Nguyên tác: The Upside Of Irrationality
Số lần đọc/download: 323 / 54
Cập nhật: 2020-04-26 15:10:07 +0700
Lời Giới Thiệu
B
ÀI HỌC TỪ SỰ TRÌ HOÃN VÀ TÁC DỤNG PHỤ TRONG Y HỌC
Không biết bạn thế nào, chứ tôi thì chưa bao giờ gặp người nào không từng một lần chần chừ trong đời. Trì hoãn những nhiệm vụ chán ngắt có lẽ là vấn đề chung của nhân loại – mà để giải quyết được vấn đề này thì khó đến không ngờ, cho dù chúng ta đã cố gắng phát huy sức mạnh ý chí, nỗ lực tự kiểm soát bản thân hay quyết tâm thay đổi biết bao nhiêu lần.
Xin được chia sẻ câu chuyện của chính mình về một cách mà tôi đã học được để thoát khỏi căn bệnh chần chừ. Cách đây nhiều năm, tôi gặp phải một tai nạn tồi tệ. Một quả pháo sáng chứa ma-giê phát nổ ngay bên cạnh khiến 70% cơ thể tôi bị bỏng tới độ ba (sự việc này đã được nhắc đến trong cuốn sách đầu tiên của tôi, Phi lý trí ). Rồi như thể vết bỏng đó còn chưa đủ tệ hại, ba tuần sau khi vào viện, tôi bị mắc bệnh viêm gan do máu tiếp cho tôi có nhiễm vi-rút. Ai cũng biết là chẳng vui thú gì khi bị viêm gan, nhưng cái thời điểm mà nó tấn công tôi thì mới thật là khổn khổ, khi mà tôi đã ở trong một tình trạng rất tồi tệ rồi. Căn bệnh làm gia tăng nguy cơ biến chứng trong quá trình phẫu thuật, kéo dài quá trình điều trị và làm cho cơ thể của tôi phản ứng với hầu hết các chỗ ghép da. Tệ hơn nữa, các bác sĩ cũng không biết tôi bị nhiễm viêm gan thể gì. Họ chỉ biết là trường hợp của tôi không phải viêm gan A hay B, còn chính xác là thể gì thì không xác định được. Rồi sau đó căn bệnh cũng thuyên giảm, nhưng nó vẫn làm chậm quá trình hồi phục và thỉnh thoảng lại tái phát dày vò cơ thể tôi.
Tám năm sau, khi tôi ở trường đại học, căn bệnh lại tái phát. Tôi phải vào nằm điều trị ở trung tâm y tế dành cho sinh viên và sau nhiều lần thử máu, bác sĩ cũng chẩn đoán được: đó là viêm gan C, căn bệnh mà khi đó đã được cách ly và xác định. Và cho dù cảm thấy xót xa thế nào, tôi vẫn đón nhận nó như một tin tốt. Trước hết vì cuối cùng tôi đã biết mình bị viêm gan loại gì; và sau đó vì có một loại thuốc đầy hứa hẹn có tên là Interferon đang được thử nghiệm và được xem là có thể điều trị rất hiệu quả bệnh viêm gan C. Bác sĩ hỏi tôi có muốn tham gia vào việc thử nghiệm tính hiệu quả của Interferon không. Trước sự đe dọa của bệnh xơ gan và nguy cơ sớm phải từ giã cuộc đời thì việc tham gia vào quá trình thử nghiệm rõ ràng là đỡ tệ hơn nhiều.
Giai đoạn đầu, tôi phải tự tiêm Interferon 3 lần trong một tuần. Theo lời bác sĩ thì sau mỗi lần tiêm, có thể sẽ gặp triệu chứng giống như cúm, gồm sốt, buồn nôn, đau đầu và nôn mửa, những cảnh báo mà chẳng mấy chốc tôi thấy là vô cùng chính xác. Nhưng tôi đã quyết định phải chiến đấu với căn bệnh, và trong suốt một năm rưỡi sau đó, cứ tối thứ hai, thứ tư và thứ sáu hàng tuần, tôi lại thực hiện một nghi thức là lôi cây kim ra khỏi hộp y tế, mở tủ lạnh, bơm vào xi-lanh lượng thuốc Interferon cần thiết, ấn cây kim sâu vào bắp thịt của mình và tiêm. Sau đó tôi ngả lưng xuống võng - thứ thú vị duy nhất trong căn phòng sinh viên bé như cái chuồng chim câu - nơi tôi có được tư thế để xem ti vi một cách hoàn hảo. Tôi để một cái chậu trong tầm tay của mình để phòng lúc cơn buồn nôn đến và một cái chăn để đắp khi bị run. Cơn buồn nôn, cơn run rẩy và đau đầu sẽ đến trong khoảng một tiếng sau đó, và tôi có thể sẽ ngủ thiếp đi. Trưa ngày hôm sau, tôi sẽ thấy khá hơn chút ít và có thể quay trở lại với việc học tập hay nghiên cứu ở trường.
