Số lần đọc/download: 2773 / 43
Cập nhật: 2015-09-11 11:52:55 +0700
Chương 1: Lê Phong Bị Hăm Dọa
P
hong đọc một bức thơ lạ lùng:
Kính gửi ông Lê Phong,
Mấy hàng chữ này đánh máy lúc mười giờ hai mươi sáng hôm nay, thứ ba 13 tháng 12; đến bàn giấy nhà ông một cách bí mật lúc mười một giờ mười lăm, và đợi ông đến bây giờ - vào khoảng một giờ trưa - là lúc ông cầm lên đọc.
Nói thế để ông hiểu rằng chúng tôi làm việc có trật tự, có phương pháp, và biết những giờ giấc, cũng như công việc của ông. Ông không biết chúng tôi, nhưng chúng tôi biết ông rõ lắm. Những con mắt trong bóng tối trông rõ người đi ngoài sáng; chúng tôi có thể làm gì ông lúc nào, ở đâu cũng được; mà ông thì không bao giờ trông thấy chúng tôi.
Hai sức mạnh: của ông và của chúng tôi, chênh lệch như thế, ông nên liệu trước mà đề phòng. Đề phòng rất giản dị: ông chỉ có việc thôi đừng khiêu khích chúng tôi nữa. Trừ một mạng người đi, lại là mạng một người phóng viên có tài, đó là một điều đáng tiếc. Nhưng nếu công việc của chúng tôi ông còn cứ để ý tìm tòi mãi thì chúng tôi xin nói trước; ông sẽ không thoát được đâu.
Người thông minh như ông hẳn biết cân nhắc những lời này. Chúng tôi đã nói là chúng tôi giữ lời hứa. Muốn cho ông biết chắc chắn lực lượng của chúng tôi, chúng tôi xin có một chứng cớ hiển nhiên để ông suy nghĩ: từ một giờ rưỡi đến một giờ 45 trưa hôm nay, một vụ án mạng sẽ xảy ra ở xế cửa nhà ông, xảy ra trước mắt mọi người, nhưng ngoài ông ra, không ai biết là một án mạng.
Vụ án mạng ấy để cho ông thấy chúng tôi làm đúng như lời nói và cũng để cho chúng tôi làm đúng như lời nói và cũng để cho chúng tôi thử ý ông. Nhưng chúng tôi xin nhắc lại lời khuyên: ông nên biết sức chúng tôi và đừng tìm cách điều tra để vướng bước chúng tôi. Chúng tôi yêu cầu ông nên quý tính mệnh của ông và giữ sự im lặng.
Chúc ông mạnh giỏi.
Kính bút: Tam Sơn.
Chưa có bức thư đe doạ nào lễ phép một cách ghê gớm hơn.
Không một tiếng sỗ sàng, không một lời vu vơ. Những câu báo trước bình tĩnh, ngọt ngào và đanh sắt.
Phong quay lại gọi:
- Biên!
Biên dạ. Phong hỏi:
- Bức thư này ai đưa đến?
Biên nhìn rồi lắc đầu:
- Không ai đưa.
- Không ai đưa? tự nhiên ở trên bàn này sao?
- Vâng, tự nhiên.
Câu trả lời dị kỳ ấy kiến Phong nhìn Biên một cách khác lạ.
- Tự nhiên? hừ... tự nhiên ở trên bàn này!.. mày thấy ở đấy lúc nào?
- Từ lúc con ở ngoài về, vào khoảng mười một rưỡi.
- Không có gì lạ?
- Không. Cửa vẫn khoá kín. Cửa sổ đóng lúc về con mới mở cái cửa song.
- Từ sáng mày vẫn ở nhà?
- Vâng, con dọn dẹp cẩn thận và sắp đặt xong những việc cậu dặn, mười một giờ mới đi ăn cơm. (Biên chịu ảnh hưởng của Phong, bao giờ cũng nhớ rõ thời khắc). Nhưng sau đó hai mươi phút con lại về ngay.
Phong se sẽ thổi sáo mồm, nhưng đôi mày anh nhíu lại. Bức thư trên bàn giấy giắt những chạc lên mặt tấm giấy thẩm kê tay, niêm trong phong bì vàng và trước khi cầm lên đọc anh không ngờ một sự gì lạ hết.
Đưa mắt nhìn khắp phòng một lượt, Phong chú ý đến cái khoá cửa lớn rồi cố tìm những dấu vết lạ từ đó trở vào. Chưa thấy gì khác, Phong nghĩ rằng lúc nẫy không có đủ thì giờ xem xét cẩn thận.
Biên đứng đó, mắt chăm chú dò ý tứ và đòi Phong nói rõ về bức thư.
Nhưng Phong lặng im, xem đồng hồ: một giờ hai mươi.
Anh đọc lại một câu trong bức thư, nửa muốn cười, nửa băn khoăn. Anh vẫn coi rẻ những thư doạ nạt anh nhận được luôn, song trong bức thư này, anh thấy có nhiều điều nghiêm trọng.
Anh nghĩ đến những bài điều tra trong báo Thời Thế, nói về những phương pháp mới trong trường án mạng, và nhất là mấy bài gần đây, anh nhắc đến một hạng gian phi cao cấp mới nẩy nở ở nước Nam.
Cái tên Tam Sơn ký dưới bức thư anh mới đọc thấy lần đầu nhưng hình như đã là dấu hiệu rõ ràng của bọn người thù nghịch. Những lời anh dự đoán trên báo, những đoạn kết luận chặt chẽ của anh, bây giờ đã thấy thực hiện: bức thư này - anh có thể tin là trang đầu cho một thiên kỳ bí sắp xảy ra...
Phong gấp bức thư lại, thong thả, cẩn thận cho vào phong bì; ngón tay đụng vào mặt chữ vuốt lên mặt giấy, nhẹ nhàng, lặng lẽ, nhưng chính thực đang mê mải như đã chạm tới những vật thiêng liêng...
Phong hiểu rằng những cảm giác ngoa ngoắt ấy đang kích thích mình. Anh thả tâm trí theo sự xúc động của lương năng, và trong mấy phút đồng hồ rất nhanh, anh thấy cuộc đời anh lúc này rất có ý nghĩa...
- Một giờ hai mươi nhăm! Biên! nhớ lấy giờ này nhé. Đã lâu bây giờ ta mới được sống cuộc đời của ta.
Anh bỏ bức thư quý báu và ghê gớm vào túi trong, phía ngực bên trái, như người âu yếm một bức thư tình. Rồi, xua đuổi hết những ưu tư, anh lấy mũ, mở cửa xuống thang, thổi sáo mấy điệu hát vui, trong bầu không khí nhẹ tươi và bước trên đường như người có đầy hạnh phúc.
Phong nghĩ rằng khi bước lên đoạn đầu đài, người anh hùng tử tiết hẳn cũng có những tình cảm kỳ dị như anh. Sự mạo hiểm mới anh dấn thân vào. Anh nhận, mỉm cười và thấy tâm hồn mình khoẻ mạnh.
"Từ một rưỡi đến một giờ 45, sẽ có một vụ án mạng"
Lời trong thư minh bạch lắm.
- Vụ án mạng xảy ra xế cửa nhà ta, trước mắt mọi người và trước mắt ta. Rồi ta phải im đi, không thì một án mạng nữa sẽ xảy ra, mà chính Lê Phong sẽ hoá ra một cái thây chết.
Phong đánh diêm châm thuốc lá hút, cử chỉ lanh lẹ, và bề ngoài tỏ ra vẻ coi bức thư đó huyền hoặc như câu chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh. Nhưng ai biết rõ anh cũng sẽ hiểu rằng người phóng viên này tin bức thư cũng như tin những điều trông thấy. Đồi mắt sáng của anh đem hết tinh lực ra để quan sát, và trong lúc vẩn vơ đi trên đường phố, anh không bỏ sót một tiếng, hay một hình ảnh nào.
Phố Huế, người đi lại tấp nập như thường. Dưới đường, các xe cộ qua lại bình thản trong nắng tươi và trong bụi mờ. Toàn những sự quen mắt và quen tai. Phong hơi ngạc nhiên cho cái quang cảnh hiền lành và thân mật ấy.
Vậy mà sẽ có một vụ án mạng! - một giờ 35 rồi - từ giờ đến 10 phút nữa, sẽ có một vụ án mạng ở đây!
Phong tính nhẩm, mười phút, trong mười phút ngắn ngủi, làm thế nào mà tìm được, mà biết được ai sẽ bị giết để mà ngăn cản hay để tuỳ cơ làm những việc đáng làm. Anh không có thì giờ suy xét lâu, chỉ để cho linh giác mở rộng ra đón lấy những điều mới lạ. Thời khắc qua trong sự hồi hộp tới cực độ. Ba phút, năm phút... cảnh vật trong đường phố không có một ly một tí gì đổi khác. Nhà hai bên đường vẫn yên ổn dưới ánh sáng mặt trời.
Một người đứng mặc cả xe tay. Mấy cô thiếu nữ vừa đi vừa nhìn mấy cửa hàng. Hai người cảnh sát lẳng lẹ trên hai chiếc xe đạp đi song song. Chiếc xe điện từ lối Bờ Hồ vừa đứng lại ở trước Chợ Hôm, Phong lẩn thẩn nhìn bộ lúng túng của mấy người quang gánh vừa bước xuống.
Anh đợi xe điện đi khỏi, sẽ sang bên kia đường. Mấy tiếng chuông, hai tiếng còi, xe tiến lên.
Phong đang mải nhìn đi, bỗng nhiên nghe có những tiếng kêu thất thanh của tất cả mọi người, và - việc xảy ra đột ngột lạ lùng - về phía bên kia, dưới bánh xe vừa ngừng, anh thấy một người đàn ông quần áo nâu nằm chết trên đường sắt.
Trống ngực Phong đập rất mạnh.
Anh cố bình tĩnh, không phí thì giờ nhưng không hấp tấp, nhảy ngay lên xe điện và len vào giữa toa. Phong chiếm lấy một chỗ vừa bỏ không; mặc người ta xôn xao dồn cả ra phía ngoài, anh lẳng lặng ngồi, bằng lòng vì không bị ai chút ý tới. Những tiếng gọi tiếng hỏi lẫn lộn trong tiếng ồn ào.
- Nhảy xe! xe đang chạy nhảy xuống - xem nào!
- Sao? có chết không? khốn nạn! vỡ đầu ra mất.
- Đâu đâu? ghê chưa - nhảy hụt phải không?
Những tiếng ấy nhắc đi nhắc lại hoài, Phong đợi cho mấy người xem đã chán mới thò đầu ra ngoài cái cửa sổ bỏ trống nhìn xuống đường. Người bị nạn ở ngay dưới tầm mắt anh. Một người đàn ông, nằm ngửa song đôi với đường sắt, chân hơi chếch ra phía ngoài, đầu rúc vào cái bánh xe đi ngược lại. Máu đẫm gần hết mặt, rỉ từ vết thương toác ra trên đỉnh trán; vết thương vẫn ngậm lấy mé bánh xe. Người bị nạn không động cựa nhưng nhìn kỹ thì chốc chốc lại thấy bụng hơi thoi thóp. Cạnh đó, một người đàn bà xốc xếch đang ngồi nức nở khóc không ra tiếng, mặt xám ngắt, có lẽ vì sợ hơn vì thương.
Phong thở dài rất nhẹn, lẩm bẩm nói:
- Vô lý quá! vô lý thực.
Nhưng trong trí anh vừa nhận ra một điều kinh hoảng. Cái tai nạn có vẻ tình cờ này chính là sự thực hành của một lời hẹn trước! đó là một ý táo bạo; một sự vô lý nữa! nhưng anh vẫn tin.
Phong tức khắc lẻn xuống xe, đến gần cúi xuống xem mặt người đàn ông, lắc đầu rồi gọi người vát man hỏi:
- Báo cảnh sát rồi chứ?
Người kia đáp:
- Vâng.
Ông nào xóat vé?
Một người khác vội vàng tiến lại:
- Tôi.
- Ông đứng ở đâu lúc ấy?
- Ở cuối toa. Thấy tiếng kêu, tôi ngảnh lại thì chỉ kịp nhảy ra giằng cái giây vẹt xuống. Trên kia vát man hãm hết sức cũng không kịp. Người ấy đã đâm đầu vào bánh xe rồi.
Phong hỏi người đàn bà ngồi bên cạnh người bị nạn:
- Bà cùng đi với ông này?
Người đàn bà gật đầu "vâng" trong một tiếng nức nở.
- Bà thấy thế nào? ông ấy làm sao lại nhảy xuống?
Người kia đáp:
- Tôi đang mãi đợi người phát vé đến trả lại tiền còn thừa, thì bác cháu đập vào vai tôi giục xuống. Xe vừa chạy, không nhanh lắm. Tôi còn bối rối thì không biết làm sao bác cháu đã ngã xuống đường.
- Bà là người nhà?
- Vâng, tôi là em...
- Sao ông ấy lại xuống vội vã thế?
Người đàn bà nhìn Phong ra ý lấy làm lạ, hình như không hiểu sao anh chàng này lại hỏi han mình. Lúc ấy Phong cũng ngạc nhiên, anh thấy người đàn bà nhà quê này là một thiếu phụ ăn mặc tuy lôi thôi, nhưng khuôn mặt không phải là không đẹp, anh nhắc lại:
- Sao ông ấy lại xuống vội vã thế?
Thì người kia chỉ thở dài, một lát mới đáp:
- Tôi cũng không hiểu tại sao...
Phong xem đồng hồ; hai giờ kém năm. Anh bảo người lái xe điện lùi xe lại một chút cho bánh xem nhả vết thương ra, nhưng họ nói còn phải đợi ông Cẩm đến. Trong đám người quây quần lại đó. Phong thấy một người thợ ảnh đang loay hoay lắp máy lên cái giá ba chân. Anh chợt nghĩ đến cái máy anh đeo luôn luôn bên mình và lấy ra chụp mấy kiểu rất nhanh, trong lúc người thợ ảnh vẫn còn lúng túng.
Anh hỏi người thiếu phụ để biết tên tuổi người bị nạn - Nguyễn Bồng, 31 tuổi - anh biên lấy, rồi rẽ đám đông bước sang bên kia đường.
Phong vào một cửa hàng lớn nhờ điện thoại gọi về báo Thời Thế. Anh thuật cái nạn xe cho Văn Bình chép và dặn:
- Đề đầu là một tai nạn bí mật, nghe không! phải, bí mật... có nhiều lẽ kỳ dị lắm, tôi sẽ nói cho anh biết sau... Phải, viết ngay đi, và ngay bây giờ bảo hai anh Luân và Đức đến ngay chợ Hôm... Phải, hai người. Một để tôi đưa phim ảnh về, còn một để dùng vào việc khác... Ghê gớm lắm, bí mật hết sức nữa... Án mạng, phải, án mạng đây chứ không phải là một tai nạn thường.
Anh trở ra chỗ xe điện thì thấy các nhà chuyên trách đã tới. Viên chánh cẩm, trong bộ thường phục, đang hỏi và biên vào một cuốn sổ dài, trông thấy anh, người Phát gật đầu chào rồi nói bông:
- Tai nạn ở đâu là có ông Lê Phong ở đó
Phong đáp:
- Có khí lại đến trước tai nạn nữa kia!
Ông cẩm hỏi xong chưa?
Viên cẩm nói đùa:
- Sắp xong. Thế nào? trong cái tai nạn này, ông Lê Phong lại tìm ra một vụ ám sát nữa chứ?
- Biết đâu đấy? Hay nói cho đúng, tôi đã biết từ trước: đây chính là vụ án mạng thực, chứ không phải tai nạn thường.
Viên cẩm vừa há mồm ra toan phá lên cười; nhưng ông ta chỉ há mồm, tiếng cười ở im trong họng. Nét mặt nghiêm trang của Lê Phong khiến ông ta lấy làm lạ:
- Thế nào? một vụ án mạng? ông không nói riễu tôi chứ?
Phong đạo mạo một cách hết sức thành thực:
- Thưa ông cẩm, tôi không có một ý nhỏ nào đùa cợt trong lúc này. Tôi nghĩ kỹ lắm rồi. Tôi cũng xem xét từ trước để giúp ông... đây chính là một vụ án mạng.
- Tôi không thấy có...
- Vâng một vụ án mạng rất... khôn khéo.
Tôi cũng có thể không thấy như ông được, nếu tôi không có những lời báo trước của kẻ giết người...
Viên chánh cẩm há miệng càng to:
- Ông có những lời báo trước?
- Phải. Một bức thư hẹn trước. Nhưng tôi không kịp ngăn cản...
- Nhưng bức thư đâu?
- Đây.
Phong lấy ở túi ngực ra cái phong bì vàng, cẩn thận rút bức thư đưa cho viên cẩm.
Người Phap giở ra, nhưng đôi mày chau ngay lại:
- Thế này là nghĩa gì? tôi không hiểu...
Phong cũng kinh ngạc hết sức: tờ giấy vừa giở ra là một tờ giấy trắng, và, ở giữa, chỉ có một có dấu hỏi viết bằng bút chì.
