Số lần đọc/download: 0 / 26
Cập nhật: 2020-10-08 20:38:56 +0700
Chương 1
Vừa đuổi giặc ra khỏi bờ cõi, vua Nhân tông và thượng hoàng Thánh tông đều về bái yết Sơn lăng - nơi có phần mộ tổ tông ở Thái Đường phủ Long Hưng. Tiếp đó nhà vua cho làm lễ hiến phù[1] trong nhà Thái miếu để cáo với liệt tổ về việc quân ta đã đánh tan giặc dữ, bảo vệ được giang san nòi giống. Trong lễ hiến phù, nhẽ ra phải chém đầu vài tên tướng giặc đã gây nhiều tội ác mà ta bắt làm tù binh, lấy máu rửa binh khí và để cho trăm họ hả lòng căm giận. Ngặt vì kẻ thù còn quá mạnh, nếu ta giết tướng nó, lại sẽ gây thêm cừu hận.
Sau lễ hiến phù, vua sai làm lễ cầu siêu cho tất cả những ai đã bỏ mình vì nước trong công cuộc kình chống giặc dữ vừa qua. Ngoài các chiến binh, các dân binh còn có dân thường làm các việc như tải lương, tải thương và người già, đàn bà và trẻ nhỏ… bị giặc tàn sát, tất thảy đều được chiêu độ.
Về phương diện quốc gia, đàn tràng lập tại Thăng Long do nhà vua và vị quốc sư đứng làm chủ lễ. Nơi các lộ, do an phủ sứ và vị trưởng lão đứng đầu giáo hội trong lộ đứng ra làm chủ lễ.
Các liệt sĩ đều được cấp ruộng quốc điền để gia đình, con cháu được nối đời hưởng lộc và thờ tự.
Với các liệt sĩ không còn ai thờ cúng thì vong linh được rước về các chùa làng nương bóng Phật.
Thời hậu chiến, bao nhiêu công việc ngổn ngang, vua Nhân tông lo nhất là thân phận những người dân tại các vùng giặc chiếm đóng, dù chúng chỉ ở đỗ có vài ba tháng và cả các vùng giặc chỉ tràn qua; vì rằng với bản chất hung bạo gặp bất cứ người dân nào, ở bất cứ độ tuổi nào, dù không chống lại cũng bị chúng đánh đập, hãm hiếp thậm chí giết chết. Và tại những nơi vườn không nhà trống thì chúng tàn phá, thiêu đốt, đập phá nhằm triệt nguồn sống của dân ta.
Nhà vua lo nhất là cuộc sống hàng ngày của mỗi gia đình và cả nỗi bất hạnh của họ do quân thù đem lại.
Không yên tâm, vua cho các quan về các vùng có chiến sự đi qua để an ủi người dân, xem xét kỹ về cuộc sống của họ, nhất là về mặt tinh thần, nếu như quân thù lại tái xâm lược, liệu họ có còn đủ sức lực và lòng cương dũng đứng lên cầm vũ khí kháng giặc nữa không.
Trong khi các quan đi về các lộ để kiểm xét thực trạng tình cảnh của người dân sau chiến tranh thì tại triều đình, vua Nhân tông tuyên triệu những tướng lĩnh hàng đầu trong cuộc chiến vừa qua về triều bàn quốc sự.
Triều đình đang cho sửa sang và tẩy uế các cung thất. Cung Cảnh Linh bị Thoát-hoan chiếm làm nơi hành lạc. Điện Thiên An giặc biến thành trại lính… các cung thất khác chúng chiếm làm nơi ăn ở và cướp đi những gì có thể cướp. Tranh tượng chúng đập phá, tường vách chúng bôi lem. Khắp nơi có quân giặc đóng đều khẳm mùi tương mốc, mùi hành tỏi, mùi hôi lính, mùi hôi lừa ngựa, và kinh tởm nhất là mùi tanh khẳn do đờm rãi khạc nhổ bừa bãi do thói quen của đám quân tàu ô người Hán.
Công việc tẩy uế xong, người ở cung nào lại về cung ấy. Những cung bị giặc đốt, giặc triệt phá thì tạm dựng lại bằng tranh tre, chờ đất nước yên bình, mùa vụ trong dân gian hồi phục rồi sẽ tính sau.
