Let your bookcases and your shelves be your gardens and your pleasure-grounds. Pluck the fruit that grows therein, gather the roses, the spices, and the myrrh.

Judah Ibn Tibbon

 
 
 
 
 
Tác giả: La Lan
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Liêu Quốc Nhĩ
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Nguyen Vu
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 809 / 2
Cập nhật: 2016-02-24 10:45:34 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
ăm cha tôi đưa kế mẫu về nhà, tôi vừa tròn mười lăm tuổi. Đời sống gia đình thay đổi đột ngột với sự hiện diện của người xa lạ. Kế mẫu tôi họ Kỷ. Trước ngày về nhà bà sống cùng người anh họ, một công chức ngành ngoại giao vừa hồi hưu, nên đã từng ở Âu Châu một thời gian dài.
Một tháng sau ngày về, bà đưa chị em tôi sang nhà thăm viếng ông anh. Người mà tôi biết bắt đầu phải gọi là cậu.
Đó là một ngôi nhà lộng lẫy hai tầng, trước có sân rộng trồng nhiều hoa và có cả người gác cửa.
Những bậc thang cao đưa chúng tôi lên lầu phòng khách rộng có thảm nhung êm, phòng quét sơn màu sữa. Sau khi bảo chúng tôi ngồi yên, mẹ mới vào phòng bên mời bà mợ ra.
Bà mợ trên bốn mươi nhưng còn rất trẻ, mới trông tưởng chừng mới ba mươi. Quý phái và đẹp. Ông cậu hôm nay đi vắng, nhưng tôi đã có dịp trông thấy mặt ông hôm lễ cưới vừa rồi. Người cao lớn, vững chãi đầy phong độ. Mợ cho biết ông cậu hôm nay về trễ vì bận họp.
Hình như để phối hợp cho gia đình này tất cả vẻ lộng lẫy toàn vẹn, chị dâu họ của tôi cũng là một thiếu phụ trẻ đẹp, ngoài vẻ đẹp bên ngoài chị còn có một tâm hồn bình thản, một khuôn cách trầm lặng quý phái, chúng tôi mỗi đứa được tặng một gói quà đẹp, bọc trong giấy kiếng không biết bên trong chứa gì, vì dì bảo về nhà hãy tháo ra và đạt nằm yên nơi kỷ trà.
Giữa phòng khách lớn với cung cách lễ nghi chúng tôi như bị cột cứng, ngồi thẳng lưng, nói chọn lựa từng tiếng chứ không tự do như ở nhà.
Mỗi lần người làm mang nước, trà bánh kẹo... là mỗi lần chúng tôi phải đứng dậy cung kính mời mọc người dùng. Nhìn khung trời rợp mát với hàng cây cao bên ngoài cửa, nghĩ đến món quà trong hộp, chúng tôi đứa nào cũng muốn tung người ra để tự do bay nhảy. Mẹ tuy bận chuyện vãn với mợ, nhưng lúc nào cũng để ý dò từng cử chỉ của chúng tôi như sợ những hành động vô lễ, vô ý thức có thể gây phiên phức, trong khi chị dâu tỏ ra dễ dãi hơn, đến cạnh hỏi han nhiều thứ, từ chuyện học đến gia đình, tôi ngoan ngoãn trả lời từng câu một, mùi nước hoa trên da thịt tươi mát thoảng nhẹ làm tôi ngây cả mũi.
Thời gian như đọng lại, ngồi thật lâu kim đồng hồ mới di động đến số bốn, thế mà kế mẫu còn bảo phải ở lại dùng cơm tối xong mới về, vì hôm nay bà mợ sẽ mời cơm.
Cố gắng lắm mới tạo được vẻ tự nhiên ngồi máy móc trả lời từng câu hỏi, chúng tôi có cảm giác mình là những diễn viên trong vở kịch câm.
Giữa không khí loãng và bực bội dó, thì chúng tôi được giải thoát. Có tiếng chân dồn dập chạy từ lầu xuống mang theo tiếng cười dòn:
- Ồ! Đến rồi đấy à. Tuyệt thật. Không khí phẳng lặng trong phòng khách bị phá vỡ.
Tất cả người lớn quay lại với ánh mắt trách móc. Bà mợ có vẻ là người khó chịu nhất
- Hiến Cương! Mầy làm cái trò gì vậy? Nhà có khách biết không?
Gã thanh niên mang tên Hiến Cương chớp mắt tinh nghịch nhìn bà mợ cười. Anh chả có gì là phiền muộn:
- Ồ! Khách à? Nhà chúng ta làm gì có khách. Tất cả những người nầy đều là người thân trong nhà mà!
Rồi quay sang chúng tôi anh tự giới thiệu:
- Tôi là Hiến Cương, anh cô cậu của quý vị đây.
Bà mợ bực mình:
- Cậu có thể giữ đứng đắn một tí được không? Nhìn thử cả phòng xem, có ai lại lớn tiếng, một cách vô lễ như vậy không chứ?
Hiến Cương giả vờ không nghe bước tới trước giật chén chè sen trên tay bà chị dâu rồi kề môi húp nhanh. Bà chị dâu phản đối:
- Kỳ quá! Chén này của em đã ăn rồi, anh có phần anh, để em đi lấy cho, ăn uống gì mà chẳng cần đũa với muỗng gì cả.
Anh Hiến Cương húp xong chén chè, móc khăn tay ra lau miệng, liếc vợ với nụ cười tinh nghịch:
- Có gì đâu mà quan trọng quá vậy? Sống kiểu cách mãi như mấy người ai lại chịu được chứ?
Chị dâu có vẻ hờn, lẳng lặng thu gọn bát muỗng đem ra sau, trong khi anh Hiến Cương bước về phía cửa sổ, mở tung đôi cánh màu sữa. Gió mát đầu hè tràn vào xoa dịu không khí đầy thuốc súng bên trong.
Bà mợ có vẻ chưa hả cơn giận:
- Vừa mới về đến nhà đã làm loạn cả lên!
Anh Hiến Cương quay lại nhìn chúng tôi cười:
- Điệu này có lẽ mấy người phải ở đây ăn cơm tối rồi đấy.
- Hôm nay gia đình chúng ta mời khách. Chị dâu nói rồi quay sang nói chồng chị tiếp:
- Tất cả đều là người trong nhà, anh ăn nói cẩn thận một tí.
Anh Cương vẫn tỉnh bơ, nói với chúng tôi:
- Để tôi đưa mấy người ra sân chơi nhé!
Cậu em trai tôi là người đầu tiên lên tiếng hưởng ứng. Hắn nhảy nagy xuống ghế và hét to:
- Ồ sướng quá!
Tôi và cô em gái đứng lên, khẽ liếc về phía kế mẫu chờ đợi, tôi thấy hình như bà không mấy hài lòng, nhưng rồi cũng miễn cưỡng gật đầu:
- Ồ! Đi thì cứ đi.
Chúng tôi với tâm trạng của bầy chim sổ lồng, tung tăng theo anh Cương ra cửa.
Đến bên ngoài, tôi mới có dịp nhìn rõ vóc dáng của ông anh họ tôi. Khuôn mặt, như khuôn đúc của ông cậu, có điều mắt của ông cậu thì lạnh lùng và nghiêm trang trong khi mắt của anh Cương lúc nào cũng gần như tươi mát. Anh thay âu phục thẳng nếp ban nãy bằng bộ Pyjama lụa.Thấy chùng tôi nhìn, anh nói:
- Đi với mấy cô cậu ra vườn chơi mà mặc âu phục thì trông chẳng giống ai cả.
