Người ta không đánh giá tôi bởi số lần tôi vấp ngã mà là những lần tôi thành công. Bởi thành công đó chính là những lần tôi thất bại nhưng không bỏ cuộc.

Tom Hopkins

 
 
 
 
 
Tác giả: Pearl S. Buck
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 8
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1221 / 21
Cập nhật: 2015-08-12 08:22:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
hông cần mở mắt Mai Ly cũng biết rằng đã tới giờ thức dạy. Cũng đã gần trưa rồi. Nàng nghe thấy tiếng bước chân rón rén của con hầu gái trên nền nhà lát gạch vuông. Con hầu đem trà và đồ điểm tâm cho nàng ăn trước khi nàng dạy. Nàng nằm dốn thêm một chút nữa. Bỗng Mai Ly thấy thèm một bữa điểm tâm ở Mỹ quốc, những bữa điểm tâm nàng thường ăn mỗi buổi sáng trong ký túc xá đại học. Không khí lạnh buốt tại Mỹ quốc làm nàng mau đói. Nàng cứ để mặc tâm trí nhớ tới bữa điểm tâm ở Mỹ quốc, hết món này tới món khác, nào là nước cam vắt, cháo lúa mạch và kem, "bacon" và trứng gà, bánh mì nướng và cà phê -- A, cái món cà phê thực là ngon! Nàng có thể ngửi thấy cà phê, thơm phức và nóng hổi trong mũi nàng.
Tiểu Cần, con hầu gái, lên tiếng hỏi thật khẽ: "Em rót trà được chưa?" Trong ngôi nhà này không ai dám đánh thức Mai Ly một cách ồn ào, vì nàng là con một. Có những âm thanh nhẹ nhàng để khẽ đánh thức nàng. Rồi tới tiếng thì thầm của Tiểu Cần. Cha nàng mua Tiểu Cần làm người hầu cho nàng từ nhiều năm trước, từ hồi nào nàng cũng không nhớ nổi nữa. Lúc đó Tiểu Cần hơn nàng hai tuổi, và phải chờ nàng suốt bốn năm trong khi nàng du học tại Mỹ quốc. Trong thời gian chờ đợi, Tiểu Cần chăm chỉ thêu những quần áo ngủ và gửi sang cho cho nàng. Những đồ thêu này đã khiến các bạn học người Mỹ của nàng phải trầm trồ khen ngợi.
"ồ Mai Ly, thật là tuyệt diệu -- những mũi thêu tinh vi này -- mẫu thêu thật là đẹp -- Mai Ly ơi, chị may mắn quá!"
Nàng chỉ mỉm cười, coi những mũi thêu tuyệt mỹ của Tiểu Cần thành những hoa lá, những con bướm và chim chóc là điều đương nhiên nàng phải có. Khi nàng ở Mỹ quốc, đôi khi nàng cũng cảm thấy nhớ nhà đôi chút, tưởng tượng thấy Tiểu Cần ngồi thêu trong một góc sân nắng. Nhưng thực sự nàng chẳng bao giờ nhớ nhà -- ở Mỹ quốc có nhiều thứ để làm quá. Ôi cái đời sống quá nhàn rỗi này! Bây giờ học xong đại học rồi, nàng trở về nhà và chẳng có gì để làm cả!
Cha mẹ Mai Ly và bè bạn nàng không thể hiểu nổi nỗi băn khoăn của nàng. Ngay những người con gái khác không đi du học như nàng cũng không hiểu được rằng thực là khó mà chịu đựng được cảnh sống quá nhàn rỗi.
Nàng vẫn chưa mở mắt. Tại sao nàng phải mở mắt nhỉ? Nàng thức dạy hay không thì cũng thế. Không có việc gì để làm trong cái hải cảng yên tĩnh cổ lỗ tại miền nam Trung hoa này - chẳng có gì quan trọng cả.
Nàng cảm thấy bàn tay của Tiểu Cần sờ vào tấm mền lụa.
"Thưa cô, bà muốn cô đi chùa với bà hôm nay. Bà dặn không được đánh thức cô, nhưng nếu cô đã tự thức giấc thì em sẽ phải báo cho cô biết bà đã sẵn sàng rồi. Ngoài ra em cũng mang cho cô một thứ này. Khi cô mở mắt, cô sẽ trông thấy..." Tiểu Cần ngừng lại chờ đợi.