Từ ngày đuổi hết giặc ra khỏi bờ cõi, vua Thánh tông trao trọn việc nước cho con. Một phần vì vua Nhân tông đã trưởng thành vượt bậc trong việc điều hành bộ máy chiến tranh, đánh bại mấy chục vạn quân cường bạo của tên quỷ dữ Hốt-tất-liệt, với những tên tướng lừng danh như: Ô-mã-nhi, A-lí Hải-nha, Toa-đô, Bôn-kha-đa, Mang-cổ-đải, Lưu Quốc Kiệt, Lưu Thế Anh, Trịnh Bằng Phi, Lý Hằng, Lý Quán… do đích thân Thoát-hoan là con trai của Hốt-tất-liệt được y phong là Trấn Nam vương cầm đầu. Mặt khác, Thánh tông tuổi cũng đã cao, sức lực đã giảm nhiều vì suốt mấy chục năm phải lo đối phó với phương Bắc, và lúc nào chúng cũng dọa nạt xâm lăng.
Được chiếu vua tuyên triệu, các tướng, các quan gần xa đã về đông đủ.
Thiết triều, vua Nhân tông nói:
- Trong công cuộc kình chống giặc dữ vừa qua, số phận đất nước như chuông treo chỉ mảnh, như vạc nặng nghìn cân treo trên đầu một sợi tóc. Nhờ hồng phúc tiên tổ nên ta đã biến nguy thành an, biến bại thành hưng. Lại cũng nhờ vào các hàng tướng lĩnh của ta mưu lược, chiến binh của ta kiên cường đánh giặc, nhất là trăm họ một lòng quyết đem máu xương, tính mệnh và tài sản ra để bảo vệ giang san nòi giống. Giặc tuy đã thua chạy, nhưng thế và lực của nó còn lớn lắm, biết đâu chúng lại không sang xâm lăng nước ta nữa. Bởi vậy trẫm triệu các quan để bàn xem vì sao ở vào tình thế nguy nan như vậy mà ta vẫn thắng được giặc. Lại tìm ra cái nhẽ vì sao quân giặc mạnh như thế, rốt cuộc lại thua, lại ôm đầu máu mà chạy về nước.
Việc thứ hai cần bàn là phải nhanh chóng khôi phục lại việc nông tang, nuôi vỗ sức dân và cũng phải chỉnh bị ngay quân ngũ phòng khi giặc Bắc lại sang.
Việc thứ ba là phải tìm cách trao trả tù binh và cử sứ bộ sang Yên Kinh giao hảo, nhằm hạ hỏa con sói già ngạo mạn Hốt-tất-liệt ở Yên Kinh.
Vua Nhân tông mỉm cười nhìn khắp lượt các triều quan, ngài tiếp: - Trẫm đang nóng lòng nghe cao ý của các khanh.
Không khí triều hội im phăng phắc, dường như ai cũng cảm thấy buổi thiết triều này là vô cùng quan trọng, nên phải thận trọng cân nhắc trước khi tâu báo.
Chừng nhai dập miếng trầu vẫn chưa có ai xuất ban, nhà vua liền dụ:
- Các tướng đánh giặc giỏi như thế mà lại không nói lên được cái việc mình đã làm ư? Vua dừng mắt nhìn vào gương mặt khả ái của Chiêu Văn vương thượng tướng Trần Nhật Duật.
Trần Nhật Duật có tướng mạo khác phàm, từ lúc mới sinh các thày tướng số đã nói ông là người trời thác sinh, khi xem cánh tay quả có chữ “Chiêu văn đồng tử”, vì vậy vua cha mới cho lấy vương hiệu là Chiêu Văn. Ông sinh năm Ất Mão (1255) hơn vua Nhân tông đúng ba tuổi. Năm nay nhà vua vào tuổi hai mươi tám còn ông chú cũng mới ba mươi mốt tuổi.
Biết ý tứ nhà vua, Trần Nhật Duật bèn xuất ban xin nói:
- Tâu hoàng thượng, thưa các đồng liệt, cái nhẽ ta thắng, giặc thua đúng như hoàng thượng vừa dụ bảo rằng: “Tướng lĩnh của ta mưu lược, chiến binh của ta kiên cường, trăm họ đồng lòng đánh giặc, giữ nước”. Theo thần, ngoài các nhẽ trên còn phải tính đến hai vua sáng suốt, mẫu mực can trường, nhìn xa thấy rộng, thắng không kiêu, bại không nản, có lòng khoan dung độ lượng, ôm trùm được hết thảy, không những chỉ cho người dưới các điều họ chưa thấy mà còn biết nghe người dưới các điều mà nhà vua chưa tính đến. Vì vậy mà với cương vị người quân trưởng, nhà vua loại bỏ được các việc bất lợi, tận dụng được mọi kế hay của người dưới nên đã biến nguy thành an, biến yếu thành mạnh, biến thua thành thắng. Trong công cuộc kình chống giặc dữ vừa qua, Đại Việt ta thủ thắng, công ấy không thể quy cho một người nào cả, mà phải nói thắng lợi ấy là công lao của cả nước. Cả nước ví như một cơ thể gồm chân tay, thân thể đó là tướng lĩnh, binh sĩ và trăm họ thì bệ hạ chính là óc não của cái cơ thể đó.
Nghe thượng tướng Trần Nhật Duật nói, ai cũng cho đó là lời nói có tình, có lý, lời của bậc trung thần.
Trần Nhật Duật vừa hồi ban thì tướng quân Phạm Ngũ Lão liền xuất ban, ông nói:
- Tâu hoàng thượng, thưa chư liệt vị, sở dĩ ta thắng giặc là bởi ta bảo toàn được lực lượng, ta biết tránh mạnh đánh yếu nên ta thủ thắng, ta nhàn sức quân. Nhớ ngày quân giặc mới vào, thần giữ ải Lão Thử[2], địa thế ở đây hiểm trở tới mức nhiều người đã coi nó có khả năng nhất nhân địch vạn. Quả vậy, giặc xông vào hết đợt ấy đến đợt khác chúng chết chồng chết đống không một đứa nào chạy thoát. Vậy mà phía sau, tướng nó vẫn thúc quân vượt lên xác nhau mà tiến. Đúng là người Mông Cổ đem lính Hán làm vật lót đường, nên chúng không tiếc máu xương binh sĩ.
Con đường khe rất nhỏ nằm giữa hai vách đá dựng đứng, lấp đầy xác giặc, máu chảy tràn đường tanh lợm, thế mà suốt ba ngày giặc không chịu lấy xác nhau, chúng vẫn cứ một mực tiến về phía trước. Cứ xem việc chúng tiến binh thật chẳng khác lũ thiêu thân lao vào lửa. Tuy vậy, thần vẫn không dám ham chiến bởi Quốc công đã có mệnh: “Khi giặc mới vào sức nó đang cường, ta chỉ lợi dụng địa hình hiểm trở để cản giặc làm chậm bước tiến của chúng chứ chưa thể dứt điểm ngay được. Phải tản mỏng giặc ra rồi lựa chỗ sơ hở, chỗ yếu của nó mà đánh”. Kíp khi có lệnh lui quân, thần đã cho hậu quân làm tiền quân, còn tiền quân làm hậu quân vừa cản giặc vừa lui quân. Vậy là quân ta vẫn bảo toàn gần như nguyên vẹn, còn quân địch thì thiệt hại khôn lường.
Phạm Ngũ Lão dứt lời vái nhà vua hai vái rồi lui về ban của mình.
Trần Thì Kiến lập tức xuất ban, ông vái nhà vua rồi nói:
- Tâu bệ hạ, việc ta đánh bại kẻ thù có sức mạnh ngang trời đất không phải vì ta mạnh hơn nó, mà vì các nhẽ sau đây. Đành rằng có hàng ngàn điều làm nên chiến thắng, nhưng thần chỉ xin kể vài nhẽ chính.
Một là trong mọi hoàn cảnh dù hiểm nguy đến đâu ta cũng bảo toàn được bộ não của chiến tranh tức là hai vua, Quốc công tiết chế và thượng tướng thái sư Chiêu Minh vương cùng một số yếu nhân khác.
Hai là ta bảo toàn được lực lượng, rút lui đúng lúc khiến giặc phải tản quân ra truy đuổi, thành thử lực lượng giặc ngày càng mỏng.
Ba là bộ chỉ huy đầu não quyết định rút vào Thanh Hóa cùng với một số quân rút theo nhưng lại lừa được giặc, ém hơn chục vạn quân ở Long Hưng và châu Hồng cùng vài miền rừng núi để phối với người man kháng giặc. Chủ trương đó vô cùng sáng suốt, mưu đó phải được coi như thần mưu.
Bốn là khi Toa-đô phá vỡ cửa quan Nghệ An, một số người sợ hãi ra hàng, quân ta lâm vào thế bị bao vây, vậy mà thượng tướng thái sư cầm quân cự giặc, vờ thua nhiều trận khiến Toa-đô đem đại quân truy đuổi ra gần tới Hoa Lư. Tới đó, mới nhận biết mắc mưu định quay lại Thanh Hóa thì không được nữa, vì bị quân ta chặn đứng. Lúc này thì chính quân giặc lại rơi vào thế bị bao vây. Bởi quân ta đã hình thành thế trận phản công từ lộ Hải Đông từ châu Hồng, Long Hưng lại bịt kín mặt nam từ Hoa Lư, trên mặt bắc thì Nguyễn Địa Lô, Nguyễn Lộc cũng ngày đêm tập kích giặc.
Năm là bộ chỉ huy đầu não hạ lệnh phản công đúng vào mùa nóng nực, đúng vào dịp mưa lụt khiến giặc rơi vào thế đại bất lợi còn quân ta thì thiên thời, địa lợi, nhân hòa đều hội đủ.
Tâu bệ hạ, thần chỉ điểm qua năm cái nhẽ khiến quân ta thắng, quân địch bại. Nói xong Trần Thì Kiến vái lạy nhà vua rồi lui về chỗ.
Trần Thì Kiến vốn là gia thần của phủ Hưng Đạo, bản tính ông ít nói, nhưng đã nói đều thấu lý đạt tình khiến đồng liêu đều cảm phục.
Trần Thì Kiến vừa về chỗ thì Trần Khánh Dư xuất ban. Phiêu kỵ thượng tướng thiên tử nghĩa nam Trần Khánh Dư đã từng tham gia cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ xâm lược năm Đinh Tỵ (1257), vì có công đem quân tập kích bất ngờ vào phía sau quân địch khiến chúng phải chia quân đối phó, vì vậy chiến sự đang diễn ra rất căng thẳng ở Bình Lệ Nguyên[3] vua Trần Thái tông vừa cự giặc vừa lui quân được an toàn.
Cuộc chiến năm Đinh Tỵ cả Trần Khánh Dư và Trần Hưng Đạo đều là hai tướng trẻ mà đã lập được công lớn. Lại tiếp cuộc kháng Nguyên vừa qua (Ất Dậu - 1285) Trần Hưng Đạo đã ở ngôi vị Quốc công tiết chế thống lĩnh chư quân sự[4], còn Trần Khánh Dư là thượng tướng phó đô tướng quân, nắm một đội quân thủy khá lớn lập được công cao. Vừa xuất ban ông liền vái lạy nhà vua, cúi chào các đồng liêu và nói:
- Cao ý của hoàng thượng và các đồng liệt đã nói khá đầy đủ những cái cớ mà ta thắng giặc, thần chỉ nêu thêm một cớ nữa: Đó là vừa lúc thượng tướng thái sư Trần Quang Khải nhử được giặc từ Thanh Hóa ra tới gần Hoa Lư, rồi lại luồn về phía sau để dồn nó vào một cái túi khổng lồ, tức là ta đã hình thành thế bao vây giặc.
Quốc công phát lệnh phản công giặc trên mọi mặt trận nhưng đáng kể nhất là trận mở màn đánh vào sào huyệt giặc ở A Lỗ là căn cứ thủy binh lớn nhất của giặc. Nơi đây hơn một vạn bảy ngàn quân giặc gồm cả quân Mông Cổ và quân người Hán do vạn hộ hầu Lưu Thế Anh chỉ huy. Các tướng dưới quyền đều là những tay kiệt hiệt như Giảo Kỳ, Hắc-đích, Tang-gu-tai, Bôn-kha-đa… Lưu Thế Anh trấn giữ tuyến đường thủy chạy dài suốt từ Chương Dương, Hàm Tử, A Lỗ xuống Thiên Trường rồi thông ra cửa biển Đại An. Tuyến đường thủy này phía hữu ngạn thì hỗ trợ cho quân bộ của giặc đóng rải từ Trường Yên về tới Thiên Trường ở phía tây nam và phía tả ngạn thì khống chế quân ta tập kích ở phía đông, nó chính là tuyến huyết mạch nắm giữ cả đường thủy đường bộ từ Thăng Long xuôi ra biển, hoặc từ Thăng Long theo đường thiên lý vào Trường Yên rồi tiến về phía nam kiểm soát các châu Thanh Hóa, Nghệ An và thẳng sang Chiêm Thành theo hai đường thủy, bộ đều rất thuận lợi. Trong khi đó tuyến đường thủy từ Thăng Long xuôi Lục Đầu giang tiến theo nẻo sông Bạch Đằng để ra biển cũng do giặc kiểm soát.
A Lỗ là sào huyệt lớn, tập trung nhiều quân tinh nhuệ, phần lớn là quân thủy, một phần là quân bộ, quân kỵ với hơn ba ngàn con ngựa chiến nòi Hồ cùng với các tướng giặc lão luyện chiến trường.
Nhằm vào đêm mưa to như vỡ đê trời, nước trong đồng ngập trắng lại gặp lúc triều cường, nước sông Cái lên to gần ngập bờ đê, Quốc công sai quân đánh ào ạt, trại giặc chẳng mấy chốc mà vỡ tan tành, hơn ba ngàn con ngựa vỡ đàn lóp ngóp bơi như lũ chuột đồng chạy lụt. Quân kị bó tay, quân bộ, quân thủy lúng túng không còn năng lực kháng cự. A Lỗ bị đánh sập, trong số hơn một vạn bảy ngàn tên chỉ còn vài ba ngàn đứa chạy thoát cùng với bè lũ Lưu Thế Anh trốn lủi về Thăng Long xin chịu tội trước Thoát-hoan. Vậy là cả một chiến tuyến phòng thủ của giặc trên sông nước chạy dài hơn trăm dặm chỉ qua một đêm tan vỡ hết. Bởi nghe tin A Lỗ thất thủ các đồn trạm giặc khác trên khắp tuyến chưa nhìn thấy bóng quân ta đã hốt hoảng tháo chạy.
Thượng tướng Trần Khánh Dư nhìn nhà vua lại nhìn khắp lượt các đồng liệt rồi ông hạ giọng:
- Tâu hoàng thượng, theo thiển ý của thần thì trận mở màn A Lỗ tuy không đánh vào đầu não của giặc nhưng dường như nó đã điểm đúng huyệt bách hội của chúng, khiến từ đấy giặc không còn đủ sức ra đòn mà chỉ gồng mình chống đỡ cho tới lúc cắm đầu tháo chạy ra khỏi cõi bờ ta.
Dứt lời, thượng tướng vái nhà vua và cúi đầu xá các đồng liệt rồi lui về chỗ.
Các quan xì xào bàn tán:
- Đúng là sau trận Quốc công đánh bại Lưu Thế Anh ở A Lỗ thì đoàn quân xâm lược của Thoát-hoan mất hẳn sức chiến đấu.
- Đúng là một trận Xích Bích trên ngã ba sông Cái đã khiến quân giặc lâm vào thế bị tiêu diệt.
- Lạ thật, chỉ sau trận chiến đó, tinh thần quân giặc bị sa sút hẳn, chúng hoảng hốt như gà gặp phải cáo vậy.
- Quân Thát-đát chỉ mạnh khi kỵ binh nó có đất tung hoành.
- Thì ta đã chẳng cho kỵ binh nó tung hoành trong sông nước, trong những cánh đồng trũng sâu ngập cả đầu ngựa đó sao…
Các quan khẽ cười rúc rích.
Triều hội bỗng im phắc, bởi mọi người đều đổ xô nhìn về phía Chiêu Minh vương Trần Quang Khải khi ông rời khỏi chiếc thái sư ỷ. Vương nắn lại vành mũ, xốc đai áo, và liếc nhìn mấy dòng chữ nhỏ ghi trên chiếc hốt ngà, đoạn vái nhà vua hai vái, thái sư nói:
- Tâu hoàng thượng, ta thắng giặc bởi nhiều nhẽ như các quan đã tâu báo. Tuy vậy, có nói mãi cũng không hết được, chuyện này phải để khi đất nước yên trị, chắc chắn không còn bị giặc ngoài nhòm ngó núi sông ta nữa, khi đó mới có đủ thời gian để tom góp lại thành bài học cho đương thời và cho cả hậu thế nữa. Thần chỉ muốn nói một điều là từ vua đến quan, từ dân đến binh lính cả nước đều không sợ giặc, đều đem thân mình ra giữ nước. Đại hội Bình Than, thiếu niên Trần Quốc Toản mới mười sáu tuổi đã uất ức vì không được dự bàn việc nước, bàn kế đánh giặc. Và chỉ vài năm sau Quốc Toản đã lập được một đội gia binh, huấn dạy thành đội cường binh và bản thân Quốc Toản cũng trở thành một danh tướng lập công lẫy lừng, hy sinh cả tính mệnh mình cho nước. Lại Hội nghị Diên Hồng, bô lão cả nước được bệ hạ hỏi kế đánh giặc, đều dốc một lòng. “Xin bệ hạ cho toàn dân đánh giặc!”. Ngay cả người man như Hà Bổng, Nguyễn Lộc, Nguyễn Địa Lô khi giặc vào cõi cũng tụ binh đánh vào sau lưng chúng. Cả như Trịnh Giác Mật trước khi giặc vào còn nổi lên làm phản, sau nghe triều đình phân giải lại chiêu binh đánh giặc thật là kiên cường. Tâu bệ hạ, một nước mà từ vua đến dân, từ trẻ đến già, từ người Kinh đến người man thảy thảy đều không sợ giặc, đều đồng lòng đánh giặc, giữ nước. Tâu bệ hạ, một quốc gia như thế thì không một kẻ xâm lược nào không bị đánh bại. Và đó, chính là cái lý đáng kể nhất để nước ta thắng được giặc dữ Mông - Nguyên.
Nói đoạn, thái sư vái nhà vua rồi lui về chỗ. Các quan ai cũng khen cái lý mà thái sư đưa ra thực là chí lý.
Bỗng một người nhỏ thó xuất ban xin nói. Ai cũng ngửng nhìn xem người đó là ai. Quả thật ông ta người nhỏ bé quá nên phần đông các quan ngồi xa chỉ nghe được tiếng nói chứ không tường mặt.
Vái nhà vua xong, ông nói:
- Muôn tâu bệ hạ, vừa rồi giặc thua đau đớn, Hốt-tất-liệt chắc không nuốt nổi mối nhục này, cho nên giặc Mông - Nguyên lại sang xâm lấn cõi bờ ta chỉ là chuyện trong sớm tối, xin bệ hạ và Quốc công sớm trù liệu. Lần này giặc sang ta hẳn không chỉ dăm ba chục vạn như lần trước mà phải hàng trăm vạn, xin bệ hạ cho mộ thêm quân, huấn hỗ cho thiện xảo ngay từ bây giờ kẻo nước đến chân khó nhảy.
Ngẫm nghĩ giây lát, ông ta lại nói thêm:
- Thần được bệ hạ sai trấn vùng ải bắc kể đã mấy chục năm, quả thực chưa thấy một thứ quân nào lại đông như quân Nguyên, chỉ có thể ví chúng như lũ kiến chạy lụt cứ lao đi thục mạng. Nhớ khi nó tràn vỡ ải của thần, lập tức thần cho quân lui về hợp trấn với ải Lão Thử dưới sự thống lĩnh của tướng quân Phạm Ngũ Lão. Giặc qua “cửa Diêm Vương” này trăm đứa hồ dễ đã một hai đứa thoát chết. Vậy mà chúng cứ đạp lên xác nhau mà đi, vô cảm hệt như lũ kiến vàng, kiến gió, thật khác xa đám lính Tống nhát như cáy như thỏ, chỉ mới nghe thấy tiếng ngựa hí của quân ta chúng đã vội lủi ngay vào rừng trốn biệt.
Tâu, thần không nói quân Nguyên là quân kiêu dũng mà thần chỉ muốn nói chúng không còn nhân tính bởi chúng hành động như loài dã thú thôi ạ. Bởi vậy, muốn ngăn chặn chúng, ta phải huy động một đội quân thật đông đảo, huấn hỗ cho thiện xảo về mọi mặt thời mới có thể tiêu diệt được lũ giặc ngạo xưng là thiên binh này.
Viên biên tướng vừa vái nhà vua lui về chỗ, vua Nhân tông liền thong thả dụ bảo:
- Giặc vào cõi ta với đội quân đông tới gần năm chục vạn, nếu kể cả binh phu tiếp lương của chúng nữa thì còn đông gấp mấy lần, thế mà chỉ lách được qua mấy cửa ải, khác nào một biển nước mênh mông chỉ dồn chảy qua vài lỗ cống hẹp, hèn gì sức công phá của nó không lớn. Thế nhưng khi ta thả cho nó vào nước ta, lực nó tản ra thì đội quân năm chục vạn ấy có thấm tháp gì, chúng đâu còn đủ sức mạnh muốn đánh vào đâu cũng được. Khanh sợ quân giặc đông như kiến ư? Thì cả nước Trung Hoa mênh mông như thế đều thuộc quyền Hốt-tất-liệt, y bắt đi phu, đi lính bao nhiêu mà chẳng được. Cho nên giặc vào cõi ta, tám chín phần là quân người Hán, chỉ có một, hai phần là người Mông Cổ thôi. Và xác chết nhiều nhất vẫn là xác người Hán đấy. Khanh chớ sợ ta thiếu quân. Cuộc kháng chiến vừa qua, ta còn dư hơn mười vạn quân chưa dùng đến.
Nhà vua vừa dứt lời, Quốc công tiết chế thống lĩnh chư quân sự Hưng Đạo vương liền vái ngài rồi nói:
- Tâu, ý của hoàng thượng và chư liệt vị khá đầy đủ. Vả lại đây mới chỉ là bước ta làm đại lược thôi, chưa đủ thời gian để đi sâu vào các mặt từ việc dân, việc binh, việc lương… kể cả việc đặt ngoại gián để dò la tình hình trên đất giặc. Hơn hết là mưu lược phá giặc của triều đình và cả sự đồng lòng từ vương tộc đến vương triều và muôn dân. Đúng là ta có hàng ngàn cái lý để làm nên chiến thắng trong trận chiến nghiệt ngã vừa qua, song điều đáng nói nhất là ta đã không sợ giặc, ta dám đánh giặc vì thế ta thắng giặc. Ấy cũng bởi cái nhẽ cả dân tộc biết tự trọng nên biết cách tự cường để bảo vệ lấy cái phẩm giá cao quý vốn là truyền thống của giống nòi.
Quốc công hạ giọng, ông vừa nhìn các đồng liệt vừa chậm rãi:
- Hiện nay ta có nhiều việc cần phải làm như vừa đây hoàng thượng đã dụ bảo. Song theo thần, trước hết là phải chỉnh bị ngay việc quân, đề phòng Hốt-tất-liệt kẻ ngông ngạo nhất gầm trời này không nuốt trôi cuộc bại chiến vừa qua, sớm muộn thế nào y cũng cử đại binh sang xâm lăng ta một lần nữa để rửa hận. Tuy nhiên, quân cần tinh chứ không cần nhiều như viên biên tướng kia quá lo xa.
Nghe Quốc công bày tỏ tuy vắn tắt nhưng sáng rõ, vua Nhân tông lấy làm hài lòng. Còn một nhẽ nữa mà nhà vua thầm vui, ấy là bá phụ[5] (Trần Quốc Tuấn) và thúc phụ (Trần Quang Khải) các ý tứ đổi trao lâu nay xem ra rất hòa hợp, dường như các vị đã tận lòng hóa giải từ cuộc đại duyệt tại Đông bộ đầu[6] trước khi quân thù vào cõi. Ấy là việc quốc công tắm gội cho thượng tướng ở trên thuyền. Đành rằng đây là sự biểu lộ để yên lòng quân của các bậc đại trí. Song xét qua việc làm, quả thực các vị đã thành tâm hòa hợp. Tất cả đều vì nghĩa lớn, vì nước.
Nhẩm tính còn mấy việc cần làm, vua giơ cao cây hốt lên rồi dụ:
- Phải lo chữa cháy khi trời còn đang mưa lũ. Vì vậy việc phòng bị giặc ngoài từ khi ta mới đại thắng là cần thiết, đúng như nhời tấu của Quốc công. Vậy Quốc công hãy thay trẫm lo chỉnh bị ngay việc quân trong toàn cõi.
Đợi các lộ, trấn tâu về xét sự thiệt hại nhiều ít, thái sư lo giùm trẫm việc cứu trợ tiếp cho dân chúng các vùng bị giặc tàn phá nặng nề. Tha hoặc giảm tô thuế tùy theo sự thiệt hại ở mỗi nơi.
Lại nữa phải cử người đưa đám tể thần của Chiêm quốc do bọn Toa-đô dụ theo chúng nên bị bắt ở ta về nước. Vả nữa, các quan thử bàn xem ta nên thả đám tù binh Thát-đát thế nào cho thỏa đáng để tình hình biên sự đỡ căng. Theo ta, không chỉ thả tù binh mà còn có biểu trần tình và cả đồ tu cống để hạ nhiệt tên chúa Nguyên hung bạo ở Yên Kinh.
Vua vừa dứt lời, Chiêu Văn vương thượng tướng Trần Nhật Duật bèn lên tiếng:
- Tâu hoàng thượng, thế tất ta phải thả đám tù binh này về nước nó, chứ dại gì mà giữ chúng cho tốn cơm gạo trong khi dân mình còn đang thiếu đói. Nhưng theo ý thần, trong đám tù binh lúc nhúc ấy thế nào cũng có nhiều viên tướng phạm tội ác tàn sát dân ta đang trà trộn lẩn quất, phải thanh lọc chúng ra để trị tội. Đứa nào đáng tha thì tha, đứa nào phải đền tội thì không cho chúng đường về.
Trần Nhật Duật vừa vái nhà vua về chỗ thì các quan nhao nhao nói:
- Hoàng thượng anh minh, xin y lời tấu của Chiêu Văn vương.
- Giặc phạm cả nghìn tội, một đứa cũng không tha.
- Xin tha một số quân tân phụ nhát hèn và một ít kẻ ngu khờ người Hán, ngoài ra quân Mông Cổ thẩy đều đại ác, xin bệ hạ cho chém hết.
- Tâu bệ hạ, lũ tướng tay sai người Hán nhiều đứa còn nguy hiểm và gian ác hơn cả tướng Thát-đát, xin bệ hạ chớ nương tay.
Trong khi lời qua tiếng lại nói xen vào làm ồn cả đại điện, vua Nhân tông cũng chỉ nghe được lõm bõm ý các quan bàn tán, nhà vua bèn phán:
- Các quan cứ bàn kỹ, cứ nói hết ý mình, bàn cho thật thấu đáo nhưng phải tuần tự thì mới nghe được. Nào, xin mời bàn tiếp, vua giục.
Nhân Huệ vương phó tướng Trần Khánh Dư xuất ban, ông vái nhà vua rồi nói:
- Tâu bệ hạ, theo ý thần thì không nên chém lũ lính làm gì, dù nó là lính Thát-đát. Giết bọn ấy chỉ thêm ô uế đất ta. Bệ hạ nhân từ, nên mở đường hiếu sinh cho tất cả lũ súc sinh ấy. Thần thấy nhời tâu của quan thượng tướng Chiêu Văn vương là có lý. Phải truy lọc cho bằng hết bọn tướng giặc đang giấu mặt. Việc này kể cũng chẳng khó khăn gì mà không biết. Thỉnh thoảng ta cứ thả cho chúng một bữa ăn ngon, có rượu có thịt cho chúng ngồi chung với nhau, ta lui vào chỗ kín mà quan sát. Thế nào lũ lính tráng cũng khúm núm trước mấy tên thượng cấp. Ta cứ vờ như thế vài lần là biết sự thật tới quá nửa. Tuy vậy, vẫn có những tên cáo già đã kịp đổi lốt và răn đe hạ cấp ngay từ khi mới bị bắt. Vì vậy, vẫn phải hỏi cung từng đứa để thanh lọc cho kỹ càng. Tướng giặc vào ta thuần những tay cự phách, quyết không thể để cho chúng thoát tội một cách dễ dàng. Ngay cả bọn tướng Hán cũng không kém phần nguy hiểm, bởi chúng đang ra công khuyển mã mong được chủ mới tin dùng. Ví như Lý Hằng, Lý Quán bị ta giết trên đường tháo chạy, khi mới vào đất ta chúng chẳng như một lũ chó ngao sao. Chính Lý Hằng đã đánh bại Văn Thiên Tường để dẫn đến sự nghiệp nhà Tống phải sụp đổ ở Nhai Sơn. Vậy nên theo ý thần, ta chỉ thả bọn tướng đầu hàng như bọn tổng quản Trương Hiển mà thôi. Còn các bọn khác vờ như không biết, nhưng nhốt chúng vào xe hoặc vào thuyền thả cho trên đường về, nhưng xe hoặc bị lao xuống vực hoặc bị cướp chặn đường, còn thuyền thì đang đêm thủng ván… Lại nữa, quân thủy cho về đường bộ, quân kỵ cho về đường biển và che kín bịt bùng trên đường đi. Riêng đám quân kỵ bị sóng vật, chắc cả năm sau chúng chưa hết kinh hoàng. Tâu, nhời của thần chắc không làm đẹp ý bệ hạ. Nhưng bệ hạ thử nhớ lại xem, nếu trận vừa qua ta thua giặc, thì trên mảnh đất này có sinh linh nào còn sống được với chúng không.
Vẻ bùi ngùi, vua Nhân tông dụ rằng:
- Quả đúng như nhời các quan nói về đám giặc Thát-đát cùng lũ tay sai người Hán. Sao ta không biết tội ác của giặc: tàn sát dân lành, đốt phá cung thất, xâm phạm tông miếu, lăng mộ các tiên đế. Các tướng lĩnh và binh sĩ của ta hễ lọt vào tay chúng liền bị chúng hạ sát thật là tàn bạo. Tội ác ấy, dẫu có giết chúng tới ngàn kiếp vẫn chưa thể làm dân ta hả giận. Tuy vậy vẫn còn phải cân nhắc để hành xử thế nào cho vong linh các liệt sĩ và người trong nước vơi vợi nỗi đau căm giận, còn Hốt-tất-liệt cũng không thể vin cớ gì để trách ta được.
Trước khi bãi triều, nhà vua còn dụ bảo:
- Các quan nên nhớ, mọi việc đã bàn phải tức khắc làm ngay, giặc Bắc sớm muộn lại sẽ vào xâm lấn cõi bờ ta đấy. Và những điều bàn tính hôm nay đều thuộc về cơ mật quốc gia, ai tiết lậu ra ngoài để giặc biết ắt mang trọng tội.
Các quan ra về, đầu óc ngổn ngang công việc.