Books can be dangerous. The best ones should be labeled "This could change your life."

Helen Exley

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Đào Tuấn Ảnh
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 3
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1325 / 13
Cập nhật: 2016-06-09 04:37:22 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
ào năm giờ sáng, như thường lệ, hiệu lệnh báo thức vang lên - tiếng búa đánh vào thanh tà vẹt treo cạnh sở chỉ huy. Tiếng kẻng rè ngắt quãng, yếu ớt vọng qua lớp kính băng đóng dầy đến hai đốt ngón tay, chẳng bao lâu đã im bặt: trời rét nên viên giám thị cũng chẳng buồn vung tay lâu làm gì.
Tiếng kẻng đã tắt, nhưng ngoài cửa sổ trời vẫn tối đen, y như lúc nửa đêm khi Sukhov dậy đi vệ sinh. Chỉ có ánh sáng của ba ngọn đèn vàng hắt vào cửa sổ: hai chiếc ở vùng ngoại biên, một chiếc soi khu vực bên trong trại giam.
Không hiểu tại sao chưa có ai tới mở cửa trại xá(1), và cũng không nghe thấy tiếng đám trực nhật kéo thùng vệ sinh để luồn đòn vào khiêng đi.
Sukhov không bao giờ ngủ quá lệnh báo thức, lúc nào anh cũng dậy đúng vào thời gian này, và như vậy, trước lúc điểm danh, anh có hẳn một tiếng rưỡi cho bản thân. Đây không phải là thời gian của công, mà là thời gian cá nhân. Những người từng trải cuộc sống trại giam, bao giờ cũng kiếm được chút gì đó vào quãng giờ này: có thể khâu thuê cho ai đó đôi găng tay từ miếng vải lót áo cũ; có thể mang đôi ủng dạ đã được sấy khô tới thẳng giường cho tay đội trưởng giàu có để hắn khỏi phải đi chân trần lục lọi trong đống ủng tìm đôi của mình; hay chạy tới các phòng kho xem có ai cần quét dọn, hoặc khuân vác gì không; hay tới nhà ăn thu dọn bát đĩa trên các bàn, khuân từng chồng tới chỗ rửa - làm việc này tuy cũng có thêm được đôi ba miếng ăn, nhưng ở đó có vô thiên lủng kẻ tới kiếm chác. Tuy nhiên, điều tệ hại nhất là nhìn thấy chút cơm thừa canh cặn trong bát, không đừng được, lại thè lưỡi ra mà liếm. Sukhov nhớ rất kỹ lời của tay đội trưởng đầu tiên tên là Kuzmin - một sói già trong trại giam mà ngay từ hồi bốn ba thâm niên tù đã có tới 13 năm. Trên một chỗ đất trống trong rừng, cạnh đống lửa, hắn nói với đám người vừa bị đưa thẳng từ mặt trận tới:
- Các cậu, ở đây là luật rừng. Nhưng kể cả ở đây người ta vẫn sống được. Đi tong trước tiên là những thằng liếm bát, tin vào trạm xá hay làm ăng ten cho bọn cai ngục.
Về bọn chỉ điểm, tất nhiên anh ta nói đúng. Đám ấy cũng biết giữ thân lắm, song lại giữ thân bằng tính mạng người khác.
Sukhov bao giờ cũng dậy theo kẻng báo thức, nhưng hôm nay anh vẫn nằm ì trên giường. Từ chiều hôm trước anh cảm thấy khó chịu trong người, chẳng ra sốt rét, chẳng ra nhức xương. Cả đêm người lúc nào cũng lạnh cóng, không sao ấm lên được. Chập chờn nửa thức nửa ngủ anh cảm thấy lúc thì ốm hẳn hoi, lúc lại thấy đơ đỡ, và thấy sợ trời sáng.
Nhưng buổi sáng vẫn cứ tới như thường lệ.
Với lại ấm thế quái nào được khi lớp băng tuyết chất đống trên cửa sổ như thế kia, còn trên tường của trại xá - một cái trại xá khốn nạn, dăng khắp những chỗ tiếp nối với trần là những màng băng mỏng trông như mạng nhện.
Sukhov không dậy, anh nằm trên giường tầng trên cùng, chăn và áo buslat(2) đắp trùm đầu, còn hai chân nhét vào một ống tay của chiếc áo bông. Anh không nhìn, song qua tiếng động cũng biết hết những gì đang diễn ra trong trại xá và trong cái góc của đội anh. Ngoài hành lang là tiếng bọn trực đang huỳnh huỵch khiêng một trong tám thùng vệ sinh. Người ta cho đây là công việc nhẹ nhàng, dành cho bọn người tàn tật, nhưng cứ thử nhấc lên xem, chẳng phải trò đùa! ở đội 75 người ta đang vất xuống sàn một xâu ủng dạ vừa lấy từ chỗ sấy về. Còn đây là tiếng đội mình (đội mình hôm nay cũng đến phiên sấy ủng). Đội trưởng và đội phó đội anh đang im lặng đi ủng, giường của họ kêu cót két. Tay đội phó chắc bây giờ phải tới chỗ chia khẩu phần bánh mì, còn đội trưởng phải lên phòng chỉ huy nhận công việc cho đội trong ngày.
Anh ta cũng chẳng dễ gì khi hàng ngày phải đối mặt với mấy ông chỉ huy trại. Sukhov chợt nhớ ra: hôm nay số phận sẽ được định đoạt - người ta đang muốn đẩy đội 104 của anh ra khỏi chỗ xây dựng xưởng thợ sang một công trình mới mang tên “Sotsbytgorogok” - “Làng xã hội chủ nghĩa kiểu mẫu” (LXHCNKM). Cái LXHCNKM này hiện đang còn là một chỗ đất hoang phủ đầy tuyết mà muốn làm được cái gì trên đó thì trước tiên mình phải đào hố, chôn cọc, dăng hàng rào giây thép gai để tự rào mình lại, để mình khỏi trốn. Sau đó mới xây dựng.
Ở đó chắc chắn trong một tháng sẽ chẳng có lấy một chỗ để mà sưởi - chẳng có lấy một cái lều rách nào để mà chui vào. Không có củi - lấy gì mà đốt? Chỉ còn biết dựa vào chính mình thôi, và đó cũng cách duy nhất để tự cứu mình.
Đội trưởng lo lắng tìm phương kế đùn việc này cho một đội nào đó khù khờ hơn. Tất nhiên, đi tay không thì đừng hòng mà được việc. Cũng phải có nửa cân mỡ muối lót tay cho trại trưởng, có khi phải cả cân cũng nên.
Hay hôm nay mình tới trạm xá xin cái giấy phép nghỉ một ngày? Người ngợm làm sao cứ bải hoải bài hoài. Thì cứ thử, cũng chẳng mất gì.
Còn nữa, hôm nay cha giám thị nào trực nhỉ? Anh nhớ ra, hôm nay đến phiên Nửa Ivan, một tay trung sỹ gầy nhom, dài đuồn đuỗn, mắt đen. Thoạt nhìn hắn ai cũng hãi, nhưng khi đã biết hắn rồi, thì đây là người dễ dãi nhất trong đám giám thị trực - anh ta chẳng bao giờ nhốt ai vào xà lim, hay lôi ai tới thủ trưởng quản chế. Thế là mình có thể nằm cho tới lúc đội 9 tới nhà ăn.
Chiếc giường tầng bên cạnh rung lên và chao đảo vì cả hai người cùng dậy một lúc - tầng trên là láng giềng Sukhov - anh chàng Aliosa theo đạo Báp-tít°, còn tầng dưới là Buinovski, trước là trung tá hải quân.
Những người tù già khiêng thùng vệ sinh đang cãi lộn, đùn đẩy nhau đi lấy nước sôi. Họ chửi bới ầm ĩ như mấy mụ đàn bà. Tay thợ hàn điện ở tổ 20 rống lên:
- Ê, mấy lão bấc thối, có im đi không! - và ném chiếc ủng về phía họ. Chiếc ủng bay đánh vèo, đập vào cột. Những người khênh thùng im bặt.
Ở đội bên, tay đội phó lẩm bẩm than phiền:
- Này Vasil Fedorych, bọn ở phòng cấp lương đểu quá, mọi khi mình vẫn được bốn chiếc bánh mì chín lạng, hôm nay chúng thiến mất một, còn có ba. Ai là người chịu đói đây?
Anh ta nói thầm, nhưng tất nhiên cả đội đều nghe thấy và ai cũng lo: kẻ nào sẽ bị truất khẩu phần chiều nay đây?
Sukhov vẫn nằm dài trên chiếc đệm nhồi cứng mạt cưa. Cứ sốt rét mẹ nó cho xong, chứ đừng có nhức mỏi nửa chừng, nửa đoạn như thế này, chẳng còn biết ra làm sao nữa.
Trong lúc anh chàng Báp - tít lẩm nhẩm cầu kinh, Buinovski chạy vọt vào phòng, lớn tiếng tuyên bố không cho riêng ai, nhưng vui mừng một cách độc địa:
- Nào, các chiến sỹ hải quân đỏ, hãy giữ vững! Đúng ba mươi độ dưới không!
Và thế là Sukhov quyết định: đi trạm xá.
Song cũng chính lúc đó một bàn tay đầy quyền lực lột phăng tấm chăn đắp trên người anh, Sukhov hất chiếc trấn thủ ra khỏi mặt, nhỏm dậy. Phía dưới, đầu ngang thành giường tầng trên, là gã giám thị người Tác Ta gầy ốm.
Thế tức là thằng cha này trực đột xuất và hắn đã lẻn vào trại xá tự lúc nào.
- S-854! - tên Tác Ta đọc con số ở tấm mụn trắng khâu trên lưng chiếc trấn thủ màu đen của Sekhov - ba ngày nhà đá, làm việc bình thường!
Cái giọng nghèn nghẹn đặc biệt của hắn mới chỉ vang lên, tức thì trong trại xá mờ tối, nơi không phải ngọn đèn nào cũng sáng, nơi ngủ trên năm chục chiếc giường đầy rệp là hai trăm con người, lập tức tất cả những ai còn đang nằm vội vùng dậy và vội vàng mặc quần áo.
