Số lần đọc/download: 1428 / 11
Cập nhật: 2016-05-20 19:50:22 +0700
Chương 1
N
hư cây cỏ, ngày lại ngày hút chất tươi từ ruột gan đất màu mỡ. Tựa chim bồ câu, sáng chiều được mớm mồi đều đặn.
Cây cỏ một hôm thấy mình trổ rậm lá cành. Chim bồ câu một hôm thấy mình chập chững ra ràng, hoan hỉ vỗ cánh bay, đường bay thứ nhất.
Như cây cỏ và tựa chim
Tôi, từ ngày này sang tháng tê, trải qua mười mấy hạ trắng, thu biếc, đông xám, xuân hồng - ăn ngủ, hờn lẫy, nô đùa, khóc lóc, cười, mếu, hát hỏng, một hôm soi gương thấy tóc lòa xòa vai, buồn vu vơ long lanh mắt, hồn nhẹ tênh mây trắng bay, môi hát bâng quơ, tay ưa ngắt bẻ lá cành, lượm xác hoa trên đường đi học. Tôi soi gương và thấy mình khang khác.
Ba chọn cái tên đẹp đặt cho con gái cưng
Hạnh tiên. Nhưng từ hồi còn nằm nôi, ba thường gọi tên tôi là Hạt Tiêu. Cả nhà, bạn bè bắt chước gọi theo. Thành thử bây giờ tôi mãi còn là hạt tiêu. Hạt tiêu muôn năm. Ba nào đâu biết tại sao giờ tôi soi gương thấy mình bỗng khác lạ thế này? Mẹ xưa đã qua thời con gái; hẳn mẹ biết, chị Hải Cát nữa. Nên hỏi ai?
Rình buổi trưa cả nhà ngủ say, tôi sà vào lòng mẹ
- Mạ Ơi? Răng bữa ni con soi gương, thấy con hình như đổi khác?
Mẹ vuốt cái nhìn bao la biển Thái Bình từ đầu đến chân tôi
- Con đã lớn hơn năm ngoái măn tê.
- Lớn nghia là thôi nhỏ à mạ?
- Vẫn nhỏ chút chun. Vẫn là hạt tiêu.
Rồi mẹ âu yếm đặt đầu tôi xuống gối
- Ngủ đi, con gái ngủ trưa nhiều mau lớn.
Tôi nằm lắng nghe lu chim sẻ ồn vui réo gọi nhau trên mái ngói. Trưa lừng hương bồ kết từ tóc mẹ phả ngợp ngác quan. Không gian chừng vắng lắm.
Đợi mẹ bị giấc ngủ "điểm huyệt" tê liệt trên giường, tôi rón rén bò dậy, lẻn vào phòng chị Hải Cát cưỡm chiếc gương soi, trốn ra vườn.
Chưa chắc lời mẹ đúng. Một trưa nắng hanh gió lành khác, tôi lại hỏi chị Hải Cát
- Mạ nói em đã lớn, chị thấy đúng không?
Chị Hải Cát đứng chống nạnh, dang xa ba bước, ngắm tôi
- Mi lớn ra răng nói tau nghe.
Tao đâm ngượng
- Mạ nói rứa. Ai biết!
Chị Hải Cát cười
- Ngày mô mi cung đớp ít nhất năm túi xi- Rô đông lạnh. Mi thuộc lứa tuổi thích xi- Rô động lạnh, chưa lớn được.
- Từ ngày mai em không thèm ăn xi- Rô đông lạnh nữa.
- Còn bò khô?
- Vẫn thèm nhỏ rãi.
- Rứa là mi vẫn ở lứa tuổi thích thịt bò khô, chưa lớn.
Tôi mơ hồ cảm thấy chị Hải Cát nói xạo, nhưng cũng cãi
- Ba hay nhậu bò khô với la- Ve con cọp, bộ ba vẫn chưa lớn à?
Chị Hải Cát cười trừ
- Ừ hí!
Chị đứng lên sóng vai tôi
- Ủa! Té ra mi đứng ngang vai tau rồi à? Lâu ni tau không để ý nên chưa "chộ".
Tôi cười sung sướng, vênh mặt
- Lớn chứ răng không lớn!
Chị Hải Cát lôi tuột tôi vào phòng chị, bắt ngồi yên trên ghế, rồi chị loay hoay mở tủ soạn ra nào phần, son, gương, lược. Chị chải tóc, đánh phấn, thoa son môi cho tôi, đẩy tôi trước tấm gương lớn. Chị Hải Cát reo vui in chim chèo bẻo
- Thấy chưa, thấy chưa? Mi đẹp, dễ thương, nguyệt thẹn hoa nhường gấp ngàn lần mấy con búp bê Nhật Bản chưng bán ngoài phố.
Tôi lặng ngắm khuôn mặt xa lạ trong gương. Thấy mình giống giống búp bê thật. Nhưng nếu biến thành búp bê chưng trong những quán hàng ngoài phố, để thiên hạ đi qua liếc ngang nhìn xéo, tôi chẳng thích chút nào.
Không dưng, bỗng thấy giận chị Hải Cát dễ sợ. Chị dám đem tôi so sánh với mấy con búp bê ngoài phố nghĩa là so sánh với những cục nhựa chết, mấy hình nhân khô, áo quần xanh đỏ lòa loẹt. Tôi đưa hai bàn tay lên mặt chà sát mạnh cho phấn son trôi hết.
