Nguyên tác: Moon Palace
Số lần đọc/download: 2638 / 72
Cập nhật: 2015-09-18 01:22:47 +0700
Chương 1
Đ
ó là mùa hè năm con người lần đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Quãng thời gian ấy tôi còn rất trẻ, nhưng không có chút niềm tin nào vào tương lai. Tôi muốn sống liều lĩnh, tự đẩy mình đi xa nhất có thể, và thử xem điều gì sẽ xảy ra với mình khi đến đó. Trên thực tế suýt nữa tôi đã không làm được điều này. Tiền của tôi cạn dần; tôi mất căn hộ; tôi bị tống cổ ra đường. Nếu không có cô gái tên là Kitty Wu, hẳn tôi đã chết đói. Tôi tình cờ gặp cô không lâu trước đó, nhưng rồi tôi nghĩ ra sự tình cờ ấy chính là một hình thức của thiện ý, một lối tự cứu mình thông qua ý thức của người khác. Đó là phần đầu của câu chuyện. Kể từ bấy, nhiều điều kỳ lạ đã xảy đến. Tôi tìm được việc làm ở chỗ ông già ngồi xe lăn. Tôi phát hiện bố tôi là ai. Tôi đi qua sa mạc từ Utah đến California. Những chuyện này dĩ nhiên đã diễn ra từ lâu, nhưng tôi vẫn nhớ rõ giai đoạn đó, tôi vẫn nhớ đến nó như sự khởi đầu của cuộc đời mình.
Tôi đến New York vào mùa thu năm 1965. Khi ấy tôi mười tám tuổi, và trong chín tháng đầu tôi ở trong một ký túc xá đại học. Tại Columbia, tất cả sinh viên năm thứ nhất không phải người New York đều bị buộc phải ở trong khuôn viên trường, nhưng ngay khi năm đầu tiên kết thúc, tôi chuyển đến ở trong một căn hộ phố 112 Tây. Tôi sống ba năm tiếp theo ở đó, cho đến khi thực sự rơi xuống đến sự bần cùng. Nhìn lại những khó khăn từng phải đối mặt, thật kỳ diệu là tôi đã trụ được ngần ấy thời gian.
Tôi sống trong căn hộ đó với hơn một nghìn quyển sách. Trước đây, chúng thuộc về bác Victor của tôi, được ông thu thập dần dần trong vòng khoảng ba mươi năm. Ngay trước khi tôi đi học đại học, bỗng nhiên ông tặng chúng cho tôi làm quà tạm biệt. Tôi đã tìm hết cách để từ chối, nhưng bác Victor là một người tình cảm và hào phóng, ông nhất định không cho tôi làm theo ý mình. “Bác không có tiền cho cháu”, ông nói, “và cũng chẳng có lời khuyên nào, cầm sách cho bác vui lòng đi.” Tôi đã lấy sách, nhưng trong vòng một năm rưỡi tôi không mở thùng nào hết. Tôi có dự định thuyết phục bác tôi nhận lại chúng và, trong khi chờ đợi, tôi không muốn có điều gì xảy đến với chúng.
Để nguyên như vậy, những cái thùng hóa ra lại hết sức hữu ích. Căn hộ phố 112 không có đồ đạc, và thay vì lãng phí tiền bạc mua những thứ tôi không hề muốn và cũng không thể mua nổi, tôi biến những cái thùng thành nhiều mảnh của “đồ đạc tưởng tượng.” Hơi giống chơi trò ghép hình: cần phải tập hợp chúng lại theo các dạng hình có tính chức năng khác nhau, xếp thành hàng, xếp chồng lên nhau, xếp đi xếp lại cho đến khi rốt cuộc chúng cũng giống được với những thứ đồ vật trong nhà. Một bộ gồm mười sáu thùng trở thành khung đỡ cho cái đệm của tôi, một bộ mười hai cái khác biến thành bàn, xếp theo con số bảy chúng thành ghế, theo con số hai thì thành bàn đầu giường, và cứ như vậy. Hiệu ứng tổng thể có tính chất khá đơn sắc với cái màu nâu nhạt u tối ở khắp mọi nơi, nhưng tôi không thể ngăn mình cảm thấy tự hào trước sự khéo léo của chính tôi. Bạn bè tôi thấy điều này khá kỳ cục, nhưng đến khi ấy họ đã bắt đầu quen với những sự kỳ cục của tôi. Hãy nghĩ đến sự thỏa mãn, tôi giải thích cho họ, khi cậu chui vào chăn với ý nghĩ những giấc mơ của cậu sẽ diễn ra phía trên văn chương Mỹ thế kỷ mười chín. Hãy tưởng tượng sự khoan khoái khi cậu ngồi vào bàn với toàn bộ thời Phục hưng nằm ngoan ngoãn bên dưới các món ăn. Nói cho đúng thì tôi hoàn toàn không biết thùng nào chứa sách nào, nhưng thời đó tôi rất giỏi bịa chuyện, và tôi thích âm hưởng của những câu nói ấy, ngay cả khi chúng không hề chính xác.
Đồ đạc tưởng tượng của tôi được nguyên vẹn trong vòng gần một năm. Rồi, vào mùa xuân năm 1967, bác Victor mất. Cái chết của ông là một đòn chí tử giáng lên tôi; xét về nhiều mặt, đó là cú đánh tồi tệ nhất mà tôi từng phải chịu đựng. Bác Victor không chỉ là người tôi yêu quý nhất trên đời, mà còn là người thân duy nhất của tôi, mối dây liên hệ duy nhất nối tôi với cái gì đó lớn hơn bản thân tôi. Không có ông, tôi cảm thấy mất trắng, bị số phận hạ sát tàn độc. Nếu từng chuẩn bị chờ đợi sự ra đi của ông theo một cách nào đó, hẳn tôi đã cảm thấy dễ dàng hơn. Nhưng làm sao có thể chờ đợi cái chết của một người mới năm mươi hai tuổi sức khỏe lúc nào cũng tốt? Chỉ đơn giản là bác tôi quỵ ngã vào một buổi chiều đẹp trời giữa tháng Tư, và vào thời điểm ấy cuộc đời tôi bắt đầu chao đảo, tôi bắt đầu tan biến vào một thế giới khác.
Về gia đình tôi không có nhiều điều để nói. Danh sách nhân vật rất ngắn, và phần lớn không hiện diện lâu dài. Tôi sống với mẹ đến năm mười một tuổi, nhưng rồi bà chết trong một tai nạn giao thông, bị một cái xe bus mất lái trong màn tuyết Boston đâm vào. Không có ông bố nào trong bức tranh, chỉ có hai chúng tôi, mẹ và tôi. Việc bà vẫn giữ họ của gia đình chứng tỏ bà chưa bao giờ kết hôn, nhưng phải đến sau khi bà mất tôi mới biết mình là con ngoài giá thú. Khi còn nhỏ, tôi chưa bao giờ nảy ra ý định hỏi về những vấn đề đó. Tôi là Marco Fogg, mẹ tôi là Emily Fogg, và ông bác Chicago của tôi là Victor Fogg. Chúng tôi đều mang họ Fogg và tôi thấy hoàn toàn lôgic khi cả nhà cùng mang một họ. Sau này, bác Victor kể cho tôi thoạt đầu họ của bố ông là Fogelman, nhưng ai đó tại văn phòng quản lý người nhập cư đóng trên Ellis Island đã cắt bớt đi thành Fog, với một chữ g, và Fog trở thành cái họ Mỹ của gia đình cho đến khi chữ g thứ hai được ghép thêm vào năm 1907. Fogel nghĩa là con chim, bác tôi giải thích, và tôi khoái cái ý nghĩ nguồn gốc của mình có liên quan đến loài vật ấy. Tôi tự tưởng tượng ra một vị tổ tiên anh dũng từng thực sự biết bay. Một con chim bay trong sương mù[1], tôi thường nghĩ vậy, một con chim khổng lồ bay qua đại dương, không ngưng cánh cho đến khi tới được nước Mỹ.
Tôi không có bức ảnh nào của mẹ và thấy rất khó hình dung được khuôn mặt bà. Mỗi khi nghĩ đến bà, tôi lại nhìn thấy một người phụ nữ nhỏ bé tóc sẫm, cổ tay nhỏ như cổ tay trẻ con và những ngón tay trắng thanh mảnh, và đột nhiên, lần nào cũng vậy, tôi nhớ thật là dễ chịu khi được những ngón tay đó chạm vào. Bà luôn luôn trẻ trung và xinh đẹp trong trí nhớ của tôi, và hẳn đó là sự thật, vì bà qua đời khi mới hai mươi chín tuổi. Chúng tôi từng sống trong nhiều căn hộ nhỏ ở Boston và Cambridge, và tôi nghĩ bà làm việc cho một nhà xuất bản chuyên in sách học sinh, nhưng tôi quá nhỏ nên không thể biết bà làm gì ở đó. Điều mà tôi nhớ rõ nhất là những lần chúng tôi cùng nhau đi xem phim (những bộ phim cao bồi có tài tử Randolph Scott, Chiến tranh giữa các thế giới, Pinocchio), ngồi trong bóng tối của phòng chiếu phim, ăn pop-corn và cầm tay nhau. Bà có khả năng kể những câu chuyện buồn cười làm tôi ngặt nghẽo đến đứt hơi, nhưng rất hiếm khi bà làm vậy, chỉ khi các hành tinh ở vào một vị trí thuận lợi mà thôi. Phần lớn thời gian, bà rất lơ đãng, u buồn, và nhiều lúc tôi cảm thấy một nỗi buồn thực thụ toát ra từ con người bà, cảm giác như thể bà đang phải chiến đấu chống lại một sự hoảng loạn mênh mông của nội tâm. Dần dần khi tôi lớn lên, bà hay để tôi một mình ở nhà với người trông trẻ, nhưng mãi sau này tôi mới hiểu được ý nghĩa những lần vắng mặt bí ẩn của bà, nhiều năm sau khi bà mất. Tuy nhiên, về bố tôi, không có gì hết, cả thời gian đó lẫn sau này. Đó là chủ đề duy nhất mẹ tôi từ chối nói chuyện với tôi, và mỗi lần tôi hỏi bà, bà đều tỏ ra cứng rắn. “Ông ấy mất lâu rồi”, bà nói, “trước khi con ra đời.” Trong nhà không còn dấu vết nào của ông. Không có ảnh, thậm chí một cái tên cũng không. Để có chỗ mà bấu víu, tôi tưởng tượng ông giống như Buck Rogers tóc sẫm, một nhà du hành vũ trụ đi lạc vào chiều không gian thứ tư và không tìm được đường về.
Mẹ tôi được chôn cất gần ông bà tôi trong nghĩa trang Westlawn, và sau đó tôi đến ở với bác Victor tại phía Bắc Chicago. Tôi không còn giữ được nhiều kỷ niệm về thời kỳ xa xôi ấy nhưng có vẻ như là tôi chỉ suốt ngày ủ rũ sầu thảm, tối đến thì khóc nức nở cho đến khi ngủ thiếp đi như một đứa trẻ mồ côi đáng thương trong một cuốn tiểu thuyết thế kỷ mười chín. Một hôm, một người đàn bà thuộc dạng phổi bò người quen của bác Victor gặp chúng tôi trên đường và òa lên khóc khi được bác tôi giới thiệu với tôi, bà ta lấy khăn tay chùi mắt và nghẹn ngào nói hẳn tôi là đứa con của tình yêu của Emily tội nghiệp. Tôi chưa bao giờ nghe thấy thành ngữ đó, nhưng tôi đoán nó ám chỉ những điều kinh khủng và xấu xa. Khi tôi nhờ bác Victor giải thích, ông đã nghĩ ra một câu trả lời mà tôi vẫn luôn nhớ: “Tất cả trẻ con đều là con của tình yêu,” ông nói với tôi, “nhưng chỉ những đứa trẻ khá nhất mới được gọi như vậy thôi.”
Người anh của mẹ tôi là một ông trung niên không vợ bốn mươi ba tuổi, cao lênh khênh, có cái mũi khoằm như mỏ chim, kiếm sống bằng nghề thổi kèn clarinet. Cũng như tất cả những người thuộc họ Fogg khác, ông có khuynh hướng lơ đãng và mơ màng, với những cơn điên rồ đột ngột và những quãng ngơ ngẩn kéo dài. Sau bước khởi đầu đầy hứa hẹn với tư cách thành viên Dàn nhạc Cleveland, cuối cùng những nét tính cách kể trên đã làm hại bác. Bác vẫn nằm trên giường khi giờ tập đến, không đeo cà vạt vào các dịp biểu diễn, và một hôm còn cả gan thì thầm kể một chuyện cười bậy bạ vào tai chỉ huy dàn nhạc người Bungari. Sau khi bị đuổi, Victor chơi quanh quẩn cho các dàn nhạc kém uy tín hơn, mỗi dàn nhạc sau lại xập xệ hơn dàn nhạc trước một chút, và khi quay trở về Chicago vào năm 1953, ông đã học được cách chấp nhận sự tầm thường của sự nghiệp cá nhân. Khi tôi đến sống với ông hồi tháng Hai năm 1958, ông dạy clarinet cho những người mới học và chơi cho nhóm Moonlight Moods của Howie Dunn, một ban nhỏ hay chơi tại các đám cưới, lễ lạt và tiệc ra trường. Victor biết là mình quá thiếu tham vọng, nhưng ông cũng biết rằng trên đời còn có những thứ hấp dẫn khác ngoài âm nhạc. Trên thực tế chúng rất nhiều, đến mức ông thường xuyên bị chúng lấn lướt. Thuộc dạng người khi đang phải lo chuyện gì đó lại luôn mơ mộng đến một chuyện khác, ông không có khả năng ngồi tập đi tập lại một bản nhạc mà không ngừng lại giữa chừng để suy nghĩ một thế cờ, không thể chơi cờ mà không nghĩ đến các điểm yếu của đội Chicago Cubs, không thể đến sân vận động mà không suy tư về một nhân vật phụ trong kịch Shakespeare, và rồi khi đã về đến nhà, không thể cầm cuốn sách được quá hai mươi phút mà không cảm thấy ham muốn khẩn cấp là được thổi kèn clarinet. Dù có ở đâu, dù có đi đâu, dấu vết mà ông để lại sau lưng luôn được điểm xuyết bằng những nước cờ vụng, những dự đoán tỉ số sai và những cuốn sách đọc dở dang.
Tuy nhiên không khó để mà yêu bác Victor. Đồ ăn thức uống có kém hơn so với hồi còn mẹ tôi, những căn hộ mà chúng tôi ở thảm hại và bừa bộn hơn, nhưng xét cho cùng đó chỉ là các tiểu tiết. Victor không vờ tỏ ra là người mà ông không phải là. Ông biết không thể với tới được tình cha con, thành thử ông đối xử với tôi như một người bạn, một người tâm giao kích cỡ thu gọn và đáng yêu hơn là như một đứa trẻ con. Cách dàn xếp đó thích hợp cho cả hai chúng tôi. Vào tháng đầu tiên tôi đến ở với ông, chúng tôi cùng chơi trò sáng tạo ra những đất nước, những thế giới tưởng tượng đi ngược lại các quy luật của tự nhiên. Có khi phải mất hàng tuần để hoàn thiện những gì khá nhất, và những tấm bản đồ mà tôi vẽ được treo ở vị trí danh dự phía trên bàn bếp. Chẳng hạn như Miền đất Ánh sáng Tản mát, hoặc Vương quốc Người một mắt. Nhìn vào những khó khăn mà cả hai chúng tôi gặp phải trong thế giới thực, rõ ràng là rất lôgic khi chúng tôi tìm cách thoát khỏi nó một cách thường xuyên nhất có thể.
