Số lần đọc/download: 6470 / 152
Cập nhật: 2015-09-11 11:51:22 +0700
Cuộc Ngoạn Du Ngắn Ngủi
M
ột ngày hè, trẻ con trong phường áo quần xúng xính, chất lên một cái xe khách liên tỉnh đi chơi. Vạ vật gần một tiếng đồng hồ ở trụ sở Ủy ban mới khởi hành được, trong khi các bậc phụ huynh ở nhà cứ yên trí rằng giờ này thằng bé hay con bé nhà mình đang lắc lư trên xe ngắm ruộng đồng, phố xá... Xe đi qua những đường phố quen, trẻ con mắt mở to trong sáng nhìn cảnh vật lạ, miệng hát đồng ca từ bài này sang bài khác. Vài người lớn đạp xe cạnh hông xe, nghe cả lũ ê a mà mỉm cười, mơ màng nghĩ lại rằng mình cũng có thời là trẻ con.
Xe vừa ra khỏi thành phố được mươi thước đã có tiếng rú: "Úi! Vào hết dép tao rồi!" Một đứa "báo cáo" trống không: "Ối!". Nạn nhân là một con bé chín, mười tuổi, tóc vàng hoe với một cái nơ rũ rượi. Có vẻ như sau khi ói hết nước thì cái nơ cũng héo đi. Các chị phụ trách hối hả tìm dầu. Cả một góc xe nồng nặc mùi khuynh diệp, mùi bạc hà, cù là... Rồi đám phụ nữ ấy, từ lớn chí bé lao vào chăm sóc cái kẻ thiêm thiếp kia bằng một vẻ chu đáo nhất, đầy nữ tính nhất như một cuộc trình diễn nghiệp vụ và người đứng ra chấm điểm không ai khác hơn là anh bí thư Đoàn phường có đôi mắt ướt át.
Xe đi ngang qua một quãng đất bao la, đỏ quạch, trên đó mọc vài bụi cây lạ mắt, một đứa bé gái nũng nịu hỏi anh bí thư: "Anh Thái! Cây gì kia?". Các chị thanh niên phường nhìn nó một cách khó chịu. Một chị mím môi nghiêm giọng: "Bỏ tay vào đi nha!" Đứa bé lụt cụt rút tay vào, ngượng nghịu nhìn quanh... Và anh bí thư sải bước như tài tử lên phía đầu xe, bắt nhịp một bài hát mới, trẻ con cả lũ lại ê a...
Tuyền ngồi ở băng ghế sau cùng, từ đầu đến cuối buổi không hát một bài nào, không chỉ đạo đứa bé nào: hai tay, một tay khư khư khép chặt hai mép giỏ mận, một tay ấn chặt nắp bình đá cứ chực tung ra. Anh bí thư ái ngại nhìn cô: "Cực quá, Tuyền bỏ giỏ mận lên nắp bình rồi giữ giỏ, vậy có hơn không!" Cô cười ngượng nghịu làm theo, thấy mình nãy giờ sao mà ngu độn, rồi nhìn anh trách móc: "Điên rồ! Sao không để đến nơi hãy mua đá!". Đến lượt anh lại ngẩn ra, nhìn khoảng sàn xe ướt lẹp nhẹp. Tiết kiệm những cái vô lý là tác phong chung của những người giữ công quỹ!
Xe dừng lại, trẻ con vẻ nôn nóng, lơ đễnh nghe những lời dặn dò: không được bơi, không đi xa... rồi nhảy ào ào xuống xe. Nhảy xuống xong lại đứng tại chỗ ngơ ngác giữa nắng và gió nhìn ra một vùng bao la núi và nước mà không biết nên đi đâu. Loan chỉ một sườn núi hét to: "Tập kết trên kia nha!". Cả bọn à à lê giỏ, dép đi theo. Vài con dê đứng ngơ ngác be be. Các chị phụ trách rúc vào nhau cười, mắt liếc anh bí thư không vẻ gì là ác ý. Trẻ con, có đứa vẫn đi cắt cỏ cho cái giống này ăn hàng ngày, giờ ngạc nhiên kêu lên: "Con dê!", có vẻ bất ngờ lắm vì gặp nó ở đây...