Chị Hải Cát mở lớn mắt ngạc nhiên
- Răng rứa? Mi làm chi lạ rứa, uổng công phu trau chuốt của tau.
Tôi quắc mắt lườm chị, quay bước ra khỏi phòng. Chị Hải Cát nhìnt heo vẻ lạ lùng kỳ dị.
Bắt chước chị Hải Cát, tôi mua cuốn sổ tay nhỏ viết nhật ký. Loay hoay mãi, chẳng biết nên bắt đầu thế nào. Suy nghĩ đến độ phải tọng vào cổ họng hai viên A.P.C. Hai viên thuốc trị cảm còn có công hiệu ngoài tưởng tượng của tôi. Uống xong thuốc, chừng mười lăm phút sau, tôi cầm viết lên tay, viết thẳng một mạch, chữ chen chúc nhau kín mấy trang giấy
Tôi
Hạnh Tiên, tự Hạt Tiêu
Trân trọng cám ơn hai viên thuốc A.P.C đã uống cách đây 15 phút, giúp tôi đuổi bay biến cơn nhức đầu một cách anh dũng. Ôi hai viên A.P.C. thân mến, các ngươi đáng được ca tụng như những đấng anh hùng liệt nữ lừng danh nhất. Thật đó. Đứa mô nói láo ông Táo xé rách áo.
Sáng nay đến trường, chắc chắn tôi phải nói cho tụi nhỏ bạn biết điều này
đứa mô muốn viết nhật ký cho thật hay ho (nhật ký có cần hay ho không nhỉ?). Trước khi viết hãy uống hai viên A.P.C, đúng hai viên; một viên không công hiệu.
Để chứng tỏ mình đã lớn, không còn là lứa tuổi chơi búp bê nữa, tôi mang những cô búp bê dễ thương, nhỏ nhắn, xinh đẹp của tôi nhốt vào tủ kính chưng ở phòng khách. Xin lỗi các cô búp bê yêu dấu của chị. Trông các cô đứng ngồi trong tủ kính chị rầu lắm, nhưng mạ đã bảo là chị lớn rồi. Ngó quanh quất các cô còn thấy người lớn mô ôm búp bê ru hỡi ru hời không? Đừng buồn chị các cô hí! Chị cũng muốn bồng các cô đi chơi lắm, nhưng lại ngại chị Hải Cát chê cho là con nít. Chị thích làm "người lớn" ghê các cô nợ!.... Từ nay không còn chơi với các cô nữa, chị buồn lòng nhốt các cô vào tủ kính, nhưng chị hứa mỗi ngày trước khi đi hoặc mỗi ngày trước khi đi hoặc lúc học về, chị sẽ dừng lại ở phòng khách hai bai phút để ngắm các cô, cười với các cô vài ba nụ. Hay những lúc chị Hải Cát đi vắng, chị sẽ bồng các cô ra chơi với chị. Đồng ý? Được xưng chị với các cô, chị thấy "người lớn" ra phết.
Từ nay tôi quyết chỉ ăn xi- Rô đông lạnh ở trường, về nhà có thèm cách chi cũng không ăn. Ăn lỡ chị Hải Cát "chộ", chị sẽ bảo mình chưa lớn.
Đến đây, có lẽ nguồn công hiệu của hai viên A.P.C. đã cạn, tôi cắn bút nghĩ không biết nên nghĩ thêm gì vào nhật ký, đành xếp lại giấu kỹ dưới gối. Sợ ai đọc thấy dị chết.
Từ hôm nghe mẹ bảo con lớn hơn năm ngoái năm tê, tôi thường bắt gặp mình lắm lúc soi gương hơi lâu, chải tóc hơi kỷ. Có phải c6 bé nào tới tuổi tôi cũng thế này không? Nếu đem so sánh tuổi với bốn mùa của trời đất, tôi đang ở giữa mùa nào? Hạt Tiêu! Cái óc mi in chiếc bánh thập cẩm, dồn đủ thứ vào đó, có ngày nổ tung tành xác pháo. Hãy vâng ý mẹ, chiều ý cha, thương mến chị, vui vẻ với bạn bè. Đừng tìm cách vượt qua, phiêu lưu hơn. Tôi bảo tôi thế và, tôi thấy tôi lắc đầu.
Hình như mùa xuân vừa vơi quá nửa. Đêm nằm nghe tiếng chuông cưỡi ngựa ngân nga bên tê sông, lòng nôn nao lạ. Tiếng chuông thân thiết mang thời ấu thơ tôi đi lang thang với gió. Đêm giao thừa theo mẹ sang sông, vào chùa hái lộc non, tôi cất giữ đủ cả. Những cành lộc bây giờ đã khô héo trong chiếc ly thủy tinh. Nhưng mỗi lần nhìn thấy cành lộc héo rũ ấy tôi không khỏi bâng khuâng. Niềm bâng khuâng không rõ dán ghình, tựa khói chiều hôm ấy ủ mái nhà, tựa tiếng chuông gọi khua từng hồi kỷ niệm - Đầy ắp tuyệt vời.