Cùng với các bệnh nhân khác cũng tham gia vào việc thử nghiệm, tôi không chỉ phải đánh vật với những cảm giác khó chịu mà còn phải chiến đấu cả với sự do dự và thiếu quyết tâm của chính mình. Mỗi ngày phải tiêm là một ngày khổ sở, khi tôi phải đứng trước cảnh sẽ phải tự ấn mũi kim tiêm vào người, đi theo đó là 16 tiếng đồng hồ vật vã với niềm hy vọng căn bệnh sẽ được chữa khỏi trong tương lai xa tít tắp. Tôi đã phải chịu đựng cái mà các nhà tâm lý gọi là “những bất lợi trước mắt” vì mục đích của “những lợi ích lâu dài”. Đây là vấn đề mà tất cả chúng ta đều gặp phải khi rất ngại phải làm những việc trước mắt cho dù về lâu dài sẽ có lợi cho chúng ta. Cho dù hoàn toàn hiểu được vấn đề, chúng ta vẫn thấy rất khó khăn để làm những việc chẳng mấy thích thú (tập thể dục, làm trong một dự án chán ngắt, quét dọn ga-ra) để có những lợi ích trong tương lai (cảm thấy khỏe khoắn hơn, được thăng cấp nhanh hơn hay thái độ cảm kích của người bạn đời).
Kết thúc 18 tháng thử nghiệm, bác sĩ thông báo với tôi là việc điều trị đã thành công và tôi là bệnh nhân duy nhất trong cuộc thử nghiệm đã thực hiện đúng việc tiêm Interferon như chỉ định. Tất cả những người khác đều đã bỏ tiêm nhiều lần - chả có gì ngạc nhiên, bởi những cực hình mà nó mang lại (trên thực tế thì việc không tuân thủ đúng các yêu cầu của bác sĩ là một vấn đề khá phổ biến).
Vậy làm sao tôi có thể sống qua được từng đấy tháng tra tấn bản thân? Phải chăng vì đơn giản là tôi có thần kinh thép? Giống như bất kỳ ai sống trên trái đất này, tôi cũng thấy rất khó khăn để điều khiển chính mình, và mỗi ngày đến lịch tiêm, tôi đều ước giá như không phải làm việc đó. Nhưng tôi cũng có một mẹo để làm cho công cuộc điều trị kinh khủng đó đỡ nặng nề hơn. Chìa khóa của tôi chính là các bộ phim. Tôi thích phim truyện, và nếu có thời gian thì ngày nào tôi cũng sẽ xem một bộ phim. Khi bác sĩ cảnh báo về những triệu chứng có thể gặp phải, tôi đã quyết định lấy phim ảnh để làm chỗ dựa cho mình. Hơn nữa, ngoài việc đó ra thì tôi cũng chẳng thể làm gì khác, vì có các phản ứng phụ của thuốc.
Vào ngày có lịch tiêm, thế nào tôi cũng dừng chân ở cửa hàng băng đĩa trên đường đến trường để kiếm mấy bộ phim mà tôi muốn xem. Suốt cả ngày, tôi sẽ khoan khoái nghĩ đến việc tận hưởng những bộ phim ấy. Hễ về đến nhà, tôi tiêm luôn. Rồi ngay sau đó, leo lên võng, nằm dài ra, bắt đầu bữa tiệc phim. Nhờ cách đó, tôi đã lấy việc được xem những bộ phim tuyệt vời để bù đắp cho cực hình bị tiêm. Cuối cùng, khi các phản ứng phụ kéo đến thì trạng thái tích cực đó cũng mất luôn. Tuy nhiên, việc thu xếp những buổi tiêm theo cách này giúp tôi đưa việc phải tiêm gần với niềm vui được xem phim và kéo nó xa bớt đi sự khó chịu mà các tác dụng phụ mang lại, và nhờ thế, tôi đã duy trì được việc điều trị. (Trong trường hợp này thì cũng phải nói rằng tôi đã may mắn khi có một trí nhớ không được tốt lắm, nhờ thế mà có thể xem đi xem lại không chán một số bộ phim!).
