Người ta không đánh giá tôi bởi số lần tôi vấp ngã mà là những lần tôi thành công. Bởi thành công đó chính là những lần tôi thất bại nhưng không bỏ cuộc.

Tom Hopkins

 
 
 
 
 
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 138 / 19
Cập nhật: 2020-06-12 14:04:38 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Giới Thiệu
ừ thuở văn xuôi viết bằng chữ quốc ngữ còn chập chững đi những bước đầu tiên, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã xuất hiện. Sự có mặt của tập truyện ngắn Kiếp hồng nhan xuất bản năm 1923 đã ghi nhận điều này. Trong trào lưu của dòng văn học hiện thực phê phán, bằng tác phẩm của mình, ông đã khẳng định vị trí hàng đầu và được xem như một trong những người đặt nền móng cho nền văn học này bằng những tác phẩm xuất sắc nhất. Hơn 50 năm cầm bút, ông đã có dành một khoảng thời gian để sáng tác cho thiếu nhi. Trong hồi ký Đời viết văn của tôi (NXB Văn Học 1971) có đoạn ông viết: “Lại một người bạn cũ của tôi là Nguyễn Đức Phong, tức Thái Phỉ, xuất bản tờ báo nhi đồng lấy tên là Cậu Ấm. Báo Cậu Ấm đăng hai truyện dài và một truyện ngắn. Một truyện dài là Tấm lòng vàng.” (tr. 181) Xin đặt câu hỏi: - ngoài tác phẩm đã nêu trên thì một truyện dài và một truyện ngắn còn lại tên gì? Lâu nay, do thiếu tư liệu nên các nhà nghiên cứu văn học đã không đề cập đến.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì đó là truyện dài Đảng Rổ Bẫy và truyện ngắn Đồng trinh Gia Long. Trước hết xin đề cập đến tờ báo mà trong hồi ký của nhà văn Nguyễn Công Hoan có đề cập đến. Tờ báo này từ số 1 đến số 12 (ra ngày 8.5.1935) có tên Cậu Ấm báo con trai. Bắt đầu từ số 13 (ra ngày 15.5.1935) được đổi tên thành báo Cậu Ấm Cô Chiêu. Chủ nhiệm của báo là ông Nguyễn Đức Phong, tòa xoạn đặt tại 82 Rue du Coton (Phố Hàng Bông Hà Nội), báo in theo khổ 19x29cm, dày 20 trang. Truyện dài Tấm lòng vàng được in từ số 1 đến số 13, trước khi chấm dứt có giới thiệu thêm: “Tấm lòng vàng đã đặt ông Nguyễn Công Hoan vào vị trí số 1 nhà viết truyện cho trẻ em có biệt tài, muốn biết ông Hoan hơn nữa thì đón xem Đảng Rổ Bẫy”. Qua số báo sau, tức số 14 (ra ngày 22.5.1935) bắt đầu in Đảng Rổ Bẫy và kết thúc vào số 30 (ra ngày 11.9.1935). Còn truyện ngắn Đồng trinh Gia Long thì in trên báo số 6 (ra ngay 27.3.1935).
Do truyện dài Đảng Rổ Bẫy chưa được in thành sách nên hầu như các nhà nghiên cứu không biết đến cũng là điều dễ hiểu. Từ sự phát hiện này, chúng tôi có viết thư báo tin cho nhà văn Lê Minh con gái của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Và chúng tôi thật sự vui mừng khi trong thư phúc đáp, bà Lê Minh cho biết cũng mới tìm được hai tác phẩm của bố. Đó là vở kịch Tấm lòng vàng gồm 5 hồi, 3 cảnh do chính nhà văn chuyển thể từ truyện dài cùng tên và truyện vừa Một đứa con đã khôn ngoan. Hai tác phẩm này thuộc tủ sách Truyền Bá của NXB Tân Dân in vào năm 1942. Có được hai tác phẩm này là do Bibliothèque Paris tặng cho Thư viện quốc gia - Bộ Văn Hóa - Thông tin, và nơi đây đã cho bà Lê Minh chụp lại từ microfim. Từ những sự phát hiện này, chúng ta đã biết thêm một biệt tài của nhà văn bậc thày Nguyễn Công Hoan khi viết cho trẻ em. Ở đó sự giáo dục, hướng thiện đã được lồng vào cốt truyện ly kỳ, gây cấn để hấp dẫn người đọc, chứ không chỉ là những lời giáo huấn khô khan. Và điều đáng quý hơn nữa là những vấn đề mà nhà văn đặt ra thì ở thời điểm này nó vẫn còn mang ý nghĩa thời sự.
