Số lần đọc/download: 1284 / 25
Cập nhật: 2018-08-18 10:47:52 +0700
Chương 1
C
HIỀU MÙA HẠ, mặt trời đỏ au chìm xuống sau chân núi Ái. Đàn cò trắng lặn lội ở chằm Đẩu đã no nê, chúng sải cánh vút lên trời lượn tròn rồi kéo hàng ngang vượt sang bờ tả ngạn sông Lô, tụ về những bờ tre còn um tùm, cổ kính của làng Tràng, làng Xão. Gió dưới lòng sông rào lên, đẩy những cánh buồm chạy ngược gợi trên mặt sông một âm điệu mênh mang muôn thủa rồi cứ thế òa theo sóng nước vỗ nhẹ vào đôi bờ. Đám trẻ chăn trâu ở làng Thông sau khi đã ngụp lặn thỏa thuê với sông nước ở bến Lai chúng lặng lẽ leo lên lưng trâu đứa nào về nhà đứa ấy. Hữu nhếch nhác lẫn trong đám trẻ ấy nhưng Hữu phải vừa lùa trâu vừa gò lưng vì bó củi nặng đè trĩu trên vai, bó củi là do bọn cái Dung, cái Dần, cái Tráng... cùng gom vào cho vì mấy đứa thương Hữu, sợ lão bố ghẻ đánh Hữu, bắt Hữu nhịn cơm khi không có củi bán để lấy tiền cho lão uống rượu. Bó củi nặng làm Hữu ngã vập xuống đất, đất lắm mảnh sành, sỏi quậy làm mặt mày Hữu sứt sát, máu chảy nhễ nhoã. Cái Dần vội chạy lại đỡ Hữu dậy. Giọng cái Dần nghèn nghẹn:
- Đau lắm không? Để tao vác giúp một đoạn.
- Ừ - Hữu vừa nói vừa vơ ngọn lá Chó Đẻ ở ven đường nhét vào mồm nhai rồi đắp vào những chỗ vết thương - Vừa làm Hữu vừa bảo cái Dần - Giúp tao đến chỗ bờ ao Chuôm thôi, nhỡ lão bố ghẻ tao mà thấy thì cái mông tao lại lằn lên toàn lươn trạch đấy!...
Cái Dần hiểu tình cảnh của thằng Hữu chả nói gì, nó lặng lẽ xốc bó củi lên vai giục Hữu đuổi trâu đi. Đến đầu bờ ao Chuôm, cái Dần đặt bó củi xuống, thằng Hữu vội đỡ bó củi lên vai xua con trâu đi về cái ngõ um tùm những cây muồng hoa trắng. Cái Dần đứng nhìn theo. Nó chả hiểu tại sao thằng Hữu lại khổ sở thế!
Thằng Hữu về đến nhà, vội buộc con trâu vào gốc cây mít, vác bó củi cui cúi đi một mạch đến cái quán của bà Nhỏ ở chợ Thông. Bà Nhỏ hất hàm bảo nó đặt bó củi vào xó bếp và rót đầy cút rượu đưa cho nó. Thằng Hữu vội cắp chai rượu vào nách, cắm đầu đi một mạch về nhà. Nhìn thấy ông bố ghẻ ngồi càu cạu ở cái chõng tre, nó len lén đặt chai rượu vào cái chõng ngay trước mặt lão rồi chui tọt xuống cái bếp lạnh ngắt hoang toàng vết chân gà bới. Nó tần ngần đang chực vơ mấy cái đầu củi chụm lại để nhóm lửa thì giọng lão bố ghẻ như thanh sắt nguội:
- Lại đây.
Thằng Hữu lón thón chạy đến khoanh tay quỳ trước mặt lão:
- Dạ, bố sai bảo gì nữa ạ!
- Bảo sai cái con mẹ mày. Tao có uống rượu suông bao giờ đâu.
- Dạ, nhưng cái móm hết mất lạc rồi ạ!
- Hết với còn cái con mẹ mày.
- Ra ruộng của hợp tác mà nhổ về luộc cho tao.
- Dạ, bố bảo con đi ăn trộm lúc còn sáng trời thế này sợ lắm. Ông chủ nhiệm mà bắt được thì chết!
- Chết à, sống à - Vừa làu bàu lão Bành vừa vớ cái dùi đục vùng dậy. Thằng Hữu tái mặt vội co cẳng chạy, nó cắm cổ chạy một mạch đến đầu bờ ao Chuôm thì cái Dần vẫn lù lù đứng đấy. Thấy mặt thằng Hữu cắt không ra máu, cái Dần hấp tấp hỏi:
- Làm sao, có việc gì mà chạy mất mật thế?
- Không có đồ cho lão Bành nhắm rượu, lão ấy đuổi đánh. Lão ấy bắt tao ra ruộng của hợp tác nhổ trộm lạc về cho lão uống rượu. Tao không làm, lão ấy đánh. - Nói rồi thằng Hữu ôm mặt khóc tu tu. Cái Dần ngậm ngùi bảo:
- Tao biết rồi, nếu không kiếm được cái gì cho lão ngay bây giờ thì đêm nay mày ngủ ở đâu? Mày cứ chui vào bụi chuối náu đi, tao về nhà xem có thứ gì, tao lấy cho...
Nói rồi cái Dần quay mặt đi, nó vừa đi được vài bước thì thằng Hữu gọi giật laị.
- Thôi, tao biết ơn mày, nhưng mày đừng về lấy trộm cái gì ở nhà, bầm mày biết la cho lại khổ. Vả mày làm thế tao khỏi bị đòn của lão Bành thật nhưng cuối cùng chúng mình vẫn phải làm cái việc ăn trộm. Việc ăn trộm là xấu lắm. Lúc bố bầm tao còn sống, bố bầm tao bảo thế. Từ ngày bố bầm tao chết, chị Sơn tao đi lấy chồng, ở với lão Bành tao cực lắm, nhiều bữa phải nhịn cơm nhưng tao không bao giờ đi ăn trộm, ăn cắp. Mà thôi, tao cũng không chạy náu nữa, tao cứ về cho lão Bành đánh chết tao đi. Tao chết có khi lại được gặp bố bầm ở dưới âm ty còn sướng hơn sống cảnh này đấy! Mà nói vậy thôi, lão Bành cũng chả dám đánh chết tao đâu vì có trận lão ấy đánh tao đau quá, bà Nhỏ chạy đến đỡ, Lão ấy gằm ghè, Bà Nhỏ dọa báo công an bắt đi tù, lão ấy vội bỏ ngay cái gậy xuống. Lão ấy sợ đi tù lắm!
