Giá trị thật của một người không phải ở chỗ cách anh ta xử sự lúc đang thoải mái và hưởng thụ, mà là ở chỗ lúc anh ta đối mặt với những khó khăn và thử thách.

Martin Luther King Jr.

 
 
 
 
 
Tác giả: Hoài Mỹ
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 6
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1105 / 7
Cập nhật: 2015-12-18 11:23:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
ếu kể những gia đình hạnh phúc và gương mẫu thì không thể quên gia đình tôi. Những người hàng xóm thường gọi gia đình tôi là một thiên đàng đầy những tiếng cười và tiếng reo vui. Ba và mẹ tôi rất hãnh diện trước những lời khen tặng. Anh chị em chúng tôi thuộc dòng họ Đào, sáu trai, sáu gái cả thảy mười hai người, vừa vặn một tá!
Tôi xin mở đầu câu chuyện theo thứ tự lớn trước bé sau bằng những dòng chữ giới thiệu đặc biệt về ba tôi.
Ba tôi là một người to lớn, béo mập, cân nặng 91 ký lô. Thực ra trước đây ba đâu có… phì nhiêu như vậy; người cũng mảnh dẻ, thư sinh và bô trai lắm cơ, nhưng không hiểu sao cách nay chừng ba bốn năm tự nhiên ba cứ bành trướng một cách vô trật tự như vậy! Mẹ bảo:
- Ba chúng mày phát tướng đấy, chắc gia đình mình sắp trúng số độc đắc!
Ba cười hềnh hệch làm rung những tảng mở chất đống trên bụng, giải thích:
- Tại tao đến thời kỳ… xổ sữa! Nhưng hỏi rằng trên thế gian này mấy ai được “cải lão hoàn đồng” như tao?
Chỉ tội thằng Huỳnh Sún (răng của nó giống hệt răng bà già ăn trầu!) mỗi lần ba xuống hoặc leo lên chiếc xe “díp” bụi đời (mua từ đệ nhị thế chiến lận) là nó phải bỏ hết trò chơi hay công việc để mang chiếc thang đặc biệt ra cho ba trèo. Có lần vì vô ý chân ba dẫm trúng tay Huỳnh Sún khiến cả năm ngón sưng vù lên. Nó mếu máo:
- Thế là đi tiêu ngón tay… búp chuối của con rồi! Còn đâu nữa bàn tay… đẹp trai!
Ba cũng xuýt xoa thương hại thằng con trai mười hai tuổi, sau đó dõng dạc tuyên bố cho cả nhà nghe thấy:
- Xét vì thằng Huỳnh vừa xả thân vì… chính nghĩa, chiều nay ba sẽ cho thằng Huỳnh năm đồng đi uống nước sinh tố để… để lấy lại sức khỏe.
Tính ba rất vui vẻ, dễ dãi và thương yêu vợ con. Mặc dầu với thân hình đồ sộ như vậy, ba làm việc dường như không biết mệt. Nhờ sự kiên nhẫn và tận tâm ba đã thành công trong xã hội. Những gì đã dạy bảo chúng tôi ba đều thực hành trước như để làm gương cho con cái.
Ba là Phó Giám đốc một cơ xưởng lớn vào bậc nhất ở thủ đô Saigon. Tinh thần làm việc khoa học không những đã được ba đem áp dụng với công nhân mà cả với vợ con trong gia đình. Chẳng thế mà hàng tuần khi dẫn chúng tôi đi thăm cơ xưởng ba bắt mỗi đứa đem theo một cuốn sổ tay, một cây viết để ghi chép tại chỗ những gì quan sát được và những lời giảng giải của ba. Ba gọi đó là phương pháp “giám định hiệu suất”.
Ở nhà ba cũng sáng tác ra phương pháp “nghiên cứu tác động” nhằm mục đích loại bớt những cử động vô ích. Thí dụ ba quay phim khi chúng tôi đang rửa bát đĩa để rồi ít ngày sau chiếu cho chúng tôi thấy cần phải “tiết kiệm” những động tác nào để hoàn tất công việc một cách nhanh chóng.