Lời nói ngộ nghĩnh cảu anh làm chúng tôi cười, anh tiếp:
- Cha tôi thì lúc nào cũng vậy. Ông muốn tất cả mọi người trong gia đình đều phải kiểu cách quy tắc như ông. Đó mấy người có thấy vợ tôi không, lúc nào cũng muốn tôi như hình nộm, vừa thức dậy đã nghe dặn dò hôm nay phải ăn mặc chình tề vì có mấy người đến.
Chúng tôi bắt đầu thấy thân thiết và không còn ngại ngùng ngăn cách với anh nữa.
- Năm ngoái ông bố đã hứa cho tôi chọn ngành ngoại ngữ thế mà đầu năm ông lại đổi ý cho việc học ngoại ngữ là vô tích sự, và bắt tôi chuyển sang ngành ngoại giao.
- Vậy hiện giờ anh học môn ngoại giao à?
Anh Cương ngập ngừng một tí rồi nói:
- Không, tôi không thích làm quen.
- Vậy ra anh vẫn còn học môn ngoại ngữ à?
Anh Cương lắc đầu:
- Bị ông bố làm rối trí quá thành ra tôi cũng mất luôn thú trong việc học ngoại ngữ.
Tôi phì cười:
- Nghĩa là anh chả học hành gì cả?
- Vâng, tôi chả làm gì cả, vì vậy chị dâu mấy người mới dè bỉu tôi là tay chơi, công tử bột.
Rồi anh tự ngồi xuống bậc thềm. Cậu em trai tôi hỏi:
- Anh không sợ lấm quần à?
Anh lắc đầu:
- Lo gì! Quần này của ông bố tôi sắm mà, ông có tiền nhiều lắm.
Cô em gái tôi nói:
- Nhưng anh cũng phải gìn giữ chứ!
Anh Cương vỗ nhẹ lên vai cô em tôi, bảo:
- Này cô bé, đừng có học thói chua ngoa của người lớn. Sự thật tôi đâu muốn ăn mặc cầu kỳ thế này! Tôi chỉ thích quần áo vải thô thôi, mà cũng chẳng được phép. Ăn mặc cầu kỳ làm gì phải giữ gìn lôi thôi phiền phức.
Lời anh Cương làm chúng tôi phì cười, anh tiếp tục vui vẻ:
- Tôi là con người hư đốn như vậy, mấy cô cậu đừng bắt chước nhé.
Không biết đó là câu giễu cợt, cô em tôi thật thà:
- Đâu có, em thấy anh dễ thương lắm.
Anh Cương pha trò:
- Thật không? Hay vì được tôi đưa ra khỏi phòng hắc ám đó mà cô bảo rằng tôi dễ thương chứ?
Chúng tôi cười, anh Cương tiếp tục:
- Bộ tôi là hề hay sao mà cứ nhìn vào mặt tôi cười mãi vậy?
Anh Cương thật dễ mến. Ngay từ phút đầu mới gặp anh, chúng tôi đã như bị cuốn hút. Anh kể cho chúng tôi nghe thật nhiều chuyện cười và đa số những chuyện đó là những chuyện tuổi thơ tinh nghịch của anh. Sau đó anh đề nghị chúng tôi cùng chơi trò cút bắt. Mọi người bắt đầu tay trắng, tay đen. Kết quả cô em tôi là kẻ đi tìm và chúng tôi là những người đi trốn. Phạm vi của trò chơi nằm sau vườn. Em trai tôi vì trốn dưới giàn nho nên là kẻ đầu tiên bị bắt rồi kế đến là tôi. Còn lại anh Cương, tìm mãi mà chẳng thấy đâu cả, tôi và cậu em đổ nhau đi tìm hộ nhưng vẫn không thấy, giữa lúc đang hoang mang thì chợt nghe có tiếng hát phát ra đâu đây:
Thế giới tôi màu xanh
Nơi đó mặt trời cũng xanh
Cả trăng và gian nhà nhỏ
Chiếc giường, khung cửa nhỏ
Và người yêu nho nhỏ của tôi
Chúng tôi đuổi theo tiếng hát, và sau cùng mới tìm ra nơi xuất phát. Đó là miệng giếng đen ngòm,chùng tôi nhìn xuống trông thấy giữa miệng giếng tròn qua nắp đậy bằng cây, anh Hiến Cương ngồi vắt vẻo bên thành thang sắt. Cậu em trai tôi phản đối, bảo là không được trốn ở nơi đây. Anh Cương trèo lên với nụ cười tinh nghịch:
- Tại sao là không có quyền, ở đây đâu có ra ngoài phạm vi đã thảo thuận đâu?
Vừa nói anh vừa đưa cho chúng tôi một trái dưa đỏ. Cậu em tôi ngạc nhiên:
- Làm gì có cả dưa hấu ở dưới giếng nữa?
Anh Cương đưa tay lên môi giả vờ suỵt nhẹ:
- Đừng nói lớn, kho tàng bí mật của tôi đấy.
Xong anh đưa quả dưa cho chúng tôi và hỏi:
- Lạnh không? Đó là chiếc tủ ướp lạnh thiên nhiên của riêng ta đấy
Xong anh bổ dưa lên tảng đá gần đấy và mời:
- Ăn đi.
Chúng tôi không còn e dè nữa. Quả dưa thật ngon. Ăn xong, anh Cương ra lệnh cho tất cả dọn dẹp sách sẽ và dặn:
- Đừng cho ai biết cả nhé, để họ biết họ đến lấy trộm là nguy đấy.
Cuộc vui kéo dài chẳng mấy chốc những chiếc áo mới của chúng tôi đều lấm bẩn. Bấy giờ, ngươi làm mới từ trong nhà chạy ra mời chúng tôi vào dùng cơm.
Anh Cương nhìn chúng tôi một lúc nói:
- Thế này thì nguy quá! Chắc chắn cô tôi sẽ buồn ghê lắm.
Cậu em trai tôi ra vẻ khôn vặt:
- Không sao đâu. Mẹ mới chắc không khó đâu.
Anh Cương gật gù:
- Thế thì hay. Nhưng làm sao thì tôi cũng phải thay bộ áo khác.
Cô em tôi có vẻ ngạc nhiên:
- Thế mà tôi cứ tưởng anh bất cần tất cả chứ!
Anh Cương cười:
- Tại cô không biết, chứ giờ cơm là giờ ông bố tôi tìm cách hành hạ tôi đấy, gần như ngày nào chẳng hành hạ được tôi thì ông ấy ăn cơm chẳng ngon.
Giao chúng tôi cho người làm xong anh mới về phòng thay áo.
Bàn ăn đã dọn đầy đủ. Giữa bàn là một chiếc khăn thêu thật đẹp, những chiếc bát Giang tây với hình rồng phụng kiểu cách, những đôi đũa đen bọc đầu bạc, các ly rượu nhỏ nằm bên cạnh. Không khí càng nặng nề hơn khi bốn người tớ đứng hầu ở bốn góc bàn.
