Số lần đọc/download: 3259 / 61
Cập nhật: 2016-01-29 21:56:55 +0700
Chương 1
Cuối cùng là một câu hỏi như buột miệng vuột ra. Rồi một người trai trẻ xuất hiện. Và Toàn có cảm giác thế là đã được giải thoát khỏi tâm trạng căng thẳng trước vùng cửa rừng hoang vắng và xa lạ này. Người trai trẻ trạc hăm lăm hăm sáu, vừa cắm cúi đi ra từ một túp nhà gianh, mái phủ trùm lá mướp hương đang loe hoe những đốm hoa cuối mùa. Túp nhà chia thành hai ngăn, một để người ở, một là garage của một chiếc xe Uoát mới, nước sơn còn xanh bóng. Tay xách chiếc xà beng một đầu nhọn hoắt, một đầu tòe bẹt sáng trắng, người trai trẻ chỉ hất hàm hỏi Toàn như lấy lệ chứ không có ý kiểm tra, xét hỏi, rồi bắt tay ngay vào công việc của mình. Anh dựng một khúc gỗ long não khô cao đen bụng và lọc thọc thúc mũi xà beng vào lòng nó. Cạnh đó, cũng một khúc gỗ long não vỏ xám trắng như thế đã dựng đứng, lòng đang ngún khói.
- Chào đồng chí!
Dắt chiếc xe đạp Phượng Hoàng cũ kỹ, dây xích rão rượt chùng lõng thõng, trên giá đèo chất ngất đồ đoàn, Toàn tiến lại, trịnh trọng và rụt rè. Người trai trẻ nhỏ con, săn chắc, bắp tay nổi con chuột dừng tay thúc xà beng. Rồi đưa tay lên cái vành tai tròn như cái nấm, phẩy phẩy mấy nhát. Và nganh ngánh như lắng nghe, xa xa ầm ì lục ục tiếng máy phản lực Mỹ; gần hơn, vo ve những chấm ong vàng vẽ những đường bay tròng trành, đứt quãng.
- Chào anh.
Người nọ nói. Hàm răng cửa trắng đều, loe lóe sáng vì chiếc răng nanh bên trái bọc vàng, một kiểu trang sức quê kiểng thời thượng.
- Tôi là Toàn. - Toàn nói, cố nén cơn hồi hộp - Sáng nay tôi vào O Tròn... nhận việc...
- À, thế thì tôi biết rồi! - Người nọ bỏ xà beng, xoa xoa hai bàn tay, sốt sắng - Anh là anh giáo Toàn, dạy văn ở trường cấp ba thị xã, đúng không? Thế là sẽ có nhiều dịp đi công tác với nhau rồi đấy!
Toàn thở ra nhè nhẹ và bỗng dưng thấy khó chịu với chính mình. Tại sao lại quá nhạy cảm như vậy? Lẽ ra phải giản dị và tự nhiên hơn. Trong đời một con người, việc chuyển đổi từ vị trí công tác này sang vị trí công việc khác nên coi là bình thường, rất bình thường, chứ sao lại để nó gây ra xúc động mạnh mẽ đến mức mất cả tự nhiên như thế!
Rất may, không khí đã trở nên bình dị hơn. Người trai trẻ nọ đã bước lại gần Toàn, chìa cái cổ tay rắn chắc cho Toàn bắt:
- Tay tôi đang dở việc, xin lỗi anh Toàn. Tôi tên là Đích, lái xe cho bí thư tỉnh ủy Quyết Định. Tôi mới từ Mường Thông về tối qua. Tranh thủ đục mấy cái đõ ong. Sắp tới, heo may về là mùa ong soi, đem đõ lên đặt ở các vườương ruộng vùng cao, tha hồ mà kiếm mật, anh ạ.
Dừng lại một nhịp, người lái xe tên Đích, chỉ xuống con dốc soai soải phía sau túp nhà, giọng trở nên thân mật hơn:
- Bây giờ anh cất xe đạp vào túp nhà này. À, tối anh có về nhà không?
- Không! Nhà tôi đi học xa, đem các cháu đi Tôi ở tập thể.
- Thế thì tốt rồi. Xe đạp để đây, khi cần vào thị xã thì lấy đi. Còn bây giờ, anh theo tôi xuống cái dốc này. Rồi qua con ngòi, sang bên kia, qua một cánh rừng, mấy tràn ruộng nữa, chừng nửa cây số là tới O Tròn.
Con ngòi nhỏ rộng chừng hai chục sải từ trong rừng vầu gần đó đổ nước ra, xuôi dòng chừng nửa cây số thì bắt vào một con suối lớn. Nước liu riu đục lờ. Thoang thoảng vài vòng xoáy vân vi hiền lành. Nhộn nhịp là đám nhện nước chân cao lênh khênh như những cái gọng vó ngược dòng rượt đuổi nhau như trong một cuộc đùa giỡn vô tư lự. Và ở bên đôi bờ, thi thoảng lại dội lên tiếng cá quẫy ùm ùm, trong những chiếc hom tre và bẫy lồng lớn nổi lờ ngờ trên mặt nước. Mảng qua ngòi đang ở bờ bên này. Đó là chiếc mảng nhỏ ghép lại từ chục cây vầu già. Đầu mảng dòng một sợi giây thép lồng vào một đoạn cáp lớn bằng ngón chân cái giăng qua hai bờ.