Ngoài ra ba còn cho dán trong phòng ăn, nhà tắm những tờ thời khóa biểu và chương trình làm việc trong ngày. Chúng tôi, trừ những tên chưa biết đọc biết viết, đều phải ký tên trên những tờ giấy đó sau khi đã dùng điểm tâm hay đánh răng, rửa mặt để chứng tỏ là mình đã đọc kỹ và ý thức được công việc sẽ thực hiện của mình. Mỗi tối sau khi đã dọn dẹp nhà cửa, học và làm bài xong, chúng tôi phải tự động cân trọng lượng của mình rồi ghi kết quả trên một tấm đồ thị. Ba bảo làm như vậy để chúng tôi đừng quên “sức khỏe là chìa khóa của một cuộc sống vui tươi và của sự thành công” – Mẹ tôi muốn viết thêm trên những tờ thời khóa biểu một vài câu kinh nguyện nhưng ba gạt đi và cho rằng cầu nguyện là do nhu cầu tự nhiên của tâm hồn, không nên ép buộc.
Có người hỏi đùa ba là đông con như vậy làm sao mà nhớ mặt tất cả được. Để trả lời, ba kể một câu chuyện sau của gia đình tôi: Một bữa kia mẹ tôi cần đi thăm một người bạn mới gặp nạn, nên nhờ ba ở nhà coi sóc con cái. Khi trở về mẹ hỏi:
- Ở nhà chúng nó có ngoan không đấy?
Ba cười hãnh diện, khoe “thành tích”:
- Mọi chuyện đều tốt đẹp như trong một guồng máy vậy. Đứa nào cũng ngoan, trừ tên đang đứng khóc ở xó cửa kia. Tôi phải cho hai cái bạt tai mới lôi được nó về nhà.
Mẹ tiến lại phía đứa bé, xoay mặt nó lại:
- Trời! Đâu phải con cái nhà này! Thằng Tèo con nhà bác Hai Giếng ở đầu xóm đây mà! Thiệt là… là…
Chúng tôi chỉ được biết câu chuyện trên qua lời thuật lại của ba bởi vì, vẫn theo ba tôi, hồi đó chúng tôi còn nhỏ, chưa biết gì. Tuy nhiên chúng tôi vẫn tin là sự kiện trên đã thực sự xảy ra trong gia đình tôi.
Anh chị em chúng tôi quá đông nên, ngoài giờ ăn và đi ngủ, muốn gặp chúng tôi đầy đủ quả thực là một việc hết sức khó khăn. Nhưng với ba tôi sự việc lại dễ dàng. Mỗi lần nghe tiếng còi ba thổi tích tích, tè tè là chúng tôi từ các góc nhà hoặc ngoài ngõ chạy bán sống bán chết về tập họp. Nếu chưa biết “phong tục” của gia đình tôi, chắc chắn người ta sẽ ngạc nhiên đến hoảng sợ, tưởng là có biến cố gì xảy ra mỗi lần thấy chúng tôi chạy huỳnh huỵch. Mấy con chó trong xóm lại được dịp sủa chết thôi hoặc đuổi theo đòi “sơi tái” các cẳng chân của con cái nhà họ Đào!
Thỉnh thoảng ba tôi lại ra hiệu tập họp, chẳng hạn khi có chuyện gì quan trọng ba cần hỏi ý kiến của cả gia đình, hoặc khi gặp phiền muộn ba muốn vui đùa với các con để khuây khỏa; hoặc khi có người bạn đến chơi, ba muốn giới thiệu cả nhà với họ và ba muốn chứng tỏ con của ba nhanh nhẹn và sống rất qui củ.
Đối với chúng tôi, những lần tập họp đó không phải là một thứ khổ dịch, nhưng, theo lời ba tôi dạy, tập cho chúng tôi phản ứng nhanh và biết ép mình trong kỷ luật, đó là chưa nói tới những lợi ích thiết thực trước mắt, như có lần căn nhà của người hàng xóm bốc lửa vì dây điện chạm nhau. Ai cũng hoảng hồn thất kinh:
- Ai có điện thoại làm ơn gọi sở Cứu Hỏa!
- Cúp điện hết đi!
- Kéo sập mái nhà xuống!
- Đứng để lửa cháy lan chỗ khác!
- Nhà nào có thang cho mượn đi!