Không lâu sau khi tôi đến Chicago, bác Victor dẫn tôi đi xem bộ phim Vòng quanh thế giới trong tám mươi ngày. Họ của nhân vật chính trong câu chuyện này là Fogg, dĩ nhiên, và kể từ hôm ấy bác Victor gọi tôi là Phileas để thể hiện sự trìu mến - một cách gợi ý ngầm đến khoảnh khắc lạ kỳ khi, theo cách nói của ông, “chúng ta phải đối mặt với chính chúng ta trên màn ảnh.” Bác Victor rất thích nghĩ ra các lý thuyết phức tạp và phi lý về tất cả mọi thứ, và ông không bao giờ mệt mỏi trong việc tìm ra những vinh quang ẩn chứa trong cái tên của tôi. Marco Stanley Fogg. Theo ông, cái tên cho thấy du hành đã ăn vào máu tôi, và cuộc đời sẽ mang tôi đến những nơi chưa từng đặt dấu chân người. Marco, một cách hoàn toàn tự nhiên, gọi đến Marco Polo, người châu u đầu tiên đến Trung Quốc; Stanley là phóng viên người Mỹ tìm được dấu vết bác sĩ Livingstone “ở giữa châu Phi tăm tối nhất”; và Fogg, đó là Phileas, người trở thành ngọn gió bay quanh địa cầu trong vòng chưa tới ba tháng. Không có gì quan trọng khi mẹ tôi chọn cái tên Marco chỉ vì bà thích nó, còn Stanley là tên ông ngoại tôi, và Fogg là một cách đọc sai, ý thích thất thường của một tay công chức người Mỹ kém hiểu biết. Bác Victor tìm được ý nghĩa ở những nơi chưa ai từng nhìn thấy, rồi sau đó, một cách tinh tế, biến chúng thành một dạng khích lệ ngầm ẩn. Sự thực là tôi thích thú với toàn bộ sự quan tâm mà ông dành cho tôi, và ngay cả khi tôi biết rằng những lời của ông chỉ như gió thoảng qua, thì một phần con người tôi vẫn tin vào từng từ ông nói. Xét về ngắn hạn, thứ chủ nghĩa duy danh của Victor đã giúp tôi vượt qua thử thách của những tuần đầu tiên ở trường mới. Không có gì dễ bị tấn công hơn là những cái tên, và “Fogg” nhanh chóng trở thành hàng đống những cắt xén bột phát: chẳng hạn như Fag và Frog[2], đi kèm với hằng hà sa số các ám chỉ liên quan đến môn thời tiết: Đầu Người tuyết, Người Bùn, Miệng Mưa phùn. Sau khi đã khai thác đến cạn kiệt họ của tôi, lũ bạn quay sang chú ý đến cái tên. Chữ o nằm cuối Marco dĩ nhiên là đủ sức gọi lên các tính từ như Dumbo, Jerko và Mumbo Jumbo, nhưng ngoài đó ra những gì chúng tìm được còn vượt xa mọi trông đợi. Marco đã trở thành Marco Polo; Marco Polo trở thành Polo Shirt; Polo Shirt trở thành Shirt Face; và Shirt Face trở thành Shit Face[3] - một biểu hiện sáng lòa của sự độc ác từng làm tôi kinh hoàng khi lần đầu tiên nghe thấy. Rốt cuộc thì tôi đã sống qua được cuộc nhập học, nhưng vẫn còn sót lại cái cảm giác về sự mong manh vô hạn của cái tên tôi. Cái tên ấy gắn chặt với ý thức về cá nhân tính của tôi đến mức kể từ đó tôi đã muốn bảo vệ nó chống lại mọi sự gây hấn. Mười lăm tuổi, tôi bắt đầu ký tên dưới các bài tập là M. S. Fogg, một tiếng vọng đầy ngạo nghễ của các vị thần văn chương hiện đại, ngoài ra còn gây thích thú to lớn bởi chúng chính là viết tắt của từ bản thảo[4]. Bác Victor vui sướng ủng hộ thay đổi đó. “Ai cũng đều là tác giả cuộc đời mình,” ông nói. “Quyển sách mà cháu đang viết còn chưa kết thúc. Cho nên nó là một bản thảo. Còn có gì thích hợp hơn thế nữa?” Dần dà, Marco biến mất khỏi địa hạt công cộng. Với bác tôi, tôi là Phileas, và khi đi học đại học, tôi là M. S. Với tất cả những người khác. Một vài đầu óc mẫn tiệp từng nhận xét rằng những chữ đó cũng là viết tắt của một thứ bệnh[5], nhưng thời gian ấy tôi vui sướng đón nhận tất cả các kết hợp hay châm biếm có thể gắn vào với tôi. Khi tôi gặp Kitty Wu, cô tặng tôi nhiều cái tên, nhưng chúng là tài sản riêng của cô, có thể nói vậy, và thêm vào đó tôi rất thích chúng: chẳng hạn như Foggy, chỉ để dùng cho những dịp đặc biệt, và Cyrano, được tiếp nhận vì những lý do sau này sẽ trở nên hiển nhiên. Nếu bác Victor sống thêm để gặp được cô, tôi chắc ông sẽ tán thành rằng cuối cùng Marco, theo cách thức khiêm tốn của mình, ít nhất cũng đã đặt chân đến Trung Quốc.
Những buổi học kèn clarinet không suôn sẻ lắm (hơi tôi quá ngắn, môi thì quá thiếu kiên nhẫn), và tôi nhanh chóng tìm cách tự giải thoát mình khỏi chúng. Bóng chày lôi cuốn tôi nhiều hơn, và ngay ở tuổi mười một tôi đã thuộc vào một trong số những thằng nhóc Mỹ gầy giơ xương đi đâu cũng đeo găng, mỗi ngày thọc tay phải vào túi hàng nghìn lần. Không nghi ngờ gì nữa, ở trường bóng chày đã giúp tôi vượt qua một số trở ngại, và khi tôi được nhận vào Little League địa phương hồi mùa xuân đầu tiên đó, bác Victor đã đến xem gần như tất cả các trận đấu để cổ vũ tôi. Tuy nhiên, vào tháng Bảy năm 1958, đột nhiên chúng tôi chuyển đến ở Saint Paul, bang Minnesota (“một cơ hội hiếm có,” Victor nói, hàm ý một chân giáo viên âm nhạc mà người ta đề nghị với ông), nhưng năm sau đó chúng tôi lại trở về Chicago. Tháng Mười, Victor mua một cái vô tuyến, và ông cho phép tôi trốn học để xem đội White Sox thua trong World Series sau sáu trận. Đó là năm của Early Wynn và của điệu go-go Sox, của Wally Moon người có các pha vụt bóng lên đến mặt trăng rồi chạy về chốt cuối ghi điểm. Chúng tôi ủng hộ Chicago, dĩ nhiên, nhưng cả hai đều cảm thấy một sự hài lòng ngấm ngầm khi anh chàng có bộ lông mày rậm rì đánh được một cú ra ngoài sân trong trận cuối cùng. Ngay khi mùa giải mới bắt đầu, chúng tôi trở lại là những cổ động viên nhiệt tình của Cubs - những anh chàng vụng về tội nghiệp của Cubs - đội bóng chiếm giữ tâm hồn chúng tôi[6]. Victor là một trạng sư lão luyện cho việc chơi bóng chày vào ban ngày, và ông coi việc ông vua kẹo chewing gum[7] không gục ngã trước ánh đèn nhân tạo xấu xa là một ân điển của luân lý. “Khi đi xem một trận đấu,” ông nói, “bác không muốn nhìn thấy ngôi sao nào khác ngoài những ngôi sao trên sân. Đó là một môn thể thao được tạo ra cho mặt trời và vải len đẫm mồ hôi. Cỗ xe của Apollo bay trên thiên đỉnh! Quả bóng vĩ đại rực cháy trên bầu trời Mỹ!” Trong những năm đó chúng tôi nhiều lần tranh luận rất lâu về những người như Ernie Banks, George Altman và Glen Hobbie. Hobbie là một trong những cầu thủ mà ông thích nhất nhưng, trung thành với thế giới quan của mình, bác tôi khẳng định tay ném này sẽ không bao giờ thành công vì tên anh ta hàm nghĩa nghiệp dư. Những trò chơi chữ đó rất điển hình cho kiểu hài hước của Victor. Thời ấy, tôi thực sự trìu mến những câu nói đùa của ông, và tôi hiểu vì sao chúng phải được phát ra với một bộ mặt phớt tỉnh như thế.
Không lâu sau khi tôi được mười bốn tuổi, trong nhà chúng tôi có thêm một người thứ ba. Dora Shamsky, họ thời thiếu nữ là Katz, là một bà góa mập mạp trạc tứ tuần, với mái tóc vàng kỳ cục và bộ mông bó thật chặt. Kể từ khi ông Shamsky qua đời vào sáu năm trước, bà làm thư ký cho bộ phận thống kê của hãng bảo hiểm Mid-American Life. Bác Victor gặp bà tại phòng khiêu vũ khách sạn Featherstone, nơi ban Moonlight Moods được thuê để đảm nhận phần âm nhạc cho bữa tiệc hàng năm, ngay trước ngày năm mới. Sau một màn tán tỉnh chớp nhoáng, hai người lấy nhau vào tháng Ba. Tôi không thấy có gì phải phản đối tự thân tất cả những việc đó và kiêu hãnh trở thành phù rể cho đám cưới. Nhưng một khi màn bụi đã bắt đầu rơi xuống, tôi buồn bã nhận ra bà bác mới của tôi không nhanh nhảu cười trước những câu nói đùa của Victor, và tôi tự hỏi không biết ở bà điều đó có phải là biểu hiện của ngốc nghếch hay thiếu vắng trí óc linh hoạt có hại cho tương lai cuộc sống chung của họ. Tôi nhanh chóng biết được là có hai Dora. Người đầu tiên, vô cùng hoạt bát và được việc, là một nhân vật thô ráp, hơi đàn ông tính, di chuyển trong nhà như một cơn lốc với thứ năng lượng của một viên thượng sĩ thông qua một tâm trạng đầy hào hứng, một người biết tuốt, một ông chủ. Dora thứ hai, một người đàn bà ưa làm điệu thích uống rượu, một con người nhạy cảm quá đà, hay khóc lóc và than thở, mặc váy ngủ màu hồng đi lại lờ đờ và nôn ra thảm phòng khách khi quá chén. Trong hai người, tôi thích người thứ hai hơn, rất có thể là vì sự trìu mến khi đó bà dành cho tôi. Nhưng chuyện Dora uống rượu nêu lên một câu đố mà tôi thấy không dễ đoán được lời giải, vì những lần suy sụp của bà khiến cho Victor buồn rầu và bất hạnh, và hơn mọi thứ trên đời, tôi ghét nhìn thấy bác tôi phải đau khổ. Victor có thể quen được với Dora tỉnh táo và hay gây chuyện, nhưng sự say sưa của bà gợi lên trong lòng ông một sự nghiêm khắc và thiếu kiên nhẫn mà tôi thấy không được tự nhiên lắm, một sự tha hóa ở bản chất đích thực của ông. Cái tốt và cái xấu lao vào một trận chiến triền miên. Khi Dora tỏ ra dễ chịu, Victor không được như vậy. Khi Dora tỏ ra khó chịu, Victor liền trở nên thoải mái. Dora tốt dẫn theo một Victor xấu, và Victor tốt chỉ trở lại khi Dora không đáng yêu. Tôi trở thành tù nhân trong hoàn cảnh tồi tệ ấy suốt hơn một năm.
Thật may mắn, công ty xe bus Boston đã chi một khoản bồi thường rộng rãi. Theo những tính toán của Victor, số tiền đủ để trả cho bốn năm học đại học của tôi nếu chi tiêu hợp lý, cộng thêm một khoản dư nhỏ để giúp tôi xâm nhập cái gọi là cuộc sống thực. Trong những năm đầu tiên, ông ra sức gìn giữ món tiền nguyên vẹn. Ông nuôi tôi bằng tiền của mình và sung sướng với điều đó, kiêu hãnh vì trách nhiệm và không có chút ý định chạm vào dù chỉ một phần nhỏ số tiền. Tuy nhiên, với Dora thêm vào bức tranh, ông phải thay đổi kế hoạch. Ông rút hết tiền lãi tích cóp được, cộng với một phần khoản dư nhỏ và ghi tên cho tôi vào một trường ở New Hampshire, nghĩ rằng bằng cách ấy có thể làm đảo ngược những hậu quả từ sai lầm của ông. Bởi vì khi Dora không trở thành được người mẹ mà ông hy vọng trao tặng cho tôi, ông thấy chẳng có lý gì lại không tìm một giải pháp khác. Thật tiếc cho khoản dư nhỏ, tất nhiên, nhưng còn làm gì được nữa đây. Đối mặt với một lựa chọn giữa bây giờ và sau này, Victor luôn ngả sang bên của bây giờ, và vì cả cuộc đời ông được hướng lối bởi cái lôgic của thiên hướng ấy, thật tự nhiên khi ông lại chọn lựa cái bây giờ.
Tôi trải qua ba năm ở Anselm Academy dành cho học sinh nam. Khi tôi về nhà vào năm thứ hai, Victor và Dora đã chia đôi ngả đường, nhưng có vẻ như ông không có ý định đổi trường cho tôi một lần nữa, nên tôi lại quay về New Hampshire sau khi kỳ nghỉ hè kết thúc. Những gì Victor kể về vụ ly dị khá là rối rắm, và tôi chưa bao giờ chắc chắn được về những chuyện đã thực sự xảy ra. Tôi nghe nói đến những tài khoản nhà băng thâm hụt và bát đĩa vỡ, cũng như một người tên là George, mà tôi tự hỏi không biết vai trò là gì ở trong đó. Tuy nhiên, tôi không gặng hỏi bác tôi về các chi tiết, vì khi việc ấy đã được giải quyết xong xuôi, ông có vẻ nhẹ nhõm hơn là sợ hãi vì sẽ phải quay lại sống một mình. Victor sống sót được qua những trận chiến của hôn nhân, nhưng điều đó không có nghĩa là ông thoát ra một cách lành lặn. Dáng vẻ của ông trở nên nhàu nát đến đáng buồn (cúc áo rụng, cổ áo bẩn, gấu quần sờn), và cả đến những câu nói đùa của ông cũng khoác màu buồn bã, gần như là đau đớn. Các dấu hiệu đó đã là nghiêm trọng lắm rồi, nhưng tôi còn lo lắng hơn vì những xuống dốc về sức khỏe của ông. Nhiều khi ông đang đi thì trượt chân ngã (một chỗ yếu bí ẩn của đầu gối), va phải những đồ vật quen thuộc, có vẻ quên mình đang ở đâu. Tôi biết đó chính là khoản tiền chuộc trả cho cuộc sống với Dora, song tuy thế hẳn là phải còn điều gì đó nữa. Không muốn làm gia tăng sự hoảng hốt, tôi gắng sức tự thuyết phục mình rằng những rối loạn ấy liên quan đến tinh thần nhiều hơn là sức khỏe. Có thể là tôi có lý, nhưng với độ lùi thời gian, tôi khó mà tin được rằng những triệu chứng mà tôi bắt gặp vào mùa hè năm đó lại không có quan hệ với cơn đau tim thủ phạm gây ra cái chết của ông hai năm sau. Ngay cả khi Victor không nói gì, cơ thể của ông vẫn chuyển cho tôi một thông điệp mã hóa, và khi ấy tôi không có đủ khả năng cũng như trí tuệ để giải mã.
Khi tôi quay về Chicago trong kỳ nghỉ Giáng sinh, cơn khủng hoảng dường như đã qua. Victor gần như tìm lại được toàn bộ sức sống và đột nhiên những sự kiện lớn lao dần lộ diện. Tháng Chín, ông và Howie Dunn giải tán ban Moonlight Moods và lập ra một ban khác cùng với ba nhạc công trẻ chơi trống, piano và saxophone. Giờ đây họ tên là Moon Men, và phần lớn bài hát của họ đều rất độc đáo. Victor viết lời, Howie viết nhạc, và cả năm người cùng hát, theo cách của mình. “Không còn những bài cũ nữa,” Victor thông báo khi tôi về đến nơi. “Không còn những điệu nhạc nhảy nữa. Không còn những bữa tiệc đám cưới say khướt nữa. Bọn bác thôi diễn cho những bữa tiệc và bữa chè chén tệ hại rồi, bọn bác chuyển sang chơi nhạc cao cấp.” Không thể chối cãi rằng họ đã nghĩ được một công thức độc đáo, và khi buổi tối hôm sau đến nghe họ hát, những bài hát ấy mang lại cho tôi cả một phát hiện lớn - đầy hài hước và trí tuệ, một hình thức lộn xộn đầy dữ dội chế giễu mọi thứ, từ chính trị cho đến tình yêu. Lời các bài hát mà Victor viết mang hương vị nhẹ nhõm của những khúc nhạc cổ, nhưng có độ nhấn ẩn sâu với các hiệu ứng gần như mang tính Swift. Cuộc gặp gỡ giữa Spike Jones và Schopenhauer, nếu có thể tưởng tượng được một điều tương tự. Howie đã kiếm được cho Moon Men một hợp đồng tại một câu lạc bộ ở trung tâm thành phố, và họ tiếp tục chơi ở đó các cuối tuần, từ lễ Tạ ơn cho đến ngày Valentine. Thời điểm tôi trở về Chicago sau khi học xong trung học, một cuộc lưu diễn đang được lên kế hoạch và thậm chí họ còn nói đến chuyện thu âm một đĩa nhạc cho một công ty ở Los Angeles. Chính vào lúc đó những cuốn sách của bác Victor bước vào cuộc đời tôi. Ông lên đường vào giữa tháng Chín và không biết bao giờ mới quay về.
Đó là một đêm rất muộn, chưa đầy một tuần trước ngày tôi đi New York. Victor ngồi trong ghế phôtơi gần cửa sổ, ông hút cả bao thuốc Raleighs và uống rượu mạnh trong một cái cốc nhựa mua ở siêu thị. Nằm ngửa bụng trên đi văng, tôi sung sướng trôi nổi trong cái đờ đẫn gây từ rượu whisky và thuốc lá. Chúng tôi nói về đủ thứ chuyện trong suốt ba hay bốn tiếng đồng hồ, nhưng rồi có một khoảng lặng vụt đến và mỗi người chúng tôi im lặng rẽ hướng sang những suy nghĩ riêng tư. Nhìn xéo đám khói đang bay xoáy lên dọc theo má, bác Victor nhả hơi thuốc cuối cùng rồi dập mẩu thuốc vào cái gạt tàn mà ông thích nhất, một kỷ niệm của kỳ Triển lãm toàn cầu năm 1939. Quan sát tôi vẻ quan tâm trìu mến, ông uống nốt ngụm rượu cuối cùng, chép miệng và buông một tiếng thở thật dài. “Bây giờ chúng ta đã đi đến chỗ khó khăn nhất rồi đây,” ông tuyên bố. “Những kết luận, những lời tạm biệt, những lời cuối cùng. Nhổ neo, hình như người ta nói thế trong phim cao bồi thì phải. Nếu cháu không thường xuyên nhận được tin của bác, Phileas ạ, cháu hãy nhớ là bác luôn nghĩ đến cháu. Bác rất muốn có thể nói là bác biết mình sẽ ở đâu, nhưng đột nhiên những thế giới mới lên tiếng gọi cả hai chúng ta, và bác sợ rằng chúng ta sẽ không có nhiều dịp để viết thư cho nhau đâu.” Ông ngừng lời để châm một điếu thuốc mới, và tôi thấy bàn tay cầm diêm của ông run lên. “Không ai biết được chuyện đó sẽ kéo dài bao nhiêu lâu,” ông tiếp tục, “nhưng Howie rất lạc quan. Bọn bác đã có nhiều hợp đồng lắm rồi, và chắc chắn sẽ có thêm nhiều nữa. Colorado, Arizona, Nevada, California. Bọn bác sẽ thẳng hướng Tây mà đi vào những vùng hoang dã. Dù thế nào đi nữa, bác nghĩ hẳn sẽ thú vị lắm. Một đàn chuột thành phố giữa đám cao bồi và da đỏ. Nhưng bác thích thú khi nghĩ tới những khoảng không gian rộng lớn ấy, với ý nghĩ được chơi nhạc dưới bầu trời sa mạc. Ai biết, nhỡ đâu sẽ có một chân lý mới mẻ nào đó hé lộ cho bác?”