Cám ơn Đích, trên vai một ba lô, hai bên sườn hai túi vải kềnh kệnh sách vở, Toàn dò dè từng bước xuống dốc và chậm rãi leo lên mảng. Víu tay vào sợi dây cáp, lần theo nó, chân run lẩy bẩy, trong thế chênh vênh, đưa chiếc mảng tới giữa dòng, anh mới nhận ra, ở bờ bên có bóng một phụ nữ đang chờ. Cuối cùng thì đầu chiếc mảng vầu dẫu đã biết trước nhưng khi chạm đánh kịch vào bờ đất nọ vẫn khiến anh loạng choạng suýt ngã. Giữ lại thăng bằng, anh vừa bước lên bờ thì người phụ nữ nọ đã nhẹ nhàng nhón chân leo lên mảng. Thoáng qua mắt Toàn là hình nét đôi bắp chân trắng hau dưới hai ống quần đen xắn cao cùng một gương mặt trái soan phụ nữ ở tuổi ba mươi tươi nhuần. Một chiếc khăn lụa đỏ mỏng như làm đỏm, hai đầu thít hờ hững dưới một cái cằm xẻ đôi, trắng mịn. Hai con mắt ướt rờ rỡ với hàng mi rợp dày rậm. Và một vùng ngực, eo hông thắt nở bồng bềnh trong chiếc áo cổ thêu ren hình quả tim, may rất khít vóc người.
- Cám ơn anh! May quá, tưởng phải chờ lâu mới có mảng sang.
Người phụ nữ nói, không nhìn Toàn, vừa bước lên mảng đã tỏ ra rất thành thạo, đưa tay níu sợi giây cáp. Đầu mảng chuyển vòng, rồi ghếch mũi, roàn roạt rẽ nước sang bờ bên.
Bên kia bờ, thay bóng người phụ nữ trên mảng, người lái xe tên Đích bỏ công việc đục đõ ong, đã lúc thúc chạy xuống bến:
- Chị đi Mường Thông à, chị Yên?
- Anh Quyết Định nhắn đem thêm quần áo vào cho anh ấy. Hôm họp ở Hà Nội về, anh đi thẳng lên đó, không kịp rẽ vào nhà mà, anh Đích.
Toàn cắm cúi đi được vài bước. Anh biết, trong trạng thái tâm lý như là tiếc nuối, thế nào rồi anh cũng không thể như một kẻ vô tình. Quả nhiên anh đã dừng chân. Và đúng lúc ấy, anh bỗng nghe thầy tiếng Đích từ bờ bên cất tiếng thật to gọi tên anh. Quay lại nhìn, Toàn thấy người phụ nữ nọ, một vóc hình óng ả vẫn còn đứng ở mép nước con ngòi, đang giơ tay lên cao vẫy vẫy, phía sau chị là một quầng sáng một sớm mùa thu ấm áp hồng hồng như trang điểm. Giờ thì Toàn hiểu vì sao anh nhất định quay lại nhìn người phụ nữ nọ một lần nữa. Chị đâu chỉ sở hữu một nhan sắc vừa đầm ấm vừa tưng bừng. Hình vóc chị, cử chỉ chị, lạ thay, còn phảng phất nét phong lưu yêu kiều của lớp phụ nữ khuê các, lược giắt trâm cài cao sang, đài đệ một thời, giờ đã trở nên rất hiếm hoi.
- Chào anh Toàn! Anh sang O Tròn nhận việc làm thư ký riêng cho anh Quyết Định nhà tôi đấy à?
Toàn đứng ngẩn, nghe tiếng người phụ nữ từ bờ bên hắt sang thật thanh trong, vang ngần rồi như sực nhớ, giơ bàn tay phải lên cao vẫy vẫy đáp trả. Có cảm giác như bây giờ anh mới thật sự nhận ra tình thế mới của mình. Bây giờ, nhờ người phụ nữ nọ, anh mới hiểu, thế là anh đã bước sang một hoàn cảnh sống mới, hoàn toàn mới rồi. Nhói lên trong anh một nỗi hẫng sụt và nao dậy trong lòng anh một niềm nhớ tiếc thăm thẳm cùng một nỗi buồn man mác, một nỗi buồn thoáng chút ủy mị nhưng sâu xa. Một nỗi buồn ứa lệ. Nỗi buồn thân phận. Nỗi buồn của một cuộc chia tay.
Thật tình là Toàn đã có một cuộc chia tay. Anh phải chuyển đổi vị trí công việc. Và như thế là một bước ngoặt lớn đã hiện ra thật bất ngờ trước con đường đời của anh. Anh phải chia tay với tất cả những gì đã gắn bó máu thịt, tâm cảm anh trong hơn chục năm qua, kể từ bầu không khí anh đứng hít thở tới ảnh hình, âm thanh anh từng lưu giữ. Chia tay với mái trường, với phấn trắng bảng đen, với tiếng trống trường rung vang một nhịp điệu cổ điển quen thân. Chia tay với các bài giảng. Các buổi lên lớp vừa trang trọng như đứng giữa thánh đường, vừa sôi nổi thân mật trong cảm giác hài hòa, hóa thân. Chia tay với các bạn bè đồng nghiệp. Với các gương mặt học trò tin yêu và nghịch ngợm. Chia tay với cuộc sống một ông giáo. Một cuộc sống được kiến tạo trong đều hòa, thầm lặng và yên bình. Một cuộc sống thành thật và say mê. Chia tay một nền nếp, một thói quen, một nỗ lực, một tâm niệm. Để bắt đầu làm quen với một hoàn cảnh sống mới,i các mối quan hệ mới, một kiểu sống mới với bao ái ngại, nghi ngờ và hệ quả là thế nào thì hoàn toàn còn ở phía trước, còn chưa được biết!