Ba cũng có mặt trong đám đông và ba thổi còi. Chỉ trong nháy mắt, mười hai đứa con của ba đã hiện diện. Công tác được ban ra: Áp dụng phương pháp của Hướng Đạo. Thế là chúng tôi lăn xả vào đám cháy trước những con mắt ngạc nhiên. Chúng tôi đã phụ giúp đắc lực người lớn trong việc đàn áp ngọn lửa. Không đầy nửa tiếng sau tất cả lại êm đẹp trở lại và khi đó người ta mới nghe thấy tiếng hú của đoàn xe cứu hỏa! Những người chứng kiến việc làm của chúng tôi không ai không khen chúng tôi nhanh nhẹn, tháo vát, giỏi giang. Ba có vẻ thích chí lắm!
Tuy nhiên tiếng còi tập họp cũng có lần bị… lợi dụng: Vào một sáng chủ nhật, chúng tôi được rảnh, tản mát đi chơi đó đây. Bỗng tiếng tích tích tè tè nổi lên có vẻ khẩn cấp. Như thường lệ chúng tôi bỏ hết công việc, trò chơi để chạy lại. Thằng Hảo từ trong cầu tiêu phóng ra hai tay còn đang kéo quần, chị Thuần mặt đầy nhọ nồi hớt hải chạy tới… nhưng đứa nào cũng trố mắt vì không thấy ba đâu cả. Tôi nhanh trí kiểm điểm nhân số và nhận thấy thiếu tên Huỳnh Sún. Sau ít phút tìm kiếm chúng tôi khám phá ra hắn đang ôm bụng cười dưới gầm giường, tay còn cầm chiếc tu huýt của ba. Chờ ba về chúng tôi “báo cáo” sự việc. Kết quả: ba “tặng” cho Huỳnh Sún một bài học “mô ran” thấm thía và ra hình phạt nhịn ăn sáng hai ngày, phụ giúp chị Thuần rửa bát trong một tuần lễ và tiếp tục đều đều vác thang cho ba lên xuống xe…
Từ đó chỉ có mình ba duy nhất được sử dụng tiếng còi để tụ tập con cái. Trường hợp mẹ muốn gặp chúng tôi cũng phải nhờ ba ra hiệu.
Chúng tôi rất thương ba. Nhìn mái tóc đã điểm những sợi bạc, khuôn mặt của ba đã rõ những nếp nhăn… chúng tôi lại càng cảm thấy thương ba hơn…
°
Đến đây tôi thấy cần ghi lại ít dòng về chiếc xe “díp bụi đời” của gia đình tôi. Thật ra tôi cũng không rõ lắm lai lịch của chiếc xe này, nghe đâu vào cuối thời đệ nhị thế chiến, một ông bạn người Pháp trước khi về nước đã bán rẻ cho ba. Có lẽ trong những đồ đạc ba quý nhất chiếc xe này nên để dành nhiều công, nhiều giờ để “trang điểm” cho chiếc díp nên nó có một hình thù đặc biệt, “không giống ai”, do đó chúng tôi mới đặt tên là “chiếc xe bụi đời”. Tuy nhiên chiếc xế bốn bánh cổ lỗ sĩ này cũng đã ghi dấu rất nhiều kỷ niệm buồn đến đứt ruột hay cười đến bể bụng của gia đình tôi. Để tôi kể quý bạn nghe:
Có một điều mâu thuẫn và khôi hài thế này: Ba tôi là phó giám đốc một cơ xưởng, hàng ngày sửa chữa biết bao máy móc phức tạp, điều chỉnh những động cơ cũ kỹ và hư hỏng trở thành tốt, chạy ngon như mới… ấy thế mà ba lại không hiểu một chút nào chiếc xe “díp bụi đời” của ba! Thật ra ba cũng săn sóc nó chu đáo lắm. “trang điểm” cho nó một “dung nhan” độc đáo: Toàn thân chiếc xe được sơn phết mầu xám đậm. Ngoài chiếc “còi” cao su. Bóp bằng tay, ba còn trang bị thêm hai còi điện tự động, mỗi loại có một công dụng riêng. Lúc bình thường, ba dùng còi cao su, bóp kêu toe toe để các xe khác hay khách bộ hành tránh ra, nhưng khi khẩn cấp hay nguy hiểm hoặc có xe khác định “hôn” xe của ba, tức thì ba cho hai còi điện rú lên. Phía sau xe ba cho đóng thùng chung quanh. Chúng tôi phản đối kịch liệt:
- Trời! Xe díp mà ba làm vậy, đâu có giống ai!
