghé vào song tre nói nhỏ:
- Tối nay diễn ở đình Mai Thượng, cách đây ngót mười cây đấy nhá! Nếu gió có xuôi về, nhận thấy hơi hướm và lời thơ của anh em thì khá chống gậy đến tìm nhau uống rượu.
Rồi mọi người lên đường. Một quãng, Ngọ cười lớn bảo Linh, Oanh, Thảo:
- Dặn lại một câu thế là lão Trương chết điếng rồi. Đố lão gan lỳ được đấy, và đoan với các bác rằng chỉ vào khoảng mặt trời lặn chiều nay là lão Trương sẽ tìm đến ôm lấy chúng mình. Con thiêu thân ấy còn một cánh thì vẫn còn lao vào lửa cho tròn duyên nghiệp.
Ngọ thích chí cất tiếng cười vang. Linh, Thảo lặng lẽ nhìn mặt đường xẻ đứt sâu thăm thẳm, để cùng vụt nhớ đến gia đình cách biệt, đàn con đang nơm nớp sợ phong ba như bầy gà con sẩy cánh mẹ khi bóng diều hâu in xuống nền sân nắng. Tiếng cười của anh bạn trai tơ vô tư lự đang hài lòng về cái trò nghịch ác khiến Linh, Thảo quặn se lòng.
Đến ngã ba đường, mọi người đã thấy Chu Quý, Binh Uy, Hoạt ngồi đợi. Ba kẻ cùng có vẻ lơ mơ, ma lực phù dung còn chưa rời xương tuỷ họ. Mệt mỏi, họ đứng lên nhập bọn, lê mạnh gót làm bụi đường bay lên trong nắng dịu.
Đúng ngọ, đoàn kịch đến làng Mai Thượng. Nhờ tài ngoại giao khôn khéo của anh trùm Tích, nhân viên hành chính làng này giết lợn đãi đoàn nghệ sĩ sẵn mang cái uy tín là được Trung ương phái đi phục vụ nhân dân.
Rượu thịt no say, đoàn kịch ra đình phân công dựng sân khấu, viết quảng cáo, vẽ tranhh dán khắp chợ, khắp làng quanh miền đó. Đèn đất, đèn măng sông sáng rực ba gian đình rộng trên ngọn đồi cao, chung quanh cây cổ thụ um tùm, ruộng nương bát ngát.
Tối ấy, diễn vở kịch thơ giá trị của Linh, nhan đề "Bên kia quan ải". Nhân vật, chỉ có bốn người. Cốt chuyện: một người cha bất đắc chí buồn thương non sông đất nước bị dày xéo, đã một thời bôn ba hải ngoại, rút cuộc, chí không thành danh không đạt, lại trở về ngôi vườn cũ, mở trường dạy lũ đầu xanh, bên ngoài tuy ê a dăm chữ thánh hiền, nhưng bên trong hun đúc cả một trời giông tố. Người con trai cũng thuộc hạng thiếu niên bi phẫn, thường bỏ gia đình hết Bắc lại vô Kinh đô Huế, ngao du khắp chốn, bị ông thân tưởng lầm là phóng đãng, mê say chốn lầu hoa, song thực tình thì chàng ta đi kết nạp anh tài, mưu đại sự. Đến nỗi bị cha ghét bỏ, vợ con than khóc, chàng thanh niên đành lặng lẽ với cảnh cô đơn trong bóng tối gia đình, ôm kinh sách, nghe sấm sét ở bên ngoài sông núi. Bỗng giáp đêm trừ tịch, một kẻ giang hồ già từ hải ngoại về đất cũ nói lời khích lệ, hun sôi bầu tâm huyết gã thư sinh. Chàng ta bèn trốn bỏ vợ trẻ cha già, cùng ông già cách mạng vượt biên thùy giữa tiếng pháo giao thừa vang đất nước...
Trong phòng hóa trang, Hoạt đang ngồi cho họa sĩ Can dán râu, bôi phấn, biến thành một ông đồ già thường than tiếc cánh chim bằng vướng lối, tủi bình sinh không vượt quá mái nhà xiêu. Ngọ sắm vai lão khách viễn phương, bụi đường dài trắng gót hải hồ, sẽ vỗ vai kẻ thư sinh uất hận mà cảm khái:
Rằng ta lưu lạc giang hồ
Chèo khua biển gió bốn bờ là đâu.
Nghiến răng bẻ gẫy xe trâu,
Một tay xóa hết lòng đau mọi nhà.
Bao giờ ta lại với ta,
Nước trong gạo trắng lụa là cùng chung.
Dang tay khóa kín chữ đồng,
Cái vui bốn cõi một lòng cùng chung.
