Bạn bắt đầu từ đâu không quan trọng, quan trọng là kết thúc ở chỗ nào.

Dorothy Fields & Coleman

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Upload bìa: Hoàng Long
Số chương: 5
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2228 / 46
Cập nhật: 2014-12-07 14:17:46 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1/5
hục dắt xe đạp còn tôi đi bộ. Hai đứa đi vào cửa chính của công viên rồi mới quẹo tay phải vòng lên phía trên. Lối đi đầy sỏi và cát vụn, bước chân của hai đứa làm vang nhẹ một thứ âm thanh rì rào giống như những cơn gió dưới sông thổi đùa qua các khóm lá.
Thục nói:
-Tự nhiên cái đi. Ðừng có đùa dai, đau tim ta lắm đó. Mi biết không?
Giọng con nhỏ bạn thân từ năm tiểu học đầy hờn trách làm tôi thấy lòng mình chùng lại như sợi dây đàn. Tôi cố nói một cách vui đùa, chứ không biết làm sao khác:
-Tự nhiên sao được. Hai đứa ở gần nhau lâu quá. Chơi với nhau đến phát ngấy thì phải có lúc chia tay.
-Coi vậy chứ xa nhau nhớ lắm mi ơi.
-Nhớ ráng chịu.
-Nhớ mi mỗi chiều tao ra ngồi ở bờ sông tao khóc.
-Khóc nước mắt của con cá sấu hả?
-Tao khóc ngập sông, ngập Cồn Phụng, tràn lên bờ, ngập lụt luôn cả cái đất Mỹ Tho nhỏ bé này.
-Như thế trôi mất anh chàng lính biển của mi rồi sao?
Thục cười mấy tiếng giòn như kẹo gương. Con nhỏ chắc là đang đỏ mặt. Mấy hôm không biết từ đâu đưa tới một anh chàng lính biển cứ lóng ngóng trước cổng trường chờ giờ tan học. Rồi một buổi chiều anh chàng nhè ngay nhỏ Thục hỏi thăm. Chả biết hỏi thăm gì mà chàng lẽo đẽo theo Thục một khúc đường làm ai cũng đồn um lên là nhỏ Thục có bồ là lính biển. Thục chối phăng, cải chính loạn cào cào nhưng chả nhỏ nào chịu tin. Tôi biết Thục bị nỗi oan...ông Ðịa. Nhưng anh chàng lính biển kể cũng bô trai. Bộ đồ xanh hơi bạc một chút, cặp kính cận gọng đen trên gương mặt sáng sủa thông minh. Con nhỏ chắc ngượng lắm khi tôi nhắc chuyện này.
Thục cười:
-Là lính biển phải trôi theo biển chứ.
-Tình nhỉ?
Thục bỗng chỉ tay xuống những chiếc tàu xám đen đang đậu trong căn cứ Hải Quân, nói:
-Một hôm, tao gặp chàng ở trong đó đi ra. Chắc anh chàng đóng ở đây.
-Rồi sao?
-Sao gì? Tao ở bên này đường. Chàng ở bên kia đường. Và đường ai nấy đi chứ sao.
-Ít ra cũng nhận người quen chứ. Ðã từng...quen nhau trước cổng trường mà.
-Thôi, cụt cái lưỡi chua lè nhọn hoắt của mi đi. Hãy nói tới chuyện chia tay ngày mai. Bộ mi không biết buồn hả con nhỏ ma trơi?
Tôi khịt mũi:
-Buồn chứ.
-Sao cái mặt mi tỉnh bơ ra vậy?
-Chứ không lẽ khóc ở trong công viên? Người ta tưởng hai con nhỏ khùng nào vừa trốn ra khỏi nhà thương điên.
Thục lườm tôi:
-Ai biểu mi khóc, nhưng ít ra cũng nói với người ta câu nào đậm đà tình thân ái trước khi chia tay chứ. Mi không sợ ta giận mi à?
-Cho giận tới Tết. Ngày mai ta đi rồi. Người đi thảnh thơi. Kẻ ở lại mới đầy một bụng tơ lòng.
-Tại sao hôm nay mi biến thành một cục nước đá vậy nhỉ?
Tôi cười cười. Quả thật tôi không biết trả lời con nhỏ bạn ra sao. Giữa niên học bất ngờ mẹ tôi cho hay là tôi có thể lên Sàigòn học ở ngôi trường lớn nhất, nổi tiếng nhất của thành phố. Dì Phương, em ruột mẹ tôi có chồng làm lớn, uy tín. Có thể gởi tôi vào đó giữa niên học. Tôi sẽ ở trong một ngôi nhà sang trọng. Một biệt thự nằm trên đường Tú Xương. Ngôi nhà ngày xưa, tôi có lên chơi một hai lần. Bây giờ không nhớ rõ lắm nhưng hình như ở đó có vườn cây, có đất rộng thênh thang với bãi cỏ xanh xén tỉa đẹp. Mẹ tôi bäo tôi phải chọn lựa giữa hai trường hợp, hai hoàn cảnh. Hoặc là ở đây cho tới khi không còn đủ phương tiện đi học nữa rồi sẽ ở nhà lấy chồng. Hoặc sẽ được ở trong một hoàn cảnh khác mà tương lai sẽ được đảm bảo hơn. Dĩ nhiên, với lòng thương con của một người mẹ, dù người mẹ ấy bây giờ đã có một ông chồng khác, đã có những đứa con khác, tôi cũng biết mẹ tôi muốn cho tôi lên ở với dì Phương.
Thật ra, ở đây cũng không có gì quyến luyến đến độ không bỏ đi được. Ngoọi trừ không khí êm đềm của tỉnh lỵ, ngôi trường, những đứa bạn dễ thương và nhiều kỷ niệm vụn vặt của thời thơ ấu. Ngôi nhà này không phải của mẹ tôi mà là của dượng Tư, ba ghẻ cûa tôi. Ngôi nhà gạch, lợp ngói, ở trong một xóm công chức, ngõ vào hai bên trồng những cây dừa trái đỏ, những con mương đầy nước, cây cầu gỗ bắc qua một cái ao lớn nuôi cá, trồng rất nhiều sen mà ngày xưa tôi đã té xuống dưới đó một lần. Dượng Tư không khó khăn lắm, nhưng cũng không phải là một người dễ dãi. Và tôi, tôi cũng phải biết rằng đến một lúc nào đó, tôi không còn sống nhờ vào tiền cûa ông nữa. Sau nhiều đêm dài ngẫm nghĩ, suy tính, chọn lựa, tự quyết định lấy con đường mình đi, nghĩa là tự định đoạt lấy tương lai cuộc đời mình, tôi đã chọn con đường sống xa mẹ tôi, rời bỏ ngôi nhà này để lên Sàigòn ở với dì Phương là em ruột của mẹ. Một người dì ruột chắc hẳn phải hơn một ông bố dượng...Hơn nữa, dì Phương đã đề nghị với mẹ tôi như vậy. Khi tôi nói ra điều chọn lựa của mình, tôi thấy mẹ tôi khóc. Những giọt nước mắt của bà làm tôi mủi lòng. Lúc đó, tôi cũng muốn ôm chầm lấy mẹ tôi để hai mẹ con cùng khóc cho thỏa lòng, nhưng tôi đã gượng được. Nếu không thể vượt qua những điều nhỏ bé đó làm sao tôi chịu đựng nổi bao nhiêu chông gai trên con đường đi sau này? Vì thế tôi đã khuyên mẹ tôi đừng khóc. Ðôi mắt tôi ráo hoảnh, gương mặt tôi bình thản dửng dưng đến độ làm cho mẹ tôi phải ngạc nhiên.