- Để gió vào cho thoáng chứ ba!
- Ối giời ôi, ba định đóng hộp chúng con như cá mòi sao ba?
Ba cười giải thích:
- Chúng mày đông lại nghịch như quỉ sứ, không làm như vậy chúng mày rớt xuống đường thì sao? Cái gì cũng phải cho chắc ăn cái đã. Nóng một chút nhưng “an toàn trên xa lộ” biết chưa? Với lại tao sẽ khoét mỗi bên hai cửa sổ để chúng mày tha hồ ngắm… phong cảnh!
Ấy cũng vì mấy cái cửa tò vò trên xe đó mà tụi lỏi cãi nhau chí chóe, đứa nào cũng đòi mình được ưu tiên chìa cái bản mặt mình ra ở cửa khiến ba phải can thiệp:
- Con trai sử dụng cửa sổ bên phải, con gái bên trái, không xâm lấn “đất đai” của nhau và mỗi đứa chỉ được quyền “tại vị” tối đa mười phút, sau đó “nhường quyền sống” cho kẻ khác. Ai bất tuân sẽ không được đi xe ba trong một tuần lễ!
Mỗi lần ba quay “ma-ni-ven” là một bi hài kịch diễn ra: Bụng ba bự nên việc phải cúi xuống quả thực là một cực hình cho ba. Mỗi vòng tay ba quay thì cả thân hình đồ sộ của ba và chiếc “díp bụi đời” đều rung chuyển một lượt, coi không khác gì hai “kẻ” đang nhảy “tuýt à gô gô”! Sáng nào cũng vậy, trước khi cho máy nổ, ba phải mồi xăng trước, có khi mất cả nửa tiếng đồng hồ mà nó vẫn ì ra như muốn chọc giận ba. Thế là “đồ nghề” lại được bày ra. Ba cởi cái này, vặn cái kia, đồng thời ra lệnh triệu tập tất cả con cái; mỗi đứa cầm một dụng cụ đứng bên cạnh để khi ba cần đến là đặt ngay vào tay ba. Cũng may, chưa lần nào chiếc xe “phản bội” ba, chỉ “nhõng nhẽo” một hồi rồi lại nổ máy rầm rầm. Chỉ tội ba sau đó phải đi thay bộ quần áo và “tẩy uế” những vết dầu nhớt tùm lum trên mặt, trên cổ.
Thật ra, ba đâu có lái xe giỏi lắm, nhưng có điều ba lái rất nhanh khiến nhiều lúc chúng tôi hoảng hồn, nhất là mẹ thường tái xanh mặt mũi luôn! Mỗi lần đi đâu, mẹ ngồi phía trước bên cạnh tay lái, đồng thời ôm hai đứa nhỏ trên lòng. Nghĩ cũng thương mẹ ghê vậy đó. Ngồi trên xe mà mẹ lo kinh khủng, chỉ sợ ba lái nhanh làm rớt đứa con nào xuống đường. Cứ đến chỗ quẹo, ba lại được dịp trổ tài “lạng bay bướm”, còn mẹ nhắm mắt lại, ôm ghì cứng hai nhóc con, miệng lẩm bẩm:
- Chạy chậm chậm chứ mình! Chậm lại đi mình!
Ba là người cẩn thận nên mỗi lần di chuyển, ba bắt một tên trong đám chúng tôi lên ngồi cạnh mẹ để coi chừng phía bên trái đường hay để báo hiệu cho ba khi có một chiếc xe khác muốn vượt. Ba đã dặn là mỗi lần ba quẹo thì nhớ giơ tay cho ba vì hai chiếc đèn hiệu đã bị rớt mất từ hồi nào! Bởi vậy khi tới ngã tư nào là cả chục cánh tay mọc ra từ các cửa sổ, đằng sau xe, từ ghế trước, từ các lỗ hổng khiến cho các xe cộ khác phải chạy chậm hay dừng lại đề phòng vì không hiểu xe của gia đình tôi sẽ quẹo hướng nào! Trong khi đó ba vẫn tỉnh bơ như coi thiên hạ chẳng có ký lô nào. Ba bảo:
- Phải bình tĩnh mới được! Không nên để ngoại cảnh chi phối!
