Số lần đọc/download: 6779 / 21
Cập nhật: 2016-02-04 14:40:06 +0700
Chương 1
M
ùi dạ lan thoang thoảng làm đêm thêm ngọt ngào và đáng yêu. Những chùm lá trên cao theo ngọn gió lười biếng lâu lâu lại xào xạc. Âm thanh nhè nhẹ dịu dàng như lời thầm thì của đêm cất lên êm ái.
Tối nào cũng vậy, người vào xem ti vi sau cùng cũng là Phúc.Lâu rồi thành thói quen, cô cũng chẳng so đo làm gì với mọi người. Coi như là sự phân công trong nhà,vả lại một phần cũng tại Phúc, cô thích ngồi mơ mộng trên chiếc ghế đá thân quen ngoài sân một mình. Đó là thời gian riêng biệt mà cô rất thích.
Vừa thả người khoan khoái trên salon, Phúc đã nghe chị Thơ gọi:
- Ê! “Gỗ mun”, má dặn tám giờ ba mươi đi rước má về. Má khui hụi ở nhà dì Bảy Diễm.
- Còn sớm mà, em coi ti vi một chút
Phúc co một chân trên salon, một chân gác lên chiếc ghế nhỏ nhịp nhịp. Miệng khe khẽ hát theo người ca sĩ…
Diệp Thơ ngồi gần đó khó chịu:
- Lúc nào cũng vậy, ngồi là phải gác chân. Bỏ xuống chưa? Lớn rồi chứ nhỏ gì mà chẳng ý tứ…
- Có ai đâu,em mỏi chân thấy mồ, mới tựa một chút là đã gặp chị rồi,…
Thơ tiếp tục cằn nhằn:
- Đợi có ai thì còn gì nữa. Đã nói hoài mà chị không hiểu em làm sao ấy! Như hôm qua có anh Dương ở đây, vậy mà tự nhiên em xồng xộc từ cầu thang xuống thủ võ như mụ điên,…
- Hai ông bà ngồi tuốt trong xó, ai mà thấy…
Thơ quắc mắc lên:
- Nói cho đoàng hoàng, ngồi tuốt trong xó nghĩa là sao? Chị đợi má về chị mách em, ăn với nói,…
Phúc vừa nhịp chân vừa đáp:
- Em nói gì đâu? Em chỉ muốn xem ti vi một chút, chị cũng cằn nhằn hoài. Em cũng đợi chị mách má đó.
Thơ dịu ngay:
- Thì chị muốn em nết na, đằm thắm. Em là con gái chứ đâu phải con trai, ngoài ra chị có ác ý gì đâu.
- Để chị với chị Mai làm hai tiểu thư đài các,dịu dàng được rồi. Ẻm là “Gỗ mun” mà làm sao dịu dàng cho được…
Phúc đứng dậy đi ra cửa. Thơ hỏi:
- Em đi đâu vậy?
Phúc hơi xẵng giọng:
- Đi rước má chứ đi đâu.
Thơ nhăn mặt:
- Ăn mặc như vậy đó hả?
- Cho mát!
Phúc dắt xe ra cổng rồi lên yên đạp thật nhanh. Mới tám giờ năm phút. Thừa thời gian đạp xe vòng vòng.
Tối chủ nhật, phố đông người hơn những ngày bình thường, những dòng xe nối nhau chạy dài,. Phúc bỗng thấy mình như lạc lõng giữa những cặp trai gái chở nhau. Cô rẽ xe qua một con đường nhỏ có hai hàng me đang xếp lá ngủ dưới ánh đèn. Gió thổi ngược, mái tóc ngắn của cô loà xoà trước trán. Bỗng dưng cô cảm thấy cô đơn và buồn man mác. Khi nghĩ lại những lời hai chị em vừa nói với nhau.
Trong gia đình Phúc không giống ai hết. Chị Thơ thì giống ba, chị Mai thì giống má, còn Phúc thì… Cô thở dài: “Mình giống “ma cà bông” như má thường rầy. Sao mình không thể dịu dàng như chị Mai, và sao mình không khéo léo, ý tứ, tế nhị như chị Thơ. Ôi! Hai bà chị hết ý, bà nào cũng đẹp, cũng tài. Miệng nói đến thật là hay, con kiến trong hang phải bò ra, huống chi là người ta.Chả trách sao hai bà có bao nhiêu cái đuôi dài.”
- Đi đâu vậy, Hoài Phúc?
Phúc giật mình nhìn sang phải:
- Đi vòng vòng. Còn Quang đi đâu vậy?
- Chắc cũng đi vòng vòng quá…
Quang nhìn Phúc cười làm cô bỗng nổi nóng:
- Cái gì mà Quang cười cười trông “mát” quá vậy?
- Quang tưởng Phúc là “cua rơ” chớ…
Phúc chợt nhớ đến cái áo thun đỏ chói vài cái quần… Phải nói sao về cái quần này nhỉ? Đó là cái quần Jean cũ của chị Mai. Phúc cắt ngang đầu gối rồi rút tua. Lúc nãy, bướng bướng với chị Thơ, Phúc chẳng thay ra mà mặc bộ đồ này đi rước má. Trông chắc bụi đời lắm. Cô nhìn Quang:
- Phúc là “cua rơ” thật chớ còn gì mà Quang tưởng. Bây giờ Quang đua không?
- Người thắng được gì nè?
- Một chầu kem của kẻ bại.
Quang ngần ngừ:
- Đùa chớ, tối nay xe đông lắm.
- Thì mình đua cả lạn lách nữa.
- Cho công an thổi hả?
Phúc bật cười:
- Ôi! Coi vậy mà “thỏ đế”
- Đừng khi dễ, thỏ chạy nhanh lắm đó nhen.
- Xì! Nhanh băng miệng…
- Ê! Phúc, mình đi ăn kem đi.
- Kẻ bỏ cuộc đãi phải không?
- Quang đâu có bỏ cuộc,hẹn dịp nào đó… Hôm nay xung phong đãi Phúc nè.
- Tốt thôi!
Hai người đạp xe vòng lại, đến trước một tiệm kem khá đông và ồn ào. Phúc bỗng bối rối khi nghe tiếng huýt gió từ trong vọng ra. Cô buột miệng:
- Thôi! Quang ơi! Phúc quên, tới giờ đi rước má Phúc rồi.
- Năm phút để ăn kem đâu có lâu?
- Thôi! “Cua rơ” vô tiệm kì lắm!
Quang hóm hỉnh nhắc lại:
- Ôi! Coi vậy mà “thỏ đế”
- Xì! Sợ Quang hao chớ, Phúc ăn một lần một kí kem Chocolate, nửa kí đậu phộng rang, và…
- Bao nhiêu cũng đãi.
- Thôi! Để hôm nào rủ thêm con Hà cho vui.
- Lạ thật, Quang có bảo sẽ đãi Hà đâu? Phúc định dùng kế hoãn binh hả?
Phúc nhìn đồng hồ, ngần ngừ rồi cô nói:
- Được thôi, có mười phút để ăn kem.
Quang huýt gió một điệu disco vui nhộn rồi hai người cùng vào quán.
- Kem gì Phúc?
- Chocolate
- Phúc nè, chiều chiều Phúc đi học thêm môn gì vậy?
Phúc bỗng ấp úng trước câu hỏi của Quang, cô đánh trống lảng:
- Ai bảo Quang là Phúc đi học? Phúc đi công chuyện cho má Phúc.
Quang cười cười:
- Vậy sao? Tưởng Phúc có học thêm chứ! Quang cùng đi học cho vui.
- Học gì mà vui, đừ thì có.
- Học gì mà đừ?
- Học gì không đừ. Chỉ học cách đi chơi cũng đừ chứ đừng nói,..
Quang nghịch ngợm:
- Cách chơi nào mà học đừ đâu Phúc?
Phúc nhăn mặt:
- Đến đây ăn kem hay đến để tra với hỏi?
Quang cười:
- Dĩ nhiên là đi ăn kem. Nhưng trong quá trình ăn, mình phải tranh thủ phá một chút…
- Nghe Quang nói Phúc ăn hết ngon.
- Vậy là đòn của Quang có tác dụng?
Phúc ấm ức nhìn Quang nheo mắt cười:
- Phúc này, hình như anh Dương là bạn chị Thơ hả?
- Sao Quang biết anh Dương?
- Nhà Quang gần nhà anh Dương mà? Quang thấy bạn anh Dương toàn là người đẹp không hà?
- Bộ anh Dương nhiều bạn gái lắm hả?
- Hơi nhiều và toàn đẹp..
- Đương nhiên con trai ai chẳng thích có bạn gái đẹp…
- Quang cũng vậy. Chẳng hạn cô bạn đang ngồi với Quang nè…
Phúc bỏ muỗng kem xuống:
- Thường ăn kem lạnh, lưỡi người ta tê cứng lại sao lưỡi Quang lại mềm ra thế? Trông nó lắt léo nãy giờ mà thấy sợ.
Mặt Quang tỉnh bơ:
- Ủa! Sao Phúc biết
Phúc ngơ ngác:
- Biết gì?
- Biết lưỡi Quang mềm.
Phúc giận dỗi:
- Thôi đủ rồi Quang, để Phúc trả tiền kem cho. Tối nay Phúc chịu thua.
- Nãy giờ Quang nghe nhiều tiếng “thôi” quá… Phúc muốn trả tiền kem cũng được, có điều Phúc phải mất công đi ăn kem với Quang lần nữa cho đúng luật.
- Luật gì?
- À! Luật li kem mang đi, kem li mang lại.
Phúc liếc một cái rõ bén:
- Hừ! Miệng lưỡi Quang thật…
- Thật mềm mại, dễ yêu…
Phúc nổi cáu thật sự:
- Thôi! Phúc về à nhen.
- Lại “thôi” nữa.
Lần đầu tiên thấy Phúc nổi giận nên Quang thấy mình hơi có lỗi, vội vàng nói với theo:
- Phúc chờ Quang với, ai nỡ bỏ bạn về một mình thế.
Phúc làm thinh bước rakhỏi quán. Bọn con trai lại huýt gió. Phúc vẫn tỉnh queo, cô nghĩ thầm: “Không lẽ mình quái đản lắm sao với bộ đồ “cua rơ” này”.
