A home without books is a body without soul.

Marcus Tullius Cicero

 
 
 
 
 
Tác giả: Leslie T.Chang
Thể loại: Trung Hoa
Biên tập: khoa tran
Upload bìa: Son Le
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4104 / 176
Cập nhật: 2014-12-04 15:47:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
hần Một: Thành phố
Chương 1: Ra đi
Khi gặp một cô gái đến từ một nhà máy khác, bạn sẽ đánh giá nhanh cô ấy một lượt. Năm mấy thế? Các bạn hỏi nhau, như thể không phải nói về con người, mà là đang nói về việc sản xuất ô tô vậy. Bao nhiêu một tháng? Có bao ăn ở không? Thêm giờ thì bao nhiêu? Rồi sau đó bạn sẽ hỏi cô ấy quê ở tỉnh nào. Bạn không bao giờ hỏi tên cô ấy cả.
Có một người bạn thực sự trong nhà máy không phải chuyện dễ dàng. Mười hai cô gái ngủ chung một căn phòng, và trong khoảng không gian chật hẹp của nhà tập thể ấy, tốt hơn hết là giữ bí mật cho riêng mình. Một số cô gái vào làm trong nhà máy bằng chứng minh thư đi mượn và không bao giờ nói tên thật của mình cho bất cứ ai. Một số cô chỉ nói chuyện với những người cùng quê, nhưng làm vậy cũng vẫn mạo hiểm: Tin đồn lan từ nhà máy về đến làng rất nhanh, và khi bạn trở về, tất cả các bà các cô trong làng đều biết bạn kiếm được bao nhiêu một tháng, bạn tiết kiệm được bao nhiêu hay bạn có đi chơi với anh chàng nào hay không.
Khi có một người bạn, bạn có thể làm mọi thứ cho cô ấy. Nếu một người bạn bỏ việc, và không có nơi nào để đi, bạn sẽ chia sẻ với cô ấy cái giường chật hẹp của mình bất chấp rủi ro phải chịu mười đồng Nhân dân tệ (khoảng 1,25 đô la) tiền phạt nếu bị bắt gặp. Nếu cô bạn của bạn làm việc ở xa, bạn sẽ dậy sớm trong một ngày nghỉ hiếm hoi và ngồi hàng giờ trên xe buýt, đồng thời, cô ấy cũng sẽ nghỉ làm - lần này, là một trăm đồng tiền phạt - để dành cả ngày với bạn. Bạn có thể làm việc ở một nhà máy bạn không thích, hoặc nghỉ việc ở một nhà máy bạn thích, vì một người bạn yêu cầu như thế. Bạn bè viết thư cho nhau hàng tuần, mặc dù các cô gái đã đi làm lâu hơn coi đó là trò trẻ con. Thay vào đó, họ gửi tin nhắn qua điện thoại di động.
Bạn bè cãi nhau rồi bỏ nhau cũng là chuyện thường, bởi cuộc sống thay đổi quá nhanh chóng. Điều dễ xảy ra nhất trên đời này, chính là đánh mất mối liên hệ với một ai đó.
Ngày tuyệt vời nhất trong tháng là ngày phát lương. Nhưng theo một góc độ nào đó, nó cũng là ngày tệ hại nhất. Sau khi bạn đã làm việc chăm chỉ suốt một thời gian dài, chứng kiến số tiền bị cắt đi chỉ vì những chuyện hết sức vớ vẩn là một điều đáng phẫn nộ: đến muộn vài phút vào một buổi sáng, hoặc nghỉ nửa ngày vì mệt, hoặc phải trả thêm tiền để đổi đồng phục mùa đông sang mùa hè. Trong ngày phát lương, mọi người đều xúm đông xúm đỏ ở bưu điện để gửi tiền về cho gia đình. Các cô gái mới đến đều rất phấn khích gửi tiền về, còn các cô đã ở lâu hơn thì cười chế giễu họ. Một vài cô lập sổ tiết kiệm cho riêng mình, đặc biệt là khi các cô đó đã có bạn trai. Mọi người đều biết cô nào tiết kiệm được nhiều nhất và đã tiết kiệm được mấy nghìn Nhân dân tệ. Tất cả cũng biết ai là người tiết kiệm được ít nhất, với nào là son môi, những chiếc điện thoại di động lấp lánh ánh bạc, mặt dây chuyền hình trái tim, và cả nhiều đôi giày cao gót nữa.
Cả ngày các cô gái đều nói chuyện bỏ việc. Công nhân bắt buộc phải làm việc ở đây ít nhất sáu tháng, thậm chí là sau đó, đơn xin thôi việc cũng chưa chắc đã được chấp nhận. Nhà máy giữ lại hai tháng lương đầu của tất cả các công nhân; ra đi mà không được chấp nhận đồng nghĩa với việc mất số tiền đó và bắt đầu lại từ đầu ở một chỗ khác. Có một sự thật về đời công nhân nhà máy mà bạn không thể nào biết được từ bên ngoài: Vào làm trong một nhà máy thì dễ. Ra khỏi đó mới khó.