Buổi tối, công viên đông nghẹt người ra hóng gió. Những cặp tình nhân âu yếm ôm nhau trên băng đá khuất trong bóng tối. Những đám thanh niên nói cười tự nhiên, họ làm ồn ào một góc công viên và có lẽ làm cho tôi và nhỏ Thục ngượng nhất khi có ý định vào đây. Công viên có một cây đa già cằn cỗi. Người ta nói nó đã sống đến hơn một trăm năm. Nhớ một vài lần hồi năm tiểu học, tôi, nhỏ Thục và vài đứa bạn nữa vào đây, ném cặp trên bãi cỏ, rồi mỗi đứa nắm một chiếc rễ dài lòng thòng từ trên ngọn xuống...đu dây. Tôi nhớ những tổ chim trên cành lá rậm rạp vào mùa hè, những chiếc lá chết bay vờn trên mặt sông mùa thu. Cái vòm cây xanh biếc đó đã thay lá trong một buổi sáng mùa xuân, hay chỉ còn trơ lại những cành khô mốc vào mùa đông, khi những cơn gió tháng chạp lành lạnh gợn trên mặt sông thành những con sóng và thoát bay len lỏi vào những đường phố ban mai thưa vắng bóng người.
TÌnh lỵ này của tôi, của một mùa thơ ấu tôi nâng niu cất giữ trong chiếc hộp quá khứ nạm vàng. Nếu tôi có rời bỏ tỉnh lỵ, tôi phải mang theo chiếc hộp, hoặc là tôi ném nó xuống dòng sông hiền hòa bát ngát này.
Tôi bỗng nhớ tới một câu thơ đã đọc được của ai đó rất lâu, vẫn làm tôi bùi ngùi:
"Con sông chẻ đời ra những dòng thương nhớ..."
Con sông này của tôi cũng thế. Nó cũng chẻ đời ra những vùng để thương nhớ. Một nhánh chạy dọc theo bờ đá xanh ôm lấy tỉnh lỵ thành nửa vòng tròn. Một nhánh thẳng về Phú Vang, quê ngoại của tôi. Một nhánh ngược về đâu xa lắm tôi không biết. Một nhánh ôm lấy cái cồn nhỏ đầy cây lá xanh rờn, mà mỗi ngày tôi có thể trông thấy những ngược xuôi trên những chiếc đò máy ì ạch vượt con sông bát ngát từ bên kia sang hay từ bên này về.
Công viên nằm sát bờ sông. Phía trên là căn cứ Hải Quân với những chiếc tàu xám đen đậu trong bóng tối. Một nhà hàng sang trọng trên mặt sông sáng choang ánh điện. Phía dưới, chạy dọc theo bờ sông đá xanh là những quán ăn, quán kem, giải khát. Ðối diện với những thứ đó là những quán cà phê, rạp chiếu bóng, tiệm chụp hình. Một thời, tỉnh lỵ này cũng ồn ào với những người ngoại quốc đổ xô về đây, những quán cà phê, quán kem giải khát biến dạng thành những cái bar ồn ào lòe loẹt. Bây giờ không khí tỉnh lỵ trở nên bình thường như những ngày xưa. Người ta có thể yêu bóng trăng vàng một đêm rằm nào đó trải xuống mặt sông. Trăng nước đẹp mơ hồ huyền ảo với những chiếc đò máy đậu im lìm thành dãy, những ngôi nhà sàn in bóng xuống mặt nước, rừng cây phía bờ xa xa như trong cảnh thần tiên. Vậy mà tôi bỏ hết để ra đi sao? Không. Chắc chắn là tôi sẽ phải mang theo trong trí nhớ mình ngần ấy thứ.
Thục dựng chiếc xe đạp của nó trước một băng đá trống và bắt tôi ngồi xuống bên cạnh. Hai đứa nhìn ra mặt sông, phóng tầm mắt qua một vùng tối đen. Tôi nghe thấy tiếng gió vù vù và tiếng sóng vỗ ì ầm vào bờ đá. Tóc hai đứa bay tung về phía sau. Thục mặc chiếc áo pull sợi trắng, ngắn tay, cổ tròn, chiếc quần tây màu sẫm. Còn tôi mặc áo dài. Tôi phải giữ cho hai vạt áo của mình đừng bay tung lên. Thục nhìn tôi cười, hàm răng nó đều, trắng muốt. Con nhỏ xinh xắn tươi ngon như một trái táo xanh. Còn tôi? Chắc tôi mờ nhạt bên cạnh Thục? Tôi có cảm tưởng mình bị nhòa lấp vào cùng với bóng đêm. Hết một thời thơ ấu ở tiểu học, nối tiếp những tháng năm dài ở bậc trung học, tôi vẫn mang mặc cảm là một đứa con gái nhà nghèo, xấu xí, trơ trọi, không cha, sống với người dượng ghẻ. Mặc cảm ấy làm tôi chơi rất ít bạn. Nhưng được cái may mắn là những người bạn của tôi chơi đều hiểu và thương tôi. Chúng thân thiết với tôi vì nhiều thứ. Nhất là nhỏ Thục này, nó thân với tôi đến nỗi tụi bạn trong lớp gọi đùa chúng tôi là "vợ chồng".
Từ tiểu học lên trung học hai đứa đều tìm hết cách để được ngồi chung một lớp, một bàn, bên cạnh nhau.
Thục nói:
-Ngồi ở đây một chút để không bao giờ ngồi với nhau nữa.
Tôi tưởng con nhỏ khóc cùng với câu nói. Tôi bỗng hóa ra người an ủi Thục, thay vì nhỏ ấy phải an ủi tôi trước khi tôi đi xa:
-Sao không? Tao còn về nữa mà. Và thiếu gì dịp để mình vào công viên, ngồi lại trên băng đá này như bây giờ, như ngày xưa.
Thục kêu than:
-Thời gian lạ lùng lắm mi ơi. Ngày mai là một ngày không thể nào biết được.
Tôi cười:
-Biết chứ. Ngày mai là một ngày tao lên xe, rời thành phố, một mình.
-Tao đưa mi đi.
-Thôi, hãy ở nhà ngủ cho ngon.
-Mi đi giờ nào mà bắt người ta ở nhà ngủ?
-Chuyến xe sớm nhất.
-Vội gì mà đi sớm vậy? Mỹ Tho Sàigòn chưa đầy một trăm cây số mi ơi. Hãy đi chuyến xe chiều. Hai giờ sau mi dư sức tới Sàigòn.
-Tao muốn đi sớm. Rời thành phố lúc mặt trời chưa lên để khỏi nghĩ ngợi lung tung.
-Ðược. Ði sớm tao cũng đưa. Nhưng chuyến mấy giờ?
-Năm giờ.
-Trời ạ! Sớm quá, mi biết không?
-Nhưng như vậy thích hơn. Ở lại tới trưa hay chiều làm gì? Ðằng nào rồi cũng phải đi. Thà đi sớm.
Thục bỗng cầm lấy tay tôi. Chắc con nhỏ đang xúc động. Nhưng tôi làm thinh. Thục nói:
-Sáng mai chờ Thục nhé, mình sẽ tới đưa Phiến đi. Ðừng bắt người ta ở nhà ngủ. Làm sao mà ngủ được, đêm nay?
Hai đứa chơi thân đến độ mày tao loạn, nhưng thỉnh thoảng trong những trường hợp cảm động lại xưng tên với nhau, làm ra vẻ long trọng. Tôi thấy tức cười, nhưng làm sao cười được khi gương mặt nhỏ ấy như méo xệch, có lẽ nó sắp khóc thật.