Đúng! Ba… bình tĩnh lắm, chẳng thế mà tuần nào ba cũng được cảnh sát công lộ “hỏi thăm sức khỏe”, làm giầu cho ngân sách đô thành bằng những tờ giấy phạt vi cảnh; còn những chuyện ba cán chết chó, chết gà, ủi vào những thân cây mới trồng hay tông vào tường ga-ra mỗi khi cất xe… là chuyện thường xảy ra như cơm bữa! Tuy nhiên có điều, nhờ trời (chắc không phải là nhờ tài lái xe của ba đâu) chúng tôi chưa lần nào bị thương tích hay nguy hiểm nào! Nếu có tên nào tỏ vẻ sợ hãi thì lập tức bị ba hỏi ngược lại:
- Con cái mà không tin tưởng vào cha mẹ à?
Lại nói đến cái còi xe! Đối với chúng tôi thì không sao vì đã nghe quen rồi, nhưng ngoài đường, thiên hạ đâu có dễ tính gì, do đó mỗi lần ba cho hai chiếc còi điện… trỗi nhạc là bà con đinh tai nhức óc, lắm kẻ đang đi giật mình loạng choạng mà ngã xe hay gây ra tai nạn. Ba nghiêng đầu nói với chúng tôi:
- Các con thấy chưa, tại mất bình tĩnh! Tiếng còi này đâu lớn hơn tiếng bom B52, thế mà đã hoảng hồn! Giả thử có xe khác cũng sắm được còi như xe ba, mà ba cũng mất bình tĩnh khi nghe tiếng còi đó thì hiện gia đình mình có còn nguyên vẹn không?
Chị Thuần phụng phịu:
- Nhưng người ta nhìn mình, con thấy kỳ quá à.
- Như vậy càng tốt chứ sao, có nhìn, họ mới biết đường tránh mới khỏi tai nạn. Ta nên hãnh diện!
Kể ra ba cũng nhanh chân, nhanh tay, vừa lái xe, vừa điều khiển ba cái còi, chân đạp thắng, chân đạp “ga”, miệng còn phì phà điếu “xì gà” to hơn ngón chân cái!
Tôi nhớ lại hôm đầu tiên ba mới lắp hai chiếc còi điện đem ở tiệm về; ba cho gọi chúng tôi lại, với vẻ mặt trịnh trọng, nói như để thách thức lũ con:
- Hình như có con chim làm tổ trong… máy xe của ba. Lúc nãy chạy ngoài đường, ba cứ nghe tiếng chíp chíp hoài. Đâu, các con thử tìm xem sao. Ai khám phá ra ba thưởng một chầu ciné.
Vô tình, chúng tôi tưởng thật, mở nắp máy xe chúi đầu vào… lục lọi; có đứa bị bỏng la oai oái, đứa bị dầu xe dính đầy mặt. Chờ cho chúng tôi… say sưa tìm kiếm, ba lẻn leo lên xe, nhấn còi.
Chúng tôi cả đám như một dội ra, bịt chặt lấy tai, kinh hoàng. Ba cười ngặt nghẽo:
- Ha! Ha! Có con chim nào không?
Cười một hồi, sau ba chê chúng tôi là không nhanh trí:
- Một điều vô lý như vậy mà không đứa nào nhận ra. Máy chạy nóng đến người ta sờ vào còn không nổi huống hồ chim!
Sau đó ba cắt nghĩa cho chúng tôi những lợi ích của ba chiếc còi… và kết thúc bằng màn cả gia đình được ba mời lên xe đi một vòng để ba biểu diễn còi xe. Ngay chiều hôm đó ba khao cả nhà một chầu cà rem và chớp bóng để gọi là mừng “chiến lợi phẩm” của ba.
Một hôm, chiếc “díp bụi đời” tự nhiên giở chứng, nhất đinh không chịu nổ máy mặc dầu ba và cả chúng tôi đã toát mồ hôi sửa chữa. Thường thì ba không bao giờ rủa thề điều gì vì, theo ba nói, ba không muốn làm gương xấu cho các con, thế mà hôm đó ba cũng phải bực mình thốt ra câu: “Chiếc xe khốn kiếp!” – Nghe vậy, thằng Huỳnh Sún vội vàng lấy chiếc giẻ… lau xe phe phẩy cho ba. Đồng thời nói nhỏ như muốn chỉ một mình ba nghe:
- Bình tĩnh mà ba! Không nên để ngoại cảnh chi phối!