Những giao thừa ấu thơ bàng bạc chưa phai, ngày tháng trôi hàng hàng lớp lớp tờ lịch xé bỏ, lãng quên, nhưng với tôi, ngày tháng vẫncòn nguyên mỗi lần nhìn, nâng niu trên tay những cành lộc héo. Kỷ niệm, dù nhỏ nhặt đến đâu, đều quí giá
chiếc ảnh chụp tôi trần truồng năm ba tuổi, tóc lưa thưa, mặt ngước, miệng cười, chân tay bụ bẫm nằm thoải mái, an nhiên trên chiếc bàn trải khăn ca rô xanh đỏ. Từ thế nằm thời măng sửa, đến nững bước đi lồng lộng hôm nay, tôi thương mến biết bao những hình ảnh đã dựng lên hậu cảnh lớn sau lưng tôi. Một hậu cảnh không màu mè dễ phai phai như phông vẽ, vì được thêu dệt bằng những tơ thương, chỉ yêu, màu thiên thu.
Bao nhiêu cánh bướm chở vào trời bấy nhiêu mùa lạ. Bao nhiêu ấm nồng lá bấy nhiêu liều thuốc bổ tôi đã uống từ đó đến nay. Từ thế nằm ngu ngơ đến trước ống kính người thợ chụp hình năm lên ba, đến năm mười ba thoảng thốt hãi sợ trước những biến chuyện bí nhiệm, xúc động ào vỡ thành nước mắt, nhẹ nhàng kéo tay mẹ vào một góc khuất, vạch áo cho mẹ coi hai đồng tiền căng nhú đau buốt trên da ngực, nỗi đau thánh thiện pha lẫn chút thẹn thùng như cây cỏ một hôm nghe nhựa mùa dội mát châu thân, rùng mình nứt mầm trổ lộc. Me bảo giấu ký hai đồng tiền đi, cơi đau rồi sẽ hết. Từ đó mỗi lần ấm đầu nóng lạnh tôi ngoan ngãon không đợi mẹ nhắc, bởi tôi ngại mẹ lặp lại câu "cơn đau rồi sẽ hết", tôi lại thẹn thùng muốn khóc. Mẹ giỏi ghê, mẹ là cuốn bách khoa tự điển vĩ đại của tôi, là "ông" thầy giỏi nhất hết thảy mọi ông thầy, thắc mắc âu lo điều gì, chỉ hỏi mẹ là xong hết.
Qua năm 14, 15. Ngôi trường màu hồng thẫm, vuông sân, những hàng câ, lũ trẻ bạn bắt đầu chiến một diện tích lớn trong tâm hồn. Tôi cảm thấy mình không còn gần gũi "sát nút" với mẹ như ngày xưa còn tí ti bé bỏng nữa, dù mỗi đêm vẫn rúc đầu vào nách mẹ dỗ giấc nồng. Những hồng huyết cầu mắc cở hoạt động mạnh trên ca mặt. Không dưng, tôi thấy mình đỏ au má, mắc cở mỗi khi bị ai chế giễu. Lạ ghê! Chị Hải Cát nuông hciều tôi từng chút nên thỉnh thoảng tôi ưa "bắt nạt" chị. Tại chị hiền chứ đâu phải tại tôi dữ. Phải không chị thân mến?
- Hạ Tiêu ơi ăn chùng hay răng mà cứ ở lì trong nớ, ra đây, ra gấp, coi cái ni ngộ lắm.
Tôi nhét vội cuốn nhật ký xuống gối, đẫy nhẹ cửa phòng bước ra. Chị Hải Cát mặt mày tươi rói, đứng dưới tàn cây trứng cá lốm đốm hoa trắng, sau lưng chị, nắng vàng rộm. Thoáng thấy tôi chị vội thủ hai bàn tay ra sau lưng, trông tay hẳn có giấu vật chi đó. Giọng chị êm như những cô ca sĩ hát tình ba
- Hạt Tiêu, hình như chiều ni trời rất đẹp.
Tôi chăm chăm nhìn chị, đóan chị sắp giở trò gì đó để trêu cợt tôi chơi. Vẻ mặt đóng kịch làm tôi phì cười
- Chị nói hay như hát. Có chuyện chi, mà kêu ỏm tỏi rứa?
- Thử đoán coi.
- Ai biết ất giáp chi, đoán tầm bậy để chị kêu thầy bói mù à?
Chị Hải Cát ỡm ờ
- Ví dụ vừa có tin vui chi đó chẳng hạn.
Tôi lắc đầu
- Không biết.
Chị Hải Cát đứng dựa gốc dây trứng cá, hai tay vẫn thu sau lưng.
- Ví dụ vừa có người gửi cho mi một tặng vật, món quà chẳng hạn.
Tôi mở lớn mắt, chợt ngẩng ngơ vài giây. Nhớ tới cả lô anh em họ hàng ở xa, và ném viên sỏi thăm dò xuống cái biển bí mật mênh mông chị Hải Cát vừa khơi rộng giữa khoảng cách tôi và chị
- Anh Sơn ở Đà Lạt giởi quà về há? Trời ơi, mùa ni trên nớ nhiều mận lắm.
Chị Hải Cát cười chúm chím
- Gần đúng.
Tôi vỗ tay reo
- Đúng y boong. Anh Sơn dễ thương nhất nhất.