- Vì tội gì ạ, thưa thủ trưởng? - Sukhov hỏi, cố làm cho giọng mình đáng thương hơn là muốn biết lí do.
Làm việc bình thường, có nghĩa mới chỉ một nửa nhà đá thôi, tức là vẫn được ăn nóng và chả còn lúc nào mà nghĩ ngợi. Nhà đá hoàn toàn, đó là ở hẳn trong xà lim, không được ra ngoài làm việc và không được ăn nóng.
- Tại sao giờ này vẫn chưa dậy? Lên phòng chỉ huy! - tên Tác Ta uể oải giải thích, vì cả hắn, cả Sukhov, và tất cả mọi người đều đã hiểu lí do bị phạt.
Cái mặt nhẵn nhụi, nhăn nhúm của tên Tác Ta không biểu hiện điều gì. Hắn quay lại tìm bắt thêm người khác, song tất cả mọi người, kẻ ngồi trong bóng tối, người ngồi dưới bóng đèn, đều đã xỏ chân vào hai ống quần bông có ghi số hiệu ở đầu gối trái, hoặc đã mặc xong quần áo, khép vạt áo bông, chạy vội ra, đứng chờ hắn ở ngoài sân.
Giá Sukhov bị phạt nhà đá vì tội khác cơ, tội mà anh đáng bị phạt, thì đã chẳng bực mình đến thế. Đằng này bao giờ anh cũng là một trong những người dậy sớm trước tiên. Song anh hiểu, chẳng thể xin xỏ gì ở tên Tác Ta này. Và tiếp tục hỏi cho phải phép, Sukhov, trên người vẫn chiếc quần bông không cởi lúc đi ngủ (phía trên đầu gối trái cũng vá một miếng vải trắng có hàng chữ đen đã bạc màu S-854), mặc áo bông (đằng trước ngực và sau lưng chiếc áo này cũng in số hiệu này), vớ lấy đôi ủng của mình trong cái đống ở trên sàn, đội mũ (gắn cùng số hiệu ở đằng trước), rồi đi theo tên Tác Ta.
Toàn đội 104 đều nhìn thấy Sukhov bị giải đi, song không ai nói một lời nào: nói để làm gì, và liệu nói gì đây? Gía có đội trưởng thì anh ta có thể can thiệp đôi chút, nhưng hiện anh ta không có mặt. Sukhov cũng không nói với ai một lời, chọc tức thằng Tác Ta này làm gì. Không cần phải dặn, anh em khắc giữ suất sáng cho anh.
Hai người bước ra ngoài.
Băng giá lập tức choán lấy hơi thở. Hai ngọn đèn pha lớn chiếu bắt chéo khắp vùng từ những cái chòi dựng ở góc xa. Những ngọn đèn ở ngoại vi và trong khu vực trại giam sáng trưng. Đèn nhiều đến nỗi chúng hoàn toàn làm mờ những ngôi sao.
Tiếng ủng nghiến rau ráu trên tuyết, những người tù đang vội chạy làm việc của mình, người đi vệ sinh, người tới kho giữ đồ tiếp tế, người mang kê tới bếp cá nhân, - ai cũng đầu rụt vào vai, áo bông cài chặt cúc. Tất cả họ đều thấy lạnh không phải vì băng giá, mà vì ý nghĩ suốt cả ngày hôm nay sẽ phải ở ngoài trời. Tên Tác Ta mặc chiếc áo khoác cà tàng có viền nẹp xanh vẫn bước đều, có vẻ như băng giá hoàn toàn không chạm tới hắn.
Hai người đi qua dãy hàng rào gỗ cao bao quanh khu trừng giới - nhà tù bằng đá trong khu trại giam, cạnh hàng rào giây thép gai ngăn lò bánh của trại với tù nhân; qua góc trại chỉ huy, nơi thanh tà vẹt cũ dùng làm kẻng treo trên một cây cột bằng sợi giây thép to tướng; qua một cây cột khác, trên đó, ở chỗ khuất gió và không cao lắm, có treo một cái hàn thử biểu bị băng tuyết bọc kín. Sukhov liếc mắt nhìn lên chiếc ống màu sữa với hi vọng: nếu nó chỉ âm bốn mươi mốt độ thì tù nhân không bị xua đi làm việc. Chỉ có điều hôm nay nhiệt độ không xuống tới bốn mươi.
Vừa bước vào phòng chỉ huy, hai người lập tức tới thẳng chỗ giám thị. Hoá ra, như Sukhov đã nghi nghi trên đường: chẳng có nhà đá nào cả, chỉ là sàn trong phòng giám thị chưa được cọ rửa. Lúc này tên Tác Ta tuyên bố tha tội cho Sukhov và ra lệnh cho anh lau sàn.
Trước đây việc lau sàn trong hòng dành cho một tù nhân chuyên làm việc này và anh ta không phải làm việc ngoài trại - tức là nhận trực tiếp công việc cần vụ trong phòng chỉ huy. Song sống lâu trong phòng các xếp, thường xuyên ra vào chỗ ông thiếu tá, trưởng trại, trưởng ban an ninh, phục vụ họ, đôi khi nghe lỏm được chuyện nọ chuyện kia mà ngay đến các giám thị cũng không được biết, hắn lên mặt, cho rằng lau sàn cho mấy tên giám thị tầm thường không xứng với mình. Bọn kia gọi hắn vài ba bận, cuối cùng hiểu ra, bắt đầu triệu đám tù thường tới làm công việc này.
Trong phòng giám thị lò sưởi cháy phừng phừng. Hai tên giám thị đang đánh cờ, cởi hết sống áo, chỉ để lại mỗi áo lót bẩn thỉu, còn tên thứ ba để nguyên cả áo bông có thắt lưng và nguyên cả ủng, đang nằm ngủ trên một chiếc ghế băng hẹp. Ở góc phòng có một chiếc xô với miếng giẻ.
Sukhov sung sướng cảm ơn tên Tác Ta đã tha cho anh:
- Cám ơn thủ trưởng! Từ giờ trở đi tôi hứa sẽ không bao giờ dậy trễ nữa.
Luật lệ ở đây rất đơn giản: xong việc - cứ việc về. Bây giờ, khi được giao việc, Sukhov cảm thấy hết nhức mỏi. Anh xách xô ra giếng, tay không đi găng (vì vội nên anh đã bỏ quên đôi găng dưới gối).
Mấy tay đội trưởng đi nhận việc ở Ban kế hoạch sản xuất (BKHSX) đang tụ tập dưới chân cột treo hàn thử biểu. Một tay trẻ hơn cả, từng là Anh hùng Liên Xô, trèo lên cột lau chiếc hàn thử biểu.
Phía dưới mọi người gọi với lên:
- Cậu thở ra chỗ khác ấy, kẻo nhiệt độ tăng lên đấy!
- Lên cái con tiều! Lên cái gì!... không ảnh hưởng.
Turin, đôi trưởng của đội Sukhov không có trong đám người này. Đặt chiếc xô và giấu hai tay vào ống tay áo, Sukhov tò mò đứng xem. Anh chàng ở trên cột nói giọng khàn khàn:
- Hai mươi bẩy độ rưỡi - cứt thật!
Ngó lại một lần nữa cho chắc ăn, anh ta nhảy xuống đất.
- Cái nhiệt độ kế này bố láo, toàn chỉ sai, - có người nào đó nói - Liệu người ta có chịu treo cái tốt trong trại tù không đây?
Đám đội trưởng giải tán. Sukhov chạy ra giếng. Dưới hai vạt mũ đã buông xuống nhưng chưa buộc chặt, tai anh bị băng giá làm cứng lại.
Giếng bị băng phủ dầy nên mãi mới cho được cái xô qua cái lỗ ở miệng giếng. Còn giây kéo thì cứng lại như một cái que.
Sukhov xách chiếc xô bốc hơi về phòng giám thị và nhúng đôi tay đã mất cảm giác vào nước giếng. Anh thấy ấm hơn.
Tên Tác Ta không còn ở đó, trong phòng có thêm một giám thị nữa, họ đã thôi chơi cờ và thôi ngủ, đang cãi nhau xem tháng Giêng này sẽ được lĩnh bao nhiêu kê (trong khu dân cư tình hình thực phẩm thật tồi tệ, và mặc dù tem phiếu đã hết từ lâu, song đám giám thị vẫn được ưu tiên so với dân trong khu, mua một vài thứ giảm giá ).
- Đóng cửa lại thằng ngu! Gió lùa! - một trong mấy tên giám thị quát lên.
Không nên làm ướt ủng ngay từ buổi sáng. Dù có chạy được về trại cũng chẳng có đôi khác mà thay. Suốt tám năm tù Sukhov đã nắm vững tình trạng giầy dép. Có lúc qua cả mùa đông chẳng có lấy một đôi ủng dạ, có lúc ngay giầy thường cũng chẳng thấy, phải đi loại dép làm từ vỏ cây phong hay dép mác STZ (tức loại dép được sáng chế từ vỏ lốp ô tô cũ của xưởng máy cày Cherlabinsk, lúc đi để lại vết lốp xe). Bây giờ tình hình giầy dép có phần khả quan hơn: dạo tháng Mười (nhân được xuống kho với trại trưởng) Sukhov nhận được một đôi giầy chắc chắn, mũi khoẻ, và đủ rộng để có thể quấn tới hai lớp vải bọc chân. Suốt cả tuần Sukhov như người được hưởng lễ thánh, lúc nào cũng khoái trá đập hai gót giầy mới vào nhau. Thế rồi vào tháng Chạp lại được phát ủng nữa chứ, đời tươi như hoa, thật chẳng muốn chết tí nào. Nhưng có một thằng chó má nào đó ở phòng kế toán rỉ tai thủ trưởng rằng ủng thì vẫn phát, nhưng giầy thì phải thu về, rằng không có cái lệ tù được lãnh hai đôi một lúc. Và thế là Sukhov phải lựa chọn: hoặc đi giầy cả mùa đông, hoặc đi ủng cho ấm, nhưng phải trả lại đôi giầy. Anh đã nâng niu đôi giầy, đánh cho da mềm ra, giầy mới làm sao chứ, ôi trời! Suốt tám năm ở tù anh không tiếc gì bằng tiếc đôi giầy ấy. Chúng sẽ bị đổ vào một đống, đến mùa xuân chúng sẽ chẳng phải là của anh nữa. Hệt như những con ngựa nhà đem nộp vào nông trang vậy.
