Trở ngại càng lớn, chiến thắng càng huy hoàng.

Moliere

 
 
 
 
 
Tác giả: Diana Wynne Jones
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: diep ho
Upload bìa: diep ho
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 50
Cập nhật: 2023-04-08 21:56:59 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1 Abdullah Mua Thảm Mới
HƯƠNG 1
Abdullah mua thảm mới
Tít phía Nam xứ Ingary, ở vương quốc Hồi giáo Rashpuht, có một người bán thảm trẻ tuổi tên là Abdullah sống tại thành Zanzib. Tuy là thương nhân nhưng anh không giàu có. Cha anh lấy làm thất vọng về anh, và khi qua đời, ông chỉ để lại cho Abdullah đủ tiền để mua và chất đầy một quầy hàng nho nhỏ ở góc chợ phía Tây Bắc. Số tài sản còn lại, và cửa hàng thảm lớn ở giữa chợ được cha anh để lại cho họ hàng của bà vợ đầu.
Abdullah chưa bao giờ được biết vì sao cha thất vọng về anh. Điều này có liên quan gì đó tới lời tiên tri lúc Abdullah ra đời. Nhưng Abdullah chưa bao giờ để tâm tìm hiểu sâu hơn. Thay vì thế, từ khi còn rất nhỏ, anh chỉ mơ mộng về nó. Anh mộng tưởng rằng mình thực ra là đứa con mất tích của một vị vua cao quý, dĩ nhiên như thế có nghĩa cha anh không thực sự là cha đẻ. Đó hoàn toàn chỉ là giấc mộng viển vông và Abdullah cũng biết vậy. Ai cũng bảo rằng anh trông giống cha mình. Khi nhìn vào gương, anh thấy một thanh niên điển trai cương nghị, với gương mặt gầy gò cùng cái mũi khoằm, và anh biết mình trông rất giống bức họa cha hồi ông còn trẻ - có điều cha anh ria mép rậm rạp, còn Abdullah vẫn đang nuôi sáu sợi ria môi trên và hy vọng chúng sẽ sớm mọc nhiều hơn.
Tất cả mọi người đều nhất trí rằng thật không may Abdullah lại thừa hưởng tính cách từ mẹ - người vợ thứ hai của cha anh. Bà là một phụ nữ mơ mộng và nhút nhát, và khiến tất cả mọi người thất vọng. Điều này không làm Abdullah buồn lòng lắm. Cuộc đời của một người bán thảm ít có cơ hội thể hiện lòng can đảm, và nhìn chung anh thấy hài lòng với điều đó. Dù nhỏ nhưng quầy hàng anh đã mua hóa ra có vị trí khá đẹp. Nó không xa Quận Tây, nơi những người giàu có sống trong các ngôi nhà lớn có vườn hoa đẹp. Còn tốt hơn nữa, đây là khu vực chợ đầu tiên thợ làm thảm đi qua khi tới thành Zanzib từ sa mạc phía Bắc. Cả người giàu và thợ làm thảm đều thường tìm tới những cửa hàng lớn ở giữa chợ, nhưng ngạc nhiên thay, có khá nhiều người sẵn lòng dừng bước trước quầy hàng của người bán thảm trẻ tuổi khi chàng thanh niên chạy ra chào đón và đưa ra giá hời hay các mức chiết khấu với thái độ hết mực lịch sự.
Bằng cách này, Abdullah thường có thể mua được những tấm thảm chất lượng nhất trước khi bất cứ ai khác để mắt tới chúng, và cũng kiếm được lời từ những tấm thảm này. Những lúc không bận mua bán, anh có thể ngồi trong quầy hàng và tiếp tục mơ mộng, điều rất phù hợp với anh. Thực ra, rắc rối duy nhất trong đời anh gần như đến từ họ hàng bà vợ đầu của cha anh, tháng nào họ cũng đến để nhai đi nhai lại rằng anh thất bại ra sao.
“Nhưng mày chẳng tiết kiệm được chút nào từ tiền kiếm được!” Hakim (người Abdullah vô cùng ghét), cháu trai bà vợ đầu của cha Abdullah, kêu lên vào một ngày định mệnh nọ.