Chị Hải Cát cười rộ. Chị cười làm cây trứng cá rung rinh, rơi hoa đầy vai áo
- Cái óc mi nhỏ bằng hạt tiêu, không nghĩ chi được chơn ngoài mấy đồ ăn vặt.
Vừa xấu hổ vì biết mình bị hnớ, vừa ức chị Hải Cát chê óc tôi nhỏ bằng hạt tiêu, tôi thè lưỡi cong môi háy chị... cho đỡ ngượng.
- Biết chị lừa rồi, ai thèm. Nếu anh Sơn có giởi mận, chắc chị đã cho tụi nó tiêu diêu cực lạc cả rồi, sức mấy chị kêu em.
- Phải mà. Tau ham ăn nổi tiếng nhất nhà. Mỗi ngày...
Tôi cưới lời
- Ê, không được nhắc chuyện xưa tích cũ. Nói chuyện mới toanh đi nghe hay hơn.
- Chuyện mấy kí mận anh Sơn gởi hả?
Chị Hải Cát là chúa ưa làm bộ bí mật. Tôi cố tỏ ra chẳng thèm suốt ruột, nói móc chị vài câu coi bộ đỡ tức hơn
- Mận là chuyện không có thật, nhưng em biết có chuyện thật chị cố giấu.
- Chuyện chi? Phi ẩu là tau vặn cổ mi in cổ gà.
- Chuyện anh chàng gà điên đi qua đi lại đi xéo đi xiên, chúi hết bụi đường trước cổng nhà mình.
- Đi làm chi rứa?
Tôi cố nuốt tiếng cười vào họng
- Đi nhặt lá thư rơi, gọi thầm em, em Hải Cát yêu dấu.
Chị trừng mắt, nạt
- Đồ quỉ, nói tầm bậy, ai quen biết chi với anh chàng gà điên nớ.
- Không quen biết răng mỗi lần anh chàng vác giầy tới chùi bụi con đường ngoài cổng, chị cứ đi vô đi ra sân hoài.
Chị Hải Cát bật cười
- Tau sợ anh chàng lẻn vô bắt trộm gà, phải coi chừng đó chứ.
Tôi lắc đầu
- Không phải mô. Chắc anh chị có thẩm ý thẩmt ình chi nơi rồi. Coi tề, coi tề, nghe nhắc tới là cặp mắt sáng rực.
Chị Hải Cát đỏ mặt
- Nói bá láp.
- Em định bữa mô căng sợi dây nhợ ngang đường, đúng giờ anh chàng hay qua lại, cho anh chàng té lăn chiêng một bữa chơi.
- Vô duyên ỏm, đường người ta, gười ta đi, mắc mớ chi đến mình.
Tôi nheo mắt
- "Chộ" chưa. Mới đụng tí đã binh loạn cào cào lên rồi.
Đôi mày liễu dại của chị Hải Cát hơi cau lại, in một lằn ngăn ngoạn mục. Chị bỗng reo lên như vừa khám phá ra điều chi thích thú lắm
- Phải rồi, đúng là hắn chớ ai vô đây nữa.
- Ai rứa.
- Thì anh chàng chùi bụi chớ ai vô đây nữa.
Rồi chị quắc tia nhìn dọa nạt, chế giễu
- Không ngờ bữa ni mi quá tay quá chân rứa.
Tôi chưng hửng
- Em răng mà quá tay quá chân?
Chị Hải Cát lên mặt lớn, vuốt cái nhìn chiêm ngưỡng từ đầu đến chân tôi
- Mới có tí tuổi, bằng hạt tiêu cũng bày đặt.
Tôi cảm thấy chị nói thật chứ chẳng phải đùa, không dưng tui rung giọng
- Răng? Chị nói chuyện Tàu Tây em không hiểu chi hết.
Chị Hải Cát vẫn chưa chịu bật mí
- Mi ưng tau mét ba không?
Tôi suốt ruột quá chừng, dậm chân xuống bậc thềm
- Cái chi dễ sợ rứa?
Vẻ mặt tôi lúc ấy hẳn là tội nghiệp lắm, tôi nhìn thấy vẻ tội nghiệp đó phản chiếu trong mắt chị Hải Cát. Chị trầm giọng
- Phải anh chàng chùi bụi gửi cho mi không?
Tôi ức muốn chảy nước mắt, hét to
- Gửi chi?
Chị Hải Cát từ từ rút hai bàn tay nãy giờ thu sau lưng ra. Tôi trố mắt ngạc nhiên thấy cái thư màu trắng trong tay chị.
- Cái ni chớ cái chi nữa. Anh chị "thư đi tin lại" mấy lần rồi?
Tưởng cái gì kinh thiên động địa, chỉ có cái thư, chị Hải cát làm tơ bở vía. Tôi thở phào nhẹ nhõm
- Ai gửi, gửi cho ai, chị?
Chị Hải Cát lườm tôi
- Gửi cho mi chứ cho con ma mô ở đây nữa.
- Thật hay giỡn đó, đưa em coi tí đi.
Chị vẫn đứng cách tôi ba bước, cầm cái thư đưa lên tầm mắt Tôi nhíu mày đọc
Thân gửi
Hạnh Tiên (Hạt Tiêu) 59. Đường Mặt Trời, Huế.