Tôi nói:
-Ừ thì đưa. Nhưng ra bến xe đừng có khóc nhé, hai đứa mà khóc ồ ồ ngoài bến xe thì thiên hạ cười chết đấy.
Thục chống chế:
-Giờ đó có ai đâu mà sợ?
-Vẫn có đông người đi như thường.
-Rồi. Không khóc.
Tôi cười với Thục:
-Tao sẽ cố gắng không khóc nhưng sợ mi khóc ẩu buộc tao phải khóc theo. Kỳ lắm.
-Lên trên đó biên thư về liền nghe. Kể chuyện trên đó cho tao nghe. Nhất là khi vào trường, có bạn mới.
-Sẽ biên thư tức khắc.
-Sợ mi quên quá à.
-Nhớ.
-Nếu quên thì ráng bứt đứt một sợi tóc để nhớ nhé...
Tôi cười. Mấy đứa chơi với nhau, con gái thường chỉ lăng xăng được cái miệng, lại chúa nghi ngờ kẻ khác nên thỉnh thoảng vẫn bắt đứa kia thề bằng cách bứt đứt một sợi tóc thề cûa mình làm bằng chứng cho bạn tin. Kể ra, mỗi đứa cũng đã bứt đứt của mình ít ra vài sợi tóc. Thục sinh cùng năm với tôi nhưng khác ngày tháng. Tính ra Thục nhỏ hơn tôi vài tháng. Nhưng nó không gầy như tôi. Nước da Thục trắng hồng, khổ người vừa vặn, mắt to đen, tóc dài óng ả. Con nhỏ hình như được tụi nó bầu làm hoa khôi trường Lê Ngọc Hân năm nay. Con trai Nguyễn Ðình Chiểu nhiều đứa lóng ngóng chờ Thục trước cổng trường. Kể luôn vài người lính biển ở đây nhưng không biết nhỏ Thục có "dính" với một ông nào chưa. Chơi thân với nó mà tôi vẫn không biết rõ. Còn những chuyện để trêu chọc nhau thì không thiếu gì, như chuyện anh chàng lính biển bữa nào, chẳng hạn. Những chuyện ấy cứ xếp dài theo những ngày tháng quanh Thục. Còn Thục có bồ chưa thì chỉ có trời mới biết được. Con nhỏ bình thường chuyện gì cũng lăng xăng như ruột để ngoài da, nhưng chuyện "tâm tình" xem bộ cất kỹ lắm. Thục có một ông anh họ (liên hệ gia tộc đàng hoàng) nghe nói đã học Y khoa Sàigòn. Ông anh này tên gì tôi quên mất, nhưng nhớ có lần gặp ở nhà Thục. Con nhỏ không có anh trai, chỉ có hai đứa em trai kế và một đứa em gái út. Bố mẹ Thục còn trẻ, rất cởi mở. Gia đình Thục khá giả. Con nhỏ thật may mắn được sống trong một gia đình đầy đû bố mẹ, được thương yêu chiều chuộng dù là con gái lớn. Trái ngược với tôi, chỉ có một mình.
Nhiều khi tới nhà Thục chơi, hai đứa ở trong phòng riêng, nằm bên nhau tôi hay so sánh chỉ tay cûa Thục với chỉ tay của tôi. Con nhỏ có những chỉ tay thật thanh thản, còn tôi, bàn tay toàn những đường rối rắm, khúc mắc. Tôi cũng tự so sánh mình với Thục. Nước da tôi không trắng như nước da của Thục. Mắt tôi cũng to đen nhưng buồn quá, không sáng long lanh như mắt Thục. Tóc tôi cũng dài, đen mượt như tóc Thục, nhưng thỉnh thoảng sau một đêm ngủ dậy tôi nhìn thấy những sợi tóc bị đứt rơi dính trên gối. Tôi cứ cầm mãi những sợi tóc đó ngắm nghía, tiếc nuối vu vơ. Tôi gầy hơn Thục và cao hơn nhỏ ấy một chút xíu nên đôi lúc hai đứa mặc lẫn áo của nhau được thật là vui. Thục có nhiều quần áo. Ðủ thứ, đủ kiểu. Quần áo của nhỏ Thục cả một tủ thật đầy thấy mê. Còn tôi chỉ vỏn vẹn vài ba chiếc áo dài thay đổi. Nhiều khi tụi nó tổ chức đi chơi đi sinh nhật, hội hè, tôi thiếu điều phải trốn vì ngượng khi phải mặc mãi mấy chiếc áo cũ. Thục có căn phòng riêng, tủ áo, bàn học, tủ sách, máy hát, bàn trang điểm và những con búp bê xinh xắn bày ở những nơi nào Thục thấy thích. Còn tôi phải ngủ chung với mấy đứa em. Bàn học là bàn ăn cơm. Tủ áo là một cái rương cũ...Tôi có phải là đứa con gái bất hạnh không? Nhiều khi tôi nghĩ tới ba tôi. Ông là ai? Mẹ tôi chưa từng nói gì về ba tôi cả. Nhưng tôi vẫn có cảm tưởng là ông vẫn còn sống và ở đâu đó gần với tôi lắm, hay ít ra cũng không xa như một cái chết chẳng hạn.
-Lên trên đó chắc Phiến sung sướng hơn. Phải không?
Tôi dửng dưng:
-Không rõ lắm.
-Dì Phương chắc là thương Phiến lắm mới đề nghị như vậy?
-Có khi vì một nguyên do nào khác, biết đâu.
-Còn nguyên do nào nữa ngoài tình thương? Chưa chi Phiến đã bi quan rồi. Ít ra, trên đó, Phiến biết chắc tương lai của mình.
-Mọi chuyện đều có sự xếp đặt của định mệnh. Mi tin định mệnh không Thục?
-Không hẳn. Những lúc gặp bế tắc, tao cho là tại "cái số"...
-Bây giờ ta đang tin vào định mệnh. Cứ nhắm mắt như người ngủ trong rừng. Khi mở mắt ra, định mệnh sẽ ở trước mặt.
Thục cười giòn:
-Một ông hoàng tử chăng?
-Ta không mơ ước chuyện đó đâu, nhỏ ạ.
Thục lại dắt xe. Hai đứa đi dọc theo bờ sông. Có lúc tôi nghe như da mặt mình có những bụi nước li ti bám vào lành lạnh. Có lẽ gió mang tới. Ánh đèn từ trên cao tỏa xuống một khoảng sông, mặt nước đục lờ. Những bóng cây chao đổ, thả dài, Hai chiếc bóng của tôi và Thục cứ lướt tới chậm chạp theo từng bước chân đi. Nếu Thục không tới kéo tôi đi, có lẽ giờ này trong ngôi nhà chật hẹp đó, tôi đang tìm một góc nào để ngồi khóc một mình, không để ai thấy. Hoặc tôi đang sắp xếp lại va ly, những cuốn sách, những đồ dùng lặt vặt. Hay là tôi ra ngoài bờ mương ngồi nghe mùi đất ẩm xông lên, mang theo mùi hương hoa nhài thơm ngát cùng với mùi của những chiếc lá mục chung quanh. Ngày mai tôi một mình lên xe về thành phố khác, sẽ sống một hoàn cảnh khác, một đời sống khác. Tôi có cảm tưởng chỉ ngày mai thôi, mọi thứ sẽ thay đổi hết. Và cảm tưởng này làm lòng tôi bâng khuâng chen lẫn với một chút cuống quýt, bàng hoàng. Ngay bây giờ, tôi muốn có một giấc ngủ bình yên, để sáng mai trở dậy, lên đường.
-Tiễn Phiến bằng một ly nước dừa quay với đậu xanh nhé. Mình đi tới quán kem đằng kia đi.