Abdullah giải thích rằng khi anh kiếm được tiền lời, theo thói quen, anh sẽ dùng tiền đó để mua tấm thảm tốt hơn. Vì vậy, dù tất cả tiền của anh đều đổ hết vào việc lấy hàng, hàng anh bán càng lúc càng tốt. Anh có đủ tiền để sống. Và, như anh nói với họ hàng của cha, anh không cần nhiều hơn, vì anh chưa lấy vợ.
“Hừ, cháu nên lấy vợ!” Fatima, chị gái bà vợ đầu của cha Abdullah (người Abdullah càng ghét hơn) phán. “Bác đã nói một lần rồi, và bác sẽ lại nói thêm lần nữa - một chàng trai trẻ như cháu tới giờ nên có ít nhất hai vợ rồi!” Và không hài lòng nếu chỉ nói suông như vậy, Fatima tuyên bố lần này bà ta sẽ tìm vài cô vợ cho Abdullah - lời đề nghị khiến anh run rẩy cả người.
“Và hàng của cháu càng có giá trị, cháu càng dễ bị cướp, hoặc càng thiệt hại nặng nếu quầy hàng bị cháy - cháu nghĩ tới điều đó chưa?” Assif, em họ bà vợ đầu của cha Abdullah (kẻ Abdullah ghét còn hơn cả hai người trên cộng lại) chì chiết.
Anh bảo Assif rằng anh luôn ngủ lại quầy và rất cẩn thận với đèn đóm. Lúc này, cả ba vị họ hàng nhà bà vợ đầu của cha anh lắc đầu, tặc lưỡi và bỏ đi. Điều này thường có nghĩa họ sẽ để anh yên thêm một tháng nữa. Abdullah thở phào nhẹ nhõm và lập tức mơ mộng tiếp.
Tới lúc này, mộng tưởng của anh đã cực kỳ rõ nét. Trong đó, Abdullah là con trai một vị vua hùng mạnh sống ở xa tít phía Đông đến mức vương quốc của ngài không được biết đến ở Zanzib. Nhưng Abdullah bị một tên cướp xấu xa tên là Kabul Aqba bắt cóc khi mới lên hai. Kabul Aqba có cái mũi khoằm như mỏ chim kền kền và một bên cánh mũi xỏ khuyên vàng. Gã có khẩu súng lục báng viền bạc dùng để dọa dẫm Abdullah, và trên khăn xếp đội đầu của gã gắn một viên huyết ngọc dường như cho gã sức mạnh siêu nhiên. Abdullah vô cùng hoảng sợ và chạy trốn vào sa mạc, rồi được người mà giờ anh gọi là cha tìm thấy. Mộng tưởng này không tính tới sự thật rằng trong đời mình, cha Abdullah chưa bao giờ đi vào sa mạc: thực thế, ông thường bảo họa có điên mới rời khỏi Zanzib. Dù sao Abdullah vẫn có thể tưởng tượng đủ mọi chi tiết về cuộc hành trình ác mộng mà trong đó chân thì đau nhức, họng thì khát khô trước khi người buôn thảm tử tế tìm thấy mình. Tương tự, anh có thể tưởng tượng cực kỳ chi tiết về lâu đài trước khi anh bị bắt cóc, với phòng thiết triều có những cột trụ lớn và được lát tràng thạch xanh lục, với các khuê phòng của phụ nữ và nhà bếp, tất cả đều vô cùng xa hoa. Có bảy mái vòm trên nóc, mỗi mái vòm đều được lợp bằng vàng.
Tuy nhiên gần đây, mộng tưởng của Abdullah thường xoay quanh nàng công chúa anh được hứa hôn từ khi mới sinh ra. Nàng cũng có huyết thống cao quý như Abdullah và trong khi anh mất tích, nàng lớn lên vô cùng xinh đẹp, với những đường nét hoàn hảo và đôi mắt đen tròn to ướt át. Nàng sống trong tòa lâu đài cũng xa hoa như tòa lâu đài của Abdullah. Đến lâu đài, người ta tiến vào qua con đường lớn hai bên có những bức tượng thiên thần, rồi tới bảy cái sân bằng cẩm thạch, mỗi sân đều có một đài phun nước ở giữa, càng vào trong càng quý giá, đài phun nước đầu làm từ hoàng ngọc, và cái cuối làm bằng bạch kim khảm ngọc lục bảo.