Ý NGHĨA CỦA câu chuyện này là gì? Tất cả chúng ta đều có những nhiệm vụ quan trọng mà chúng ta muốn lảng tránh, nhất là khi mọi thứ xung quanh đang rất cám dỗ. Ai cũng ghét phải vật lộn với các biên lai để tính thuế, không thích quét dọn sân, phải ăn kiêng, phải làm các thủ tục xin học và, trong trường hợp của tôi, phải thực hiện một quá trình điều trị khổ sở. Tất nhiên, trong một thế giới hoàn toàn lý trí, sự do dự sẽ không phải là vấn đề. Chúng ta chỉ cần đơn giản là ngồi tính toán, so sánh giữa những sự vui thú trước mắt, hiểu rằng sẽ có lợi về lâu dài khi phải ta gắng chấp nhận một chút khó chịu trong hiện tại. Nếu làm được điều đó, chúng ta sẽ tập trung cao độ vào những vấn đề thực sự quan trọng với chúng ta. Chúng ta sẽ thực thi các nhiệm vụ của mình với suy nghĩ trong đầu về sự mãn nguyện thế nào khi hoàn thành nhiệm vụ. Chúng ta có thể kéo dây thắt lưng vào thêm một nấc nữa và thích thú với sức khỏe được cải thiện. Chúng ta sẽ dùng thuốc đúng theo lịch đã định với hi vọng một ngày nào đó bác sĩ sẽ nói “Anh không còn bệnh nữa”.
Đáng buồn là phần lớn chúng ta lại ưu tiên những trải nghiệm trước mắt thay vì những mục tiêu lâu dài. Chúng ta thường xuyên cư xử như thể chúng ta tin rằng lúc nào đó trong tương lai, chúng ta sẽ có nhiều thời gian, sức khỏe và tiền bạc hơn, ít mệt mỏi và căng thẳng hơn. “Sau này” có vẻ như là thời điểm lý tưởng để làm tất cả những gì chúng ta không thích lắm trong cuộc đời, thậm chí ngay cả khi việc trì hoãn có thể khiến chúng ta phải đối mặt với một sân nhà um tùm cỏ rác, hay bị cơ quan thuế yêu cầu nộp phạt, hay việc chữa bệnh không có kết quả. Để rồi cuối cùng, không cần phải nhìn xa quá cái mũi mình, chúng ta cũng hiểu rằng ta thường không hy sinh nổi những niềm vui ngắn ngủi cho những lợi ích lâu dài của bản thân.
TẤT CẢ NHỮNG chuyện này có liên quan gì đến chủ đề của cuốn sách? Một cách khái quát, nó gần như là nói lên tất cả. Nói một cách lý trí, chúng ta sẽ có những quyết định có lợi nhất cho mình. Chúng ta sẽ không bị bận tâm bởi những sự lựa chọn khác nhau và có thể tính toán chính xác giá trị - không chỉ trước mắt mà cả lâu dài - và lựa chọn phương án tối đa hóa lợi ích của mình. Với những tình thế khó lựa chọn hơn, chúng ta vẫn xem xét một cách am tường tình huống của mình, không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ định kiến gì và chỉ thuần túy cân đo giữa lợi ích và tác hại, giống như chúng ta đem so sánh các loại laptop khác nhau. Nếu ta có bệnh và có một cách điều trị triển vọng, ta sẽ tuân thủ hoàn toàn các chỉ định của bác sĩ. Nếu ta thừa cân, ta sẽ thắt lưng buộc bụng, đi bộ nhiều dặm mỗi ngày, chỉ ăn cá nướng, rau và uống nước. Nếu ta hút thuốc, ta sẽ bỏ thuốc - không có “nếu”, “và” hay “nhưng” gì cả.