Tôi lẳng lặng đi theo Thục ra khỏi cổng công viên. Hai đứa băng ngang con đường. Tôi bỗng bồi hồi như thấy được những con sông đang lặng lẽ chìm khuất phía sau lưng.
Chọn chiếc bàn trong góc quán, hai đứa ngồi nhìn qua cánh cửa chắn bằng lưới mắt cáo để thấy mặt nước lóng lánh ánh đèn bên dưới. Người hầu bàn đem hai ly nước tới đặt trước mặt hai đứa.
Thục ngậm vào ống hút, tủm tỉm cười:
-Uống đi mi, để nhớ.
-Có khi nào uống để quên không?
-Có chứ. Nếu Sàigòn biến mi thành con người bội bạc.
-Ta sẵn sàng ca bài "sang ngang" ướt át cho mi nghe.
Hai đứa vừa ngậm ống hút hút nước dừa, vừa cười. Quán kem này quen thuộc với bọn học trò chúng tôi. Kem ở đây luôn luôn có nước cốt dừa, những thìa kem lạnh, béo ngậy nước cốt dừa và thơm mùi trái cây, chắc chắn sẽ làm tôi nhớ chết được. Nhạc trong quán đang phát ra những lời buồn nhắc nhở kỷ niệm. Tuy vậy, không làm tôi buồn bằng khi nhìn vào đôi mắt Thục. Mặc dù hai đứa vẫn cười nói huyên thuyên, nhưng mắt đứa nào cũng long lanh chực khóc. Tại sao không? Khi hai đứa đã có nhiều những năm tháng để sống với nhau hơn cả ai khác trong gia đình. Tôi quyết định bất ngờ thật, đúng như Thục nói. Bây giờ ngồi đây nhìn xuống mặt sông, phía bên kia là những ngôi nhà sàn in bóng rồi một đêm nào đó trăng thả ánh vàng xuống đầy mặt nước. Ôi chao là thương nhớ. Có lẽ tôi cũng đang hối tiếc và se lòng một chút khi nghĩ rằng từ ngày mai tôi đã rời khỏi nơi đây.
-Mai mốt có phim mới nhớ đi xem giùm tao, Thục nhé? - Tôi nheo mắt nói.
-Tao sẽ mua hai vé, dành cho mi một chỗ ngồi.
-Chắc không? Hay có anh chàng nào ngồi thế vào đó?
-Tao chung tình lắm mi ạ. Mi đi rồi ta nhớ mi bắt ốm tương tư.
-Nhặt lá me trước cổng trường biên thư cho ta nhé.
-Sẽ gởi cho mi một mùa lá me bay vàng mặt đường.
-Cho gửi lời chào những người quen của mi trước cổng trường mỗi tối. Khi nào "có gì" nhớ biên thư cho ta biết với.
Thục trầm mgâm:
-Năm nay, mùa hè, ai đi với ta vào vườn thăm mùa trái cây?
-Khối đứa đi với mi, Thục ạ.
-Nhưng làm sao có đứa nào thay thế được mi?
-Ta sẽ cố gắng về trong mùa hè. Cố gắng về kịp mùa trái cây.
-Chờ hoài không thấy mi về, ta sẽ ra bến xe mỗi chiều ngồi khóc.
Hai đứa lại cười khúc khích như chỉ là chuyện đùa mỗi ngày. Uống hết ly nước dừa to lớn, tôi no như nỗi buồn đầy tràn trong trái tim nhỏ bé của mình. Thục trả tiền rồi bắt tôi ngồi lên phía sau cho nó chở. Hai đứa đi lòng vòng quanh thành phố, qua cầu, chạy thẳng xuống một con đường đầy bóng tối. Thục lại quay xe về. Ngang trường học của hai đứa. Lê Ngọc Hân nằm đó, im lìm dưới những tán me già. Khu nhà phía sau trường mỗi buổi trưa bay sực nức mùi thức ăn làm đứa nào cũng đói bụng, hít mũi lia lịa. Dãy lớp nào có "ma", cầu thang nào lạnh tanh mỗi buổi sáng sớm. Nhà để xe, ông gác dan già quen thuộc tóc muối tiêu ngồi ngủ gục giữa hai cánh cổng. Những gương mặt bạn bè, tình thân thiết giữa các cô thầy giáo và lớp học. Những mùa hội diễn, những đêm thức khuya làm bích báo, những kỳ thi gian nan. Tất cả, ngày mai tôi sẽ bỏ lại hết sau một chuyến xe lên đường.
Thục đưa tôi về tới nhà. Nó không vào. Hai đứa chia tay bên hai đầu cầu. Thục dặn:
-Sáng mai nhớ chờ tao tới rồi hãy đi nhé. Có biên thư cho tao thì biên sẵn đi, một bức thư thật dài nhé.
Tôi cười:
-Làm như mi là người yêu của ta không bằng. Hở ra một bước là biên thư. Miễn.
Thục yên lặng quay đi. Tôi thấy nhỏ ấy lên xe đạp đi với cái bóng thấp thoáng giữa hai dãy rào dâm bụt bông đỏ và dưới những tàu lá dừa đong đưa. Tôi lủi thủi vào nhà, bất chợt ngửi thấy mùi hoa sen trong đêm thoang thoảng.
Tôi thức dậy rất sớm, loay hoay mãi với cái va ly nhỏ và trăm thứ lặt vặt ngổn ngang. Tại sao tôi tham lam thế? Tôi chỉ muốn đem theo hết từ đôi guốc đứt quai cho tới chiếc gối nằm đẫm nước mắt mỗi đêm.
Mẹ tôi thấy vậy nói:
-Con chỉ mang theo quần áo, sách vở học, những đồ dùng thật cần thiết thôi. Còn thì phải bỏ lại. Lên đó, dì Phương sẽ mua sắm cho con những thứ khác. Mang theo làm gì cho chật chội và nặng nề?
Tôi cười buồn:
-Con còn muốn mang theo cả đôi guốc đứt. Nó làm cho con bùi ngùi khi nghĩ rằng con phải bỏ lại những gì đã gần gũi quen thuộc quá với con.
-Rõ lẩn thẩn. - Mẹ tôi chép miệng nói.
Bà đâu có hiểu tâm trạng của tôi bây giờ, đứa con gái lần đầu tiên rời gia đình về một nơi ở lạ. Những vật gì cho dù là tầm thường nhất trong ngôi nhà này cũng đầy vẻ quen thuộc trìu mến mà tôi cần có. Nếu tôi có thể hái theo những cái hoa sen dưới ao kia, tôi cũng sẽ không ngại ngùng gì mà chẳng mang đi.
Mẹ tôi nấu nước pha cho tôi ly cà phê sữa. Bà nướng lại bánh mì và bắt tôi ăn. Vừa ăn tôi vừa nghe bà nói chuyện về dì Phương. Căn dặn tôi đủ điều khi lên trên đó. Tôi nghe mà tưởng chừng mình sắp khóc đến nơi. Miếng bánh mì đang nhai bỗng nghẹn ngang cổ. Có nghe những lời dặn dò của mẹ trong buổi sáng hôm nay tôi mới biết bà thương tôi nhiều lắm. Giữa mẹ tôi và tôi, cho đến lúc này mới thể hiện được hết tình mẹ con cốt nhục. Bà nói nhiều, nhưng tai tôi lùng bùng và mắt nhòa đi. Tôi cắn môi ngăn những giọt nước mắt sắp trào ra. Thế là từ đây tôi như con chim nhỏ bay ra đời một thân một mình, xa khỏi sự chăm chút của mẹ tôi rồi sao?