Thực ra thì câu chuyện đã manh nha từ học kỳ hai năm trước. Nghĩa là đã hơn một năm rồi. Lúc ấy, mấy anh học viên học lớp Bổ túc văn hóa Toàn dạy ở ban Tổ chức tỉnh ủy, qua trò chuyện riêng đã thầm báo cho anh biết, rằng họ đã đánh tiếng về Ty Giáo dục và dọn đường cho dư luận rồi. Rằng thì là bí thư tỉnh ủy Quyết Định đang rất cần một thư ký giúp việc! Và cuối cùng thì ông trưởng Ty Giáo dục, một người bạn tâm giao của Toàn, sau một hồi giải thích với cấp trên, rằng thì là Toàn đã có cả chục năm tích lũy nghề nghiệp. Rằng thì là Toàn là một cán bộ kế cận rất có triển vọng của ngành. Rằng thì là, tôi hiểu cậu này hơn ai hết, vâng, thì gọi là tiểu tư sản trí thức cũng được, nhưng rõ ràng là cá tính của cậu ta không thích hợp tí nào với công việc hành chính, chính trị. Và thật tình tôi sợ rồi lại sẽ có cuộc chia tay của cậu ấy với các anh. Sau một hồi vừa lý sự vừa giãi bày như thế với thượng cấp, ông trưởng ty đã đành phải quay trở lại với Toàn. Vỗ vai Toàn, sau một tiếng tặc lười, ông bảo: “Thôi, có khi là một cơ hội tốt đẹp với cậu cũng nên, Toàn à!”. Cơ hội tốt đẹp? Cơ hội tốt đẹp gì thế? Chẳng lẽ đây là một dịp thuận lợi cho cuộc tiến thân của Toàn? Là bởi vì đang là cái anh cán bộ tầm tầm làng nhàng lẩn vào cả trăm ngàn kẻ trong đám đông bầy đàn bỗng được tách ra khỏi bối cảnh, được bật trội lên, được vua biết mặt chúa biết tên, được gần kề với tầng lớp lãnh đạo chóp bu của tỉnh. Và hiển nhiên đó là một dịp thuận lợi hiếm có để được hưởng sự đề bạt, cất nhắc nâng đỡ sau này. Thì đấy, cả đời cứ ru rú ở các xó xỉnh, không được cấp trên biết đến, thì tài cao đức trọng mấy cũng bằng thừa. Thì đây, khối kẻ chẳng đang ngấm ngầm ước ao sở cầu có được một địa vị như Toàn và ghen tị với Toàn mà chẳng được kia kìa! Toàn im lặng, không nói lại với ông trưởng ty một câu. Đang là thời kỳ mỗi con người không phải là một cá nhân. Không phải là của riêng mình. Mà là một thành viên của một cơ cấu. Một cái đinh ốc, một cánh tay đòn, một bánh răng, một bộ phận của một cỗ máy. Đang là thời kỳ con người được giản lược hóa đến cùng. Tất cả đều sống theo nền nếp là triệt tiêu nguyện vọng, ý muốn riêng tư. Tất cả, từ rất lâu rồi đều đã được dạy dỗ và tập rèn để có thói quen sống đồng nghĩa với phục tùng. Là tuyệt đối phục tùng! Là tuyệt đối chấp hành! Là không do dự. Không đắn đo. Chứ đừng nói là khước từ, chống lại. Và đó là một chuẩn mực của đạo đức, của cái đẹp nhân cách. Bởi vì suy cho cùng, ở lúc này đây, yêu cầu của Tổ chức cũng chính là đòi hỏi của cuộc sống. Và có gì là không hợp lý nhỉ, khi được bàn tay Tổ chức xếp sắp vào một vị trí để cái cá nhân của anh, cái cá nhân tầm thường, nhỏ nhoi, vô giá trị, thậm chí đáng bị nguyền rủa là đê tiện xấu xa của anh, được góp phần làm cho cuộc sống chung trở nên tốt đẹp hơn!
Tuy vậy thì Toàn cũng vẫn nấn ná. Xin phép cho tôi hoàn thành nốt một chương trình giảng dạy. Vì các em học sinh sắp thi tốt nghiệp môn Văn tôi dạy rồi. Xin phép cho tôi lo xong việc chuyển nhà trường vào nơi sơ tán. Vì chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trước sau rồi cũng lan đến cái tỉnh Hoàng Liên thượng du này thôi... Toàn đã nấn ná. Nấn ná suốt ba tháng hè. Suốt ba tháng hè ấy, mọi việc từ khâu kiến thiết trường sở tới công đoạn chiêu sinh cho năm học mới, vẫn được tiến hành như không có việc Toàn sắp chuyển đổi công tác. Chiến tranh chống phá hoại của giặc Mỹ đang vào hồi quyết liệt và biết bao giờ mới kết thúc! Vậy nên, ngôi trường ở nơi sơ tán, trong rừng sâu, bằng tre nứa thôi, cũng vẫn phải được xây dựng cho ra một môi trường sư phạm. Và thế là suốt ba tháng hè qua, Toàn cùng các thầy và học trò hăm hở xách dao, vác búa lên rừng. Gỗ nứa chặt hạ, đóng mảng, kết bè, thả theo dòng suối lớn về tới tận chân công trình. Đất dốc san bằng. Gỗ lớn làm cột. Gỗ nhỏ làm kèo. Vầu già làm đòn tay. Nứa ngộ đan làm vách. Gianh đánh làm mái lợp. Lớpc, phòng thí nghiệm, dãy dọc dãy ngang mọc lên trùng trùng giữa rừng sâu núi thẳm. Cuộc sống như thời cơ thách thức sự thích ứng. Suốt ba tháng hè, cả khu rừng Tà Ngào dưới chân dải sơn mạch Hoàng Liên ngày đêm rộn vang sôi động tiếng thầy trò lẫn trong tiếng chim rừng, tiếng suối reo, đã trở thành những thời khắc in dấu bao kỷ niệm thiêng liêng thú vị của đời Toàn!