Và Linh, ngồi ở góc phòng, tựa đầu vào cột đình gẫy mọt, mặc cho họa sĩ Chù tô đẫm đôi mày, kẻ dài đuôi mắt, để chốc nữa ra sân khấu, sẽ ngậm ngùi:
Mái tóc buông xuôi dòng khói lạnh,
Bóng người ly phụ thoảng đêm xuân.
Minh châu đôi hạt gài bên gối,
Đợi đến bao giờ gởi cố nhân.
Trong khi ấy thì Oanh đã biến thành một gái Chợ Dầu - Đình Bảng, tóc đuôi gà, mặt như tranh tố nữ, yếm thắm cánh sen, áo nâu tơ thắt vạt, váy lụa sa tiền. Oanh sẽ là con dâu ông già bất đắc chí, âm thầm một nắng hai sương, đốt trầm hương cho bố chồng đọc sách, ru con ngủ cạnh nia tầm, khung cửi, và đem giọt lệ nữ nhi cầm giữ cánh chim âu xa tắp nẻo chân trời sương gió.
Khán giả đã chiếm hết ghế ngồi và chỗ đứng, ở trong đình, ở ngoài đình. Có những kẻ trượng phu râu hùm hàm én đã ngồi ngây ngất nuốt thầm giọt lệ trước tài biểu diễn và giọng ngâm thơ của bốn tài tử bậc thầy: Hoạt, Ngọ, Linh, Oanh. Nhất là Oanh, Oanh đã khóc nhiều trong vai người dâu hiền vợ nghĩa để làm sa giọt lệ anh hùng, và làm rơi súng trường, gươm bén của những con người tim bọc thép.
Nhưng cũng đã có một nghệ sĩ già từ lúc mở màn, đứng lẫn trong khán giả, đã nhiều lần lau mắt kính. Đó là kép Trương. Quả như lời Ngọ, Trương đã tự trói chân mình vào lũ trẻ, an phận một anh dọn quán, bán hàng thế mà lũ quỷ đi đã khá xa rồi, Trương còn đứng dậy, rời buồng tối, rón rén ra hiên, ngó theo hút một lúc lâu, rồi quay vào, lòng buồn não chán chường đến mực Trương tưởng như sống lại cái tình trạng cai thuốc phiện hồi mười lăm năm về trước. Người nghệ sĩ già mệt mỏi, rã rời, vật xuống ổ rơm, bâng khuâng nghĩ đến các bạn đang băng đồi, vượt bãi, leo cầu, ca hát dọc đường và cười vang lữ quán. Để quên đi, Trương gượng ngồi lên, dắt lũ con lên ngọn đồi gần đấy. Đứa thì quét lá, đứa thì bẻ củi, còn Trương leo lên cành cây lấy ổ trứng kiến để chốc nữa đem về xào, đánh chén, vì Trương thường nghe thổ dân miền này vẫn coi món trứng kiến xào là món ăn đặc biệt. Nhưng đứng trên đồi cao, nhìn về các nẻo đường xa, Trương càng thêm nhớ cuộc sống hồn nhiên của bạn. Trương dẫn lũ con về quán, càng thấy thêm chán nản trước cảnh người vợ đang ngồi lim dim ngủ gật, tay vẫn phe phẩy xua ruồi trên rá bún, liễn chè còn nguyên vẹn. Và dĩ nhiên, chiều ấy, cả nhà họ ăn bún thang, chè mật trừ cơm trắng. Trương ôm vò rượu, đăm đăm nhìn ra ngoài đường vắng. Rượu gần cạn đáy, Trương nghiêng vò cạn hết, dốc cả vào tâm tư đang gửi theo các bạn.
Trăng thượng tuần gài ngang đỉnh núi hoen nhòa trong hơi thu giá lạnh, càng khêu cái sầu cô tịch của Trương.
- Tối nay, giờ này, chúng nó đang sửa soạn diễn. Chắc chúng diễn kịch thơ, vì chuyến này có Oanh, Linh. Dễ đã lâu, mình chưa được nghe thằng Linh nó ngâm lại hồ trường. Hừ, thèm quá, thèm đến chết mất thôi…
Trương gật gù, nói với lòng mình như vậy, và chặc lưỡi:
- Thèm như gái chửa con so thèm chua chát. Sống thế này, sống làm sao được. Mình đến phải vượt ngục phen nữa mất, ừ, chỉ một phen nữa thôi nhá, cốt đứng rình một xó tối, nghe xong mấy câu thơ của thằng Linh, thằng Hoạt là mình lại lủi về, thế là đỡ thèm rồi, không làm sao cả, không hại gì ai cả!