"Một ngày như mọi ngày..." Anh bí thư khe khẽ hát, rồi đứng dưới một cụm tàn trứng cá, dậm dậm chân mấy cái như thể thử xem đất đá ở đây có đủ chắc không, xong kêu lên: "Ở đây được rồi!" Trẻ con à xuống tấm ni lông trải rộng tranh nhau uống nước, rồi lại hối hả níu nhau theo con đường dốc ngược mình vừa bò lên để chạy xuống hồ nước mênh mông dưới chân núi. Còn lại các anh chị đoàn viên giữa một đống túi xách, Loan hỏi: "Ai giữ đồ?". Tuyền bảo: "Để đó, đi đâu thì đi đi!" Loan rất thanh lịch hỏi lại: "Bồ không xuống hồ chơi sao?", rồi kín đáo liếc anh bí thư đang đánh vật với cái vòi bình đá tự nhiên cứ chảy ồ ồ... Tuyền bảo: "Tôi xuống hồ chơi, bồ coi đồ nha!", rồi lim dim ngả vào gốc trứng cá... Mọi người chải đầu, lau mặt rồi kéo nhau đi. Thái, sau khi đã sửa được cái bình cũng quay sang hỏi Tuyền: "Không xuống sao?", rồi ngó nghiêng lên vòm trứng cá tìm quả. Mấy đứa con gái đứng lại bên sườn dốc, nheo mắt trong nắng vòi vĩnh: "Anh Thái, dẫn tụi em xuống đạp vịt!" Anh bí thư lưỡng lự vài giây rồi đủng đỉnh xuống núi. Một cái máy bay cất cánh từ sân bay gần đó, gầm rú. Lợi dụng cái âm thanh điếc óc ấy, Tuyền lẩm bẩm: "Đồ hèn!"
Trẻ con sau khi đã vượt hàng chục cây số để đến xăn quần rửa chân bên cái hồ nước cấm bơi này, cảm thấy mệt và đói, lại bò lên chỗ tập trung, rút ra những ổ bánh mì bẹp dí và dai như giẻ rách mà gặm. Thái cũng đã lên, mặt mũi ướt át. Anh lăn vào tấm trải, nửa nằm nửa ngồi ôm cái đàn nhìn Tuyền và hát: "Em đã cho tôi, cho tôi bầu trời..." Tất cả phụ nữ có mặt cúi đầu e lệ ăn bánh mì, anh với tay qua Tuyền: "Cho miếng nước!" "Hết rồi, để xuống đó mua thêm!". Rồi cô lững thững xách bình đá xuống dốc núi, được mươi thước không thấy ai đi cùng, cô quay đầu lại, nhìn Thái: "Ai đi theo tôi để cầm bình đá lên, tôi ở dưới đó một chút!" Mấy thằng bé miệng đầy bánh kêu to: "Để em đi cho!" Hai người lớn nhìn nhau đau đớn như một cuộc chia ly và một lũ trẻ à à chạy xuống, bụi mịt mù.