Con đường duy nhất để tìm một công việc tốt hơn chính là bỏ công việc hiện tại. Việc phỏng vấn đòi hỏi phải xin nghỉ làm, và người chủ mới mong đợi bạn bắt đầu công việc ngay lập tức. Từ bỏ một công việc cũng là sự đảm bảo tốt nhất để có một công việc mới. Áp lực của chuyện tìm một chỗ để ăn và ngủ sẽ thúc đẩy bạn tìm việc mới nhanh hơn. Các cô gái thường bỏ việc trong nhà máy theo từng nhóm, tìm kiếm sự động viên từ số đông và hứa sẽ vào làm chung trong nhà máy mới, mặc dù điều ấy hóa ra thường là không thể thực hiện được. Điều dễ xảy ra nhất trên đời này, chính là đánh mất mối liên hệ với một ai đó.
o O o
Lỗ Thanh Mẫn sống một mình trong một thời gian dài. Chị gái cô làm việc trong một nhà máy ở Thâm Quyến, thành phố công nghiệp đang phát triển nhanh chóng cách đó một giờ đi xe buýt. Bạn bè đồng hương của cô rải rác ở các nhà máy khắp một dải dọc bờ biển Trung Quốc, nhưng Mẫn, như bạn bè cô vẫn gọi, không liên lạc với bất cứ ai. Đây là vấn đề liên quan đến lòng tự trọng: bởi vì cô không thích nơi mình đang làm việc, cô không nói với ai mình đang ở đâu. Đơn giản là cô biến mất khỏi tầm nhìn của mọi người.
Nhà máy nơi cô làm việc có tên Carrin Electronics. Một nhà máy của Hồng Kông, chuyên sản xuất đồng hồ báo thức, máy tính điện tử, và lịch điện tử, loại hiển thị ngày giờ ở các thành phố trên khắp thế giới. Nhà máy trông cũng khá đàng hoàng khi cô đến phỏng vấn vào tháng Ba năm 2003: các khu nhà lợp mái tôn, một cái sân xi măng, một cổng xếp kéo bằng kim loại đóng kín. Cô không được phép vào trong cho tới khi cô được nhận vào làm việc. Các công nhân ngủ chung mười hai người một phòng, trên những chiếc giường chật hẹp cạnh nhà vệ sinh; những căn phòng đều dơ dáy bẩn thỉu và bốc mùi. Đồ ăn trong căng tin cũng tệ: mỗi bữa gồm có cơm, một món thịt hoặc rau, và canh, mà canh thì lõng bõng toàn nước là nước.
Một ngày ở dây chuyền lắp ráp kéo dài từ tám giờ sáng đến nửa đêm - mười ba tiếng làm việc và hai lần nghỉ ăn cơm - và các công nhân làm việc hàng ngày trong liên tục nhiều tuần liền. Thỉnh thoảng họ không phải làm thêm giờ vào chiều ngày thứ Bảy, đó là thời gian nghỉ ngơi duy nhất. Các công nhân kiếm được chừng bốn trăm Nhân dân tệ một tháng - tương đương năm mươi đô la - và gần gấp đôi chỗ ấy khi làm thêm, nhưng thường xuyên bị trễ tiền lương. Nhà máy sử dụng cả ngàn lao động, hầu hết trong số đó là phụ nữ, cả những cô gái trẻ mới bước chân ra khỏi nhà đến những người đàn bà hơn ba mươi đã có gia đình. Bạn có thể đánh giá chất lượng của chỗ làm việc thông qua số lượng những người thiếu vắng: các cô gái trẻ tuổi đôi mươi, lực lượng tinh nhuệ của các nhà máy công xưởng. Khi Mẫn tưởng tượng ra cảnh mình sẽ ngồi bên dây chuyền lắp ráp hàng ngày trong mười năm tới, cô đã vô cùng kinh hãi. Cô mới có mười sáu tuổi.
Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên bước vào nhà máy, Mẫn đã muốn từ bỏ công việc này, nhưng cô đã cam kết sẽ làm việc ít nhất sáu tháng. Đó cũng là một dịp tốt để cô rèn luyện, và trước mắt các lựa chọn của cô cũng khá là hạn chế. Tuổi đi làm theo luật định là mười tám, song những người mười sáu hoặc mười bảy cũng có thể nhận công việc đó với thời gian làm việc ngắn hơn. Thông thường chỉ có một loại chủ lao động thoải mái phá rào Luật Lao động - "những nhà máy bẩn thỉu nhơ nhuốc nhất," Mẫn gọi như thế -mới thuê những người ít tuổi như cô.
Trong tuần làm việc đầu tiên, Mẫn bước sang tuổi mười bảy. Cô nghỉ một nửa ngày và một mình lang thang trên phố, mua vài món bánh kẹo và ăn một mình. Cô không hề có khái niệm con người ta làm gì để giải trí. Trước khi lên thành phô, cô chỉ có một ý niệm rất mơ hồ về cái gọi là nhà máy, hết sức mờ nhạt, cô tưởng tượng nó là cả một cộng đồng sống động quần tụ với nhau. "Tôi nghĩ rằng làm việc trong dây chuyền lắp ráp sẽ rất vui," cô nói sau này. "Tôi nghĩ sẽ có rất nhiều người cùng làm việc với nhau, bận bịu, chuyện trò và nô đùa vui vẻ. Tôi nghĩ công việc sẽ rất thoải mái. Nhưng hoàn toàn không phải vậy."