Toàn đã nấn ná rất nhiều ngày. Đến nỗi bên Tổ chức đã có người bắn tin sang Ty Giáo dục rằng, hay là Toàn cố ý chây ỳ, ngấm ngầm phản đối quyết định. Phản đối thì Toàn không dám. Nhưng rõ ràng là Toàn ngậm ngùi buồn. Buồn và ngại ngùng. Buồn cho thân phận mình. Buồn vì thay mình bị người ta coi thường, chứ không phải được coi trọng. Vì kể từ lúc nghe phong thanh tới lúc cầm tờ quyết định điều động, có thấy một ai trong Tổ chức đến gặp Toàn, hỏi ý kiến Toàn đâu. Có nghĩa rằng, Toàn chỉ là một phương tiện, một công cụ, một quân bài, một thân kiếp bọt bèo, chứ Toàn không phải là một cá tính, một nhân cách riêng. Còn ngại thì hiển nhiên là ngại rồi. Bỏ một nghề nghiệp mà mình được học hành, đào tạo đến nơi đến chốn, đã thành thạo đến từng thao tác, để dấn thân vào một lĩnh vực còn chưa có một chút khái niệm, để trở thành một cán bộ chính trị ở một cơ quan đầu não của tỉnh, với công việc có quan hệ đến sinh mệnh của cả mấy chục vạn cư dân, liệu có kham nổi và chắc gì đã phù hợp với tính cách, khí chất mình!
Bây giờ thì tất cả đã lui lại ở phía sau. Đã để lại tất cả ở phía sau rồi. Để lại tất cả ở phía sau rồi, kể cả cái mùa hè nắng lừa mưa đầu, nóng nực oi nồng, trần mình trong công việc thổ mộc khó nhọc, mình mẩy thịt da cháy nắng đen thui, thầy trò nhìn nhau chỉ còn thấy hàm răng trắng lóa và hai con mắt sáng trưng, bộc lộ một niềm vui lớn lao khởi nguồn từ một nội tâm trong sáng và vô cùng thanh thản!
Giờ thì mùa hè đã chỉ còn chút hơi hướng dư ba và tiết trời đã vẻ thu. Thu đã về thật rồi! Thu đã chậm rãi về như một lời hẹn không đơn sai. Gió heo heo lạnh và thi thoảng lại như giật mình, quạt lồng lên một hơi dài hoang vắng. Nắng mỏng mảnh như thủy tinh. Và đang đi, Toàn chợt dừng bước, thót người vì bóng một con giẽ giun xám ngắt từ một búi rạ ải trên mảnh ruộng ven đường đột ngột vụt bay lên, sạt qua mặt như một ánh chớp. Bên đường, những bụi cây chó đẻ già đã khô nỏ, để hở những vòm rỗng không bên dưới, trong khi trên ngọn cây, những chùm hoa xanh lơ màu phấn nở cuồng quýt mà vẫn rưng rưng buồn.
o O o
O Tròn, mật danh của Văn phòng Tỉnh ủy tỉnh Hoàng Liên, ẩn kín bên bìa một vùng rừng tái sinh. Nơi đây vốn là một bản làng cũ của người Dao đỏ du canh đã bỏ đi vài năm nay. Dấu vết bản cũ còn thấy là dăm ba cái nền nhà đất nện nứt nẻ. Mấy cái bếp lò nham nhở lở lói. Lót đót đó đây những cây mít, cây nhãn đang hoang dại trở lại, quả bé tẹo, hột to cùi mỏng, nhạt phèo. Vùng rừng mới mọc với lớp cây tiên phong như giang, sẹ lan rộng may quả đồi lân cận. Kế đó là mảng rừng xanh um nứa ngộ, chen lẫn ba la, dẻ, long não, và các loài gụ da nâu thân thẳng, trông từa tựa xoan vườn.
Văn phòng Tỉnh ủy, nơi Toàn đến nhận việc lúc này gồm ba căn nhà gỗ lợp gianh. Nhà bếp kiêm nhà ăn ở dưới chân đồi. Cao hơn tí chút là nhà ở và cũng là nơi làm việc của nhân viên cán bộ văn phòng. Ngược dốc lên một quãng chừng hai chục mét là nơi làm việc và họp hành của thường vụ, bí thư tỉnh ủy, cơ quan đầu não điều hành mọi hoạt động của tỉnh. Đối diện với Văn phòng Tỉnh ủy, ở bên kia một thung lũng hẹp nhấp nhô mấy tràn ruộng hoang là nơi ăn ở làm việc của cán bộ các ban Tổ chức, Tuyên huấn, Kiểm tra... của Tỉnh ủy. Cũng vẫn là vùng đất xưa người Dao đã định cư. Cạnh mấy mảnh nương bạc màu trắng phếch, đó đây rải rác những cây gỗ tếch sừng sững, lá to như cái quạt nan mùa này đang vào cuộc thiên hoá ngả màu vàng ửng. Vài cây gạo thưa lá và một cây trám thân tròn lực lưỡng, trên nền cỏ xanh, dưới gốc, lúc nào cũng lốm đốm những chấm quả mùa thu vàng ruộm.
Chánh văn phòng O Tròn tên Duyễn. Năm mươi lăm tuổi chán. Tóc hoa râm. Tầm thước. Vai xuôi. Miệng rộng. Có tiếng cười hề hề xuê xoa vui vẻ. Bắt tay Toàn, mắt hấp háy, ông ngó hai cái túi vải căng ních sách vở của Toàn, cất giọng vui vẻ:
- May quá, anh đã sang. Tôi vừa gọi điện sang hỏi bên Ty Giáo dục. Anh Quyết Định trước khi đi họp ở Mường Thông có nhắc là mời anh sang ngay. Bên này đang lúc bận thật lực! Anh ngồi uống chén trà đã! Gớm, thầy giáo văn có khác, lắm sách thế!
Toàn vừa kéo ghế ngồi, định giải thích với ông rằng, đó chỉ là mấy cuốn sách gối đầu giường thông thường thôi, thì ông Duyễn đã nghển sang cái bàn bên cạnh, hất hàm:
- Anh Kiến đâu rồi, cô Tình?