° ° °
Hồ nước mênh mông lặng lờ giữa những vách đá đã được tỉa tót cho dựng đứng. Giữa trưa nắng, hai cái pêđalô nối đuôi nhau vòng qua vách núi, một con vịt đuổi theo một con rồng, trông hơi kỳ quái. Ở gần bờ, nước hồ trong leo lẻo, nhìn xuống thấy rong rêu và cá con lội từng bầy. Tuyền trèo ra một tảng đá, thò hai chân xuống nước mát lạnh và ngạc nhiên thấy sao cái pêđalô con vịt cứ lừ đừ tiến về phía mình. Trên pêđalô có ba người: một thằng bé cởi trần, trông đã thấy nghịch, một anh thanh niên mặt đầy mụn, người thứ ba nhỏ con hơn, trợn mắt hỏi Tuyền: "Đi chơi không bạn?". Tuyền bảo: "Ba người rồi, tôi xuống nữa để chết chìm cả đám à?" xong lại lấy chân khuấy nước làm rong rêu vẩn lên đục ngầu. Anh nhỏ con bảo bạn: "Tao lên bờ một chút, mày đi một vòng về đây đón tao". Cái pêđalô chòng chành, anh chàng phóng lên tảng đá rồi vẫy tay chào con vịt, như một dân đảo chính cống. Rồi anh trợn mắt, chống nạnh hỏi cô: "Bạn đi một mình hả?" "Không! Tôi đi giữ trẻ con phường!". "Giống tôi!- anh kết luận - tụi tôi mượn cớ trẻ con để đi chơi!", rồi bất giác nhìn Tuyền cười - vừa bẽn lẽn vừa quỉ quái. Tuyền nghiêm mặt, hai chân vẫn ve vẩy trong nước: "Vậy tôi không giống anh, tôi không mượn cớ ai để đi cả!"...Anh đứng chống nạnh vơ vẫn ngắm trời đất một lúc rồi bảo: "Ở đây đẹp quá hả?" "Không! Tôi thấy giả giả!". "Ờ, giả giả..." "Sao anh vừa khen đẹp?" Tuyền vặn vẹo. Anh quay lại cười, tóc tai dựng đứng trong gió: "Bạn này tếu thật, tôi muốn giác ngộ mà cũng không được nữa sao?" Trên mặt hồ, âm vang tiếng ai đó nói: "Con nhền nhện!". Anh cười vu vơ, nhắc lại "con nhền nhện", rồi khoe: "Tụi phường tôi đó!". Tuyền không hỏi lại anh phường nào, quận nào, thấy chẳng để làm gì, chỉ thấy đây là một người dễ thương, nhảy lên bờ một cách suồng sã chỉ để đứng chống nạnh vơ vẩn và hỏi một câu lại nhướng mày trợn mắt một câu.
Một lát sau, cái pêđalô quay lại, thằng bé đã đội một cái áo trên đầu, kêu lên oai vệ: "Lên tàu!" Anh đang giảng cho cô nghe về rong rêu như ở cái hồ này thì có thể làm được những việc gì, quay sang khoát tay: "Đi đi, tao đang nói dở!". Thằng bé và anh mặt mụn nhìn nhau cười rồi lùi con vịt lại, chuyện rong rêu cũng vừa hết. Tuyền bảo: "Xong rồi đấy, anh đi đi!". Anh nhướng mày: "Lỡ rồi, tôi khát quá, đi uống nước dừa?" rồi cầm lấy đôi dép của Tuyền, dứ dứ trên không ước lượng: "Dép này chìm!". Tuyền bảo: "Thôi, tôi không đi đâu, kỳ lắm!". Anh trợn mắt nhìn cô: "Sao ai cũng giống ai. Khát thì uống chứ có gì là kỳ! Một ly nước có mấy xu mà không lẽ tôi cứ phải mời qua mời lại?" Rồi anh cười hiền lành, cái răng khểnh bảo cô: "Đi!".
Đi! Cô theo anh vào quán lá bên hồ. Anh bảo: "Tôi khát muốn chết!", rồi uống một hơi hết ly nước. Bà chủ quán kêu lên: "Í quên, tôi chưa bỏ chút muối". Anh cười dễ dãi: "Xong rồi" Xung quanh, đất cát như rang, gió từ hồ thổi vào cũng nóng. Không ai nói thêm tiếng nào, anh cũng không hỏi cô tên gì, ở đâu. Mỗi người một cái ghế bố, lơ mơ nhìn núi và hồ.
Một đám trẻ con, người lớn lẫn lộn ríu rít trên con đường xuống hồ. Có đứa nào đó kêu lên: "Chị Tuyền kìa" rồi tất cả im bặt. Vài người lớn đánh trống lảng giục trẻ con đi rồi cả bọn lại líu ríu xuống hồ. Có mấy đứa trẻ quay lại nhìn Tuyền, xong tò mò liếc sang anh chàng đang lim dim bên cạnh. Thái đi giữa đám quần thần, mỗi tay khoác một đứa bé, vẻ kẻ cả, anh hùng. Anh không quay lại nhìn Tuyền. "Thế là tốt! Anh mà quay lại cười một cái bình thường thì tôi mới chết". Cô quay sang nhìn anh bạn, anh nói, vẻ rất kinh nghiệm: "Con nít phường tôi lớn hơn tụi này. Cỡ này đi, sợ lắm!".