Lê Phong cố chấn tĩnh ngay lại. Sự ngạc nhiên chỉ hiện trên mắt anh trong một khoảnh khắc. Đôi mắt sáng lên một cách vui vẻ, và miệng nở một nụ cười rất tự nhiên. Cái vui cười của anh lúc đó không phải dịp chút nào, song đó là cách anh giữ thể diện. Anh không muốn làm trò cười cho viên chánh cẩm, và cho kẻ thù mà anh biết vẫn còn quanh quất đâu đây.
Phải kẻ thù chưa xa, bởi vì đó là những tay quỷ quyệt hết sức.
Cái tai nạn vừa rồi là một cách giết người rất khôn khéo, và cách tráo bức thư trong túi anh là một chứng cớ ngạo mạn và nhãn tiền. Phong phải đối phó với một hạng người có những hành động phi thường, và những phương pháp khoa học.
Viên chánh cẩm đưa trả Phong tờ giấy và hỏi:
- Thế nào, ông Lê Phong?
Phong hỏi lại:
- Thế nào, ông Lê Phong?
Phong hỏi lại:
- Thế nào, ông chánh cẩm?
- Ông vừa bảo ông nhận được những lời báo trước?
- Vâng, tôi vừa bảo thế.
- Ông nhận được một bức thư?
- Vâng, một bức thư...
- Ô hay, thế bức thư đâu? hay bức thư là cái dấu hỏi trên tờ giấy này?
Phong gật đầu:
- Chính thế...
Không để người Pháp hỏi vặn, Phong nói luôn:
- Cái dấu này, theo ước khoản thông thường chỉ là một dấu hỏi, nhưng đối với tôi, đó là cả một tràng lời bí mật và rõ ràng... Cái chỗ nằm của nét chì trên trang giấy, cái đường cong của mấy vòng soáy ốc, và cái chấm quan trọng cách đuôi dấu hỏi hai phân tay bằng ấy điều tầm thường là bằng ấy điều ý nghĩa. Những ý nghĩa ấy tôi đọc được hết, và đây, xin phân giải ông nghe.
Phong liền đem những lý luận hết sức rắc rối ra nói một thôi một hồi, lời nói đạo mạo và cặn kẽ như cố làm cho viên cẩm hiểu rõ, kỳ thực Phong muốn viên cẩm chẳng hiểu gì hết. Anh chỉ cốt lợi dụng cái thì giờ ấy để quan sát mọi người.
Đó là một mưu kế đắc dụng cho anh nhiều lần. Trong lúc anh có vẻ chăm chú với những ý tưởng anh giải bầy thì mắt anh vẫn nhận xét những nét mặt, những cử chỉ ở quanh mình: đôi mắt ấy không để cho một điều gì khác thường lọt khỏi.
Anh diễn thuyết như thế đến ba, bốn phút rồi kết luận:
- Rành mạch lắm có phải không thưa ông?
Viên cẩm hạ đôi lông mày xuống cho gần hết cặp mắt sâu, ba nét răn tư lực vẽ rõ ở trên cái trán gồ, và miệng mỉm lại một cách nghiêm trọng. Nhưng ông ta thành thực nhận rằng những lời rành mạch của Lê Phong vẫn còn nhiều chỗ tối tăm.
Ông ta thong thả lắc đầu:
- Hừm! tôi vẫn chưa thấy rõ.
Phong làm bộ ái ngại:
- Thế thì đáng phàn nán thực. Vậy mà có gì dàn, bức thư nói rằng người bị chết xe điện lúc này chính là người bị ám sát... Nhưng thôi, để lúc khác tôi sẽ cắt nghĩa lại, bây giờ xin tạm biệt ông cẩm...
Nói đoạn, Phong bắt tay người Pháp, bước lại cúi nhìn cái thây chết và nói nhỏ vào tai người thiếu phụ vẫn ngồi ở một bên:
- Tôi biết cả rồi, và xin tìm cách tố cáo hung thủ giúp bà. Tôi là Lê Phong, ở báo Thời Thế.
Phong hóm hỉnh ngả mũ chào viên cẩm lần nữa rồi vừa nhỏen miệng cười vừa len lách qua đám người xúm xít gần đó để đi về phía bờ Hồ.
Người thiếu phụ trừng trừng mắt nhìn theo anh. Viên cẩm cũng nhìn theo, se sẽ nhún vai, và tin rằng vừa bị Lê Phong chế riễu.
Đi được hơn một chục thuớc, Phong mới thu nụ cười lại.
Khắp người anh rợn lên như gặp lạnh, khi nghĩ đến một hình ảnh thoáng thấy, nhưng không đời nào quên. Đó là một bộ mặt lạnh lùng, và một đôi mắt lạnh lùng anh bắt chợt được trong đám người vây quanh mình lúc anh nói chuyện với viên thẩm.
Phong lại nghĩ đến cái bàn tay bí mật đã tráo đổi bức thư trên ngực anh. Cái bàn tay quỷ quyệt ấy biết đâu lại không có ngày cầm một thứ khí giới nhỏ nhắn nào để giết anh một cách dễ dàng mau lẹ?
Lần thứ nhất Phong thấy lòng lo ngại, nhưng anh vội khóat tay lên gió và tìm được rất nhiều câu ngộ nghĩnh để tự mắng mình.
Bỗng anh trông lên, gọi:
- Luân!
Một chiếc xe hơi tiến lại từ phía bờ hồ, Phong ra hiệu cho đứng lại. Người tên là Luân vừa thò đầu ra ngoài thì Phong ấn vào trong xe và cười:
- Anh cần phải cho người ta nhận mặt đến thế hay sao?
Rồi Phong bước lên, bảo người vặn lái:
- Đức, quay trở về.
- Về à?
- Ừ.
- Thế còn...
- Còn gì? tôi bảo về thì hãy cứ quay về đã.
Chiếc xe nhỏ và nhẹ liền quay trở lại. Bấy giờ Phong mới bảo:
- Việc nghiêm trọng lắm. Ta phải họat động ngay. Cho xe chạy nhanh nhanh, rẽ sang Hàng Kèn, rồi rẽ ào Gia Long...
Phong lấy thuốc lá hút đợi cho xe qua những đường anh vừa nói. Đến giữa phố Gia Long, anh bảo ngừng.
- Tôi xuống đây. Còn hai anh thì nghe tôi dặn: anh Đức đến ngay nhà cô Mai Hương, bảo phải lại nhà báo lập tức, đợi tôi ở đó. Đưa cuốn phim ảnh này cho nhà in bảo làm bản kẽm mấy kiểu sau cùng in kèm bài tường thuật. Bài thì lát nữa có. Anh Luân thì thuê xe đến chợ Hôm. Họ làm biên bản còn lâu mới xong mà có lẽ hung thủ vẫn còn ở đó.
- Hung thủ?
- Phải, hung thủ. Nó quỷ quyệt lắm. Nhưng không hề gì. Đến chợ Hôm, anh làm như người qua đó đứng lại xem, nhưng đừng để cho ai chú ý đến mình một cách đặc biệt. Để mặt người bị nạn đó, anh chỉ có việc xem xét cử chỉ của hai người, nghe không?
- Nghe.
- Người thứ nhất là một người đàn bà, mặc áo nâu quần thâm, trẻ, xinh và nhận là em người bị nạn.
- Nhưng không phải là em?
- Chưa biết. Còn người thứ hai là một người đàn ông, ba mươi trở lại, mặc âu phục màu tím xẫm mũ phớt, ca-vát xanh vệt đỏ, có vẻ lịch sự học thức, mặt nhỏ và hơi có sẹo ở phía mang tai. Nhớ thế.
- Nhớ.
- Anh chú ý đến hai người đó nhưng người đàn bà là người phải để mắt cẩn thận hơn.
- Người đàn bà là tòng phạm?
- Không.
- Ồ thế sao?
- Người này cần phải che chở. Làm xong biên bản, họ sẽ đưa người chết đi chỗ khác, hoặc vào nhà thương... Người đàn bà chắc sẽ đi theo, đi đến đâu anh cũng không được bỏ. Hơi thấy cái gì khác cũng phải coi chừng. Người mặc âu phục có thể hại cô ta trong lúc anh sơ ý đấy.
- Nhưng tôi làm thế nào mà...
- Làm thế nào mặc anh. Điều cốt yếu alf phải bảo vệ người đàn bàn cho cẩn thận.
- Sao không bảo cho người ta biết... mà sao không báo cảnh sát?
- Vô ích. Hung thủ không phải hạn thường, thôi đi.
Phong nhẩy xuống xe, bắt tay hai người rồi đi đến một nhà ở đầu phố.
Anh vào sở cẩm hàn Trống, không đả động gì đến tai nạn, chỉ nhờ điện thoại gọi về Thời Thế cho Văn Bình.
- Allo! Văn Bình! Lê Phong đây! gọi người tốc ký lên nghe với anh. Tôi đọc bài tường thuật... phải rồi, về vụ án mạng chợ Hôm... Phải. Đây tôi chỉ đọc vắn tắt, lấy đại ý, anh theo đó viết thành bài. Đề đầu như tôi đã dặn: Vụ án mạng trên đường xe điện chợ Hôm.
- Nào! bắt đầu viết đi...
- Trước đây không bao lâu, bản báo nói đến một bọn hung đồ mới nẩy nở. Đến nay bọn ấy ra mặt và bắt đầu đem những phương pháp táo bạo hoạt động ở Hà thành. Lời tố cáo của chúng tôi không làm cho kẻ thù của dân chúng thoái lui: trái lại bọn chúng đương dự bị làm những việc ác hại.
- Thấy bản báo từ xưa tới nay đã cản trở bao nhiêu hành động gian hiểm bí mật, và thường thường đã cản trở một cách có hiệu lực, chúng vừa rồi đã gửi thư đe doạ bản báo phóng viên và báo trước những tội ác của chúng. Tội ác ấy chính là vụ ám sát rất nhanh chóng, rất khôn khéo vừa xảy ra hôm nay hồi một giờ trưa, ở trước cửa chợ Hôm, và trước mắt mọi người.
Phong thuật rành mạch lại các trường hợp vừa qua, rồi tiếp:
- Đối với mọi người, đó chỉ là một tai nạn. Cái khôn khéo của kẻ gian ác là ở đó, và pháp luật - vốn lười biếng và chậm chạp ở xứ này - sẽ không có chứng cớ gì để buộc tội. Nhưng đối với chúng tôi, tội ác của chúng đã rõ. Mặc dầu sức mạnh tối tăm của một bọn giết người có tổ chức, bản báo phóng viên ngay từ bây giờ sẽ hết sức điều tra, sẽ dẫn đường cho các nhà chuyên trách tìm thấy sào huyệt của chúng và tiêu trừ ngay từ gốc cái hại lớn cho mọi người lương thiện...
Phong dặn thêm:
- Anh tìm cho tôi những bài nói về Lương Hữu ngày xưa và nhất là những vụ chính trị giả hiệu. Ngăn B và ngăn H ở tủ án mạng có rất nhiều thẻ đáng chú ý và tìm trong cặp tài liệu, anh sắp sẵn cho tôi các mẫu chữ ở những bức thư đe doạ từ trước đến giờ.
- Mai Hương đến thì bảo cô ấy sắp những thức cải trang vào một vali, rồi trong khi chờ đợi tôi thì tìm hết cách để biết lai lịch Nguyễn Bồng, người bị nạn. Xuân và Thiện ngồi ở luôn toà soạn đề phòng lúc tôi gọi giây nói mà anh không có đấy. Đan và Túc sửa soạn xe đạp để khi nào cần thì đi theo tôi ngay.
Lúc Phong ở sở cẩm bước ra thì anh thấy mình khoan khoái nhẹ nhàng như cất được một gánh nặng đèn nén trong lòng. Vậy mà chính lúc này mới là lúc anh bắt đầu phải lo lắng nhất. Trong việc bí mật anh chưa thấy một manh mối nào rõ rệt. Cái việc vừa qua, cũng như việc sắp tới, vẫn còn mập mờ hỗn độn, khiến cho anh chưa biết nên bắt đầu xử trí thế nào.
Phong đang lúc ở giữa những ngả đường tối tăm. Nhưng không hề gì, theo như lối của anh, Phong vẫn thấy tâm trí sáng suốt, vững vàng để làm việc đắc lực.
Anh bước thong thả như người đi chơi nhàn hạ, mặt ngửng lên nhìn những vòm lá xanh trên đường phố và nghĩ đến những chuyện vẩn vơ. Hình như Phong biết rằng lúc đó suy đoán chưa phải lúc. Mấy trường hợp trong vụ án mạng vừa thấy chỉ đủ cho một phần lập luận đầu tiên. Anh phải đợi biết thêm nhiều điều để căn cứ cho những việc anh sẽ phải thi hành hoặc các mưu cơ sẽ phải định đoạt.
Phong xem đồng hồ tay: hai giờ rưỡi. Anh chắc lúc đó việc điều tra ở phố chợ Hôm đã xong.
Anh gọi xe đi đến trước trại lính khố xanh thì xuống đi bộ.
Nhìn qua cũng biết anh đóan đúng. Phong liền rảo bước lên. Chiếc xe điện lúc nẫy chạy đã lâu. Phố Huế lại giữ vẻ tấp nập thản nhiên thường ngày và trên chỗ tai nạn xảy ra chỉ còn một vết máu rửa chưa sạch hẳn.
Phong đứng lại một chỗ khuất đưa mắt xem xét lại một lượt! không có gì khả nghi. Người phóng viên phụ mà anh phái đến đây chừng đã theo người đàn bà đúng như lời anh dặn. Anh thấy trong tâm trí cùng một lúc mà có những cảm tưởng trái hẳn nhau. Cảm tưởng đầu tiên là một sự giản dị, hiền lành của hết mọi sự mọi vật có liên lạc đến cái việc anh gọi là án mạng; một người bị giết bởi một bọn người khôn khéo đến nỗi không ai tin là bị giết, trừ có anh... thế rồi người ta đến khám xét, người ta khiêng cái thây vào nhà xác, người ta không quan tâm đến nữa, đời vẫn hoạt động như thường. Nhưng chính cái cảm tưởng này gây nên một mối kinh khiếp trong lòng người phóng viên. Phong thấy chưa bao giờ sự bí mật ác hại lại có một bề ngoài bình thường được đến thế. Những mưu hiểm độc chưa bao giờ thi hành được hoàn hảo và dễ dàng đến thế. Sự quan sát thực có một bộ mặt giả đáng gờm.
Chìm đắm trong những ý nghĩa lạ thường này, Phong lững thững bước về nhà qua cổng ngoài, mở then cổng trong theo một cách riêng của anh, lên thang và vào căn phòng gác một cách dửng dưng đều hoà như một người này.
Anh kéo ghế ngồi xuống bàn viết, toan gọi tên đầy tớ bỗng nhận thấy trên ngăn sách một tờ giấy gấp đôi.
Kính gửi ông Lê Phong,
Anh rùng mình lên, hàng chữ viết bằng thứ mực để trên bàn giấy của anh, bằng chính cái quản bút của anh và mực ở ngòi vẫn chưa ráo.
Anh vội mở ra đọc, bức thư có những hàng sau này:
Thưa ông Lê Phong
Nguyễn Bồng trốn tránh chúng tôi đã lâu, nhưng khi chúng tôi đã định tìm thì trốn thế nào thoát. Hắn phải chết và đã chết rồi. Một cái chết hoàn toàn tốt đẹp, tại sao hắn bị giết? ông không cần, và không nên tìm tòi tốn công. Chúng tôi thực không muốn sự tò mò làm ông cũng bị hại.
Chúng tôi lại được cái hân hạnh báo trước cho ông biết một việc nữa.
Chiều hôm nay, 13 tháng chạp, đúng 4 giờ 30, người đàn bà đi với Nguyễn Bồng sẽ mất tích. Và nhiều người nữa sẽ mất tích, ngày nào, giờ nào sẽ xin cho ông biết sau.
Xin chúc ông biết giữ sự im lặng.
Kính thư
Tam Sơn
Phong cắn lấy môi đọc hàng cuối cùng, anh lắc đầu lẩm bẩm:
- Ồ! có lẽ nào! có lẽ nào...
Và sự căm tức làm anh nghĩ đến muôn nghìn ý hằn học. Anh toan cất tiếng gọi thằng Biên thì vô tình giở trang giấy. Một hàng chữ nữa như vừa dịp mách bảo:
- Biên của ông bị trói ở trong phòng.
Anh vừa chực vào xem, bỗng kinh dị đứng yên. Mấy tiếng cười lạnh lẽo đưa ra cùng với tiếng bước chân: một người thong thả đi ra, ngả đầu chào anh và đến ngồi trên một chiếc ghế.
Đó là một người đàn ông trạc ba mươi tuổi trở lại, mặc âu phục tím xẫm hàng sang, cắt rất khéo, đầu mượt bóng, mặt trắng trẻo đều đặn, miệng mỉm một nụ cười mỏng ngạo nghễ hơn là nhã nhặn; mắt nhỏ dưới đôi mày thưa và mảnh, theo ở đuôi mắt phía trái, một vết sẹo nằm ngang.