Nói chuyện trong giờ làm bị cấm và sẽ bị phạt năm Nhân dân tệ. Thời gian nghỉ đi vệ sinh chỉ có mười phút và phải đăng ký vào danh sách. Mẫn làm ở bộ phận kiểm định chất lượng, kiểm tra các thiết bị điện tử khi chúng chạy qua trên dây chuyền lắp ráp để chắc chắn rằng các nút ấn hoạt động, những mảnh nhựa đã ghép vào nhau, và pin đã được lắp đúng chiều. Cô không phải một công nhân kiểu mẫu. Cô cứ nhí nhách liên tục và hát với những người phụ nữ khác cùng dây chuyền. Ngồi yên một chỗ làm cô cảm thấy tù túng như chim trong lồng, vì vậy cô thường xuyên ra nhà vệ sinh chỉ để nhìn thấy ngọn núi xanh gợi nhớ về quê nhà qua khung cửa sổ hẹp. Đông Quản(1) là một thành phố công nghiệp nằm ở vùng á nhiệt đới phì nhiêu màu mỡ, và có vẻ như Mẫn là người duy nhất để ý đến điều đó. Vì cô mà nhà máy đã đặt ra luật lệ giới hạn công nhân chỉ được đi vệ sinh một lần trong bốn tiếng; mức phạt nếu vi phạm là năm Nhân dân tệ.
Sau sáu tháng, Mẫn đến gặp sếp của mình, một người đàn ông tầm từ hai mươi tuổi đến ba mươi tuổi và nói cô muốn nghỉ việc. Anh ta đã từ chối.
"Năng suất của cô ở dây chuyền lắp ráp rất không tốt," ông chủ của Mẫn nói. "Cô có mù không vậy?"
"Kể cả nếu tôi bị mù," Mẫn phản kích lại, "tôi cũng không làm việc dưới quyền một kẻ bạc bẽo như anh đâu."
Cô bỏ ra khỏi dây chuyền trong ngày hôm sau để phản kháng, hành vi này khiến cô bị phạt một trăm Nhân dân tệ.
Ngày tiếp theo đó, cô đến gặp ông chủ và một lần nữa yêu cầu cho nghỉ việc. Câu trả lời của anh ta khiến cô ngạc nhiên: ở lại cho đến qua tết Âm lịch, tức là thêm sáu tháng nữa, và cô sẽ được nghỉ việc và nhận lại hai tháng tiền lương mà nhà máy giữ của cô. Ông chủ của Mẫn đánh cược rằng cô sẽ ở lại. Sau năm mới, các công nhân tràn về những thành phố công nghiệp giống như Đông Quản, và cuộc cạnh tranh để giành một công việc sẽ hết sức kịch liệt.
Sau cuộc cãi vã, ông chủ trở nên tử tế hơn với cô. Đã mấy lần anh ta thuyết phục cô nghĩ đến chuyện ở lại; thậm chí còn nói đến chuyện đề bạt cô lên làm thư ký công xưởng, mặc dù sự đề bạt ấy cũng không làm cô tăng thêm đồng lương nào. Mẫn từ chối. " Nhà máy của anh không đáng để tôi phí hoài cả tuổi thanh xuân ở đây," cô nói với cấp trên của mình. Cô đã đăng ký một lớp học vi tính ở trường thương mại gần đó. Khi không phải làm ca thêm giờ, cô bỏ bữa tối và tốn mấy tiếng đồng hồ để học cách đánh máy và điền các bảng biểu trên máy tính. Hầu hết các cô gái làm trong nhà máy đều tin rằng họ thiếu giáo dục đến mức đăng ký một lớp học cũng chẳng ích lợi gì, nhưng Mẫn thì khác. "Có học có hơn," cô lý luận.
Cô gọi điện về nhà và nói cô đang nghĩ đến chuyện bỏ việc. Cha mẹ cô, có một khoảnh ruộng nhỏ để canh tác và ba đứa con nhỏ hơn còn đang đi học, khuyên cô không nên làm vậy. "Con lúc nào cũng muốn nhảy hết chỗ này rồi lại đến chỗ khác," cha cô nói. Con gái không nên lông bông như vậy. Ở nguyên một chỗ và tiết kiệm ít tiền đi, ông bảo cô.
Mẫn ngờ rằng đây không phải lời khuyên tốt nhất. "Đừng lo cho con," cô bảo cha mình. "Con có thể tự lo được."
Cô có hai người bạn tốt ở nhà máy, Lương Dung và Hoàng Kiều Nga, cả hai đều lớn hơn Mẫn một tuổi. Họ giúp Mẫn giặt quần áo vào những buổi tối cô phải tới lớp. Giặt đồ là một việc cố định trong ngày bởi các công nhân chỉ có vài bộ quần áo để thay. Trong đêm tối ẩm ướt sau một ngày làm việc, hàng dài các cô gái xách xô nước ra nhà tắm khu tập thể rồi lại trở về.