° ° °
Trẻ con, người lớn, tất cả đều đã mệt, giờ nằm ngồi ngả ngớn đợi đến giờ lên xe về. Nắng chiều gay gắt phủ một bên sườn núi. Người lớn nhẩm tính tí nữa lên xe ngồi bên nào cho không bị nắng.
Tuyền ngồi giữa tấm trải, thờ ơ tết tóc cho một con bé cùng xóm. Đứa bé mặt đầy tàn nhang, tóc vàng hoe, lông mày gần như không có, thỉnh thoảng lại liếc mắt quay đầu sang bên này bên nọ làm dáng. Tuyền bảo: "Ngồi im". Không ai biết được chính xác mình được mấy điểm về sắc đẹp cả. Tuyền tự hỏi mình vì sao lại đi cái buổi cắm trại này, để gần như cô độc giữa đám người quen này. Rồi tìm ra lý do, cô cười vu vơ. Có lẽ cô đi để khẳng định: những cái liếc mắt kín đáo, những câu nói dài khó hiểu, những cú đỏ mặt của anh bí thư Đoàn phường ngày thường là có lý do đàng hoàng, chẳng phải vu vơ mà nó thế...
Ở một góc tấm trải, những nữ thanh niên phường nói chuyện rì rầm, lên bổng xuống trầm tùy đoạn, câu nào mang tính ngụ ngôn thì nói to lên một chút, rồi cười, rồi liếc mắt về cái kẽ bị ngụ ngôn đó. Và Tuyền giả vu vơ hỏi con bé mặt dài một câu vớ vẩn gì đó, một câu không đầu không đuôi mà nó chỉ biết cách cười ngơ ngẩn để trả lời...
Loan kêu lên: "Tết tóc giùm đi Tuyền", rồi vẹt đám trẻ con, vẹt anh bí thư đang thẫn thờ nhổ cỏ bên mép tấm trải để chui vào, trao cho Tuyền mái tóc dài tới thắt lưng. Tuyền cười thầm: "Định điều tra gì đây". và bằng cái phong cách im lặng đầy bí ẩn, cô mơ màng tết tóc. "Nãy là bạn Tuyền hả? Sao không gọi lên đây chơi cho vui?". "Không, bạn gì đâu". "Ảnh ở đâu vậy?". "Không biết". Loan hoang mang: "Còn trẻ quá ha, làm nghề gì vậy?". "Không biết". Loan quay đầu lại làm tuột mái tóc tết dở trên tay Tuyền, nhìn cô sửng sốt: "Mới quen hả?". Tuyền cười, gật đầu. "Tên gì vậy?". "Không biết". "Xạo". "Tôi mà thèm xạo mấy bà". Loan thở dài nghiêm khắc: "Sao Tuyền uống nước chung?". "Khát thì uống, có gì đâu!". Rồi ngang ngược, cô dựa vào gốc trứng cá, căm phẫn nheo mắt nhìn trời rồi liếc anh bí thư vẫn đang thẫn thờ nhổ cỏ. "Như anh đấy, tình cảm cứ giấm giấm giúi giúi như ăn trộm, việc ma mãnh cũng sợ dư luận". Lại một cái máy bay vù qua, gầm rú, và Loan đau đớn rót nước từ bình đá, uống mà không hiểu vì sao mình uống.
Người lớn hỏi: "Đủ hết chưa?" Trẻ con điểm mặt lẫn nhau rồi báo cáo: "Đủ rồi" Xuống núi, nắng gay gắt, đoàn người thất thểu như thua trận. Thái nói: "Để tôi xách cho, Tuyền mệt rồi". "Anh có mệt không?" Anh gật đầu thảng thốt nhìn cô. Tuyền cười, nghĩ: "Khốn nạn, mất rồi mới biết là có!".
Đường xuống núi sao mà dài. Trẻ con sung sướng bá vai nhau cười: "Mệt nhỉ", và những Loan, những Hồng cay đắng bước đi, cảm thấy mọi giá trị đạo đức đều bị đảo lộn khi Thái lầm lũi cạnh Tuyền. Mọi người nhìn vào mắt nhau thầm kết luận: "Đồ ngu". Rồi cười theo cái kiểu người lớn mà đánh giá về buổi cắm trại: "Vui há!"