Quang chạy đến bên Phúc và nói:
- Đừng giận nhen Phúc.
Phúc trề môi:
- Bộ chọc Phúc giận dễ thế sao? Giờ Phúc đi đón má Phúc.
- Chia tay tại đây à?
- Đúng vậy! Chúc ngủ ngon.
Không đợi Quang đáp lời.Phúc cắmđầu đạp thật nhanh. Trễ rồi coi chừng má la… Mà sao lúc nãy mình vào quán kem chi vậy? Để thua tên Quang lẽo lự này mấy không luôn. Tại mình chủ quan, tên này cũng hiểm thật, lâu nay ở trong lớp thì cứ im ỉm, sao hôm nay gặp mình hắn lại ba hoa thế? Nhất định hôm nào mình sẽ cho hắn một trận. Mình không chịu được khi nghĩ phải bị bọn con trai khuất phục.“Gỗ mun” mà, đâu phải dễ “đẽo”.
Phúc rẽ vào một ngõ cụt và thắng xe ngay căn nhà đầu tiên. Một chân để trên pêđan, một chân chống vào hàng rào. Phúc nhìn vào cửa:
- A! Xà lỏn muôn năm.
Dẫu bất ngờ vì câu chào độc đáo của Hữu, con dì Bảy Diễm, Phúc vẫn thản nhiên ngồi trên xe, hai tay khoanh trước ngực mặt hất lên:
- Nè! Con trai mà nói những lời chua như chanh giấy thì sẽ biến thành mụ nạ dòng đấy. Liệu hồn nhe, “Mít ướt”.
Bà Thanh và bà Diễm trong nhà đi ra. Bà Thanh nhìn Phúc:
- Gì nữa đó Phúc? Đi đến đâu là ồn ào đến đó.
Bà Diễm cười:
- Hai đứa bây kể cũng lạ. Từ nhỏ đến lớn hễ nói chuyện là đấu khẩu.
Hữu nhăn nhó:
- Nhỏ Phúc này mà, ai không gây mẹ.
Phúc cười trêu Hữu:
- Đụng một chút là mách mẹ. Quê quá đi.
Bà Thanh giục con:
- Thôi về, khuya rồi. Ở đây hai đứa bây chọc nhau đến sáng.
Phúc chào bà Diễm xong, kênh Hữu một cái nữa rồi chở mẹ ra khỏi hẻm. Bà Thanh cằn nhằn con:
- Má nói hoài, con gái lúc nào cũng ăn thua đủ với con trai, mình phải dịu dàng, thuỳ mị, ai như con, lúc nào cũng cãi tay đôi.
- Đâu có má. Tại mấy đứa đó dỏm quá, biểu sao con không cãi.
- Sao ăn mặc như vầy mà đi ra đường, lớn rồi…
Phúc làm thinh, cô nghĩ thầm:
- “Má mà biết mình ăn mặc như vầy vào tiệm kem thì chết…”
Cô phân bua:
- Ôi! Con mười chín tuổi rồi.
- Ờ! Lớn rồi, nhỏ nhít gì nữa.Hồi bằng con, má đoàng hoàng lắm, đâu phải lốc chốc như vầy.
- Hì, hì! Chắc lúc đó má đã gặp ba rồi phải không?Và má đã yêu…
- Đồ quỷ! Thì má cũng có bạn trai nhưng không phải dễ như bây giờ, như tụi bây đi chơi với bạn trai là chuyện thường.
Phúc suy nghĩ miên man. “Chắc má không phân biệt bạn trai học chung lớp và loại bạn trai “đặc biệt”. Bạn trai như anh Trường của chị Mai hay anh Dương của chị Thơ…. Mình thì chưa có bạn trai như thế mà những thằng bạn như tên Quang hay tên Hữu không hiểu ai có thể yêu được nhỉ? Làm bạn bình thường còn đụng cồm cộp… Chao ôi! Nếu là người yêu thì chẳng còn biết còn ra làm sao nữa. Ít ra cũng phải hơn mình một cái đầu cả về chiều cao lẫn trí tuệ. Ừ! Ít ra cũng phải là cái búa tài xổi…
Cô bỗng buông một tiếng thở ra rồi lại tiếp tục dòng suy nghĩ: “A! Gần đến đám giỗ cô Út rồi, đó cũng là ngày sinh nhật của mình, một sự trùng hợp mà hồi nhỏ mình rất thích vì lúc nào cũng có phần cho mình. Còn bây giờ điều ấy lại làm mình nghĩ ngợi. Tại sao cuộc sống lại có những điều ngẫu nhiên kì lạ, người được sinh ra và người phải chết đi. Sự tồn tại của con người trong cuộc sống thật đáng quý. Nếu bây giờ bỗng dưng không còn ta trên cõi đời này nữa, ta không được ca hát, vui đùa… Và “kênh sport” những tên tóc ngắn kia… Không biết còn bao nhiêu thứ khác nữa. Thịt da sẽ tan rã. Ta chỉ còn thuộc về quá khứ như cô Út, ta chỉ còn trong lời kể lại của mọi người, thật khủng khiếp.”
Cô vừa đạp xe vừa hỏi mẹ:
- Má à, tại sao trong cùng một ngày, trong cùng một gia đình lại có mọt ngời chết đi và có một người được sinh ra hả má? Lúc đó mọi người ra sao? Và con nữa, con mới sinh ra đời nhưng có khác gì người vừa chết? Khác chăng là sự sống và cái chết, còn sự tiếp súc với thế giới xung quanh chắc như nhau thôi… Ôi! Mãi mãi con người sẽ không bao giờ được biết lúc mình mới chào đời và lúc mình chết đi như thế nào.
- Hôm nay sao con nói những điều lạ lùng thế Phúc? Những suy nghĩ đó có từ bao giờ vậy?
- Mới đây thôi má. Tự nhiên con thấy giữa con và cô Út như có một mối liên hệ đặc biệt nào đó về cái chết và sự sống. Có những người chết đi để người khác được sống.
Bà Thanh chợt buông một tiếng thở dài:
- Cô Út đẹp, thông minh và rất bướng. Ở nhà ba con thương cổ nhất, má cũng vậy. Hồi đó, cô Út con là giao liên của ba với má đó…
Rồi bà im lặng như đang nhớ về quá khứ, ngập ngừng bà nói tiếp:
- Con rất giống cô Út, tính thình cũng thế.
- Con là “Gỗ mun” làm sao giống cô Út được má?
Phúc cười ròn rã rồi lạng xe một cái làm bà Thanh giật mình ôm lấy eo cô cứng ngắc:
- Đồ quỷ! Lúc nào con cũng đùa được hết, má cũng sợ con luôn.
Nghĩ ngợi một chút, bà nói tiếp:
- Này! Dẹp những suy tư về cái chết, sự sống đi. Cuộc sống là như vậy đó, những cái chồng chéo của cuộc đời không ai lường được đâu con. Con là con cảu ba má, cô Út là cô của con, chúng ta cùng trong một gia quyết nên cái chết của người này làm người khác đau khổ, ngược lại một đứa trẻ chào đời là niềm vui chung của cả dòng họ. Đối với những người ngoài, cái chết của một người cũng có thể làm họ buồn nhưng nỗi buồn đó chỉ là sự thông cảm cho số phận con người nói chung. Khi một đứa trẻ chào đời, người ta vui nhưng niềm vui đó chỉ là sự chia sẻ trong mọi niềm vui mà con người có được. Không bao giờ họ có được niềm vui hay nỗi khổ trọn vẹn như những người cùng huyết thống đâu con.
Hoài Phúc im lặng lái xe chầm chậm, trên đường phố về đêm với những ánh đèn sáng làm mờ các vì sao trên bầu trời. Má lúc nào cũng có những ý nghĩ làm cô thích thú, thế nên bao giờ má cũng là nơi để cô bộc lộ hết những nỗi niềm của mình qua những thành công hay thất bại trong công việc làm ăn.
Chín giờ đúng. Phúc ngừng xe trước cổng. Chị Thơ và chị Mai vẫn còn trung hành với ti vi. Phúc hơi buồn một chút, lúc nào chẳng thế, hai người luôn thờ ơ với việc buôn bán của má. Học là trên hết, bao giờ học cũng là lí do để má không nói được gì mỗi khi có những chuyện nhờ đến mà hai chị không làm. Dù má vẫn hiểu đó không phải là lí do chính. Hình như hai người xem việc ra ngồi bán ngoài chợ là một điều gì đó rất xấu hổ. Việc buôn bán không xứng với mẫu người tiểu thư đài các như hai chị. Hơn nữa, hồi nào đến giờ, cả hai tiêế xúc với bạn bè gia đình cũng chuyên ăn học như hai chị. Chẳng là lúc má vừa đề xuất việc buôn bán là đã bị phản đối rồi sao? Chỉ có Phúc là ủng hộ và hăng hái phụ má ngay từ đầu, và như thế việc buôn bán giống như là việc của má và Phúc, hai bà chị không bao giờ ngó ngàng để ý gì tới.
Đâu phải Phúc được sinh ra để gánh những phần việc của một tên con trai trong già đình đã có rồi hai cô con gái chân yếu tay mềm đâu? Ai cũng bảo Phúc là con trai thì đúng hơn. Tại sao Phúc làm được nhiều việc mà hai chị thì không nhỉ? Phúc ngồi xuống salon định xem ti vi thì Nhã Mai vừa chải mái tóc dài mượt vừa gọi Phúc bằng cái giọng được tẩm mật ong dễ làm say lòng người khác:
- Bé “Mun” ơi! Em sửa cái ống bơm đi, nó hư miếng da gì ở trỏng hay sao mà chị bơm không được. Bé “Mun” bơm giùm đi, không thôi sáng xe đâu chị đi học.
Chị Thơ nói theo ngay:
- Bơm xe chị luôn nghe Phúc, bánh sau mềm xèo hà…
Phúc ngao ngán nhìn hai bà chị. Cô kéo ống bơm sau cánh cửa ra, loay hoay với nó một hồi tay dính mỡ bò lem luốc.