Bác Victor cười, như để giảm bớt độ nghiêm trang của những câu nói. “Điều chính yếu,” bác nói tiếp, “là để đi được hết những khoảng cách đó thì cần phải mang theo thật ít đồ. Bác sẽ phải bỏ lại một số thứ, cho đi, vứt đi. Vì triển vọng chúng biến mất hoàn toàn làm bác rất buồn, bác đã quyết định chuyển chúng lại cho cháu. Mà còn ai khác bác có thể tin cậy được nữa đây? Ai khác sẽ tiếp nối truyền thống đây? Bác sẽ bắt đầu bằng những cuốn sách. Đúng, đúng đấy, tất cả những cuốn sách, về phần bác, lúc này là thích hợp nhất trên đời. Chiều nay bác đã đếm rồi, có một nghìn bốn trăm chín mươi hai quyển. Một con số tốt đẹp, theo bác nghĩ, vì nó gợi nhớ đến việc Colombus phát hiện ra châu Mỹ, mà tên trường cháu sắp đến học lại được đặt để vinh danh Colombus. Có một số sách to, những quyển khác nhỏ, có những quyển dày và những quyển mỏng - nhưng tất cả đều chứa đựng từ ngữ. Nếu cháu đọc những từ đó, chúng có thể sẽ có ích cho việc học của cháu. Không, không, bác không muốn nghe gì hết. Không được phép phản đối. Ngay khi cháu ổn định xong ở New York, bác sẽ gửi chúng lên. Bác sẽ giữ lại bản trùng cuốn sách của Dante, nhưng ngoài đó ra tất cả thuộc về cháu. Sau đó còn có bộ cờ vua bằng gỗ. Bác giữ bộ nam châm, nhưng cháu phải lấy bộ bằng gỗ. Và rồi hộp xì gà với chữ ký của các cầu thủ bóng chày. Chúng ta có chữ ký của gần hết các cầu thủ Cubs của hai thập niên vừa rồi, một vài ngôi sao và nhiều cầu thủ không nổi danh bằng ở cả giải vô địch. Matt Batts, Memo Luna, Rip Repulski, Putsy Caballero, Dick Drott. Ngay cả sự thiếu nổi tiếng của những cái tên này cũng sẽ đảm bảo sự bất tử cho họ. Sau đó bác muốn nói đến nhiều thứ đồ lặt vặt và nhỏ nhặt. Những chiếc gạt tàn đồ lưu niệm New York và Alamo của bác, những cái đĩa Haydn và Mozart mà bác thu với Dàn nhạc Cleveland, album ảnh gia đình, tấm huy chương mà bác giành được khi còn nhỏ, vì được giải nhất một cuộc thi âm nhạc toàn bang. Năm 1924, cháu có tin không - đã lâu, lâu lắm rồi! Cuối cùng bác muốn cháu lấy bộ com lê vải tuýt mà bác mua ở Loop cách đây vài mùa đông. Bác không cần đến nó ở nơi bác sắp đến nữa, và nó được làm từ thứ len hảo hạng nhất của Scotland đấy. Bác mới chỉ mặc nó hai lần, và nếu bác mang nó cho Đội quân Cứu tế thì cuối cùng nó sẽ nằm trên lưng một thằng cha ngu ngốc nào đó ở Skid Row. Cho cháu sẽ tốt hơn rất nhiều. Điều đó sẽ nâng vẻ ngoài của cháu lên, và làm đẹp thì không có gì xấu, phải không nào?
Ngày mai chúng ta sẽ đến chỗ thợ may để sửa lại một chút cho vừa với cháu.
“Vậy thôi. Bác nghĩ đó là tất cả rồi. Những cuốn sách, bộ cờ vua, những chữ ký, những thứ vụn vặt, bộ quần áo. Giờ bác đã trao đi được vương quốc của bác, bác thỏa mãn lắm rồi. Cháu không cần nhìn bác như vậy. Bác biết điều bác làm, và bác hài lòng vì đã làm điều đó. Cháu là một chàng trai tốt, Phileas, và cháu sẽ luôn ở cùng bác, dù bác ở đâu đi nữa. Hiện tại, chúng ta đi theo hai hướng ngược nhau. Nhưng sớm hay muộn chúng ta sẽ tìm lại được nhau, bác chắc chắn đấy. Cuối cùng tất cả sẽ ổn, cháu sẽ thấy, tất cả sẽ kết nối lại với nhau. Chín vòng tròn. Chín hành tinh. Chín lượt đánh bóng chày. Chín cuộc đời của chúng ta. Cứ thử nghĩ mà xem. Những sự tương ứng thì vô tận. Nhưng tối nay như thế là đủ độ. Muộn lắm rồi, giấc ngủ đang chờ đợi cả hai chúng ta. Nào, đưa tay cho bác. Đúng rồi, tốt đấy, nắm rất chặt. Như thế. Và giờ thì siết mạnh vào. Đúng đấy, một cái bắt tay từ biệt. Một cái bắt tay kéo dài đến tận cùng thời gian.”
Cứ khoảng một hoặc hai tuần bác Victor lại gửi cho tôi một tấm bưu ảnh. Thường là các bưu ảnh cho khách du lịch, màu sắc sặc sỡ: mặt trời lặn trên rặng Rocky Mountain, ảnh quảng cáo khách sạn bên đường, xương rồng, các chàng cao bồi cưỡi ngựa quăng dây, trang trại cho khách du lịch, những thành phố ma, toàn cảnh sa mạc. Đôi khi có những lời chào viết bên trong hình cái thòng lọng, và thậm chí một lần có cả một con la đang nói, phía trên đầu là một vòng tròn cho lời thoại trong truyện tranh: Lời chào từ Silver Gulch. Những câu viết đằng sau ngắn gọn, những dòng chữ nguệch ngoạc không sao hiểu nổi, nhưng tôi không thèm khát tin tức của bác tôi bằng một dấu hiệu của sự sống. Sự thích thú nằm ngay trong bản thân những chiếc bưu ảnh, và chúng càng thô lỗ ngớ ngẩn và kệch cỡm, tôi lại càng sung sướng khi nhận được. Tôi thấy như chúng tôi đồng lõa chia sẻ một câu chuyện cười mỗi lần tôi tìm thấy một cái bưu ảnh trong hòm thư, và thậm chí tôi còn dán những cái đẹp nhất (ảnh chụp một quán ăn trống không ở Reno, một người đàn bà to béo trên ngựa ở Cheyenne) lên tường phía trên giường ngủ. Người bạn cùng phòng của tôi hiểu được vì sao có quán ăn trống không, nhưng không hiểu được nữ kỵ sĩ. Tôi giải thích cho anh rằng trông bà ta giống một cách lạ thường với Dora, vợ cũ của bác tôi. Nhìn vào cách những sự việc trên thế giới này diễn ra, có rất nhiều cơ may người đàn bà đó chính là Dora.
Vì Victor không bao giờ ở lại đâu quá lâu, tôi rất khó trả lời ông. Cuối tháng Mười, tôi viết cho ông một bức thư dài chín trang kể về vụ mất điện ở New York (tôi bị kẹt trong thang máy cùng hai người bạn), nhưng mãi đến tháng Giêng tôi mới gửi được, khi ban Moon Men bắt đầu hợp đồng ba tuần ở Tahoe. Tuy không thể viết thư được thường xuyên, nhưng tôi luôn tìm cách giữ liên lạc với ông qua ngả tinh thần bằng cách mặc bộ com lê của ông. Thời gian đó với sinh viên mốt không phải là com lê, nhưng khi mặc nó tôi cảm thấy mình được ở chỗ của mình, và vì nhìn đi nhìn lại tôi không có chỗ của mình nào khác, tôi tiếp tục mặc nó vào mọi ngày, từ đầu năm đến cuối năm. Trong những thời điểm khó khăn hoặc buồn bã nhất, tôi tìm được một nguồn hỗ trợ đặc biệt khi cảm thấy mình được sự ấm áp của bộ quần áo của bác tôi bao bọc, và có lúc tôi cảm thấy bộ quần áo quả thực giữ cho tôi đứng vững, và nếu không mặc nó người tôi sẽ tan rã. Nó có chức năng giống như một lớp màng bảo vệ, một lớp da thứ hai che chở cho tôi khỏi những cú đánh của cuộc đời. Giờ đây xa xôi nhìn lại, tôi nhận ra rằng hẳn là mình từng có một dáng vẻ kỳ dị lắm: hốc hác, rũ rượi, căng thẳng, một chàng trai trẻ hiển nhiên là lạc lõng với những gì còn lại của thế giới. Nhưng vấn đề là tôi không hề muốn mình vừa khít vào đó. Nếu các bạn cùng lớp nhìn tôi như một sinh thể kỳ lạ, thì đó không phải là vấn đề của tôi. Tôi là trí thức trác tuyệt, thiên tài tương lai hay gây gổ và đầy ý tưởng, Malevole thích tránh né đứng tách biệt khỏi đàn. Ký ức về những thứ lố bịch mà tôi tự khoác lên mình dạo ấy làm tôi gần như phải đỏ mặt vì xấu hổ. Tôi từng là một hỗn hợp thô kệch của sự rụt rè và cao ngạo, những cơn quậy phá đáng sợ xen lẫn với những im lặng kéo dài đầy bối rối. Khi cao hứng, tôi ngồi hàng đêm trong những quán bar để uống rượu và hút thuốc lá như thể muốn tự giết mình, và đọc những câu thơ của các nhà thơ thế kỷ mười sáu ít tiếng tăm, tung ra bằng tiếng Latinh những trích dẫn lạ hoắc từ các triết gia thời Trung cổ, và làm tất cả những gì có thể để gây ấn tượng cho các bạn tôi. Mười tám tuổi là một cái tuổi khủng khiếp, và trong khi quanh quẩn khắp nơi với niềm tin rằng theo một cách nào đó mình chín chắn hơn các bạn đồng lứa, thì trên thực tế tôi lại chỉ tìm ra một cách khác cho thấy mình còn rất trẻ con. Hơn tất cả, bộ quần áo là dấu hiệu bản ngã của tôi, biểu tượng hình ảnh của tôi mà tôi muốn người khác nhìn thấy. Khách quan mà nói, không thể nói điều gì xấu về bộ com lê. Nó được may bằng thứ vải tuýt màu xanh lá cây đậm, với những ô kẻ ca rô nhỏ và mấy cái ve áo hẹp - một bộ com lê chắc chắn may rất khéo - nhưng sau khi được mặc không ngừng trong suốt nhiều tháng trông nó đã hơi tã, nó treo lủng lẳng trên bộ xương gầy guộc của tôi giống như một ý kiến muộn màng biết kêu sột soạt, một sự náo loạn chùng rão của vải len. Điều mà các bạn tôi không biết, tất nhiên, là tôi mặc nó vì những lý do thuộc về tình cảm. Dưới cái vẻ phản kháng vờ vịt đó, tôi thỏa mãn cái ham muốn được có bác tôi ở bên cạnh mình, và sự khéo léo về may cắt của bộ quần áo gần như không có chút ý nghĩa nào ở đây. Nếu Victor cho tôi bộ quần áo kiểu cổ lỗ sĩ áo dài đến đầu gối, chắc chắn tôi cũng sẽ mặc nó với cùng trạng thái tinh thần như khi mặc bộ tuýt này.
Khi kỳ học kết thúc vào mùa xuân, tôi từ chối lời gợi ý của người bạn ở chung phòng đề xuất tiếp tục sống cùng nhau vào năm sắp tới. Tôi rất thích Zimmer (quả thực đó là người bạn thân nhất của tôi), nhưng sau bốn năm sống trong những căn phòng chung và ký túc xá sinh viên, tôi không thể cưỡng lại được ý định sống một mình. Tôi tìm được một căn hộ ở phố 112 Tây, và chuyển đến đó vào ngày 15 tháng Sáu, cùng với hai chiếc vali ngay trước khi hai anh chàng hộ pháp chuyển đến cho tôi bảy mươi sáu thùng cactông sách của bác Victor, đã phải nằm chờ suốt chín tháng trong một nhà kho. Đó là một căn phòng ở tầng sáu một tòa nhà lớn có thang máy: một phòng rộng trung bình, có một góc bếp về phía Đông Nam, một cái tủ tường, một phòng tắm, và hai cửa sổ nhìn xuống một phố nhỏ. Những con chim bồ câu đập cánh và kêu gù gù trên bậu cửa, và phía dưới là sáu cái thùng rác nham nhở trên vỉa hè. Bên trong phòng khá tối, không khí như được nhuộm màu ghi, và ngay cả vào những ngày nhiều nắng nhất cũng chỉ lọc được thứ ánh sáng nhờ nhờ. Sau vài hoảng hốt lúc ban đầu, những bụm nhỏ sợ hãi với ý nghĩ phải sống một mình, tôi có một phát hiện đặc biệt, điều cho phép tôi sưởi ấm căn phòng và ở được trong đó. Đó là vào đêm thứ hai hoặc đêm thứ ba, hoàn toàn tình cờ, tôi đứng giữa hai cái cửa sổ, hơi chếch một chút so với cửa sổ bên trái. Quay mặt một chút về hướng này, đột nhiên tôi nhìn thấy một khoảng không, một không gian giữa hai tòa nhà ở phía góc. Tôi nhìn thấy Broadway, một mảnh nhỏ bé nhất, rút gọn nhất của Broadway, và điều đáng kể là toàn bộ vùng mà tôi có thể nhìn thấy được án ngữ bởi một bảng hiệu bằng đèn nê ông, một khoảng sáng chói nhấp nháy những chữ màu hồng và xanh nước biển tạo thành cụm từ MOON PALACE. Tôi nhận ra đó là bảng hiệu một quán ăn Trung Quốc ở góc phố, nhưng sự mãnh liệt mà những từ đó đập vào tôi loại trừ toàn bộ dẫn chiếu, toàn bộ những kết hợp thực tế. Treo lơ lửng ở đó, trong bóng tối, như một bức thông điệp từ trên trời rơi xuống, những từ đó thật thần diệu. MOON PALACE. Tôi nghĩ ngay đến bác Victor và ban nhạc nhỏ bé của bác, và trong khoảnh khắc không lý trí đầu tiên ấy những nỗi sợ hãi hoàn toàn không còn tác động lên tôi. Tôi chưa bao giờ cảm thấy điều gì đột ngột đến vậy, tuyệt đối đến vậy. Một căn phòng trần trụi và bẩn thỉu đã chuyển hóa thành một chốn nội tâm, điểm giao nhau của những điềm báo kỳ lạ và những sự kiện huyền bí, võ đoán. Tôi tiếp tục ngắm nhìn dấu hiệu Moon Palace, và dần dần tôi hiểu rằng mình đã đến được đúng nơi cần đến, rằng căn phòng nhỏ này đúng là nơi tôi phải sống.
Cả mùa hè tôi làm việc bán thời gian cho một hiệu sách, đi xem phim, yêu rồi lại thôi yêu một cô gái tên là Cynthia mà khuôn mặt từ lâu đã biến mất khỏi trí nhớ của tôi. Càng lúc tôi càng cảm thấy thoải mái trong căn phòng mới này, và khi đi học lại vào mùa thu, tôi lao vào một cơn lốc đầy nhiệt hứng những cuộc chè chén ban đêm cùng Zimmer và những người bạn của tôi, những cuộc chinh phục tình yêu, và những khoảng dài hoàn toàn im lặng dành cho đọc sách và học tập. Mãi sau này, khi nhìn tất cả những cái đó với độ lùi của nhiều năm, tôi mới hiểu được khoảng thời gian ấy với tôi màu mỡ đến thế nào.
Rồi tôi hai mươi tuổi, và vài tuần sau đó tôi nhận được từ bác Victor một lá thư dài gần như không thể hiểu nổi, viết bằng bút chì ở mặt sau một tờ phiếu đặt mua bách khoa toàn thư Humboldt. Theo những gì tôi giải mã được, ban Moon Men đang gặp khó khăn, và sau một thời kỳ đen đủi kéo dài (hợp đồng bị cắt, lốp xe nổ, một gã say rượu đấm vào mũi anh chàng chơi saxophone), các thành viên của ban quyết định chia tay nhau. Từ tháng Mười một, bác Victor sống ở Boise, bang Idaho, nơi ông tìm được một công việc tạm thời, làm người bán từ điển bách khoa tại nhà. Nhưng công việc không chạy, và lần đầu tiên kể từ bao nhiêu năm biết ông, tôi nhận ra âm điệu thất bại trong những lời của Victor. “Kèn clarinet của bác treo trên tường,” bức thư viết, “tài khoản ngân hàng của bác trống không, và những người dân ở Boise không quan tâm đến bách khoa toàn thư.”