Dượng Tư còn ngủ, các đứa em của tôi cũng vậy. Ngôi nhà này sáng hôm nay tự nhiên vắng lặng lạ thường. Chỉ có hai mẹ con tôi ngồi ở chiếc bàn ăn cơm dưới ngọn đèn xanh mướt. Bên ngoài có tiếng gió thổi luồn qua vườn cây, trời lành lạnh. Tôi đã sửa soạn xong, chỉ còn chờ Thục tới đưa tôi ra bến xe. Tôi nhìn quanh căn phòng lần cuối, như muốn thu hết vào trí nhớ những đồ vật sắp sửa bỏ lại. Tôi thu cả hình ảnh của mẹ tôi vào tim óc.
-Bạn con bao giờ tới?
-Dạ, chắc nó cũng sắp tới.
-Mới đầu mẹ định đưa con ra bến xe.
-Con đi một mình cũng được mà mẹ. Nhỏ bạn sẽ đưa con đi.
Mẹ tôi chép miệng:
-Ừ, như thế cũng được. Ðưa con đi mẹ cũng chẳng biết nói gì hơn. Khi nào có được nghỉ thì xin phép dì Phương về chơi với mẹ. Mấy đứa nhỏ chắc nhớ con.
Tôi cắn môi cho khỏi bật khóc. May quá, lúc đó Thục lại tới. Tôi nghe tiếng xe của nó dắt rè rè trong sân vội chạy ra mở cửa. Thục giúi vào tay tôi một gói giấy có thắt nơ hồng cẩn thận. Nó nói:
-Quà cho Phiến đó. Hãy bỏ vào va ly. Khi nào về đến trên đó hãy mở ra nhé.
Thục vào nhà chào mẹ tôi. Trong lúc đó tôi bỏ món quà cûa Thục vào valy. Không còn chỗ nào cho cái gói giấy nữa nhưng rồi, cuối cùng, tôi vẫn tìm được cho nó một góc trong bao nhiêu thứ vụn vặt riêng tư. không biết nhỏ Thục gửi cho tôi cái gì? Con nhỏ hay có những món quà bất ngờ như thế. Từ xưa tới giờ Thục vẫn hay gửi cho tôi những món quà nho nhỏ, như cây viết tôi đang có chẳng hạn, đó là một cây viết máy có khắc tên Thục. Nó làm quà cho tôi hôm sinh nhật năm mười bảy tuổi.
Thục hỏi:
-Ði bây giờ chưa mi?
Tôi nhìn mẹ tôi. Bà nói:
-Thôi con đi đi.
-Con phải chào Dượng Tư.
Mẹ tôi nhìn vào trong buồng, lắc đầu:
-Thôi để mẹ nói lại.
Tôi tới giở mùng mà nhìn lại từng đứa em cùng mẹ khác cha với mình, trong số đó có một đứa em gái tôi thương nhất. Nó còn ngủ say. Tôi cúi xuống nhè nhẹ hôn lên má nó và tự nhiên thấy ngượng với mình.
Tôi chào mẹ tôi lần nữa, rồi cúi xách chiếc va ly nhỏ đi theo Thục. Mẹ tôi đưa tôi ra cửa. Bà đứng lại trong sân. Cuối cùng bà chỉ dặn một câu được lặp đi lặp lại nhiều lần:
-Lên trên đó nhớ biên thư về cho mẹ nghe.
Tôi dạ nhỏ, đi nhanh theo Thục. Tôi không dám nhìn lại phía sau. Ở đó, hình ảnh của mẹ tôi mờ nhạt trong bóng tối. Ngôi nhà tôi đã từng sống - dù tạm bợ, trong những ngày thơ ấu. Cây trứng gà đang mùa trái, ao sen thơm ngát, khoảng sân tôi đã trồng nhiều hoa mười giờ. Tôi cắn môi cố bảo với mình: đừng khóc Phiến ạ, mi khóc là mi chùn bước. Tôi đưa tay đỡ một tàu lá chuối non khi bước qua cầu. Tàu lá sũng nước làm bàn tay tôi lạnh giá. Sương đêm còn đọng nhiều trên lá cây. Không khí lạnh gây gây mùi cỏ.
Thục ngồi lên xe. Tôi ngồi phía sau nó, va ly ôm nghiêng một bên. Nó quay lại dặn:
-Khi nào mỏi tay thì nói mình ngừng xe, đổi va ly sang tay khác.
Tôi nói:
-Không mỏi đâu. Mi chạy đi.
-Mi đem theo những gì mà xem chừng cái va ly nặng trịch thế kia?
Tôi cười buồn:
-Gần hết.
-Chỉ khéo lo. Lên trên đó mi sẽ có đầy đủ những gì mi muốn.
Ai cũng nói với tôi như thế. Nhưng biết đâu được. Những món đồ yêu dấu đầy kỷ niệm của tôi làm sao tôi bỏ lại được...Thục đạp xe ra đường. Tôi đã bỏ xa con ngõ vào nhà với những cây dừa trái đỏ, hai dãy rào dâm bụt bông đỏ thắm buông rũ xuống thành những quả chuông dễ thương. Hồ chứa nước của tỉnh lỵ nằm phía bên tay mặt tôi. Cái hồ rộng lớn, nước xanh rờn vào buổi trưa, bây giờ hãy còn chìm trong bóng tối. Phía sau tôi là phi trường, một vài khi tôi thấy những chiếc trực thăng đậu trong đó. Và hướng trước mặt tôi là bến xe. Con đường không được tráng nhựa và những viên đá xanh nhọn hoắt làm tôi ghê gai và làm chiếc xe đạp cûa Thục nhảy chồm chồm mấy lần suýt ngã. Con đường mãi tới đầu ngã ba mới có đèn. Nhưng tôi nhắm mắt cũng nhớ từng cục đá, từng gốc cây, từng ngôi nhà quen đã bỏ lại.
Thục nói:
-Sáng nay trời lạnh ghê.
Tôi cười khúc khích:
-Vậy mi có quyền...viết nhật ký nói ta đưa nhỏ Phiến đi trong một buổi sáng còn đầy hơi sương.
Thục thêm vào:
-Sương thu và gió lạnh?
-Bao giờ viết nhật ký nhớ xé ra một tờ gửi lên cho tao xem, mi nhé.
-Ở đó mà thèm xem. Thiếu gì người tán hươu tán vượn làm mi quên ta.
Tôi cười:
-Ma lem ai mà thèm tán. Tao sẽ cô đơn suốt đời để gọi là chung thủy với mi đó Thục ạ!
-Nghe tin mi...có bồ, chắc tao nhảy xuống sông tự tử. Hay qua Cồn Phụng ăn chén cơm chay, uống nước sông giải oan lời thề.
-Á, à nhớ qua thăm hàng gỏi cuốn bên đó giùm tao.
-Bây giờ có nhỏ nào rủ qua đó chụp hình ta nhớ mi chết thôi. Nụ cười của mi đó, chiếc răng khểnh đâu bẻ đưa đây cho ta làm kỷ niệm.
Hai đứa cười vang. Chỉ khi tới ngọn đèn đầu đường tiếng cười mới im được. Cứ vậy đi Thục. Hãy nói với nhau những chuyện vui, chọc cho nhau cười. Bây giờ mà nói chuyện buồn và hai cái mặt đưa đám buổi sáng thì chỉ có nước...khóc mà thôi.
Thục nói:
-Mi đi chuyến sau để hai đứa còn đứng với nhau thêm một chút nữa chứ?
Tôi gật đầu.
Thục nói:
-Vào quán ăn phở.
