Nguyên tác: Das Schloss
Số lần đọc/download: 2887 / 134
Cập nhật: 2017-05-10 22:13:21 +0700
Chương 1
K
hi K. đến nơi thì đêm đã khuya. Ngôi làng yên nghỉ dưới lớp tuyết dày. Sương mù và bóng tối bao phủ, không thể nhìn thấy ngọn đồi có thành lũy và tòa Lâu đài lớn, dù chỉ là một ít ánh sáng mờ nhạt nhất. K. đứng hồi lâu trên chiếc cầu gỗ dẫn từ đường quốc lộ vào làng và nhìn vào khoảng không.
Sau đó chàng đi tìm nơi nghỉ. Trong quán trọ người ta vẫn còn thức. Không có phòng cho thuê, nhưng ông khách đến muộn này đã làm cho người chủ quán bị bất ngờ và bối rối, anh ta đề nghị K. ngủ trên đệm rơm trong quầy uống. K. đã đồng ý. Một vài người nông dân vẫn còn ngồi lom khom bên cốc bia, nhưng chàng không muốn bắt chuyện với ai cả. Chàng mang đệm rơm xuống nằm cạnh lò sưởi. Quán trọ ấm áp, những người nông dân ngồi im lặng. K. quan sát họ một lúc bằng đôi mắt mệt mỏi rồi chàng ngủ thiếp đi.
Nhưng chẳng mấy chốc người ta đã đánh thức chàng dậy. Một gã trẻ tuổi mặc quần áo như người thành phố, có khuôn mặt nghệ sĩ, - mắt ti hí, lông mày rậm, - đang đứng bên chàng cùng với chủ quán. Những người nông dân vẫn chưa về, một số quay ghế lại để nhìn và nghe cho rõ hơn. Gã trẻ tuổi xin lỗi K. một cách lịch sự vì đã đánh thức chàng dậy rồi tự giới thiệu mình là con trai quan phòng thành. Gã nói:
- Cái làng này là của Lâu đài, ai sống hoặc nghỉ đêm ở đây cũng đều như là sông hoặc nghỉ đêm trong Lâu đài. phải được phép của bá tước. Ngài không có giấy tờ gì, chí ít thì ngài đã không cho chúng tôi xem.
K. chống hai tay ngồi dậy, vuốt lại tóc, nhìn mọi người, hỏi:
- Tôi lạc vào làng nào thế này? Chẳng lẽ ở đây có Lâu đài à?
- Có chớ! - gã trẻ tuổi kiên nhẫn trả lời, và K. thấy một vài người lắc đầu. - Lâu đài của bá tước West West.
- Phải có giấy phép thì mới được nghỉ đêm tại đây à? - K. hỏi như thể muốn tin chắc điều mình vừa nghe là không phải ở trong mơ.
- Phải có giấy phép. - có tiếng đáp, và như để cợt nhạo K., gã trẻ tuổi dang cánh tay về phía chủ quán và những người khách: - Hay là không cần giấy phép nhỉ?
- Vậy thì tôi đi xin phép. - K. vừa ngáp vừa nói, rồi hất chiếc chăn khỏi người như thể chàng muốn ngồi dậy.
- Nhưng đi xin ai? - gã trẻ tuổi hỏi.
- Đến xin ngài bá tước, - K. trả lời. - tôi có thể đi xin được?
- Đến ngài bá tước để xin phép lúc nửa đêm thế này à? - gã trẻ tuổi kêu lên và lùi lại một bước.
- Không được sao? - K. hỏi tưng tửng. - Vậy tại sao anh đánh thức tôi dậy?
Gã trẻ tuổi đột nhiên nổi cáu:
- Quân lêu lổng! - gã thét lên. - Tôi yêu cầu anh phải tôn trọng người của bá tước! Tôi gọi anh dậy để cho anh biết rằng ngay lập tức, anh phải rời khỏi lãnh địa của bá tước.
- Trò hề ấy đủ rồi đấy! - K. nói giọng nhẹ nhàng một cách bất ngờ, rồi chàng nằm xuống, kéo chăn lên đắp. - Anh quá hống hách đấy, anh bạn trẻ ạ. Ngày mai chúng ta sẽ nói chuyện về cách xử sự của anh bạn. Chủ quán và các ngài đây sẽ là nhân chứng, nếu tôi cần đến. Anh bạn hãy biết rằng tôi là người đạc điền mà ngài bá tước mời đến. Các phụ tá của tôi sẽ đến sau bằng ôtô cùng với những dụng cụ đo đạc, riêng tôi thích đi bộ trên tuyết, chỉ tiếc là mấy lần bị lạc nên mới đến muộn thế này. Tôi tự biết là lúc này không thể đến trình diện ở Lâu đài, anh lên lớp tôi là thừa. Tôi phải nghỉ lại ở cái nơi mà nói một cách nhẹ nhàng, anh đã phá rối sự yên tĩnh của tôi một cách bất nhã. Xin được kết thúc sự giải thích của tôi ở đây, chúc các vị ngủ ngon.
Nói xong K. quay mặt về phía lò sưởi.