- Nhưng bây giờ mày về lão ấy đang trong cơn thịnh nộ lại không có ai ngăn cứ cái dùi đục lão ấy nện, mày không chết thì cũng thành thân tàn ma dại. Nghe tao mày cứ chui vào bụi chuối náu đi. Tao về nhà có cái gì ăn được, tao xin bầm tao để mày mang về cho lão ấy, lão ấy khỏi đánh đòn. Tao không ăn trộm đâu mà sợ. Bầm tao cũng dễ tính lắm và cũng ghét người hay ăn trộm lắm. Mày cứ tin tao đi! - Giọng cái Dần nỉ non. Thằng Hữu tròn mắt nhìn cái Dần rồi lặng lẽ chui vào vườn chuối. Cái Dần nhìn theo nó rồi quay bước đi về phía nhà mình. Nó vừa đi được mấy bước thì lão Bành vác cái dùi đục sừng sộ chạy đến. Cái Dần hỏi trộ:
- Sắp tối rồi bác còn cầm dùi đi đuổi cái gì thế?
- Mày có thấy thằng Hữu chạy ra đây không?
- Dạ có - Cái Dần tần ngần rồi chợt nhớ lời thằng Hữu bảo lão Bành rất sợ công an, cái Dần lại nói như máy:
- Cháu thấy thằng Hữu chạy thục mạng, suýt nữa còn đâm đầu vào cháu. Cháu hỏi chạy đi đâu, nó chả nói chả rằng vẫn cứ cắm cổ chạy. Cháu nhìn rõ nó vượt qua vườn chuối nhà ông Tràng Chức, chắc là nó chui vào cái lều của bà Tứ vó tôm rồi. Bác thử ra đấy xem. Tự nhiên lão Bành đứng khựng lại, ném cái dùi xuống đất, giọng lão cục cằn.
- Đ. mẹ, thằng này mai về tao cho nhừ tử.
Chửi đổng vài câu lão cúi đầu chui vào cái cổng um tùm đầy những cây muồng hoa trắng. Cái Dần nhìn theo lão cười tủm rồi reo lên một mình:
- A ha, đúng lão Bành sợ công an thật.
Lão không dám xông vào chỗ bà Tứ vì lão biết bà Tứ ngày xưa từng là công an của Việt Minh ở chiến khu Việt Bắc. Một chuyến đi công tác vào vùng tề bị lộ, bọn Pháp bắt được tra tấn dã man rồi chúng đưa bà lên bỏ tù ở nhà tù Sơn La, bà bí mật vượt ngục trở về. Hòa bình, do không còn đủ sức khỏe bà được nghỉ chế độ chính sách, bà ở độc thân một mình, bà làm cái túp lều nhỏ ngay ven trằm Đẩu chỗ mỏm đồi Cây Thị sớm hôm kéo vó tôm và chăn thêm đàn vịt cốt để cho vui và có thêm đồng tiền mua mắm, mua muối. Nắm được điểm yếu của lão Bành, cái Dần như tìm ra được một lối đi để cứu thằng Hữu thoát khỏi cảnh sống bị đòn roi của lão Bành. Nó reo lên một mình và cúi đầu chạy một mạch về nhà. Thấy nó tất tả, bầm nó vội hỏi:
- Mày đi đâu mà như ma đuổi thế hả con?
Cái Dần vội sà vào chỗ bầm đang ngồi thái rau chuối cho lợn, nó ghé sát vào tai bầm thì thào:
- Bầm ơi, lão Bành lại đuổi thằng Hữu đánh đòn. Lão ýấy bắt thằng Hữu phải ra ruộng của hợp tác nhổ trộm lạc về cho lão ấy uống rượu, thằng Hữu không nghe theo, lão ấy vác dùi đuổi đánh. Thằng Hữu chạy thục mạng, may quá gặp con, con xui nó náu vào vườn chuối nhà ông Tràng Chức và lừa lão Bành, bảo thằng Hữu chạy vào bè tôm của bà Tứ. Thế là lão ấy bỏ cái dùi lủi về nhà rồi. Lão Bành sợ bà Tứ thật bầm ạ. Mà bầm ơi! Bầm xem nhà mình có cái gì ăn được, bầm cho thằng Hữu để nó mang về khỏi bị lão Bành đánh đòn! Để đêm nay thằng Hữu khỏi phải ngủ ngoài vườn chuối.
Bầm cái Dần đặt con dao xuống đất tròn mắt nhìn con gái rồi bà lẳng lặng vào bếp, bà mở nắp cái vại tôm khô vục đầy một bát gói vào lá chuối khô và đổ loa cơm nếp nắm tròn lại đưa cho cái Dần. Giọng bà ân cần:
- Thứ này bảo thằng Hữu ăn ngay, còn tôm khô thì mang về cho lão Bành.
Cái Dần vội đón gói tôm khô và nắm cơm từ tay bầm chạy vụt về phía vườn chuối nhà ông Tràng Chức. Nhìn theo con, bà Dậu thở dài. Bà cảm động vì con gái bà còn bé mà đã biết xót thương trước hoàn cảnh của người khác. Bà tần ngần nhớ lại ngày xưa, bà rất thương bố thằng Hữu nhưng ông giời không se duyên nên hai người không về với nhau để nấu cùng một nồi cơm được. Ông ấy làm bạn với bà Cúc ở Thông Thượng nhưng vẫn giữ mối quan hệ thân tình với gia đình bà. Hai nhà coi nhau như anh em. Năm Tây đốt làng ông ấy đau chân chạy không kịp bị nó bắt được. Chúng nó trói ông như trói con lợn quăng vào đống lửa. Khi bọn Tây rút đi, dân làng về, thân thể ông ấy cháy nhem như bị thui. Bà Cúc một tay cắp thằng Hữu, một tay dắt cái Sơn cứ thế kêu gào... Tang lễ cho chồng được mồ yên mả đẹp mình bà một nách hai đứa con, lặn lội đầu hôm, gà gáy chắt chiu làm lụng nuôi nhau. Tằn tiện mãi mẹ con bà cũng dựng được ngôi nhà nhỏ gọi là có chỗ ăn, chỗ ở và tậu được con trâu để làm đầu cơ nghiệp. Mẹ con bà đang yên ổn làm ăn thì lão Bành ở đâu thậm thụt đến. Bà chối từ nhưng lão ấy cứ trơ ra, lão năn nỉ như người cầu xin. Bà động lòng thế là lão được thể cứ ở lỳ đấy. Một phần vì bà thương hại lão, một phần do hoàn cảnh bà cũng muốn có lão làm cái cột để cho hai đứa con bà dựa. Ai ngờ bà bị cảm mất đột ngột. Bà khổ đến lúc chết. Khi làng xóm khiêng bà từ đám mạ về, chân tay còn lấm bùn đất, bà không kịp trăng trối với con cái được câu nào, bà cứ lịm dần như người lịm vào giấc ngủ. Bà mất, lão Bành sinh đốn dần. Lão lâm vào cờ bạc, rượu chè. Gia tài bà để lại lão bán dần, bán đến cả từng cái bát ăn cơm, cái chén uống nước. May chỉ còn lại con trâu lão không bán được vì con trâu đã đóng góp vào tài sản của hợp tác xã. Không còn thứ gì để đổ vào chai cút, lão quay ra đánh chửi chị Sơn và thằng Hữu. Chị Sơn cũng là người cứng rắn, nhiều chuyện vô lí chị chống lại quyết liệt, chị còn dọa nếu lão không biết điều chị sẽ đuổi lão ra khỏi nhà. Có lần chị đang ngồi băm rau lợn, lão Bành từ đâu hùng hổ về vác dùi xông vào đánh chị, Sẵn con dao thái chuối, chị đứng chống nẹ, giọng rắn chắc.