-Ăn sáng rồi. Mẹ bắt ăn. Nhưng mi mời chẳng lẽ ta từ chối. Nhưng ăn hủ tiếu Mỹ Tho đi, kẻo lên đó thèm bắt nhớ.
Hai đứa vào một ngôi quán bên cạnh bến xe. Còn sớm nên quán chỉ lưa thưa vài người đàn ông đạp xích lô ngồi nhấm nháp cà phê, tán gẫu, vẻ nhàn hạ thong thả.
Thục dựng xe ngoài cửa. Tôi xách va ly theo nó đi vào trong. Chúng tôi thích ngồi chiếc bàn trong góc quán. Ở đây đặc biệt chỉ có hủ tiếu Mỹ Tho. Thỉnh thoảng bọn tôi vẫn rủ nhau ra đây ăn. Cả bọn bao quanh một chiếc bàn tròn lớn, những cái miệng đua nhau nói, những bàn tay giành giựt mấy dĩa giá sống, rau cần, ngò tây...con gái họp lại với nhau đúng là cái chợ, nhưng tách riêng rẽ từng đứa một thì ngậm im như tảng băng trôi. Giã từ Lê Ngọc Hân, những đứa bạn nhỏ áo dài trắng, guốc gỗ kéo lê trên đường, những quán ăn thường lui tới, nơi nào có gì ngon, lạ, những chủ nhật lang thang trong vườn hoặc xuôi đò sang Cồn Phụng. Những giờ nghỉ bất thường của một ông giáo sư nào đó, cả bọn kéo nhau vào vườn ông Khánh, một sở thú bỏ túi, nhìn những con thú nuôi trong chuồng, nhìn hoa kiểng, cây trái. Những buổi tối đi ăn chè về ngang một cây vú sữa trĩu cành, cả bọn tìm cách hái trộm chia nhau ăn, nói cười rộn rã. Học trò tỉnh lỵ đó. Thời con gái của tôi đã vang những bước chân nơi đây, những mùa mưa đi qua, những chiều nắng muộn. Áo trắng qua đường thắp sáng những khu phố đìu hiu, quạnh quẽ. Bạn bè của tôi ở Lê Ngọc Hân chắc sẽ nhớ tôi từng ngày và tôi cũng từng ngày nhớ về nơi đó.
Thục bỗng nói:
-Mi đi, nhóm mình chắc cầm đèn đỏ mọi môn. Cho rã là vừa.
-Ðừng quan trọng hóa một người như vậy, nhỏ ạ.
-Không ai ăn nói khôn khéo, có duyên như mi để bắt tụi Nguyễn Ðình Chiểu mua báo xuân của tụi mình nữa.
-Nhỏ Phúc.
-Thiếu mi là thiếu tất cả. Mi là linh hồn của lớp, của trường mình.
-Trời ạ, sáng nay mi thổi bay ta lên cao như cái bong bóng màu vậy?
-Thật đó. Nhiều cái mất mát chứ không phải chỉ một chỗ ngồi bỏ trống.
-Sẽ có nhỏ khác thế vào. Rồi thành bạn thành nhóm. Biết đâu nhỏ khác dễ thương hơn ta.
-Không và không bao giờ có nhỏ nào dù dễ thương đến đâu thay thế được mi, Phiến ơi.
-Làm ta cảm động quá đi Thục ạ.
Hai đứa cắm cúi ăn để khỏi phải nghĩ ngợi lung tung. Tôi không đói nên chỉ ăn qua loa rồi gác đũa. Thục nhìn tôi, hỏi uống gì, tôi nói chanh muối làm nó có vẻ ngạc nhiên, nhưng rồi nó cũng gọi hai ly chanh muối cho tôi và nó. Ngồi nhăn nhăn cái vỏ chanh nâu nâu với vị đắng nơi đầu lưỡi(tôi nghĩ thầm rằng mình cũng sắp sửa bỏ đi những ngày tháng êm đềm mật ngọt đang có để lao vào chuỗi ngày cay đắng sắp tới). Ở thành phố đó tôi sẽ là con bé lơ ngơ, quê mùa chưa biết gì. Trong ngôi nhà đó tôi hoàn toàn xa lạ ngỡ ngàng. Phải mất bao nhiêu ngày để làm quen? Rồi những đứa bạn mới của tôi ở trường. Những giáo viên lạ, những con đường đi, về cả chỗ ngồi, khung cửa lớp? Tôi luống cuống nghĩ tới chuyện mới mẻ ấy. Quả thật, đời sống từ hôm nay đối với tôi đã trở thành mới mẻ xa lạ.
-Nghĩ gì mà thừ người vậy Phiến?
-Ta đang nghĩ không biết trường mới có đẹp bằng trường mình không?
-Chắc chắn là đẹp hơn rồi.
-Nhưng có dễ thương được như trường mình không?
-Rồi mi cũng sẽ thương nó như đã thương Lê Ngọc Hân.
-Không. Nếu có thương thì tình thương đó sẽ khác. Hai tình thương ở hai ngăn tim.
-Anh Thường bảo trường đó đẹp lắm. Con gái ở đó nổi tiếng.
Bây giờ tôi mới nhớ ông anh họ của Thục. Ông ta tên Thường, cái tên...thường như thế mà tôi lại không nhớ được.
Tôi nheo mắt hỏi:
-Ông anh của mi sắp ra trường chưa?
-Hai năm nữa. Hiện giờ ông ấy đã đi thực tập ở các bệnh viện. Coi chừng hôm nào mi cảm gió phải vào nhà thương sẽ gặp ổng.
-Ông ấy mà thành bác sĩ kể cũng lạ lùng như chuyện thần tiên.
-Mi chê ông Thường à?
-Không phải chê nhưng cái nghề thầy thuốc có vẻ không hợp với ổng.
-Chứ mi bắt ổng làm nghề gì?
-Cũng có một chữ sĩ đằng sau nhưng không phải là bác sĩ.
-Ca sĩ à?
-Không. Thi sĩ hay văn sĩ. Ông Thường trông ngẩn ngơ con cá vàng quá. Tao gặp ông ta một lần...Này Thục, ổng bốn mắt phải không?
-Mi nhớ tài quá. Nhớ rõ vậy còn làm bộ hỏi. Thôi nhỏ ơi. Có gì ta giúp cho.
-Xàm.
-Ta đã có ý định biên thư cho ông Thường nhờ săn sóc cho mi đó. Chắc là mi sẽ cảm thấy bơ vơ nơi xứ người?
-Nhưng không đến nỗi cần tới ông anh họ của mi giám hộ đâu.
-Mặc kệ. Ta vẫn cứ nhờ. Khi nào được thư mi là ta sẽ biên thư cho ông ấy ngay. Hứa hẹn một ngày đẹp trời anh chị gặp nhau mà không hiểu...tại sao. Yên chí, đừng có ngạc nhiên quá lắm.
Tôi không nói gì thêm chỉ cúi nhìn chiếc đồng hồ cũ kỹ mẹ tôi cho. Sáu giờ kém hai mươi. Tôi nói với Thục:
-Ði thôi, muộn rồi. Ta sợ phải nhìn thấy trời sáng.