Nhưng ngày hôm đó, Abdullah phát hiện mình không hài lòng lắm với cách bài trí này. Đó là cảm giác anh thường có sau khi họ hàng bà vợ đầu của cha anh đến thăm. Anh nghĩ một lâu đài đẹp phải có các khu vườn hoành tráng. Abdullah yêu thích vườn tược dù anh biết rất ít về chúng. Chủ yếu anh chỉ tiếp xúc với chúng qua các công viên của thành Zanzib - nơi bãi cỏ bị giẫm đạp ít nhiều và hoa thì ít - đôi lúc anh ăn trưa ở đây khi đủ tiền trả cho Jamal độc nhãn trông hàng hộ mình. Jamal có quầy đồ chiên ở bên cạnh và nếu được trả một xu, anh ta sẽ cột con chó của mình trước quầy hàng của Abdullah. Abdullah hiểu rõ điều này không đủ để anh mường tượng ra một khu vườn chỉn chu, nhưng bởi bất cứ điều gì thì cũng khá hơn là nghĩ về hai cô vợ Fatima định chọn cho anh, anh mất hút trong mộng tưởng, dệt nên những nhành lá dương xỉ đung đưa trong gió và các lối đi ngát hương trong khu vườn của công chúa.
Hay gần như thế. Chưa kịp chìm vào cõi mộng, Abdullah đã bị một người đàn ông cao ráo bẩn thỉu ôm theo một tấm thảm dơ dáy làm phiền.
“Cậu mua thảm để bán lại sao, chàng quý tộc?” người lạ mặt hỏi, cúi đầu chào nhanh.
Đối với những người bán thảm ở thành Zanzib, nơi mà người mua và người bán luôn nói với nhau theo cách khách sáo và hoa mỹ nhất, thái độ của người này đường đột đến đáng kinh ngạc. Abdullah đằng nào cũng khó chịu sẵn vì khu vườn mộng mơ của anh đã rơi vỡ tan tành sau sự phá bĩnh này của đời thực. Anh trả lời ngắn gọn, “Đúng thế, thưa chúa tể của sa mạc. Ngài muốn trao đổi với nhà buôn cùng khổ này chăng?”
“Không phải trao đổi - là bán, thưa ông chủ của chồng thảm chùi chân,” người lạ mặt chỉnh lại.
Thảm chùi chân! Abdullah nghĩ. Đây đúng là sự sỉ nhục. Một trong những tấm thảm trưng bày phía trước quầy của Abdullah là thảm hoa nổi hiếm có từ xứ Ingary - hay Ochinstan, ở thành Zanzib người ta gọi vùng đất ấy như thế - và có ít nhất hai tấm thảm bên trong đến từ Inhico và Farqtan, loại chính nhà vua cũng sẽ không khinh thị mà sẵn sàng dùng trong các phòng nhỏ ở cung điện. Nhưng dĩ nhiên Abdullah không thể kể ra điều này. Lễ nghi của dân thành Zanzib không cho phép người ta tự ca ngợi bản thân. Thay vì thế, anh cúi mình lạnh lùng.
“Có lẽ cơ ngơi nghèo túng và thấp kém của tôi có thể cho ngài thứ ngài tìm kiếm, thưa tinh hoa của những lữ khách,” anh nói, cùng lúc lướt ánh mắt sắc bén qua tấm áo choàng sa mạc bẩn thỉu, cái khuyên mòn đeo một bên mũi, và cái khăn trùm đầu sờn rách của người khách lạ.