Tôi gửi tiền cho ông, rồi sau đó bằng điện tín nằn nì ông đến New York. Vài ngày sau Victor trả lời, cảm ơn tôi vì lời mời. Ông sẽ gói ghém đồ đạc vào cuối tuần, ông viết, và sẽ đi chuyến xe bus đầu tiên. Tôi tính là ông sẽ đến nơi vào thứ Ba, chậm nhất là thứ Tư. Nhưng thứ Tư đã tới và trôi qua, mà Victor vẫn chưa tới. Tôi gửi một bức điện khác, nhưng không có hồi âm. Những khả năng tai họa liên tiếp hiện ra trong đầu tôi. Tôi tưởng tượng ra tất cả những gì có thể xảy đến cho một người ở giữa Boise và New York, và lục địa Mỹ bỗng trở thành một vùng đất rộng lớn nguy hiểm đầy rẫy cạm bẫy và mê cung, một cơn ác mộng hiểm trở. Tôi cố xoay xở tìm tung tích chủ nhà nơi Victor thuê phòng, nhưng không có kết quả, và khi đó, đã tuyệt vọng, tôi gọi điện cho cảnh sát Boise. Tôi giải thích chi tiết vấn đề của tôi cho viên thượng sĩ ở bên kia đầu dây, một người tên là Neil Armstrong. Ngày hôm sau, thượng sĩ Armstrong gọi lại cho tôi để báo tin. Bác Victor được tìm thấy trong căn phòng của ông ở phố Mười hai Bắc, đã chết - ngồi thu lu trong ghế phôtơi, trên người mặc pacđơxuy, một chiếc kèn clarinet mới lắp một nửa ở tay phải. Hai chiếc vali đầy đồ đặt cạnh cửa. Người ta đã kiểm tra toàn bộ căn phòng, nhưng nhà chức trách không phát hiện được điều gì có thể gọi lên một sự bức hại. Theo báo cáo sơ bộ của bác sĩ pháp y, khả năng nguyên nhân cái chết là một cơn đau tim. “Không may rồi, cậu bé ạ,” viên thượng sĩ nói thêm, “tôi thực sự lấy làm tiếc.”
Tôi đi máy bay về phía Tây ngay buổi sáng ngày hôm sau để tiến hành các thủ tục cần thiết. Tôi nhận dạng Victor ở nhà xác, trả các món nợ, ký các giấy tờ và biên bản, chuẩn bị để đưa thi thể bác về Chicago. Người chủ dịch vụ mai táng Boise tuyệt vọng vì tình trạng cái xác. Sau gần một tuần chờ đợi chẳng ai đoái hoài trong căn phòng, không còn nhiều việc để làm với cái xác nữa. “Nếu tôi là cậu,” ông ta nói với tôi, “tôi sẽ không chờ đợi điều kỳ diệu đâu.”
Tôi tổ chức lễ tang qua điện thoại, báo tin cho vài người bạn của Victor (Howie Dunn, người chơi saxophone gãy mũi, một số học trò cũ của ông), tìm cách liên lạc với Dora dù không mấy mặn mà (không thể tìm được bà), rồi đi cùng quan tài đến Chicago. Victor được chôn cạnh mẹ tôi và bầu trời rạch mưa xuống đầu chúng tôi trong khi chúng tôi nhìn người bạn chung biến mất vào lòng đất. Sau đó chúng tôi về nhà Dunn, ở Khu Bắc, tại đó bà Dunn đã chuẩn bị sẵn một bữa ăn giản dị gồm thịt nguội và xúp nóng. Tôi khóc liền bốn tiếng đồng hồ, và trong nhà tôi vừa ăn vừa tống vào bụng năm hay sáu ly whisky đúp. Chúng gây ra cho tinh thần tôi một hiệu ứng đáng kể, và sau một hay hai tiếng tôi bắt đầu hát rất to. Howie đệm đàn piano cho tôi, và trong một lúc cuộc tụ tập trở nên khá ồn ào. Rồi tôi nôn ra thảm, và phép lạ tan biến. Sáu giờ, tôi tạm biệt và lao ra dưới trời mưa. Tôi đi lang thang vô định trong vòng hai hay ba tiếng, tiếp tục nôn xuống một bậu cửa, rồi tìm được một cô gái điếm gầy gò mắt màu ghi cầm ô đứng trên phố, trong ánh sáng đèn nê ông. Tôi đi theo cô vào một căn phòng của khách sạn Eldorado, nói chuyện qua loa với cô về những bài thơ của Sir Walter Raleigh, và hát cho cô những bài hát ru trong khi cô cởi quần áo và giạng chân ra. Cô gọi tôi là thằng điên, nhưng tôi cho cô một trăm đô la và cô chấp nhận qua đêm với tôi. Dù vậy tôi ngủ không ngon giấc và lúc bốn giờ sáng tôi ra khỏi giường, mặc quần áo ướt và đi taxi ra sân bay. Mười giờ tôi về đến New York.
Xét cho cùng, vấn đề của tôi không phải là nỗi buồn. Nỗi buồn có thể nằm ở nguồn gốc, nhưng nó nhanh chóng nhường chỗ cho một thứ khác hẳn - một thứ hiện hữu hơn, dễ đo đếm hơn về hiệu ứng, dữ dội hơn về hậu quả mà nó gây ra. Toàn bộ một chuỗi xung lực được kích hoạt, và đến một lúc tôi bắt đầu chao đảo, bắt đầu bay quanh chính mình thành những vòng tròn ngày một rộng thêm, cho đến khi cuối cùng bị hất khỏi quỹ đạo.
Thực tế là tình hình tài chính của tôi đã sa sút. Tôi đã nhận ra điều đó từ lâu nay, nhưng cho đến khi ấy mối đe dọa vẫn còn ở khá xa, và tôi chưa bao giờ suy nghĩ đến điều đó một cách nghiêm túc. Nhưng sau cái chết của bác Victor, và sau khi tiêu hàng nghìn đô la cho những ngày khủng khiếp đó, ngân quỹ được dự trù cho đến khi tôi học xong đại học không còn lại bao lăm. Nếu không làm điều gì đó để bù vào số tiền này, tôi sẽ không thể trụ được cho đến cuối cùng. Tôi tính rằng nếu tiếp tục tiêu tiền theo nhịp độ ấy, tôi sẽ trắng tay vào tháng Mười một của năm học cuối. Và như thế nghĩa là tôi muốn nói tất cả: từng tờ năm trăm, từng xăng tim, từng xu, tất tật.
Suy nghĩ đầu tiên của tôi là bỏ học, nhưng sau khi nuôi dưỡng ý định ấy trong một hay hai ngày, tôi quyết định thôi không nghĩ đến nữa. Tôi đã hứa với bác tôi là sẽ học xong, và bởi vì ông không còn đó để tán thành một thay đổi về kế hoạch của tôi, tôi không cảm thấy được tự do để làm sai lời ông. Thêm vào đó, còn có vấn đề quân dịch. Nếu lúc này tôi bỏ học, chế độ miễn quân dịch dành cho sinh viên sẽ bị rút lại, và tôi không hề thích cái viễn cảnh đi thẳng đến với cái chết trong rừng rậm châu Á. Vì vậy tôi sẽ ở lại New York và tiếp tục đi học tại Columbia. Đó là một quyết định hợp lý, thái độ đúng đắn. Sau một khởi đầu hứa hẹn đến vậy, tôi sẽ không khó khăn gì mà tiếp tục hành xử một cách đúng lý. Có đủ thứ lựa chọn trong tầm tay của những người ở vào trường hợp của tôi - học bổng, vay mượn, chương trình vừa học vừa làm - nhưng ngay khi bắt đầu nghĩ đến chúng, tôi đã bị nỗi ghê sợ xâm chiếm. Đó là một phản ứng đột ngột, không mong muốn, một cơn buồn nôn. Tôi nhận ra là mình không hề muốn làm tất cả những thứ đó, và vậy là tôi vứt bỏ toàn bộ - với sự bướng bỉnh, với sự khinh bỉ, với đầy đủ ý thức mình đang phá hoại cái cơ may duy nhất ngõ hầu sống sót qua được tình hình bi kịch hiện nay. Kể từ lúc ấy, quả thực, tôi không hề động tay vào việc gì, tôi không làm gì để thoát ra được nữa. Chúa mới biết tại sao tôi lại hành động như vậy. Hồi đó tôi tự nghĩ ra cho mình vô số lý do, nhưng nhìn chung tất cả tóm gọn lại trong nỗi tuyệt vọng. Tôi tuyệt vọng, và đối diện với nỗi đau đớn ấy tôi nghĩ một thái độ quyết liệt là nhất thiết, theo một cách nào đó. Tôi những muốn nhổ xuống thế giới, làm hành động kỳ quặc nhất có thể. Với tất cả sự hăng hái và chủ nghĩa lý tưởng của một chàng thanh niên đã suy nghĩ quá nhiều và đọc quá nhiều sách, tôi quyết định hành động đó sẽ là không gì cả: việc đó đồng nghĩa với một lời từ chối đầy tính chiến đấu đối với mọi hoạt động. Đó là thứ chủ nghĩa hư vô được nâng lên tầm một định đề mỹ học. Tôi sẽ biến cuộc đời mình thành một tác phẩm nghệ thuật, bằng cách tự hiến mình cho cái nghịch lý tối hảo, theo đó mỗi hơi thở của cuộc đời sẽ chuẩn bị thêm một chút cho tôi để thưởng thức kết cục của chính tôi. Tất cả các dấu hiệu đều hội tụ về một sự biến mất hoàn toàn, và mặc cho những dự tính diễn giải chúng theo một cách khác của tôi, hình ảnh về sự u tối đó dần hấp dẫn tôi, tôi bị quyến rũ bởi tính giản đơn trong phác thảo của nó. Tôi sẽ không tìm cách chống lại cái không thể tránh, nhưng tôi sẽ không tự lao đến để gặp nó. Nếu cuộc đời tiếp diễn thêm một chút giống như nó vẫn luôn như vậy, thì sẽ càng tốt. Tôi sẽ kiên nhẫn, tôi sẽ đứng vững. Một cách đơn giản, tôi biết điều đang chờ đợi mình, và dù cho điều đó xảy đến với tôi ngày hôm nay hay vào ngày mai, dù thế nào đi nữa nó cũng sẽ phải xảy đến. Sự biến mất hoàn toàn. Con thú đã bị mổ bụng, lòng ruột của nó đã được đem ra để đoán định tương lai. Mặt trăng sẽ che khuất mặt trời, và khi đó tôi sẽ biến đi. Tôi sẽ tiêu đời, một nhúm thịt xương không đáng giá đến một cắc.
Khi đó tôi bắt đầu đọc những cuốn sách của bác Victor. Hai tuần sau đám tang, tôi chọn ngẫu nhiên một cái thùng, cẩn thận dùng dao cắt băng dính, và đọc toàn bộ những gì có ở bên trong. Tôi tìm thấy ở đó một mớ hỗn độn, được gói lại không theo chút trật tự hay ý đồ nào. Có các tiểu thuyết và những vở kịch, các sách lịch sử và những hướng dẫn du lịch, các sách dạy chơi cờ và những tiểu thuyết trinh thám, các sách viễn tưởng và những tác phẩm triết học - một sự hỗn loạn tuyệt đối của in ấn. Quan trọng gì. Tôi đọc chúng từ đầu đến cuối, từ chối mọi đánh giá. Trong mắt tôi, mỗi cuốn sách mang trong mình cùng giá trị với bất kỳ cuốn nào khác, mồi câu được cấu tạo một cách chính xác bằng số lượng từ chuẩn, và mỗi từ nằm chính xác ở nơi cần ở. Tôi đã chọn để tang bác Victor bằng cách đó. Từng cái một, tôi mở những cái thùng, và từng quyển một, tôi đọc những cuốn sách. Đó là nhiệm vụ mà tôi tự giao cho mình, và tôi sẽ tiếp tục cho đến kết cục cay đắng cuối cùng.
Tất cả những cái thùng đó đều có cùng một nội dung hỗn tạp giống như thùng đầu tiên, một tập hợp lẫn lộn của cái hay nhất và cái chán nhất, những tác phẩm chốc lát rải rác giữa các tác phẩm kinh điển, những cuốn sách bỏ túi quăn góc giữa các cuốn sách đóng bìa cứng, sách nấu ăn bên cạnh Donne và Tolstoy. Bác Victor chưa từng bao giờ sắp xếp tủ sách của mình một cách có hệ thống. Mỗi lần mua một cuốn mới, ông đặt nó lên giá bên cạnh cuốn trước đó, và dần dần những hàng sách dài ra, chiếm ngày càng nhiều chỗ hơn theo năm tháng. Chính xác là bằng cách đó mà những cuốn sách chui vào những cái thùng cactông. Ít nhất thì thứ tự về thời gian của chúng vẫn được giữ nguyên, cái chuỗi vẫn nguyên định dạng. Tôi coi cách sắp xếp đó là lý tưởng. Khi mở một cái thùng, tôi xâm nhập một mảnh đời khác của bác tôi, một giai đoạn xác định theo ngày, tuần hay tháng, và tôi tìm được sự an ủi trong cảm giác được chiếm hữu cùng không gian tinh thần mà Victor từng chiếm hữu một ngày nào đó - được đọc cùng những từ đó, được sống trong cùng những câu chuyện đó, và có thể được có cùng những suy nghĩ đó. Gần như là đi lại hành trình của một nhà thám hiểm thời xa xưa, giẫm lên những bước chân đã mang ông đến một lãnh thổ chưa từng được biết đến, theo hướng Tây, về phía mặt trời, đuổi theo ánh sáng cho đến khi cuối cùng nó phải tắt. Những cái thùng không được đánh số cũng không được dán nhãn, tôi không có cách nào biết trước được mình sẽ xâm nhập quãng thời gian nào. Chuyến đi liền trở thành những cuộc dạo chơi kín đáo, đứt đoạn. Chẳng hạn từ Boston đến Lenox. Từ Mineapolis đến Sioux Falls. Từ Kenosha đến Salk Lake City. Quan trọng gì việc phải nhảy từ đầu này sang đầu kia của tấm bản đồ. Cuối cùng, tất cả những khoảng trống sẽ được lấp đầy, tất cả những khoảng cách sẽ được phủ kín.
Tôi đã đọc nhiều quyển trong số đó, và có những quyển chính Victor bảo tôi đọc: Robinson Crusoe, Doctor Jekyii and Mr. Hyde, Người vô hình. Nhưng tôi không coi đó là một trở ngại. Được thúc giục bởi cùng niềm say mê, đường đi của tôi xuyên qua tất cả, tôi ngốn ngấu những gì xưa cũ với cùng sự hăng hái như với những thứ mới mẻ. Hàng chồng sách đọc xong xếp đống lại trong các góc phòng, và ngay khi một chồng có nguy cơ đổ xuống, tôi liền xếp những quyển gặp nguy hiểm vào hai cái túi đựng đồ ăn để mang theo mỗi khi đến Columbia. Ngay đối diện với trường, trên Broadway, là hiệu sách Chandler, một cái ổ chuột bừa bộn và đầy bụi, mua đi bán lại sách cũ hết sức nhộn nhịp. Từ mùa hè năm 1967 đến mùa hè năm 1969 tôi xuất hiện ở đó hàng chục lần, dần dần phá tán món đồ thừa kế của tôi. Đó là hoạt động duy nhất mà tôi tự cho phép mình - sử dụng những gì mà mình đã sở hữu. Tôi tan nát cõi lòng vì phải rời xa những thứ từng thuộc về bác Victor, nhưng cùng lúc tôi biết rằng ông sẽ không trách tôi. Theo một cách nào đó, tôi đã thanh toán món nợ với ông bằng cách đọc những cuốn sách, và vào thời điểm thiếu tiền đến vậy, tôi thấy thật lôgic khi chuyển sang giai đoạn tiếp theo, đổi chúng lấy tiền.
Vấn đề là tôi không kiếm được nhiều. Chandler là một tay khó chơi, và hình dung của lão ta về các tác phẩm khác với hình dung của tôi đến mức hiếm khi tôi tìm được điều gì để nói với lão. Theo tôi nghĩ, những cuốn sách không phải là thứ chứa đựng từ mà chính là bản thân các từ, và giá trị một cuốn sách phụ thuộc vào giá trị tinh thần của nó nhiều hơn là điều kiện vật chất. Một cuốn Homer mất góc, chẳng hạn, đáng giá hơn một cuốn Virgil lành lặn; ba tập sách của Descartes kém giá trị hơn một cuốn của Pascal. Với tôi những phân biệt đó là cốt yếu, nhưng với Chandler chúng không hề tồn tại. Trong mắt lão ta một cuốn sách chỉ là một món đồ, một thứ thuộc vào hàng các đồ vật, và không khác nhiều lắm so với một hộp đựng giày, một cái giật nước bồn vệ sinh hay một cái máy pha cà phê. Mỗi lần tôi mang đến cho lão một thành phần mới rút ra từ tủ sách của bác Victor, lão già lại lặp lại cùng trò chơi: lão khinh bỉ cân nhắc những cuốn sách, kiểm tra gáy, tìm kiếm các vết bẩn và những vết trầy xước, không bao giờ quên tạo ấn tượng đó là một đống rác. Lão buôn bán bằng cách ấy. Hạ thấp giá trị hàng hóa cho phép Chandler ra giá thật rẻ mạt. Sau ba mươi năm kinh nghiệm, lão rành rẽ vai trò của mình đến từng lỗ chân lông, một tổ hợp những lời lẩm bẩm và nhận xét vu vơ, nhăn mặt, tắc lưỡi và gật đầu thương xót. Vai diễn dành để tạo cho tôi ý thức về giá trị thấp kém của cách đánh giá của tôi, để bóp nghẹt tôi bằng nỗi xấu hổ vì đã cả gan mang đến cho lão những thứ đồ như thế. Cậu muốn có tiền cho những thứ đó à? Cậu chờ tay chuyên đổ rác thuê trả tiền cho cậu khi hắn ta dọn đi những thứ rác rưởi của cậu à?