Đầu óc cô hôm nay làm sao ấy, cô không muốn đùa chút nào, nếu bây giờ là ngày hôm qua, chắc cô đã làm eo làm sách hai bà chị của mình rồi. Cô thích phá người khác lắm, nhưng tối nay thì. Cô mệt mỏi sau một ngày với những việc lặt vặt. Cô vừa bơm xe vừa cằn nhằn:
- Phải chi má sanh thêm một thằng nhóc cho các bà chị sai vặt thì đỡ biết mấy, ít ra em cũng được quyền làm lớn với một người trong nhà này.
Thơ cất cao giọng:
- Giàu út ăn, nghèo út chịu mà. Út “Mun” ơi! Ai cũng cưng em hết, có điều em nhí nhất nhà nên em phải chuyên viên những việc nhẹ.
- Thế việc đẩy xe, khiêng hàng phục má có phải là việc nhẹ không?
Cái môi cong bướng bỉnh hơi trề một chút Phúc nói tiếp:
- Là việc nặng, nhưng nặng nề về tay chân còn học mới là việc cực kì nặng về trí tuệ.
Cô cố tình kéo dài và lên giọng tiếng “trí tuệ” ra nghe khá chua chát.
Mai thì cười, giả lả vuốt giận:
- Hôm nay làm gì mà em đanh đá vậy? Nếu mệt thì thôi để chị bơm cho, em đi ngủ đi.
Phúc ấm ức vặn cái van xe lại. Chị Mai luôn là người tuyệt vời, vừa ngọt ngào, khéo léo, biết vuốt người khác đúng lúc và đúng điệu. Phúc biết nói gì đi nữa bây giờ dù chị Mai biết quá những điều gì làm Phúc bực.
Phúc đi ra sau bếp. Một ngày nữa đã qua rồi đấy. Đêm nay cô múon ngủ sớm và muốn quên hết những chuyện đã xảy ra trong ngày.
o O o
Bà Thanh luôn là người thức dậy sớm nhất nhà. Sáng nay cũng thế, bà bước ra sân tập vài động tác thể dục dưỡng sinh. Đã bốn mươi lăm tuổi mà trông bà còn trẻ lắm. Ngày xưa bà từng là hoa khôi của một trường trung học.
Nhã Mai rất giống mẹ. Cô có mái tóc dài đen óng ả, đôi má lúm đồng tiền rất dễ yêu, một chiếc cằm chẻ bướng bỉnh và đôi mắt tròn đen như hạt nhãn.
Diệp Thơ thì nét mỏng manh hơn, cái cằm thon nhỏ với tới hai lúcm đồng tiền bên má, tóc dài, sựi mềm màu hơi nâu giống tóc ông Trần.
Cả hai cô đều giống mẹ ở vóc dáng mảnh mai, quí phái nhưng lại rất đầy đặn, quyến rũ khi mặc áo dài hay quần jean bó sát.
Vừa làm động tác vươn thở bà Thanh vừa nghĩ đến những điều cô gái út nói với bà đêm qua:
- Con bé luôn có tư tưởng đến là lạ, không giống hai chị nó chút nào. Năm nay nó là cô gái mười chín tuổi rồi còn gì, và ở nhà này nó là cô gái lạ lùng nhất trong mọi lãnh vực. Hình nưh nó chưa hề chịu thua ai. Cứng cỏi, nhanh trí, thông minh và tự tin, nhưng nó không tự kiêu như Diệp Thơ, cũng không quá đãi bôi như Nhã Mai. Sự hồn nhiên trong sáng của Hoài Phúc hiện ra ở đôi mắt, đôi mắt nâu lạ lùng với cái đuôi mắt dài tinh nghịch mỗi lần trêu chọc ai. Đôi mắt nâu đơn độc trong nhà có bốn đôi mắt đen. Bà Thanh luôn giữ được vẻ bình thản mỗi khi ai gợi thắc mắc này. Đôi mắt của Hoài Phúc sáng lung linh như hai vì sao. Hai vì sao biết cười, biết phân biệt cái sai cái đúng.
Bà Thanh chợt thở dài: “Hoài Phúc là một con bé trực tính nhưng rất nhạy cảm và lãng mạn cả trong cách nhìn, cách nghĩ, cách nói”.
Bà chỉ sợ Phúc sẽ khổ vì cái tính của cô.
Rồi như để tự trấn an mình, bà nhủ lòng:
- Đứa con gái nào ở tuổi này mà không lãng mạn… Chỉ mong rằng Hoài Phúc không quá lãng mạn và đam mê như cô Út nó thôi.
Có tiếng bước chân quen thuộc vang lên ở sau bếp cho bà biêt Phúc đã dậy. Cô ra sân bắt đầu khởi động để đi vài bài quyền. Bà Thanh cười thầm: “Phải chi nó là con trai nhỉ?”
Rồi bà im lặng ngồi xuống chiếc xích đu còn ươn ướt hơi sương nhìn Phúc đi quyền. Bà không biết tý gì về võ thuật cả và bà cũng không thích võ. Lúc đầu bà và hai cô chị phản dối việc học võ của Phúc. Nhưng ông Triệu thì trái lại rất ủng hộ. Vì chính ông là người khởi xướng chuỵên này. Ông mê võ thuật và theo học từ hồi còn nhỏ, chỉ khổ nỗi ông chẳng có cậy quí tử nào để ông cho nối nghiệp cả. Chỉ có con bé út ngang tàng, hiếu động, thích chơi với con trai. Mà con trai thì làmgì có chuyện cãi cọ như đàn bà, chuyện gì chúng đã không bằng lòng rồi thì chỉ có đấm đá. Con nhỏ út kì lắm, bị ăn đòn bầm mặt về nhà làm thinh. Tra hỏi mãi mới khai là bị đáh.
Ông Triệu nghe đau như chính mình bị ăn đòn. Ông buông một câu chắc nịch trước cặp mắt lo âu của bà Thanh:
- Bắt đầu sáng mai năm giờ con dậy ba dạy nghề cho, cả con Thơ và con Mai nữa. Con gái cần phải biết võ để phòng thân.
Bà Thanh và hai cô chị nhất định phản đối. Bà đưa ra lí do chính đáng:
- Sao mà học được, con gái mà đá cao quá là là coi chừng… Còn đường chồng con nữa chớ.
Ông Triệu lừ mắt:
- Em nói nghe lạ chưa, coi chừng cái gì?
Rồi ông say sưa giảng giải một hồi. Nào là con gái ít nhất phải biết tự vệ, có thế mới có sự tự tin dạn dĩ, xử lí nhanh nhẹn trong mọi tình huống. Hơn nữa, mỗi trường phái võ thuật đều có nét độc đáo riêng, đòn thế riêng. Con gái thì sẽ học những đòn thuộc về nhu thuật như Thiếu Lâm hay aikido… Đủ thứ…
Hai phe, ông và bà Thanh cãi quyết liệt, cuối cùng ông chỉ nhận được một đệ tử là cô út, vì nó luôn theo phe ông và coi bộ nàng ta cũng thích phục hận bọn con trai lắm.
Không biết đứa nào đã đặt cho Hoài Phúc cái tên “Gỗ mun”. Mà cũng phải, hồi nhỏ trưa nào cô cũng trốn ngủ chạy rong trong xóm, leo cây trứng cá, chọi xoài, trộm mận với bọn con trai nên đen thui mốc thếch như khúc gỗ mun đen.
Thấy đấy! Bây giờ “Gỗ mun” của bà đã thành cô thiếu nữ vô cùng duyên dáng, sức thanh xuân lộ rõ ở bộ ngực căng tròn tràn đầy sức sống dưới những chiếc áo thun đủ màu với cái quần short để lộ đôi chân thon dài rám nắng lúc nào cũng nhún nhảy như chim vành khuyên.
Ngồi ngắm Hoài Phúc bà Thanh bỗng bàng hoàng nhận ra cô bé lọ lem chuyên trèo cây lội vũng như bọn con trai ngày nào, giờ đây lột xác biến thành cô gái đầy sức quyến rũ và đầy quyền lực với bọn con trai. Nhã Mai và Diệp Thơ chỉ là phần đệm, phần nền cho một đoá hoa hướng dương nở rộ rực rỡ kia.
Ngực bà hơi nhói một chút, nhưng bà biết trái tim bà chia đều, chia rất đều. Giữa thanh thiên bạch nhật lòng bà thanh thản và công minh. Bà thương đều và có phần lo cho Hoài Phúc hơn hai cô chị.
Phúc đã đi xong các bài quyền. Cô xách một xô nước đến các chậu hoa loay hoay tưới. Bà Thanh bước đến bên cô, vừa nhẹ nhàng vừa âu yếm:
- Để má tưới cho, con làm gì thì làm đi.
Phúc xăm xoi một bông hồng nhung màu vàng cam vừa hé nụ:
- Má coi nè, đẹp thật! Giọt sương còn đọng lại nữa nè.
Bà Thanh trầm ngâm một chút:
- Con cắt vô chưng lên bàn thơ cô Út đi. Cô con thích hồng nhung này lắm
Phúc nhìn mẹ:
- Sao má biết?
- Sao má lại không biết chớ?
Bà Thanh nhẹ nhàng tưới từng chậu hoa. Bà là người rất yêu hoa và thích trồng cây kiểng. May mắn nhà của ông Triệu là nhà xưa, sân rộng nên có điều kiện trồng được nhiều thứ cây kiểng lạng và cây phong lan quí nữa.
Hồi ông nội Phúc còn sống, ngoài vườn lúc nào cũng đầy hoa thơm cỏ lạ. Quanh nhà là hàng rào kim quýt đầy gai nhọn và những trái đo đỏ trông phát thèm. Rồi các loại hoa nhái, móng tay, tứ quí, huệ đất mọc hầu như đầy các lối đi trông mắt một cách tự nhiên và thơ mộng. Các loại hoa quí ông trồng trong chậu và nâng niu chăm chút từng cây.
Rồi ông nội Phúc chết, ông Triệu đi làm xa, cô Út suốt ngày bận học, bà nội chăm sóc không xuể nên đem cho gần hết, chỉ còn lại một gốc dạ lan hương già và một giàn dạ lí.