- Người đạc điền à? — chàng nghe sau lưng có tiếng hỏi ngập ngừng, rồi tất cả im lặng. Gã trẻ tuổi nhanh chóng trấn tĩnh lại, và như thể quan tâm tới giấc ngủ của K., gã nói với chủ quán một cách nhỏ nhẹ nhưng rõ ràng từng tiếng:
- Tôi hỏi qua điện thoại vậy
Vậy ra trong quán trọ của làng này cũng có điện thoại ư? Họ được trang bị ghê thật. Tuy K. có hơi ngạc nhiên nhưng nói chung chàng cũng không quan tâm lắm. Hóa ra điện thoại treo gần như ở phía trên đầu chàng, nhưng do buồn ngủ nên K. đã không nhìn thấy. Nếu gã trẻ tuổi gọi điện thoại thì dù có giữ ý mấy vẫn phải quấy rầy giấc ngủ của K. Vấn đề bây giờ là K. có để cho gã gọi điện thoại không? Chàng quyết định cứ để gã gọi. Nếu vậy thì việc chàng tiếp tục giả vờ ngủ không còn ý nghĩa gì nữa, nên K. lại nằm ngửa ra. Chàng thấy những người nông dân chụm đầu lại, thì thầm. Phải rồi, việc một người đạc điền đến làng có phải là chuyện thường ngày đâu. Cánh cửa nhà bếp bỗng mở ra, bà vợ chủ quán xuất hiện với tấm thân đẫy đà, to lớn choán hết khung cửa. Anh chồng liền nhón chân đến thông báo cho bà vợ về sự việc vừa xảy ra. Gã trẻ tuổi bắt đầu gọi điện thoại. Quan phòng thành của Lâu đài đã ngủ, nhưng một trong số những người giúp việc quan phòng thành, ngài Fritz, đang thức. Gã trẻ tuổi xưng tên là Schwarzer và thuật lại việc gã gặp K., một người đàn ông trạc độ ba mươi tuổi, ăn mặc khá tồi tàn, đang ngủ ngon lành trên nệm rơm, đầu gối lên cái ba lô nhỏ, một cây gậy gỗ đặt bên cạnh. Tất nhiên gã nghi ngờ con người này, và vì chủ quán đã quên mất trách nhiệm của mình, nên gã, Schwarzer, phải kiểm tra sự việc đến nơi đến chốn, nhưng K. tỏ ra bực tức vì bị đánh thức và bị dọa sẽ phải ra khỏi lãnh địa của bá tước. Có thể là K. đúng, vì đã quả quyết mình là người đạc điền được ngài bá tước mời đến đây. Tất nhiên ít ra thì cũng phải có trách nhiệm xem xét lại lời quả quyết đó của K. theo thủ tục, vì vậy Schwarzer đề nghị ngài Fritz làm ơn hỏi lại văn phòng trung tâm là có thật họ đang đợi một nhà đạc điền như thế này không và xin trả lời ngay bằng điện thoại.
Lại yên lặng. Ngài Fritz đang kiểm tra sự việc ở trên đó, còn ở đây, mọi người đợi trả lời. K. vẫn nằm bất động như cũ, mắt nhìn ra trước mặt, không lộ vẻ tò mò. Qua câu chuyện của Schwarzer, thái độ ác cm và thận trọng của gã, chàng có thể nhận thấy trong Lâu đài thậm chí cả những người cấp thấp như Schwarzer cũng ít nhiều được huấn luyện về phép ngoại giao. Người ta không lười biếng, ở văn phòng trung tâm vẫn có người trực lúc nửa đêm, và rõ ràng họ làm việc khẩn trương, bởi vì Fritz đã lên tiếng. Câu trả lời chắc là rất ngắn gọn, ngay lập tức Schwarzer bực bội dập ống nói xuống:
- Tôi đã bảo mà. - gã hét lên - Anh ta không phải là nhà đạc điền nào cả, mà chỉ là kẻ bịp bợm, một gã lang thang nếu không phải là xấu hơn thế.
Ngay lúc đó K. sợ Schwarzer, những người nông dân cùng chủ quán và vợ lao vào chàng, vì thế để ít ra cũng tránh được đòn tấn công đầu tiên, chàng vội chui hẳn vào chăn. Lại có tiếng chuông điện thoại, tiếng chuông réo to một cách đặc biệt đối với K. Chàng lại thận trọng thò đầu ra. Mặc dù không ai biết chắc chắn cú điện thoại này liên quan đến K. mọi người đều đứng sững lại, còn Schwarzer thì đi đến chỗ để máy. Gã nghe một lúc lâu rồi khẽ lên tiếng:
- Nghĩa là nhầm ạ? Thật là khó xử cho tôi. Ngài chánh văn phòng ấy à? Thật là lạ lùng. Tôi phải giải thích sao đây cho ngài đạc điền?
K. chăm chú lắng nghe. Nghĩa là Lâu đài đã khẳng định chàng là người đạc điền. Việc này một mặt bất lợi cho chàng, vì nó chúng tỏ Lâu đài đã biết hết về chàng, họ đã nhận ra tương quan lực lượng và mỉm cười chấp nhận cuộc chiến: mặt khác, nó cũng có lợi vì qua đó chàng rút ra được kết luận là người ta đã coi thường mình nên chàng sẽ tự do hơn so với lúc đầu chàng hy vọng. Còn nếu họ tưởng bằng việc nghiễm nhiên thừa nhận chàng là người đạc điền có thể làm cho chàng sợ thì họ đã nhầm: chàng chỉ hơi chờn chợn một chút, tất cả chỉ có thế!
K. quay người tránh đi khi Schwarzer rụt rè đi đến bên chàng. Người ta thuyết phục chàng chuyển sang phòng chủ quán, nhưng K. không chịu, chỉ uống một ngụm nước làm cho dễ ngủ mà người chủ quán đưa, rồi đón lấy chậu rửa cùng xà phòng và khăn mặt từ tay vợ người chủ quán. Chàng cũng không cần phải đề nghị họ giải tán, vì mọi người đã ra ngoài, mặt cúi gằm xuống để sáng hôm sau chàng không nhận ra. Đèn tắt, cuối cùng thì sự yên tĩnh đã đến. K. ngủ thiếp đi cho đến sáng, chỉ một hai lần có con chuột cống đến quấy rầy giấc ngủ của chàng.