Thế là ba lại cười và… bình tĩnh lại ngay. Công việc sửa xe lại tiếp tục. Không ai để ý thằng Cu Bi đã leo lên chễm chệ trên đệm xe.
Ba vẫn chúi đầu vào máy. Ở xa người ta chỉ nhìn thấy hai cái chân của ba lơ lửng trong không khí. Sau lưng ba, áo ướt đẫm mồ hôi. Tôi có cảm tưởng sau “vụ” này ba sẽ… thụt ký vì hao một số mỡ “đóng băng trên bụng”. Ba đang lúi húi sửa máy bỗng tiếng còi xe ré lên. Chúng tôi thấy ba bắn ra khỏi đầu máy đến gần hai thước. Tên Cu Bi ngồi trên xe nhe răng cười:
- Ba, ba có thấy con chim làm tổ trong máy xe không ba?
Không ai nhịn được cười trước trò tinh nghịch của thằng em sáu tuổi này. Tuy nhiên kết quả Cu Bi vẫn bị bốn năm cái phát vào mông và quì gối vì áp dụng câu nói của ba không hợp tình, hợp cảnh, hợp lý!
Mỗi lần muốn chở gia đình trên chiếc “díp bụi đời” đi xem phố phường, ba tôi thổi tu huýt tập họp. Khi đã đủ “bá quan văn võ”, ba dõng dạc tuyên bố:
- Các con muốn đi dạo một vòng với ba không?
Chúng tôi đứa nào cũng hiểu rằng đó không phải là một câu hỏi nữa mà là lệnh truyền nên đồng thanh trả lời:
- Thưa ba có ạ!
Dường như sự kiện trên đã đương nhiên trở thành luật lệ của gia đình tôi: khi ba dạo phố là mọi người phải dạo phố.
Như trên tôi đã kể ba lái xe đâu có “gồ” lắm, nếu không muốn nói là đầy nguy hiểm bởi lối phóng nhanh như bay, bởi những “cú”… “lạng lả lướt” của ba thật tình quá ư “anh hùng xa lộ” làm xanh máu mặt những người trên xe, nhưng chúng tôi phải công nhận rằng có một cái gì hấp dẫn lạ lùng trong những lần ba “bay bướm” với tử thần, những lần ba gây cảnh ngưng trệ lưu thông ngoài thành phố… nên, mặc dầu mỗi lần đi chơi với ba về chúng tôi đều cám ơn Thượng Đế đã giữ gìn còn nguyên vẹn đầu mình và tứ chi, chúng tôi vẫn thích thú reo hò khi ba hỏi:
- Các con có muốn đi dạo một vòng với ba không?
Ngoài ra, những lần đi dạo bằng xe hơi là dịp chúng tôi được quây quần bên cạnh ba với mẹ. Tên nào được ba chỉ định ngồi ở ghế trước để ra hiệu cho ba quẹo trái hoặc canh chừng các xe khác, được coi là may mắn như trúng số… đề. Tuy nhiên vì anh em thương nhau và muốn đứa nào cũng được ngồi cạnh mẹ để mẹ hỏi han, để được mẹ xót xa khi nhìn thấy những xây xát ở chân tay hoặc để mẹ lo sợ ôm ghì lấy mỗi khi ba nổi hứng lái nhanh hay cán phải con chó, con gà… nên chúng tôi đồng ý thay phiên nhau, mỗi đứa ngồi cạnh mẹ nửa tiếng đồng hồ, sau đó nhường sự “may mắn” cho kẻ khác. Lúc đầu thấy vậy ba chậc lưỡi, kêu:
- Các con làm gì như sao đổi ngôi vậy, rối mắt làm sao ba điều khiển xe được?
Huỳnh Sún, tên nổi tiếng lém lỉnh và nhanh mồm nhanh miệng nhất nhà, vội lập lại câu nói mà ba vẫn dùng để trấn an con cái:
- Bình tĩnh mà ba, không nên để… ngoại cảnh chi phối!
Ba với tay lại phía sau, “thưởng” cho Huỳnh Sún một cái nhéo tai làm hắn méo xệch miệng, để hở hai hàm răng “chiếc rụng chiếc lung lay” và đen như hạt mãng cầu.