Bây giờ bà Thanh có ý định trồng lại, nhưng đó chỉ là ý định. Bà đâu có thời gian. Đứng nhìn hai bên hè và sân sau rộng lớn, mùa mưa xuống rồi thì cỏ lên cao trông buồn bã lắm. Thời giờ làm cỏ còn không có thì làm sao chăm sóc cho hoa. Nghề chơi cây kiểng cũng lắm công phu. Ông bà đã nói: “Trồng hường bẻ lá che hường” mà, sáng sớm bà đi, chiều tối mới về. Bây giờ bà cực hơn hồi trẻ nhiều lắm!
o O o
Phúc đẩy chiếc xe ba bánh từ nhà xe ra tới phía sau cửa bếp Thơ và Mai đã thức dậy. Thơ đang loay hoay nấu nước nấu mì gói. Mai thì đang cẩn thận cột cao mái tóc dài lên rồi phụ Phúc khiêng những gói hàng nhẹ lên xe.
Ngoài cổng có tiếng gọi:
- Mở cửa các tiểu thư ơi!
Thơ chạy vội ra mở cửa rào:
- Làm gì hét om sòm vậy ông tướng? Còn sớm mà!
Giọng thanh niên hăm hở vọng vào:
- Thì biết là sớm nhưng bữa nay anh mắc công chuyện ở lớp, phải đi sớm, hai đứa phụ “Gỗ mun” khiêng lẹ lẹ lên.
Người thanh niên dựng chiếc xe đạp bên gốc mận nhanh nhẹn đi vào bếp:
- Ái chà! Nhỏ Thơ nấu mì hả. Cho anh một gói với, đói gần chết.
Phúc nãy giờ vẫn làm thinh, bỗng như giật mình:
- Chết rồi anh Khải, em quên chưa đưa cái thơ.
Đang ôm gói đường to, Khải trợn mắt:
- Thiệt hả?
Phúc gật đầu ra vẻ thiểu não:
- Thật mờ! Hôm qua em có đến cổng trường không thấy…
Khải bỗng nháy mắt:
- Im, im…
Thơ vừa từ trong bếp đi ra và nói:
- Lúc nào hai người cũng có điều bí mật hết.
Đợi Thơ vào khuất, Khải tiếp tục nhăn:
- Em quên nhiều cái động trời thật.
Anh chất gói đường lên xe rồi ngồi phịch xuống cái đôn sứ kế bên.
- Thôi! Mấy cô cứ dọn từ từ, chẳng gấp gáp gì cho mệt. Khỏi đi luôn.
Phúc cười giòn giã:
- Ha! Ha! Vậy là em biết rồi hai “đứa” anh giấu em nhe, mai mốt đừng hòng em làm liên lạc nữa.
- Suỵt! Nhỏ nhỏ cái mồm, con nhỏ này. Diệp Thơ nó nghe thì mất công nhiều chuyện… Vậy là em có đưa phải không?
- Không!
- Thôi à nhe! Anh ghét giỡn nhây lắm.
- Ừ! Thì thôi, vô ăn mì anh Khải, em đói quá rồi.
Khải đứng dậy, anh dí dí tay vào trán Phúc:
- Ơi! “Gỗ mun” vô tri, vô giác, vô lương tâm, vô ý, vô tình, vô trách nhiệm, vô hậu, vô thuỷ, vô chung, vô tích sự và vô duyên nữa. Em ăn một mình đi, anh no rồi.
Phúc lườm Khải:
- Còn gì nữa không? Phải chi nuốt em… vô bụng được thì anh đã nuốt rồi. Eo ôi! Dễ sợ thiệt. Vậy mà người ta khen anh rất đàn ông, trầm tĩnh, nghệ sĩ, đẹp trai, thông minh, nói ít lời nhưng nhiều ý. Phải chi “họ” có ở đây để nghe những lời nhiều ý này nhỉ?
Khải xuống nước:
- Anh xin lỗi, tại anh bực quá, thôi Phúc đừng nhớ những câu đó nữa… Mà Phúc, bộ quên thật hả?
Phúc tiếp tục lửng lơ:
- Dạ! Em mau quên lắm, nhớ chi những câu đó…
Cô ngồi trên yên xe ba bánh nhìn Khải đang rầu rĩ “nuốt hận”. Cô nhịp nhịp bàn tay trên tay lái rồi như không thể nhịn được cô phì cười:
- Bây giờ vẫn còn đưa thơ kịp mà. Anh đẩy xe một mình. Em lấy thơ chạy tới cổng trường đón chỉ…
- Trễ rồi, có đưa thơ cũng vô ích.
Phúc nhảy xuống khỏi yên xe, cô nói:
- Tại anh không nói nội dung bức thơ nên em tưởng lúc nào đưa cũng được… Nè! Mà phải anh hẹn chị Thuý đi vười chơi sáng nay không? Anh xúi chỉ “cúp cua” hở?
Khải buồn thiu:
- Chậc! Anh đâu có xúi ai… Muốn đi chơi thì hai đứa phải đồng lòng, anh cũng nghỉ học chớ bộ. Mà… đừng nói gì với nhỏ Thơ nhe.
- Nói làm gì? Sao độ này anh hay dặn em những cái thừa quá. Có bao giờ em “tố cáo” anh với ai chưa?
Khải chống tay lên cằm:
- Em chưa yêu nên không hiểu. Khi yêu người ta lo đủ thứ hết.
- Nhất là lo cho người mình yêu chớ gì? Hồi nãy giờ chọc anh chơi chớ em đưa thơ rồi. Ông bà đi chơi chiều về sớm. Em đẩy xe một mình không có nổi đâu à nhe.
Khải thở phào khoan khoái:
- Đúng là quỉ nhỏ! Em không biết chuyến đi này có “tầm cỡ” nào đâu! Yên chí, sẽ có quà đặc biệt. Thôi! Đẩy xe đi Phúc.
Phúc trợn mắt:
- Chưa ăn gì hết, chắc mì nở bung tô luôn rồi. Em đói muốn chết.
Khải khoát tay:
- Chậc! Đẩy xe ra chợ, anh cho tiền cưng ăn phở. Để trễ Thuý bỏ về thì sao?
- Thì khỏi bị một ngày nghỉ học không phép.
Khải giả vờ đưa tay doạ Phúc.
- Lộn xộn hoài, đi Phúc.
Hai anh em đẩy xe ra chợ. Buổi sáng của Phúc thường bắt đầu như thế. Như anh Khải thường hát bằng một giọng trầm trầm:
“Một ngày bắt đầu bằng những vòng quay của bánh xe hay bằng vòng quay của Trái đất?
Tôi đạp xe trên phố thấy vòng quay cuộc đời trói buộc chân tôi.
Một ngày bắt đầu từ nhịp tim tôi hoà cùng nhịp tim người tôi yêu dấu.
Để vòng quay cuộc đời bất chợt là vòng tay người trong vòng tay tôi”.
Hôm đầu tiên nghe anh Khải hát bài “Ba bánh khúc” Phúc đã tròn xoe mắt vừa thích thú vừa ngạc nhiên. Cái anh Khải lạ lùng này hay thật! Rõ là khi yêu người ta vừa đạp xe mà vừa tưởng tượng một cách mãnh liệt. Rồi Phúc tự dưng cũng hát theo…
Buồn buồn cô ra chiếc ghế ngoài sân ngồi nhìn những tàn lá chập chờn trong đêm. Phúc bỗng cất tiếng hát theo giai điệu bài hát bằng lời do cô đặt ra.
“Đời người bắt đầu từ đâu hỡi mùa xuân cỏ biếc?
Đông xám qua rồi, giờ mùa đông đang ở đâu?”
Một hôm khi nghe anh Khải hát “Ba bánh khúc”, Phúc vui miệng hát tiếp lời hai dở ẹ của mình. Thế mà anh Khải gật gù:
- Em cũng có ý ngồ ngộ đó chớ. Thì ra “Gỗ mun” đúng như anh nghĩ, nghĩa là cũng có phần cứng, phần mềm chớ không phải đến nỗi đẽo không được.
Phúc lắc đầu:
- Không đúng. Thứ nhất, “Gỗ mun” khác máy tính nên phần cứng, phần mêm của “Gỗ mun” rất khó phân biệt. Thứ hai, “Gỗ mun” khác đá cứng… Sỏi đá còn biết đau thì Gỗ cũng biết rung động chớ…
- Ghê nhỉ! Sỏi đá đau như thế nào? Mun viết lời thơ đi, anh phổ nhạc, rồi hai anh em mình vừa đẩy xe vừa hát chơi! Mà này, gỗ mà biết rung động người ta dễ đẽo lắm. Phải kiếm một cây búa đặc biệt để đẽo “Gỗ mun” thôi…
Phúc kênh kênh:
- Coi vậy chứ không phải dễ đâu à nha.
- Đừng kênh kiệu, coi chừng em là ngôi sao cô đơn trong bầu trời mùa động ảm đạm buốt giá đấy.
Phúc im lặng nhìn Khải. Cô biết lúc này anh Khải không còn cô đơn nữa. Như Diệp Thơ mỉa mai:
- Anh Khải đã tìm ra cái bánh xe thứ hai cho chiếc xe hai bánh của ảnh rồi…
Chỉ còn mình Phúc là lẻ loi. Cô buồn buồn chi lạ. Cô không hề ích kỉ, cô mừng vì thấy anh Khải ngày càng yêu đời và càng cưng chiều cô nhiều hơn trước, nhưng cô buồn vì người thân thiết nhất của mình đã có những cái riêng trong tình cảm.
Phúc yêu mến anh Khải biết bao nhiêu! Từ khi còn bé xíu anh đã là người hiểu Phúc nhất. Mỗi lần bị bọn con trai ăn hiếp Phúc đã đem anh Khải ra doạ như anh Khải là một hiệp sĩ, bao giờ cũng sẵn sàng bênh vực cô. Rồi trong nhà cũng thế, lúc nào anh Khải cũng “bao che” cho cô mỗi khi cô có lỗi.
Bây giờ anh Khải đã thực sự là một chàng hiệp sĩ. Chàng hiệp sĩ này lo bảo vệ người yêu của mình thôi. Con nhỏ “Gỗ mun” ơi! Hiệp sĩ của mi đâu hả?