Thục đồng ý, nó gọi người tính tiền rồi đứng lên với tôi. Hai đứa ra chỗ chiếc xe đang sửa soạn chạy. Một vài người ngồi trên đó. Thục dựng xe đạp chạy vào mua cho tôi mấy gói kẹo chuối, nó bắt tôi phải cầm lấy. Ngượng ghê, nó cứ làm như chị tôi không bằng. Nó còn mua vé xe cho tôi nữa. Chiếc xe xanh. Người lơ xe chỉ chỗ cho tôi ngồi nhưng tôi cứ đứng im một chỗ nói chuyện với Thục. Một lúc, xe đủ người, sắp chạy tôi phải lên ngồi. Bây giờ chỉ còn mình Thục đứng dưới đất, ngoài cửa xe. Ánh đèn soi nghiêng gương mặt nó đẫm nước mắt. Tôi biết, Thục khóc, tôi phải vờ cúi xuống soát lại mấy bao kẹo Thục cho để khỏi phải khóc theo. Nhưng nước mắt tôi cũng ứa ra. Xe chạy. Thục hấp tấp dặn với theo với giọng mềm nước mắt:
-Nhớ biên thư về liền nghe nhỏ.
Tôi gật đầu đáp lời Thục. Chiếc xe lao ra khỏi bến. Tôi không dám nhìn lại phía Thục nên không biết nó lủi thủi đạp xe về hay chưa?
Tôi sợ người khác nhìn thấy mình khóc nên vội lấy kính râm ra mang vào. Trời rựng sáng, hàng cây bên đường rõ dần với những bông hoa đỏ. Những ngôi nhà còn thiếp ngủ trong sương. Xe qua cầu, rời ranh giới tỉnh lỵ. Tôi nghe những cơn gió mạnh thổi lộng vào xe, đùa mái tóc tôi qua bên người lính ngồi hút thuốc bên cạnh. Tôi hơi nghiêng đầu dựa vào cửa xe hình dung ra mẹ tôi ở nhà, rồi dượng Tư và những đứa em. Sau đó là hình bóng Thục đang lặng lẽ một mình đạp xe trở về nhà bằng con đường cũ, giờ đã không còn tôi.
Giọng nói của người lính làm tôi giật mình:
-Tại sao cô khóc?
Tôi lắc đầu, cười nhẹ rồi quay vội đi vì sợ phải trả lời. Xe ra quốc lộ, nó chạy thật nhanh. Tôi thấy lờ mờ những cánh đồng, những hàng cây, những ngôi nhà lờ mờ hiện ra rồi mất hút.
Bến xe Sàigòn hiện ra trong mắt tôi dưới màu nắng chói chang. Chiếc xe vào chỗ đậu. Tôi xuống theo mọi người. Một cơn chóng mặt nhỏ làm tôi lao đao chấp chới mất mấy phút mới khỏi. Một người đàn ông đạp xích lô tiến tới ra dấu hỏi. Tôi không biết từ bến xe về đường Tú Xương có xa lắm không. Người đạp xích lô có đạp nổi không. Dù sao, đi xích lô đạp tôi cũng quen hơn là các loại xe khác. Mỹ Tho chỉ toàn xích lô đạp, gần như không có một chiếc taxi nào. Ở đó đi xích lô đạp thật thú, vì đường gần, lại được bóng me hai bên che mát chứ không bị nắng chói chang như ở đây.
Người lính lúc nãy cũng hỏi tôi:
-Cô đi về đâu?
Tiện dịp, tôi cười, hỏi luôn:
-Ðây về đường Tú Xương xa hay gần, ông?
-Xa. Cô phải đi taxi mới được.
Rồi người ấy cười, hỏi thêm:
-Cô mới lên lần đầu à?
Tôi xấu hổ không dám trả lời. Gần mười chín tuổi, ra vẻ người lớn mà không biết Sàigòn là chốn nào, quả thật tôi quê hết sức. Nhưng ký ức trong tôi về một hai lần theo mẹ lên chơi nhà dì Phương cũng không giúp tôi nhớ gì hơn ngoài hình dáng ngôi nhà, mà có thể bây giờ đã đổi khác hết. Còn Sàigòn đối với tôi là một thành phố quá rộng lớn. Những con đường dài mút mắt, tôi như bị rơi vào trong đó với cảm tưởng mình bé nhỏ, lạc lõng như ngày xưa. Mẹ tôi vẫn thường nói: đường đi ở trong miệng mình. Tôi không sợ lắm, nhưng vẫn phải nhận rằng có chút bối rối khi nghe người lính hỏi tôi câu đó.
-Tôi đón cho cô một chiếc taxi nhé?
Và người lính ấy đón cho tôi một chiếc taxi thật. Ông ta nói với người tài xế lúc tôi leo lên xe ngồi:
-Chạy về đường Tú Xương.
Rồi người lính cười thiện cảm, hỏi tôi:
-Cô có biết nhà không?
Tôi hấp tấp gật đầu và cũng hấp tấp nói cám ơn ông ta trước khi xe vụt chạy. Tôi ngồi nhìn ra hai bên đường. Khu bến xe đã ở lại phía sau. Bây giờ xe đang chạy trên một con đường rộng lớn, một chiều. Tôi hơi chóng mặt vì người và xe cộ ở đây quá đông. Nhà cửa thì san sát và tiếng động ồn ào nữa. Cái nắng chói chang, nhưng đồng hồ còn kém mười phút nữa mới chín giờ. Tôi tới Sàigòn vào buổi sáng. Giờ này rất nhiều người còn đang ngủ, nếu họ không bận việc. Tôi ngồi nhớ lại vị trí ngôi nhà của dì Phương, số nhà tôi có biên vào mảnh giấy nhỏ để hờ khi mình quên. Nhưng làm sao tôi có thể quên một việc quan trọng như vậy.
Ông tài xế quẹo loanh quanh mấy ngã đường, tôi cố tìm đọc tên đường nhưng không làm sao đọc được vì xe chạy quá nhanh. Một lúc, ông ta nói:
-Ðây là đường Tú Xương. Khi nào tới nhà cô nói tôi ngừng nhé?
Nghe vậy, tôi lóng ngóng nhìn ra hai bên đường, một lúc, tôi biết số nhà của dì Phương ở bên tay phải. Và tôi cũng nhìn thấy tấm bảng số ấy ở trước mặt mình. Tôi lật đật nói với ông tài xế:
-Cho xuống đây, bác ơi.
Chiếc taxi dừng lại đúng ngay cổng. Tôi bước xuống, đặt chiếc va ly dưới chân, lấy tiền trả cho ông tài xế. Chiếc xe khuất ở đầu đường tôi mới quay nhìn cánh cổng đóng kín. Ngôi nhà vẫn như trong trí nhớ của tôi, chỉ khác, đám hoa giấy dường như đã um tùm hơn, nó leo cả ra ngoài những song sắt rào và dường như không được cắt tỉa ngay ngắn. Tôi ngần ngại một lúc rồi đưa tay ấn nút chuông điện. Tôi không phải chờ đợi lâu, ở trong nhà đã có người đi ra phía cổng. Có lẽ đấy là người giúp việc, chị ta nhìn qua cửa hỏi:
-CÔ tìm ai?
Tôi mỉm cười, hỏi:
-Dì Phương có nhà không chị? Tôi là cháu của dì ở Mỹ Tho lên.
Chị nói:
-Bà đi vắng rồi. Chỉ có cô Thư và cậu Huy ở nhà.
Vừa nói chị vừa mở cánh cửa nhỏ bên cạnh cho tôi bước vào. Tôi thoáng trông thấy Thư ra đứng trước thềm. Thư là con gái lớn của dì Phương, chị của Huy. Hình như Thư nhỏ hơn tôi một tuổi. Chẳng biết nó còn nhớ tôi không.
Tôi theo chị người làm đi vào, qua vuông sân rộng. Bước chân của tôi ném trên sỏi không giấu được nỗi ngại ngùng bối rối. Thư cũng nhìn tôi, con nhỏ đẹp quá và khác xưa nhiều quá. Nó mặc bộ đồ ngủ màu hồng có những cái hoa trắng lớn, trên tay có cầm cuốn sách.