Sukhov bỗng nảy ra một sáng kiến. Anh nhanh nhẹn tụt vội đôi ủng, dựng chúng vào góc nhà, ném mớ vải bọc chân lên trên (chiếc thìa rơi xuống sàn; dù có vội vào nhà đá đến mấy, anh vẫn không quên dắt thìa vào ủng) và chân trần, anh nhúng giẻ đẫm nước, lùa đại vào đống ủng của mấy tên giám thị.
- Thằng này, đồ khốn, nhẹ tay chứ! - Một giám thị co chân lên ghế, la lối.
- Sao lại gạo? Gạo chia theo định mức khác, không lấy gạo ra mà so được!
- Mày nhúng ngần ấy nước làm gì hở đồ ngu? Lau nhà kiểu gì vậy?
- Thưa thủ trưởng, không thế thì tài thánh cũng chẳng cọ được, sàn bẩn quá...
- Mày đã nhìn thấy mẹ đĩ nhà mày lau sàn bao giờ chưa hở đồ đầu lợn?
Sukhov đứng thẳng người, tay cầm miếng giẻ rỏ nước tong tong, miệng cười hồ hởi để lộ mấy chiếc răng khuyết do bị bệnh xung huyết đục thủng ở Ust-Izma năm 1943, năm anh đã vượt qua được. Mà vượt qua như thế nào chứ, ỉa chảy ra máu triền miên, cái dạ dầy lép kẹp chả chịu nhận bất cứ thức gì. Bây giờ cái còn lại của thời kỳ ấy là giọng nói phều phào tức cười của anh.
- Thưa thủ trưởng, tôi xa vợ từ năm 1941. Bây giờ chả còn nhớ bà xã ra làm sao nữa.
- Nhìn chúng lau nhà kìa, bọn khốn kiếp, chẳng biết làm cái gì cả, mà cũng chẳng thiết làm nữa. Quân này không đáng ăn bánh mì, ăn cứt mới phải!
- Nhưng việc chó gì mà ngày nào cũng phải lau sàn nhỉ? Làm sao hết ẩm được. Này, số 854! nghe đây. Lau qua thôi, nhúng nước vừa vừa chứ. Lau xong rồi xéo!
- Gạo! Không so kê với gạo được!
Sukhov lau sàn hùng hục. Công việc giống như đòn xóc hai đầu: làm cho thiên hạ đòi hỏi chất lượng, làm cho thủ trưởng chỉ cần tỏ vẻ thôi. Nếu không tất cả đã ngỏm củ tỏi từ lâu rồi. Đó là cái chắc.
Sukhov lau qua sàn gỗ một lượt nữa, không để sót một chỗ khô nào rồi ném luôn cái giẻ chưa vắt vào phía sau chiếc lò, ra đến cửa anh xỏ ủng, hắt chỗ nước còn lại trong xô lên lối đi, chỗ các thủ trưởng hay qua lại, và đi tắt qua nhà tắm, qua nhà câu lạc bộ tối om, lạnh lẽo, đến nhà ăn.
Anh còn phải kịp đến trạm xá nữa, bây giờ lại thấy đau ê ẩm cả người. Lại còn phải tránh không để bọn giám thị nhìn thấy trước cửa nhà ăn: trại trưởng đã ra lệnh triệt để bắt giữ và nhốt xà lim các phạm đi một mình.
Hôm nay, trước cửa nhà ăn không đông người, không phải xếp hàng. Quả là một trường hợp hi hữu. Vào thôi.
Bên trong nhà ăn mù mịt như nhà tắm hơi, nào là hơi nước do băng tan ở cửa tràn vào, nào là hơi súp loãng của nhà ăn bốc lên. Người các đội ngồi la liệt sau bàn, hoặc đứng chen chúc ở lối đi giữa các dãy bàn chờ lấy chỗ. Vừa la lối, vừa len lỏi qua đám đông, hai, ba người thuộc mỗi đội bê khay gỗ chất những bát súp và cháo, tìm chỗ trống trên bàn để đặt xuống. Gào lên như thế mà cái thằng ngớ ngẩn này vẫn không nghe thấy gì, xô luôn vào khay người ta làm đổ tung đổ toé thế này! Tiện cái tay để không ông cho mày mấy nhát vào gáy, vào gáy. Cứ phải làm thế cho chừa cái thói lớ xớ kiếm chác, liếm láp đồ ăn thừa mà vướng cả lối đi.
Ở đằng kia, ngồi sau bàn là một chàng trai trẻ đang làm dấu thánh trước khi ăn. Chắc là dân vùng Tây Ucraina, hoặc là phạm mới, chứ dân Nga thì từ lâu đã chẳng nhớ phải làm dấu bằng tay nào rồi.
Ngồi trong nhà ăn vẫn lạnh, nên phần đông các phạm đội mũ trong lúc ăn. Nhưng mà họ chẳng vội, vớt hết những mẩu cá thối bé tí lẫn trong đám lá bắp cải, rồi nhổ xương ra bàn. Khi xương cá chất thành đống sẽ có một người nào đó gạt xuống đất trước khi đội mới ngồi vào, và rồi xương sẽ bị dẫm nát bét dưới đất.
Nhổ ngay xương xuống sàn bị coi là bất lịch sự.
Giữa nhà ăn có hai dãy không ra cột nhà, không ra dàn chống. Ngồi cạnh một trong những cái cột ấy là Fechiukhov, người cùng đội với Sukhov, đang giữ suất sáng cho anh. Đó là một trong những thằng vét đĩa nhất đội, còn kém cả Sukhov nữa. Bề ngoài tưởng chừng mọi người trong đội ai cũng như ai - cũng áo bông đen, cũng mang số - nhưng bên trong thì khác nhau lắm - có thứ bậc, đẳng cấp rõ ràng. Buinovski, chẳng hạn, không thuộc hạng người ngồi giữ bát cho kẻ khác, hay chẳng phải việc nào Sukhov cũng phải dúng tay vào, đã có những kẻ thấp kém hơn anh phải làm.
Nhìn thấy Sukhov, Fechiukhov thở dài và đứng dậy nhường chỗ cho anh.
- Nguội hết cả rồi, tôi đã định sơi hộ anh. Cứ tưởng anh nằm nghỉ ở nhà đá cơ.
Hắn không đứng chầu, vì biết Sukhov sẽ không để lại chút gì cho hắn. Ai chứ cha này đánh nhẵn cả hai bát cho coi.
Sukhov rút chiếc thìa giắt trong bốt ra. Chiếc thìa này quý giá đối với anh, nó đã theo anh khắp miền Bắc. Chính anh đã đổ khuôn cát đúc nó từ một sợi giây nhôm và khắc lên dòng chữ: “Ust - Izma, 1944”.
Sukhov bỏ mũ khỏi cái đầu trọc của mình - dù lạnh mấy anh cũng không bao giờ để nguyên mũ mà ăn. Anh khuấy bát súp đã nguội, vội xem trong đó có gì. Vẫn như mọi khi, không phải súp múc đầu nồi, cũng không phải súp vét nồi. Thằng Fechiukhov trong lúc giữ hộ khẩu phần, dám hớt của mình một củ khoai tây lắm.
Súp trong trại đôi khi ngon do nóng, nhưng bây giờ tô súp của Sukhov đã nguội ngắt. Dù vậy anh vẫn ăn chậm rãi và nhâm nhi như thường lệ. Chả việc gì phải vội, dù có cháy nhà cũng mặc. Ngoài lúc ngủ, tù nhân được sống cho mình 10 phút vào bữa sáng, năm phút vào bữa trưa và năm phút vào bữa tối.
Súp thì ngày nào cũng vậy, không thay đổi. Chỉ có tuỳ thuộc vào loại rau nào trữ được trong mùa đông. Năm ngoái chỉ trữ được cà rốt, muối, vì vậy suốt từ tháng Chín tới tháng Sáu năm sau trong súp chỉ có độc mỗi cà rốt. Bây giờ là bắp cải thối. Trại được ăn ngon nhất vào tháng Sáu, khi mọi thứ rau đều đã hết, phải dùng đến lúa mạch. Tệ nhất là tháng Bẩy, người ta trộn lá tầm ma xé nhỏ vào nồi.
Cá thì toàn loại nhỏ và rặt những xương. Thịt cá đã bị nấu rữa hết, chỉ còn dính một ít ở đầu và đuôi. Không bỏ sót một cái vẩy hay một mẩu thịt còn dính trên bộ xương cá, Sukhov nhai nát hết xương, hít lấy nước, rồi nhả bã xuống bàn. Tất cả những gì có trong con cá anh ăn bằng hết, kể cả mang, kể cả đuôi, mắt cá anh cũng ăn nếu như nó còn nguyên tại chỗ, chỉ khi nào những mắt cá lớn bị long ra và nổi lềnh bềnh trong bát thì anh mới không ăn. Ai cũng cười anh về chuyện này.
Hôm nay Sukhov để dành được đôi chút: anh không có mặt trong phòng lúc phát khẩu phần bánh mì buổi sáng, vì vậy lúc này anh ăn súp không. Bánh mì lúc nào ăn chả được, ăn sau càng đỡ đói.
Món thứ hai là cháo magara đã nguội ngắt và đặc cứng vón thành từng cục. Cái món magara này có nóng cũng không ngon, ăn chẳng thấy no, vì chỉ độc cỏ là cỏ, có điều nó màu vàng nên trông giống màu cháo mạch. Người ta nghĩ ra cách dùng nó thay cho hạt mạch và bảo rằng đó là học được của người Tầu. Khi nấu lên một bát cháo nặng chừng 300gram - thế là ổn: cháo không ra cháo, nhưng thay được cho cháo.