Tiểu Cần lại chiều chuộng làm hư nàng rồi. Nàng đã từng là sinh viên danh dự tại đại học Wellesley, chủ tịch hội sinh viên năm cử nhân. Ông khoa trưởng từng bảo nàng: "Cô có thiên tài chỉ huy." Thế mà Tiểu Cần năn nỉ nàng, làm cho nàng trở thành bướng bỉnh, nhỏng nhẻo và hư. Nàng mở mắt và trông thấy một bó hoa nhỏ mầu vàng ánh.
"Mùa xuân rồi!" Tiểu Cần vui vẻ kêu lên và đặt những chùm hoa không có lá lên giường, và hương thơm tỏa đầy bên trong tấm màn lụa.
Mai Ly ngồi hẳn dạy và kêu lên: "Hoa mai! Thích quá, có phải khóm mai trong sân trúc nở hoa rồi phải không?"
Tiểu Cần mỉm cười và xác nhận, "Nhiều lắm!"
Mai Ly trả lời, "Ta đã quên khóm hoa này rồi."
"Em không nói cho cô biết. Em chờ cho tới sáng nay và em ra thật sớm. Hôm qua em biết rằng hôm nay thế nào hoa cũng nở. Sáng nay hoa phủ cả cây thành một màu vàng."
Mùa xuân! Nàng nhảy xuống giường. Khi hoa mai nở thì mùa đông chấm dứt. Ngay cả khi có tuyết trở lại thì cũng vẫn là mùa xuân và tuyết không thể kéo dài lâu. Căn phòng rất lạnh. Nàng hơ tay sưởi ấm trên một lò than. Nàng đã kể cho cha nàng nhiều lần về việc sưỏi ấm khắp trong nhà tại Mỹ quốc, ấm áp suốt mùa đông và không ai bị lạnh cả, dù bên ngoài tuyết rơi và đóng lớp dầy nhiều đến thế nào cũng vậy. Tại nhà nàng, những căn phòng cổ xưa này có nền lát gạch hoa và tường gạch trát xi măng, giống như những phòng chứa băng đá vậy. Nàng bị lạnh suốt cả mùa đông.
Cha nàng quấn chặt thêm áo bông và trả lời, "Hà, những căn nhà của người Mỹ! Ta chắc chết vì lạnh mất. Mai Ly, con phải mặc thêm quần áo nữa." Nhưng nàng bướng bỉnh trả lời, "Con không muốn đi lại trong nhà trông giống như một cái mền cuộn tròn lại." Bây giờ không cần nữa - mùa xuân đã tới rồi.
Nàng rửa mình mau lẹ bằng nước có mùi thơm trong một chiếc thau đồng. Nàng hơi run rẩy khi hơi nước bốc đi từ da thịt nàng. Trong lúc mặc quần áo, nàng uống nước trà nóng. Tiểu Cần đã cắm những bông hoa vàng vào trong một cái bình men mầu lục lóng lánh, và Mai Ly vừa ăn vừa ngắm bình hoa.
Mai Ly nghĩ chắc chính những bông hoa mai vàng đã làm nàng sáng nay bồn chồn nóng nảy. Nàng cảm thấy xấu hổ. Có cái gì bên trong nàng đã làm nàng mau bước chân, nói nhanh hơn và làm mau lẹ bất cứ cái gì nàng làm. Nàng còn thúc dục cả bà mẹ nữa.