Không phải bàn cãi gì là nếu chúng ta lý trí hơn và hình dung rõ ràng về những gì “nên làm”. Thật không may là chúng ta lại không như vậy. Bạn giải thích ra sao về việc hàng triệu thẻ câu lạc bộ thể dục bị bỏ phí hay vì sao rất nhiều người mạo hiểm cuộc sống của mình và những người khác chỉ để nhắn tin khi đang lái xe, vì sao… (mời bạn thêm vào đây những ví dụ của mình)?
ĐÂY LÀ LÚC mà kinh tế học hành vi xuất hiện. Trong lĩnh vực này, chúng ta không dựa trên giả thiết là tất cả con người đều là những cỗ máy biết tính toán và nhạy bén một cách hoàn hảo. Thay vì vậy, chúng ta xem con người thực tế hành động như thế nào, và rất nhiều trong những quan sát được thực hiện đều đưa chúng ta đến kết luận con người là phi lý trí.
Chắc chắn là chúng ta có rất nhiều thứ để học từ kinh tế học lý trí, nhưng một số giả định của nó - rằng mọi người luôn đưa ra những quyết định tối ưu nhất, rằng người ta rất ít mắc sai lầm khi quyết định đó liên quan đến số tiền lớn, rằng thị trường có thể tự sửa sai - rõ ràng có thể dẫn đến những hậu quả tai hại. Tiểu thuyết gia thông thái người Anh tên là George Eliot đã nhìn thấy vấn đề này của kinh tế học lý trí từ thế kỷ XIX. Trong một bài viết, bà mô tả việc các nhà kinh tế học nhìn nhận con người theo một cách hết sức mới mẻ và thậm chí còn gợi ý cách tiếp cận mà các nhà kinh tế học hành vi hơn một thế kỷ sau đó sử dụng. Bà đã viết rằng “Xu hướng được tạo ra bởi sự xâm lăng của những nhận định tổng quát mang màu sắc hiện đại, quan niệm rằng tất cả các vấn đề xã hội đều có thể được giải quyết bằng khoa học kinh tế, và rằng mối quan hệ của con người với những người xung quanh có thể được giải quyết bởi các phương trình đại số… những sai lầm do chệch hướng này không thể đi cùng với những kiến thức thực sự về Con người, không thể song hành với những nghiên cứu kỹ càng về thói quen, ý tưởng và động cơ hành động của họ”.
Để hiểu rõ hơn điều mà Eliot nói - mà cho đến nay vẫn còn đang được ứng dụng - hãy nghĩ đến việc lái xe. Giao thông, giống như thị trường tài chính, là một hệ thống được con người tạo ra, và chúng ta cũng chẳng phải mất công lắm để thấy mọi người đang gây ra những sai lầm khủng khiếp và tốn kém đến mức nào (ở một khía cạnh khác, khi thế giới quan của chúng ta có chút thiên vị, sẽ khó khăn hơn một chút để nhận ra sai lầm của chính mình). Các nhà sản xuất ô tô và người thiết kế đường xá nhìn chung đều hiểu rằng mọi người không phải lúc nào cũng đưa ra những quyết định chính xác khi lái xe, vì vậy khi sản xuất ô tô hay làm đường họ đều chú ý để đảm bảo sự an toàn cho người lái xe và khách bộ hành. Các nhà thiết kế và các kỹ sư sản xuất ô tô đã cố gắng khắc phục những hạn chế của con người bằng cách đưa vào ô tô dây bảo hiểm, phanh chống trượt, gương chiếu hậu, túi khí, đèn halogen, bộ cảm ứng từ xa và những thứ khác nữa. Tương tự như vậy, những người làm đường dựng lên các dải phân cách dọc hai bên đường cao tốc, một số còn được tách ra bằng những khoảng cách nhỏ đều nhau, tạo ra âm thanh brrrrrr khi bạn lái xe qua. Nhưng bất chấp các biện pháp phòng ngừa đó, người ta vẫn cứ mắc tất cả các loại sai lầm có thể mắc khi lái xe (kể cả uống rượu và nhắn tin), rồi gánh chịu các tai nạn, bị thương, thậm chí là tử vong.