Bà mợ mời mẹ tôi ngồi vào giữa, vì hôm nay người là quí khách và chúng tôi được sắp ngồi ở hai bên. Những chiếc áo bẩn đất khiến chúng tôi bứt rứt, mẹ có vẻ khó chịu nhưng vẫn tỏ ra mềm mỏng:
- Ban nãy quên nhắc nhở các con chớ để bẩn quần áo.
Bà mợ giúp chúng tôi, bào chữa:
- Lỗi không phải ở chúng nó. Tất cả cũng tại thằng Cương.
Ngay lúc đó ông cậu trong chiếc áo dài mùa hạ bước vào, chúng tôi cùng đứng dậy.
Đôi mắt lạnh lùng của ông quét nhanh khắp bàn:
- Thôi ngồi xuống đi.
Mãi đến lúc ông ngồi xuống, chúng tôi mới ngồi theo, kế mẫu nhìn ông cậu:
- Chiếc áo này anh mặc trông đẹp lắm.
Ông cậu với sắc mặt không đổi, đáp:
- Có chuyện vui trong gia đình, mặc quốc phục thích hợp hơn.
Giữa lúc đó anh Cương bước vào, vừa trông thấy anh là chúng tôi muốn cười ngay, chiếc áo dài hoa tròn của anh mặc có vẻ hài hước làm sao. Anh càng tỏ ra quan trọng thì lại càng buồn cười. Nhưng chúng tôi cố nén để giữ lễ phép khi ngồi cùng bàn với người lớn. Chị Cương cũng thay chiếc áo khác, màu hồng nhạt, chị rót rượu mời mọi người và khi vòng đến chúng tôi thì kế mẫu khoát tay.
- Trẻ con không nên cho uống rưọu.
Ông cậu nâng ly mời mẹ:
- Thế nào, tất cả đều bình thường cả chứ?
- Vâng. Cảm ơn anh chị, mấy đứa bé đều ngoan.
Rồi mẹ nâng ly lên đưa về phía bà mợ.
Chúng tôi như chín cả người. Không khí nặng nề vây quanh. Liếc nhanh về phía anh Cương, những vết rêu xanh bám trên mặt chưa rửa của anh khiến tôi không nhịn cười được, thật khó khăn lắm mới giả vờ tạo được tiếng ho để chặn được tiếng cười. Nhưng hình như ông cậu đã tinh ý nhìn thấy. Đôi mắt bén của ông nhìn thẳng vào mặt anh Cương và lạnh lùng:
- Cương. Đi rửa mặt nhanh lên!
Anh Cương quay sang tôi rồi lấy khăn tay ra lau mặt. Tiếng ông rít lên:
- Ta bảo là đi rửa mặt có nghe chưa? Lớn rồi mà chẳng biết gì cả, cứ làm như một thằng hề.
Anh Cương lẳng lặng xếp khăn tay. Đứng thẳng người lên rồi đẩy ghế bước ra ngoài.
- Trở lại đây!
Ông cậu lại rít. Anh Cương dừng chân quay lại.
- Kéo ghế lại ngay ngắn rồi hãy đi.
- Nhưng con còn trở lại nữa mà! Anh Cương đáp.
Ông cậu trừng mắt nhìn anh rồi lạnh lùng:
- Tao nghĩ tốt nhất mày không nên trở lại nữa.
Anh Cương yên lặng một chút rồi trở về bàn kéo ghế lại ngay ngắn. Tôi tưởng là anh sẽ đi ngay, nhưng không, anh vẫn đặt tay trên thành ghế đưa mắt nhìn chúng tôi:
- Mấy người cứ dùng cơm đi, tí nữa ta sẽ gặp lại.
Nói xong anh lấy trong túi áo ra ba chiếc hộp hình chữ nhật đưa cho cậu em tôi, nói:
- Mấy món này tôi cho mấy người đấy.
Chị Cương lên tiếng:
- Em đã cho chúng nó rồi.
Anh Cương liếc nhanh về phía chị Cương rồi quay lại nói với chúng tôi:
- Xin lỗi, anh không biết, nhưng thôi cứ lấy đi.
Căn phòng ngập đầy không khí nặng, tôi nhìn về phía mẹ. Chiếc quạt trên tay người phất nhẹ, không khí loãng dần.
Cậu là người lên tiếng trước:
- Mời quí vị cầm đũa lên.
Chúng tôi bắt đầu ăn, nhưng bữa cơm không còn thấy ngon nữa. Tôi không quên được thái độ lúc bỏ đi của anh Cương. Ba chiếc hộp anh tặng còn nằm trên bàn. Nhìn những hàng chữ bên ngoài, tôi biết đây là ba chiếc khẩu cầm hiệu "bươm bướm".
Về nhà, chuyện của anh Cương trở thành đề tài của mẹ với chúng tôi.
Mẹ nói:
- Đừng gần thằng Cương. Nhất là mấy đứa con gái, dù nó là cháu ruột của mẹ, nhưng chẳng vì thế mà mẹ che chở cho nó. Cương hư lắm, mấy con có thấy không, chỉ trong mấy tiếng đồng hồ gần các con mà nó đã làm nên những chuyện tày trời như vậy. Chúng tôi chẳng biết mẹ nói "chuyện tày trời đây là chuyện nào", nhưng vẫn ngoan ngoãn dù không thích. Mẹ tiếp:
- Nó là thằng lười học, chẳng biết cầu tiến. Cậu các con muốn nó nên người, nhưng có thấy không nó cứng đầu, dạy mãi mà chẳng nghe. Tức thật! Nó hư đốn này từ thuở bé lận chứ đâu phải mới đây, suốt ngày cứ lẩn quẩn bên đống cây vụn. Ai cũng nói thằng này lớn lên chắc chỉ làm thợ mộc thôi. Học hết đệ nhị là bắt đầu hư đốn, suốt ngày lang thang ngoài đường đánh lộn, lập bè lập đảng chẳng lo học hành gì hết.
Tôi không nín được, chêm vào:
- Nhưng con thấy anh Cương có vẻ sợ cậu lắm mà!
- Trước mặt thì nó làm như vậy. Chứ nó mà sợ ai. Hôm đó mẹ chắc rằng sau khi bị cậu con rầy, nó bỏ đi luôn chứ chẳng có về đâu.
Em trai hỏi:
- Thế anh ấy đi đâu?
Mẹ yên lặng một lúc, nói:
- Đến với người ta.
- Ai thế?
Em gái tôi hích nhẹ cậu em:
- Hỏi gì lôi thôi vậy?
Kế mẫu nhìn chúng tôi rồi thấp giọng:
- "Cái con quỷ cái" Trần Lộc Phấn. Nhiều người thấy chúng cặp tay với nhau, về mách. Nhưng các con đừng nói lại cho ai nghe hết.
Rồi kế mẫu thở dài:
- Chỉ tội cho con Thiệu Bội Ngọc lấy phải thằng chồng chẳng ra gì.
Thiệu Bội Ngọc là tên bà chị dâu của chúng tôi, nhắc đến là tôi nghĩ ngay đến khuôn mặt có vẻ đẹp lạnh, quí phái.
- Thế sao anh Cương lấy chị ấy chi vậy?
- Do sự giới thiệu và quen biết của người lớn. Gia đình con Ngọc nổi tiếng là gia giáo. Đẹp thế mà vẫn không giữ được thằng Cương.