Được ông Duyễn hỏi, người con gái tên Tình trạc hăm ba hăm tư tuổi, mặt tròn trịa, múp míp như cái hạt mít, ngừng tay quay máy tính, ngẩng lên:
- Báo cáo anh, anh Kiến vừa xuống nhà ăn. Anh ấy có dặn em bố trí chỗ ăn ở cho anh Toàn rồi ạ.
- Thế thì tốt rồi! Tốt rồi!
Nhìn Toàn, ông Duyễn gật gật đầu cười nhè nhẹ. Và chưa nói gì thêm, ông đã vội đứng dậy, chạy tới góc phòng, nơi chiếc máy điện thoại đen bóng vừa đổ chuông. Rồi vừa áp tai vào ống nghe, ông đã liến thoắng:
- A lô! O Tròn đây! Hội nghị gay go hả? Tất nhiên là đã dự đoán rồi. À mà, tất nhiên phải tôn trọng sự thật. Nhưng, ông ơi. Sự thật cũng có dăm bảy đường, chứ đâu chỉ có một. Ngoài ra, còn quan điểm của Trung ương nữa chứ. Bỏ hợp tác là chết cả lũ đấy, ông ạ. Tất nhiên là phức tạp. Phức tạp nên càng phải đấu tranh thật lực! À, tôi dân Bắc Giang, quen miệng rồi. Nhưng đúng là phải thật lực đấy! A lô! à, sáng nay chị Yên đã mang quần áo vào cho anh Quyết Định rồi. Cái gì? Cái gì? Nói to lên! Nghe nói loáng thoáng thôi à. Ồi, một cái tỉnh miền núi nghèo khổ như tỉnh Hoàng Liên ta thì có bao giờ hết đói, hết rét, hết manh nha nổi loạn!
Vừa đặt ống nghe sau một thôi một hồi như là độc thoại, ông Duyễn quay sang cô Tình, định phân trần hay nhắc nhở gì đó thì điện thoại lại đổ chuông. Và ông lại nhấc máy: A lô! A lô! O Tròn đây! O Tròn đây! Lần này là điện thoại của huyện ủy Pa Kha báo cáo về sản xuất vụ thu. Và sau đó, huyện ủy Bảo Sơn báo cáo máy bay Mỹ hôm qua và sớm nay lượn mấy vòng rất thấp ở khu vực Cầu Nhò.
Toàn xách túi quần áo tư trang sách vở theo cô Tình nhận buồng ở. Treo cái ba lô rỗng không lên vách sau khi đã rút hết quần áo ra, gấp thành một cái gối trên đầu giường, anh xếp sắp toàn bộ sách vở trong hai cái túi vải lên mặt chiếc bàn kê ở cạnh khuôn cửa sổ. Và ngắm nhìn căn buồng riêng sau sắp đặt, tự dưng anh thấy như được an ủi; chẳng có gì thay đổi hết, anh vẫn là anh và có thể làm việc trong bất cứ hoàn cảnh nào. Lát sau, trong tâm trạng tự tin, anh bước ra hiên. Chỉ có mỗi căn buồng ở đầu hồi hé cửa. Đi tới, định gõ cửa bước vào làm quen với đồng nghiệp mới thì sạch một tiếng, cánh cửa đóng sập, rồi tiếp đó he hé mở để một người to lớn, da ngăm đen, môi dày, miệng loe, né người đi ra. “Chào anh!”. Toàn nói. Người nọ như không nghe thấy, lừ lừ đi qua rồi đột ngột quay lại liếc xéo như là nhìn trộm Toàn một cái và đi thẳng xuống phía bếp.
- Cụ già kia ơi! Cụ đi đâu đấy! Cụ vào đây để gặp ai đấy vớ!
Ai quát nạt mà giọng lại như bông phèng thế! Toàn quay lại. Một người mặt dài, lông mày xếch chéo, đầu tóc rậm rì đang lểnh nghểnh vừa từ dưới bếp đi lên. Người này chống tay lên sườn, nhìn chò chõ xuống con đường mòn ngược lên căn nhà làm việc của thường vụ. Ở đó một ông cụ trong bộ áo nâu cũ kỹ, đeo chiếc bị cói, nghe tiếng quát, liền bỏ nón, ngửa mặt lên, khép nép.
- Cụ vào đây để gặp ai?
- Dạ... thưa tôi vào đây để gặp... thằng... thằng... Hiến ạ?
- Cụ ơi! Ở đây chỉ có ông Văn Hiến, chứ không có ai là thằng Hiến cả?
- Dạ. Tôi xin gặp... Hiến ạ.
- Thế đấy! Ở đây chỉ có ông Văn Hiến, người thì loắt choắt như hột lạc kẹ mà chức tước thì to đùng. Ông này là thường trực Tỉnh ủy nhưng đang ngấp nghe chức bí thư. Vậy, người tên Hiến cụ định gặp mặt mũi nó thế nào?
- Tôi hỏi... Hiến có ve ở mắt.
- Ha ha... Hiến mắt ve. Đó đích thị là Văn Hiến rồi. Thế Văn Hiến là con giai hay con rể cụ?
- Con giai>
Nghe ồn ĩ ở ngoài hiên, ông Duyễn đặt ống nghe, ngoái ra:
- Ồi, ông Kiến! ông bô lô ba la cái gì thết Người nhà ông Văn Hiến thì để người ta lên gặp ông ấy.
Người tên Kiến quay vào, mắt tít lại, cười hi hí:
- Thì bố cu chẳng đang mót chức bí thư thay ông Quyết Định là gì!
- Thôi thôi...
Ông Duyễn miệng cười hề hề, tay xua xua, tay đẩy vai Kiến về phía bếp:
- Việc của ông phó văn phòng phụ trách quản trị là ở dưới này, ông xuống đấy đi, cho tôi nhờ.