Sau bữa ăn sáng mà theo lời người chủ quán thì Lâu đài sẽ thanh toán tất cả. K. muốn đi vào làng ngay. Chủ quán, người mà cho đến lúc ấy chàng chỉ trao đổi vài lời xã giao cần thiết do sự đối xử của anh ta hôm qua, cứ quanh quẩn bên chàng đến nỗi cuối cùng thương tình chàng đã bảo ngồi xuống cạnh mình.
- Tôi chưa quen ngài bá tước, - K. nói. - Người ta bảo nếu làm việc tốt thì được trả tiền cao, có đúng thế không? Con người ta nếu xa gia đình, vợ con tha phương cầu thực thì ít ra cũng muốn mang về nhà được một cái gì đó.
- Về việc ấy xin ngài đừng lo, tôi chưa nghe nói có ai than phiền là họ trả tiền ít.
- Tôi cũng không phải là người nhút nhát đâu. - K. nói, - tôi có thể phát biểu thẳng ý kiến mình với chính ngài bá tước. Nhưng tất nhiên tốt nhất là chúng ta sống yên ổn với các vị đó.
Chủ quán ngồi đối diện với K. trên mép cửa sổ mà không dám chuyển chỗ ngồi cho thoái mái hơn. Suốt thời gian đó anh ta chỉ chăm chú nhìn chàng với đôi mắt to, màu nâu đầy vẻ lo lắng. Và mặc dù trước đó anh ta cứ quanh quẩn bên chàng, bây giờ lại như thể muốn bỏ chạy. Anh ta sợ chàng hỏi về ngài bá tước chăng? Hay là anh ta sợ K. là một "ông lớn" không đáng tin cậy? K. nghĩ tốt nhất là nói tránh sang việc khác. Chàng nhìn đồng hồ rồi nói:
- Không lâu nữa những người phụ việc của tôi sẽ đến, anh có thể sắp xếp nghỉ cho họ được không?
- Tất nhiên, thưa ông! - anh ta trả lời. - Thế họ không ở với ông trong Lâu đài à?
Anh ta dễ dàng từ chối khách như thế đấy, nhất là với K., bằng mọi giá anh ta muốn chuyển chàng vào Lâu đài hay sao?
- Điều đó còn chưa chắc chắn, - K. nói, - trước hết tôi cần phải biết công việc ra sao. Nếu cần phải làm việc ở đây thì hợp lý nhất là tôi sống ở dưới này. Tôi e rằng cuộc sống ở trên Lâu đài không thích hợp với tôi. Tôi luôn muốn được tự do.
- Ông chưa biết Lâu đài rồi, - chủ quán nói nhỏ.
- Tất nhiên không nên nói mò, — K. nói. - Tôi chỉ biết ở Lâu đài người ta hiểu cần phải chọn một nhà đạc điền như thế nào cho mình. Nhưng chắc là họ còn có những ưu điểm khác nữa.
Chàng đứng dậy để giải thoát cho người chủ quán đang bặm môi, bồn chồn lo lắng. Thật là không dễ gì làm cho con người này tin được.
Một bức chân dung sẫm màu viền khung đen ở trên tường đập vào mắt K. khi chàng bước ra cửa. Chàng đã thấy nó từ chỗ nằm hôm qua, nhưng vì ở xa chàng không nhận ra bức ảnh, cứ tưởng người ta đã lấy ảnh đi rồi, không có gì ở đó nữa mà chỉ nhìn thấy mặt sau của bìa giấy còn lại. Bây giờ chàng mới rõ đó là bức ảnh chụp nửa thân của một người đàn ông trạc độ năm mươi tuổi. Đầu ông ta trễ cúi thấp xuống ngực như thể cái trán to, nặng và cái mũi khoằm nhọn đã kéo đầu ông ta xuống. Do tư thế của cái đầu, bộ râu quai nón trên cằm bị ấn dẹt vào, tòe ra mềm mại. Tay trái của ông ta luồn sâu hết mức vào bộ tóc dày, nhưng không thể nào lôi cái đầu lên cao hơn.
- Ai đây? - K. hỏi - Có phải bá tước không?
Chàng đứng trước bức ảnh, không quay về phía người chủ quán.
- Không phải, - người chủ quán trả lời, - đây là quan phòng thành.
- Đúng là các ông có vị quan phòng thành đẹp mã ở Lâu đài, - K. nói. - Tiếc là con trai ngài không được như thế.
Không phải đâu, - chủ quan nói rồi kéo K lại gần hơn thì thầm vào tai chàng. - Schwarzer hôm qua nói quá lên đấy, bố anh ta chỉ là người giúp việc quan phòng thành thôi, ông ta cũng chỉ là một một người hạng bét trong số đó.
K. cảm thấy vào giây phút ấy, chủ quán hệt như một đứa trẻ vậy.
- Ồ, một kẻ láo lếu! - chàng cười, nói.
Nhưng chủ quán không cười theo chàng mà nói:
- Tuy vậy, bố anh ta cũng là người có quyền thế lắm.
- Thôi đi! - K nói. - Đối với anh tất cả mọi người đều có quyền thế. Tôi cũng là người như thế chắc?
- Không, - chủ quán trả lời rụt rè nhưng nghiêm chỉnh. - Tôi không xem ông là người có quyền thế.