Khi có bạn bè, cuộc sống trong nhà máy có thể thêm phần vui vẻ. Trong những buổi tối được nghỉ hiếm hoi, ba cô gái sẽ bỏ bữa tối và đi trượt patin, rồi trở về xem một bộ phim chiếu muộn ở nhà máy. Khi thu chuyển sang đông, cái lạnh trong khu nhà tập thể không được sưởi ấm khiến các cô gái thao thức suốt đêm. Mẫn kéo hai người bạn ra sân chơi cầu lông cho tới khi cơ thể họ đủ ấm để thiếp đi được.
Tết Âm lịch năm 2004 rơi vào cuối tháng Một. Các công nhân chỉ có bốn ngày nghỉ, không đủ thời gian để về quê rồi lại trở ra. Mẫn ở lại căn hộ tập thể và gọi điện về nhà bốn lần trong hai ngày. Sau kỳ nghỉ, cô lại đến gặp cấp trên, lần này thì anh ta để cô ra đi. Lương Dung và Hoàng Kiều Nga khóc òa lên khi Mẫn báo tin cho hai người. Trong thành phố đầy những con người xa lạ này, họ là những người duy nhất biết về sự ra đi của cô. Họ khẩn nài cô ở lại; họ tin rằng điều kiện ở các nhà máy khác cũng chẳng khá khẩm gì hơn, và ở lại hay ra đi thì rốt cuộc cũng thế mà thôi. Mẫn không nghĩ thế.
Cô hứa sẽ trở lại thăm sau khi được trả lương ở chỗ làm mới. Mẫn đi luôn ngày hôm đó chỉ với vài bộ quần áo trong ba lô và hai tháng lương nhà máy đã giữ lại của cô. Cô không mang theo khăn bông và chăn, những thứ ấy cũng tốn tiền, nhưng cô không thể chịu đựng việc nhìn chúng thêm một chút nào nữa.
Trong mười tháng làm việc ở dây chuyền lắp ráp, Mẫn đã gửi về nhà ba ngàn Nhân dân tệ - khoảng 360 đô la - và có hai người bạn thật sự.
Đáng lẽ lúc đó cô nên thấy sợ hãi. Nhưng tất cả những gì cô biết chỉ là cô đã tự do.
o O o
Ở ngôi làng nơi Lỗ Thanh Mẫn sinh ra, hầu hết mọi người đều mang chung một họ với cô. Chín mươi hộ gia đình sống quây quần ở đó, trồng lúa, cải dầu và bông trên những khoảnh ruộng nhỏ. Gia đình Mẫn canh tác trên nửa mẫu ruộng và hầu như ăn hết những gì họ trồng được.
Có vẻ như tương lai của Mẫn đã được định sẵn khi cô còn là một đứa trẻ, và nó xoay quanh một tập tục ở nông thôn: mỗi gia đình buộc phải có một đứa con trai. Mẹ Mẫn đã có bốn con gái trước khi sinh được đứa bé trai; trong những năm đầu tiên thực hiện chính sách mỗi gia đình chỉ có một con của chính phủ, luật lệ được thi hành rất lỏng lẻo ở nhiều miền quê. Nhưng năm đứa trẻ thì mang đến một gánh nặng tài chính khá lớn khi nền kinh tế mở cửa vào năm 1980 và chi phí cho cuộc sống leo thang. Là con thứ hai trong gia đình, Mẫn phải gánh vác khá nhiều trong số những gánh nặng ấy.
Cô không thích đi học và học rất kém. Theo những gì Mẫn nhớ được, cô luôn gây rắc rối. Cô hay trèo lên cây nhà hàng xóm để vặt trộm mận; và nếu bị bắt, cô sẽ bị một trận đòn nên thân. Một lần khi mẹ bảo cô làm việc nhà, Mẫn đã cãi lại. "Ở nhà có bao nhiêu là người. Tại sao con phải làm chứ?" Mẹ đã chạy đuổi cô suốt nửa cây số, và lấy roi vụt cho cô một trận.
Mẫn khá giỏi bày ra các trò vè. Cô đã học bơi và học lái xe tải; cô yêu thích trượt patin và thường giấu mẹ những vết thương. "Tôi ngã theo mọi kiểu có thể ngã," Mẫn nói. "Nhưng bạn không thể cứ nghĩ về chuyện đó được." Mẫn là cô con gái được bố cưng nhất. Một mùa hè, ông thuê một chiếc xe tải và đưa cô đi khắp vùng quê, bán dưa hấu họ trồng. Họ lái xe cả ngày và ngủ trong xe khi đêm về; đó là một trong những hồi ức đẹp nhất của Mẫn. Hầu hết mọi lao động di trú đều liên tưởng quê hương mình với nghèo đói và lạc hậu, thậm chí một số người còn ngần ngại không muốn nói ra tên ngôi làng của họ. Nhưng cả một thời gian khá lâu sau khi Mẫn đến thành phố, cô vẫn nói về quê nhà mình như một nơi rất đẹp.
Cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, cả bố và mẹ Mẫn đều đi khỏi làng kiếm việc để lấy tiền nuôi bầy con đi học. Bố Mẫn làm việc trong một nhà máy giày ở vùng ven biển, nhưng sức khỏe yếu đã buộc ông phải trở về. Sau đó, mẹ cô đi khỏi làng chừng một năm. Mẫn học nội trú ở một trường trung học cơ sở trong thị trấn gần nhà, nhưng về nhà vào mỗi cuối tuần để nấu ăn và giặt giũ quần áo cho bố và lũ em.
Hầu hết những người trẻ trong làng Mẫn đều đi khỏi làng. Khi Mẫn còn đang học trung học cơ sở, chị gái cô, Quế Mẫn đã đến làm việc trong một nhà máy ở Đông Quản. Không lâu sau đó, Mẫn trượt kỳ thi quốc gia vào trường trung học phổ thông, và bố mẹ cô đã nghĩ đến chuyện cô cũng thoát ly khỏi làng như chị gái. Quế Mẫn gọi điện về nhà và thuyết phục họ cho Mẫn đi học tiếp; lương của Quế Mẫn ở nhà máy, cô nói, sẽ giúp em gái trả tiền học phí. Cha mẹ họ đồng ý, và Mẫn đăng ký một khóa hai năm ở trường trung học dạy nghề. Điều này đã khiến cô trở thành một trong những người được giáo dục tốt nhất trong làng - hơn cả Quế Mẫn, người chị cả đã hi sinh việc học hành của mình để giúp gia đình.
Quế Mẫn về nhà trong kỳ nghỉ Tết Âm lịch năm 2003 và đưa Mẫn theo cùng khi cô đi. Mẫn còn một học kỳ nữa ở trường, nhưng cô muốn tiết kiệm tiền học và bắt đầu tìm việc trước luôn. Cô rất phấn khích vì được rời nhà đi; cô chưa đi tàu hỏa và nhìn thấy nhà máy lần nào. "Tôi muốn ra đi sớm, học hỏi nhiều điều và nhìn ngắm thế giới," cô kể.
Ở Đông Quản, Quế Mẫn thuê cho Mẫn một căn phòng trong nhà nghỉ rẻ tiền và kiếm việc cho cô ở một nhà máy sản xuất màn hình tinh thể lỏng của Nhật. Mẫn làm việc ở đó được một tháng rồi nghỉ việc. Cô chưa bao giờ ở một nơi mà cô không quen biết ai, và cô không chịu đựng nổi nỗi cô đơn đó. Cô trở về nhà nghỉ và tìm được việc ở một nhà máy khác nhưng không đi làm. Chị gái cô bảo tiếp tục trả tiền thuê nhà nghỉ, nhưng Mẫn cảm thấy mình đang trở thành một gánh nặng. Ở trạm xe buýt, cô để ý thấy một tờ rơi tuyển người vào vị trí kiểm định chất lượng trong dây chuyền lắp ráp của một nhà máy sản xuất đồ điện tử. Cô gọi đến số điện thoại trên tờ quảng cáo - rất nhiều tờ quảng cáo kiểu như vậy chỉ là trò bịp gạt tiền của những người từ vùng khác đến - và người trả lời điện thoại đã chỉ đường cho Mẫn đến nhà máy. Mất ba tiếng ngồi xe buýt để đến nhà máy Carrin Electronics ở điểm đầu chót đông nam của Đông Quản, nơi Mẫn một mình trải qua một năm đầy khó khăn.
Ngay khi bước vào sân nhà máy, Mẫn nhận ra nơi này còn tệ hơn cái nhà máy Nhật mà cô vừa mới nghỉ việc. Nhưng giờ đã quá muộn để trở lại, và cô không muốn nhờ chị gái mình giúp lần nữa. Cô phải quen dần với cuộc sống tự lập - như vậy thì tốt hơn.
o O o
Các lao động di trú dùng một từ ngữ đơn giản chỉ việc di chuyển để định nghĩa cuộc đời họ: chuqu (xuất khứ), nghĩa là rời bỏ quê hương ra đi. Ở nhà chẳng có gì để làm cả, vì vậy tôi ra đi. Đó là cách bắt đầu một câu chuyện của lao động di trú.
Cuộc sống ở thành phố không dễ dàng gì với họ. Thù lao cho lao động chân tay rất thấp - thường thấp hơn mức lương tối thiểu theo quy định chính thức, tầm khoảng từ năm mươi đến tám mươi đô la một tháng. Giờ làm việc thường xuyên kéo dài vượt quá giới hạn luật pháp quy định là bốn mươi chín tiếng một tuần. Bị ốm, bị thương, hoặc có thai, thì bạn sẽ phải tự lo cho mình. Chính quyền địa phương không có nhiều chính sách để bảo vệ người lao động; việc của họ là khiến các chủ nhà máy vui, điều đó sẽ mang lại nhiều đầu tư và thu nhập từ thuế hơn. Nhưng âm thầm chịu đựng không phải là điều mà những lao động di trú nghĩ về bản thân mình. Rời bỏ quê hương và làm việc trong nhà máy là việc khó khăn nhất họ từng làm. Đó cũng là một cuộc phiêu lưu. Thứ giữ họ ở lại thành phố không phải nỗi sợ mà là lòng kiêu hãnh: Trở về sớm tức là đã thừa nhận mình thất bại. Rời quê hương và ở lại - xuất khứ - là để thay đổi số phận của bạn.