- Đụng vào tôi là tôi chém, ai ở nhờ nhà của bố mẹ tôi mà không tử tế là tôi đuổi.
Thấy thế mình yếu lão Bành đành lún. nhưng từ ngày chị Sơn đi lấy chồng lão lại đâu đóng đấy. Lão cứ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với thằng Hữu. Có lần chị Sơn ở nhà chồng về bắt gặp cảnh ngộ lão đang hành hạ thằng Hữu, chị can ngăn. Lão lạnh lùng:
- Trước đây chị còn ở nhà, chị nuôi nó, tôi kệ. Bây giờ chị đi lấy chồng rồi, tôi nuôi nó, tôi phải dạy bảo. Chị bênh em chị, chị mang đi hoặc về đây mà nuôi nhau.
Chị Sơn nhìn em nước mắt òa ra mà vẫn đành phải bấm bụng. Từ bữa ấy lão cứ thẳng tay hành hạ thằng Hữu. Lão đốt hết sách vở không cho thằng Hữu đi học. Hàng ngày lão bắt nó đi mò cua, bắt ốc, chăn trâu, kiếm củi bán lấy tiền cho lão uống rượu. Mỗi ngày thằng Hữu phải kiếm được cho lão cút rượu và vài thứ đồ nhắm lão mới để yên. Nếu không có lão bắt nhịn cơm và cứ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay đánh đập thằng Hữu. Có trận lão dùng roi nứa cật quật vào hai bắp chân thằng Hữu, máu tứa ra ròng ròng, thằng Hữu vẫn phải bặm môi chịu. Cũng may bà Nhỏ quán nước phát hiện ra lão Bành sợ công an, mỗi lần thấy lão đánh đòn thằng Hữu bà dọa, nếu còn đánh nó bà sẽ báo trưởng xóm, mời công an huyện về, nên thằng Hữu cũng đỡ phải đòn nhưng nó vẫn khổ vì phải làm lụng quá sức lại không được đến trường học hành cùng chúng bạn. Khổ thân thằng bé! Bà Dậu thấy xót ở trong ruột nhưng cũng chả biết xoay xở cách nào để giúp được nó. Bà đứng lặng thở dài. Mắt vợi nhìn về phía cái Dần đang cầm gói tôm khô và nắm cơm chạy về phía vườn chuối nhà ông Tràng Chức để tìm thằng Hữu.
***
Cái Dần ra đến vừơn chuối nhà ông Tràng Chức, trời cũng đã nhoạng tối. Nó khum hai bàn tay vào mồm kêu cuốc cuốc... Nghe tín hiệu của cái Dần, thằng Hữu lò dò chui từ trong bụi chuối ra, tay chân vẫn còn run lẩy bẩy. Nhìn nó tội nghiệp, cái Dần ân cần:
- Không bận gì phải sợ nữa, cứ ngồi xuống đây, tao có cách này trị lão Bành rồi, lão ấy sẽ không dám đánh đòn mày vô cớ nữa đâu- Vừa nói cái Dần vừa kéo tàu lá chuối gẫy gập xuống, ghé răng cắn đứt đôi rồi rải tàu lá ra đất, bày nắm cơm nếp ra. Gịong cái Dần vẫn ân cần:
- Mày ăn đi. Bầm tao gói cho mày đấy, ăn xong rồi mang cái gói này về cho lão Bành.
Thằng Hữu tròn mắt nhìn cái Dần rồi ngồi thụp xuống cứ thế véo cơm cho vào mồm nhai nhồm nhoàm. Nhìn thằng Hữu ăn, cái Dần vừa mừng, vừa tủi. Nó cứ ngồi lặng nhìn thằng Hữu ăn. Gió mùa hạ hây hẩy từ ngoài đồng Cây Mơ thổi vào làm cho những tàu lá chuối to như cái tấm ván canh nghiêng ngả để hở ra những vuông trời đang le nhe những vì sao mọc đậy. Trong các ụ chuối, chị em đám Dế Mèn bắt đầu réo lên e é... Âm điệu quê hương thơ mộng, rộn ràng càng làm cho sự nhọc nhằn côi cút của thằng Hữu lớn thêm. Cái Dần dụi tay lên mắt nhưng tự nhiên nó lại cười lên khanh khách. Thằng Hữu ngơ ngác, bỗng giọng cái Dần dịu lại như giọng của một người chị.
- Ăn no bụng rồi thì Hữu về đi! Mang gói tôm và cả cút rượu này nữa cho lão Bành. Cứ bảo với lão ấy là của bà Tứ cho đấy.
Thằng Hữu càng ngơ ngác, hai mắt tròn xoe nhìn cái Dần. Cái Dần cười dí ngón tay chỏ vào trán thằng Hữu bảo:
- Ngốc ạ! Nói thế lão Bành sẽ không dám đánh đòn nữa vì bà Tứ người làng ta vẫn đồn xưa kia bà ấy là công an, mà công an là lão Bành sợ công an nhất
Vỡ ra nhẽ, thằng Hữu cười tít mắt và nó nhét gói tôm, cút rượu vào bọc cúi đầu chạy một mạch về nhà. Cái Dần lặng nhìn theo, nó khẽ kiễng chân nghiêng vành tai hướng về phía nhà thằng Hữu. Trong lòng nó vừa bồi hồi vừa thấp thỏm. Gió từ cánh đồng Cây Mơ vẫn lồng lộng thổi vào vườn chuối khuấy lên vòm trời quê một âm điệu vừa thơ mộng vừa hoang dã mà thân thuộc, quen gần làm cho lòng dạ cái Dần càng thêm vời vợi, nôn nao.