Trương quả quyết đứng lên, với tay lên giá tre mở va li lấy chiếc áo tây dạ tím, khăn phu la mặc vội, và lấy vội chiếc ba toong treo trên vách, nhảy xuống đất, xỏ guốc, bước nhanh ra cửa. Lũ trẻ và người vợ ngơ ngác nhìn cái thái độ khủng khiếp và bất thường đó của Trương, không dám níu kéo mà chỉ dám kêu lên:
- Cậu nó lại đi nữa đấy à?
- Cậu đi đâu đấy! Chúng con ở đây sợ trộm lắm. Cậu đừng đi.
Trương bước ra ngoài đường rồi mới ngoái lại ôn tồn:
- Mợ và các con cứ gài chặt cổng mà ngủ. Mai nghỉ hàng, hay làm ít bán cho vui tùy ý. Tôi có việc cần lắm lắm. Thế nào mai sớm cũng về.
Trương băng mình vào ánh trăng lạnh nhuộm sương thu. Gió xuôi chiều, đẩy Trương đi như cánh buồm căng lộng gió. Trương hăm hở bước, nhìn thẳng về Mai Thượng. Như ý định, Trương đứng lẫn vào đám đông đàn bà, con trẻ mà xem các bạn diễn, và Trương cũng định tâm sẽ vào một nhà quen nào ngủ đỗ, lánh mặt anh em, mai sớm về ngay quán cho yên lòng vợ con và đàn trẻ nhỏ. Nhưng màn chót sắp buông, Trương không thể yên lòng vì yêu bạn, say nghề, rồi thì ma đưa quỷ dắt làm sao, Trương bước lên cửa sau sân khấu, vén lá chiếu che lừ lừ hiện ra trước cái nhìn và nụ cười tinh ranh của Ngọ.
- A, kia lão hiền huynh. Trận gió nào lại cuốn bạn già đến chốn này. Tưởng bạn già đã đành tâm yên phận!
Trương cười ngượng nghịu:
- Ma đưa lối quỷ dẫn đường, đoạn trường tìm lối kịch trường mà đi. Đã toan nằm ấm chỗ, lại nhớ các chú, phải tung chăn, rứt xích lao thân già vào gió bụi, theo nghệ thuật. Thì ra mình vẫn cứ ngứa ngáy, ngủ không an, nằm không ổn, thế mãi thôi!
Bỗng Trương ngừng lời, nhìn ra sân khấu, lắng nghe câu thơ ruột của ông Hoạt, lúc đó vọng ra ngoài sông núi, mà cũng là vọng vào mặt Trương cạnh cánh gà:
Ngày mai ắt có con thuyền lại,
Lửa một khoang đầy sưởi bốn phương.
Màn từ từ hạ, Hoạt vào, ôm choàng lấy Trương mà thét:
- Biết ngay mà! Cái con bệnh trầm trọng này chỉ còn món thuốc ấy là trúng bệnh. Có là vượt ngàn sông núi cũng cứ phải theo, cho đến thác.
Linh và Oanh rửa xong mặt phấn ở góc đình, cũng chạy đến nắm tay Trương, cười lớn. Mọi người kéo cả về nhà ông Tổng. Chủ nhân đã sai nấu sẵn nồi cháo, chõ xôi. Đoàn kịch xúm lại ăn, rồi chia chiếu ngủ. Đêm trời trở lạnh. Họ lại chia nhau những màn che, phông vẽ, cánh gà bằng vải thô dầy, thay chăn mà đắp.
Trong khi ấy thì Linh và Oanh dắt nhau ra ngồi ở cầu ao xây gạch, ngắm mảnh trăng non chếch bóng lúc này đang cài trên lùm cây xõa tóc, nom tựa vành chiếc lược bạc.
Oanh lại thầm thì bàn đến chuyện chia ly. Cô cần tiền lộ phí rời Việt Bắc, xuôi về miền ruộng Thái Bình để sống cùng cha mẹ. Câu chuyện ấy đã từ lâu khiến anh lo lắng, để rồi càng tự thấy mình bất lực. Chung quanh một lũ bạn nghèo, anh thấy khổ tâm trước một tình trạng thực nan giải: để Oanh thân gái dặm trường lặn lội về quê một mình, hay anh phải đi cùng cô, không nhìn lại anh em nghệ sĩ và một gia đình trong đó cha mẹ già và vợ con một bầy đang nheo nhóc bên kia bến đò Hồ vang tiếng súng.
Anh cảm thấy chưa thể dứt tình giữa lúc này, cũng chưa nỡ xa nghệ thuật và bạn hữu. Người con hư hỏng ấy đã tự viện cớ bỏ nhà theo bạn kịch chỉ vì nghệ thuật chứ không phải vì tình. Sự thực thì anh yêu Oanh, có lẽ còn lớn hơn cả nghệ thuật, hơn bạn hữu, hơn tất cả.
Mưa Thu Mưa Thu - Ngọc Giao Mưa Thu