- Tôi thấy anh có đôi mắt tinh tường đấy. - K. nói, - Nói để chúng ta biết với nhau, quả thật tôi không phải là người có quyền thế, vì thế tôi cũng nể sợ quyền lực, có điều tôi không thành thật như anh và không phải lúc nào tôi cũng thừa nhận điều đó.
Nói rồi K. vỗ vỗ vào má người chủ quán một cách an ủi, để khơi thêm trong anh ta một chút nhiệt tình với chàng. Thấy thế cũng mỉm cười. Với khuôn mặt mềm mại, gần như không có râu, quả thật trông anh ta như một cậu bé. Nhưng làm sao anh ta lại lấy phải một cô vợ đẫy đà đứng tuổi như vậy? Qua ô cửa sổ trên tường, chàng trông thấy chị ta đang chống khuỷu tay mải miết với công việc trong nhà bếp. Nhưng K. không muốn gạn hỏi về việc đó, sợ làm biến mất nụ cười thật khó khăn lắm mới hiện lên trên gương mặt anh ta. K. ra hiệu cho chủ quán mở cửa rồi chàng bước ra giữa buổi sáng mùa đông đẹp trời.
Lúc này, trong không khí tróng lành rực rỡ ánh sáng, chàng nhìn thấy Lâu đài ở trên cao, đã được lớp tuyết mỏng phủ lên toàn phần làm hiện rỏ hơn những đường nét của nó. Trên đó hình như có ít tuyết hơn ở dưới làng, nơi chàng phải bước đi thật khó khăn chẳng kém gì hôm qua ở ngoài đường quốc lộ. Ở dưới này tuyết ngập đến cửa sổ của những ngôi nhà nhỏ, treo thành từng khối từ trên các mái nhà đến mức gần như rủ xuống đến mép cửa sổ, còn ở trên núi thì tất cả đều vươn lên cao một cách tự do dễ dàng. Ít ra thì ở dưới này thấy như vậy.
Nhìn từ xa, Lâu đài nói chung đúng như K. chờ đợi. Không có vẻ cổ kính, không có cung điện ngụy nga, tráng lệ. Lâu đài chỉ là quần thể những ngôi nhà hợp thành. Có vài ngôi nhà hai tầng, còn lại là nhiều nhà thấp nằm ngổn ngang, ai không biêt đấy là Lâu đài thì cứ tưởng là một thị trấn nào đó. K chỉ thấy một tháp chuông, nhưng không thể nhận ra đó là tháp chuông nhà thờ hay của nhà ở. Những con quạ đang lượn quanh đó.
K. tiếp tục đi, mắt dán vào Lâu đài, không để tâm đến việc gì khác. Nhưng càng đến gần, chàng lại càng cảm thấy thất vọng: Lâu đài này trong thực tế chỉ là một thị trấn thảm hại; những ngôi nhà ở đây chỉ khác những căn nhà gỗ làng quê là được xây bằng đá, nhưng lớp vữa trên tường đã tróc từ lâu, và hình như đá cũng đã lở vụn dần ra. K. thoáng nhớ tới thị trấn quê hương của chàng: nó cũng không chút thua kém cái gọi là Lâu đài này. Nếu K. đến đây chỉ là để thấy những thứ này thì thật uổng cho cuộc hành trình dài vừa qua. Thông minh hơn nếu chàng đã về quê cũ, lần cuối cùng chàng thm quê đã lâu rồi. Và chàng thầm so sánh gác chuông nhà thờ ở nhà với gác chuông ở trên này. Cái gác chuông đó, với mái ngói rộng, màu đỏ, thẳng như mũi tên vươn lên một cách quả quyết, càng lên cao càng hẹp dần rồi mất hút trong khoảng không. Không nghi ngờ gì nữa, đó là ngôi nhà trần thế - chúng ta có thể xây gì khác hơn - nhưng với mục đích cao hơn những ngôi nhà thấp bé ở phía dưới nó, và với ý nghĩa trong sáng hơn ý nghĩa vẩn đục đời thường. Còn ở đây, gác chuông này có lẽ là của ngôi nhà chính, để ở, một công trình tròn trịa, đơn điệu, và sự đơn điệu của nó phần nào đươc cây dây leo che lấp. Những tấm cửa sổ nhỏ giờ đây lấp lánh dưới mặt trời, - có cái gì ngớ ngẩn toát ra từ sự lấp lánh đó,- trên phần mái đua được tạo thành của gác chuông là những hình trang trí đứt đoạn, lộn xộn và rời rạc hiện lên giữa trời xanh như thể chúng được khắc lên đó bởi bàn tay hoảng hốt, cẩu thả của trẻ con. Cái gác chuông giống như một người có tâm tính chán chường, sống ru rú trong phòng ở nơi cuối cùng nhất của ngôi nhà, bỗng phá mái, nhô lên cao cho cả thế giới biết.
K. lại dừng lại, cứ như là khi đứng yên chàng nhận xét các sự việc tốt hơn vậy. Nhưng người ta đã quấy rầy chàng. Chàng đang đứng trước ngôi nhà thờ của làng, thực ra đây chỉ là một điếm canh nhỏ được xây phụ thêm một gian nhà kho để có đủ chỗ cho các tín đồ. Đằng sau nó là trường học. Một ngôi nhà dài, thấp, đứng vô công rồi nghề một cách đặc biệt, trong một cái vườn có hàng rào bao quanh, phủ đầy tuyết, nó vừa gợi lên không khí cổ xưa, lại vừa có gì như tạm bợ. Vừa lúc đó những đứa trẻ đi ra cùng với thầy giáo, chúng túm tụm quạnh thầy, mắt dán vào anh ta, miệng huyên thuyên không nghỉ. Bọn trẻ nói nhanh nên K. không hiểu gì cả. Thầy giáo là một người nhỏ bé, vai hẹp, dáng đứng thật thẳng, mặc dù vậy anh ta không đến nỗi buồn cười. Người đàn ông trẻ tuổi, tự cao này từ xa đã chăm chú để ý tới K., sinh linh duy nhất ngoài bọn trẻ. Như người từ xa đến, K. chào con người bé nhỏ quen ra lệnh này trước.