Thằng Hữu chạy về đến ngõ cổng, tự nhiên nó đứng khựng lại, nép người vào gốc cây ổi nhìn hút vào trong nhà. Nó thấy lão Bành ngồi gục mặt xuống cái chõng tre, bên cạnh là ngọn đèn Hoa kỳ đã cạn dầu. Cái đụn bấc đùn lên đỏ đọc như quả ớt héo, xung quanh cái đụn ấy những ánh sáng yếu ớt nhòe ra xanh lè hắt vào mặt lão Bành nom rất hoang vu, ma quái. Thằng Hữu chột dạ, chưa biết xoay xở cách gì thì nó chồ phải tàu lá chuối khô xòa ra mép cổng. Lão Bành giật mình nhoàng dậy. Lão lơ láo nhìn quanh, phát hiện ra bóng thằng Hữu thập thò ở ngoài ngõ, lão vớ cái roi cật nứa lao ra. Lão túm lấy gáy thằng Hữu, nghiến răng rít lên như con chó dại:
- Tao tưởng mày bỏ được cái nhà này suốt đêm nay- Tay lão vung cao cái roi cật nứa. Thằng Hữu co rúm người nhưng nó vẫn bật ra được câu nói:
- Dạ, con đi tìm thức ăn để cho bố nhắm rượu chứ có đi đâu.
- Thức ăn, thức nhắm đâu, mày bỏ ra đây không có tao đập cho mày nhừ tử!
Lão dòm sát vào mặt thằng Hữu, mắt lão long lên sòng sọc. Thằng Hữu hai chân nam mô ngồi quỳ xuống đất, nó lôi gói tôm và chai rượu ra đặt trước mặt lão. Nhìn thấy có đồ ăn, thức uống, lão Bành buông cái roi cười sằng sặc:
- Giỏi, thằng này giỏi thật, nhưng mày lấy được những thứ này ở đâu?
- Dạ, dạ... - Thằng Hữu lắp bắp nhưng nó vẫn nhớ lời cái Dần dặn, nó mạnh dạn:
- Bà Tứ cho con đấy ạ! Bà ấy đi lùa vịt về nhìn thấy con đang mon men ra ruộng lạc, bà ấy túm lấy cổ áo con, con sợ quá tròn mắt nhìn bà ấy rồi xin xỏ: “Cháu đói quá chỉ xin của hợp tác một khóm thôi, bà tha cho cháu, đừng đưa cháu về nhà ông trưởng xóm, bố cháu biết, bố cháu đánh đòn nhừ tử. " Bà Tứ nhìn con một lúc rồi bảo: “Thôi được, đi về nhà bà đã". Bà kéo tay con dắt đi. Về đến nhà, bà ấy bảo con ngồi vào chỗ cái bàn, bà ấy đi vào trong buồng. Con ngồi một mình lơ láo nhìn quanh. Nhà bà ấy có rất nhiều cái hũ nom đẹp lắm, cái nào cũng bịt nút lá chuối rất chặt. Con đoán là hũ đựng mắm, đựng rượu và có cả một thúng trứng vịt đầy nữa. Nhìn ra chỗ đầu giường của bà ấy còn thấy một con dao găm, một khẩu súng chỉ ngắn bằng một gang tay, giống như khẩu súng diêm của anh Đức, anh Hòa nhà bác Đà, bác Tráng ấy, hay thật bố nhỉ! Bà Tứ già rồi mà vẫn còn chơi súng diêm.
Lão Bành tròn mắt nhìn thằng Hữu làu bàu:
- Diêm với dúa cái con mẹ mày, súng lục đấy. Từ rày đừng có bén mảng đến đấy nữa.
Nói rồi lão thò tay xé toạc cái gói lá chuối bày lên cái chõng tre, lão lại cười hềnh hệch và bảo thằng Hữu:
- Mày lục xem trong chỗ xó bếp còn củ sắn nào thổi lửa bếp lên lùi chín mà ăn
Vừa nói lão vừa lôi cái cút, tút bỏ cái nõ ngô rồi đổ rượu ra bát ngửa cổ uống ừng ực. Hai tay lão nghều ngào nhúp những con tôm khô va vào mồm nhai ngồm ngoàm. Vừa ăn, vừa uống lão vừa làu bàu như chửi rủa ai. Những giây phút ấy thằng Hữu biết là lão đang khoái trá. Thằng Hữu lẳng lặng xuống bếp. Nó lầm lụi nhặt những đầu củi cháy giở nhọ nhem chụm lại rồi nhóm lửa lên. Ngọn lửa leo nheo rồi cũng bùng lên sáng loáng.
Cái Dần ở ngoài vườn chuối thấy lửa trong bếp nhà thằng Hữu đã đỏ, nó rén chân lại gần ngó vào thấy lão Bành đang ngật ngưỡng bên cái chõng tre với bát rượu, nó biết mọi việc đã ổn. Tối nay lão Bành sẽ không đánh đòn thằng Hữu nữa. Thằng Hữu cũng đã no bụng, chắc là đêm nay nó sẽ được ngủ yên. Cái Dần khẽ rón chân đi một mạch về nhà.
Thằng Hữu cứ ngồi ỳ trước bếp lửa để chờ xem lão Bành còn sai khiến gì. Những đầu củi cháy hết, than lửa nguội dần. Ngọn đèn cũng cạn dầu tắt ngấm. Lão Bành say rượu gục đầu xuống cái chõng tre ngáy ò ò. Nom lão lúc này tự nhiên trong lòng thằng Hữu cứ tấy lên nỗi hận thù. Từ ngày mẹ chết, chị Sơn đi lắy chồng, Lão Bành đã giội lên thân thể nó biết bao nhiêu trận đòn, biết bao vết sẹo còn hằn trên mông đít, trên bắp tay, cổ chân nó. Ruột gan thằng Hữu tự nhiên cứ lộn lên, mồ hôi nó vã ra, nó vớ con rựa cùn ở xó bếp vùng dậy định xả cho lão Bành một nhát rồi trốn khỏi cái nhà này cho hết nhục, hết khổ. Nhưng nó vừa vùng dậy chạm tay vào cái chuôi con rựa thì tự nhiên tay chân nó cứ mềm nhẽo ra. Nó lại ngồi thụp xưống nền bếp. Trong bếp chỉ còn có một hòn than đỏ tái như cái mào con gà bị cắt tiết. Lúc này chỉ có nó và hòn than nhìn thấy nhau. Gió trời phay phảy làm cho hòn than nhập nhòe. Tro bụi và muỗi lờn vờn quanh thằng Hữu. Thằng Hữu mở căng mắt và trong ánh sáng nhập nhòe của hòn than đang mại giữa bếp, nó như nhìn thấy bố bầm nó đang về ngồi cùng với nó. Bố bầm nó mua rất nhiều quà bánh, quần áo đẹp và sách vở. Nó thấy bàn tay bầm ân cần ôm nó vào lòng và sờ nắn khắp người. Còn bố thì cứ đứng nhìn. Chắc là bố sung sướng lắm! Thằng Hữu định reo toáng lên thì tự nhiên hai cái hình ấy tan biến, chỉ còn mình nó đối diện với cái bếp than đầy tro bụi, đàn muỗi đói vo ve và ở ngoài cái chõng tre lão Bành vẫn ngáy ò ò. Thằng Hữu thở dài rồi xoa chân chui vào cái nong ở xó nhà co chân nằm. Nó trằn trọc không tài nào nhắm được mắt. Hết nhớ bố bầm, nhớ chị Sơn, nó lại nghĩ đến bọn cái Dần, cái Tráng... Nó cũng không rõ nguyên cớ gì mà mấy đứa lại hay giúp đỡ nó. Nhất là cái Dần. Hay là bọn nó thương hại? Hai tròng mắt thằng Hữu nước cứ tràn ra. Nú úp mặt xuống cái nong rồi thiếp đi...