Cậu em tôi chen vào:
- À cậu mợ cưới chị dâu là để giữ anh Cương thôi à?
Em gái tôi được dịp doạ:
- Đó em thấy không. Nếu em mà chẳng ngoan ng oãn nghe lời thì thế nào mẹ cũng sẽ kiếm vợ để giữ em như vậy.
Mọi người cười xoà.
Kế mẫu lại lên tiếng:
- Cậu con cũng khó lắm, người trong nhà đôi lúc phải giấu bớt nhiều chuyện của thằng Cương với ổng.
Lời mẹ, khiến tôi phân vân. Không hiểu tại sao trong đầu óc non nớt của chúng tôi lại cảm thấy anh Cương dễ thương hơn điều người lớn nói. Có lẽ vì anh Cương gần gũi với tuổi trẻ chúng tôi nhiều hơn. Cũng có lẽ vì những chiếc khẩu cầm mà anh đã tặng.
Hôm dự tiệc ở nhà ông cậu, chúng tôi được rất nhiều quà. Áo quần mới, sách vở, nhẫn, khăn tay, đồng hồ… Nhưng món quà mà chúng tôi thích nhất phải kể đến chiếc khẩu cầm của anh Cương. Lúc nào rảnh rỗi là tụ lại ca hát, hợp tấu. Nhiều lúc mẹ phải bực mình vì sự ồn ào, và những lúc đó là anh Cương lại được mẹ nhắc đến.
Cái thằng lớn mà chẳng nên nết. Ngay cả chuyện tặng quà cho trẻ con cũng chẳng biết chọn. Tiếp đó thế nào cũng là một tiếng thở dài. Chỉ có con Ngọc là dễ thương, biết chọn quà cho trẻ con. Bút và mực mới là những thứ cần thiết cho học trò chứ.
Mỗi lần tiếng ồn ào của khẩu cầm gieo oán cho anh Cương làm tôt bứt rứt nhưng cũng là dịp để chúng tôi hiểu được thêm nhiều chuyện. Thí dụ có lần anh Cương bị nhốt trong nhà vẫn tìm cách thoát ra cửa. Và lúc bé, mỗi khi bị đánh, anh vẫn bướng:
- Đánh đi, đánh chết con càng mang thoát nợ.
Kế mẫu kết luận:
- Thằng đó hư đến hết thuốc chữa rồi.
Chuyện của anh Cương là một đề tài bất tận, mẹ gầnnhư chỉ có chuyện đó để nói. Anh Cương bị kết tội nhiều thứ. Phung phí tiền bạc. Mang tiền cho "con quỉ cái" và tôi bắt đầu thấy tò mò. "Con quỉ cái" là ai? Tại sao anh Cương lại bị mê hoặc như vậy?
o O o
Hè năm ấy vì tình hình không sáng sủa, nên gần như ai cũng tinh thân.Ngày tháng trôi qua buồn bã. Mưa bất tận, phố trở nên váng. Nhà tôi chạy về vùng chiếm đóng của nước Anh lánh nạn. Trường đóng cửa vì loạn, chúng tôi rảnh rỗi một cách phiền muộn 1.
Một hôm, giữa lúc ngồi buồn trong nhà, tôi chợt nhận thấy thằng em chạy vào:
- Chị ơi, đi xem "Con quỉ cái"!
Tôi ngạc nhiên:
- Gì? "Con quỉ cái" nào?
Cậu em nói thật nhỏ, vì có mẹ ngồi bên cạnh tôi:
- "Con qủi cái" Trần Lộc Phấn đó. Anh Cương bảo hôm nào rảnh đến nhà chị Phấn chơi, anh cho địa chỉ này.
Chúng tôi chưa hề biết mặt người tình của anh Cương nên đứa nào cũng tò mò. Tuy chưa trưởng thành nhưng với chuyện trai gái phức tạp, tôi đã thấy phân vân. Nên sau bữa cơm trưa. Lấy cớ là muốn dạo phố, chúng tôi đã kéo nhau đi xem mặt "con quỉ cái" của mẹ.
Vùng chiếm đóng của Anh tuy lớn, nhưng thật yên tĩnh. Nhà chị Phấn nằm trong xưởng mộc, giữa đống cây chất ngất, và đám thợ ồn ào. Đó là một căn nhà nhỏ màu xanh mạ. Vừa đến cửa, đã được anh Cương chạy ra đón, phía sau anh là một thiếu nữ nhỏ nhắn. Có lẽ là người thường được mẹ nhắc đến với những ngôn từ nặng tai.
Chị Phấn cũng bình thường chớ chẳng có tí gì tình yêu như lời mẹ. Chị rất đẹp, nhất là đôi mắt và đôi môi, vừa trông thấy chúng tôi chị đã cười. Nụ cười khiến bao nhiêu thành kiến không tốt sẵn có của chúng tôi gần như biến mất. Chiếc áo ngắn sặc sỡ và chiếc váy màu trắng khiến chị trông trẻ hẳn. Lúc bấy giờ phụ nữ Trung Hoa gần như chỉ mặc Âu phục. Và vì vậy trông chị thật lạ, chúng tôi đã nhìn không nhảy mắt. Anh Cương thấy thế, đùa bảo:
- Không nên nhìn cô ấy nhiều quá, quải vật nguy hiểm đấy.
"Quái vật" của anh Cương liếc thật nhanh đôi mắt có đuôi về phía anh rồi mời chúng tôi vào nhà.
Trong gian nhà nhỏ này, tất cả đều gần như màu xanh cả, từ chiếc giường rộng, tủ áo, cái bàn, tủ trà hai ghế mây. Chỉ có hai chiếc ghế mây. Chỉ có hai chiếc ghế nên chúng tôi năm người chẳng biết ngồi ở đâu.
Như trông thấy sự do dự đó, chị Phấn chạy ra sau nhà mang thêm hai chiếc đôn cỏ ra đặt cạnh cửa:
- Mời quí vị!
Đôn cả là vật rất lạ đối với chúng tôi nên ai cũng tranh nhau ngồi. Khi mọi người đã an toạ. Chị Phấn lấy chiếc hộp nhỏ trên bàn đem đến mời. Nhìn vào chúng tôi thấy đầy cả ô mai, đậu phụng, kẹo mạch nha.
Anh Cương nói:
- Ăn đi, đây là quà của trẻ con đấy!
Chị Phấn yên lặng nhe hàm răng trắng đều về phía anh Cương cười.
Anh Cương tiếp:
- Các em biết không? Cô nàng này suốt ngày chỉ ròng ăn vặt thôi. Ở đây có đứa nào cùng nghề cứ dọn đến đây ở.
Chị Phấn vẫn yên lặng cười. Đợi đến lúc chúng tôi lựa xong kẹo, chị chọn một quả ô mai bỏ vào miệng rồi quay sang anh Cương:
- Hôm nay đến phiên ai nấu cơm?
Anh Cương nhảy mắt:
- Đến phiên anh.
Chị Phấn tựa người vào bàn:
- Thôi, hôm nay để em, nhà có khách mà.
Anh Cương gật gù:
- Cũng được. Vậy thì một tí nữa anh rửa bát cũng được.
Chị Phấn quay sang chúng tôi:
- Ở đây ăn cơm, xem tôi biểu diễn nghề nấu cơm nhé?