Thì ra hôm nay nhà bếp văn phòng mổ chó. Khi Toàn thấy mình lơ vơ, chẳng có việc gì làm, vui chân đi tới thì con chó vện đã được trói ghì và treo ngược trên một cành nhãn ở đầu hồi. Con vện này thuộc loại chó gié, mới chừng hai năm tuổi. Mình thuôn thuôn bằng cái ống bương, chắc nịch như quả dưa hấu. Khốn khổ! Hai chân nó vốn khuỳnh khuỳnh giờ bị giây thừng trói, kéo ngoặt ra đằng sau trông như đã gãy hẳn ra rồi. Đầu chúc xuống đất, hai mắt trợn ngược, con chó vừa giãy vừa rít ăng ẳng. Và có lẽ do nó quẫy, nó vằng mạnh quá, nên cuộn thừng buộc mõm nó giờ đã buột ra, rơi lòng vòng dưới đất.
- Đúng là cái đồ thui chó nửa mùa hết rơm! Thằng nào buộc mõm con này đấy hả? Có phải thằng Muôi cơ yếu không?
Kiến bước tới, vừa quát vừa xắn tay áo. Người tên Muôi có cặp mắt ti hí đang ngồi đẩn củi vào lòng bếp chảo ngẩng lên, lắc lắc đầu. Muôi chính là người đã đẩy Toàn ra, rồi nhìn trộm Toàn khi Toàn định bước vào căn buồng làm việc của anh ta. Thì ra anh ta là nhân viên cơ yếu mật mã, một kẻ được tin cậy bậc nhất của thể chế.
Ông Duyễn tặc tặc lưỡi:
- Con chó gié này thịt chắc như gạch, xương nhỏ, ngon thật lực đấy!
Kiến vứt tạch sợi thừng buộc mõm con chó, nhằn nhằn môi, nhíu mày, rồi cúi xuống đất nhặt mấy sợi lạt giang ai đã chẻ sẵn để đó. Thoắt cái, mấy sợi lạt đã bện thành cái nút thòng lọng. Ông Duyễn huých vai Kiến:
- Phi tay Kiến này ra thì ai khả nổi con tu ma này!
Dệnh dạng hai cẳng chân, Kiến liếm môi, lầm bầm:
- Buộc mõm chó như dán bùa vào l. mèo thế à! Buộc mõm chó là phải luồn được thừng qua hai cái răng nanh phía trong nó kia, hiểu chưa!
Rồi quay lại, chẳng cần biết là mình định nói với ai, Kiến nhăn nhăn trán, dóng tiếng thật to:
- Bố nào chịu trách nhiệm chảo nước đấy? Không cần sôi đâu. Nóng già là được rồi! Không lông nó rít lại là bỏ mẹ cả đấy!
Người từ trong bếp nghe tiếng phó văn phòng phụ trách quản trị toang toang đã ùn ùn đổ ra. Muôi hấp hổm rút mấy thanh củi đang cháy lem lém dưới đáy chảo. Xòe hai bàn tay, nhổ bọt đánh pịt hai lần, Kiến đhẳng tới, bặp tay vào khúc tre đực chôn ở giữa sân để phơi rổ rá, nhổ phứt lên và xồng xộc quay trở lại, đứng cạnh con chó.
“Xê tất cả ra!”. Nghe thấy tiếng quát, đám người đứng xem vội rạt ra hai bên. Trời! Khúc tre đực trong tay Kiến nhằm đầu con vện vừa lia ngang như một nhát chém. Bịch! Con vện văng mạnh thân sang bên trái. Oặc một tiếng, nó há mõm kêu. Bịch! Một nhát nữa tiếp theo, nghe chắc nịch. Lần này, bị nện trúng gáy con chó há mõm, nhưng không thể kêu thêm một tiếng nào nữa. Chớp thời cơ, Kiến vứt tạch khúc tre đực sang bên cạnh, xấn tới, bàn tay phải chộp trúng gáy con vện, bóp mạnh, rồi khi con vật giật giật hai rảnh đùi, ngoác rộng cái mõm, thì bàn tay trái của anh phó văn phòng đã kịp thời ngoặc sợi thòng lọng vào trong hai chiếc răng nanh ở hàm dưới của nó. Con chó gié lúc này chỉ còn như một thân xác vô hồn treo bung bênh dưới cành nhãn.
Người từ trong bếp tiếp tục đổ ra, lổ nhố bóng người, láo nháo tiếng cười tiếng nói. Cô Tình đâu? Ai đó réo gọi. Vứt con dao bài sắc lẻm vừa khía nhẹ một đường xẻ phía sau vành tai con chó xuống đất, Kiến giơ tay đón chiếc đũa một đầu đã được vót nhọn hoắt từ tay Muôi. Vết xẻ ở sau vành tai con vật lúc này đang ứa máu đỏ lòm.
- Kiến mà đã ra tay tìm động mạch chủ của con êu này thì miễn chê rồi!
- Nhất vện, nhì phèn, tam khoanh, tứ mực. Con vện này lại là chó gié nữa thì ngon thật lực đấy, ông Duyễn nhỉ!
Lầm rầm tiếng người góp chuyện, bàn tán. Kiến nhăn nhăn trán, khím khíp mắt. Muôi chống tay đứng dậy, ngó nghé, dõi theo từng động tác chọc ngoáy dò tìm của chiếc đũa trong tay Kiến, miệng lầm nhầm: Mạch tím, không phải! Động mạch chủ là phải trắng và trong kia! Rồi bất thình lình kêu ối một tiếng và giật ngửa ngườề phía sau. Kiến vừa khứa đứt động mạch chủ của con chó. Máu từ cổ con vật phụt tóe ra mạnh như vòi phun, bắn cả lên áo Kiến và Muôi. Cô Tình vội bưng cái chậu nhôm chạy tới.