Bây giờ, hãy nghĩ đến sự bung bét của phố Wall vào năm 2008 và ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế. Với những nhược điểm vốn có của con người, vì sao chúng ta lại nghĩ rằng chúng ta không cần những biện pháp từ bên ngoài để xem có thể phòng ngừa được hay giải quyết những sai lầm có tính hệ thống trong việc ra quyết định trên thị trường tài chính? Vì sao chúng ta không tạo ra những biện pháp đảm bảo an toàn để giúp những người đang quản lý hàng tỷ đô-la và giúp những khoản đầu tư mà họ tiến hành thoát khỏi những sai lầm tốn kém đến mức khó tin?
SỰ TIẾN BỘ về công nghệ nhìn chung là hữu ích nhưng đang làm trầm trọng thêm những sai lầm cơ bản của con người bởi nó khiến chúng ta khó khăn hơn khi hành động theo cách mang lại lợi ích tốt nhất cho mình. Cứ lấy điện thoại di động làm ví dụ. Cái vật nho nhỏ cầm tay đó không chỉ cho phép bạn gọi điện thoại mà còn có thể nhắn tin, gửi email cho bạn bè. Nhưng nếu bạn nhắn tin khi đang đi bộ, bạn sẽ phải nhìn vào điện thoại thay vì nhìn vỉa hè và có thể sẽ đâm vào một cái cột, hoặc một người khác trên đường. Điều này đúng là có gây phiền phức nhưng thường không nghiêm trọng. Mất sự tập trung khi đang đi bộ có thể là không quá tệ, nhưng chỉ cần thêm vào đó một cái ô tô, bạn đã có đủ các yếu tố trong công thức tạo ra thảm họa rồi.
Tương tự, hãy nghĩ xem sự tiến bộ của công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp đã đưa đến tình trạng dịch bệnh béo phì như thế nào. Cách đây hàng ngàn năm, khi chúng ta đốt cháy năng lượng để đi săn và cắt cỏ cho gia súc ăn trên các cánh đồng và những khu rừng, chúng ta cần phải tiết kiệm từng ao-xơ năng lượng. Mỗi khi chúng ta thấy thức ăn có chất béo hay đường, chúng ta đều dừng lại và ăn được càng nhiều càng tốt. Thêm vào đó, tự nhiên cũng cho chúng ta một cơ chế nội tại rất hữu ích: đó là một khoảng thời gian 20 phút từ khi chúng ta nạp đủ ca-lo-ri đến khi chúng ta có cảm giác no. Điều này cho phép chúng ta tích trữ một ít mỡ, thứ rất có ích nếu sau đó chúng ta thất bại trong việc bắn hạ được một con hươu.
Giờ hãy chia tay hàng ngàn năm về trước đó để trở về với hiện tại. Ở các nước công nghiệp phát triển, chúng ta dành phần lớn thời gian không ngủ để ngồi trên ghế, nhìn màn hình ti vi thay vì chạy theo các con thú. Thay cho việc trồng trọt, chăm sóc và thu hoạch ngô, đậu, đã có nền nông nghiệp mang tính thương mại làm hộ cho chúng ta. Các nhà sản xuất thực phẩm biến hạt ngô thành những thức ăn nhiều đường và chất béo, thứ mà chúng ta sẽ mua từ các siêu thị và cửa hàng đồ ăn nhanh. Trong cái thế giới Dunkin’Donuts này, tình yêu dành cho đồ ăn béo và ngọt cho phép chúng ta nạp hàng ngàn ca-lo-ri một cách hết sức nhanh chóng. Và sau khi chúng ta đã xơi vào một bữa sáng với bánh mì pho-mát, trứng và thịt muối, khoảng cách 20 phút giữa thời điểm ăn đủ no và thời điểm có cảm giác no lại cho phép chúng ta nạp thêm nhều ca-lo-ri nữa bằng cà phê có đường và nửa tá bánh rán bọc bột tẩm đường nữa.
Về cơ bản, các cơ chế chúng ta hình thành nên trong những năm đầu của cuộc cách mạng có thể hoàn toàn có ý nghĩa tốt trong quá khứ xa xôi đó. Nhưng bởi sự không đồng bộ giữa tốc độ phát triển của công nghệ với sự tiến hóa của con người, những bản năng và khả năng đã từng có ích giờ đang là thứ cản đường chúng ta. Những hành vi là kết quả của những quyết định tồi vốn tự nó đã chứng minh là chỉ mang lại phiền phức trong những thế kỷ trước giờ đang ảnh hưởng một cách nghiêm trọng đến cuộc sống của con người.