Thoạt nhìn người lạ mặt có một vẻ thanh lịch quí phái, một dáng điệu nhã nhặn của hạng đàn ông học thức và phong lưu. Khổ người vừa phải, đều đặn và hơi cao, ăn mặc theo thời trang một cách ý nhị. Dưới cổ áo sơ mi trắng tinh và là cứng, chiếc cavat đắt tiền thắt rất gọn, ăn mầu với chiếc khăn nhỏ gài ở trên túi. Từng ấy thứ tỏ ra chủ của chúng là tay sành sỏi về khao thẩm mỹ, đó là người để ý và trong sự chải chuốt không biểu lộ một ý gì hợm hĩnh.
Người lạ mặt nhìn Lê Phong im lặng, nụ cười trên miệng vẫn giữ cái vui vẻ thân mật như của một người bạn quen. Tuy vậy, Phong thấy trong sự nhã nhặn kia, sau nụ cười tự nhiên và sau quơng mặt lặng lờ, có ẩn một tâm tư nham hiểm.
Phong cũng không cử động, bình tĩnh nhìn lại người khách dị kỳ.
Bốn mắt nhìn nhau một hồi lạnh lẽo. Tiếng đồng hồ trên bàn giấy điểm rất rõ và như đánh nhịp một cách rất ý tứ giây phút lạ thường.
Sau cùng, Phong hơi rợn người lên; người lạ mặt vừa nói câu thứ nhất?
- Kính chào ông Lê Phong.
Đôi mày của người ấy chỉ hơi nâng cao và mấy nét răn hiện trên cái trán phẳng lặng.
Người ấy nhắc lại:
- Kính chào ông Lê Phong. Tôi rất lấy làm sung sướng được hầu chuyện ông.
Giọng nói ôn tồn, lời nói trôi chảy tỏ ra một người tự tin và lịch thiệp.
Phong cắn chặt hai hàm răng lại, song anh không để kẻ thù trông thấy sự căm tức trong lòng. Anh se sẽ gật đầu, mỉm cười và lễ phép đáp lại:
- Có lẽ trong hai người tôi là người lấy làm sung sướng hơn.
Câu trả lời đến ngay:
- Ông Lê Phong sung sướng hơn hay tôi sung sướng hơn đó là điều không lấy gì làm quan trọng. Nói tóm lại, cả hai ta cùng sung sướng, ông thì tự nhiên gặp người mà ông định đi tìm, còn tôi thì được diện kiến một người có tài mà tôi vẫn kính phục.
Phong nhũn nhặn trả lời:
- Ông quá khen, nhưng cái cảm tình của ông thực làm phấn khởi tôi nhiều lắm. Tôi được thêm can đảm để làm việc bổn phận của tôi.
Phong vừa nói vừa nhìn vào bức thư để trên bàn, nhìn bằng đôi mắt vui vẻ hững hờ không tỏ ra một dấu hiệu gì khác. Người lạ mặt cũng làm như không biết gì về bức thư đó, đôi mắt hắn khi gặp những chữ trên tờ giấy cũng vẫn thản nhiên. Phong càng thấy rõ lực lượng của kẻ thù, càng biết thêm những sự gian hiểm mà người khách lạ kia mang trong lòng; anh thù ghét hơn lên, nhưng cũng thêm phần thán phục. Phong thấy mình hiện đương đầu với một trí óc ác hại ít có. Lần thứ nhất anh phải nghĩ đến cách giữ miếng, phải đo đắn từ lời nói, từng cử chỉ để chiến đấu với một kẻ sát nhân phi thường.
Phong kéo ghế ngồi, chống bàn tay lên má, ngắm người lạ mặt một lát như ta nhìn một người bạn xa nhau lâu ngày, bỗng nhiên anh hỏi:
- Việc Lương Hữu thế là thất bại?
Câu hỏi đột ngột ấy không làm người kia biến sắc. Hắn nhún vai một chút và đủng đỉnh gật đầu:
- Thất bại hoàn toàn. Nhưng đó là lỗi ở Lương Hữu. Hắn tự phụ quá, lại không biết tính theo lời chúng tôi chỉ dẫn, bây giờ thì không còn hy vọng gì.
Phong cười:
- Thực đáng phàn nàn! người như Lương Hữu mà chịu khổ sai đến chung thân thì tội nghiệp thực. Sau vụ án mạng bác sĩ Đoàn, Lương Hữu không bị tử hình, đã hứa trước với tôi thế nào cũng vượt ngục. Dư dảng còn lại một vài người không có tài nên chẳng bao lâu đều bị bắt cả, nhưng cái mầm sâu vẫn còn, tôi cứ tưởng lần này, nhờ có mưu trí của các ông Lương Hữu thế nào cũng về được...
Một tia lửa hằn học thoáng qua trên đôi mắt người ngồi trước mặt Lê Phong. Nhưng chỉ trong khoảnh khắc, người ấy nhếch miệng cười và ngọt nào trả lời:
- Cũng phải thù thực rằng việc thất bại này cũng do ở công lao của ông Lê Phong một vài phần. Nhưng thôi, đó là việc đã qua, tôi tưởng ta nên bàn đến chuyện gần hơn: chuyện hiện tại...
Hắn ngả người trên ghế, lim dim mắt dò xét cử chỉ Phong.
- Ông Lê Phong quả thực là người có tài, và có can đảm.
Phong ngã đầu khiêm tốn:
- Cảm ơn ông.
- Có tài và có can đảm, nhưng không lo xa.
- Đó là nét xấu của tôi, nhưng cũng có thể là tính tốt.
- Nhưng khi cái tính tốt ấy có thể hại đến công việc mình, đến tương lai mình, đến cả tính mệnh con người, thì tôi tưởng cũng không nên giữ...
Phong hiểu rằng câu chuyện đã đến lúc quan trọng, kẻ thù quỉ quyệt của anh đang dự bị khởi thế công. Anh rùng mình lên, nửa vì vui mừng, nửa vì thấy mở ra trước mắt anh bao nhiêu sự kỳ bí ghê gớm.
Anh gật đầu nhè nhẹ, mở hộp thuốc lá mời người kia, tự mình cũng lấy một điếu và khi cả hai cùng ung dung thưởng thức cái thú hút thuốc để bàn chuyện phiếm thì câu chuyện phiếm ấy tiếp theo một giọng quái lạ sau này.
Người lạ mặt nói:
- Nếu tôi không lầm thì ông Lê Phong chưa biết rõ chúng tôi là hạng người thế nào...
Phong:
- Thế thì ông đoán lầm rồi. Tôi biết rõ lắm... những việc ngấm ngầm dự bị trong bóng tối, với cuộc âm mưu cho Lương Hữu vượt ngục, và ngay những cách hành động hiện giờ tôi đều biết là do tay một bọn ba người ở ba nơi khác nhau chỉ huy. Tôi lại biết ba người đó có những thế lực vững chãi để đàn áp và sai khiến những kẻ sống ở ngoài luật pháp: một công cuộc gian ác độc nhất vô nhị, làm theo những phương pháp mới lạ, có kỷ luật, có tổ chức, và có những đường lối bí mật để pháp luật không biết đâu mà tìm...
Người lạ mặt mỉm cười:
- Cám ơn những lời ngợi khen của ông...
Phong cũng vui vẻ ngả đầu:
- Không dám.
- Ông Lê Phong quả có mắt nhận xét.
- Và bởi có mắt nhận xét nên tôi rất vui lòng rằng sẽ làm được những việc hay ho một chút, đã lâu tôi vẫn mong mà không gặp được sự bí mật nào xứng đáng với sức hoạt động nhỏ mọn của tôi.
- Lần này thì ông gặp được sự bí mật quá sức mong mỏi. Vâng, ông Lê Phong nên nhận kỹ lấy, thực là quá sức ông tưởng tượng, và nếu không sợ phiền lòng ông, tôi có thể nói là ở trên tài trí của ông xa. Ông mới biết được rằng ở nươc Nam, mới nẩy nòi ra bọn Tam Sơn, nhưng không biết bọn Tam Sơn ra đời từ hồi nào.. Từ năm, sáu tháng nay? từ một vài năm? không! lâu hơn nhiều. Chúng tôi có từ khi làng báo chưa có ông, nghĩa là mười năm nay rồi...
- Từ mười năm?
- Vâng, không kém một ngày. Mười năm im lặng để dự bị bước đầu, để bàn bạc, để khảo cứu. Muốn tính kế trường cửu bao giờ cũng phải để phần gây dựng cho thời gian. Vậy, trải qua mười năm chiêm nghiệm, nay là lúc chúng tôi ra đời. Chúng tôi đã xét kỹ từng việc đã quan sát từng người, trong nước, những nhân vật nào đáng chú ý sẽ được chúng tôi chú ý đến một cách đặc biệt...
Lê Phong chăm chú hỏi:
- Mà những người được cái hân hạnh đó, có cả tôi đây?
- Có cả ông Lên Phong. Ông Lê Phong là một nhân vật tinh nhanh mà chúng tôi theo đuổi từ lúc khởi đầu cùng một thời kỳ với một tay gian hùng đáng khen là Lương Hữu. Kế hoạch chúng tôi đã dự sẵn: tuyển Lương Hữu vào bọn để sai khiến và tuyển cả Lê Phong.
Người lạ mặt nói luôn không để Phong ngắt lời:
- Nhưng Lương Hữu bị bắt, kết án. Còn Lê Phong - sau chúng tôi điều tra mới rõ - là người sông theo khuôn khổ thường, không hợp với đời hành động của chúng tôi. Về phần Lương Hữu, chúng tôi có cách thông tin cho và mách cho những kế vượt ngục. Nhưng hắn còn non lắm, thất bại ngay trong lúc gặp dịp may. Đối với hắn, chúng tôi không cần chú ý đến nữa. Nay chỉ còn đối phó với Lê Phong.
- Ngừng lại một giây, người lạ mặt lại tiếp, nụ cười vẫn nhã nhặn, giọng nói không đổi khác, nhưng mắt hắn níu lại lần nữa và nhìn Phong một cách dị thường:
- Đối với ông Lê Phong, có hai cách. Cách thứ nhất là báo trước cho Lê Phong biết mà tránh xa bước đường của chúng tôi. Ông Lê Phong không tránh xa. Cái trí minh mẫn của Lê Phong nhìn được rõ thế lực của chúng tôi, nhưng không chịu nhận thấy nhiều sự nguy hại cho mình, nếu ông Lê Phong cứ cố tình làm vướng bận chúng tôi trong các cuọc hành động. Đảng ba người muốn làm việc rất im lặng, muốn cho trong nước không có một dư luận quá ầm ĩ đối với chúng tôi... nghĩa là trừ những người chúng tôi hỏi han đến thì không ai biết chi hết. Ông Lê Phong không chịu bỏ những chủ định dại dột của ông... Vì đo quả là những điều dại dột. Chúng tôi không muốn làm những việc vô ích, nhưng nếu không thể dừng được, chúng tôi bắt buộc sẽ phải làm. Nếu ông Lê Phong là người thông minh, chúng tôi mong ông tỉnh ngộ. Lần này là lần sau hết, ông nên nghe tôi: ông nên im lặng, và bằng lòng làm việc trong phạm vi một nguồi viết báo.
Phong hiểu hết ý nghĩa của những lời lễ phép ấy. Nhưng anh cười xoà. Tuy vẫn giữ thái độ rất nhã nhặn, song không dấu vẻ khinh thường của một người biết mình là có gía trị, anh nói:
- Tôi rất lấy làm tiếc không thể chiều ý ông được. Tôi là nhà báo, vâng chính thế. Một nhà báo làm việc trong phạn vi nhà báo, có lý lắm. Nhưng phạm vi báo của tôi hơi rộng: là ngoài tìm vặt lại chú ý đến những tin lạ mà các ông đem lại cho chúng tôi.
- Một thứ bóng tôi ám trên gương mặt người đối diện với Phong, nhưng hắn bình tĩnh ngay, và đáp:
- Ông không biết điều, ông Lê Phong ạ. Thực ông không biết điều. Ông chớ nên coi thường hành động của chúng tôi, vì ông sẽ hối hận...
Giọng nói của hắn đã bớt lễ phép tuy vẫn ôn tồn:
- Ông làm như người cố ý nhắm mắt lại, không thấy gì, không hiểu gì, và khiến cho sự tử tế của chúng tôi không có ích gì cho ông...
Phong đáp liền:
- Và cũng không có ích gì cho các ông nữa.
Hắn ta mỉm một bên mép lại:
- Có lẽ, bởi có ích cho chúng tôi, chúng tôi mới phải khuyên can ông... Chúng tôi không muốn giết người... một người...
Phong đỡ lời ngay:
- Một người không định giết. Hay nói cho đúng, một người không dám giết, vì người ấy là Lê Phong. Mà Lê Phong nghĩa là một phóng viên cho một tờ báo lớn của nước Nam, và như thế nghĩa là một sự nguy hiểm to cho các ông nếu cái mạng cỏn con của Lê Phong được nhiều người thương tiếc.
- Ông lầm đấy!
- Không, tôi không lầm! nếu có thể trừ được tôi, các ông đã trừ tôi rồi. Bức thư lọt vào đây sáng hôm nay, rồi bức thư lại bị bọn ông lấy mất ở túi áo tôi ngay giữa chỗ đông người... rồi lại đến bức thư thứ hai này, và đến việc ông hiện có mặt ở nhà tôi. Đó là những chứng cớ xác thực.
Người lạ mặt vẫn bình tĩnh:
- Những chứng cớ ấy chứng thực rằng chúng tôi không sợ gì, và muốn làm gì là làm được ngay...
- Vâng, các điều đó cho tôi thấy rằng các ông giỏi vô cùng, nhưng cũng chứng tỏ rằng tuy giỏi thế, tuy muốn vào nhà tôi lúc nào cũng được, nhưng tôi vẫn còn sống. Thế nghĩa là gì? nghĩa là các ông chưa dám động đến tôi...
Một tiếng ghê gớm ngắt hẳn câu nói của Phong:
- Lê Phong!
Người nhã nhặn trước mắt anh đột nhiên thành một người nghiêm nghị. Hắn nhìn Lê Phong không chớp, đôi mắt cay nghiệt, miệng cười gàn lên một tiếng.
- Lê Phong! anh là một đứa trẻ không hiểu ý người lớn. Miệng anh đọc bản án hại anh. Tôi vào đây, không phải vì lòng thương muốn cứu mạng anh nhưng cốt để nghe anh nói. Câu chuyện của tôi không có nghĩa gì khác là để dò xét xem anh hiểu cách hành động của chúng tôi ra sao. Anh tưởng rằng chúng tôi chưa giết anh chỉ vì một cớ trẻ con là sợ làm náo động dư luận... Không! anh tự phụ quá, dư luận náo động hay không, chúng tôi có cần gì? chưa giết anh là vì tưởng anh còn biết được nhiều điều sâu kín hơn về bọn chúng tôi... vì tưởng anh đã dàn xếp sẵn những kế hoạch riêng và đã bắt đầu điều khiển trong bọn phóng viên của anh để làm chúng tôi phải lo ngại... Bây giờ tôi mới hiểu. Anh chưa làm gì hết. Ngoài bài tường thuật mà báo nào cũng có thể có được, anh chưa có chúng tôi... Thế mà anh còn muốn điều tra, muốn hoành hành, muốn khoe tài phóng viên! Chúng tôi không thể để anh sông được nữa...
Phong đáp lại bằng một tiếng cười rất ngộ nghĩnh, và nói như reo lên:
- Hay! hay lắm! công chúng vỗ tay vì diễn giả hùng hồn...
- Anh đừng vội cười, vì anh sẽ phải chịu cùng số phận với tên đầy tớ của anh vừa rồi...
- A, thằng Biên! chỉ có thể thôi? tôi tưởng tôi còn bị giết nữa. Thằng Biên đáng thương của tôi bị trói, theo như lời mách trong giấy này... nhưng theo như tôi thì nó không bị trói nữa...
Lần thứ nhất Phong bắt chợt được vẻ kinh ngạc của người lạ mặt:
- Cái gì? không bị trói?
- Nghĩa là nó đã bị trói, nhưng nó gỡ được rồi.
Câu nói riễu cợt của Phong có một sức huyền bí khiến người lạ mặt đứng phắt dậy. Một tay hắn thọt vào túi áo lấy ra một vật đen nhỏ chĩa về ngực Lê Phong.
Vật ấy là một cái súng lục.
- Lê Phong! giơ tay lên!
Cái giây phút rất quan trọng.
Bao nhiêu sự suy tính, bao nhiêu câu hỏi và câu trả lời, trong khoảnh khắc nguy hiểm ấy đều hiện đến như một làn chớp lóang. Phong không kịp có thì giờ phân giải, nhưng anh hiểu rằng tất cả sự đắc thắng hay thất bại đều do ở lúc này.