Liếc xéo bốn góc, chẳng thấy tên người gửi. Tim tôi đập rộn rã, hồi hộp ghê. Nét chữ nghiêng nghiên mà đỏ chói ấy của ai? Tôi vừa lo sợ vừa thích thú, nghĩ có người viết thư cho mình. Tôi vờ tỉnh bơ
- Chắc là thư anh Sơn ở Đà Lạt hoặc của chị Oanh ở Nha Trang gửi em đó.
- Thôi đừng giả đò nữa, chữ anh Sơn, chị Oanh bộ tau nhìn không ra à? Tau đoán là của anh chàng bụi gửi mi. Phải không?
Anh chàng chùi bụi? Lẽ nào lại thế? Tôi còn nhỏ chút chun, bộ anh chàng viết thư định rủ đi bắt cào cào, chuồn chuồn, bươm bướm chơi à? Hông có đâu. Chỉ Hải Cát đã nghi, cho chị nghi chết luôn, đây không thèm thanh minh. Nghĩ vậy và bất giấc tôi bật cười
- Hình như đúng rứa. Một mình anh chàng vác giầy đi chùi bụi, không sạch, chắc anh chàng định rủ em vác guốc đi màu đường với anh chàng đó.
Chị Hải Cát nheo mắt, nguýt
- Còn bằng hạt tiêu cũng bày đặt thư từ.
Tôi vênh mặt
- Người ta lớn rồi chứ bộ.
- Ừ, lớn hơn hạt tiêu...
Ngó bộ chị Hải Cát cầm cái thư khư khư, không dễ gì đưa ra ngay. Năn nỉ tốn cả chục kí lô nước bọt họa may. Chị sắp đưa điều kiện chi đó để đổi lấy thư, đại khái tôi phải đi mượn vở gì đó giùm chị, hoặc tối nay phải lãnh phần rửa chén bát vân vân và vân vân. Coi tề, môi chị mấy máy sắp đưa điều kiện. Thình lình tôi chạy băng xuống thềm, chụp cái thư trên tay chị và chạy biến vào phòng, đóng ầm cửa lại, cất tiếng cười rộ.
Chị Hải Cát không ngờ tôi thi triển công phu "cầm nã thủ" nhanh thế, đành thua. Chị đấm của rầu rầm
- Đồ quỉ. Chặp nữa ba về tau mét ba, mi có "bồ".
Trống ngực còn đập thình lình, tôi ráng anh dũng "đối thoại" qua cánh cửa đóng
- Ê, đừng dại nói ba biết, tí nữa đọc xong em đưa chị đọc.
Tò mò, tính bẩm sinh của loài động vật có tên là "người". Con ma tò mò trong ngườic hị chắc cũng vừa cực mình thức dậy, chị chịu ngay
- Ừ, nhớ nghe. Đọc xong, tau đọc với nghe, coi anh chàng chùi bụi viết chi.
Tiếng dép chị Hải Cát xa dần mất hút. Tôi ngồi trước bàn học, lật lui tới cái thư xa lạ trên tay, mặt phải rồi mặt trái. Chiêm ngưỡng trên mình được người lạ nào đó nắn nót khá trang trọng trên nền bì thư trắng tinh. Góc bên phải, con tem đỏ chói dấu nhật ấn áp đè lên hết thở. Dấu nhật ấn của Ty Bưu Điện Huế, nghĩa là ai đó, ở thành phố này gửi, chứ chẳng đâu xa. Tôi thắc mắc nhè nhẹ, lẽ nào anh chàng chùi bụi gửi cho mình? Nếu đúng lành anh chàng, không chi đáng thích thú cả, đan1g khóc thét lên thì có. Tôi đặt cái thư lên bàn, lấy cây thước đặt ngang một đầu thư, gạch đường bút chì thẳng băng, đoạn lấy kéo cắt.
Ba trang giấy pelure mịn màng trên tay, tôi nằm lăn xuống giường đọc
THIÊN LINH CHUỐI 1
Chủ nhật, giờ ngọ, ngày rằm
Mặt trời giận mặt trăng
Thổi trăm trận gió cuồng
Nghìn trận mưa băng giá
Quét sạch mặt đất
Biển đau bụng quặn ruột
Dâng sóng thần cao 10 thước 7 tấc 9 phân 6 ly 5
Khủng khiếp gấp 1001 lần trận đại hồng thủy ghi trong thánh kinh
Sau thời sáng thế
Phố xá
Nhà của
Núi rừng
Muôn loài
Đều chịu chung số phận bốc hơi thành mây bay đi hết
Ngoại trừ con trai và con gái
Tuổi từ 1 đến 17 được hưởng hạnh phước
Sống sót
Mặt đất sau giò ngọ, ngày rằm
Sẽ sạch bong
Mọi vết tính đều được mài nhẳn
Mặt trời biến thành ông già nhân từ
Khăn đóng
Râu dài
Áo gấm
Rất thướt tha
Chống gậy trúc qua khắp các miền lục đia.