Người từ văn phòng kéo xuống mỗi lúc một đông, giờ mới thật ồn ồn ào ào:
- Khá lắm! Khá lắm! Đã biết tay ông chủ hàng thịt chó chợ huyện Lục Biên chưa!
- Phải công nhận là tay Kiến này lấy tia hồng điệu nghệ thật! Kìa, huyết ra ồng ộc đúng là như tháo cống. Này, nhớ bỏ huyết đầu, huyết cuối nhé!
- Lại còn phải dạy bậc sư tổ nấu cầy tơ bảy món trong nhõn có một nồi!
- Quấy mạnh tay vào, cô Tình!
- Kiếm được lá lốt chưa? Dồi chó nướng mà không quấn lá lốt là phí cả miếng ngon đấy.
- Ái chà chà! Chưa rang đã thấy thơm!
Con chó sau khi cắt tiết đã được tháo dây, kéo tới cạnh chảo nước nóng. Nhanh nhẹn, Muôi đã nhịp nhàng tay đổ từng gáo nước nóng, tay giật sừn sựt từng đám lông con vật. Chẳng may chốc hình hài con chó đã hiện ra trắng hêu hếu. Và thoáng cái, chỉ chừng mươi phút sau, đã thấy Muôi nhấp nhổm bón rơm, còn Kiến thì tay vần con vật, tay phần phật cái quạt lá cọ. Lửa rơm nếp cháy lém nhém, lùng nhùng, theo hơi quạt, xối phù phù những cái lười thè lè vào từng vùng da thịt con chó. Quan trọng là đều lửa, Kiến vừa né mặt vừa nói, không để chỗ thì nứt nở, chỗ thì cháy đen. Làng tôi ấy à, cỗ bàn mà không có món thịt cầy thì không thành cỗ bàn, ngày mồng một Tết ta cũng thế>
- Chào bác Căn!
Ông Duyễn quay lại. Người vừa đi tới tên Căn, tuổi chừng sáu mươi, tóc gọng kính, gò má cao, quai hàm bành bạnh; ngó vào đám thui chó, ông tặc tặc lưỡi:
- Tớ đến từ nãy! Này, cậu Đồng đâu? Mổ chó phải nhờ tay hắn ta. Mổ phải lấy được miếng nầm mới gọi là biết mổ. Các cậu biết câu này chưa: Chết tiếng trống, sống miếng nầm! Mà cậu nào đánh tiết canh? Chó gié này tiết canh cứ là ngọt như đòng đòng lúa nếp ấy nhé!
- Bác yên tâm đi! Muôi và Kiến là hai tay đồ tể lành nghề đây rồi!
Kiến quay lại, mặt nhoáng ánh lửa:
- Bác Căn, em biết yêu cầu của bác rồi. Xin bác cứ yên tâm đi! Tiết canh mà thằng em đây đảm nhiệm thì cam đoan với bác, đánh xong, đông như miếng bánh đúc, có thể lấy lạt xâu xách đi được. Nhưng mà bác ơi, sau đây bác phải cho em vài đường tông đơ nhé. Đầu em sắp thành cái tổ quạ rồi đây này.
Ông Căn cười hờ hờ:
- Yên trí đi! Tính tớ từ hồi là anh thợ cạo chuyên nghiệp là thế. Chả biết nó bổ béo thế nào, nhưng từ thời thầy địa lý Tả Ao yểm bùa, xoay hướng đình, trai làng Kim Liên tớ chuyển sang nghề vít đầu vít cổ thiên hạ, thì cứ thành lệ, mỗi tuần mỗi anh thợ cạo nhất thiết phải chén một bát tiết canh! Tiết canh, thì chính nó có tác dụng cuốn tất cả tóc vụn bọn tớ vô tình hít phải vào trong phổi đi mà!
Thoáng cái, con ch đã thui xong. Trông cong queo như khúc củi trên nương, chỗ đen nhẻm, nơi vàng hươm, vài vết nứt nở, tỏa mùi thơm ngầy ngậy. Và tiếp theo, công việc mổ xẻ con vật để xào nấu đã bắt đầu. Toàn đi vào bếp thì cô Tình cầm quyển sổ từ văn phòng đi xuống, đang cao rao: Nào trưa nay ai ăn thịt chó thì đóng hai đồng nhé!
Toàn rút ví, đưa tiền cho cô Tình. Kiến, hai tay lấm lem từ trong bếp đi ra, nghiêng nghiêng cái đầu bù xù, ỡm ờ bảo cô Tình gãi hộ bên má, rồi nhìn Toàn:
- Thầy giáo Toàn mới đến nhận chân thư ký cho bí thư đấy, hử! Thôi, phân công thầy giáo ra suối cạo cho bốn cái chân con khuyển này nhé. Xin thầy cẩn thận cho, cỗ dọn lên, nồi xáo bốn chân chó thiếu một là các cụ trưởng lão không nghe đâu ạ.
Toàn chưa kịp trả lời thì người tên Căn đi vào, vỗ bộp hai túi áo dưới, phùng miệng:
- Chân chó mày tưởng dễ làm lắm à? Thọm thẹm như con gái ấy, thầy Toàn làm sao nổi! Để đấy cho tao, Kiến!
- Có việc gì cho tôi tham gia một tay nào.
Một người vóc thanh mảnh, trán cao, tóc lơ phơ vừa lấp ló ở cửa. Kiến reo:
- Hoan hô bác Căn. Hoan hô cả bác Bình nữa! Thôi thế thì nhờ các bác và anh Toàn làm hộ luôn cái đầu và mấy cái chân để em bắc nồi xáo vậy!