“Quả là nó không chỉ nghèo túng mà còn tồi hơn thế nữa, thưa người bán thảm trải sàn vĩ đại,” người khách lạ đồng tình. Lão vỗ một đầu tấm thảm bẩn thỉu về phía Jamal, lúc đó đang chiên mực trong đám khói xanh lam tanh mùi cá. “Không phải hoạt động đáng kính bên hàng xóm sẽ thấm vào hàng hóa của cậu sao,” lão hỏi, “thậm chí cả cái mùi bạch tuộc mãi không tan này?”
Trong thâm tâm, Abdullah tức giận tới mức anh phải xoa tay vào nhau để che giấu đi cảm xúc. Theo lẽ thường người ta hẳn không nhắc đến chuyện này. Và một thoáng mùi mực thậm chí có thể cải thiện thứ mà lão đang muốn bán ấy chứ, anh nghĩ, liếc nhìn tấm thảm xác xơ xám xịt người khách lạ ôm trong tay.
“Người phục vụ thấp hèn của ngài luôn chú tâm xông thơm bên trong quầy hàng với ngập tràn nước hoa, thưa ông hoàng thông thái,” anh nói. “Có lẽ sự nhạy cảm uy mãnh của cái mũi ông hoàng dù sao cũng sẽ cho phép ngài để nhà buôn cùng khổ này xem hàng hóa của ngài chăng?”
“Dĩ nhiên là nó cho phép, thưa đóa hoa huệ giữa bầy cá thu,” người khách lạ phản kích. “Chứ nếu không tại sao tôi lại đứng đây?”
Abdullah miễn cưỡng vén màn và dẫn người đàn ông vào trong quầy hàng. Anh châm đèn treo trên cái cột giữa rạp, nhưng sau khi ngửi ngửi, quyết định không lãng phí hương đốt cho người này. Bên trong rạp vẫn còn nồng mùi hương đốt từ ngày hôm qua. “Ngài có điều kỳ vĩ gì để trải ra trước đôi mắt thấp hèn của tôi?” anh ngờ vực hỏi.
“Thứ này, thưa người mua khéo mặc cả!” lão nói, và trải tấm thảm ra trên mặt sàn bằng một cú vung tay khéo léo.
Abdullah cũng có thể làm được việc đó. Một người bán thảm phải học những điều này. Anh không thấy ấn tượng. Anh nhét tay vào trong ống tay áo với thái độ phục vụ nghiêm túc và quan sát món hàng. Tấm thảm không lớn. Khi trải ra, nó thậm chí còn cáu bẩn hơn anh nghĩ - mặc dù hoa văn không thường thấy, hoặc hẳn đã như thế nếu nó không bị sờn đi. Những gì còn lại thì bẩn thỉu và xơ chỉ khắp mép.
“Ôi trời, người bán hàng nghèo khó này chỉ có thể trả ba xu đồng cho tấm thảm rất có tính trang hoàng này,” anh quan sát. “Đây là giới hạn mà ví tiền còm cõi của tôi có thể trả. Cuộc sống khó khăn mà, thưa người trưởng đoàn lạc đà đông đúc. Giá này có chút nào chấp nhận được chăng?”
“Tôi muốn NĂM TRĂM,” người khách lạ nói.
“Cái gì?” Abdullah kêu lên.
“Xu VÀNG,” lão bổ sung.
“Hỡi chúa tể của tất cả đám cướp đường sa mạc, hẳn ngài đang đùa vui chăng?” Abdullah nói. “Hay có lẽ sau khi thấy quầy hàng nhỏ của tôi thiếu thốn mọi thứ chỉ trừ mùi mực chiên, ngài muốn rời khỏi để đi tìm một nhà buôn giàu có hơn?”
“Không hẳn,” người khách lạ nói. “Mặc dù tôi sẽ rời khỏi nếu cậu không thấy hứng thú, thưa người hàng xóm của cá hun khói. Dĩ nhiên đây là một tấm thảm ma thuật.”