Trái tim Phúc tự nhiên rộn lên một nhịp điệu bất thường. Không lẽ mi cũng cần một hiệp sĩ à? Hắn là ai? Bây giờ hắn đang ở đâu? Mặt mũi ra sao? Cao thấp? Lé? Sún? Hay xì cà que? Có mồm to như tên Quang láu cá, đàn bà như Hữu mít ướt, thất hứa như Lâm ba trợn, nịnh đầm như Lạc ga lăng? Hay là một tay khuấy nước chọc trời nào nhỉ?
“Anh là ai hỡi người yêu dấu?
Anh ở đâu trên trái đất này?
Anh sẽ là nhịp đập trái tim em.
Hay là bão…”
Hay là bão… Phúc suy nghĩ mãi mà không tìm được ý để viết tiếp bài thơ đầu tay của mình.
Hay là bão…Hay là bão…
- Tại sao mình lại nghĩ hắn ta phải dữ dội như một cơn bão nhỉ?
Phúc mỉm cười nhìn mình trong gương với mái tóc con trai cắt ngắn như không thể nào cắt ngắn hơn được nữa.Cô với tay lấy chiếc túi xách trên bàn.
Năm rồi thi trượt đại học.Tự nhiên cô không muốn tiếp tục học nữa. Thay vì ngồi ở các trung tâm luyện thi, Phúc lao vào học sinh ngữ và tin học.
Bà Thanh không muốn cô học lông bông như vậy. Bà muốn cô phải học đại học như hai chị cô. Bà quan niệm một cách cứng nhắc rằng cha mẹ đã học đến đại học cách đây hơn hai mươi năm thì không vì lẽ gì các con lại không học được bằng cha mẹ nó.
Năm rồi Phúc thi rớt, bà rất giận vì bà biết tại cô muốn thế. Ở nhà muốn cô thi vào sư phạm còn cô thì không. Chẳng phải cô chê nghề giáo nhưng cô biết mình không hợp với nghề này. Phúc bị điểm loại môn văn và chẳng tỏ vẻ gì buồn khi trượt.
Diệp Thơ khuyên Phúc nên thi vào một trường trung cấp nào đó nhưng Phúc đã cố tình lơ đi và tình nguyện một cách sốt sắng:
- “Gỗ mun” sẽ ở nhà buôn bán phụ má… Không lẽ cả nhà đều làm cô giáo hết? Để em làm con buôn cho.
Rồi cô vừa nhịp nhịp chân vừa đọc câu ca dao mà chẳng cần biết trúng hay trật:
“Đi buôn không lỗ thì lời
Đi ra cho biết mặt trời mặt trăng…”
Người bênh vực cô lần này là ông Triệu. Cái nghề cầu đường buộc ông ít ở nhà. Tốt nghiệp đại học Phú Thọ về ngành Công Chánh, ông là một tay kĩ sư giỏi nên đi khắp nơi. Khi về nhà nghe vợ nói lại, ông nhìn con gái rồi trầm ngâm:
- Thời gian rất quí con ạ! Ba biết con không phung phí thời gian đâu. Cuộc sống sẽ chỉ cho con biểtằng con cần học cái gì.
Thế là mấy ngày nghỉ ở nhà, ông chở Phúc đi đâu không biết. Khi về hai cha con ra sau vườn ngồi bàn bạc đủ thứ. Thêm ông tướng Khải góp ý vào góp ý ra nữa. Phe còn lại không ai hỏi han gì. Rong chơi cho thoả thích, mấy tháng sau Phúc ghi tên học ngoại ngữ, rồi giống ý thời phổ thông cô đi học rất chăm, về nhà học bài, nghe băng cassette, làm bài tập. Tiếp theo cô đăng kí học tin học. Cô đi học buổi sáng, buổi chiều cô ra chợ phụ với mẹ. Rồi cô tranh thủ học võ nữa chứ!
Diệp Thơ là người đầu tiên tỏ vẻ khó chịu:
- Học thì phải hành, và phải có mục đích rõ ràng. Thời buổi này bằng của Nhà nước còn không kiếm được việc làm. Huống chi cái giấy chứng nhận của các trung tâm tin học và sinh ngữ của em.
Rồi cô chế giễu:
- Em học sinh ngữ để đi làm công ty du lịch hay để dịch tiểu thuyết? Còn học tin học hả? Đúng là cô bé có nhiều mộng tưởng. Tương lai em chắc vào nhà in để làm “cố vấn” về khâu sắp chữ điện tử.
Nhã Mai thì dịu dàng hơn và cũng sâu xa hơn. Cô nói như đang trên lớp dạy:
- Có điều kiện học để biết thì cũng nên học, nhưng biết đến đâu thì vừa đủ?
Nhìn Phúc, Mai cười cười:
- Học kiểu emlà kiểu “Học, học nữa, học mãi” học đến già vẫn còn học, học để biết chứ không phải học để làm việc nuôi thân.
Phúc tỉnh bơ trước các mũi châm của hai cô chị. Cô lại vẫn giọng nói ngang ngang:
- Chắc chắn là em sẽ có chỗ làm trước hai chị. Chỗ làmchính thức đấy nhé. Còn chỗ làm phụ, nghĩa là làm thêm, em đã phụ má từ lâu việc phụ này em nói ra không phải để phàn nàn hay hãnh diện vì những cái mình đã làm được bằng công sức mình. Vấn đề em đi học sinh ngữ và tin học cũng không phải em đòi là được. Chính ba là người gợi ý đấy.
Nói xong Phúc nghiêng đầu nhìn hai bà chị. Cô biết mình đã thắng vì “Ba đã nói thế” mà hai cô chị thì rất sợ uy ba. Nên mặc cho Thơ và Mai nói gì thì nói Phúc vẫn tiếp tục công việc của mình.
o O o
Phúc vừa ngồi nhìn chị Tấm sắp xếp lại mấy bịch xà bông vừa lắng tai nghe bác Tư “thầy đời” rao vé số.
- Tiền Giang, tiền vô. Sáng mua Tiền Giang chiều có tiền vô…
Cô kia má đỏ hồng hồng
Cô mà trúng số lấy chồng như chơi
Mai vô đi cô ba ơi!
Nhà lầu, xe cúp sướng đời hơn tiên.
Phúc cười cười:
- Chị Tâm nè. Em công nhận bác Tư ổng rao vé số có câu kệ thật đó.
Tâm hơi trề môi dưới ra
- Đã gọi là bác Tư thầy đời mà. Miệng lưỡi vậy thành ra mới hai ba bà vợ.
Phúc ngạc nhiên
- Sao chị biết?
Tâm thản nhiên đuổi mấy con ong ruồi đang đem mấy bịch đường cát
- Tại Phúc không ra chợ buổi sáng thành ra không thấy. Chớ lâu lâu mấy bà vợ lại ra quầy vé số làm ổng một tăng. Mà nghĩ ổng cũng tài. Trừ bà lớn là già thôi nhe. Hai bà nhỏ còn trẻ măng, chừng hai mươi hai, hai mươi ba tuổi là cùng.
Tự nhiên Phúc quay lại nhìn bác Tư. Cô thấy ông ta đang cười cười nói nói gì về việc mua vé số với một bà khách. Bộ râu cá nhốt nhít lên nhít xuống theo cái miệng trông vừa sơ vừa dị làm sao.
- Chị Tâm nè! Vậy chớ mấy bà vợ mê ổng ở chỗ nào?
Tâm bật cười nhìn Phúc:
- Em mà hỏi cô Thanh câu này là bị rầy, còn em hỏi chị thì chị chịu thua.
Phúc vẫn tiếp tục thắc mắc:
- Chị nghĩ coi! Nếu nói mấy bà vợ mê tiền, ông Tư có tiền đâu mà mê… Còn mê bác hả? Ổng vừa già vừa xấu…
Hai chị em cười khúc khích. Chị Tâm xua tay:
- Chuyện đó chị em mình chắc không hiểu được đâu, đừng hỏi nữa.
Phúc vẫn chưa chịu:
- Chắc mấy bà mê cái giọng rao vé số của ổng chớ gì? Hèn chi người ta nói “đẹp trai cũng thua nói dai nói giỏi”
Tâm lắc đầu cười:
- Em lúc nào cũng giỏi suy diễn. Vậy em thích người đẹp trai hay thích người nói dai?
Phúc hóm hỉnh hỏi lại:
- Thế chị thích người nào? Chớ vừa đẹp trai vừa nói dai chắc chỉ kép hát mới đủ hai tiêu chuẩn đó.
Tâm chưa kịp trả lời thì có người mua hàng. Phúc nhanh nhẹn cân đường đậu và cả bột khoai cho khách. Đợi Tâm thối tiền xong cô hất cái cằm nhìn Tâm khiêu khích:
- Theo chị thế nào mới là yêu?
Tâm bối rối:
- Con nhỏ quỉ này. Hỏi cái người ta khó trả lời. Bộ em không nghe người ta hay nói “làm sao cắt nghĩa được tình yêu” à?
- Làm gì hôm nay em cứ thắc mắc chuyện tình yêu không vậy?
- Không biết thì hỏi cho biết. Mà chị Tâm nè, chị kể chuyện chị cho em nghe đi.
Tâm giãy nảy:
- Chị có chuyện gì đâu mà kể?
Phúc dẩu môi:
- Giấu hoài, chuyện người ấy của chị đó!
Tâm ngập ngừng nhìn về phía trước, tay cô lại xua xua những con ong ruồi.
Phúc làm tới:
- Kể đi chị Tâm. Tại sao chị yêu anh ấy vậy?
- Anh nào?
- Còn làm bộ. Anh chàng “vết chân tròn” của chị đó.
Tâm xịu mặt xuống rồi đỏ bừng lên:
- Ai nói với em vậy?
Phúc trâng tráo:
- Chị nói chớ ai?
- Dối! Chị nói hồi nào?
- Chị không nói sao em biết?
Tâm nhìn Phúc bối rối. Cô nhíu mày như đang nhớ xem đã có lầnnào cô nói gì về chuyện của mình cho Phúc nghe chưa. Nhưng Tâm khó mà đoán được, gương mặt láu lỉnh của Phúc cứ tỉnh bơ ra. Tâm thản nhiên:
- Định bắt nọn chị hả? Không dễ đâu con khỉ.