Mấy tích tắc đồng hồ, giữa khoảng một hơi thở, mà thần trí anh phải làm một công việc của một phen nghĩ ngợi trầm ngâm, Phong hơn người ở những lúc đó.
Cái miệng súng vẫn chĩa về phía anh, và ngón tay người đàn ông lăm lăm chực bóp cò, hắn nhắc lại:
- Giơ tay lên!
Phong hít vào một hơi dài, nhưng rất nhẹ, và buông xuống hai tiếng hững hờ:
- Vô ích.
Anh bình tĩnh khoanh hai tay trước ngực, nhìn cái súng lục như người ta nhìn một vật hay mắt, miệng hơi mỉm cười.
- Vô ích, ông bảo tôi giơ tay lên? phải giơ tay lên mới được nhận viên đạn anh hùng ở cái súng lục này? phiền phức quá. Giết người mà bắt người bị giết phải làm những lễ nghi ấy kể cũng khá lôi thôi...
Người lạ mặt như choáng người lên vì sự can đảm lạ lùng đó. Hắn biết Lê Phong coi khinh sự nguy hiểm, nhưng có được cái thái độ phi thường trước cái chết rất chắc chắn như thế, thực là một điều hắn không ngờ. Chỉ cần một việc rất nhẹ nhàng, ngón tay hắn chỉ co lại một chút, là đủ cho người phóng viên ngạo mạn kia ngã; nhưng cái việc nhẹ ấy hắn cũng không làm. Ở Lê Phong hình như có một lực riêng khiến hắn ngạc nhiên và chậm tay lại mấy phút.
Phong nói tiếp, giọng vẫn không lạc, mắt vẫn giữ vẻ yên tĩnh, nữa cười cợt mỉa mai:
- Phải thú thực rằng tôi chưa được sống giây phút nào đầy đủ như lúc này... một đọan gay go nhất trong thiên mạo hiểm tiểu thuyết... một người bí mật, mặt cái súng lục, ồ thú quá, chỉ còn thiếu cái mặt nạ che một nửa mặt nữa là y như một truyện trinh thám bên tây.
Người lạ mặt, mắt gườm gườm, bĩu môi nói:
- Không hồn thì anh cứ im mồm đi! câu pha trò của anh không buồn cười...
Phong làm bộ bẽn lẽn.
- Kể ra thì tôi pha trò khi vô duyên, nhưng cũng tại ông bạn của tôi khó tính... vả lại, ta cũng nên nhận rằng.
Hắn sẵng tiếng quát:
- Tốt hơn là anh nên tìm cách thoát chết lúc này. Tôi thử xem anh có liến thoắng được nữa không.
Phong ngạc nhiên:
- Tìm cách thoát chết! ồ! lại phải tìm à? dễ thường phải đợi đến anh xui tôi mới phòng bị? ông bạn của tôi ngây thơ quá!
Rồi Phong cười một cách ngộ nghĩnh làm như câu nói của người lạ đáng tức cười.
- Không! can trường như anh, thông minh như anh mà còn có điều gì hớ! anh nên biết rằng Lê Phong khó lòng chết được, cũng như tôi tớ nhà Lê Phong không bao giờ chịu trói lâu... bởi vì Lê Phong với mọi người thân cận với Lê Phong lúc nào cũng đợi có những kẻ thù hãm hại. Khi người ta đợi thì người ta phòng bị, và khi người ta đã phòng bị thì người ta có một vài cái bí quyết hay hay và nho nhỏ để gỡ được những nút trói chặt chẽ hoặc một vài mưu kế thần hiệu để khiến cho cái súng lục trước mắt không thể nào hại người được...
Từ sự kinh ngạc, người lạ mặt đổi thành sự vui vẻ, và từ vẻ thù hằn nham hiểm trong diện mạo của hắn bỗng trở lại vẻ nhã nhặn, như lúc hắn mới gặp Lê Phong. Hắn tươi cười, bỏ chiếu súng lục vào túi áo trong và ôn tồn nói.
- Thôi, thế là đủ. Ông Lê Phong không cần hùng biện nữa. Tuy ông pha trò không khéo nhưng tôi cũng buồn cười... ông bảo tôi ngây thơ, bây giờ tôi lại bảo ông nông nổi. Mỗi người chúng ta tặng nhau một danh từ xứng đáng trước khi từ biệt nhau. Vâng, tôi xin từ biệt ông, hay nói đúng hơn, tôi xin tạm biệt... không phải là tôi bị ảnh hưởng những điều ông nói vừa rồi, và cũng không được cái hân hạnh bắn chết ông hôm nay, cũng không phải vì sugn của tôi hết đạn, lại càng không phải vì sợ ông có một vài mưu kế thần thánh gì để khiến chúng tôi không nổ, chỉ vì cái chết của ông chưa gặp giờ.
Hắn ngừng lại, đưa mắt nhìn khắp phòng, gật gù mấy cái tỏ ý bằng lòng, rồi tiếp:
- Phòng của ông trang hoàng có mỹ thuật lắm. Tôi đã có thì giờ thưởng thức và có thì giờ xem xét trước những phương pháp đề phòng rất thần tình. Nhưng quả không thấy có ẩn một cái mưu mô dị kỳ để ngăn được tôi giết ông nếu tôi muốn giết không có một cái máy nào cho tên đầy tớ của ông gỡ được trói, không có một cái cửa bí mật nào để cho hắn trốn ra cầu cứu người ngoài. Nghĩa là khi tôi ở đây, tôi có thể chắc chắn rằng tôi không lo ngại gì. Tôi muốn làm gì tuỳ ý tôi, và lúc tôi muốn đi, cũng sẽ dễ dàng như lúc tôi tới... giá ông có tinh hơn chút nữa, ông sẽ nhận thấy tôi cũng biết cách đề phòng. Ở trước cửa nhà ông, có những người đứng nói chuyện bâng quơ, thỉnh thoảng vô tình đưa mắt lên đây không có vẻ chú ý đến ai cũng như không có ai chú ý đến họ. Nhưng nếu ở nhà ông có ý gì khác, nếu bên ngoài có ai toan bước tới hay nếu nghe thấy một hiệu còi của tôi, thì những người lương thiện đó là những người rất lanh lẹ có thể hy sinh tính mệnh để bảo vệ cho tôi. Ấy là một sự phòng xa mà chắc ông cũng nhận là chu đáo.
- Vậy, tôi không lo sợ gì hết, và bởi thế những lời của ông đe doạ, chỉ làm tôi cười thầm. Trước miệng súng lục của tôi, ông quả giữ được một thái độ đáng khen, tôi thực lấy làm ngạc nhiên và sung sướng như được trông thấy một sự đẹp đẽ. Nhưng khi ông nói đến những mưu mà ông tưởng tôi tin và sợ thì quả thực, dẫu mến ông tôi cũng không khỏi có những ý nghĩa rất khôi hài...
Phong không biết trả lời ra sao. Con người xảo trá trước mắt anh có những giọng điệu bất ngờ khiến anh hổ thẹn. Sự gian ác, khi mặt lấy dáng lễ phép bao giờ cũng khiến người ta bất giác phải kính phục và e dè. Gặp con thú dữ trong rừng có lẽ Phong không đến nỗi bối rối như thế.
Từ đó như ở nhà một người bạn thân, không tỏ ra ý giữ gìn, không ngại ngúng và không có vẻ kiểu cách, hắn ung dung cầm một cuốn sách trên bàn giấy giở mấy trang, rồi bỗng quay hỏi Lê Phong:
- Tôi còn phải nói thêm gì nữa nhỉ. Có lẽ còn. Chúng ta bản tính tò mò, ông cũng như tôi, vậy tôi xin cho ông biết nốt những điều cần, vì ít khi ta có dịp gặp nhau lâu như hôm nay.
Hắn xem đồng hồ tay:
- Nhưng tôi chỉ quấy rầy ông mười phút nữa. Đối với ông dù có một câu chế riễu mua vui, tôi vẫn quí trọng lắm và mong rằng chúng tôi cũng giữ được một vài phần tốt trong cảm tình của ông. Vậy tôi xin nói đến cái vấn đề khó nói này. Xin ông đừng ngắt lời tôi vội.
- Ông đã tìm ra manh mối vụ án mạng lúc một giờ hôm nay chưa? hẳn là chưa, hay là chưa đủ. Vụ án mạng đó có hai mục đích: mục đích quan trọng và cốt yếu là hành phạt một người không vâng lệnh chúng tôi. Nguyễn Bồng là một người giàu lớn ở Sơnla và hiện tìm được cái di chúc mà chúng tôi để ý tìm. Hắn cũng từng giao thiệp với chúng tôi, và trước khi được cái di chúc kia - cái di chúc giấu vàng - hắn đã nhiều lần chung lưng với chúng tôi để gây thành một bọn buôn lớn. Buôn gì, ông không cần biết, nhưng sau Bồng manh tâm, muốn lập riêng và toan đem sự bí mật đã thề giữ kín với nhau, báo cho chính phủ biết. Chắc thế nào cũng bị chúng tôi xử tử, hắn hết sức trốn tránh, giả làm người thợ, giả làm phu tầu thuỷ, giả làm đủ mọi thứ người để mong thoát khỏi tay chúng tôi. Chúng tôi theo đến Hà nội, biết trước cái cách hành động của hắn, và khi biết, chúng tôi tìm cách trừ ngay. Trừ rất dễ và rất êm. Đúng với luật riêng của chúng tôi là bao giờ cũng cho biết trước giờ phải chết. Đó là mục đích chính.
- Còn một mục đích nữa có liên lạc với bức thư báo trước gửi cho ông. chúng tôi muốn cho một người chuyên điều tra các việc bí mật, nghĩa là một người sành về việc này, biết tài lực của chúng tôi. Biết để mà coi chừng, để mà sợ và để mà phục nữa. Trong nhà phóng viên rất can đảm, rất khôn ngoan, chúng tôi còn thấy một tay giúp việc rất đắc lực... không, thực thế, ông để tôi nói hết đã... một người có thể cộng tác với chúng tôi, để Tam Sơn mở rộng được phạm vi hoành hành, ông đừng bảo đó là một điều vô lý.
- Bức thư gửi đến đây chỉ là một câu giáo đầu, một thứ hiệu lệnh kín đáo. Chỉ có lúc gặp gỡ này, và những lời sau cùng này ông cần phải để tâm. Ông sẽ đi với chúng tôi. Không những ông sẽ bỏ hết việc điều tra để tố cáo chúng tôi; ông lại sẽ dùng báo Thời Thế để công kích những điều ở các báo ngoài mà chúng tôi gọi là tin nhảm. Nếu cần, chúng tôi sẽ vận động lấy một tờ báo, nhưng đó là việc tương lai. Bây giờ hãy tạm dùng phương sách này, công việc của ông chỉ là việc của người thừa hành, hưởng quyền lợi nhiều mà trách nhiệm ít...
- Phải, tất nhiên ông từ chối và từ chối một cách khẳng khái, nhưng chúng tôi không cần. Đằng nào ông cũng thuộc về chúng tôi. Thuộc về chúng tôi thì thuận hay nghịch cũng không thể làm hại chúng tôi được. Theo chúng tôi thì ông cứ yên tâm và còn thêm nhiều bạn giúp sức. Không thì chỉ có một cách: chúng tôi bắt ông phải im tiếng suốt đời. Từ giờ cho đến lúc báo Thời Thế ra số mới, ông có đủ thì giờ suy nghĩ. Chúng tôi đọc báo sẽ biết ông trả lời chúng tôi ra sao.
Bằng ấy câu, nói hoạt bát và dễ dàng, không một tiếng nâng cao, không một tiếng dằn, không một chỗ vấp. Lần thứ nhất Phong thấy như bị lung lạc dữ dội vì một thứ sức mạnh hiểm độc khắt khe.
Phong biết trước ý định của mình rồi, không đời nào, thực không đời nào anh chịu theo những lời quái ác kia. Nhưng anh cũng biết trước rằng những lời đó không phải là lời huyền hoặc vu vơ; bản án xử tử anh đã đọc lên do một cái miệng ngọt ngào ghê gớm.
Mặc dầu cái bản lĩnh vững chãi, mặt dầu sự kiêu hãnh của lòng thanh niên, cả lòng khinh bước hiểm nghèo, Phong thấy mình yếu đuối lạ lùng, và tâm trí kinh hoảng như bị vây bọc giữa đêm tối rùng rợn.
Người đàn ông trước mắt anh sao nhã nhặn thế! cử chỉ hắn có mực thuớc, có lễ độ của một bực anh tuấn phong lưu.
Nếu ai bảo cho Phong biết rằng sự yếu đuối kia chỉ là sự khiếp nhược của lòng người đối trước một tâm trí quỷ quái vô song, nếu ai phân giải để Phong hiểu rằng đó chỉ là một lúc kinh ngạc quá chừng của lòng ngay thẳng, thì Phong sẽ không chịu âm thầm cay đắng như bấy giờ.
- Thôi kính chào ông Lê Phong, và mong sẽ được coi ông như bạn.
Phong lúc đó mới thấy hết cả sự phẫn nộ dồn lên mắt. Anh cố sức mới giữ nguyên được sự bình tĩnh, khi anh đáp lại được hai tiếng:
- Chào ông!
Thì thấy giọng mình cũng uyển chuyển ngọt ngoà chẳng kém gì giọng kẻ thù. Anh liền thấy nghị lực trở về, anh vẫn còn đủ can đảm của thường ngày cùng với cách trả miếng đáo để Phong tiếp:
- Chào ông, và mong được gặp trong một... thời kỳ rất gần. (Phong nghĩ thầm: hay! mình cũng nói văn chương như nó!)
- Và mong rằng gặp nhau trong một trường hợp có ý vị hơn.
Người kia hiểu thầm ý ngay, mỉm cười, vừa cầm mũ đội vừa nói:
- Vâng, trong một trường hợp có ý vị và rất dị thường.
Hắn ngả đầu, thong thả bước ra, chững chạc như bước ra khỏi một nhà hát sau buổi diễn kịch lớn.
Tới cửa, hắn vội ngả mũ:
- Chết! xin lỗi!
Và khiêm tốn đứng nép vào bên cạnh nhường chỗ một người bước vào.
Người đó là một thiếu nữ kiều diễm mà hắn nhìn bằng đôi mắt ngợi khen tỏ ra người biết kính trọng nhan sắc, hắn ngả mũ cười:
- Kính chào cô Mai Hương.
Mai Hương nhìn lại, tươi cười đáp lại:
- Không dám, chào ông...
Phong tiến lại gần, lấy giọng lịch thiệp giới thiệu:
- Ông Lương Bằng, biệt hiệu Sơn Nhị, bạn thân của tôi.
Mai Hương hơi nghiêng mình, và bắt chợt thấy đôi mắt người đàn ông thoáng qua một vẻ bực tức. Nhưng hắn vui vẻ đáp:
- Vâng, bạn thân, tuy mới quen ông Lê Phong, chúng tôi vừa nói chuyện với nhau ngót một giờ đồng hồ về vụ án mạng chợ Hôm, hẳn cô cũng biết.
Mai Hương bước vào hẵn trong phòng:
- Vâng, tôi vừa được tin...
cô ngừng lại ngay, ngạc nhiên nhìn Lê Phong, rồi lại nhìn người lạ mặt: đôi mắt tinh nhanh của cô trong giây lát đã nhận rõ chân dung và y phục bảnh bao của hắn, cô hỏi:
- Tôi không làm bận các ông chứ?
- Không ạ, chúng tôi nói chuyện xong rồi. Thôi, xin chào cô Mai Hương.
Người lạ mặt ra khỏi, Phong liền đến ngay bàn giấy biên vào quyển sổ hai chữ Lương Bằng, đề ngày giờ, và thêm một câu: kẻ thù số hai.
- Ai thế, anh Phong?
Mai Hương, vừa hỏi thế vừa kéo ghế ngồi. Cô lại tiếp:
- Em thấy hắn có một vẻ lịch sự... một vẻ lịch sự nguy hiểm lắm. Không! nham hiểm lắm... hình như không phải... sao anh gọi là bạn thân?
Phong cười, nhìn sự ngạc nhiên của bạn một lát mới nói:
- Bạn thân là một cách nói mà cô cũng biết thế rồi, phải không? cái tên Lương Bằng không nhắc cô nhơ đến việc gì ư?
Lương Bằng... Lương Bằng.. không!
À! phải rồi! Lương Bằng với Lương Hữu! Lương Bằng là em Lương Hữu phải không?
- Phải rồi, em lại còn giỏi hơn, giảo quyệt hơn anh nhiều bậc! một tên đại bợm rất nguy hiểm đấy! tôi thoạt tiên còn ngờ ngợ vì trông nó giống Lương Hữu, sau thấy hai chữ L.B. ở cái cặp cavat tôi mới tìm xem L.B. có thể là hai chữ gì, mãi vừa rồi, cô đến, tôi mới chợt nghĩ ra... Ba giờ Mai Hương đến cũng đem đến cho tôi những ý nghĩ nhanh chóng.
