He fed his spirit with the bread of books.

Edwin Markham

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Azazel123
Số chương: 36
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1723 / 10
Cập nhật: 2017-07-24 16:07:30 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Thay Lời Giới Thiệu
ÒN ĐẢO PHÍA CHÂN TRỜI”
PHAN THANH
Hòn đảo phía chân trời thực chất là tiểu thuyết, gồm hai phần, có hai bối cảnh khác nhau, thông qua một gia đình làm nghề cá trên sông Bạch Đằng. Nhân vật trung tâm là Nhụ, con thứ ba của gia đình.
Thằng Nhụ, mà ông Trương Sần gọi là cu Cõn, không ngờ rằng, một phần cuộc đời nó lại gắn bó mật thiết với ông, một người có cuộc sống lạ lùng, làm cái nghề lạ lùng. Ông không gia đình, không vợ con, chuyên bắt rắn độc, nuôi rắn độc, và chạy chữa cho người bị rắn độc cắn. Cũng chính ông, có giọng hò đến say lòng người, từ hồi còn chèo đò trên sông Bạch Đằng. Có thể nói Trương Sần là nhân vật chính, nhìn ở góc độ khác. Giả sử tiểu thuyết Hòn đảo phía chân trời, thiếu nhân vật này, chưa chắc cuốn sách đã đứng được. Càng về cuối tác phẩm, vai trò ông Trương Sần càng quan trọng. Ngòi bút Trần Nhuận Minh dữ quá một chút nữa, ông Trương Sần sẽ biến thành phù thủy. Nhưng thật may, điều đó đã không xảy ra.
Trong Phần Một: Ngôi nhà bên cửa sông, tác giả mô tả ngôi nhà của Nhụ nằm sát mép nước, mỗi lần tàu chạy qua, sóng sông Bạch Đằng lập tức dào lên, vỗ oàm oạp vào bậc đá dưới thềm nhà. Vấn đề mà phần đầu sách khơi mở, chính từ ngôi nhà đó, bắt nguồn từ người ông. Nhà Nhụ có bốn chị em. Chị Chim sau đổi thành Chiêm, anh Thu, bộ đội hải quân, Nhụ và thằng Đé 5 tuổi. Thằng Đé thường ngủ muộn, bật dậy là bám vào chấn song cửa sổ, vén quần đái vo vo ra sông. Nó có biết gì đâu. Nhụ thì biết. Nhụ biết trong tâm trí ông nó, đang giằng co, về việc đi hay ở, đi là đến làng mới trên đảo xa. Việc hệ trọng đến vậy, ông cũng chỉ nói với Nhụ, kèm một chi tiết khá độc đáo, khiến Nhụ cứ ớ ra. Ông hay ngồi uống rượu trên tấm phản, nguyên là cỗ áo quan, ông tự chuẩn bị cho mình. Ông bảo Nhụ: Nhà ta từ đời thượng cổ đến giờ, chưa ai khuất sóng mà lại được chôn trong một cỗ áo quan. Có lẽ ông là người đầu tiên đây... Khi chết, không bị thả xác xuống biển... mà được chôn trên đất liền, là điều đặc biệt thiêng liêng đối với người dân chài. Ông bám chắc vào cỗ áo quan dành cho mình, là có ý ngầm phản đối việc con trai ông, đang đi tìm miền đất mới trên biển khơi. Hình ảnh bố mẹ Nhụ ở phần đầu sách, chỉ thấp thoáng, đây là sự sắp đặt có chủ ý. Trong điện ảnh, người ta gọi đó là thủ pháp mờ chồng, không chủ yếu, song không thể bỏ qua. Người đọc dễ dàng nhận thấy, tác giả có chút rộng rãi với nhân vật, đôi khi thả lỏng, cho nhân vật hoạt động ngoài tầm kiểm soát của ngòi bút, làm cho một số chương buộc phải nới lỏng dung lượng.
Sang Phần Hai: Làng mới trên đảo biển, tiểu thuyết chặt chẽ hơn, đẩy các nhân vật vào hoạt động đa tuyến. Từ bối cảnh một làng đảo mới hình thành, ở địa danh lạ lẫm là Mõm Cá Sấu, cùng nhiều chi tiết, để lại nhiều dấu ấn.
Nhụ đã theo bố chuyển ra làng đảo. Ở làng biển, Nhụ có thêm mấy người bạn: Đức, Ngạnh. Mỗi người bạn của Nhụ, có một cảnh đời khác nhau. Đức, con nhà khá giả hơn, phải đeo kính, hai mắt cách xa nhau. Đức biết thương người, còn thương cả con chó Róc, bị cáy cắp chảy máu mũi...
Ngạnh thì khác. Ngạnh là thằng bé già trước tuổi. Vì nó sớm phải đối mặt với một cuộc đời buồn. Và càng buồn hơn, mười ba tuổi đầu, Ngạnh chưa hề biết chữ... Cần nói ngay rằng, ngòi bút Trần Nhuận Minh dễ làm xiêu lòng người đọc, ở các trang thể hiện tâm trạng. So với hai bạn, Nhụ có vẻ hiểu biết hơn. Cả ba đứa đều kết thân với chú Thuận, chiến sĩ bộ đội biên phòng, đóng trên đảo. Chú Thuận đã dạy Ngạnh biết đọc biết viết. Mõm Cá Sấu chỉ là một hòn đảo cù lao khô cằn, hoang vu, khi có con người đến sinh cơ lập nghiệp, sự sống mới bừng lên. Hãy nghe ba đứa trẻ đang đi trên mép sóng, bỗng reo to: Chúng ta phải đi báo với chú Thuận. Ngọc trai trước biến đi, bây giờ ngọc trai lại về...