- Ấy! Mà phải chị đang có một “vết chân tròn trên cát” không?
Tâm làm thinh. Chuyện gì con bé này cũng biết hết. Cô dịu giọng:
- Còn bé, tò mò mau già lắm.
Giọng Phúc bỗng trở nên thành thật và dễ thương lạ:
- Em đâu có tò mò. Mà em chỉ thắc mắc thôi. Tại sao bác Tư vừa già vừa xấu mà lại có hai ba cô vợ trẻ đẹp, tại sao chị lại yêu anh ấy, tại sao người ta đâu xa lắc chỉ gặp nhau trên sân khấu mà con nhỏ Hoa đã dám bỏ nhà đi theo, và biết bao nhiêu cái tại sao nữa. Tình yêu là cái gì mà ghê gớm thật.
Tâm nhìn Phúc:
- Bộ em chưa có bạn trai à Phúc?
- Có chứ! Nhưng em thấy không có ai đủ sức quyến rũ để em có thể hi sinh đời mình cho tình yêu hết.
Tâm lườm Phúc:
- Ăn với nói! Cô Thanh mà nghe thì lại bị giũa nữa.
- Em nói thật mà.
- Nghĩa là em chưa yêu chứ gì?
Phúc ranh mãnh:
- Dạ, không “cắt nghĩa được chữ tình yêu” cho em biết mà lại hỏi em yêu chưa. Làm sao em trả lời được. Chị đánh trống lảng hoài…
Tâm có vẻ thẫn thờ tư lự:
- Hôm nào rồi chị kể cho nghe. Hôm nay thì chưa được.
- Tại sao?
- Chưa có gì chắc chắn hết Phúc ạ! Chị cũng khổ lắm!
Tâm khẽ thở dài. Phúc bỗng bối rối, đúng ra cô cũng có biết chuyện của chị Tâm đâu, chỉ vì thích trêu chọc nên cô cứ hỏi và hỏi tới thôi. Bây giờ thấy Tâm có vẻ không vui Phúc đâm ra khó xử.
Cô bước xuống đất nói với Tâm:
- Coi hàng nhe, em đi đây chút xíu.
Lát sau Phúc trở về, cô cầm hai trái thanh long chín đỏ hồng. Vừa dúi vào tay Tâm, Phúc vừa nói:
- Ăn đi chị Tâm, nên thuốc lắm đó.
Tâm cười tủm tỉm:
- Trị bệnh gì mà nên thuốc?
Phúc ngớ ra:
- Em đâu biết, nghe bả bán bả nói ăn mát lắm. Mà mát thật chớ chị Tâm. Đưa đây em cắt ra cho.
Nhìn Phúc ăn một cách ngon lành, Tâm thấy thương cô quá. Trong ba cô con gái của bà Thanh bao giờ Tâm cũng thương Phúc nhất. Cô bé này luôn có sự cảm thông và hoà bình với những người khác. Cô không có vẻ hợm hĩnh như Diệp Thơ, cũng không lạnh lùng xa cách như Nhã Mai. Hoài Phúc lúc nào cũng có phong cách riêng của cô, phóng khoáng, tự tin và hơi trẻ con ở tính háo thắng.
Tâm nhìn Phúc:
- Chị phải về, Phúc trông hàng một mình được chớ gì? Chiều nay không đi học võ, chờ đẩy hàng luôn hả?
Phúc gật đầu:
- Chị về đi. Giờ này cũng thưa khách rồi. Em bán một mình được mà.
Tâm cúi xuống cái sạp lấy cái nón lá đội vào đầu rồi quày quả bước đi. Tâm là học trò của bà Thanh. Tâm nhanh nhẹn, tháo vát, không có tính tham nên bà Thanh rất quí. Nhà Tâm nghèo nhưng cô lại ham học, tốt nghiệp cấp ba, cô không dám nghĩ đến việc thi vào đại học, nên đi học nghề may. Học rồi nghỉ, nghỉ rồi học lại, mấy năm rồi cứ lận đận chưa ra được nghề, mẹ lại nay ốm mai đau, bà Thanh kêu cô ra phụ bà buổi sáng, bà lo cho quần áo, tiền bạc mỗi tháng.
Diệp Thơ có vẻ không bằng lòng. Có lần cô đã nói:
- Má đúng là người có lòng nhân ái. Mướn người giúp việc mà giống như rước khách về nhà nuôi cơm… Chả làm động móng tay, chỉ ngồi đếm tiền. Rốt cuộc khiêng hàng đẩy xe cũng là con Phúc.
Bà Thanh hơi giận. Bà lẳng lặng tiếp tục công việc của mình nuốt tiếng thở dài. Hơn ai, bà hiểu con bà. Con Thơ thì ai không biết cái tính ích kỉ của nó
o O o
Ngày đám giỗ cô Út đã tới. Bà nôi Phúc ở nhà cô Tư lâu nay, vừa xuống hồi sáng. Bà đang thơ thẩn trong ngôi nhà ngày xưa bà từng ở. Hình như bà đang nhớ và kiếm tìm một thứ gì đó của quá khứ?
Với mái tóc bạc trắng, dáng người mập mạp, sang trọng, bà Tư trông còn khoẻ lắm. Mỗi lần nhìn bà, tự nhiên Phúc thấy có điều gì u uẩn trong ánh mắt già nua ấy. Cô để ý ánh mắt bà nhìn Thơ và Mai luôn luôn khác ánh mắt bà nhìn cô. Từ nhỏ đến lớn bà chưa hề rầy la mắng quở gì Phúc, nhưng sao cô vẫn e dè mỗi lúc đến gần bà. Khi biết suy nghĩ Phúc cho rằng tại cô nghịch ngợm, phá phách nên bà nội không chịu được cái tính ồn ào của cô. Đến khi biết nhận xét, so sánh và nghĩ ngợi một cách sâu xa cô lại có cảm giác hình như bà nội có một định kiến gì đó với cô? Cái nhìn của bà dành cho cô không bao giờ trọn vẹn, nó như xót xa, thương hại, không ghét bỏ mà cũng không vồ vập yêu chiều. Cô luôn thấy đối với cô, bà có một chừng mực nhất định trong tình cảm.
Sáng nay Phúc nghỉ học, cô ở nhà phụ sắp xếp, lau lại tủ thờ trên lầu.
Cô khệ nệ bưng bộ lư đồng xuống. Bà Tư đã ra lệnh mình cô phải chùi bộ lư này. Hôm qua bà Thanh đã mua dầu chùi đồng, chanh khế đủ thứ. Việc chùi lư đồng đối với cô chẳng lạ lẫm, nặng nề gì hết. Tết năm nào cô không cùng anh Khải chùi lư. Mà tại sao lần này bà nội không chịu để anh Khải giúp cô nhỉ?
Bà đã nói với Phúc bằng cái giọng của bà mẹ có nhiều ray rứt phải phân bua với con:
- Nội già rồi, không chùi được cho cô Út con bộ lư. Thôi có con, con sửa soạn lại bàn thờ cho đẹp giùm nội. Cô con hồi đó nó thích cái đẹp lắm. Đối với nó trên đời không có cái xấu, không có ai xấu cả. Con giống nó nhiều điều lắm. Ráng dọn bàn thờ cho đoàng hoàng, cho cô mày khỏi tủi.
Phúc im lặng làm việc. Lẽ ra cô đã hát hay huýt gió cho đỡ buồn, nhưng nhớ lạicó bà nội kế bên mình cô tỏ vẻ rất dịu dàng, ý tứ… Cô chợt để ý phía dưới tấm ảnh bán thân của cô Út, có một gói giấy được bọc bao ni lông cẩn thận. Gói giấy này dùng để kê tấm ảnh cho cao. Phúc tò mò mở gói giấy ra xem. Đó là một quyển sổ giấy ca rô bìa màu đỏ. Cái bìa đỏ vẫn còn tươi rói dù giấy bên trong đã ngả màu thời gian.
“Nhật kí của cô Út!” Phúc ngạc nhiên, cô mở ra xem trang đầu tiên… Cô Út viết rất đẹp, bay bướm. Những dòng chữ viết bằng mực đen còn rất rõ nét.
“Đêm…
Anh yêu dấu
Cho em được gọi anh như thế nhé người đàn ông lạ, cánh chim xa từ chân trời nào vừa bay đến vườn đời em. Em như nụ ngọc lan trắng nhỏ nhoi đêm nay vừa hé cánh để đón những giọt sương long lanh.
Tình yêu ư? Em không biết nữa. Anh là người đàn ông em chưa được quen, anh đến làm chi cho trái tim em thổn thức.
Tình yêu ư? Em không biết nữa. Anh, người đàn ông có đôi mắt nâu lạ lùng. Anh nhìn làmchi cho hồn em rung động, cho tay em cuống quýt dấu trong tà áo cứ mãi bay theo cơn gió vô tình.
Anh đang ở đâu đêm nay. Anh có hay không một trái tim non đang thổn thức. Anh có biết không một nụ hoa đang chờ cơn gió lạ đoái hoài vuốt ve…”
Phúc bàng hoàng. Trời đất! Chưa bao giờ cô nghĩ những dòng viết như trong tiểu thuyết thế kia lại có thật trong cuộc sống. Mà lạilà chữ viết của một người đã chết. Người ấy lại là cô của Phúc.
Cô bồi hồi đọc tiếp:
“Đêm…
Em đã chờ, sao anh vẫn không nói với em một lời nào cả? Em làm thế nào đọc được những lời thầm trong mắt anh?
Em biết em chỉ là lá vàng rơi dưới chân người. Anh đi qua và có bao giờ để ý. Đôi mắt anh nhìn em có giống như nhìn phiến lá vàng kia không?
Bây giờ đâu phải là mùa thu. Hoa phượng rất đỏ, cánh phượng đầy lối đi. Em chỉ là chiếc lá vàng nằm lẻ loi bên đường anh qua. Có thể anh sẽ nhặt lá lên ép vào quyển sách nào đó… Có bao giờ anh lãng quên em như đã quên chiếc lá trong quyển sách khô khan kia…?”