Phong bỗng ngạc nhiên vì thấy Mai Hương nhìn anh chăm chăm. Cô chợt hỏi:
- Anh có ngờ gì không?
- Ngờ gì?
- Em đến đây, trước khi bước vào cổng, em thấy có ba người đứng rình bên kia đường...
- Bộ ba của Sơn Nhị đấy.
- Chúng nó có vẻ những người lịch sự cả, nếu không để ý em không biết đâu. Không những ở đây, ở Thời Thế cũng có vẻ khả nghi như thế. Em thấy có những người lảng vãng trước cửa nhà báo và lúc em đến đây, chúng đi theo...
Mai Hương là người thiếu nữ can đảm khác thường, nhưng lúc đó đôi mắt của cô vẫn chưa hết vẻ hoảng hốt.
Cái không khí nặng nề trước đây mười phút đã tan hẳn.
Vẻ mặt Phong tươi tỉnh; trông anh lúc này tưởng chừng như anh vừa thức dậy sau một giấy ngủ ngon lành và bình tĩnh. Vậy mà, cả tâm trí lẫn thân thể của anh đã chịu một sức đè nén, một sự cố gắng để đương đầu với một kẻ thù nguy hiêm trong hơn nửa tiếng đồng hồ.
Phong thở một hơi dài.
Cử chỉ anh biến đổi một cách hoàn toàn. Anh vui như một đứa trẻ, anh kiểu cách nói với người thiếu nữ:
- Trước hết, hãy mời cô Mai Hương ngồi đó. Cô làm ơn cất hộ cái vẻ hoảng hốt trên khuôn mặt tuyệt mỹ kia đi... cô ngồi đợi tôi, để tôi làm xong một công việc nghiêm trọng này đã.
Công việc nghiêm trọng đó chia ra làm ba phần: vào nhà trong cởi trói cho thằng Biên là đứa đầy tớ trung thành và đáng thương của anh. Nó bị trói bằng cái giây thừng Lê Phong vẫn dùng để nhảy tập thể thao hàng ngày và mồm nó nhét đầy hai cái khăn tay. Việc thứ hai là cầm cổ nó lắc cho nó thực tỉnh dậy vì thằng Biên lúc đó còn ngơ ngẩn như bỏ quên đâu mất năm sáu vía. Việc sau cùng là nói đùa:
- Cậu Biên nhà tôi mạnh khoẻ chứ? ông khách quý lúc nãy giá ở lâu chút nữa, có lẽ bây giờ tôi phải tính cách đem chôn cậu và đăng lên báo cáo tin: một án mạng nữa ở nhà Lê Phong.
Anh vừa nói vừa cầm hai tay Biên giơ lên hạ xuống bảy tám lần:
- Thế nào? tỉnh hẳn chưa? làm đầy tớ Lê Phong từ nay phải biết giỏi nhịn thở nữa.
Rồi không liên lạc, anh hỏi:
- Nó vào đây thế nào, kể truyện đi.
- Ghê quá! con đã tưởng...
- Tưởng tao chết rồi.
- Hơ!.. vâng... lúc nó vào đây, lăm lăm cầm cái súng lục.. rồi lúc con bị nó trói, cậu về, con tưởng thế nào nó cũng giết cậu...
- Cậu thì chết thế nào được, nhưng nói khoác đấy, nó vào đay làm những trò gì?
- Thoạt tiên, nó tự do đi vào, con tưởng người quen cậu. thấy nó ngồi bàn giấy không nói gì cả, lấy giấy bút viết, con hỏi, thì nó cho xem cái súng lục của nó... con hiểu ý không kêu gọi được nửa tiếng, cứ để cho nó trói, nhét khăn vào miệng và buộc thêm cái khăn mặt nữa ở ngoài...
- Được rồi, Biên sẽ được lúc trả thù... bây giờ thì sắp sửa cho cậu mấy thứ cải trang lặt vặt: kính đen, lông mày giả, hai bộ râu, cái khăn quàng... nhét cả vào trong túi áo đi mưa...
- Vâng.
- Những giấy mà quan trọng tuy vừa rồi nó tìm chưa thấy, nhưng phải giấu chỗ khác cho kín hơn.
- Vâng.
- Vì thế nào nó cũng vào đây lục lại nữa. Chúng nó giết người tài lắm. Móc túi với ăn trộm lại tài hơn...
- Nhưng cất đâu... con tưởng chỗ ấy thì...
- Chỗ ấy vẫn kín đối với bọn tầm thường, bọn này quỷ quyệt lắm... Vậy Biên mở ngăn tường ra, lấy những tờ giấy trong hộp bỏ vào những phong bì dùng rồi, nghĩa là phong bì những thư thường người ta gửi cho cậu vẫn giữ lại, nghe không...
- Vâng, rồi cất chỗ khác?
- Không chắc đâu hết. Để nó cả trên bàn nhà ngoài.
- Để trên bàn?
- Phải, nhét nó vào ngăn để thư... hoặc ngăn kéo nhưng không cần khoá...
- Nhưng mà...
- Nhưng sao? Những chỗ hở như thế là chỗ giấu kín nhất đó. Vì đo là những chỗ chúng nó không thèm để tâm đến nhất, hiểu chưa?
Hai tiếng "hiểu chưa" anh nói một cách có ý nghĩa chỉ riêng Biên hiểu rõ.
Dặn rồi, anh ra phòng ngoài thấy Mai Hương chăm chú đọc bức thư thứ hai của người lạ mặt. Anh nói như người không để ý:
- Nhã nhặn, lễ phép lắm, có phải không cô Mai Hương?
- Anh bảo bức thư này ấy à?
- Cả bức thư lẫn người viết. Vừa rồi tác giả bức thư ấy lễ phép đến định giết chết tôi đấy. Tôi đã được nếm những giây phút cực kỳ ý vị của người sắp từ giã cõi trần... ồ, nhiều cảm tưởng lạ lắm cơ... nếu không có cô Mai Hương tới thì có lẽ bây giờ tôi không nói được gì, và không nghĩ ngợi, cử động được như thế này nữa...
Và rất văn vẻ, anh nghiêng mình chào và nói:
- Xin cô Mai Hương nhận lấy lời cảm tạ thành thực của người chịu ơn cô...
Mai Hương trước còn tưởng Phong nói đùa, nhưng lúc hiểu ra, cô kinh ngạc hết sức:
- Thực thế đấy ư, anh Phong? hắn đến định ám sát anh?
- Ám sát chưa phải là tiếng đúng. Hắn cho tôi thấy rõ ràng cái khí giới sẽ giúp tôi đi về cõi âm...
- Tại sao? tại sao anh bảo nếu không có em thì?...
- Đó là một điều ức đoán. Có lẽ gì có người tới đây (ai lên đây hắn cũng biết trước) nên hắn không muốn sinh truyện lôi thôi, hắn làm việc rất chín chắn, nhưng có lẽ tôi chưa đến giờ chết cũng không chừng...
Mắt Phong lơ đãng nhìn đi, miệng vẫn mỉm cười, nhưng Mai Hương biết rằng những câu nói hồ đồ của anh vừa rồi không ăn nhập chi với những điều anh nghĩ trong trí. Cô lẵng lặng nhìn anh trong từng cử chỉ một và dần dần nhặn ra rằng cái thái độ cười cợt của Phong khác hẳn với tâm tư anh. Cô thấy ở Phong có một sự can đảm phi thường, một bản lĩnh rất mạnh mẽ, sức mạnh của người anh biểu lộ ra một cách chững chạc khiến Mai Hương mến phục và tự mình của thấy bớt sự lo sợ lúc đầu.
- Anh Lê Phong!
- Cô Mai Hương bảo gì?
- Anh nói thật cho em biết đi, nói hết. Em đóan thấy nhiều điều kỳ bí lắm, anh đừng nói bông nữa, Sơn Nhị là người thế nào?
Câu hỏi nghiêm trang và có một giọng quả quyết lạ thường. Phong đương theo đuổi một ý nghĩ thoáng qua, bỗng ngảnh nhìn bạn một lúc lâu, mãi sau mới đáp:
- Sơn Nhị là một tay rất nguy hiểm, một trong ba tên đầu đảng Tam Sơn. Đảng này đứng đầu có ba người, mỗi người là một phần tử quan yếu. Xưa nay chưa có một lực lượng gian ác nào tài khéo, không ngoan, sâu sắc và nguy hiểm hơn. Ba người ấy đại biểu cho ba phương diện tinh xảo nhất trong trí khôn loài người: mưu, trí, tài, và phương diện nào cũng cao tới bực hoàn thiện hoàn mỹ. Đó là tuyệt đỉnh của sự gian ác. Chúng lại chỉ huy một bọn người trung thành, tận tuỵ, không sợ gì luật pháp vì có một lòng tin chắc chắn ở kẻ cầm đầu... nhưng một trong ba đứa bị giết rồi. Bị chúng giết, vì phản bội, và cái án xử tử ấy thi hành trưa hôm nay...
Đột nhiên mắt Phong sáng hẳn lên. Mặt anh bừng nóng như chính mình bị khich thích vì những lời mình nói. Anh tiếp:
- Trưa hôm nay, một trong ba đầu rắn bị đứt, rắn còn hai đầu nhưng càng ghê gớm hơn. Vì sao? vì nhiều manh mối rất bí hiểm đối với tôi trước đây nửa giờ, nhưng đến lúc này tôi gỡ được cả.
- Trước hết, sự sắp định bội phản của Nguyễn Bồng mà bí hiệu là Sơn Tam, bắt buộc hai tên đứng đầu phải trừ Nguyễn Bồng đi, bởi Nguyễn Bồng là một tay tinh khôn, không vừa, nên bắt buộc chúng phải theo đuổi khắp nơi, và giết ngay khi gặp dịp tốt. Tuy vụ ám sát rất kín đáo, nhưng chúng biết rằng không thể giấu được người có ý tìm tòi, người ấy là Lê Phong của báo Thời Thế...
- Chúng mới nghĩ ra một phương sách kể cũng đáng sợ nếu ở đời chỉ toàn người non gan. Chúng một mặt xếp đặt các trường hợp "sẽ phải xảy ra", một mặt báo tin trước cho Lê Phong và đe doạ...
- Nhưng Lê Phong không sợ, và quyết tâm khai chiến ngay từ lúc gặp gỡ ban đầu.
- Công việc chúng sẽ vỡ lở, và cái cơ quan tổ chức bao nhiêu lâu trong bóng tối sẽ bị phá huỷ...
Phong có dáng một nhà hiệp khách của tiểu thuyết, anh nhíu đôi mày lại trong cơn tức giận anh hùng. Tâm huyết Lê Phong còn nồng nàn những tình cảm lưu truyền lại từ xưa: sống lui lại ba bốn trăm năm, Phong có lẽ đã thanh gươm yên ngựa, tung hoành trên đất nước với cái khí phách ngang tàng.
Người con trai ấy như lạc giữa thế kỷ này. Anh hành động theo linh giác của người cổ sơ và những cử chỉ của anh, cái thái độ hùng hiệp của anh, bởi vậy, có nhiều khi thái quá.
Phong cười lên sang sảng. Anh nói, nói thao thao bất tuyệt, và bằng những lời hoa mỹ mà anh hay chế riễu trong lúc tâm trí bình thường:
- Tôi rất lấy làm ân hận rằng cô Mai Hương không có ở đây lúc nãy để được chứng kiến một tài trí lỗi lạc; một địch thử đáng phục nếu không đáng mến, một nhân vật ta quí trọng nếu là bạn hữu và ta lấy làm hân hạnh vì được là kẻ thù...
Rõ ràng những câu nói đó không có liên lạc gì với những đoạn trên, nhưng cách nói của Phong có một lối quyến rũ khiến người ta phải nghe chăm chú:
- Lần thứ nhất, tôi đương đầu với một kẻ thù vào bực này. Đương đầu bằng lời nói. Thực là một cuộc đấu khẩu, một cuộc thi lẽ phép giảo hoạt, trong những lời văn chương ý nhị và có tính cách một cuộc hội đàm về thi thư...
- Kẻ thù cho tôi biết, một cách rất khiêm tốn rằng hắn sẽ trừ tôi. Tôi cũng khiêm tốn đáp lại rằng tôi không sợ. Mà không sợ thực... ( Phong hơi mỉm cười, giọng dằn xuống) vì trong khi đôi bên giữ miếng, kẻ thù cũng có lúc hở cơ... vì thế tôi biết được ở người địch của tôi rất nhiều điều hắn muốn giấu, nhưng trái lại khi dò ý tôi thì có rất nhiều điều hắn bị tôi đưa vào những đường sai lạc...
Cứ một điệu như thế, Phong nói không dứt. Càng nói, Phong càng ra vẻ sốt sắng, đôi mắt long lanh, gò má ửng đỏ, và khắp người như rung động lên.
Mười lăm phút qua. Nguồn lời chảy xiết như đổ xuống vựt sâu, Mai Hương nghe nhưng không quan tâm đến ý nghĩa nữa. Bỗng Phong cười nhạt mấy tiếng rồi tiếp:
- Chiều hôm nay, một người đàn bà, em gái người bị giết lúc trưa, sẽ bị chúng bắt, và có lẽ sau đó ít lâu, Lê Phong cũng bị chúng hại. Chúng đã hẹn trước, đã báo trước các việc hành động, tin chắc chắn rằng điều chúng định đọat không bao giờ sai. Nhưng mà...
Phong lại cười:
- Nhưng mà Lê Phong cũng hẹn trước chỉ nội nhật hôm nay, phải, chỉ nội nhật hôm nay - nếu Lê Phong chưa bị giết - thì kẻ thù sẽ bị Lê Phong bắt, bắt tại chính sào huyệt, và không thiếu một tên nào.
Mai Hương trân trân nhìn anh. Thoạt tiên, cô cho đó là những lời viển vông như những câu nói trên kia, nhưng bỗng cô đứng phắt lên, lại gần Phong: anh đã thôi nói, và khuôn mặt vui cười vừa rồi đổi khác hẳn. Mặt Phong nhợt đi, miệng mím lại một các nhọc mệt, trên trán hai nét rằn ăn sâu xuống, anh bỗng như già đi một vài năm.
Mai Hương chạy lại để hai tay lên vai bạn, hỏi vội vã:
- Anh Phong! anh làm sao thế?
Phong thong thả lắc đầu, anh dịu dàng nhìn Mai Hương, miệng hơi mỉm cười. Nhưng khi sờ lên trán thì cô thấy sâm sấp ướt, Mai Hương càng lo lắng hỏi dồn:
- Kìa, anh Phong! anh Phong! anh làm sao thế?
Phong đưa ngón tay lên miệng, khẽ cười... anh se sẽ thở đều và dài, sau cùng thở mạnh lên một tiếng khoan khoái.
Lê Phong nói:
- Xong rồi.
- Xong rồi?
- Phải, xong rồi... tôi vừa bảo cô rằng kẻ thù của tôi, còn nhiều điều hớ phải không?
- Phải, thế sao?
- Bây giờ thì chúng nó - hay ít ra một đứa trong chúng nó - không đáng sợ nữa. Không! thế là xong.
Lúc đó Mai Hương mới nhận ra rằng sự thay đổi trên gương mặt Phong vừa rồi là do kết quả một sự cố gắng rất mãnh liệt. Cô đóan chắc Phong vừa tính được một mưu kế gì lạ, hoặc cầm chắc được một vài điều thắng lợi khác thường.
Quay vào nhà trong, Phong gọi:
- Biên!
Thì Biên ở một cái cửa nách, nhanh nhẩu đi vào, mặt nghiêm trang như tên quân đội tường lệnh, Phong chỉ hỏi:
- Xong?
Biên đáp gọn.
- Vâng xong.
Phong xoa hai tay vào nhau:
- Được rồi! sắp sửa đi.
Rồi anh ôn tồn bảo Mai Hương như người nói một câu bình phẩm về thời tiết.
- Xin báo cho cô Mai Hương biết một tin lạ và một tin mừng. Mười lăm phút nói viển vông vừa rồi là cả một tấn kịch, một tấn kịch ghê gớm. Những câu đầu Ngô mình Sở ấy cô nghe bằng cái tai nghễnh ngãng, nhưng đã giúp tôi được một việc rất to. Việc rất to ấy là cái tin thứ hai: tin mừng.
- Con rắn ba đầu, một đầu đã đứt, một đầu không làm hại được nữa vì tôi đã nắm được trong tay. Còn một đầu thứ ba thì từ giờ đến năm giờ rưỡi chiều, tôi sẽ đánh rập!
ba giờ rưỡi chiều. Buổi chiều của một ngày đông sáng sủa. Nắng ấm và có một vẻ đẹp mới. Những bức tường vôi xám nhuộm thành vàng tươi, phố xá hiện ra một quan cảnh xa lạ.
Lê Phong thấy tâm tươi tỉnh. Huyết mạch anh như chan chứa những ánh mặt trời, anh bước lên những bước chậm chạp, đo đắn và vững vàng, từ nhà báo Thời Thế đi đến vườn hoa Hàng Đậu. Anh đến bên một cái ghế đá và ngồi xuống bên cạnh một người đàn ông đang hý hoáy viết vào một cuốn sổ tay, anh hỏi:
- Ông viết bài?