Tháng sau, chú Thuận rời quân hàm xanh về làm Chủ tịch lâm thời xã đảo. Nhà văn phòng Ủy ban rất sơ sài, nổi bật lên trên hết là ngọn quốc kỳ. Hai lần Trần Nhuận Minh viết về lá cờ, cả hai đều hay: Lá cờ đỏ sao vàng động gió, bay như hát trên bầu trời. Và lần khác: Cờ đỏ sao vàng, chủ quyền của đất nước đối với hòn đảo, bay như một đốm lửa, lấp loáng cháy ở lưng trời... Các chi tiết này rất quan trọng, vì nó minh chứng cho việc hình thành thể chế của chính quyền nhân dân Việt Nam, được thiết lập trên hòn đảo rất xa đất liền.
Mọi việc đang được xúc tiến trôi chảy. Các đội tàu cá, dưới sự chỉ huy của bố Nhụ, một tướng cá, với các chuyến đánh bắt ở khơi xa, thì xã đảo xảy ra một chuyện buồn. Một đêm giông, tàu chở Chủ tịch xã vào đất liền, va vào cồn đá, gẫy bánh lái...Cả xã đảo buồn. Nhụ và hai thằng bạn là buồn nhất. Chúng nó truyền tin cho nhau: Đồn biên phòng đang xin trực thăng đi tìm xác chú... Ở đây, tác giả đã nói một điều rất hợp lôgic cuộc sống: Thành công nào mà chả có mất mát hi sinh.
Người đọc lại chú ý một nhân vật phụ: Ông Quang. Ông già bán kẹo kéo ở cạnh cây lim Giếng Rừng (đầu tác phẩm), không ai ngờ lại chính là bố chú Thuận. Chú Thuận, đứa con duy nhất, chỗ dựa duy nhất của ông, không còn. Ông ra đảo, rồi tình nguyện ở lại đảo, nơi con trai ông đã hi sinh. Rồi ông Nhụ cũng ra đảo ở với con, với cháu. Ông đem theo cả cỗ hậu sự. Chi tiết này thật đắt. Cũng vẫn con người ấy, sự việc ấy, song tác giả hướng cái nhìn vào một quan niệm mới.
Cuối cùng là ông Trương Sần cũng ra đảo, sống vui cùng mấy bạn già. Cảm giác như cứ trang viết nào trong cuốn sách, có ông Trương Sần, là trang ấy sinh động hẳn lên. Bởi nhân vật này quy tụ được bọn trẻ. Ông Trương Sần hấp dẫn tụi trẻ ở nhiều lẽ. Câu chuyện bố con ông Trương Sần, vật lộn với con rắn hổ mang to đại, thì cả khu Giếng Rừng, người lớn, trẻ con, đều biết. Từ trong lòng, bọn trẻ rất cảm phục. Bằng những kinh nghiệm sống khổ đau, mất mát, cùng chút niềm vui hiếm hoi, ông truyền dạy cho lũ trẻ cái nhân ái của con người. Ở đây, bất chợt ta gặp một Trần Nhuận Minh – nhà thơ, tác giả tập thơ Nhà thơ và hoa cỏ, nâng hình tượng Nhân nghĩa và Tự do, lên thành chủ thể của tác phẩm.
Trong tập sách này, Trần Nhuận Minh có những trang viết hay và cảm động, về nhiều mặt của cuộc sống, như: gà đẻ trứng, ông lão chèo đò chống đỡ với con rắn hổ mang..., các trang viết về những câu hò sông nước, về phong tục tập quán, kinh nghiệm người đi biển, về nghề biển v.v... cả những câu thơ, câu hò trong tập sách, người viết dụng công đưa vào, dù rằng, đó là câu hò dân gian hay thơ của Trần Nhuận Minh, cũng đều đáng khích lệ, bởi lời hay, hợp với khung cảnh. Song, về phần thơ, bạn đọc muốn tác giả cân nhắc thêm. Dùng thơ để thể hiện cao trào của tiểu thuyết, xưa nay chưa có ai làm, mà phải bạo tay và vững nghề mới dám làm. Bài thơ đứng một mình Chương kết không đánh số là bài khá, khiến các bạn nhỏ tuổi phải suy nghĩ nhiều, cũng chấp nhận được. Sách có nhiều chương viết sinh động, chứng tỏ tác giả có vốn sống phong phú về nghề biển và người dân chài.
Tạo dựng đời sống hiện thực trong một tác phẩm văn chương về một làng đảo, đâu có dễ. Đây là một thành công trong truyện viết cho thiếu nhi.
(Bài đăng báo VĂN NGHỆ. Số 22 ngày 2/6/2001)
Hòn Đảo Phía Chân Trời Hòn Đảo Phía Chân Trời - Trần Nhuận Minh Hòn Đảo Phía Chân Trời