Sukhov liếm thìa, giắt vào chỗ cũ trong ủng, đội mũ, rồi đi trạm xá.
Trời vẫn tối đen, những ngôi sao đã bị đèn pha của trại xua đi mất. Và hai luồng sáng rộng của chiếc đèn pha vẫn quét đi quét lại khắp khu trại giam. Vì đây là trại đặc biệt(3), nên lúc đầu còn có cả pháo sáng chuyên dụng cho mặt trận nữa. Hễ động mất điện là ngay lập tức pháo sáng vãi lên trời, trắng xanh đỏ tím vàng, như thể chiến tranh thực sự. Sau này người ta ngừng bắn pháo sáng, có thể vì quá tốn kém.
Trời vẫn còn là đêm, như lúc có lệnh báo thức, song người có kinh nghiệm căn cứ vào những dấu hiệu nhỏ nhặt khác nhau dễ dàng biết được lệnh điểm danh sắp sửa nổi lên. Tên phụ việc cho thằng Thọt (Thọt là biệt hiệu đặt cho một tên cần vụ trong nhà ăn. Hắn tự nuôi một người giúp việc) đi gọi trại xá 6 tới ăn sáng. Đây là nơi dành cho những phạm tàn tật, không thể làm việc ở ngoài trại. Một ông hoạ sỹ già đang tập tễnh tới bộ phận Văn hoá - Giáo dục của trại lấy sơn và cọ để vẽ số hiệu lên quần áo của phạm. Lại thấy thằng cha Tác Ta đang vội vã sải bước băng qua đường về phía phòng trại trưởng. Không có mấy người ở ngoài sân, có nghĩa tất cả các phạm đang ngả ngốn trong phòng sưởi ấm, tận hưởng những giây phút ngọt ngào cuối cùng.
Sukhov mau lẹ nấp ngay sau góc nhà để tránh mặt tên Tác Ta. Lần thứ hai mà để hắn tóm được thì khốn to. Mà cũng chẳng phải mình hắn, lúc nào cũng phải mở to mắt ra mà nhìn, đừng bao giờ để một tên giám thị nào bắt gặp anh đi một mình, mà phải đi cùng với cả bọn. Hắn rình bắt người hoặc để làm việc gì đó, hoặc để trút cơn giận dữ. Lệnh đã ban cho toàn trại: khi gặp giám thị phải bỏ mũ cách năm bước và chỉ được đội sau khi đi được hai bước. Có những giám thị nhắm mắt làm ngơ, chả thèm để ý, nhưng cũng có những kẻ lấy làm khoái cái trò này lắm. Biết bao nhiêu phạm đã phải vào nhà đá vì cái trò này rồi, lũ chó đáng nguyền rủa. Thôi chả dại, hãy cứ tạm lánh vào cái góc này đã.
Tên Tác Ta đi khỏi, Sukhov vừa định đi tiếp tới trạm xá thì chợt nhớ ra anh có hẹn với tên người Latvi cao kều bên trại xá 7 để mua thuốc lá sợi của hắn vào sáng nay, trước giờ điểm danh. Từ sớm tới giờ anh bận quá nên quên khuấy đi mất. Anh chàng Latvi này mới nhận được đồ tiếp tế hôm qua, ngày mai chắc sẽ chẳng còn lấy một sợi thuốc. Lại phải đợi thêm một tháng nữa, cho tới khi hắn nhận được đồ tiếp tế mới. Thuốc của hắn khá ngon, nặng vừa phải, lại thơm nữa. Thứ thuốc có màu hơi nâu nâu.
Sukhov phân vân đứng lại nghĩ xem có nên quay lại trại 7 không, nhưng trạm xá chỉ còn cách vài bước chân. Anh sợ sệt tiến tới bậc thềm trạm xá, tuyết lạo xạo dưới chân.
Hành lang trạm xá, như mọi khi, sạch tới mức sợ phải bước trên đó. Tường sơn màu trắng sáng loá. Bàn ghế cũng trắng tinh.
Nhưng cửa của tất cả các phòng đều đóng. Các bác sĩ giờ này chắc đang còn nằm trên giường. Người trực hôm nay là y tá Kolia Vdovuskin - một chàng trai trẻ, mình bận blu trắng tinh, ngồi sau chiếc bàn nhỏ sạch sẽ, đang viết cái gì đó. Ngoài ra không có ai.
Sukhov bỏ mũ, như khi đứng trước thủ trưởng, và theo thói quen trong trại, không nhòm vào những chỗ không nên nhìn, song không thể không nhận thấy Nikolai đang viết những dòng chữ rất đều nhau và mỗi dòng, đều chằn chặn từ trên xuống dưới, được bắt đầu bằng một chữ cái hoa viết thụt vào so với dòng kẻ. Sukhov tất nhiên hiểu ngay rằng đó không phải công việc, Nikolai đang làm việc riêng, song chẳng hơi đâu mà để ý.
- Có việc này... Nikolai Semenych... hình như... tôi bị ốm thì phải... - Sukhov ấp úng, có cảm giác sắp sửa qụyt nợ người khác.
Vdovuskin ngừng viết, ngước đôi mắt to, lạnh lùng. Anh ta đội mũ trắng, mặc áo choàng trắng, không có số tù.
- Sao đến muộn thế? Chiều tối qua sao không tới? Anh biết buổi sáng trạm xá không khám bệnh chứ? Danh sách những tù nhân được nghỉ việc đã gửi sang BKHSX rồi.
Sukhov thừa biết tất cả. Anh cũng biết bứt ra một lúc buổi tối đâu có dễ dàng gì.
- Nhưng, Kolia à, khổ nỗi là lúc tối, khi cần nó có đau cho đâu...
- Đau ra làm sao? Đau cái gì?
- Cũng không biết đau chỗ nào nữa, nhưng toàn thân cứ rã rời.
Sukhov không thuộc những kẻ thường xuyên chầu chực ở trạm xá và Vdovuskin cũng biết vậy. Song anh ta chỉ được phép cho hai người nghỉ việc buổi sáng, và anh ta đã cho hai người nghỉ rồi. Tên của họ đã ghi trong danh sách đặt dưới tấm kính màu xanh trên bàn và phía dưới bảng danh sách đã có một đường gạch chéo.
- Anh phải lo từ sớm chứ. Ai lại ngay trước giờ điểm danh bao giờ? Đây!
Vdovuskin rút một chiếc cặp nhiệt độ trong đám cặp nhiệt độ cắm trong một cái lọ giữa những miếng gạc, lau khô, rồi đưa cho Sukhov.
Sukhov khép nép ngồi xuống chiếc ghế dài đặt cạnh tường, sát mép đầu ghế, cố không để nó bị lật. Anh cố tình chọn cái thế ngồi bất tiện như vậy để tỏ ra rằng mình xa lạ với trạm xá, rằng anh tới đây đâu có xin xỏ gì nhiều.
Vdovuskin lại tiếp tục viết.
Trạm xá là một khu biệt lập hẳn, nằm ở một góc xa của trại và không một âm thanh nào vọng được tới đây. Không một tiếng tích tắc của đồng hồ - tù nhân không được đeo đồng hồ - đã có thủ trưởng quản thời gian cho họ. Thậm chí ngay tiếng chuột cũng không nghe thấy, chúng đã bị con mèo của trạm xá vồ hết. Nó được nuôi để làm công việc này.
Ngồi trong một căn phòng sạch sẽ, tĩnh mịch dường này, dưới ngọn đèn sáng choang và chả phải làm gì những suốt năm phút đồng hồ, Sukhov cảm thấy kì kì thế nào. Anh ngắm nghía tất cả các bức tường và chẳng thấy gì ở trên đó. Anh săm soi chiếc áo trấn thủ của mình, số hiệu trên ngực áo đã mờ rồi đây, phải làm cho mới lại, chẳng lại rách việc. Anh sờ đám râu trên mặt - rậm rồi đây, từ lần chót được thăm nhà tắm tính tới hôm nay đã mười hôm rồi còn gì. Kệ mẹ nó. Còn ba ngày nữa tới kỳ tắm rửa, lúc ấy cạo một thể. Việc chó gì phải ngồi xếp hàng chờ đợi ở chỗ hớt tóc. Có ma nào coi mà đỏm với dáng.
Nhìn chiếc mũ trắng tinh của Bdovuskin, Sukhov chợt nghĩ tới cái bệnh viện dã chiến bên bờ sông Lovat, cái hồi anh được đưa tới đó với cái quai hàm bị vỡ và khi ấy - ngu không chịu được - anh đã tình nguyện xin trở lại mặt trận, trong khi có quyền được nằm nghỉ những năm ngày.
Bây giờ thì chỉ ao ước ốm lấy độ hai ba tuần, chỉ đừng thập tử nhất sinh, hay bị mổ xẻ gì, cốt yếu được nằm bệnh viện - nằm yên ba tuần, không động đậy, dù phải húp canh xuông cũng được.
Nhưng Sukhov chợt nhớ ra bây giờ ngay cả trong bệnh viện cũng không được nằm. Có một tay bác sĩ vừa tới cùng với một mẻ tù mới, tên là Stepan Grigorich - một người lắm mồm, chân tay không lúc nào yên, và cũng không để cho bệnh nhân được yên. Lão nẩy ra sáng kiến bắt tất cả các bệnh nhân còn đi lại được phải làm việc xung quanh bệnh viện: rào giậu, dọn lối đi, chở đất đắp các luống hoa. Mùa đông thì dọn tuyết. Hắn luôn mồm nói làm việc là cách chữa bệnh tốt nhất.
Nhưng lão đâu có chịu hiểu, làm việc quá sức thì đến ngựa cũng phải lăn ra chết. Cứ thử vác đá xây tường một hôm xem, có mà im như thóc.