Những người thoát ly là bộ phận ưu tú ở nông thôn. Họ trẻ hơn, được giáo dục tốt hơn, và mạnh dạn hơn những người họ bỏ lại quê nhà. Người thành phố gọi họ là liudong renkou (lưu động nhân khẩu), dân số lưu động - ám chỉ một đám đông không mục đích, nhưng tất cả những người di trú đều rời quê nhà với một mục tiêu tìm việc trong tâm trí, theo chân những người họ hàng hoặc đồng hương đã biết các đường đi nước bước. Và hầu hết những người ly hương trẻ ngày nay không ra đi từ đồng ruộng: Họ đến từ trường học. Đồng áng giờ là việc mà họ quan sát cha mẹ mình làm.
Dòng người di trú là hệ quả ngẫu nhiên của quá trình cải cách nền kinh tế. Vào năm 1958, chính phủ Trung Quốc đã thiết lập một hệ thống đăng ký hộ khẩu mà trong đó ấn định mỗi người là cư dân thành thị hay nông thôn. Cư dân thành phố được phân phối việc làm, nhà ở và tem phiếu để đổi thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác; còn cư dân nông thôn, vì không có bất cứ quyền lợi nào nêu trên, nên buộc phải bám lấy đồng ruộng.
Cuối những năm 1970, cải cách mở cửa cho phép các hộ nông dân bán một phần thu hoạch của mình ra thị trường chứ không phải nộp hết cho nhà nước như trước. Sản lượng nông nghiệp tăng lên vùn vụt. Đột ngột, thực phẩm được bán ở các khu chợ trên khắp đất nước, lần đầu tiên, các cư dân nông thôn có thể tồn tại độc lập trong thành phố. Một chỉ thị của chính phủ năm 1984 đã cho phép các nông dân định cư trong các thị tứ nhỏ; di chuyển chỗ ở không còn là phạm tội nữa. Làn sóng di cư bắt đầu tăng tốc, và đến năm 1990, Trung Quốc đã có sáu mươi triệu người di trú, rất nhiều người trong số họ kéo về các nhà máy và thành phố đang phát triển với tốc độ chóng mặt ở vùng duyên hải.
Ngày nay Trung Quốc có khoảng 130 triệu lao động di trú. Trong các nhà máy, nhà hàng, công trường xây dựng, thang máy, dịch vụ chuyển phát, dọn dẹp nhà cửa, chăm trẻ, nhặt rác, tiệm cắt tóc, và cả nhà thổ nữa, hầu hết mọi lao động đều là dân nông thôn gốc. Ở các thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải, những người di trú chiếm khoảng một phần tư dân số; ở các thành phố công nghiệp miền Nam Trung Quốc, họ vận hành các dây chuyền lắp ráp của nền kinh tế xuất khẩu. Tổng cộng lại, họ tạo nên dòng người di cư lớn nhất trong lịch sử, gấp ba lần số người đã di cư từ châu Âu sang Mỹ trong suốt một thế kỷ.
Nhưng chính phủ vẫn còn chậm chạp trong nhận thức thực trạng di trú này. Trong nhiều năm, những người di trú ở thành phố phải lẩn trốn công an; những người bị bắt gặp không có giấy phép tạm lưu sẽ bị phạt hoặc đưa trở về nhà. Cuối cùng, mãi đến năm 2003, Quốc Vụ Viện, chính phủ của Trung Quốc, mới ban hành một văn bản toàn diện gọi di trú là chìa khóa để phát triển nông thôn. Văn bản này cấm việc phân biệt đối xử với lao động di trú đồng thời đề xướng điều kiện làm việc tốt hơn cho họ, và nhận con cái công nhân vào học ở nơi tạm trú. Các khẩu hiệu ủng hộ việc di cư di trú xuất hiện trên tường gạch những ngôi làng ở nông thôn: RA ĐI LÀM VIỆC, TRỞ VỀ PHÁT TRIỂN, SỨC LAO ĐỘNG CHẢY ĐI, TIỀN BẠC CHẢY VỀ.