Tôi khước từ, vì ban nãy đã lỡ dối mẹ là đi phố, nên chiều nay không thể không về nhà dùng cơm được. Anh Cương nháy mắt:
- Chuyện đó khỏi lo. Tí nữa tôi sẽ đưa mấy người về, cứ nói là dọc đường gặp tôi mời cơm vậy.
Rồi quay sang chị Phấn, anh thản nhiên nói:
- Nấu ba lon nhé. Mỗi lon hai bát. Chúng ta ở đây có cả thảy năm người. Vừa đủ.
Chị Phấn ngoan ngoãn bước ra sau, dáng chị thật dễ thương.
Chị Phấn đi rồi, tôi quay sang anh Cương. Anh thật vui vẻ, nụ cười như gắn liền trên môi. Anh Cương như biết sự tò mò của tôi, nên hỏi:
- Tôi bê bối lắm phải không?
Chúng tôi chưa kịp đáp thì anh đã nhún vai:
- Phấn cũng thế, vì vậy mới hợp với tôi.
Chị Phấn ngồi phía sau, hình như cũng nghe thấy câu đó, nên bước ra:
- Ừ đó, rồi có sao không?
Chúng tôi cười lớn, không khí vui nhộn tràn ngập khắp phòng, cuộc vui làm chúng tôi quên bẵng cả lời khuyên của mẹ.
Với không khí cởi mở đó, chúng tôi bạo dạn hơn. Ô mai, đậu phụng… lần lượt chui cả vào miệng. Anh Cương thỉnh thoảng pha trò, làm chúng tôi cười lăn quên cả việc về nhà.
Chị Phấn cũng tham dự cuộc vui, chị mang thau rau ra trước mặt. Vừa làm việc chị vừa hỏi han chúng tôi về việc học. Thỉnh thoảng, anh Cương chêm những câu nói đùa vào, lúc bảo mắt chị Phấn như mắt mèo, khi lại ví von giọng của chị như tiếng còi xe hoả.
Bữa cơm rồi cũng xong. Chúng tôi bắt đầu dùng cơm, tuy không có những cao lương mỹ vị nhưng thật ngon miệng.
Cơm xong, anh Cương đề nghị đưa chúng tôi đi phố, chị Phân cũng có mặt. Con đường sau cơn mưa thật đẹp. Khi đi ngang qua một cửa tiệm sách, anh Cương chỉ vào đó nói:
- Mấy người có biết ở đây là đâu không?
Tôi nhìn vào. Đây là nhà chuyên buôn sách ngoại ngữ. Hàng chữ vàng "Thư Quán Phương Đông" treo trên cao.
- Quán sách?
Nhưng anh Cương lắc đầu:
- Không phải, đây là nơi tôi quen với Phấn.
Tôi liếc nhanh về phía chị Phấn, bắt gặp nụ cười thật tươi trên môi chị!
- Thuở xưa mỗi ngày tôi đều có mặt ở đây.
Tôi hỏi:
- Đến xem sách à?
Anh cười:
- Lúc đầu đến xem sách, nhưng sau đó là đến… xem mặt con bé có tên Trần Lộc Phấn.
Chị Phấn cười:
- Lúc đó tôi là cô bán sách, còn cái ông này kỳ lắm, mưa gió gì cũng có mặt.
Anh Cương cười, nhìn xuống:
- Nghĩ cũng lạ, không hiểu tại sao vắng thấy cô là tôi chịu không nổi. Phù Thuỷ à?
Chúng tôi cười nhìn "Phù Thuỷ" Trần Lộc Phấn õng ẹo bên anh Cương.
Với họ, hình như đời sống chỉ thu hẹp lại có hai người và chung quanh không còn ai nữa.
Đi một quãng đường. Anh Cương như nhớ sực ra điều gì, nói với tôi:
- Này cô em, về nhà đừng mách lại chuyện này cho cô tôi biết nhé.
Tôi do dự một lúc, hỏi:
- Tại sao?
Anh Cương nhìn thẳng vào mắt tôi:
- Tôi nghĩ có lẽ cô cũng biết lý do rồi.
Tôi quay sang nhìn chị Phấn, chị đang thờ ơ nhìn những con gấu bằng vải ở gian hàng kế cận.
Sau đó trở về nhà, tuy chẳng hẹn nhưng chẳng đứa nào mách lại với mẹ chuyện gặp nhau hôm đó cả.
o O o
Từ hôm ấy, căn nhà màu xanh của chị Phấn trở thành nơi có mặt thường xuyên của chúng tôi, không khí vui nhộn, ngập đầy tiếng cười, như cuốn hút chúng tôi về với nó. Ở đây chúng tôi có thể đọc sách, ăn quà vặt hay cười nói một cách tự do mà chẳng sợ ai buồn phiền.
Chị Phấn với cách ăn mặc lạ mắt, lúc nào cũng áo hoa sặc sỡ, váy ngắn, nên lúc nào cũng trông có vẻ tươi mắt. Chị cũng thích trồng hoa. Trên khoảng sân nhỏ trước nhà được rào bằng dàn tre sơn trắng, chị trồng rất nhiều hoa nhất là hồng và cúc.
Căn nhà xinh xắn như cô chủ của nó. Mỗi lần nghĩ đến lối ví von "con quỉ cái" của mẹ, chúng tôi thấy phân vân, nếu quả thật quỉ mang lại được cho người những niềm vui dễ thương thế này thì có lẽ làm bạn với quỉ thú lắm.
Ngày tháng trôi nhanh, sự gần gũi khiến chúng tôi mến chị Phấn hơn. Hàng ngày nếu có dịp là chúng tôi viện đủ cớ để đến với chị.
Có một hôm khi dối mẹ đến xưởng mộc, chúng tôi thấy anh Cương và chị Phấn lúi cúi dưới cành cây to không biết làm gì, đến gần mới hay là họ đang dựng nhà chòi bằng những mảnh gỗ vụn.
Những mảnh gỗ nhỏ nhắn được sơn phết bằng những màu sắc khác nhau. Căn nhà đã xây được hơn nửa; mái ngói hồng, tường vàng cam và bằng đậu màu trắng trông thật xinh.
Thấy chúng tôi đến, anh chỉ đống gỗ nói:
- Mấy người thử xếp một căn. Đây là kiểu nhà Tây Ban Nha đấy, đẹp không?
Chúng tôi ngồi xuống, bắt đầu trò chơi, chị Phấn chỉ đống gỗ đủ màu dưới đất:
- Thành tích của anh Cương mấy người đấy!
Bóng cây rợp mát che cả khoảng đất rộng, chẳng mấy chốc những ngôi nhà nhỏ xinh xắn hiện ra. Anh Cương có vẻ thoả mãn đứng dậy phủi bụi bám trên áo.
Những ngôi nhà này là những kiểu nhà đẹp nhất hiện nay. Tuy nhiên mái ngói phải thay đổi đôi chút để phù hợp với từng địa phương nữa mới hợp.
Chúng tôi nhìn những ngôi nhà một cách thích thú. Đối với trẻ con như chúng tôi, thì nó chẳng qua chỉ là những món đồ chơi lạ mắt.