Vdovuskin vẫn mải miết viết. Anh ta đúng là đang làm “việc riêng”, nhưng là một việc mà Sukhov không đủ sức hiểu. Anh ta đang chép lại một bài thơ dài hôm qua mới chữa xong và hứa hôm nay sẽ cho Stepan Grigorich xem, cái lão bác sĩ lắm mồm ấy.
Chuyện như thế này thì chỉ trong trại tù mới có. Số là Stepan Grigorich gà cho Vdovuskin tự nhận là y tá, và cho hắn làm công việc này. Thế rồi Vdovuskin bắt đầu học tiêm trên cơ thể tù nhân, những người Litva, Estoni chất phác, cả tin, không bao giờ có thể nghĩ rằng y tá lại có thể chưa một ngày là y tá. Kolia thực ra là sinh viên khoa văn, bị bắt từ năm thứ hai. Stepan Grigorich muốn trong tù anh ta ngồi viết những cái mà ở “bên ngoài” anh ta không được phép.
Tiếng còi báo hiệu điểm danh vẳng đến qua hai lớp cửa sổ phủ đầy băng tuyết. Sukhov thở dài, đứng dậy. Người anh vẫn lúc nóng lúc lạnh như trước, song xem ra anh chẳng có cơ hội nào để nghỉ việc. Vdovuskin với tay lấy cái cặp nhiệt độ và nheo mắt nhìn.
- Xem đấy, 37 độ 2. Gía 38 độ thì chả phải bàn. Tôi không thể cho anh nghỉ việc được. Nếu không sợ thì anh cứ ở lại. Sau khi khám, nếu anh ốm thật, thì bác sĩ sẽ cho anh nghỉ. Nếu khoẻ - anh sẽ phải vào nhà đá. Tốt nhất nên đi làm.
Sukhov không trả lời, thậm chí không gật đầu, chụp mũ lên đầu rồi đi ra.
Không phải ăn nhạt đâu biết thương đến mèo.
Băng giá đánh thốc vào người Sukhov. Cái lạnh và sương mù giá buốt bóp nghẹt Sukhov làm anh bật ho. Nhiệt độ ngoài trời âm 27, còn trong cơ thể anh là 37 độ. Bây giờ ai thắng ai đây.
Sukhov hối hả chạy về trại. Sân trại vắng tanh và toàn khu trại giam không một bóng người. Đó là giây phút thư giãn ngắn ngủi, khi không còn cách nào thoát được nữa, song người ta vẫn tự huyễn hoặc rằng sẽ có cách, rằng sẽ không có điểm danh. Những người lính áp giải đang ngồi trong doanh trại ấm áp, tựa đầu vào súng thiu thiu ngủ, họ cũng đâu có sung sướng gì khi phải đứng đập chân nọ vào chân kia trên các chòi gác trong cái lạnh cắt da cắt thịt này. Những người lính gác ở trạm gác chính ném thêm than vào lò. Những người giám thị trong phòng giám thị hút nốt điếu thuốc cuối cùng trước khi ra lục soát tù nhân. Còn tù nhân - bây giờ đã đóng đủ mọi thứ quần áo rách rưới, chằng đụp lên người, quấn đủ thứ dây nhợ xung quanh thắt lưng, quấn mặt bằng giẻ từ cằm lên tận mắt để chống lạnh - đang nằm trên giường, chân đi ủng dạ. Họ nằm yên, mắt nhắm lại trong khi đội trưởng còn chưa gào lên: “Ra tập hợp!”.
Đội 104 gà gật cùng với tất cả các phạm trong trại số 9. Chỉ có đội phó Pavlo là còn đang lập bập môi tính toán cái gì đó bằng bút chì. Ở giường trên, anh chàng theo phái Tẩy lễ Aliosa, láng giềng của Sukhov, gọn gàng, sạch sẽ, đang đọc cuốn sổ tay trong đó đã chép được tới phân nửa kinh Phúc Âm.
Sukhov chạy vụt vào, nhưng không gây ra tiếng động, tiến thẳng tới giường đội phó.
Pavlo ngẩng đầu lên.
- Không phải vào nhà đá ư, Ivan Denicych? Còn sống hả? (không làm sao dậy nổi cái dân miền Tây Ucraina này, cả đến trong tù chúng cũng vẫn còn lễ phép gọi ta bằng cả tên lẫn phụ danh).
Pavlo lấy từ trên bàn khẩu phần bánh mì đưa cho Sukhov. Trên bánh mì có mấy miếng đường trắng vun lại thành đống nhỏ.
Tuy đang rất vội, song Sukhov vẫn lễ phép trả lời (đội phó cũng là thủ trưởng, thậm chí nhiều việc còn tuỳ thuộc vào anh ta hơn là trại trưởng). Vội ơi là vội, anh lấy môi tợp một nhát hết mấy viên đường, liếm sạch miếng bánh, đặt một chân lên mép giường dưới, trèo lên để thu dọn chăn đệm ở giường mình. Anh ngó khẩu phần bánh mì, lấy tay nhấc nhấc xem có đủ 500 gram là phần anh được lĩnh không. Trong các nhà tù và trại giam, Sukhov đã lĩnh có đến cả ngàn khẩu phần như vậy, và dù chưa có một dịp nào cân thử, dù chưa một lần dám lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của mình - anh là người nhút nhát, - song, cũng như tất cả các phạm khác, Sukhov từ lâu đã biết rằng làm trong bộ phận cắt và chia bánh mì mà cân đủ thì có trụ lâu được khối. Mỗi khẩu phần đều bị cắt xén, có điều kiểm xem có thiếu nhiều hay không thôi. Vì vậy ngày hai lần kiểm tra để tâm trí được yên ổn, có thể hôm nay chúng cắt xén của mình không đến nỗi nhiều quá chăng? Có thể phần mình gần đủ cân lạng chăng?
Thiếu 20 gờ ram, không hơn, Sukhov kết luận và bẻ phần bánh ra làm hai. Anh nhét một nửa vào bên trong áo trấn thủ, chỗ bụng, ở đó anh khâu vào một cái túi nhỏ bằng vải trắng (xưởng may áo trấn thủ cho tù không bao giờ làm túi). Còn nửa kia, cái nửa anh đã tiết kiệm được ở bữa sáng, anh định bụng ăn quách ngay, song đồ ăn mà ăn vội thì sẽ chẳng còn là đồ ăn nữa, phí hoài đi, chẳng bõ dính bụng. Anh nhoài người nhét nửa phần bánh vào trong cái tủ nhỏ, song lại đổi ý: anh còn nhớ bọn cần vụ đã hai lần nhừ đòn vì tội ăn cắp rồi. Cái trại rõ rộng, y như sân công cộng.
Cho nên, tay không rời mấy miếng bánh, Ivan Denisovich rút chân ra khỏi bốt, để nguyên vải quấn chân và cái muỗng giắt ở đó, anh trèo chân không lên hẳn giường, vạch rộng cái lỗ nhỏ ở nệm giường và nhét nửa khẩu phần vào đó, giấu dưới lớp mạt cưa. Anh lột mũ trên đầu xuống, rút từ trong đó ra một cái kim đã xâu sẵn chỉ (cái này cũng phải giấu kỹ, vì họ cũng nắn cả mũ để kiểm tra; có lần một viên giám thị bị kim đâm vào tay, cáu tiết, phang Sukhov suýt vỡ đầu). Một mũi, mũi nữa, mũi nữa - thế là xong, cái lỗ giấu bánh đã được khâu túm lại. Trong lúc đó thì đường trong miệng cũng tan. Sukhov căng thẳng tột độ: viên kiểm tra nhân công sắp réo lên bây giờ. Các ngón tay Sukhov chuyển động mau lẹ, trong khi đầu óc anh vượt lên trước, tính toán xem sẽ làm gì tiếp theo.
Anh chàng Tẩy lễ đang đọc kinh, áng chừng không đọc nhẩm cho bản thân (mà còn cố tình đọc to cho cả Sukhov nghe. Đám người theo phái Tẩy lễ, giống như chính trị viên, rất khoái tuyên truyền):
“Trong anh em chớ có ai chịu khổ như kẻ giết người, kẻ trộm cắp, kẻ làm ác, kẻ thày lay việc người khác. Nhưng nếu có ai vì làm cơ đốc đồ mà chịu khổ, thì đừng hổ thẹn; trái lại, hãy vì danh ấy mà tôn vinh Đức Chúa Trời”.
Aliosa giỏi ở chỗ: hắn giấu cuốn sổ này trong một cái lỗ ở trên tường khéo đến nỗi, cho tới nay, qua bao cuộc khám xét, nó vẫn chưa bị phát hiện.
Vẫn nhanh thoăn thoắt, Sukhov treo chiếc áo trấn thủ của anh lên xà ngang, lôi từ dưới nệm đôi bao tay, hai chiếc xà cạp cũ, một đoạn giây thừng và một miếng giẻ có hai cái giải. Anh san bằng mạt cưa trong tấm nệm (mạt cưa nặng và nhồi chật cứng) cài bốn góc chăn xuống dưới đệm, ném chiếc gối vào chỗ cũ - vẫn chân trần như thế tuột xuống dưới sàn và bắt đầu đi bốt. Thoạt đầu, anh quấn chân bằng đôi xà cạp mới, sau đó quấn lên trên đôi đã cũ.
Cùng lúc đội trưởng dặng hắng, đứng dậy tuyên bố:
- Chấm dứt ngủ đêm, đội một lẻ bốn, r-a n-g-oài!
Lập tức toàn đội, dù có ngủ hay không, đứng bật cả dậy, ngáp ngắn ngáp dài, bước ra cửa. Đội trưởng đã ngồi tù mười chín năm, chẳng đời nào lại xua anh em ra ngoài sớm một phút trước giờ điểm danh. Anh mà đã nói “ra ngoài”, có nghĩa đến lúc phải ra thật.