Làn sóng di trú đã hút sạch người trẻ trong các ngôi làng. Khắp miền nông thôn Trung Quốc, những người lớn tuổi hơn cày cấy và thu hoạch trên đồng ruộng, gắn chặt với việc đồng áng và lo cho những đứa trẻ đang đi học. Tiền được những người thoát ly gửi về đã trở thành nguồn tích lũy của cải lớn nhất ở nông thôn Trung Quốc. Tuy vậy, kiếm tiền không phải là lý do duy nhất để người ta bỏ quê hương lên thành phố. Trong các phiếu điều tra, những người di trú đã xếp "biết đó biết đây", "phát triển bản thân" và "học kỹ năng mới" cũng quan trọng như là tăng thu nhập vậy. Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân khiến người ta bỏ quê nhà ra đi không phải là sự nghèo đói làm méo mó nông thôn, mà là tình trạng nhàn rỗi. Những khoảnh ruộng thì nhỏ và cha mẹ họ có thể dễ dàng phụ trách việc canh tác; các thành phố gần đó cung cấp vài cơ hội việc làm. Ở nhà chẳng có gì để làm cả, vì vậy tôi ra đi.
o O o
Rất lâu sau đó, Mẫn nhớ lại lần đầu tiên mình đến hội chợ việc làm, cố gắng nắm bắt từng chi tiết như nắm bắt một giấc mơ cô không thể giải thích. Một ngày Chủ nhật tháng Hai năm 2004, sau khi nghỉ việc ở nhà máy Carrin, cô đến hội chợ và ở đó chừng bốn tiếng. Cô bồn chồn. Cô không mang thứ gì theo mình cả. Toàn bộ chiến lược tìm kiếm việc làm của cô có thể tóm gọi lại trong ba chữ: mục tiêu thấp. Cô tham gia phỏng vấn ở khoảng nửa tá công ty đang tuyển thư ký. Một thư ký biết đánh máy, trả lời điện thoại, điền các bảng biểu, sắp xếp tài liệu, đón khách và rót trà; thư ký là người có vị trí thấp nhất trong hệ thống cấp bậc ở văn phòng. "Bạn không nên tìm một công ty có tiêu chuẩn đặt ra quá cao," sau này cô kể lại, "rồi bạn sẽ bị từ chối và nhanh chóng mất đi lòng tin."
Ở kiôt của một công ty tên là Điện tử Di Đông (Yidong Electronics), người tuyển dụng hỏi xem hồ sơ của Mẫn đâu. Cô không nghĩ đến việc chuẩn bị một bộ trước đó. Người phụ nữ bảo cô viết lại quá trình làm việc vào một biểu mẫu đơn. Mẫn thậm chí còn không có một cái bút, và người phụ nữ đã cho cô mượn. Rồi cô mỉm cười với Mẫn. "Tôi không biết. Cô ấy mỉm cười với tôi. Có lẽ là vậy." Mẫn vẫn nhắc đi nhắc lại điều đó đến tận bây giờ, cố gắng làm sáng tỏ điều huyền bí về khoảnh khắc khi vận may của cô thay đổi.
Người phụ nữ bảo Mẫn đến nhà máy để phỏng vấn lượt sau, nhưng cô không đi. Chỗ đó quá xa. Nhưng ở trụ sở chính của Điện tử Di Đông, một vị giám đốc tên là Lý Bằng Kết đang lướt qua đống mẫu đơn xin việc, và rồi anh dừng lại ở tờ đơn của Mẫn. Anh nhận ra chữ viết tay của cô rất đẹp.
Ở Trung Quốc xưa, chữ đẹp biểu hiện cho một người có học. Chữ đẹp thể hiện sự tinh tế, và tài năng văn chương; chữ đẹp còn che giấu những điểm yếu nhỏ nhặt trong tích cách mỗi người. Suy nghĩ của Lý Bằng Kết thiết thực hơn nhiều. Anh ta cần một thư ký để lưu trữ các hồ sơ về máy móc trong nhà máy, và các hồ sơ phải viết tay hết. Trong một nhà máy sản xuất dây nối và màn hình điện thoại di động, chính kỹ năng lỗi thời này mới là có ý nghĩa nhất.
Lý Bằng Kết gọi vào số điện thoại di động của anh họ Mẫn - cô chưa có một cái cho riêng mình - và yêu cầu Mẫn đến tham dự một cuộc phỏng vấn tuyển dụng kéo dài trong ba tiếng.
Đầu tiên, cô đã không đạt yêu cầu trong bài kiểm tra máy tính. "Các cô khác đều biết sử dụng máy tính tốt hơn cô," Lý Bằng Kết bảo Mẫn.
Sau đó anh ta hỏi về kinh nghiệm làm việc của cô.
"Tôi chưa bao giờ làm công việc này," cô đáp. "Tôi không có kinh nghiệm gì."
Rồi Lý Bằng Kết cho cô làm bài kiểm tra viết, và cô đã viết khá tốt. Lý Bằng Kết nói với Mẫn rằng cô đã được nhận, và anh ta sẽ là ông chủ mới của cô. Anh ta bảo cô đi lấy đồ đạc để chuyển vào trong nhà máy ngay trong ngày.
Đề nghị quá bất ngờ đến nỗi Mẫn không biết nên nói gì. Nhưng khi cô đứng dậy rời khỏi văn phòng, lời tự dưng buột ra khỏi miệng. "Rất nhiều người muốn có công việc này," cô nói với ông chủ mới của mình. "Tại sao ông lại chọn tôi? Tôi chẳng biết gì cả."
"Cô rất thẳng thắn," anh ta đáp. "Và cô thành thật hơn những người khác.'