Toàn theo ông Căn và ông Bình ra suối. Con suối lớn khơi nguồn từ những khu rừng đại ngàn trên cao nguyên Pa Kha, chảy qua mấy tràn ruộng trước cửa văn phòng, nước trong vắt. May, nhờ hai ông cán bộ kỳ cựu thạo việc nên lát sau cái đầu và bốn chân chó đã được cạo mổ sạ sẽ tinh tươm. Ba người trở lại bếp thì đã thấy Kiến, mồ hôi mồ kê bết bát mặt mày, đang ngồi xổm cạnh đống than cời đỏ rực trước cửa bếp lò, tay xoay tròn bộ lòng dồi chó nhoáng mỡ quấn quanh một ống bương to. Mỡ nhểu xuống than lụp bụp, bắt lửa cháy bùng bùng. Căn bếp ngào ngạt mùi thịt nướng thơm ngạt mũi.
Đang đứng xem Kiến biểu diễn tài nghệ nướng dồi chó, vừa chặc chặc lười khen, thay có tiếng chân người ở sau lưng, ông Duyễn liền quay lại, reo hoan hỉ:
- A! Anh Văn Hiến! Tí nữa mời anh và các anh Thường vụ trên ấy xuống tham gia với anh em cho vui.
Người tên Văn Hiến trạc năm mươi. Thấp bé. Còi cọc. Đầu to Mặt kênh kênh. Mắt trái có lẹo, lại hơi ngưỡng thiên.
- Này, cậu Kiến sau này về hưu tiếp tục mở cửa hàng RTC như hồi ở Lục Biên rồi được đấy! - Hướng về Kiến đưa đẩy một câu, rồi người nọ quay lại với Duyễn - Thường vụ còn anh quái nào ở nhà đâu. Ông Ké Lanh, ông Gia, ông Đình vào hết Mường Thông với ông Quyết Định rồi. Nhưng được rồi, tí nữa tớ quay lại. Còn giờ tớ đưa ông cụ nhà tớ sang Ty Lương thực một lát. Khổ! Quê Phú Thọ tớ giờ đói to. Ông cụ lên đây định đi mua ít sắn ruôi khô về cứu đói.
- Để tôi bảo lấy ô tô đưa anh và cụ đi.
- Thôi, tớ đã bảo Đích rồi. Này, bảo anh em phơi phóng cẩn thận. Hôm qua Trung ương có điện nhắc, máy bay Mỹ hồi này nó có vẻ tăng cường thám thính tỉnh ta đấy.
Ông Duyễn gật đầu. Rồi như sực nhớ, ngước lên, chóp chép môi:>
- Báo cáo anh. Anh Quyết Định có ý mời anh vào dự hội nghị tổng kết nông nghiệp mười năm ở Mường Thông. Anh em trong ấy gọi điện ra cho biết là tình hình rất căng thẳng. Một trăm linh tám đại biểu các xã về họp thì hơn chín mươi vị đòi giải tán hợp tác xã!
- Tớ biết rồi.
- Thế ý anh thế nào ạ?
- Trong ấy đã có cả ông Ké Lanh, ông Gia, bốn trên năm ủy viên thường vụ rồi cơ mà. Cứ để ông Quyết Định ông ấy tả xung hữu đột, cởi gỡ. Tài lắm cơ mà! Văn phòng ai cũng bận thì để cậu Toàn thư ký của bí thư vào. Cậu Toàn đã đến nhận công tác chưa?
Nghe tiếng hỏi hơi có vẻ hách dịch, Toàn quay lại, khe khẽ:
- Thưa anh, tôi đến rồi ạ.
Con mắt có lẹo của ông Thường vụ liếc xéo qua mặt Toàn, đoạn hất lên:
- À nhà giáo! Còn thư sinh lắm! Thế nào, đi với anh em công nông chúng tớ được chứ!
Toàn không đáp. Vả lại ông Văn Hiến cũng quên phắt anh. Ông kéo ông Duyễn ra góc nhà, thì thầm cái gì có vẻ quan trọng lắm, rồi quay lại, ngấp nghển:
- Cô Tình à! Lát nữa lên nhà Thường vụ anh nhờ tí việc nhá!
Đoạn ông lấp vấp ra khỏi văn phòng. Ông cụ thân sinh ra ông đeo cái bị cói đang ch ông ở chân dốc.
Cuộn dồi chó đã được gỡ ra khỏi cái ống bương, nóng hôi hổi, vàng xuồm xuộm, thơm lừng. Kiến cầm con dao bài liếc xoèn xoẹt vào trôn một cái bát xi điêu, nhìn cô Tình, cười khinh khích:
- Liệu hồn đấy! Là tao bảo trước. Không thì... trước ngoài sân sau lân dần vào nhà, chạy không kịp đâu, em ạ.
- Anh cứ nói thế. Ông ấy nhờ em mua tem phiếu lấy ít mỡ rán ra, rồi để ông cụ thân sinh đưa về cho bà xã ở quê chứ có gì.
- Ấy thế! Mỗi ngày một nắm thì đắm đò ông lúc nào không biết đâu. Khì khì...
Ông Duyễn đi tới, kéo Kiến ra ngoài hiên. Mặt đăm đăm như tra hỏi, giọng ông rì rầm, nặng như đeo đá:
- Này, con chó gié này ở đâu ra? Ông Văn Hiến hỏi đấy!
- Nghi ngờ cái đếch gì? - Kiến văng - Tối qua tôi với thằng Đích từ Mường Thông về. Tới cây số bốn đường Kim Tân thì con vện này chẳng hiểu nghĩ thế nào, từ bên đường lao vào gầm xe. Chứ chẳng phải lỗi của thằng Đích. Mà cũng cóc phải ai cho, ai biếu, ai tặng, ai đút lót tôi cả. Thế thôi!
Nói xong mấy câu cuối, Kiến hếch vai, đưa ngón tay gại gại cái cổ lộ hầu đầm đìa mồ hôi, không biết rằng mình tự dưng chẳng ai khảo mà đã vội xưng.