Khi những người thiết kế các công nghệ hiện đại không hiểu được khả năng sa ngã của con người, họ lại thiết kế ra và “phát triển thêm” hệ thống thị trường chứng khoán, bảo hiểm, giáo dục, nông nghiệp hay các trung tâm y tế và không tính đến các giới hạn của con người (tôi gọi đó là “những công nghệ không tương thích với con người”, và chúng có mặt ở khắp nơi). Hậu quả là, chúng ta lại mắc sai lầm một cách không thể tránh khỏi và đôi khi, thất bại một cách ngoạn mục.
SỰ ĐÁNH GIÁ này về bản chất con người nhìn qua thì có vẻ hơi gây thất vọng, nhưng thực ra nó không hẳn là như vậy. Các nhà kinh tế học hành vi muốn hiểu được những nhược điểm của con người và tìm ra những cách phù hợp và thiết thực, hiệu quả để con người có thể tránh được những cám dỗ, gia tăng khả năng tự kiểm soát và để rồi đạt được những mục tiêu có tính dài hạn. Với một xã hội, sẽ vô cùng hữu ích nếu chúng ta hiểu được vì sao và khi nào chúng ta thất bại và để tạo ra những cách vượt qua được những sai lầm của mình. Khi chúng ta có được những hiểu biết về cái gì thực sự điều khiển hành vi của chúng ta, cái gì làm chúng ta trệch đường - từ những quyết định trong kinh doanh như là tiền thưởng và tạo động cơ làm việc cho nhân viên đến những khía cạnh riêng tư nhất của con người như là hẹn hò và tận hưởng hạnh phúc - chúng ta có thể có được cách kiểm soát tiền của chúng ta, mối quan hệ của chúng ta, các nguồn lực, sự an toàn, sức khỏe, cả với tư cách cá nhân và với tư cách của toàn xã hội.
Đó là mục đích thực sự của kinh tế học hành vi: cố gắng hiểu được cách con người hành động, nhờ thế có thể sẵn sàng nhận ra những lệch lạc của mình, nhận biết rõ ràng hơn ảnh hưởng của những lệch lạc đó lên con người và để có thể giúp con người ra quyết định tốt hơn. Mặc dù tôi rất hiểu là chúng ta không bao giờ có thể trở thành người luôn ra những quyết định hoàn hảo, tôi vẫn tin tưởng rằng sự hiểu biết tốt hơn về vô vàn các thế lực phi lý trí đang ảnh hưởng lên con người sẽ là một bước đi đầu tiên hữu ích hướng tới việc ra quyết định tốt hơn. Và chúng ta không phải dừng tại đó. Các nhà phát minh, các công ty, các nhà hoạch định chính sách có thể tiến hành những bước tiếp theo và thiết kế lại môi trường sống và làm việc của chúng ta sao cho tương thích hơn với những cái con người có thể và không thể làm.
Cuối cùng, kinh tế học hành vi chính là để định hình những yếu tố vô hình ẩn sau các quyết định của con người, thông qua nhiều lĩnh vực khác nhau và tìm ra ra giải pháp cho những vấn đề phổ biến đang tác động lên đời sống cá nhân, đời sống công sở và đời sống cộng đồng.
KHI BẠN XEM những trang tiếp theo của cuốn sách này, bạn sẽ thấy các chương viết đều dựa trên những cuộc thí nghiệm mà tôi đã thực hiện trong nhiều năm với các đồng nghiệp của tôi (tôi có đưa vào cuối cuốn sách này danh sách những đồng sự tuyệt vời của mình). Ở mỗi chương trong cuốn sách, tôi đều cố gắng làm sáng tỏ những sự sai lệch ảnh hưởng đến quyết định của con người trong các hoàn cảnh khác nhau, từ công sở đến đời sống riêng tư.