Chị Phấn đứng dậy:
- Thôi đến giờ cơm rồi, hôm nay chúng ta ăn bánh mì, đậu phụng, ô mai và dưa hấu nhé! Chúng tôi thích chí hò reo. Trong mùa nắng nóng, được ăn vặt thế này bao giờ cũng sướng hơn dùng cơm nhiều. Chỉ có anh Cương là có vẻ không hài lòng:
- Đúng là dân xứ lười, tại sao lúc nào cũng bánh mì một cách đáng chán thế này?
Mắt chị Phấn chớp nhanh, chị đẩy chiếc ghế mây sang bên và bày bánh trái lên bàn. Chúng tôi lại có một bữa ăn vặt ngon miệng.
Sau bữa cơm anh Cương ngồi xuống cỏ hát nghêu ngao:
Thế giới tôi màu xanh
Nơi đó mặt trời cũng xanh
Cả trăng và gian nhà nhỏ
Chiếc giường, khung cửa nhỏ
Và người yêu nho nhỏ của tôi.
Rồi anh nằm xuống cỏ. Chị Phấn ngồi tựa bên với nụ cười nhẹ, Gió Hạ lăn qua cành lá nho gần như cũng biến thành xanh. Chúng tôi yên lặng nhìn nhau, trên trời những đám mây trắng lững lờ, phiêu lãng.
o O o
Một hôm mẹ đưa chúng tôi đi xem hát bội. Thời bấy giờ Mã Liên Lương, Trương Quân Thu và Khương Xảo Hương là ba tài tử nổi danh nhất mỗi khi đoàn hát trình diễn là gần như không còn một chỗ trống. Mẹ chọn được mấy chỗ tốt gần sân khấu, mới cả chị Cương cùng đi, nên tôi được dịp ngắm chị lần thứ nhì.
Chị trang điểm thật nhẹ, vì ngồi cạnh tôi nên tôi có thể nhìn thấy rõ từng cảm xúc trên mặt chị.
Mấy đứa tôi ít khi được xem hát nhất là loại hát bội thế này. Nên với các tình tiết diễn ra trên sân khấu, chúng tôi chẳng hiểu gì cả, chỉ đón nhận như những chuyện múa rối ở đầu phố. Chỉ có mẹ và chị Cương là say mê. Thằng em tôi là đứa kém nhẫn nại nhất, nó hết quay sang bên này lại quay sang bên kia. Giữa lúc đó may thay anh Cương đến.
Sau tới hỏi han mẹ và vợ, anh định ngồi xuống chiếc ghế dành cho tôi thì chị Cương quay lại nhăn mặt:
- Anh làm ơn đưa cậu em ra ngoài mua cái gì ăn đi để nó ở đây chẳng ai xem được gì cả.
Anh Cương lại đứng dậy, anh có vẻ buồn, vỗ nhẹ lên vai cậu em tôi, hỏi:
- Đẹp không?
- Cậu em tôi mừng rỡ đứng bật dậy đứa em gái, tôi cũng đòi theo. Anh Cương quay sang tôi:
- Còn em, cùng đi không?
Tôi nhìn sang mẹ do dự. Bởi vì tôi không hiểu sự hùa theo của mình có phải là một hành động vô lễ không. Giữa lúc đó chị Cương quay sang cau mày:
- Người ta đang xem tới đoạn hay thế này mà sao anh cứ làm ồn thế!
Thấy thái độ bực mình của chị, tôi lắc đầu dứt khoát với anh Cương.
Còn lại ba người, tôi mới thấy nuối tiếc về quyết định của mình. Đưa mắt nhìn lên sân khấu, chợt tôi nghe tiếng thở dài của chị Cương:
- Thật chán quá!
Rồi tiếng của mẹ:
- Nó đã đến rồi thì xua đuổi làm gì? Có nó ở đây dù sao cũng còn khá hơn không?
- Nhnưg con mệt mỏi quá.
Chị Ngọc đáp. Mắt mẹ chẳng rời sân khấu:
- Sao lại nói thế, dù sao con cũng phải cố tìm cách giữ chân nó lại mới phải.
Có tiếng thở dài tiếp theo. Tôi quay lại thấy chị Cương đang mở ví, kéo khăn tay ra xoa nhẹ lên mắt.
Tuy đang ở giữa chốn đông người, nhưng tôi cảm thấy không khí như ngưng đọng lại. Những giọt nước mắt long lanh trên mi chị Cương như nhảy múa trước mặt tôi. Một lúc có tiếng mẹ:
- Lúc chúng bây mới lấy nhau. Tao thấy thằng Cương có vẻ ngoan ngoãn lắm. Ai cũng nghĩ là nó bắt đầu biết ngoan ngoãn trở lại rồi, đâu ngờ…
Mẹ lại thở dài:
- Biết đâu… may ra một thời gian sau, khi đứng tuổi một chút rồi nó cũng trở về.
Lời an ủi của mẹ, không biết có lọt vào tai chị Ngọc không. Có điều tôi thấy chị đã không còn khóc, tiếp tục đưa mắt lên sân khấu nhìn vở kích đang diễn.
Lúc đó, vở hát đã diễn hơn nửa. Dương Tam Công tử đang cười hả hê. Còn Ngọc Đường Xuân thì đang khoa tay chuẩn bị hát. Tiếng hồ cầm từ trong sânkhấu vang ra ai oán. Tuy thế, tôi biết mẹ và chị Cương đã không còn niềm say mê như thuở ban đầu.
Có tiếng mẹ nói:
- Cái gì cũng không qua số mệnh cả con ạ.
Chị Cương run nhẹ vai:
- Ai cũng tưởng là tôi sung sướng lắm…
Mẹ quay sang nhìn thấy tôi đang lắng nghe, người có vẻ ngập ngừng một chút, rồi nói:
- Cả gia đình họ Kỷ chúng tôi ai cũng thương con. Có ai bạc đãi với con đâu, chỉ có thằng Cương…
Màn không khí nặng nề vây phủ chung quanh. Tôi nghe thấy những tiếng nấc nhẹ trong cổ chị Cương. Chị có vẻ cô độc như một ốc đảo giữa sa mạc buồn.
Sống giữa đại gia đình của ông cậu, mà tôi tưởng chừng chị sống giữa đại dương. Bao nhiêu tính tốt, bao nhiêu sắc đẹp không đủ mang lại cho chị một hạnh phúc mơ ước. Anh Cương là chồng, nhưng lại lạnh lùng như một kẻ xa lạ. Vâng, tôi hiểu mẹ đã quan niệm hạnh phúc của một người quá đơn giản. Nhưng mẹ có biết đâu ngay lời nói của mẹ cũng là một nhát dao đang đâm tận cùng tim chị Ngọc. Tôi liếc nhanh về phía chị Cương, thông cảm nghe chị giả vờ nói:
- Trương Quân Thu hát hay quá, phải không em?
Câu hỏi của chị mang tôi trở về sân khấu. Lúc đó Ngọc Đường Xuân đang hát đến câu: "lòng buồn bã thiếp xa chàng…" Tôi nghĩ đến chị và không hiểu trái tim của người ngồi bên cạnh có rã rời chăng?
Cũng ngay lúc đó anh Cương đưa hai đứa em tôi trở vào. Sau khi cho hai đứa ngồi yên, anh mới quay sang mẹ và chị Cương, với một thái độ thật khách sáo, anh nói:
- Xin lỗi, bận quá không thể ở lại tiếp tục xem hát với cô và em được.