- Chào thầy giáo,- K. nói.
Bọn trẻ sự im lặng đột ngột như chờ đợi lời thầy giáo chắc là đã làm cho anh ta thích thú.
- Anh ngắm Lâu đài à? - thầy giáo hỏi một cách nhã nhặn hơn là K. tưởng, nhưng với giọng như thể không tán thành việc chàng làm.
- Vâng, - K. trả lời. - tôi là người lạ ở đây, tôi mới đến hôm qua.
- Anh không thích Lâu đài à? - thầy giáo hỏi nhanh.
- Sao cơ? - K. hỏi hơi ngạc nhiên, rồi chàng nhắc lại câu hỏi một cách nhẹ nhàng hơn: - Tôi có thích Lâu đài không ư? Vì sao anh nghĩ là tôi không thích nhỉ?
- Những người lạ không bao giờ thích, - thầy giáo trả lời.
Để khỏi phải nói điều không đúng chỗ, K. nói lảng sang chuyện khác.
- Chắc là anh quen ngài bá tước? - chàng hỏi.
- Không,- thầy giáo trả lời và định bước đi, nhưng K. không chịu thôi, chàng hỏi lại:
- Sao, anh không quen bá tước à?
- Làm sao tôi có thể quen ông ta được? - thầy giáo nói nhỏ, rồi anh ta nói thêm bằng tiếng Pháp, giọng to hơn. - Anh hãy thận trọng hơn trước mặt những đứa trẻ vô tội này.
Nghe thế K. cảm thấy mình có thể đặt câu hỏi:
- Tôi có thể đến thăm anh được không, thầy giáo? Tôi sẽ ở lại đây lâu, vậy mà bây giờ đã cảm thấy mình bị bỏ rơi, tôi không thuộc về những người nông dân, cũng không thuộc về Lâu đài.
- Giữa nông dân và Lâu đài không có sự khác biệt lớn, - thầy giáo nói.
- Có thể, - K. nói, - nhưng điều đó không làm thay đổi gì được tình thế của tôi. Tôi có thể đến thăm anh chứ?
- Tôi ở phố Thiên Nga, cạnh nhà bán thịt.
Như vậy là anh ta đã không mời chàng, chỉ thông báo địa chỉ, thế nhưng K. vẫn nói:
- Được rồi, tôi sẽ tìm anh.
Thầy giáo khẽ gật đầu và đi cùng với đội quân tí hon đang ầm ĩ trở lại. Họ nhanh chóng biến mất ở con đường dốc.
K. lúng túng. Cuộc nói chuyện đã làm chàng bực mình. Từ khi lên đường, đây là lần đầu tiên chàng cảm thấy mệt thật sự. Con đường dài tới đây, qua bao ngày, từng bước chàng đã vượt qua yên ổn. Vậy mà giờ đây, thật là không đúng lúc, xuất hiện những hậu quả khó chịu vô cùng, ngoài ý muốn. Chàng không cưỡng lại được lòng mong muốn có những mối quen biết mới, nhưng những quan hệ mới lại làm chàng mệt mỏi. Nếu trong trạng thái này mà cố bình tâm lại và đi dạo cho đến cổng tòa Lâu đài thì cũng đã là quá đủ.
Chàng tiếp tục đi về phía trước, nhưng đường còn rất dài. Hóa ra con đường chính của làng lại không dẫn lên quả đồi có Lâu đài, mà chỉ dẫn đến gần đó, rồi như cố ý, nó rẽ ngang, không bỏ xa Lâu đài mà cũng không dẫn đến gần. K. nóng lòng mong sao con đường sẽ hướng về phía Lâu đài, vì thế chàng tiếp tục đi. Chắc chắn do đã mệt nên chàng không muốn tránh con đường đó, nhưng chàng hết sức ngạc nhiên thấy cái làng này mới dài làm sao, đi mãi cũng không hết. Những ngôi nhà nhỏ nối đuôi nhau vô tận với những con mắt cửa sổ đã bị đóng băng. Khắp nơi đều có tuyết, nhưng không ở đâu có một bóng người. K. đành rời con đường hấp dẫn đó, rẽ vào một cái ngõ hẹp, ở đây tuyết phủ dầy hơn. Chân ngập trong tuyết nên mỗi bước đi đều làm chàng mệt mỏi, ê chề. Mồ hôi vã ra, chàng bỗng dừng lại, không thể đi tiếp tục.
Dù sao chàng vẫn không đơn độc: bên phải, bên trái đều có những ngôi nhà của nông dân. Chàng vốc một nắm tuyết rồi ném vào ô cửa sổ gần đấy. Lập tức một cánh cửa mở ra, - đây là cánh cửa đầu tiên mở ra kể từ khi chàng lang thang trong làng, - và một ông lão nông dân đứng ở đó, mình mặc chiếc áo chẽn lông thú, đầu nghiêng nghiêng lắc lư một cách yếu ớt và thân mật.
- Tôi có thể vào chỗ các bác một lúc được không? - K. nói, - tôi mệt lắm.