Người kia nhìn anh, hơi ngạc nhiên, gật đầu, rồi lại chăm chú viết.
Phong nói:
- Ghi chép những cảm tưởng tại trận đó là phương pháp rất tốt. Ông là nhà báo?
Người kia gật đầu và có ý khó chịu vì bị người đến quấy rầy.
Phong hỏi luôn:
- Ông là một phóng viên?
Hai cái gật đầu ngắn và câu kỉnh đáp lại.
- Phóng viên của Thời Thế?
Người phóng viên toan không thèm đáp, nhưng bỗng ngửng lên. Anh ta tỏ vẻ ngạc nhiên ở miệng và ở hai con mắt. Phong vẫn đạo mạo:
- Ông làm ở báo Thời Thế, tên ông là Bích biệt hiệu Người Thóc Mách, và giữ mục bình luận những việc xảy ra hàng ngày...
Sự ngạc nhiên của người kia đổi ra sự kinh dị. Anh ta chau mày lại nhìn Lê Phong không chớp. Bỗng người kia như tìm thấy một câu khôi hài rất ngộ nghĩnh, anh ta bật cười dài.
- Ô hô! Lê Phong! quần áo mặt mũi thế thì ai nhận được ra? cả tiếng nói cũng khác hẳn.
Người phóng viên ngừng lại để ngắm Lê Phong từ đầu đến gót, và đôi mắt kinh dị lúc đó đổi thành đôi mắt ngợi khen.
Phong mặc một chiếc áo đi mưa xám, tuy lúc đó trời nắng. Áo rộng phủ lên một bộ mầu tro nhạt, cộc cỡn và có một vẻ ngộ nghĩnh nực cười. Cổ anh quấn một cái khăn quàng nâu dầy, biểu hiệu của một sự sợ rét thái quá. Bộ mặt dưới cái mũ nút chai vàng là bộ mặt một ông già trên bốn mươi tuổi. Hàng râu mép đốm bạc lởm chởm mọc trên một cái miệng bĩu ra một cách chán chường. Đôi kính trắng gọng đồi mồi giúp thêm vào cho một trá hình thành hoàn hảo. Ngoài cái hình thức đó, Phong lại có những dáng điệu, những cử chỉ đặc biệt lưng khom xuống, vai thu nhỏ lại, tay thả trong túi, mắt nhìn sững và ra chiều không cần biết đến những điều xảy ra. Đó là một người hiền lành, tính khí có vẻ dở hơi, ta thường gặp lò dò ở một vài chỗ vắng người và không mấy ai thèm chú ý tới.
Khi Phong cải trang tất nhiên là vì có việc quan trọng. Người phóng viên bí mật đưa mắt nhìn xung quanh rồi hỏi Phong:
- Anh đi đâu thế?
Phong chậm rãi đáp:
- Tôi đến đây.
- Đến đây?
- Anh không thấy sao? tôi đến ngồi bên cạnh anh đây mà...
- Nhưng để làm gì?
- Hỏi rõ hay chưa? tôi đến nói chuyện với anh.
- Truyện gì?
- Truyện vu vơ, truyện ghi chép cảm tưởng ở giữa vườn hoa...
- Ồ, nhưng mà..
- Nhưng mà sao? thế tôi chả vừa hỏi anh đấy ư? tôi hỏi có phải ông đang viết bài không/ có phải ông là một phóng viên của báo Thới Thế?
Cái giọng ỡm ờ đó những người làm việc với anh đã quen nghe trong những trường hợp nghiêm trọng. Sự vui tính của Phong không làm bớt sự băn khoăn của người phóng viên. Anh cười:
- Anh làm ơn bỏ cái vẻ ngớ ngẩn kia đi, và pha trò với tôi một lúc. Tôi thích pha trò lắm, mà việc cải trang bây giờ cũng gần gần giống một lớp kịch khôi hài... chứ không ư? anh xem tôi đóng kịch có giỏi không? tôi đến, tôi hỏi anh, và trong bộ áo ông già gàn gàn, tôi không để cho anh nhận được ngay. Đấy cũng là một cách thử bài tinh. Đến anh cũng không nhận được thì tôi có thể yên tâm rằng chúng nó không tài nào ngờ rằng người đang nói chuyện với anh là Lê Phong.
- Chúng nó? chúng nó là ai?
- Là chúng nó. Anh cứ biết thế đã, rồi nghe tôi dặn đây.
Phong không đổi giọng. Lưng ngã dựa vào ghế, anh thong thả nói mấy câu vớ vẩn, trong lúc đó người phóng viên để hết tai nghe. Mắt Phong lim dim lên đám lá cây trên đầu hình như để thưởng ngoạn vẻ đẹp dịu dàng của những mầu xanh úa nắng. Tuy thế anh vẫn có thể quan sát được người ngồi bên cạnh và cười thầm. Người phóng viên sắp được Phong đem việc hệ trọng bàn với mình, đang đạo mạo cầm cái bút chì lăm lăm định viết.
Nhưng việc hệ trọng đó chỉ là những câu không có một nghĩa lý nào.
Bỗng nhiên Phong im bặt. Có người vừa thong thả đi qua. Một người trẻ tuổi, mặc âu phục mầu nâu đi giày đế êm, bước rất khoan thai và đang chăm chú đọc một trang báo. Anh hơi chau mày nhưng lại mỉm cười và lấy thuốc ra hút.
- Bích!
- Gì?
- Anh trông thấy người vừa đi qua chứ?
- thấy, thế sao?
- Không sao cả. Anh đến cửa Đông với tôi được không?
- Được. đến làm gì?
- Ta vào hàng caphe ở đấy.
- Đi uống cà phê?
- Uống cà phê nghĩa là vừa uống vừa nói truyện. Truyện hay lắm. Anh không biết rằng mỗi phút truyện phiếm của tôi là một bước tiến hành của tôi sao. Kế hoạch dị kỳ! Lê Phong không ngờ đắc thắng một cách dễ dàng đến thế.
Phong đứng dậy, thong thả như một ông già đứng dậy:
- Đi, ta đi bộ, thân mật trò chuyện như một đôi chú cháu. Anh là cháu, tôi là chú anh.
- Sao lại thế?
- Ấy là tưởng tượng thế cho vui.
Nhưng đến lúc hai người cùng theo con đường đi về phía cửa Đông gầm cầu thì câu truyện của hai chú cháu kia đổi ra một giọng điệu khác hẳn. Phong không đùa cợt nữa. Anh nói những câu ngắn, gọn, rõ rệt. Người phóng viên lúc đó mới thấy tất cả nhiệm vụ trọng yếu mà Phong giao phó cho mình.
- Anh hiểu chưa?
- Hiểu rồi.
- Vậy bây giờ theo thứ tự mà làm. Trước hết ta vào uống cà phê trong tiệm Bình Minh.
Anh vội nắm lấy cánh tay Bích để giữ lại một cử chỉ.
- Anh vô ý quá.
- Sao?
- Anh chực quay đầu lại phải không?
- Ừ, để xem..
- Tuy anh thông minh, nhưng cần phải làm việc bên cạnh tôi lâu ngày nữa! cứ gì phải quay lại mới biết có người theo? tôi, tôi có thể cứ trông thẳng, thế mà ở sau tôi có những ai tôi cũng biết, anh trông cái mắt kính tôi đây này, thấy chưa?
Lúc đó Phong đã đeo đoi kính đen. Người phóng viên hỏi:
- Nhưng anh bảo thấy gì?
- Cái mắt kính bên trái không nhìn qua được, không nhìn ra phía trước được, thấy không?
- Ừ nhỉ?
- Không nhìn ra đằng trước được nhưng lại để tôi nhìn được đằng sau. Vì đó là một thứ gương tôi chế đấy. Dùng được việc lắm. Thực là một đồ dùng rất kín đáo: tôi không cần quay lại mà biết rằng anh chàng lúc nãy đang theo sau, cách chúng mình chừng hai mươi thước và đang tiến lên gần để cố nghe truyện chúng mình.
Phong cười bằng lòng.
- Hắn đang đi gấp bước... hì hì.. hắn vừa vứt điếu thuốc lá đi.. đừng quay lại nghe không..
Phong nói tiếp, nhưng giọng nói to hơn lên:
- Thế nào ta cũng bắt được cả bọn.. chúng nó giỏi lắm, nhưng ta giỏi hơn.. Nếu chốc nữa, đến sở liêm phóng mà gặp đủ mọi người của ta thì không còn e ngại gì nữa, anh hiểu chưa?
Người phóng viên chưa hiểu nhưng cũng gật đầu.
Phong lại nói to:
- Tôi đã viết xong bài tiếp theo rồi, bây giờ Thời Thế mới cho công chúng biết đoạn đầu của những việc bí mật. Kể từ hôm nay bọn gian phi ấy không ẩn trong lòng tối được nữa. Cuộc điều tra còn tố cáo nhiều việc dị thường... anh về bảo chụp lại các tài liệu và cho đánh máy ngay bài mới của tôi đi...
- Được rồi..
- Tôi vào hàng Bình Minh ăn cơm chiều ngay từ bây giờ và đọc nốt cho anh những đọan cần phải thêm... Bốn giờ kém mười thì bọn Đan, Lương, Khải đợi tôi ở sở liêm phóng. lần này ta phải cộng tác với sở mật thám...
Trước khi đến chỗ rẽ, Phong nói tiếp:
- Tôi đến sở liêm phóng sẽ gọi giây nói về nhà báo ngay.
Câu nói ấy chắc chắn là lọt tai người đàn ông theo sau hai người.
Phong cùng với người phóng viên lên gác hiệu Bình Minh vào một căn buồng con. Lúc đó nhà hàng vắng. Anh gọi mấy món lót dạ cho người bồi trở xuống rồi lấy bút chì và giáy ra viết:
- Cẩm nang của tôi đây. Phần cẩm nang này anh phải giữ. Đó là một đoạn cốt yếu trong cái kế hoạch lớn phải thi hành nội ngày hôm nay. Mai Hương với Văn Bình đã có lời dặn riêng. Luân Đức thì bảo vệ người thiếu phụ cho đến 10 giờ đêm. Họ phải ở luôn ở nhà báo. Viên, Lư, Lịch theo vết lông ngỗng, nghĩa là tìm dấu hiệu của tôi ở dọc đường... anh với Quân sẽ điều khiển lớp cuối cùng trong tấn kịch...
- Được, thế còn sở liêm phóng?
- Sở liêm phóng làm sao?
Bình ngạc nhiên:
- Kìa, anh bảo anh sẽ đến sở liêm phóng...
- Tôi nói láo đấy... báo Thời Thế chưa đến nỗi phải cầu cứu đến các quan thanh tra ở sở này. Báo Thời Thế điều tra biết được sào huyện bọn gian phi.. và cho công chúng biết rõ những chủ động và cách hành động trong các cơ quan nguy hiểm đó... Sở liêm phóng nhờ báo Thời Thế mà tìm được chúng, chứ báo Thời Thế không phải nhờ ai... vậy việc ta ta làm, và công đầu của ta đừng dại để cho người khác được hưởng...
Giọng nói quả quyết ấy biểu lộ hết tình yêu nghề trong lòng người phóng viên trinh thám. Lê Phong mua được sự mến phục của các bạn hữu trong những lúc cảm khái này. Bích nhìn Phong một hồi lâu, im lặng như người chân thực ngưỡng mộ, anh se sẽ nói:
- Anh Lê Phong ạ, anh có biết sắp làm một việc táo tợn không?
Phong mỉm cười:
- Có biết.
- Táo tợn vì vội vàng quá.. tôi tưởng nên đề phòng cẩn thận hơn..
Phong đập vào vai bạn cười xoà:
- Ồ anh Bích! đề phòng nghĩa là gì? để phòng không phải là rụt rè đâu! để ra một tuần lễ bố trí cơ mưu, để nghiền ngẫm đường kia nổi nọ, thì còn gì là khác người? bất cứ ông Mai Trung, ông Kỳ Phương nào cũng có thể làm được. Tôi, tôi muốn đi đôi giày bẩy dậm của lòng hăng hái. Tôi muốn cưỡi con ngựa thần của trí thông minh hoạt bát... một cái chớp loáng, liền đó là tiếng sét đánh vào lũ hung đồ... tôi muốn như thế cơ! không phải chả cần phải làm phóng viên của Thời Thế.
Phong lại tiếp, để tự chế riễu:
- Tôi thỉnh thoảng cũng sinh nói văn chương... nhưng một thứ văn chương lạ lùng ảnh hưởng ở những việc nguy hiểm li kỳ mà tôi theo đuổi... cô Mai Hương lúc này cũng lo ngại hộ tôi như anh... cô viện đến cái linh giác của đàn bà để báo trước những cái nguy trong vụ này... cô thấy rất nhiều điều lạ lùng mà tôi không thấy... hay không muốn thấy. Bởi thế tôi mới lập được cái mưu mà chính cô cũng chịu và nghe theo. Vả lại, dù nguy hiểm rất ghê gớm nữa, ừ, thế đã sao? đời phải thế mới đỡ buồn tẻ chứ?
Mắt Phong long lanh sáng và lúc đó thoáng qua một chút mơ màng...
Phong mỉm cười, đôi mày nâng cao, nhìn một cách dịu dàng, một hình ảnh yêu kiều, thấy lòng cảm động một cách rất êm nhẹ. Một ánh hương âu yếm vừa lướt tới như hơi gió ấm. Phong nghĩ đến Mai.
Nguồi bồi mang thức ăn lên bầy trước mặt Bích và Phong. Anh nuốt nước bọt gật đầu, gọi hắn lại gần và bảo:
- Thôi bác để chúng tôi nói chuyện riêng không cần lấy gì nữa hết.
Người bôi đi khỏi, anh liền thay đổi quấn áo với Bích, lột bộ râu mép ra dán lên môi bạn và trong ba phút Bích hoàn toàn thành ông già lúc nãy còn Phong thì hoàn toàn... hiện nguyên hình. Anh gọi bánh tây, dăm bông nhét vào túi rồi dặn Bích:
- Liệu, xuống đi, kêu xe bảo kéo đến sở mật thám nhé.
- Được.
- Nhưng không cần đến nơi. Nó không theo anh nữa đâu vì nó tin chắc anh đến sở mật thám thực, và thế nào cũng đi cấp báo với bọn đồng đảng... anh đi một lát thì bảo xe theo đường khác mà trở về. Phải hết sức coi chừng, đừng để nó trông thấy nữa. Tốt hơn, là tìm cách trút lốt ngay đi... mà cố bắt chước giọng lè nhè của tôi lúc gọi xe đấy!
- Được, thế còn anh?
Phong đáp:
- Tôi sẽ theo gót nó đến tận sào huyệt. Nó rình tôi lâu lắm đấy, tôi biết ý mới nghĩ ra được cái mưu vừa rồi. Tôi cải trang đi ra, cải trang một cách vụng về để cho nó dễ nhận ra và để mắc lừa... chứ anh tính, nếu tôi muốn tránh mặt thì đời nào... bây giờ đến lượt tôi rình nó, tôi lại theo nó cho đến kỳ cùng, nghĩa là đến tận sào huyệt của đảng gian... mà tôi đã theo thì đừng hòng thoát.
- Anh có mang theo gì đề phòng không?
- Có.
- Bánh tây dăm bông... thôi, đi đi nhé, chúc anh thượng lộ bình an.
- Chúc cả anh nữa.
Bích bắt tay Phong rồi đi.
Phong liền nhảy ra đứng nép sau bức cửa kính nhìn xuống.
Người trẻ tuổi âu phục mầu nâu đang lờ vờ xem một cửa hàng giầy ở bên kia đường, bỗng quay ra và khi Bích lên xe bảo kéo đến sở mật thám thì Phong thấy hắn giơ đồng hổ báo lúc ấy đã gấp.
Hắn nhìn theo xe Bích tới lúc khuất hẳn rồi đưa mắt trông lên gác hàng cà phê, sau cùng, vẫy một cái xe khác. Hắn ung dung lên ngồi và trở về phía đường Phúc Kiến.
Phong nghĩ ngay đến cái xe đạp anh sẽ thuê ở một nhà gần đây.
Trước khi xuống anh lấy ở túi ra một gói thuốc là mới, ngắm nghía một điếu châm hút và lẳng lặng mỉm cười. Đó là một thứ thuốc Ăng Lê đắt tiền, bịt giấy vàng ở một đầu và có một công dụng khác thường đối với Lê Phong lúc đó.
Phong theo hút người lạ mặt qua hai phố. Hắn ngồi trên chiếc xe tay chạy đằng trước còn anh đi xe đạp cách hai chục bước sau. Không một lần nào người lạ mặt quay đầu lại nên anh không sợ hắn nhận ra được. Trong trí tưởng tượng của hắn, Lê Phong đã ra khỏi hàng Bình Minh từ lúc nãy và đã đến sở mật thám. Vẻ mặt của hắn lúc trông thấy người bạn của anh đi xuống, và sự hấp tấp của hắn lúc gọi xe, đủ tỏ cho Lê Phong biết hắn đã mắc lừa.