Tiếng anh Khải gọi ơi ới ngoài sân làm Phúc gấp vội cuốn sổ và gói lại
- Phúc ơi! Xuống xách dầu vào bếp. Anh đi à nhe…. Rồi nhớ đóng cổng luôn…
Cô xuống nhà dưới, ra sân xách thùng dầu hôi vào bếp, khi trở lên lầu cô thấy bà nội đang cầm quyển sổ lên. Cô im lặng đến bên chiếc lư đồng, giả vờ không để ý gì cả…
Cô cắt khế ra xát vào các thứ lỉnh kỉnh của bộ lư đồngmà đầu óc cứ nghĩ mãi về cô Út…
Thì ra cô Út lãng mạn quá! Khi cổ chết đi người đàn ông ấy có biết không? Bây giờ ông ta đi đâu nhỉ? Mà ổng có yêu cô Út không? Hôm nào mình phải đọc tiếp mới được.
o O o
Phúc rất thích ra chợ buổi sáng. Ngồi nhìn thiên hạ lũ lượt, đông chen cũng vui. Có ra chợ mới hiểu hết được cái từ chợ đời của ông bà đầy đủ ý nghĩa. Phúc quay sang Tâm đang loay hoay treo những gói bột ngọt được cân từng bịch trăm gờ ram lên một cái móc.
- Chị Tâm, đố chị tại sao có từ chợ đời?
- Cái gì? Chợ trời hả?
- Không! Chợ đời.
Tâm làm thinh, có lẽ cô đang suy nghĩ, trong lúc Phúc đưa mắt ân cần nhìn một bà khách ăn mặc khá model muốn hỏi xem bà cần gì.
Cô sốt ruột nhìn bà đưa tay nhón một ít đường cát cho vào miệng nếm.
- Bao nhiêu?
Phúc trả lời. Bà ta bĩu môi lắc đầu rồi lại đưa tay nhón một ít đường ở bao khác.
- Còn thứ này?
Phúc vừa trả lời vừa nhìn kĩ bà ta. Cái nghịch ngợm bẩm sinh bỗng trỗi dậy nơi cô. Phúc nghĩ thầm: “một trái banh lông?” Đúng vậy, bà ta tròn xoay như một trái banh, loại banh có nhiều múi màu trẻ em hay phùng má thổi phồng. Cô lại nhìn bà đang thè lưỡi liếm đường, Phúc mỉm cười hài hước: “Quả bóng này xuống nước đảm bảo nổi…” Rồi cô chợt nhìn nghiêm lại khi nghe cái giọng the thé cất lên:
- Đường này thì sao?
Phúc lại nói giá. Nhìn cặp môi tô son màu cánh sen đỏ chót chóp chép, cô thấy gớm hơn là thấy bực mình. Cuối cùng như đã nếm được từ bịch đường nữa cái vị ngọt vừa ý, bà ta trả giá.
Phúc nhẹ nhàng lắc đầu. Trái banh quay ngoắt đi và lăn sang sạp kế bên. Phúc nhìn theo, cô thấy vở hài kịch cũng bắt đầu và kết thúc y như thế.
Phúc nheo mắt với Tâm. Hai cô phá ra cười. Tâm hóm hỉnh:
- Chợ đời mà! Có rachợ mới thấy đời và thấy người.
- Bà này mà mở hàng thì có đốt phong longcũng ê sắc ế.
Tâm cay cú:
- Bản thân bả đã là một món hàng ế rồi còn gì.
Phúc tò mò:
- Sao vậy?
- Ngoài chợ này ai còn lạ gì bả. Dân trí thức cũng thuộc loại tầm cỡ. Cô Thanh nói bả là tiến sĩ MA đó chớ không phải thường đâu. Có điều đừng trông thế mà lầm. Chị để ý, hết dãy này hình như chưa bán được hàng gì cho bả. Lâu lâu bả rề rề một vòng nếm thử, săm soi đã đời mà chẳng mua gì cả. Cái gì bà ta cũng chê ỏng chê eo.
Tâm chợt cười:
- Có lần bà ta tới hàng bán dầu thơm, bả cũng hít thử, xức thử “búa xua”… Bà Tư Mập nổi sùng lên chửi cho một trận.Nhưng chứng nào tật ấy, đâu phải bả không có tiền, chạy cúp đoàng hoàng chớ bộ bỏ à… Có cái kì cục qúa nên ai nào dám cưới…
- Đâu phải, chắc không ai dám cho bả cưới thử đó chớ…
Tâm cười khúc khích:
- Gặp em “diễn nôm” nữa.
- Đúng là chỉ ở chợ mới có đủ loại hàng để bán, đủ hạng người để mua, đủ thứ thủ đoạn để hơn thua và đủ các mánh khóe để lừa đảo.
Phúc vừa nói dứt thì một người đàn ông ngừng xe đạp trước sạp. Ông ta mua ba trăm gờ ram đậu xanh hột.
Vừa hỏi giá ông ta vừa moi trong giỏ ra một cái cân loại nhỏ.Trả giá xong, người đàn ông chìa ngón tay trỏ có móng dài cáu bẩn chỉ vào cân:
- Cân cho chú bằng cái cân này nhé.
Phúc còn lưỡng lự thì Tâm đã nhanh nhẹn nhận cái cân để trên góc sạp rồi cân đậu cho ông ta.
Đợi ông khách đi xong, Tâm mới nói:
- Mấy bà bán hàng gọi ổng là “cán cân công lí”. Đàn ông gì dị hợm thấy ghê. Mua giống gì cũng kè kè cái cân bên mình.Có nhiều người ghét không thèm bán cho ổng, ổng chửi nghe hết biết luôn.
Quay sang Phúc, Tâm hỏi;
- Chừng nào dọn hàng?
- Trưa trưa một chút. Về nhà em cũng đâu làm gì đâu. Năm nay bà nội bắt em về sớm,chắc có màn trình diễn thời trang quá.
Tâm trố mắt:
- Là sao?
Phúc nhún vai:
- Một năm nhà em đám giỗ có một lần, hai lần nên mời bà con họ hàng đông đủ. Đó là dịp các bà hợp nhau lại để khoe con. Lần nào chị Thơ,chị Mai cũng được khen đẹp, học giỏi, khéo bếp núc, giỏi vá may. Bởi vậy em hay trốn lắm…
- Sao lại trốn?
- Em chẳng làm nên tích sự gì, đã vậy năm rồi bị thi rớt. Chường mặt ra là nghe giảng liền.
- Tại Phúc nghĩ vậy chớ có thương thì mới được “chiếu cố” như thế chớ!
Phúc chống tay dưới cằm tư lự:
- Mà sao người lớn nhiều người cũng lạ.Họ có những quan niệm về con gái xưa như trái đất. Con gái mà như em là bị rầy tối ngày. Mà rầy cái gì?Em có làm gì đâu? Chỉ lỡ huýt gió hay ngồi nhịp nhịp chân, đôi lúc búng tay kêu cái tróc khi gặp chuyện đắc ý, là rồi. Không đoàng hoàng, không nết na thuỳ mị. Bây giờ lại thêm cái tội học hành lông bông nữa…
Tâm phì cười:
- Nè cô nương! Tự nhiên ngồi than thân trách phận vậy? Bộ tính làm bảng tự kiểm vào ngày sinh nhật hả?
Phúc nhìn Tâm:
- Mà chị Tâm này! Bộ em dễ ghét lắm hả?
Tâm lắc đầu:
- Không đâu! Tính em hồn nhiên, chân thật và cũng sâu sắc lắm chứ!
Phúc thở hắt ra:
- Vậy sao? Ở gầnhai bà chị quá hay em luôn thấy mình vừa xấu, vừa dở, vừa…
Tâm trầm giọng:
- Em khiêm tốn quá đấy Phúc. Mỗi người đều có những cái hay cái dở. Có ai là người dám vỗ ngực cho răng mình là người toàn diện? Chỉ có em là người thấy mình tệ vì cái tính của emkhác với hai chị ở nhà và có lẽ cũng khác với cả cô Thanh. Với chị, chị thấy em có nhiều cái hay lắm đó.
Phúc đỏ mặt:
- Ơ! Chị nói làm em mừng năm phút.
Tâm cười cười:
- Khi có một anh chàng nào đó, tính em sẽ đằm xuống, dịu đi và ngoan lại
Phúc xịu mặt:
- Không! Em muốn em bao giờ cũng là em, không thể nào vì ai mà thay đổi.
Khải đẩy xe ra tới. Anh ngạc nhiên:
- Ủa! Trưa rồi mà hai cô chưa định dọn à?
Tâm vội vã:
- Em dọn ngay đây mà.
Cô và Phúc nhanh nhẹn cột các bịch, bao và sắp xếp các thùng hàng lại.
Ba người khiêng hàng lên xe. Khải và Phúc đẩy xe ba bánh ra khỏi chợ. Tâm lẽo đẽo dắt xe đạp theo sau.
Khi Phúc và Tâm vào đến bếp thì đã hơn mười hai rưỡi. Ngoài phòng khách vẫn còn đông người. Thơ và Mai đang lăng xăng cùng với Ngọc và Trầm con cô Tư lo tiếp khách.
Bà Thanh nhìn Phúc:
- Má đã dặn hôm nay dọn sớm. Nãy giờ nội hỏi con mấy lần rồi đó. Vào thay bộ đồ mới ra phụ mấy chị.
Phúc gãi đầu nhăn nhó:
- Chi vậy má? Mặc vậy được rồi.
Bà Thanh lắc đầu:
- Không được, hôm nay cũng là sinh nhật con, bà bảo con phải chuẩn bị cho đoàng hoàng, người lớn muốn dặn dò con điều gì đó…
Phúc rầu rĩ:
- Rồi! Lại phiền phức nữa rồi.
Cô chúa ghét mấy màn phải diễn vai e lệ, khép nép trước các bà mợ, bà thím. Cô lảng vảng phía sau, nhón một miếng chả giò cho vào miệng:
Thơ đứng ngay cầu thang ngoắt Phúc:
- Lên đây Mun!
Phúc nhún vai bước lên lầu. Thơ đưa cho cô một bộ đầm trắng:
- Gì vậy? “Gỗ mun” mặc đầm hả?