Mẹ nàng lên tiếng, "Này Mai Ly, chúng ta có đủ cả chưa? Hương và bình bạc để đốt, quà biếu nhà chùa, gà vịt, ống thuốc và khăn mặt của mẹ -- Tiểu Cần, hôm nay có gió không? Nếu có gió thì ta sẽ phải đem theo hộp trang sức để sửa soạn lại trước khi cầu nguyện -- có lẽ dù sao cũng nên mang theo. Này Tiểu Cần, rổ trà có trong kiệu không hả? Và bỏ thêm vài chiếc bánh ngọt sợ ta đói dọc đường -- nhưng phải đem thứ làm bằng dầu, chứ đừng đem thứ làm bằng mỡ heo, để tỏ lòng tôn kính thần thánh -- thần thánh ngửi thấy nhanh lắm. Này con gái của mẹ, con biết không, không nên xúc phạm thần thánh như thế. Mẹ có lý khi nói rằng mẹ mất anh con ngay sau khi anh con sinh ra cũng chỉ vì mẹ ăn thịt heo hôm mẹ đi lễ chùa -- cái ngày hôm trước khi anh con sinh ra, và thần thánh ngửi được hơi thở của mẹ--"
Nàng biết thực là ngu ngốc mới nóng ruột khi mẹ nàng vừa nói liên miên vừa quay đi quay lại trên hai bàn chân bó nhỏ. Nàng rất yêu mẹ và ai cũng yêu quý mẹ nàng. Nhưng nàng bỗng suy nghĩ một cách bướng bỉnh, "Thực là chán quá rồi - chán đi lễ chùa và nghe mẹ nói huyên thuyên!" Nàng đỡ mẹ lên chiếc kiệu và nói một cách cáu kỉnh, "Mẹ ơi, con đã nói với mẹ không thể tin những thần thánh cổ lỗ đó được nữa!"
Mẹ nàng hoảng sợ kêu lên, "Im! Ðừng nói nhảm! Con không biết thần thánh có ở khắp mọi nơi ư!" Khuôn mặt béo tròn của bà mẹ lộ vẻ rất đạo hạnh.
Nàng nói một cách thực tế, "Thưa mẹ, ở bên Mỹ... "
Mẹ nàng hỏi, "Người Mỹ cũng có thần thánh của họ phải không? Mỗi nước đều có thần thánh do gió, nước và đất tạo ra."
"Con không sợ thần thánh nào cả," Mai Ly trả lời trong lúc buộc chặt chiếc rèm trước mặt bà mẹ; chiếc rèm có mục đích che không cho đám đông ngoài đường phố nhìn thấy mẹ nàng. Không một mệnh phụ nào tại thị trấn Trường Châu này dám ngồi kiệu để trống khi kiệu đi ngoài đường phố, nhất là Chu phu nhân, mẹ nàng, có chồng là con trai của nhà phú hộ bậc nhất tại thị trấn. Nhưng Chu phu nhân kéo hở màn khoảng vài phân và nói nghiêm giọng với cô con gái: "Khi con ở Mỹ quốc thì con không cần phải sợ thần thánh của mình. Nhưng khi con đã trở về quê nhà rồi thì con sẽ thuộc quyền của các thần thánh ấy." Rồi bà kéo màn lại và ra lệnh cho các phu khiêng kiệu khởi hành. Các phu kiệu vội vã nhắc đòn kiệu lên vai.
Trong chiếc kiệu riêng của mình, Mai Ly ngồi thẳng lên. Nếu các bạn học của nàng tại đại học Mỹ mà nhìn thấy nàng bây giờ thì sẽ nghĩ sao? Trong buổi lễ tốt nghiệp hồi tháng sáu vừa qua, các bạn nàng đã quấn quýt với nàng, ôm nàng một cách trìu mến đến nỗi nàng cũng định đáp ứng lại, mặc dù nàng đã được dậy dỗ không được đụng chạm da thịt với người khác. Các bạn nàng la hét gọi nàng, "Mai Ly, nhớ viết thư cho tôi!" hoặc "Này Mai Ly, nếu tôi đi du lịch vòng quanh thế giới, tôi sẽ dừng lại tại Trung hoa để thăm bạn đó. Tôi rất mong ước được trông thấy nhà của bạn."
Nàng đã bảo họ, "Nhớ cho tôi biết trước, và xin mời lại thăm tôi."
Ðúng ra nàng không mắc cở về nhà cửa của nàng. Ngay phòng khánh tiết của đại học cũng không nguy nga đồ sộ bằng căn nhà cổ của dòng họ nhà nàng, nơi biết bao thế hệ đã sống. Dĩ nhiên nếu có người bạn nào thực sự tới thăm nàng, nàng chỉ cần bảo cho cha nàng biết người Mỹ không hiểu được thói quen khạc nhổ của ông bất cứ chỗ nào ông muốn nhổ. Nếu họ không tới thăm vào mùa đông thì họ cũng sẽ không biết mùa đông lạnh buốt giá như thế nào. Có lẽ họ sẽ coi là kỳ cục những mái nhà trải dài uốn cong, những hoa viên nhỏ lát gạch có những hồ nước nhỏ và những cây uốn thấp. Và nàng cũng sẽ không kể cho họ nghe những gì họ không trông thấy -- chẳng hạn như nhà bếp trong đó có những bếp lò bằng đất lâu đời và con cái của gia nhân chạy nhảy mặt mũi dơ dáy, và đàn ruồi nữa -- chính nàng cũng không dám bước vào bếp. Các gia nhân lo toan mọi việc. Nàng yêu căn nhà, mặc dầu sự yên tĩnh làm nàng khó chịu. Căn nhà đã đứng tại đó trên ba trăm năm rồi, và có lẽ sẽ còn đứng đó mãi mãi.