Ngày hôm sau, Mẫn bắt đầu làm việc ở vị trí thư ký phòng bộ phận vật tư. Phòng của cô phụ trách theo dõi các máy đột lỗ, máy mài và các dây chuyền cán mạ, công cụ sản xuất các linh kiện của một chiếc điện thoại di động. Một quyển sổ đóng bìa chắc chắn ghi chép lại tình trạng và quá trình sử dụng từng chiếc máy, giống như bệnh án của một bệnh nhân khổng lồ câm lặng vậy. Công việc của Mẫn là sắp xếp những hồ sơ này. Các công nhân ngủ tám người một phòng; bữa ăn gồm có cơm, ba món thịt và rau, cùng với canh. Một ngày ở văn phòng kéo dài mười tiếng, thỉnh thoảng được nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật. Mỗi tháng Mẫn kiếm được tám trăm Nhân dân tệ - khoảng một trăm đô la, gấp đôi khoản lương cơ bản ở nhà máy cô làm việc trước đó.
TÔI GẶP MẪN lần đầu tiên là sau đó ba tuần. Cô nhỏ người nhưng khá săn chắc, mái tóc xoăn và đôi mắt đen tuyền nhìn không sót thứ gì. Giống như nhiều người trẻ đến từ các vùng nông thôn Trung Quốc, cô có vẻ ngoài trẻ hơn tuổi thật của mình. Trông cô như mới mười lăm, hoặc mười bốn, hoặc thậm chí là mười hai - một cô bé quậy phá như con trai mặc quần hộp và đi dày chạy, đang nôn nao chờ mình lớn lên. Gương mặt cô non búng ra sữa. Gương mặt ấy tròn và mở rộng với thế giới, với vẻ trông chờ nhẫn nại mà thỉnh thoảng cũng xuất hiện trên gương mặt trẻ thơ.
Chúng tôi gặp nhau trong căn hộ của một người phụ nữ tên là Lâm Tuyết, một người viết bài cho tạp chí địa phương nhắm vào đối tượng độc giả là dân từ nơi khác di trú tới. Trước đó tôi đã gọi cho Lâm Tuyết rằng tôi muốn viết bài về những phụ nữ di trú trẻ cho tờ Wall Street Journal (Nhật báo phố Wall), em gái Lâm Tuyết làm việc trong một nhà máy và mời Mẫn, một trong những đồng nghiệp của cô đến. Tôi đã gặp rất nhiều người di trú, vậy nên, câu chuyện của Mẫn đã khá quen thuộc với tôi rồi.
"Quê tôi là một làng nông nghiệp ở tỉnh Hồ Bắc, con thứ hai trong gia đình," cô nói. "Bố mẹ tôi làm việc đồng áng. Hoàn cảnh gia đình chúng tôi không được tốt."
"Tôi rời làng ra đi với chị gái, chị ấy làm việc ở Thâm Quyến. Chúng tôi muốn làm việc ở chung một chỗ, nhưng chúng tôi không thể làm thế."
Cô đột ngột dừng lại.
"Tại sao!" Tôi hỏi.
"Bởi vì chúng tôi cãi nhau suốt." Rồi cô cười phá lên.
Mẫn sẵn sàng nói về bất cứ thứ gì; khác với hầu hết tất cả những người Trung Quốc tôi biết; cô rõ ràng là rất thích kể câu chuyện của mình. Và cô cũng tò mò về tôi như tôi tò mò về cô vậy: Hôm đó, cô đến căn hộ của Lâm Tuyết là vì "Tôi muốn nhìn xem người Mỹ trông như thế nào," cô kể với tôi sau đó. Lo lắng duy nhất của tôi là có lẽ cô đã ổn định cuộc sống - với một công việc văn phòng ổn định trong tay, có lẽ những sự kiện lớn nhất trong đời cô đã qua đi. Nhưng tôi không cần phải lo lắng về việc đó.
Vào hôm chúng tôi gặp nhau, Mẫn kể cho tôi nghe về kế hoạch của đời mình. Cô sẽ làm việc trong thành phố khoảng bảy năm, gửi tiền về nhà trong suốt thời gian đó để trả ơn bố và mẹ đã nuôi lớn cô; điều đó phản ánh quan điểm truyền thống của người Trung Quốc rằng con cái nên biết ơn cha mẹ vì sự hiện diện của họ trên cõi đời này. Khi cô hai mươi ba tuổi, món nợ được trả, Mẫn sẽ về quê và kiếm ai đó để lấy làm chồng.
Hôm ấy tâm trạng cô rất tốt. Cô đã "bước ra khỏi nhà máy," như những người di trú vẫn nói, vượt qua khoảnh cách giữa những người lao động chân tay và những người lao động trí óc. "Ông Trời vẫn có mắt," cô nói. "Trời để tôi thật mệt mỏi trong suốt một năm, nhưng giờ Ông đã cho tôi một khởi đầu mới." Cô vừa bước sang tuổi mười tám, và cô đã là một chuyên gia của những khởi đầu mới.
Gái công xưởng Gái công xưởng - Leslie T.Chang Gái công xưởng