Trong khi các phạm bước những bước nặng nề, im lặng, lần lượt nối đuôi nhau, đầu tiên ra hành lang, sau đó qua phòng ngoài rồi tiến ra thềm nhà, và khi đội trưởng đội hai mươi, bắt chước Turin, cũng hô lên “ra- n-g-oài”, thì Sukhov đã kịp nhét hai chân quấn chặt xà cạp vào đôi ủng dạ, áo bông mặc ngoài trấn thủ và thắt thật chặt bằng một sợi dây thừng (thắt lưng da của tù nhân đã bị tịch thu - trong các trại “đặc biệt” họ không được phép dùng).
Phút chót Sukhov cũng làm xong mọi việc và đuổi kịp mấy người cuối cùng trong đội mình - anh nhìn thấy lưng mang số hiệu của họ đã ở phía ngoài cửa dẫn ra thềm nhà. Khoác mọi thứ sống áo có được lên người, trông to sù, cồng kềnh, các phạm nối đuôi nhau không thẳng hàng, chẳng buồn xô đẩy nhau, nặng nề bước ra sân, chỉ nghe thấy tiếng bốt nghiến mặt đất đóng băng rào rạo.
Trời vẫn còn tối, tuy nhiên đằng đông đã bắt đầu hửng, nhuốm một màu xanh lục. Một cơn gió nhẹ, nhưng buốt giá, từ phía đông thổi tới.
Không gì cay nghiệt hơn những giây phút này - đứng xếp hàng chờ điểm danh buổi sáng. Trong bóng tối, trong giá buốt, với cái bụng rỗng không - cho tới suốt suốt cả ngày. Lưỡi như bị rút mất. Chẳng ai buồn nói chuyện với ai.
Ở chỗ tù tập hợp, viên phó giám công đang lồng lộn.
- Sao, Turin, còn phải đợi bao lâu nữa hả? Lại định câu giờ hẳn?
Người sợ tay phó giám công này chỉ có thể là Sukhov, chứ không bao giờ là Turin. Anh ta chẳng thèm phí lời với hắn, chỉ im lặng giậm giậm gót giầy. Cả đội xếp hàng theo anh, tiếng ủng dẫm tuyết lạo xạo.
Chắc hẳn một ki lô mỡ muối đã được đem hối lộ - bởi các đội bên cạnh đều nhìn thấy 104 vẫn xếp hàng ở chỗ mọi khi. Chỉ những đội vừa nghèo, lại vừa khù khờ, là bị đẩy đi xây dựng Khu Dịch xá. Chúa ơi, hôm nay mà phải ra ngoài đó thì đời ra bã, 27 độ dưới không kèm theo gió, không chỗ trú chân, không củi sưởi!
Đội trưởng cần nhiều mỡ lợn muối: vừa phải hối lộ các thủ trưởng trên BKHSX, vừa phải nuôi cái bụng mình. Bản thân đội trưởng không nhận được đồ tiếp tế, nhưng thiếu mỡ muối là không được. Phạm nào trong đội nhận được tiếp tế, lập tức phải cống nộp ngay.
Bằng không đừng hòng mà sống nổi.
Viên trưởng giám công đánh dấu trên tấm bảng nhỏ cầm tay:
- Turin, đội của anh hôm nay có một người ốm, đi làm hai mươi ba người, có phải không?
- Hai mươi ba người - đội trưởng gật đầu.
Thằng nào vắng mặt? Lại thằng Panteliev. Thằng ấy mà ốm?
Ngay lập tức những tiếng xì xào nổi lên trong đội: Panteliev, quân chó đẻ, lại chuồn được rồi. Nó thì ốm đau gì. Bên an ninh giữ lại thì có. Lại sắp sửa tố cáo ai đó cho mà xem.
Ban ngày họ gọi nó lên để đỡ gây ồn ào, giữ đến ba tiếng đồng hồ cũng chả sao, chẳng ai nhìn thấy, nghe thấy.
Họ dàn xếp việc này qua danh sách của trạm xá...
Cả sân trại đen ngòm màu áo bông của phạm. Các đội rục rịch nhích dần tới chỗ khám xét. Sukhov sực nhớ cần phải làm mới số hiệu trên áo, nên anh vội lách sang phía bên kia sân. Đã có hai ba phạm đứng xếp hàng trước mặt ông hoạ sĩ. Sukhov đứng vào hàng. Cái số hiệu này báo hại anh em không ít: cứ theo số hiệu giám thị có thể nhìn thấy phạm từ xa, lính canh trên chòi cao có thể ghi lại, còn để nó mờ đi hả - vào nhà đá: ai bảo không giữ gìn cẩn thận?
Trong trại có ba hoạ sĩ, vừa vẽ tranh không công cho các thủ trưởng, vừa thay phiên nhau tô mới các số hiệu trên áo tù ở chỗ điểm danh. Hôm nay đến lượt ông hoạ sĩ già râu hoa râm. Khi ông hoạ sĩ tô số hiệu trên mũ tù trông chả khác gì cha cố đang xức dầu thánh lên trán con chiên. Vẽ vẽ, quệt quệt, rồi lại thổi lên đầu các ngón tay đeo găng. Găng tay đan mỏng, bàn tay ông tê dại không sao tô nổi các con số.
Ông hoạ sĩ tô mới con số S-854 trên áo trấn thủ của Sukhov, và anh chẳng buồn thắt lại áo bông, bởi đội anh đã tiến gần đến chỗ kiểm soát rồi. Cầm sợi giây thừng trong tay, anh vội đuổi theo họ. Sukhov bất chợt nhìn thấy Sezar, người cùng đội, đang hút, không phải thuốc sợi, mà là thuốc điếu hẳn hoi. Có nghĩa anh có thể xin hắn mẩu thuốc. Song anh không xin thẳng, mà đứng sát ngay cạnh Sezar, quay nửa mặt về phía hắn.
Anh ngó xéo, ra cái bộ không cần, song vẫn nhìn thấy, cứ sau mỗi lần rít vào (Sezar đang nghĩ ngợi điều gì đó nên không rít liên tục) thì cái lằn tàn đỏ lại chạy dọc theo điếu thuốc và mỗi lúc một cháy gần chiếc tẩu.
Vừa lúc thằng Fechiukov, đồ chó hoang, quân liếm đĩa, lù lù mọc ngay trước mặt Sezar, nhìn chòng chọc vào miệng anh ta, hai mắt sáng rực.
Sukhov không còn lấy một sợi thuốc, anh biết trước cho tới tận tối sẽ chẳng đào đâu ra và lúc này đây anh căng thẳng chờ đợi, khao khát được người ta vứt cho mẩu thuốc còn hơn được trả tự do. Nhưng anh đâu có hạ thấp mình mà nhìn chòng chọc vào miệng người ta như cái thằng Fechiukov chó má ấy.
Sezar là người lai đủ thứ giống - chẳng thể hiểu được hắn là người Hi Lạp, Do Thái hay Sưgan. Hắn còn trẻ, ngày trước làm nghề quay phim, nhưng chưa làm được phim nào đã bị bắt vào tù. Hắn có bộ ria đen và rậm. Sở dĩ ở đây người ta không bắt cạo đi, vì trong hồ sơ của hắn, tất cả các bức ảnh đều có ria.
- Sezar Markovich! - không nhịn được Fechiukov nuốt nước bọt ừng ực - cho tôi xin một hơi!
Và mặt hắn hằn lên sự tham lam và thèm khát.
Sezar hé mắt nhìn Fechiukov, hai hàng lông mi rợp xuống đôi mắt đen. Hắn hay dùng tẩu chính vì không muốn người ta làm phiền, xin xỏ lúc mình hút thuốc. Hắn không tiếc thuốc, mà tiếc dòng suy nghĩ bị cắt ngang. Hắn hút thuốc để đánh thức trong mình ý nghĩ mạnh mẽ và giúp nó tìm kiếm cái gì đó. Nhưng cứ hễ bắt đầu hút là y như rằng hắn nhìn thấy không biết bao nhiêu cặp mắt: “Cho xin tí mẩu thừa!”.
Sezar quay sang Sukhov và nói:
- Cầm lấy, Ivan Denisych!
Ngón tay to tướng của hắn rút mẩu thuốc là từ cái tẩu ngắn bằng hổ phách.
Sukhov giật mình (anh đã đợi để Sezar tự mời mình), vội đưa một tay đỡ lấy mẩu thuốc một cách biết ơn, tay kia đỡ phía dưới phòng nó rơi xuống đất. Anh không tự ái vì Sezar không cho mình hút mẩu thuốc thừa bằng tẩu của hắn (có người mồm sạch, có người mồm thối), và tay anh thì chai sạn tới mức có thể hút đến tận cùng mẩu thuốc cũng không sợ bị bỏng. Cái chính là anh đã phỗng tay trên của thằng mót rác Fechiukov kia và lúc này anh rít một hơi dài chút nữa bỏng cả môi. M-m-m-m! khói thuốc lan toả trong cái cơ thể đói khát của anh, đọng lại ở chân và đầu.
Đúng cái lúc cảm giác đê mê lan toả khắp cơ thể, thì thì có tiếng ồn ào nổi lên:
- Chúng nó tịch thu áo lót!
Cũng như các phạm khác, cuộc sống trong tù đã tạo cho Sukhov một thói quen: phải cẩn thận, chỉ cần sơ ý một tí là chúng trấn ngay.
Nhưng tại sao lại là áo? Chính trại trưởng đã phát cơ mà? Không, chắc không phải...
Đội của Sukhov chỉ còn cách trạm kiểm soát có hai đội, và tất cả mọi người đều nhìn thấy rõ trung uý Volkovoi - thủ trưởng bộ phận an ninh, đang từ phòng chỉ huy xuống và đang quát tháo bọn giám thị về việc gì đó. Mấy tay này lúc Bolkovoi chưa tới thì làm việc lờ phờ lắm, bây giờ thì cuống quýt nhảy xổ vào anh em như bầy thú, còn sếp của chúng thì la lên:
- C - ở-i á-o!