Tôi ý thức được là mình bị lừa, nhưng không mấy khi buồn phản đối. Dù thế nào thì tôi có thể làm được gì đây? Chandler trả giá ở thế mạnh, và sẽ không bao giờ có gì thay đổi được điều đó - bởi vì tôi luôn mong muốn một cách tuyệt vọng bán được chúng, còn lão thì không mấy quan tâm đến việc mua. Và thật không ích gì nếu tôi vờ tỏ ra bàng quan. Việc mua bán sẽ đơn giản là không tiến hành được, và nhìn chung không bán được thì còn tệ hơn là bị lừa. Tôi nhận ra rằng mọi việc có chiều hướng thuận lợi hơn khi tôi mang đến ít sách đi, không nhiều hơn một chục hay mười lăm quyển mỗi lần. Nhưng số lượng càng nhỏ, tôi sẽ càng phải quay lại đó thường xuyên hơn. Và tôi biết rằng tần suất những cuộc viếng thăm của tôi phải được rút gọn xuống tối thiểu - càng hay gặp Chandler, vị thế của tôi sẽ càng yếu ớt đi. Trong mọi trường hợp, lão sẽ vẫn luôn là người thắng cuộc. Ngày tháng trôi đi, và lão chủ hiệu sách không hề cố gắng nói chuyện với tôi. Lão không bao giờ chào tôi, không bao giờ nặn được một nụ cười, thậm chí không bao giờ lão bắt tay tôi. Lão ít có biểu hiện đến mức đôi lúc tôi tự hỏi không biết lão có nhớ tôi là ai không nữa. Với lão, tôi hoàn toàn có thể là một khách hàng mới mỗi khi tôi xuất hiện - một bộ sưu tập những người lạ mặt hỗn độn, một đám người không thuần nhất.
Cùng với việc bán sách, căn phòng của tôi chịu nhiều biến đổi. Điều đó là không thể tránh khỏi, bởi vì mỗi khi mở một cái thùng mới, cùng lúc tôi phá hủy một thứ đồ đạc. Giường của tôi bị tháo tung, ghế phôtơi của tôi biến mất dần, bàn làm việc của tôi rã ra cho đến khi tan biến. Cuộc đời tôi trở thành một con số không lớn dần, một điều gì đó mà tôi thực sự nhìn thấy: một khoảng không phập phồng, kêu vo ve. Mỗi lần lặn vào quá khứ của bác tôi lại kéo theo một kết quả mang tính vật chất, một hiệu ứng trong thế giới thực. Vì vậy tôi thường xuyên nhìn thấy những hậu quả của việc đó, không cách nào thoát khỏi hết. Tôi còn lại chừng ấy cái thùng, chừng ấy cái thùng đã ra đi. Chỉ cần nhìn qua chỗ của mình là tôi biết mình đang ở đâu. Căn phòng là một cái máy đo tình thế của tôi: bao nhiêu phần tôi còn lại, bao nhiêu phần tôi không còn tồn tại. Tôi vừa là kẻ gây hại vừa là nhân chứng, diễn viên chính cùng lúc với khán giả trong một nhà hát dành cho một người. Tôi nhận ra sự tiến triển sự phân hủy của chính tôi. Từng mảnh một, tôi nhìn thấy tôi biến mất.
Tất nhiên là thời đó ai cũng khó khăn. Tôi vẫn còn nhớ cả một khối hỗn độn chính trị và đám đông, những vụ bê bối, la hét và bạo lực. Mùa xuân năm 1968, mỗi ngày như thể nôn mửa ra một biến cố mới. Nếu không phải Praha thì là Berlin; nếu không phải Paris thì là New York. Một nửa triệu lính ở Việt Nam. Tổng thống tuyên bố sẽ không tái ứng cử. Nhiều người bị giết. Sau những năm chiến trận, cuộc chiến tranh đạt tầm vóc lớn đến mức ám ảnh bất kỳ suy nghĩ nào, và tôi biết rõ, rằng dù cho có làm gì hay không, giống như mọi người, tôi cũng phải dự phần vào đó. Một tối ngồi trên ghế băng ở công viên Riverside nhìn xuống mặt nước, tôi nhìn thấy một téc xăng ở bờ bên kia phát nổ. Những cột lửa đột nhiên liếm lên trời, và trong khi nhìn những mảnh vỡ chói sáng trôi nổi qua sông Hudson đến đậu dưới chân tôi, tôi thấy như thể bên trong và bên ngoài không thể bị chia cách mà không gây ra những tổn hại to lớn cho sự thật. Sau này, cũng trong tháng đó, khu học xá Columbia bị biến thành chiến địa, và hàng trăm sinh viên bị bắt, kể cả những kẻ mơ mộng hiền lành như Zimmer và tôi. Tôi không có ý định tranh cãi ở đây về những việc ấy. Lịch sử giai đoạn đó thì ai cũng biết rõ và không ích gì khi quay trở lại. Tuy thế, điều ấy không có nghĩa là tôi có thể lãng quên. Câu chuyện của riêng tôi bám rễ vào mớ hỗn loạn thời gian đó, và sẽ trở nên vô nghĩa nếu không nói gì về chúng.
Quãng thời gian tôi bắt đầu năm học thứ ba (tháng Chín 1967), bộ quần áo cánh đã biến mất từ lâu. Ngâm dầm trong nước mưa Chicago, đít quần bị thủng, áo jacket thì rách ở túi và bên sườn, và tôi đau khổ phải bỏ nó đi, như một lý tưởng thất bại. Tôi treo nó trong tủ tường làm kỷ niệm cho những ngày sung sướng và mua những bộ quần áo rẻ nhất và bền nhất mà tôi có thể tìm được: giày lao động, quần jeans, áo sơ mi flanen, và một chiếc áo jacket bằng da cũ tại nơi bán đồ của quân đội. Các bạn tôi ngạc nhiên vì sự biến đổi này, nhưng tôi không giải thích gì hết, bởi vì rốt cuộc tôi đâu quan tâm đến ý kiến của họ. Tương tự với máy điện thoại: tôi không cắt với mục đích tự cô lập mình với thế giới, mà chỉ đơn giản vì tôi không thể kham nổi tiền thuê nữa. Khi một hôm Zimmer rao giảng cho tôi về vấn đề đó trước thư viện (phản đối vì anh không thể gọi được cho tôi nữa), tôi đã lẩn tránh bằng cách mở một tòa án dị giáo xử tội những dây dợ, giọng nói, và cái chết của tiếp xúc giữa người với người. “Một giọng nói được truyền đi bằng điện không phải là một giọng nói thật,” tôi khẳng định. “Chúng ta đã quá quen với những thứ đồ làm giả chính bản thân chúng ta, nhưng nghĩ cho kỹ thì điện thoại là một thứ công cụ bóp méo và dối trá. Đó là sự liên lạc giữa những bóng ma, sự tiết xuất lời nói của những linh hồn không thể xác. Khi nói chuyện với ai tôi muốn nhìn thấy người đó. Nếu không làm được, thì thà tôi im lặng còn hơn.” Những câu nói kiểu đó ngày càng khắc họa tôi rõ hơn - những lời né tránh, những câu nói mơ hồ, những lý thuyết kỳ khôi để trả lời cho những câu hỏi hoàn toàn hợp lý. Khi không muốn ai biết được mình rách nát đến đâu, tôi không còn lựa chọn nào nữa, chỉ nói dối mới giúp tôi thoát được khỏi sự lúng túng. Tình hình của tôi càng tệ đi thì những sáng tạo của tôi càng trở nên kỳ quặc và mang tính lảng tránh hơn. Tại sao tôi bỏ thuốc lá, tại sao tôi thôi uống rượu, tại sao tôi không ăn ở quán nữa - tôi chẳng hề mất công ngồi bịa ra một lời giải thích hợp lý đến phi lý nào. Xét về dài hạn người ta sẽ nghĩ tôi là một kẻ ẩn dật vô chính phủ, một kẻ kỳ quặc thời hiện đại, một môn đệ của Ludd. Nhưng các bạn tôi thích thú với điều đó và bằng cách ấy tôi bảo vệ được bí mật của mình. Dĩ nhiên sự kiêu ngạo có vị trí trong những trò huyền thoại hóa đó, nhưng điều cốt yếu là ý muốn ngăn chặn bất kỳ ai định ngáng trở con đường mà tôi đã vạch sẵn cho mình. Nói điều đó sẽ chỉ gợi lên sự thương hại, thậm chí có thể những lời đề nghị giúp đỡ, và toàn bộ kế hoạch sẽ đổ vỡ. Thay vì vậy tôi tự nhốt mình trong sự điên rồ của dự định của tôi và phản ứng bằng những lời dối trá mỗi khi có khả năng thoát hiểm, trong khi chờ đợi thời gian của tôi trôi đi.
Năm cuối cùng là năm khó khăn nhất. Vào tháng Mười một tôi đã ngừng trả các hóa đơn tiền điện, và đến tháng Giêng một nhân viên của hãng Consolidated Edison đến cắt côngtơ. Sau đó, trong suốt nhiều tuần, tôi thử nghiệm đủ thứ nến, so sánh các loại khác nhau trên quan điểm giá tiền, độ sáng và thời gian cháy. Tôi hết sức ngạc nhiên vì những cây nến đốt lễ của người Do Thái lại tỏ ra đáng quan tâm nhất. Tôi thấy ánh sáng và những cái bóng lay động thật đẹp, và giờ đây khi tủ lạnh đã nín tiếng (cùng với những đợt tấn công ào ạt của những tiếng rung), với tôi sự biến mất của điện, xét cho cùng, lại là một việc tốt. Dù cho người ta có thể nói gì về tôi, tôi vẫn chưa nản lòng. Tôi phát hiện được những ưu thế ẩn giấu sau mỗi thứ bị tước mất, và ngay khi học được cách sống thiếu một cái gì đó, tôi liền đuổi được hẳn nó ra khỏi tâm trí. Tôi biết rằng cái cung cách này sẽ không thể kéo dài được mãi, một số thứ đúng là không thể thiếu, nhưng trong khi chờ đợi tôi sướng điên người với việc mình chỉ tiếc nuối rất ít những thứ mất đi. Chậm chạp nhưng chắc chắn, tôi nhận ra là mình có khả năng đi rất xa, xa hơn là tôi từng nghĩ mình có thể.
Khi trả xong tiền học cho kỳ cuối cùng, tôi chỉ còn lại chưa tới sáu trăm đô la. Vẫn còn lại khoảng một chục cái thùng, cùng với bộ sưu tập chữ ký và cây kèn clarinet. Để có bầu có bạn, thỉnh thoảng tôi lắp kèn lại để thổi, làm tràn ngập căn phòng bằng những phun trào thanh âm kỳ quặc, một sự náo động kết hợp những tiếng rên rỉ và thở dài, những tiếng cười vui và cười khẩy than vãn. Tháng Ba, tôi bán bộ sưu tập chữ ký cho một tay cổ động viên tên là Milo Flax, một gã nhỏ bé kỳ cục trên đầu lởn vởn mấy mớ tóc vàng, trước đó đã cho đăng một tin vặt trên những trang cuối tờ The Sporting News. Khi Flax nhìn thấy những chữ ký của các cầu thủ Cubs ở trong hộp, gã đờ cả người ra. Gã thành kính săm soi đống giấy, nước mắt lưng tròng quay sang tôi và không úp mở gì nói rằng năm 1969 này sẽ là năm của Cubs. Dĩ nhiên là gã khá có lý, và nếu đến cuối mùa không có vụ sụt dốc thê thảm của họ, đi kèm với cú vọt lên chói lòa của bọn Mets bẩn thỉu, lời tiên đoán của gã hẳn đã được chứng thực. Những chữ ký mang về cho tôi một trăm năm mươi đô la, hơn tiền nhà một tháng một chút. Những quyển sách đảm bảo cho tôi đồ ăn, và tôi tự xoay xở để qua được tháng Tư và tháng Năm, kết thúc được luận văn của mình bằng cách gõ máy chữ điên cuồng dưới ánh sáng của những ngọn nến; sau đó tôi bán cái máy chữ đi được hai mươi sáu đô la, số tiền cho phép tôi thuê được cái mũ và một chiếc áo dài để tham dự buổi phản lễ do các sinh viên tổ chức nhằm phản đối các buổi lễ ra trường chính thức.
Tôi đã đạt được mục đích mà tôi tự ấn định cho mình, nhưng không có mấy cơ hội để tận hưởng thành công ấy. Tôi đã tiêu sạch những tờ một trăm đô la cuối cùng, và chỉ còn lại ba thùng sách. Không còn khả năng trả tiền thuê nhà nữa, và ngay cả khi tiền đặt cọc cho phép tôi vượt qua thêm được một tháng, chắc chắn là tiếp theo đó tôi sẽ bị đuổi ra khỏi nhà. Tháng Bảy tôi nhận được giấy báo đầu tiên, đến tháng Tám quyết định chính thức sẽ tới, và điều đó có nghĩa tôi sẽ ra đường vào tháng Chín. Tuy nhiên nhìn từ ngày mồng một tháng Sáu, phải nhiều năm ánh sáng nữa mùa hè mới sẽ kết thúc. Câu hỏi không phải là sau đó tôi sẽ làm gì mà là cách tôi làm để trước hết đi đến được ngày đó. Những quyển sách mang lại khoảng năm mươi đô la. Cùng với chín mươi sáu đô la mà tôi đang có, tổng cộng tôi có một trăm bốn mươi sáu đô la cho ba tháng sắp tới. Có vẻ thật ít ỏi, nhưng bằng cách mỗi ngày chỉ ăn một bữa, bỏ qua báo chí, xe bus, và tất cả các món chi tiêu phù phiếm, tôi nghĩ mình có thể làm được. Mùa hè năm 1969 đã bắt đầu như thế. Theo toàn bộ vẻ bên ngoài, đây sẽ là mùa hè cuối cùng của tôi trên cõi đời này.
Trong suốt mùa đông và cho đến đầu mùa xuân, tôi bảo quản đồ ăn của mình trên bệ cửa sổ, bên ngoài căn hộ. Trong những tháng lạnh nhất, một số thứ bị đông lại (những tảng bơ, những hộp pho mát trắng), nhưng không có gì là không ăn nổi sau khi được hâm nóng, vấn đề chính yếu là bảo vệ đồ dự trữ của tôi chống lại bồ hóng và cứt chim bồ câu, và tôi đã nhanh chóng học được cách bọc chúng trong túi nylông trước khi xếp ra bên ngoài. Sau khi một cơn bão cướp đi một cái túi, tôi bắt đầu dùng dây neo chặt chúng vào lò sưởi trong phòng. Tôi trở thành chuyên gia quản lý cái hệ thống đó, và vì thật may mắn là tiền khí đốt được tính kèm trong tiền thuê nhà (điều đó có nghĩa là tôi không bị tước mất cái bếp), vấn đề lương thực có vẻ đã được bảo đảm. Nhưng đó là trong mùa đông giá lạnh. Thời tiết đã thay đổi và dưới một mặt trời nấn ná suốt mười ba hay mười bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày, cái bệ cửa sổ gây ra rất nhiều tổn thất. Sữa bị lên men. Nước quả chua, bơ tan ra thành những vũng màu vàng khé và dính nhớp. Sau khi chịu đựng nhiều tai họa như thế, hiểu ra rằng phải tránh tất cả những thứ đồ ăn nhạy cảm với cái nóng, tôi thực hiện một thay đổi về chế độ dinh dưỡng. Ngày 12 tháng Sáu, tôi bắt đầu lên chương trình ăn uống mới. Sữa bột, cà phê tan, bánh mua theo từng gói nhỏ - đó sẽ là các nhu yếu phẩm của tôi - và ngày nào tôi cũng chỉ ăn một thứ duy nhất: trứng, thứ luôn bổ dưỡng và rẻ tiền nhất mà con người từng biết đến. Thỉnh thoảng cũng có một cú vượt rào, một quả táo hoặc một quả cam, và nếu nhu cầu trở nên quá cấp thiết, tôi tặng cho mình một chiếc hamburger hoặc một chút ragu đóng hộp. Đồ dự trữ của tôi không bị hỏng và (ít nhất về nguyên tắc) tôi sẽ không chết đói. Hai quả trứng mỗi ngày, luộc đến mức hoàn hảo trong khoảng thời gian hai phút rưỡi, hai lát bánh mì, ba cốc cà phê, và uống nước thả phanh. Nếu không tạo được cảm hứng gì nhiều, ít nhất kế hoạch này cũng có vẻ hết sức cân bằng. Nhìn vào tính ít ỏi của các lựa chọn còn lại, tôi học cách coi điều đó hết sức đáng khích lệ.
Tôi không chết đói, nhưng hiếm khi tôi cảm thấy không thèm ăn. Tôi thường mơ thấy đồ ăn, và vào mùa hè đó các đêm của tôi tràn ngập những giấc mơ về tiệc tùng và ăn uống thỏa thuê: những đĩa steak và đùi cừu, những con lợn to béo trên những cái khay, những chiếc bánh ngọt và các thứ đồ tráng miệng khác theo hình lâu đài, những cái rổ kỳ vĩ đựng đầy trái cây. Trong ngày, dạ dày tôi co thắt không ngớt, cuộn lên từng đợt dịch vị không được thỏa mãn, nhắc nhở tôi không ngừng nghỉ là nó đang trống rỗng, và tôi chỉ có thể lờ được điều đó đi bằng một cuộc chiến đấu cam go. Tôi chưa bao giờ béo, và tôi tiếp tục gầy đi trong suốt mùa hè. Đôi khi, tôi nhét một đồng xu vào khe của một cái cân Exacto tại hiệu thuốc để biết điều gì đang xảy đến với mình. Từ 154 pound[8] vào tháng Sáu, tôi tụt xuống còn 139 vào tháng Bảy, rồi 123 vào tháng Tám. Với một người cao hơn sáu feet, điều này trở nên nguy hiểm. Dù sao nếu chỉ có xương và da thì cũng có thể được, đến một chừng mực nhất định, nhưng sau đó thì người ta sẽ phải chịu những tổn thất quan trọng.