- Đây là quà sinh nhật của má, theo đúng catalogue mới nhất đó nhe.
Phúc bối rối, rồi đỏ mặt và cảm động. Cô mặc vào rồi đứng trước gương: chiếc váy trắng bằng vải dày xếp plis cũ, chiếc áo chemise cùng màu tay rộng măn sét trông thật dễ thương. Thơ ngắm Phúc nghiêng nghiêng đầu:
- Trông cũng tiểu thơ ác. Đâu giống thằng “Gỗ mun” đen kỉnh nữa. Nè! Lấy đôi giầy cao gót của con Mai mang vào, dẹp đôi giày bụi đời này đi. Lại đây, chị “makide” cho.
- Thôi! Tha cho em đi
Hai chị em cười khúc khích bước xuống cầu thang. Phúc gọi:
- Má!
Bà Thanh và cô Tư lúi húi bên bếp quay lại nhìn Phúc. Một ánh mắt gần như mãn nguyện hiện ra trong đôi mắt của hai người. Bà Thanh mỉm cười với Phúc làm bản chất đa cảm sắp đốn ngã “Gỗ mun” hàng ngày của cô.
Vừa bước vào phòng khách, Phúc vừa tự trấn an mình:
- Đừng cải lương con nhỏ “Gỗ mun” kia…
Ngoài trước khách đã về gần hết,chỉ còn những người thân của gia đình đang ngồi uống trà ăn bánh ngọt.
Khải mới đó đã thay bộ đồ khá lịch sự. Chemise sọc xanh da trời ngắn tay, quầy tây màu sẫm đúng mode. Anh đang uống một lon bia bỗng bỏ xuống trố mắt nhìn Phúc:
- Nhân vật chính. Công chúa “Gỗ gỗ… mun…mun…”
Phúc phì cười, cô e ấp bước đến bên bà nội:
- Phúc à! Ra đốt cho cô út con mấy que nhang.
Phúc ngoan ngoãn vâng lời nội. Cô bước đi nhẹ nhàng trong đôi giầy cao gót. Qua làn khói mờ mờ, Phúc nhìn thật lâu vào tấm ảnh bán thân để trên tủ. Một niềm thương cảm bỗng trào dâng:
“Em chỉ là phiến lá vàng nằm bên lề đường anh qua…
- Sao cô Út viết những lời cho tình yêu buồn đến thế?
Tiếng ông Triệu vang lên cắt ngang dòng suy nghĩa của Phúc
- Phúc! Ra đây ba bảo.
Phúc e dè bước đến bên cha, cô hơi mắc cỡ trong bộ quần áo yểu điệu thục nữ này.
- Đây là bác sĩ Trâm, cô Trâm là bạn học rất thân của cô Út ngày xưa.
Phúc gật đầu chào và cười thật hồn nhiên.Tự dưng cô cảm thấy mến ngay người phụ nữ có dáng gầy gầy với đôi mắt sáng đầy nghị lực và thông minh này.
Cô Trâm nhìn Phúc một hồi lâu rồi trầm ngâm nói với ông Triệu.
- Mới thoáng đó mà đã mười chín, hai mươi năm… Chỉ có những người còn sống là gìa đi. Còn Mai Phương vẫn trẻ mãi, trẻ mãi như tấm ảnh trên tủ kia…
Phúc nao nao trong lòng, cô muốn hỏi cô Trâm về người cô của mình. Nhưng thôi. Cô ngập ngừng cầm đĩa bánh đến mời khách:
Cô Trâm nói:
- Nụ cười của Phúc gợi cho cô nhiều kỉ niệm quá.
Bất giác Phúc lại liếc nhìn hình cô Út trầm ngâm…
Anh Khải bỗng đâm hơi:
- Sao hôm nay nhỏ Phúc hiền dữ vậy ta? Bộ sợ quậy hư áo mới hả? Lại đây đứng đoàng hoàng anh có quà sinh nhật cho em nè.
Phúc tự nhiên chạy đến đứng bên Khải. Rồi cô bỗng bật cười vì trông thấy Dương hôm nay “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao…”
- Ông này coi vậy mà sợ oai bà Thơ.
Dương gật đầu:
- Em nói sao mà không có quà thì cứ nói.
Phúc bắt đầu tấn công:
“Công anh để tóc để râu
Muốn đi ăn giỗ cạo đầu mới đi
Thơ ơi! Thơ đẹp làm chi
Để cho Dương phải khổ vì mất râu”
Mọi người cười ầm lên làm Dương đỏ bừng mặt. Bà nội rầy:
- Phúc không được hỗn.
Rồi quay sang ông Trịêu, bà nội nói:
- Thằng nhỏ coi được chớ. Nãy giờ cũng phụ đủ thứ.
Phúc tiếp tục trêu:
- A! Nhờ Phúc hỗn nên anh Dương mới được điểm của nội nhen.
- Phúc lại đây nội biểu.
Bà Tư lấy trong túi áo ra đưa cho Phúc một hộp nhỏ. Hồi hộp Phúc mở ra xem.
Một chiếc vòng cẩm thạch xanh biếc có những vân đỏ lên nước trong vắt. Phúc ngỡ ngàng, sao lại cho Phúc vật quí thế?
- Nội ơi! Con đeo vòng này sợ bể quá. Đeo rồi… sao tập võ được?
Thơ và Mai xúm lại trầm trồ. Thơ lên tiếng:
- Cái vòng đẹp quá. Nhỏ như vầy chắc Phúc đeo không vừa đâu.
Bà Tư nhìn Thơ:
- Sao lại không vừa. Con gái phải có đồ trang sức với người ta.
Phúc biết chị Thơ ganh với mình, cô nói:
- Chị Thơ đổi với em đi. Em đeo chiếc vòng mã não của chị cho.
Mai chen vào nhỏ nhẹ:
- Của nội cho mà đổi. Nhỏ Phúc này…
Giọng bà Tư vang lên rành rọt:
- Em nó nhỏ, nội cho nó chiếc vòng cẩm thạch này không đứa nào được đổi qua đổi lại nghe chưa. Con Phúc sợ bể thì má bây cất.
Thơ nháy mắt, Dương bưng ra một gói giấy to, Thơ làm ra vẻ quan trọng:
- Chị và anh Dương mừng “Gỗ mun” gói quà to nhất nhe…
Mai cười cười nhỏ nhẹ nhìn Phúc:
- Chị thì gói nhỏ thôi, của ít lòng nhiều mà…
Khải đứng lên, hai tay bưng gói quà nâng cao tầm mắt như kép hát đang ca vọng cổ:
- Một mình anh mà tặng em những hai phần quà, hết ý chưa?
Phúc đứng đan tay vào nhau, mắt chớp chớp cảm động:
- Ôi! Ai cũng thương “Gỗ mun” quá, “Gỗ mun” phải ngoan hơn mới được.
Anh Khải kê ngang:
- Không ai cần cô ngoan. Chỉ cần cô tìm cho mình một cây búa tài sồi.
Thơ ngồi kế bên Dương, cô vừa ăn nho vừa nói:
- Phải có một tên sừng sỏ nào đó trị con nhỏ này để nó hết ngang ngược mới được.
Mai cũng chen vào:
- Cho nó bận rộn như chị Thơ hiện giờ để không rảnh rang quấy rầy người khác.
Phúc trợn mắt:
- Làm gì mà tấn công người ta dữ vậy? Em vừa xấu, vừa dữ, vừa ba trợn, vừa “Gỗ mun” nên không ai yêu hết. Biết làm sao bi giờ…
Khải an ủi:
- Thị Nở còn có Chí Phèo! Lẽ nào “Gỗ mun” lại không tìm ra búa tạ.
Phúc giả bộ xụ mặt:
- Tủi thân quá xá mà còn bị chọc quê.
Bà Tư lắc đầu:
- Tụi bây lớn mà nói chuyện gì không đâu. Em mới hai mươi tuổi mà lo. Cầu cho nó đừng bày đặt yêu thương ai cho khổ.
Mai vội chạy tới sau lưng bà:
- Ôi! Tụi con nói giỡn mà nội. Để con đấm lưng cho…
Cô Trâm dịu dàng gọi Phúc đến:
- Cô không nghĩ ra hôm nay cũng là ngày sinh nhật của Phúc. Cô đem đến nhà quyển sách mà hồi đó cô Út con rất quí. Thôi thì cô gửi cho con vật kỉ niệm ngày xưa mà cô đã giữa hơn hai mươi năm rồi.
Phúc cầm trên tay quyển sách mỏng được bao màu trắng, bìa bao đã ngã vàng theo năm tháng. Đó là một quyển thơ tình nổi tiếng:
Cô bồi hồi lật trang đầu tiên. Một hàng chữ bay bướm đập vào mắt cô.
“Tặng em, cánh lá vàng cô đơn của mùa hạ”
Phan Hoài Vũ
Một cánh lá khuynh diệp vàng dáng dài thon thon nằm ngoan trên một trang thơ.
Tình yêu của cô Út là đây à? Ôi! Cánh lá vàng hơn hai mươi năm tuỏi vẫn còn nguyên như tình yêu của người chết.
Tiêng của anh Khải lại vang lên làm Phúc sực tỉnh:
- Cô Tâm nãy giờ cứ rút ra sau bếp. Cô tặng “Gỗ mun” cái gì đây?
Tâm mỉm cười ngượng ngập, cô kéo Phúc ra phía cửa sổ, đưa cho Phúc một quyển sổ nhỏ
Quyển thơ “tình bạn-tình yêu”
Phúc lại mở trang đầu tiên. Nét chữ của Tâm như nét chữ con trai
“Tặng “Gỗ mun”, chúc em luôn gặp điều may mắn, hạnh phúc”
Cô nhìn lên, Tâm mỉm cười với cô.
Phúc bâng khuâng nhìn ra cửa sổ. Một chùm lá đong đưa theo gió. Có một đám lá vàng lẫn trong đám lá xanh.
Chiều sẽ xuống và đêm sẽ đến. Có thể đêm nay chiếc lá vàng ấy rơi. Không biết có ai đem nhặt nó để tặng người mình yêu không nhỉ?