Không chỉ phạm nhân và giám thị sợ Bolkovoi, mà ngay đến trại trưởng cũng sợ hắn. Ông Trời trông mặt mà đặt tên(4), không thế Volkovoi đã không có cái nhìn của loài chó sói. Hắn người cao, tóc đen, mặt mũi cau có, thoắt ẩn, thoắt hiện. Hắn thường xuất hiện từ trong một góc trại nào đó, quát tháo: “Tụ tập ở đây làm gì thế này?”. Lúc ấy thì có mà chạy đằng trời. Trước đây hắn còn mang theo một cái roi bằng da bện, dài bằng cả cánh tay. Nghe nói, hắn đánh người ở khu trừng giới bằng cái roi ấy. Hoặc trong giờ điểm danh buổi chiều, khi phạm túm tụm ở cạnh trại, từ đằng sau hắn quất roi vào gáy người ta: “Sao không đứng vào hàng, lũ mắc dịch?”. Người bị ăn roi ôm lấy gáy, lẳng lặng chùi máu: cứ thử kêu lên xem, vào nhà đá tức thì.
Bây giờ chẳng hiểu sao hắn không mang theo roi nữa.
Khi trời rét quá thì cuộc khám xét buổi chiều vẫn thế, nhưng buổi sáng có đỡ ngặt hơn: tù nhân mở phanh áo trấn thủ và cứ để như thế mỗi lần có năm người bước tới cho năm tên giám thị lục soát. Chúng sờ nắn áo trấn thủ, vỗ vỗ vào túi trên đầu gối phía chân bên phải, chúng đi găng và hễ cứ sờ thấy cái gì lạ là không lôi ra ngay, mà lười biếng hỏi: “Cái gì thế này?”
Buổi sáng thì tìm thấy gì trong người tù nhân cơ chứ? Dao ư? Nhưng dao thì người ta mang vào trại, chứ mang ra làm cái gì. Buổi sáng thường chúng khám xem tù nhân có mang nhiều đồ ăn hay không, ba ki lô gam chẳng hạn, để đào tẩu. Đã có hồi người ta quá lo lắng về cái khẩu phần 200 gam bánh mì bữa trưa, nên đã ra một cái lệnh như sau: mỗi đội phải tự đóng lấy một cái hòm gỗ để gom toàn bộ khẩu phần để vào trong đó. Chẳng hiểu cái sáng kiến ấy hay ho ra làm sao, nhưng tù nhân bị hành tới số: sợ ăn lẫn phần của nhau, nên trước khi ném xuất của mình vào thùng ai cũng cắn một miếng để đánh dấu. Bánh thì miếng nào chả giống miếng nào, cùng cắt từ một cái bánh mì, ấy thế nhưng suốt dọc đường phạm ta lo lắng, khổ sở, chỉ nghĩ tới việc không biết xuất của mình có bị đánh tráo không, rồi thì cãi cọ, thậm chí thỉnh thoảng còn choảng nhau nữa. Chỉ tới lúc xảy ra việc có ba phạm trốn trại trên một chiếc xe tải, ôm luôn cả hòm bánh mì theo, khi đó các thủ trưởng mới tỉnh ra, bắt đập hết các hòm đựng bánh, thôi thì cho chúng mày tự mang lấy xuất của mình. Mọi chuyện lại y như cũ.
Buổi sáng cần phải khám xét xem phạm có mặc giấu thường phục bên trong hay không? Khốn nỗi tất cả quần áo thường phục người ta đã tịch thu sạch từ lâu và hứa khi nào mãn hạn tù sẽ trả lại. Song ở cái trại này chưa từng một ai được mãn hạn cả.
Rồi họ còn khám xem phạm có giấu thư từ để nhờ người ngoài gửi đi hộ hay không. Nhưng nếu ai cũng bị lục soát thư thì có đến bữa trưa cũng không xong.
Họ bắt đầu thi hành lệnh, nhưng chẳng mấy chốc cổng trại bị ùn tắc, lính canh gào lên: “Ra đi! ra đi!”, và thay vì sự tức giận bị đổ lên đầu, đội 104 đã được hưởng ân huệ của Volkovoi: ghi tên ai mặc thêm đồ, đến tối nộp lại kèm theo bản tường trình tại sao lại giấu và giấu bằng cách nào.
Mọi thứ trên người Sukhov đều là đồ phát cả, này, cứ việc nắn thoải mái, chả có quái gì. Nhưng họ bắt được Sezar mặc một chiếc áo sơ mi bằng vải bông, còn Buinovski một chiếc áo len đan cộc tay. Ông trung tá vào tù chưa đầy ba tháng, vẫn còn thói quen chỉ huy trên tàu, la toáng lên:
- Các người không có quyền lột quần áo người ta giữa trời lạnh thế này! Các người không biết điều Chín trong bộ luật Hình sự!
Họ có quyền. Họ biết luật. Chỉ có cậu, ông bạn ạ, là chưa biết đó thôi.
- Các anh không phải người Xô Viết - Buinovski bồi thêm.
Về luật hình sự thì Volkovoi còn khả dĩ chịu được, chứ bảo hắn không phải người Xô Viết thì hắn chịu thế nào được. Viên sĩ quan điên tiết, mặt xám lại như đám mây dông, hắn giật giọng:
- Mười ngày biệt giam!
Rồi hắn nói nhỏ hơn với trưởng giám thị:
- Tối nay làm thủ tục.
Người ta không thích tống phạm vào nhà đá ban ngày, vì như vậy sẽ lãng phí ngày công. Cứ để cho hắn xụm lưng cả ngày, ban đêm quẳng vào xà lim cũng chưa muộn.
Khu trừng giới ở ngay gần đấy, về phía bên trái sân trại, được xây bằng đá có hai chái. chái thứ hai mới xây xong dạo mùa thu - một chái không đủ chỗ giam phạm. Nhà giam chia thành mười tám khối, mỗi khối gồm những xà lim để nhốt riêng phạm. Tất cả các nhà khác trong trại đều làm bằng gỗ, riêng khu biệt giam được xây bằng đá.
Cái lạnh đã ngấm vào dưới lần áo sơ mi tù, bây giờ thì không đẩy nó ra được nữa. Thật phí thời gian quấn quấn, buộc buộc. Sukhov lại thấy đau lan dọc sống lưng. Giá bây giờ được ngả lưng trên giường bệnh viện mà ngủ nhỉ. Thật chả còn muốn gì hơn. Được đắp một chiếc chăn dầy dầy vào thì còn gì bằng.
Tù nhân đứng trước cổng cài lại sống áo, lại quấn quấn buộc buộc, còn bọn lính canh đang đợi họ ở bên ngoài thì cứ gào lên:
- Ra mau, ra mau!
Người kiểm soát nhân công thúc vào lưng:
- Khẩn trương, khẩn trương!
Toàn những cổng là cổng. Lớp cổng đầu liền sát với vành đai trại, tiếp đến lớp cổng thứ hai. Cả hai phía gần trạm gác đều có chấn song sắt.
- Đứng lại! - một tên lính hô to, - xếp hàng giống như đàn cừu, năm người một.
Trời đã tang tảng. Đống lửa đằng sau trạm gác đã gần tàn. Lính canh bao giờ cũng đốt một đống lửa trước giờ điểm danh để sưởi cho ấm và cũng để lấy ánh sáng mà đếm tù.
Một tên lính canh đếm rõ to, giọng chát chúa:
- Một, hai, ba!..
Mỗi nhóm gồm năm người tách ra riêng biệt, xếp hàng đi qua, cho nên nhìn họ từ phía nào, bất kể đằng trước hay đằng sau, đều thấy năm cái đầu, năm cái lưng và mười cái chân.
Tên lính thứ hai làm nhiệm vụ kiểm soát viên, đứng bên chấn song sắt im lặng kiểm tra xem đếm có đúng không.
Cả viên trung uý cũng đứng đó, chăm chú theo dõi.
Đó là việc của trại.
Đối với lính canh, tù nhân còn quý hơn vàng. Để thiếu một thằng tù ở bên kia rào thép gai, thì phải đem cái mạng của mình mà thế vào. Cả đội lại tập hợp một lần nữa.
Lúc này đến lượt trung sĩ đội áp tải đếm tù:
- Nhóm thứ nhất! nhóm hai! nhóm ba!
Và lại một lần nữa tù nhân xếp thành từng khối năm người một như những mắt xích riêng rẽ của một sợi dây xích.
Trợ lý đội trưởng đội cảnh giới kiểm tra phía bên kia đoàn tù.
Thêm cả viên trung uý nữa.
Đó là việc của đội áp tải.
Không được nhầm lẫn. Nếu kí nhận thừa một tù, thì cũng phải lấy mạng mình mà thế vào. Lính áp tải nhan nhản. Họ bọc lấy đoàn tù theo hình vòng cung, súng tiểu liên chĩa thẳng vào mặt phạm. Rồi có cả lính dắt theo chó nghiệp vụ lông xám. Có một con nhe răng nhọn hoắt như đang chế nhạo đám tù nhân. Tất cả lính áp tải đều mặc áo da lộn ngắn, chỉ có sáu người mặc áo lông dài. Họ thay nhau mặc áo lông dài khi nào đứng canh ở trên chòi cao.
Tù nhân lại xếp hàng lại một lần nữa và lính áp tải đếm từng nhóm năm người một.
- Lạnh nhất bao giờ cũng là lúc rạng đông, - ông trung tá hải quân giải thích, - vì đó là điểm cuối cùng của sự mất nhiệt lượng do bức xạ xảy ra vào ban đêm.
Ông trung tá cắt nghĩa mọi sự. Ông có thể tính được tất cả các tuần trăng - trăng non hay trăng già, trong bất cứ năm nào, ngày nào. Ông xuống mã trông thấy, song nom vẫn còn tươi tỉnh.