Chàng không nghe thấy ông lão nông dân trả lời, nhưng với lòng biết ơn, chàng nhìn thấy ông ta lấy một tấm ván ra lót để chàng có thể thoát ra khỏi lớp tuyết dày và chỉ sau vài bước đã có mặt ở trong phòng.
Căn phòng lớn, tranh tối tranh sáng: người ở ngoài vào không nhìn thấy gì hết. K. vấp phải cái chậu giặt, một bàn tay phụ nữ kéo chàng trở lại. Từ một góc phòng vẳng đến tiếng trẻ con, ở góc khác có hơi nước bốc lên, và căn phòng tranh tối tranh sáng trở nên tối hẳn. K. như đứng trong đám mây.
- Anh ta say rượu, - có ai đó nói.
- Anh là ai? - một giọng kẻ cả hỏi chàng rồi quát ông lão: - Tại sao lại để hắn vào? Ông tưởng có thể cho tất cả bọn lang thang ngoài đường vào nhà hay sao?
- Tôi là người đạc điền của ngài bá tước. - K. nói như muốn thanh minh trước người hỏi chưa rõ mặt.
- Ồ, người đạc điền! - một giọng phụ nữ cất lên, sau đó là sự im lặng bao tr
- Mọi người biết tôi chứ? - K. hỏi.
- Sao lại không, - vẫn là giọng nói cộc lốc đó.
Xem ra thì việc người ta biết chàng không phải là lá thư bảo đảm lúc này.
Cuối cùng hơi nước đã tan đi một ít, và K. bắt đầu định hướng được. Đường như hôm nay là ngày tắm giặt của họ. Cạnh cửa người ta giặt đồ lót. Hơi nước bốc lên từ cuối góc phòng, nơi đó trong một cái thùng to mà K. chưa từng thấy bao giờ trong đời, - to như một cái giường đôi - hai người đàn ông đang tắm, hơi nước mù mịt. Nhưng bất ngờ nhất là góc phòng bên phải, mặc dù không thể biết chính xác là có cái gì bất ngờ nơi đó. Qua một cái lỗ lớn, duy nhất, trên tường phía sau của căn phòng, từ ngoài sân trăng bàng bạc chiếu lên quần áo của một người phụ nữ thứ ánh sáng mượt mà. Nàng đang nằm uể oải thì đúng hơn là ngồi trong một chiếc ghế bành cao, ôm đứa trẻ sơ sinh trên ngực. Xung quanh nàng là mấy đứa trẻ đang chơi, chúng là những đứa trẻ con nông dân; nhưng nàng thì dường như không phải là nông dân. Tuy nhiên cũng có thể sự mệt mỏi và bệnh tật làm cho người nông dân trở nên yểu điệu hơn.
- Mời anh ngồi! - một người đàn ông nói, anh ta có bộ râu quai nón, thêm vào đó là bộ ria mép cá trê và dưới nó là cái miệng luôn mở ra, phì phò. Bằng một cái vung tay kỳ cục, anh ta chỉ vào một cái hòm nằm trên chiếc thùng vắt sữa làm nước ấm bắn tung tóe lên mặt K.. Trên cái hòm đó đã có ông lão, người cho K. vào lúc nãy, đang ngồi trầm ngâm. K. thích thú vì rốt cuộc chàng có thể ngồi xuống. Từ lúc đó người ta không để ý đến chàng nữa. Cạnh cái chậu giặt, một thiếu phụ có mái tóc dày, màu vàng vừa se sẽ hát vừa làm việc, còn trong thùng tắm là hai người đàn ông đang cười nói huyên thuyên, chân tay vùng vẫy. Thỉnh thoảng bọn trẻ thận trọng đến gần họ nhưng đều bị họ, không nể mặt K., quẫy cho nước bắn tung tóe, đuổi đi. Trên chiếc ghế bành người đàn bà nằm bất động, khôngđến đứa trẻ sơ sinh, nàng chỉ đăm đắm nhìn vào đâu đó, ở trên cao. K. nhìn hồi lâu cảnh tượng đẹp và buồn đó, rồi có thể chàng đã ngủ, vì khi choàng tỉnh dậy bởi một giọng nói oang oang, chàng thấy đầu mình ngả vào vai ông lão ngồi cạnh. Hai người đàn ông đã tắm xong, họ đã mặc quần áo và đứng trước mặt K., còn bọn trẻ thì đùa giỡn trong thùng nước bên cạnh thiếu phụ tóc vàng đang ngồi trông. Té ra, cái gã to giọng, có râu quai nón lại là người ít quan trọng trong bọn họ. Người đàn ông khác cũng cao như gã có râu quai nón, nhưng ít râu hơn nhiều, là một người trầm tĩnh, chậm rãi, to ngang, mặt rộng, lưỡng quyền nhô cao.
- Ngài đạc điền à, - gã nói, - ngài không thể ở đây được, xin lỗi ngài về sự bất nhã.
- Tôi cũng không muốn ở đây, - K. nói. - Tôi chỉ muốn nghỉ ngơi một lúc. Và tôi được nghỉ rồi, bây giờ tôi đi đây.
- Chắc là ngài ngạc nhiên vì chúng tôi không hiếu khách, - gã nói tiếp, - nhưng hiếu khách không phải là mốt ở đây, chúng tôi không cần khách.
K. sảng khoái hơn tí chút nhờ giấc ngủ, chàng lấy làm mừng trước lời nói thẳng thắn. Chàng cử động thoải mái hơn, chống gậy đi lại trong phòng, thậm chí còn đến gần chỗ người đàn bà ngồi trong chiếc ghế bành, cảm thấy mình cao hơn tất cả mọi người.