Bạn có thể hỏi vì sao tôi và các đồng nghiệp lại dành nhiều thời gian, tiền bạc và công sức đến thế cho các cuộc thí nghiệm. Đối với các nhà khoa học trong lĩnh vực xã hội, các cuộc thí nghiệm giống như những chiếc kính hiển vi, hay đèn đường, giúp phóng to và làm sáng tỏ những yếu tố đa dạng và phức tạp đang cùng lúc gây ảnh hưởng lên chúng ta. Nó giúp cho chúng tôi làm chậm lại các hành vi của con người bằng việc tách ra từng lớp các sự kiện, khu biệt các yếu tố riêng lẻ, xem xét chúng một cách kỹ lưỡng và chi tiết hơn. Chúng cho phép chúng tôi kiểm nghiệm một cách trực tiếp, không mơ hồ về cái thúc đẩy con người đưa ra quyết định, cung cấp một sự hiểu biết thấu đáo hơn về các đặc tính cũng như những sắc thái của những sai lệch của con người.
Và còn một điểm nữa mà tôi muốn nhấn mạnh: nếu bài học thu được từ các cuộc thí nghiệm bị bó hẹp trong môi trường hạn hẹp nơi tiến hành thí nghiệm, mức độ giá trị của nó cũng sẽ hạn chế. Thay cho điều đó, tôi đưa bạn tới những thí nghiệm minh họa cho những nguyên tắc tổng quát, cung cấp một cách nhìn thấu suốt về cách mà chúng ta suy nghĩ và ra quyết định trong những tình huống đa dạng của cuộc sống. Hy vọng của tôi là một khi bạn hiểu được sự vận động của bản chất con người, bạn có thể quyết định được cái bạn muốn làm đối với nó trong nghề nghiệp cũng như trong cuộc sống riêng của bạn.
Tại mỗi chương, tôi đã cố gắng để ngoại suy các ẩn ý đối với cuộc sống, công việc và các vấn đề chính sách công - tập trung vào cái mà chúng ta có thể làm để vượt qua những điểm mù phi lý trí. Tất nhiên là những ẩn ý mà tôi cố gắng phác họa chỉ là từng phần. Để thu nhận được giá trị thực sự từ cuốn sách này và từ khoa học xã hội nói chung, điều quan trọng là bạn, với tư cách độc giả, phải dành thời gian suy nghĩ xem các nguyên lý về hành vi con người đó ứng với cuộc sống của bạn như thế nào và xem xét xem bạn có thể hành động khác đi không, với những hiểu biết mới của bạn về bản chất con người. Và cuộc phiêu lưu thực sự nằm ở đó.
ĐỘC GIẢ ĐÃ làm quen với cuốn Phi lý trí có thể sẽ mong muốn biết cuốn sách này khác với cuốn sách trước như thế nào. Trong Phi lý trí, chúng tôi xem xét hàng loạt những thiên kiến dẫn dắt chúng ta - đặc biệt là với tư cách người tiêu dùng - đến các quyết định thiếu khôn ngoan. Cuốn sách mà bạn đang đọc này khác biệt với cuốn trước nó ở ba điểm:
Thứ nhất - và có lẽ là rõ rệt nhất - là cuốn sách này khác ở tiêu đề. Giống như cuốn sách trước đây, nó dựa trên các cuộc thí nghiệm trong đó chúng tôi kiểm tra cách mà con người ra quyết định, nhưng tiếp cận về phi lý trí của nó sẽ khác đi. Trong phần lớn các tình huống, từ “phi lý trí” có nghĩa rộng mang tính tiêu cực, ám chỉ bất kỳ cái gì từ sự nhầm lẫn đến mất lý trí. Nếu chúng ta có thể chế tạo con người, có lẽ là chúng ta sẽ làm hết sức mình để bỏ phi lý trí ra khỏi công thức thiết kế; trong Phi lý trí, tôi khám phá mặt trái của những thiên lệch của con người. Nhưng còn có một khía cạnh khác của phi lý trí, mặt thực sự có nghĩa tích cực. Đôi khi chúng ta thật may mắn với năng lực phi lý trí của chúng ta bởi, cùng với những thứ khác, nó làm cho chúng ta thích nghi với môi trường của mình, tin tưởng những người khác, có được những nỗ lực phi thường và yêu thương những đứa con. Những sức mạnh như thế, cho dù là phi lý trí, vẫn là phần không thể thiếu được trong tính chất bẩm sinh, đáng ngạc nhiên nhưng vô cùng kỳ diệu của con người (thực tế là ai không có khả năng thích nghi, niềm tin hay sự thích thú đối với công việc của mình thì người ấy sẽ rất bất hạnh). Những thế lực phi lý trí này giúp chúng ta làm được những việc vĩ đại và sống tốt trong guồng máy xã hội. Vì thế, tiêu đề Lẽ phải của Phi lý trí thể hiện sự cố gắng chỉ ra những khía cạnh có ích của phi lý trí - phần mà chúng ta phải giữ nếu như chúng ta làm công việc của nhà chế tạo ra con người. Tôi tin rằng việc thấy được cả mặt tích cực và tiêu cực của phi lý trí là rất quan trọng bởi chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể loại trừ những cái xấu và phát triển cái tốt.