Abdullah đã từng nghe thấy kiểu nói như thế. Anh cúi xuống, hai bàn tay giấu trong ống tay áo. “Người ta đồn thổi rất nhiều về đặc tính ẩn chứa trong những tấm thảm,” anh đồng tình. “Vị thi sĩ của sa mạc này muốn nhắc đến đặc tính nào? Nó sẽ chào đón người ta về lều của mình chăng? Nó sẽ mang đến sự yên bình cho gia đình chăng? Hay có lẽ,” anh nói, chọc chọc mép thảm xác xơ hòng ám chỉ, “ngài muốn bảo nó sẽ không bao giờ sờn?”
“Nó bay,” người khách lạ nói. “Nó bay tới bất cứ đâu chủ nhân ra lệnh, thưa trí tuệ hạn hẹp nhất trong mọi trí tuệ.”
Abdullah nhìn vào gương mặt u ám của đối phương, nơi sa mạc đã để lại những rãnh sâu trên má. Nụ cười khinh khỉnh làm những đường rãnh ấy lại càng sâu hơn. Abdullah phát hiện mình ghét người này gần bằng ghét em họ bà vợ đầu của cha anh. “Ngài phải thuyết phục kẻ thiếu niềm tin này,” anh nói. “Nếu tấm thảm có thể thi triển tài năng, thưa vua nói láo, có lẽ ta có thể mặc cả gì đó.”
“Sẵn lòng thôi,” người đàn ông cao ráo đáp và bước lên tấm thảm.
Đúng lúc này, một vụ lộn xộn thường thấy xảy ra ở quầy đồ chiên kế bên. Có lẽ một vài thằng nhóc đường phố định trộm ít mực. Dù sao thì chó của Jamal cũng đã lao ra sủa; vài người, cả Jamal, bắt đầu la hét, và cả hai loại âm thanh ấy đều gần như bị nhấn chìm trong tiếng chảo va vào nhau loảng xoảng và tiếng mỡ nóng xì xèo.
Ngươi lừa ta gạt là một kiểu sống ở thành Zanzib. Abdullah không cho phép mình sao nhãng khỏi người khách lạ và tấm thảm của lão dù chỉ một khắc. Rất có thể lão đã đút tiền để Jamal gây ra vụ lộn xộn nhằm đánh lạc hướng. Lão nhắc tới Jamal khá nhiều, như thể lão nghĩ suốt đến Jamal. Abdullah nghiêm túc dán chặt mắt lên thân hình cao ráo của lão và đặc biệt lên bàn chân bẩn thỉu giẫm trên tấm thảm. Nhưng anh vẫn để mắt đến gương mặt lão và thấy môi lão cử động. Đôi tai cảnh giác của anh thậm chí nghe được câu “lên cao hai thước” giữa tiếng ồn nhức óc từ quầy kế bên. Và anh thậm chí còn quan sát cẩn thận hơn nữa khi tấm thảm trơn tru bay lên khỏi mặt sàn và lơ lửng ngang đầu gối anh, khiến khăn đội đầu tơi tả của người khách lạ gần như chạm lên mái quầy hàng. Abdullah nhìn xem có que gậy bên dưới không. Anh quan sát xem có phải dây treo đã được khéo léo mắc vào trần hay không. Anh cầm lấy chiếc đèn và nghiêng nó xuống, để ánh sáng chiếu lên cả trên cả dưới tấm thảm.
Người khách lạ đứng khoanh tay và nụ cười khinh khỉnh trên gương mặt lão trong khi Abdullah kiểm tra. “Thấy không?” lão nói. “Giờ người hoài nghi ghê gớm nhất đã thấy thuyết phục chưa? Tôi đang đứng trên không, đúng hay chăng?” lão phải nói như hét. Tiếng ồn từ quầy kế bên vẫn còn đinh tai nhức óc.
Abdullah buộc phải thừa nhận tấm thảm đúng là có vẻ như đang lơ lửng trên không mà chẳng dùng công cụ chống đỡ nào anh có thể phát hiện ra. “Rất có vẻ như thế,” anh hét trả lời. “Phần trình diễn tiếp theo là ngài hãy xuống khỏi thảm đi và cho tôi lên thử.”
Lão nhíu mày. “Tại sao phải thế? Những giác quan khác của cậu đã bổ sung gì cho điều mắt cậu nhìn thấy, hỡi con rồng ngờ vực?”