- Phải rồi, - K. nói, - các anh cần gì khách. Nhưng dù sao thỉnh thoảng cũng cần đến một người đạc điền như tôi đây.
- Điều đó tôi không biết, - người đàn ông nói chậm rãi - Nếu người ta mời ngài đến thì hẳn là cần, chắc chắn đây là trường hợp ngoại lệ. Nhưng chúng tôi là những kẻ thấp cổ bé họng, phải giữ đúng nguyên tắc, ngài không nên khó chịu với chúng tôi
- Không, không, - K. nói, - Tôi mang ơnà tất cả mọi người ở đây thì đúng hơn.
Và thật hoàn toàn bất ngờ đối với họ, K. nhảy một cái, và chàng đã đến trước mặt người đàn bà trong ghế bành. Nàng đưa mắt mệt mỏi nhìn, K., chiếc khăn quàng bằng lụa mỏng trùm đến giữa trán, trên ngực nàng là đứa trẻ sơ sinh đang ngủ.
- Cô là ai? - K. hỏi.
- Một cô gái đến từ Lâu đài, - nàng trả lời cộc lốc, không thể hiểu là sự miệt thị này dành cho K. hay cho chính câu trả lời của nàng.
Tất cả chỉ xảy ra trong chốc lát, hai người đàn ông túm lấy K. và dường như không thể giải thích được bằng lời nói, họ lặng lẽ lấy hết sức lôi chàng ra cửa. Trong khi đó, ông lão không hiểu vui mừng vì điều gì đó, vỗ hai tay vào nhau. Người đàn bà đang giặt cũng cười bên cạnh những đứa trẻ bỗng nhiên làm ầm ĩ cả lên.
K. đã ở ngoài đường, hai người đàn ông theo dõi chàng từ bậu cửa. Tuyết lại rơi, dường như trời sáng hơn chút ít. Gã có râu quai nón kêu lên, vẻ sốt ruột:
- Ngài định đi đâu? Đường vào Lâu đài đi lối này kia mà, còn lối kia dẫn vào làng.
K. không trả lời gã, mà lại hỏi người đàn ông bên cạnh người này có vẻ thân thiện hơn, mặc dù ít nói.
- Các anh là ai? Tôi phải cảm ơn ai về việc tôi đã được nghỉ ở đây?
- Tôi là Laseman, thợ thuộc da, - gã trả lời, - ngài không cần phải cảm ơn ai về việc gì cả.
- Được rồi, - K. nói, — chắc là chúng ta còn gặp
- Tôi không tin, - người đàn ông nói.
Ngay lúc đó, gã rậm râu giơ tay lên và bắt đầu gào to:
- Chào Artúr! Chào Jeremiás.
K. quay lại: vậy là ở trong làng này vẫn có người đi lại ngoài đường! Có hai người trẻ tuổi từ phía Lâu đài đang đi đến gần. Ca hai dáng người tầm thước, cân đối, họ đều mặc quần áo bó sát người, khuôn mặt cùng rất giống nhau. Và mặc dù da mặt họ màu nâu sẫm nhưng bộ râu nhọn của họ đen đến mức vẫn nổi lên tương phản trên khuôn mặt họ. Hai người đi nhanh một cách không ngờ ngay trên con đường khó đi, chân họ rảo bước cùng một nhịp.
- Đi đâu, đi đâu đấy? - gã rậm râu lớn tiếng hỏi. Chỉ có gào lên thì mới bắt chuyện được với họ, họ đi nhanh, không dừng chân một giây nào.
- Chúng tôi có việc! - họ cười, gào lên đáp lại.
- Ở đâu?
- Ở trong quán trọ!
- Tôi cũng đi đến đó! - K. hét lên quá đột ngột.
K. rất muốn hai người kia đưa chàng đi cùng, dù không chờ đợi gì nhiều ở sự quen biết nhưng chắc họ là những người đồng hành tốt đầy sảng khoái. Họ đã nghe thấy tiếng chàng, nhưng chỉ kịp gật đầu thì đã đi xa.
K. vẫn còn đứng trong tuyết, chàng không thấy hứng thú gì rút chân lên, để chỉ liền ngay đó lại dẫm sâu vào lớp tuyết. Gã làm nghề thuộc da cùng với bạn, sau khi đã đuổi được K. ra khỏi nhà, vừa lui vào nhà qua cánh cửa hé mở, vừa đưa mắt theo dõi chàng K. còn lại một mình trên tuyết. "Một dịp để thất vọng, - chàng nghĩ, - nếu ta đứng đây do tình cờ chứ không phải có chủ ý".
Lúc đó cánh cửa sổ bé tí của nhà bếp bên phía tay trái mở ra. Ô cửa này khi đóng, có lẽ do ánh tuyết, như có màu xanh thẫm, nó nhỏ đến mức giờ đây khi được mở ra vẫn không thấy rõ cả khuôn mặt người đang nhìn ra từ đó, mà chỉ mỗi đôi mắt màu nâu và già nua.
- Anh ta đứng kia, - K. nghe một giọng phụ nữ.
- Người đạc điền, - giọng đàn ông nói.
Rồi người đàn ông bước lại gần cửa sổ, hỏi chàng một cách không hẳn là bất nhã, nhưng dường như mối quan tâm chính của ông ta là trước nhà, ngoài ngõ mọi thứ đều phải có trật tự.
- Ông đợi ai?
- Tôi đợi xe trượt tuyết đưa đi, - K. đáp.
- Xe trượt tuyết không đi qua đây, - người đàn ông nói, - đường này không có xe đi.
- Vậy mà con đường này dẫn tới Lâu đài, - K. nhận
xét.
