Nguyên tác: Nguyên Bản Tiếng Anh : Arch Of Triumph 'arc De Triomphe' (1945)
Số lần đọc/download: 3045 / 116
Cập nhật: 2017-04-13 11:09:38 +0700
Lời Giới Thiệu
K
hải Hoàn Môn là một trong những thiên tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nhà văn Đức hiện đại Eric Maria Remarque (1896-1970), mà các bạn đọc ở nước ta đã có dịp làm quen qua các bản dịch như phía Tây không có gì lạ, Một thời để yêu và một thời để chết, Chiến hữu (tức Ba người bạn), v.v...
Cũng như nhiều tác phẩm lớn khác của Remarque, Khải Hoàn Môn là một thiên tự sự hiện thực chủ nghĩa đầy cảm xúc và suy tư sâu sắc về thân phận của con người trong xã hội phương Tây hiện đại, với những cuộc chiến tranh đế quốc đẫm máu và những hậu quả có tính hủy hoại sâu xa đối với cơ cấu xã hội và đối với tâm hồn con người, với những tấm bi kịch và những cảnh sa đọa tiêu biểu của “Buổi hoàng hôn Chư Thần” (Gotterdam-merung), như tác giả thường gọi thời kỳ suy sụp của nền văn minh tư sản Tây Âu.
Khải Hoàn Môn chính là tác phẩm chứa đựng ở mức tập trung nhất những đặc trưng của nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa trong văn nghiệp của Remarque.
Ở đây tác giả đã chọn một đối tượng miêu tả có thể coi là tối ưu đối với chủ đề của ông: thân phận của người trí thức Đức chống phát xít phải trốn ra nước ngoài sống vất vưởng trong tình trạng bất hợp pháp. Bác sĩ Ravic là một nhân cách được un đúc nên bằng những phẩm chất tiêu biểu của Tiền văn minh Tây phương hiện đại. Anh mang trong người những đức tính tốt đẹp và những nhược điểm tai hại mà người trí thức thừa hưởng của một Tiền văn hóa dựa trên tinh thần dân chủ tư sản. Anh là một người thầy thuốc có tài năng tìm thấy lẽ sống chính của mình trong lao động nghề nghiệp. Trong hoàn cảnh cư trú bất hợp pháp, anh phải làm thuê cho một giáo sư nổi tiếng về phẫu thuật nhưng bất tài và vô liêm sỉ, chịu nhận một số tiền thù lao rẻ mạt, miễn sao được làm cái nghề mà anh yêu thích.
Hoàn cảnh này càng làm tăng thêm cái thế cô độc, bơ vơ và cái tâm trạng cay đắng của con người tứ cố vô thân ấy giữa cái xã hội tư bản đang bước vào cuộc thế chiến thứ hai. Anh sống thầm lặng chờ ngày thất bại của phát xít Đức, cái ngày anh sẽ có thể trở về nước để làm một người công dân hữu ích như cũ, nhưng anh không biết mình phải làm gì để cho ngày ấy chóng đến hơn, mặc dầu anh coi chế độ Quốc xã như kẻ thù riêng của anh, một kẻ thù không đội trời chung mà anh căm thù sâu sắc. Tình cờ gặp lại tên Gestapo đã từng giết chết bạn bè anh và tra tấn anh dã man, Ravic quyết tâm tìm cách giết hắn. Nhưng khi đã thực hiện được ý đồ, anh không biết còn phải làm gì nữa: cuộc phục thù dừng phắt lại ở bình diện cá nhân. Trong cảnh lưu lạc, anh đã tìm thấy một tình bạn và một tình yêu - cũng là những con người cô đơn, lạc loài như anh. Và tâm hồn nhân hậu, giàu tình thương xót của anh cũng đã tìm thấy chút hạnh phúc trong khi anh đem mình hiến dâng một cách hào phóng và vô tư cho những tình cảm đó, cũng như trong khi anh tự hiến dâng cho những bệnh nhân nghèo hèn mà anh bao giờ cũng tận tình cứu chữa. Nhưng cuộc tình dang dở của anh chỉ đem lại cho anh một bến ghé tạm thời, và con dao mổ của anh có cứu sống được sinh mệnh của những con người nghèo khổ thì cũng chỉ để trả họ về với kiếp sống đọa đày mà anh không thấy có cách gì làm thay đổi. Bị giam cầm trong chủ nghĩa cá nhân, anh không thấy được cội nguồn sâu xa của những tệ nạn mà anh ghê tởm, của những nỗi khổ của dân nghèo mà anh chân thành thương xót: anh ngại ngần và tự thấy mình xa lạ đối với cái lý tưởng duy nhất có thể cứu vớt họ và đem lại cho anh một lẽ sống thực sự, có thể giải thoát anh ra khỏi cảnh cô đơn vô hy vọng: lý tưởng cách mạng vô sản. Lẽ ra, anh có đủ những phẩm cách để tìm thấy con đường đó: anh là một người lao động chân chính, là một người có tinh thần nhân đạo sâu sắc, lại là một con người bị khủng bố ở tổ quốc và bị bóc lột tàn tệ ở nơi đất khách quê người. Nhưng cũng như phần đông những người trí thức tiểu tư sản, anh không phân biệt được thực chất của những nền chuyên chính khác hẳn nhau về cơ bản. Những con người thuộc giới anh e sợ mọi sự chuyên chính có thể xung đột với sự tự do cá nhân vốn là nguyên nhân chính dựa đến tình trạng cô đơn đáng buồn của họ.
Thân phận và tâm trạng của cả một tầng lớp trí thức Tây Âu trong những tháng ngày hòa bình cuối cùng trước cuộc thế chiến thứ hai đã được mô tả một cách hết sức chân xác và sinh động trong Khải Hoàn Môn. Thật ra, bản thân tác giả cũng bất lực trước việc tìm ra lối thoát cho mình và cho những nhân vật mà mình xây dựng để gửi gắm tâm sự của mình vào đấy. Nhưng tinh thần nhân đạo chân thành của ông, tình thương không bờ bến của ông đối với những con người hèn mọn bị xã hội tư bản chủ nghĩa đày đọa, và thái độ trung thực trong trẻo như pha lê của ông đã làm cho ông tạo nên được một áng văn hiện thực chủ nghĩa sâu xa có sức làm rung chuyển những cảm xúc sâu xa nhất của người đọc, mà đồng thời cũng cho phép ta hiểu đúng tâm trạng của những con người bị chủ nghĩa cá nhân đẩy vào tình trạng cô đơn không có lối thoát.
Nhà xuất bản Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh