Số lần đọc/download: 0 / 11
Cập nhật: 2020-10-08 20:41:57 +0700
Vì Sao Hưng Đạo Vương Đại Thắng Giặc Mông Cổ
Thời Trần, dân ta hai lần đại thắng giặc Mông-cổ. Một lần vào năm Ất-Dậu (1285) phá 50 vạn quân Nguyên, một lần vào năm Mậu-Tý (1288) phá 30 vạn quân Nguyên. Đó là những võ công oanh liệt đệ nhất trong lịch sử.
Chẳng những trong lịch sử nước nhà, mà cả trong lịch sử thế giới. Vì thế giới bấy giờ già nửa thuộc Mông-cổ. Các nước lớn như Nga, Hung, Đức, Trung-hoa, các nước nhỏ như Ba-tư, Thổ-nhĩ-kỳ, tất cả hơn bốn mươi nước châu Âu, châu Á chịu theo pháp luật Mông-cổ.
Nếu ta xét kỹ tình-thế thế giới và lực lượng của Mông-cổ thời bấy giờ, thì ta có quyền tự-hào rằng đã có phen nước Việt-Nam đứng vào hàng cường-quốc bực nhất thế-giới.
Tức là về thời nhà Trần. Thật vậy trong khi già nửa toàn cầu (bấy giờ đã ai biết tân đại lục, nên cựu đại lục là cả thế giới) thuộc trong phạm vi thế lực của Mông-Cổ, mà có một nước trong hai năm liền, phá luôn hai lần tám mươi vạn quân Mông-Cổ do thái tử Mông-Cổ chỉ huy, thì nước ấy có đáng gọi là một cường-quốc không?
Và chiến công rực rỡ đời Trần phải được liệt ngang với những chiến-công oanh liệt nhứt trong lịch sử các dân tộc hoàn cầu.
Chúng ta không kiêu căng. Nhưng chúng ta có quyền tự hào về trang sử vẻ vang chói lọi hiếm có trên thế giới đó.
Chúng ta có quyền tự hào được là con cháu Hưng-đạo-Vương và tiên dân đời Trần. Tự hào như thế không ích gì, nếu chúng ta không biết nối cái chí lớn của ông cha, khơi cái truyền thống anh-dũng tuyệt luân của quân dân đời Trần, viết tiếp trang sử Đại Cường-Quốc hoàn cầu mà Hưng-đạo-Vương đã viết những dòng đầu bằng chữ vàng chói-lọi.
Muốn vậy, trước hết chúng ta phải học-tập cuộc chiến-đấu chống ngoại-xâm đời Trần.
Nghĩa là chúng ta nghiên-cứu cuộc chiến đấu đó, để rút ra những bài học kinh-nghiệm quí giá cho hiện-tại và tương-lai.
Lực lượng Mông-cổ thời bấy giờ
Như ta đã biết, Mông-cổ bấy giờ là một đế quốc mới thành lập. Tức là một đế-quốc đầy sinh lực mới, đầy nhuệ-khí mới, một đế-quốc đang cường thịnh, đang bành trướng.
Đã vậy lại có sẵn cả một kho người, kho của vô cùng vô tận là nước Trung-hoa. Có thể ví Mông-cổ như một con hùm dữ mọc thêm đôi cánh.
Lực-lượng nước ta thời bấy giờ
Còn nhà Trần, nếu so sánh với Mông-cổ thì chỉ như một con bê mới vực.
Cướp ngôi vua nhà Lý chưa được bao lâu, nhà Trần dù đã dẹp yên nội-loạn trong nước nổi lên phản đối sự tiếm nghịch với sự loạn luân (họ hàng lấy lẫn nhau) của nhà Trần, song vẫn chưa được lòng người hoàn toàn qui phục.
Đối với giặc ngoại-xâm, phần đông nhân dân đều muốn cầu lấy sự yên thân, và muốn cho đó là việc riêng của vua tôi nhà Trần. Cho nên trong bài « Hịch dụ tướng sĩ », Hưng-đạo-Vương đã phải lên tiếng cảnh cáo những kẻ « làm tướng mà cam tâm hầu giặc », « mê chọi gà, cờ bạc, vườn ruộng, vợ con, rượu ngon, hát hay, săn bắn » không thiết việc đánh giặc. Không những nhân dân như vậy, mà cả người trong Hoàng-gia, tôn-thất kế cận nhà Trần cũng vậy.
Chú họ vua Trần-nhân-Tông là Trần-di-Ái sang sứ rồi chịu luôn cho Mông-cổ phong làm An-Nam Quốc Vương, nghĩ đến lợi ích bổn thân hơn là nghĩ đến giang-sơn quốc thể.
Bọn Hoàng-Tộc là Trần-ích-Tắc, Trần-tú-Viên, Trần-Kiện, Trần-văn-Lộng, đều là anh em, cha chú nhà vua, cũng theo hàng Mông Cổ. Kể chi đến Triều-thần, nhiều người thư từ giấy má tư thông với giặc, sau này Triều-đình bắt được cả một tráp hàng-biểu của các quan Triều.
Khi thế giặc mạnh, các làng hầu hết theo giặc để cầu yên thân. Việc đó là thường tình. Sử chỉ chép hai làng Bàng-Hà, Ba-Điểm là hai làng hàng giặc trước tiên.
Tình hình Hoàng-Tộc, quan liêu và nhân dân đời Trần đại khái là như vậy. Đại khái là ai nấy đều lo giữ lấy cái đầu mình, ít người lo giữ lấy giang-sơn tổ-quốc.
Cho nên có thể nói rằng lực-lượng nước ta hồi bấy giờ thật là non yếu.
Ưu, nhược-điểm của Mông-Cổ
So sánh khái quát như vậy chưa đủ. Muốn thấy rõ lực-lượng hai bên Mông-Cổ và ta cần phải vạch rõ những ưu-điểm và nhược-điểm của đôi bên.
- Giặc Mông-Cổ có những ưu-điểm sau đây:
1. Cấp chỉ huy thiện chiến hơn.
2. Quân-số trội hơn (lần 50 vạn, lần 30 vạn).
3. Quân, tướng đã quen đánh trận địa chiến vì đã dự nhiều chiến-dịch to.
4. Phương-tiện chuyển vận quân sĩ mau chóng và đầy đủ hơn vì có nhiều chiến-thuyền và chiến-mã.
5. Khí-thế mạnh mẽ hơn vì nắm quyền chủ động chiến trường (Mông-Cổ khởi hấn trước).
Tựu trung, ưu-thế tuyệt-đối của giặc Mông Cổ vẫn là quân-số trội.
- Tuy nhiên bên những ưu-điểm căn-bản đó Mông-cổ có những nhược-điểm cũng căn-bản và cũng trầm-trọng lắm:
1. Quân-số đông, nhưng hầu hết là dân Hán tức là quân bị chinh phục và tất nhiên là ô hợp, vì góp người các tỉnh các châu.
2. Vì quân đông mà việc vận-chuyển quân lương trở thành một vấn đề sinh tử và hết sức khó khăn.
3. Quân viễn-chinh ở xa tới mệt nhọc và hay nhớ nhà, tinh thần chiến đấu cũng kém.
4. Quân-sĩ không quen thủy-thổ nước ta.
5. Quân-sĩ Mông-Cổ không hiểu rõ địa-hình, địa-vật và đường lối nước ta.
6. Mông-Cổ là giặc ngoại-xâm, không có chính-nghĩa nên không có nhân-dân, không được nhân-dân ái-đới và ủng-hộ.
Có khắc-phục được những nhược-điểm nặng nề đó thì giặc Mông-Cổ mới mong phát-triển được những ưu-điểm sẵn có và mới giữ vững được ưu-thế tuyệt-đối về quân-số.
Trong trường-hợp ngược lại thì ưu-thế tuyệt-đối với quân-số không còn và những ưu-điểm khác cũng hóa vô-dụng.
Ưu, nhược-điểm của ta
- Ưu-điểm của ta gồm có mấy điểm này:
1. Có chính-nghĩa, vì là chiến-tranh tự-vệ, chiến-tranh bảo-vệ độc-lập cho tổ-quốc, hạnh phúc cho dân tộc. Dễ có nhân hòa, dễ được nhân dân ủng hộ.
2. Có địa-lợi, thông thạo địa-hình, địa-vật và đường lối trong nước.
3. Có thiên-thời, quân-dân đều thuộc thủy thổ nước nhà, có thể chịu đựng khí-hậu rừng núi.
4. Việc vận chuyển quân và lương không thành vấn đề, vì quân-số ít và có thể lấy lương thực tại chỗ.
Tựu trung, ưu-thế tuyệt-đối của ta trước sau vẫn là chính-nghĩa.
- Nhược-điểm của ta cũng không ít:
1. Quân-số ít và không thiện chiến (phải lấy cả nghĩa-binh, hương-binh, tức là dân-quân).
2. Cấp chỉ huy thiếu và không thiện chiến cho lắm.
3. Trang bị và chiến cụ thiếu (chiến thuyền và chiến mã ít).
4. Quân sĩ không quen đánh trận địa chiến.
5. Nhân dân chưa hoàn toàn qui phục nhà Trần.
Nhược-điểm ta nhiều hơn ưu-điểm. Nghĩa là lực ta yếu hơn địch.
- Nhưng thế ta có thể mạnh hơn.
Con bê mới vực tuy còn non sức, nhưng biết nuôi dưỡng thì sức ấy một ngày một lớn, mạnh thêm. Hổ có cánh nhưng không biết sử dụng cánh cho khéo thì gẫy mất cánh và hổ đuối sức.
Thế ta có thể mạnh hơn là vì ta có ưu-thế tuyệt-đối là CHÍNH-NGHĨA.
Phát huy được ưu-thế đó đến triệt-để thì đủ che lấp được phần lớn những nhược-điểm ở dưới, nhất là về điểm « thiếu nhân-tâm » là một nhược-điểm căn-bản và trầm-trọng nhất.
So sánh ưu-nhược-điểm của giặc và của ta
Nếu đem so sánh ưu, nhược-điểm của hai bên thì ta thấy ta và giặc Mông-Cổ đều có nhiều nhược-điểm hơn là ưu-điểm. Song giá bắc được lên cân, thì nhược-điểm của giặc nặng hơn, nhược-điểm của ta nhẹ hơn. Vì sao?
- Nhược-điểm của giặc đều là những nhược-điểm căn bản khó lòng khắc phục, vì hầu hết không thuộc chủ-quan. Còn nhược-điểm của ta hầu hết thuộc chủ-quan, nghĩa là tự ta, ta có thể nhờ thời-gian, nhờ cố gắng, khắc-phục được, chứ không lệ thuộc các điều-kiện khách-quan bên ngoài như những nhược-điểm của địch.
- Nhược-điểm của ta không sâu xa, nó nhất thời. Trái lại với thời-gian, nhược-điểm của địch mỗi ngày một sâu-sắc thêm, nặng-nề thêm, càng ngày càng khó khắc-phục.
Vả lại, ưu-thế tuyệt-đối về quân-số của quân giặc là một ưu-thế nhất thời không được vững chắc, nếu như phạm một vài điều sai lầm trong việc chỉ đạo chiến tranh, khiến quân-số bị hao hụt.
Còn ưu-thế tuyệt-đối của quân Trần thì là một ưu-thế căn bản rất vững vàng, có thể phát huy đến vô cùng tận, và một ngày một bền vững hơn, nếu giặc càng hung dữ, và nếu quân ta thắng một vài trận.
So sánh như vậy ta càng thấy lực ta tuy yếu, nhưng thế ta có thể mạnh gấp bội thế Mông-Cổ. Cái thế của Mông-Cổ là một cái thế bấp-bênh, chông-chênh, cái thế của quân giặc cướp chỉ mạnh ở số đông và ở lòng bạo ngược. Trước chính-nghĩa hiển-nhiên và trước sức chiến đấu tự vệ của dân một xứ giàu lòng yêu nước, thì cái thế ấy bị phá vỡ ngay.
Tuy nhiên sự đời không giản-dị như vậy. Còn phải cần đến khôn khéo, đến mưu trí của con người sáng suốt thì mới phá được thế giặc, kiện toàn được thế mình và mới chuyển được sức yếu thành sức mạnh.
Chiến-lược, chiến-thuật tất-yếu của giặc
Có những ưu-điểm và mắc những nhược-điểm nói trên, giặc Mông-Cổ muốn nuốt chửng nước Nam, muốn thắng quân Trần, tất nhiên phải áp dụng chiến-lược « TỐC CHIẾN TỐC QUYẾT » (đánh mau thắng mau), tức là chiến-lược chớp nhoáng, chiến-lược dựa vào khí thế mạnh mẽ ban đầu của một đạo quân đông-đảo ồ-ạt. Không dùng chiến-lược đó, thời-gian sẽ làm mòn dần và có khi mất hẳn cái ưu-thế tuyệt-đối về quân sự (tức là quân-số). Vì thời-gian sẽ làm những nhược-điểm của giặc ngày thêm sâu-sắc nặng-nề đến cái độ không thể nào khắc phục hay vượt qua được nữa. Như chẳng hạn lương thực vận chuyển không kịp, quân sĩ thiếu ăn, mùa hè nóng-nực, lam-sơn chướng-khí, sẽ làm cho quân sĩ (…)
(…) cuộc hành quân đại qui mô trong lịch-sử. Đó tức là chiến-thuật TRẬN ĐỊA CHIẾN vậy.
Muốn « tốc chiến tốc quyết » nhất định phải dùng cách đánh ồ-ạt, mạnh-mẽ như vũ như bão đó. Ngoài ra không còn cách gì có thể phục-vụ được chiến-lược chớp nhoáng nói trên.
Nhưng chiến-thuật của Mông-Cổ có phục-vụ được chiến-lược không? Chiến-thuật và chiến-lược của Mông-Cổ có thực hiện được mỹ-mãn và đầy đủ như chiến-lược chiến-thuật của giặc Minh đánh Hồ-quí-Ly không?
Chiến-lược chiến-thuật tất yếu của quân Trần
Đứng trên nguyên-tắc mà nói, với những ưu-điểm, nhược-điểm của mình, quân Trần không bao giờ lại nhận đánh TRẬN ĐỊA CHIẾN, vì không thiện chiến và có ít quân. Đánh TRẬN ĐỊA CHIẾN tức là đem trứng chọi với đá, tất là đại bại.
Và cũng đứng trên nguyên-tắc mà nói, để phá vỡ chiến-lược chớp nhoáng của Mông-Cổ, quân Trần nhất định phải áp dụng chiến-lược « TRÌ CỬU CHIẾN » nghĩa là đánh lâu dài.
Có đánh lâu dài, thì mới có đủ thì giờ phát triển ưu thế tuyệt-đối của mình, về Chính-Nghĩa mới củ hợp được dân tâm, mới thực hiện được khối toàn dân đoàn kết chống giặc.
Có đánh lâu dài, thì mới có đủ thì giờ đào sâu được nhược-điểm của giặc về quân-lương, về quân-số ô hợp, về thủy-thổ bất-phục, v.v…
Dĩ nhiên là phải áp dụng chiến-thuật « KỲ BINH » (tức là quân du-kích) đánh toàn những trận du-kích, phục-kích để chống lại và phá vỡ chiến-thuật trận địa đại quy mô của giặc.
Vì có áp dụng chiến-thuật đó thì quân-số (có ít) mới đủ dùng, thì mới lợi dụng được địa hình, địa vật, khí hậu, thiên-thời và sự đồng tình của nhân dân bảo vệ chính nghĩa, chống giặc xâm lược. Một mặt khác, nhờ có thời-gian thì mới vận động chia rẽ được quân lính địch không phải toàn là giống Mông-Cổ; mới khơi sâu được những nhược-điểm căn bản của giặc và mới phá vỡ dần được cái ưu-thế sẵn có của giặc về quân-số.
(Sau này Hồ-quý-Ly, vì không biết áp dụng chiến-lược chiến-thuật, « đem đoản binh chống trường trận », mà dù quân lực mạnh, phòng-thủ kỹ; cũng chỉ cầm cự được với giặc ba trận là bị thua).
Theo nguyên-tắc dụng binh mà nói, thì chiến-lược, chiến-thuật quân Trần tất phải như thế thì mới chống lại được với chiến-lược chiến-thuật vũ bão của Mông-Cổ.
Thực tế, Hưng-đạo-Vương có áp dụng được chiến-lược chiến-thuật đó không? Và đã làm những công-tác gì để phục-vụ và hoàn-thành chiến-lược, chiến-thuật đó?
Tại sao Hưng-đạo-Vương đại thắng giặc Mông-Cổ?
Chiến-lược, chiến-thuật tất yếu của giặc Mông-Cổ như thế nào ta biết chúng đã áp dụng đúng như vậy, nhưng có áp dụng được không? Bởi vì đánh nhau tất phải có hai bên. Mà quân Trần, dưới quyền chỉ huy cứng cáp mạnh mẽ và sáng suốt mềm dẻo của Hưng-đạo-Vương Trần-quốc-Tuấn, đã biết áp dụng chiến-lược, chiến-thuật thích ứng để đối phó. Giặc Mông-Cổ muốn đánh mau thắng mau, giặc Mông-Cổ muốn tiêu diệt quân Nam trong một vài trận đánh đại quy mô. Nhưng quân Nam không « chịu » đánh nhau, không « chịu » nghênh chiến.
Để thực hiện chiến-lược « TRÌ CỬU CHIẾN », quân Nam ban sơ đã từ chối cuộc giao chiến. Quân Nam đã rút lui để bảo toàn chủ lực ở giai đoạn đầu. Sang giai đoạn giặc Mông-Cổ chiếm đóng lan tràn khắp nước từ Lạng-Sơn đến Nghệ-An (trừ Thanh-Hóa), bấy giờ quân Nam mới lục tục đánh du-kích, đánh phục-kích. Rồi sang giai đoạn chót, sau khi bẻ gẫy mũi dùi của Toa-Đô ở Nghệ-An đánh ra và chặn được mũi dùi của Thoát-Hoan thốc vào, bấy giờ mới khởi những cuộc phản công nẩy lửa quyết liệt.
Thành ra giặc Mông-Cổ trước sau vẫn muốn áp dụng chiến-lược chiến-thuật dự-định của chúng, mà không hề áp dụng được.
Trong khoảng thời gian đợi cho khí hậu và thiên thời làm việc cho quân mình, thì Hưng-đạo-Vương đã không ngơi làm việc.
Vương đồng ý với nhà Vua cho áp dụng những kế hoạch vận động nhân dân cực kỳ dân-chủ. Bấy giờ đương ở thời phong-kiến toàn-thịnh, con nhà dân đen phải đi lính hết đời này sang đời khác, mà các bô lão nhân dân được nhà vua mời vào dự yến tại điện Diên-Hồng để nhà vua hỏi ý kiến nên đánh hay nên hàng giặc; mà các vương hầu hội họp với các tướng sĩ ở hội nghị Bình-Than để cùng nhau bàn việc đánh giặc, thì nhân dân ai là không thấy mình trở nên quan-trọng trong việc kháng địch và ai không nức lòng coi việc giữ nước là việc của mình?
Vương lại đề cao đại nghĩa để vận động lòng yêu nước yêu nòi của quân dân trong bài Hịch dụ tướng sĩ, bằng những lời lẽ chân thành và thống thiết.
Sử chỉ chép mấy việc lớn đó để tượng trưng tính cách dân chủ của cuộc kháng chiến đời Trần, chớ ngoài mấy cuộc dân vận lớn lao đó, trong mỗi trang trại của các Vương Hầu, công chúa bấy giờ đều hóa tướng tá cầm quân, tất nhiên đều có những hội nghị dân vận tương tự như thế. Nếu không, sao dân các trang trại khi hóa làm quân bảo hộ của các Vương Hầu, lại trung thành tận tụy với các vị chỉ huy của mình như con đối với cha? (phụ tử chi binh). Như thế tức là Hưng-đạo-Vương đã biết phát huy ưu-thế chính nghĩa của mình và biến chính nghĩa thành lực lượng vật chất, lực lượng quân sự.
Không những vận động nhân dân trong nước, Hưng-đạo-Vương lại dùng khổ-nhục kế để vận động binh lính địch. Hai chữ « Sát Thát » được thích vào cánh tay quân sĩ ta, nói cho quân Nguyên hiểu rõ rằng quân Trần chỉ định tiêu diệt Mông-Cổ, còn đối với người Tàu, người Hán thì vô thù, mà lại là người cùng thuyền cùng hội. Giặc Mông-Cổ có kẻ thù chung của người Việt và người Hán. Kết-quả là tướng Tàu Triệu-Trung tham gia cùng một đạo quân Tàu vào cuộc kháng chiến, dưới quyền chỉ huy của Chiêu-văn Vương Trần-nhật-Duật.
Sự hiện diện của Triệu-Trung trong hàng ngũ quân Trần đã làm tan rã hàng ngũ quân Nguyên. Việc đó đủ tỏ hiệu lực của công tác địch vận.
Ngoài ra Vương lại định kế hoạch đánh chặn các thuyền lương thực của địch khi tới Vân Đồn.
Nghĩa là Vương đã biết dùng kế hoạch thích ứng để khơi sâu những nhược-điểm của quân giặc, đồng thời để phát triển những ưu-điểm và khắc phục những nhược-điểm của ta.
Ưu thế về quân sự của giặc dần dần hao mòn rồi mất hẳn. Còn ưu thế về chính trị của ta (chính nghĩa) thì cứ mỗi ngày lớn mạnh thêm đến cái độ chuyển biến được lòng người thành lực lượng vật chất và lực lượng chiến đấu.
Nếu quân giặc không thể thực hiện được chiến-lược, chiến-thuật của chúng, thì Hưng-đạo-Vương với sự nhận định sáng suốt, với mưu lược thần tình, đã thực hiện đầy đủ chiến-lược, chiến-thuật của mình.
Rút lại, Hưng-đạo-Vương đại thắng giặc Mông-Cổ vì đã:
1. Phá được chiến-lược, chiến-thuật của giặc bằng những chiến-lược, chiến-thuật trái lại hẳn.
2. Vận động tinh thần nhân dân bằng những phương thức dân chủ và khôn khéo.
3. Vận động địch quân bằng hai chữ « Sát Thát » thích vào cánh tay quân mình.
4. Triệt đường tiếp tế lương thực của địch.
5. Biết lợi dụng địa-lợi, thiên-thời.
Hoặc nói một cách khác, sở dĩ Hưng-đạo-Vương đã lấy nhu mà chế được cương, lấy nhược mà thắng được cường; chuyển thế bại thành thế thắng là vì Vương không những là một nhà cầm quân có phép tắc mà lại còn là nhà chính trị có kỳ tài.
Giặc Mông-Cổ chuyên lấy quân sự thuần túy mà giải quyết, còn Vương thì dùng chính trị để giải quyết nhiều hơn là quân sự. Chiến tranh là kế tục của chính trị, chiến tranh là chính trị có đổ máu, nên dùng chính trị để giải quyết chiến tranh là một phương-sách tối-ưu thích-hợp và đắc-nghi.
Từ thượng cổ đến giờ, từ Hạng-Võ tới Nã-phá-luân, rồi Hít-le, phàm ỷ lại vào sức mạnh, định dùng quân sự đơn-thuần mà giải-quyết chiến trường, đều bị thất bại đau đớn.
Hưng-đạo-Vương cũng là một nhà tướng, nhưng Hưng-đạo-Vương biết làm khác thế, nên đã thắng lợi hoàn toàn.
Không chủ quan và không tự phụ, ta có thể nói một cách thẳng thắn rằng về tài chỉ đạo chiến tranh, Hưng-đạo-Vương có thể được sắp ngang hàng với những bực tướng tài đệ nhất cổ kim. Và võ công đời Trần quả là một võ công oanh-liệt đệ nhất trong lịch sử thế giới.
Kinh-nghiệm tác chiến đời Trần
Không cuộc tác chiến nào giàu kinh-nghiệm bằng cuộc tác chiến đời Trần. Những kinh-nghiệm ấy ngay ở thời khoa-học, chiến tranh tiến bộ như ngày nay, vẫn không mất giá trị. Những kinh-nghiệm quí giá ấy đã hầu trở thành những nguyên-tắc căn bản của chiến tranh muôn đời.
Ta có thể liệt ra sau đây những kinh-nghiệm chính yếu:
1. Quân không cốt đông mà cốt đánh giỏi.
2. Chính trị có thắng thì quân sự mới thắng.
3. Đánh lấy lòng dân là thượng sách. Đánh thành là hạ sách.
4. Dĩ nhu chế cương, dĩ nhược chế cường, dĩ đoản quân chống trường trận, lấy nhân nghĩa thắng bạo tàn.
5. Lấy dân đánh giặc, lấy thời-gian đánh giặc, lấy giặc đánh giặc.
6. Triệt lương mạnh ngang tác-chiến.