Ho một nghìn chín trăm bảy mươi ba tiếng liên tiếp
Sau mỗi tiếng ho
Tức khắc nhà cửa hiện ra
Trước mỗi nhà kết rực rỡ đèn hoa
Treo lủng lẳng bánh trái
Cây cỏ mọc xanh rì
Ruộng lúa vàng trĩu hạt
Muôn loài
Muông thú tuần tự sinh ra
Từ lòng biển đi lên
Từ núi neo kéo xuống
Cùng mang tên Hòa Bình
Cùng nói cung một ngôn ngữ
Bầy gái trai sống sót
Năm tay nhau hát ca
Hòa Bình hồng môi má
Hòa Bình viết chữ hoa
Trên trán, trên mắt, trên tay chân mọi người
Hòa Bình cưỡi xe đạp
Chiều lượn quanh hồ thu
Hòa Bình nắm tay nhau
Kênh kênh đi dạo phố
Hòa Bình viết thư tình.
Tay chuyền tay nhau đọc
Hòa Bình ngồi quán cà phê
Rao giảng kinh kệ mới
Tình yêu ơi tình yêu
Lồng Lộng đường bay băng nghìn thế giới
Hòa Bình lúm đồng tiền
Cười đủ một nghìn chín trăm bảy mươi ba nu.
Bạn hãy chép đúng 1973 bản gửi cho 1973 người bạn quen biết. Không sai một dấu chấm, dấu phẩy. Bằng không, tai bạn sẽ dài thành tai lừa trong vòng 24 giờ.
Trán tôi biết thành cánh đồng mồ hôi, giọt ngắn giọt dài bao giờ không hay. Ngoài tưởng tượng và chờ đợi của tôi, có lẽ ngoài cả dự tưởng của chị Hải Cát. Thiên linh chuỗi là cái quái gì thế? Trò đùa nghịc tinh hay thieng liêng kỳ bí, bùa chú, ma thuật? Chủ Nhật, giờ ngọ, ngày rằm... Tôi đọc lui tới mơ hồ thấy những giòng chữ ảo huyền nối đuôi nhau xếp hàng lổm chổm bò dạy. Đôi mắt tôi mở lớn cơ hồ hai cửa ngõ cho hàng hàng lớp lớp chữ "đánh trống thổi kèn" mở hành trình vào óc. Không dưng tôi rùng mình, nghe lạnh gáy. Chữ vào óc tôi rồi đi đâu? Có lẽ nó đóng tuồng diễn kịch trong đó?
Bạn hãy chép đúng 1973 bản, gửi cho 1973 người ban quen biết. 1973 bản, chép đến gà gáy trăng lặn ngày khuyết đêm méo e cũng chưa xong. Tôi lắc đầu, nhắm mắt, phong tỏa hai cửa ngõ, không cho những chữ ma mị kia "tấn công" vô ái óc tươi mát của tôi.
Đôi môi tôi nghe mát một tiếng thở dài
làm răng chừ đây? Có nên chép đúng theo lời dọa dẫm răn đe của Thiên linh chuỗi không? Bất giấc tôi đưa hai tay lên sờ đôi vai bé bé xinh xinh. Hai trái tai lạnh toát. Bằng không, tai bạn sẽ dài thành tai lừa trong vòng 24 giờ. Ghê chưa! Tai lừa bộ dài lắm à? Giả dụ tai ta dài thành tai lừa, ra phố, tới trường hai tai sẽ từ từ dài ra; dài từ từ hay vụt một cái thành tai lừa ngay? Tôi đi, hai cái tai dài ngúc ngoắc. Tưởng tượng vậy cũng đủ dễ sợ hết lớn rồi. Không chừng lúc tôi có hai cái tai trứ danh đó, người ta dám bắt hốt để bán vé cho thiên hạ vào coi lắm à? Hạt tiêu. Cái óc mi nhỏ xiú, trí tưởng tượng mi to đại chang. Sự chênh lệch không thể giải thích được. Hãy mau mau thu trí tưởng lại nhỏ bằng... hạt tiêu. Tôi gọi thầm tên tôi cho đỡ tưởng tượng.
Bên ngoài, không gian im vắng lạ thường. Nắng rủ nhau bay đi hết, chiều ngự xuống lòng tôi nỗi bâng khuâng tím.
Chị Hải Cát ngủ gật ở nhà sau hay sao không nghe lên tiếng? Cái Thiên linh chuỗi trải dài trên mặt gối. Trước đó, nó từ đâu chui vào thùng thư bưu điện rồi phiêu lưu tới đây? A, hay nhỏ bạn ranh con nào đó của ta dọa ta chơi? Cũng có thể tác giả Thiên linh chuỗi là anh chàng chùi bụi. Hạt tiêu, tội chi thắc mắc cho rầu héo dung nhan. Hãy cười một nụ hàm tiếu. Tôi bảo tôi nghe, nhưng tôi không cười.
Tiếng dép lê trên sân lại gần, rồi tiếng chị Hải Cát bên ngoài cánh cửa
- Hạt Tiêu, đọc thư cảm động quá, ngất xỉu rồi phải không?
Tôi im nín thim thít. Giọng chị cao hơn, bay bổng tựa tơ trời
- Hạt Tiêu, ngủ rồi à?
Tôi có nuốt tiếng cười vô bụng. Nín thinh.
- Hạt Tiêu, Hạt Tiêu, Hạt Tiêu, Hạt Tiêu.