“Nhỡ tấm thảm chỉ nghe theo một người,” Abdullah oang oang. “Cũng giống như vài con chó.” Con chó của Jamal vẫn đang sủa quanh quách bên ngoài, vì thế nghĩ vậy cũng là hợp tình. Chó của Jamal cắn bất cứ ai chạm vào nó, trừ Jamal.
Người khách lạ thở dài. “Hạ xuống,” lão nói, và tấm thảm nhẹ nhàng hạ xuống sàn. Người khách lạ bước ra, và cúi đầu tỏ ý bảo Abdullah bước về phía nó. “Cậu có thể kiểm tra, thưa tộc trưởng của sự sắc bén.”
Abdullah bước lên tấm thảm, trong lòng tràn đầy hưng phấn. “Lên hai thước,” anh nói với nó - hay đúng hơn là hét lên với nó. Nghe như đội lính canh phòng của thành đã đến quầy hàng của Jamal. Họ khua vũ khí chan chát và hét lên hạch hỏi xem chuyện gì đã xảy ra.
Và tấm thảm tuân theo lời Abdullah. Nó nâng lên hai thước êm ru, khiến Abdullah quặn cả dạ dày. Anh vội vã ngồi xuống. Ngồi lên tấm thảm rất thoải mái. Nó đem lại cảm giác như một cái võng buộc rất chắc. “Trí tuệ cực kỳ trì trệ này bắt đầu thấy thuyết phục rồi,” anh thừa nhận với người khách lạ. “Vậy giá của ngài lúc nãy là gì nhỉ, hỡi con người vô cùng hào phóng? Hai trăm xu bạc phải không?”
“Năm trăm xu vàng,” người khách lạ nói. “Hãy bảo tấm thảm hạ xuống đi, và ta sẽ bàn về vấn đề này.”
Abdullah bảo tấm thảm, “Hạ xuống sàn,” và nó làm đúng như vậy, nhờ thế xóa đi chút ngờ vực cứ mãi dai dẳng trong đầu Abdullah rằng người khách lạ hẳn đã nói thêm gì đó khi anh bước lên tấm thảm mà lại bị sự huyên náo ở quầy kế bên át đi. Anh đứng dậy và cuộc mặc cả diễn ra.
“Túi tiền của tôi trả được nhiều nhất là một trăm năm mươi xu vàng,” anh bảo, “mà đấy là tôi phải lắc và lần mò dọc khắp các đường may.”
“Thế thì cậu phải đi lấy cái túi tiền còn lại, hoặc thậm chí tìm kiếm bên dưới chiếu thôi,” người khách lạ đáp. “Vì giới hạn cho lòng hào phóng của tôi là bốn trăm chín mươi lăm xu vàng, và tôi hẳn đã không bán nó nếu không phải vì cần tiền rất gấp.”
“Tôi có thể mò ra thêm bốn mươi lăm xu vàng từ đế giày bên trái của tôi,” Abdullah trả lời. “Khoản đó tôi giữ để phòng khi khẩn cấp, và đó là tất cả số tiền còm cõi tôi có.”
“Thế thì hãy kiểm tra giày bên phải của cậu đi,” người khách lạ trả lời. “Bốn trăm năm mươi.”
Và họ cứ tiếp tục như thế. Một giờ sau, người khách lạ rời khỏi quầy hàng với hai trăm mười xu vàng, để lại sau lưng Abdullah - người chủ nhân hạnh phúc của cái thảm có vẻ như đúng là có phép mầu, dù sờn chỉ. Anh vẫn hoài nghi. Anh không tin rằng sẽ có bất cứ ai, thậm chí là một người lữ khách sa mạc chẳng mong cầu gì nhiều nhặn, lại buông tay khỏi một chiếc thảm bay thực sự - cho dù gần như mòn xác xơ - chỉ để đổi lấy một món tiền chưa tới bốn trăm xu vàng. Nó quá hữu dụng - tốt hơn lạc đà, bởi vì nó không cần ăn - mà một con lạc đà tốt đã có giá ít nhất là bốn trăm năm mươi xu vàng.