***
Cái Dần lội từ vườn chuối về nhà, vội sà vào bếp chỗ bầm nó đang nấu nướng. Giọng nó hể hả:
- Ổn rồi bầm ạ! Hôm nay lão Bành không đánh đòn thằng Hữu đâu, cái bài con bày cho thằng Hữu hay thật bầm ạ!
Bà Dậu tròn mắt nhìn cái Dần:
- Con bày cho nó cái bài gì?
- Có thế mà bầm cũng không biết. Con ra vườn chuối, gặp thằng Hữu, con đưa nắm cơm cho nó ăn. Chắc là nó đói, nó phồng mang, trợn mắt ăn, ăn như không biết có con đứng ở đấy. Ăn xong nó bảo: “Ngon quá, có còn nữa không? " Con nhìn nó tự nhiên nước mắt cứ chảy ra. Con bảo: “Hết mất rồi. Ăn tạm vậy đã. Bây giờ mang cái gói này về cho lão Bành, không có hai cái mông đit còm lại không đủ chỗ cho lươn trạch bò!". Thằng Hữu lại tròn mắt nhìn con rồi ôm cái gói tôm cui cúi đi. Con rén chân đi theo về đến tận gốc cây mít nhà nó. Nhìn qua ánh đèn xanh lè lè thấy lão Bành chồm từ chỗ cái chõng tre dậy nhưng lão ta không đánh thằng Hữu mà vồ lấy cái gói lá chuối trên tay nó rồi ngồi ôm lấy cái chõng. Lão ta xé cái gói ra và nghiêng cút đổ rượu ra bát ngửa cổ uống rồi cứ thế cười sằng sặc một mình. Thằng Hữu chắc biết mình đã được yên thân. Nó rón rén đi xuống bếp nhóm lửa. Lửa trong bếp bùng lên một lúc con thấy nó ngồi khều than, chả biết nó làm gì nhưng chắc chắn đêm nay sẽ không bị đánh đòn nữa đâu. Nghĩ vậy con rén chân đi về bầm ạ!
Nói rồi cái Dần lại thở dài nhìn bầm. Bà Dậu chép miệng bảo con:
- Mày còn bé mà hay tỏ việc của người khác, lại hay cả nghĩ, mai này lớn khổ lắm đấy con ạ!
Cái Dần bĩu môi:
- Việc thằng Hữu nó khổ, lão Bành hay đánh đòn nó làng mình ai mà chả biết, nhưng lạ một điều là con chả thấy ai dám ra bênh nó.
- Thôi nào con, mày cứ thế là leo vào việc của người lớn rồi đấy.
- Chuyện của người lớn là thế nào hả bầm? - Cái Dần thắc mắc.
Bà Dậu thấy khó giải thích, bà xoa dịu:
- Thôi, mau giúp bầm dọn cơm ra ăn chả có bố mày gắt cho bây giờ đấy.
Nói rồi bà Dậu vội bê cái mâm ra cái chiếu đã rải sẵn ở ngoài hè. Cái Dần lóm thóm bê nồi cơm theo sau. Cả nhà vây quanh mâm cơm thật vui vẻ. Cái Dần vừa đưa bát cơm lên miệng tự nhiên nó lại đặt bát cơm xuống, giọng ngậm ngùi.
- Bố bầm có biết không, đêm nay thằng Hữu dù không phải đòn nhưng nó phải ngủ ở cái nong chỉ có manh chiếu rách, màn mùng chả có, muỗi nó thiêu. Hay là bầm mang cho nó mượn cái màn thừa của nhà mình?
Bà Dậu nhìn cái Dần chưa biết nói thế nào thì ông Dậu vằn mắt bảo:
- Cái con bé này chỉ được cái khôn nhà dại chợ.
Cái Dần ngước mắt nhìn bố, nó đang ấp úng nói thêm câu gì thì ông Dậu đã chẹn họng.
- Mày tưởng mang mùng màn sang đấy mà thằng Hữu được dùng à! Lão Bành đến cơn thèm rượu, mả bố nó mà bán được nó còn bới lên chứ nói gì đến cái màn của mày. Mà mấy đứa chúng mày cứ nô đàn với thằng Hữu có ngày còn lây đòn của lão ấy chứ chả bỡn - Ông Dậu gằn giọng
Cái Dần gân cổ đang định cãi lại thì giọng bà Dậu ngọt ngào:
- Thôi, bố con ăn cơm đi. Chuyện của nhà người ta mang về nhà mình làm gì.
Nói vậy nhưng bà vẫn không giấu được tiếng thở dài. Bà nhẹ tay múc thìa canh đổ vào bát nâng lên ngụm một ngụm cho nó trôi đi cái cục buồn đang chẹn ngang ở cổ. Cái Dần không nói gì nữa, nó cúi mặt ăn hết bát cơm rồi lặng lẽ đặt bát đứng dậy.