Băng giá cộng với gió thổi vù vù ở bên ngoài trại khiến da mặt đã chai sạn của Sukhov như có hàng ngàn mũi kim châm. Anh biết sẽ bị gió thốc vào mặt như vậy suốt trên đường đi tới công trường xây nhà máy điện, nên đã quấn kĩ mặt bằng một miếng giẻ với hai giải dài khâu hai bên. Tất cả các phạm đều thừa nhận miếng giẻ rất có ích. Sukhov quấn nó kín mặt, lên tận mắt, kéo hai giải ra đằng sau, phía dưới tai và buộc lại ở sau gáy. Rồi anh kéo vạt mũ che gáy, nâng cổ áo bông lên, kéo vạt mũ đằng trước xuống che trán. Như vậy tất cả mặt anh kín hết, chỉ còn hở mỗi đôi mắt. Anh buộc chặt ngang bụng áo bông bằng một sợi giây thừng. Thế cũng tạm ổn, chỉ có điều đôi găng tay mỏng và đã cũ, nên hai bàn tay bị lạnh cóng. Anh xoa xoa, vỗ vỗ hai bàn tay vào nhau và biết rằng chỉ lát nữa anh sẽ phải bẻ quặt chúng ra sau lưng và cứ giữ như thế suốt trên đường đi.
Viên chỉ huy đội lính áp tải đọc “kinh nhật tụng” chán ngấy của trại:
- Các tù nhân chú ý! Trên đường đi phải triệt để giữ đúng hàng lối! không được giãn ra, không được chạy vượt lên, không tự động thay đổi nhóm năm người. Không được nói chuyện, ngó sang hai bên và hai tay phải để ra sau lưng! Bước sang phải hay sang trái một bước sẽ bị coi là mưu toan đào tẩu và lính áp giải sẽ nổ súng không cần báo trước! Chuẩn bị, bước đều, bước!
Và tất nhiên dẫn đầu đoàn tù phải là hai lính áp tải. Đoàn tù chuyển động về phía trước, vai tù nghiêng ngả. Lính áp tải đi hai bên, cách đoàn tù hai chục bước hàng ngang, cách nhau một chục bước hàng dọc, súng tiểu liên sẵn sàng nhả đạn.
Một tuần rồi tuyết không rơi, con đường bị dẫm nát, trông thật tang thương. Đoàn tù đi vòng theo trại giam, gió thổi thốc vào mặt mũi. Hai tay vòng ra sau lưng, đầu cúi xuống, trông như đoàn người đang đi đưa đám. Chẳng còn thấy gì ngoài ống chân của mấy phạm đi đầu và khoảng đất bị dẫm nát mà những bàn chân vẫn tiếp tục đạp lên. Cứ chốc một lính áp tải lại quát lên: “U-48! để tay sau lưng!”, “B - 502, đi vào hàng!”. Về sau tiếng quát thưa dần: gió quất vào mặt khiến mắt trở nên khó nhìn, hơn nữa, lính lại không được phép bịt mặt như phạm. Một công việc cũng chẳng thú vị gì...
Khi nào trời ấm, trong đoàn tiếng nói chuyện nổi lên dù lính áp tải có quát tháo mấy cũng mặc. Nhưng hôm nay ai cũng cắm đầu bước, cố giấu mình vào lưng người đằng trước và chìm trong những ý nghĩ của mình.
Ý nghĩ của tù nhân cũng không được tự do mà cứ quay về một chỗ: liệu chúng có sờ thấy khẩu phần bánh mì mình giấu trong đệm hay không? Tối nay liệu chúng có cho mình vào danh sách người bệnh không? Liệu ông trung tá có bị tống vào nhà đá không? Sezar lấy đâu ra chiếc sơ mi ấm đó? Chắc lại đổi chác đồ của mình lấy nó ở nhà kho, chứ còn ở đâu ra nữa?
Hôm nay Sukhov vẫn thấy đói, có lẽ vì anh ăn sáng không có bánh mì, và ăn toàn đồ lạnh chăng. Và để cái bụng khỏi rên rỉ đòi ăn, anh thôi không nghĩ tới trại giam nữa, mà nghĩ tới bức thư sắp tới sẽ gửi về nhà.
Đoàn người đi qua xưởng làm đồ mộc do tù nhân dựng lên, qua khu nhà ở (cũng do tù nhân xây dựng, song lại dành cho người tự do ở), qua câu lạc bộ mới (cũng do tù làm hết, từ đổ móng đến trang trí trên tường, nhưng phim chiếu lại để cho người tự do xem), bước ra ngoài thảo nguyên, đối diện với gió và bình minh mỗi lúc một đỏ rực. Cả một vùng tuyết trắng mênh mông, trơ trọi, không có lấy một cái cây.
Một năm mới bắt đầu, năm năm mốt, và ở năm này Sukhov được phép viết hai thư. Bức cuối cùng anh gửi vào tháng bẩy, nhưng thư trả lời mới nhận được hồi tháng mười vừa rồi. Còn trại Ust-Izma, nơi anh bị giam trước đây, lại có quy chế khác, nếu muốn, mỗi tháng có thể viết một lần. Nhưng có quái gì để mà viết cơ chứ? Khi đó Sukhov cũng không viết thường xuyên hơn bây giờ.
Anh rời nhà vào ngày hai mươi ba tháng sáu năm bốn mươi mốt. Vào một sáng chủ nhật, mọi người đi lễ nhà thờ ở Polomi về thông báo rằng chiến tranh đã nổ ra rồi. Ở Polomi mọi người biết tin qua bưu điện, chứ ở làng Temgenuva của anh, trước chiến tranh, chả ai có lấy nổi một chiếc máy thu thanh. Bây giờ người ta viết thư khoe rằng hiện nhà nào cũng có một cái radio galen quấn giây.
Viết thư lúc này chẳng khác gì ném sỏi xuống cái hố sâu không đáy. Sỏi rơi mất tăm, không một tiếng động vẳng lại. Chả ai đi kể mình làm ở đội nào, tay đội trưởng Andrei Prokofiev Turin là người ra làm sao. Bây giờ với tay Kildigs người Latvi xem ra mình còn chia xẻ nhiều hơn là với người nhà.
Vả lại người nhà anh cũng chỉ viết thư hai lần trong năm. Cuộc sống của họ mình cũng chẳng thể hiểu nổi. Nghe bảo chỗ họ mỗi năm lại thay chủ tịch nông trang mới, cấm ông nào trụ được lấy hơn năm. Nông trang đã được sát nhập rồi. Thì trước đây nó cũng đã từng được hợp nhất, sau lại tách ra, có gì là mới đâu. Lại thấy bảo ai không đạt định mức đề ra, thì phải cắt đất vườn có đến một phần tư, nhiều người bị cắt tới sát nhà. Có hồi vợ anh còn kể rằng người ta đề ra luật, người nào không làm đủ định mức sẽ bị xét xử và bị đi tù. Nhưng cái luật này sau cũng bị bãi bỏ.
Có một điều Sukhov không làm sao hiểu nổi, vợ anh viết rằng, ngay sau chiến tranh cấm có lấy một mống nào trở về nông trang: lớp trẻ, tất cả mọi đứa, đều tìm cách nhảy ra ngoài tỉnh hết, vào làm trong nhà máy hay trong các mỏ than bùn. Nửa số đàn ông đã không quay về sau chiến tranh, mà có ai quay được về, thì cũng không làm ở nông trang nữa: họ sống ở nhà, song kiếm tiền ở nơi khác. Đàn ông trong nông trang còn lại mỗi đội trưởng Zakhar Vasilich Tikhon - lão thợ mộc già năm nay đã tám mươi tư, vừa lấy vợ và đã có con rồi. Mọi công việc nông trang do một tay các bà đảm đương, những người buộc phải gánh vác công việc từ hồi những năm ba mươi. Họ mà đổ thì nông trang cũng chết.
Đấy, cái điều mà Sukhov không sao hiểu nổi là tại sao sống ở quê mình mà lại đi làm ở chốn khác. Anh cũng đã từng thấy sự thể ra sao cả trong nông trại tư nhân, lẫn nông trang tập thể, song việc đàn ông không làm việc tại làng xã mình, thì anh chịu không hiểu được. Hay là họ làm thêm các nghề khác? Vậy việc phạng cỏ thì làm thế nào?
Trong thư vợ anh viết rằng các nghề phụ đã bị bỏ từ lâu rồi. Người ta thôi không làm mộc, một nghề mà nhờ nó làng anh một thời nổi tiếng, không đan giỏ bằng nhành miên liễu. Bây giờ chả ai người ta thèm làm mấy thứ đó. Bây giờ có một nghề mới, nhẹ nhàng, vui vẻ - nghề vẽ thảm. Chả biết có một người nào đó từ chiến trường mang về một cái khuôn, thế là từ đó ngày càng nhiều người học làm cái nghề này. Việc nông trang họ chẳng màng đến, cả năm độc có một tháng là họ ra đồng gặt lúa và phạng cỏ, còn mười một tháng nông trang cấp giấy giấy chứng nhận nông trang viên này nọ được nghỉ để làm việc riêng, thuế má đã nộp đầy đủ. Và rồi họ đi khắp nước, thậm chí còn đi cả máy bay để tiết kiệm thời gian, còn tiền thì kiếm được hàng nghìn rúp, thảm vẽ khắp mọi xó xỉnh: cứ năm mươi rúp một tấm thảm vẽ trên vải trải giường cũ, bất cứ loại nào người ta cũng không thấy xót ruột bỏ ra để thuê vẽ. Mà vẽ kiểu thảm này chỉ chừng một tiếng đồng hồ là xong, không hơn. Trong thâm tâm vợ anh rất hi vọng khi nào Ivan trở về anh chẳng cần phải làm ở nông trang làm gì cho nhọc xác, cứ học lấy cái nghề này. Lúc đó gia đình anh sẽ thoát khỏi cảnh nghèo mà hiện vợ anh đang phải vật lộn, con cái thì cho đi học kĩ thuật, dỡ cái nhà nát hiện nay, dựng cái mới. Cánh thợ vẽ thảm đều đã làm được nhà mới, mà nhà ở gần đường xe lửa bây giờ là hai mươi nhăm nghìn rúp, chứ chẳng phải năm nghìn rúp như ngày xưa đâu nhé.
Một Ngày Của Ivan Denisovich Một Ngày Của Ivan Denisovich - Aleksandr Solzenisyn Một Ngày Của Ivan Denisovich