Thứ hai, bạn sẽ thấy là cuốn sách này được chia thành hai phần tách biệt nhau. Ở phần đầu tiên, chúng ta sẽ nhìn nhận gần hơn những hành vi của con người trong môi trường làm việc, nơi chúng ta sử dụng phần lớn thời gian khi không ngủ. Chúng ta sẽ đặt vấn đề về các mối quan hệ của chúng ta - không chỉ với những người khác mà cả với môi trường làm việc và chính bản thân mình. Mối quan hệ của chúng ta với lương bổng, với sếp, với những sản phẩm do mình làm ra, với các ý tưởng của mình, với những cảm giác khi bị đối xử bất công là gì? Đâu là những động lực thực sự thúc đẩy chúng ta làm việc tốt? Cái gì làm cho chúng ta cảm thấy có ý nghĩa? Vì sao mà cái thành kiến về thứ “không được tạo ra ở đây” lại có chỗ đứng của nó tại nơi làm việc? Vì sao mà chúng ta lại phản ứng rất quyết liệt với sự bất công?
Ở phần thứ hai, chúng ta sẽ đi ra ngoài thế giới công việc và tìm hiểu cách hành xử của chúng ta trong mối quan hệ riêng tư hơn. Mối quan hệ với môi trường xung quanh và với các nhóm của chúng ta là gì? Chúng ta liên quan tới những người chúng ta gặp, với những người chúng ta yêu thương, và những người không may mắn xa lắc xa lơ cần chúng ta giúp đỡ như thế nào? Và đâu là mối quan hệ giữa chúng ta với những cảm xúc của chính mình? Chúng ta sẽ xem xét cách thức mà chúng ta thích nghi với các hoàn cảnh, môi trường mới, đối tác mới; thế giới hẹn hò trên mạng phát huy tác dụng (và không phát huy tác dụng) ra sao; những thế lực nào quyết định cách chúng ta phản ứng trước các bi kịch của cuộc sống; và bằng cách nào những phản ứng có tính xúc cảm nhất thời có thể ảnh hưởng đến cách thức ứng xử lâu dài về sau.
Thứ ba, cuốn sách này cũng rất khác với Phi lý trí ở sự gần gũi. Mặc dù tôi và các đồng nghiệp đã cố gắng hết sức để khách quan khi tiến hành và phân tích các thí nghiệm, nhiều nội dung trong cuốn sách này (đặc biệt là phần thứ hai) vẫn nói về những trải nghiệm đau khổ của một bệnh nhân bỏng là tôi. Vết thương của tôi, như những vết thương nặng khác, gây đau đớn vô cùng, nhưng cũng làm cho tôi nhanh chóng thay đổi cách nhìn của mình đối với nhiều khía cạnh của cuộc sống. Hành trình đó mang lại cho tôi những cách nhìn độc nhất vô nhị về hành vi của con người. Nó đưa ra cho tôi những câu hỏi mà có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến nếu không có tình huống đặc biệt xâm chiếm cuộc đời tôi và trở thành trọng tâm trong nghiên cứu của tôi. Ngoài ra, và có lẽ là điều quan trọng hơn, nó đưa tôi tới việc nghiên cứu những thiên lệch của chính mình vận hành như thế nào. Bằng việc mô tả những trải nghiệm và những thiên lệch của chính mình, hy vọng là tôi có thể làm rõ được quá trình tư duy đã đưa tôi đến những mối quan tâm và những quan điểm nhất định và minh họa được một số nét cơ bản trong bản chất người thường của chúng ta - của tôi và của bạn.
VÀ BÂY GIỜ, hãy bắt đầu cuộc hành trình…