Cả nhà ăn xong, cái Dần loay hoay dọn mâm, rửa bát. Công việc xong nó lấy sách vở ngồi vào bàn học bài. Mở vở ra trước mặt nhưng nó không tài nào dịch ra được chữ nghĩa. Hình ảnh thằng Hữu ở cái vườn chuối ngồm ngoàm vừa đứng vừa ăn và cái nong với một manh chiếu đã sờn rách nó đang nằm giữa đàn muỗi vo ve cứ ám ảnh làm đầu óc cái Dần rối bời tối om om. Cái Dần cứ vò đầu gãi tai mãi rồi nó vặn nhỏ ngọn đèn lững thững đi ra đầu hè tựa vào cái cột nhà nhìn ra cánh đồng Cây Mơ tối mù mịt. Nó càng thương thằng Hữu. Ngày mẹ Thằng Hữu còn sống, buổi tối nào hai đứa cũng cùng ngồi học chung nhau dưới ngọn đèn dầu. Thằng Hữu rất sáng dạ. Bài học nào nó cũng thuộc rất nhanh và rất sâu, những bài khó cả lớp phải ngậm tăm, có thằng Hữu là đâu lại vào đấy. Thế mà tự nhiên lão Bành nổi cơn rồ rượu đốt hết sách vở của nó, cấm nó không được đi học. Từ bữa ấy thằng Hữu như đứa ở thuê cho lão Bành mặc dù nhà cửa, trâu bò, ruộng nương là của bố mẹ nó để lại. Bao nhiêu thứ ở trong nhà lão Bành đã đổ hết cả vào chai cút. Nhà nó bây giờ chỉ còn có con trâu, may con trâu đã cổ phần vào hợp tác xã nếu không lão Bành cũng mổ bán uống rượu hết rồi. Lão lười nhác chỉ trông vào công điểm từ con trâu do thằng Hữu đi chăn và những thứ nó kiếm được từ bó củi trên rừng, con cua, con ốc thằng Hữu lặn lội bắt được từ chằm Đẩu, chằm Xao... Lão Bành độc ác lại lười nhác, thế mà không ai can ngăn được. Cả bác Bếp Thìn đội trưởng hợp tác cũng phải chịu. Bác ấy phân công đi làm việc gì lão ấy cũng cáo ốm, ốm mà lão ấy vẫn ăn hàng giá cơm, uống hàng chai rượu. Tiền ấy nếu lão dè sẻn làm gì thằng Hữu phải khổ, phải bỏ học. Lão ác vậy sao thần linh ở cái miếu Mỏ không vật chết lão đi và cả linh hồn thiêng của bố mẹ thằng Hữu nữa, sao hai bác ấy không hiện về bóp cho lè cổ lão ra. Càng nghĩ, cái Dần càng căm lão Bành và càng thông cảm, thương mến thằng Hữu. Nó cứ đứng lặng tựa lưng vào cái cột nhìn ra cánh đồng Cây Mơ. Gió đêm tháng hạ thổi vào mái hiên rào rào. Nhìn hút ra cánh đồng Cây Mơ tối mù mịt, ven những bụi bờ đom đóm nhập nhòe bay lượn. Có nhiều con đom đóm to giống như cái bóng đèn cứ nhập nhòe lúc mờ, lúc tỏ. Thỉnh thoảng nó lại nối những hàng dài như kéo đèn ông sao bay về chỗ bãi tha ma ở Gò Hốn. Cái Dần căng mắt nhìn theo đám đom đóm đang chập chờn bay về chỗ bãi tha ma, chỗ ấy có cả mả bố, bầm thằng Hữu. Ma hay là đom đóm? Trong đầu cái Dần nảy ra những suy nghĩ liều lĩnh. Nó nhìn trước, nhìn sau rồi khẽ rén chân đi về phía bãi tha ma. Nó đi từng bước rất khẽ. Gần đến chỗ mả bố bầm của thằng Hữu tự nhiên tóc gáy nó cứ dựng đứng lên, khắp người nó lạnh toát như có một tinh lực lạ kỳ nào ám vào. Nó đứng khựng lai, hai tay vồ vào bờ ruộng. Gió trời rạo trên đầu rào rào. Nó cố căng mắt ra để nhìn thật kỹ xem là ma hay là đom đóm? Những đốm sáng vẫn cứ nhập nhòe rờn lên, rờn xuống, rồi bất thần một đốm sáng xanh lét vụt lên từ phía ngôi mộ của bầm thằng Hữu cứ nhập nhòe bay về chỗ cái Dần. Cái Dần định co cẳng chạy thì cái đốm sáng ấy đậu ngay vào bím tóc của nó. Cái Dần vội khùa tay phủi đi thì cả thân hình con đom đóm tự nhiên nằm lọt vào giữa lòng bàn tay. Con đom đóm thật, không phải là ma đâu. Cái Dần hoàn hồn, nó khum bàn tay cho con đom đóm đậu. Ở trong lòng bàn tay cái Dần, con đom đóm thấy yên tĩnh, nó tự tỏa ra ánh sáng nhấp nháy làm cho cái Dần nhìn thấy cả những đường gà bới chi chít trong lòng bàn tay của mình. Tự nhiên cái Dần rất thích thú, nó không còn cảm giác sợ hãy nữa. Nó reo thầm một mình: Có cách rồi, có cách rồi Hữu ơi!... và cứ thế nó cắm đầu đi một mạch về nhà.
Về nhà, thấy bầm vẫn ngồi khều lửa bên nồi cám đang sôi sùng sục. Cái Dần nhón chân ôm quàng lấy vai bầm giọng hổn hển:
- Bầm ơi! Con có cách này hay lắm. Con sẽ giúp thằng Hữu tiếp tục học cùng với con, nó sẽ bảo cho con những bài học khó.
Bà Dậu tròn mắt nhìn con, giọng bà vừa ngỡ ngàng, vừa yêu thương:
- Cả xóm còn chả có cách gì chứ trẻ nhãi như con mà khuất phục được lão Bành à! Vả gia tài nhà nó lão Bành đã đổ cả vào be, vào cút rồi, còn cái gì nữa đâu, ăn còn chả có nói chi đến học hành- Bà Dậu thở dài- Thôi vào học bài đi, đừng bận bịu việc nhà người khác vào mình làm gì.
Cái Dần bĩu môi:
- Chán bầm thật. Con bảo đã có cách kia mà.
- Cách gì, mày nói cho bầm nghe thử xem nào?
- Thế này bầm nhá: không phải con giúp được cho thằng Hữu cùng đến trương học như con đâu. Con sẽ chép bài thật cẩn thận, về cho nó tự học. Là đứa sáng dạ con tin nó sẽ học được.
- Nhưng nó suốt ngày chăn trâu, kiếm củi lấy đâu ra thời giờ vả lại còn lão Bành suốt ngày lão ấy chửi bới, roi vọt nữa.
Bà Dậu lại thở dài. Cái Dần cười khúc khích và cứ thế cù ngón tay vào lưng bầm. giọng nó thỏ thẻ:
- Đúng là bầm lẩn thẩn rồi! Có thế mà bầm cũng không nghĩ ra. Con chép bài để về đêm nó học.