Ðôi khi cha nàng thường buồn rầu nói, "Không có gì sẽ tồn tại mãi - người ta không thể xây được một căn nhà tồn tại mãi mãi như ngày xưa. Một ngày nào đó quân Nhật sẽ tới."
Khi cha nàng nói thế thì bao giờ nàng cũng sợ hãi trong giây lát, mặc dầu ông đã nói đi nói lại điều đó. Những trẻ con ngoài đường phố khi cãi nhau thường hét lên với nhau, "Bọn giặc lùn đen đủi sẽ bắt mày." Ðôi khi chúng cũng hét vào mặt nhau, "Ông Hổ trên núi sẽ xuống ăn thịt mày!" Quân Nhật và Ông Hổ! Quân Nhật là những con quỷ lùn trong những truyện thần tiên thời thơ ấu của nàng, những kẻ độc ác, và con Hổ là một tên khổng lồ độc ác. Khi nàng lớn lên không còn tin chuyện thần tiên nữa thì những con vật tàn ác ấy không còn nữa. Ngoài ra trong lớp ở đại học nàng cũng có một thiếu nữ Nhật dễ thương, tên nàng ta là Chiyo. Thực ra nàng và Chiyo không phải là bạn nhau. Chiyo lùn, đen và hơi xấu, trông giống như một con quỷ lùn. Nhưng hai người không phải là kẻ thù của nhau. Nhiều nữ sinh viên khác cũng thích Chiyo. Còn về phần Ông Hổ thì chỉ là một tên tướng cướp mà người ta bàn tán với nhau và chưa ai được trông thấy. Chính phủ đã đặt những tên cuớp đó ra ngoài vòng pháp luật rồi.
Nàng nhìn qua một khung kiếng nhỏ khâu vào rèm kiệu. Nếu cha nàng chịu rời tới Thượng Hải sống thì cả nhà có thể mướn một căn nhà ngoại quốc có đồ đạc ngoại quốc và hệ thống sưởi khắp nhà. Thượng Hải vui lắm. Thương Hải giống y như Mỹ quốc. Nhưng khi nàng nói nàng muốn sống tại đó thì cha nàng cười rộ lên. Ông ôn tồn bảo nàng: "Ba đã quen sống ở đây rồi." Rồi ông nói một cách hiền hòa, "Ðừng lo con. Con cũng sắp lấy chồng rồi và con sẽ bảo chồng con đưa con tới Thượng Hải. Ba đến Thượng Hải làm gì?" Ông luôn luôn nói với nàng về hôn nhân, nhưng nàng không thèm nghe. Nàng kêu lên, "Con làm gì ở đây?"
Ông bố trợn mắt nhìn con. Rồi ông mỉm cười bảo con, "Tại sao con phải làm gì?" Khi nàng mở miệng định cãi lại thì ông chống hai tay lên hai đầu gối mập mạp để đứng dạy và lạch bạch bước đi.
Nàng tức giận nghĩ thầm. "Thực là xấu hổ có một ông bố mập như thế." Qua miếng kiếng vuông rộng chừng một tấc, nàng trông thấy một con đường lất gạch đông người, một đám cu-li đẩy xe, những con lừa chở những bao gạo khập khễnh bước đi, những trẻ con ngồi đánh bạc bằng tiền xu, ẩu đả nhau trong đám bụi bay mù. Ngay cả xe kéo cũng không có ở Trường Châu này, và không có lấy một chiếc xe hơi. Ðường phố không đủ rộng cho xe hơi chạy. Ngoài ra còn có quá nhiều cây cầu cong bắc qua những con kinh đào nữa. Bây giờ nàng phải ngồi tựa ngửa ra phía sau khi các phu kiệu bước lên bậc của một cây cầu, và trong một lúc, qua chiếc kiếng vuông nàng chỉ trông thấy bầu trời. Rồi nàng chợt bị đẩy chúi về đằng trước và chiếc kiếng vuông chỉ cho thấy hình con đường lát gạch ướt át trong một lát, cho đến lúc nàng ngồi thẳng lại được và chiếc kiệu lại đi qua đường phố.