Trước khi đi chơi ba bắt chúng tôi phải ăn mặc đàng hoàng và sạch sẽ. Thời gian để “trang điểm nhan sắc” được đo bằng việc ba vào ga-ra lấy xe ra đậu trước cổng. Trong khi những tiếng rầm rầm vọng ra từ nhà để xe (do ba quay ma-ni-ven và do ba lùi xe ra đụng vào hai bên tường) thì trong phòng ngủ của chúng tôi diễn ra một cảnh náo loạn: đứa lục tủ tìm quần áo, đứa kêu mất chiếc giầy, đứa rượt theo con mèo tam thể để “đòi” lại chiếc bít tất, thằng than cái quần bị lủng một lỗ to bằng bàn tay mà các bà chị cứ quên không chịu vá cho, thằng mượn kim băng để cài áo vì cả hàng cúc đã “ra đi không hẹn ngày về”… Tuy vậy chúng tôi hành động rất nhanh, áp dụng đúng phương pháp của ba: ngoài sự trách nhiệm với chính bản thân mình, mỗi đứa lớn lại có bổn phận chăm sóc đứa bé, như chị Thuần lo cho bé Huyền, chị Mộng lo cho Cu Bi, Hoài “phụ trách” Huy, Huỳnh Sún “phò tá” tên Hải đầu bò, Bình “hủ lô” o bế Phương tự “Tư lựu đạn”… Sự phân chia công tác này không hẳn chỉ dành riêng cho việc sửa soạn đi chơi mà được thực thi trong mọi trường hợp. Chẳng hạn mỗi buổi chiều đứa lớn thay quần áo cho đứa bé, rửa tay chân, sắp xếp sách vở, khảo bài học, đi tìm nhau nếu có tên nào vắng mặt khi tới giờ cơm…
Tuy nhiên ai cũng phải công nhận rằng sở dĩ mọi công việc đều êm đẹp trong gia đình đều nhờ tài năng của mẹ. Điểm đặc biệt là mẹ không bao giờ la mắng to tiếng hay nóng giận, không bao giờ dùng roi vọt với con cái. Mẹ đúng là một nhà tâm lý và thường gặt hái được nhiều kết quả đối với lũ con hơn là ba. Chúng tôi, đứa nào cũng “chịu” mẹ cả.
Khi thấy chúng tôi tíu tít sửa soạn “nhan sắc” mẹ đi từ bọn này đến bọn khác, hết tập trung những quần áo dơ lại đi cài cúc áo cho mấy đứa nhỏ, hết tìm giầy cho con trai lại chải đầu cho con gái…
- Mẹ! Anh Huỳnh lấy áo của con đây nè, mẹ bảo anh ấy trả con đi.
- Mẹ! Tự nhiên chị Mộng lại kí vào đầu con đấy, mẹ ạ.
- Mẹ! Lát nữa cho con ngồi cạnh mẹ nhá!
Tiếng la, tiếng gọi như ong vỡ tổ, khiến mẹ nhiều lúc tối tăm mặt mũi, nhưng rồi đâu cũng vào đấy.
Khi chúng tôi đã tập họp đông đủ, ăn diện thật “láng”, con trai đồng loạt quần đen áo sơ mi trắng, con gái lớn vận áo dài xanh, con gái nhỏ được phép “diện” đồ đầm màu hồng, mẹ điểm danh từng đứa một; và chỉ những ai được gọi tên mới có quyền leo lên xe.
Chúng tôi cho rằng việc điểm danh đó làm mất thời giờ và phí phạm động tác mà đối với gia đình tôi không gì lỗi nặng bằng, không biết “kiệm ước” thời giờ và động tác. Tuy nhiên sự phản kháng của chúng tôi đã bị chứng minh ngược lại bằng hai vụ sau đây:
Một lần ba mẹ dẫn chúng tôi xuống thăm một chiến hạm ngoại quốc sắp nhổ neo rời bến Bạch Đằng. Vì sơ ý không điểm danh lúc trở lên bờ nên khi chiếc cầu tầu đã được rút lên, người ta đã sửa soạn nhổ neo, chị Thuần mới hoảng hốt kêu:
- Ủa, em Phương đâu rồi?
Sau một hồi tìm kiếm, chúng tôi khám phá ra hắn đang nằm ngủ ngon lành trong một chiếc ghế bành trên boong tầu và… chiến hạm rời bến trễ mất hai mươi phút.