Tôi cố tách biệt mình khỏi cơ thể, cố tránh né vấn đề của tôi bằng cách tự thuyết phục mình rằng nó không tồn tại. Trước tôi đã có nhiều người đi theo con đường đó, và tất cả đã phát hiện ra điều cuối cùng tôi cũng nhận ra: tinh thần không thể chiến thắng vật chất, vì ngay khi bị câu kéo quá mức, bản thân nó cũng sẽ nhanh chóng tỏ ra là mình thuộc vào hàng vật chất luôn. Để tự nâng mình vượt lên trên những điều kiện của tồn tại, tôi phải tự thuyết phục mình rằng tôi không còn hiện hữu nữa, kết quả là với tôi toàn bộ thực tế đã trở nên không chắc chắn. Những thứ đồ vật không có ở đó đột nhiên hiện ra trước mắt tôi, rồi biến mất. Một cốc nước chanh lạnh, ví dụ thế. Một tờ báo với tên tôi trên hàng tít lớn. Bộ quần áo cũ của tôi nằm trên giường, hoàn toàn lành lặn. Thậm chí một hôm tôi còn nhìn thấy một phiên bản trước đây của chính tôi đang loạng choạng đi trong phòng, với những biểu hiện của một kẻ say rượu, tìm kiếm mọi ngóc ngách một vật gì đó không thể tìm ra. Những ảo ảnh đó chỉ kéo dài trong thoáng chốc, nhưng chúng tiếp tục ngân tiếng trong đầu tôi hàng giờ. Vài lần, tôi mất hẳn dấu vết của tôi. Một ý nghĩ vụt đến, và sau khi đi theo nó cho đến kết luận, ngẩng đầu lên, tôi nhận ra đêm đã xuống. Không có cách nào biết được bao nhiêu giờ đã trôi qua. Những lần khác, tôi tự phát hiện đang nhai những thứ đồ ăn tưởng tượng, đang hút những điếu thuốc tưởng tượng, đang nhả vào không khí những vòng tròn khói tưởng tượng. Đó hẳn nhiên là những thời điểm tồi tệ nhất, vì tôi nhận ra là tôi không dám tin vào chính mình nữa. Đầu óc tôi bắt đầu bấn loạn, và điều đó, tôi thấy mình không có cách nào ngăn chặn.
Phần lớn các triệu chứng ấy chỉ xuất hiện từ giữa tháng Bảy. Trước đó, tôi đã đọc một cách đầy chăm chú những cuốn sách cuối cùng của bác Victor, rồi mang chúng đến bán cho Chandler. Nhưng càng đến gần kết cục, những cuốn sách càng gây ra cho tôi nhiều vấn đề. Tôi cảm thấy mắt mình thiết lập được một liên hệ với từ ngữ trên trang sách, nhưng không một nghĩa nào đến được với tôi, không có âm thanh nào vang lên trong đầu tôi. Những ký hiệu màu đen đó với tôi chỉ có tác dụng gây hoang mang, một mớ hỗn loạn những đường thẳng và đường cong không phát ra gì khác ngoài sự câm lặng của chúng. Cuối cùng thậm chí tôi còn không vờ tỏ ra là mình hiểu những gì đang đọc nữa. Tôi lấy một cuốn sách từ trong thùng ra, mở trang đầu tiên, và lấy tay di theo dòng đầu tiên. Khi đã kết thúc, tôi tiếp tục dòng thứ hai, rồi dòng thứ ba, và cứ như thế cho đến cuối trang. Tôi đi hết cuốn sách theo cách ấy: như một người mù đọc chữ nổi. Cho dù không còn nhìn được chữ nữa, tôi muốn ít nhất cũng chạm được vào chúng. Khi ấy mọi thứ với tôi đều tồi tệ đến mức tôi nghĩ cách đó hoàn toàn chấp nhận được. Bằng cách chạm tay vào tất cả các từ của những cuốn sách, tôi xứng đáng có quyền bán chúng đi.
Sự tình cờ đã ấn định ngày tôi mang những quyển sách cuối cùng đến chỗ Chandler cũng là ngày các nhà du hành đặt chân lên mặt trăng. Tôi bán chúng được hơn chín đô la một chút, và khi sau đó trở về nhà bằng ngả Broadway, tôi quyết định vào quán Quinn’s Bar and Grill, một quán rượu nhỏ của khu phố, ở góc Đông Nam phố 108. Trời nóng kinh khủng, và tôi không thấy có gì xấu khi tự thưởng cho mình một hoặc hai cốc bia giá mười xăng tim. Ngồi trước quầy trên một chiếc ghế cao, gần ba bốn người khách quen, tôi tận hưởng ánh sáng mờ mờ và sự mát mẻ tỏa ra từ máy điều hòa nhiệt độ. Một cái vô tuyến lớn đang bật, đổ một thứ ánh sáng kỳ quặc lên những chai whisky và bourbon, và chính khi đó tôi may mắn là người chứng kiến sự kiện. Tôi nhìn thấy hai người bịt độn kín mít đi những bước chân đầu tiên trong một thế giới không có không khí và nhảy bật lên trên đất như những món đồ chơi, lái một cái xe nhỏ đi xuyên qua làn bụi, cắm một lá cờ vào mắt của cái từng một thời là nữ thần tình yêu và sự điên rồ. Diana đẹp tuyệt trần, tôi nghĩ, hình ảnh của toàn bộ thứ bóng tối bên trong con người chúng ta. Rồi tổng thống phát biểu. Bằng một thứ giọng trang trọng không sắc thái, ông ta nói rằng đó là sự kiện vĩ đại nhất kể từ khi con người được tạo nên. Nghe thấy điều này, mấy người khách quen trong quán phá lên cười, và bản thân tôi có vẻ cũng nặn được vài cái nhệch miệng. Nhưng dù cho lời nhận xét đó phi lý đến đâu, có một điều không thể bàn cãi: kể từ khi bị đuổi ra khỏi Thiên đường, chưa bao giờ Adam đi xa khỏi nhà mình đến vậy.
Sau đó, tôi trải qua một quãng lặng yên tĩnh gần như hoàn hảo. Căn phòng của tôi từ nay đã trống trơn, nhưng sự trống rỗng không làm tôi mất tinh thần như đã tưởng, mà nó lại có vẻ đầy khích lệ. Thật khó để giải thích điều này, nhưng thần kinh tôi trở lại vững chắc hơn. Và trong vòng ba hay bốn ngày sau đó tôi gần như bắt đầu nhận ra được mình. Dù cho thật lạ khi dùng từ đó trong hoàn cảnh này, nhưng quả thực trong khoảng thời gian ngắn ngủi tiếp sau khi bán những quyển sách cuối cùng của bác Victor, thậm chí tôi còn có thể nói là mình hạnh phúc. Như một người động kinh sắp lên cơn, tôi bước vào một dạng thế giới lạ kỳ trong đó tất cả dường như đều tươi sáng, đều tỏa ra một sự sáng sủa mới mẻ và kỳ diệu. Tôi không làm gì nhiều nhặn trong những ngày ấy. Tôi đi lại trong phòng, nằm trên tấm đệm, ghi lại những suy nghĩ vào một cuốn sổ. Không có gì quan trọng. Chỉ riêng việc không làm gì hết với tôi đã thật đáng kể, và tôi mặc cho hàng giờ trôi đi trong sự lười nhác. Đôi khi tôi đến đứng giữa hai cái cửa sổ để nhìn bảng hiệu Moon Palace. Ngay điều đó cũng mang lại cho tôi sự thích thú, và có vẻ luôn gợi lên cho tôi hàng loạt suy nghĩ thú vị. Đến giờ tôi thấy những suy nghĩ ấy có phần tăm tối - những kết hợp lùng nhùng, một vòng quay hỗn độn của những mơ tưởng - nhưng vào thời đó tôi thấy chúng có ý nghĩa khủng khiếp. Có lẽ là với tôi từ moon đã chuyển hóa kể từ khi tôi nhìn thấy những người dạo chơi trên bề mặt mặt trăng. Có lẽ là tôi bị ấn tượng bởi sự trùng hợp vì đã gặp ở Boise, bang Idaho, một người tên là Neil Armstrong, rồi nhìn thấy ai đó cũng mang tên đó bay vào trong vũ trụ. Có lẽ là tôi chỉ phát điên vì đói, và bị những chữ lấp lánh sáng đó thôi miên. Tôi không thể chắc chắn được, nhưng quả thực là cụm từ Moon Palace bắt đầu ám ảnh tâm trí tôi với sự bí ẩn và sự kỳ diệu của một lời sấm truyền. Tất cả lẫn lộn vào trong đó: bác Victor và Trung Quốc, những con tàu vũ trụ và âm nhạc, Marco Polo và vùng Viễn Tây. Khi ngắm nhìn tấm biển hiệu, có lúc tôi lại lao vào một suy tư về điện. Nó nhắc nhở đến lần mất điện khi tôi học năm đầu đại học, gợi lại những trận bóng chày ở sân vận động Wrigley, rồi những cái đó dẫn tôi đến với bác Victor và những ngọn nến đang cháy trên bệ cửa sổ phòng tôi. Mỗi ý nghĩ lại kéo theo một ý nghĩ khác, mỗi lúc lại mở rộng thêm cho những khoảng kết nối lớn lao hơn. Ý tưởng về việc du hành vào cái bất tri, chẳng hạn vậy, và những tương đồng giữa Colombus và các nhà du hành vũ trụ. Phát hiện châu Mỹ, thất bại trong toan tính đến được Trung Quốc; đồ ăn Trung Quốc và cái dạ dày trống rỗng của tôi; suy nghĩ, như thể lại làm mồi cho suy nghĩ, và cái đầu giống như một cung điện đầy những giấc mơ. Tôi tự nhủ: Chương trình Apollo; Apollo, vị thần âm nhạc; bác Victor và ban Moon Men đi biểu diễn ở miền Tây. Tôi tự nhủ: phía Tây; cuộc chiến tranh chống người da đỏ; cuộc chiến tranh ở Việt Nam, xưa kia gọi là Đông Dương[9]. Tôi tự nhủ: vũ khí, bom, nổ; những đám mây hình nấm trên sa mạc bang Utah và Nevada; và rồi tôi tự hỏi - tại sao miền Tây nước Mỹ lại giống khung cảnh mặt trăng đến thế? Cứ như vậy mãi không có điểm dừng, và càng mở rộng mình thêm ra với những tương ứng bí mật ấy, tôi càng cảm thấy mình sắp hiểu được một chân lý cơ bản nào đó của thế giới. Có lẽ tôi đang trở thành một thằng điên, nhưng tuy thế tôi cảm thấy trong mình trỗi dậy một sức mạnh to lớn, một niềm vui mang tính ngộ đạo xâm nhập được đến tận cốt lõi của mọi điều. Rồi, bỗng nhiên, cũng đột ngột như khi có được quyền lực ấy, tôi đánh mất nó. Tôi sống ở trong những suy nghĩ của mình trong vòng ba hay bốn ngày, và khi một buổi sáng thức dậy tôi thấy mình đang ở chỗ khác: quay trở về trong một thế giới của những mảnh vụn, trong một thế giới của cái đói và những bức tường trắng trần trụi. Tôi gắng sức tìm lại sự cân bằng của những ngày trước, nhưng vô vọng. Thế giới lại đè nặng xuống tôi, và phải khó khăn lắm tôi mới thở nổi.
Tôi bước vào một giai đoạn u sầu mới. Cho đến khi ấy sự bướng bỉnh đã nâng đỡ tôi, nhưng càng ngày tôi càng cảm thấy bớt vững tâm hơn và khoảng ngày mồng một tháng Tám tôi ở trên bờ vực của sự suy sụp. Tôi gắng hết sức tìm cách liên hệ với vài người bạn, với tư thế sẵn sàng để hỏi vay tiền, nhưng không thu được kết quả nào. Vài lần rảo bộ đầy mệt mỏi trong cái nóng, một nắm tiền lãng phí. Đó là mùa hè, dường như tất cả mọi người đều đã rời bỏ thành phố. Ngay cả Zimmer, người duy nhất tôi có thể tính đến, cũng biến mất một cách bí ẩn. Tôi đến nhà anh ở góc đại lộ Amsterdam và phố 120 nhiều lần, nhưng không có ai trả lời những tiếng chuông cửa của tôi. Tôi luồn những mẩu giấy vào hòm thư và dưới cửa, nhưng vẫn luôn không có hồi âm. Rất lâu về sau tôi mới biết anh đã chuyển chỗ ở. Khi tôi hỏi anh tại sao không báo cho tôi địa chỉ mới, anh trả lời tôi đã nói với anh cả mùa hè sẽ ở Chicago. Dĩ nhiên là tôi đã quên mất lời nói dối đó, vì vào quãng thời gian ấy tôi nghĩ ra đủ lời nói dối, đến mức không còn nhớ nổi nữa.
Chưa biết là Zimmer không còn ở đó, tôi tiếp tục đến căn hộ cũ của anh và để lại những bức thư dưới cửa. Một buổi sáng Chủ nhật đầu tháng Tám, cuối cùng điều không thể tránh khỏi đã xảy ra. Tôi bấm chuông, nhưng vì đã chờ không ai ra mở cửa nên vừa ấn nút tôi đã quay người toan bỏ đi, thì đúng lúc đó tôi nghe thấy tiếng động bên trong: tiếng xô ghế, tiếng bước chân, một tiếng ho. Một đợt sóng nhẹ nhõm xâm chiếm lấy tôi, để rồi tan biến ngay khi cánh cửa mở ra. Người lẽ ra là Zimmer lại không phải là anh. Đó là một người hoàn toàn khác hẳn: một thanh niên với bộ râu đen xoăn tít và mái tóc dài đến vai. Tôi cho là mình vừa đánh thức anh ta dậy, vì anh ta chỉ mặc mỗi một cái quần đùi. “Tôi có thể làm được gì cho anh?” anh ta hỏi và nhìn tôi vẻ thân ái dù hơi bối rối, và cùng lúc đó tôi nghe tiếng cười trong bếp (một hỗn hợp tiếng đàn ông và phụ nữ) và nhận ra là mình đã đến đúng lúc có một cuộc gặp mặt.
“Tôi nghĩ chắc là tôi nhầm chỗ rồi,” tôi nói. “Tôi tìm David Zimmer.”
“Ô,” người lạ mặt nói ngay, “hẳn anh là Fogg rồi. Tôi đang tự hỏi khi nào thì anh quay lại.”
Bên ngoài nóng rùng rợn - như thiêu, ngột ngạt - và cuốc đi bộ làm tôi kiệt sức. Đứng trước cánh cửa, với cả đống mồ hôi chảy vào mắt và toàn bộ cơ bắp nhão ra và ngây độn, tôi tự hỏi không biết mình có nghe rõ không. Tôi muốn quay đi, muốn chạy trốn, nhưng đột nhiên cảm thấy yếu ớt đến độ tôi sợ là mình sẽ ngất xỉu. Đặt tay lên cạnh cửa để lấy lại thăng bằng, tôi ấp úng: “Xin lỗi, anh có thể nhắc lại được không? Tôi không chắc là đã hiểu anh nói gì.”
“Tôi nói hẳn anh là Fogg,” người lạ mặt nhắc lại. “Rất đơn giản thôi. Nếu anh tìm Zimmer, thì hẳn anh là Fogg. Fogg là người đã nhét tất cả những lá thư kia dưới cửa.”
“Rất giỏi,” tôi nhận xét, thở ra một tiếng nho nhỏ. “Tôi cho là anh không biết bây giờ Zimmer ở đâu.”
“Rất tiếc. Tôi hoàn toàn không biết.”
Thêm một lần nữa, tôi cố tập trung lòng can đảm để đi khỏi, nhưng đúng lúc chuẩn bị quay đi, tôi thấy là người lạ mặt đang quan sát tôi. Cái nhìn của anh ta kỳ lạ và săm soi, chiếu thẳng lên mặt tôi. “Có gì không ổn à?” tôi ấp úng.
“Tôi chỉ tự hỏi không biết anh có phải là bạn Kitty không.”
“Kitty? Tôi không biết Kitty nào. Thậm chí trong đời tôi còn chưa gặp Kitty nào cả.”
“Anh mặc cùng kiểu áo phông với cô ấy. Điều đó khiến tôi đặt giả thuyết giữa hai người có liên hệ nào đó.”
Tôi cúi đầu xuống và nhận ra mình đang mặc một cái áo phông của đội Mets. Tôi đã mua nó với giá mười xăng tim ở chỗ bán hàng cũ không lâu trước đó. “Tôi thậm chí còn không thích đội Mets,” tôi nói. “Tôi là cổ động viên của đội Cubs.”
“Thật là một trùng hợp kỳ lạ,” người lạ mặt tiếp tục mà không chú ý đến những gì tôi nói. “Kitty sẽ thích lắm. Cô ấy rất khoái những chuyện thế này.”
Trước khi kịp nghĩ ra được một lời phản đối, tôi đã bị nắm lấy tay lôi vào bếp. Ở đó có một nhóm năm hay sáu người đang ngồi quanh bàn trước một bữa ăn ngày Chủ nhật. Bàn đầy đồ ăn: giăm bông trứng, một máy pha cà phê đầy ắp, bagel[10] và bánh pho mát, một đĩa cá hun khói. Đã hàng tháng tôi chưa nhìn thấy cái gì tương tự và tôi không biết phải phản ứng như thế nào. Như thể bỗng nhiên tôi được ném vào giữa một câu chuyện cổ tích vậy. Tôi là đứa trẻ đói khát lạc đường trong rừng, và tôi vừa tìm thấy ngôi nhà kỳ diệu, túp lều làm bằng đồ ăn.