Qua hàng Bồ, qua hàng Buồm.
Đến Mã Mây, Phong bóp phanh cho xem đạp chậm lại, và hoang phí một cách ngoa ngoắt, anh lại vứt già nửa điếu thuốc lá đương hút xuống vệ đường, sau khi đã châm một điếu mới. Đó là điếu thuốc thứ sáu kể từ lúc anh ở hàng cà phê ra.
Gần hết phố Mã Mây, người lạ mặt xuống xe và rẽ vào một cái ngõ hẻm bên tay phải. Phong tức khắc đến đó, gọi một đứa bé bán lạc đến gần bảo:
- Bé con, mày có bao nhiêu lạc?
Đứa bé chưa hiểu, anh hỏi nữa:
- Bán hết lạc trong hộp thì được mấy hào?
- Ông hỏi để làm gì?
- Tao hỏi để mua.
Đứa bé ngạc nhiên:
- Ông mua cả à?
- Ừ, nói mua lên, bao nhiêu?
- Nhưng mà...
- Chậc! nhưng cái gì? bao nhiêu, cứ nói đi. Năm hào? sáu hào? được không?
Đứa bé nói liều:
- Sáu hào!
- Đây, tao cho mày cả một đồng. Nhưng mày phải nghe tao dặn. Đừng đi bán lạc nữa, đứng yên đây, coi cái xe đạp này cho tao.. hễ có những người đi đến đây, ra ý tìm tòi thì mầy cầm mẩu thuốc là mà hút. Nhưng cứ để tắt, đừng châm. Hiểu chưa?
Đứa bé còn ngơ ngác chưa hiểu ra sao thì tờ giấy bạc một đồng anh nhét vào tay nó liền làm cho nó hiểu.
Không mất một giây, Phong vào trong ngõ hẻm.
Đo là thứ ngõ hẹp và bẩn, hai bên tường ép lại và như chạm trời.
Vào được độ ba chục thước thì có một đường rộng rẽ ngang. Phong ngạc nhiên vì còn thấy một dẫy nhà thấp ở đó. Hai, ba cái xe bò càng chổng ngược như những súng chĩa bắn tầu bay. Qua dãy nhà cửa đóng im ỉm, Phong đến một chỗ đường ngách nữa,và trứoc khi ra, anh đưa đầu nhìn qua chỗ khuất để xem tình hình. Người lạ mặt vội vã đi, chân bước quen trên mặt đường gạch gồ ghề và đầy những vũng nước.
Hắn đứng lại trước một cái cửa gỗ - một thứ cổng hậu đơn độc ở cuối bước tường dài đen những rêu.
Phong hết sức giữ gìn để khỏi lộ. Anh chỉ dùng một mắt ghé qua chỗ vách vỡ, cũng đủ dò xét cử chỉ của người kai. Phong nghĩ thầm:
- Sào huyệt của chúng đây rồi! hừ mình không ngờ câu chuyện lại giản dị thế. Cả một đảng tổ chức chu đáo, xuất quỷ nhập thần, thế mà rút cuộc lại để cho Lê Phong lừa được. Hai đứa rình Lê Phong đều mắc mưu Lê Phong: đứa phố Huế biết Lê Phong sẽ cải trang, đứa thứ hai đi theo người cải trang; kết quả rất thần tình, Lê Phong biết được chỗ mà chúng hết sức muốn giấu...
Phong mỉm cười:
- Ở đời chỉ cầu nghĩ nhanh một chút... nghĩ nhanh và làm nhanh..
Phong lắng tai. Người lạ mặt đằng kia sau khi nghe ngóng một hồi, đã bắt đầu lên tiếng báo hiệu. Nghĩa là gõ cửa. Phong đếm và hết sức nhớ lấy từng tiếng gõ: ba tiếng chậm, hai tiếng mau, rồi một lát ngắn, năm tiếng vừa nhanh vừa mạnh.
Rồi yên lặng.
Người lạ mặt Phong trông có vẻ quan trọng khác thường.
Trí Phong bỗng nảy ra nhiều ý nghĩ kỳ ảo cũng khác thường mà anh không kịp có thì giờ kiểm soát. Một sự gì vĩ đại sắp sẽ xảy đến. Một cảnh tượng quái lạ? một tai nạn hiểm nghèo?
Phong xem đồng hồ tay. Đúng hai phút đã qua sau những tiếng gõ cửa lúc nãy. Phong đang lấy làm lạ thì những tiếng gõ lại nhắc lại theo nguyên những dấu hiệu vừa rồi.
Chúng nó cẩn thận thực!
Phong vừa nghĩ thế thì nghe có tiếng then mở. Lòng anh hồi hộp, quả tim đập mau lên. Tiếng then gỗ lách cách đóng trong sự im lặng... Phong tìm được một tỉ dụ văn chương: then chốt của sự bí mật bắt đầu mở.
Sau khi người lạ mặt vào trong cổng, và sau khi cổng đã đóng lại, sự yên tĩnh có một nghĩa khác đối với Lê Phong. Trong trí anh, anh đoán từng bước chân đi của người anh theo dò, và những trường hợp có thể xảy ra ít lâu nữa.
Bốn giờ kém hai phút.
Phong nghĩ đến ba việc - ba đoạn trong kế hoạch của anh.
- Phải quyết ngay! Phong tự ra cho mình cái lệnh gọn gàng đó.
Anh bước lên những bước thứ nhất về phía cổng - những bước quan trọng! - và hứa sẽ dành nhiều sự kinh ngạc cho bọn Tam Sơn.
Phong mỉm cười, một nụ cười nhạt nhẽo, lạnh lùng và hết sức ghê gớm. Giữa những cảm tưởng hồi hộp, Phong có một sự tin vững chãi. Anh biết rất chắc chắn rằng anh sẽ thành công.
Phong bước được quá nửa đường rồi. Anh tiến thêm mười bước nữa. Bỗng - cạch một tiếng - then cổng vừa mở bởi một cái tay vô hình. Không mất một giây, Phong chạy vụt lên. Tiếng chân êm như những bước nhung của con mãn. Anh vừa kịp nép mình vào chỗ khuất, bên cạnh cổng và ở cuối ngõ, thì một người đàn ông thấp bé mặc hàng tím, lách mình ở trong cổng đi ra. Theo sau hắn, một người nữa, to béo và nặng nề, hai nắm tay hộ pháp nưng nức những mỡ. Một câu chuyện rất nhanh lên tiếng ở hai cái miệng vội vã:
- Mười lăm phút đấy.
- Được.
- Đi lối ngách. Khẩu hiệu: phim hay lắm, thế nào cũng đi xem.
- Phim hay lắm, thế nào cũng đi xem. Còn gì nữa?
- Không.
- Ai xử Đông Thanh?
- Bằng. Thôi đi đi. Trời đẹp nhỉ.
- Trời đẹp nhỉ.
Câu sau cùng, Phong hiểu là một tiếng chào; anh cũng nghĩ thầm: trời đẹp không biết chừng nào, còn cái phim thì hay đến tột bực.
Mọi việc xảy ra đều như chiều ý Lê Phong. Người thấp bé khi khỏi rồi - hắn đi ra lối ngõ Mã Mây - Phong thấy người to béo còn đứng lại, viết hí hoáy trên mặt cổng. Anh đợi cho hắn xong việc, sắp sửa trở vào, thì kêu lên một tiếng.
- Úi dà!
và lao đao ngã gục xuống lối đi.
Người to béo mở to mắt nhìn rồi lại gần cúi xuống xem, cố tìm hiểu xem đứa nào là đứa này mà lại lăn vào đây để ngã. Phong không để hắn nghĩ kỹ, xuất kỳ bất ý, anh đứng thẳng dạy cùng với sáu mươi nhăm cân nặng trong hai nắm tay, Phong tính đúng lạ lùng, hai nắm tay ấy vấp hùng dũng dưới cằm khiến hắn nằm thẳng dưới chân anh, không kịp kêu một tiếng.
Phong vội vã giáng sức kéo hắn về một chỗ rất kín đáo, nhưng rất bất tiện cho sự nghĩ ngơi.
- Anh chịu khó nằm đây nhé, chỗ này không được thơm tho lắm, nhưng không hề gì. Ngủ độ một vài giờ ở chổ này cũng đỡ mệt.
Phong nhìn hơi thở trên cái bụng phương phi:
- Thở đều, ngủ ngon giấc. Nhưng muốn cho anh không bị những tiếng động quấy rối, tôi xin biếu anh vị thuốc này.
Phong rút khăn tay, lấy một lọ thuốc mà anh đem theo phòng những trường hợp này, nhỏ vào độ bốn, năm giọt và cẩn thận đậy lên mặt người bất tỉnh.
Phong vừa xoa tay vừa nói:
- Ba giờ nữa ngài cũng còn giấc, bỉ nhân tha hồ thế chân ngài.
Rồi ranh đi lại trước cổng, đọc hàng chữ phấn viết lên đó, mỉm cười, rồi ung dung đẩy cổng bước vào.
Đưa mắt một lượt, Phong hiểu rằng chàng có toàn quyền ở chỗ này - không thì ít ra cũng có toàn quyền trong một khoảng nhỏ. Người to béo ấy là một tên gác cổng sau của bọn gian phi. Một tờ nhật báo gấp tư, một ly nước con và một vài mẩu thuốc là trên mắt đất ẩm, bên cái ghế gỗ. Bằng ây thứ tỏ ra người đàn ông giữ chức phận đã lâu lắm và còn phải ngồi ở đó lâu hơn. Trước khi dò xét bên trong, anh hãy cài then lại, đứng nghe ngóng tình hình.
Một sự yên lặng lạnh lùng vẫn ám một cách hỗn độn. Chỗ Phong đứng là một cái bếp lâu không có lửa. Màng nhện nặng những bụi chằng chịt ở những đụi gỗ đen ngòm. Trước bếp là một cái sàn gạch xanh lê những rêu. Cây cỏ mọc len vào những khoảng nẻ nứt lớn. Chân tường gần một cái cửa tối, những sắt cũ, những mảnh giường gãy, và các thứ đồ dùng hư nát chồng chất lên nhau.
Cái cửa tối dẫn vào một căn nhà sau mà Phong biết là bỏ không, và từ căn nhà ấy trở lên, Phong đoán chắc còn nhiều căn như thế nữa. Phong tính nhẩm một vài phút những bước mình sẽ tiến. Rồi, sau một cái nhếch mép có rất nhiều ý nghĩa, Phong bước vào căn nhà đầu tiên.
Toàn một thứ bóng tối mù mờ. Một vài tia sang yếu ớt chiếu vào từ cái cửa bên kia, và ở phía trong tường, từ một vài khe cửa sở nứt. Qua một sân nữa, cũng hoang vắng như sân trước, rồi lại qua một gian nhà tối nữa. Phong đến bên một cái thang gạch dẫn lên một từng nhà.
- Lên!
Phong thầm giục mình thế.
Rồi anh tự vâng lệch.
Anh tới một căn gác tối hết sức, và rất hẹp. Có lẽ đó là một lối đi. Nghe ngóng một lúc lâu, Phong thấy như có tiếng sì sào, không rõ ở gần hay xa. Anh rón rén, đưa tay sờ lần, để men về phía có những tiếng khả nghi đó.
Một ánh đèn sáng mờ mờ đưa ra một lối rẽ. Đó là một cửa ngách dẫn tới những căn phòng có đèn.
Phong dò giữ đến bên.
Anh đưa đầu nhìn vào. Và quả tim đập mạnh.
Sau một lối mờ sáng bởi một ngọn đèn nhỏ trên trần nhà là một cái cửa đóng. Hai bên lối đi toàn bức tường ngăn.
- Đây rồi!
Câu đó Phong nghĩ thầm. Nhưng nếu anh nói lên, có lẽ không ra tiếng, Phong nuốt nước bọt cho đỡ khô cổ, và đi lại bên cánh cửa: anh sẵn sàng để đón các sự nguy nan.
Nghé một mắt sau khe gỗ nứt, Phong đứng nhòm vào. Tuy đợi đến các sự ngạc nhiên phi thường, Phong cũng vẫn sửng sốt.
Sau bức cửa gỗ đó là một gian phòng rất sang, trang hoàng hết sức lịch sự. Tường sơn vàng, sàn trãi thảm quí. Một hai chiếc ghế kiểu mới toàn bằng gỗ, kê vừa phải bên một cái dương nệm nhung hoa.
Bốn người đàn ông ăn mặc rất sang ngồi chung quanh một cái bàn thấp kê ở một bên, và sau bàn trên một cái ghế bành to, một người thiếu phụ đẹp một cách dị thường, đang yên lặng đọc một tờ báo.
Chỗ Phong đứng là chỗ rất tiện để quan sát. Bóng tối hoàn toàn vây phủ như có ý giấu hẳn người phóng viên, Phong không lo bị ai bắt gặp nếu có người chợt đi qua. Anh cũng không cần dè giữ lắm. Bọn người trong phòng ra chiều không ngờ rằng có anh đứng đây. Đó là điều vừa làm cho anh bằng lòng, lại vừa làm cho anh hơi ngạc nhiên: anh không ngờ vào được hang hùm dễ dàng đến thế.
Khe hở vừa đủ rộng để Phong trông thấy đủ cái vai trò của tấn kịch bí mật đó. Và chỗ anh nấp cũng đủ gần để anh không bỏ qua một lời nào bên trong. Tờ báo người thiếu nữ giở sang trang nghe sột sọat tiếng giấy rất rõ. Vì thế Phong lại chú ý đến sự yên lặng đặc biệt của giây phút bấy giờ. Vừa rồi, lúc sắp tới đây, anh còn nghe thấy sì sào, nhưng lúc này mọi người hình như ngóng đợi một điều gì, một lời nói, một cử chỉ, một hiệu lệnh quan trọng. Tất cả đều đạo mạo; trong phòng không khí im phăng phắc. Một bức tranh kỳ dị mà trong đó chỉ có một người cử động: đó là người thiếu nữ. Song chính người ấy cũng cử động rất nhẹ nhàng.
Tình thế ấy gây nên bởi đâu? Phong không phải nghĩ nhiều. Đo là vì cái tin trong tờ báo. Báo đó là Thời Thế và cái tin đó là bài tố cáo của Lê Phong.
Hai con mắt rất đẹp và sắc sảo của nguồi thiếu nữ đang lặng lẽ đưa trên hàng chữ in. Phong tính đến những đoạn, những giòng cô ta đọc... không thế nào biết được những cảm tưởng của con người khó hiểu ấy. Trên khuôn mặt thanh tú không để lộ một vẻ gì khác thường.
Nếu không ở trường hợp như Phong, và nếu ai khac nhìn cảnh tượng này, có lẽ tưởng đó là một cuộc hội họp tao nhã. Nhưng vẻ hiền hậu lịch sự ấy chỉ là bề mặt ngoài của một hội nghị gớm ghê. Phong thấy, cùng với cái ý tò mò chăm chú đặc biệt, một thứ cảm tưởng kính phục ngự vào tâm hồn. Sự vô lý đã có thực ở nước Nam. Giữa cái xã hội chất phác này đã có một thiên truyện phức tạp. Một người đàn bà, đứng đầu một đảng lớn, có những phương pháp siêu đảng và những thế lực khó lường.
Người đàn bà ấy, Phong trông thấy đây mà Phong vẫn còn ngờ ngợ.
Nhưng đó là sự thực, sự thực nhãn tiền.
Sắc đẹp của người thiếu nữ ở đây có một vẻ trang trọng nguy hiểm. Trong cái ghế bành lớn, cô ngồi bắt chân chữ ngũ, và có một dáng quí phái vừa kiêu hãnh vừa dịu dàng.
Thong thả đặt tờ báo xuống, người thiếu nữ nhìn một người gần đó, mắt hơi nhíp lại và miệng như mỉm cười. Một lúc lâu cô ta mới nói:
- Một bài đại luận, hay lắm, nên phải lấy ngay về.
Giọng nói ôn tồn, nghe ấm và vang xa. Phong rùng mình lên như thấy một luồng điện kỳ lạ, vì anh nhận thấy, trong cái giọng dịu dàng đó, một ý quyết liệt chưa từng thấy ở một người đàn bà. Cô ta nhắc lại, đầu nhè nhẹ gất gù:
- Phải, ta nên lấy ngay về... Tiếng vang ấy đi xa chưa có lợi cho ta mấy... có ai có ý kiến gì không?
Đáp lại, câu hỏi cô ta là sự im lặng. Năm người chỉ đưa mắt nhìn nhau. Người thiếu nữ cười:
- Không ai có ý kiến gì? vậy mà việc xung không khó khăn lắm.
rồi ngoảnh mặt lại phía trái, cô ta hỏi:
- Báo Thời Thế ra bao nhiêu số?
- Hai vạn rửoi.