Lần khác, gia đình tôi đã bỏ quên bé Huyền trong một quán ăn trên Thương xá Tam Đa, mà mãi khi về gần đến nhà chúng tôi mới nhận ra. Thế là ba lại vội vàng quay xe lại để rồi tìm thấy bé Huyền đang ăn chung cây cà rem với thằng bé con người chủ quán ở trong bếp.
Hai kinh nghiệm trên đây đã cho thấy sự khôn ngoan, sự cẩn thận và hợp lý của mẹ là “nhất trên trần gian!”.
Khi mọi người đã có chỗ ngồi trên xe, ba cho chiếc “díp bụi đời” từ từ chuyển bánh, nhả lại phía sau những đám khói mù mịt cùng những tiếng toe toe của chiếc còi cao su và tiếng ré của hai còi điện tự động.
Tuy nhiên điều làm chúng tôi khổ tâm nhất là những lần ba nổi hứng bất tử dừng xe lại rồi đề nghị:
- Để “thay đổi không khí”, gia đình mình xuống đi bộ cho gân cốt dẻo dai.
Thế là “bé trước lớn sau” theo chân ba mẹ đi diễu phố, không khác gì một tiểu đoàn đi duyệt binh. Dĩ nhiên cảnh tượng “không giống ai” này đã có sức thu hút những cặp mắt của người đi đường. Một vài thằng con trai chọc ghẹo chúng tôi bằng cách đếm nhịp chân:
- Bước đều, bước! Một hai, một hai!... ắc ê, ắc ê, bên phải, quay!...
Tội nghiệp mấy chị lớn của tôi cứ phải cúi xuống che bộ mặt đỏ như gấc. Ba và mẹ mải nói chuyện với nhau, chẳng để ý gì. Đó là chưa kể những lời bình phẩm khác nữa của người lớn, chẳng hạn:
- Trời, thời buổi “kinh tế mùa thu” này mà nuôi được cả lũ con đông thế kia cũng đủ chết dở!
- Kể ông bà cũng khéo “nặn” đấy chứ, vừa đúng một tá!
- Chúa ôi! Con cái đông thế kia lấy gì mà nuôi!
Cho đến một lần, anh chị em chúng tôi lặng người đi khi nghe thấy một câu nói nổi lên ở phía sau:
- Hình như người ta dẫn trẻ mồ côi đi chơi phố!
Thì ra kiểu áo đồng phục của chúng tôi đã khiến họ suy đoán như vậy, một điều mà chúng tôi chưa lần nào để ý tới. Thế là chúng tôi nhất định đòi ba mẹ cho về bằng được. Ba bỡ ngỡ, chúng tôi mặc kệ, mẹ hỏi lý do, chúng tôi lặng thinh… Mãi đến khi cơm tối xong, anh em chúng tôi kéo cả lên xin “yết kiến” ba mẹ để bày tỏ… lập trường. Chị Thuần lớn nhất được cử làm đại diện “phát biểu cảm tưởng”:
- Xin ba mẹ từ nay cho phép chúng con được thay đổi cách ăn mặc, chứ vận đồng phục… người ta lại gọi chúng con là trẻ mồ côi!
Ba nhướng mắt lên, ngạc nhiên:
- Mồ côi? Mồ côi mà có xe hơi đi? Bộ các con chê quần áo đó sao? Đắt tiền lắm chứ! Nếu các con hiểu rằng…
Ba chưa nói hết câu, mẹ vội lên tiếng:
- Mình ạ, lần này các con nói có lý đấy.
Rồi mẹ quay lại nói với chúng tôi:
- Được, mẹ sẽ may cho các con nhiều kiểu, nhiều màu quần áo khác nhau.
Kết quả thật tốt đẹp ngoài ý muốn của chúng tôi, không ngờ “cuộc cách mạng” thành công chớp nhoáng như vậy.
Ba mỉm cười nhìn mẹ “nịnh đầm”:
- Hoàn toàn đồng ý với mình! Mình bao giờ cũng sáng suốt, khôn ngoan và…
Chúng tôi cất tiếng cười vang, kéo nhau chạy ra ngoài. Đàng sau, có lẽ mẹ đang… đỏ mặt!
Dưới Mái Gia Đình Dưới Mái Gia Đình - Hoài Mỹ Dưới Mái Gia Đình