Chợt Thư reo lên:
-A, chị phiến. Phải chị Phiến không?
Tôi mỉm cười với nó, gật đầu. Thư nhảy xuống thềm nắm lấy tay tôi. Nó cười khúc khích:
-Trời ơi, chị lạ ghê, nhìn mãi một lúc mới nhận ra. Sao chị lên chơi mà không cho hay trước vậy?
-Tại đi gấp quá không cho hay kịp.
-Chị vào nhà đi. Mẹ Thư đi vắng trưa mới về. Ở nhà chỉ có mình Thư và thằng Huy.
Chị người làm định xách va ly cho tôi nhưng tôi giành lấy. Thư dắt tôi vào nhà. hai đứa ngồi trong phòng khách. Thư nói:
-Tưởng cũng một tuần nữa chị mới lên chứ? Mẹ Thư có nói chị sẽ lên ở trên này. Trời ơi, tụi em mừng ghê. Có thêm chị thì vui biết bao nhiêu. Ở nhà chỉ có hai đứa nhiều khi buồn ghê gớm.
Tôi ngó quanh căn phòng khách sang trọng, rộng gấp năm lần ngôi nhà của dượng Tư. Chị người làm mang nước lên. Tôi không khát lắm nhưng vì Thư tôi cũng uống một ngụm.
Thư hỏi:
-Chị đi chuyến mấy giờ mà lên sớm quá vậy?
-Sáu giờ.
-lúc đó Thư còn ngủ khò. Sao không có dì cùng lên?
-Mẹ chị bận. Bà ít khi đi đâu xa được.
-Phải có dì cùng lên chắc là vui hơn nữa. Chắc dì có thêm nhiều con, Thư chẳng biết gì hết.
Tôi cười gượng:
-Chị có một lũ em đông như bầy chim. Mẹ chị phải quây với chúng suốt ngày như cái chong chóng.
-Tội nghiệp dì ghê. Chắc dì già lắm nhỉ?
-Có lẽ.
-Lâu quá Thư không gặp dì.
-Bây giờ Thư lớn và xinh quá. Chắc mẹ chị có gặp cũng nhìn không ra.
-Chị nhìn ra không?
-Ngờ ngợ, nhưng sau đó thì nhận ra ngay.
Thư cười giòn, nó lật cuốn sách nhưng không nhìn vào. Tôi bối rối không biết nói gì thêm hơn là ngồi nhìn Thư chờ đợi. Một lúc Thư nói:
-Bây giờ chị Phiến vào phòng Thư để va ly ở đó, thay quần áo. Trưa mẹ về sẽ tính. Thư mở nhạc cho chị nghe nhé?
Thư dắt tôi về phòng nó. Căn phòng thật đẹp, đầy đủ tiện nghi gần như không thiếu một thứ gì. Tủ áo, tủ sách, bàn học, bàn phấn. Máy nghe nhạc. Chiếc giưòng nệm trải drap trắng tinh. Cái tủ gọn gàng xinh xắn để ở góc phòng, trên đầu tủ lạnh là chiếc máy ti vi cỡ nhỏ. Thư chỉ cho tôi phòng thay đồ. Nó hỏi:
-Chị thích ngh nhạc gì nhỉ?
-Nhạc tiền chiến.
-Còn nhạc ngoại quốc?
-Nhạc tình cảm êm dịu.
-Chị không ưa nhạc kích động à?
-Không thích lắm.
Thư khoe:
-Thư có đủ hết.
Và nó đi thay vào một băng nhạc tiền chiến cho tôi nghe. Cuốn băng này thu lại chương trình nhạc chủ đề của Ðài phát thanh vào những tối thứ năm mà tôi và nhỏ Thục vẫn thường nghe mê đến nỗi quên học bài. Giọng người xướng ngôn viên nhẹ, êm, ngọt ngào tôi thích nhất, bây giờ lại được nghe bằng một máy nghe nhạc tối tân không một tiếng rè dù nhỏ như trong radio, lại càng trở nên thu hút và làm tôi sung sướng như sống trong một thứ hạnh phúc. Ðây là cuộn băng thu lại những bài hát trữ tình, được nhiều người yêu thích của một tác giả nổi tiếng chuên viết tình ca. Kể ra nhỏ Thư cũng sành nghe nhạc, biết chọn và biết thưởng thức. Nó làm tôi hài lòng và thoải mái khi nằm thong thả trên chiếc giường rộng êm ái thơm nhẹ mùi nước hoa của nó.
Thư bỗng nói:
-Quên nữa. Phải gọi nhóc Huy sang cho nó biết chị lên chứ. Mấy hôm nó nhắc chị mà không hiểu nó có nhớ không nữa. Cái thằng đó là vua đãng trí. Ba nói sau này nó sẽ là nhà thông thái. Nhóc Huy ức lắm. Chị xem nó giống y như...một nhà hiền triết.
Thư cười bỏ đi. Một lúc, có cả Huy vào. Tôi ngồi dậy bối rối vuốt lại mái tóc khi Thư giới thiệu. Huy lúng túng nói gì đó tôi không nghe rõ. Cậu bé đỏ mặt chào tôi, lớ ngớ một chút rồi lẻn mất. Thư cười giòn nói:
-Nó mắc cỡ. Nó như con gái, chị thấy không?
Tôi nói:
-Nó cũng lớn quá. Gặp ngoài đường chắc chị nhìn không ra đâu.
-Coi hiền vậy chứ đi chơi ghê lắm. Gồ ghề nhất nhà đấy. Ba Thư la hoài. Nó có mấy đứa bạn "quái chiêu" dễ sợ.
-Anh chàng để tóc dài quá. Thêm cặp mắt kiếng cận to ơi là to. Nước da trắng xanh, trông như là con gái.
-Nhà hiền triết Ai Cập đấy.
Tôi và Thư cùng cười. Thư nằm xuống bên cạnh tôi. Sự thân mật của nó làm tôi đỡ ngượng khi nằm trên một chiếc giường lạ. Nó bỗng hỏi tôi:
-Chị thích phòng Thư không?
Tôi gật đầu. Thư nói:
-Coi đầy đủ tiện nghi đấy. Nhưng có lúc Thư chán tất cả. Nhiều khi chỉ muốn bỏ nhà đi.
Tôi thấy run sợ trước ý nghĩ của Thư. Quả thực từ xưa tới giờ, sống trong ngôi nhà của dượng Tư, tuy tủi thân ghê gớm nhưng chưa bao giờ tôi có ý định bỏ nhà đi. Tôi quay nhìn sang đứa em họ. Tôi ngẫm nghĩ điều gì đã xui Thư có ý định đó. Thư còn bé quá, sống trong một ngôi nhà sang trọng, được một căn phòng riêng tiện nghi như thế này, tôi nghĩ nó phải sung sướng. Ít ra nó sung sướng hơn cả Thục.
Có tiếng chuông reo ngoài cổng. Thư nhỏm dậy ngó qua cửa sổ nói:
-Có lẽ mẹ Thư về đấy.
Tôi lại cuống quít khi nghĩ chút nữa đây sẽ gặp dì Phương. Quả thật tôi đã xa lìa tỉnh lỵ Mỹ Tho êm đềm nhỏ bé của tôi rồi. Giờ đây tôi đang ở trong một ngôi nhà lạ. Tất cả trước mắt đều xa lạ. Tôi bỗng nhớ đến mẹ tôi và ứa nước mắt. Tôi thật sự xa mẹ rồi sao?
Một Mình Tôi Bước Đi Một Mình Tôi Bước Đi - Từ Kế Tường Một Mình Tôi Bước Đi