- Không đắt lắm, phải không?
Người kia không hiểu, vẻ lúng túng của hắn lại làm cho người thiếu nữ mỉm cười:
- Nghĩa là không bắt ta tiêu tốn lắm. Tôi muốn cho ngày hôm nay báo Thời Thế số này không lọt được ra ngoài.
Cô ta lấy sổ tay đưa mắt qua, rồi tiếp:
- Hai vạn rưởi, được lắm. Các anh nghe đây; tức khắc năm cái tay đã sẵn sàng năm cái bút chì, cử chỉ rất nhanh nhẹn khiến Lê Phong ngạc nhiên. Anh bắt đầu thấy oai quyền của người đàn bà và sự phục tùng của những người ma anh chắc là bọn bộ hạ.
Tiếng người thiếu nữ vẫn êm dịu, tương phản rõ rệt cái mệnh lệnh gọn ghẽ sau này:
- Ba anh: Thích, Thám và Thược cầm một ngàn bạc đi mua hết các số báo Thời Thế ra hôm nay. Mua hết, không để lọt ra một số nào. Những báo gửi đi các nơi cũng phải thu lấy cho bằng được.
Ba cái miệng cùng vâng một tiếng đều.
- Anh Thăng và anh Thược bé đi phụ cho mấy người kia. Dùng hết cách mà lấy báo về cho tôi, dù phải làm mạnh cũng đừng ngại.
- Vâng.
- Đưa cho chủ nhiệm Thời Thế một bức thư số sáu.
- Vâng.
- Và một giờ sau đưa bức thư số ba.
- Vâg.
- Sau bức thư số ba, anh Thái sẽ đợi chủ nhiệm Thời Thế ở nhà riêng, khoảng từ sáu rưỡi đến bảy giờ.
- Vâng.
- Và bảo hắn ta trả lời ngay: không được nhắc tới chúng ta nữa. Hai chữ Tam Sơn sẽ là tiếng huý phải kiêng.
- Vâng.
- Nếu trái lệnh thì tức khắc hạ thủ.
- Vâng.
Câu nói và câu đáp cùng có một vẻ tự nhiên rất giản dị. Người thiếu nữ lại mỉm cười:
- 7 giờ 30 tối hôm nay các anh cho tôi biết kết quả. Bây giờ anh Thược nói cho tôi biết câu chuyện Lê Phong.
Phong chú ý nhìn thì anh Thược chính là người thiếu niên đến nhà anh lúc trước. Hắn ta dọn giọng như người thí sinh trước ông giám khảo:
- Mọi việc đều đúng như chị đã định. Lê Phong tỏ ra thái độ khẳng khái và không chị nghe theo một điều kiện nào của ta. Ngay lúc ám sát xong Nguyễn Bồng, Lê Phong đã đưa tin về Thời Thế. Tôi đứng rình nghe được lúc hắn nói điện thoại và đã báo tin cho chị ngay.
- Đối với sở mật thám, cái chết của Nguyễn Bồng có gì khả nghi không?
- Không, Nguyễn Bồng chết tự nhiên như người gặp tai nạn thực. Ba Sang ăn mặc giả làm ngườii thợ mộc đứng bên nó. Lúc nó nhìn lên toa trước, thấy tôi đứng với Thiệp thì hiểu ngay, nhưng nó chỉ để phòng có chúng tôi vì thế Ba Sang không bị nó chú ý. Xe đến phố Huế, trước chợ Hôm, nó toan trốn, nhưng Thiệp nhảy xuống theo nó coi chừng và phải đợi lúc khác. Xe chạy, Thiệp và tôi lại lên. Lúc bấy giờ vừa đúng 11 giờ 15. Chúng tôi thấy nó cuống cuồng lên, lo sợ ra mắt. Thiệp liền ra hiệu riêng còn tôi, tôi rút con dao giơ ra ngoài và đọc bản án xử tử nó bằng những dấu riêng mà nó vẫn nhớ. Bồng càng khiếp sợ, vội vã bước xuống trong lúc xe bắt đầu chạy. Ba Sang vẫn chờ cơ hội, liền đứng vướng lối của nó và làm như người vô tình, dẫm mũi giầy lên gấu quân nâu của Bồng... việc làm nhanh và nhậy. Ai cũng tưởng là một sự rủi ro.
Lúc người thiếu niên thuật lại cuộc gặp mặt ở nhà Lê Phong,thì người thiếu nữ nghe một cách bình tĩnh,nhưng khi đến đoạn Mai Hương vào thì nét mặt bỗng đổi khác.Phong nhận thấy,tuy chỉ trong giây lát rất ngắn,một vẻ căm tức hờn giận vụt thoáng qua.Người thiếu nữ cười gằn:
-Mai Hương...Hừ,Mai Hương cũng muốn dúng tay...
Nhưng giọng nói lại trở lại ôn tồn,cô ta hỏi:
-Bây giờ đến vụ Đức Thiệu,nhà này có năm mươi sáu vạn trong két và rất nhiều đồn điền.Đến mười hai giờ đêm nay hắn phải trao cho ta mười hai vạn.Hắn sợ,nhưng chỉ xin đưa có nửa số tiền.Các anh nghĩ thế nào?
-Hãy cứ nhận thế...
Đó là một câu trả lời của một vài người.Nhưng người thiếu nữ lắc đầu:
-Không nhận một xu nhỏ nào hết.
Rồi,không để cho bọn kia có thì giờ hiểu,cô ta đưa ra mãnh giấy con:
-Đây là bản nháp bức thư gửi cho người chủ hiệu vàng bạc này.Anh Thạch đánh máy và đưa đến ngay không sai nữa phút.Lúc đó Đức Thiệu ngồi ở hàng cơm Á Đông,ăn mặc giả làm người khách,theo sự điều tra riêng của tôi.Hắn ngồi đợi nói chuyện với viên chánh Liêm phóng.Đức Thiệu một mặt giả vờ điều đình với ta về việc đưa tiền,một mặt hẹn đến hàng cơm Á Đông để bàn tính với viên chánh Liêm phóng là người bạn quen với Thiệu.Thiệu tuy định tố cáo bức thư nặc danh nhưng vẫn chưa biết rõ thế lực và đường lối hành động của ta.Đối với hắn,ta là một sức vô hình nhưng hắn còn tưởng có thể thoát được...Vậy,tám giờ tối nay,sở Liêm phóng sẽ bắt đầu can thiệp nếu ta không đề phòng...
Một vài tiếng rụt rè hỏi:
-Nhưng tám giờ họ bàn nhau mà tám giờ kém năm ta mới đưa thư thì...
-Thì e chậm quá phải không?Các anh chưa nghĩ kỹ...
Người thiếu nữ ngừng lại,đưa đôi mắt rất tinh nhanh nhìn khắp một lượt rồi lại mỉm cười.Mỉm cười hình như là một thói thông thường mà người thiếu nữ ưa dùng trong khi nói những chuyện quan hệ.Cô ta tiếp:
-Tám giờ kém năm nghĩa là trước lúc họ bàn nhau những năm phút.Năm phút đó là điều kiện cốt yếu và vừa đủ cho phương lược của ta.Vì thế nên tôi mới dặn:tám giờ kém năm,không sai nữa phút.Đây tôi nói rõ các anh nghe.Đức Thiệu một đằng gờm ta,một đằng định hại ta,sợ ta,phải cải trang để hẹn nhau với viên Chánh Liêm phóng.Hắn chắc ta không biết,và bức thư của ta đưa cho hắn năm phút trước nkhi toanh tính một việc sẽ làm cho hắn kinh hoàng và đổi ý kiến ngay tức khắc.Các anh hẳn cũng biết trước kết quả.Câu chuyện mà hắn định bàn với viên Chánh Mật thám sẽ phải theo đúng bức thư này:
Các anh nghe tôi đọc nhé:
"Ông Đức Thiệu.Tám giờ tối nay ông gặp ông Chánh Mật thám là một điều bất nhã đối với chúng tôi.Sự bất nhã ấy chúng tôi không dung thứ được.Nhưng ông còn tìm cách chuộc lỗi,là đừng đả động gì đến việc "tống tiền ".Ông sẽ tìm lối nói với ông Chánh Mật thám cho khéo để khỏi bàn đến chúng tôi.Nếu ông không nghe lời thì sẽ thấy sự tai hại cho ông ngay đêm nay.Ông sẽ bị thiệt mạng và số tiền ông không muốn trao cho chúng tôi cũng sẽ mất.Muốn cho ông không ngờ vực gì về cách hành động cẩn mật của chúng tôi,xin ông hãy trông kỹ hai người mặc lễ phục ở gần lối cửa vào và đang ngồi uống rượu ngọt..."
Người thiếu nữ cắt nghĩa thêm:
-Hai người đó là hai anh lanh lợi ở hộ thứ ba.Lúc chiều tôi đã dặn dò cẩn thận.Bức thư này anh Thạch sẽ đưa tới đúng giờ đã định và sẽ thấy bộ mặt đỏ của ông Đức Thiệu tái đi.Anh Thạch sẽ hỏi: "Thưa ông,ông định thế nào? "và cầm đồng hồ ở tay,cho ông ta một phút để nghĩ.Anh Thạch nhớ chứ?
Người tên Thạch gật đầu:
-Vâng.
Người thiếu nữ xem đồng hồ
-Bây giờ đến việc nhà.Trước hết tôi hãy tính công (người thiếu nữ mỉm cười) rồi sau sẽ đến những lỗi đáng trách.
Người thiếu nữ vẫn giữ nguyên một nụ cười,khi nói câu sau,nhưng đôi mắt lạnh lùng có một vẻ nghiêm nghị đáng sợ.
-Anh Thuợc,anh Thắng sẽ cầm tám thẻ còn anh Thạch cầm năm.Sau khi đến hiệu Á Đông,anh sẽ lấy ba thẻ nữa,nếu việc thành công,còn nếu sơ suất thì...như luật đã định,chúng tôi không dùng anh được nữa.
Mấy người đàn ông chia tay nhau những tệp giấy bạc mà người thiếu nữ vừa lấy trong ví ra.Công việc rất thản nhiên,không vui mừng,và cũng không ân hận.Phong chú ý thì thấy mỗi thẻ mà người thiếu nữ nói lúc nãy là năm đồng.Phong hiểu rằng họ trả công nhau từ năm đồng (một thẻ) trở lên,nhiều ít tùy theo công việc nặng nhẹ.
-Xong việc biết ơn của tôi (lời người thiếu nữ) tôi xin tính đến việc trách phạt.
Phong chợt thấy một sự lo lắng như vừa ám đến.Câu nói ôn tồn của người thiếu nữ khiến cho năm bộ mặt đổi khắc hẳn đi.Anh chưa hiểu tại sao,chỉ phảng phất đoán sẽ có sự phi thường sắp xảy tới.Người thiếu nữ tiếp:
-Trong việc hành động của đảng Tam Sơn,kỷ luật phải giữ hết sức khe khắt,các anh vẫn hiểu.Bổn phận tôi - và bổn phận các anh - là phải theo đúng từng điều.Tam Sơn đứng vững được bấy lâu,hành động được im lặng và chu đáo đến thế là nhờ ở các anh có tài mẫn cán,cũng nhờ cả ở sự trọng kính những kỷ luật của chúng ta.
Những lời nói rất dịu dàng ấy gây nên một điều rất trái ngược lại làm không khí mỗi lúc một lạnh lùng thêm.Trong sự im lặng nặng nề người thiếu nữ thở một tiếng dài,xem xét ảnh hưởng câu nói của mình trên những bộ mặt lúc đó đã thành trơ như tượng.Một lát,sau tiếng thở dài nữa,cô ta khe khẽ gọi:
-Anh Thường.
Người đàn ông ngồi phía trái cô ta bỗng giật mình lên,đôi mắt mở to,hoảng hốt.
-Anh Thường.Xin anh trả lời cho các anh em đây nghe câu hỏi này.Kẻ định tâm phản bạn có ở trong đảng Tam Sơn được không?
Thường đáp không ra hơi:
-Không.
Thiếu nữ gật đầu,nhếch một bên môi,đôi mắt nhíu lại một chút:
-Không ở trong đảng được nghĩa là phải ra khỏi đảng,phải không anh?
Tiếng "vâng "cũng nói ra như trong một hơí gió.
-Phải ra khỏi đảng,anh Thường nhỉ,nghĩa là phải thành người không hại anh em...Và thế nghĩa là phải chết...Có phải thế không anh?
Thường nhắm miệng lại,nuốt nước bọt một cách khó nhọc,Phong trông thấy cái yết hầu cử động rất rỏ dưới cổ anh ta.Người thiếu nữ lại hỏi:
-Có phải thế không anh?
Thường mới rụt rè đáp:
-Phải.Nhưng...tôi không hiểu tại sao...
-Tại sao tôi lại hỏi anh câu đó phải không?Tại sao ư?Tại tôi muốn xem anh có nhớ luật lệ không,và có lẽ cũng tại một vài cớ khác nữa.Đây tôi xin hỏi;những bản thảo trong giấy má bí mật của đảng ít lâu nay mất nhiều tờ quan trọng,anh có biết ai lấy không?
Thường trả lời không,nhưng vẻ mặt khuynh loạn của anh ta cho mọi người biết là anh ta nói dối.
-Hừ! Anh không biết? Có lẽ anh cũng không biết những chỗ ta tụ họp,những phố ta lấy làm nơi hẹn hò,với những số điện thoại,những bản chữ bí mật...tất cả những giấy má ấy có lẽ anh hkông biết có người vẫn để ý sưu tầm;Anh không biết nhưng chúng tôi biết.Chúng tôi lấy làm lạ rằng sao những vật đó lại ở trong phòng số 7 là phòng của anh...Dù các giấy má quan hệ và những đường lối, thời khắc,và những ước khoản của bọn ta...Các thứ đó đều ở phòng anh,trong một cái hộp đồi mồi đựng thư tình,và để dưới đáy tủ,cho không ai chú ý:Điều đó chứng tỏ anh có một ý tưởng không thân thiện đối với anh em nhà.Anh súc tích việc tố giác bạn hữu trong lòng và đợi dịp tốt để hại cả một đoàn thể...Ít lâu nay,anh bị dò xét mà không ngờ.Anh đi đâu giao tiếp với ai,thư từ đi đâu con mắt Tam Sơn trông suốt được cả.Anh đả biết Tam Sơn làm việc gì cũng có đủ tang chứng.Tam Sơn biết cử động của anh rồi,vậy Tam Sơn phải khuôn xử.
Nàng cười một cách ghê gớm,giọng nói vẫn lưu loát êm dịu ôn tồn.Phong thấy người thiếu nữ có một năng lực phi thường để chỉ huy trong bọn người bí mật kia...Anh vừa thù ghét vừa cảm phục thầm.Và trong lúc đang có những cảm tưởng khiến anh ngạc nhiên cho lòng mình thì nghe một câu gở lạ:
-Anh em,xin đứng cả dậy để chào anh Thường lần sau hết.Anh Thường sẽ tự xử,để tránh cho anh em một chút mất thì giờ.
Bốn người như bốn cái bóng lặng đứng dần lên.Trừ có một Thường.Có lẽ anh ta khiếp sợ quá không cử động nữa.Một người đến bên để dìu anh ta dậy nhưng người thiếu nử can lại:Thường chết rồi.
Thuốc độ ngấm nhanh thực (lời người thiếu nữ)mà Thường cũng biết điều.Việc phản phúc của anh ấy mới chỉ là một ý nghĩ một lúc khởi đầu.Thường hiểu là đến thế thì không còn mong gì.Đó là số phận của kẻ bội phản...
Cô ta đưa ngón tay ấn lên một cái khuy điện ở thành ghế.Hai người lực lưỡng ở một căn buồng khác mở cửa bước vào.Trông thấy cái xác cứng đờ ở đó,hai người không kinh ngạc,lẳng lặng khiêng đi.
Người thiếu nữ thở một hới dài,khoát tay như cố đuổi một ý nghĩ âm u,rồi tiếng cười nói lại trở nên trong trẻo vui vẻ,cô ta ngoảnh nhìn ra cửa,phía Lê Phong đang ẩn.
-Bây giờ thì xin mời ông Lê Phong vào chơi!
Phong thấy lạnh toát cả mình.Anh sực hiểu ra rất nhanh.Cái nguy hiểm đến cũng rất mau chóng.Anh ngảnh nhìn lối anh vừa qua lúc nãy:hai người đàn ông tiến lên.Trên đầu anh,ánh sánh bỗng bừng lên trong một ngọn đèn điện.
Người thiếu nữ trong kia nhắc lại câu lễ phép:
-Mời ông Lê Phong vào chơi.
Ba giây đồng hồ để tính hết các việc nên làm,Phong chau mày,cắn môi dưới,ngoáy ngón tay lên một vòng không khí rồi mỉm cười.Anh chưa có một kế gì.Nhưng anh cũng vặn quả nắm mở cửa bước vào,cúi đầu trước người thiêú nữ và nhã nhặn lịch sự như vào một "phòng khách văn chương "...