Tôi bịt mũi lại, cho giọng nói trở nên lạ hẳn và... rùng rợn
- Chủ nhật, giờ ngọ, ngày rằm
Mặt trời giận mặt trăng
Thổi trăm trận gió cuồng
Nghìn trận mưa băng giá
Quét sạch mặt đất
Biển đau bụng quặn ruột
Dâng sóng thần cao 10 thước 7 tấc 9 phân 6 ly 5
Khủng khiếp gấp 1001 lần trận đại hồng thủy ghi trong thánh kinh
Sau thời sáng thế
Giọng chị Hải cát trở nên lạ hẳn
- Hạt Tiêu. Mi giở trò khỉ chi rứa? Mi nói chi giống con khùng rứa?
Tôi cười lớn. Tiếng cười nhốt trong căn phòng hẹp nghe vọng vang như âm thanh bốn chiều chuyển động. Hồi cười dài bất thần chợt xuống, vây hãm chị Hải Cát vào cơn sợ hãi cuống cuồng, chị thét lớn
- Hạt Tiêu. Mi điên à?
Tôi giấu Thiên linh chuỗi vào hộc bàn, mở hé cửa, nheo mắt nhìn chị Hải Cát cười nửa nụ. Chị Hát Cát xanh tái mặt. Có lẽ mấy phút trước, hồn chị phiêu du lên mái nhà, giờ hồn mới trở lại.
- Mi bị ma nhập há?
Tôi tỉnh bơ
- Có chi mô nờ? Chị sắp khóc à? Răng cái mắt ngó buồng tàn thu rứa?
- Con khỉ. Tau đau tim mi không biết hay răng mà giỡn vô hậu rứa?
Tôi cười hì hì, giả lả
- Chị muốn biết anh chàng chùi bụi viết chi không?
- Đưa thư tau đọc coi.
Tôi nuốt lời hứa cách ngon lành
- Người lịch sự không khi mô đọc thư của kẻ khác.
- Mi không nẻ vỏ.
- Óc em bằng hạt tiêu sức mấy khôn.
- Tau sẽ mét ba, mi có "bồ".
- Bồ kết gội đầu.
Chị Hải Cát cười tủm tỉm
- Ê, nói rứa chớ hắn viết chi rứa mi? Hấp dẫn không, kể tau nghe cũng được.
Tôi đằng hắng bắt đầu "sáng tác"
- Thưchia làm ba phần
nhập đề, thân bài và kết luận.
Chị Hải Cát đưa ngón tay dí yêu lên trán tôi
- Nói xạo là tau mét ba.
Tôi cong cỡn
- Chị doa. mét ba hoài, em cóc nói.
- Ừ, nói đi, tau cóc mét.
Tôi lên giọng phịa
- Nhập đề
Nhị Kiều, Hạt Tiêu và Hạt Cát thân. Mỗi ngày cứ mặt trời rụng xuống dãy núi màu khoai tía phía tây, ăn cơm xong, xỉa răng, uống nước xong, tôi lại xuống đường.
Thân bài
Tằm ăn dâu để nhả tơ ra, tôi lang thang khắp mỏi nẻo đường thành phố, tìm ăn từng hạt sương đậu nũng nịu trên những lá cây, từng miếng đêm non mượt mềm nhung thắm, để, để, để làm gì Nhị Kiều biết không? Chắc Nhi Kiều cóc biết!
Thưa rằng để nhà tơ ra thơ in con tằm nó ăn dâu để nhả ra tơ. Thật thà chất phát thế đó. Thơ tôi nhả ra suốt mấy mùa rồi, viết kín ba nghìn chín trăm bảy mươi ba trang giấy, đếm được hết thảy là ba triệu sáu trăm dấu huyền, sắc, nặng, hỏi, ngả, chưa kể dấu chấm than; chín vạn chín nghìn lẻ chín chữ trân châu, dệt nên bốn vạn hai trăm rưỡi nghìn lời thơ vàng ngọc.
Xuyên qua các consố đan cử trên, dù Nhị Kiều có can đảm thần sầu quỉ khốc tới đâu, ắt cũng phải một phen nổi da gà. Tuy nhiên, tôi kẻ rõ ra thế không có ý để "dọa" ai cả, mà để chứng tỏ răn2g tôi là một đại thi sĩ nặng kí. Một chi tiết dáng nhắc nhở nữa là, tập thơ viết tay, tôi đã phải thuê cả chiếc xích lô chở ra hiệu thuốc tây nhờ cân giùm, được gần năm chục kí. Đến lượt về, bụi dọc đường bay bám vào, tập thơ tôi từ từ tăng sức nặng, hai bánh xe xích lô xẹp lốp, rồi chiếc xe cũng từ từ đổ kềnh, gẫy vụn, trông thật khủng khiếp. Không có cách nào hơn, tôi bèn phải nhờ đến một lực sĩ khuân tập thơ tôi về nhà.
Tôi, đại thi sĩ, tác giả tập thơ bất hủ. Kẻ thường chọn con đường trước cổng Nhị Kiều tìm hứng viết nên những vần thơ đẹp cho nhân loại. Sứ mệnh tôi còn nặng gấp ngàn lần tập thơ vô địch của tôi. Điều này thật đã quá rõ như hai với hai là bốn. Nhân loại vắng bóng thi sĩ là nhân loại khô, trần gian thiếu chất thơ là trần gian ù lì.