- Vô ích thôi, - người đàn ông nói vẻ quả quyết.
- Dù sao đường này cũng không có xe.
Cả hai cùng im lặng. Nhưng người đàn ông có vẻ như đang toan tính điều gì trong đầu, vì ông ta vẫn để mở ô cửa sổ có hơi nước đang tỏa ra.
- Con đường xấu quá, - K. nói để tiếp tục câu chuyện.
Nhưng người đó chỉ nói:
- Phải.
Thế rồi sau một lúc im lặng, ông ta nói thêm:
- Nếu ông muốn, tôi đưa ông đi bằng xe ngựa của tôi.
- Việc đó thật là tốt, - K. phấn khởi nói. Ông lấy bao nhiêu tiền?
- Không lấy gì cả, - ông ta nói.
K. ngạc nhiên.
- Ông là người đạc điền của Lâu đài mà, - người đàn ông giải thích. - Ông muốn đi đâu?
- Tôi muốn đến Lâu đài, - K. đáp
- Thế thì tôi không đi, - người đàn ông nói ngay.
- Nhưng tôi thuộc về Lâu đài, - K. nhắc lại lời của ông ta.
Như thế tôi cũng không đi, - người đó nói giọng phản đối.
- Vậy ông đưa tôi đến quán trọ! - K. nói.
- Thế thì được, - người đó nói. - tôi sẽ đưa xe trượt tuyết ra ngay.
Tất cả những việc này hoàn toàn không thể hiện sự thiện chí mà hầu như chỉ là sự cố gắng ích kỷ và hoảng hốt nhằm tống khứ K. đi cho khuất mắt.
Cổng sân mở ra, chiếc xe trượt tuyết nhỏ và thấ để chở hàng nhẹ xuất hiện. Chiếc xe không có chỗ ngồi nào, do một con ngựa ốm yếu kéo, chủ xe nghiêng ngả đi sau, dáng người lom khom, xiêu vẹo. Khuôn mặt không cân đối, gầy gò, ửng đỏ của ông ta trông càng nhỏ bé hơn bởi chiếc khăn len quấn chặt trên đầu. Nhìn là biết ngay ông ta đang ốm, ông ta ra đường chỉ là để đưa K đi. K. nói điều gì đó với ông ta, nhưng ông ta chỉ phẩy tay. Tên ông ta là Gerstäcker, làm nghề đánh xe ngựa, đấy là tất cả những gì mà K. biết được. Ông ta mang cái xe, trượt tuyết tồi tàn này đến là vì nó có sẵn, nếu ông ta muốn kéo một chiếc xe khác thì phải mất nhiều thời gian.
- Mời ông ngồi lên, - ông ta nói và dùng roi da chỉ vào chỗ cuối của chiếc xe,trượt tuyết.
- Tôi sẽ ngồi cạnh ông, - K. nói.
- Tôi đi bộ, - Gerstäcker đáp.
- Tại sao? - K. hỏi.
- Tôi đi bộ, - Gerstäcker nhắc lại; và cơn ho đã làm cho người ông ta rung lên, phải chôn chân trong tuyết, tay bám vào thành xe. K không nài nỉ nữa, chàng ngồi lên cuối xe. Cơn ho ngớt dần và họ xuất phát.
Ở phía tòa Lâu đài mà K. muốn đến ngày hôm đó, trời đã tối một cách lạ lùng, và nó mỗi lúc một lùi xa. Nhưng dường như muốn tỏ dấu hiệu gì đó để tạm biệt chàng, tiếng chuông đổ từng hồi trầm âm vang xa một cách vui vẻ. Và trong chốc lát nó làm cho trái tim chàng run rẩy như thể được thực hiện điều gì đó mà chàng khao khát. Tiếng chuông như đe dọa vì nó cũng vang lên đau đớn. Nhưng rồi hồi chuông lớn đã nhanh chóng im lặng, thay vào đó là những tiếng chuông yếu ớt vang lên lay lắt, có lẽ ở cả trên đồi lẫn dưới làng.
Tiếng chuông đều đều này thích hợp hơn với cuộc hành trình chậm chạp và với người đánh xe rầu rĩ nhưng khó tính
- Này ông! - K. đột ngột kêu lên khi họ đang đến gần nhà thờ, đường đến quán trọ cũng không xa nữa, K. đã có thể đánh bạo hỏi vài điều. - Tôi lây làm lạ là ông dám chịu trách nhiệm chở tôi đi! Ông được phép làm việc này à?
Gerstäcker không để ý đến chàng, tiếp tục lê bước bên con ngựa của mình.
- Hê! - K. kêu to, chàng lây ít tuyết ở xe ném trúng vào tai Gerstäcker. Người đánh xẹ ngựa đứng lại và quay mặt về phía sau, nhưng giờ đây, khi K. trực tiếp nhìn thấy ông ta từ khoảng cách gần, vì chiếc xe vẫn tiếp tục trượt một đoạn ngắn, với dáng người lom khom, gần như khổ ải, khuôn mặt mệt mỏi, gày gò, đỏ gay không cân đối bởi một bên má phẳng phiu còn bên kia lõm vào cùng với cái miệng há ra trong đó chỉ còn vài chiếc răng cô đơn treo lủng lẳng thì với một sự cảm thông, chàng nhắc lại điều lúc nãy do ác ý chàng đã hỏi: rằng người ta không trừng phạt Gerstäcker tội chở chàng đi hay sao?
- Ông muốn gì? - Gerstăcker hỏi một cách khó hiểu, và không đợi giải thích gì thêm, ông ta quát ngựa, họ tiếp tục đi.