Nàng kêu lên chua chát, "Ba ơi! Ðiều duy nhất ba nghĩ đến là bắt con lấy chồng. Tại sao ba gửi con qua Mỹ quốc du học?"
Một lần nàng hỏi cha nàng như thế thì ông chỉ cầm lấy ống điếu và lắc đầu. Ông nói, "Ba gửi con đi không có mục đích gì đặc biệt. Ba nghĩ có lẽ con thích thú được nhìn thấy những gì người Mỹ làm và ba không có con trai để gửi đi." Rồi ông nói một cách hết sức hứng khởi, "Bây giờ hãy kể cho ba nghe về các máy bay của họ đi. Con nói những máy bay đó có thể bay lên như diều phải không?"
Nàng đã dùng hàng giờ để kể cho ông bố về Mỹ quốc. Nàng nghĩ, "Kể như vậy chẳng có ích gì cả. Ba chỉ muốn mua vui thôi. Ta là một sinh viên danh dự của một đại học danh tiếng của tây phương, chỉ biết giải trí cho một ông già mập ú trong một hải cảng buồn tẻ của Trung hoa!"
Nàng cảm thấy nàng bị hạ thấp xuống trên một mô đất, và Tiểu Cần tới mở cửa rèm cho nàng.
"Thưa cô tới rồi," Tiểu Cần nói và đưa tay đỡ nàng xuống, nhưng Mai Ly mau lẹ nhẩy xuống đất.
Nàng nói cọc cằn, "Ta không cần phải đỡ xuống."
Mẹ nàng đã xuống kiệu rồi và có vẻ rất hân hoan.
Mẹ nàng gọi, "Này Tiểu Cần! Cái đó đâu rồi - à, đây rồi! Khăn mặt của ta đâu? Cái gì - à phải rồi, ta bỏ vào trong tay áo. À sư cụ đây rồi."
Một nhà sư già đang vội vàng bước xuống bậc thềm, mỉm cười và xoa hai bàn tay mũm mĩm, chiếc áo mầu xám của nhà sư phất phới bay trong gió. Mai Ly không thích phải đi lễ chùa nên nàng không có cảm tình với vị sư già. Mẹ nàng không nhìn thấy sự hân hoan trong đôi mắt của nhà sư, cái miệng tươi cười và hai bàn tay vừa mập vừa mềm. Hai người vái chào nhau - dĩ nhiên nhà sư vui mừng gặp một mệnh phụ già, giầu có và mộ đạo.
Nhà sư nở nụ cười rất tươi và lên tiếng, "Sáng nay khi tụng kinh xong, bần tăng trông thấy cây mai nở đầy hoa và bần tăng biết rằng hôm nay là ngày may mắn, và bây giờ sự may mắn đã tới."
Nhà sư dẫn đường vào chùa. Mai Ly đi theo sau mẹ, đôi dầy mua từ Mỹ quốc của nàng nện mạnh một cách cố ý xuống các bậc đá dơ bẩn. Ðằng sau, Tiểu Cần mang những đồ dâng cúng chùa, và chung quanh họ là những bộ mặt tò mò, tóc rối bù và mắt nhìn chăm chú. Ðó là một đám đông dân nghèo xô nhau đi theo. Nàng không bao giờ gặp người nghèo và bây giờ cũng không nhìn họ. Trong suốt tuổi thơ ấu của nàng, nàng sống biệt lập sau những bức tường cao của căn nhà tổ phụ, và không bao giờ nói chuyện với những kẻ nghèo. Nàng đi theo mẹ vào trong đại sảnh khuất tối của ngôi chùa. Mùi hương trầm đốt tỏa ra ngọt ngào quanh nàng như những giải lụa. Nàng thấy khó thở.
Khi Người Con Gái Lên Núi Khi Người Con Gái Lên Núi - Pearl S. Buck