Trong truyện Một đứa con đã khôn ngoan, nhà văn giáo dục cho trẻ em đức tính yêu lấy tiếng Việt. “Ta có tiếng nói riêng. Bổn phận ta là phải giữ lấy tiếng ta, vì tiếng ta tức là tinh thần nước ta” (tr.12). Cậu bé Chỉ trong truyện này chỉ mê tiếng Pháp và cho rằng tiếng Việt không đủ để diễn tả hết mọi suy nghĩ và sự vật. Ngay cả lúc viết thư cho bạn thì cậu cũng phải dùng chêm tiếng Pháp. Cậu (bố) của cậu bé Chỉ không đồng ý và phân tích cho cậu rằng: “Con thấy thiếu chứ tiếng ta không thiếu. Nếu thiếu chăng, thì nó thiếu ở ý mới, vật mới xưa kia không có. Còn những ý cũ vật cũ thì tiếng nước ta vẫn đủ như thường. Xem ngay như về gia đình, ta có biết bao nhiêu tiếng: kỵ, cụ, ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, chắt, chút, chú, bác, cậu, mợ, dì, cô, thím, âu yếm, thân, hiếu, đễ, từ và biết bao nhiêu tiếng nữa. Lại nói như cách mang đồ đạc, ta có đội, gánh, xách, vác, cầm, khênh, ôm, cõng, bẽ, tải, cắp, khuân, bế, mỗi tiếng một nghĩa riêng” (tr.13) và “Cậu dám đánh cuộc với các ông cử, ông nghè Tây dùng tiếng Pháp mà dịch nổi tiếng “lôi thôi” của ta đấy” (tr.13). Dù được phân tích thấu đáo như thế, nhưng cậu bé Chỉ vẫn không tin. Và cậu chỉ thật sự tin khi mợ (mẹ) của cậu bị ốm và nhờ cậu đọc giùm tiểu thuyết tiếng Việt. Cậu bất ngờ là không ngờ nó lại hay đến thế! “Truyện Tây cũng đến thế là cùng” (tr.29). Chúng tôi bùi ngùi khi đọc lại những lời của người mẹ nói với con: “Mợ mua sách Quốc văn, được sách hay đã đành, dù phải sách dở mợ cũng vui lòng. Mình không có tài làm cho Quốc văn hay đẹp hơn lên, thì phải có chút khuyến khích những người có công quý hóa ấy vậy” (tr.18). Đừng quên rằng, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã tôn vinh tiếng Việt từ thập niên 40 - lúc mà tiếng Pháp còn ngự trị trong mối quan hệ xã hội. Ngay lúc tiếng Việt còn bị rẻ rúng thì sự mẫn cảm của nhà văn đã giúp cho ông thấy tương lai lớn mạnh tất yếu của nó. Bây giờ, mọi người đang đổ xô nhau học ngoại ngữ như một “mốt” thời thượng, thì truyện Một đứa con đã khôn ngoan đã nhắc nhở chúng ta rất nhiều điều.
Đã từng đọc truyện dài Tấm lòng vàng thì chắc hẳn, đã đôi lần chúng ta phải ứa nước mắt trước hoàn cảnh bi đát của cậu học trò tên Đức. Đức có biệt danh vua zéro vì học dốt. Nào phải vì lười biếng, nhát học đâu, mà vì gia đình nghèo. Bố mất, mẹ đi lấy chồng khác, cậu phải ở trọ. Không có tiền trả, bà chủ sai cậu làm quần quật tối ngày, cậu không có thời giờ ôn bài. Biết chuyện này, một thày giáo đã âm thầm giúp Đức: mỗi tháng bỏ 3 đồng vào vở để Đức trả tiền trọ. Từ đó, Đức học giỏi hẳn lên. Đây là một câu chuyện cảm động. Cảm động vì thày thương yêu học trò và sau này, khi công thành danh toại thì học trò tìm cách giúp đỡ lại thầy trong cơn hoạn nạn. “Rồi đây, dù các em có làm nên đến gì, mà dầu chảng được đội ơn thầy nhiều như anh đây, thì lúc nào cũng nhớ ơn thầy, tức là ơn người cha thứ hai vậy” (tr.30). Đọc lại vở kịch này, chúng tôi tin rằng, bây giờ trong môi trường sư phạm vẫn còn những tấm lòng cao thượng như thế. Cho dù nó có phai nhạt đi ít nhiều thì sự có mặt của vở kịch Tấm lòng vàng ở thời điểm này vẫn là điều cực kỳ đáng quý và cần thiết trong việc giáo dục thê hệ trẻ.
Trong truyện Đảng Rổ Bẫy thì nhà văn viết về một thiếu niên tên là Tâm. Trên đường trở về nhà, lòng đang nao nức muôn báo tin cho cha mẹ biết là mình vừa đỗ Sơ học yếu lược. Không ngờ, khi đặt chân đến nhà thì nghe tin cha bị bắt vì tội ăn cướp! Thế là Tâm lên tận huyện đường để minh oan cho cha. Lần thứ hai lên gặp quan huyện thì chẳng may Tâm bị đảng cướp Rổ Bẫy bắt cóc. Sau đó, nhờ trí thông minh và lòng dũng cảm, Tâm đã khám phá ra tổ chức của đảng cướp này. Phải thừa nhận rằng, câu chuyện này được nhà văn viết cực kỳ lôi cuốn, đã đọc thì không thể gấp sách lại nửa chừng.
Được sự đồng ý của gia đình nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903-1977), XNB Trẻ tái bản lại bốn tác phẩm này. Chúng tôi tin rằng, những tác phẩm này hoàn toàn phù hợp với lý tưởng giáo dục trẻ em hiện nay.
Một Đứa Con Đã Khôn Ngoan Một Đứa Con Đã Khôn Ngoan - Nguyễn Công Hoan Một Đứa Con Đã Khôn Ngoan