Hẳn phải có cái bẫy nào đó. Và có một mánh khóe Abdullah từng nghe được. Người ta thường áp dụng với ngựa hoặc chó. Một gã sẽ đến bán cho lão nông dân hay thợ săn dễ tin người một con vật thực sự tuyệt hảo với cái giá hời đến đáng ngạc nhiên, bảo rằng gã chỉ có thể làm thế hoặc chết đói. Người nông dân (hay thợ săn) vui mừng dẫn con ngựa vào trong chuồng (hoặc chó vào trong cũi chó) nghỉ đêm. Tới sáng, nó biến mất, bởi nó được huấn luyện để thoát khỏi dây cương (hoặc vòng cổ) và trở lại với chủ nhân cũ trong đêm. Như Abdullah thấy thì một cái thảm dễ phục tùng cũng có thể được huấn luyện để làm y như thế. Vậy nên trước khi rời khỏi quầy hàng, anh cẩn thận quấn cái thảm thần quanh một cột chống trần và buộc nó ở đó, hết vòng này đến vòng khác bằng cả cuộn dây bện, một đầu anh lại buộc vào những cọc sắt ở chân tường.
“Ta nghĩ như thế ngươi sẽ khó thoát khỏi đấy,” anh bảo cái thảm và đi ra ngoài để xem chuyện gì xảy ra ở quầy hàng ăn.
Quầy hàng ăn giờ đã yên tĩnh và sạch sẽ. Jamal đang ngồi trên quầy thu tiền, đau khổ ôm con chó.
“Đã có chuyện gì thế?” Abdullah hỏi.
“Mấy thằng nhóc trộm cắp xô đổ hết mực của tôi,” Jamal nói. “Hàng cả ngày của tôi rơi cả xuống bùn đất, mất hết rồi!”
Abdullah hài lòng với vụ mặc cả của mình đến mức anh cho Jamal hai đồng bạc để mua thêm mực. Jamal rơi nước mắt cảm ơn, và ôm chầm lấy Abdullah. Con chó của anh ta không chỉ không cắn Abdullah: nó còn liếm tay anh. Abdullah mỉm cười. Cuộc sống thật tốt đẹp. Anh huýt sáo đi kiếm bữa tối trong khi con chó canh quầy hàng cho anh.
Khi hoàng hôn nhuộm đỏ bầu trời đằng sau những mái vòm và các tòa tháp của thành Zanzib, Abdullah trở về, vẫn huýt sáo, đầy ắp kế hoạch đem thảm thần bán cho nhà vua với một cái giá cắt cổ. Anh thấy cái thảm vẫn ở nguyên chỗ anh cột nó. Hay có khi tốt hơn là đến cầu kiến tể tướng, anh nghĩ ngợi trong khi tắm, và gợi ý tể tướng đem nó dâng lên nhà vua? Theo cách đó, anh thậm chí có thể đòi nhiều tiền hơn. Nghĩ đến việc làm thế cái thảm thần sẽ giá trị ra sao, câu chuyện về con ngựa được huấn luyện để thoát khỏi dây cương lại lảng vảng trong đầu anh. Trong khi mặc áo ngủ, Abdullah bắt đầu tưởng tượng ra hình ảnh tấm thảm uốn éo thoát ra được. Nó cũ và dễ cuộn gấp. Nó có lẽ đã được huấn luyện kỹ càng. Chắc chắn nó có thể trượt ra khỏi dây cột. Thậm chí dù nó không làm thế, anh biết ý nghĩ này sẽ khiến anh mất ngủ suốt đêm.
Cuối cùng, anh thận trọng cắt dây cột và trải tấm thảm lên trên đống thảm đắt tiền nhất mà anh hay dùng làm giường. Rồi anh đội cái mũ mềm lên - một điều cần thiết bởi gió lạnh từ sa mạc lùa vào khắp quầy hàng - đắp chăn, thổi tắt đèn và đi ngủ.
Lâu Đài Trên Mây Lâu Đài Trên Mây - Diana Wynne Jones Lâu Đài Trên Mây