“Tất cả nhìn đây,” người cởi trần dẫn tôi vào mỉm cười tuyên bố. “Đây là người anh trai song sinh của Kitty.”
Chúng tôi bắt đầu màn giới thiệu. Tất cả mỉm cười với tôi, chào tôi, và tôi cố hết sức để mỉm cười đáp trả. Phần lớn họ là sinh viên ở trường Juilliard - nhạc sĩ, vũ công, ca sĩ. Người chủ nhà tên là Jim hoặc John, và anh ta vừa chuyển đến căn hộ cũ của Zimmer vào ngày hôm trước. Những người khác đi chơi đêm, ai đó kể, và thay vì trở về nhà, họ quyết định làm Jim hoặc John bất ngờ với một bữa sáng mừng nhà mới đầy tính ứng biến. Điều đó giải thích tại sao anh ta mặc ít đồ như vậy và đống đồ ăn dồn ự lên trước mặt tôi. Tôi lịch sự gật đầu khi họ kể những chuyện ấy, nhưng tôi chỉ vờ lắng nghe. Trên thực tế tôi hoàn toàn không để tâm đến những cái đó và ngay sau khi câu chuyện được kể xong tôi đã quên hết tên của họ. Vì không có gì khác hay hơn để làm, tôi ngắm nhìn người em song sinh của tôi, một cô gái Trung Quốc nhỏ bé mười chín hay hai mươi tuổi đeo những chiếc vòng bạc ở hai cổ tay và quấn một cái khăn kiểu Navaho đính ngọc trai quanh đầu. Cô đáp lại cái nhìn của tôi bằng một nụ cười - nụ cười mà tôi thấy đặc biệt nồng ấm, đầy hài hước và đồng lõa - và rồi vì không thể rời mắt khỏi cái bàn lâu hơn nữa, tôi tập trung sự chú ý của mình trở lại đó. Tôi nhận ra là mình sắp sửa cư xử rất xấu. Mùi đồ ăn bắt đầu tra tấn tôi, và trong khi ở đó chờ đợi lời mời ngồi vào bàn, tôi phải vận hết sức lực để tự ngăn mình nhặt lấy cái gì đó cho vào miệng.
Kitty là người rốt cuộc cũng phá vỡ tảng băng. “Bây giờ anh tôi đến đây rồi,” cô nói, rõ ràng là hết sức đúng lúc, “ít nhất là chúng ta mời anh ấy ăn cùng chúng ta đi chứ.” Tôi sẵn sàng hôn cô vì đã đọc được ý nghĩ của tôi tài tình đến vậy. Tuy nhiên có một đôi chút lúng túng, vì không tìm được thêm ghế, nhưng Kitty lại tiếp tục giải cứu bằng cách ra hiệu cho tôi đến ngồi giữa cô và người ngồi bên tay phải. Tôi lao ngay đến đó và đặt mỗi mông lên một cái ghế. Họ bày ra trước tôi một cái đĩa và các thứ đi kèm cần thiết: dao và dĩa, cốc và tách, khăn ăn và thìa. Sau đó tôi chìm đắm vào một cơn sốt ngốn ngấu và lãng quên. Một phản ứng thật trẻ con, nhưng ngay khi đồ ăn đã vào đến miệng tôi, toàn bộ những kiểm soát liền trở nên bất khả. Tôi nuốt hết từng đĩa này đến đĩa khác, ngấu nghiến tất cả những gì người ta chìa ra cho tôi, và đến cuối cùng như thể tôi đã mất trí. Vì sự hào phóng của những người khác dường như là vô tận, tôi tiếp tục ăn cho đến khi tất cả những gì có ở trên bàn biến mất. Ít nhất đó là những gì tôi nhớ. Tôi nhai nuốt trong vòng mười lăm cho đến hai mươi phút, và khi đã ăn xong, chỉ còn lại một đám xương cá. Không còn gì nữa. Dù tìm kiếm kiên nhẫn đến thế nào trong trí nhớ, tôi vẫn không tìm được gì nữa. Không còn lấy một miếng. Không còn đến cả một mẩu bánh mì.
Chỉ đến lúc đó tôi mới nhận ra sự chú tâm của tất cả mọi người dành cho mình, xấu xa đến thế ư? tôi tự hỏi. Tôi đã cư xử tồi tệ, đã diễn trò ư? Tôi quay sang Kitty và nở một nụ cười yếu ớt. Trông cô có vẻ kinh ngạc hơn là ghê tởm. Tôi được an tâm phần nào với điều đó, nhưng tôi muốn được tha thứ, dù tôi đã gây cho những người khác sự khó chịu nào đi nữa. Đó là điều nhỏ nhất mình có thể làm, tôi nghĩ: hát tặng họ vì sự nhếch nhác của tôi, để làm họ quên là tôi vừa quét sạch những cái đĩa của họ. Trong khi chờ đợi cơ hội tham gia cuộc trò chuyện, mỗi lúc tôi thêm ý thức được sự thỏa mãn mà tôi đang cảm thấy, khi được ngồi bên cạnh cô em song sinh mất dấu lâu nay. Theo những gì tôi tóm bắt được trong những câu nói bao vây tôi, tôi hiểu cô là vũ công, và không cần phải bàn cãi rằng cô làm tôn vẻ đẹp của cái áo phông Mets lên hơn rất nhiều so với tôi. Không khó để cảm thấy bị choáng váng trước điều đó, và trong khi cô tiếp tục nói chuyện và cười với những người khác, tôi không ngừng thầm lặng liếc nhìn cô. Cô không trang điểm và không mang xuchiêng, nhưng tiếng leng keng thường trực của vòng tay và khuyên tai luôn đi kèm với những chuyển động của cô. Cô có cặp vú xinh xắn, mà cô mang trên người với một vẻ thờ ơ đáng ngưỡng mộ, không trưng bày chúng nhưng cũng không vờ như là chúng không tồn tại. Tôi thấy cô đẹp, nhưng còn hơn thế tôi thích nhất cách tỏ ra tự chủ của cô, trụ vững không để cho vẻ đẹp của chính mình làm cho bị tê liệt giống như rất nhiều cô gái đẹp khác. Có lẽ là nhờ sự tự do trong những cử chỉ của cô, vì đức tính thẳng thắn mà tôi nghe được trong giọng nói của cô. Đó không phải là một đứa bé được nuông chiều; một đứa con nhà tư sản như những người khác, mà là ai đó biết cuộc đời, xoay xở để tự học được nhiều điều. Việc cô tỏ ra sung sướng vì có cơ thể tôi ở bên cạnh, không nhích ra khỏi vai hay chân của tôi, thậm chí còn để cánh tay trần cọ vào tay tôi - tất cả những điều đó làm tôi như bị phát điên.
Cơ hội xâm nhập cuộc nói chuyện đến với tôi sau một lúc. Ai đó bắt đầu nói về chuyến thám hiểm mặt trăng, một người khác tuyên bố chuyện ấy đã không thực sự diễn ra. Tất cả những cái đó đều là trò đùa, anh ta khẳng định, một trò kỳ quái của giới truyền thông do chính phủ dựng lên để làm chúng ta đỡ bận tâm đến chiến tranh. “Người ta tin vào tất cả những gì người khác bảo họ tin,” anh ta nói thêm, “bất kỳ điều ngu ngốc nào được quay trong một trường quay Hollywood.” Tôi không chờ gì hơn nữa để lao ngay vào. Sử dụng lời nhận xét mang tính gây hấn nhất có thể nghĩ ra, tôi bình tĩnh thông báo rằng không chỉ lần đặt chân lên mặt trăng tháng trước là sự thật, mà đó còn hoàn toàn không phải là lần đầu tiên. Cách đây hàng trăm năm người ta đã lên mặt trăng, tôi nói, thậm chí còn có thể hàng nghìn năm. Mọi người cười khúc khích khi tôi nói vậy, nhưng tôi nhanh chóng đắm chìm vào cảm hứng vũ trụ-sư phạm tuyệt vời nhất của mình, và trong vòng mười phút tôi ào ạt trút xuống các thính giả của tôi cả một lịch sử folklore về mặt trăng, được củng cố bằng những dẫn chiếu đến Lucian, Godwin và những người khác. Tôi muốn họ bị ấn tượng bởi hiểu biết của tôi, nhưng tôi cũng muốn làm họ cười. Say sưa với bữa ăn vừa hoàn thành, kiên quyết chứng tỏ cho Kitty rằng tôi không giống với bất kỳ ai mà cô biết, tôi tự nâng mình lên tầm vóc sáng lòa nhất và bài nói sắc bén sôi nổi của tôi nhanh chóng khiến họ cười lăn lộn. Tôi bắt đầu miêu tả chuyến đi của Cyrano đến mặt trăng thì có một người ngắt lời tôi. Cyrano de Bergerac không có thật, người đó nói, đó là nhân vật trong một vở kịch, một con người tưởng tượng. Tôi không thể để mặc cho nhầm lẫn đó mặc sức nhởn nhơ được, thế là bằng một đoạn trữ tình ngoại đề ngắn gọn tôi kể lại cuộc đời của Cyrano. Tôi phác họa những năm tuổi trẻ trong quân đội, tán rộng về sự nghiệp triết học và thi sĩ của ông, rồi tôi nói thêm khá lâu về các khó khăn trong cuộc đời ông: những vấn đề tiền bạc, nỗi sợ hãi căn bệnh giang mai, những phiền phức với chính quyền do các ý kiến cực đoan cấp tiến của ông. Tôi kể cho họ cuối cùng ông đã tìm được sự bảo trợ ở chỗ công tước d’Arpajon như thế nào, và bằng cách nào, chỉ ba năm sau, ông đã bị một tảng đá rơi từ mái nhà xuống trúng đầu giết chết trên một phố ở Paris. Dừng lại một lát đầy kịch tính, tôi cho phép họ nhập thân vào sự hài hước thô kệch của bi kịch đó. “Ông ấy mới ba mươi sáu tuổi,” tôi nói tiếp, “và ngày ấy không ai biết đó có phải là một tai nạn hay không. Hay là ông đã bị một kẻ thù ám sát, hay đó chỉ là một sự không may, định mệnh mù quáng đã ném sự tàn phá từ trên trời xuống? Ôi, Cyrano tội nghiệp. Đó không phải là hư cấu đâu, các bạn ạ, mà đó là một tạo tác bằng xương bằng thịt, một con người có thật, sống trong thế giới thật, người vào năm 1649 từng viết một cuốn sách về chuyến đi lên mặt trăng của mình. Vì đó là một câu chuyện được kể trực tiếp như vậy, tôi không thấy tại sao lại có thể đặt nghi ngờ được. Theo Cyrano, mặt trăng là một thế giới giống như thế giới này. Nhìn từ thế giới đó, trái đất của chúng ta giống hệt như mặt trăng nhìn từ chỗ chúng ta. Thiên đường được đặt trên mặt trăng, và khi Adam và Eva ăn quả của Cây Tri thức, Chúa đã đày họ xuống trái đất. Thoạt đầu, dự định của Cyrano là bay lên mặt trăng bằng cách buộc vào người mình những chai rượu vang hồng nhẹ-hơn-không-khí, nhưng sau khi lên đến nửa quãng đường, ông rơi xuống trúng vào giữa một bộ lạc Da đỏ trần truồng ở New France. Ở đó, ông đã làm ra một cái máy cuối cùng cũng có thể đưa được ông đến đích, điều đó rõ ràng cho thấy châu Mỹ vẫn luôn là địa điểm lý tưởng để phóng tên lửa. Những người mà ông gặp trên mặt trăng cao mười tám feet và di chuyển bằng bốn chân. Họ nói hai thứ tiếng khác nhau, nhưng không tiếng nào có từ hết. Thứ tiếng đầu tiên, được những người bình thường sử dụng, là một loại mật mã phức tạp được tạo nên từ các động tác kịch câm và cần đến một chuyển động không ngừng mọi bộ phận trên cơ thể. Thứ tiếng thứ hai do những người ở các đẳng cấp cao hơn sử dụng, chỉ thuần túy là âm thanh, một thứ tiếng o o phức tạp nhưng không cấu âm, rất giống âm nhạc, về ăn uống, cư dân mặt trăng không ăn thực phẩm mà chỉ ngửi chúng. Tiền của họ là thơ ca - những bài thơ thực thụ, được viết trên những tờ giấy với trị giá được xác định bằng giá trị mỗi bài thơ. Tội ác lớn nhất là trinh tiết, và người ta mong chờ những người trẻ tuổi tỏ ra hỗn láo với bố mẹ họ. Mũi càng dài người ta càng được coi là có tính cách cao quý. Người ta đem thiến những người mũi ngắn, vì cư dân mặt trăng thà bị tuyệt giống còn hơn là bị buộc phải sống với sự dị hợm đó. Có những cuốn sách biết nói và những thành phố biết đi. Khi một triết gia chết, bạn bè của ông ta uống máu và ăn thịt ông ta. Đàn ông đeo ở thắt lưng những chiếc dương vật bằng đồng, giống như ở Pháp người ta đeo kiếm vào thế kỷ mười bảy. Như một cư dân mặt trăng đã giải thích cho Cyrano đang kinh ngạc: thờ phụng công cụ của cuộc sống lại không tốt hơn là những công cụ của cái chết ư? Cyrano dành một đoạn dài trong cuốn sách của mình để tả cảnh sống ở trong một cái lồng. Vì ông nhỏ quá, người mặt trăng nghĩ ông là một con vẹt không có lông. Cuối cùng, một người khổng lồ ném ông về Trái đất cùng với Kẻ chống Chúa.”
Tôi có thể tiếp tục những lời huyên thuyên của mình thêm nhiều phút nữa, nhưng nói làm tôi kiệt sức và tôi cảm thấy cảm hứng đang héo dần. Đang nói nửa chừng (đoạn về Jules Verne và Gun Club ở Baltimore), nó rời bỏ tôi hoàn toàn. Đầu tôi thắt lại rồi phình to đến khổng lồ; tôi nhìn thấy những ánh sáng kỳ lạ và các sao chổi bay qua trước mắt; dạ dày tôi bắt đầu gầm lên, chuyển động, cái đau đâm tôi từng nhát và đột nhiên tôi cảm thấy mình sắp ốm. Không một lời báo trước, tôi kết thúc bài nói chuyện của mình, đứng dậy và thông báo tôi phải đi. “Cám ơn vì lòng tốt của các bạn,” tôi nói, “nhưng những việc khẩn cấp đang vẫy gọi tôi. Các bạn rất thân thiết với tôi, các bạn rất tốt, tôi hứa sẽ nghĩ đến tất cả các bạn trong di chúc của tôi.” Đó là một cảnh điên rồ, điệu nhảy của một người mất trí. Làm đổ một tách cà phê khi chạy qua, tôi lảo đảo ra khỏi bếp và gắng sức ra được đến cửa. Khi tôi ra đến đó, Kitty đã ở cạnh tôi. Cho đến giờ, tôi vẫn chưa bao giờ hiểu được làm thế nào mà cô có thể đến được đó trước tôi.
“Anh là một người anh thật lạ,” cô nói. “Anh có vẻ là một con người, rồi anh biến thành sói. Sau đó con sói biến thành cối xay tuôn ra lời nói. Với anh tất cả đều nằm trong miệng phải không? Trước tiên là đồ ăn, rồi đến từ ngữ - ở trong rồi đến ở ngoài. Nhưng anh quên mất cách tốt nhất để sử dụng một cái miệng rồi. Dù thế nào đi nữa em cũng là em gái anh, em sẽ không để anh đi mà chưa hôn em đâu.”
Tôi muốn nói lời từ biệt, nhưng, không để cho tôi cơ may nói được một lời, Kitty đã kiễng chân lên, đặt tay lên gáy tôi, và hôn tôi - rất dịu dàng, gần như là thương cảm. Tôi không biết phải nghĩ gì. Tôi có được coi nụ hôn này là một nụ hôn đích thực không, hay đó chỉ là một phần của trò chơi? Trước khi xác quyết được điều đó, lưng tôi đã dựa vào cửa dù tôi không muốn, và cửa mở ra. Tôi coi đó là một thông báo, một lời gợi ý ngầm rằng kết cục đã tới, và không nói thêm một lời nào nữa, tôi tiếp tục lùi dần, quay đầu khi chân bước ra khỏi bậu cửa, và đi khỏi.