Rồi hối hả bỏ đi. Tôi biết bây giờ đang có hai quả tim rướm máu, nhưng vực thẳm đã cách ngăn quá xa không thể lấp đầy để đưa hai người lại gần nhau được.
Xem hát xong, mẹ chờ gọi xe được cho chị Cương rồi mới trở về nhà.
Trên đường về, tôi không thể nào quên được thái độ lạnh lùng cô độc và những hạt nước mắt của chị Cương. Tôi cũng không làm sao quên được thái độ khách sáo thừa thãi của anh Cương, và tôi bỗng thắc mắc. Tại sao phải làm như vậy. Chuyện người lớn phức tạp quá, có lẽ với trí khôn vừa lớn của tôi chưa đủ để thẩm xét một vấn đề đa diện ngoài sự hiểu biết của mình.
o O o
Chiều hôm ấy trời nóng như lửa, sau khi cùng em gái gội đầu xong. Chúng tôi mỗi người mang một chiếc ghế ra sân ngồi hong tóc. Gió mùa Hạ phớt nhẹ. Tất cả những người trong nhà gần như còn chìm đắm trong cơn mê. Cầm quyển sách trên tay mà tôi chẳng muốn đọc tí nào cả.
Giữa lúc đó, thằng em tôi từ ngoài chạy vào. Ra dấu:
- Đi! Đi, có người đợi ngoài ấy kìa!
Chúng tôi chưa kịp hỏi thêm thì nó đã chạy tọt vào nhà, lấy vật gì bỏ vào người rồi chạy trở ra:
- Ai tìm vậy?
Chúng tôi chạy theo hỏi. Nó chỉ ra người đường:
- Đó!
Nhìn theo, tôi thấy một chiếc xe bốn bánh bóng lộn. Chưa kịp hỏi tiếp thì anh Cương đã từ trong cửa xe thò đầu ra, ngoắc. Chúng tôi mừng rỡ chạy đến:
- Ồ! Xe của ai vậy?
- Đừng hỏi.
Anh Cương với nét mặt quan trọng, với tay đẩy cửa sau cho chúng tôi chui vào.
- Đi hóng mát nhé!
Thời bấy giờ được ngồi xe du lịch là một chuyện sung sướng hiếm có. Được anh Cương mở lời, chúng tôi thích quá chui vào xe, anh Cương nháy mắt:
- Mẹ ngủ rồi à?
Chúng tôi gật đầu. Anh Cương vừa mở máy vừa nói:
- Tôi biết rõ thói quen của cô tôi mà, chưa đến bốn giờ là chẳng bao giờ thức dậy, gần bốn giờ tôi sẽ đưa mấy người về.
Trong lòng xe rộng phía sau. Ba đứa ngồi thoải mái. Anh Cương lái xe về phía đại lộ, máy nổ thật êm, tạo cho chúng tôi một cảm giác thích thú và kiêu hãnh!
Xe rẽ sang quốc lộ số mười một, qua khỏi khúc quanh, anh quay đầu lại:
- Mấy người biết xe này ở đâu không? "Mượn tạm" của người ta đó.
Tôi cười:
- Mượn tạm hay là đánh cắp đấy?
Anh Cương nháy mắt:
- Đừng nói đánh cắp khó nghe lắm. Mượn với đánh cắp hai tiếng khác nhau mà.
Thằng em ngồi cạnh tôi hỏi:
- Xe của ai vậy anh?
Anh Cương cười:
- Đừng hỏi lộn xộn, cậu chỉ nên biết là bây giờ chúng ta đang đi hóng mát đây thôi.
Anh nhấn ga. Gió từ ngoài thổi mạnh làm rối cả tóc tôi. Niềm vui nhẹ lan qua tim, cậu em đề nghị:
- Đến công viên Bắc Ninh chơi đi!
- Ờ! Nhưng chúng ta cũng nên, đến hỏi chị Phấn xem cùng đi không chứ.
Anh Cương đưa xe về phía xưởng mộc. Lúc ngừng xe anh hỏi:
- Đố mấy người vậy chớ cô ấy có chịu cùng đi với chúng ta không?
Tôi và em gái lắc đầu - Không biết
Anh Cương đoán:
- Tôi chắc cô ấy không chịu đi đâu!
Cậu em tôi nhất quyết là chị sẽ đi. Anh Cương nói:
- Nếu vậy chúng ta đánh cá đi. Nếu cô ấy đi tôi thua mấy người một chầu kem nhé!
Nói xong anh bước xuống xe, căn dặn chúng tôi ngồi yên anh sẽ ra ngay.
Nhìn theo anh rồi nghĩ đến mẹ, thấy chuyện trốn đi chơi mà không hỏi trước, là không phải.
Tôi lo lắng. Nếu mẹ dậy sớm và tìm không thấy chúng tôi thì làm sao?
Còn đang bối rối thì đã thấy anh Cương kéo tay chị Phấn chạy ra. Hôm nay chị mặc chiếc áo hoa màu lá, đầu đội khăn, trông thật trẻ. Vừa nhìn thấy chúng tôi, chị đã cười:
- Tôi không thể ở nhà được. Vì làm thế mấy người mất một chầu kem thì tiếc lắm.
Anh Cương cười nhe răng:
- Xui thật! Nếu tôi không kể lại cho cô biết chuyện đánh cá thì đâu có mất một chầu kem thế này. Xui thật!
Chị Phấn cười, bảo cậu em tôi ra phía trước với anh Cương:
- Con trai ngồi với con trai, để con gái người ta ngồi chung chứ.
Có sự hiện diện của chị, không khí trở nên vui nhộn, chúng tôi bắt đầu ồn ào. Anh Cương cho xe lướt nhanh.
- Chúng ta đi một vòng cho thật xa rồi hãy trở về Công viên Bắc Ninh. Lâu quá không ngồi xe, ngồi một bữa cho nó đã.
Không thấy ai phản đối. Anh Cương liếc về phía sau hỏi:
- Này Phấn, em biết chiếc xe này của ai không?
Chị Phấn chớp nhanh mắt:
- "Ăn cắp" chứ gì?
Anh Cương cười. Gật gù:
- Ừ! Đoán đúng đấy! Như vậy mới là tri kỷ chứ.
Cả xe cười ồn lên. Lũ con gái chúng tôi líu lo và quên mất luôn xuất xứ của chiếc xe.
Nắng Hè nóng bức, bao nhiêu sinh vật đều như trốn cả vào bóng mát. Lũ ve sầu rên rỉ ở hai bên đường đang hoà tấu những bản nhạc bất tận.
Xe vút ra khỏi chợ, bụi vàng đuổi theo, cảnh thôn quê đã xuất hiện trước mặt, qua chiếc cầu sắt với những âm thanh rộn rã vang bên tai. Anh Cương bẻ nhanh tai lái quanh qua con đường đất. Dòng sông nhỏ hiện trước mặt. Vì xe lao quá nhanh nên cậu em tôi phải hoảng hốt kêu lên:
- Coi chừng lọt xuống sông à anh!
Cô em tôi cũng cuống quýt. Chỉ có chị Phấn là điềm nhiên.
- Tay lái anh kể cũng chưa đến nỗi nào, hử anh Cương?
Anh Cương nhún vai:
- Tôi đang trắc nghiệm sự gan dạ của mấy người đấy chứ!
Xe giảm dần tốc độ. Anh hỏi:
- Chạy một vòng dọc bờ sông rồi quay về vườn Bắc Ninh nhé, chịu không?