Chị Hải Cát bỗng ngắt lời
- Xạo hay thật mà mi đọc trơn tru rứa?
Tôi vờ ngạc nhiên
- Sức mấy xạo, em học thuộc lòng rồi.
- Anh chàng chùi bụi khoác lác vô địch thế giới, làm chi có tập thơ cân nặng tới gần 50 kí?
Tôi chớp mắt làm bộ ngơ ngác
- Ai biết. Hắn viết rứa thì em đọc lại rứa.
Chị Hải Cát mỉm cười gật đầu
- Ừ. Răng nữa, răng nữa?
Tôi giả đò nhăn mày suy nghĩ
- Tới đoạn mô rồi hè?
- Đoạn trần gian thiếu chất thơ...
Tôi tiếp tục "sáng tác"
- Trần gian thiếu chất thờ là trần gian ù lì. Thơ cần thiết như khí trời để thở, tựa cơm để ăn, giống vitamine để bổ dưỡng cơ thể và tinh thần tráng kiện. Nếu bắp thịt cuồn cuộn biển diễn sức mạnh của thể chất con người, thì thơ chính là "bắp thịt" của tinh thần, linh hồn của con người vậy. Tôi, mặc dù là đại thị sĩ, nhưn gluôn luôn tôi ở trong tình trạng đói thơ, khát thơ, như trẻ con đói sửa, khát sữa, thấy thơ là chụp nhai ngấu nghiến nuốt vô bụng. Dĩ nhiên tôi chỉ ngấu nghiến thơ tôi thôi, ngoài thơ tôi, xin lỗi, mặt đất này hoang vu, tất cả thi sĩ khác chỉ là bóng mờ.
Và, tôi dự tính
đến lúc nào ngấu nghiến, thuộc nằm lòng hết ba nghìn chín trăm bảy mươi ba trang thơ kiều diễm của tôi, sẽ tổ chức một cuộc thi đọc thơ ra mắt công chúng. Tôi sẽ đọc trong 152 giờ liên tiếp không ngừng nghỉ phút nào, yếu tố thời gian không nghĩa lý gì cả, dù sau khi đọc xong rất có thể tôi ngất xỉu, không bao giờ trở dậy được nữa. Trong đám đông hẳn sẽ có người hâm mộ tôi, dựng cho tôi một bia mộ lưu truyền danh thơm đời đời và cỏ cây....
Chị Hải Cát đưa cao hai tay quá đầu, giả đò bắt chước điệu bổ của người sắp ngất xỉu
- Không thể tưởng tượng được thằng cha mô dóc tổ bằng thằng cha ni.
Tôi chớp chớp mắt, ngây thơ như nai
- Chưa hết, còn dài dài nữa, hấp dẫn nữa.
Không đợi chị Hải Cát tỏ dấu ưng chịu, tôi "sáng tác" tiếp
- Nhị Kiều có tưởng tượng được hình ảnh tuyệt vời của một đại thi sĩ nhắm mắt lìa đời, tay âu yếm ôm tập thơ vĩ đại của mình không? Hình ảnh ấy thật đẹp, cam đoan nhiếp ảnh gia nào chụp được, dự giải ảnh đẹp quốc tế, chắc chắn hắn sẽ đoạt giải danh dự một cách vinh quang.
Trong khi chờ đợi cuộc đọc thơ lịch sử ấy, đêm đêm tôi vẫn tiếp tục lên gót giang hồ, phiêu lưu lui, phiêu lưu tới trên con đường trước cổng nhà Nhị Kiều, để hồn thơ được nuôi dưỡng bằng ảnh tượng lồng lộng của một Hạt Tiêu nho nhỏ, một Hạt Cát (hắn lại kêu Hải Cát thành Hạt Cát lần nữa!) xinh xinh. Hãy cho phép tôi được ngang qua trước nhà Nhị Kiều nhé. Nhé! Nhé!
Tôi sẽ bắt chước chàng Kim, nhân vật đẹp trai của truyện Kiều, ngày đẹp trời nào đó đến trọ nhà láng giềng Nhị Kiều. Ngàng đó chắc tôi sung sướng lắm.
Kết luận
Xin ơn trên phù hộ chúng ta.
Không dưng chị Hải Cát đỏ mặt tía tai, chị bỉu môi
- Thằng cha dóc tổ, hăs1n dàm ví hắn như chàng Kim và chị em mình tựa Thúy Kiều, Thúy Vân. Tau sức mấy bị lưu lạc truân chuyên tới mười lăm năm như nàng Kiều?
Tôi vuốt giận
- Chị không tế nhị chi cả. Hắn nói rứa tức là muốn ví chị kiều diễm, nguyệt thẹn hoa nhường, tài hoa như nàng Kiều đó chứ.
- Nội cái tật nói khoát của hắn cũng đủ thấy ghét cay ghét đắng rồi.
Tôi ngửi thấy trong không khí có mùi gì khác lạ
- Chị Hải Cát, nhà cháy hay răng em nghe mùi khen khét.
Chị Hải Cát như người ngủ mê sực tỉnh
- Chết cha, cơm khê rồi.
Chị quay lưng ong, cất đôi chân ngọc thỏ, vù ra nhà bếp cứu nguy... nồi cơm.
Tôi trở vào phòng ôm bụng nằm lăn xuống gường cười rũ.