- Nhưng nhà nó làm gì có dầu đèn?
- Cần gì phải dầu, phải đèn, ánh sáng đây này, bầm biết chưa?
Nói rồi cái Dần thò con đom đóm trong lòng bàn tay ra khoe với bầm và giọng nó sôi nổi:
- Con sẽ kiếm một cái chai thủy tinh thật to rồi bảo thằng Hữu ra đồng bắt thật nhiều con đom đóm to như thế này về thả vào làm đèn, nó có học cả đêm cũng được. Bầm thấy cái Dần tài chưa nào!
Bà Dậu tròn mắt nhìn con âu yếm nhưng giọng bà rầu rầu:
- Mày còn bé mà đã hay bận đến việc của người khác, mai này lớn sẽ khổ đấy con ạ! Mà ai bảo con cái việc thả đom đóm làm đèn? - Bà Dậu lại gặng hỏi.
- Chả có ai bảo con cả. Lúc ăn cơm xong, con ra đầu hè nhà mình đứng nhìn ra đồng Cây Mơ thấy nhiều đom đóm bay, nhất là ở chỗ bãi tha ma Gò Hồn. Con mò ra đấy thử xem có phải ma thật không. Đột nhiên con đom đóm này ở đâu sà tới bấu vào bím túc con, con vốc nó vào lòng tay, thấy nó sáng nhấp nháy. Thế là con nảy ra việc này để giúp thằng Hữu đấy bầm ạ!
- Trời phật ơi! - bà Dậu lại tròn mắt nhìn con, trong lòng bà lại hiện ra những hình ảnh về bố thằng Hữu. Bà cho là trời phật se tơ kết mối ở kiếp này đây. Giọng bà nghèn nghẹn:
- Thôi, con vào học bài cho thuộc mà còn đi ngủ!
Cái Dần thích thú, nó không biết được những điều sâu thẳm trong lòng bầm nó, nó chỉ thấy như vậy là bầm nó đã đồng tình với những việc nó sẽ làm để giúp đỡ thằng hữu. Nó cười tít mắt rồi lặng lẽ vào bàn khêu to ngọn đèn ngồi học bài.
***
Khi con chim Com Cõi từ trên đỉnh núi Châm rớt lại những tiếng kêu dài qua đêm “khom khom, khắc khắc"... cái Dần đã thức dậy. Nó lúi húi ra chỗ chĩnh nước ở chái bếp múc nước giếng đổ đầy vào cái chum rồi lấy chổi quyết dọn sạch nhà cửa. Xong việc nó rửa mặt mũi chân tay, vục đầy bát cơm nguội ăn miếng nhá, miếng nhuốt rồi cắp sách đi học. Nó vừa ra khỏi cổng thì gặp thằng Hữu lếch thếch một tay cầm cái câu, một tay xách xâu ếch từ lùm cây duối dọc bờ ao Chuôm đi về, cái xâu ếch dài lê thê, những con ếch béo múp bị buộc ngang bụng chồng lên nhau thỉnh thoảng lại co cẳng đạp, giãy đành đạch làm cái dây cứ thuồi ra chạm vào đầu gối thằng Hữu. Thằng Hữu cúi xuống thít chặt mối dây lại. Nó ngẩng mặt lên thì thấy cái Dần đang cắp sách từ trong ngõ đi ra. Thằng Hữu vội đứng khựng lại, nó định ngoảnh mặt đi thì giọng cái Dần hồn nhiên:
- Eo ơi! Câu được nhiều ếch nhề! Thế này lão Bành lại say khướt cả ngày cho mà xem. Lão ấy say thì mày lại khổ. Hay là giấu bớt đi để nhờ bầm tao mang ra chợ Phan Lương bán giúp lấy tiền mua bút mực mà đi học.
Thằng Hữu tròn mắt nhìn. Giọng cái Dần vẫn hồn nhiên.
- Mày nghe tao đi.
Thằng Hữu chả nói năng gì, nó lắc đầu rồi lại cui cúi đi. Cái Dần gọi với theo:
- Chiều nay thả trâu ở đồng Mẫm nhá! Nghe rõ chửa?
Thằng Hữu không nói gì chỉ ngoái cổ nhìn, giọng cái Dần như gào lên:
- Nhớ nhá!...
Đám cái Dung, cái Tráng, Cái Thường, thằng Tùng, thằng Phú cũng nhồ ra khỏi ngõ, chúng nối hàng tung tăng đi đến lớp học vừa đi chúng vừa hát “Đây một mùa xuân, trăm hoa hé tưng bừng"... Cái Dần bảo: “Chúng mình hát bé thôi kẻo thằng Hữu nó tủi thân" Nghe cái Dần nói, thằng Tùng ngẩn người:
- Ừ nhỉ! Bây giờ tao mới nhớ thằng Hữu phải bỏ học. Khổ thân nó quá! Lão Bành này ác thật. Để rồi bọn tao lừa đánh thòng cho lão ấy vấp ngã què cẳng đi, khỏi đuổi đánh thằng Hữu được.
- Chúng mày đừng dại, cách ấy mà lộ ra thì thầy giáo đuổi học cả lũ. Tao đã có cách để cho lão ấy không dám đánh đòn thằng Hữu, mà thằng Hữu vẫn học được bài như tụi mình.
- Thế mày bày ra cho tụi tao nghe xem nào.
- Bí mật.
Cái Dần cười toét miệng. Đám thằng Tùng ngơ ngác nhưng chúng cũng không hỏi gì thêm nữa, lại nối hàng vừa đi vừa hát " Đây một mùa xuân... " Mặt trời cũng bắt đầu hiện lên lấp ló sau ngọn núi Châm tỏa xuống cánh đồng Cây Mơ những vệt nắng óng ánh, tiếng kẻng của hợp tác xó từ nhà ông Bếp Thìn cũng bắt đầu dóng lên vọng tràn làng xã.
Buổi trưa về, khi mặt trời lệch bóng khỏi đỉnh đầu, nắng đổ xuống mặt dòng sông Lô đỏ nhừ. Từ các ngõ, đám trẻ bắt đầu phi lên lưng trâu dong về đồng Mẫm. Cái Dần cắp nón dắt trâu ra cổng nhưng nó không cưỡi trâu mà dòng dây chạc cho con trâu đi trước, nó theo sau. Vừa đến đầu cống Thông thì thằng Hữu cũng cưỡi trâu nhồ ra, nó đeo cái áo đã rách tướp ở bờ vai, đầu đội cái nón chỉ còn có nửa vành. Nhìn Thấy cái Dần mặt nó thừ thẫn, hình như nó muốn nói điều gì nhưng cổ cứ nghẹn lai. Thấy nó thừ thẫn, cái Dần ân cần hỏi;
- Trưa nay ăn cái gì vào bụng? Có giấu bớt được con ếch nào không? Hay lão Bành cho vào cút hết rồi? Đói bụng hay sao mà nom mày rờ rệt như ma ngày ấy?