Sau chuyện ấy, không có bữa ăn miễn phí nào nữa. Khi tờ giấy trục xuất thứ hai đến vào ngày 13 tháng Tám, tôi chỉ còn ba mươi bảy đô la. Đó chính là ngày các phi hành gia trở về New York cho cuộc diễu hành lớn đầy confetti chào mừng. Sau đó cơ quan quản lý sức khỏe cộng đồng tuyên bố ba trăm tấn giấy đã được thả xuống đường trong dịp ấy. Đó là một kỷ lục tuyệt đối, họ nói, cuộc diễu hành vĩ đại nhất trong lịch sử toàn cầu. Tôi giữ khoảng cách với các sự việc ấy. Không còn biết bấu víu vào đâu, tôi ra khỏi nhà ít nhất có thể được, tìm cách tiết kiệm chút sức lực ít ỏi còn lại. Một cú nhảy chớp nhoáng ra đầu phố để mua đồ ăn và quay trở lại, chỉ vậy thôi. Hậu môn tôi đau nhức vì chùi mãi bằng thứ giấy gói đồ màu nâu mang từ siêu thị về, nhưng cái nóng mới làm tôi khổ sở nhất. Trong phòng thật không chịu đựng nổi, một sự đờ đẫn nhọc nhằn đè nặng lên tôi ngày đêm, và dù cho tôi có mở toang cửa sổ thì cũng không ngọn gió mát nào chịu chui vào phòng. Lúc nào người tôi cũng đầm đìa mồ hôi. Chỉ việc ngồi im tại chỗ cũng làm tôi toát mồ hôi, và chỉ cần nhúc nhích một chút, người tôi sẽ nhễ nhại ngay lập tức. Tôi uống nhiều nước hết mức có thể. Tôi tắm nước lạnh, thò đầu xuống dưới vòi nước, đắp khăn ướt lên mặt, cổ và cổ tay. Đó chỉ là một thứ tiện nghi còm cõi, nhưng ít nhất tôi cũng được sạch sẽ. Miếng xà phòng trong phòng tắm thu gọn lại thành một mẩu nhỏ xíu màu trắng, và tôi phải giữ nó lại để cạo râu. Vì đống dao cạo của tôi cũng suy giảm, mỗi tuần tôi chỉ cạo râu hai lần, và cẩn thận sắp xếp sao cho hai ngày đó trùng với ngày tôi đi mua đồ. Mặc dù rõ ràng việc ấy không mấy quan trọng, tôi thấy được an ủi khi nghĩ mình vẫn thành công trong việc duy trì vẻ bên ngoài.
Điều chính yếu là suy tính các hành động sắp tới. Nhưng chính đó lại là điều tôi thấy khó khăn nhất, điều mà tôi không thể làm được nữa. Tôi đã mất khả năng nghĩ về phía trước, và dù cho cố sức tưởng tượng ra tương lai, tôi cũng không nhìn thấy nó, tôi không nhìn thấy gì nữa. Tương lai duy nhất còn thuộc về tôi là cái hiện tại mà tôi đang sống và cuộc chiến đấu để trụ chân trong đó dần lấn chỗ tất cả những gì còn lại. Tôi không còn suy nghĩ được gì nữa. Những khoảng khắc lần lượt trôi đi, và tương lai với tôi lúc nào cũng giống như một trang giấy trắng, trống không, một trang giấy đầy bất trắc. Nếu cuộc đời là một câu chuyện, như bác Victor vẫn thường xuyên khẳng định với tôi, và nếu mỗi người là tác giả câu chuyện của chính mình, thì tôi đang dò dẫm tạo ra câu chuyện của tôi. Tôi làm việc mà không có kịch bản, tôi viết mỗi câu như nó hiện ra và từ chối không nghĩ đến câu tiếp theo. Hẳn là điều ấy thật hay ho, nhưng câu hỏi không còn nhằm để biết được liệu tôi có thể viết được với cảm hứng của khoảnh khắc không nữa. Điều đó tôi đã làm. Câu hỏi là tôi sẽ phải làm gì khi hết mực.
Chiếc kèn clarinet vẫn luôn ở đó, nhét trong túi để cạnh giường. Đến giờ tôi rất xấu hổ phải thừa nhận, nhưng quả là chút nữa tôi đã gục ngã và bán nó đi. Tệ hơn nữa, một hôm thậm chí tôi đã mang nó đến một cửa hàng nhạc cụ để xem nó đáng giá bao nhiêu. Khi nhận ra nó không mang lại cho tôi dù chỉ đủ một tháng tiền nhà, tôi bỏ ý định ấy đi. Nhưng đó là điều duy nhất tránh cho tôi khỏi nỗi tủi nhục khi làm việc này. Với thời gian, tôi hiểu mình đã cận kề với việc phạm phải một tội lỗi không thể tha thứ đến thế nào. Chiếc clarinet là mối liên hệ cuối cùng giữa tôi và bác Victor, và vì nó là cuối cùng, vì không còn dấu vết nào khác của bác, nó mang trong mình toàn bộ sức mạnh của tâm hồn ông. Mỗi lần nhìn nó, tôi lại cảm thấy sức mạnh đó trong người. Đó là một vật mà tôi có thể gắn kết, một mảnh vỡ của con tàu đắm giúp tôi nổi được trên mặt nước.
Nhiều ngày sau khi đến chỗ cửa hàng nhạc cụ, một thảm họa nhỏ đã gần như làm tôi mất trí. Hai quả trứng mà tôi định luộc trong một nồi nước cho bữa ăn hàng ngày trượt đi giữa những ngón tay tôi rơi xuống sàn vỡ toang. Đó là hai quả trứng cuối cùng trong kho dự trữ của tôi, và tôi không thể ngăn mình thấy ở đó nỗi bất hạnh tàn độc nhất, khủng khiếp nhất mà tôi từng gặp phải. Những quả trứng tiếp đất với một tiếng động mềm oặt hãi hùng. Tôi còn nhớ đã cứng đờ người vì hoảng sợ trong khi chúng chảy ra trên sàn nhà. Lòng trứng sáng, màu trắng đục, rỉ vào các kẽ sàn, và đột nhiên khắp nơi vung vãi nhầy, một vũng chất nhờn với những bong bóng và mảnh vỏ. Thật kỳ diệu, một cái lòng đỏ vẫn còn nguyên sau khi rơi, nhưng khi tôi cúi xuống để nhặt lên, nó trượt khỏi thìa và vỡ bục ra. Tôi thấy giống như một ngôi sao nổ tung, một mặt trời khổng lồ vừa tắt ngấm. Lòng đỏ trứng tản ra trên lòng trắng rồi bắt đầu xoáy lốc, để chuyển hóa thành một đám mây bụi rộng lớn, mảnh vỡ của thứ khí liên tinh. Với tôi điều đó không thể chịu đựng được - cọng rơm cuối cùng, nhẹ bỗng. Khi mọi việc đã xong xuôi, tôi liền ngồi xuống và khóc.
Trong ý định chế ngự nỗi xúc động, tôi đi đến Moon Palace để ăn một bữa. Chuyện này không giải quyết được vấn đề gì. Tôi chuyển từ tự thương xót sang điên rồ, và tôi căm ghét mình vì đã chịu thua trước ý muốn bất chợt ấy. Để làm tăng thêm nữa cảm giác kinh tởm, tôi bắt đầu bằng một bát canh trứng: tôi không thể cưỡng được trước sự xấu xa của trò chơi chữ đó. Tiếp theo tôi ăn quẩy, một đĩa nhỏ tôm nấu cay và một chai bia Trung Quốc. Nhưng tất cả sự thỏa mãn mà những thứ đồ ăn đó lẽ ra có thể mang lại cho tôi đã bị các suy nghĩ độc địa của tôi phá ngang. Suýt nữa thì tôi nôn xuống bát cơm. Đây không phải là một bữa tối, tôi nghĩ, đây là bữa ăn cuối cùng, bữa ăn mà người ta dọn cho tên tử tù trước khi lôi hắn đến giá treo cổ. Trong khi tự bắt mình phải nhai, phải nuốt, tôi nhớ đến một câu của Raleigh[11], trong bức thư cuối cùng gửi vợ, viết trước ngày ông bị hành hình: Trí não anh vỡ tung. Không có lời nào thích hợp với tôi hơn thế. Tôi nghĩ đến cái đầu bị chặt của Raleigh, được người vợ gìn giữ trong một cái hộp kính. Tôi nghĩ đến cái đầu của Cyrano, tan nát vì bị một tảng đá rơi trúng. Rồi tôi tưởng tượng sự vỡ tan của cái đầu tôi, bay tung ra như những quả trứng rơi xuống sàn nhà phòng tôi. Tôi cảm thấy óc tôi chảy ra từng giọt một. Tôi thấy mình vỡ thành từng mảnh.
Tôi để lại cho người hầu bàn món tiền bo thật lớn rồi quay về nhà. Khi bước vào sảnh, do thói quen tôi dừng lại trước hòm thư và nhận ra bên trong có gì đó. Ngoài những tờ giấy trục xuất khỏi nhà, đó là lá thư đầu tiên mà tôi nhận được từ hàng tháng nay. Trong một thoáng tôi đã nghĩ một người hảo tâm không quen biết nào gửi cho tôi một tấm séc, nhưng khi xem thư tôi nhận ra rằng đó chỉ đơn giản là một kiểu giấy báo khác. Tôi phải đến trình diện khám sức khỏe ở chỗ quân đội vào ngày 16 tháng Chín. Căn cứ vào tình trạng hiện thời của tôi, tôi khá bình thản khi đón nhận cái tin. Phải nói rằng địa điểm tảng đá sẽ rơi xuống đầu tôi có nằm ở đâu thì cũng không mấy quan trọng. Ở New York hay Đông Dương, tôi tự nhủ, xét cho cùng đều giống nhau cả. Nếu Colombus có thể nhầm lẫn châu Mỹ với Cathay, thì tôi là ai để có thể chơi trội với môn địa lý cơ chứ? Tôi vào nhà và nhét bức thư vào túi đựng kèn clarinet của bác Victor. Trong vài phút tôi đã quên nó hoàn toàn.
Tôi nghe thấy có người gõ vào cánh cửa, nhưng quyết định không việc gì phải ra xem đó là ai. Tôi đang suy nghĩ, và không muốn bị làm phiền. Vài giờ sau, tôi lại nghe tiếng gõ cửa. Người này gõ theo cách khác hẳn với lần trước, và tôi không nghĩ đó cùng là một người. Tiếng gõ lần này mạnh và hung bạo, một nắm tay giận dữ lay cửa đến bật bản lề, trong khi người kia gõ rất kín đáo, gần như là rụt rè: giống như một ngón tay duy nhất gõ lên cửa bức thông điệp nhẹ bỗng và thân mật. Tôi lật tái lật hồi những khác biệt đó trong đầu suốt nhiều giờ, suy nghĩ về sự phong phú của thông tin về con người nằm trong các thanh âm giản đơn đến vậy. Nếu hai tiếng gõ đều thuộc một bàn tay, tôi nghĩ, sự đối nghịch hẳn ẩn chứa một nỗi tức tối kinh khiếp, và tôi thấy thật khó hình dung ra người muốn gặp tôi đến tuyệt vọng như vậy là ai. Điều đó cho thấy cách giải thích thứ nhất đúng hơn. Có hai người. Một có thể là phụ nữ, người kia thì không. Tôi tiếp tục suy nghĩ theo hướng đó cho đến khi đêm buông xuống. Ngay khi nhận ra trời đã tối, tôi thắp nến, rồi tiếp tục suy nghĩ cho đến khi ngủ. Tuy vậy, trong suốt khoảng thời gian ấy, tâm trí tôi không bao giờ tự hỏi những người đó có thể là ai. Còn hơn thế, tôi không có chút cố gắng nào để hiểu tại sao tôi không muốn biết điều đó.
Buổi sáng hôm sau những tiếng gõ cửa lại vang lên. Khi đã đủ tỉnh táo để chắc chắn mình không nằm mơ, tôi nghe thấy tiếng chìa khóa lanh canh ở bên ngoài cửa - một tiếng sấm dữ dội nổ bùng trong đầu tôi. Tôi mở mắt, và đúng lúc đó một chiếc chìa khóa được cắm vào ổ. Ô khóa xoay đi, cửa mở rộng ra, và Simon Fernandez, người quản lý tòa nhà, bước vào phòng. Ông ta mang bộ râu hai ngày không cạo quen thuộc và vẫn mặc cái quần kaki cùng chiếc áo phông trắng kể từ đầu mùa hè - một bộ đồ giờ đây đã kém độ tươi tắn, với những vết bẩn màu ghi nhạt và các vết thực phẩm rơi vãi của hàng chục bữa ăn. Ông ta nhìn thẳng vào mắt tôi nhưng làm ra vẻ không nhìn thấy tôi. Kể từ Giáng sinh, khi tôi không còn đảm đương được phong tục tặng tiền hàng năm (thêm một món rút ra từ những cuốn sách), Fernandez đã trở nên thù địch. Không chào hỏi nữa, không còn dăm ba câu về thời tiết, không còn những câu chuyện về người em họ ở Ponce từng suýt được nhận vào đội bóng chày Cleveland Indians nữa. Fernandez trả thù bằng cách xem như tôi không tồn tại, và chúng tôi không nói với nhau câu nào kể từ hàng tháng nay. Tuy vậy, buổi sáng hôm ấy chiến lược của ông ta bỗng biến đổi đột ngột. Ông ta đi vòng quanh một lúc trong phòng, gõ tay lên tường như để kiểm tra, tìm kiếm các thiệt hại, rồi, khi đi qua giường tôi lần thứ hai hoặc lần thứ ba, ông ta dừng chân, quay lại, và vờ vịt tỏ ra là cuối cùng cũng nhìn thấy tôi. “Chúa lòng lành,” ông ta kêu lên, “cậu vẫn ở đây à?”
“Vẫn ở đây,” tôi đáp. “Theo một cách nói nào đó.”
“Hôm nay cậu phải đi thôi,” Fernandez thông báo. “Căn phòng được thuê từ ngày đầu tháng, cậu biết đấy, và ngày mai Willie sẽ cùng thợ sơn đến. Cậu không muốn cảnh sát đến tống cổ cậu khỏi đây chứ?”
“Đừng có lo. Tôi sẽ đi đúng lúc.”
Femandez dò xét căn phòng với vẻ ông chủ, rồi lắc đầu chán chường. “Cậu ở trong cái ổ ghê quá, anh bạn. Dù không muốn làm cậu phật ý, nó làm tôi nghĩ đến một cỗ quan tài. Một cái hộp gỗ thông dùng để chôn người.”
“Người thợ trang trí của tôi đi nghỉ mất rồi,” tôi giải thích. “Chúng tôi có dự định sơn tường màu xanh trứng sáo, nhưng chúng tôi còn chưa chắc như thế có hợp với nền đá hoa trong bếp hay không. Chúng tôi thống nhất sẽ suy nghĩ thêm về điều đó trước khi bắt tay làm.”
“Mà lại là một sinh viên giỏi giang giống như cậu chứ. Cậu có gặp vấn đề gì không đấy?”
“Không có vấn đề. Vài lo lắng về chuyện tiền bạc thôi. Thời gian gần đây tình hình thị trường xấu lắm.”
“Nếu cậu cần tiền thì phải đi kiếm chứ. Như tôi thấy thì cậu chỉ suốt ngày nằm ườn ở nhà. Giống như một con vượn ở vườn bách thú ấy, cậu hiểu tôi nói gì không? Cậu không thể trả được tiền nhà nếu không làm việc.”
“Nhưng tôi có làm việc mà. Buổi sáng tôi tỉnh dậy giống như mọi người, rồi tôi tìm cách cố gắng sống thêm được một ngày nữa. Đó là công việc toàn thời gian. Không nghỉ uống cà phê, không nghỉ cuối tuần, không tiền thưởng, không ngày phép. Tôi có phàn nàn đâu, ông cũng thấy đấy, nhưng tiền lương thấp quá.”
“Tôi thấy cậu ăn nói thật vớ vẩn. Lời lẽ của một sinh viên giỏi giang cơ đấy.”
“Đừng tôn thờ trường lớp quá mức. Nó không xứng đáng được như thế lắm đâu.”
“Nếu tôi là cậu, tôi sẽ đi khám bác sĩ,” Fernandez tuyên bố, đột nhiên tỏ ra thương cảm. “Tôi muốn nói là cậu thử soi gương mà xem. Quả là rất đáng buồn, anh bạn ạ. Chẳng còn gì cả. Chỉ là một đống xương.”
“Tôi đang ăn kiêng. Không dễ mà bảnh chọe được với hai quả trứng luộc mỗi ngày đâu.”
“Tôi không biết,” Fernandez nhận xét, suy nghĩ quay sang hướng khác. “Đôi khi giống như là mọi người đều bị điên hết vậy. Nếu cậu muốn biết ý kiến của tôi, thì tôi muốn nói đến tất cả những thứ người ta ném vào vũ trụ ấy. Tất cả những món kỳ quái, vệ tinh, tên lửa. Nếu đưa người lên mặt trăng, thế nào cũng có chuyện. Cậu hiểu tôi nói gì không? Những trò ấy khiến người ta làm đủ thứ chuyện kỳ quặc. Không thể nào giỡn được với trời rồi lại còn hy vọng không có gì xảy ra đâu.”
Ông ta giở tờ Daily News đang cầm ở tay trái và chìa cho tôi xem trang nhất. Đó là bằng chứng, chứng cớ cao nhất. Thoạt tiên tôi không nhìn thấy gì, nhưng sau đó tôi nhận ra đó là bức ảnh chụp một đám đông từ trên cao. Có hàng chục nghìn người trên bức ảnh đó, một đống cơ thể người ngồn ngộn, nhiều cơ thể tập trung tại một chỗ hơn tất cả những gì tôi từng nhìn thấy. Woodstock. Điều này có ít liên quan tới những gì đang xảy đến với tôi đến mức tôi không còn biết phải nghĩ gì nữa. Đó là những người ở độ tuổi của tôi, nhưng xét đến những quan hệ mà họ có với tôi, chắc họ phải sống trên một hành tinh khác.
Fernandez đi khỏi. Tôi ở yên đó trong nhiều phút, rồi ra khỏi giường và mặc quần áo. Tôi không mất nhiều thời gian để chuẩn bị. Tôi nhét vài thứ đồ lặt vặt vào một cái túi bạt, kẹp túi đựng kèn clarinet dưới nách, và đi ra cửa. Đó là cuối tháng Tám năm 1969. Nếu tôi nhớ chính xác, buổi sáng hôm đó mặt trời rạng rỡ chiếu sáng, và một làn gió nhẹ từ phía sông thổi đến. Tôi quay về phía Nam, dừng lại một chút, rồi bước lên một bước. Tôi bước tiếp một bước, và theo cách đó tôi bắt đầu đi xuôi phố. Không một lần tôi ngoái nhìn lại đằng sau.