Số lần đọc/download: 1437 / 9
Cập nhật: 2016-06-09 04:35:17 +0700
Yukio Mishima
"Ðời người chỉ có hạn, nhưng tôi muốn sống mãi." Ðó là lời cuối cùng để lại của Yukio Mishima trước khi ông mổ bụng tự tử ngày 25-11-1970. Văn hào Yasunari Kawabata nhận xét cái chết của Mishima là một sự phí phạm, nhưng có lẽ đối với Mishima, việc mổ bụng tự tử là một cách để được sống mãi mãi, như một nhà phê bình của Nhật đã viết về cái chết của ông: "Mishima tự tử để hoàn tất sự nghiệp văn học của ông." Không biết Mishima có sống mãi như ông mong muốn hay không, nhưng ít nhất ông đã là một nhà văn khác thường. Mishima đến với thế giới văn học như một cơn bão lốc, và bỗng chốc bỏ cuộc chơi một cách khủng khiếp, rùng mình.
Mishima là một nhà văn danh tiếng của Nhật Bản. Ông sinh ngày 14-1-1925 tại Ðông Kinh trong một gia đình võ sĩ đạo, thấm nhuần truyền thống làm chủ hoàn toàn thân xác và trí óc, và trung thành với Nhật Hoàng. Tên đầu tiên gia đình đặt cho ông là Kimitake Hiraoka. Mãi đến khi nhập làng văn năm 1941, ông mới lấy bút hiệu Yukio Mishima.
Năm 1968, Mishima là người có rất nhiều hy vọng đoạt giải NOBEL về văn chương, nhưng vì tuổi ông còn trẻ nên giải này về tay Yasunari Kawabata. Ông là người đầu tiên đến chúc mừng Kawabata. Mishima đã viết rất nhiều về các vụ mổ bụng tự tử, và những cái chết trẻ. Ông thường nói với các bạn bè ông muốn chết trẻ. Ông cùng một người đệ tử là Morita làm sống lại truyền thống mổ bụng tự tử của võ sĩ đạo ngày 25-11-1970, trong một tổng hành dinh quân đội tại Ðông Kinh.
Mishima chết lúc ông mới có 45 tuổi, cái tuổi phong phú nhất của một nhà văn. Trong suốt gần 30 năm, ông đã sáng tác được trên 200 tác phẩm lớn nhỏ, từ trường thiên tiểu thuyết đến kịch bản, truyện ngắn và tùy bút. Gần 100 tác phẩm của ông đã được dịch sang tiếng ngoại quốc. Cuộc đời của ông có thể là ước mơ của của nhiều nhà văn khác: danh tiếng quốc tế, giầu sang, vợ đẹp con khôn, và có địa vị trong giới kịch nghệ và phim ảnh Nhật Bản. Như vậy việc tự tử của ông không phải là một bất mãn với cuộc đời, hoặc kết quả của một thảm kịch bất ngờ nào đó trong đời ông. Ðúng ra cái chết của ông là một dự tính lâu dài, được tổ chức thành một biến cố công cộng, một cái chết mà ông đã sửa soạn từng chi tiết từ nhiều tháng trước.
Việc tự tử của ông có mục đích chính trị nào không, hay chỉ là một sự say mê lãng mạn với cái chết? Cho tới nay vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn cho mục đích tự tử của ông. Nhưng một điều hiển nhiên là ông đã bị ám ảnh suốt đời về những cái chết mổ bụng mà ông được biết hoặc được nghe nói. Ông đã viết rất nhiều về truyền thống "Harakiri" (mổ bụng tự tử) của người Nhật; ông đã xuất hiện trong nhiều phim ảnh, trong vai trò của một võ sĩ đạo mổ bụng tự tử, và cũng chính ông đã dùng cả đời để tập dượt cho cái chết của mình.
Tác phẩm Lòng Ái Quốc của Yukio Mishima là một trong những tác phẩm của ông viết về "Harakiri". Chưa có một tác phẩm Nhật Bản nào mô tả tỉ mỉ về cái chết mổ bụng như truyện này. Ở đây ông đã diễn tả lòng khâm phục của ông trước sự trong sạch không tỳ vết của những sĩ quan trẻ, đã chọn lựa cái chết trong biến cố ngày 26-2-1936 vì tình yêu đối với Nhật Hoàng.
Nhân vật chính trong truyện này là trung úy Shinji Takeyama, không được tham gia cuộc đảo chánh, vì các bạn của chàng không muốn một người mới cưới vợ phải dính dấp vào một hoạt động rất phiêu lưu nguy hiểm. Shinji Takeyama bất bình bị loại ra ngoài cuộc đảo chánh, và chàng quyết định mổ bụng tự tử, để chứng tỏ rằng chàng cũng sẵn sàng chết cho Nhật Hoàng không kém ai. Người vợ đã hiểu thế nào là vợ của một quân nhân, không cố gắng ngăn cản chồng tự tử. Hơn thế nữa, sau khi chồng đã mổ bụng tự tử rồi, nàng dùng dao găm đâm vào cổ tự vẫn theo chồng.
Mishima không mô tả cuộc tự tử của đôi vợ chồng trẻ là một việc làm thương tâm hoặc kinh hoàng. Trái lại ông cảm thấy rằng trung úy Shinji Takeyama và người vợ đã thực hiện được niềm vui lớn nhất trong đời sống. Họ chết trong lúc còn rất trẻ, rất đẹp và vẫn yêu nhau say đắm, và vẫn giữ được lý tưởng trong niềm tin của mình. Mishima đã thành công làm đẹp cái chết của Shinji Takeyama, một cái chết rất gọn gàng và anh hùng của chàng dũng sĩ trước đôi mắt đẹp của người vợ trẻ, cũng như sự can đảm đến lạnh lùng của Reiko trong quyết tâm chết theo chồng.
Trong tác phẩm Lòng Ái Quốc, người đọc sẽ có dịp thưởng thức một văn phong rất mạnh mẽ của Mishima, và một sự mô tả rất phóng khoáng về tình dục, theo truyền thống Nhật Bản.