Thằng Hữu vẫn im lặng đưa mắt thừ thẫn nhìn cái Dần rồi bật nhẹ cái chạc vào cổ con trâu. Con trâu té lên bám vào đội hình của cánh thằng Tùng, thằng Phú cùng tiến về phía đồng Mẫm. Cái Dần lủi thủi dắt trâu theo sau. Đến cổng nhà ông Bếp Thìn chúng họ trâu dừng lại ngoã trạc trâu vào cổ, vào sừng rồi lùa ra đồng Mẫm. Việc xong từng tốp chúng rủ nhau tản vào các bụi cây chơi ô, chơi quay. Thấy thằng Hữu cứ đứng tần ngần cạnh đám thằng Tùng, thằng Phú đang cuốn dõy ra quay quay. Cái Dần vẫy tay rồi chui vào tán cây vải nhà ông Bếp Thìn. Thằng Hữu lẳng lặng đi theo. Hai đứa cùng ngồi tựa lưng vào gốc vải nhìn ra đồng Mẫm. Nắng trưa hè chói chang làm cho lưng những con trâu ánh lên nhóng nhánh. Những con sáo đen từ đâu sà xuống. Chúng xòe đuôi, xòe cánh rồi ríu rít rỉa lông, vuốt cánh cho nhau. Lại có một con sáo mỏ ngà tự nhiên rẽ đàn xòe cánh nhảy lên chỗ cái sừng con trâu đứng một mình. Nhìn con sáo tự nhiên cái Dần bảo:
- Hữu ơi! Nom mày giống con sáo đang đậu một mình kia thế. Sao mày không đánh quay với đám thằng Tùng mà vào đây? Hay là mày muốn chơi buôn, chơi chắt với bọn tao?
Thằng Hữu đảo mắt nhìn cái Dần sùy một tiếng:
- Tao không có quay, mà mày vẫy tay ra hiệu cho tao lại đây là gì?
Cái Dần cười hỏi lại:
- Thế quay của mày đâu?
- Lão Bành lấy đổi cho thằng Dụ nhà ông Cầu để lấy cút rượu mất rồi. - Thằng Hữu thở dài ngẩn ngơ.
Cái Dần gắt giọng bảo:
- Cái lão Bành này thật quá thể. Tao phải bày với bọn thằng Tùng cách gì để trị bớt cái thói độc ác của lão ta mới được.
- Chả có cách gì đâu, chúng mày cứ kệ lão ấy, tao sẽ đẽo được con quay khác, chúng mày giở cách gì mà lão ta biết thì cái mông của tao lại hằn đầy lươn trạch đấy!
Thằng Hữu im lặng. Cái Dần bặm môi và như sực nhớ ra trong túi đang còn mấy củ khoai nướng. Cái Dần lôi ra dúi vào tay thằng Hữu. Thằng Hữu vồ lấy cho vào mồm nhai cả vỏ rất ngon lành. Nhìn thằng Hữu ăn, nước mắt cái Dần muốn ứa ra. Nó vò tay lên đầu rồi ân cần bảo:
- Hữu ơi! Tao có cách này bày cho mày bớt bị đòn roi của lão Bành mà vẫn học được bài cùng bọn tao nhé!
- Mày đâu phải bà chúa. Chị Sơn tao còn phải bấm bụng chịu, mày bày cách gì hơn?
- Mày không tin à, tao còn hơn bà chúa chứ chả bỡn. Thế này nhá: Lão Bành có một chỗ yếu, lão ta rất sợ công an, mà công an chỗ mình có bà Tứ đấy rồi. Tao với mày sẽ cùng nhau lân la ra chỗ bè vó tôm, chiều đến giúp bà ấy lùa đàn vịt về chuồng, bà ấy sẽ quý mến, mà khi đã được bà ấy quý mến lão Bành giở trò độc ác, mình tâu, bà ấy sẽ can thiệp. Còn việc đi học, tao có cách rồi. Tao sẽ thưa với thầy giáo Thuyên cho mày học ngoài giờ. Ban ngày mày cứ việc đi bắt cua mò ốc, chăn trâu. Tối về học bài. Tao sẽ chép bài thật cẩn thận cho mày học, chỗ nào cả hai đứa cùng không biết được thì cứ đánh dấu vào đấy, tao hỏi lại thầy Thuyên. Thầy quý mày học giỏi lại thông cảm hoàn cảnh của mày, tao tin thầy sẽ còn có thêm nhiều cách để giúp đỡ mày nữa đấy.
- Nhưng học vào ban đêm nhà tao làm gì có đèn dầu?
- Việc này dễ ợt.
Cái Dần quả quyết và ngồi sát lại gần chỗ thằng Hữu:
- Tao bày cho mày nhá. Ngay từ tối nay, mày ra đồng Cây Mơ, nhất là ở chỗ bãi tha ma gò Hốn, ở đấy có nhiều con đom đóm to mà dân làng mình cứ bảo là ma trơi ấy, mày bắt về thả vào cái chai thủy tinh, cái chai tao đã kiếm được rồi. Mày sẽ có cái đèn thật tuyệt vời mà chả sợ gì lão Bành nhòm ngó đến vì có ai mua đom đóm đâu. Còn bài vở tao sẽ đưa cho mày... Chịu không?
Cái Dần hỏi. Thằng Hữu ngẩn người, nó tròn mắt nhìn cái Dần rồi gật đầu. Cái Dần vui sướng cuời toe toét rồi lên giọng như người chị:
- Chịu thì mày cứ ngồi đấy cho mát, thỉnh thoảng đảo mắt nom đàn trâu kẻo nó đằm vào ruộng mạ của hợp tác thì toi. Tao đi đánh buôn với bọn cái Tráng đây.
Vừa nói cái Dần vừa đứng đậy ngoay ngoảy đi. Thằng Hữu nhìn theo, trong đầu nó cứ nhập nhòe những suy nghĩ kỳ lạ trong những việc mà cái Dần vừa nói ra. Lòng nó bâng khuâng và tự nhiên nó lại nhớ bố bầm, nhớ chị Sơn da diết!.. Nó tần ngần đứng dậy vớ cái nón chỉ còn nửa vành đội lên đầu lặng lẽ đi ra đồng Mẫm thọc hang bắt cua, mò ốc. Cái công việc thường xuyên nó vẫn làm để phục vụ lão Bành.