Ở ngoại ô một lúc, anh Cương mới cho xe trở về, vừa đến công viên Bắc Ninh, anh dừng xe lại bảo:
- Khoan xuống xe nhé. Để tôi mua cho mấy người mấy cây kem.
Ăn xong, chúng tôi định vứt giấy gói kem ra ngoài thì anh đã ngăn lại:
- Ném cả trong xe đi! Xe Chùa mà sợ gì!
Chúng tôi do dự một chút rồi làm theo lời anh. Công viên Bắc Ninh thật đẹp. Những hàng liễu xanh rũ bên hồ nước trong vắt trông rõ tận đáy. Chúng tôi thuê hai chiếc thuyền con. Anh Cương và hai đứa em tôi ngồi một chiếc. Tôi và chị Phấn chiếc thứ hai. Hôm nay du khách vắng. Chúng tôi đưa thuyền ra giữa hồ, gió thật mát. Cậu em tôi đưa chiếc khẩu cầm mà nó đã mang theo, đưa lên miệng thổi một bản nhạc vui tươi làm mọi người quên cả mệt mỏi.
Nhìn chiếc khẩu cầm tôi mới nhớ đến quà tặng của anh Cương trong dịp gặp đầu tiên. Hôm ấy vì hấp tấp quá nên chúng tôi đã quên cảm ơn anh. Tôi xin lỗi. Anh Cương ngồi bên kia thuyền quay sang nhìn chúng tôi cười, nói:
- Hôm ấy tôi đã nói trước là lên bản cơm thế nào tôi cũng bị mắng, bây giờ mấy người có tin chưa?
Tôi hối tiếc:
- Lỗi tại tôi cả. Nếu hôm ấy tôi không cười thì anh nào có bị la.
Chiếc thuyền của anh Cương cặp sát vào thuyền chúng tôi:
- Tôi không trách cô. Nếu hôm đó cô không cười, cũng như rêu không bám lên mặt, thì cha tôi cũng sẵn sàng tìm những lý do khác để hành hạ.
Cậu em thắc mắc:
- Làm gì có chuyện đó!
Anh Cương nhún vai:
- Ai cũng cho là tôi hư đốn thì chuyện gì của tôi làm lại chẳng đáng để chửi rủa.
Cậu em tôi ngây thơ:
- Thì anh gắng đàng hoàng một tí.
Anh Cương cười nhẹ:
- Ai chả biết như vậy! Nhiều lúc tôi cũng muốn đàng hoàng như kiểu cha tôi. Nhưng nhìn bộ vỏ lúc nào cũng tỏ ra nghiêm trọng của người, tôi khiếp quá!
- Ông cậu tốt, có điều mắng anh trước mặt mọi người như thế thì cũng hơi quá.
Đứa em gái tôi lên tiếng ngăn em:
- Chuyện của người lớn, em biết gì mà phê bình.
Anh Cương vỗ nhẹ mái chèo:
- Bởi vậy, cậu muốn tôi phải bắt chước ai? Với tôi, tôi thấy rằng con người ta đủ sung sướng nhất khi nào được làm theo ý muốn của mình.
Chiếc thuyền lướt nhanh. Gió thổi nhẹ làm ngả những cọng cỏ bên kia bờ. Tiếng khẩu cầm của thằng em lại vang lên bản nhạc ngắn và bình dị mà thuở bé tôi thích: Thuyền lướt trên giòng nước biếc...
Chị Phấn nãy giờ ngồi yên lặng, lên tiếng:
- Bản nhạc này mấy người có nghe chưa?
- Bản nào?
- Giòng suối tuôn...
Chúng tôi lắc đầu. Chị hát nhỏ:
Giòng suối tuôn qua ruộng đồng
Hoa nở bên bờ đẹp xinh
Giòng suối tuôn qua ruộng đồng
Ơ hờ nghe nắng rung rinh
Giòng suối tuôn đi tận cùng
Ơ hờ em nghe tiếng gọi
Chàng đã đi xa nghìn trùng
Muôn ngàn nuối tiếc xa xôi
............................................
Giọng chị thật thanh. Tiếng hát cao vút và rõ ràng, thuyền lướt nhẹ trên sóng tạo những bóng nhăn lăn tăn.
Gió đưa bờ liễu rũ. Cảnh thật êm. Chúng tôi có cảm giác như đi vào cõi mộng. Tiếng hát của chị vẫn còn lảng đảng. Tôi nhìn chị Phấn với nụ cười say đắm.
Bản nhạc vừa dứt, chị lại hát tiếp bản thứ nhì. Lời ca và tiếng kèn quyện nhau. Thành phố nóng bức đã bị chúng tôi ném thật xa.
Chơi một lúc chị Phấn là người thứ nhất nhớ đến thời gian, nhìn đồng hồ chị nói:
- Ba giờ mấy rồi, về chứ!
Bây giờ chúng tôi mới nhớ ra phải về đến nhà trước bốn giờ, bằng không sẽ bị mẹ la. Nên đốc thúc anh Cương cho cặp thuyền vào bờ.
Anh Cương trấn an:
- Mấy người cứ yên tâm. Cô tôi không la đâu. Lúc nào cô cũng sợ mang tiếng là bạc đãi con chồng.
Chúng tôi không còn tâm trí đâu để cãi với anh. Chỉ mong làm sao về nhà sớm chừng nào hay chừng nấy...
Lên xe khi chưa đến nhà anh đã cho xe ngừng lại, bảo:
- Xuống đi.
Chúng tôi ngạc nhiên:
- Chưa đến nhà mà!
Anh đưa ngón tay lên miệng ra dấu bảo yên lặng. Xong khoát tay kêu xuống. Khóa xe lại cẩn thận, xong anh bỏ chìa khóa vào túi rồi nói với chúng tôi:
- Ráng đi một tí nhé!
Băng qua đường, ghé vào tiệm bán trái cây anh mua một gói mứt đưa cho cậu em tôi:
- Đừng lo, về nhà mà có trễ một tí. Mẹ có hỏi bảo là ra phố mua mứt cho mẹ. Tôi bật mí một tí cho các bạn biết nhé. Cô tôi rất ưa mứt. Có mứt là khỏi sợ gì cả.
Chúng tôi nghi ngờ, cầm gói mứt về nhà.
Đến nhà, đúng như điều tôi dự đoán, mẹ đã thức và đang ngồi trong phòng khách uống trà.
Đưa gói mứt cho mẹ với sự phập phòng. Gánh lo chợt vơi khi nghe mẹ nói:
- Ồ! Mấy con giỏi quá! Biết cả ý của mẹ!
Rồi quay lại nhìn chị em tôi:
- Tội không, đi chi cho mệt để quần áo lấm bụi thế? Đi tắm nhanh lên đi!
Chúng tôi vội vàng rút lui. Tôi không biết có thật là mẹ chẳng phiền chúng tôi hay không. Có điều tôi biết chắc chắn người không bao giờ hay được chuyện chúng tôi vừa đi chơi với anh Cương và chị Phấn mới về.
Chú thích
1.Trung Hoa thời bấy giờ suy yếu vì bị các đế quốc Tây Phương qua phân chia.
Một Ngày Yêu Nhau Một Ngày Yêu Nhau - La Lan Một Ngày Yêu Nhau